23 - Những bức thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc - Tô Văn Hoành K5, SRTKL2: 96-101
Thứ Hai, tháng 6 30, 2008của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc
K. thân,
Vừa từ Hà Nội về, mình gửi thư cho bạn ngay. Ra Hà Nội được hai ngày là Hoành lại thăm bác Ngọ, mẹ Ngọc. Gặp mình, bác khóc nhiều. Sau đó bác kể, đã nhận được tiền của thầy trò trong Nam đóng góp gửi ra nhân dịp Tết Quý Mùi. Bác nhờ mình chuyển lời thăm hỏi và lời cảm ơn chân thành đến thầy cô và các bạn. Bác đã đọc cuốn sách bạn gửi tặng. Theo yêu cầu của Hoành, bác đã lục tìm được ba lá thư cuối và tấm ảnh Ngọc tặng mình, (sau ngày Ngọc hy sinh, mình đã trao lại cho gia đình). Phía sau ảnh còn lưu bút tích, ghi ngày hy sinh của Ngọc.
Những ngày tháng cùng chiến đấu, nhất là những ngày ở thành phố Vinh, ba đứa - Ngọc, Tấn Mỹ và mình - đã không làm hổ thẹn tên tuổi trường Nguyễn Văn Trỗi; không hổ thẹn với sự giáo dục của thầy cô. Ba đứa mình đã chiến đấu thật anh dũng, không sợ hy sinh. Cho đến giờ, mình cũng không thể hiểu được vì sao, tụi mình lại dũng cảm đến thế!? Máy bay Mỹ điên cuồng tấn công, còn pháo phòng không của ta thi đánh trả rất quyết liệt. Nhất là ngày 6 tháng 6 năm 1968, bom đạn Mỹ gây thương vong gần hết đơn vi. Cả trận địa có sáu khẩu đội thì chỉ còn lại mỗi khẩu đội của mình. Tưởng chừng cả ba thằng đều chết, nhưng thật may, không đứa nào dính đạn.
Định viết về những ngày chiến đấu ác liệt ấy nhưng qua những lá thư của Ngọc, chắc các bạn sẽ hiểu phần nào...
Thân ái!
Tô Văn Hoành,
17 Trần Độc, phường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn.
* * *
Mẹ kính yêu!
Chúng con vừa nhận được lệnh trên. Xe pháo đã chuẩn bị xong xuôi và ngay ngày hôm nay sẽ lên đường. Có lẽ khi bức thư này tới tay mẹ thì con đang trên đường hành quân vào khu Bốn chiến đấu và có khả năng sẽ vào sâu hơn. Vì rất gấp nên con không gặp mẹ được, chỉ còn vài tiếng nữa thôi, vậy con gửi lá thư này tới mẹ để tạm biệt, cầu mong mẹ khỏe. Có lẽ phải đến khi đất nước thống nhất, hòa bình thì mẹ con ta mới được gặp nhau.
Con xin hứa với mẹ sẽ làm tròn nhiệm vụ được giao và tu dưỡng tốt để ba mẹ yên tâm. Ba mẹ ở lại khỏe là con mừng. Khi vào đến chiến trường con sẽ báo tin về.
Con của mẹ – Ngọc
* * *
Vinh – ngày 12 tháng 6 năm 1968
Mẹ kính yêu!
Con viết cho mẹ lá thư này sau một ngày chiến đấu ác liệt, đánh trả máy bay Mỹ. Mẹ vẫn khỏe chứ ạ? Con thì vẫn khỏe, không ốm đau gì, chỉ có đen và gầy đi chút ít vì phải chiến đấu và công tác khá vất vả.
Mẹ ạ, đời lính pháo bọn con kể cũng vui! Mới ngày nào còn nằm giữa thủ đô, thì nay lại đang ở trên đất lửa Bến Thuỷ, thành phố Vinh. Rời Hà Nội ngày 23 tháng 5, sau ba hôm, bọn con đã ở đất Đô Lương, cách nhà bà ngoại có bảy cây số thôi. Bọn con hành quân cả ngày lẫn đêm, nhiều đứa không ngủ được vì xa Hà Nội, vì buồn. Riêng con thì cứ lăn ra sàn xe mà ngủ, mặc cho xích xe cứ nghiến đường ầm ầm, vì vậy cũng không mệt lắm.
Đến ngày 30 tháng 5, bọn con đến đất Nam Đàn và ở lại đây bảy ngày. Mẹ thử tưởng tượng xem bọn con đã làm gì ở đây nhé! Bốn ngày đầu máy bay Mỹ đảo liên tục trên đầu nhưng không phát hiện được trận địa chúng con.
Đến chiều ngày 6 tháng 6, bọn chúng kéo đến đủ các loại máy bay phản lực tối tân: A-4, A-6, F-4H... Trận địa chúng con nằm trên một quả đồi mà chu vi khoảng 300m, chỉ bằng một phần ba quả đồi Rạng quê ta. Suốt từ 12 giờ trưa cho tới 6 giờ chiều, phản lực Mỹ bu đến đen kịt, đánh thẳng bốn đợt vào trận địa. Mỗi đợt kéo dài hơn nửa tiếng. Mẹ khó có thể hình dung nổi cảnh chiến trường lúc này, hàng chục máy bay gầm rít xé không khí, bắn rốc-két và đạn 20 ly xuống trận địa. Từ khi là lính pháo đến giờ, chưa bao giờ con phải chịu một trận ác liệt như thế. Ngay cả các đồng chí cán bộ cũng phải thốt lên: kể từ khi chiến tranh phá hoại xảy ra, đơn vị đã đánh hàng trăm trận nhưng chưa có trận nào ác liệt như thế. Bom tấn, bom tạ, bom bi nổ liên tục, phải đến vài chục tấn bom đạn đã rải xuống đây; đất quanh trận địa bị bom đạn cày xới nát nhừ, đỏ quạch. Tiếng đạn bom đinh tai, nhức óc, khói lửa trùm kín trận địa; mắt đứa nào cũng cay xè. Nhưng chúng con đã đánh trả quyết liệt, không một ai rời bỏ vị trí chiến đấu của mình. Con đã đứng vững vàng trên vị trí quan sát kịp thời, bắt được tọa độ mục tiêu, báo cáo cho đại đội để đánh trả. Mà mẹ có biết không, thật là lạ vì từ nhỏ đến giờ, con chỉ là một cậu bé học sinh lười học ham chơi, thế mà giờ đây con đã rắn rỏi, đứng trên vị trí của một người lính. Con cảm thấy rất tự hào vì đã thấy mình lớn lên nhiều trong khói lửa chiến tranh. Sự thật là thế đó, mẹ ạ, những người lính chúng con chiến đấu rất dũng cảm và luôn tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng. Chiến trường ác liệt là thế mà nòng pháo của chúng con vẫn vươn cao, nhằm thẳng vào lũ cướp trời mà bắn, bắn rất mãnh liệt. Chính vì bắn mãnh liệt như vậy mà bom đạn không làm gì nổi chúng con. Bom tấn, bom bi, rốc-két của chúng đều thả trượt hết ra ngoài. Khẩu đội bạn không xa cũng hứng bom đạn không kém gì bên con; có quả bom nổ sát hầm, làm pháo tung lên; có đồng chí hy sinh, có đồng chí bị thương cụt cả tay nhưng kiên quyết không rời trận địa. Có những quả nổ cách chúng con chỉ 10, 15m, lửa khói trùm kín trận địa, đất đá bay rào rào, cả những mảnh bom bay chiu chíu ngang đầu. Có những đứa bị mảnh bom hay bi sắt văng vào mũ sắt lại nẩy ra, không việc gì hoặc chỉ xây sát tí chút. Ba đứa con không bị sao, sau này cứ đùa: “Bọn mình đã được tôi luyện trong lò bát quái nên bom đạn địch không làm gì nổi”. Hôm đó, bọn con đã bắn gần hết cơ số đạn mang theo.
Vài ngày sau, mổi lần ngủ say lại như nghe thấy tiếng gầm rú của máy bay và tiếng nổ ầm ầm của bom đạn. Con chỉ hơi bị tức ngực, do sức ép của bom và ù tai mất hai ngày, do tiếng nổ. Thật là kinh khủng! Hôm sau chúng con hành quân về Bến Thuỷ. Thành phố Vinh giờ tan hoang lắm. Suốt ngày không lúc nào ngớt tiếng máy bay; chúng đánh không có quy luật nào cả. Còn chúng con, ban ngày thì chiến đấu căng thẳng, đêm thì ngủ hầm.. Cái nắng và cái gió ở đây thật ghê người. Nóng lắm, mẹ ạ. Ngồi trực chiến mà mồ hôi chảy ròng ròng. Nắng như muốn làm khô héo hết cây cỏ và con người ở đây. Nhưng chúng con vẫn sống, vẫn chiến đấu và vẫn yêu đời.
Sơ sơ vài dòng cho mẹ biết tin con của mẹ vẫn sống.
Nguyễn Văn Ngọc,
Hòm thư của con: HT 36266-OK.
* * *
Vinh – ngày 13 tháng 8 năm 1968
Mẹ kính yêu!
Đã gần ba tháng nay con không được thư mẹ. Con đã viết cho mẹ hai lá rồi, không biết mẹ có nhận được chưa? Sáng nay mưa lớn, con ngồi hầm tranh thủ biên thư cho mẹ, không mẹ lại mong.
Mẹ vẫn khỏe chứ ạ? Còn con thì vẫn khỏe và không sao cả. Bọn con vẫn bảo vệ Bến Thuỷ và Thành Vinh. Mẹ ạ, cuộc chiến đấu ở trong này căng thẳng lắm. Quân khu Bốn là tuyến lửa mà! Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra từng phút, từng giờ, không ngày nào, đêm nào là không có tiếng bom đạn của giặc Mỹ reo rắc xuống mảnh đất này. Bọn con chiến đấu liên tục cả ngày lẫn đêm. Không lúc nào vắng bóng máy bay Mỹ; có trận chúng bay vào “như ruồi” đến hai, ba chục chiếc, đánh vào mục tiêu chúng con bảo vệ. Nhiều đồng đội của chúng con đã ngã xuống trên mảnh đất Xô-viết rực lửa cách mạng này. Có những người bạn vừa mới gặp, vừa mới tán dóc với nhau nhưng chỉ lát sau, trong đợt đánh trả máy bay Mỹ đã ngã xuống. Thật là đau xót và căm giận! Mà tuổi đời của họ còn trẻ lắm, mới mười tám, đôi mươi. Còn con thì không sao, mẹ đừng lo. Kể từ ngày vào đây, bọn con đã đánh đến 60 trận rồi, có những ngày đánh đến bốn, năm đợt. Mà mẹ thủ tưởng tượng xem, bao nhiêu bom đạn đã nhằm xuống trận địa bọn con; còn cánh pháo thủ trẻ bọn con thì đánh thật là hăng nên bom đạn không làm sao giết nổi. À, mẹ có biết không, con đã trở thành pháo thủ từ lâu rồi nhé. Mỗi trận địa chúng con chỉ triển khai trong vài ba ngày, đánh vài trận, xong phải cơ động đi trận địa khác. Di chuyển luôn, vất vả lắm, nhưng chính trong bom đạn mà con đã lớn lên rất nhiều. Có những lần, mảnh bom hay mảnh rốc-két găm vào ghế, mảnh đạn văng vào hầm nhưng bọn con vẫn an toàn. Có những lần bom bi, rốc-két nổ chỉ cách hai, ba mét, nhờ công sự tốt mà không ai dính đạn. Khẩu đội con chiến đấu liên tục mà chưa ai bị thương. Bọn con vẫn thực hiện đúng khẩu hiệu của Nguyễn Viết Xuân: “Hãy nhằm thẳng quân thù! Bắn!”. Cánh pháo thủ trẻ bọn con trong bom đạn vẫn bình tĩnh và dũng cảm lắm, mẹ ạ!
Sơ sơ vài dòng, kẻo mẹ lại mong.
Mẹ gửi cho con một ít tiền mẹ nhé, nhưng không gửi được thì thôi. Nếu bưu điện nhận chuyển bưu phẩm thì mẹ xem có còn bộ quần áo nào của anh Chúng thì gửi cho con. Ở đây cơ động nhiều, quần áo rách hết cả, mẹ ạ.
Con nhớ mẹ nhiều. Hôn mẹ.
T.V.H
* - Bạn chiến đấu của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc. Hiện sinh sống tại Quy Nhơn.
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>