43 - Người viết đơn bằng máu xin đi bộ đội - Lê Trí Dũng K8, SRTKL2: 191-196



Liệt sĩ Bùi Thọ Tuyến
 
Người viết đơn bằng máu
xin đi bộ đội


LÊ TRÍ DŨNG *
Học sinh khóa 8

Những năm 60, hai gia đình của tôi và Bùi Thọ Tuyến cùng sống ở Khu tập thể quân đội số 1A Hoàng Văn Thụ, không xa Quảng trường Ba Đình. Ngay từ khi mới 6-7 tuổi, chúng tôi đã kết thân với nhau. Ở khu tập thể có anh Tuấn Sơn lớn hơn 4-5 tuổi nhưng hay giao du với bọn trẻ con chúng tôi. Anh là đầu trò bày ra những trò chơi trốn tìm, “sô-vê”, trèo me trèo sấu hay đánh trận giả mỗi đêm. Hè đến, anh rủ rê cả bọn xách đèn pin đi lần từng gốc cây xà cừ dọc đường Hoàng Diệu để bắt ve, sát bờ tường Thành cổ. Đứa nào cũng có một bộ sưu tầm về các loài ve, nào là cồ cộ, ve kim, ve sầu… Vì bố mẹ bận đi làm, không có ai trông nên bị nhốt suốt ngày trong nhà, tôi chỉ có thể thò mặt ra cửa sổ trò chuyện với lũ bạn. Vì vậy mà anh Sơn đã đặt cho cái tên “Trí dốt”. Còn Tuyến vì da trắng như bột nên bị gán cho cái tên “hếu”! Cánh nhóc con ở Khu 1A “xưng hùng, xưng bá” khắp một vùng quanh bể bơi Ba Đình, khu nhà Quốc hội và dọc theo đường đôi Hoàng Diệu rợp mát với những gốc xà cừ cổ thụ. Tuổi thơ của chúng tôi đẹp như thế đấy! Thật thú vị!

Hè năm 1965, mấy anh lớn tuổi được gọi lên trường Văn hóa quân đội. Hôm các anh tập trung ở Trạm 66 để ra xe lên Trại Hòe (Hà Bắc), bọn trẻ chúng tôi đi tiễn. Xe chạy rồi mà vẫn cứ nhìn theo, ánh mắt đầy kính phục. Đứa nào cũng mơ ước sẽ có lúc được như vậy. Mỗi kì các anh về nghỉ phép là mỗi lần bọn tôi nghe được nhiều điều mới lạ. Anh Sơn trong bộ quân phục áo blu-dông bay, quần xanh không quân, gương mặt nghiêm nghị kể lại những câu chuyện của cánh thiếu sinh quân học tập, rèn luyện như một người lính thực sự làm đứa nào cũng nuốt nước bọt ừng ực. Chúng tôi bảo nhau: “Cố phải học cho hết cấp I để xin bố mẹ cho lên trường theo các anh.”

Hè năm 1967, hết lớp 4, Tuyến, tôi và các bạn cùng lứa trong khu được các chú báo nộp hồ sơ làm thủ tục nhập trường. Trường ngày đó đóng tận thành phố Quế Lâm (Trung Quốc), biết là phải xa cha mẹ nhưng đứa nào cũng vui như hội vì sắp được trở thành “bộ đội con”. (Nói vậy để ai không phải là con nhà lính cũng thông cảm!). Một chiều tháng 8, sau một trận ném bom của máy bay Mỹ vào Hà Nội, bố mẹ đèo xe đạp chở chúng tôi mang theo đồ đoàn về tập trung ở Khu tập thể Nam Đồng. Tối đó, cả bọn lên xe về Hà Tây. Từ đây, hôm sau đi bằng xe lội nước vượt sông Hồng lên Bắc Kạn, theo đường 1B. Từ Bắc Kạn, chúng tôi lên Lạng Sơn, qua Hữu Nghị Quan sang Bằng Tường, Trung Quốc. Sau một đêm ngồi tầu liên vận quốc tế, sớm hôm sau, chúng tôi có mặt ở Quế Lâm. Đã thân nhau từ ngày ở cùng khu tập thể, sang đây tôi và Tuyến “hếu” càng thân nhau hơn.

Tháng 8 năm 1968, cả trường về Việt Nam. Hội cấp II đóng quân ở Trung Hà, ngay cạnh bến phà sông Đà sang huyện Tam Nông, Phú Thọ. Mỗi đêm, khi đã lên giường trùm chăn ngang cổ, tai vẫn ngỏng lên nghe chương trình “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuyến rất mê những chuyện về bộ đội đặc công. Tuyến bảo tôi, không hiểu sao mỗi cánh chỉ biên chế vài ba chiến sĩ, mà bộ đội đặc công đánh hiệu quả như vậy, làm lính Mỹ thất kinh?! Hàng ngày, Tuyến rất chịu khó tập thể dục và luyện thêm mấy bài võ tay không do thầy Trần Sinh dạy. Mà buồn cười lắm, đến năm 1970, bọn lớp tôi đã ở tuổi “dậy thì” nhưng không hiểu sao bắp tay, bắp chân vẫn cứ bé cỏn con! Trông đứa nào đứa nấy khẳng khiu. Hè năm ấy, nhà trường kết thúc đào tạo và trả học sinh về với gia đình.

Bố Tuyến là bác Bùi Thọ Tư, cuối những năm 60 nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình. Cả gia đình theo bố về thị xã sống ở trong Khu tập thể bốn tầng Lê Lợi. Tuyến về thị xã tiếp tục học chương trình cấp III phổ thông. Tháng 5 năm 1971, học xong lớp 8 (hệ 10 năm) cũng là lúc tình hình chiến sự trên chiến trường đã vào giai đoạn ác liệt. Cả nước sùng sục trong khí thế của Lệnh tổng động viên. Tuyến nì nèo mẹ:

- Mẹ cho con đi bộ đội đợt này.

- Con còn bé quá, mới 16, ai người ta nhận?

- Được mẹ ơi, miễn là bố mẹ đồng ý. Bạn con ở Hà Nội đi hết cả đợt này.

Là người bố người mẹ, ai chẳng thương con, nhưng khi đất nước lâm nguy, sao mà giữ con được. Mẹ Liên đã rớm nước mắt khi nghe Tuyến nài nỉ. Tuyến cắn răng dùng dao lam rạch ngón tay của mình lấy máu viết lá đơn xin nhập ngũ và hy vọng, nhận được đơn này chắc các chú sẽ cảm thông và đồng ý. Khi lá đơn gửi tới Ban chỉ huy quân sự thị xã, các chú đã lắc đầu: “Cháu còn bé quá, chưa đủ tiêu chuẩn”. Cầm lá đơn bằng máu trở về, hai mắt đỏ hoe, Tuyến giục mẹ: “Bố thì đang bận huy động thanh niên cả tỉnh cho đợt tòng quân này, có lẽ nào con lại không hưởng ứng? Mẹ phải giúp con! Không đi đợt này thì còn có cơ hội nào nữa mẹ?”. Suy nghĩ lúc lâu rồi mẹ Liên gạt nước mắt, đạp xe, mang hồ sơ của Tuyến xuống xã Hoàng Diệu (huyện Đông Hưng), giao cho các chú: “Các chú ạ, cũng là chỗ quen biết, cháu nó quyết tâm đi đợt này nên tôi phải nhờ đến các chú. Nguyện vọng của cháu cũng là ý nguyện của hai chúng tôi”. Sau khi bàn bạc, xã chấp nhận và đợt ấy, Tuyến đi theo đội hình của huyện Đông Hưng.

Lẽ ra tân binh đợt này được huyện giao quân huấn luyện ở một đơn vị pháo binh, nhưng vì muốn trực tiếp được đối mặt với kẻ thù và trong lòng sẵn có tình yêu với binh chủng Đặc công mà Tuyến đã nhờ bố tác động để được chuyển về đơn vị huấn luyện đặc công. Tuyến chăm chỉ luyện tập từ những bài võ thuật đến những chiến thuật tiềm nhập, đánh khí tài, ngụy trang… Kết thúc huấn luyện, vì thành tích học tập mà đơn vị muốn giữ Tuyến làm trợ giáo. Biết ý định cấp trên, Tuyến dứt khoát từ chối ở lại, quyết tâm: “Ra đi đợt này, một - xanh cỏ, hai - đỏ ngực!”. Với ý chí như vậy của một chiến sĩ thì không một thủ trưởng nào có thể từ chối. Tuyến cùng đơn vị lên đường. Vì nguyên tắc bí mật mà gia đình không hề biết Tuyến thuộc đơn vị nào, ngày nào rời miền Bắc đi “B” và đóng quân ở đâu...

 * * *

 Sau ngày toàn thắng, chờ mãi không thấy Tuyến trở về. Thư từ cũng chẳng hề có. Với linh cảm của một người mẹ, bà Liên lo lắng: “Bố mới mất được hơn một năm, chả lẽ lần này đến lượt nó?”. Bà chạy đi dò hỏi mọi nơi mà không có tin tức. Ai cũng lắc đầu.

Rồi một hôm, một đồng đội mang quân phục còn khét mùi thuốc súng, tìm đến Khu tập thể bốn tầng. Anh hỏi thăm đến đúng gia đình Tuyến. Cầm chén nước chè mãi trên tay mà không sao uống được, anh ấp úng:

- Cháu… con là bạn… cùng đơn vị, nhà ngay… Nam Định. Con mới ra…

- Tuyến thế nào con?

- Tuyến… Tuyến… đã hy sinh rồi, mẹ ơi. – Nói rồi anh lấy hai tay ôm mặt.

- Thật vậy hả con? – mẹ Liên òa lên, nức nở.

Trong nước mắt, anh đã kể lại toàn bộ câu chuyện Tuyến hy sinh. Trong một trận đánh ác liệt diễn ra ở Biên Hòa, ngay trong giây phút mở cửa đột phá, anh đã trúng đạn. Ngày Tuyến ra đi là ngày 23 tháng 3 năm 1974, chỉ còn hơn một năm nữa là cả nước có hòa bình!

Nước mắt ướt đẫm hai gò má, bà lặng im gồng mình lên chịu đựng: Có mất mát thì con trai mình cũng chỉ là một trong hàng chục vạn đứa con của đất nước này! Quá đau buồn, bà đã lên báo với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Ngay sau đó, các đồng chí đã cử cán bộ sang tìm gặp đồng đội của anh tại Nam Định. Mọi thông tin được xác nhận.

Đến ngày 17 tháng 11 năm 1976, gia đình nhận được bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Nửa năm sau, ngày mùng 1 tháng 5 năm 1977, Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình mới chính thức gửi giấy báo tử về cho gia đình(?). Và chục năm sau, ngày 2 tháng 7 năm 1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã ký quyết định truy tặng liệt sĩ Bùi Thọ Tuyến Huân chương Kháng chiến hạng Ba vì công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày Thương binh, liệt sĩ năm nay, các bạn khóa 8 đã tổ chức đến thăm mẹ Liên và gia đình. Mẹ sống với Bùi Thị Cầm, em gái Tuyến, gần làng SOS Cầu Giấy. Đã qua tuổi 81, cách đây mấy năm mẹ vừa trải qua một trận tai biến mạch máu não nên đi lại khó khăn. Mong ước của mẹ là làm sao tìm được nơi Tuyến yên nghỉ, để một lần đến thăm.

Niềm ao ước tưởng như đơn giản ấy, vậy mà gần 30 năm qua không thực hiện được! Mẹ thương yêu, sau bao nhiêu năm lưu lạc nay mới tìm được mẹ và chúng con sẽ là người cố gắng sớm tìm kiếm để Bùi Thọ Tuyến được về với mẹ!

 

Tìm được mẹ Liên nhân 27-7-2003
L.T.D

 


Các bạn khóa 8 thân mến!

Xin mời các bạn đến thăm mẹ liệt sĩ Bùi Thọ Tuyến.

Hiện nay, mẹ Nguyễn Thị Hồng Liên sống không xa Làng SOS Cầu Giấy, điện thoại 04-7640064.




* - Đại tá, Cục Tác chiến điện tử , Bộ tổng Tham mưu.