44 - Lời chào vĩnh biệt - (BBT) - SRTKL2: 197-200



Lời chào vĩnh biệt !


BAN BIÊN TẬP

Chiều Chủ nhật, 27 tháng 7 năm 2003, trên VTV1 có truyền hình trực tiếp cuộc mạn đàm về Chính sách với những người có công. Cũng hôm đó, có thư từ Hà Nội vào gửi kèm những thông tin về liệt sĩ nhỏ tuổi nhất trường - Bùi Thọ Tuyến. Chúng tôi đã liên lạc ngay với em gái Tuyến. Sáng nay, em đã fax cho tôi bức thư kèm theo lá thư cuối cùng của Tuyến gửi về gia đình.

 

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2003

Xin gửi Ban Biên tập “Sinh ra trong khói lửa” lá thư cuối cùng của anh Tuyến, viết cho người anh họ (con ông bác ruột), trên đường hành quân vào Nam. Gia đình em không còn giữ được lá thư nào nữa.

Mong rằng đọc lá thư này, các anh sẽ hiểu hơn về người đồng đội của các anh.

Em gái – Bùi Thị Cầm

* * *

Thư Tuyến viết vội vàng, vỏn vẹn trên hai trang giấy nhưng chứa đầy tâm huyết của người lính trẻ, sẵn sàng ra đi vì nghĩa lớn. 

lá thư cuối cùng của anh Tuyến, viết cho người anh họ (con ông bác ruột), trên đường hành quân vào Nam
 

Hà Tĩnh, ngày 14 tháng giêng năm 1972

Anh Chúc kính mến!

Hôm nay, sau khi hành quân từ Vinh về đây, bọn em nghỉ để chờ ôtô vào Quảng Bình. Em vội viết mấy dòng về cho anh.

Anh Chúc ạ, vào đến đây, em được trang bị đầy đủ như cho một người lính chiến. Sơ sơ cũng 30kg, vì đi xa nên phải mang nhiều thứ. Bọn em còn hành quân vào tận B2, đường hành quân dài đến 2000km và sẽ sống, chiến đấu ở ngoại ô Sài Gòn. Thế là, hôm nay còn trên đất Hà Tĩnh thì mai, chỉ sáng mai thôi là chân chúng em đạp “trên triền núi cao Trường Sơn” rồi.

Anh Chúc yêu quý! Em cũng đã nhiều lần đi xa, nhiều lần xa nhà, nhưng phải nói thật rằng, lần này khi tầu chuyển bánh, lòng em xao xuyến vô cùng. Cũng không hiểu vì sao?! Nhìn cột cây số cứ vun vút lùi lại phía sau: Hà Nội - 20km, rồi 30, 100, 150, 200, ngày càng xa dần, xa dần, rồi không nhìn thấy gì nữa. Nước mắt em muốn trào ra, điều mà cách đây 10 năm về trước em tưởng rằng sẽ không bao giờ có nữa.

Anh Chúc ạ! Nếu như có một nhà văn đi cùng trên chuyến tầu này thì sẽ tả chuyến đi này của bọn em như thế nào? Chỉ tiếc rằng em chỉ là một anh lính, bình thường như mọi anh lính khác, cũng chỉ có những lời nói chân thành, mộc mạc. Chẳng biết nói sao khi các mẹ, các anh, các chị, các em giơ tay vẫy chào những người lính trẻ chuẩn bị bước vào cuộc thử lửa. Còn trên tầu của lính thì như một rừng tay vẫy mãi, vẫy mãi. Em cũng thế, con người em tưởng như gỗ đá thế mà nước mắt cứ ứa ra, tay cứ vẫy vẫy dù trước mắt không phải người thân thuộc của mình! Em biết nói gì bây giờ? Chỉ biết rằng, ngày mai là cuộc chiến đấu mới!

Thôi, anh cho em tạm dừng bút vì thời gian còn rất ít. Ôtô đến rồi. Ngày mai đây trong cuộc chiến đấu máu lửa ấy, có thể em sẽ ngã xuống thì mỗi gịot máu của em phải đổi lấy một giá cao nhất. Và nếu đó là sự thật thì cho em gửi lời chào vĩnh biệt!

Chúc anh khỏe, trẻ, công tác, học tập tốt!

Em của anh. Bùi Thọ Tuyến.

 * * *

 Hai năm sau, ngày 23 tháng 3 năm 1974, khi chỉ còn hơn 365 ngày nữa là im tiếng súng thì trái tim của Bùi Thọ Tuyến đã ngừng đập vì một phát đạn của kẻ thù. Người chiến sĩ trẻ đặc công ấy hy sinh khi anh vừa tròn 19 tuổi.

Và đã gần ba chục năm rồi mà gia đình chưa biết anh đang yên nghỉ nơi đâu. Người mẹ già đã qua tuổi 80 vẫn lầm lũi đợi chờ! Mẹ thương yêu, cũng chừng ấy năm chúng con mới tìm được mẹ. Chúng con, những bạn bè của Tuyến, sẽ cùng nhau bắt đầu cuộc đi tìm đồng đội. Ráng chờ, mẹ nhé!

 

B.B.T.

 * * *

 Ngày 7 tháng 8 năm 2003. Đọc “Lá đơn bằng máu”

Bài viết về Tuyến mang cho tôi một cảm xúc khó tả, nó nhắc lại một thời thơ ấu đầy mộng mơ nhưng cũng rất mãnh liệt của những cậu học sinh “quân khu”. Những ngày ở 1A Hoàng Văn Thụ, Tuyến là một đứa em vô cùng thân thiết với tôi. Gia đình Tuyến nghèo và đông con (có năm anh em, Tuyến là con thứ tư, còn Cầm là út) nhưng sống rất tình cảm. Bố mẹ Tuyến luôn coi bọn trẻ tinh nghịch chúng tôi như con cháu trong nhà.

Đọc lá thư cuối cùng của Tuyến viết cho Chúc, (Chúc cũng là bạn tôi), tôi đã ứa nước mắt. Lời lẽ trong thư của một người lính trẻ, tuổi mới 18, trước giờ ra trận thật bình thản và chan chứa tình người, nhưng cũng hết sức chững chạc… ...

 

Trần Tuấn Sơn