32 - CHU TẤN QUANG - Rực sáng tên anh! - Trần Kiến Quốc K5, SRTKL2: 142-146



CHU TẤN QUANG
Rực sáng tên anh!


Ghi chép theo lời kể của đồng đội
và mẹ liệt sĩ Chu Tấn Quang
KIẾN QUỐC

Quang sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ba là ông Chu Tấn Đạt, người đã góp công xây dựng nên ngành quân giới Nam Bộ hồi kháng chiến 9 năm; mẹ là bà Trần Thị Ngọc Lưu – một cán bộ miền Nam tập kết. Đến tháng 10 năm 1965, khi chiến tranh chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt trên phạm vi cả nước, Quang được tuyển chọn vào trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Những năm tháng học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội đã tạo dựng trong anh bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng.

Cuối năm 1971, khi đang là sinh viên Đại học Sư phạm 2 Hà Nội, Quang xung phong tòng quân chống Mỹ. Vì ba anh đang tại ngũ nên Quang chưa phải đi đợt này, nhưng anh đã nằn nì với mẹ: Chờ học xong sợ sẽ hết giặc! Ngày 22 tháng 12 năm ấy, Quang đạp xe chở mẹ xuống tận Cầu Giấy, vào trường gặp thầy Thanh (Chủ nhiệm khoa Công nghiệp) để ký vào đơn, đồng ý cho con nhập ngũ. Ít ngày sau, Quang về khoe: “Hôm nay, con cùng anh em đã chích máu ký vào lá cờ truyền thống của Đoàn trường. Đợt này, 300 sinh viên các trường Sư phạm cùng 30 thầy giáo được biên chế về cùng một tiểu đoàn huấn luyện. Vui lắm! Anh trai của Hiền, bạn gái con ở phố Nhà Thờ, cũng đi đợt này. Mai tập trung…” Sáng mùng 3 tháng giêng năm 1972, các “tân binh Sư phạm” được thầy cô giáo, bạn bè và gia đình lưu luyến tiễn lên đường, hẹn ngày chiến thắng trở về. Trong số người đi tiễn, Quang thấy bóng Hiền đứng vẫy mãi.

Ngày 17 tháng giêng năm 1973, đơn vị lên đường vào Nam. Tết năm ấy, anh viết thư về báo tin đơn vị đang hành quân dọc Trường Sơn. Vượt qua gian khó, tiểu đoàn sinh viên đã vào tới Nam bộ, bổ sung cho sư đoàn 5. Tại đây, anh được biên chế vào đại đội 2, tiểu đoàn 4, trung đoàn 2.

Tuy thất bại nặng nề ở khắp chiến trường, giặc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam và rút quân về nước, nhưng chúng vẫn dùng ngụy quyền tiếp tục chiến tranh bằng kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng. Càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan, nhất là khi phải đối mặt trực tiếp với lính ngụy. Vì thành tích chiến đấu, Quang được đề bạt trung đội phó. Cuối năm 1973, tại Bù Bông (thuộc tỉnh Quảng Đức cũ), trung đội anh được giao chốt giữ trên một quả đồi.

Anh em trong đơn vị luân phiên trực chiến, đánh trận trước, nghỉ trận sau. Đêm hôm trước vừa dẫn anh em đi dẹp mũi đánh nống ra của địch, lẽ ra hôm nay được nghỉ nhưng có đồng đội bị thương, anh xung phong trực thay. Có báo động, ba tiểu đoàn ngụy đang dàn quân lấn chiếm. Quang chỉ huy trung đội dàn trận và chặn đứng mũi tiến công chính diện của địch. Thừa thắng xốc tới, Quang xách AK xông vào đội hình giặc. Đồng đội thương vong gần hết, tương quan lực lượng chênh lệch. Không may, anh đã lọt vào vòng vây. Điểm xạ ba phát một, Quang nã gần hết ba băng mà địch vẫn đông như kiến. Vòng vây xiết chặt. Khẽ bóp cò, nghe tiếng “cạch” khô khốc. Hết đạn! Lạnh lùng bật chốt dương lê, anh sẵn sàng đánh giáp lá cà. Không quên “thất tuyệt kỹ” trong bài “đâm lê quyết thắng”, được thầy Trần Sinh dạy ngày còn ở trường Thiếu sinh quân cùng những bản lĩnh tôi luyện trong chiến tranh, mắt hằn lên những tia máu, Quang đã dùng lưỡi lê và báng súng hạ thủ ba tên địch. Vừa nhứ mũi lê sang bên trái thằng thứ tư thì nó nhanh tay đánh mũi súng gạt chéo xuống. Nhanh như chớp lật báng súng, anh chọc ngược mũi lê trúng tim. Máu ộc ra xối xả, hắn đổ vật xuống đất làm lưỡi lê gẫy đôi. Khi tên thứ năm xô từ sau tới, anh chỉ kịp ngồi thụp xuống. Thân nó nhào qua đầu. Và cuộc vật lộn bắt đầu… Đã mất quá nhiều sức trong trận giáp chiến. Mặc! Dùng hết sức quật ngã và đè lên người tên địch, thừa cơ anh cắn đứt cổ hắn. Tên địch cong người lên thở hắt. Hành động dũng cảm của chiến binh Việt cộng khiến những tên còn lại khiếp vía tháo chạy. Xa xa, tiếng súng AK của quân ta đang đến chi viện… Cũng đúng thời khắc ấy, một tên địch nấp sau bụi cây nhắm Quang siết cò. Tay phải Quang chỉ kịp đưa lên nơi trái tim, rồi tắt thở. Trời chạng vạng, lúc đó quãng 6-7 giờ tối ngày 29 tháng 12 năm 1973.

* * *

… Sau ngày toàn thắng, trung tá Chu Tấn Đạt được giao nhiệm vụ tiếp quản trường Quân cụ Gò Vấp (thuộc Tổng cục kỹ thuật tiền phương ngụy). Tháng 8 năm 1975, ngày trung đoàn 2, sư 5 tổ chức tổng kết chiến dịch, ông đã được mời dự cùng với Chính uỷ Trần Đăng Thạch. Trước lễ mừng công, đơn vị cử hai cán bộ mang theo sơ đồ mộ chí, đưa ông đi tìm mộ Chu Tấn Quang. Mới có hai năm mà trên mộ đã đùn lên một tổ mối lớn. Khi đào lên, thấy thi thể Quang còn nguyên vẹn, bàn tay phải vẫn đặt nơi trái tim, đồng đội và ông đã thắp hương chôn Quang lại vị trí cũ. Khi chia tay, đơn vị hẹn ngày bốc mộ tập thể sẽ báo cho gia đình.

Rồi chiến tranh biên giới, sư 5 lại lên đường… Cho đến giờ, 27 năm đã trôi qua vẫn không hề có một thông tin gì về Quang. Sau ngày ông Đạt mất, gia đình cùng đồng đội nhiều lần cất công lên Bù Bông tìm mộ phần của anh. Nhưng thời gian trôi qua, cảnh xưa đổi thay cộng với sự tàn phá của con người, việc tìm kiếm trở nên vô cùng khó khăn.

Các bạn khóa 6 đến thăm gia đình liệt sĩ Chu Tấn Quang

Các bạn khóa 6 đến thăm gia đình liệt sĩ Chu Tấn Quang

Nhân 27 tháng 7 năm nay, mấy đứa bạn thuở Thiếu sinh quân rủ nhau đến thăm gia đình. Mẹ Lưu đưa chúng tôi lên thắp nhang cho Quang. Di ảnh bạn đặt bên cạnh bảng vàng “Tổ quốc ghi công” cùng huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba. Mẹ tâm sự: “Sau ngày hy sinh, với hành động anh hùng của Quang, đơn vị có ý định lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng. Song nghe nói chưa đủ tiêu chuẩn vì khoác áo lính mới có 2 năm…”

- Thế còn 5 năm Thiếu sinh quân? – Ai đó thắc mắc.

- Mà thôi các con ạ, cái quý nhất là bạn bè, đồng đội và cánh lính sinh viên không quên Quang. Cảm phục trước hành động anh hùng của Quang, Phạm Ương - một lính sinh viên - đã sáng tác bài hát “Nhớ thương Chu Tấn Quang”. Ngày ông Đạt lên thăm đơn vị, trong đêm văn nghệ, hai anh Đức Cường và Hoàng Hải vừa khóc vừa đệm đàn cho Quốc Tuấn hát bài đó. Ba nó đã ghi băng cassette và gửi ngay ra Hà Nội cho gia đình, khi đó, cô và các em đang sống ở khu tập thể Cao-Xà-Lá…

Mẹ Lưu rưng rưng nước mắt bật máy cassette cho chúng tôi nghe lại bài ca. Đã 27 năm trôi qua, chất lượng băng từ đã giảm, nhiễu tạp nhiều nhưng vẫn nghe rõ lời ca:

Miền Nam quê hương anh,
lửa đấu tranh đêm ngày rực cháy
Cần Thơ quê hương anh, lửa hờn căm trút lên nòng súng
Đạn pháo quân xâm lăng tàn phá quê hương anh
Hờn căm đang chất lòng giục gĩa anh lên đường
Chu Tấn Quang ơi! Lưỡi lê anh chói ngời,
rực sáng tim muôn người cùng xông lên giết thù
Trận địa khắp nơi nơi dào dạt nhớ thương anh
– người chiến sĩ trung kiên bất khuất
Lưỡi lê căm hờn tỏa lên ánh thép,
bè lũ tay sai khiếp vía kinh hồn
Vì miền Nam yêu thưong, vì miền Nam quê hương,
trên tuyến đầu anh đứng hiên ngang
Từng phút giây hướng về Thủ đô thân yêu,
Bước trên đường quê hương chiến thắng
còn in dấu chân anh.
Chu Tấn Quang ơi, Chu Tấn Quang ơi!


Sài Gòn, đầu Thu 2002
K.Q