4 - Tâm sự người thầy - Thầy giáo Lã Khắc Tiệp, SRTKL2: 31-34

Tâm sự người thầy


Thầy giáo LÃ KHẮC TIỆP

… Cảm ơn các em đã và vẫn nhớ đến các thầy, các cô, các cán bộ phụ trách và công nhân viên phục vụ các em tại trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi! Mà không nhớ làm sao được, vì trường của chúng ta là loại trường khá đặc biệt. Các em được đón về để học trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, các em được “ăn cơm lính, học tập theo kiểu lính và rèn luyện đúng như lính, khi hãy còn ở tuổi học trò”. Thế thì:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên!

 * * *

Thầy đã nhận được quà của các em gửi biếu, đó là quyển sách “Sinh ra trong khói lửa”. Không chỉ cảm ơn các em về món quà đó mà thầy rất hoan nghênh, nhiệt liệt hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ việc làm tốt đẹp của các em sẽ “góp phần và tạo điều kiện để viết lại lịch sử của trường ta”. Đây không những chỉ có ý nghĩa về tình cảm, về “tôn sư trọng đạo”, về đoàn kết học tập và rèn luyện trong lúc khó khăn mà nó còn là việc làm tổng kết cho một chủ truơng đúng và một cách làm mang ý nghĩa chiến lược to lớn. Một việc làm rất đáng trân trọng!

Khi đó, thầy chỉ là một giáo viên. Bây giờ, nhìn lại những việc đã làm mới nhận ra một cách đầy đủ cả về tư tưởng và nhận thức cũng như công tác chỉ đạo và tầm nhìn cần thiết cho từng bước đường đời đã qua của riêng mình, góp phần tổng kết cái gì đây cho con cháu!…

Ngày ấy, cả nước có chiến tranh, cả nước thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”. Cả dân tộc dồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Mùa đông tuyết giá lạnh, từ nước Nga xa xôi, học sinh khóa 2 luôn nhớ về trường
Mùa đông tuyết giá lạnh, từ nước Nga xa xôi,
học sinh khóa 2 luôn nhớ về trường
 

Nhớ ngày khởi đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác Hồ đã dạy phải “kháng chiến – kiến quốc”. Và chúng ta đã thắng Pháp, rồi bước vào đánh Mỹ. Chúng ta sẽ chiến thắng Mỹ! Chiến thắng rồi, chúng ta phải xây dựng và đưa đất nước đi lên. Như thế là vừa kháng chiến, chúng ta vừa phải xây dựng tiềm lực để kháng chiến thắùng lợi, đồng thời để sau chiến thắng, có đủ điều kiện đưa đất nước phát triển. Cho nên, có người ra tiền tuyến, cũng phải có người làm việc, chuẩn bị cho phát triển. Thế mới biết khi đó, các thầy “đi ngược chiều hành quân ra mặt trận “, cũng là hành quân và cuộc hành quân ấy cũng vô cùng quan trọng. Khi đó các thầy không khỏi có thắc mắc đấy, các em ạ! Thầy đã có bài thơ về vấn đề này để tự giải quyết tư tưởng và đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Chính vì khái niệm “kháng chiến – kiến quốc” đó mà nền giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vẫn phát triển.

Trường ta, ngoài ý nghĩa nằm chung trong quan điểm trên, còn có ý nghĩa thiết thực hơn là thực hiện một chính sách lớn với hai nội dung:

1. Các em là con em của cán bộ trung – cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội. Để các đồng chí cán bộ có điều kiện yên tâm công tác, tận lực cho kháng chiến; Đảng, Nhà nước, quân đội đã tổ chức trường nuôi dưỡng và dạy dỗ các em. Quả đây là tình sâu nghĩa nặng và trách nhiệm to lớn.

2. Sau ngày chiến tháng, nhiệm vụ xây dựng Đảng, bảo vệ Nhà nước, củng cố quân đội, dĩ nhiên là trách nhiệm của toàn dân, nhưng phải có lực lượng trung kiên. Đó chính là con em các đồng chí đã đổ xương máu để xây dựng và bảo vệ đất nước này.

Đấy, thầy đã rút ra những điều vắn tắt như vậy. Chắc các em đã biết nhiều về điều này, nhưng thầy nhắc lại vẫn không sợ thừa.

 * * *

 Giờ thì thầy ghi lại bài thơ ngày ấy. Tâm tư là không được cùng đồng đội ra trận mà lại lui về dạy học, trong khi chính con mình học ở trường làng. Nhớ lắm chứ! Nhan đề bài thơ là “Trách thầm”:

Rừng khuya cánh võng sương sa
Thoảng nghe tiếng Mẹ ơi à, Mẹ ơi!
Đỉnh đèo vằng vặc trăng soi
Trông gương mặt lá nhớ người đảm đang
Rì rào suối hát vọng sang
Nghe như tiếng trẻ trường làng, nhớ con
Nhớ con, lòng dạ bồn chồn
Con ơi, còn giặc bố còn hành quân

Mỗi lần trời đất sang xuân
Ngâm thơ nhớ bạn, mỗi lần thêm vui
Nhớ hoài ánh mắt như cười
Trách thầm: “Anh chỉ nhủ lời với con”

L.K.T