Dù "đi tây" đã được vài năm nhưng nước da của anh vẫn vậy, vẫn đen sì như cậu bé Tuynh của ngày xưa khi còn quanh quẩn sau lũy tre làng. Chỉ có điều bây giờ nó bóng hơn, nó mỡ màng hơn.
Thế mà kỳ nghỉ hè năm ấy về nước thăm gia đình khi quay sang chuẩn bị cho năm học mới anh "tự hào" kể cho tôi nghe.
Quê anh là một huyện vùng biển ngoại thành Hải Phòng. Dân quê anh có hai nghề, nghề nào cũng vất vả, quanh năm phơi mông, phơi mặt cho nắng, cho gió, đó là nghề đi biển và nghề trồng cói.
Về quê đúng mùa nắng nóng, cái ao tù trước sân nhà ngày xưa lúc nào cũng ăm ắp nước thế mà giờ khô queo. Nước ăn uống sinh hoạt bà con trong xóm chỉ còn biết trông chờ vào cái giếng chùa nằm giữa làng. Một buổi chiều anh cởi trần, khăn vắt vai tay xách chậu đi ra giếng làng.
Anh đi trước theo sau là một lũ trẻ (trong đó có cả hai thằng con anh) bọn trẻ nhìn ngắm anh như nhìn ngắm thằng phi công Mỹ nhảy dù xuống cánh đồng cói ven đê năm nảo năm nào, cái thời bom rơi đạn lạc của chiến tranh.
Một thằng lớn nhất bọn ra dáng thủ lĩnh hô to: "Ông Tuynh trắng nhất làng! Hai ... ba!".
Thế là cả bọn trẻ con đồng thanh hét váng cả góc làng: "Ông Tuynh trắng nhất làng! ông Tuynh trắng nhất làng!".
Rồi hắn dọa đám đệ tử: "Bọn mày mà nghe thấy đứa nào nói làng mình còn có ai trắng hơn ông Tuynh thì bảo tao, tao vả cho nó rơi răng".
Xuống sân bay lỉnh kỉnh đồ đạc, mãi mới vẫy được chiếc xe. Từ HN về tới nhà thì trời đã khuya. Lôi cổ hai đứa con trong buồng, vứt ra cái chõng tre ngoài hè. Vừa giắt màn cho con vợ anh vừa nịnh lũ trẻ: "Ngủ yên! bố chúng mày mới ở Liên xô về đấy, mai thế nào hai đứa cũng có quà."
Sáng hôm sau chưa muốn dậy còn đang ôm vợ trên giường, anh đã thấy hai thằng con thập thò ngoài cửa buồng rồi nghe tiếng chúng thì thào:
- Bố về đấy.
- Đéo phải bố.
- Đéo phải bố sao dám tót lên giường của mẹ ngủ.
- Thế hôm trước có cái chú gì ấy, đéo phải bố sao cũng được tót lên giường của mẹ? - Thằng em cãi lại.
- Mày ngu! Chú ấy cùng đơn vị cũ với bố tới thăm, nhà có mỗi cái giường, mẹ nhường cho chú ấy, mẹ phải ra ngủ với anh em mình là gì.
- Sao đêm tao sờ quanh chỉ thấy mỗi con cu của mày mót đái cứng ngắc, đéo thấy mẹ đâu?
- Chuyện người lớn mày biết cái quái gì. Thôi câm miệng đi bố mà nghe thấy tưởng thật thì mày chỉ có nước chết. Quà không được có khi còn bị ăn roi.
Rồi hai thằng lại "tâm sự":
- Bố đem về nhiều quà lắm.
- Tao đéo thấy quà đâu, chỉ thấy tinh thuốc tây, tao lục rồi. Còn mấy cái thùng to buộc kỹ quá nên tao chịu.
- À! Tao thấy cái phích Trung quốc mới tinh màu đỏ chói có hình con mèo, tao ôm sang cho ông ngoại rồi. Ông ngoại chỉ mơ có được cái phích để pha trà. Mà bọn mình cũng khỏi vất vả sáng nào cũng phải chui vào bếp đun nước cho ông khói rạ cay sè cả mắt.
Vừa nghe loáng thoáng thấy thằng con nói "đem cái phích Trung Quốc cho ông ngoại", anh vội hất cặp chân vợ trắng phốp, to như hai cây chuối hột đang vắt ngang ngực mình vùng dậy chạy bổ ra ngoài.
- Thế là chết tôi rồi! Có mỗi cái phích Trung Quốc lít rưỡi nhờ thằng bạn trên "Mat" lùng mãi mới kiếm được ,tính đem về đựng nước pha trà mời khách đến chơi. Thế mà nó tự tiện đem cho!!!... - Anh ú ớ không nói lên nhời.
Tức lộn ruột nhưng biết làm sao bây giờ: "Thằng này tự do thật, lính tráng kiểu này mà ở đơn vị của ông, ông kỷ luật cho thì cứ gọi là... ". Vừa lẩm bẩm anh vừa vuốt vuốt ngực mình cho nguôi đi cơn giận.
Tranh F Lực
Ngồi uống trà, nhìn qua khoảng sân ra cái ao giờ đã khô. Anh bỗng nhớ thời còn trai trẻ khi chưa con cái. Lần ấy về phép buổi trưa cơm xong ngồi trên cái chõng tre hút thuốc lào, uống nước. Anh nhìn ra phía cầu ao nơi vợ đang ngồi cúi xuống rửa bát. Nhìn cặp mông vợ cứ đung đưa nhấp nhổm lên xuống như chọc tức anh. Tức mình anh quẳng bố nó điếu cày sang một bên rồi gọi với qua khoảng sân:
- Mình ơi! Vào nhà tôi nhờ cái "lày".
Vợ anh vội buông giở mớ bát đũa, đứng dậy lật đật, vừa đi hai tay vừa chùi chùi vào vạt áo. Chân bước qua ngưỡng cửa chị hỏi:
- Có chuyện gì không anh?
- Vào buồng! Nhanh lên! - Tiếng anh như ra lệnh.
- Ơ! ơ ... ơ ... ơ ...!
- Không ơ, không quả Mơ, quả Mận gì hết.
Hai chân đập đập, xoa vào nhau rồi co cẳng leo vội lên giường, đôi mắt chị đã dại đi. Chị lườm yêu anh, tiếng chị hổn hển đứt quãng: "Thiếu gì lúc, người ta đang... Thế cả đêm qua chửa chán à!!!".
- Chán là chán thế "lào!" "Dịn" mấy năm giời đằng đẵng, đang "ngẫu hứng" đây. Có nhanh lên không thì bảo!
... Hồi ấy anh có một cô bạn người cùng làng học với nhau mấy năm cấp ba. Bố cô là liệt sỹ nên cô được ưu tiên hết lớp 10 sang thẳng Liên Xô học đại học "theo tiêu chuẩn của bố". Học xong về nước công tác được ít năm, giờ quay lại nước Nga làm đội trưởng một đội công nhân nữ xuất khẩu lao động. Thế là anh chị gặp lại nhau.
Một lần trước khi đi thăm chị, anh mò sang phòng chúng tôi. Sau khi đóng chặt cửa và cài chốt cẩn thận anh hất hàm hỏi chúng tôi như hỏi những thằng " khá giả" có "của ăn của để "
- Chúng mày có đứa nào dư "bong bóng cao su" nộp đây cho anh đôi cái, anh có việc.
- Á à! Gớm nhỉ! ông anh dạo này tân tiến phết. Một thằng "liếc đểu" anh rồi choang choác: "Bọn em chả đứa nào tích trữ cái của nợ ấy cho nó quá "đát" đi. Ngoài hiệu thuốc thiếu gì. Anh cứ ra đó xì ra 1 rúp thì cứ gọi là dùng cật lực tới khi về nước cũng chửa hết". Nói rồi cả anh, cả em cười tưởng vỡ phòng.
Sau chuyến đi ấy về anh chửi chúng tôi như "mẹ ghẻ chửi con chồng": "Mẹ tiên sư chúng mày, chả chỉ bảo, hướng dẫn rõ ràng cho anh, làm anh bị một phen đau tưởng như có thằng nào xẻo mẹ nó mất của quý". Chuyện của anh cả nước Nga Xô viết có nhẽ chỉ có một. Số là thế này: Trước khi tới chỗ chị nghe lời chúng tôi anh tạt qua hiệu thuốc mua "bong bóng cao su". Mắt nhắm mắt mở thế quái nào, cái bao cao su dùng để xỏ vào ngón tay của bác sỹ, nó dầy như "gót chân" dùng để khám bệnh. Anh lại chỉ vào, rồi nói với cô nhân viên "chục cái". Cô bán hàng tưởng anh có "nghiệp vụ" nên gói gém bán cho anh.
Khi "xung trận" anh đem ra sử dụng. Anh nói: "Tao đã cố "đeo" cái của nợ ấy vào mà không tài nào "đeo" được, đau tưởng chết, còn đau hơn cả lợn hoạn. Đang lúc "vội" tức mình tao lẳng bố nó đi dùng "mộc". Rồi tặc lưỡi "kệ mẹ nó đời".
Chúng tôi được trận cười "nổ" dạ dày. Thằng bạn cười hăng quá vọt cả chiếc răng giả ra sàn nhà tìm mãi mới thấy.
Ba anh em đang ngoác miệng hết cỡ, anh bỗng giật mình vội ngoái lại đằng sau theo thói quen rồi quay lại đưa ngón tay trỏ lên miệng: "Suỵt! Khe khẽ chứ! Chỉ mấy anh em mình biết thôi, chuyện này mà vỡ lở ra tới tai "tuỳ viên", tai "Sứ" thì cứ gọi là toi, kỷ luật như chơi, có khi còn phải về nước sớm".
Lại có một lần đi chơi xa, gặp bạn bè ăn uống lạ món, anh bị đau bụng. Tàu vừa dừng bánh sấp sấp, ngửa ngửa anh lao ra khỏi ga tính vẫy taxi về nhà cho nhanh để "giải quyết". Vừa qua bậc tam cấp trước cửa ga vì vội anh "bước hụt" mẹ nó một bên chân, người anh bỗng hẫng đi, thế là mất "kiểm soát" cứ thế "sản phẩm" ồng ộc tuôn ra. Cũng may là mùa đông, phía trong anh có mặc thêm chiếc quần len nó bó chặt lấy mông nên mọi thứ được "giữ lại". Chả dám dùng phương tiện giao thông công cộng, cứ thế anh cuốc bộ về "ốp". Mất toi cái quần mới.
....
Vài mẩu chuyện "vui" về anh. Sau gần ba chục năm giờ đây khi mọi thứ đã trở thành quá vãng tôi mới dám "bật mí" cho độc giả thưởng thức.
Về nước công tác được ít năm, nghe bạn bè cùng khoá anh kể có nhẽ nhờ nước da nên anh lại được "trên" cử đi "xuất ngoại một lần nữa". Lần này thì oách! Anh làm tuỳ viên quân sự ở một nước thuộc vùng biển Caribe. Lương đại tá ở nhà vợ lĩnh đủ, ngoài ra có khoản "mềm", ngoại tệ mạnh tiêu vặt, giờ đỡ lắm. Mừng cho anh!
Đăng lại bài viết của Duy Đảo (đã đăng tại Blog "Bạn Trỗi K5”: Thứ tư, 03 tháng hai, 2010).
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>