30 - Đáp số của bài toán - Trần Minh Sơn K5, Hoàng Long, SRTKL2: 132-134
Thứ Hai, tháng 6 30, 2008Ghi theo lời kể của Trần Minh Sơn (khóa 5)
HOÀNG LONG thực hiện
Trong lần họp mặt của học sinh khóa 5 ở phía Bắc, cuối năm 2002, Lê Hòa Bình đưa đến một lô sách “Sinh ra trong khói lửa”. Sách thật đẹp và nội dung khá hay. Mừng quá, ai cũng tranh thủ mua ít nhất một cuốn làm kỷ niệm. Mang thiếu tiền, lại bị “bệnh sĩ”nên tôi chưa có sách trong tay, thấy vậy, Tuấn “sệu” thông cảm cho mượn (vả lại cuốn sách của Tuấn được anh em trong Nam “kính biếu” lúc vào thành phố Hồ Chí Minh công tác). Về nhà, tôi dở ra đọc say sưa, tất cả tuổi thơ dường như được tái hiện giống một bộ phim tài liệu đang quay trước mắt. Và có một bài khi đọc, tôi xuýt la lên: “Thì ra là nó!”…
… Sau khi ở Trung Quốc về Hưng Hóa, tháng 10 năm 1968, tôi lên trường Trung cấp Quân giới, học bổ túc hết chương trình lớp 10. Tại đây, tôi có gặp Nguyễn Thế Bắc (Bắc “bu”). Đến tháng 5 năm 1969, xung phong nhập ngũ, tôi được điều về sư 320B, đóng quân ở Hòa Bình. Sau bốn tháng huấn luyện ở Ninh Bình, đơn vị lên đường đi B với mật danh là Đoàn 2232. Tháng 4 năm 1970, đơn vị vượt Trường Sơn qua Lào và xuôi đường Hồ Chí Minh, dọc Trường Sơn tây về Ngã ba Đông Dương. Từ đất Campuchia chúng tôi vượt biên giới về Tây Ninh rồi tới đóng quân ở Đức Hòa, Đức Huệ, thuộc tỉnh Long An. Đơn vị mới là Đoàn Hoa Lư, trung đoàn 3, tiểu đoàn 8.
Một đêm sau Tết Tân Hợi (đầu 1971), tôi được tiểu đoàn cử đi đón tân binh ở Binh trạm 31 (Đầm Be). Đã nửa đêm, trời se lạnh và tối như bưng, không rõ mặt người. Cả trăm lính mới của Đoàn 2296, sau hàng tháng trời ròng rã “xẻ dọc Trường Sơn”, nay đã có mặt tại đây. Ở điểm nhận quân, cán bộ quân lực cầm đèn pin có điểm sáng chỉ vừa bằng hạt đỗ, soi lên danh sách đọc tên từng người. Đến tên ai, người đó hô to: “Có!” và bước sang một bên, nơi đơn vị tiếp nhận. Ở Đoàn 2296 về, lần này, lính Hải Hưng có năm người, trong đó có Nhân. Vì đã khuya, trời tối nên chẳng thấy được mặt mũi cánh lính mới ra sao, chỉ nghe được mỗi tiếng “có” cũng không thể nhận ra bạn mình. Giao nhận quân xong, các tiểu đoàn nhanh chóng đưa anh em về đơn vị.
Vốn là “lính cũ”, sẵn có quan hệ với anh em trong trung đoàn, tôi được nghe họ kháo nhau ở tiểu đoàn 7 có Nhân mới về, từng là thiếu sinh quân ở Quế Lâm (Trung Quốc). Điểm lại anh em trong trường, tôi nhớ lớp trên (khóa 3 và 4) có tới hai người tên là Chí Nhân, nhưng khi tả khuôn mặt và dáng người thì anh em nói không phải, Nhân này trẻ hơn. Thời gian trôi qua, mỗi tiểu đoàn đóng quân xa nhau đến cả chục cây số, không có dịp nào gặp Nhân để hàn huyên, rồi tác chiến liên miên. Ngay cả khi Nhân hy sinh tôi cũng không hề biết. Ngày đó thanh niên miền Bắc vào Nam chiến đấu hy sinh nhiều lắm…
… Hết chiến tranh, tôi may mắn trở về. Hai mươi tám năm sau, khi ngồi nhà đọc đến bài “Đi tìm mộ liệt sĩ Phạm Văn Hạo”, tôi đã bật khóc. Thật không thể ngờ Phạm Vũ Nhân lại chính là bạn chiến đấu trong cùng trung đoàn 3 (Đoàn Hoa Lư) với tôi. Và Nhân không phải ai xa lạ mà chính là Phạm Văn Hạo cùng đại đội, cùng khóa 5, suốt mấy năm ở trường Trỗi. Ngày ở trường, hắn mộc mạc lắm; buổi sinh hoạt văn nghệ nào cũng có tiết mục sáo trúc của Hạo “cồ”. Hạo của chúng ta đã cả gan thay cả tên, đổi cả họ, dấu cả bố mẹ để được đi bộ đội (vì bố đang là sĩ quan, nếu cứ đăng ký tòng quân bằng tên thật thì bị truy ra ngay). Sự liều lĩnh có suy nghĩ này có lẽ chỉ có ở “lính Trỗi”?!…
Tôi còn nhớ lần đi chuẩn bị chiến dịch “Chen-la 2”, vào tháng 2 năm 1971, ở phía đông Lộ 7 (thuộc tỉnh Công-pông Chàm), sát đường biên. Lần đó tôi có ghé qua tiểu đoàn 7 tìm Nhân nhưng không gặp. Nhân cùng đơn vị đi lấy gạo. Ít ngày sau, vào một đêm tháng 4, tiểu đoàn tôi và tiểu đoàn 7 của Nhân đã tập kích cứ điểm Vót-thơ-mây, quần nhau với sư 25 biệt động quân. Trận này, quân ta toàn thắng. Có khả năng trong trận này Nhân bị thương nặng và được đưa về Binh trạm tiền phuơng T1 rồi mới hy sinh.
Khi các bạn trong Nam báo cho tôi địa chỉ của anh Phạm Văn Hiển, anh trai Hạo, tôi đã tìm gặp vợ chồng anh. Lần đó, khi nói chuyện chắp nối các quan hệ và sự kiện, tôi chợt nhớ trong trung đoàn còn có một đồng đội tên là Môn, đồng hương với Hạo, cùng Đoàn 2296, dân Thanh Hà. Sau chiến tranh, anh đã trở về và biết khá nhiều về Hạo. Tôi sẽ cố gắng liên lạc với Môn, hy vọng anh sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về liệt sĩ.
Rất cám ơn “Sinh ra trong khói lửa” tập I! Bởi cuốn sách đã cho tôi một đáp số của bài toán đặt ra cách đây hơn 30 năm.
H.L
Khi viết xong bài này thì chúng tôi nghe tin Tuấn “sệu” bị tai biến mạch máu não, phải nằm viện. Cầu mong cho bạn chóng khỏi để còn có mặt trong những buổi sinh hoạt truyền thống.
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>