16 - Anh em tôi vinh dự được viếng Bác - Trần Thành Công K6, SRTKL2: 76- 78
Thứ Hai, tháng 6 30, 2008è năm 1969, vì một hoàn cảnh đặc biệt, mẹ tôi ốm nặng phải điều trị ở Trung Quốc mà sáu chị em tôi được tổ chức cho sang Bắc Kinh thăm mẹ. Cuối tháng 8, hết kì nghỉ hè, các bạn đều đã tập trung lên trường. Vì trở về nước hơi muộn nên chúng tôi còn được ở Hà Nội rốn thêm dăm ngày. Cuối tháng 8, dân chúng ở thủ đô phong phanh nghe tin Bác ốm nặng. Cả nước bao trùm không khí lo âu. Sinh nhật thứ 79 của Bác vừa mới cách nay mấy tháng, lẽ nào… Ai cũng cầu mong cho Bác chóng qua khỏi. Có hôm, rủ nhau đạp xe qua đường Hùng Vương, ngó vào Phủ Chủ tịch, anh em tôi hy vọng sẽ thu lượm được thông tin gì. Nhưng trong vườn tịnh không một bóng người. Chạy đến nhà Vũ Quang, Vũ Vinh (con chú Vũ Kỳ, thư kí cho Bác) để moi tin, thì hai đứa đã lên trường. Tạt qua Văn phòng Trung ương hỏi dò thì các chú chỉ nói Bác đang ốm. Những ngày ấy thật u ám, ngột ngạt. Trời như sắp có giông!
Chiều mùng 3 tháng 9, cảm thấy có điều gì khác thường, chị tôi gọi điện lên Văn phòng thì biết Bác đã mất, trưa nay1. Cả nhà khóc ầm lên. Một cú sốc quá lớn, cho dù đã được chuẩn bị tư tưởng từ trước. Tôi chạy ngay ra cổng, gặp bất kì ai cũng báo: “Bác mất rồi!”. Rồi tin buồn được báo từ nhà này sang nhà khác. Không ai tin, cho dù đó là sự thật! Cáo phó, kế hoạch quốc tang được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ ngày mùng 3, trời đổ mưa, nhưng ở các góc phố, nơi có đặt loa phóng thanh, thì đông nghịt người, ai cũng nước mắt ngắn nước mắt dài. Họ khóc đón nhận tin buồn dưới trời mưa tầm tã. Đúng là “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Mất mát lớn quá!
Chúng tôi bàn nhau phải tìm cách đi viếng Bác, nhưng chẳng biết dựa vào cơ quan nào, vì bố đã mất, mẹ thì đang ở xa. Anh em thống nhất cứ liên lạc thường xuyên với Văn phòng Trung ương, hy vọng sẽ được các chú bố trí cho đi viếng vì gia đình thuộc diện quản lí của Văn phòng.
Ngày mùng 5, từ sáng sớm, khi tôi đạp xe lên Nguyễn Cảnh Chân đã thấy hàng vạn cán bộ, nhân dân, đứng dưới mưa, xếp hàng suốt từ Cửa Nam lên đến tận đường Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ. Các ngả từ Nguyễn Thái Học, Quán Thánh, Phan Đình Phùng… có hàng nghìn đoàn xếp hàng, hướng về Quảng trường Ba Đình.
Các gia đình cán bộ do Trung ương quản lí được bố trí chờ ở hội trường số 6 Nguyễn Cảnh Chân. Gần trưa, đoàn được lệnh xếp thành hàng, đi qua câu lạc bộ Ba Đình để sang Nhà Quốc hội. Tại đây, gặp hàng trăm đoàn của nhân dân các tỉnh, thành, cùng xếp hàng vào viếng. Các em thiếu nhi, đeo khăn quàng đỏ, người đẫm nước mưa, có mặt từ sớm. Các cụ ông, cụ bà ở các tỉnh, trong trang phục truyền thống mặc áo the, đội khăn xếp, chít khăn mỏ quạ, tay cầm theo những thẻ hương và những bó huệ lớn. Vì công tác an ninh, các đồng chí công an yêu cầu các cụ khi vào viếng không mang theo hương, hoa. Cụ nào cũng ngậm ngùi: “Các chú nói thì chúng tôi nghe. Nhưng dù sao, đây cũng là tấm lòng của dân quê chúng tôi với Bác.” Mắt ai cũng đỏ hoe, trên ngực đều cài băng quốc tang có dải đen trên nền đỏ. Mưa vẫn như trút nước.
Để không kéo dài thời gian, các đoàn nhân dân được bố trí đi theo cửa ngách vào bên trong hội trường. Mỗi khi có đoàn khách quốc tế, bạn bè năm châu vào viếng thì dòng người tạm dừng lại. Giữa hội trường là hàng nghìn vòng hoa tươi của các đoàn đến viếng. Hương khói nghi ngút. Điệu nhạc “Chiêu hồn tử sĩ”, “Lãnh tụ ca” được cử trầm hùng. Quanh linh cữu Người, bốn sĩ quan cấp tướng đứng túc trực. Nằm trong hòm kính, Bác vẫn mặc bộ ka-ki ngày nào, hai tay đan vào nhau đặt trước bụng. Trông Bác như một ông tiên, râu tóc bạc phơ, hai mắt khẽ nhắm như đang ngon giấc. Khi nhìn thấy Người, không ai có thể cầm được nước mắt. Những tiếng nấc nghẹn lòng. Đâu đó có tiếng nhắc: “Đừng khóc nhiều để còn được nhìn thấy Bác!”. Đoàn người như muốn dừng lại trước linh cữu Bác. Chúng tôi cố nén lòng mình, lặng lẽ đi vòng quanh thi hài Người và cố gắng thu lại hình ảnh cuối cùng của Bác. Trông Bác thật nhân đức, hiền từ. Dòng người cứ lặng lẽ đi qua. Ra khỏi Hội trường Ba Đình mà lòng đau đớn, ngẩn ngơ. Không hiểu bao giờ Việt Nam ta mới có được người thứ hai như Bác?
Cũng vì may mắn mà anh em tôi có được vinh dự hơn các bạn lính Trỗi, đến vĩnh biệt Bác ngày Người đi xa. Như anh em Trỗi, chúng tôi nguyện cố gắng sống thật tốt theo gương Bác. Đến giờ này, có thể nói, lính Trỗi đã làm đúng như những gì đã hứa!
T.T.C
* - Giám đốc Doanh nghiệp dệt-may-thêu TTC.
1. - Vì hoàn cảnh lúc bấy giờ, ngày Bác mất được thông báo cho nhân dân cả nước là 3-9-1969.
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>