Lời tòa soạn: Từ ngày 29-6
đến ngày 5-7-2009 Báo SGGP đã đăng loạt bài viết “Học thuyết Mác –
Lênin và chủ nghĩa xã hội: Trào lưu hay quy luật tất yếu?” của các học
giả, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội. Đây là những bài viết có tính
chất tham luận, trao đổi về một đề tài rất quan trọng nhưng cũng khá
“nhạy cảm” - luận bàn về một học thuyết đã làm “đảo lộn” cả thế giới và
vẫn đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của các ý thức hệ chính trị ở tất
cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sau
khi đăng báo, loạt bài viết đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc gửi
đến bày tỏ quan điểm của mình, có đồng tình hưởng ứng và có cả hoài
nghi, phản ứng… Đặc biệt, có không ít học giả, giáo sư tiến sĩ, các nhà
nghiên cứu chính trị - xã hội đã gửi bài viết tham gia, góp phần tiếp
tục làm sáng tỏ chủ đề trên. Tuy nhiên, như đã thông tin, do khuôn khổ
tờ báo có hạn, chúng tôi xin tạm dừng và hẹn sẽ tiếp tục vào thời điểm
thích hợp… Để thực hiện lời hứa, đáp ứng yêu cầu
của bạn đọc, bắt đầu từ số báo hôm nay, ngày 6-10-2009, Báo Sài Gòn Giải
Phóng tiếp tục trở lại chủ đề trên. Mặc dù còn có nhiều ý kiến khác
nhau nhưng loạt bài viết mà chúng tôi tập hợp đăng tải sau đây nhằm tiến
tới một khẳng định: Học thuyết Mác - Lênin và CNXH - Xu thế phát triển
tất yếu!
|
Bắt đầu từ cuối những năm 80
của thế kỷ XX, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu đi
vào thời kỳ khủng hoảng. Từ tháng 4-1989 đến tháng 9-1991, chế độ XHCN ở
Đông Âu và Liên Xô lần lượt sụp đổ, tạo nên “cơn chấn động” chính trị
lớn nhất trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Vấn đề
đặt ra là vì sao chế độ XHCN lại bị thất bại ở Liên Xô và Đông Âu? Cho
đến nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có rất nhiều công trình
nghiên cứu về hiện tượng lịch sử này, đưa ra nhiều nguyên nhân cả sâu xa
và trực tiếp, cả bên trong và bên ngoài để cắt nghĩa, lý giải về sự sụp
đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu…
Nguyên nhân chủ quan: Quan niệm giáo điều về CNXH
Trước hết, là do quan niệm giản
đơn, phiến diện quy luật về mối quan hệ giữa sản xuất và lực lượng sản
xuất; cho rằng, có thể dùng ý chí cách mạng để xây dựng nhanh quan hệ
sản xuất tiên tiến trên cái nền lực lượng sản xuất còn nhiều yếu kém và
lạc hậu, và cho rằng, quan hệ sản xuất tiên tiến tự nó mở đường cho lực
lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ.
Sau khi V.I.Lênin qua đời ở Liên
Xô, chính sách kinh tế mới không được tiếp tục thực hiện mà chuyển sang
kế hoạch hóa tập trung cao độ. Thời gian đầu, kế hoạch hóa tập trung đã
phát huy tác dụng mạnh mẽ, song đã biến dạng thành kế hoạch hóa tập
trung quan liêu, bao cấp. Sau chiến tranh thế giới lần 2, Liên Xô vẫn
tiếp tục duy trì mô hình này. Trong mô hình này đã tuyệt đối hóa, từ bỏ
hay gần như từ bỏ một cách chủ quan duy ý chí nền kinh tế hàng hóa, cơ
chế thị trường, thực hiện bao cấp tràn lan, triệt tiêu tính chủ động,
sáng tạo của người lao động.
Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và
nhân dân, xây dựng năng lực cầm quyền của một chính đảng cách mạng sau
khi giành được chính quyền chưa thực hiện đầy đủ, khiến Đảng không phát
huy được vai trò của người lãnh đạo, người tổ chức nhân dân; vừa không
phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội..., dẫn đến tình trạng quan
liêu, tham nhũng, xa rời quần chúng, xa rời thực tiễn.
Một nguyên nhân chủ quan khác là
đánh giá quá cao CNXH hiện thực và đánh giá quá thấp chủ nghĩa tư bản,
chủ nghĩa đế quốc; chủ quan nóng vội, đốt cháy giai đoạn trong việc
hoạch định các bước đi của tiến trình xây dựng CNXH (như quan điểm của
Liên Xô về “CNXH đã hoàn toàn thắng lợi”, “xây dựng xã hội cộng sản chủ
nghĩa”, “CNXH phát triển”...), không thấy hết tính chất lâu dài, quanh
co, phức tạp của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH.
Những sai lầm chủ quan nghiêm
trọng kéo dài trên cản trở sự cải tổ, cải cách, đổi mới đúng đắn là
nguyên nhân sâu xa làm chế độ XHCN suy yếu, rơi vào khủng hoảng. Đó
không phải những sai lầm khuyết tật do bản chất của chế độ XHCN, mà do
quan niệm giáo điều về CNXH.
Nguyên nhân trực tiếp: Lệch lạc về hệ tư tưởng XHCN và sự can thiệp từ bên ngoài
Một là, trong cải tổ, Đảng Cộng
sản Liên Xô đã mắc sai lầm rất nghiêm trọng về đường lối chính trị, tư
tưởng và tổ chức. Đó là đường lối hữu khuynh, cơ hội và xét lại, thể
hiện trước hết ở những người lãnh đạo cao nhất. Những tuyên bố ban đầu:
“cải tổ để có nhiều dân chủ hơn, nhiều CNXH hơn”, “chúng ta sẽ đi tới
CNXH tốt đẹp hơn chứ không đi ra ngoài nó”, “chúng ta tìm trong khuôn
khổ của CNXH chứ không phải ở ngoài giới hạn của nó những câu trả lời
cho các vấn đề do cuộc sống đặt ra”..., rốt cuộc chỉ là những tuyên bố
suông ngụy trang cho ý đồ phản bội.
Những người lãnh đạo cải tổ lùi
dần từng bước, từng bước, thậm chí ngày càng công khai tuyên bố từ bỏ
những mục tiêu XHCN mà họ từng hứa hẹn, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ
bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Bằng phát súng lệnh “công khai”,
“dân chủ”, “không vùng cấm”, cải tổ đã nhanh chóng tạo ra làn sóng phê
phán, công kích, bôi đen tất cả những gì gắn với lịch sử 70 năm xây dựng
CNXH, phủ định sạch trơn mọi thành tựu của CNXH. Nó gây hoang mang, xáo
động đến cực độ trong tư tưởng xã hội, phá vỡ niềm tin của quần chúng
đối với những giá trị của CNXH. Người ta sử dụng toàn bộ phương tiện
thông tin đại chúng để làm việc này và chiến dịch tuyên truyền, đào bới,
phủ định quá khứ được các đài, báo phương Tây tiếp sức mạnh mẽ và lái
theo những ý đồ, mục đích của phương Tây.
Hai là, chủ nghĩa đế quốc đã can
thiệp toàn diện, vừa tinh vi, vừa trắng trợn, thực hiện được “diễn biến
hòa bình” trong nội bộ Liên Xô và các nước Đông Âu. Các chiến lược gia
phương Tây sớm nhận ra “gót chân Asin” của cải tổ: đó là đường lối xét
lại, là hệ tư tưởng tư sản, là chính sách thỏa hiệp, nhân nhượng vô
nguyên tắc với Mỹ và phương Tây thể hiện tập trung ở “tư duy chính trị
mới”. Hứa hẹn viện trợ kinh tế được dùng làm một thứ vũ khí rất lợi hại
để lái cuộc cải tổ theo quỹ đạo mà phương Tây mong muốn. Chủ nghĩa đế
quốc đã đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình” trong nội bộ Liên Xô và
Đông Âu.
Trong cuốn sách Chiến thắng không cần chiến tranh, Tổng
thống Mỹ Níchxơn cho rằng “mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định
nhất”. Ông ta viết: “Toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hiệp định mậu
dịch, viện trợ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên
mặt trận tư tưởng”. Chiến lược của Mỹ trước sau như một là đưa bất ổn
vào bên trong “bức màn sắt”.
Tóm lại, sự phá hoại của chủ nghĩa
đế quốc cùng với sự phản bội từ bên trong và từ trên chóp bu của cơ
quan lãnh đạo cao nhất là nguyên nhân trực tiếp làm cho Liên Xô sụp đổ.
Trong tình hình CNXH trì trệ và
khủng hoảng do những sai lầm của mô hình cũ thì cải tổ, cải cách mở cửa,
đổi mới là tất yếu. Vì chỉ có một cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới sâu
sắc, toàn diện mới đưa CNXH thoát khỏi khủng hoảng để bước vào thời kỳ
phát triển mới. Cải tổ, cải cách, mở cửa, đổi mới là tất yếu nhưng sụp
đổ thì không là tất yếu. Vấn đề ở chỗ: cải tổ, cải cách, mở cửa, đổi mới
thế nào, nhằm mục đích gì, theo đường lối nào.
Một số đảng cộng sản các nước trên
thế giới đã nhận định nguyên nhân của sự sụp đổ này là: Sự lệch lạc về
hệ tư tưởng của những người lãnh đạo đảng và sự thiếu hiểu biết về hệ tư
tưởng XHCN của nhân dân; sự thiếu dân chủ trong xã hội và trong đảng;
tình trạng quan liêu trong đảng, tham nhũng và sự xa lánh nhân dân của
lãnh đạo đảng; một số sai lầm trong chính sách kinh tế của đảng cộng sản
cầm quyền; và sự phá hoại tinh vi của chủ nghĩa đế quốc…
TS Nguyễn Viết Thông
Học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội: Trào lưu hay quy luật tất yếu? |
Bài 2: CNXH ở Việt Nam trước đổi mới |
Thứ tư, 07/10/2009, 00:28 (GMT+7) |
Trước
đổi mới, tức là trước Đại hội VI (năm 1986) trở về trước, quan niệm về
CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta chịu ảnh hưởng của mô hình Xô
Viết. Đây cũng là tình hình chung trong tất cả các nước trong hệ thống
XHCN. Vậy quan niệm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta trước đổi
mới là gì?
Độc lập dân tộc và CNXH
Trong Đường cách mệnh và tiếp đó
là những văn kiện do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn thảo được thông qua
tại Hội nghị thành lập Đảng đã thể hiện rõ đường lối chiến lược của cách
mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Làm
cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới, do giai cấp công nhân lãnh đạo để
thực hiện giải phóng dân tộc, giành lấy độc lập dân tộc và dân chủ để
tiến tới cách mạng vô sản, không phải kinh qua chế độ tư bản chủ nghĩa,
để xây dựng CNXH và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.
Từ đó đến nay, Đảng ta đã kiên trì
với sự lựa chọn lịch sử đó. CNXH vẫn là mục tiêu, lý tưởng không thay
đổi của cách mạng Việt Nam. Đó là một nhận thức khoa học và thể hiện rõ
lập trường cách mạng triệt để, kiên định của Đảng ta.
Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH,
đó là điểm nổi bật, xuyên suốt và chủ đạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ
sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám
năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiếp theo
là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc
bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách
mạng dân tộc dân chủ, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên
CNXH đã khẳng định lựa chọn này là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều
kiện Việt Nam.
Tiếp theo đó là thắng lợi của sự
nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên CNXH. Kế thừa những
thành tựu và những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng CNXH ở
miền Bắc và trong những năm đầu khi nước nhà thống nhất, trải qua nhiều
tìm tòi, khảo nghiệm sáng kiến của nhân dân, Đảng ta đã đề ra và lãnh
đạo thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam XHCN phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới.
Quá trình nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng và đi lên CNXH, miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đường lối cách mạng XHCN đã bước đầu hình thành.
Đại hội III của Đảng (năm 1960)
đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng: vạch ra con đường tiến lên CNXH ở
miền Bắc và con đường giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Đại hội đã xác định đường lối
chung của Đảng trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở miền Bắc: Đoàn kết toàn
dân, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống phấn đấu anh dũng và lao
động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng cường đoàn kết với các nước
XHCN anh em do Liên Xô đứng đầu, để đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh,
tiến vững chắc lên CNXH, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở miền Bắc
và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện
hòa bình thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường sức mạnh khối XHCN,
bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới…
Đến Đại hội IV của Đảng (năm
1976), với khí thế của người chiến thắng, Đảng ta đã đề ra đường lối đẩy
nhanh quá trình đi lên CNXH trên phạm vi cả nước.
Đại hội IV cũng xác định đường lối
chung cách mạng XHCN ở nước ta là: nắm vững chuyên chính vô sản, phát
huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách
mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật,
cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là
then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN là nhiệm vụ trung tâm của thời
kỳ quá độ lên CNXH; xây dựng chế độ làm chủ tập thể XHCN, xây dựng nền
sản xuất lớn XHCN, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới XHCN; xóa bỏ
chế độ người bóc lột người, xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu…; xây dựng thành
công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và XHCN; góp phần
tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập
dân tộc, dân chủ và CNXH.
Như vậy, nhìn một cách tổng quát,
thời kỳ trước đổi mới, nhận thức của Đảng ta về mục tiêu, bản chất của
CNXH và sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta là đúng đắn - giải phóng dân
tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Điều này phù hợp với chủ
nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng khuyết điểm, sai lầm
Vấn đề đặt ra là, vì sao bên cạnh
những thành tựu đã đạt được nhưng việc thực hiện đường lối đó, chỉ ít
lâu sau Đại hội IV của Đảng nền kinh tế có chiều hướng đi xuống, đời
sống nhân dân ngày một khó khăn và từ cuối những năm 1970 nước ta lâm
vào cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội.
Đại hội VI của Đảng với phương
châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng với sự thật, nói rõ sự thật
đã khẳng định những thành tựu đạt được, đồng thời chỉ rõ những khuyết
điểm, sai lầm. Đại hội chỉ rõ chúng ta đã mắc
những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai
lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện.
Về mặt lý luận, đó là sự lạc hậu
về nhận thức lý luận và vận dụng các quy luật đang hoạt động trong thời
kỳ quá độ; đã mắc bệnh chủ quan duy ý chí, giản đơn hóa, muốn thực hiện
nhanh chóng nhiều mục tiêu của CNXH trong điều kiện nước ta mới ở chặng
đường đầu tiên.
Chúng ta đã có thành kiến không
đúng, trên thực tế, chưa thật sự thừa nhận những quy luật của sản xuất
hàng hóa đang tồn tại khách quan; do đó không chú ý vận dụng chúng vào
việc định chế các chủ trương, chính sách kinh tế. Chưa chú ý đầy đủ việc
tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của mình và nghiên cứu kinh nghiệm của
các nước anh em.
Từ thực tiễn cách mạng, cả thành
công và khuyết điểm sai lầm, Đại hội VI đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm,
trong đó có bài học “Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn
trọng và hành động theo quy luật khách quan”.
Tiêu chuẩn đánh giá sự vận dụng
đúng đắn các quy luật thông qua chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước là sản xuất, phát triển lưu thông thông suốt, đời sống vật chất và
văn hóa của nhân dân từng bước được ổn định và nâng cao, con người mới
XHCN ngày càng được hình thành rõ nét, xã hội ngày càng lành mạnh, chế
độ XHCN được củng cố. Mọi chủ trương, chính sách gây tác động ngược lại
là biểu hiện sự vận dụng không đúng quy luật khách quan, phải được sửa
đổi hoặc bãi bỏ…
NGUYỄN VIẾT THÁI
|
Học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội: Trào lưu hay quy luật tất yếu? |
Bài 3: Thành tựu thời kỳ đổi mới ở Việt Nam: Con đường đi lên CNXH hình thành những nét cơ bản |
Thứ năm, 08/10/2009, 00:25 (GMT+7) |
Đại
hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) đã đưa ra
đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt là đổi mới tư duy, trước
hết là tư duy kinh tế; nắm vững quy luật khách quan, lấy dân làm gốc…
Nhờ vận dụng đúng đắn các quy luật thông qua các chủ trương, chính sách,
sản xuất trong nước ngày càng phát triển, lưu thông ngày càng thông
suốt, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân từng bước được ổn định
và nâng cao, xã hội ngày càng lành mạnh, qua đó, chế độ XHCN ngày càng
được củng cố…
Kinh tế thị trường định hướng XHCN
Có thể nói, đây là thành quả to
lớn và quan trọng của nghiên cứu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN là mô hình kinh tế mới mẻ chưa
từng có trong lịch sử nhân loại. Tư duy lý luận và nhận thức về KTTT
định hướng XHCN là một quá trình lâu dài, thường xuyên và qua nhiều bước
với mục tiêu không thay đổi là xây dựng thành công CNXH ở nước ta.
KTTT là một kiểu tổ chức kinh tế -
xã hội; trong đó quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng
đều được thực hiện thông qua thị trường. Vì thế KTTT không chỉ là “công
nghệ”, là “phương tiện” để phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là những
quan hệ kinh tế - xã hội, nó không chỉ gồm lực lượng sản xuất, mà còn cả
một hệ thống quan hệ sản xuất. Như vậy rõ ràng là không thể có một nền
KTTT chung chung, trừu tượng tách rời khỏi hình thái kinh tế - xã hội,
tách rời khỏi chế độ chính trị - xã hội của một nước.
KTTT định hướng XHCN là nền kinh
tế vừa tuân theo quy luật của KTTT, vừa chịu sự chi phối của các nhân tố
định hướng XHCN. Vì thế KTTT ở nước ta vừa có những đặc trưng chung,
phổ biến của mọi nền KTTT, vừa có những đặc trưng mang tính đặc thù -
định hướng XHCN. Theo tinh thần của các đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam
từ lần thứ VI đến lần thứ X định hướng XHCN nền KTTT thể hiện ở các nội
dung sau đây: Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng,
dân chủ, văn minh; giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản
xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đồng thời
khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng và giúp đỡ, tạo điều kiện để
người khác thoát khỏi nghèo, từng bước khá giả hơn; phát triển kinh tế
nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà
nước giữ vai trò chủ đạo; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay
trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi
đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục... giải quyết tốt các vấn đề
xã hội vì mục tiêu phát triển con người; thực hiện chế độ phân phối chủ
yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp
vốn cùng với nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội; phát huy
quyền làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết
nền kinh tế của nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sự
khác nhau về bản chất của nhà nước pháp quyền XHCN và vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình phát triển là điều kiện, là
một “tiêu thức” quy định đặc trưng bản chất của nền KTTT nước ta.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam và sự quản lý của nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhân tố hàng
đầu quyết định thành công sự phát triển rút ngắn, bền vững nền KTTT định
hướng XHCN ở Việt Nam và công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã
hội, KTTT... mới không bị chệch định hướng XHCN.
Những thành tựu về kinh tế, xã hội
Hơn
20 năm qua, kể từ khi Việt Nam bước vào thực hiện mô hình KTTT định
hướng XHCN, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu
đáng kể, làm thay đổi khá rõ tình hình đất nước.
Về tốc độ tăng trưởng, trong những
năm khởi đầu công cuộc đổi mới (1986-1991) tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
tăng trưởng tương đối chậm. Nhưng khi quá trình đổi mới diễn ra rộng
khắp và đi vào thực chất thì tốc độ tăng trưởng GDP luôn đạt mức cao và
ổn định kéo dài, mặc dù có lúc bị giảm sút do dự báo chủ quan và ảnh
hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Do tốc độ tăng GDP
cao nên GDP/người/năm cũng tăng lên đáng kể, từ 289 USD (năm 1995) lên
1.024 USD (năm 2008), cho thấy Việt Nam đang từng bước vượt qua ranh
giới của quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp và đang vươn lên nước
đang phát triển có thu nhập trung bình thấp (theo quy ước chung của
quốc tế và xếp loại các nước theo trình độ phát triển thì nước đang phát
triển có thu nhập trung bình thấp là những nước có GDP/người từ 765 đến
3.385 USD).
Cơ cấu thành phần kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo
hướng phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế và đan xen nhiều
hình thức sở hữu. Khu vực kinh tế nhà nước được tổ chức lại, đổi mới và
chiếm 38,4% GDP vào năm 2005. Kinh tế dân doanh phát triển khá nhanh,
hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, chiếm 45,7% GDP, đóng góp
quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và cải
thiện đời sống nhân dân; kinh tế hợp tác và hợp tác xã phát triển khá đa
dạng (đóng góp 6,8% GDP). Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ
tăng trưởng tương đối cao, chiếm 15,9% GDP, là cầu nối quan trọng với
thế giới về chuyển giao công nghệ, giao thông quốc tế .
Thành tựu đổi mới trong nước kết
hợp với thực hiện chính sách mở cửa, tích vực và chủ động hội nhập kinh
tế quốc tế đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam
và mang lại cho Việt Nam một vị thế quốc tế mới. Từ một quốc gia bị
phong tỏa, cấm vận; từ một nền kinh tế kém phát triển và “đóng cửa”, sau
hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới. Đến nay Việt Nam
đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước và vùng lãnh thổ; mở rộng
quan hệ kinh tế thương mại với 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra,
Việt Nam còn là thành viên chính thức của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế
và khu vực, và điều đáng nói nhất là năm 2007 Việt Nam đã trở thành
thành viên chính thức thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Phúc lợi xã hội và đời sống vật
chất, tinh thần của người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Theo đánh giá
của Liên hiệp quốc, Việt Nam về đích trước 10 năm với mục tiêu xóa đói
giảm nghèo trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ.
Đánh giá về thành công của quá
trình đổi mới, Đại hội lần thứ X của Đảng đã khẳng định: “Những thành
tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù
hợp với thực tiễn Việt Nam. Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH
ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận và công cuộc đổi mới,
về xã hội XHCN và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã hình thành trên
những nét cơ bản”
GS-TS CHU VĂN CẤP Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương
|
Giới thiệu: bài viết này giải thích ngắn gọn và dễ
hiểu vì sao Chủ Nghĩa Xã Hội (CNXH) lại thất bại trong việc đạt tới mục
đích tối cao của nó. Không phải vì CNXH xấu, hoặc những con người tin
vào nó thiếu tâm trí hoặc tinh thần. Cũng không phải vì điều kiện tài
nguyên hay vì chất xám con người. CNXH thất bại, hoặc có thể nói là CNXH
không thể nào hoạt động được và bất khả thi, đơn giản vì nó thiếu vắng
và kìm nén những động cơ kinh tế và động lực để con người phát triển.
Bài viết được dựa theo cuốn sách tên ‘Socialism‘ (Chủ Nghĩa
Xã Hội) của Ludwig von Mises, một trong những nhà kinh tế học hàng đầu
của trường phái kinh tế học Áo (Austrian Economics). Đối với riêng tôi,
đây là tác phẩm phân tích về nền kinh tế CNXH hay nhất cho đến nay.
Lưu ý: Nếu các đọc giả muốn đọc thêm thì xin vào đây, Mises Institute.
Sau đây là 8 lý do vì sao nền kinh tế CNXH không thể hoạt động và phát triển được:
- Không cho phép quyền sở hữu cá nhân.
- Sự tham gia tự nguyện và tham gia bắt buộc.
- Sự công bằng và bất công bằng.
- Thiếu vắng giá cả.
- Không có động lực cá nhân, lòng tham.
- Thiếu vắng Lời và Lỗ.
- Quyết định tập trung thay vì quyết định linh hoạt.
- Dùng tiền của người khác cho người khác.
Lý do số 1: Không cho phép quyền sở hữu cá nhân
Trong nền kinh tế CNXH, hoàn toàn không có quyền và sự tư hữu. Tất cả
các tài sản đều được đồng sở hữu, nghĩa là tất cả mọi thứ đều sở hữu
bởi chính phủ thay cho mọi người. Đây là một lý tưởng không có gì sai
trên lý thuyết. Nhưng khi áp dụng thì nó đi ngược lại tâm lý và lịch sử
con người. Nếu một cá nhân không có quyền sở hữu thì cá nhân đó có động
lực để quan tâm và duy trì những tài sản tạm thời của cá nhân đó không?
Hãy tự hỏi bản thân bạn. Bạn là một nông dân, bạn làm việc nhưng bạn
lại không có quyền sở hữu những thành quả của bạn làm ra, cũng như trang
trại của bạn. Bạn có chịu thức khuya dậy sớm để làm việc không? Dĩ
nhiên là không. Vì tại sao bạn phải làm việc khi những thành quả của bạn
sẽ không bao giờ thuộc về bạn? Vậy còn gì là động lực để con người phấn
đấu và phát triển?
Lý do số 2: Sự tham gia tự nguyện và tham gia bắt buộc
Khi con người làm việc với con người một cách tự nguyện, điều đó chỉ
xảy ra khi cả hai bên đều có lợi. Nhưng điều đó không xảy ra với chính
phủ, đơn giản vì chính phủ là bắt buộc, là bạo lực. Bạn phải tuân theo
cho dù không nhận được giá trị gì. Vậy bạn thích làm theo cách nào: tự
nguyện hay bắt buộc? Và bạn nghĩ cách nào sẽ có lợi hơn có bạn, cho cả
hai bên và cho xã hội?
Lý do số 3: Sự công bằng và bất công bằng
CNXH dựa trên nền tảng là mọi người đều công bằng, mọi người đều như
nhau. Theo CNXH, ai cũng phải làm việc như nhau, không hơn và không kém.
Nhưng thực tế là gì? Hãy quan sát, mọi người quanh bạn có như nhau
không? Hoàn toàn không. Mỗi cá nhân trong xã hội đều khác nhau. Tôi
thích làm việc 12 tiếng 1 ngày, người kia thích làm việc 8 tiếng. Người
kia thích mạo hiểm kinh doanh, người kia thì thích ăn lương tháng. Người
kia muốn làm trong ngành dầu khí, trong khi người nọ thích làm nhạc sĩ.
Mỗi người đều khác nhau hoàn toàn và không thể gom chung lại với nhau.
Vì mỗi người khác nhau nên giá trị lao động cũng khác nhau, đồng
nghĩa với việc lương mỗi người cũng khác nhau. Thị trường quyết định giá
trị của từng người chứ không phải là chính phủ.
Mượn câu nói của Milton Friedman:
“Một xã hội ưu tiên sự công bằng trước tự do sẽ không có
công bằng và tự do. Nhưng một xã hội mà ưu tiên tự do trước sự công bằng
sẽ có được một mức độ cao của cả hai.”
Lý do số 4: Thiếu vắng giá cả
Một trong những thứ căn bản của nền kinh tế là giá cả. Giá cả là gì?
Nó không đơn thuần chỉ là một con số. Nó là một sự phản ảnh của sự cung
cầu của một và mọi thứ hàng hóa và dịch vụ. Nó cho con người biết món
hàng đó phải tốn bao nhiêu công sức để sản xuất ra, tiền lời là bao
nhiêu, và sự khang hiếm của vật liệu cần thiết để làm ra nó.
Các doanh nhân dựa vào giá cả để đánh giá mức độ cần thiết của nó và
dựa theo nó để phân phối và sử dụng tài nguyên. Giá tăng có nghĩa là
người mua sẵn lòng trả thêm để có nó, cũng đồng nghĩa với việc là doanh
nhân sẽ có thêm lời và động lực, cũng đồng nghĩa với việc để làm ra
một món hàng thì phải tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Giá cả là sự
phản ảnh cuối cùng của thị trường về nhu cầu và sự khang hiếm của một
món hàng.
CNXH thì không cho phép giả cả linh hoạt và phản ảnh thực trạng.
Trong thị trường, giá cả được quyết định bởi tất cả thành viên tham gia.
Nhưng trong nền kinh tế CNXH thì nó được quyết định bởi một nhóm quan
chức làm việc trong một tòa nhà đâu đó xa xôi. Vấn đề là gì? Vấn đề là
một nhóm người đó thì làm sao thấy và phản ứng linh hoạt bằng tất cả mọi
người?
CNXH dựa trên nền tảng một nhóm người có sự hiểu biết nhiều hơn cả
trăm triệu người đang hoạt động linh hoạt với nhau. Một nền tảng phi lý.
Chính phủ không thể nào định giá linh hoạt và chính xác bằng thị trường
được.
Để ví dụ. 1 kg cà phê được thị trường định giá là 100 VND. Không ai
có thể giải thích được vì sao lại là 100 VND nhưng mọi người đều chấp
nhận giao dịch với giá đó vì mọi người cảm thấy hài lòng. Mọi người đều
tìm được giá trị riêng từ 1 kg cà phê với giá 100 VND đó. Còn chính phủ
sẽ định giá bao nhiêu? 90 VND? 150 VND? Sẽ mất bao lâu để các quan chức
đưa ra quyết định đó, và khi họ đưa ra quyết định rồi giá đó còn phản
ứng thực trạng của thị trường không? Rất khó, gần như bất khả thi. Sự
thất bại của ‘Kinh tế mới’ năm 1976-1986 ở Việt Nam là ví dụ điển hình.
Lý do số 5: Không có động lực cá nhân, lòng tham
Trong nền kinh tế CNXH, mọi thứ đều được đồng sở hữu, ai cũng nhu ai.
Không ai được giàu hơn và không ai được nghèo hơn, mọi người đều như
nhau. Nếu bạn không được quyền sở hữu những thành quả của bạn thì bạn có
chịu làm việc không?
Ở trong cái làng kia có 10 người, mỗi người một sào ruộng. Quy luật
là không cần biết và không phân biệt ai làm bao nhiêu giờ, ai làm nhiều
hay ít. Cứ cuối mùa thu hoạch là mọi người gom chung lại và chia đều
nhau. Khi áp dụng ngoài đời thì nếu một người siêng năng chịu làm hơn
nhưng vẫn phải chia đều cho những người còn lại mặc dù họ không chịu
làm, thì tại sao người siêng năng đó phải làm và phải siêng năng hơn?
Ai cũng có tâm lý thụ động, ai cũng muốn hưởng chứ không muốn làm. 1
người làm còn 9 người kia không muốn làm thì chẳng có lý do gì để phát
triển. Làm việc và phát triển làm gì khi mình không được sở hữu thành
quả của mình và phải chia đều cho những người không siêng năng như mình?
Đó là tại sao mô hình Hợp Tác Xã lại thất bại, vì nó tiêu diệt động lực
và lòng tham trong từng cá nhân. Làm cho họ lười biếng và thụ động. Chỉ
khi nào những cá nhân đó được sở hữu thành quả của mình, hưởng lợi theo
sức lao động của mình thì họ mới có động lực để cạnh tranh và phát
triển.
Mô hình làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu là một triết lý rất lý
tưởng và khả thi nếu mọi người đều siêng năng như nhau. Nhưng thực tế
thì không. Xã hội có người lười người siêng. Tại sao người siêng phải
chia đều công lao của mình cho người làm biếng? Bạn làm bài được 10
điểm, bạn có chịu và chấp nhận chia điểm cho người được 5 điểm không?
Thật bất công phải không? Nhưng đó chính là nền tảng của CNXH.
Lý do số 6: Thiếu vắng Lời và Lỗ
Trong nền kinh tế thị trường, Lời & Lỗ là tín hiệu, như đèn giao
thông. Lời là đèn xanh, hãy đi tiếp. Lỗ là đèn đỏ, hãy ngưng lại. Khi
một doanh nhân làm việc có lời, điều đó nghĩa là lĩnh vực đó có tiềm
năng, khách hàng có nhu cầu sử dụng món hàng đó. Doanh nhân đó sẽ dựa
theo mức lời để tái đầu tư và báo hiệu cho các doanh nhân khác cùng tham
gia. Nhưng nếu là lỗ thì có nghĩa là lĩnh vực đó hay anh ta đã làm gì
đó sai, hoặc khách hàng không có nhu cầu, lỗ ra tín hiệu cho các doanh
nhân đầu tư vào chỗ khác, tránh việc tiếp tục đầu tư vào một việc không
tạo ra giá trị.
Nền kinh tế XHCN thì không có chuyện lời lỗ. Phải nói chính xác hơn
là không có chuyện lỗ, vì doanh nghiệp nhà nước thì không lỗ được. Bởi
vì không có Lời & Lỗ nên các quan chức không biết phải phân phối tài
nguyên như thế nào, Không biết nên đầu tư vào lĩnh vực gì, với kinh phí
bao nhiêu và quan trọng hơn là nên ngừng lại ở điểm nào. Nếu không có
Lời & Lỗ thì làm sao một nền kinh tế và các thành viên trong nền
kinh tế đó có thể đưa ra quyết định được?
Lý do số 7: Quyết định tập trung thay vì quyết định linh hoạt
Trong nền kinh tế thị trường, mỗi người sẽ có một quyết định riêng và
khác nhau. Sự quyết định này linh hoạt và thay đổi theo từng năm, từng
tháng, từng ngày, từng giờ. Vì sao? Vì khi một ai đó thay đổi thì sẽ ảnh
hưởng lớn nhỏ đến sự quyết định của người khác. Hôm nay người ta thích
dùng Blackberry, ngày mai lại thích iPhone. Nền kinh tế phát triển dựa
trên sự linh hoạt này.
Nhưng trong nền kinh tết CNXH, mọi quyết định đều do một nhóm người
ban hành. Vì sao đây lại là vấn đề? Vì tại sao một nhóm người này lại có
sự hiểu biết để đưa ra quyết định thay cho những người còn lại trong xã
hội? Ai là người đã bầu họ để họ ra quyết định? Nếu họ quyết định đúng
thì không sao, nhưng rất hiếm và rất khó. Nếu họ quyết định sai thì mọi
người đều bị ảnh hưởng. Tư duy này được FA Hayek gọi là sự ‘lừa dối hoặc ngạo mạn của trí thức‘.
Làm sao một nhóm người nào đó ở một nơi xa xôi nào đó có thể có đủ
kiến thức và sự linh động để đưa ra quyết định thay cho hàng trăm triệu
người được? Nếu họ nghĩ họ có đủ khả năng đó thì sao không cho người
khác suy nghĩ và đưa ra quyết định thay cho họ? Đây là tư duy ngạo mạn,
phi lý.
Nền kinh tế và xã hội chỉ phát triển được khi mỗi con người có tự do tự quyết.
Lý do số 8: Dùng tiền của người khác cho người khác (nền tảng của các cơ quan chính phủ)
Khi bạn dùng tiền của người khác cho người khác, bạn sẽ không quan
tâm và không có động lực để tối đa hóa giá trị. Vì sao? Đơn giản vì đó
đâu phải tiền của bạn, bạn không cảm thấy xót và vì thế bạn không quan
tâm. Bạn không quan tâm số tiền đó là bao nhiêu, cũng như số tiền đó sẽ
được chi tiêu ra sao, giá trị đổi lại có đáng giá không. Bạn cũng không
phí thời gian cân nhắc, trả giá, phấn đấu hoặc thương lượng khi dùng nó
như lúc bạn dùng tiền bản thân cho bản thân.
Đây chính là nền tảng của các cơ quan chính phủ, từ các cơ quan xã
hội cho đến các công ty quốc doanh. Nếu các nhân viên chính phủ dùng
tiền không hiệu quả cũng không có ai trừng phạt, họ cũng không cần phải
cạnh tranh vì doanh nghiệp nhà nước thì không có chuyện lỗ, vì luôn được
ngân sách bù đắp. Họ cũng không thấy xót khi nhìn số tiền này bị tham
nhũng, lạm dụng hay ăn cắp, vì đâu phải tiền có họ nên chẳng có lý do gì
chính đáng để họ quan tâm.
Bạn hãy so sánh tác phong làm việc giữa các doanh nghiệp hoặc tổ chức
tư nhân và nhà nước. Vì sao cũng con người đó mà lại 2 tác phong và 2
kết quả hoàn toàn khác nhau? Vì một bên dùng tiền của mình, phải cân
nhắc và cạnh tranh, vì họ cảm thấy xót. Còn một bên thì dùng tiền người
khác cho người khác, nên chẳng có gì để xót. Đây là nguyên nhân vì sao
các cơ quan chính phủ lại hoạt động kém và tham nhũng.
Ku Búa |
1 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>