Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Chào buổi sáng





Chào buổi sáng



Dậy đi em, mình ra chào buổi sáng
Hướng về đông và đứng thẳng con người
Rồi vươn vai tắm gội ánh mặt trời
Hít thở sâu, uống no nê hương nắng

Dậy đi em, đứng nghiêm chào buổi sáng
Vừng hồng lên sẽ tỉnh giấc u mê
Ác mộng, tật nguyền, ma quỉ, bóng đè
Sẽ bị mặt trời chiếu tàn vĩnh viễn

Em sẽ thấy trước bình minh sán lạn
Lòng nhẹ tênh, tan biến hết bơ phờ
Hồn trong veo, không chút bụi trần dơ
Tim rạo rực, trào dâng niềm vui sống!


Dậy đi em mà ươm trồng hạnh phúc
Cần mẫn từng ngày thu lượm lấy cho mình
Vì trên đời này nào có thể đâu em
Vun vén tình yêu nhờ bàn tay kẻ khác?!

Dậy đi em, mà ra chào buổi sáng
Mình cùng nhau náo nức đón ban mai
Nghe tầng không phơi phới gió tương lai
Lan thoảng xuống, mát lành vờn xanh tóc

Nào! Dậy thôi! Mình ra chào buổi sáng
Mau mau lên kẻo ngày tháng qua đời!



0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Mời dự đám cưới


Thời gian:     17h00, thứ Năm ngày mồng 7 tháng 3 2013    
Địa điểm:     Tại Hội trường 6, Nhà khách La Thành, 218 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội    





Xin trân trọng kính mời các anh chị và các bạn Trỗi tới dự tiệc cưới của hai con chúng tôi là

Nguyễn Anh VũTrương Thị Minh Huệ

được tổ chức vào lúc 17h00, thứ Năm ngày mồng 7 tháng Ba (dương lịch)
tại Hội trường 6, Nhà khách La Thành, 218 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội (có thể đi theo cổng sau ở đầu phố Vạn Phúc).

Nhà trai: Nguyễn Nam Vũ
Nguyễn Nam Vũ
Vũ xồm
0912 102 823
HN
2010
cựu học sinh K6 và Nguyễn Thị Thái
Nguyễn Thị Thái
K8, C11
0904678769
HN
K8, C11, trường NVT rất hân hạnh được đón tiếp.

Để việc đón tiếp được chu đáo, mong các anh chị và các bạn vui lòng nhắn tin vào số 0904678769.

Xin chân thành cảm ơn!




Đăng lại tin của Nguyen Thi Thai (đã đăng tại Blog "Út Trỗi”: Thứ hai, ngày 25 tháng hai năm 2013)




1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Huyền thoại nỗi buồn





Huyền thoại nỗi buồn



Ngày xưa Ông Tạo dỗ dành rằng
Người khôn nên được thưởng Nỗi Buồn
Có chàng phụng phịu: "Con không muốn!"
Ông cười: "Thôi, cố khóc một lần!..."

Chàng khóc rống lên trút Nỗi Buồn
Cuộn dòng lệ chát chảy thành Sông
Lòng chàng sạch sanh Niềm Cô Quạnh
Hí hửng về vui với Phố Đông...

Từ đó tình chàng tỉnh như không
Chỉ toàn quay quắt với hơi đồng
Nói cười nham nhở, trơ vai kịch
Triền miên lạc thú với Đêm Hồng

Lệ chát tràn trề hóa Bể Đông
Tiên Cá ngây thơ uống no lòng
Để rồi ngẩn ngơ buồn cô quạnh
Lên ngồi bờ đá ngóng mênh mông...

Nàng đâu hay mình đã cảm thông
Nỗi Buồn trần thế đã vương lòng
Biết thương biết nhớ trong chờ đợi
Biết là hạnh phúc buổi trùng phùng


Thế rồi hồn nàng hóa hồn người
Ươm trong buồn nhớ những Mầm Vui
Kết trái Tình Yêu từ độ đó
Đủ đắng cay, chua chát, ngọt bùi

Chàng kia dần hóa quỉ Sa Tăng
Rình mò, quấy nhiễu khắp lương dân
Tâm hồn tàn nhẫn trong hoan lạc
Gầm gừ, hú hét rợn đêm trăng

Đời sau, con cháu ở Phố Đông
Mặc cảm, kéo về tắm Bể Đông
Tìm hớp Nỗi Buồn trong lệ chát
Nghe ngàn xưa vỗ tiếng vọng thầm:

"Thế gian mà vắng Nỗi Buồn
Linh Hồn bốc cháy, điêu tàn Thơ Ca
Xấu đau xấu đớn Cỏ Hoa
Núi ngồi thô lỗ, Sông trơ đáy ghềnh
Xuân cằn, tê lụi chồi mầm
Hè hun khô khốc, gió hầm vũ phu
Đục ngầu, bụi bặm trời Thu
Đông ghè giá buốt đắp mồ Tình Yêu
Loài người thành lũ quái chiêu
Đói xương, khát máu, lêu têu bầy đàn!..."



0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Tự do





Tự do


"Hiểu biết thật sự là hiểu biết có thể đưa ta tới tự do"
Châm ngôn Ấn Độ

"Hãy sống và hãy để cho người khác sống với!"
S. Radhakrishnan


Anh và em
Hai đời tuổi trẻ
Tự do yêu nhau
Ràng buộc vào hôn lễ
Mơ hạnh phúc ngày sau...

Cau trầu thắm quyện chưa lâu
Bức bối nảy sinh, nhức đau bó buộc
Đành đến ly hôn, cởi bỏ duyên tơ lệ thuộc
Lại trả nhau về hai nẻo tự do!

Ôi con sông nào không có hai bờ
Nhịp cầu, con đò nối liền thân phận
Tự do nào không còn ràng buộc
Ràng buộc nào mất hết tự do?!


Nếu trên đời này có tuyệt đối tự do
Sẽ hóa toàn xung đột
Tự do không khi hiển nhiên trói cột?

Hỡi những lứa đôi, hỡi những mối tình
Cứ hồn nhiên mà kết nối trái tim
Mở lối nghĩ suy hướng về chung nhịp điệu!
Khi hai linh hồn đã hòa đồng ước vọng
Tự nhường nhịn nhau từ hai nẻo tự do
Sẽ thành nghĩa tình tối thượng tự do
Trong đằm thắm, vui mừng lệ thuộc
Giữa chợ đời, chẳng gì mua chuộc được
Đến đầu bạc răng long
Đến tận cùng của hạnh phúc trăm năm!...



0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Thuyết tương đối

THUYẾT TƯƠNG ĐỐI


Có người đề nghị Anhxtanh
Albert Einstein
Albert Einstein năm 1921
(Albert Einstein, 1879-1955), nhà vật lý được thừa nhận vĩ đại nhất thế kỷ XX, giải thích thật đơn giản để người bình thường cũng hiểu được thuyết tương đối mà ông đã sáng lập. Nhà vật lý thiên tài nói:
   - Này nhé, bạn hãy mường tượng mình đang ngồi trên chiếc chảo nung cực nóng trong một vài giây thôi, bạn sẽ cảm thấy rằng thời gian dài như vô hạn. Bây giờ, bạn lại tưởng tượng rằng mình được ôm cô đào Máclin
Marlene Dietrich
Marlene Dietrich trong phim Morocco
(Dietrich Marlene), ngôi sao màn bạc nổi tiếng của chúng ta trong năm phút, bạn sẽ cảm thấy thời gian trôi quá nhanh, chỉ là khoảng chớp mắt. Thuyết tương đối là như thế đấy!

Sưu tầm
LB: - Lời giải thích "tối mịt" của thiên tài!
      - Thời gian "co dãn" theo chủ quan cảm giác của con người là một sự thực. Nhưng thuyết tương đối của Anhxtanh đâu phải nói về điều ấy?
      - Thuyết đó chỉ ra rằng không-thời gian của một hệ chuyển động co lại dần theo chiều tăng vận tốc của hệ đó, và đó là một sự thực khách quan, không phụ thuộc vào tâm-sinh lý của con người.
      - Hiện nay, thuyết tương đối (cả "hẹp" lẫn "rộng") là một trong hai thuyết (thuyết kia là "Cơ học lượng tử") hợp thành nền tảng cơ bản nhất của vật lý hiện đại. Dù thế, nó là một học thuyết...sai lầm!!! Không ai tin điều này ư? Hãy đợi đấy!...


2 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Về thăm Trại Hòe

Thứ bảy ngày 23/02/2013 (14/1 Quý Tỵ) là ngày khai mạc lễ hội làng Trại Hòe (nay là thôn Ngọc Tân, xã Ngọc Sơn), nơi đóng quân đầu tiên của Trường ta.

Nhận lời mời của Ban tổ chức, đoàn Trỗi gồm 5 người: Đỗ Quang Việt K2, Trần Quang Trung K4, Hoàng Việt, Ngô Thế Vinh, Thắng K5 đã về dự Lễ hội đầu Xuân.

Xem:
  1. “Đến hẹn” đã “lại lên” - Quang Việt K2, tại Blog K5.
  2. Đến hẹn lại lên Lễ Hội thôn Trại Hòe - Ngô Thế Vinh K5, tại Blog K5.
  3. Về nơi nặng tình - Thơ Quang Việt K2, tại Blog K5.





Về thăm Trại Hòe - Về nơi nặng tình

Thứ bảy ngày 23/02/2013 (14/1 Quý Tỵ) là ngày khai mạc lễ hội làng Trại Hòe (nay là thôn Ngọc Tân, xã Ngọc Sơn), nơi đóng quân đầu tiên của Trường ta.


Về thăm Trại Hòe - Về nơi nặng tình

Nhận lời mời của Ban tổ chức, đoàn Trỗi gồm 5 người: Đỗ Quang Việt K2, Trần Quang Trung K4, Hoàng Việt, Ngô Thế Vinh, Thắng K5 đã về dự Lễ hội đầu Xuân.

Ãnh Ngô Thế Vinh: Các anh Dương Văn Chuẩn, Dương Văn Hưng, Nguyễn Văn Bề Ban tổ chức Lễ Hội đón tiếp anh em trường Trỗi.


Về thăm Trại Hòe - Về nơi nặng tình

Ảnh Ngô Thế Vinh: Anh em trường Trỗi cùng các Chị Nuôi (Phương Thị Hiếu, Nguyễn Thị Khải, Nguyễn Thị Ninh - trái qua) dâng Lễ Thành Hoàng


Về thăm Trại Hòe - Về nơi nặng tình

Thứ bảy ngày 23/02/2013 (14/1 Quý Tỵ) là ngày khai mạc lễ hội làng Trại Hòe (nay là thôn Ngọc Tân, xã Ngọc Sơn), nơi đóng quân đầu tiên của Trường ta.
Ảnh Ngô Thế Vinh: Cùng các Chị Nuôi, lãnh đạo thôn, Ban tổ chức Lễ Hội, Bà con... nâng cốc chúc sức khỏe đầu Xuân, chúc mừng Lễ Hội.


Về thăm Trại Hòe - Về nơi nặng tình

Năm nay, lính Trỗi đến thăm được 5 gia đình: Trưởng thôn Chuẩn, BT chi bộ Hưng, chị Hiếu, chị Khải, chị Ninh và cô Loan – một giọng ca quan họ rất hay của thôn Ngọc Tân. Đến đâu cũng thấy được tình cảm trân trọng và yêu thương của mọi người đối với lính Trỗi.

Ảnh Ngô Thế Vinh: Đến thăm nhà chị Nuôi Phương Thị Hiếu. Ngày Lễ Hội các con cháu chị Hiếu về tập trung đông đủ, chúc mừng chị Hiếu đã lên chức Cụ vì mới có Chắt.


0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Chuyện kể trăng sao



Chuyện kể trăng sao


Xưa kia có gã giang hồ
Trên đường thiên lý tình cờ ghé qua
Bên dòng sông bạc phù sa
Một vùng dâu biếc, bao la cánh đồng...

Hoàng hôn đã sẫm nong tằm
Gốc đa cổ tích, gã nằm chiêm bao
Mơ hồ thoáng bóng Hoàng Sào[1]
Cung đàn nửa gánh, một chèo giang sơn
Đáy trời lấp láy sao Hôm
Cảm thương thiên cổ tạc hồn Ly Tao[2]
Giật mình trở giấc nôn nao
Bốn bề khuya lắng ngạt ngào hương trăng
Hiển linh một bóng đò ngang
Mái chèo phơi gió mơ màng ầu ơ:
"Ơi chàng trai kiếp giang hồ
Từ đâu lỡ bước, chờ đò về đâu?
Bên này là xứ non dâu
Bên kia vô định, giãi dầu bể khơi
Bên này màu mỡ đất bồi
Bên kia đất lở, cát vùi hoang vu.
Ơi chàng trai kiếp giang hồ
Từ đâu lạc bước, lần mò về đâu?
Đất này xanh sẵn vườn cau,
Sẵn tơ vàng óng têm trầu se duyên
Đất này nặng nghĩa đượm tình
Lòng người thuần phác, thiên nhiên thuận hòa
Đất kia ầm ĩ can qua
Nát tan vó ngựa, gầm ghè gươm đao
Ngang tàng lắm cũng Hoàng Sào
Đa đoan lắm cũng hôm nào Mịch La!..."
...

Con thuyền rời bến, trăng tà
Bâng khuâng gà gáy chở mơ sang trần
Có cô thôn nữ âm thầm
Rưng rưng ngấn lệ, xa dần cánh chim
Ai ru đồng điệu con tim
Cho đêm trăng sáng nguyện cùng gốc đa:
"Hữu duyên ngàn dặm không xa
Vô duyên nửa bước hóa ra muôn trùng..."
Cho ai mỗi độ trăng rằm
Lại hờn lại trách ai không trở về
Thời gian mòn mỏi tái tê
Không gian đằng đẵng mải mê phong trần!...

Thế rồi năm tháng xoay vần
Đến là Trời, Đất cũng cần có nhau
Để rồi bước thấp bước cao
Cô thôn nữ ấy nghẹn ngào vu qui
Đùng đoàng vỡ toác tình si
Dẫm lên xác pháo, nàng về tân hôn
Cây đa cổ tích đầu thôn
Trầm tư ngẫm cuộc vui buồn thế gian!
Hoàng hôn vội ló vành trăng
Dòng sông thả gió mênh mang ơ hờ:
"Ơi đồng dâu thuở mộng mơ
Nuôi tằm đã chín, ươm tơ đã vàng
Bến xưa, thuyền mới đã sang
Thuyền xưa bỏ bến lang thang phương nào?
Đêm nay diệu vợi trời sao
Có nàng trinh nữ lòng xao xuyến lòng
Có đôi loan phượng tương phùng
Trăm năm chung mối tơ hồng từ đây
Thôi thì cũng thỏa xum vầy!
Nhân tình thế thái, biết ai có còn..."


Nào hay Trái Đất xoay tròn
Gã trai năm cũ vẫn trên giang hồ
Hỏi ai thuộc được chữ ngờ
Mải đi kẽo kẹt bơ vơ gánh lòng
Không gian ai uốn nên cong
Cho con tạo nó quay vòng thời gian
Đêm nay gió lộng, trăng quầng
Bước chân phiêu lãng lâng lâng đường về
Nghe trong gió tiếng vu vơ:
"Nuôi tằm đã có kẻ nhờ đồng dâu
Ao làng đã có thuyền câu
Sự đời, đâu nỡ gây sầu cho ai!..."

Gã trai chững lặng, u hoài
Nhớ thương kỷ niệm vơi đầy trăng khuya
Ôm đàn ôn lại nắng mưa
Gảy lên uẩn khúc bộn bề nông sâu:
"Ra đi để bắc nhịp cầu
Cho dâu bên đó xanh dâu khắp vùng
Xưa kia giới tuyến giữa dòng
Mà nay thanh thản tình chung đôi bờ!
Bên này thuở ấy hoang vu
Ầm vang vó ngựa, mịt mù can qua
Giờ đây đoàn tụ thuận hòa
Dòng sông khuây khỏa câu hò giao duyên
Tình tang, tang tính, tang tình...
Ngậm vui thỏa chí, lắng buồn người xưa!
Tắm ghềnh, gội thác bôn ba
Dọc ngang dầu dãi, nắng mưa vẫy vùng
Đường thiên lý, chí tang bồng
Làm trai há chịu thẹn thùng thân trai?
Biết rằng hoạn lộ chông gai
Biết rằng nặng lỗi với ai duyên nồng...
Dễ thay là chuyện tao cùng!
Khó thay là chuyện anh hùng-mỹ nhân!
Quyết đi trọn bước gian truân
Mùa đông dẫu lạnh, mùa xuân thắm đào!
Đúng sai là chuyện Hoàng Sào
Đục trong là chuyện vận vào Khuất Nguyên.
Du ca cung chúc nhân duyên
Cánh chim lại vỗ mọi miền yêu thương!..."

***

"Chuyện xưa có gã tha phương
Có làng dâu biếc, có nàng ươm tơ..."

Tự ngàn năm đến bây giờ
Thầm thì đất kể những mùa trăng sao
Bầu trời: bát ngát đồng dâu
Sao trời lấp lánh: tằm reo bạt ngàn
Phong phanh Tráng Sĩ chạnh lòng
Ngẫm sang muôn thuở mênh mông Ngân Hà
Cây Đàn reo giữa bao la
Vọng hồn thôn nữ: nuột nà vầng trăng
Tơ vàng óng ả giăng giăng
Gió vui lễ rước, rưng rưng mây về
Bóng đa thiên cổ còn kia
Xum xuê điệu hát câu hò lứa đôi
Lão Thần Nông luống ngậm ngùi
Khom lưng đăm đắm tiếc thời Trần Gian
Một đời ngắn ngủi sao băng
Tuyệt vời khoảng khắc, vĩnh hằng hư vô!

Tiếng gà gáy: "Ó, ò, o!...
Người đời ơi có thương cho đời người?"

Hừng đông đã rạng chân trời
Sao sa tục lụy, sương cười long lanh...






Chú thích:
[1]
Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, khi Kiều khuyên Từ Hải ra hàng Hồ Tôn Hiến, có câu:

"Làm chi để tiếng về sau
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào "

Sử phong kiến coi Hoàng Sào là giặc. Sự thực, Hoàng Sào là một lãnh tụ khởi nghĩa nông dân có tài binh lược. Rất tiếc, ông chưa vượt được nhận thức thời đại
Ở Trung Quốc, vào cuối đời Đường, nhất là sau biến loạn A Sử, đời sống nhân dân vô cùng bi đát, cực khổ. Hiện tượng tập trung ruộng đất vào tay tầng lớp quí tộc và địa chủ trầm trọng đến nỗi "kẻ giàu có ruộng hàng vạn mẫu, người nghèo không có chỗ đặt chân". Ngoài ra, nhân dân còn phải chịu bao nỗi thống khổ khác, chẳng hạn như không có muối mà ăn, vì muối cũng như rượu, chè đều do triều đình độc quyền mua bán hoặc bị quan hoạn tự do cướp đoạt ngoài chợ. Sự cùng cực đó của nhân dân đã là nguyên nhân trực tiếp làm xuất hiện hàng loạt cuộc khởi nghĩa nhằm đòi lại quyền sống cơ bản của họ.
Năm 874, một cuộc khởi nghĩa lớn bùng phát ở tỉnh Sơn Đông với lãnh tụ là Vương Tiên Chi. Năm 875, Hoàng Sào cũng tụ tập được mấy ngàn người nổi dậy hoạt động ở đó, rồi sau một thời gian ngắn thì gia nhập lực lượng của Vương Tiên Chi. Từ đó, phong trào lớn mạnh nhanh chóng, địa bàn hoạt động lan rộng ra các tỉnh Hà Nam, Hồ Bắc, An Huy.
Năm 877, do bất đồng chính kiến, lực lượng Hoàng Sào tách khỏi Vương Tiên Chi
Năm 878, Vương Tiên Chi bị quân nhà Đường đánh bại, tiêu diệt. Hoàng Sào trở thành người lãnh đạo chủ yếu của phong trào khởi nghĩa...
Cuối năm 879, Hoàng Sào kéo quân về Trường An. Triều đình Đường bỏ kinh thành chạy sang Tứ Xuyên.
Năm 881, Hoàng Sào tự xưng Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Tề.
Nhà Đường tập hợp lại lực lượng, đến năm 884 thì chiếm lại Tràng An. Hoàng Sào tự tử.
***

Lạm bàn:
Lịch sử cho thấy, nông dân sục sôi nổi dậy, theo Hoàng Sào là vì sự sống còn của bản thân họ, chứ không vì điều gì khác. Hoàng Sào, thuộc gia đình buôn bán muối, có học hành (thi hoài không đỗ), chắc chắn cũng mang nỗi bất mãn trước nạn tham quan lại nhũng, cướp ngày của nha lại, đã thấy được sự hòa hợp của hai quyền lợi bị xâm phạm, nên đã chớp lên dựng cờ nghĩa. Tiếc rằng, Hoàng Sào không thể vượt thoát được nhận thức của thời đại, cho nên khi đoạt được chính quyền, đã vội vã xưng đế mà không tiếp tục khẩn trương thực hiện nguyện vọng lớn của muôn dân. Thất bại của Hoàng Sào chính là ở chỗ ấy!

Dù sao, phong trào khởi nghĩa nông dân do Hoàng Sào lãnh đạo đã đẩy nhà Đường vốn đã suy yếu, mau chóng bị diệt vong, nhường chỗ cho thời đại "Ngũ đại thập quốc", một thời đại cũng "huynh đệ tương tàn" không kém bất cứ thời đại ly loạn nào trong lịch sử Trung Quốc - một lịch sử nổi bật những cuộc thôn tính và bành trướng bằng bạo lực.

Hoàng Sào còn là một người hay chữ. Tương truyền, ông đã để lại cho đời sau hai câu thơ đầy hào sảng:

Bán kiên cung kiếm bàng thiên túng
Nhất trạo giang sơn tận địa duy
(nghĩa là:
Nửa vai cung kiếm có trời cho
Một chèo đi khắp núi sông thiên hạ)


[2]
"Ly tao" là bài thơ rất nổi tiếng trong thi văn Trung Quốc, được Tư Mã Thiên
Tư Mã Thiên
Tranh vẽ Tư Mã Thiên
145–86 TCN
, nhà chép sử cổ đại có một không hai của dân tộc Trung hoa, một trong những sử gia thuộc hàng đầu của nhân loại, hết lời ca ngợi. "Ly tao" là một lời "oán thán" thống thiết, một "nỗi sầu ly biệt" khắc khoải, da diết.
Tác giả bài thơ là Khuất Nguyên
Khuất Nguyên
340-278 TCN
(340-278 TCN). Khuất Nguyên gốc danh gia vọng tộc, có tài, làm quan nước Sở. Lúc đầu được vua là Sở Hoài Vương sủng ái, sau, hay mở lời can vua, lại có sự ganh ghét dèm pha nên bị vua ruồng bỏ, xử phạt, đày đến Giang Nam. Mang nặng trong lòng nỗi u uất nên Khuất Nguyên thường "vừa vui đã buồn, vừa cười đã khóc".
Cuối cùng, sau khi làm bài thơ "Phú hoài sa", xõa tóc bên dòng sông Mịch La, nói với ông lão đánh cá: "Đời đục cả chỉ một mình ta trong, mọi người say cả chỉ một mình ta tỉnh... Chẳng thà vùi xác trong bụng cá, chứ không chịu vấy bùn nhơ!...", rồi ôm đá gieo mình xuống dòng sông. (Lạm nghĩ: lòng Khuất Nguyên trong nhưng trí tuệ ông thì thật ra đã... say mèm!).
Người dân Trung Quốc có cái lễ vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, gọi là tết Đoan Ngọ. Tương truyền, đó cũng là ngày mất của Khuất Nguyên. Ở nước ta, mộc mạc và sát thực hơn, gọi là tết Sâu Bọ (hay: Giết Sâu Bọ).


0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Câu chuyện chiếc cầu



Câu chuyện chiếc cầu

Anh kể em nghe câu chuyện chiếc cầu
Nai lưng nối bờ dưới trời mưa nắng
Thức thâu đêm cho hẹn hò lai vãng
Tiễn biệt ngậm ngùi đời nản xuống dòng sông

Chiếc cầu im lìm, nhẫn nại, bao dung
Cho người xe qua đi tìm lẽ sống
Cho lứa đôi theo nhau về hạnh phúc
Cho những chia ly còn hy vọng qui hồi

Em biết không, thân phận chính là đời
Có vui có buồn, có may có rủi
Đau khổ nhất là thân yêu hắt hủi
Chẳng còn ai mà thổ lộ niềm sâu!

Anh kể em nghe câu chuyện chiếc cầu
Dãi gió dầm sương ngày đêm gánh vác
Tải nặng bao nhiêu cũng không thoái thác
Mấy ai qua rồi cám nỗi cầu đâu?

Ôi chiếc cầu, ôi chiếc cầu!
Cảm được ưu sầu mà run lên thế?
Bần bật từng cơn, oằn vai san sẻ
Tận tụy hiến dâng, có quản thân mình?

Trên đời này, ai không có trái tim?
Nhưng có những trái tim chai đá
Đập lạnh đanh chẳng cần xao xuyến nữa
Hút máu điên cuồng từ cả những tim đau!


Ơi em ơi! Ôi chiếc cầu,
Nối liền bến bờ lại chưa bờ chưa bến
An ủi người đi, chúc mừng kẻ đến
Cứ thế âm thầm lo cho những ai thôi!

Thấy tối qua em ngồi khóc tơi bời
Dàn dụa nỗi niềm, nhạt nhòa môi mắt
Là đồng loại nên lòng anh chua chát
Và nổi căm hờn không biết tại vì đâu!

Anh tặng em câu chuyện chiếc cầu
Để em làm khăn lau khô dòng cay đắng
Ráo hoảnh muộn phiền, đứng lên gan góc
Bươn chải cuối cùng xây đắp lại cuộc đời...

Hãy thắp hương cho thơm tỏa thấu trời
Lừng trắc ẩn rúng động lòng thần thánh
Em sẽ thấy đời không còn cô lạnh
Bởi dập dìu quanh toàn nắng gió vui tươi

Thắm lại mắt môi, về đậu mãi nụ cười
Khi em thấy trên cao vời ngan ngát
Linh hồn chiếc cầu nhiệm màu hiển hiện
Ánh ngời lên muôn ngàn sắc diệu huyền

Và đến một ngày bừng sán lạn trong em
Câu chuyện kể từ lòng anh tha thiết
Em tặng lại người bằng cất cao tiếng hát
Thành lời ca sự tích chiếc cầu vồng!...



0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Thơ Hồ Chí Minh


Thơ Hồ Chí Minh

Trần Hạnh Thu

Lúc chào đời, Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh
~1946
được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên, thời đi học ở Huế, mang tên Nguyễn Tất Thành. Theo nhà văn Sơn Tùng
nhà văn Sơn Tùng
, vào độ năm tuổi thì Cung theo gia đình (gồm cha là Nguyễn Sinh Sắc
Nguyễn Sinh Sắc
1862-1929
, mẹ là Hoàng Thị Loan, anh là Nguyễn Sinh Khiêm
Nguyễn Sinh Khiêm
1888 – 1950
) vào Huế - kinh đô của Việt Nam thời đó. Trong khi qua Đèo Ngang, Cung có đọc cho cha và anh nghe hai bài thơ sau:

1.
Núi cõng con đường mòn
Cha thì cõng theo con
Núi nằm ỳ một chỗ
Cha đi cúi lom khom
Đường bám lỳ lưng núi
Con tập chạy lon ton
Cha siêng hơn hòn núi
Con đường lười hơn con.

2.
Biển là ao lớn
Thuyền là con bò
Bò ăn gió no
Lội trên mặt nước
Em nhìn thấy trước
Anh trông thấy sau
Ta lớn mau mau
Vượt qua ao lớn.


Cũng theo nhà văn Sơn Tùng, quê ngoại của HCM ở Hà Tĩnh, gần cạnh quê của Quận công Hoàng Cao Khải
Hoàng Cao Khải
1850 - 1930
(làng Đông Thái, huyện Đức Thọ). Một lần, Nguyễn Tất Thành được về thăm quê ngoại. Cũng trong dịp ấy, HCK có mời các quan sở tại đầu tỉnh và cả các quan huyện đến dự lễ ăn mừng khánh thành cái dinh thự bề thế vừa xây xong tại quê nhà của mình. Trong lúc bữa tiệc diễn ra thì có một lũ trẻ (gồm: Phạm Gia Cẩn, Lê Thước
Lê Thước
1891 - 1975
, Nguyễn Sinh Khiêm và NTT) túm tụm bên ngoài tường bao dinh thự nhòm lén vào, và thấy: trên cái sân rất rộng có một cái bể cảnh rất lớn chưa có nước, trong đó có một hòn non bộ lớn, một cây si khoảng trăm tuổi và tượng ba ông lão nhỏ, còn các quan thì ngồi bên cạnh bể cảnh uống rượu tây và đang bình thơ văn. Bỗng nhiên trong đám học trò nhòm lén thốt to một câu: "Các quan làm thơ dở quá!". Nghe thế, Hoàng Trọng Phu
Hoàng Trọng Phu
1914
(con của HCK) đi ra quát lũ trẻ. Tiếp đó, HCK cũng ra nhưng chỉ nói:
- Đứa nào khi nãy chê thơ của các quan thì bây giờ đọc một bài thơ cho các quan nghe, ông thưởng
NTT thưa:
- Thưa cụ, con đọc bài thơ này, nếu có sai thì đừng phạt con?
- Đọc đi, ông không phạt!
NTT đọc:

Kìa ba ông lão bé con con
Biết có tình gì với nước non
Trương mắt làm chi, ngồi mãi đó?
Hỏi xem non nước mất hay còn


***

Lạm bàn: Nếu quả thực đúng như lời Sơn Tùng kể thì phải cho rằng trước khi xuất bôn tìm đường cứu nước để rồi trở thành anh hùng dân tộc, HCM đã là một thần đồng thơ.

***

Bài thơ mà NTT đọc ở dinh thự của HCK có hơi hướng gợi nhớ đến bài thơ "Ông phỗng đá" đã xuất hiện trước đó của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến
1835-1909
.
Trước hết, kể sơ về HCK. HCK sinh năm 1850, chết năm 1933. Sau khi đỗ cử nhân ân khoa (năm 1868), ra làm quan, cúc cung tận tụy phục vụ Triều đình Huế, hợp tác đắc lực với Thực dân Pháp trong cuộc xâm lược và bình định Bắc Kỳ của chúng, nhất là đã tham gia đàn áp khốc liệt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Nhờ thế, HCK được ban cho ấp Thái Hà (nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội; năm 1962 được Bộ Văn Hóa nước Việt Nam DCCH xác nhận là di tích quốc gia với đánh giá :"Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm dinh thự của một phó vương..."), và năm 1890 được phong tước Duyên Mậu Quận Công (đây là một biệt lệ vì theo qui định của Triều Nguyễn, quan lại chỉ được phong Quận Công khi đã mất)
Nguyễn Khuyến (1835-1909) là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông sinh ở quê mẹ (Nam Định) nhưng lớn lên và sống chủ yếu ở quê cha (làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Năm Giáp Tý (1864), NK thi hương, đậu Giải Nguyên. Năm sau ông thi hội, không đậu. Năm Tân Mùi (1871), NK thi hội lần thứ hai, đậu Hội Nguyên, rồi vào thi đình, đậu tiếp Đình Nguyên. Lúc ban cờ biểu cho ông, vua Tự Đức
Tự Đức
Chân dung thông dụng của vua Tự Đức.
Tên thật Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
1829-1883
tự tay đề hai chữ "Tam Nguyên", cho nên người ta mới gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ. Sau khi đỗ đạt, NK có ra làm quan một thời gian ngắn nhưng quan lộ của ông luôn gặp trắc trở. Cuối năm 1883, Thực dân Pháp kéo quân lên đánh chiếm Sơn Tây. Tổng đốc Sơn Tây lúc ấy là Nguyễn Đình Nhuận chống đỡ không nổi đã phải rút sang Hưng Hóa hợp sức với Nguyễn Quang Bích
Nguyễn Quang Bích
1832 – 1890
lập căn cứ kháng chiến. Trong tình hình đó, Triều đình Huế cử NK làm quyền Tổng đốc Sơn Tây, nhưng ông lấy cớ đau mắt nặng không đi nhậm chức và xin cáo quan luôn.
Vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XIX, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, phong trào kháng chiến chống quân xâm lược Pháp của nhân dân Bắc Kỳ bột khởi khắp nơi. Nhiều sĩ phu yêu nước tình nguyện tham gia cuộc kháng chiến đó, nhận trọng trách lãnh đạo khởi nghĩa. Một số khác, trong đó có NK, dù không trực tiếp chiến đấu thì cũng gián tiếp bằng cách này hay cách khác hô hào, ủng hộ, động viên phong trào kháng chiến hoặc chí ít là tỏ thái độ bất hợp tác với kẻ xâm lược và một triều đình đã lộ rõ sự bán nước. Trước tình hình đó, để đối phó, Thực dân Pháp một mặt tăng cường tấn công bằng quân sự, cố tiêu diệt các căn cứ, các đội quân khởi nghĩa, mặt khác, hợp tác chặt chẽ với bộ phận quan lại triều đình đã rắp tâm theo chúng, ra sức tìm cách mua chuộc, lôi kéo, gây chia rẽ hàng ngũ sĩ phu có tên tuổi.
Trong hoàn cảnh như thế, khi HCK (có thể chỉ đơn thuần là do mến mộ tài năng, mà cũng có thể có cả ý đồ quản chế) mở lời mời NK làm "gia sư" tại ấp Thái Hà, ông đã miễn cưỡng nhận lời. Tương truyền có một lần, sau khi dạy học xong, NK dạo chơi trong ấp, thấy tượng đá ông phỗng bên hòn non bộ ở sân vườn bèn tức cảnh sinh tình mà làm bài thơ "Ông phỗng đá". Nội dung bài thơ như sau:


Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
Trơ trơ như đá, vững như đồng
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
Non nước đầy vơi có biết không?


***

Trên bước đường hoạt động cách mạng của mình, có lần HCM bị quân Tàu Tưởng bắt cầm tù khoảng một năm. Trong thời gian đó, ông có sáng tác nhiều bài thơ chữ hán, hợp lại thành tập "Nhật ký trong tù". Sau đây là một số bài trong đó:

MỞ ĐẦU TẬP NHẬT KÝ


Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do


Nam Trân dịch



BUỔI TRƯA


Trong tù khoan khoái giấc ban trưa
Một giấc miên man suốt mấy giờ
Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới
Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ


Nam Trân dịch



LỜI HỎI


Hai cực trong xã hội
Quan tòa và phạm nhân
Quan rằng: anh có tội
Phạm thưa: tôi lương dân
Quan rằng: anh nói dối
Phạm thưa: thực trăm phần
Quan tòa tính vốn thiện
Làm ra vẻ dữ dằn
Muốn khép người vào tội
Lại giả bộ ân cần
Ở giữa hai cực đó
Công lý đứng làm thần


Huệ Chi dịch



CHIỀU HÔM


Cơm xong, bóng đã uống trầm trầm
Vang tiếng đàn ca, rộn tiếng ngâm
Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối
Bỗng thành nhạc quán viện hàn lâm


Nam Trân dịch



NGƯỜI BẠN TÙ THỔI SÁO


Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu
Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau


Nam Trân dịch



CÁI CÙM


I

Dữ tựa hung thần miệng chực nhai
Đêm đêm há hốc nuốt chân người
Mọi người bị nuốt chân bên phải
Co duỗi còn chân bên trái thôi


II

Nghĩ việc trên đời kỳ lạ thật
Cùm chân sau trước cũng tranh nhau
Được cùm chân mới yên bề ngủ
Không được cùm chân biết ngủ đâu?


Nam Trân dịch



HỌC ĐÁNH CỜ


I

Tù túng đem cờ học đánh chơi
Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài
Tấn công, thoái thủ nên thần tốc
Chân lẹ, tài cao ắt thắng người


II

Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ
Kiên quyết, không ngừng thế tiến công
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí
Gặp thời, một tốt cũng thành công


III

Vốn trước hai bên ngang thế lực
Mà sau thắng lợi một bên giành
Tấn công, phòng thủ không sơ hở
Đại tướng anh hùng mới xưng danh


Văn Trực - Văn Phụng dịch



NGẮM TRĂNG


Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ


Nam Trân dịch



TRUNG THU


I

Trung thu vành vạnh mảnh gương thu
Sáng khắp nhân gian bạc một màu
Sum họp nhà ai ăn tết đó
Chẳng quên trong ngục kẻ âu sầu


II

Trung thu ta cũng tết trong tù
Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu
Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt
Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu


Nam Trân dịch

ĐI ĐƯỜNG


Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao chập chùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non

Nam Trân dịch



GIẢI ĐI SỚM


I

Gà gáy một canh đêm chửa tan
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn
Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn

II

Phương đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng


Nam Trân dịch



ĐÊM LẠNH


Đêm thu không đệm cũng không chăn
Gối quắp, lưng còng, ngủ chẳng an
Khóm chuối, trăng soi càng thấy lạnh
Nhòm song, Bắc Đẩu đã nằm ngang

Nam Trân dịch







RỤNG MẤT MỘT CHIẾC RĂNG


Cứng rắn như anh chẳng kém ai
Chẳng như lão lưỡi dẻo và dai
Ngọt bùi cay đắng từng chia sẻ
Nay kẻ chân mây, kẻ cuối trời

Trần Đắc Thọ dịch



TRÊN ĐƯỜNG


Mặc dù bị trói chân tay
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng
Vui say, ai cấm ta đừng
Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hiu

Nam Trân dịch



PHA TRÒ


Ăn cơm nhà nước, ở nhà công
Lính tráng thay phiên đến hộ tòng
Non nước dạo chơi tùy sở thích
Làm trai như thế cũng hào hùng!

Văn Trực - Văn Phụng dịch



CẢNH BINH KHIÊNG LỢN CÙNG ĐI


I

Khiêng lợn, lính cùng đi một lối
Ta thì người dắt, lợn người khiêng
Con người coi rẻ hơn con lợn
Chỉ tại người không có chủ quyền

II

Trên đời ngàn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do!
Mỗi việc mỗi lời không tự chủ
Để cho người dắt tựa trâu bò

Nam Trân dịch



CỘT CÂY SỐ


Chẳng cao cũng chẳng xa
Không đế cũng không vương
Một phiến đá nho nhỏ
Đứng sừng sững bên đường
Người nhờ anh chỉ lối
Đi đúng hướng đúng phương
Anh chỉ cho người biết
Nào dặm ngắn, dặm trường
Mọi người nhớ anh mãi
Công anh chẳng phải thường

Văn Trực - Văn Phụng dịch



MỚI RA TÙ TẬP LEO NÚI


Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa

Nam Trân dịch



✯ 


0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Chúc Mừng Năm Mới - Quý Tỵ - 2013



Start:     Feb 09, 2013 11:30p
End:     Feb 10, 2013 11:30p
Location:     Blog


Chúc Mừng Năm Mới

Quý Tỵ
2013



0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>