2 - Ý kiến bạn đọc - Ban biên tập , SRTKL2: 21-27

Những cảm nhận cháy lòng
với tập I “Sinh ra trong khói lửa”


BAN BIÊN TẬP

Ngay sau khi vừa phát hành cuốn sách “Sinh ra trong khói lửa”tập I, Ban biên soạn đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng động viên của thầy trò nhà trường qua điện thoại, qua thư, qua nhắn tin, qua thư điện tử… Đúng là một phần thưởng vô giá!

Xin giới thiệu cùng bạn đọc những tình cảm quý báu đó!

- Thầy giáo Mai Duy Vọng (Thành phố Hồ Chí Minh): “Thầy đã thức đến 2 giờ sáng để đọc. Các em không phải nhà văn mà viết hay quá! Các cựu chiến binh, bạn thầy, thay nhau mượn đọc và thực sự ngạc nhiên vì không hề biết có một trường như thế!”

- Tạ Việt Chiến (khóa 3): “Cuốn sách của “các ông” đã làm tôi thức trắng đêm đến sáng để đọc. Tuyệt vời!”

- Bùi Tuấn (Viện quân y 175): “Em thấy sướng vì nhiều điều như huyền thoại, giờ mới hiểu được nguồn gốc một cách có hệ thống…”

- Hoàng Triệu Hùng (khóa 1 – Hà Nội): “Qua cuốn sách, tôi biết anh em rất công phu và trách nhiệm. Tuy vậy vẫn thiếu mảng khóa 1…”

- Võ Hiếu Dân (em gái liệt sĩ Võ Dũng): “Em và ba em xin cảm ơn các anh, nhất là tác giả Anh Thy đã viết về anh Dũng. Hôm qua đến nhà chị Trà Giang em thấy mọi người cũng bàn luận về cuốn sách…”

- Hoàng Quang (khóa 4 - Leipzig, Đức): “Tất cả anh em, bạn bè trường Trỗi thân yêu! Lúc này đã là 10 giờ tối ở Đức (4 giờ sáng giờ Việt Nam). Đã qua giao thừa! Buồn và nhớ nhà, cầm cuốn “Sinh ra trong khói lửa” do Đức Dũng vừa bên nước sang chuyển cho mà tôi không cầm được nước mắt. Nhớ các bạn và nhớ những năm tháng sống ở trường Trỗi; nhất là khi năm hết Tết đến đang phải sống lang thang bên xứ người… Cuốn sách đã làm mấy thằng Trỗi chúng tôi – Quang, Quý, Võ Hùng – xúc động thực sự! Nay mai sẽ cố gắng gửi về một vài kỷ niệm của những năm tháng không thể nào quên cho Ban biên soạn, mong rằng sẽ góp chút gì đây cho “Ngôi nhà chung” của chúng ta. Bọn tôi ghi nhận sự cố gắng tột độ của anh em trong Ban biên soạn. Cuốn sách trên cả tuyệt vời, (chí ít là với bọn tôi, mấy thằng “Trỗi con”, đang kiếm sống ở trời Tây)! Nhân dịp năm mới, chúc anh em cùng toàn thể gia quyến “An khang, Thịnh vượng”, chúc “Sinh ra trong khói lửa” sống mãi trong lòng chúng ta như anh Trỗi sống mãi trong lòng người dân Việt Nam!”

- Tôn Gia Quý (khóa 4 - Leipzig, Đức): “Tạ Vinh thân! Anh em bên nhà vừa gửi qua cuốn “Sinh ra trong khói lửa”. Sách được anh em in rất đẹp, kì công, phần nào đã tái hiện được hình ảnh của nhà trường và các khóa, kể từ khi thành lập cho đến nay (đã 35 năm). Đọc rất cảm động, các mẩu chuyện viết theo lối kể chuyện với giọng văn riêng của “lính Trỗi”. Qua đây mới thấy anh em ở nhà làm được nhiều việc lớn quá, trong khi anh em ta ở đây vẫn “bình chân như vại”. Vì vậy, qua “hội ý tổ tam tam” ở Leipzig, tôi thấy phải làm gì đây để khơi dậy dòng máu Trỗi trong mỗi chúng ta và có chút ít đóng góp cho các thầy cô và anh em ở nhà. Dự kiến, sẽ nối kết các anh em Trỗi sống ở Đức và sớm tổ chức một buổi họp mặt trường Trỗi tại Leipzig. Đồng thời sẽ lập một quỹ riêng (konto) để cùng đóng góp tiền gửi về nước. Anh cho ý kiến. Nếu phát hiện thêm lính Trỗi nào ở đây thì anh báo để tôi liên lạc. Thân!”

- Nguyễn Văn Tuấn (khóa 4 – Hà Nội): “Chúng tôi – những cựu học sinh trường Trỗi ở Hà Nội - đã nhận được cuốn “Sinh ra trong khói lửa” của các bạn Trỗi phía Nam biên soạn. Cầm cuốn sách trong tay, đọc những trang viết cùng các ảnh tư liệu quý giá, chúng tôi như được sống lại trong ký ức xưa. Sách in đẹp, rõ ràng với nhiều tư liệu quý, những bài viết thực sự làm xúc động lòng người. Qua đây, chúng tôi hiểu thêm nhiều điều về đại gia đình trường Trỗi mà khi còn là học sinh, chưa hề biết. Chúng tôi đã đọc “ngấu nghiến”, đọc đi đọc lại nhiều lần, chuyền tay nhau cùng đọc và thông báo cho các bạn Trỗi biết cùng đọc. Cuốn sách ra đời là một việc làm tốt. Chúng tôi thực sự cảm ơn sự lao động của các bạn. Cho phép tôi – một cựu học sinh của trường – nhiệt liệt hoan nghênh và cảm ơn việc làm thiết thực này!

Đúng như lời tựa của cuốn sách, rất tiếc còn thiếu nhiều tư liệu quý của các bạn các khóa, của anh em và thầy cô phía Bắc. Rất tiếc do không biết được ý định xuất bản lần này nên chưa tham gia được gì với các bạn. Hy vọng đến dịp kỷ niệm 40 năm, chúng ta sẽ có một cuốn sách đầy đủ, hoàn chỉnh hơn với sự đóng góp của tất cả các khóa ở cả hai miền Nam-Bắc. Chúng tôi sẽ cùng các bạn sưu tầm và gửi nhiều bài vở, góp phần với việc làm ý nghĩa của các bạn…”

- Ngô Phúc Chiến (khóa 5 – Huế): “Vào những ngày giáp Tết, mình nhận được tập “Sinh ra trong khói lửa” của anh em gửi ra. Cả nhà rất mừng và có điều lạ, vợ mình rất lười đọc mà cuốn sách đã cuốn hút cô ấy vào những kỷ niệm của thuở thiếu thời của chúng mình. Bằng tất cả tình cảm và tấm lòng, cuốn sách ra thật đúng lúc với ước muốn của mọi thành viên trong trường. Các bài viết rất súc tích, làm người xem bị lôi cuốn vào những chuyện lạ mà có thật trong đời thường. Bài nào cũng hay, kỷ niệm nào cũng đẹp, nhân vật nào cũng “xuất sắc”! Nói một cách đầy đủ là RẤT SÚC TÍCH!

Nếu nói rằng, mỗi người đều có một khoảng đời thì nếu ai đánh mất khoảng đời đáng nhớ nhất ấy thì người đó sẽ bị lãng quên:

Nếu phải chia cho người yêu một nửa
Thì em ơi, xin nhận lấy khoảng đời đầu
Cái khoảng đời vời vợi nhìn nhau
Đằm thắm thời gian... Không mùa ranh giới.1

- Phan Hoài Thuận (khóa 4, Đà Nẵng): “… Chúng ta đều sinh ra và lớn lên trong khói lửa. Khi mà, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đi qua gần 30 năm, anh em ta, mỗi người mỗi cương vị, một cuộc sống khác nhau; người bận việc quan trường, giữ những trọng trách trong bộ máy nhà nước, kẻ đang lăn lộn trong cuộc sống đời thường, bạn đã nghỉ hưu… nhưng trong tâm khảm chúng ta vẫn giữ được những kỉ niệm về một thời oanh liệt của dân tộc, của cha anh và của chính chúng ta. Những việc mà anh em phía Nam đã làm, viết bài và cho xuất bản cuốn sách về những tấm gương hy sinh của bạn bè, những kỉ niệm sâu sắc của những năm tháng đã trải qua… thật sự là cần thiết! (Nhất là trong cái thời kì, nhiều người đang phải bon chen, chống chọi với nền kinh tế thị trường để kiếm sống). Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng khi đọc “Sinh ra trong khói lửa” làm chúng ta không thể quên được những người đã ngã xuống cho đất nước, không quên được công ơn của Đảng, quân đội đã rèn luyện, đào tạo chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta không bao giờ được quên lí tưởng mà cha ông chúng ta đã hy sinh cả cuộc đời vì nó.

Nếu không có ý tưởng và tâm huyết của các bạn phía Nam, chắc rồi theo năm tháng, cái tên “trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi” cũng đi vào dĩ vãng. Xin chân thành cám ơn các bạn!”

- Thầy giáo Cao Cự An (Diễn Châu, Nghệ An): “…Thầy đã đọc cuốn “Sinh ra trong khói lửa” của các em học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi qua nhiều khóa. Nhìn vào cuốn sách, không những nó quý ở bề dầy mà còn là cả tâm huyết và công lao của Ban biên soạn và tất cả các em. Thầy cảm thấy đây là một kỷ niệm ít có trong đời.

Những em trở thành liệt sĩ của khóa 5 thật đáng tự hào. Nhìn vào ảnh các em Huỳnh Kim Trung, Võ Dũng, Trịnh Thúc Doanh, Vũ Kiên Cường, Nguyễn Lâm, Phạm Văn Hạo, làm thầy hình dung ngay ra các em vào thuở đó. Biết nói sao hết được lòng quý mến, tự hào của mình đối với các em học sinh của trường Nguyễn Văn Trỗi. Nhìn đến các em, nhắc đến tên các em, lòng thầy thấy xao xuyến và tự nhủ phải sống như thế nào nữa để xứng đáng với tuổi trẻ của các em, xứng đáng và vinh dự là người thầy, người bạn, người đồng chí của các em!

Niềm vui của Ban biên soạn Tập I

Niềm vui của Ban biên soạn Tập I

 

Thầy rất hào hứng khi đọc “Chị Quyên và ba lần gặp Bác” (trang 314). Đây là bài ký giá trị không những súc tích về tư liệu mà còn sâu lắng tình cảm của người viết. Có gì quý hơn khi văn chương biết thức dậy ở con người một tâm tưởng trong sáng như vậy.

Thầy đọc bài viết chân tình của Nguyễn Thiện Nhân. Cách viết gọn, để lại cho người đọc lòng tự hào về một thời đáng nhớ của tuổi trẻ.

Thầy không ngờ Phan Nam (trang 113) lại biết viết văn chân tình như vậy. Khi sống với Nam thầy có đâu ngờ như bây giờ, Nam đã chững chạc nhiều mặt. Phan Nam thuở xưa rất quý thầy và thầy rất quý Nam. Có một lần, thầy đã gặp Phan Nam dọc đường ở Khu Bốn, khi đó Nam đã là anh bộ đội.

Thầy cũng không ngờ Huỳnh Tấn Lợi, người cao dong dỏng, ngây ngô thuở nào mà nay có bài ký rất hay. Té ra là dưới mái trường thân yêu của chúng ta, đã rèn luyện được những con người như Tấn Lợi, mang sâu nặng lòng yêu nước nồng nàn của tuổi trẻ.

Qua bài “Chiến thắng số phận”, thầy rất xúc động về Nguyễn Chỉnh Huấn. Khi học văn, có lần Huấn đã tâm sự: Văn em chưa hay nhưng thầy hãy tin rằng em sẽ tiến bộ. Con người và nghị lực của Chỉnh Huấn đáng quý biết bao! Thầy mong sao gặp được Chỉnh Huấn, xem chiếc xe “tự chế” của Huấn và ôm Huấn mà không biết chảy bao dòng nước mắt.

Thầy cũng không ngờ Ngô Cửu (trang 294), con người hiền lành và cục tính thuở đó nay có bài viết nhắc đến tên của các bạn trong lớp mà thầy đã từng giảng bài cho các em.

Còn nhiều bài văn, bài thơ, thầy sẽ trao đổi với các em sau.

Gặp các bạn ở phía Nam nói chung, trong đó có nhiều em là tác giả của cuốn sách, hãy nói giúp: thầy An rất cảm ơn các em đã nói lên tất cả những quá khứ vinh quang của mình. Chính nhờ quá khứ đó, đã nâng đỡ tâm hồn và lý tưởng của các em vươn cao hơn, xa hơn. Thầy rất mong có ngày hội ngộ với các em ở phía Nam!”

- Cô giáo Phan Thị Nhâm (Hà Nội): “Năm ngoái nhân cuộc họp cán bộ, giáo viên trường Nguyễn Văn Trỗi, cô nhận được tập san về trường. Cô rất cảm động và cảm ơn Ban biên soạn, Ban Liên lạc và toàn thể các em ở trong Nam. Năm nay cô mới xem hết tập san của các em. Cô đọc từ lời mở đầu, từ bài phát biểu của bác Quỳnh, của các thầy đến từng bài viết của các em. Cô thực sự xúc động khi được biết danh sách các liệt sĩ của nhà trường, trong đó có Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung. Cô thấy bài viết của các em rất dí dỏm, có một phong cách riêng, cảm động nói lên tình cảm chân thành đối với trường xưa, với thầy cô và bạn bè. Bài nào cũng hay, bài nào cũng đáng nhớ! Xem đến bài “Một lần ăn trộm gà” do bốn trò thực hiện mà cứ cười rũ ra, bọn con gái mà biết chắc cũng phải cười bò ra ấy chứ! Đúng là tuổi trẻ nghịch ngợm. Thế mới biết các thầy ở đại đội thực sự vất vả, vừa dạy học vừa quản lí; khi có sự cố là giải quyết tuyệt khéo vì “con dại cái mang” mà(!). Cô làm đại đội trưởng C11 vất vả không bằng một phần trăm các thầy. Còn lâu mới bén gót! Nhắc lại chuyện xưa (nào là ăn trộm gà hay lấy trộm bài kiểm tra…) không phải để kể tội các em mà để ôn lại những kỉ niệm đáng nhớ của một thời trường Trỗi thân yêu!”

Trên đây chỉ là một phần rất nhỏ chúng tôi muốn đưa tới bạn đọc. Đó chính là những gì “Rất Nguyễn Văn Trỗi”!

B.B.T




1 - Trích bài thơ “Nửa sau khoảng đời”- liệt sĩ Vũ Đình Văn.