(tiếp theo)
Người có quan niệm duy nghiệm thuần túy và trở thành ông tổ của chủ nghĩa suy nghiệm là nhà triết học Bêcơn (Francis Bacon, 1561-1626), người ra đời trước Đềcác 35 năm và cũng có chủ trương đưa khoa học ra khỏi ảnh hưởng của thần học. Bêcơn cho rằng khoa học là kiến thức được xây dựng nên từ kinh nghiệm thuần túy. Muốn cho kinh nghiệm được thuần túy, nghĩa là đúng đắn, đáng tin cậy thì phải tiến hành xem xét, khảo sát thật kỹ càng, tỉ mỉ từng sự vật - hiện tượng trong thực tế, phải loại bỏ mọi giả định, suy diễn phi thực tế ban đầu. Từ đó mà rút ra những tri thức. Quan niệm như vậy có thể là còn phiến diện nhưng chưa hẳn là sai nếu hiểu một cách “linh động”. Tuy nhiên Bêcơn đã cực đoan hóa nó khi tiếp tục cho rằng suy lý thuần túy là sai lầm, toán học thuần túy là vô tích sự.
Đềcác lại quan niệm ngược lại. Ông cho rằng kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chỉ mới là kết quả sơ khai, chưa đủ độ tin cậy nếu chưa qua sự “thẩm định” của tư duy lý tính thuần túy. Theo ông, tri thức đích thực chỉ có thể có được từ hoạt động trí tuệ của tinh thần, tương tự như trong toán học và lôgic học. Ông coi diễn dịch là phương pháp nhận thức cơ bản trong nghiên cứu triết học và khoa học mà xuất phát điểm của nó (tạm gọi) là trực giác lý tính (siêu hơn trực giác cảm tính!) hay tri giác thuần túy của tinh thần. Thứ trực giác này vốn dĩ hiển nhiên, tuyệt đối rõ ràng và minh bạch, không cần chứng minh (thực ra cũng không thể chứng minh cái tạo nên chứng minh!) thì cũng không cách gì bác bỏ được, có trước cảm giác, trước kinh nghiệm nên có tính bẩm sinh, tiên thiên, tiên nghiệm (thật huyền bí quá chừng! Ở điểm này, phải chăng Đềcác là tiền bối trực tiếp và trực hệ của Kant?). Như vậy, đối với Đềcác, chỉ có thể tiếp cận được chân lý, xây dựng được tri thức chân chính và đích thực bằng cách duy nhất: suy lý thuần túy của trí tuệ trên cơ sở đầu tiên là tri giác thuần túy của tinh thần. Thế là có thể nói, chính Đềcác chứ không ai khác đã chắp cánh cho “phương pháp” duy lý hồn nhiên, tự phát thời cổ đại bay cao, hóa thành một quan niệm lớn là chủ nghĩa duy lý.
Trên cơ sở quan niệm đó của mình, Đềcác đã đề xướng ra một phương pháp nhận thức để áp dụng trong thực tiễn nghiên cứu khoa học, mà tiêu chí của nó, theo ông là “… Nhưng nguyên tắc duy nhất mà ta dùng phải là những nguyên tắc ta thấy tự chúng là hiển nhiên nếu không suy ra được từ chúng điều gì ngoại trừ bằng cách diễn dịch toán học. Và nếu mọi điều suy ra này nhất trí chính xác với những hiện tượng tự nhiên, thì theo tôi, chúng ta sẽ xúc phạm Thượng Đế khi nghi ngờ việc phát hiện ra các kết quả như thế là giả dối”.
Để thu thập được tri thức đúng đắn, đáng tin cậy, để tiếp cận được chân lý "đúng là chân lý" bằng phương pháp diễn dịch trên cơ sở duy lý thuần túy, Đềcác đưa ra bốn yêu cầu cơ bản phải tuân thủ sau đây:
1 - Phải thật thận trọng trong suy luận, tránh những phán đoán và thành kiến vội vã. Chỉ có những gì đã được cảm nhận một cách rõ ràng và rành mạch, không gợn nên chút nghi ngờ nào, mới được coi là chân lý đích thực.
2 - Chia sự vật - hiện tượng cần nghiên cứu thành những bộ phận nhỏ hơn hợp thành nó, đến mức có thể được, một cách phù hợp nhất, nghĩa là phân chia vấn đề lớn thành những vấn đề nhỏ hơn để đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu khảo sát.
3 - Lập luận và tìm hiểu theo trình tự từ thấp đến cao, nghĩa là phải xuất phát từ những điều đơn giản nhất, sơ đẳng nhất, dần dần tiến đến những điều “to tát” hơn, phức tạp hơn.
4 - Phải liệt kê, xem xét đầy đủ mọi dữ kiện, không được bỏ sót một dữ kiện nào và cuối cùng, sau khi đã hoàn tất suy lý, phải kiểm tra lại cẩn thận mọi khâu của quá trình lập luận.
Với chủ trương duy lý và việc đề xướng phương pháp cùng bốn yêu cầu cơ bản áp dụng vào thực tiễn nghiên cứu khoa học như vậy, mặt khác cũng có thể bị tác động ít nhiều từ thực tế là hiện tượng dần bộc lộ ngày một nhiều “sơ hở”, sai lầm trong hệ thống khoa học - triết học Arixtốt đã bị kinh viện giáo điều hóa, Đềcác đã nêu ra luận thuyết của mình về sự hoài nghi.
Có lẽ sự hoài nghi xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử loài người là trong trí não một con người nguyên thủy nào đó sau một lần “nhìn gà hóa cuốc” rồi phát hiện ra là gà chứ không phải cuốc! Đó là một ý kiến có phần tếu táo, nhưng đúng là sự hoài nghi phải xuất hiện trong não người từ buổi đầu của thời xa xưa tối cổ, khi mà sự suy nghĩ bắt đầu biết phán đoán. Đã phán đoán thì có thể đúng hoặc sai và sự nghi ngờ đối với một phán đoán tất yếu sẽ nảy sinh.
Nếu bàn luận một cách nghiêm túc và theo lịch sử phương Tây còn lưu lại thì sự hoài nghi chính thức nổi lên thành một quan niệm triết học là vào thế kỷ IV TCN ở Hi Lạp cổ đại. Trước đó, lâu hơn nữa, đã từng xuất hiện không ít nhà triết học có tư tưởng nghi ngờ vào khả năng nhận thức của loài người về tự nhiên. Người thì cho rằng không thể thấy được chân xác hiện thực vì nó luôn biến đổi và hơn nữa vì khả năng bị hạn chế của giác quan, do đó nhận thức chỉ có thể đến một “mức độ hạn định”. Có người lại cho rằng những hình ảnh mà con người thấy được đều không phải là những “sự thực tự nó”, đều chỉ là những “hiện thực lừa dối”, cho nên con người vĩnh viễn không thể nhận thức được thế giới (bất khả tri).
Vào cuối thế kỷ IV, đầu thế kỷ III TCN, quan niệm hoài nghi bộc phát thành như một thứ chủ nghĩa. Nhiều nhà triết học chủ trương không nên tin vào bất cứ cái gì trên đời. Tiêu biểu cho trường phái này là hai thầy trò Pyrrhon (360-272 TCN) và Timon (320-280 TCN).
Quan niệm hoài nghi về nhận thức xuất hiện trong triết học có nguyên nhân không chỉ do “lỗi” nhận định ở con người mà chủ yếu là do “lỗi” của Tự Nhiên Tồn Tại, do sự hiện hình đầy “tính ma quái” của nó trước một chủ thể quan sát “người trần mắt thịt”. Như vậy có thể thấy sự hoài nghi về nhận thức trong triết học như là một tất yếu và hơn nữa sự xuất hiện đó không những không có hại mà còn như một xúc tác thúc đẩy nghiên cứu triết học phát triển.
Vào khoảng 200 năm sau CN, nhà triết học La Mã cổ đại tên là Sextus Empiricus viết tác phẩm “Khái lược về học thuyết của Pyrrhon”. Trong đó có đoạn:
“Trường phái hoài nghi do hoạt động truy tìm và nghiên cứu nên được gọi là “trường phái nghiên cứu”, do tâm trạng của những nhà nghiên cứu sinh ra sau khi nghiên cứu nên được gọi là “trường phái tồn nghi”, do thói quen hoài nghi và tìm tòi cũng như do thái độ không dứt khoát của họ về việc khẳng định hay phủ định nên gọi là “trường phái do dự”. Còn “trường phái Pyrrhon” là trường phái mà chúng ta cho rằng chính ông là người so với các bậc tiền bối càng hoài nghi triệt để, rõ ràng hơn”.
Pyrrhon sinh ra ở Elis và giảng dạy triết học ở đó. Hình như ông không viết gì. Những đoạn văn còn lưu truyền được đến ngày nay là do học trò của ông ghi chép lại. Chúng ta sao chép ra dưới đây để thấy được triết lý cơ bản của Pyrrhon:
“Vạn vật là một thể thống nhất không thể chia cắt. Do đó, chúng ta không thể từ cảm giác hoặc từ ý kiến của mình mà cho rằng sự vật là đúng hay sai. Cho nên chúng ta không nên tin chúng. Chúng ta kiên trì không chút dao động về việc chúng ta không phát biểu gì hết, không phán đoán gì hết. Đối với mọi việc chúng ta đều nói: nó vừa là không không tồn tại vừa là không tồn tại. Hoặc giả nói: nó vừa không tồn tại nhưng lại tồn tại. Hoặc giả nói: nó vừa không tồn tại, vừa không không tồn tại”.
“Không có một việc gì cố định để giáo huấn cho chúng ta. Bởi vì đối với bất cứ một mệnh đề nào, chúng ta cũng đều có thể nói ra một lúc hai mệnh đề ngược nhau”.
“Cái thiện cao nhất là không nên có bất cứ nhận xét gì. Bởi vì có như vậy thì linh hồn mới được yên ổn”.
Tư tưởng hoài nghi của Pyrrhon là biểu hiện triết học Hy Lạp cổ đại đã lâm vào tình trạng bế tắc, khi trình độ nhận thức của nó chưa kịp đáp ứng trước những vấn đề về tư duy lý luận mới nảy sinh ra sáu thời kỳ phát triển cực thịnh. Chính vì vậy mà tư tưởng hoài nghi đó cũng là sự biểu hiện về sự mất niềm tin vào khả năng có thể nhận thức được thế giới khách quan ở con người. Nó tỏ ra hoàn toàn bi quan, tiêu cực.
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>