57 - Xin bổ sung truyền thống "Quân tình"! - Vân Anh, SRTKL2: 236-238



Xin bổ sung truyền thống
“quân tình” ! 1


VÂN ANH thực hiện


refont.com - Glitter texthi chiến tranh đã đi qua, lúc đã rời quân ngũ thì những người lính, dù ở phương trời nào, vẫn tìm đến với nhau. Chúng tôi thường nói: “Tình thương yêu giữa những người lính còn hơn cả anh em ruột thịt!”. Những chuyện đẹp về tình cảm ấy thật là nhiều, kể sao hết! Quên sao được khi giờ đây, vẫn có những đồng đội đang mải miết nơi rừng sâu, núi cao hay chiến trường năm xưa, để tìm về cho gia đình hài cốt của bạn mình. Bỗng trong tôi văng vẳng lời bài ca, có một thời chúng tôi vẫn cùng hát:

Đêm hè về ánh trăng vàng chiếu khắp thôn làng
Chiến trường không còn tiếng súng xưa hờn oán
Giờ này anh về đâu,
hỡi người bạn cũ cùng binh đoàn,
đã tiếp bước cùng ta trên quãng đường xa?

Nếu giờ này bạn hiền còn thiếu một gia đình,
Xin bạn đừng ngại ngùng về chốn quê tôi
Miền đồng quê phì nhiêu,
nông trường lời hát hoà êm đềm
Có nhiều cô đẹp như khúc ca ban chiều 2

 * * *

 Quân đội Nhân dân Việt Nam được nhân dân gọi với cái tên trìu mến “Bộ đội Cụ Hồ “. Trải qua hai cuộc trường chinh, kháng chiến và bảo vệ Tố quốc, quân đội ta đã xây dựng được truyền thống tốt đẹp, luôn được ngợi ca, thực hiện tốt “quân phong - quân kỷ”. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và tác phong của những sĩ quan, chiến sĩ cùng kỷ luật trong quân đội luôn được coi là chuẩn mực nhất: Tác phong nhà binh, kỷ luật nhà binh!

Vừa qua, tôi đến thăm thầy giáo Nguyễn Đỗ - một cựu chiến binh ở Gò Vấp (thành phố Hồ Chí Minh), người thầy của lứa học sinh Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965- 1970). Trong niềm vui sau nhiều năm thầy trò mới gặp lại, thầy tâm sự: “Cả cuộc đời thầy theo cách mạng, thì hơn 50 năm khoác áo lính. Với quãng thời gian phục vụ quân đội, thầy nghiệm thấy, ngoài hai truyền thống “Quân phong, Quân kỷ”, thì bộ đội Cụ Hồ còn có truyền thống “Quân tình”… Em thử nghĩ!”

Sau khi tốt nghiệp, theo gương cha anh, theo gương thầy, chúng tôi cũng trở thành những người lính cách mạng. Thế hệ chúng tôi ngày ấy đã góp sức lực và xương máu, thậm chì cả tính mạng mình vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong tay tôi còn lưu giữ những bức thư của Nguyễn Lâm, một đồng đội, trước ngày hy sinh ở mặt trận Quảng Trị trong “Mùa hè đỏ lửa 1972”:

Ngủ trong rừng mắc võng chụm lại, đứa nào cũng muốn kể chuyện nhà cho bạn bè nghe. Tán như cuội. Lạ lắm, trong đêm, không đèn đóm thì dùng pháo sáng thay đèn, tiếng cười nói hòa trong tiếng bom, thấy càng vui nhộn hơn. Lúc này, có ai có thể nghĩ tới cái chết cơ chứ! Chiến trường đã đảo lộn hàng loạt thói quen sinh hoạt của chúng em. Thức về đêm, ngủ ban ngày, tăng võng thay giường chiếu, tình đồng đội thay cho tình cảm gia đình, tiếng cười đùa thay cho sự ủ dột chết chóc. Em còn nhớ một câu thơ của ai đó: “Thấy quê hương qua tiếng cười đồng đội”.

Có thể nói một cách chắc chắn rằng, trong cuộc sống khó có được tình cảm giữa người với người giản dị hơn, chân thành hơn, thân thiết hơn, trong sáng hơn và đẹp đẽ hơn tình cảm của những người lính với nhau. Nên chăng cần bổ sung thêm truyền thống “Quân tình” cho anh bộ đội Cụ Hồ?

Nhớ tới đồng đội nhân 27-7-2003.
V.A





1- Bài đăng trên Báo Cựu chiến binh TPHCM số 151 (75) ngày 5-8-2003.
2- Lời Việt bài ca Nga sau Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1945 “Những người lính cùng binh đoàn”.