Kỷ niêm lần thứ 130 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020)


Minh Phuong Hoang Hussain 19/5/2020·
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ. Nhớ lại 1 trong những lần được gặp Bác kính yêu!
Cùng Tiểu Yến, con gái nguyên soái Diệp Kiếm Anh.




Võ Kim Dung

...A. Sơn nghiêng mặt đang nhìn Bác...




Quang Trần Vinh 19/5/2020·
Trích Hồi ký của ông Trần Độ:
...Thời kỳ còn đóng ở trại Bảo An binh cũ, trước cửa rạp Tháng Tám, anh Vương Thừa Vũ là khu trưởng và tôi là chính trị viên, khi là hai thủ trưởng của một đơn vị quân sự lớn mà vẫn cái bát, đôi đũa liền tay...
Một hôm, chúng tôi nhận được thông báo là Hồ Chủ tịch sẽ tới thăm đơn vị. Tin đó làm cả ban chỉ huy bấn lên vì không ai biết đón tiếp Chủ tịch nước thì phải như thế nào. Quân đội chưa có điều lệnh, Nhà nước chưa có quy định nghi thức nào cả. Vậy nghi lễ đón Chủ tịch Nước thì phải như thế nào? Hẳn là không thể xuềnh xoàng được. Tôi lại là chính trị viên, phải làm sao thể hiện đúng yêu cầu ý nghĩa chính trị khi nghênh tiếp. Quân phục lúc bấy giờ chưa có, nhảy vào kho quân nhu lính khố xanh vớ được thứ gì bận thứ đó. Cả đơn vị muốn đồng phục thì chỉ mặc quần soóc và đi dép da trâu. Không đẹp, không lịch sự, nhưng cũng là trang phục nghiêm chỉnh trong điều kiện có thể. “Còn mình đứng ra trực tiếp đón Bác mà lại quần soóc có nên không?”. Tôi lo lắng thật sự, đưa ra ban tham mưu bàn. Các đồng chí đều nghĩ đến điều tôi đang quan tâm, bàn rằng phải đi mượn một bộ com-plê và phải kiếm cả cà vạt thắt cho ra vẻ lễ phục, vì cụ là Chủ tịch nước cơ mà. Tôi nghe bùi tai, yên trí như thế mới phải phép với Chủ tịch nước. Khi Bác từ trên xe bước xuống, khoan thai đi vào. Tôi với tư cách là chủ nhà đón khách quý hăm hở ra chào Bác. Tôi bỗng lúng ta lúng túng không biết nên chào thế nào. Chẳng lẽ trang phục như tôi lúc đó mà lại chào kiểu nhà binh? Tôi nhanh trí đứng nghiêm cung kính chào Bác. Bác đưa tay ra bắt tay tôi và nắm lấy luôn. Tay kia Bác nắm lấy cà vạt tôi đang mang. Bác hỏi: “Chú làm gì ở đây?”. Tôi lễ phép thưa: “Báo cáo Bác, cháu là chính trị viên”. Bác bèn bảo:
- Là chính trị viên mà ăn mặc thế này ư? Đi đâu mà phô-côn (cổ sơ-mi giả), cà-vạt thế này?
Bác chỉ anh em trong đơn vị đứng trong hàng ngũ, nói tiếp:
- Quân đội thì phải đồng cam cộng khổ, mà chú là chính trị viên, chú lại muốn làm giai cấp khác với anh em sao?
Tôi sa vào cảnh “trời trồng”, vừa muốn thưa với lòng cung kính nhất: “Bác ơi! Hôm nay đoàn Bác đến. Cháu chạy đi mượn bộ quần áo làm lễ phục đón Bác cho phải phép”. Vừa cảm thấy vô duyên không dám nói vì Bác đang đề cập đến một nội dung đáng phải chú ý hơn, làm việc thanh minh của tôi trở thành khó nói. Thế là đành chết cay chết đắng chịu “trời trồng”, đất không nứt ra để chui xuống.
Chào hỏi xong, Bác hỏi:
- Bếp đâu?
Tôi dẫn Bác đi thăm nhà bếp. May mà chúng tôi đã có hỏa đầu quân. Bác quan sát xong hỏi tiếp: “Chuồng xí đâu?”. Tôi đưa Bác đi. Bác lại hỏi: “Thế còn vườn rau?”. Tôi thưa: “Dạ, chưa có vườn”. Bác chỉ đám đất cỏ kế đó nói: “Thế đất này để làm gì? Phải tăng gia chứ”. Bác đi vào phòng khách rồi nói “năm điều” bộ đội cần thực hiện cho tốt.
Một lần khác, Bác cho gọi Đàm Quang Trung và tôi lên chỗ làm việc của Bác ở Bắc Bộ phủ. Lúc này anh Vương Thừa Vũ không làm khu trưởng nữa mà là anh Quang Trung. Thời đó, cán bộ bận bộ đại cán (loại áo bốn túi, cổ bẻ). Nhìn sang Quang Trung, tôi thấy anh mang cà vát đàng hoàng. Bụng hư hư thực thực, tôi không nói gì với Quang Trung. Song đến khi hai thằng sắp hàng trước chiếc bàn. Bác đang ngồi làm việc, tôi liếc sang thì cổ áo anh Quang Trung đã không mang cà vạt nữa. Thì ra khi bước lên cầu thang, cậu ta đã rút ra đút túi và gài kín cổ áo thật chỉnh tề. Tôi lại cứ để cổ bẻ. Ông cụ nhìn, chỉ tôi hỏi:
- Chú là bộ đội sao ăn mặc thế này? Chú không hiểu là quân phục của quân đội là phải gài kín cổ cho đứng đắn. Đừng có chuyện ăn chơi như thế!
Nói xong, Bác cho mỗi thằng điếu thuốc châm lửa hút. Tôi vội vàng đưa hai tay lên cổ cài cúc áo. Lúng túng thế nào đầu lửa châm một phát vào ngay cổ. Càng đau hơn! Trên đường về, tôi trách Quang Trung:
- Cậu đếch phổ biến kinh nghiệm cho anh em. Chỉ biết lo cho thân cậu, để mình bị thuốc châm rát cổ.
Đúng như các cụ ngày xưa thường nói: chẳng có cái dại nào giống cái dại nào! Tuy thế càng về sau, những chuyện này lại thành những kỷ niệm thật êm đềm. Rõ ràng ông cụ rất nghiêm, không bỏ qua bất cứ thiếu sót nào, đồng thời rất mực thân ái, rất tình cảm. Do vậy cái nghiêm khắc cùng lòng nhân ái làm ta nhớ khắc sâu trong lòng thành những kỷ niệm khó quên. Nó làm ta gần Bác thêm, yêu Bác hơn. Sức cảm hóa của Bác thật kỳ diệu.




Tạ Chính 19/5/2020·

Đời đời nhớ ơn Bác là lời nhắc nhủ cha tôi trong cuộc sống. Ông đã viết :
"Tôi là một nhà toán học hụt. Nhờ Bác và Đảng mà tôi đã giúp ích ít nhiều cho Đảng và Nhà nước".
Bác và Đảng đã tin cậy giao cho ông nhiều trọng trách ngay từ ngày đầu của Chính quyền Cách mạng và xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến. Ông đã không ngừng phấn đấu, cống hiến để không phụ lòng tin đó.
Chỉ có một ít tấm hình ghi lại những kỷ niệm sâu sắc cuộc đời ông với Bác, về những việc ông được giao, về sự giản dị nhưng rất cao đẹp trong phong cách mà ông luôn học hỏi. Ông đã truyền tình cảm kính trọng, biết ơn đó cho đời sau.