Thứ Năm, 31 tháng 1, 2008

203 - Xây nhà cho đồng đội - Vinh Quang, SRTKL2: 814-816



Xây nhà cho đồng đội 1


VINH QUANG thực hiện

refont.com - Glitter textrong hai cuộc kháng chiến, riêng huyện Châu Thành (tỉnh Long An) có hơn 3.000 liệt sĩ với 82 bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhưng chúng ta mới xây dựng được trên 600 ngôi nhà tình nghĩa. Nhìn con số trên đã thấy những cố gắng của chúng ta là chưa đủ. Thông qua Hội đồng hương của các cán bộ quê ở Long An, đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, mà cựu chiến binh Trần Thành Công 2 biết được một cựu chiến binh ở xã Long Trì, huyện Châu Thành có một số phận nghiệt ngã và cuộc sống cơ cực cần được giúp đỡ. Trong dịp kỷ niệm 28 năm, Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh đã quyết định dùng số tiền tiết kiệm 18 triệu đồng, thay mặt cha mẹ, đóng góp xây dựng ngôi nhà tình nghĩa cho đồng đội. Chủ nhật cuối tháng 4 năm nay, anh Trần Kháng Chiến cùng Kiến Quốc, Phan Nam và Trần Thành Công theo đoàn về Long An.

Người được giúp là ông Nguyễn Hoàng Oanh ở ấp Long Hưng. Sinh năm 1929, trong kháng chiến chống Pháp, Năm Oanh vào bộ đội, đến 1954 thì tập kết ra Bắc. Ở ngoài Bắc, ông tiếp tục phục vụ trong trung đoàn 263 phòng không, thuộc sư đoàn 361. Những năm tháng chiến tranh phá hoại, ông đã từng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) rồi vinh dự tham gia vào Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, sau đó cùng sư đoàn phòng không 367 tiếp tục hành quân vào Nam… Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khoác ba-lô trở về xã trong sự ngơ ngác vì cả xã đã thành bình địa, cha mẹ đều đã chết. Ra quân với quân hàm trung uý, ông được bà con chòm xóm đùm bọc rồi xây dựng gia đình và có được hai người con. Nhưng số phận nghiệt ngã không buông tha ông, do chất độc màu da cam mà đứa con thứ hai bị tật nguyền rồi đau đớn theo mẹ ra đi. Còn lại hai cha con, sống cảnh màn trời chiếu đất. Ở địa phương, Năm Oanh là niềm kiêu hãnh của bà con vì là người đã từng tham gia đánh B52, nhưng cuộc sống của anh thì khổ đến mức quanh năm không biết đến vị ngọt của đường. Có một lần, hai cha con lên xã, ra cửa hàng bách hóa mua được kí đường nhưng khi về đến nhà thì gói đường cũng chỉ còn lại những hạt cuối cùng... Nỗi đau của những cán bộ địa phương còn lớn hơn khi nghe những kẻ đã từng khoác áo lính ngụy mỉa mai: “Số phận người có công với cộng sản là thế đấy!”. Nhà nước còn nhiều việc phải làm và ngay một lúc chưa thể giải quyết hết mọi khó khăn, nhưng thời gian cứ trôi qua và cuộc sống vẫn là những gì rất cụ thể…

… Ngôi nhà xinh xắn, thơm mùi vôi mới, rộng 50m2, có phòng khách và phòng ngủ thật khang trang. Ngay cửa vào có gắn tấm biển: “Gia đình ông bà Trần Tử Bình kính tặng”. Anh Kháng Chiến, con trai trưởng thay mặt gia đình, phát biểu khi trao quyết định giao nhà tình nghĩa cho ông Năm Oanh:

- Chúng tôi thật vinh dự được thay mặt cha mẹ cùng Hội đồng hương Long An, chính quyền địa phương và bà con cô bác xây dựng và bàn giao cho cựu chiến binh Năm Oanh ngôi nhà tình nghĩa. Cha chúng tôi có nhiều gắn bó với mảnh đất Nam bộ từ năm 1927. Sinh thời, ông có nguyện vọng đến ngày thống nhất sẽ về Nam sinh sống. Tiếc rằng, ông đã sớm ra đi. Kế tục ý nguyện của ông, anh em chúng tôi đã tham gia chiến đấu chống Mỹ, cứu nước và nay tiếp tục làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tôi và em Trần Thành Công đều là lính tên lửa, cùng quân chủng với đồng chí Năm Oanh, nên việc làm này thực sự có ý nghĩa trong việc giúp đỡ đồng chí đồng đội, đền đáp phần nào sự hy sinh của đồng chí cho quê hương đất nước…

Tiếp sau đó, đại biểu chính quyền, phụ nữ và Hội đồng hương mang những phần quà tình nghĩa và một sổ tiết kiệm 1 triệu đồng tặng cho ông Năm Oanh. Cảm động hơn, anh Ba Tìm đã chuyển 500 ngàn, trích từ tháng lương đầu tiên của con trai, gửi tặng gia đình. Cựu chiến binh Năm Oanh đã nghẹn ngào nói: “Đã gần 75 tuổi mà cuộc sống quá khó khăn, chỉ nhờ có cách mạng, nhờ có tình đồng đội, đồng hương mà hoàn cảnh gia đình tôi đã có sự thay đổi. Không biết nói gì hơn, tôi xin cảm ơn tất cả!”

V.Q




1.  Bài đăng trên Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần số 395, ngày 27-7-2003.
2.  Học sinh khóa 6, giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dệt-may-thêu TTC.


0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

237 - "Ngoại giao nhân dân" mừng 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Phạm Hoàng Hưng K6, SRTKL2: 936-939



refont.com - Glitter textgoại giao nhân dân”
mừng 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ


PHẠM HOÀNG HƯNG *
Học sinh khóa 6

Đã từ lâu, thầy, cô giáo và cựu học sinh hai trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm (1953-57) và Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965-1970), sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có những quan hệ mật thiết. Tháng 5 năm 2004, Ban Liên lạc hai trường cùng tổ chức họp mặt “Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Cùng nhau nhớ về Quế Lâm thân yêu”.

Từ sớm chủ nhật, 16 tháng 5, thầy trò tập trung về Nhà Văn hóa hữu nghị thành phố, không xa Dinh Độc Lập. Chúng tôi gặp mặt đông đủ các thế hệ thầy trò hai trường cùng các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, 50 năm trước. Giáo viên trường ta tới dự có cô Phạm Thị Thục và các thầy Nguyễn Đỗ, thầy Hoàng Văn, thầy Mai Duy Vọng, thầy Phạm Đình Trọng, chị Phan Thị Quyên. Thầy trò lâu ngày mới gặp nhau, tay bắt mặt mừng, trao nhau bao kỷ niệm xen lẫn niềm vui, nỗi buồn. Cách nay gần bốn, năm chục năm, có một thời, thầy trò hai trường đã từng tá túc ở thành phố Quế Lâm - mảnh đất nghĩa tình thuộc tỉnh Quảng Tây, được nhân dân Trung Quốc yêu thương, đùm bọc. Ngày đó, tuy Bạn còn nhiều khó khăn, nhưng vì Việt Nam mà chúng tôi đã được sống và học tập trong điều kiện tốt nhất.

Ngay tại tiền sảnh, Ban tổ chức đã chuẩn bị một triển lãnh ảnh về quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước, hình ảnh Bác Hồ, Bác Mao và các đồng chí lãnh đạo; cùng hoạt động của thầy trò hai trường về thăm lại Quế Lâm. Trong phần họp mặt giao lưu, chúng tôi tự giới thiệu về trường mình và cùng hát những bài ca truyền thống. Dẫn chương trình do hai anh em Kháng Chiến, Kiến Quốc, cựu học sinh của trường Thiếu nhi Việt Nam và Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, đảm nhiệm.

Đúng 10 giờ 30 phút, nữ đồng chí Cao Đức Khả, Tổng lãnh sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cùng các cán bộ lãnh sự Trung Quốc tiến vào hội trường trong sự chào đón thân tình. Trên dãy bàn đại biểu, cựu thiếu sinh quân Nguyễn Thiện Nhân ngồi cạnh Tổng lãnh sự cùng thầy Nguyễn Xuân Tảo, thầy Nguyễn Đỗ, chị Phan Thị Quyên, cựu chiến binh Lê Trọng Nghĩa, các vị khách Trung Quốc và đại diện Hội Hữu nghị Việt-Trung.

Cả hội trường dành một phút tưởng nhớ đến các Anh hùng, liệt sĩ và những thầy trò đã mất. Thầy Nguyễn Xuân Tảo, nguyên hiệu phó trường Thiếu nhi Việt Nam, bằng bài diễn văn ngắn gọn đã nói lên chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” của dân tộc ta, gắn liền với sự giúp đỡ của bầu bạn quốc tế, trong đó có sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc anh em. Đáp lại, Tổng lãnh sự Cao Đức Khả với khả năng diễn đạt thành thạo bằng tiếng Việt, đã nhắc lại lịch sử quan hệ giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, tình cảm thân thiết giữa Bác Mao và Bác Hồ, cùng những đóng góp của nhân dân Trung Quốc với cách mạng Việt Nam. Tổng lãnh sự nói: “Tôi thật sự cảm động khi được gặp những người bạn Việt Nam, đã từ lâu, từng sống và học tập ở Trung Quốc, vẫn coi Trung Quốc là quê hương thứ hai của mình”. Khi Tổng lãnh sự vừa dừng lời, toàn thể hội trường cùng cất cao lời ca “Việt nam, Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông…”

Đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên cục trưởng Cục Quân báo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, được giới thiệu lên phát biểu. Đã 84 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in kỉ niệm những ngày đi chiến dịch và cùng làm việc với các cố vấn quân sự Trung Quốc. “Các đồng chí cố vấn đã cùng chúng tôi ra mặt trận ngay từ khi chiến dịch mới mở. Anh em cùng nhịn đói, nhịn khát, dãi nắng, dầm mưa. Ngay tại mặt trận, đồng chí Phùng Đại Bảo, một cán bộ trong đoàn, đã anh dũng hy sinh …” Là một phụ huynh học sinh, ông đã nói lên lời cảm ơn thầy, cô trường Nguyễn Văn Trỗi cùng thành phố Quế Lâm, một thời đã nuôi dạy, đùm bọc hai con trai ông.

Trong khi cả hội trường cùng hát liên khúc “Hành quân xa” và “Qua miền Tây Bắc”, hai thầy giáo Nguyễn Xuân Tảo và Nguyễn Đỗ lên tặng huy hiệu “Chiến thắng Điện Biên Phủ” cho các cán bộ Tổng lãnh sự Trung Quốc, cho cựu chiến binh Lê Trọng Nghĩa và chị Phan Thị Quyên.

Tiếp theo, đại tá, tiến sĩ Nguyễn Phục Quốc, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 175, thay mặt cựu học sinh Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi phát biểu: “Thế hệ sau Điện Biên chúng tôi đã kế tục xứng đáng truyền thống cha anh, được trực tiếp tham gia, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Vui hơn, khi anh kết thúc bằng câu chúc tiếng Hoa: “Ching then uả mấn chu nỉ mấn sân thỉ chen khang!”, làm cả hội trường, nhất là các bạn Trung Quốc thú vị, vỗ tay hoan hỷ.

Nghệ sĩ ưu tú Măng Thị Hội, cựu học sinh miền Nam, thay mặt các trường Nguyễn Văn Bé, Võ Thị Sáu, Dân tộc trung ương lên hát tặng bài “Hoa Mộc miên”. Với chất giọng trong sáng được đệm bằng ngón đàn ac-coóc điêu luyện của nghệ sĩ Nguyễn Ái Thịnh, bài hát như vút lên trên không, bay bổng, ngợi ca mối tình hữu nghị Việt-Hoa. Thay mặt cho trường Nguyễn Văn Trỗi, đại tá, bác sĩ Văn Công Phước lên hát bài “Bế Văn Đàn sống mãi!” và “Cuộc sống ơi, Ta mến yêu Người!”. Truyền thống văn nghệ được khởi động, các “diễn viên” liên tục lên “đánh chiếm đài phát thanh”(!). Đặc biệt, Tổng lãnh sự Cao Đức Khả đã lên hát bài “Đường chúng ta đi” của nhạc sĩ Huy Du. Không khí giao lưu đầy tình thân ái, không phân biệt chủ, khách; phó chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Tổng lãnh sự Cao Đức Khả cùng anh chị em vừa hát “Kết đoàn” vừa nối nhau thành một vòng lớn đi khắp hội trường.

Nhân ngày lễ lớn của dân tộc, chúng tôi đã cùng nhau làm “ngoại giao nhân dân” như thế đó!

P.H.H




*   Giám đốc Trung tâm giám định Hải quan, TCHQ.


0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Học làm thợ - Trần Thành Công k6



Trần Thành Công k6

“Đào tạo toàn diện” là chủ trương của Quân đội đối với lớp học sinh Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Những ngày đầu mới thành lập, do còn thiếu thốn về vật chất, nên nhà trường chưa có xưởng cơ khí cho học sinh thực tập. Đến khi sang Quế Lâm, nhất là lúc chuyển về Phong Khẩu, trường ta có một xưởng cơ khí nhỏ khá đầy đủ, do chú Tần và chú A phụ trách. Trong xưởng có những bàn cơ khí nguội gắn ê-tô, có máy tiện, máy phay, có cả lò rèn…
Chúng tôi nhớ buổi học đầu tiên, chú Tần giới thiệu về tổ chức xưởng, về các bộ môn và kim loại học, (nhưng chú cứ nói nhịu chữ “xưởng” thành “xiểng”, làm mấy đứa nghe chưa quen cứ cười hoài). Sau đó, chúng tôi được học môn Cơ khí nguội. Chú dạy cẩn thận từ cách cầm búa, đến cách cầm đục, rồi cách đục phôi sắt ra sao cho gọn, cho đẹp. Đến khi thực hành mới thấy “chối”, cầm búa và đục lên cứ lóng nga lóng ngóng, không tài nào đục phẳng được miếng phôi và thường xuyên nện búa “nhầm“ vào tay. Tuy vậy, các chú luôn nhắc chúng tôi : để có một nghề, nhất là nghề nguội, không thể học trong ngày một ngày hai, phải kiên trì “có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Sau một thời gian, khi tay búa, tay đục của anh em khá lên, chúng tôi được chuyển sang thực tập dũa kim loại. Dũa mặt phẳng mới khó làm sao, cả buổi sáng hì hà hì hục mà không làm sao dũa phẳng được một miếng sắt chỉ to bằng ngón tay cái. Cứ đưa vật chuẩn vào rà là thấy không phẳng. Thế mới biết làm thợ đâu có dễ!
Các chú dạy chúng tôi cả cắt, gò, hàn. Từ vật định gò, phải triển khai vẽ lên tôn và cắt, sau khi đã tính toán cộng thêm hao hụt. Sau đó gò và ghép mí tôn. Tưởng là môn học dễ, nhưng khi gò xong, ghép lại mới thấy mí tôn không khít, không có cách nào sửa lại được. Những sản phẩm đầu tiên của chúng tôi là xô tôn đựng nước tưới rau. Rồi chúng tôi được học rèn, học từ cách mồi lửa cho bễ, giữ lửa và nung phôi sắt nóng đỏ, quai búa cho phôi theo hình mong muốn… Và chúng tôi đã làm được những chiếc búa đinh đầu tiên.
Còn một môn học mà đứa nào cũng phải qua là sử dụng máy phát điện cỡ nhỏ. Nói vậy chứ đây cũng là môn học khó. Mọi người phải lo cho máy phát từ việc đổ xăng hoặc dầu, việc giật nổ, điều chỉnh khí, điều chỉnh ga, duy trì tốc độ vòng quay của máy, chỉnh tần số máy phát đạt 50 Hz, tính phụ tải và hoà mạng… Giật nổ phải dứt khoát, còn chỉnh ga lại phải rất đều tay… mới học sao mà lóng ngóng thế, giật mãi máy không thèm nổ, lúc chỉnh ga thì máy cứ giật cục.
Sau này, khi về Hưng Hóa, vì không có điện mạng nên đêm nào cũng phải chạy máy phát. Có mấy bạn lười học đêm đã “đánh pan” bằng cách đặt một đồng xu vào đui đèn, rồi nhét bóng vào như cũ. Khi chạy máy, cứ mỗi lần các chú hòa mạng là bị đoản mạch, điện lóe lên rồi phụt tắt. Thế là trực ban cùng cờ đỏ lại phải cùng các chú khoanh vùng, tách từng lớp, từng phòng để tìm ra chỗ bị “pan”. Đúng là “nhất quỷ, nhì ba” và thứ ba là lính Trỗi (!).
Chúng tôi hồi đó cứ nghêu ngao đọc mấy câu vè về các chú phụ trách máy nổ:

Nhấp nháy chú Khay
Tắt ngay chú Tần
Dần dần chú A
La cà thầy Tiến
Liến phiến anh Cư…,

vì mỗi chú có một cách làm khác nhau khi tắt máy, ngắt điện và sau đó toàn trường chìm vào màn đêm. Chả hiểu đến bây giờ các chú có còn nhớ những chuyện ấy?


0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Ai cũng bảo là em trẻ giai - GIỖ ÔNG, GIỖ BÀ - Duy Đảo



Duy Đảo 

Chào các Bác! Em cũng định bụng là sẽ gửi tiếp cho các Bác phần cuối cuả câu chuyện tuần trước-KỶ NIỆM, nhưng rồi lại thôi. Để vào một dịp khác vậy, “Ra giêng ngày rộng tháng dài” em sẽ Post lên, để tiếp tục “tra tấn” các Bác.
Em biết, và được nghe nhiều chuyện và giai thoại “bí mật” của cánh Trỗi nhà ta. Riêng ở mảng “tâm lý, tình cảm bí mật” này, em đã viết được một chuyện. Chuyện đó em đặt tên là: CHUYỆN CHỊ HẠNH. Em nghĩ, câu chuyện này thế nào rồi em cũng phải “bật mí”, để các Bác truy tìm xem nhân vật ấy là ai, trong các Bác khóa trên của trường ta. Riêng em, em biết chính xác 100% nhân vật ấy, nhưng em thề là sẽ không bao giờ khai, dù có “tù tội, tra tấn” thế nào đi chăng nữa.
Trong vô vàn những chuyện thật, chuyện đùa, chuyện vui … mà em đã kể, hoặc sẽ kể sau này, nếu có. Em mong các Bác đừng nghĩ đó là chuyện của riêng em, hoặc cụ thể một ai đó trong chúng ta. Có thể có Bác nào, tìm thấy đâu đó có cái gì nó giông giống, từa tựa … thì đó cũng chỉ là do em gán ghép linh tinh, lang tang mà vô tình nó “trúng” mà thôi. Em cũng mong các Bác đừng cho những điều em viết ra là “văn”, mà em có ý định chơi ngông, múa rìu qua mắt thợ. Những điều em viết chỉ là những “mảnh vụn” trong cuộc sống mà em lượm lặt được mà kể lể ra. Mục đích của em là kể cho các Bác nghe, góp vui, xẻ chia trên Blog của của cánh Trỗi ta vậy thôi. Cảm ơn các Bác.
Ai cũng bảo là em trẻ “dai”. Chẳng phải một người nói mà các Bác bảo là em ngộ nhận. Em ví dụ cụ thể cho các Bác như thế này, để các Bác tin là em cấm có biết nói dối.
Một lần đi uống bia “vui vẻ”, lúc chia tay bịn rịn thế quái nào, lại sẵn có tiền lương vừa nhận được ở cơ quan lúc chiều trong túi quần, mà em chưa kịp về nộp “kho bạc”. Thế là em bị lẫn.
Lần này em bị lẫn về số lượng, chứ không lẫn về mệnh giá như có lần em đã kể cho các Bác nghe. Thật là ở đời chẳng cái dại nào, giống cái dại nào. Các Bác cứ nghiệm mà xem, các cụ ngày xưa nói cấm có sai.
Em thò tay vào túi quần, mặc dù đã có hơi men nhưng em vẫn cố tỉnh táo để tránh tình trạng “phá giá” mà anh em đã nhiều lần chửi em.
Sau một hồi lần mò trong túi, em lôi ra được hai tờ 50.000 đồng. Em biết thừa hai tờ là vừa đúng 100.000 đồng. Vì buổi chiều em đã để riêng xấp 50.000 đồng ở túi bên Phải, để về nộp vào “kho bạc”. Còn túi bên Trái là số tiền linh tinh, em trích ra để trang trải xăng xe, cà phê cà pháo và các việc lặt vặt trong tháng.
Loại tiền Polime mới này, nó bền, nó đẹp, nó tốt thật nhưng nó cũng có nhiều cái phiền toái.
Em đờ đẫn hết cả người khi nghe tiếng cô tiếp viên thủ thỉ như đổ mật vào tai:
- Sao cưng “bo”cho em nhiều thế, những ba tờ cơ à.
- Thôi bỏ mẹ em rồi! Em giật thót người, như khi còn bé, leo cây bị kiến Vống nó cắn vào chỗ hiểm.
- Thế là em lại bị “kẹp díp” mất rồi!
(Hay thật! Em nghĩ mãi mới ra cái từ này, “kẹp díp”. Quá hay! Em thử hỏi các Bác, nếu không có cái anh Tây mắt xanh, mũi lõ, khai phá văn minh xứ Đông Dương thuộc địa ta, thì làm đếch gì có cái từ “kẹp díp” mà hôm nay em hầu các Bác đây.)
Em chỉ kịp loáng thoáng nghĩ trong đầu như vậy.
Chậc! Nhưng thôi, lao động quần quật như thế, dễ đến bốn tiếng đồng hồ, kể ra là quá sức đối với một người lao động chân tay bình thường, chứ chưa muốn nói là lao động đặc biệt, nặng nhọc, trong môi trường độc hại.
Em thấy cũng xứng, hơn nữa em sợ nhất là vi phạm luật pháp. Thời buổi kinh tế thị trường, mọi người đều phải sống và làm việc theo pháp luật. Công dân lao động có trách nhiệm, có năng suất, có nhiệt tình, thì mức thù lao như thế kể cũng đáng đồng tiền bát gạo, là phù hợp với bộ luật lao động hiện hành, chứ cũng chẳng đắt rẻ gì.
Bù lại, các Bác có biết em sướng nhất điều gì không? Nó là thế này.
Sau khi hôn chùn chụt vào má trái lẫn cả má phải của em, dù đã ngà ngà say nhưng em vẫn nhận ra cái ươn ướt và cái nóng hôi hổi của cặp môi dày tham lam. Đã là cái khoản tình cảm nó phải nhẹ nhàng, phải e ấp, rụt rè. Đằng này cứ như lợn đẻ, nuôi con, ba ngày không được bữa cám. Khiếp thật! Hôn mà cứ như đánh vật, như ăn tươi nuốt sống người ta không bằng. Em cứ hãi mãi.
Giọng cô gái khào khào, nhừa nhựa vì cũng đã quá chén.
Cưng dễ thương quá! Cưng nói thế nào chứ, em ứ có tin là Cưng bằng tuổi Ba em. Em chỉ đoán Cưng ngoài “băm” là cùng.
Lạ thế! giọng miền Tây Nam Bộ của cô gái pha lẫn một vài “thuật từ” mà chỉ có những sĩ phu “Bắc kì” mới có thể nghĩ ra. Em đoán, chắc là mấy Bác HN nhà ta, đi làm ăn xa hoặc sau giải phóng vào định cư ở thành phố phương Nam, hay la cà, lần mò tơí đây nên cô gái bị đồng hóa chăng? Đúng là “gần mực thì Bia, gần …
Như thế là trẻ chứ còn gì nữa có đúng không? Các bác bảo em già với ai cơ chứ. Các Bác đã tin em chưa.
Có một Bác sau khi đọc “Ngày đầu mới về hưu”của em. Bác ấy có an ủi, là em vẫn còn may. Thôi! Em xấu hổ lắm, em mà kể hết ra các bác lại bảo là vạch áo cho nguời xem lưng, người đời độc miệng, người ta lại cười cho.
Kể từ lần đó trở đi, các Bác và các bạn có biết không? Đi đâu, mua bán cái gì, em cũng cẩn thận “miết “ thật kỹ, “miết” từng tờ một.
Lúc đầu em còn nhấp nước bọt để “miết” cho nó tăng ma sát, tăng độ dính. Nhưng rồi em nghe ai nói, hay là em xem trên Tivi, hay do em đọc báo, đọc sách, cũng có thể một lần nào đó em lọ mọ cập nhật trên Internet, em cũng không nhớ nữa.
Lắm lúc em cứ như người ngộ chữ, chẳng biết là mình nghe, mình xem, hay mình đọc ở đâu : “Nhấp nước bọt khi đếm tiền rất dễ bị lây nhiễm SIDA”. Nên em hãi.
Từ đó em cạch, em không bao giờ dám nhấp nước bọt khi đếm tiền.
Có lẽ vì thế bây giờ da ở hai đầu ngón tay – Ngón trỏ và ngón cái của em nó cứ cứng lên, nó dầy ra. Người thì nói là em bị chai tay, người thì lại bảo là tay em bị nấm nó ăn, chẳng biết tin ai. Có người lại tưởng là em giàu, thương em, cứ giục em sang Singapo kiểm tra sớm, nhờ y học hiện đại nó xem, cho chắc ăn.
Em nghiệm thấy em trẻ “dai” được như ngày hôm nay như người đời vẫn khen, cũng có thể là vì một phần nhờ vào cách sống của gia đình và cũng có thể là vì do em thường xuyên giao du với lũ bạn thân, học với nhau từ hồi trường Trỗi, có máu hài hước và tiếu lâm.
Tính em hay ki cóp, thấy cái gì vui, cái gì lạ là hay nhớ dai. Nhiều lúc em cứ nghĩ giá mà đường học hành của em cũng “nhẹ nhàng” cũng nhớ dai, nhớ lâu như những điều em vừa kể trên thì chẳng phải nói. Gì thì gì chứ cái chức phó giáo sư phong vét đợt vừa rồi thế đếch nào cũng có tên em.
Em nói sợ các bác lại nghĩ khác đi, cho là em ba hoa, lên gân, dựa hơi, cậy có “ông anh” cùng trường là P.T.T lại là nhân vật quan trọng trong hội đồng “thẩm định phong tước hiệu” đợt vừa rồi mà nói vống lên, lấy le với thiên hạ.
Hôm nay Em sẽ hầu các Bác một câu chuyện, mà trong bước đường đời “trôi dạt” nay đây, mai đó của em, em lượm lặt và nhớ được.
Em kể lại “copy” đúng như nguyên tác, còn nguyên tác hư thực ra sao thì em không chịu trách nhiệm. Nếu các Bác đồng ý thì em mới dám.
Thây kệ! Các Bác không đồng ý thì em cũng quyết chép nó ra đây vì em đang “mót” kìm không được nữa, còn các bác có “tiêu hoá” được hay không lại là chuyện khác.
Nhưng dù sao các Bác cũng phải cho em một vài lời góp sau khi đọc xong đấy nhé.

GIỖ ÔNG, GIỖ BÀ
Vào đầu những năm 1980, lúc đó em đã ngoi lên được tới cấp Thượng úy, là cán bộ đại đội của một tiểu đoàn tên lửa nằm trong đội hình bảo vệ một hải cảng quan trọng ở vùng biển cực Nam Trung bộ.
Đơn vị của chúng em vừa nhận khí tài, vừa tiến hành huấn luyện chuyển loại do chuyên gia Liên Xô trực tiếp đứng lớp.
Khí tài của chúng em rất nhiều và là thế hệ “mới”. Do đó việc bảo vệ và đảm bảo an toàn cho khí tài là công tác vô cùng quan trọng.
Trong khu vực đóng quân, chúng em chia làm nhiều vọng gác, và thường trực canh phòng 24/24. Cán bộ đại đội chúng em hàng đêm phải thay phiên nhau làm nhiệm vụ đốc gác, có nghĩa là đi kiểm tra các vọng gác xem việc chấp hành kỷ luật có nghiêm không.
Đêm hôm đó tới phiên trực của em. Sau khi đi kiểm tra trở về chòi canh. Nằm miên man không ngủ được, qua ô cửa, ánh trăng đã quá rằm không còn sáng nữa, nó nhờ nhờ, đùng đục cộng với tiếng sóng biển ầm ào, lúc nhỏ, lúc to vọng qua cánh rừng dương càng làm không gian thêm huyền ảo.
Bỗng em nghe thấy tiếng hai người lính, chắc là sau một vòng tuần tra, đang ôm súng, ngồi thì thầm kể chuyện cho nhau nghe ngay sát chòi canh, chỗ em nằm.
Em nhoai người cho gần ô cửa nhìn ra xem ai? Thì hoá ra là Phi và Duân, lính của đại đội em.
Đối với Phi người lính đeo lon binh nhì này thì em không bao giờ quên. Khi em về Hà Nam Ninh tuyển quân, thế quái nào em lại về đúng cái làng của ông Chí PhèoNam Cao chọn làm nhân vật chính, sau này trở lên nổi tiếng trong tác phẩm cùng tên, để tuyển.
Ông xã đội trưởng vui tính có hàm răng hô, xỉn màu nước dưa, sau khi giao quân xong, trước khi tiễn em lên xe còn vỗ vai em thân mật:
- Đồng chí sỹ quan, nhờ đồng chí quan tâm tới cậu Phi hộ em, nó là chỗ bà con, hơn nữa nó còn là cháu họ hàng xa với ông Chí Phèo mà Nam Cao đã viết truyện, thành phần cốt cán, “tốt nắm” nếu hết nghĩa vụ có đợt tuyển sỹ quan, đồng chí ưu tiên thành phần, xét cho em nó đi.
Cho nên em nhớ lắm. Em cũng định bụng nếu có cơ hội nhất định em sẽ giúp người lính này toại nguyện ước mơ.
Còn Duân, cái tên này em nhớ được là do cái lưỡi. Cái lưỡi của em vặn vẹo, đau rát lên mỗi khi điểm danh đơn vị đọc tới tên Duân. Nếu không tin các Bác cứ đóng cửa lại, đuổi hết vợ con ra ngoài, ngồi một mình trong phòng kín rồi đọc thử. “Duân! Binh nhì Lã văn Duân!” mà là phải đọc to, đọc thật to cơ, xem lời em nói có đúng không? Không lại bảo là em hay nói ...
(Đấy may quá! Em kiềm chế được, chứ không em lại nói tục. Em đã hứa với thằng bạn cùng K.6 với em. Nó tên là Sơn – Sơn lé, có lần nó đã tuyên bố “Anh em mình đều U.50 cả rồi, ngồi chuyện trò với nhau, câu cú, từ ngữ cho nó có văn hóa “đ...” được thằng nào nói bậy đâu đấy nhé” )
Chính vì thế mà sau này cứ đến “tiết mục” điểm danh đơn vị hàng tuần là em đùn cho thằng “phó” của em, cho nó chịu trận.
Tiếng của Phi kể cho Duân nghe đều đều, tiếng được, tiếng mất, em phải cố gắng lắng nghe mới rõ:

Tớ có người anh họ, cùng chi với ông Chí Phèo. (Thực ra tên Chí Phèo là do ông Nam Cao ông ấy nghĩ ra chứ tên tục của cụ tớ là Nghẽo cơ) - Phi giải thích cho rõ thêm.
Nhà anh tớ nghèo, lại chỉ có hai mẹ con, hai người chui rúc trong mái nhà tranh, một gian hai chái. Tuy nghèo nhưng tất cả các ngày giỗ kị của gia đình trong năm hai mẹ con lúc nào cũng nhớ và chăm lo tươm tất. Mẹ của anh tớ, bà ấy thường nói “cái tình cái hiếu nó là lẽ ở đời mà ai cũng phải biết giữ, chứ chẳng có ai “giàu ba họ, khó ba đời” mãi”.
Vì nhà nghèo nên đã ngoài 30 mà anh tớ không lấy được vợ - Phi kể tiếp.
Thế rồi do mai mối anh tớ quen được một chị ở làng bên. Chị này hiền lành khỏe mạnh, và đạo đức lắm, nhưng ngặt nỗi bị cái tật nói nhịu, nói ngọng, nên chuyện tình duyên cũng lận đận.
Rồi cái gì đến cũng phải đến. Sau “đám cưới” cô gái về làm dâu. Nhà có mỗi cái chõng tre, bà mẹ “tặng” cho đôi vợ chồng. Gian nhà được ngăn làm đôi bằng một tấm liếp. Phía trong là “giường ngủ” của hai vợ chồng. Phía ngoài bà mẹ mượn tạm mấy tấm ván nhà hàng xóm về kê lại lấy chỗ ngả lưng.
Đêm tân hôn, trời đã khuya lắm, mừng vì con cưới được vợ, cộng với tuổi già khó ngủ bà mẹ cứ thao thức.
Đang trằn trọc bà bỗng nghe thấy tiếng của người con dâu thổn thức vẳng qua khe liếp:
Giỗ Dồn, ....G i..i ...ô .ô ô ỗ Dồn ...
Bà mẹ trộm nghĩ, làng nước người ta đồn cấm có sai, đêm tân hôn là đêm của nhiều việc, là đêm của những việc khác, “nó lớn, nó hệ trọng” ... Thế mà con bé nó vẫn không quên ngày giỗ kị nhà chồng, thật phúc lớn.
Nhưng càng nghe càng cảm phục người con dâu bao nhiêu thì bà mẹ càng tức bấy nhiêu thằng con mình.
Bà đưa đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc, huơ huơ trong đêm, bấm từng đốt ngón tay.
Tháng Ba, bà nhớ như in cái tháng ba khủng khiếp năm 1945, nó cứ ám ảnh suốt cuộc đới cay cực của bà.
Bố bà chết thảm khi cố nuốt hết bát cám mà bà đem về sau một ngày cật lực làm thuê cho nhà Lý Được, người duy nhất trong làng còn có hột gạo, hũ mắm.
Rồi “phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí” cũng cuối cái năm Ât Dậu ấy, mẹ bà cũng bỏ bà ra đi vào đúng cái ngày nước rươi.
Không biết tại sao mà năm ấy rươi nhiều đến thế, mới tháng Tám mà rươi nổi đầy sông, đầy ngòi. “Tháng Chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” là hai ngày rươi nổi nhiều nhất trong năm mà dân gian đã tổng kết. Người làng đồn rằng do nhiều người chết quá nên đang nằm sâu trong lòng đất, đói ăn, nên rươi ngoi lên sớm kiếm cái ăn.
Nghe nói loài nhuyễn thể này, nguyên liệu của một món ăn đặc sản nổi tiếng xứ Bắc sắp tuyệt chủng, vài năm nữa thôi chắc món ngon này chỉ còn trong sách “Đỏ”, trong hoài niệm của đám thực khách sành ăn mà thôi.
Cho nên hai cái ngày đại tang đối với bà, không bao giờ bà có thể quên được.
Bực mình vì cái điệp khúc “giỗ dồn” cứ thốc vào tai, bà không còn chịu được nữa, người già thường hay chịu đựng, và nhẫn nhục, chỉ khi nào quá lắm, quá thể lắm người ta mới có chính kiến của mình.
- Mẹ tiên sư nó, đồ bất hiếu, mới có tí vợ vào mà đã mụ mị hết cả đầu óc, không còn nhớ được ngày giỗ của ông, của bà mình là gì nữa.
Hai ngày giỗ: Giỗ Ông – Tháng Ba, Giỗ Bà – Tháng Tám, cách nhau xa như thế, những năm tháng, thế mà nó nói với vợ thế nào, để vợ nó bảo là “ Giỗ dồn”, thế này thì hoạ to rồi”.
Bà nghĩ thế, chỉ nghĩ trong bụng thế thôi, chứ cả đời, bà có bao giờ biết nặng “nhời” với con, bà vẫn tin ở thằng con trai của mình, mà cố “chịu đựng”.
Nhưng cái gì nó cũng phải có giới hạn của nó, ví như con giun “xéo lắm thì nó cũng phải oằn”. Nghe mãi bực mình, không thể chịu được nữa, Bà mới hắng giọng, nói vọng vào trong.
Giỗ Ông tháng Ba, giỗ Bà tháng Tám. Dồn đâu mà dồn.
Tự nhiên tiếng cô con dâu câm bặt phía đằng sau tấm liếp thưa.
Và cũng từ đó trở di, trong không gian yên lặng của làng quê, người ta chỉ còn nghe thấy tiếng ếch, nhái kêu uênh oang, tiếng dế gáy rả rích, tiếng hạt sương lộp độp rơi trên mái gianh, nhưng cũng không làm sao át đi được tiếng chõng tre, nó cứ kẽo kẹt, kẽo kẹt ,lúc thưa, lúc dồn dập, mải miết cho tới tận sáng.
Câu chuyện của hai người lính kể cho nhau, mà tôi nghe lỏm được chỉ có thế thôi các Bác ạ.
Tới sau này có mấy bà cùng làng nhưng “thoát ly, buôn dưa lê” mãi trên chợ huyện kể lại rằng:
Có gì đâu. Do cô dâu có tật nói nhịu, trong đêm tân hôn, hai vợ chồng “đùa nghịch”, anh chồng chỉ vào chỗ “ấy” của vợ hỏi: lỗ gì? Và người vợ trả lời. Như thế nào thì các Bác đã biết rồi đấy.
Thưa các Bác! Thế nào khi đọc xong chuyện này cũng có Bác chửi em: Có mấy chữ bọ mà cà, kê, dê, ngỗng “nàm” mất hết cả thời gian vàng bạc của anh em.
Thôi em “phắn” đây, nghe chửi còn đỡ, lỡ có Bác nào nóng tiết, không kiềm chế được, cho em một “trưởng” thì em chết. Nói dại, lỡ em có mệnh hệ gì “vợ trẻ, con dại” để lại em biết tin tưởng vào ai.
Tạm biệt! chúc các Bác và các bạn một ngày nghỉ cuối tuần tốt lành.

TP HCM - 15/01/08


Anh cu Duy Đảo không biết thế nào lại bị mất quyền đăng bài. Vì thế tôi phải đăng hộ. HT 

2 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Liệt sĩ Nguyễn Tiến Quân - Hà Trọng Tuyên k1




Hà Trọng Tuyên k1

Thăm viếng gia đình các Anh hùng liệt sĩ là một truyền thống tốt đẹp của trường ta. Năm 1998, nhân dịp ngày Thương binh liệt sĩ 27 tháng 7, Ban Liên lạc nhà trường do Thiếu tướng Nguyễn Chiến (học sinh khoá 1) dẫn đầu cùng thầy Phong và thầy Thăng đến thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Tiến Quân – học sinh khóa 6 của trường. Gia đình, nhất là bác Đồng Sĩ Nguyên – một người lính già gắn cả cuộc đời với chiến trường, rất cảm động khi đoàn đến thăm. Thầy trò đã thắp những nén nhang trên bàn thờ trước di ảnh Nguyễn Tiến Quân để tưởng nhớ tới người học sinh, người bạn đã anh dũng hy sinh ngày 19 tháng 2 năm 1979 trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Qua gia đình, chúng tôi đã thu lượm được một số thông tin về Quân, hy vọng đây sẽ là một đóng góp quý báu cho tập san của nhà trường.
… Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tuy trong gia đình đã có 3 anh đang trong quân ngũ, nhưng Quân vẫn tình nguyện vào phục vụ quân đội. Sau đó, Quân được cử đi học Trường Sĩ quan Pháo binh. Tốt nghiệp, Quân trở thành sĩ quan trinh sát pháo binh và xung phong về đơn vị chiến đấu thuộc Quân khu 1.
Đầu năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Cùng với quân dân Lạng Sơn, Nguyễn Tiến Quân đã anh dũng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Sau lần đi trinh sát từ Đồng Đăng trở về, thấy địch đưa nhiều xe tăng xâm phạm lãnh thổ và nằm dọc quốc lộ 1A, Quân càng quyết tâm lập tọa độ chính xác, chỉnh làn để pháo binh ta bắn trúng đích, tiêu diệt hết những chiếc tăng này. Để có tọa độ chính xác, các sĩ quan trinh sát pháo binh phải dùng đến bản đồ tác nghiệp pháo binh cùng các vật chuẩn trên thực địa.
Đêm đó, Quân cắt rừng tìm đường trở về Ban Tham mưu để nhận bản đồ và phương án tác chiến. Nhận bản đồ cùng nhiệm vụ xong, Quân xin phép đi ngay để kịp ra vị trí trinh sát tiền tiêu. Tiểu đoàn trưởng – một đồng chí có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu – đã đắn đo, sợ rằng đi ngay trong đêm sẽ không an toàn, vì hiện nay địch đang phục kích khắp nơi, mà ở mặt trận thì giữa cái sống và cái chết gần nhau chỉ trong gang tấc; hơn nữa, Quân lại là con trai của một đồng chí cán bộ có nhiều cống hiến cho cách mạng. Nhưng Quân đã trả lời: “Thủ trưởng yên tâm, em đã tìm đường về được với tiểu đoàn thì em cũng sẽ đi được. Cần phải tranh thủ đi ngay trong đêm nay để sớm đến được vị trí trinh sát, sáng mai khi địch chưa kịp trở tay thì pháo binh ta đã bắn tọa độ tiêu diệt chúng”.
Do quyết tâm của người sĩ quan trinh sát dưới quyền và vì thắng lợi của ngày mai, tiểu đoàn trưởng đã đồng ý cho Quân đi ngay trong đêm ra mặt trận. Trước khi đi, Quân rút phần thuốc lá của mình ra chia cho mọi người cùng hút.
Đêm tháng 2, trời tối đen như mực, sương đêm biên giới lạnh cắt da lùa vào tận chiến hào… Bắt chặt tay mọi người, Quân cùng một chiến sĩ trinh sát lặng lẽ lên đường. Vừa xuống đến chân đồi, các anh đã lọt vào ổ phục kích của giặc. Chúng xả trung liên vào hai người. Chiến sĩ trinh sát người Hải Phòng bị trúng đạn và hy sinh ngay tại chỗ. Còn Quân cũng đã bị thương nặng…, khi đó khoảng 2-3 giờ sáng.
Ở mặt trận thì những tiếng súng nổ trong đêm là bình thường, và chính trong sự bình thường đó, trung úy Nguyễn Tiến Quân của chúng ta đã ra đi khi vừa tròn 26 tuổi.

 

1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Trong mọi cuộc chơi phải có người biết hy sinh - Trần Kiến Quốc



Sáng qua, ngồi ở quán Café ngay chân Cột Cờ.

Chuông reo, màn hình hiện lên "HONG LOI T6". Vội trả lời:
- Hùynh Hồng à? Q đây!
- Ông ra Hà Nội cả nhà à? Sao không để vợ con lại trong này rồi đi đi về về, để anh em còn gặp nhau?
- Công việc mà! (Cuối năm có làm 1 party nhỏ với anh em ở Jodee Beer chia tay năm cũ, nhưng không dám lộ là sẽ đi lâu. Rồi anh em biết cả)... Này, hôm qua đến thăm nhà liệt sĩ Trần Hữu Dân k7 ở 45A Quang Trung, được thăm lại căn hộ của cụ Mười Trí. Anh em nhìn lại cái cửa sổ trên gác mà Hồng và Cúc "lồi" bị phụ huynh khóa cửa nhưng vẫn trèo ra, trốn đi chơi đấy.

đến thăm nhà liệt sĩ Trần Hữu Dân k7 ở 45A Quang Trung

- Vậy à? - Hồng cười ha hả.
- Sao mãi chưa có bài trên blog?
- Mai tôi đi thăm Quốc Bình, ông ạ! Nó nằm ở trại xa thành phố đến 200km, giờ yếu lắm. Đơn độc, chẳng ai chăm sóc. Sợ rằng... Khi về sẽ viết (*).
- ...
Thật cảm động! Không chỉ Hùynh Hồng mà lính ta ở khóa nào cũng có những người "vác tù và", biết hy sinh cho bạn như thế. Xin cảm ơn các bạn!
Còn sáng nay, Phú Hòa và vợ chồng Hồ Quý Kỳ bắt đầu rời Praha sang Leipzig thăm anh em Trỗi. Tuyết chắc dày lắm? Trắng xóa. Trời lạnh bao nhiêu độ dưới 0? Chúc các bạn hội ngộ vui vẻ và được sưởi ấm bằng tình bạn chân thành của những thằng Trỗi con!

 

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

11 tướng đầu tiên - HaMeoK6



hân dịp bác Trần Tử Bình được truy tặng Huân chương Sao Vàng, tôi xin gửi tới ae 1 chút lịch sử để nhớ tới ông cha chúng ta.

Ngày 28 tháng 5 năm 1948, lễ phong tướng đầu tiên được tổ chức tại Việt Bắc, có 1 Đại tướng (Võ Nguyên Giáp), 1 Trung tướng (Nguyễn Bình) và 9 Thiếu tướng được phong. Trước đó (1946), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình và Thiếu tướng Lê Thiết Hùng đã được phong, (không kể Thiếu tướng Dương văn Dương được truy phong năm 1946) nhưng không tổ chức lễ.


TT Họ tên Năm sinh - Năm mất Chức vụ cao nhất Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam Danh hiệu khác
1 Võ Nguyên Giáp 1911- Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ủy viên Bộ Chính trị (1951-1982) Đại tướng đầu tiên, Huân chương Sao vàng
2 Hoàng Văn Thái 1915-1986 Đại tướng (1980), Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên (1945-1953), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương các khóa III, IV và V Huân chương Sao vàng (truy tặng 2007)
3 Chu Văn Tấn 1910-1984 Thượng tướng (1959), Phó chủ tịch Quốc hội Ủy viên Trung ương Đảng Thượng tướng đầu tiên, Dân tộc Nùng
4 Nguyễn Bình 1906-1951 Tư lệnh Nam Bộ - Trung tướng đầu tiên, Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương Hồ Chí Minh
5 Lê Thiết Hùng 1908-1986 Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Triều Tiên Phó Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương Thiếu tướng đầu tiên
6 Văn Tiến Dũng 1917-2002 Đại tướng (1974), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1980-1987) Ủy viên Bộ Chính trị (1972-1986) Huân chương Sao vàng
7 Lê Hiến Mai 1918-1992 Trung tướng (1974), Chủ nhiệm Ủy ban Y tế - Xã hội Quốc hội Ủy viên Trung ương Đảng Huân chương Hồ Chí Minh
8 Nguyễn Sơn 1908-1956 Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Miền Nam Việt Nam (1946) - Lưỡng quốc Tướng quân
9 Trần Đại Nghĩa 1913-1997 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Phó Trưởng ban Ban Cơ khí Trung ương Giáo sư, Anh hùng lao động (1952), Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Hồ Chí Minh, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
10 Hoàng Sâm 1915-1968 Tư lệnh Liên khu 3 - Đội trưởng đầu tiên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng 1999)
11 Trần Tử Bình 1907-1967 Phó tổng thanh tra Chính phủ (1956-1958), Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại CHND Trung Hoa. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Phó bí thư Quân ủy Trung ương Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng 2001), Huân chương Sao vàng (truy tặng 2007)

Ghi chú: trừ Trung tướng Nguyễn Bình, Thiếu tướng Dương văn Dương đã hy sinh trong Kháng chiến chống Pháp và thiếu tướng Lê Thiết Hùng, tất cả 8 tướng còn lại đều là phụ huynh trường Trỗi.

Một số điểm đã được kiểm tra lại chỉnh sửa cho chính xác sau khi đăng nhờ sự góp ý của a. Thắng híp K6.

Đăng lại bài viết của Hà Mèo (đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi”: Thứ tư, tháng một 16, 2008)

Bài liên quan:
1/ Nhớ lễ phong tướng 60 năm trước -  (Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP)

1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Kỷ niệm - Nguyễn Duy Đảo




Chào các Bác và các bạn. Tối nay tôi lại "Lọ mọ" ngồi gõ để kể cho các Bác và các bạn nghe kỷ niệm của tôi về một thằng bạn Trỗi. Hy vọng nó đến kịp sáng mai, để ở đâu đó khi nhâm nhi ly cà phê giữa cái se lạnh của tiết trời phương Bắc bên Laptop, hoặc phì phèo điếu thuốc bên máy tính tại nhà trong ngày nghỉ cuối tuần, các Bác và các bạn sẽ đọc. Tôi cố mong nó sẽ đem lại cho các Bác và các bạn một điều gì đó vui vui, nhớ nhớ, có chút gì đó đau đau của nhân tình thế thái .... Tuỳ các Bác và các bạn cảm nhận.

Ngày nào tôi cũng đọc hết tất cả các bài cũng như lời góp trên Diễn đàn của chúng ta. Trước khi tham gia làm thành viên của Blog, tôi có hứa với Anh HT là sẽ không viết bài gì có nội dung ảnh hưởng tới diễn đàn chung - không vi phạm văn hoá Việt, không ảnh hưởng tới chính trị ... nói chung tôi hứa nhiều. Các bác có biết anh HT Mail trả lời tôi như thế nào không? Chỉ có mấy chữ: "Chỉ cần cậu là học sinh trường Trỗi" Là đủ. Thật cảm động, chẳng phải ngẫu nhiên mà ông trùm Maketing của thế giới đã nói "Thương hiệu quyết định tất cả". Thật tự hào chúng ta đã có khoảng thời gian quá đẹp của tuổi thơ được sống bên nhau, hãy trân trọng và giữ gìn nó các Bác và các bạn nhé.

Hôm nay tôi gửi tới các Bác và các bạn phần đầu của câu chuyện. Chuyện này tôi viết cũng lâu rồi nhưng nay thấy nó gần tết cũng có vẻ hợp, nên tôi có sửa đôi chút cho nó "cập nhật" và gửi đi. Tôi bắt đầu nhé:

Chưa năm nào lạnh như năm nay, chỉ còn ít ngày nữa là tết, mấy anh em trong cơ quan ai cũng chắc mẩm năm nay sẽ được đón một cái tết miền Bắc ngay giữa Sài Gòn. Mấy mươi năm rời Miền Bắc, những tháng năm chiến tranh, những ngày tháng sau hoà bình ngược xuôi bươn trải ở mảnh đất phương Nam không còn có lúc nào để cho tôi kịp nhớ về cái tết nơi chôn rau cắt rốn của ông bà cha mẹ mình nữa.


Chiều nay trên đường từ cơ quan trở về nhà tự nhiên tôi thấy buồn, một nỗi buồn mơ hồ chẳng rõ ngọn ngành. Tiết trời lạnh lẽo cộng với lòng người ủ ê vì năm nay tiền thưởng tết cơ quan chia cho chẳng được bao nhiêu, chán đời tôi như người mộng du mặc cho dòng người trên đường cuốn đi.


Đang mơ màng tôi bỗng giật mình bởi hình như có ai đó đang gọi:

- Anh gì ơ ơ ơ ……… ơi!


Đúng! rõ ràng có tiếng phụ nữ gọi mình.


Vốn lớn tuổi cộng với mắt mũi kèm nhèm từ bé, hậu quả của những năm tháng sơ tán trong chiến tranh khi không quân Mỹ đánh phá miền Bắc. Lúc đó tôi đang học lớp ba, bố thì đi chiến trường, thời đó gọi là đi B. Trước khi vào chiến trường Bố tôi là phó tư lệnh một quân khu trọng yếu vùng duyên hải phía Bắc, mẹ thì bận bịu với hàng đống lo toan. Tôi như người tự do, ngoài một buổi đi học thời gian còn lại tôi mặc sức theo bọn trẻ trong xóm mò tôm, bắt cá, ngụp lặn ở con sông ven làng lúc nào cũng ngầu đỏ phù sa nên bị đau mắt hột.


Cho tới khi tôi học lớp năm, lần đầu tiên trong đời tôi phải xa nhà lâu đến thế, suốt bốn năm xa nhà, học ở trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, cho dù được chạy chữa chu đáo, nhưng mắt tôi chỉ cải thiện được phần nào. Sau này trở thành người lính tham gia chiến tranh, rồi những năm tháng học đại học, những năm học ở nước ngoài, ánh sáng của đèn Neon càng làm cho thị lực mắt thêm suy giảm, cho nên tôi cũng chẳng nhìn rõ người phụ nữ gọi mình vừa rồi là ai.


Vốn chạy xe chậm như rùa bò, tôi thường bị anh em trong cơ quan chửi vì phải chờ trong những lần hiếm hoi, tập toẹ theo anh em đi uống bia ôm. Đến độ thằng tổ phó ở cơ quan, nó rất quí tôi, thế mà có lần nó buộc phải chân thành góp ý “thốc” vào mặt như thế này: “Nói ông đừng buồn, thấy ông hiền lành, hay giúp đỡ anh em,lại chẳng bao giờ biết hại ai trong cơ quan, cứ một mình lủi thủi thân cò, sợ ông buồn nên thỉnh thoảng đi chơi anh em bảo nhau lôi ông đi luôn. Thứ nhất là để ông tiếp cận tham khảo tí thực tế cho nó sáng cái đầu của ông ra, thứ nữa là cũng muốn ông vui lây với cái vui của thiên hạ thời mở cửa, xem nó méo mó, tròn, vuông như thế nào, chứ chả phải anh em tuị tôi tiếc gì ông hớp bia. Ông cũng nên hiểu rằng, đi uống bia kiểu này nó khác chứ không như uống kiểu “Classic” truyền thống – Ngon, lịch sự, lãng mạn như kiểu uống ở nhà hàng bia Đức nổi tiếng, xứ Babaria - “JODEE” của một đại gia nhập toàn bộ dây chuyền cũng như công nghệ từ Đức về thành phố một vài năm gần đây (Tôi tự hào ngầm trong bụng, của ông anh tao chứ của ai)TranKienQuoc nói...

Đảo ơi, nói thế Công "xìn" lại puồn vì bia của Jodee sản xuất theo công nghệ Tiệp, của xứ Plzen lổi tiếng thế giới!
Nhưng nói thế cái nhà anh Phú Hòa (đang sống ở Khắc) lại cười: Các cậu lại dạy đĩ vén váy!!!
08:15:00 GMT+7 Chủ Nhật, ngày 13 tháng 1 năm 2008
cho nên phải linh hoạt, nhanh nhẹn và phải có chút máu thám tử thậm chí cả tháo vát nữa. Tôi nghĩ bụng: “Mẹ nó chứ! Đi uống bia chứ có phải đi thi hoa hậu đâu mà lắm tiêu chuẩn thế”. Ông thì “Đầu chầy đít thớt” chẳng đoàn, chẳng đảng, chẳng thanh niên, phụ nữ gì thì nó dễ, chứ chúng tôi ấy à, chẳng may vớ phải thằng nào chơi đểu, có máu trả thù vặt, mẹ tiên sư! nó mà nhìn thấy tụi tôi thập thò buổi tối mạn Gò Vấp hay Thủ Đức không khéo nó vu toáng lên là bọn tôi vi phạm vào mười chín điều “Cấm kị” thì có phải là bỏ mẹ không. Có mà lấy cám mà cho vợ, cho con ăn. Cám vẫn còn đỡ vì vẫn còn được ăn, mà lại là cám của mình, chứ đi ăn xin, ăn mày nhờ vả người khác trong khi ngần này tuổi đầu thì nhục lắm, thà chết quách đi cho nó xong, con cái nó còn có tí tiền tử tuất. Hơn nữa tiện đây tôi cũng chả dấu ông làm gì, như ông cũng biết, cửa hoan lộ của tôi đang“ Sáng”, tôi nói nhỏ chỉ mình ông, cấm nói cho ai biết đấy nhé. Con mẹ thầy bói chùa Bà đầu năm ngoái nó bói tôi một quẻ mà tôi nghiệm đúng y phoóc. Ông còn nhớ bữa tôi chiêu đãi anh em một chầu Cầy tơ Thị Nghè cái đận mà tôi nhận quyết định làm tổ phó đội sản xuất sau gần ba mươi năm cật lực “ phấn đấu, phục vụ” trong ngành hàng không, ông còn nhớ không? Cho nên tôi ngại những chuyện lôi thôi ảnh hưởng đến “sự nghiệp” của mình lắm. Vậy nên tôi khuyên ông, nếu tụi tôi có thỉnh thoảng có đi “Văn nghệ” tý chút mà không rủ ông đi theo thì ông cũng thông cảm, đừng buồn, chứ cứ lằng nhằng, dắt díu nhau, chờ đợi, chậm chạp rùa bò như kiểu chạy xe máy của ông rồi có nước chết cả đám.”


Tôi vội vàng thắng chiếc xe cà khổ, thế mà cũng phải mất đến mấy mét chiếc xe mới chịu dừng lại. Nói các Bác đừng cười vì bộ Thắng xe, tôi “Mới” thay được ba, bốn năm nay. Đang ngơ ngác tìm cách dắt xe về phía người phụ nữ, trong khoảnh khắc dù không rõ ràng do mắt kém và trời lại nhập nhoạng tối nhưng tôi cũng kịp nhận thấy người phụ nữ mà tôi lầm tưởng là cô ta gọi mình đã cầm tay một gã đàn ông trông còn hom hem hơn tôi lôi tuột vào quán Café tối thui nằm ven đường, thì ra thằng cha đó chạy xe ngay phía sau tôi, nên mới ra nông nỗi “Trông Gà hoá Cuốc” như vậy, thật hú hồn.


Phố xá đã lên đèn, đường phố cuối năm thật nhộn nhịp, Sài Gòn vẫn hối hả như thói quen vốn có của nó, hướng về ngã tư Phú Nhuận tôi kéo mạnh tay ga chiếc xe cà khổ lại ngoan ngoãn lết đi.


Về đến nhà bực mình vì con chó Nhật cứ sủa toáng lên, chẳng hiểu hôm nay làm sao mà con chó lại tự dưng dở chứng, không phân biệt được ai lạ, ai quen, nó cứ gầm gừ hai mắt nhìn tôi soi mói như nhìn vật thể lạ từ hành tinh xa xăm nào đó lạc xuống. Chờ một lúc mới thấy thằng con ra mở cổng.


- Con chào Bố! Sao hôm nay Bố về muộn thế, mặt lại ỉu xìu như “mất sổ gạo” vậy?

Tôi giật mình, lạ thật! Chẳng hiểu sao câu nói cửa miệng ngày xưa, từ cái thời bao cấp mà mỗi lần kể chuyện vui của vợ chồng tôi về quá khứ để ám chỉ những“nỗi đau” khi ta có những mất mát “Qúa lớn”, chẳng hạn như mất tiền bạc, hoặc bị tay nào chơi xỏ nẫng mất người tình, hoặc lỡ bỏ mất cơ hội tiếp cận “Xếp” khi kì xét tăng lương sắp đến … Đã lằn sâu vào đầu óc con trẻ, lúc này đây, nó vận vào hoàn cảnh của tôi sao mà “Tuyệt” thế.

-Thằng này giỏi, sao biết Bố “Mất sổ gạo”? Tôi dè dặt hỏi.


Thằng con trai tôi vốn ranh ma, chuyện gì riêng tư của tôi nó cũng đoán ra. Cũng có lẽ bởi chúng tôi quá thân nhau, chúng tôi thường hay trao đổi về những chuyện trên trời dưới, biển mà hàng ngày đầy rẫy trên Internet và sách báo. Vợ tôi thường cảnh báo: “Anh đừng chiều con quá mà nó sinh tật”. Các bác tư vấn hộ em xem, máu em thì thích bóng đá mà ngặt nỗi những giải hay, những trận so giầy kinh điển lại chỉ có trên kênh nước ngoài, mà tiếng Anh thì khoản này em mù tịt, mà phải nghe bình luận trực tiếp của bọn “Tây” nó mới sướng. Nên em phải nịnh, phải chiều thằng con em, nó mà không phiên dịch cho, mà chỉ ngồi xem toàn chân với cẳng, không lời bình thì có khác nào lâu lâu ăn sáng mì gói nóng bụng, chẳng may vớ được một ngày đẹp “Giời” vợ “nhẹ tính” đi, dúi cho mấy đồng bạc, dục lên mạn Bát Đàn ăn phở cho nó đổi món. Ăn phở mà các bác tính không dấm, không ớt, không hành tỏi, thì nó còn ra cái đếch gì nữa. Nó khổ thế đấy, các Bác bảo em có nên nghe theo lời khuyên của vợ hay không?


- Cứ nhìn mặt Bố là con biết liền.

Thằng con tôi nó trả lời và nhìn tôi với án mắt nghi ngại.


Dựng xe, bước vào nhà tôi liếc vội vào chiếc gương soi treo gần cửa. Đúng thật, trông mặt mình hôm nay nó thế nào ấy, vừa như thiếu tự tin, vừa như thảng thốt, như vừa mất một cái gì đó. Mà đúng thật, còn hơn là “mất sổ gạo” nữa ấy chứ, tôi nhẩm tính so với năm ngoái tiền thưởng tết năm nay chỉ bằng một phần ba, cộng với vưà rồi phòng tổ chức lao động tiền lương của cơ quan nó đòi bổ xung bằng cấp chuyên môn. Bằng tiếng Nga của tôi thì nó chỉ coi là đồ vứt sọt rác. Công việc chuyên môn, tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Anh, vi tính phần lớn anh em trong cơ quan phải tự học để đảm đương vị trí công tác, chẳng mấy ai chú ý phải kiếm cho mình mảnh bằng tin học hay anh văn. Thậm chí có thằng trong cơ quan nó còn bắt phải nộp cả bằng tốt nghiệp phổ thông hệ mười năm từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thật chẳng khác nào chuyện có hai ông bà già về quê lỡ độ đường vào khách sạn nghỉ qua đêm, Giám đốc khách sạn dứt khoát bắt hai người phải có giấy hôn thú thì mới cho ngủ chung phòng, thế là hai ông bà già mất toi hơn hai trăm ngàn cho cái việc “Bỏ quên” giấy tờ tuỳ thân ấy.


Vì không có bằng vi tính và Anh văn mà tôi cũng như nhiều anh em khác trong cơ quan bị trừ điểm, số điểm bị trừ quy đổi thành tiền thành thử ra tiền tết năm nay đã ít lại càng ít thêm. Các bác thử nghĩ hộ tôi xem, như thế chẳng phải là mất hay sao? Còn hơn là“ mất sổ gạo” nữa ấy chứ.


Cơ thể tôi bỗng thấy rã rời, không biết rồi sẽ phải giải thích sao đây với bà vợ “lớn tuổi” mà có những “thời điểm” bà ấy coi tiền bạc quan trọng hơn tôi, nhất là vào thời khắc này, cần tiền tiêu tết.


Vứt phong bì tiền vừa nhận được chiều nay ở cơ quan ra bàn, tôi với tay lấy chai “Cuốc lủi” mà thằng bạn Trỗi cũ mới gởi ngoài Hà Nội vào cho. Ực! Tôi ngửa cổ làm một hơi, hương vị của thứ rượu làm từ loại gạo nếp đặc biệt giúp tôi tỉnh táo và minh mẫn hẳn ra, nó cũng là thói quen của tôi mỗi khi có “Vấn đề” với vợ. Chẳng hạn, đôi khi theo bạn bè đi nhậu đêm về muộn, hoặc có lần tôi nổi máu liều, hứng chí theo con bồ già tếch đi Vũng Tàu chơi mấy hôm, nói dối vợ là đi công tác đột xuất … Đại loại là trong những trường hợp tương tự như vậy để lấy tinh thần chuẩn bị trả lời trước những câu hỏi như móc họng của vợ.


Để kéo dài thời gian và cũng là để nghĩ mưu, tôi liền cởi quần áo lao vút vào trong Toalet.


- Trời ơi! Sao tháng này được có từng này tiền thôi ư?


Ngồi trong Toalet mà mồ hôi tôi vã ra khi nghe tiếng trì triết của vợ từ ngoài vọng vào.


- So với tháng trước thì tháng này thiếu những 500.000 đồng, tiền của tôi ông đem đi đâu? Không đem về cho tôi thì đêm nay ông muốn đi đâu thì đi.tongiaquy nói...

Tôi tin rằng nếu tác giả tập trung vào viết văn thì cuối năm sẽ đưa cho vợ được nhiều tiền hơn là đi làm!
06:12:00 GMT+7 Chủ Nhật, ngày 13 tháng 1 năm 2008


Lòng tôi như lửa đốt, nói thật thì không dám vì sợ ngượng với vợ và còn mặt mũi nào mà nhìn thấy con, thằng con mà tôi suốt ngày lên lớp với nó rằng “Thời buổi này không có vi tính và ngoại ngữ thì coi như đồ vứt” Tôi bỗng chạnh lòng, không lẽ mình cũng là đồ bỏ. Không! Không thể như thế được. Nếu vào một ngày nào đó xúi quẩy rơi vào hoàn như tôi bạn sẽ trả lời sao đây, khi đó bạn mới thông cảm cho hoàn cảnh “ngặt nghèo” của tôi lúc này. Tôi đành ngồi im chịu trận, và nghĩ cách trả lời. Cũng may là tôi đang ngồi trong Toalet, cuối cùng câu nói mà tôi hay đùa thằng con “Thông minh đột suất, ngu bất thình lình” đã loé sáng trong phút giây tưởng như bế tắc ấy.


- Tháng này vì thời tiết nước ngoài lạnh do hiệu ứng Enina nên máy bay đến nước ta ít đi vì vậy vé bán được ít, doanh thu giảm, cộng với có tin đồn là BinLaDen vừa mới xuất hiện tại Việt Nam nên khách Tây hãi, không dám tới nước ta nữa nên tiền lương sụt giảm là vì thế.


Tôi tự tin trả lời vợ trong tiếng nước xối ào ào trong Toalet mà cố gìm tiếng cười đang khùng khục trong cổ họng chỉ chực toé ra mặc dù tôi buồn thực sự.


Ăn cơm xong, ngồi uống trà lòng nâng nâng vì vừa dàn xếp xong một việc mà tưởng chừng như không có lối thoát, tiền ít đã đành, trong nhà lại lục đục cãi cọ nhau khi mà cái tết đang sầm sập tới sau lưng, tôi không hình dung nổi gia đình sẽ ra sao khi năm mới đang tới dần.


- Ông có cái thiệp đám cưới của ông bạn cũ, con nó để trên cây đàn Piano ấy, gớm cưới với chả xin, ngoài năm mươi tuổi mới lấy vợ, ngữ ấy không hâm nặng tôi cứ đi đầu xuống đất.


Vợ tôi đang rửa chén, bát dưới bếp nói nói vọng lên, trong giọng nói của vợ tôi vẫn thấy thoang thoảng đâu đó mối hoài nghi về những điều tôi giải thích lúc trước.


Thằng con trai nhanh nhảu cầm tấm thiệp bằng hai tay.

- Thiệp đám cưới của Bố đây ạ.


Lòng tôi như nhẹ đi trước cử chỉ đáng yêu của con. Cầm tấm thiệp Hồng trên tay tôi không tin vào chính mắt mình nữa. Hay là mình hoa mắt! Tôi lẩm bẩm. Gọi thằng con bật thêm ngọn đèn và với tay lấy cái khăn lau lại cặp kính. Tôi đọc đi đọc lại đến mấy lần. Rõ ràng chú rể tên là Bình, Vũ Hoà Bình hẳn hoi không thể nhầm được.


Thế là Bình cưới vợ, ngoài năm mươi mới lấy vợ như thế kể ra là quá muộn đối với một thằng đàn ông còn “Trinh tiết”, nhưng đối với Bình thì không phải như thế, điều mà bạn bè mong mỏi là Bình phải lấy vợ vì cô vợ trước Bình đã chia tay được hơn hai chục năm rồi. Cô con gái cũng đang học năm cuối đại học, cháu ở với mẹ. Còn một mình Bình cứ vò võ “nước lọ cơm niêu”Hà Chí Quang nói...

Cơm niêu Nước lọ

Nhân tác giả nhắc tới cụm từ "cơm niêu , nước lọ", tôi xin "mô tả" về nghĩa đen của cụm từ này, hoàn toàn không liên quan tới bài viết.
Theo Lý Khắc Cung (tôi không biết ông là ... ai), ở Hà nội có vài quán cơm không bảng hiệu, khách vào chẳng cần nói năng chi, chỉ việc xìa ra 7 hào (hồi năm 1939-1940, thời Mặt trận bình dân Pháp đã "toi") thế là có 1 suất "cơm niêu nước lọ" đặt trên cái mẹt. Khách cầm cái mẹt tự tìm chỗ ngồi, có thể là cái ghế xệp, nơi bậc cửa, cái đòn tay hoặc cái chổi rơm, tùy nghi.

Trong niêu có cơm (gạo tám thơm và tám xoan, tỉ lệ 5/5); và: 1 miếng thịt bò; 1 miếng thịt gà có cả da; 1 miếng thịt lợn rán có đủ bì, mỡ, nạc; 1 miếng gan xào; 1 dúm trứng cáy hặc tép; 2 cánh nấm; 1 cánh mộc nhĩ. Tất cả được rưới lên chút nước chấm có hồ tiêu.

Phần "nước lọ" đặt trên mẹt là 4 chai: 1 chai nước xuýt, 1 chai nước mắm cà cuống, 1 chai rượu ngang, 1 chai nước trà chừng 2,3 ngụm. Chắc hẳn mỗi loại nước sẽ có 1 loại chai tương ứng (tôi không rõ chúng là chai cút, chai hươu?).
Ăn xong, phủi quần đánh phạch, đi thẳng.

Hồi đó món này là mốt, sau chất lượng kém dần, dần dà biến tướng thành dạng "cơm trưa văn phòng", chuyển phục vụ cho những người mà bếp nấu ăn của họ thường là nguội lạnh.

Về "tỉ giá": hồi năm đó, 1 dĩa cơm chiên thật cẩm (ăn no) ở quán Mỹ Kinh, Đông Hưng Viên ở tận Hàng buồm chỉ 3 hào.

Muốn biết thêm về chi tiết, xin trao đổi trực tiếp với ô.LKCung.
14:25:00 GMT+7 Thứ Hai, ngày 14 tháng 1 năm 2008
, nghĩ cám cảnh bạn bè ai cũng khuyên Bình lấy vợ.


Tôi ngồi bần thần và như một cuốn phim cũ được chiếu lại, tất cả những kỷ niệm của thằng bạn cũ, về những năm tháng tuổi thơ lại dồn dập trở về trong ký ức. Phú Hòa nói...

Duy Đảo viết hay lắm vì nó thật và rất tình người. Cuộc sống là như vậy, không phải ai cũng có một số phận êm ả, thuận buồm xuôi gió trong mọi lĩnh vực nhưng điều quan trọng nhất là niềm tin. Mong rằng người bạn Trỗi của chúng ta sẽ có được những năm tháng thanh thản của tuổi hưu.
02:32:00 GMT+7 Chủ Nhật, ngày 13 tháng 1 năm 2008
vinhnq nói...

Tác giả đã khẳng định thêm, đây là phát hiện mới của BẠN TRỖI sau bài "Ngày đầu tôi nghỉ hưu". Đọc xong bài này chắc bác KQ sướng "âm ỉ".
05:57:00 GMT+7 Chủ Nhật, ngày 13 tháng 1 năm 2008


Gửi bởi  DuyDao lúc 10:39 CH

Đăng lại bài viết của Nguyễn Duy Đảo (đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi”: Thứ bảy, 12 tháng một, 2008)

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Tết của tôi ở trường Trỗi - HaMeoK6





Tết sắp đến, tôi nhớ lại tết ở trường Trỗi. Chúng mình chỉ có một lần ăn tết ở trường. Đó là tết Mậu thân năm 1968 tại trường mới ở Quế Lâm. 

Hồi đó, hình như tôi còn nhỏ quá nên nay nhớ lại tết đó đối với mình chủ yếu là mấy ngày được nghỉ học, sáng không phải dậy tập thể dục và ăn ngon hơn. Hối đó, các thầy cô và chị nuôi còn gói bánh chưng cho toàn trường ( ko nhớ mỗi đứa được bao nhiêu phần 1 cái bánh ?).

Ấn tượng nhất của tôi vào dịp tết này là 2 “sự kiện” xin kể ra sau đây :

Sáng mùng 1 tết, khi đó tôi đang ngồi trong chuồng xí (nằm gần tường rào phía bên trái từ cổng đi vô) vừa giải quyết chuyện riêng vừa xem mấy con giòi có đuôi (“đặc sản” của Quế Lâm) thì nghe loa truyền thanh của trường phát đi bản tin đài tiếng nói VN thông báo cuộc tiến công nổi dậy của quân dân ta ở khắp miền Nam. Nghe tiếng các bạn ở bên ngoài reo hò, tôi quýnh quáng tự chửi thầm : không hiểu sao mình lại ngồi đây xem mấy con giòi vào đúng mùng 1 tết, vào đúng lúc này – thời điểm lịch sử của dân tộc. Đan mạch nó !

Ngày hôm sau thì phải, tôi cùng một bạn (hình như là Thiệp “bệu”) đi loanh quanh trong trường rồi quyết định xuống Căng-tin để tiêu xài nốt mấy hào còn sót lại trong năm cũ. Vừa tới cửa căng –tin tôi thấy một đám ngồi ngay hành lang đang cười nói rôm rả “vui như tết”. Nhìn lại thì đó là đám Lượng “phẩu”, Hồng “lồi”, Hòa “tàu”, Thành “vẹo” … khoảng gần chục mạng xúm xít bên chai rượu trắng “ăn nhậu” vui vẻ với vài cái bánh ngọt và hút thuốc “Hướng Dương” thơm phức. “Hà mèo, uống một miếng mày!”. Tôi nhấp một ngụm, thấy người nóng bừng bừng và cảm nhận ngay là mình đang “nhậu”. Thật là “sướng” ! Chai rượu vơi dần trong niềm hân hoan, cực kỳ phấn khích của của cả bọn. Đúng là tết không có cha mẹ thì mới được “uống”, mà uống hết cả 1 chai, theo tôi nhớ là khoảng 250 ml. Một đứa nào đó hát vang bài “Cachiusa” bằng tiếng Nga (không biết có đúng không?) và ngắm tuyết lần đầu tiên thấy trong đời. Đúng là cảm giác đang ăn tết ở nước ngoài. Cảm giác mà nhiều năm sau tôi phải nhiều lần nhận nó, nhưng kkông hề vui như lần này !

39 cái tết đã qua, nhưng mỗi lần tết đến tôi lại nhớ chuyện này mà bây giờ mới có “cơ hội” để kể lại. Vì chỉ có “lính Trỗi” mới hiểu. Cám ơn các blog của trường Trỗi!


Đăng lại bài viết của Hà Mèo  (đã đăng tại „Blog Út Trỗi”: Thứ sáu, ngày 11 tháng một năm 2008)

1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Một cử chỉ đẹp - Nguyễn HữuThành K4





ôm Thứ Năm vì phải đón Thắng híp k6 bị xe kia bỏ quên ở Hưng Hoá, chúng tôi có dịp trò chuyện tay đôi. Phải nói thực là đi xe với một tay lắm chuyện mà lại ngấp nghé ... say thì cũng không sướng lắm. Cuối câu chuyện, trước khi cậu lăn ra ngủ thì cũng được biết chiều hôm sau, Thứ Sáu, cậu sẽ cùng chị em Tuấn Quảng và chị em nhà Tường Vân đi Sơn La.
Sớm nay gọi điện cho Châu Nguyên (k4, chị Tuấn Quảng) xem có chuyến đi đó (để thẩm tra sự tỉnh táo của Thắng híp) và có đi không. Châu Nguyên nói có đi, nhưng "chân cẳng tớ thế này đi làm sao được". Chị em Tường Vân cũng có đi thật.
Châu Nguyên nói tôi mới biết Tuấn Quảng tổ chức chuyến này lên thăm gia đình cụ Lò Văn Giá. Gọi là cụ vì nếu còn sống thì đúng là cụ thật. Nhưng sau khi dắt các cụ Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu cắt rừng trốn thoát khỏi nhà tù Sơn La, quay trở về Cụ đã bị địch bắn chết.
Theo lịch thì tối nay các bạn về Hà Nội. Chúc mừng các bạn có một cử chỉ đẹp.

Hữu Thành

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Pha café - hameok6






Nhân đọc bài của aPH viết về café, tôi thấy “ngứa ngáy”, nên viết bài bài này ea xem chơi, mong không phải là “múa rìu qua mắt thợ”.

Nói chung các món ăn chơi, sau hàng thế kỷ đều được nâng lên mức nghệ thuật đúng nghĩa. Pha café cũng vậy.

Khi pha café, trước hết, phin và ly phải được rửa sạch sẽ, tráng nước sôi đảm bảo không có bất cứ mùi vị nào khác và để cho nóng. Một số người còn để ly vào trong một chén nước sôi khi pha (thường là ở xứ lạnh như Đà lạt hay mùa động Hà nội). Café được cho vào phin vừa đúng mức của phin, trải đều dưới đáy phin và được cài lại nhẹ nhàng. Ở đây phải có phin đúng kiểu thì mới thực hiện được. Phin café phải được làm bằng kim loại không có mùi, không sét rỉ và không “hút” các chất lỏng như ở gốm sứ sẽ tạo nên mùi tạp của lần pha café trước đó (điểm này ngược lại hoàn toàn với uống trà), các lỗ trong phin phải lớn bằng nhau và được sắp xếp đều theo vòng tròn đồng tâm, nếu không café khi pha sẽ làm nghẹt một số lỗ và ra không hết làm café không đủ “đô” như mình lựa chọn. Lõi phin phải được cài vào một cách nhẹ nhàng để càfe được ép xuống nhưng còn chỗ để nở ra khi ngấm nước (chứ không “bạo lực” bằng cách siết bù lon).

Tôi may mắn còn giữ được 2 cái phin của VINALU sản xuất từ trước giải phóng để xài đến nay. Bây giờ muốn mua một phin café đúng cách sao không tìm thấy nữa. Hôm rồi, tại “Lễ hội café” tôi đã tìm và hỏi thì không ai biết loại phin đó. Thậm chí tụi nhân viên của một vài hãng café lớn còn nhìn tôi như “quái vật” và giới thiệu một số loại phin “xịn” vì …đắt tiền.

Sau khi cho café vào phin xong, cần rót một ít nước để làm ngấm café. Đây là điểm “bí quyết” mà rất nhiều dân uống cũng như bán café không biết hoặc bỏ qua. Nước rót vào lúc này chỉ vừa đủ láng mặt đáy phin và phải là nước không nóng, có thể hơi ấm nhưng không được lạnh mới ngấm đều vào bột café mà không làm nó chín thì sẽ không ra café nữa (café lạt nhách). Đợi cho café ngấm đều (khoảng từ 3 tới 5 phút) mới rót nước vào. Lúc này nước rót vào không phải là nước sôi mà chỉ khoảng 80oC là vừa. Có thể hiểu là nước rót ra từ bình thủy (phích nước) hoặc là nước nấu sôi trên bếp được rót vào bình thủy rồi mới rót vào phin (không rót trực tiếp làm café chín mất). Nếu rót nước sôi sẽ làm chát café bởi chất nhựa. Vị này sẽ được cảm nhận rất rõ khi uống café nấu bằng bình nấu café của tụi tây.

Không biết ông tổ nào ở miền Nam đã đổi từ “phích nước” sang “ bình thủy” ? Có lẽ vì biết tiếng Đức nên kiêng từ “phích” chăng (vì đây là tiếng Đan mạch trong tiếng Đức). Anh Quang xèng thử nghiên cứu xem.

Ở tây chỉ có café Pháp (franzoesischer Koffee) là café thiệt từ chất liệu đến cách pha, còn lại đều là “dỏm”. Tụi tây mà uống café ta như nó uống (4 –5 ly / ngày) thì có đứt mạch máu não mà chết !

Nước được rót vào phin phải đầy để tạo áp lực cho café nhỏ giọt đều và đúng mức. Song tùy theo người uống, khi thấy đủ thì bỏ phin ra (thường người ta uống khi phin chỉ xuống hết một nửa). Lúc này có một số người thích châm ít nước sôi cho nóng. Việc này không làm café lạt đi nếu biết canh chừng lượng café nhỏ giọt từ phin xuống với lượng nước sôi châm thêm. Vì thực chất chỉ trong khoảng ¼ đầu của phin là café đã ra hết nước “cốt”, sau đó chỉ có tác dụng làm café loãng đi và giữ mùi café mà thôi.

Để “kiểm tra” được café pha có đúng cách không, người ta có thể dễ dàng nhìn vào phin café sau khi đã rót nước. Café được nhỏ giọt đều, không chảy thành dòng như “li lái”, không tắc nghẽn, nước trong phin trong, không nổi bột café lên và tất nhiên phải đầy như nói ở trên.

Thường khi uống đúng kiểu, phin café được đặt trên một cái ly thủy tinh để người uống có thể canh chừng mức café mình muốn và “thưởng thức” từng giọt café nhểu xuống. Khi đến mức, café được sang qua tách sứ chớ không uống bằng ly thủy tinh (điểm này thì tôi không hiểu tại sao ?).

Với “kinh nghiệm” gần 40 năm uống café, tôi phải xác nhận ông Quang anh tôi là một trong những người pha café đúng kiểu nhất. Tất nhiên phải là Ổng tự pha chớ không là “dịch vụ”.

Đây chỉ là pha café, còn muốn uống một ly café ngon thực sự còn rất nhiều yếu tố khác như loại café, chất liệu khi rang xay, pha chế, độ mịn của bột khi xay… và không thiếu được “không gian, ngữ cảnh” khi uống . Nhưng “Café ngon phải có bạn hiền” mới là điểm quyết định. Bởi vậy thỉnh thoảng tôi vẫn ra uống café vỉa hè dù ở đó chỉ toàn xác cau trộn với cơm cháy. Cafe Sài gòn chánh hiệu !!


Đăng lại bài viết của Hà Mèo (đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi”: Thứ sáu, 11 tháng một, 2008)

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Xin đuợc thông báo - Trần Kiến Quốc

Huân chương Sao vàng (mẫu cũ)
Ảnh và các liên kết (links) không phải của bài viết, để tham khảo thêm thôi.
Xin lỗi tác giả vì không giữ nguyên tác.





Anh em nhà 99 biết sống vì anh em nên được mọi người yêu qúy. Có chuyện "chỉ là việc nhà" nhưng không thông báo thì thật có lỗi. Vậy xin được chia vui!

Chiều 14/1/2008 tại Nhà khách Chính phủ 12 Ngô Quyền, Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì lễ trao tặng Huân chương Sao vàng cho gia đình lão đồng chí Trần Tử Bình. Cuối năm 2007, đúng dịp kỷ niệm 100 ngày sinh (1907-2007) và 40 năm ngày mất (1967-2007) của cụ, Chủ tịch nuớc đã kí quyết định điều chỉnh mức khen thưởng. Nếu không có gì thay đổi thì Chủ tịch cũng sẽ có mặt trong buổi lễ. Đặc biệt hơn, lễ truy tặng được tiến hành tại chính Bắc Bộ Phủ nơi cha chúng tôi cùng đồng chí Nguyễn Khang chỉ huy lực luợng cách mạng từ Nhà hát Lớn tiến vào cướp chính quyền ngày 19/8/1945.
Biết nhiều người quý mến gia đình muốn đến chia vui nhưng vì số luợng khách tham dự giới hạn. Mong đuợc sự cảm thông!
Cũng từng nghĩ "huân chương không lấy..." nhưng thật ra đây là việc làm rất có ý nghĩa cho con cháu sau này. Qua lần này có thêm kinh nghiệm, hơn nữa thấy nhiều phụ huynh của bạn Trỗi còn chưa được làm đầy đủ các chế độ khen thưởng nên xin sẵn sàng tư vấn giúp anh em.

Đăng lại tin của Trần Kiến Quốc (đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi”: Thứ sáu, tháng một 11, 2008)


Xem:

1. Xin nghìn lần cảm ơn!!! - TranKienQuoc, 15/1/2008, Blog K4
2. Đằng sau tấm huân chương - TranKienQuoc, 22/2/2008, Blog K8
3. Trần Tử Bình - Vị tướng mang hàm Đại sứ - Trần Duy Hiển, Báo Công An Nhân Dân, Chuyên đề An Ninh Thế giới và Văn nghệ Công An, 11/02/2008

1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Trưởng thành từ mái trường thiếu sinh quân - SĨ ẨN - hameok6

Đội Thiếu sinh Vệ quốc quân chúc thọ Bác Hồ 60 tuổi tại chiến khu Việt Bắc (NSƯT Phan Phúc ngồi thứ hai bên trái).

Bác với đội Văn nghệ thiếu sinh quân ở Việt Bắc.
(Không phải ảnh của bài viết - nvtk6)

Đăng lại bài viết của Hà Mèo (đã đăng tại „Blog Út Trỗi”: Thứ hai, ngày 07 tháng một năm 2008)

Xin gửi tới ae 1 bài báo tuy đã cũ, nhưng vẫn còn giá trị tham khảo để ae xem cho biết.

---------------------------------------------------------------- 



Tiếp bước người anh hùng nhỏ tuổi Kim Đồng, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tiếp đến Nam bộ kháng chiến (9-1945), Toàn quốc kháng chiến (12-1946) theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu, cả nước đã dấy lên phong trào tòng quân giết giặc. Cùng với hàng triệu nam, nữ thanh niên tình nguyện tham gia các đội Cảm tử quân, Quyết tử quân, Vệ quốc đoàn, Tự vệ chiến đấu, đã có hàng nghìn các em nhỏ 10-15 tuổi xung phong vào bộ đội làm giao liên, trinh sát, tiếp đạn, văn thư, quân giới, sát cánh cùng các anh bộ đội trên các chiến hào từ Nam chí Bắc. Từ những em bé dũng cảm đốt cháy kho xăng, đồn giặc ở mặt trận Thị Nghè, Sài Gòn-Gia Định năm 1945, đến các em bé băng qua lửa đạn đưa thư của Ban chỉ huy Mặt trận Thủ đô Hà Nội đến các chiến hào giữa đêm Thủ đô kháng chiến 19-12-1946 mịt mù khói lửa; và đến hàng nghìn chiến sĩ nhỏ ở các đơn vị chiến đấu trong các xưởng công binh quân giới khắp mọi miền Tổ quốc. Đầu năm 1947, báo Vệ Quốc Đoàn đăng “lá thư” của một thiếu sinh quân (TSQ) gửi lên Bác Hồ kính yêu:

Cháu là em bé phương xa,
Theo anh bộ đội xa nhà từ lâu.
Cháu qua sông Đuống, sông Cầu,
Phủ Thông, Đèo Khách, An Châu, Lũng Vài...

Cố giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đã kể lại trong một bài đăng trên báo Vệ Quốc Đoàn những năm đầu kháng chiến chống Pháp, khi ở trạm quân y tiền phương ông đã không cầm được nước mắt phải cưa cụt một cánh tay của em Ngọc, một thiếu sinh liên lạc 12 tuổi bị thương từ mặt trận chuyển đến (em Ngọc tức Nguyễn Văn Trình, nay đã quá tuổi “cổ lai hy”, là một nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi hiện đang sống ở Hà Nội)

“Các cháu còn nhỏ, không nên để các cháu đi chiến đấu, chết uổng lắm. Tuổi các cháu là phải được học hành”.

Với tấm lòng của người Ông, người Cha, Bác Hồ đã nói câu đó với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Từ ý tưởng đó, các trường TSQ đã mọc lên từ miền Đông, miền Tây Nam bộ, đến Liên khu 5, Liên khu 4, Liên khu 3, Khu 10, Việt Bắc, tập trung mỗi trường ít thì 5, 7 chục, một vài trăm, nhiều thì hàng nghìn chú bé liên lạc, trinh sát từ khắp các chiến trường về học tập. Ngày 10-11-1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký nghị định số 425/TCH thành lập trường TSQ Việt Nam do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị trực tiếp làm Hiệu trưởng. Vì hoàn cảnh chiến tranh, các trường TSQ từ Liên khu 4 trở vào Nam không có điều kiện về sáp nhập, còn lại các trường TSQ Liên khu 3, Khu 10, Việt Bắc, TSQ các Đại đoàn 308, 304, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, đều hành quân về Thái Nguyên hình thành trường TSQ Việt Nam với quy mô lớn: 3 tổng đội, 12 đại đội, quân số hơn 1.000 học viên. Từ cuối năm 1951 thành phần học viên các trường TSQ được bổ sung thêm con em các cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, quân đội và các ngành ở Trung ương và địa phương. Con gái nhà cách mạng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai; con gái Tổng bí thư Trường Chinh; con các đồng chí lãnh đạo khác như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Văn Tiến Dũng và nhiều tướng lĩnh, Bộ trưởng, Thứ trưởng đã vào học tại các trường TSQ. Trung tá Thanh Hưng, Chính ủy Trung đoàn Sông Lô nổi tiếng và hàng chục sĩ quan trẻ mới tốt nghiệp Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, trong đó có nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Huy Du được điều về làm giáo viên trường TSQ.

Từ mái trường TSQ, được Bác Hồ, Đảng, quân đội rèn luyện, đào tạo, lớp lớp thanh niên đã trưởng thành, trở thành lực lượng bổ sung quan trọng cho quân đội và các ngành kinh tế, văn hóa trong cả nước. Các cựu TSQ sau này giữ các cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước, như: Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Vũ Khoan, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ; Vũ Mão, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, hiện là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội... Cựu TSQ trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi thời kỳ chống Mỹ-Nguyễn Thiện Nhân hiện là Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. NSND, đạo diễn điện ảnh, nguyên Tổng thư ký Hội ĐAVN Đặng Nhật Minh, các NSƯT, nhạc sĩ: Cao Việt Bách, Lê Lan, Phan Phúc; các họa sĩ Trần Quân Ngọc, Cát Lâm Mậu; nhà văn Ma Văn Kháng, các nhà báo Như Đàm, Trần Thọ, Sĩ Ẩn và các nhà khoa học như giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thủy Nguyên, Trần Tiến Nguyên, Vũ Trọng Hùng... đều từng là các TSQ. Người được báo chí nước ngoài tặng danh hiệu “tỷ phú đỏ” Lê Minh Ngọc, nguyên là một TSQ Liên khu 4, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh. Thiếu tướng Cao Long Hỷ hiện là trưởng ban liên lạc truyền thống TSQ Việt Nam-TP Hồ Chí Minh là một cựu TSQ Miền Đông Nam bộ; Thiếu tướng Nguyễn Việt Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Chính ủy Quân khu 9, đại tá Phan Tấn Tài, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh đều là TSQ thời kháng chiến chống Mỹ...

Kỷ niệm 60 năm ngày toàn quốc kháng chiến cũng là gần 60 năm các thế hệ TSQ nối tiếp nhau được Đảng, Nhà nước và quân đội rèn luyện, đào tạo, trưởng thành, ngày 2-12-2006 các thế hệ TSQ khu vực TP Hồ Chí Minh sẽ họp mặt lần thứ nhất. Sẽ có mặt tại đây hơn 250 đại biểu của các trường thiếu sinh quân đã từng có mặt trong cả nước xuyên suốt gần 60 năm lịch sử. Cuộc họp mặt nhằm tăng cường đoàn kết các thế hệ TSQ, động viên nhau sống những năm tháng tuổi già có ích cho gia đình và xã hội. Và quan trọng hơn là trách nhiệm đối với thế hệ trẻ ngày nay và mai sau. Chúng tôi muốn tiếp lửa truyền thống cho họ, để lớp trẻ vươn lên mạnh mẽ hơn, đạt tới lý tưởng ngàn đời “con hơn cha” xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, sánh vai cùng năm châu bốn biển như mong ước của Bác Hồ kính yêu.


SĨ ẨN
(Nhà báo, cựu TSQ Việt Nam 1947-1952)


2 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Người nào cũng có tài bẩm sinh - Trần Kiến Quốc




Hồi ở Quế Lâm, cái nhà ông Ngô Phúc Chiến tâm sự rằng ai cũng có tài. Lúc ấy cậy học giỏi nên tôi nghĩ hắn nói vậy để ngụy biện cho cái sự học yếu của mình. Phải mấy chục năm sau mới ngộ ra rằng cái tay này nói đúng. Không ư, như cái anh Duy Đảo k6, cách nay 30 năm là học sinh của tôi, học thật vất vả; thế mà nay vừa post bài "Ngày đầu tôi về hưu" lên blog đã làm anh em ta chóng cả mặt. Khen nức nở. Mà kiểu nghề tay trái như Đảo thì lính Trỗi có "cả tiểu đoàn".
Đúng là trời cho người nào cũng có ít nhất 1 cái tài. Cố mà tận dụng tốt để phục vụ anh em.

 

Gửi bởi TranKienQuoc lúc 11:31 SA

Đăng lại bài viết của Trần Kiến Quốc (đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi”: Chủ nhật, tháng một 06, 2008)

1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Hai ngày ở Hà Nội - hameok6





Tôi tính ko đăng bài này vì mấy ông anh K4 chê tôi "hư hỏng", song mấy ae k6 cứ hỏi hoài: sao không thấy nói chuyện gặp nhau ở HN. Thôi thì cũng chịu tiếng "hư hỏng" vậy.

Nhân dịp đợt đi thăm lại Quế Lâm, cuối tháng 10/2007, tôi đã tranh thủ ra Hà Nội trước 2 ngày để thăm lại các bạn Trỗi đã mấy năm nay không gặp mặt. Thật là những ngày đáng nhớ.

Máy bay vừa hạ cánh xuống Nội Bài, bật mobil lên, chưa kịp xem thì đã “tít tít”. 3 tin nhắn. Thì thôi từ từ xuống máy bay rồi tính. Nhưng chưa kịp tính, chuông đã reo “xuống máy bay chưa ?” “Mới hạ cánh chưa ra” “Ra lẹ đi rồi tới….” .Chuông lại reo ….”đến ngay địa chỉ….” Chưa kịp biết Hà nội nóng lạnh ra sao, tôi đã liên tục nhận được mấy “mệnh lệnh điều động” tới các điểm nhậu. “Lệnh” nào cũng cấp bách, “Lệnh” nào cũng mang tình bạn Trỗi ra “hù dọa”.

Và thế là lên taxi, xách vali tới điểm nhậu. Đi từ điểm này tới điểm khác, từ bia qua rượu, rồi từ rượu qua bia, rồi lại…. cho tới hơn 8 tối mới được chở về khách sạn. Ôi, tình bạn sau nhiều ngày xa cách là thế. Nhưng chưa đủ. Tôi được “lệnh” phải đặt khách sạn tại Lý Nam Đế để gần trung tâm (trường Trỗi) cho dễ kiểm soát. Vẫn chưa đủ. Tôi chỉ “được phép” nhận phòng trong vòng 15 phút rồi phải qua nhà Thắng “híp” hội ý “nội bộ” chuẩn bị cho lịch “hội quân” đợt 1 của khóa 6 tại CLB Quân đội. Ngày hôm sau đi thăm lại Hưng Hóa và tối thì lại “hội quân” đợt 2. “Lịch công tác” kín mít không còn lúc nào để thở, mà nếu có thì sẽ có ngay 1 ly bia trước mặt để thở cho dễ. Đã thế đám Trỗi K6 tụi tôi từ TP.HCM ra bị dân Hà Nội “chê bẩn” hay sao đó mà chỉ trong vòng 2 ngày bị “lùa” đi tắm tới 4 lần ! Hết xông hơi khô tới xông hơi nước, hết tắm bể tới ngâm bồn thuốc bắc… Ôi, thì đủ cả ! Các bạn đặc biệt chăm sóc tới sức khỏe tụi tôi sao còn đủ sức “chiến đấu” tới ngày ra đi… Quế Lâm.

Nhưng mấy ngày gặp nhau thật là vui. Vài 3 thằng đại tá, 4 – 5 thằng bác sĩ với dăm đứa thất nghiệp cùng mấy thằng Giám đốc… cùng nhau hát các bài “truyền thống” vang cả CLB quân đội. Từ “Ta hải hang…” tới “Đào vừa ra hoa…”,”…bánh bao nhân đường…” sang “…nhớ sao các mẹ, các chị chủ nhật lên thăm…”. Toàn là những kỷ niệm không thể nào quên. Các cháu phục vụ trong CLB bụm miệng khômg dám cười vì các ông già này hát bậy và chửi thề quá nhiều. Rồi thì đủ các chuyện được đưa lên bàn: từ chuyện lấy củi ở Đại Từ tới lấy cam ở Quế Lâm sang chuyện lấy cơm cháy nhà bếp ở Hưng Hóa…. Không thiếu chuyện gì.

2 giờ sáng, tôi “được phép” về khách sạn với “lệnh” : Sáng mai trả phòng, qua ngủ nhà “Híp” cho dễ “kiểm tra”. Đêm sau là đêm thức trắng với lý do: Để đảm bảo không lỡ xe đi Quế Lâm. Và để “đảm bảo sức khỏe”, mấy anh em không đi QL cũng cùng thức đêm uống rượu, đánh bài chung vui.

Sau 2 ngày ở Hà Nội, tụi tôi, 4 thằng từ Sài Gòn ra đã “tìm hiểu” được rất rõ ràng các loại bia rượu và các địa điểm nhậu “ruột” của anh em Trỗi bản địa, còn Hà Nội thay đổi ra sao sau bao năm xa cách thì xin miễn bàn. Hà Nội có anh em Trỗi ! Thế là đủ.

K6 gặp nhau tại HN: Đăng Sơn đang 'biểu diễn'
Đăng Sơn đang "biểu diễn"

11:05

Đăng lại bài viết của Hà Mèo
(đã đăng tại „Blog Út Trỗi”: Thứ bảy, ngày 05 tháng một năm 2008)

1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>