31 - Chuyện về một liệt sĩ, bạn tôi - Trần Kiến Quốc K5, SRTKL2: 135-141


Liệt sĩ Đặng Bá Linh



Chuyện về một liệt sĩ, bạn tôi1


TRẦN KIẾN QUỐC *
Học sinh khóa 5

Tháng giêng 1972, vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng nghìn học sinh, sinh viên Hà Nội mà tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc đã lên đường nhập ngũ. Họ được các sư đoàn chủ lực huấn luyện để trở thành những người lính trước khi ra mặt trận.

Từ Hà Nội, lính mới lên xe hành quân vào Nga Sơn, Thanh Hóa. Ngày đi học, họ chỉ biết Nga Sơn qua mấy câu thơ lục bát, nay lại được sống đúng vùng đất làm chiếu cói nổi tiếng. Tiểu đoàn 611, sư 338 tiếp nhận số tân binh này và tổ chức luyện quân trong 6 tháng. Mấy anh em học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi (Tăng Tiến, Bá Linh, Chấn Biên, Hữu Dân, Lam Sơn…) vẫn giữ liên lạc với nhau. Riêng Tiến và Linh được phân về cùng một tiểu đội với Bạch Quốc Bình (một chàng trai Hà Nội). Cho dù giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhưng cánh lính trẻ vẫn không cảm thấy gian khổ; cứ sau giờ huấn luyện là vui đùa, nghịch ngợm. Có lần thèm thịt chó, cả tiểu đội đã kéo nhau đi “ăn chịu” ở phố Nga Sơn, không có tiền anh em đã định đặt mũ cối gán nợ (!).

Cuối tháng 6, Quốc Bình, Bá Linh và Hữu Dân được phân về sư đoàn 304. Riêng sư đoàn 338 vượt Trường Sơn sang Hạ Lào giúp bạn giải phóng Saravan và Atôpơ. Sau Tết 1973, kết thúc chiến dịch, sư đoàn 338 rút quân ra Bắc. Qua bạn bè ở sư đoàn 304, anh em biết tin Linh đã hy sinh. Về đến Hà Nội, được nghỉ phép, tháng 8 năm ấy, Tiến và Lam Sơn rủ nhau đến thăm gia đình bạn ở đường Trần Quốc Toản nhưng cả hai đã giấu cô Hồng tin buồn này…

* * *

Bạch Quốc Bình, người đồng đội bên Linh đến giây phút cuối cùng, từ Hà Nội đã gửi cho tôi lá thư với nhiều tâm sự: “Xin kể cho anh kỷ niệm về trận đánh đầu tiên nhưng cũng là trận cuối cùng của Linh. Đúng hôm đó, Linh hy sinh. Nghĩ về đồng đội, nhất là những người đã mất, thì chẳng bao giờ quên được…”

Huấn luyện xong, Bình và Linh về cùng một tiểu đội. Hết đợt nghỉ phép 10 ngày, sáng 18 tháng 6 năm 1972, đơn vị lên đường hành quân vào Nam. Sau một tháng trời hành quân, đơn vị tập kết về một cánh rừng thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và được nghỉ một tuần chờ giao quân. C2 được bổ sung thêm 25 chiến sĩ mới, trong đó có Bình và Linh. Qua Ánh, liên lạc đại đội, anh em biết được quân số C2 hiện còn có 45 người. Tuần đầu chỉ đi vác gạo, vác đạn và sửa sang công sự. Hai đứa được phân nằm cùng hầm. Thời gian này, cánh lính mới tập nghe tiếng réo của pháo kích, thử đoán điểm nổ, tập chạy bom B52...

Chiều 26 tháng 8 năm 1972, nhà bếp cho “ăn tươi” với thịt lợn hộp, ca-la-thầu khô của Trung Quốc, canh nấu với rau tầu bay kèm thêm ba gói bột giảm khát. Trước bữa ăn, có thông báo: đêm nay, đơn vị sẽ tập kích cứ điểm 105 Bắc, thuộc dãy Trường Phước. Cơm nước xong, hai đứa về hầm tranh thủ nhắm mắt. 11 giờ đêm, lệnh tập trung. Linh và Bình xách AK và 300 viên đạn. Mỗi người còn mang theo bi-đông nước, lương khô, cơm nắm, xẻng dã chiến, tăng, võng cùng mặt nạ phòng độc, bông băng; ngoài ra còn mang giúp đồng đội hai quả đạn B40.


Thầy, trò trường Trỗi trong ngày trao kỷ niệm chương cho gia đình liệt sĩ Đặng Bá Linh

Thầy, trò trường Trỗi trong ngày trao kỷ niệm chương cho gia đình liệt sĩ Đặng Bá Linh


Tiểu đoàn cử trinh sát xuống dẫn đường. Gọi là đại đội nhưng chỉ có 18 người tham trận đêm ấy. Ngoài C trưởng và ba lính cũ được cử làm B trưởng, còn lại là lính mới. Số ở lại hậu cứ làm nhiệm vụ tiếp ứng. Theo chân trinh sát, anh em men đồi và lội suối gần bốn tiếng đồng hồ mới đến chân cao điểm. Tại vị trí tập kết, C trưởng hạ lệnh: “Cao điểm này do một tiểu đoàn ngụy chốt giữ. Đại đội được giao nhiệm vụ luồn sâu, lót sẵn, đợi hỏa lực của trung đoàn bắn chế áp, các mũi sẽ tấn công. Ba mũi bố trí cách nhau 100m. Khi có lệnh, chỉ huy các mũi sẽ dùng đạn vạch đường phát hỏa, sau đó, các chiến sĩ mới được nổ súng”.

Nhận lệnh xong, cánh lính trẻ ngồi bệt luôn xuống lòng suối cạn, ngủ gà ngủ gật. Khi được đánh thức, mũi do B trưởng Long phụ trách gồm năm chiến sĩ được trang bị B40 và phóng lựu M79 lên đường. Anh em đi khom theo hàng một ngược lên đồi. Sau 30 phút thì được lệnh tản ra, chọn nơi ẩn nấp. Nửa đêm về sáng, trời tối om không một ánh trăng. Những ngọn cỏ tranh sắc nhọn đâm tua tủa trên mặt đất đầy đá sỏi. Cả không gian yên ắng, khét lẹt mùi thuốc súng…

Đến giờ G, một ánh chớp lòe sáng! Sau đó, đạn cối, 12 ly 7, rồi hàng tràng đại liên bắn lên đỉnh đồi, tiếng AK điểm xạ… Cánh lính mới ù hết cả tai, hoa cả mắt mà chưa được nổ súng. Dưới ánh chớp chỉ cách chỗ hai đứa nằm quãng 300m, Bình nghe thấy cả tiếng lính ngụy la hét và nom rõ bóng chúng nháo nhào tìm nơi ẩn nấp. Ngớt tiếng pháo và cối, chỉ còn tiếng súng bộ binh, anh em bí mật tiếp cận trận địa địch. Bò hơn 100m, bỗng có một quả mìn chiếu sáng kích nổ. Theo quán tính, Bình lăn ngay sang trái, trúng một hố đạn pháo. Lập tức các cỡ đạn trên cao điểm bắn tới xối xả. Chọn ánh lửa đầu nòng ở hướng gần nhất, Bình đi hai điểm xạ, rồi lăn khỏi chỗ nấp. Anh vẫn nghe thấy tiếng súng của Linh điểm xạ hai, ba viên một. Thấy Linh bò nhanh về phía trước, Bình đã cố bò lên và thét to: “Bắn xong phải lăn đi ngay kẻo dính đạn”. Tiếng súng vẫn nổ rát… Trời bắt đầu hửng sáng… Có tiếng phụt và chạm nổ của đạn B40… Bắn xong, vừa lăn đi mấy vòng thì tay Bình chạm vào một người… lay chân thấy không nhúc nhích... lật mũ ra thì nhận ra Long. Anh đã bị mất nửa mặt, chắc do trúng đạn cối cá nhân.

Tiếp tục bò lên, vừa mới nghe tiếng điểm xạ của AK thật gần thì lại nghe tiếng rên khe khẽ. Bình gọi Linh mà không thấy đáp lại. Khi bò ngang qua mới thấy Linh đang nằm sấp, tay để ngay dưới bụng. Lật người anh lên mà không thấy chân quay theo, vội cởi quần dài của Linh kéo xuống thì thấy có hai vết thương - một vết làm gẫy đùi phải, một vết ở bụng dưới. Máu ra nhiều. Mắt Linh không nhắm được, môi mấp máy. Anh lục túi áo lấy một miếng sâm nhỏ cho vào miệng Linh. Đúng lúc ấy, Ánh bò tới: “Lệnh rút lâu rồi mà chúng mày không nghe à?”. Nói rồi Ánh lấy tay sờ khắp người Linh: “Hình như Linh chết rồi, người lạnh lắm”. Không tin vào mắt mình, Bình cởi áo sờ khắp nơi rồi ghé tai vào ngực Linh mà có cảm giác tim vẫn còn đập. Một nỗi đau trào lên trong anh, chẳng lẽ mất một thằng bạn thân nhanh đến thế? Mới chiều qua, hai đứa còn ôm nhau ngủ trong hầm… Phải một lúc mới tĩnh tâm, Bình từ từ đưa tay lên vuốt mắt Linh, cặp mắt Linh khẽ nhắm lại. Không còn thời gian, Ánh tháo võng đeo sau lưng trải xuống đất rồi 2 đứa đặt Linh nằm vào bên trong. Đây đó đạn vẫn nổ. Ánh và Bình vừa bò vừa kéo Linh xuống chân đồi. Đặt tạm Linh ở bờ suối cạn, Bình và Ánh còn phải lên đồi mấy lần nữa để đưa thi hài anh Long, dìu Quang bị gẫy chân, đưa Ngọc xuống. Dưới chân cao điểm, lực lượng chi viện của đại đội đã tới cáng thương binh, tử sĩ về hậu cứ. Trên đường về, đơn vị còn bị địch pháo kích và trực thăng của chúng đuổi rát rạt. May mà không bị thương vong, tổn thất thêm…

Về đến hậu cứ, việc đầu tiên là cấp cứu thương binh và làm các thủ tục chính sách cho liệt sĩ. Linh được đặt ngay ngắn trong một tấm tăng. Một anh bạn nhét mảnh giấy có ghi tên tuổi và đơn vị vào chiếc lọ penecicline, đậy nút lại và nhét vào túi áo Linh. Các liệt sĩ được chôn ngay tại hậu cứ và vị trí các nấm mộ được đánh dấu cẩn thận trên bản đồ tác chiến. Xong xuôi, anh em vội vàng lấp đất. Một loạt đạn bắn lên trời vĩnh biệt!

…Rồi chiến tranh qua đi, Bình tìm về thăm gia đình… Cuối thư anh viết: “… Chắc rằng tôi đã không quá cường điệu, nhưng thực tế còn ác liệt hơn nhiều. Cho đến giờ kể lại chuyện này, tôi vẫn thấy gai hết cả người… Trong trận mạc, bạn bè đã nhường hết may mắn cho mình. Được trở về sau chiến tranh là một hạnh phúc lớn!”

* * *

Thời gian trôi qua, liên lạc bị gián đoạn. Phải cho đến khi Đặng Quý Lai (anh ruột Linh) dọn dẹp nhà mới tìm lại được mẩu giấy ghi địa chỉ của Bình. Điện thoại ra Hà Nội thì Bình đã chuyển nhà. Kiên trì tìm kiếm, anh đã nối lại liên lạc với Bình. Bình gửi vào cả sơ đồ cao điểm 105 Bắc cùng hậu cứ, nơi chôn cất Linh và đồng đội. Từ 1976 đến 1983, một số lượng lớn hài cốt các liệt sĩ ở Quảng Trị được quy tập. Do trong túi áo Linh vẫn còn lọ penecicline nên bộ phận quy tập xác nhận hài cốt Linh đã được cải táng. Linh và đồng đội được chuyển về nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Lệ (Hải Lăng). Nhưng không hiểu vì lý do gì mà những thông tin quý báu đó bị thất lạc, mộ của Linh cùng nhiều liệt sĩ khác đã trở thành vô danh. Đến năm 1993, tỉnh cho xây dựng nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Lăng và mộ các liệt sĩ ở Hải Lệ lại được quy tập về đây. Cho dù đã được về một nghĩa trang lớn và đẹp, nhưng thật đau lòng vì không biết vị trí mộ liệt sĩ Đặng Bá Linh và bao đồng đội hiện nằm ở đâu!

Từ năm 1998, gia đình Linh, mà trực tiếp là vợ chồng anh Lai, đã nhiều lần từ thành phố Hồ Chí Minh ra Quảng Trị nhờ sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm để tìm em. Theo chỉ dẫn của Bình, anh đã tìm về cao điểm 105 Bắc và đã đào lấy một hộp đất mang về thành phố. Mộ tuy chưa tìm được nhưng đất tại nơi Linh nằm xuống được gia đình coi là một phần máu xương của anh! Rồi lần thứ hai, lần ba…

Một sớm đầu hè, chúng tôi đến thăm gia đình. Ba mẹ Linh mời chúng tôi lên thắp nhang cho anh. Thế là Linh hy sinh đã tròn 30 năm. Di ảnh bạn đặt bên cạnh bằng Tổ quốc ghi công. Trông Linh thật trẻ và đẹp trai; bạn khoác ngoài chiếc vỏ áo bông Trỗi để ló ra cổ áo quân phục xuân hè. Ngày còn ở nhà, Linh thích nghe ca nhạc bằng chiếc radiocassette Aiwa. Nay má Linh đặt nó ngay trên bàn thờ. Cạnh đó là hộp sơn mài có dán tờ giấy ghi mấy dòng chữ vi tính: “Đất lấy tại cao điểm 105 Bắc, tỉnh Quảng Trị, nơi Đặng Bá Linh và hàng ngàn đồng đội đã chiến đấu và hy sinh”.

Tăng Tiến có mặt đã tâm sự: “Sau ngày thống nhất, tướng Tô Ký - nguyên Trưởng ban Ban Liên lạc truyền thống sư đoàn 330-338 - đã chọn tên “Thành đồng Tổ quốc” cho tấm kỷ niệm chương tặng cho những cựu chiến binh các thế hệ. Tết Nhâm Ngọ, đồng đội cũ đã làm các thủ tục để Linh được truy tặng. Cháu đã xin phép Bạch Quốc Bình để được mang nó vào cho gia đình…” Anh nhắc đi nhắc lại câu nói ngày đó của tướng Mai Hiền - nguyên sư trưởng sư đoàn 338: “Tôi thực sự yêu quý và kính trọng cánh lính trẻ nhập ngũ năm 1972 về tiểu đoàn 611. Vì Tổ quốc, họ đã dám nhận lấy cái chết cho chính mình”.

Má Linh nghẹn ngào: “Biết thầy giáo và bạn học cũ lại thăm, ở dưới đó Linh vui lắm”. Bà khẽ lau nước mắt và đặt tấm kỷ niệm chương ngay ngắn bên di ảnh…

Xin thay mặt những người còn sống chắp nối cuộc đời của liệt sĩ Đặng Bá Linh qua kỷ niệm của những người thân và đồng đội. Xin coi đây như một nén hương thành kính tưởng niệm nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ!

Sài Gòn, tháng 7 - 2002
T.K.Q





1.  Bài đăng trên báo QĐND cuối tuần ra ngày 28-7-2002.
*   Phó giám đốc Cty Việt Vương, Thành phố Hồ Chí Minh.




Những gì... thầy, bạn để lại:

Nắm đất lấy từ Quảng Trị và chiếc radio Đặng Bá Linh nghe ca nhạc ngày còn sốngNắm đất lấy từ Quảng Trị và chiếc radio Đặng Bá Linh nghe ca nhạc ngày còn sống



Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ Đặng Bá LinhGiấy chứng nhận gia đình liệt sĩ Đặng Bá Linh



Kỷ niệm chương Sư đoàn 330-338 cho cựu chiến binh Đặng Bá Linh.Kỷ niệm chương Sư đoàn 330-338
cho cựu chiến binh Đặng Bá Linh.