22 - Nguyễn Văn Ngọc, người liệt sĩ đầu tiên - Đỗ Tấn Mỹ, Anh Thy K5, SRTKL2: 91-95
Thứ Hai, tháng 6 30, 2008Người liệt sĩ đầu tiên
ANH THY thực hiện
Sau 35 năm gặp lại, anh say sưa kể về những ngày sống và chiến đấu thời đánh Mỹ. Hết chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, rồi mặt trận C, B2… Nơi đâu cũng gắn với những kỷ niệm về đồng chí, đồng đội. Chiến tranh là một đề tài khó quên!
… Cha mẹ chúng tôi là lớp cán bộ thế hệ thứ nhất và thứ hai của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Để chuẩn bị cho lớp người kế cận, hè 1965, chúng tôi được tuyển chọn vào trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Do chiến tranh ngày càng ác liệt, đầu năm 1967, nhà trường được lệnh rời Đại Từ (Thái Nguyên), sơ tán sang thành phố Quế Lâm (Trung Quốc). Vốn là học sinh miền Nam, khi về trường đã lớn tuổi, Tấn Mỹ thường đứng ra bảo vệ bọn nhóc chúng tôi mỗi khi nghịch ngợm đánh nhau. Còn Văn Ngọc “đúp” từ lớp trên xuống học với khóa 5. Mỹ và Ngọc ở cùng một trung đội thuộc đại đội 71, do hạ sĩ Thụy phụ trách. Tuy điều kiện sống và học tập rất tốt, nhưng cánh lớn tuổi cứ nằng nặc xin về nước tham gia chiến đấu với suy nghĩ: “Học chưa giỏi ở nhà trường nhưng sẽ chiến đấu giỏi nơi chiến trường”. Hè 1967, Mỹ, Ngọc, Võ Dũng, Tô Văn Hoành và một số bạn lên tầu về nước, cùng chuyến với khóa 2 vừa tốt nghiệp.
Về đến Hà Nội, các bạn lại đặt vấn đề với các chú ở Tổng cục Chính trị. Sau khi cân nhắc, Võ Dũng được xếp về trường Quân chính quân khu Tả Ngạn, còn Mỹ, Ngọc cùng Hoành về đại đội 6, tiểu đoàn pháo cao xạ 57mm thuộc trung đoàn 233, sư đoàn phòng không 361 bảo vệ Hà Nội. Từ ngày đó, ba anh em “Lưu-Quan-Trương” thề “sống chết có nhau”! Khi thì đơn vị đóng ở bãi Phúc Tân bảo vệ cầu Long Biên, lúc lại về trận địa bên hồ Văn Chương, sau ga Hàng Cỏ; có lúc trận địa chuyển sang Gia Lâm, bảo vệ kho xăng Đức Giang. Những ngày không trực chiến, ba đứa hay mò về Ba Đình “đánh moóc-xơ” báo anh Trình (con trai bác Văn Tiến Dũng), đang trực phòng không trên nóc Nhà Quốc hội xuống chơi. Ba đứa đã chứng kiến những ngày gian khổ nhất của trận địa phòng không Hà Nội và không thể quên hình ảnh cầu Long Biên bị trúng bom, gẫy nhịp hay kho xăng Đức Giang ngùn ngụt cháy. Họ đã cùng Hà Nội chiến đấu đánh trả những đợt đánh phá của giặc Mỹ.
Ngày 31 tháng 3 năm 1968, sau Mậu Thân và những thắng lợi ở cả hai miền, giặc Mỹ buộc phải tuyên bố ném bom hạn chế từ Vĩ tuyến 20 trở vào. Vùng đất này hẹp và kéo dài nên có tên là vùng “cán xoong”. Mỗi khi Mỹ buộc phải ngừng ném bom khu vực từ Thanh Hoá đổ ra là chúng lại tập trung bom đạn đánh vào cùng cán xoong Nghệ An- Hà Tĩnh-Quảng Bình-Vĩnh Linh rất ác liệt. Một số đại đội của sư đoàn 361 được lệnh bổ sung cho sư đoàn 367 bảo vệ miền Trung. Lẽ thường tình, các chú sẵn sàng cho ba đứa ở lại Hà Nội, thậm chí còn cho đi học; nhưng như vậy sẽ không còn cơ hội đánh giặc. Ba anh em lại đề nghị Tổng cục cho đi đợt này. Từ cầu Bùng (giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa) đổ vào, chiến tranh vẫn còn. Đơn vị nhận nhiệm vụ bảo vệ thành phố Vinh. Khi thì trận địa pháo bố trí ở xã Hưng Dũng bảo vệ Nhà máy nước, lúc lại về Hưng Thuỷ bảo vệ Nhà máy điện và phà Bến Thủy…
Trong khẩu đội, Mỹ là pháo thủ số 1, phụ trách “hướng” và ấn cò; Ngọc là pháo thủ “tầm” số 2 cùng các pháo thủ “cự ly”, “mục tiêu”, tiếp đạn và khẩu đội trưởng. Pháo 57mm mỗi gắp đạn có đến 4 viên nhưng có thể bắn liên tục và hạ mục tiêu ở độ cao đến 6000m. Tuy mỗi người một nhiệm vụ nhưng với khẩu hiệu “Rèn luyện để trở thành pháo thủ toàn năng”, mọi chiến sĩ trong khẩu đội đều có thể thay thế vị trí đồng đội mình. Giữa thời tiết khắc nghiệt của đất xứ Nghệ, nắng rát đến cháy da và gió Lào thì khô không khốc, cứ chiều chiều, anh em lại thay nhau chạy ào sang nhà dân, gần trận địa tắm nhờ. Một lần, nghe kẻng báo động, máy bay Mỹ ập đến, anh em từ nhà dân vội chạy về. Vì đã nhảy vào vị trí của pháo thủ số 2 nên một đồng đội khác thế vào ghế của Mỹ. Ác nghiệt thay, phát đạn 23 ly từ trên máy bay đã bắn xuyên thủng ghế sắt, xuyên tiếp qua lưng người bạn đang ngồi vị trí số 1. Anh bạn đã hy sinh. Ở chiến trường, giữa cái sống và cái chết gần nhau trong gang tấc! Người này hy sinh lại có đồng đội khác về bổ sung.
Ở miền Trung, có một thông lệ, nếu bị máy bay tấn công thì chỉ được phép đánh trả từ sau 4 giờ chiều để tránh lộ mục tiêu (vì giặc Mỹ có thể kiểm soát cả từ trên không và từ ngoài khơi xa). Nhưng sáng 10 tháng 10 năm 1968, từ 8 giờ, hàng đàn máy bay đã tấn công vào phà Bến Thuỷ, hòng cắt đứt đường tiếp vận của ta vào Nam. Nhiều tốp F4H lần lượt lao xuống cắt bom vào trận địa. Bom đạn nổ rầm trời, tai điếc đặc, khói lửa mù mịt, trận địa khét lẹt mùi thuốc súng… Dân xã Hưng Thuỷ nhìn máy bay bổ nhào xuống trận địa đã khóc thương: ác liệt thế này chắc các chú bộ đội chết hết! Đại đội thương vong nhiều nhưng vẫn kiên quyết đánh trả. Không một ai rời bỏ vị trí, các ụ pháo vẫn xoay nòng hướng trực diện vào mục tiêu. Khẩu đội trưởng phất cờ, hô to: “Còn sống còn dựng màn đạn. Bắn!”. Cả đại đội dựng lưới lửa, hai chiếc máy bay vừa bổ nhào đã trúng đạn, bốc cháy, lao ra biển.
Những chiếc còn lại điên cuồng vòng lại. Lần này, chúng cắt bom chụp xuống trận địa. Đó là loại bom phát quang, chỉ nổ khi cách mặt đất 4-5m; cây cối trúng mảnh bom đổ rạp như ngả rạ. Bỗng chớp lòe! Ầm! Một quả bom nổ ngay sát khẩu đội. Mảnh bom phạt ngang thân Ngọc chỉ để lại nửa thân dưới, ruột gan lòng thòng, máu me bê bết… Tấn Mỹ lao sang ôm lấy xác bạn, gào lên:
- Ngọc, mày chết thật rồi sao?
Thế là cái thằng Ngọc, học cùng trường khi ở rừng Đại Từ, bị ngã nước, được bạn bè gán thêm cái biệt danh “ghẻ”; cái thằng Ngọc “tốt”, trắng trẻo đẹp trai, ăn nói dẻo mồm làm xiêu lòng bao cô gái dọc đường hành quân; cái thằng bạn không ỷ mình là “con ông cháu cha”, vẫn nằng nặc xin đi chiến đấu ngày nào, đã mãi đi xa! Ba anh em đã mất một, biết nói sao đây với ba mẹ Ngọc!? Vừa khóc vừa ôm xác bạn ra hố bom cũ còn đọng nước mưa tạt lên rửa sạch vết máu dính đất cát, Mỹ run lên: “Tao sẽ trả thù cho mày, Ngọc ơi!”. Ngay chiều hôm ấy, đơn vị tổ chức chôn cất các liệt sĩ tại nghĩa trang xã Hưng Dũng. Hận thù trào dâng! Ngày sau, đơn vị tiếp tục hành quân vào Hà Tĩnh và đóng quân tại quê hương cụ Nguyễn Du.
Ba tuần sau, đúng ngày 1 tháng 11 năm 1968, chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Ai cũng tiếc thương cho Ngọc. Số phận nó khổ quá! Giá mà chờ thêm ít ngày nữa… Nhưng ai mà nói trước được điều gì, vì đó là chiến tranh! Sau ngày ngừng bắn, hai đứa qua nghĩa trang, gói một nắm đất lấy từ mộ Ngọc cho vào ba-lô lên tầu ra Bắc và tìm đến gia đình Ngọc ở khu tập thể Nam Đồng. Cô Trần Thị Ngọ, mẹ Ngọc, đã ngất đi khi nhận được nắm đất. Chú Nguyễn Chí Điềm, một người lính vào sinh ra tử, nguyên Tư lệnh Bộ đội Đặc công ôm lấy Hoành và Mỹ, nói trong nước mắt: “Ráng chiến đấu trả thù cho Ngọc, các con ạ!”
Cuối 1968, với những gì đã hứa với Ngọc, Mỹ và Hoành lại lên đường vào chiến trường đánh giặc cho đến ngày toàn thắng. Tấn Mỹ vinh dự trở thành lính của chú Điềm - trinh sát đặc công Z27, sư đoàn 5 và hai lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”… Nhớ về bạn mình, anh lẩm bẩm: “Quên làm sao được cái ngày nó hy sinh; đó chính là Ngày giải phóng Thủ đô”. Còn chúng tôi, tuy đã bước qua cái tuổi ngũ tuần nhưng không thể nào quên được những đứa bạn thuở thiếu thời. Chúng tôi luôn tự hào về thầy, cô và mái trường thân yêu, nơi đã đào tạo nên những học sinh như Nguyễn Văn Ngọc - dám hy sinh tuổi xuân của mình vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc!
Ngày tìm thấy bạn, 2-9-2002.
A.T
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>