40 - Nhà báo, liệt sĩ Ngô Tất Thắng - Hồ Bá Đạt K8, SRTKL2: 180-183



Liệt sĩ, Nhà báo Ngô Tất Thắng
 
Nhà báo, liệt sĩ Ngô Tất Thắng


HỒ BÁ ĐẠT *
Học sinh khóa 8

Tôi và Thắng chơi thân với nhau vì cùng khu tập thể 16A Lý Nam Đế. Thắng là con trai bác Ngô Từ Vân (sau này là Tổng biên tập Tạp chí Quân đội Nhân dân) và cô Toàn. Từ nhỏ được học vi-ô-lông nên Thắng thường đi biểu diễn trong các đêm liên hoan văn nghệ. Năm 1970, sau khi trường Trỗi giải thể, bọn lớp nhỏ chúng tôi trở về học trong các trường cấp III ở Hà Nội. Tôi học lớp 8, còn Thắng học trên một lớp (dù cậu kém tôi một tuổi). Năm học 1971-1972, Thắng vào học năm cuối hệ phổ thông 10 năm. Thời gian này, tình hình chiến sự trở nên ác liệt, chiến tranh đang vào giai đoạn cuối. Đảng - Chính phủ phải động viên thanh niên cả nước, trong đó có cả lớp sinh viên đại học và học sinh phổ thông ra mặt trận. (Lẽ thường họ phải tiếp tục học tập để chuẩn bị lực lượng cho ngày mai khi chiến tranh kế thúc). Tôi và Thắng cũng “xung trận” đợt này. Chuyện đi lính cũng có nhiều kỉ niệm thú vị.

Cuối năm 1971. Chiều đó, khi đang khăn tắm vắt vai, hai tay ôm chậu quần áo chờ đến lượt trước cửa nhà tắm tập thể của khu, tôi thấy Tất Thắng dẫn Hùng Thắng chạy lại. (Cũng phải cùng ôn nghèo nhớ khổ, ngày đó làm gì có phòng tắm riêng trong mỗi gia đình. Đã vào nhà tắm tập thể thì cũng chỉ có nước máy giá lạnh, cho dù trời đang đông. Và sống trong khu tập thể nên “cái gì” cũng “tập thể” – bếp ăn tập thể, nhà tắm tập thể, và cả “chuyện kia” cũng… “tập thể” nốt! Vì vậy mà sáng sáng, cứ thấy một loạt sĩ quan tá, úy - đông thì mặc quần áo ngủ; hè thì cởi trần, mặc quần đùi, nắm tay vo tờ giấy báo, gặp nhau chào hỏi, thậm chí bàn bạc cả tình hình chiến sự ngay “tại đó”). Cậu oang oang: “Thằng Hùng Thắng nhập ngũ đợt này. Tao cũng đã làm đơn tình nguyện. Mày thế nào?”. Lính Trỗi có truyền thống “đã phát là động”, một thằng làm là cả bọn cùng hùa theo. Máu quá, tôi hỏi tỉ mỉ cách viết đơn. (Hiềm một nỗi, trong đơn phải có ý kiến gia đình!). Trong bốn đứa thì Trường Vỹ và Hùng Thắng vừa qua tuổi 17 (tạm được chấp nhận), còn tôi - 16 và Tất Thắng mới 15. Nghe chúng bạn rủ, quên cả tắm, tôi chạy về chui vào góc phòng bí mật viết xong đơn nhưng chưa biết làm sao để thuyết phục được ba mẹ. Chợt nẩy ra “mẹo” làm giả chữ kí(!) và tôi đã thực hiện.

Có giấy báo, cả bốn đứa đi khám sức khỏe. Tuy hơi nhẹ kí nhưng cửa nào cũng qua. Ngày Khu đội Hoàn Kiếm gửi giấy báo tuyển quân về nhà thì ba mẹ tôi và bác Vân, cô Toàn mới ngã ngửa. Trước việc đã rồi, mà con em trong khu đi cả đấy, thế là ba mẹ chúng tôi chấp nhận cho đi.

Sáng sớm ngày 22 tháng 12 năm 1971, học sinh các trường cấp III ở Hà Nội tập trung về vườn hoa Bách Thảo, sau Phủ Chủ tịch, để dự lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trên lễ đài có cả bác Võ Nguyên Giáp cùng nhiều tướng lĩnh và đại diện Ủy ban Hành chính thành phố. Nhân dịp này, Thủ đô làm lễ tiễn con em lên đường nhập ngũ tập trung, tạo nên quả đấm thép nhằm thay đổi cục diện chiến trường. Ngô Tất Thắng, người đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu, được chỉ định thay mặt thanh niên Hà Nội, đọc quyết tâm thư. Hùng Thắng, Trường Vỹ và tôi cũng được mời lên lễ đài. Chả lạ gì lính Trỗi, ngoài đời thì nghịch ngợm nhưng đứng trước đám đông thì run như cầy sấy. Vì xấu hổ mà ba đứa chỉ dám thập thò đứng đằng sau cánh gà, thỉnh thoảng mới ló mặt ra. Nhìn xuống dưới thấy hàng vạn học sinh, sinh viên, có cả các thầy giáo (trên đầu đội mũ cối căng lưới nguỵ trang, trên mình khoác tấm dù phòng không loang lổ màu xanh cứt ngựa). Hừng hực khí thế ra quân.

Nghe Tất Thắng đọc quyết tâm thư mà lòng tôi rạo rực. Thắng giỏi văn nên lời lẽ trong bài rất xúc động, nói lên tình yêu quê hương và chí căm thù giặc sâu sắc. Với ý chí quật cường, theo bước cha anh, thế hệ trẻ Hà Nội quyết không sợ gian khổ, sẵn sàng hy sinh xương máu cho thắng lợi cuối cùng. Khi “rừng tay” giơ lên kèm theo tiếng hô “quyết tâm” mà lòng tôi tràn ngập niềm tự hào vì thằng bạn mình - một thằng lính Trỗi, đã làm rạng danh nhà trường!

Sau đó ít bữa, chúng tôi lên đường. Cùng đi đợt này còn có Hồ Phương Bình (khóa 7). Lên đến Bãi Nai (Lương Sơn, Hoà Bình), tại đơn vị huấn luyện của Bộ tư lệnh Thủ đô (C42, D54, E59), chúng tôi còn gặp Thái Hòa, Y Hòa (khóa 7), Vũ Trung (khóa 8) và anh Lâm “tắc ly” (khóa 5) về cùng đại đội, Tấn “cáo” (khóa 6) ở đại đội bên, còn tiểu đoàn bên cạnh có Bạch Quốc Đoàn, Kim Cường (khóa 7). Huấn luyện được ít bữa thì tôi và Tất Thắng bị tiểu đoàn gọi lên trả về địa phương với lí do: chưa đủ tuổi. Thuyết phục không nổi, buồn thiu, khoác ba-lô trở về, trong lòng tiếc không được cùng chúng bạn ra trận. Về Hà Nội, Thắng đã cố thuyết phục bố, tác động với các chú cho về đơn vị công binh, sau đó phục vụ chiến đấu ở Quảng Trị.

Sau chiến dịch Quảng Trị 1972, Trường Vỹ, Hùng Thắng và Tất Thắng được gọi đi học trường Sĩ quan Công binh. Biết năng lực của mình, Tất Thắng đề đạt và được chấp nhận cử đi học Đại học Báo chí. Vừa học, Thắng vừa viết cho xong truyện “Sau cành vi-ô-let”. Ra trường, Thắng xin về làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Cuối năm 1978, tuy là phóng viên trẻ và vừa mới cưới vợ, Thắng đã thuyết phục để Tổng biên tập đồng ý cho tham gia chiến dịch Biên giới Tây-Nam. Là phóng viên mặt trận, xông xáo như một người lính với xà cột ngang hông, máy ảnh đeo vai và súng lục cầm tay, Ngô Tất Thắng vừa cùng đồng đội chiến đấu, vừa tranh thủ viết bài, chụp ảnh, kịp gửi về cho Báo.

Trong trận chiến đấu ác liệt truy quét tàn quân Pôn Pốt, khi đang nhô người lên cầm máy chớp cảnh chiến trường ác liệt thì chiếc xe tăng M113 của Thắng trúng đạn. Tim anh ngừng đập. Lục trong túi Thắng, đồng đội tìm thấy hai cuộn phim vừa chụp xong, ghi lại hình ảnh chiến đấu mưu trí, dũng cảm của chiến sĩ ta. Ngay tại mặt trận, trong danh sách những cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc trong trận đầu, được đề nghị cấp trên tặng thưởng huân chương Chiến công có tên Nhà báo - liệt sĩ Ngô Tất Thắng.

Cũng năm đó, Nhà xuất bản Hà Nội đã cho in và phát hành tập sách “Sau cành vi-ô-let”. Một lần nữa bạn lại góp phần làm rạng danh nhà trường!

Ngô Tất Thắng ơi, bạn sẽ sống mãi!

H.B.Đ





* Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty UPGAIN, thành phố Hồ Chí Minh.