BẠN TÔI - ANH HAI NAM BỘ


BẠN TÔI - ANH HAI NAM BỘ

Tôi hắn gia cảnh tương đồng, hắn hơn tôi theo xếp hạng của "quản gia nô" hay "nổ ra quan" cũng vậy. Lối nói dân giã ám chỉ phòng tổ chức cán bộ khét tiếng một thời. Mà nay, hình như vẫn vậy. Nhìn đám này mỗi kỳ đại hội từ phường xã đến trung ương là rõ. Đấu đá, tranh cướp không từ thủ đoạn nào. Quan sát kinh vãi, tự nhủ: "Tránh cho lành kẻo nhục. Thân bại danh liệt".
Vừa rồi, gặp hắn trong Nam tôi nói: "Tao sắp xếp, ôn lại chuyện xưa hai đứa. Được không?". Hắn búng tay: Đót thuốc lá vẽ nên một đường cong rồi nhẹ nhàng đáp xuống chiếc gạt tàn. Khách bàn bên sửng sốt buông ly cà phê, mắt trợn ngược nhìn hắn vẻ ngưỡng mộ. Đúng phong thái anh hai Nam bộ, tôi vẫn gọi Cowboy Texas. Tỉnh bơ hắn chửi thề: "Đù má. Thế cũng hỏi. U70 ngán gì nữa. Mần tới đi tao ủng hộ. Duy có điều, thiên cơ bất khả lộ và đừng nói xấu cán bộ". Hắn nháy mắt, tôi hiểu cán bộ đây ám chỉ chuyện riêng hai đứa chứ không đám vỗ ngực nô bộc của dân. Đám phải gió này đen kít, đít chảo gang hở chỗ mô bôi cho được?
Tôi hắn sinh ra tại Hà Nội năm 1954, cùng tháng 10. Tôi sinh đầu tháng hắn cuối tháng. Hoàn cảnh giống nhau, hai bà mẹ bụng mang dạ chửa người từ Nam ra người Việt Bắc xuống. Không hẹn hai bà cùng sinh tại nhà hộ sinh trên phố Lò Đúc (dân gọi cây đa nhà bò). Ba nó và cha tôi là lính cụ Hồ số phận sắp xếp, ở cùng khu gia binh. Vậy là tôi và hắn học cùng nhau tiểu học, trung học. Hắn xuất thân trong dòng họ trung lưu, trí thức đất Vĩnh Long. Sau này tôi biết hắn có ông chú là sỹ quan Việt Nam cộng hoà, giống tôi có ông bác bên mẹ cũng vậy. Bắc Nam chia ly nhiều gia đình có hoàn cảnh này. Thật buồn.
Năm 1965 Mỹ đánh phá miền Bắc hai đứa cùng một số bạn trong khu gia binh được gọi học tập trung trong môi trường quân đội (Trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi). Trường sơ tán nhiều nơi: Hiệp Hoà, Đại Từ, Quế Lâm (Trung Quốc), Trung Hà, Hưng Hoá. Hơn mười tuổi bé loắt choắt, chủ nhật lên rừng chặt cây lấy củi nộp nhà bếp. Sau này gặp nhau vẫn đùa: "Tụi mình lâm tặc từ bé". Sáng sớm, theo hiệu lệnh dậy tập thể dục. Ngày đó, mong mưa để được ngủ thêm tý chút. Giường chiếu, chăn màn phải ngăn nắp vuông chằn chặn như cục gạch không sẽ bị nhắc nhở. Ngày ở Đại Từ cả tụi ghẻ kềnh ghẻ càng. Y tế nấu nồi nước lá ba gạc, dãy dài đám trò nhỏ trần truồng xếp hàng tiến về nồi nước "làm lông". Y tá tay cầm nắm giẻ đẫm nước trà sát kỹ càng không sót bộ phận nào trên cơ thể, nhất là quả ớt chỉ thiên đang tím đen vì lạnh. Xót điếng người vãn cắn răng chịu đựng. Giờ nghĩ lại còn ớn rồi tự khen nhau: "Anh em mình giỏi hề". Bàn ghế ngồi học là những khúc gỗ lớn đã to lại dài, nguyên là cấu kiện làm cầu phao của lính công binh. Năm năm sống dưới mái trường quân đội (1965 - 1970) đã trui rèn các cậu bé thuở ấy thành các gã đàn ông tính tự lập cao, trượng nghĩa và hơi bất cần đời.
Năm 1971 hai đứa vào đại học, tôi học trong nước hắn sang Nga vào trường hàng hải Odessa (ONMU). Chia tay nhau hai đứa bịn rịn lưu luyến không hững hờ vô cảm kiểu:
Tàu về rồi tàu lại đi
Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga
(Ngân Giang)
Tháng 5/1972 tôi nhập ngũ cũng là lúc hắn kết thúc học tiếng Nga, bước vào học chính thức. Thời gian xa nhau hai đứa thường thư từ trao đổi, động viên nhau. Có thư hắn dặn: "Mày đừng chết nhé. Tao mày còn bao việc phải làm". Phì cười: "Thằng bạo miệng chả kiêng kỵ chi. Diêm vương gặp hẳn tránh mặt". Năm 1975 xuất ngũ, tôi về học tiếp. Ra trường tôi nhận công tác tại trường đại học hàng hải. Hắn học xong, năm 1977 được phân về công ty vận tải biển (VOSCO), một thương hiệu có giá giai đoạn đó, khi Việt Nam bị cấm vận. Đây được xem con đường duy nhất xuất ngoại ... để buôn lậu. Hắn tôi, cả hai không cam chịu sống lúi xùi như thú hoang, phối hợp làm ăn kiếm thêm chút đỉnh để ... đổ vào rượu và nhiều thứ linh tinh khác, tỷ như sách báo ... Hắn và tôi đều mê đọc sách.
Đám thuỷ thủ vào Nhật giao nhận hàng xong ùa đi lùng sục đồ cũ (secon hand). Tiền đâu mua hàng hiệu? Thượng vàng hạ cám mang về Việt Nam đều lãi khủng. Đầu những năm 1980 xe Honda cup 79 "kim vàng giọt lệ tay lái sừng hươu" được xem là đỉnh cao trí tuệ. Lần đó hắn bán chiếc xe mini hai gióng lấy hai chỉ vàng. Tôi hắn vung vít gần tháng trời. Kẻ có tiền cũng sướng thật. Hắn kể: "Làm hàng thấy công nhân Nhật vất vả. Trưa nghỉ tao cho thuỷ thủ pha ấm chè Tân Cương, gói ba số mời tụi nó. Chuyện trò dăm câu ba điều, tụi Nhật tặng tàu mấy đồ secon hand đó". Chuyện xảy ra năm 1984 khi đó hắn là đại phó phụ trách hàng hoá. Kể đến đây thôi kẻo hắn lại chửi thề: "Đù má. Vạch áo cho người xem lưng". Tôi chả dại.
Năm 1988 hắn bỏ việc nhà nước bỏ sinh hoạt đảng về mở công ty tư nhân. Việc động trời giai đoạn đó khiến hắn và ông già (vị đại tá già đã nghỉ hưu) mặt nặng mày nhẹ một thời gian. Công ty hắn văn phòng tại tư gia, căn nhà một trệt hai lầu tại quận ba Sài Gòn. Xưởng và đám thợ bên Nhà Bè sát sông Sài Gòn. Công ty chuyên sửa chữa và cung cấp vật tư cho ngành vận tải thuỷ. Thời gian đầu khó khăn như bất cư ai mới lập nghiệp. Đến nay ổn định và phát triển. Hắn kêu ông chú, kỹ sư giao thông nguyên sỹ quan Việt Nam cộng hoà "học tập" về đã lâu, phụ giúp. Ông sắn tay cùng hắn dựng nên cơ nghiệp. Làm ăn khấm khá, hẳn vậy và cũng vì tình thâm (tình yêu đất nước, tình cảm gia đình) ông chú từ chối sang Hoa Kỳ dẫu ông thuộc diện HO (Humanitarian Operation). Tôi bảo: "Đây mới thực hoà hợp dân tộc. Hẳn đại ca nhà mày vui lắm". Hắn cười: "Đương nhiên. Ổng vui lắm hai anh em gặp nhau hoài". Tôi thường qua lại với hắn và đã đôi lần đối ẩm cùng ông chú. Qua ông tôi biết Công ty hắn khá nhiều thợ giỏi vốn là lính Cộng Hoà trong xưởng Ba Son. Nghĩ bụng: "Trượng nghĩa. Xứng danh anh hùng, cowboy Texas". Chợt nhớ tôi và hắn đã đọc Nội chiến Hoa Kỳ 1861 - 1865
Ngày hắn bỏ đảng ra lập công ty tư nhân, ba hắn có than phiền với cha tôi. Đại ca tôi nói: "Kệ tụi nó, tụi mình không xen vào được đâu. Thằng nhà tôi còn không tham gia. Nó bô bô: Khi nào vô đảng khao cả họ thịt voi". Đại ca còn khôi hài: "Trăm voi không được bát nước xáo". Dẫu vậy, quan sát đám hậu sinh những Mạnh mượt, Ba X ... hai đại ca nản, thất vọng đúng hơn, không bao giờ nhắc nữa. Bằng chứng lấy cớ già yếu xin nghỉ chứ không ra. Tôi nghĩ: "Các đại ca chưa đủ dũng khí". Không hiểu khi rời cõi tạm các đại ca nghĩ gì?
Vậy đấy, tôi hắn chới với nhau sáu mươi năm có dư hợp nhau ít nhất ở gu tán dóc, uống rượu và chuyện tiếu lâm. Người quen kêu: "Ngồi với mày cũng hay phải cái hay nói tục". Biết chuyện, hắn chửi thề: "Đù má. Đàn ông cả đời không nói tục chửi bậy đéo phải đàn ông". Gia đình nhỏ của hắn gần như hoàn hảo. Con gái lớn học Hoa Kỳ nay làm trong tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn. Con trai đang học bên Pháp. Vợ làm kế toán trưởng công ty hắn, không ai vướng kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tụi này mới đúng: "Trăm voi không được bát nước xáo". Công ty hắn bỏ tiền xây cầu kiên cố thay cho cầu khỉ tại Vĩnh Long đâu như vài chiếc. Đáng mặt Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực miền Tây Nam bộ. Dẫu biết, mọi so sánh đều khập khiễng vẫn phải nói: "Hơn hẳn đám Gà Sống Thiến Sót. Mấy cái máy tuốt lúa tuốt vỏ đậu phộng ... toàn bà con nông dân các anh Hai Lúa sáng tạo nên trông chờ gì mấy gã học trò mặt trắng nói phét thành thần. Các bạn nghĩ sao?
Chuyện tôi hắn còn nhiều lắm để dành chờ dịp khác. Vả lại như đã hứa: "thiên cơ bất khả lộ". Lần gần nhất ngồi với hắn tại bia hơi Hà Nội. Covid-19 đang hoành hành, quán vắng tanh vắng ngắt. Hắn ứng tác:
Hôm nay lòng dạ bồn chồn
Quán bia yên ắng không...ỒN. Chán kinh
Thằng ni, bạo miệng chả sợ ai bao giờ. Khâm phục.

FB Duy Sơn Vũ - 26 tháng 2/2020 lúc 20:56

Đại Từ 1965-66