5 - "Sinh ra trong khói lửa" đã cho em nhiều bài học bổ ích - Nguyễn Thị Bích Liên, SRTKL2: 35-38

“Sinh ra trong khói lửa”
đã cho em nhiều bài học bổ ích


NGUYỄN THỊ BÍCH LIÊN *

Ba em là sĩ quan thuộc Bộ tư lệnh Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Năm 1961, ông trở lại chiến trường và năm 1964 thì hy sinh. Em có hai anh là học sinh trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Đức Cảnh (khóa 6) và Nguyễn Đức Can (khóa 7). Vì vậy, hai từ “TRƯỜNG TRỖI” đã từ lâu trở nên thân thuộc trong em. Em đã được hai anh kể cho nghe bao nhiêu chuyện vui, chuyện nghịch rất táo tợn và đậm chất li kì, nghĩa hiệp của các học sinh Trỗi. Hình ảnh những chàng trai mới lớn, trong “bộ quân phục bay” hay khoác trên mình chiếc áo bông đại cán to xù với cái cổ lông màu nâu đen (rất đặc trưng), luôn toát ra vẻ cứng cỏi pha chút phong trần đã trở thành hình ảnh em yêu quý và ngưỡng mộ. Em đã coi các anh, các chị là thần tượng!

Song nếu như chưa được đọc “Sinh ra trong khói lửa” thì sự hiểu biết về các anh, các chị trường Trỗi không có được bao nhiêu! Khi có sách trên tay, em đã nghiền ngẫm say sưa và mỗi trang, mỗi bài trong cuốn sách khiến em thêm tự hào, khâm phục, yêu quý những cựu học sinh trường Trỗi! Đọc cuốn sách, em hiểu thêm về tầm vóc lớn lao của mái trường mang tên Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Đó là nơi hội tụ và vun trồng những hạt giống đỏ, để bổ sung lực lượng cho quân đội, cho sự nghiệp cách mạng dài lâu của đất nước. Trọng trách của các thầy cô thật cao cả, vinh quang! Sứ mạng của các anh, các chị thật vẻ vang nhưng cũng thật nặng nề! Chính vì thế mà các anh, các chị đã có một “tuổi thơ dữ dội”.

Tập I “Sinh ra trong khói lửa” đến tay bạn đọc.Tập I “Sinh ra trong khói lửa” đến tay bạn đọc.

Được truyền “dòng máu của lý tuởng nhân văn, của tình cảm nhân văn” (lời đại tá Bùi Khắc Quỳnh), được rèn luyện quy củ, theo kỷ luật quân đội, được tiếp thu những tinh hoa kiến thức của một tập thể các thầy, cô giáo đầy tài năng, nhiệt huyết và rất đỗi nhân hậu, các anh, các chị đã phấn đấu trưởng thành, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Bác, với công lao dạy dỗ của các thầy cô. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tổng số 1130 học sinh nhà trường thì 90% đã tốt nghiệp đại học, 104 anh chị có học vị tiến sĩ, nhiều người là cán bộ trung, cao cấp trong quân đội, giám đốc các xí nghiệp, công ty… Đặc biệt tấm gương chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc của Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung, thông qua những trang nhật ký chiến trường cùng những kí ức về anh của thầy và bạn làm em cảm thấy anh đẹp như một người anh hùng cách mạng lý tưởng mà ta thường gặp trên sách vở và các bài giảng. Cùng với 28 cuộc đời thanh xuân, dũng cảm hy sinh, thầy trò trường Trỗi đã góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc. Thử hỏi, có một truờng nào có được một lịch sử, truyền thống vẻ vang hơn lịch sử, truyền thống của trường ta?

Các anh, các chị đúng là những hạt giống đỏ được ươm mầm để trở thành những cây xanh toả bóng mát, sản sinh ra những quả chín ngọt thơm ngát dâng tặng, làm đẹp cho đời! Từ trong tâm khảm em, nhiều lúc muốn nói thật to: Tự hào thay, vinh quang thay các thế hệ học sinh trường Trỗi! Sự phấn đấu, cống hiến, hy sinh của các anh, các chị mãi là tấm gương để các thế hệ con cháu noi theo!

Xen lẫn với niềm tự hào, khi đọc cuốn sách, em không khỏi xúc động bởi sự ấm áp nghĩa tình, thương yêu sâu nặng cảm nhận được từ những bài viết. Khi nghe các anh làm sách, Chính uỷ Quỳnh đã nhắc nhở: “Nhà truờng ta chỉ tồn tại có 5 năm nhưng đã để lại trong tâm khảm thầy trò những ấn tượng tốt đẹp - đó là tình thương! Đến nay đã qua hơn 35 năm, nhưng vẫn còn như nguyên vẹn! Mong được giữ mãi!”. Đúng là, có hai chữ lớn “YÊU THƯƠNG” đã làm nên một tập thể trường Trỗi với sự gắn bó thương yêu!

Đảng, quân đội dành cho các anh, các chị niềm tin yêu, sự quan tâm hết mực. Các thầy, cô đã dạy dỗ, chăm sóc các anh, các chị bằng tấm lòng, bằng sự tận tâm của người cha, người mẹ. Như quy luật ở đời “cây lớn sinh trái ngọt”, được yêu được thương nên các anh, các chị cũng là những người hết mực nhân ái, thuỷ chung. Những trang viết tri ân xúc động về người anh hùng mà trường đuợc mang tên hay những tâm sự tỏ lòng biết ơn tận đáy lòng với thầy, cô, cũng như những nghĩa cử giúp đỡ thầy, bạn lúc ốm đau, hoạn nạn, đều làm nên một nét đẹp nghĩa tình rất riêng của trường Trỗi!

Là đứa con chịu cảnh mất cha và 30 năm sau ngày cha hy sinh mới tìm được di cốt, lúc bấy giờ chỉ còn lại những vốc đất đen nên em không thể cầm được nước mắt khi đọc những bài viết về các liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh, đồng thời yêu quý, trân trọng vô cùng công lao tìm kiếm, đưa hài cốt của bạn về với gia đình. Các anh thật trong sáng, ân tình trong suy nghĩ, cẩn trọng, chu toàn trong công việc. Nghĩa cử cao đẹp, cách sống nghĩa tình, thuỷ chung, có trước có sau của các anh, các chị thật đáng ngưỡng mộ. Thật hạnh phúc khi được là em của những người anh, người chị có tấm lòng bao dung, nhân ái.

“Sinh ra trong khói lửa” - cuốn sách với nhiều bài viết giá trị, xúc động không chỉ giúp em thêm hiểu, thêm tự hào, gắn bó với các thế hệ học sinh trường Trỗi mà còn cho em hiểu thêm nhiều đạo lý, cách sống đẹp ở đời!

Thời gian vẫn cứ trôi, ngày chia tay xa mái trường xưa của các anh, các chị cứ dần nhiều lên, cuộc sống vốn đầy khó khăn, phức tạp, số phận cuộc đời rất khác nhau cho mỗi thành viên trường Trỗi. Song, chắc chắn rằng, trong bất kì điều kiện hoàn cảnh nào, các anh, các chị của em vẫn tỏa sáng những phẩm chất, phong cách đẹp của lính Trỗi - những vẻ đẹp mà chúng em luôn nâng niu, tôn thờ!

 

Thành phố Quy Nhơn, 24-7-2003
N.T.B.L





* - Giáo viên Văn trường PTCS Lê Lợi, Quy Nhơn.