Hồi giữa năm ngoái 2007, tôi đã viết về Cha tôi – Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – nhân dịp kỷ niệm 40 năm ông qua đời ("Kỷ niệm về cha tôi"-nvtk6). Sau đó, người thân và các em cứ giục: “Chị viết đi, viết hồi ký về Ba, về Mẹ, về gia đình mình…”, nhưng tôi không thực hiện được lời hứa.
Một phần là khi đã nghỉ hưu, không ngờ công việc cũng bận rộn không kém khi còn công tác, nhưng lý do chính là rất nhiều lần đã ngồi trước trang giấy mà không biết nên bắt đầu như thế nào….
Có những điều đã qua thật ngọt ngào và hạnh phúc, để lại những ký ức không quên, ngày tháng trôi và những dấu mốc thời gian càng làm cho thêm sâu đậm – nhất là mỗi khi có một sự kiện nào đó, một dấu mốc thời gian khơi dậy quá khứ hào hùng của lịch sử Dân tộc và Cách mạng thì ký ức lại tràn về, đầy ắp, tinh khôi.
Trước năm mới 2008, tôi không thể không nhớ về kỷ niệm Tết Mậu Thân 1968, nhớ đến lần Bác Hồ cho gọi gia đình tôi vào Phủ Chủ tịch ăn cơm với Bác mà tôi không kịp về. Mẹ và các em tôi đã kể lại thật nhiều về ngày hôm ấy như để an ủi tôi không gặp được Bác và cũng cho tôi như được có mặt khi Bác đã hỏi thăm và nhắc đến tôi. Tất cả những câu chuyện, lời kể ấy càng làm tôi sâu sắc nhớ, hạnh phúc và hoài niệm…
Khi ấy, Cha tôi vừa mất được 6 tháng. Cha mất, gia đình tôi lại mỗi người mỗi nơi. Ba chị em gái: tôi, Kim Sơn và Thành quay lại học tại trường Nguyễn Văn Trỗi ở Quế Lâm, Trung Quốc. Vịnh về Hà Tây sơ tán cùng bà nội và ông bà ngoại, chỉ còn một mình Mẹ ở lại Hà Nội tiếp tục công tác tại Tổng cục Chính trị.
Một ngày giáp Tết, các em tôi được Tổng cục Chính trị đón gấp về Hà Nội, chúng tôi chưa rõ là có việc gì, cả Mẹ cũng vậy và cả nhà cùng lo lắng, đoán già đoán non… tới sáng hôm sau chúng tôi mới biết là được Bác Hồ cho gọi cả gia đình vào gặp Người. Buổi gặp mặt hôm đó có gia đình tôi, Mẹ cùng các em; gia đình chú Nguyễn Sơn, gia đình bác Trần Đăng Ninh.
Khi vào đến Phủ Chủ tịch, mọi người rất ngạc nhiên khi không được đưa tới Nhà sàn của Bác, mà lại rẽ vào một ngôi nhà nhỏ của người thợ điện trước đây, khi đó đã được sửa sang lại.
Bác bảo: “Mỗi khi làm việc một mình hay tiếp người thân, Bác thường sang bên này cho tiện, đỡ lên xuống rườm rà”. Bác đón mấy gia đình từ cửa, và dẫn mọi người ra sân chụp ảnh, ai cũng muốn đứng cạnh Bác, nhưng Bác bảo: “Các cô đứng cạnh Bác, còn cu Vịnh đứng dưới chân!” - vì khi ấy nó bé nhất nên được ưu tiên. Tấm ảnh ấy, cho đến nay vẫn là tài sản quý giá nhất của mấy gia đình, và luôn được treo ở chỗ trang trọng nhất.
Lúc đó Bác Hồ vẫn khỏe, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt Người khi tin chiến thắng từ miền Nam ruột thịt dồn dập báo về. Người ân cần thăm hỏi các bà mẹ, cho kẹo và hỏi han chuyện học hành tu dưỡng của những đứa con, mọi người quây quần bên Bác như những người con, đứa cháu trong gia đình.
Tất cả mọi người đều tràn ngập trong hạnh phúc và niềm vui quá lớn, nhưng cũng hiểu là, Bác Hồ người lãnh đạo tối cao của đất nước, dù vô cùng bận rộn dồn tâm sức cho chiến trường, nhưng Bác vẫn nhớ đến và dành thời gian để gặp gỡ gia đình những người đã mất, những học trò ưu tú và gần gũi của Bác, những người đã đóng góp công lao và xương máu nhưng không được chứng kiến ngày chiến thắng.
Bác nói với Mẹ tôi và các cô: “Chúng ta thắng lớn lắm, toàn Dân tộc, Bác, Trung ương và Bộ Chính trị đã dồn tất cả công sức cho chiến thắng này, nhưng sao lúc này Bác nhớ các chú ấy quá!”. Tất cả mọi người lặng đi, xúc động và choáng ngợp trước tình cảm vĩ đại của vị Cha già.
Rồi Bác mời mọi người ăn kẹo, bánh chưng, mứt Tết. Bác rất vui và hài lòng khi thấy mấy anh chị em đều mặc đồng phục thiếu sinh quân trông ai cũng chững chạc. Riêng thằng Vịnh hôm ấy được mẹ diện cho quần kaki, áo len xanh cổ lọ, đi ủng Trung Quốc.
Bác cười bảo: “Cu Vịnh ăn mặc diện thế này thì thành công tử Bạc Liêu rồi”. Mẹ áy náy lắm, nhưng nó thì chả ngượng gì cả, cứ sà vào lòng Bác đòi ăn kẹo, đòi hôn Bác. Nhưng từ hôm đó, cứ cho quần áo đẹp là nó không mặc nữa, nó bảo nó không thích làm công tử Bạc Liêu.
Bác hỏi chuyện sức khỏe, công tác của các bà mẹ, hỏi chuyện học hành của từng đứa trẻ con, và Bác vui lắm, khi đứa nào cũng báo cáo với Bác là học hành tiến bộ.
Bác hỏi Mẹ tôi: “Cháu Hà học hành tu dưỡng tốt, thế cháu đã được vào Đảng chưa?”. Mẹ tôi thưa chưa, vì còn chưa đến tuổi. Bác bảo: “Cô về nhắc cháu cố gắng phấn đấu, để khi đến tuổi thì đủ tiêu chuẩn đứng trong hàng ngũ của Đảng”. Tôi không ngờ, lời dặn ấy của Bác mấy tháng sau trở thành sự thật.
Rồi chú Vũ Kỳ bảo: Các cháu hát bài nào cho Bác nghe đi, thế là tất cả mấy chị em trường Trỗi đứng lên cùng hát bài “…năm qua thắng lợi vẻ vang, năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to…”, Bác nghe chăm chú và khen các cháu hát hay, cũng may là mấy anh chị em vừa tập bài hát ấy ở trên trường, nên hôm ấy hát đều và hùng dũng lắm.
Ngồi một lát, biết là Bác bận lắm, nhưng không ai muốn về. Đến khi chú Vũ Kỳ nhắc khéo, tất cả mọi người mới đứng dậy xin phép Bác ra về. Bác bắt tay, cho kẹo mang về và căn dặn từng người, riêng thằng Vịnh, Bác cho nó hôn mấy lần, khi nào kêu thật to mới thôi – mấy anh chị em ai cũng ghen tị với nó – vì là trẻ con nên được Bác cưng quá.
Rời Phủ Chủ tịch, trên xe không ai nói với ai câu nào, mỗi người nghĩ về Bác theo cách riêng của mình, nhưng có lẽ đều giống nhau một điểm là thấy trong lòng thật thanh thản và bình an, dường như bớt đi, quên đi nỗi nhớ, nỗi đau khi nghĩ về người thân của mình đã khuất. Và trong cả mùa xuân đầu tiên gia đình tôi đón Tết không còn Cha ấy, thật thiếu vắng và nhớ Người, nhưng không hề thấy buồn tủi và cô đơn – bởi niềm vui, niềm tin và hạnh phúc khi được gặp Bác.
Trong năm ấy, tôi tốt nghiệp lớp 10. Đúng ngày sinh nhật lần thứ 18, ngày 13/8/1968, tôi được kết nạp Đảng tại trường Nguyễn Văn Trỗi, và đó cũng là ngày tôi gia nhập quân đội, về Trung đoàn 205 Binh chủng Thông tin. Các chú báo cáo Bác và Bác đã gửi lời khen tôi. Thật trong đời, không có một thành công nào, không có một hạnh phúc nào, không có niềm tự hào nào lớn lao hơn khi tôi đã làm được một điều – dù rất nhỏ, mà Bác Hồ kính yêu mong muốn.
Nhớ về Tết Mậu Thân 1968, nhớ về ngày gia đình mình được gặp Bác năm ấy, tôi mới càng hiểu sự vĩ đại, tấm lòng nhân hậu, tình người và tình đồng chí đã vượt lên trên cả tình cảm đời thường của Người. Người đã cùng những người phụ nữ thật bình thường, những đứa trẻ thật bình thường, nhưng cũng thật gần gũi sẻ chia niềm vui thắng lợi và cũng trầm ngâm tiên liệu những khó khăn gian khổ mà dân tộc ta, mỗi gia đình chúng ta, mỗi chiến sĩ, đồng bào, con người Việt Nam sẽ còn phải vượt qua, phải hy sinh nhiều hơn nữa cho ngày toàn thắng.
Và chúng tôi – những đứa con, dù lúc đó chưa hiểu hết nhưng trong tâm thức đều đinh ninh một điều rằng: Cuộc kháng chiến ấy không chỉ là của Bác, của Cha Mẹ mình, mà đến lượt chúng tôi – thế hệ thứ hai của cuộc cách mạng – cũng sẽ tiếp tục con đường ấy cho đến ngày toàn thắng. Quả nhiên như vậy, học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi ngày ấy, khi ra trường tất cả đều vào bộ đội.
Và trong số chúng tôi, có nhiều người đã trở thành anh hùng, thành những tướng lĩnh, những cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội – nhưng những người mà đến bây giờ được nhắc tên nhiều nhất là những bạn bè tôi đã ngã xuống ở chiến trường.
Trong niềm vui ngày xuân và trong ánh hào quang của ngày Chiến thắng, Bác đã dành thời gian gặp mặt người thân của những người đã mất, không kịp chứng kiến ngày Chiến thắng vĩ đại của đất nước và dân tộc – truyền cho chúng tôi một tình cảm thật lớn lao, sâu nặng, thấm đẫm phong cách Hồ Chí Minh. Đó là Bác Hồ, người Cha kính yêu của tất cả mọi người dân Việt Nam, và của riêng trong trái tim mỗi người.
Ngày 1/1/2008
Nguyễn Thanh Hà
Bài đã đăng tại:
"Tiền Phong Online" Thứ Tư, 02/01/2008, 10:32, và
"Việt Báo // " Thứ tư, 02 Tháng một 2008, 10:32 GMT+7
1 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>