Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Từ đâu có tên biệt hiệu




Như bất cứ một tập thể nào, trường mình cũng có rất nhiều người được (hay bị) đặt tên biệt hiệu, hay như ngày nay tụi nhỏ gọi là Nickname vậy. Có điều, ở trường mình số người không có biệt hiệu rất ít và mỗi biệt hiệu được mang theo tới già. Tới tận bây giờ, nhìn thấy thằng bạn cũ kêu: Thắng, Thắng ơi! – Nó tỉnh queo đi thẳng. Tức mình: Thắng “biêu”! – Nó quay lại ngay. Tên biệt hiệu gọi quen tới mức có đứa đã phải kêu lên: Hãy trả lại tên cho bạn! Và rồi bạn cũng được trả lại tên … với biệt hiệu.
Hồi đó, có nhiều đứa đã có biệt hiệu từ trước khi lên trường và được mang theo, nhưng hầu hết đều được đặt ở trường tùy theo những “ý tưởng” của tụi trẻ con và nhiều khi cũng chẳng biết theo cái gì. Một số được đặt theo “nếp” như cứ hơi cao hơn chúng bạn một tí thì gọi là “kều”, là “cao”. Mấy thằng nhỏ con thì gọi là “lùn”, là “tũn” (chắc là đi lũn tũn chăng?) và đặc biệt là “còi”. Ở Đại tôi có lẽ có tới 3,4 thằng tên “còi” nên câu cửa miệng của tụi trẻ con hồi đó “Chấm đất mất đòi, gọi 3 thằng còi lại đây mới trả!” bị mất hiệu nghiệm!
 Còn đứa nào hơi mập (tất nhiên theo quan niệm thời đói kém bấy giờ chứ như ngày nay thì thằng nào cũng mập hết!) thì tất phải là “béo”, “lợn”, “bệu”, “mỡ” hay là “bồ” (to như cái bồ, nhưng cũng có thằng nhỏ xíu lại bị gọi là “bồ” – chẳng hiểu vì sao?) và sẽ là “mập”, “heo”, “bự” nếu có chút “mùi vị” miền Nam, ví dụ như chửi thề …ụ mẹ chứ không phải là …ịt mẹ. Mà riêng về chuyện này cũng có tới 2 thằng phải mang tên đó vì chửi thề hơi nhiều (thật ra thì có thằng nào ít đâu!), nhưng có 1 thằng tên Dũng cũng do chửi thề nhiều thì lại bị gọi là “dẽ” (lái lại của chữ mẹ Dũng = mụng dẽ). Còn mấy thằng “còm”, “cò”, “khọm” hay “điếu” (chân như ống điếu) thì tất là gầy hơn chúng bạn rồi.
Có những thằng được đặt tên theo tài năng hay các hành động đặc biệt như “sáo” là do thổi sáo hay, “kèn” là do thổ kèn hay và “sái” có lẽ là do … nhặt sái thuốc (tàn thuốc lá) hay! Lại mấy đứa vì lỡ có “lỗi” trẻ con (dù chỉ 1 lần) là bị chết danh “đùn”, “dầm”. Riêng có thằng vì đua nhau xịt hơi mà lỡ … rớt ra 1 cục cũng bị gọi là “đùn” vậy! Hay có 1 thằng, nửa đêm ho sặc sụa thì phải là “lao” (ho lao) rồi. Lại có thằng, không hiểu vì sao trong 1 lần điểm danh, khi tới tên mà mặt nó cứ đần ra chẳng nói gì. Vậy là bị chết tên “đần” ngay lập tức với câu “đần đần mắc ỉa đẹp thủ đô, tiếng hát thanh thanh tựa tiếng bò” (bởi vì lâu lâu nó lại rống lên 1 câu hát nghe chẳng giống ai). Vậy đó, nhiều thằng cũng chỉ vỉ lỡ phát ngôn hay hành động gì đó không hợp với suy nghĩ của tụi bạn liền bị gọi là “rồ”, “điên”, “xiểm”, “keo”, “ki” hay là “dốt”, “ngố” hay “ngớ”.
Có thằng lại được đặt theo hình dạng, như mắt hơi nhỏ thì gọi là “híp”, hơi to thì gọi là “lồi”, là “trố”, cằm hơi vuông thì là “bạnh”, mũi hơi to thì gọi là “phổng” (phổng mũi). Thằng kia phía sau đầu nó tròn vo hơi lồi ra (sau này, nghe nói là biểu hiện của sự thông minh?) liền bị gọi là “biêu” (đầu biêu). Thằng đầu hơi bẹt sau gáy thì là “trê”, có cái xoáy phía trước thì gọi là bị “bò liếm”. Còn có thằng khác, có cái đầu (theo nhận xét của bạn bè) hơi lớn mọi người, thế là mang tên “đô” (thủ đô – đầu to) nghe nói đối xứng với nó có 1 bạn gái bị mang tên “hậu đô” (?). Mà không biết có phải vì ít con gái quá mà một số thằng trông trắng trẻo bị gọi là “gái” (?), là “bột” mặc dù các bạn gái cũng không được tha với những cái tên “què”, “cận”, “bồ”, “Đuy-xi-nê” (theo truyện “Đông-ki-sốt”).
Rồi các dị tật hoặc bị chúng bạn coi là dị tật (chỉ vì khác chúng nó lúc bấy giờ) cũng được mang ra vận dụng, nào là “cận”, “sẹo”, “chột”, “què”, “vẹo”, “vâu”, “đì”, “chày”, “cà”, “rặn”, “bựa”, “hăm”, “cùi”, “sần”, “mốc” (mà thật ra không biết nó mốc chỗ nào?) …. Nhưng có thằng đi đứng đàng hoàng, đá bóng chạy như điên mà chẳng hiểu sao lại gọi nó là “thọt” (không biết là thọt cái gì?). Một thằng, không biết bị bệnh gì mà đầu nó trợt lớt, không có tóc, vậy là mang tên “khơ” (Khơ-rúp-sốp) – sặc mùi chính trị chứ không phải mang tên “trọc” như 1 thằng khác chỉ vì 1 lần bị chúng bạn đè ra làm mẫu tập cắt tóc. Thằng nữa có cái nốt ruồi ở má hơi to - thật ra thì còn nhỏ hơn của ông Mao nhiều, nhưng bị gọi ngay là “ruồi”.


Có thằng lưng hơi gù gù thì tất nhiên phải là “gù” rồi, nhưng lại còn hơi có dáng lọm khọm, nói chuyện như ông già thì lại là “cố” (cố đạo). Thằng khác, chẳng hiểu sao bị tụi bạn nói bụng mày phình ra như có mang, vậy là nó phải có tên “chửa”, thằng gần giống vậy thì là “choang” (nói nhanh của chữ “chửa hoang”).
Có thằng còn bị “oan” vì bên mắt nó có 1 cái sẹo nho nhỏ và bỗng 1 lần có thầy nào đó nói: thằng này bị lé hay sao? Thế là mang tên “lé” cho tới bây giờ! Rồi lại có thầy nhận xét thằng kia: sao da nó vàng như cóc vậy? Thế là tên “cóc vàng” được gán cho nó liền.
Mấy cái tên cha mẹ đặt cho cũng bị tụi trẻ con không tha, tên Công thì tất phải là Công “gô” (nước Công-gô ở Châu Phi) hay Hưng thì cũng là Hưng “gô” (trài trại theo cái Hăng-gô đựng cơm hồi đó). Rồi Tân thì phải là Tân “lang” (chú rể), Tạo thì là Tạo “phìa”, Điện thì “chập”, rồi Nghị “quế” hay “Bá Kiến”(theo nhân vật trong “Tắt đèn”), Tần “cối” (biệt danh của Tần Thủy Hoàng?) và Trung thì là “tiện”! Còn có sự tích hồi đó, quân phục được phát giống nhau làm các bà mẹ rất sợ lẫn lộn nên đã tỉ mỉ thêu tên con vào 1 chỗ nào đó trong áo, quần cũng là thường tình của nỗi lòng thương con. Nhưng có thằng kia áo được thêu 2 chữ viết tắt tên nó rất đẹp trên nắp túi áo “SL”. Tội nghiệp nó bị gọi ngay là thằng “sờ lờ”!
Có những thằng còn được đặt tên theo tiếng nước ngoài như tiếng Tàu là “te”, là “mần” mà cũng có thằng bị đặt là “tàu” (hay là vì trông nó giống Tàu?) hoặc tên Mỹ như “Su-mếc-cơ” (1 trong những phi công Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên miền Bắc), Ca-bốt-lốt (1 trong các đại sứ Mỹ ở Sài gòn) hay chẳng biết là tiếng nước nào như “đờ-vít”, “tu-la”. Có 1 thằng lớp tôi lại được đặt là “En-nơ” vì hồi lớp 5 có cuốn chuyện tranh tên “Dim và Dếch” về chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ có nhân vật cô En-nơ được vẽ tròn vo mà tụi tôi có câu: Cô En-nơ béo tròn quay, sao mà béo thế này! Và chẳng nhớ thế nào mà nó bị gán cho cái tên đó?
Nhiều tên chẳng biết nghĩa gì và vì sao như: “chóp’, “tỳ”, “phẩu”, “phò”, “ghe”, “ve”, “đa”, “kếch”, “vý”, “xìn”, “tà”, “tè” … hoặc chỉ là theo các lớp trên như Sơn “ton” k6 là theo k4 vậy. Và tất nhiên với đủ loại gia súc, gia cầm: ngoài “heo”, “lợn” ra thì còn “chó” hay “cẩu”, “mèo”, “cáo”, “bò”, “ngựa”, “gà”, “ngỗng”, lại cả “đỉa” nữa chứ (chẳng biết thằng này giống đỉa ở chỗ nào?) ….. Rồi nhiều khi vì (gần hết) đứa nào cũng có biệt hiệu mà có thằng không có, chúng “ghét” liền gắn cho những tên vô tội vạ như “tã lót” hay “lê táo thối” ….
Vậy đó, toàn nói chuyện người khác, còn tôi thì sao nhỉ? Tôi nhớ hồi mới lên trường (lớp 5), không biết cắt móng tay, nên mỗi khi đùa giỡn, tụi bạn thường bị tay tôi cào xước có khi chảy máu. Vậy là 1 thằng tên “Biêu” (thằng này là “thủ phạm” đặt nhiều tên biệt hiệu nhất) la lên: móng thằng này như móng mèo! – Thế nên mới có tên Hà “mèo”. Vậy là cái tên theo tôi đến giờ để mãi mãi nhớ tới trường Trỗi, tới thằng bạn Thắng “biêu” của tôi.

 ❧ ❀ ❧ 




3 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

3 lần “tự sát”




Nghe người ta nói: “Nhân đạo là tự sát”. Điều này tất nhiên chỉ đúng trong chiến trận. Nhưng nếu đúng vậy thì có lẽ tôi cũng đã 3 lần “tự sát”.


HN 1971
 Lần đầu là khi học lớp 10 ở HN. Bữa đó tôi cùng bọn Linh cố đi đánh nhau với tụi trường B (PT 3 Hà nội B hay còn gọi là trường Lý Thường Kiệt). Bên tụi trường B có 1 thằng có vẻ là “tướng” vừa gặp mặt đã chem chép nói không nghỉ miệng. Nhìn thấy ghét, tôi nói: Đánh thì đánh, không thì thôi nói hoài nghe nhức đít quá! Vậy là nó chĩa mõm về hướng tôi “nổ” 1 tràng. Tôi nóng máu sấn lại, đưa tay lên nhá 1 cái, nó giật mình nghiêng đầu tránh thì tay tôi lại trở ngược đưa lên nhằm đúng hàm nó … với cái miệng đang lép nhép mà trúng cú trả tay này thì ít cũng trẹo hàm mà nhiều thì có khi còn cắn phải lưỡi cấm khẩu luôn. Nhưng không hiểu vì sao, tay tôi bỗng hạ xuống 1 chút đánh trúng vai. Cú đánh trúng vai chỉ làm nó giật nẩy mình, câm miệng lại và bỏ chạy. Linh cố và cả bọn lao theo đánh túi bụi nhưng không kịp, để tụi nó chạy mất.



1973 - ở Đức
Lần “tự sát” thứ 2 là khi học ở Đức. Hồi đó, tụi Hungari (lao động) ở Đức là hung hăng nhất, luôn gây sự trong các tiệm bia, quán nhẩy. Mà hồi đó ở châu Âu chỉ có tụi Hung là biết đá khi đánh nhau (có lẽ vì chúng là hậu duệ của quân Hung nô – Nguyên Mông nên mới biết chăng? Đúng là tụi gốc Hung … gari ?!). Một lần tụi tôi đụng chạm với tụi nó ở một quán nhẩy (Discothek). Hai bên gầm ghè rủ nhau ra đường “tay bo”. Một thằng Hung to cao hơn tôi 1 cái đầu chỉ tôi nói: Tao với mày. – Ok. Tôi nhận lời. Hai đứa lao vào nhau như 2 con gà chọi. Vờn qua, vờn lại một lúc, nó tung chân đá, tôi cúi người xuống vuốt ngược theo chân nó vươn tay nắm lấy bộ hạ. Tay tôi cảm nhận thấy 2 “viên bi” mềm mềm và chỉ cần bóp mạnh, giật 1 cái là nó sẽ giãy đành đạch mà mất giống ngay. Nhưng chẳng hiểu vì sao tôi bỗng buông ra(?). Thằng Hung hoảng sợ nhẩy lùi lại, thuận tay táng một cái vào mặt tôi rồi quay lưng chạy mất. Tụi khác đứng ngoài thấy vậy vội giải cứu nó bằng cách kêu to: Công an! Công an! Cả hai bên hoảng hồn chạy tán loạn. Vậy là kết thúc và tôi bị cú đánh cuối cùng làm rách mép tới giờ vẫn còn tức.

Lần cuối cùng, khi còn làm ở Liên doanh, có 1 thằng Giám đốc “Đức kiều” (vì nó là Đức nhưng đổi sang quốc tịch Mỹ) rất vênh váo với bọn Đức “không kiều” và tất nhiên nó coi dân Việt Nam chỉ là “nhược tiểu” cần nó qua đây dậy bảo. Tôi với nó thường xuyên “đụng” nhau từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ mà tất cả mọi người từ thợ thầy trong Liên doanh tới tụi lãnh đạo Tập đoàn bên Đức đều biết. Tôi chỉ muốn “đá” nó đi mà chẳng biết làm thế nào vì nó được phía nước ngoài cử qua nên phía VN mình sợ không dám phản đối. Thật bực hết mức!


Tôi và thằng "Đức kiều"

Rồi cơ hội cũng tới. Lần đó có thằng em tức tối tố cáo nó có vợ bé tại VN và đã có con với vợ bé, trong khi vợ con chính thức của nó vẫn đang ở bên Mỹ. Vậy là nó vi phạm luật (hôn nhân) của VN. Theo quy định của Tập đoàn nó sẽ phải về nước vì vi phạm luật của nước sở tại. Tụi Đức ở VN nhâu nhâu vào bênh vực nó với hàng ngàn lý do. Tụi ở Tập đoàn bên Đức cũng thấy khó xử (có lẽ vì không thể bỏ qua bọn “đồng hương” được?!). Vậy là tụi nó chính thức hỏi tôi nên xử lý thế nào? Tôi chỉ cần nói: Không thể chấp nhận một Giám đốc vi phạm luật của nước sở tại, dù đó là luật gì! Vậy là xong. Mà kết quả ở đây là nó sẽ bị nghỉ việc vì trước khi qua VN nó đã từng có lỗi và được Tập đoàn tha thứ bằng cách cho mày qua VN làm cơ hội chót. Chẳng biết có phải vì vậy không mà tôi lại trả lời: Cái luật nó vi phạm không thuộc thẩm quyền của Công ty. Nhà nước tao sẽ xử lý nó! Vậy là nó được phép đợi đến khi nào “nhà nước xử lý” rồi tính sau. Mà chuyện đó mãi mãi chẳng bao giờ đến! Vậy là tôi lại “tư sát” thêm một lần nữa. Sau chuyện này, thằng “Đức kiều” càng vênh váo hơn và tôi đã phải chịu đựng thêm mấy năm nữa cho tới khi tôi chán quá bỏ Liên doanh ra ngoài. Sau khi tôi nghỉ được mấy tháng thì nó cũng hết Hợp đồng và nghỉ việc, ở lại VN với con vợ nhỏ đến giờ, bỏ vợ con chính thức ở Mỹ.

Vậy là 3 lần “tự sát”, nhưng chẳng biết có phải là “nhân đạo” hay không?!

 ❧ ❀ ❧ 


2 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Hoàng Anh k6


Một vài hình ảnh về Hoang Anh k6, nguyên bác sỹ Viện 115.


Hàng đúng, từ trái: Hoàng Anh, Tùng Giang, Tân lang
và các bạn lớp 10 năm 1970-71

Hàng sau, thứ 2 từ trái: Hoàng Anh.
Từ phải: Chi cố, Tùng Giang, Tân lang



Hoàng Anh năm 1972











4 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Nhớ Hà Nội

Lâu nay toàn làm phim về người khác. Bữa nay làm 1 cái về bản thân xem sao.



3 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Phi công phản lực

Vài hình ảnh Nguyễn Văn Nam - Nam cùi - thằng phi công phản lực duy nhất của K6 và 1 trong số rất ít của trường Trỗi.



































2 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Nỗi lòng FB và Blog




From: "hameok6@hotmail.com"
To: To Thang ; Hoàn bệu
Sent: Thursday, April 3, 2014 7:22 AM
Thắng te,

……………………………
Giác này có vẻ bận bịu quá hả. Từ ngày chỉnh sửa blog k6 sang giao diện mới không thấy mày đưa các tin liên quan từ các blog khác về k6 như hồi trước vẫn làm. Hồi đó, AE nhận xét: blog k6 ít bài của k6 viết, nhưng đúng là chỗ lưu trữ, sắp xếp tài liệu trường Trỗi bài bản và đầy đủ nhất. Còn bây giờ thì: Mở blog k6 lên thấy chẳng có bài gì mới nên cũng thỉnh thoảng mới xem.
Không có thời gian hả? Nhất là dạo này, tin trên FB của AE k6 rất nhiều, nếu tổng hợp đưa lên cũng hay ra phết.
AE mình có 1 số lười (hay không biết) ngồi trước PC, nên từ ngày có thể lên FB từ điện thoại mới tích cực. Một số khác (có lẽ vì ko có điện thoại xịn hay vì ko biết lên FB hoặc ko thích FB) nên vẫn chỉ lên blog thôi. Tất nhiên mỗi dạng FB hay Blog có loại hình hoạt động khác nhau, nhưng nói chung đều là chia sẻ thông tin giữa AE với nhau cả (nội dung như nhau). Nếu mày làm được thì hay quá. Mày thấy lão Kiến Quốc vẫn cố gắng "nuôi" bog của hắn bằng cách link sang FB các tin của Blog. Mình có thể làm ngược lại được ko?
Nhiều khi tao muốn đăng bài lên blog, nhưng mở ra cứ thấy cứ hameo hoài thì cũng chán. Riết giống như blog riêng vậy. Mất cả hay!

To Thang 4/5/2014
To: hameok6@hotmail.com
Hà mèo,


……………………………
Tin tháng hai và ba đều lấy từ FB là chính, có điều kô phải ai cũng chia sẻ công khai nên nhiều link không xem được (ít ra là đối với những ai kô có FB). Vấn đề lớn nhất là FB là các trang cá nhân, mang tính riêng tư nhiều nên đúng ra phải xin phép chủ nhân khi đưa lại các tin trên đó, bây giờ cứ làm đại đi, ai kêu sửa sau thôi.
AE mình bên FB cũng chỉ đăng ảnh và com là chính chứ cũng kô viết bài nên vẫn cứ phải là "cây viết" hameo nuôi Blog k6 vậy thôi *:) happy .



 ❧ ❀ ❧ 






0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Gặp nhau - Duy Đảo


Thân tặng Phan Công, Mạnh Thắng, hai ông bạn Trỗi.
Tôi và hắn có nhiều kỷ niệm. Thời học Trỗi có biết gì về nhau đâu, thằng khóa trên, thằng khóa dưới. Ấy vậy mà vừa gặp nhau ở chân thang máy học viện Giucopxki - Matxcova sau mười mấy năm trường Trỗi giải tán bốn mắt đã lườm nhau “tình tứ” y như là đã quen, đã biết từ lâu, rất lâu rồi.
Chả biết cắt nghĩa ra làm sao? Hình như nó là cái “mùi” Trỗi thì phải, lạ thế! Hiểu thì dễ mà giải thích và nói cho nó rành rẽ thành “nhời” sao lại khó thế?.
- Đưa tôi xách hộ, cái quái gì mà nặng chịch thế này? Chuẩn bị về nước à? Thay cho câu làm quen, vừa nói tôi vừa lôi thốc “ bao xác rắn” của hắn lao vào thang máy.
- Có chó gì đâu, hơn chục cái quạt tính gửi về giúp bà con Hà Thành chống nóng.
- Cảm ơn ông! Vừa tựa lưng vào thành thang máy vừa nói hắn vừa đưa tay vén áo gãi vào mạng sườn sồn sột ( sau này tôi mới biết hắn có cái tật hay gãi, cũng chả phải dị ứng hay bệnh hoạn gì, bác sỹ bảo thế. Có nhẽ chỉ là do thói quen lâu dần đâm nghiện mà thôi)
- Ông học ở học viện này à? Hắn hỏi tôi.
- Không! tôi đi thăm thằng bạn.
- Còn ông?
- Tôi ở “Len” xuống, cũng tới thăm thằng bạn.
Cuối cùng thế quái nào hai thằng tôi cùng nhao đến một địa chỉ của ông bạn Trỗi ( Phan Công k8 nghiên cứu sinh phó tiến sỹ ) và thế là từ giây phút ấy chúng tôi nối tình thân.
Hôm nay sau nhiều năm nhìn tấm hình của thằng bạn trên mạng nội bộ, trang mạng của cánh thiếu sinh quân ngày xưa, tự nhiên tôi thấy chột dạ, rồi không thể chịu “lổi” tức mình tôi “còm mèn” vào cuối bài viêt:
“Sao hắn lại chơi cái cavat chói thế nhỉ? Hắn là người thầy đầu tiên chỉ vẽ cho tôi cách chọn màu và các kiểu "thắt nút" cổ. Hết đưa đầu gối lên làm giáo cụ trực quan đến bắt giơ cổ ra cho tôi thắt mẫu, lắm lúc quá tay xiết mạnh quá lưỡi hắn lè ra ngáp như người già bị bệnh phổi thiếu ôxigien. Thế mà học mãi mà vẫn thắt như thắt cổ chó. Mẹ tiên sư! Thế mới biết nghề chơi thật lắm công phu
Tôi còn có cái hình kỷ niệm của hắn ở Matxcova. Hắn mặc “ một cây ” toàn "bò" từ mũ tới quần áo, chân Adidas đểu. Đứng ngiêm trang trên quảng trường Đỏ, cặp môi gợi cảm của hắn tái ngắt vì cái lạnh cuối thu. Dưới vành lưỡi trai của chiếc mũ bò vểnh ngược 45 độ như thách thức với gác chuông điện Cremlin. Riêng đôi mắt thì rất lạ vẫn cứ ánh lên lấp lánh rất ngiêm trang hướng thẳng vào lăng Lênin ưu tư. Trông "hoài cổ" vô cùng, đáng yêu vô cùng. Tôi rất thích tấm hình này và nằng nặc xin hắn được giữ làm kỷ niệm.

Chẳng nhẽ bài học về cách phối màu khi sử dụng phục trang năm nào dậy tôi, hắn đã quên? hay xu thế thời trang nhân loại đã đổi thay? Hay tuổi già mắt kém lại thêm chứng “ mù màu”… cái gì cũng có thể xảy ra!!! càng già càng đâm ra hay nghi ngờ vẩn vơ.
Một lần tới “Len” thăm hắn. Hắn bỏ hẳn một ngày “giời” tháp tùng tôi “Lê la, cưỡi ngựa xem hoa” ở bảo tàng Ermitaze. Tôi giật mình về sự hiểu biết của hắn, rồi tự hỏi sao kiến thức hội họa của hắn lại mênh mông thế nhỉ. Hắn giới thiệu họa sỹ, tác phẩm, trường phái, xuất xứ … cứ y như một nhà nghiên cứu mỹ thuật, tôi rất phục và nể hắn. Tới độ khi tới gian trưng bày tác phẩm của Picatxo Hắn còn nói với tôi về một trường phái hội họa trước Picatxo, trường phái “dã thú”. mà lần đầu tiên trong đời tôi được biêt ( Chả biết hắn có bốc phét không?). Hắn tủm tỉm cười rồi nửa đùa nửa thật.
- Ấy thế mà suýt nữa ông mất đi một thằng bạn “tài năng” nếu quả đúng như lời khen của ông. Số là thế này, hắn kể:
- Một buổi sáng đi bát phố tự dưng tôi gặp ba bốn thằng mắt xanh mũi lõ chúng nó ngắm nghía nhìn chỉ trỏ một hồi rồi hầm hầm lao thẳng vào tôi. Một thằng nói: “ Đúng thằng này! Hôm trước tao mua cặp kính “giọt lệ” của một thằng giống y chang thằng này. Kính gì mà đeo vào nước mắt nước mũi dàn dụa. Đang đeo tự dưng lại rơi bố nó mất một mắt, mà phải rút hầu bao những 15 rúp có bỏ mẹ không?” Thằng bạn tôi giải thích.
Thế là chúng nó xúm lại “tẩn” tôi. Được cái tôi dân thể thao nhanh nhẹn lại nhỏ con nên luồn qua háng tụi nó ba chân bốn cẳng lỉnh vào đám đông chuồn mất.
Ông tính, dưới con mắt bọn tây thằng “cộng ” nào mà chả giống thằng nào, cho nên mình mới tai bay vạ gió. Thật hú hồn. Thằng bạn tôi cười buồn.
….
Về nước đã lâu, nhiều năm tháng qua đi nhưng tôi vẫn giữ kỷ niệm xưa. Nghe Phan Công nói mấy năm trước có quay lại Maxcova thăm chốn cũ, khu ký túc xá mà Công học giờ cỏ dại và hoang vắng lắm. Còn chỗ tôi ở ngày xưa, thành Tver cũng vậy, qua trang “wikipedia” cũng thấy tường nhà tróc lở bậu cửa sổ rêu cỏ phủ đầy… Chả biết khu Mạnh Thắng học bên dòng Neva ngày nào giờ ra sao?


 ❧ ❀ ❧ 

Lấy từ Facebook của Duy Đảo


0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Sài Gòn đón bạn K6



1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Những chuyện trên blog “bán trời”



Thói đời lâu nay là “xấu che, tốt khoe”. Vậy mà cái blog “bán trời” này toàn đem ra khoe khoang mấy chuyện mà người đời vẫn muốn tránh né. Từ chuyện ăn cắp, đánh lộn tới trốn học, quay cóp xưa kia cho tới chuyện ngang ngược với thủ trưởng, không chịu chung chi ngày nay, tất tần tật đem bày hết cả ra cho “bàn dân thiên hạ” xem, mà nhất là đám con cháu của chính nhà mình nữa chứ (cấm chúng nó xem đâu có được. Trình độ vi tính của AE mình đâu đủ sức ngăn cản nó!). Bởi vậy có một số AE dấu vợ con, họ hàng địa chỉ “bán trời” và trách cứ bạn bè: tụi mày toàn chưng những chuyện “vô giáo dục” như vậy rồi làm sao dậy con và bậy giờ lại còn dậy con của con nữa chớ!

Ừ nhỉ, ông già tía nó và các bác, các chú bạn tía nó quậy cỡ vậy thì làm sao bảo chúng nó cho được? – Mà bảo cái gì! Chúng nó chỉ quậy cỡ một nửa vậy chắc AE mình (hoặc ít ra cũng là các bà xã AE mình) đã điên hết cái đầu rồi.
Mà này, mấy chú, mấy bác nghịch ngợm hư hỏng cỡ nào mà bây giờ lại trở thành công dân chưa chắc đã được người đời coi là tốt, nhưng không ăn hối lộ, không chịu luồn cúi, chiến đấu hoặc chí ít cũng không tham gia vào mấy cái Dự án “đen” và cuối cùng dù là tướng, là quan, là đại gia hay là dân thường, thất nghiệp, nghèo đói thì vẫn là bạn già, bạn Trỗi với nhau. Gặp nhau vẫn mày tao chi tớ, thân mật như 40, 50 năm trước. Không biết đám con cháu có thấy được chuyện này chăng. Còn mấy thứ quậy, nghịch mà người lớn (ủa mà tụi mình cũng là người lớn rồi vậy!) gọi là hư hỏng thì có nhằm nhè gì nếu so với bản chất, tình nghĩa của các chú các bác chúng nó cơ chứ.

Tóm lại: Quậy cỡ tụi mày ăn nhằm gì với tụi tao hồi đó. Dẹp đi! À, mà cũng không sao, cái quan trọng là phải giữ được tình người!


 ❧ ❀ ❧ 







2 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

NGÀY XƯA ƠI (chương 2)


Chuyện thứ hai - Học kinh tế.

Chỉ còn một vài ngày nữa thì tôi lên đường, quân trang đã nhận xong. Bao gồm một va ly, một bộ vét sẫm màu, lạc mốt đã qua sử dụng. Tôi còn ngửi thấy cả mùi hôi nách và mùi ẩm mốc của thứ mồ hôi dầu, chắc của tay chết tiệt nào đi Tây khóa trước mới trả khi về nước ( Bộ vét này phải trả lại cho chính phủ sau khi kết thúc khóa học ). Một đôi giày da đen, hai bộ đại cán dạ, một cái áo len, rồi Cavat và quân hàm quân hiệu, mũ mão mới tinh. Tôi nhớ hình như chỉ có vậy.
Tôi dự định sẽ làm một cái tiệc chia tay nho nhỏ với một vài người bạn thân. Một thằng bạn có bà chị làm cấp dưỡng ở cục đối ngoại Bộ Quốc Phòng hứa sẽ thu xếp cho tôi một bộ lòng lợn đầy đủ từ A đến Z, bia hơi thì một đứa khác lo. Tôi chỉ còn ấn định thời gian nữa là xong .
Sắp đến này chia tay rồi mà ông bạn GĐ của tôi lại đi công tác chưa thấy về. Tôi đang lo hắn không về kịp trước lúc tôi lên đường.
Thiêng thế! Vừa nói ban sáng thì buổi chiều hắn lò mò, vác mặt về, thấy va li, quần áo của tôi vứt bừa bộn hắn hỏi:
- Bao giờ ông xuất phát?
Tôi nói:
- Còn mấy ngày nữa.
- Thế ông đã chuẩn bị đầy đủ chưa?
- Xong hết rồi - Tôi tự tin trả lời.
Ông mở va li ra cho tôi xem nào?
- Trời ơi! Thế này mà gọi là đầy đủ à! - Hắn la toáng lên. - Thế ông có biết tiêu chuẩn của ông được kết hợp đem theo để làm “kinh tế” là bao nhiêu và gồm những thứ gì không? người ta không “phổ biến” cho ông à?
Tôi cứ ớ người ra chẳng hiểu gì cả.
Hắn nói tiếp :
- Ông được phép đem theo hàng hoá mà hải quan nó không thèm đếm xỉa tới gồm : Hai quần Bò, Một áo Nato, Bảy áo phông, hai đồng hồ, hai đôi Adidat, Hai kính dâm Giọt Lệ, Hai tá khăn mùi xoa dùng để chùi mũi, hiệu Cô Tiên (Khăn mùi xoa của tàu có in hình cô Tiên) ... Nhiều thứ lắm, nhưng tuyệt nhiên trong danh sách hàng hóa hắn liệt kê tôi không thấy hắn đả động gì tới vụ Silip Thái dùng cho đàn bà hiệu “Bông Hồng”, mặt hàng đang “hot” ở “ bên kia”? Mà sau này sang tới nơi tôi mới biết.
Có thể hắn quên chăng? Hay năm tôi đi loại Silip hiệu “Bông Hồng” này chưa có trên thị trường ta? Hoặc có thể mặt hàng này quá nhạy cảm mà người ta không đưa vào danh sách.
Nhưng dù sao, tôi nghĩ, nếu không có “Bông Hồng” thì cũng phải có “Bông Lan”, “Bông Hụê” gì đó chứ. Chết thật! Sao nhà “kinh tế” của tôi lại sơ suất “Ngờ ngệch” đến thế, vụ này làm tôi mất đi một khoản thu nhập khá khá, mà ngân khố thì còn chứ có phải hết đâu.
Tiếc rằng thời gian đã quá vãng, chứ không tôi thề! Tôi sẽ chửi cho thằng bạn tôi một trận, cho hắn chừa cái thói “Cái gì cũng biết” ấy đi.
Hắn liệt kê vanh vách cứ như giám đốc Hải quan cửa khẩu.
- Thế tiền bạc ông còn đồng nào không? Thiếu bao nhiêu tôi đưa cho.
Tôi nghĩ bụng, thằng bạn nó đã nuôi ăn, ở, văn hoá văn nghệ cả tháng trời, không lẽ bây giờ lại nhờ vả tiền bạc nữa thì còn ra cái giống gì, nên tôi ngại. Tôi hỏi ngược lại Hắn:
- Thế từng ấy thứ sắm hết bao nhiêu?
- Tiền ông còn bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, thiếu tôi phụ cho.
Thế là tối hôm ấy tôi phóng tới bà Cô làm ở bộ ngoại thương trình bày hoàn cảnh. Bà cô mở tủ dúi cho tôi một miếng kim loại màu vàng vàng và nói “ Ba chỉ rưỡi vàng mười đấy cầm tạm lấy, gia tài cô chỉ có thế thôi”.
Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy vàng, thì ra cũng chẳng có gì đặc biệt, nó cũng giống như đồng xèng nắp bia thuở bé mà bọn tôi chơi, chỉ có điều nó mềm, màu vàng và nặng hơn một chút mà thôi. Thế là tôi lẳng hết cho thằng bạn, mặc hắn lo liệu.
Chiều hôm sau thấy hắn lễ mễ đem về đủ cả, chẳng thiếu thứ gì lại còn thêm cả một chồng Mũ Nan và một đống Bị Cói nữa chứ. Hắn nói:
- Đầy đủ rồi đấy, Mũ Nan và Bị Cói tôi tặng Ông. Số hàng này nếu biết tính toán, ông sẽ có một khoản kha khá đấy, ăn tiêu dè sẻn còn để dành mà cưới vợ.
Nói đoạn hắn tiếp:
- Ông đưa tay đây!
- Làm gì? Tôi cảnh giác hỏi.
Thì ông cứ đưa tay ra đây - Hắn thúc.

Tôi ngập ngừng chìa tay ra. Tôi thấy hắn rút từ túi quần một cái nhẫn màu vàng và đeo thốc vào ngón tay tôi, như trong hôn lễ cô dâu trao nhẫn cưới cho chú rể.
Tôi cảm động quá, lại còn màn tặng nhẫn vàng để kỷ niệm trước lúc chia tay, đúng thật! thằng bạn Tây Tàu nhiều có khác - tôi nghĩ trong bụng.
- Không phải của tôi tặng ông mà là của ông - Hắn giải thích.
Tôi đang ngỡ ngàng thì hắn tiếp.
- Số hàng tôi mua chỉ hết có hai chỉ rưỡi còn lại một chỉ tôi làm cái nhẫn này ông đeo vào tay cho tiện mà không lo bị mất, qua đó khi nào túng quá thì bán quách nó đi mà chi tiêu.
Buổi tiệc chia tay tiễn tôi đi ngày ấy gồm bảy người, chủ yếu là bạn hồi đại học có một hai đứa em học khoá dưới. Hơn hai mươi năm sau, những người bạn có mặt trong bữa tiệc chia tay “Lòng lợn tiết canh” với tôi hôm ấy, giờ đều thành đạt cả, và có cuộc sống ổn định. Mỗi người một vị trí, chúng tôi đều có đóng góp được chút ít cho xã hội. Có người là đại biểu quốc hội, có người là GĐ doanh nghiệp. Có người định cư ở nước ngoài tài sản cũng khá. Có anh vẫn theo đuổi binh nghiệp, quân hàm Đại tá, lên lương cũng vài bận, không leo lên được Tướng do cơ chế.
Hình ảnh cuối cùng Tôi còn nhớ, khi tiễn tôi ở sân bay Nội Bài. Sau khi dúi cho Tôi cái gói Nilon đựng mấy con “Cá sấu”, Logo của những chiếc áo phông “đểu” bị bong ra khi tôi mặc thử ở nhà, lúc đi vội quá tôi quên mất. Thằng bạn GĐ của tôi cứ dặn đi dặn lại, sang bên ấy nhớ lấy keo " Con Voi" dán lại vào áo, mỗi con “Cá Sấu” này có giá trị bằng nửa chiếc áo của ông đấy. Còn mấy cặp kính dâm Gịot Lệ “hàng tầu” khi trao đổi với “Bạn” ông nên hữu nghị tặng kèm, mỗi cái kính khuyến mãi một cặp khăn Mùi xoa hiệu “Cô Tiên”, để họ lau mũi kết hợp dùng lau mắt luôn. Là kính “ Đểu” nên khi đeo vào, nước mắt sẽ tuôn lênh láng, nên khăn Cô Tiên rất cần thiết, và nhớ là sau khi bán cho khách xong thì ông phải “phắn” thật nhanh nếu không bọn “tây” nó “tẩn” cho no đòn thì đừng trách tôi.
Những lời tôi dặn Ông cấm được quên đấy.
Tôi vẫn còn kịp nghĩ, thằng bạn GĐ của mình đúng là con người chu đáo và là con người của kinh tế, chẳng trách chiếc Samsonite hôm nào của Hắn dưới gậm giường lúc nào cũng đầy tiền cũng phải.
Trong cái nóng hầm hập của buổi chiều tháng Bảy, mấy chiếc quạt cỡ lớn, dạng quạt dùng trong công xưởng, chạy hết công suất thổi như điên vào đám hành khách cả Ta, Tây chen chúc trong phòng cách ly của sân bay Nội Bài. Tụi bạn tôi, họ vẫn kiên nhẫn đứng phía sau những tấm kính, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhìn về phía tôi. Bên cạnh họ lớp lớp người thân đưa tiễn nhau : Bố Mẹ tiễn con, Anh tiễn Em,vợ tiễn chồng, nhân viên tiễn “Xếp”, người yêu tiễn người yêu ... Họ vẫy tay, họ cười, họ nói, có người miệng méo xệch đi, nước mắt nước mũi dàn dụa xen trong những giọt mồ hôi rơi lã chã. Thôi thì đủ mọi cung bậc của tình cảm, nhưng tựu chung lại trong ánh mắt của tất cả những người đưa tiễn đều chứa chan, hy vọng về một ngày mai “tươi sáng” đối với người thân của mình.
Lướt qua lũ người đông đúc, quay nhìn về đám bạn mình, Tôi thấy một thằng bạn, chắc không kìm hãm được cảm xúc, đưa vội cánh tay áo lên chấm chấm nơi khoé mắt. Những đôi môi mấp máy, nhưng tôi chẳng nghe được gì. Nhưng tôi biết họ chúc tôi lên đường “Thượng lộ bình an” và gặt hái nhiều thành công.
Họ cứ đứng và nhìn theo cái dáng liêu xiêu vẫn còn hơi tập tễnh của tôi. Chẳng biết có phải bởi chiếc đồng hồ SK trên tay đeo không quen vì nó quá nặng, hay vì vết “Đau” ở chân đêm Dancing hôm nào chưa khỏi hẳn. hay là vì chiếc quần Bò vẫn còn nguyên hồ tôi mặc bên trong chiếc quần dạ sỹ quan nó chật quá và nóng quá làm tôi đi đứng khó khăn chăng.
Các bạn tôi cứ nhìn theo cái dáng tập tễnh, liêu xiêu của tôi, xa dần, nhỏ dần, nhỏ dần ... và mất hút sau cánh cửa của chiếc máy bay IL – 86 to tướng, bốn động cơ của hãng hàng không Aerophlot.
Bất giác, tôi giơ tay nhìn lên mặt chiếc đồng hồ SK màu Hồng Ngọc còn mới tinh, chính xác lúc đó là 2 giờ 30 phút, chiều ngày 25 tháng 7 năm 1985.


T/p HCM 16/5/2005.


 ❧ ❀ ❧ 

Lấy từ Facebook của Duy Đảo





2 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

NGÀY XƯA ƠI! ( Chương 1)


Từ trên tháp cao của đài chỉ huy sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn xuống khu nhà ga Quốc Tế mới xây, hiện đại, khang trang, rộng rãi quá với sân đậu máy bay mênh mông và hai đường băng dài tít tắp. Chếch sang phía Đông khu nhà ga quân sự, bao nhiêu năm rồi vẫn vậy, xưa cũ, ọp ẹp, có chăng được quét vôi ve trông sáng sủa hơn, cho đỡ tương phản với khu ga thương mại mà thôi. Chính nơi đây, sân ga quân sự này, nơi khởi đầu cho chuyến đi của tôi tới nước Nga nhiều năm trước.
Vì hoàn cảnh gia đình, năm 85 đơn vị giải quyết cho tôi được chuyển ngành. Lần mò tôi cũng xin được một chân hải quan Thành Phố. Họ hứa sẵn sàng tiếp nhận, nếu quân đội có giấy giới thiệu qua.
Đùng một cái giữa năm đó Phòng tổ chức cán bộ Quân Chủng có công văn điều động 5 cán bộ cấp tiểu đoàn đi học tại học viện nước ngoài. Trong danh sách đó thế quái nào lại có tên tôi. Thế là việc chuyển ngành ra cơ quan bên ngoài phải dừng lại và cuộc đời tôi chuyển sang một ngã rẽ khác.
Trên chuyến máy bay quân sự từ Sài Gòn ra Hà Nội một sớm tháng sáu năm 1985, giữa đống hàng hóa cồng kềnh trong khoang chiếc AN – 26 lọt thỏm hai người lính.
Ngồi trên sàn máy bay cách tôi chừng vài mét là một sỹ quan, da anh đen xạm, gầy gò, chỉ có khuôn mặt thông minh và đôi mắt sáng cho biết là anh còn rất trẻ có lẽ chỉ khoảng 25, 26 tuổi. Tôi nghĩ trong bụng “dân không quân gì mà hom hem thế”. Rồi chúng tôi quen nhau.
Anh nói “Tôi ở Quân Đoàn 4, là tiểu đoàn trưởng, đang chỉ huy đánh nhau ở Pompet bên Cam Pu Chia, cực khổ, ngày nắng, đêm lạnh, sốt rét đầy mình, cái chết rình rập, đơn vị chết vãn đi, bổ sung quân đến mấy lần. Tôi về nước mới biết là được chọn đi Liên Xô, học tại học viện quốc phòng Phrunde. Nghĩ thương anh em ở lại, thực lòng tôi cũng chẳng muốn đi.”
Ngồi chuyện trò dần dà tôi nhận ra anh. Anh là con trai của một vị tướng trận mạc nổi tiếng - Hoàng Cầm, là em thằng bạn cùng học thời thiếu sinh quân và mấy năm đại học với tôi ( Thủy sau này là đại tá, em Thạch mới mất hơn một năm ).
Xuống sân bay Gia Lâm, Chúng tôi chia tay nhau, Anh lên thẳng đoàn 871 trên Đông Anh (Nơi du học sinh quân sự tập trung trước khi đi học, do BQP quản lý), Còn tôi nhờ được chiếc xe đít vuông phi một mạch về HN. Chúng tôi nắm tay nhau tạm biệt, hẹn gặp lại nhau sau.
Về HN, tôi tìm gặp thằng bạn hồi đại học, hắn đang là Giám Đốc trung tâm thông tin của một công ty Tàu biển. Hắn tá túc ở nhờ trong cái Gara xe nằm lọt thỏm trong khuôn viên một biệt thự cũ kỹ, xây từ thời Pháp trên đường Bùi thị Xuân. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, Sau nhiều năm xa cách. Hắn nói
- Tớ cũng đang “độc thân” có cậu thì tuyệt rồi.
- Vợ con tớ ở Hải Phòng chưa chuyển lên được - hắn giải thích thêm.
Thế là sau bao nhiêu năm tôi lại được sống cuộc đời dân sự đúng nghĩa trong thời gian khoảng ba bốn tuần. Thời gian này chúng tôi chủ yếu là học chính trị ngoại ngữ và làm công tác chuẩn bị trước khi du học, nên thường xuyên tôi được ở HN.
Khi biết tôi đi Liên Xô tu nghiệp, thằng bạn tôi phấn khích hắn nói “ muốn giàu thì đi Đức, Muốn kiến thức thì đi Liên Xô”. Sỹ quan các ông được chọn đi Liên Xô học là “Oách” nhất rồi.
Hắn từng trải, vì đã từng Tây, Tàu mấy lần. Tâm sự với tôi hắn nói “ Tôi biết các ông đi học, cái chính là tu nghiệp để nâng cao kiến thức, nhưng cũng chẳng ai cấm các ông kết hợp làm kinh tế cả. Trước tiên theo tôi ông nên nghiên cứu sơ qua văn hoá Nga để hội nhập khi qua đó, thứ nữa Ông cũng phải tranh thủ, chuẩn bị lấy một ít hàng hóa để “Trao đổi” với bạn, kiếm tí “Chênh lệch” nhắm giảm bớt gánh nặng về tài chính khi chân ướt chân ráo mới qua”. Hai khoản này thì tôi thạo, tôi sẽ tư vấn giúp ông.

Chuyện thứ nhất - Học hỏi “Văn hóa phương Tây” để hội nhập.
- Thế ông biết nhảy đầm chưa?
Hắn hỏi tôi trong một đêm mưa tháng sáu tầm tã. Hắn nói luôn chẳng để cho tôi kịp mở miệng vì Hắn thừa biết tôi làm quái gì biết cái khoản văn hóa cao cấp này.
- Chả nói ông cũng biết, nhảy đầm nó là văn hóa của phương tây, nó như cái bắt chân, bắt tay ở xứ ta vậy. Cho nên đầu tiên ông cũng nên biết nhảy đầm. Chẳng ai bắt ông cả, nhưng nếu biết thì cũng vẫn tốt, nó là văn hóa, là phương tiện, là cửa ngõ để mình dễ tiếp cận, giao lưu học hỏi người ta.Tiện đây có tôi, tôi sẽ dạy ông, chẳng mất tiền bạc, hơn nữa là chỗ anh em, tôi tận tình chỉ bảo. Tôi đảm bảo ông sẽ thành thạo những điệu nhảy cơ bản trước lúc ông lên đường.
Tôi ngẫm nghĩ, Hắn nói cũng phải.
Nói thì nói thế thôi chứ hắn đi suốt, có hôm Hắn đi đến khuya mới về. Một lần tình cờ mở cái Samsonite không khóa của hắn vứt dưới gầm giường. Trời! tiền, cả một Samsonite tiền, tiền mặt hẳn hoi. Phía bên trên tôi thấy cả những tờ màu xanh xanh trông lạ lắm, không giống tiền ta.
Một hôm tôi mới hỏi nhỏ Hắn, sao tiền lắm thế? để như vậy Ông không sợ à? Hắn tỉnh bơ trả lời tôi bâng quơ bằng một câu hát chả ăn nhập gì: “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất …”
- Tôi nói thế chắc ông hiểu - Hắn nhún vai rất tây đá con mắt về phía tôi.
- Tiền bạc của tôi nó luân chuyển hàng ngày, hàng giờ, nên như thế nó tiện cho tôi.


Chẳng biết hắn làm cái quái gì thêm ngoài chức GĐ mà tiền lắm thế, có trời mới biết. Về khoản này tôi ít khi thóc mách vào chuyện riêng tư của người khác, ngay cả đối với bạn bè thân và cho tới tận mãi sau này, khi đã có vợ con, tôi vẫn giữ “Nguyên tắc”ấy.
Một buổi chiều hắn về sớm, đi cùng với một ông bạn.Vừa vào đến cửa hắn đã oang oang “Ông khẩn trương tắm giặt, tối nay chúng ta đi nhảy đầm”. Tôi có ba cái vé mời ở câu lạc bộ Dancing Giảng Võ đây.
Chẳng ra đồng tình ,chẳng ra phản đối, sau một phút lưỡng lự, tôi nói:
- Tôi ngại chỗ đông người lắm, nhất là chỗ tụ tập nhiều đàn bà con gái, với lại ông đã dạy tôi được buổi nào đâu mà nhảy với chả nhót - Hắn sững người.
- Ừ nhỉ ! Chết thật tôi tưởng cũng dạy ông được một vài buổi rồi chứ. Nhưng thôi! Không sao, bây giờ vẫn kịp, ông khẩn trương lên, tôi bổ túc cho ông 15 phút, chỉ cần 15 phút là Ông sẽ có đủ kiến thức để “cọ xát” với thiên hạ.
Thế rồi tôi đi tắm.Tắm xong lên phòng đã nghe thấy tiếng nhạc xập xình từ chiếc máy Catsec phát ra.
- Lại đây! Ông lại đây!
Chẳng để tôi kịp mặc quần áo, người trần trùng trục và vẫn còn ướt nhẹp, thế là hắn ôm thốc lấy tôi, dìu tôi đi theo điệu nhạc. Hắn nắn chân nắn tay tôi như thầy lang nắn chân tay bệnh nhân bị trật khớp. Chẳng phải một mình, hắn còn lôi cả ông bạn của hắn vào chỉ bảo, uốn tôi như uốn lưỡi câu. Nào là thân phía trên phải thẳng chỉ được chuyển động phần cơ thể phía dưới, nào là đánh mặt phải dứt khoát, Nào là mặt phải tươi, đừng quá căng thẳng. Hắn nói nhiều lắm, cứ như giáo viên dạy ngoại ngữ. Đây là điệu Val, đây là Bebop, đây là Tango, đây là Chachacha, rồi Rumba, Pasodop tôi cứ rối hết cả lên mỗi khi có một điệu nhạc mới.
Thế rồi đúng bảy giờ chúng tôi cũng kịp xuất phát. Cả ba thằng “Lèn” trên chiếc xe cánh én luồn lách đánh võng nhằm hướng Giảng Võ thẳng tiến, hồi đó ở HN xe này là oách lắm. Tới sàn nhảy, tôi cũng thấy đông đông, chỉ rặt là những người lớn tuổi và cỡ tuổi tôi. Nhạc bắt đầu nổi lên, mọi người lao ra sàn. Hai ông bạn có lẽ có bạn nhảy từ trước nên đã mất hút vào đám đông.
Trong ánh đèn xanh đỏ chập chờn, trong mớ âm thanh rộn rã Tôi vẫn nhận ra tiếng the thé của kèn Trumpet, tiếng lả lơi của Sacxo, tiếng phừng phừng của Congtobat, tiếng thình thịch như giã gạo của Trống. Tôi ngồi ngây ngô, mặt cứ dại ra, đờ đẫn.
Bỗng có một bà sồn sồn chắc lớn hơn tôi dễ đến chục tuổi, người đẫy đà, mặc chiếc váy liền áo dài sát đất có những bông hoa to bằng cái bát sắt “B52” của bộ đội ta ngày xưa thời đánh mỹ dùng để ăn cơm, màu đỏ chói:
- Tôi có thể mời anh điệu Rumba này được không?
Lạ thế! ngày xưa đọc truyện nước ngoài tôi nhớ hình như chỉ có đám đàn ông chủ động mời lũ đàn bà nhảy, còn trong trường hợp này! ở ta có “ Nhẽ ” khác chăng, hay là tôi nhớ lộn?
Chẳng đợi tôi có chính kiến, người đàn bà phốp pháp ấy đã cầm tay tôi lôi thốc vào sàn.
Thật may Rumba là điệu nhảy dễ, nét nhạc lại “Dịu dàng” nên tôi qua được. Nhưng đến Val thì tôi “chết”.
Tôi bị xoay như chong chóng, giống như hồi bé đi bắt chuồn chuồn, bằng phương pháp thủ công, dùng tay quay, cứ đứng một chỗ quay, cho tới khi chuồn chuồn ta chóng mặt rơi phịch xuống đất mới thôi.
Tôi chóng mặt thật sự, vì tiền đình của tôi vốn yếu từ bé. Tôi có cảm giác đây đúng là một cuộc hành xác. Người đàn bà nhảy lôi tôi đi xềnh xệch trên sàn. Lúc này tôi chẳng còn hiểu và phân biệt nổi thế nào là giới hạn về văn hóa, thế nào là ranh giới giữa nghệ thuật và sự phàm tục.
- Ối giời ôi! Suýt nữa thì tôi hét toáng lên. Tôi như khuỵu xuống, không phải vì do tôi quá chóng mặt, mà là vì mu bàn chân tôi bị gót giày của “Người bạn nhảy” đè lên, mà khổ, lỗi kỹ thuật này tác giả lại là chính tôi. Cũng may vừa vặn lúc ấy điệu nhạc kết thúc.
- Tôi vội vàng chia tay người đàn bà phốp pháp, mặt đỏ phừng phừng như đĩa xôi gấc thắp hương đêm hôm rằm, mà không quên cảm ơn, kèm theo nụ cười nịnh đầm méo mó, trong bụng thì mừng thầm, thế là “thoát”.
Vào khu ghế ngồi tôi mới có cơ hội kiểm tra lại “Thương tích” của mình. Nhìn xuống chân, đôi dép nhựa Tiền Phong
Dép nhựa

Trước có 2 loại, dép nhựa Tiền Phong (Hải Phòng) và nhựa trắng Hà Nội. Giá mỗi đôi bằng cả con lợn. Hồi sau giải phóng, bà con trong đó nhờ mua gửi vào, quý hơn vàng.


trắng mà thằng em tôi tặng trước lúc đi Tây. Tôi thấy chiếc dép chân phải, đầu một quai bị bung ra, còn chân thì khỏi nói, tê buốt tới tận óc.
Tôi bỗng chột dạ, và liếc mắt ra xung quanh. Tôi để ý thấy thấp thoáng dưới gấu những ống quần tây, những cổ chân trắng, to phô ra dưới gấu váy . Những đôi giày bóng lộn, đen có, nâu có, cả trắng nữa, thấp gót có, cao gót có, đàn ông, đàn bà, ai ai cũng đi giày chỉ có mình tôi là ... Đơn giản đến lạc lõng, cả bộ quân phục sỹ quan nữa hình như nó cũng không hợp ở chốn này. Tôi cứ ân hận vì đã trót.


T/P hcm 2/1995.
 ❧ ❀ ❧ 

Lấy từ Facebook của Duy Đảo


1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>