15 - Cùng nhau làm việc nghĩa tình - Trần Kiến Quốc K5, SRTKL2: 71-75



Cùng nhau làm việc nghĩa tình


KIẾN QUỐC

refont.com - Glitter textáng thứ Bảy, 26 tháng 7, tôi nhận được tin nhắn từ Hà Nội của Hữu Thành (khóa 4): “Gia đình đã chuyển hài cốt liệt sĩ Vũ Chí Dũng từ Sa Thầy (Kon Tum) về Hà Nội. Sáng mai, 7 giờ 30, sẽ tổ chức truy điệu tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển”. Vừa đọc xong, nước mắt đã giàn giụa: Thế là anh em Trỗi lại vừa làm được một việc nghĩa!

Xúc động nhớ lại, sau khi cuốn “Sinh ra trong khói lửa” được phát hành, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng những người tham gia biên soạn vẫn thấy áy náy. Dường như vẫn thấy thiếu nhiều điều cần nói; đặc biệt, nhiều liệt sĩ chưa có mặt! Chúng tôi vẫn trăn trở… Luôn nhớ, ngày ở trường, chúng ta đã thương yêu nhau hơn cả anh em ruột, khi xa nhau vẫn vậy. Nếu biết phát huy sức mạnh tập thể thì nhất định sẽ tìm kiếm được nhiều thông tin về các liệt sĩ còn vắng! Và chúng ta đã làm…

Trước Tết Nhâm Ngọ (2002), Tăng Tiến (khóa 8) gọi điện vào báo tin: Khóa 6 còn một liệt sĩ chưa có tên trong danh sách, đó là Đặng Bá Linh, hy sinh ở Quảng Trị 1972. Đồng đội của Linh ở sư 330-338 đang chạy thủ tục, để anh được truy tặng Kỷ niệm chương “Thành đồng Tổ quốc”. Đầu hè năm ấy, đại diện thầy trò ở thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm và chuyển kỷ niệm chương cho gia đình. Đây là một vinh dự không chỉ cho gia đình mà còn cho cả nhà trường! Hôm đó, Ban Liên lạc phía Nam cùng đại diện khóa 2, khóa 6 và Tăng Tiến đã có một buổi họp mặt thú vị. Thật bất ngờ, người ra đón đoàn lại là Đặng Quý Lai, anh trai Linh, học sinh khóa 2 trường Trỗi!

Sau đó, việc tìm kiếm thông tin các thầy trò liệt sĩ được tiếp tục triển khai. Từ hồ sơ của các thầy ngoài Hà Nội gửi vào, ta biết thêm được thầy Nguyễn Đăng Đạo, cán bộ quản lý học sinh khóa 8, đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ.

Nhân Ngày thương binh, liệt sĩ năm ấy, anh em khóa 6 đã đến thăm gia đình liệt sĩ Chu Tấn Quang. Mẹ Quang và em trai đón chúng tôi như đón Quang trở về. Cô trăn trở, đã 30 năm rồi mà vẫn chưa tìm được mộ Quang. Một kế hoạch phối hợp với gia đình tìm mộ liệt sĩ được vạch ra. Dương Thái Biên đã liên hệ với nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Có di ảnh của Quang, cô đã thắp hương và “nói chuyện” với liệt sĩ. Theo “chỉ dẫn” của Quang, cô đã vẽ lại sơ đồ nơi anh đang nằm. Quang còn “nói”, rất mong gia đình và bạn bè tìm đến. Tấm sơ đồ đã được chuyển cho gia đình và chờ ngày tổ chức đi tìm mộ.

Vào dịp Quốc khánh mùng 2 tháng 9 năm 2002, qua bạn bè mà Ban Liên lạc khóa 5 tìm được Đỗ Tấn Mỹ, sau hơn 30 năm thất lạc. Từ Tấn Mỹ và Tô Văn Hoành, chúng ta có được thông tin chính xác về sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc. Anh đã anh dũng hy sinh tại thành phố Vinh, ngày 10 tháng 10 năm 1968, khi chỉ còn ba tuần lễ nữa là giặc Mỹ phải tạm ngừng ném bom trên miền Bắc! Ngay sau đó, Ban liên lạc phía Nam đã phát động anh em cùng đóng góp, lập sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sĩ. Trong buổi họp mặt cuối năm, anh em khóa 5 đã góp được 1,4 triệu đồng gửi ra Hà Nội cùng với 1 triệu của các bạn khóa 4 và 150 Euro của ba bạn (Hoàng Quang, Tôn Gia Quý, Phạm Võ Hùng) ở Cộng hoà Liên bang Đức gửi về.

Tiếp sau đó, Hoàng Anh (khóa 6) gửi bài cho chúng tôi, báo tin trong danh sách liệt sĩ còn thiếu liệt sĩ Nguyễn Mạnh Minh của khóa 6. Thông qua Mạnh Quang (khóa 4), anh trai Minh, chúng ta dần có những thông tin của Minh. Hiện bạn đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và hè năm nay (2003), cô giáo Bích Liên (em gái Nguyễn Đức Cảnh (khóa 6), đang sống tại Quy Nhơn) đã thay mặt các anh trường Trỗi ra viếng thăm anh Minh. Đây là một câu chuyện cảm động! Qua Liên, chúng tôi có được điện thoại của chị Hồng, người quản trang, chăm nom phần mộ của Mạnh Minh và đồng đội. Nối máy được với Nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi đã nói chuyện và chân thành cảm ơn chị. Xin chị hãy coi chúng ta như những người bạn quen biết từ lâu! Là một cựu chiến binh thời chiến tranh biên giới, chị rất mộc mạc, giản dị, sẵn sàng đảm nhận phần việc chăm sóc mộ phần của Minh và hàng nghìn đồng đội của anh!

Để chuẩn bị xuất bản cuốn sách, Ban biên tập (lần này, sách do toàn trường xuất bản nên dùng cụm từ này hợp lý hơn!) đã vận động anh em đến từng gia đình xin tư liệu, thư từ, di ảnh của các liệt sĩ. Qua những lần gặp gỡ lại có thêm nhiều thông tin quý báu. Chúng ta đã có trong tay những lá thư từ mặt trận gửi về của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Chu Tấn Quang, Nguyễn Mạnh Minh, Nguyễn Lâm, Y Hòa, Bùi Thọ Tuyến, Lê Minh Tân… Trong việc làm này, Tạ Việt Chiến (khóa 3), Nguyễn Hữu Thành (khóa 4), Lê Hoà Bình, Hoàng Chương, Y Nguyên, Tô Văn Hoành (khóa 5), Lê Trí Dũng, Nguyễn Thắng Lợi, Hồ Bá Đạt (khóa 8)… là những bạn nhiệt tình đóng góp cho công việc chung. Xin cảm ơn các bạn!

Đặc biệt, xin cảm ơn các gia đình liệt sĩ đã bảo quản, giữ gìn và tin tưởng trao cho chúng ta thông tin và di vật của liệt sĩ!

Và hè năm nay, khi Báo Tuổi trẻ vừa phát động cuộc tìm kiếm “Những lá thư thời cứu nước” thì Ban Liên lạc phía Nam là người tham gia sớm nhất. Chúng tôi xác định, đây là chiến dịch quảng bá, làm vẻ vang tên tuổi 28 anh hùng, liệt sĩ và tô đẹp thêm truyền thống trường Thiếu sinh quân chúng ta. Những bức thư của liệt sĩ Mạnh Minh đã vinh dự được Tuổi trẻ cho lên khuôn ngay loạt bài số 1! Tiếp sau đó, những lá thư của liệt sĩ Nguyễn Lâm, Y Hoà được đăng tải vào dịp 27 tháng 7.

Gia đình các liệt sĩ luôn coi chúng ta là một đầu mối để liên hệ tìm kiếm. Đây là một vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm! Còn bao nhiêu liệt sĩ của chúng ta chưa tìm được hài cốt, có những liệt sĩ tìm được rồi nhưng vì nhiều điều kiện đang từ có danh mà trở thành khuyết danh. Bao nhiêu năm rồi mà nỗi đau ấy vẫn còn day dứt!

Mới đây, gia đình và đồng đội của liệt sĩ Võ Nguyên Trọng (khóa 6) đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin mới về anh. Là lính sư đoàn 1, anh cùng đồng đội lăn lộn khắp các mặt trận thuộc dải đất cực nam Tổ quốc. Lần đó, anh bị trúng đạn pháo của địch. Đồng đội cố gắng cứu chữa nhưng vết thương quá nặng, không qua khỏi. Anh được chôn cất ở xã Dương Hoà, huyện Kiên Lương, gần Ngã ba Hòn Chông, tỉnh Kiên Giang. Hy vọng rằng với những thông tin này, chúng ta cùng gia đình sẽ tìm ra mộ phần của anh!

Năm rồi, các bạn khóa 4 ở Hà Nội đã phối hợp với chúng tôi để lấy được thông tin chính xác về mộ phần của liệt sĩ Vũ Chí Dũng từ sư đoàn 10 - Đoàn Đắc Tô (Quân đoàn 3). Dựa vào thông tin ấy, gia đình liệt sĩ đã đến tận Nghĩa trang liệt sĩ Sa Thầy đón bạn về Hà Nội. Đúng sáng ngày 27 tháng 7, Ban Liên lạc trường cùng đại diện các khóa và thầy Mạnh, thầy Bân (đại đội trưởng của Vũ Chí Dũng ngày ở trường) đã có mặt trong lễ truy điệu. Thế là sau 30 năm, bạn đã về với quê hương và gia đình. Thật là vui vì trong việc làm nghĩa tình này có sự đóng góp của anh em ta!

Cũng sáng 27 tháng 7, chúng tôi nhận được thông tin về “liệt sĩ út ít”– em Bùi Thọ Tuyến (khóa 8) - từ Lê Trí Dũng, bạn cùng khóa. Sau khi nhà trường kết thúc đào tạo, em về thị xã Thái Bình. Hè năm 1971, học xong lớp 8, em làm đơn bằng máu xin đi bộ đội. Vì tuổi đời mới 16 nên nguyện vọng của em bị từ chối. Không nản, Tuyến đã giục mẹ chuyển hồ sơ về huyện Đông Hưng. Em đi theo quân số của huyện, nhập ngũ về binh chủng đặc công và sau đó đi “B”. Ngày 23 tháng 3 năm 1974, chỉ còn hơn một năm là chiến tranh kết thúc, vậy mà em đã hy sinh trong một trận chiến đấu không cân sức. Bao nhiêu năm rồi, gia đình không hề biết đơn vị của em và nơi em yên nghỉ. Việc còn lại, chúng ta sẽ cùng gia đình tiếp tục làm…

Khi làm những việc này, anh em Trỗi luôn nghĩ, đây là trách nhiệm của những người còn sống vì, chỉ có sự hy sinh của những người con ưu tú của dân tộc, trong đó có các thầy, các bạn trường Nguyễn Văn Trỗi, thì chúng ta mới được sống hạnh phúc đến ngày hôm nay. Xin nghìn lần cám ơn các thầy, các bạn - những liệt sĩ của nhà trường!

 

Ghi chép nhân Ngày thương binh, liệt sĩ năm 2003
K.Q