1.
Tăng lên tầu Ninh Đàm, toa số 6, chỗ ngồi tốt gần cửa sổ, nhìn theo hướng sẽ đến. Thu xếp xong cái túi đồ thì ngồi thừ lần mần cơn cớ mình ra đi ngày Tết. Giá tầu chạy sớm ông đã chả phải loay hoay với ý nghĩ nên xuống, quay về nhà thu lu đợi xuân hay cứ dấn mình vào chỗ chẳng biết có cái quái gì nó sẽ đón.
Tăng dậy ở D., trường đại học có tiếng cả nước, cho ra lò khối sinh viên nay đã nên danh giá. Thời buổi đòi hỏi cán bộ phải có bằng cấp, D. thêm nhiệm vụ đào tạo trên đại học. Hơn lúc nào hết, những công chức tỉnh thành ngành, các uỷ ban… ham học đến thế. Việc làm không hết, kèm thêm thu nhập, giảng viên D. chuyên cần kèm cặp hướng dẫn, săng sái bảo vệ học viên trong các cuộc phản biện. Cứ mỗi năm, mỗi chu kì năm năm, báo cáo của trường lại dầy thêm thành tích đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Được phong giáo sư năm 53 tuổi, Tăng vào loại “nhiều tiềm năng” ở trường, ngất ngưởng một chuyên ngành, ngồi trong vài bốn hội đồng giám khảo. Thỉnh thoảng tỉnh thành này, ban bộ nọ mời ông tham gia nghiệm thu những đề tài đang đẻ ra vô ối. Cứ ngồi đấy tằng tằng chấm cháp, tằng tằng phán bảo, phê bình, uốn nắn một chút, và nhiều hơn, là “khẳng định các giá trị tích cực”, ông sẽ ấm thân lắm. Nói lộc ăn hết đời thì hơi xa, nhưng đến bẩy mươi thì thừa sức. Bởi giáo sư thì coi như chả phải nghĩ đến hưu hắt, tuổi tác cống hiến kéo ra như sợi dây chun, được đến đâu tuỳ thuộc vào vô khối quan hệ trên đời.
Vậy mà bỗng nhiên giở giói. Chán việc. Không ưa chủ tịch hội đồng nghiệm thu này, ghét mặt thằng nghiên cứu sinh nọ. Lười lĩnh các cuộc “trao đổi để đi đến thống nhất”. Có những câu hỏi đột nhiên bật ra: “Giời ơi, dốt thế này mà sẽ lãnh đạo một tỉnh á?”, “Sao ông S. có thể trắng trợn hoan hô một quan điểm sai lệch đến vậy nhỉ?”… Sự kính trọng đồng nghiệp giảm dần. Tệ nhất, là thấy cái tinh thần trí thức trong mình, quanh mình đang nghi ngút bốc hơi. Không phải Tăng thiếu tự tin vào các đánh giá chủ quan, nhưng ông chả bao giờ bảo vệ được chúng. Không nói thì như bị đầu độc, nói ra luôn là thiểu số, có khi gàn dở đến điên rồ. Gần đây nhất, khi lập một dự án vài chục tỉ có mục đích yêu cầu rất hoành tráng, chính quyền thành phố không vời Tăng tư vấn nữa. Tại những câu ấy câu nọ mình đã “phát” trong kì này cuộc kia, hẳn thế. Vắng mình thì chợ vẫn đông mà, có khi còn vui hơn. Nhìn giáo sư A. nổi tiếng to mồm “trung ngôn nghịch nhĩ” mà xem, sau khi được đi tham quan dăm nước đã chẳng đóng góp toàn những “ý kiến xây dựng” là gì.
2.
Ghế trước mặt đã có chủ. Người đàn ông mặc đồ lớn có cravát, xách xăm – xô - nai, nét mặt và bộ điệu quàu quạu, vẻ của người ở quê dẫm phải cứt cán bộ. Vừa ngồi xuống anh ta giở di động nói liên tục, hẹn ai đó sẽ đến chơi Tết, uống rượu cũng được nhưng phải là rượu tây. Với một người khác là tình hình công việc đòi hỏi ghê lắm chưa chắc đã có dịp ghé qua đâu. Oang oang, rông rổng, ông cán bộ mới này mà ngồi chiếu tổ tôm rút lô phôn dễ là các tiên chỉ ở làng phải đi chữa mắt tuốt. “Tuổi này chỉ bốn mươi, lương hệ số ba phẩy chứ mấy, bằng thế nào được mình”, Tăng bất giác so sánh, nghĩ đến những học viên của mình ở một trường cán bộ quản lý, loại trưởng phòng cấp sở vừa tôn thờ mọi tôn ty phẩm trật vừa rất chi tự đại ngắm nghía bản thân.
“Mà “ba phẩy”chắc vừa bước ở ruộng lên mươi năm trước, Tết đến phải thưa gửi biếu xén ra gì…”, lại một chiêm nghiệm về đời công chức bật ra.
Vào tiếp theo là một phụ nữ trạc ba mươi, trông có vẻ đi làm ôsin, và cậu sinh viên, Tăng đoán ngay thế vì xanh xao lắm, gặp đồng hương chiêu đãi lạc luộc hẳn đã là sang. Hai chị em chào hỏi hồn hậu ra lối quê, chỉ có Tăng đáp lại, rồi quay ra nói với nhau về đứa trẻ đợi mẹ, ông bác nghèo mà vẽ việc nhăm nhăm xây nhà thờ họ, món quà định mua cho bà dì mà quên mất. Người phụ nữ bảo có lẽ phải xuống Hà Nội trước rằm, bà chủ chả muốn chị về nào. Quê họ ra giêng hội xuống đồng to vật, ước gì được ở lại chơi…
Tăng đã đem những tâm sự khó bề ngỏ ra trút vào P., một đồng sự. Rằng ông chả tin gì những điều mình đang rao giảng. Rằng đã viết hai giáo trình, nặn lại chúng thành năm quyển sách, lại cấu mỗi nơi mỗi tí vào các thuyết trình, luận giải…, giờ thấy chả có ý nghĩa, có khi còn phản động vì đã cổ lỗ, giả tạo quá. Những giáo điều nền tảng, để xuất phát, giờ mới thấy không phải gốc, bị áp đặt vào từ đâu ấy. Mà những quan sát, chiêm nghiệm về thực tế, ông lại thấy nó phải khác, rất khác kia… Không biết các vị có dấm dứt gì không, chứ tôi thấy tưng nấy năm chỉ trích dẫn tưng nấy câu trong kinh điển đã bị chặt khúc, cắt xén, ra hàng chục đầu sách mà tư tưởng chả nhúc nhích đi đâu, rất chi là không ổn nhá. Chuyện với P., rồi với R., sang cả H. nữa chả đi đến đâu. Nghe những câu chế giễu thân ái, lời khuyên giải chân tình họ bảo lại, Tăng thấy như mình đang nói thứ tiếng của thổ dân một hòn đảo rất chi xa xôi giữa ấn Độ Dương.
Sự cô đơn làm ông lúng túng, thấy mình là thằng ngọng. Nhưng dù tẻ nhạt, xa lạ, đám đông vẫn có lúc làm ông quên đi cái tâm trạng độc hại kia, thành thử lại nhúc nhắc, đều đặn các kì cuộc.
Thì đùng một cái bà Khánh ngã bệnh. Chứng nan y ủ đã lâu, chẳng chịu khám, giờ phát ra vô phương cứu chữa. Chạy thầy chạy thuốc, cháo lão như cuồng như điên, ông đau đớn nhìn vợ vật vã, méo mó từng ngày. Khánh của ông đã đẹp và tình tứ làm sao. Đông trùng hạ thảo, linh chi nghìn năm, bà lang Mường trên Kì Sơn, cái cơ thể trong suốt từ chối hết. Bà Khánh ốm khéo lắm. Vừa trọn một tháng đau nặng là đi, quả cảm chịu đựng những cơn đau, không chịu chạy những kì hoá trị kéo dài mà tốn kém. Đủ để chồng con rộc rạc nhưng chưa kinh tởm sợ hãi. Đám ma vì thế mà còn nước mắt. Tăng như người câm, chỉ một mực khấn thầm: “Nếu được làm lại, ta vẫn chọn nàng!”. Lần đầu, và chỉ lần ấy, ông tin có thần phật.
Rồi thần phật thánh chúa rủ nhau đi cả. “Mẹ bảo bố là người lành hiền, không biết tự lo liệu. Mẹ bảo con phải chăm bố, đừng để buồn, để đói. Buồn thì phẫn chí, đói chết bố ạ. Nên con sẽ can dự vào đời sống đang còn bơ vơ của bố”, con gái ông bảo. Việc đầu tiên Thuỷ làm là đuổi phắt cô ôsin ba mốt tuổi chồng ở quê đủ cả rượu chè lẫn đề đóm đĩ bợm chỉ thiếu nước tiêm chích. Chỉ có ông với nó ở nhà nó ngứa mắt lắm. Việc thứ nhì, ông dậy sớm đón cháu cho con nhờ, chiều đón về, cho ăn một mẩu bánh thôi ông ạ, nếu có thể thì tắm táp, kể lể dăm câu ba điều có tính chất giáo dục, rồi đợi con đến. Ơ, ông chưa về hưu nhưng lấy cái bận thay cái buồn chả hơn à? Đấy là hai việc đầu tiên, và vỏn vẹn thế, con gái “can dự” vào đời trai già mất vợ chán đèn sách.
Ngày giờ còn mênh mông quá, dù vẫn giữ giờ dậy, tham gia vài chân giám khảo, thi thoảng góp cái tham luận cho hội nghị hội thảo. Sức ông vẫn mạnh, máu me vẫn chẩy mà không biết cô về hướng nào, không “đóng góp “ đi đâu, cũng thành một thứ ung thư, tuy chả ai nhìn thấy. Giá kể ta nghèo, ta bận như ngày xưa…
“Cho nghĩ làm gì. Cho tự do làm gì. Có biết dùng đâu, hở giời!”, Tăng vật vã khi buồn thương sót tiếc mỗi lúc mỗi nhạt. Ai bảo một đời chỉ cơm nhà l. vợ lệnh thủ trưởng? Ai bảo làm trí thức để không thể chỉ nghĩ, chỉ xúc động theo cái phương người ta đã định. Bấy nhiêu năm chăm chăm tranh biện, viết lách, cố đoạt lấy những danh hiệu bằng sắc, thì ngoài kia, ngoài trời ấy, mây có xanh không, bọt bèo nênh nổi, yếm thắm môi đào thế nào? Sao ta không thử nếm những quả cấm bị chi chít các rào đón kín kẽ của người thân người sơ, của cấp trên trực tiếp và cấp trên vô hình ngăn cản?
Tăng mò mẫm vào những cánh cửa hôm qua còn xa lạ. Trong quán karaoke được non tươi lau trán, chùi mép, lại dậy lên mặc cảm nó chưa bằng non nửa tuổi mình. Mà sao dạn dĩ, anh em ngọt sớt. Mà sao đã bật côca còn lốp bốp hainơken, chết thôi…
Trót dại ghé tổ thơ, chán mớ đời cả tổng chữ thù tạc mà cứ phải buông lời “Tuyệt cú, chữ dùng không thể thay được!”. Trông gương lão Mai Đình đần đì chê sáng tác của nữ sĩ Oanh Anh “cóc gọi bằng cụ” mà giờ hồn. Chống tham nhũng như các cụ thì hàng tấn thơ cũng bằng đổ lỗ dế.
Lớp dưỡng sinh thì bị trưởng môn mắng là “tâm bất tại”, vì không tập trung vận khí, đầu óc cứ chổng đâu đâu. Cái sự bất tại làm ta thừa chân thừa tay, thoắt nhớ thoắt quên, chẳng ai đợi ai cầu mà bồn chồn, dù rõ rành tỏ rằng thiếu ta thì trái đất chẳng lệch nào.
Phải đi tìm cái tự tại thôi, Tăng quyết định, bất giác nghĩ câu “ta là ai, từ đâu đến?” trong giáo trình soạn thuở nào…
#
Nhân vật thứ năm của “mâm” chẳng có gì đáng nói, ngoài chuyện là đàn ông, và rất khó đoán tuổi. Chạc này ở nông thôn có thể đã chực lên lão, mọi sự đã đóng khung cả rồi, trong khi những thằng ở thành phố còn chạy theo lũ gái trẻ. Tăng biết làng nọ, đàn ông đàn ang đến mấy mà đẻ toàn con gái, ra đình ăn cỗ những thằng “biết đúc” nhất định không cho ngồi cùng mâm. Ô, đi tầu quan sát nghĩ ngợi được nhiều nhỉ…
Mùa đông đầu tiên vắng vợ rét cắt ruột, dài dằng dặc và ngổn ngang những bập bỗng với hy vọng. Một ngày dậy sớm nghe mưa lắc rắc ngoài song, ngắm mầm lá bé xíu run rẩy mà đầy hứa hẹn, Tăng hoảng sợ. Tết sắp đến. Ông sẽ không đi đâu vì có bụi, sang con gái cũng không, vì nó ở với nhà chồng. Đợi bạn dưỡng sinh hay các “thi hữu” đến ư, kiếu đi. Họ chúc ông những gì thì ông sẽ phải đến họ nói lại câu ấy. Phải đi đâu để trốn tránh những ý nghĩ u ám chứ. Ngày còn, bà Khánh chả đã bảo chung sống với tâm trạng ấy, ông đang tự đầu độc mình.
Lẳng lặng xuống mộ vợ khấn ra giêng mới quay trở lại được, bà hãy độ cho tôi một trời xuân tươi sáng, thấy trời xuân tươi sáng thôi chứ không cần chi chít tài lộc xum xuê may mắn đâu. Kể ra tôi đi là ích kỉ. Nhưng cái giống đàn ông nó thế. Và nghiêm trọng báo con gái bố đi xa ăn Tết, quyết định rồi không lằng nhằng nữa, chập tối ba mươi mang hoa quả sang thắp hương gớm căn vặn gì mà lắm bố không điên đâu. Bố đi đâu chưa biết, đi tìm cái gì nói ra con lại càng không hiểu đâu thôi tóm lại là không phải đỏ tía lông mày lên thế trông xí lắm giao thừa bố thắp hương khấn vọng mẹ mà. A cô lại bảo Tu Ty không có ông nó khóc á nó lại chả quấn ngay lấy thằng ông nội ngay đấy…
3.
Tàu chạy qua đường chắn đầu tiên thì cô vào khoang. Quần bò, áo lông vũ trần, thứ đang là mốt, nhẹ, đẹp và ấm. Và dong dỏng cao, phấn đánh một cách kín đáo, không che đủ tàn nhang trên gương mặt trẻ trung ưa nhìn. Có một gì đấy toát ra khiến bộ óc ưa chiêm nghiệm của ngài giáo sư phải lục lọi, như là sự tương phản giữa vẻ rụt rè đến dút dát với bên ngoài rực rỡ. Đứng ngần ngại một lúc, cô so so tấm vé rồi hướng về chỗ trước mặt Tăng, ngần ngại: “Anh ơi, chỗ này là của em ạ…”
“Ba phẩy” vô cảm ngó nghiêng ra cửa, đến lần “anh ơi” thứ ba thì quay lại: “Chỗ này của tôi”.
- Nhưng số ghế này là của em. Vé đây ạ.
- Vé tôi số này. Ghế này của tôi.
Tăng thấy cần can thiệp, bảo cô gái cho xem vé. “Ghế 3B, đúng chỗ cô này rồi”, ông lẩm bẩm, quay sang người trước mặt: “Thế vé của anh đâu?”.
- Anh làm gì mà hỏi vé tôi?
Giọng đáp lạnh lẽo quá, Tăng đâm chột. Thằng này dám động tay côn đồ lắm. Mà mình thì không hề muốn thế. “Tôi là khách thôi”, ông lúng túng, “nhưng đúng vé đúng chỗ thì đỡ phải tranh nhau!”. ý kiến lập tức được chị em cậu sinh viên biểu đồng tình. Nhưng “Ba phẩy” già giọng lắm: “Chả phải tranh làm gì. Chỗ này chỗ tôi. Ngồi đâu mà chả được!”. Rồi tức giận lẩm bẩm: “Đi làm ca ve mà còn đòi chỗ…”.
Cả “mâm” ngạc nhiên thấy cô gái chùng xuống như ngọn cỏ phải lằn nước sôi, thin thít ngồi vào chỗ còn trống. Ô, thằng cha dám nói thế mà sao không biết độp lại. Lông mày tỉa, tóc nhuộm, chả nhẽ… à? Nhưng trông hiền dịu nết na một vẻ đấy chứ, đâu có giống những bật bia khui sô đa bôm bốp như karaoke ta đã… Mà có đi thế đã là gì, giờ có chán vạn nghề mà. Vậy mà chịu. Mà phải im mồm. Kìa vai đã rung lên, mặt úp vào túi. Nghẹn ngào, càng cố nín càng bằn bặt.
“Khóc con mẹ gì nữa”, “Ba phẩy” tức giận. Xung quanh bắt đầu ngó vào. Ông có tuổi xịch vào sát Tăng, ra ý cave thì sẵn bệnh tật biết đâu lại hát i vê. Khó xử thật, có cả thương sót nhưng không biết xử thế nào. Người đầu tiên lên tiếng là chị “ôsin”: “Thôi em ạ, làm gì thì làm cũng là phận làm thuê kiếm tiền, việc gì phải khóc!”.
- Nhưng quê em biết thì nhục lắm. Em bảo ở nhà xuống Hà Nội đi làm. Nhỡ có đứa nào nó mắng con em mẹ mày đi ca ve thì sao. Khổ thằng bé lắm chị ơi…
Giữa những nức nở câu được câu chăng lờ mờ hiện lên một hình hài gái quê rời nhà đi làm nghề ấy nghiệp nọ. Có nhẽ là thế thật. Lòng trắc ẩn nổi lên. Không muốn gây chuyện với thằng lì lợm gớm ghiếc, Tăng sắm giọng an ủi. Việc gì mà khóc. Kiếm tiền nuôi con, mình thấy mình lương thiện là được rồi cô ạ. Còn hơn khối kẻ khác, những đứa bóng bẩy sang trọng chức này với tước kia mà ngồi không đúng chỗ mình mới phải xấu hổ (a cái tay kia nó làm như không nghe thấy mình nói cái chi chi). Tóm lại là tôi thấy cô chả việc gì phải khóc. Ai biết đấy là đâu, có phải không các cô các cậu? Đây anh nhà tầu đây rồi xếp cho cô này ngồi đúng chỗ đi.
4.
Thị trấn nghỉ mát vào Tết tinh tươm, yên tĩnh. Xe tải bò lên bỏ đồ uống, đa phần của tây, và rau tươi cho các khách sạn, rồi kìn kìn đánh đào về. Xuân thế là xuôi rồi, để mình ta ngược, Tăng nhấm nháp ý nghĩ rằng mình đang tự do. Quả là tự do lơ lửng trong thinh không trong trẻo, mỗi ngọn gió, tiếng chim, ngào ngạt trong bụi cỏ đĩ. Những ý nghĩ u ám bay mất. Không thấy buồn chút nào, mới lạ. Nhưng đúng là có chờ có đợi cái gì đó, cái điều sẽ làm mình thay đổi được trạng thái tâm hồn. Một con người, một chuyện gì đó, từ từ thôi cũng được, để ta nếm, nhấm. Từ lúc khởi hành, Tăng đã mong đợi biết bao điều đó, bất giác thấy mình đang tách ra, len lén quan sát tâm trạng của mình. Trước mắt không buồn là hay rồi. Sợ nhất là thấy cô đơn lại lồng lên đòi mình cho ta về đi.
Ông đi tìm nơi ở, bảo thuê qua Tết. Nhà nghỉ nhỏ, sạch sẽ, hơi tách xa trung tâm, và quá rẻ. Người chủ, quan sát khách một cách kín đáo, giao cho ông cả căn gác có khoảng sân lát gạch đỏ loáng ướt nước mưa. Dưới kia là lũng đầy sương. Sương hay mây? Đến trưa, dưới nắng, tất cả tan đi, lộ ra những nương ngô, nếp nhà ngún khói. Ai leo dốc nhỏ bé thế…
Tăng ra chợ Niềng, cái tên có vẻ vùng xuôi, trèo lên tụt xuống giữa những tóc đỏ đuôi gà, giọng nói lạ tai, đống măng cao như núi. Đi vòng quanh ngắm nghía, và mặc dù đói ngấu, thong thả mãi mới xà vào hàng lòng lợn. Trời rét, nhấm nháp đĩa lòng xe điếu còn được vị ngăm ngăm đắng với rượu táo mèo ngọt dịu. Rồi ngà ngà về đánh một giấc. Lan man trong giấc ngủ là đoạn cuối của chuyến tầu lên Ninh Đàm, cái mà ông gọi là “cuộc xung đột nhỏ dẫn đến những dự cảm cũng nho nhỏ nhưng thú vị”.
Rút cục thì mọi sự lại êm ả. Ai về chỗ nấy tuy người này càu nhàu ông rách việc chõ vào người khác, người kia “cháu ngồi đây cũng được bác ạ”. Chị em cô ôsin vui vẻ hẳn với ông, ra điều chúng mình về một phe, cho bõ ghét cái thằng giả vờ. Tăng, với cảm giác mình vừa làm việc nghĩa, bắt sang linh tinh Tết quê thế nào, xong nồi bánh là các cậu khì khì ngủ được rồi đấy nhỉ. Ông khó đoán tuổi cũng chen, bảo mình là dân bán tào phở thuê nhà sáu mươi nghìn tháng có cả tắm giặt dưới bãi Phúc Tân nhưng ra Tết sẽ lên bẩy mươi nghìn. Ông có bà vợ đần thối chỉ được cái mắn, không biết đã soạn đủ gạo đỗ chưa, giời ẩm ướt thế này vào rừng kiếm lá dong tổ làm mồi cho vắt. Cậu “ sinh viên” đúng là sinh viên thật, rất lo mẹ bắt sang nhà cô Đào “mặt mũi lúc nào cũng sưng sỉa”. Râm ran chuyện, khúc này sang đoạn kia chả có trật tự giơ tay xin phát biểu gì, tựu trung chỉ là giấc mơ đủ ăn đủ mặc của những người bé mọn.
Cô dịu hiền ca ve không góp vào, nhưng cái vẻ vừa u ẩn vừa non nớt gây tò mò cho Tăng quá. Sự êm lặng của cô kích thích người đa cảm dõi theo một số phận có thể là trắc trở, rất nhiều nỗi đằng sau… Đôi lần lôi kéo chỉ thấy cô vâng dạ lảng tránh, như là cơn sợ sệt hãy còn, ông bèn thôi. Xôn xao suốt buổi những khấp khởi Tết quê, thi thoảng là nỗi lo ra giêng. Khi “Ca – ve” xuống tầu, trước Ninh Đàm một ga, sao Tăng thấy mình như là muốn gặp lại.
Lòng quả cảm có lúc nhụt đi tý, khi bước ra khỏi buồng vệ sinh, chạm ngay cái mặt quạu của “Ba phẩy”. Tăng bất giác lùi lại rồi khuỳnh khuỳnh tiến ra, cố làm như bình thường. Thằng cha đứng tránh chả nhìn. Nghĩa là nó tức bụng thật.
“Ngày áp Tết, ta nằm ườn, người sạch sẽ, hồn tinh tươm, ta lười biếng và chờ đợi”. Những câu “thơ” bật ra khi giấc ngủ thứ hai kéo đến. Ta không làm gì, chỉ ngủ và nghĩ ngợi. A, ta thật giống Đề – các. Có lẽ ông cụ cũng hay xem phim hành động Mỹ và ngủ…
#
Cái chốn để thiên hạ đốt tiền, lúc tận năm tận tháng vắng đi một chút. Các khách sạn quét dọn, trang hoàng. Thợ xây, lâm tặc ùn ùn ngoài bến đón xe xuôi. Đống táo mèo cao ụ ngoài chợ vơi dần vào non trưa. Mặt người tất tả nhưng rờ rỡ. Khách du lịch ngoại quốc, như đám trẻ con ta, diện những bộ sặc sỡ từ xa đã bắt mắt. Chỉ đám đàn bà H’mông là bình thản, cứ túm năm tụm ba xe gai kháo láo, chiều tối mới rảo chân về núi.
Tăng mải miết ra ngoài thị trấn. Gặp những khe nước nhỏ cả nghìn đời đứng ù oà giữa vực sâu, gốc đào vạm vỡ đầy mắt mấu. Có người đàn ông trẻ ra mời ông vào nhà, cái túp ba gian cạnh đường, sát hiên nồi bánh chưng lục bục. Những chuyện bâng quơ. Anh ta người xuôi, làm công nhân giao thông cách đây nửa ngày đường ô tô. “Vợ em còn trẻ, kém đến mười tuổi, làm ở trạm tiếp sóng phát thanh thị trấn. Nói thật với bác nó ấm lắm, em về phép chả muốn đi đâu chỉ chăm chăm ấp thôi. Chúng em bện hơi nhau rồi. Bác uống đi. Rượu táo mèo nhẹ nhưng say được đấy. ối giời gió lùa lo gì bác. Em toàn ngủ đường, ô tô như tiếng ru. Ôm vợ càng chặt. Độ quá trưa vớt bánh bác quay lại ăn với em nhá. Lúc ấy Đào về rồi, vợ em ấy… Bác chả lo, em còn cả đêm kia mà…”
Lại tản bộ, bâng khuâng về hạnh phúc. Đơn sơ làm sao, chỉ nồi bánh chưng với hơi vợ. Ngửa cổ ngắm con chiện đứng tít trên thinh không, rằng sao mày yêu đời làm vậy. Giễu cợt lũ cỏ đĩ, cũng thơm tho, sắc hương đủ cả mà phải níu quần khách qua đường nhỉ. Này những cành lá chi chít chồi xuân kia, mi ngậm nhựa kiểu cách gì mà oành một cái nhất loạt đơm hoa? Nhựa của ta ở đâu, đơm cho rượu ta hương vị chi? Rồi lại hết hồn vì con rắn xanh loằng ngoằng trên đường, chẳng biết nó đem lại điềm gì…
Sự ứng nghiệm có vẻ ngay ở đầu thị trấn. Khách sạn Hoa Ban đến là xinh, có hai tầng, tường lát gỗ pơ mu thơm sực. Chìa ra ngoài, cái khoảng terre a café cũng lát gỗ, lan can chạy rất nhã nhặn, là chỗ ngồi rất ưa thích với người nước ngoài. Người đàn ông chạy ra xởi lởi. “Anh còn nhớ em không? Không nhớ cũng phải. Dạo ấy em lười đến anh thật. Em mời anh vào đây uống. Năm hết Tết đến, vội vã gì. Rồi anh sẽ nhớ ra ngay ấy mà…”.
Lúng túng vì thấy mình bất lịch sự, Tăng ấp úng xin lỗi, cái nghề tôi nó thế, chở đò cho bao nhiêu người mấy khi nhớ được khách. Tuổi tác nó thế anh ạ. Quái, gương mặt đúng là quen, có lẽ mình đã dậy. Như một người lịch duyệt, ông nhấm nháp ly rượu, khen ngon. Mà ngon thật, cô - nhắc, thằng cha sành mồm lắm. Trông hắn mạnh khoẻ và đẹp đẽ, giọng nói, nét mặt nhã nhặn mà vẫn đầy tự tin, cái vẻ của người lịch lãm, vừa có tiền vừa có uy quyền.
Xoay xoay cái ly, hỏi han nhà cửa vợ con, bâng quơ về thời tiết giá cả. Bên kia chỉ bảo thấy anh khoẻ là em mừng, dạo nọ nghe tin chị mà không đến chia buồn được, anh đừng trách. Nhưng ta cứ uống mừng gặp mặt đã, nhớ hay không chả quan trọng. Nói anh tha lỗi, có buồn chắc anh mới lên đây. Đừng ngại anh nhá, đám tiếp viên đây không phải về Tết hết đâu. Tăng chả thích cái trò ú tim kéo dài. Uống mà vẫn không nhớ người mời thì rất tệ. Lục lọi mãi, kí ức dần hồi phục.
Sau quãng thời gian đằng đẵng ăn cơm xứ người, hai chục năm trước, Tăng về nước nhận chân nghiên cứu viên viện U. với một trời mộng ước khoa học. Nhận bìa thực phẩm loại “trên bình thường”, ăn bo bo, tháng nào các chị mậu cho độn ngô thì đem xay quấy bánh đúc, chàng phó tiến sĩ mới cứng có biết bao nhiêu là nguyên tắc. U. tham gia một chương trình đào tạo cán bộ cho ngành D. Mục đích yêu cầu rất nhớn, như là đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ xu hướng phát triển tất yếu của đất nước, như là cho ra lò những người giỏi thật sự, có tâm có chí xây đắp cho ngành và địa phương, tất nhiên xuất thân công nông phải là tiêu chuẩn đầu tiên. Cậu học viên anh hướng dẫn gầy gò, trông ngơ ngác sau cặp kính vỡ một bên mắt, gợi một chút trắc ẩn. Nhà rất nghèo, thấy bảo thế, “ăn khoai nhiều đến nỗi giờ ngửi mùi khoai là em phát nôn”, và qua đại học bằng đường tại chức. “Dốt như chuyên tu ngu như tại chức”, nghĩa là kiến thức chắp vá lắm. Người ta ở tỉnh lên phải ăn đậu ở nhờ, giải quyết bao nhiêu cái khó, mình cần bảo ban hướng dẫn cẩn thận lắm mới được, Tăng nhủ vậy. Nhưng Hưng, giờ thì Tăng đã nhớ ra, chỉ nghe kĩ có lần đầu, vâng dạ ròn tan, rồi đến thầy rất thưa thoáng. Nghe Tăng than phiền cậu này không ngồi yên đọc sách được, mình nhận xét nó có ghi gì đâu, vợ anh bảo “ nó ăn nói có trên có dưới đấy chứ, thôi cứ làm phúc cho người ta anh ạ”.
Giáp kì bảo vệ mà chả thấy Hưng đưa quyển, người hướng dẫn rất sốt ruột. Lạ thật, chỉ thua mình dăm bẩy tuổi mà kém ý thức như đám thanh niên chưa biết gì, cứ thoắt biến thoắt hiện như ma. Quở, thì nhận lỗi ngay em còn nhiều việc phải lo ở tỉnh lắm. Tăng chạy đến giám đốc bên D. thông báo lại, ông này bảo anh cứ yên tâm nay mai nó sẽ đưa. Luận văn rút cục cũng có, kèm theo cân chè, chai rượu tây, trong túi đựng có hai trăm đô. Tăng chỉ nhận “phần nặng”, cái “phần nhẹ”, hồi ấy còn hiếm lắm, thì tìm cách trả.
“Quá tệ anh ạ. Ăn cắp mỗi nơi một tý. Câu trước chửi câu sau, chương nọ đòi đào mả bố chương kia, nghĩa là lắp ghép của người này với người khác mà không hiểu gì cả. Nặng về mục đích yêu cầu chứ không có tý gì khoa học, tôi xem ra cậu này chỉ láu cá, giỏi làm chính trị…”
- Thôi cứ châm chước cho nó, giám đốc bên D. ôn tồn trước cơn giận dữ của Tăng. Không trẻ lắm nữa, nhưng lí lịch tốt, xuất thân nghèo, nó có điều kiện tu thân tu dưỡng để tiến bộ. Hoàn thiện nhân cách là một quá trình chứ ngay một lúc thế nào được, ông không nhớ lí luận à. Mà đây là chỗ tỉnh nhờ cậy ngành. Nguồn cán bộ đấy. Ông cứ quở mắng nó nhưng giơ cao đánh sẽ thôi.
- Đừng quan trọng hoá làm gì! – viện trưởng của U. khuyên Tăng. – Chú giỏi thật đấy, lại là giáo viên hướng dẫn, nhưng trong hội đồng giám khảo còn mấy giáo sư nữa kia, liệu họ có khó tính như chú không?
Tăng chỉ hiểu hết ý vị câu nói ấy khi ra bảo vệ luận văn. Điểm 5 của giáo viên hướng dẫn (anh đã nhổ vào mặt mình khi nâng lên đến thế) không chọi lại ba con chín và một con 10 của bốn giáo sư còn lại. Hưng tốt nghiệp khá, đàng hoàng nhận giấy chứng nhận trong buổi tổng kết mãn khoá. Đi liên hoan chia tay, nhận quà của lớp, Tăng không thể chia vui với ai, nhất là các giáo sư nức tiếng trong hội đồng. Hoá ra mình giảng kĩ càng, có phương pháp, lại là ngu lâu hơn cả. Người ta đã định đoạt trước, mình cho 1 hay 2 có khi nó nhận cả bốn con 10 còn lại. Những ý nghĩ làm đắng cả người, mà vẫn phải bắt tay thằng học viên trứ danh. Bắt tay thôi, nhất định không chúc tụng, mong mỏi với kì vọng.
Dù sao, “bài học đầu tiên” làm Tăng biết điều hơn. Sở D. không mời anh tham gia đào tạo nữa, nhưng còn chi chít những trung tâm K., uỷ ban M., nhu cầu chuẩn hoá cán bộ đâu đâu chả lúc lỉu như chùm quả ứ mọng mời gọi các nhà khoa học. Làm một vì núi uy nghiêm nhưng cô độc, bị các hội đồng phản biện dự án, các hội thảo góp ý dự thảo luật và văn bản dưới luật “quên” vừa ít hào vừa kém vui thế nào. Vô số bài học tiếp theo làm Tăng khôn dần. Nhưng vẫn có lúc dại, khi những nguyên tắc khoa học “trỗi dậy”. Đời dậy cách thích ứng, ông là cậu học trò không xuất sắc nhưng chả đần độn hoàn toàn.
-Tôi nhớ ra rồi. Anh nhắc cho tôi cái ngu của tôi.
Tăng chậm rãi nói, xoay xoay cái ly. Có một vẻ gì lúng túng trong mắt Hưng rồi biến ngay khi Tăng hỏi “Anh thế nào rồi?”
- Em cũng bình thường. Hồi ấy xong lớp anh em không về tỉnh mà lên đây. Bác em làm tổ chức bảo trên này toàn người dân tộc, ít cán bộ có bằng cấp, dễ tiến bộ. Xin chuyển vùng dễ quá, em cố làm việc, học tập, hoàn thành được cái thạc sĩ, rồi tiến sĩ, giờ phó giám đốc sở Q. Cuối năm em có buổi làm việc với tay trúng thầu làm công viên Cây Gáo ở đây, may thấy anh. Anh khoẻ chứ ạ?
- Cũng chả biết nên nói thế nào. Cũng không đến nỗi ngu như xưa.
Chuyện đang lâm vào thế bí thì người thứ ba xuất hiện. Thằng cha quần bò mũ cối to như gấu chào hỏi rất kính nhường rồi ngồi im như thóc. Hưng không giữ anh, chỉ theo hỏi chỗ ở, rồi mời trân trọng:
- Chiều mồng một Tết, doanh nghiệp của vợ em có cuộc trao quà từ thiện cho các gia đình khó khăn trong thị trấn, làm ở trụ sở uỷ ban. Nói thật, cũng là tiền em thôi, nhưng đảng viên không được làm giàu, nên đứng danh nghĩa vợ. Em muốn mời anh dự, cho vui ấy mà. Có thể anh Nghĩa bí thư tỉnh uỷ cũng xuống. Sau đấy về đây ăn cơm. Anh thu xếp nhá. Chả gì cũng mấy chục năm anh em mới gặp nhau…
“Liệu Hưng có biết hồi ấy mình đã chỉ cho cậu ta điểm trung bình tối thiểu? Chả có vẻ gì là biết, chả thấy oán giận gì. Mời mọc chân thành lắm, tuy câu “nhất tự vi sư bán tự vi sư “ hơi sáo. Mà gã đối tác “làm việc” cuối năm, chắc chỉ là chiết lại số tiền trong dự án được Hưng rót cho chứ gì. Mình có nghĩ xấu về Hưng quá không? Mình đã ghét cái mặt nó hồi ấy, tự bảo thấy ở đâu thì cạch đi. Bây giờ Hưng tử tế quá, thành đạt rồi còn biết bỏ tiền ra giúp kẻ khó, lại đẹp đẽ, sang trọng, mình còn ghét được nữa? “.
Những ý nghĩ làm Tăng phân vân trước lời mời, đành trả lời lối nước đôi. Dầu sao, ông biết chắc đặc điểm của mình, là ít thay đổi những ấn tượng đầu tiên; cái điểm mạnh đôi khi lại thành điểm yếu. Ông sẽ không thân tình với Hưng quá, nhưng cũng chả để những cơ hội để nếm trải, cốt vui trong lúc trống trải trôi qua mà không tóm lấy.
5.
Bất ngờ thật, chuyến đi này, đoạn đời này, cho ta gặp được “người thầy đầu tiên”. Nghĩ thế mà Tăng không tưởng nổi lại gặp cái bất ngờ khác, lạ lùng hơn nhiều.
“Ba via” của thị trấn, chỗ đất trũng, để trèo lên cao là đến bản H’mông gần nhất, mọc dăm bẩy ngôi nhà gỗ, dáng chừng của người xuôi. Đang dõi theo chiếc xe tải bò xuống đấy, Tăng thấy cái dáng quen quen. Vừa nhẩn nha đi tới thì người ấy quay lại. “Ca- ve hiền hậu” trên tầu! Tăng chả còn cái “tên” nào khác để gọi cô, ngoài cách thằng “Ba phẩy” đã đặt.
Người con gái hoảng hốt quay đi. Tăng rảo theo “Cô ơi…”. Gương mặt lấm tấm tàn nhang quay lại, đôi mắt rất thảng thốt. “Thế cô ở đây à?”, Tăng hỏi đủ nhỏ cho cô yên tâm. Tiếng “Vâng” rơi vào im lìm, ông hiểu là không nên tiếp tục gì nữa. Nhưng sau chiếc xe tải đã bước ra người đàn ông nhỏ quắt, nhăn nhúm, tầm tuổi rất khó đoán. “Bác quen cháu đây à? Chắc bác ở Hà Nội lên”, ông ta cà nhắc bươn đến chỗ Tăng rất vồn vã rồi kéo phắt ông vào nhà. “Con giao xong rau thì vào nhá. Bố đi đun nước!”, giọng the the không thể cưỡng lại.
Nhà ba gian thưng gỗ lợp ngói, rất trống trải. Căn bếp rời ra ngoài khoảng sân. Thấy Tăng chăm chú nhìn cái hình hài dúm dó trên giường, ông bố bảo: “Nhà khó bác ạ. Còn thằng em cháu bị tật. Hồi ở lính tôi đóng vùng giải chất khai quang. Bà nhà tôi mất hai năm nay, nhất trí quan điểm con cháu đi làm sở thêu dưới Hà Nội, nên không được gọn ghẽ. Bác ngồi chơi đi!”.
- Khoèo, quay ra cửa sổ đi! - Ông mắng thằng bé như mắng con chó.
Tăng hiểu ngay là mình phải nhập vai. “Ca- ve” đi làm sở thêu, ông phải đóng chân liên quan, kiểu như thế. Bèn đà đận đưa đẩy, rất khó vì không biết tên. Cũng may chủ nhà cuống quýt với ấm nước cứ câu được câu mất, và cũng có vẻ tàng tàng thất thường thế nào. Dẫu sao ông cũng thủng được rằng gia đình gốc Hà Nam, đồng chiêm túng đói luôn năm nên di lên đây, ban đầu ở trên thị trấn, chỗ giờ là khách sạn Hoa Ban, rồi bị bứng cả chòm xuống trồng rau dưới lũng này. Và cô gái phải thằng chồng nghiện ly dị rồi, mới đi làm dưới ấy nửa năm, con trai hai tuổi đang chơi bên hàng xóm. “Tôi có trợ cấp thương tật, rau dưa cũng đủ. Nhưng thằng Khoèo với cu con thì nặng gánh quá, nhất trí quan điểm, thế là cháu nó phải đi. Xa nhà nhưng Tết về có quà, lại cho cả chòm nữa, cũng tốt”.
Ông bố mắng con gái không vào ngay, còn quèn quẹt chổi ngoài sân làm gì. Chắc đang lúng túng, khổ sở lắm. Tăng bèn với ra: “Gớm thôi đi. Người quen làm gì phải cẩn thận quá. Cô không vào tiếp khách là tôi mách bà xưởng thêu đấy!”
“Có thế chứ. Các cô ngồi thêu thùa thì hót như khiếu, về nhà gặp khách quen lại phong kiến quá. Tôi đến xem hàng là các cô ấy trêu kinh lắm. Đàn ông cứng bóng vía hãi ngay. Cô cho tôi đi xem vườn tược tí nào. Bác cứ để đấy tí nữa tôi uống…”
Mảnh vườn rộng mỡ màng. Bắp cải cuốn chắc nịch. Súp lơ, xu hào đang lơ thơ, còn cô gái cứ gập người tránh né như cây chuối bị lưỡi dao ngang thân. Giờ không son phấn nữa, trông cô thật mỏng manh. Gương mặt có cái gì khang khác, Tăng nghĩ mãi mới ra, là đôi mày nằm ngang, không tô xếch lên như hôm trên tầu, nó đem lại cái vẻ thuần hậu, dung dị, điều hẳn hợp hơn với xóm Hà Nam. Những nốt tàn nhang sau những lọn tóc xoăn ngắn ở gáy lên rõ hơn, chạy xuống cái cổ bị che lấp, chắc là rất trắng. ấp úng, mắt cứ trôi đi đâu, làm Tăng phải bảo: “Này cô thợ thêu, đừng lo sợ quá thế. Làm thế nào mà tôi có thể phá hỏng ngày Tết của cô được nhỉ”. Cái cây bị phạt ngay ngay trở lại. “Vâng, em nhờ anh đấy. Bố em đang mê mẩn với bộ đồ thờ em mang về. Bố em bảo đấy là vong linh mẹ em cho được làm ăn yên ổn, kiếm ra tiền”.
- Thế sao đêm trước cô lại xuống giữa đường, không về ngay Ninh Đàm?
- Em sợ gặp người biết mình, như cái ông tranh chỗ trên tàu. Bố em biết em thêu thùa thế nào em chết mất.
Chuyện không thể lâu vì nỗi niềm nhiều quá, chỉ kịp biết tên cô, là Mai. Đang đợi ở nhà cả cái chòm đồng chiêm nước lụt. Những là bác gái với các cô cậu ở nhà thế nào mà bác lại lên đây ăn Tết lẻ vậy. Quê chúng tôi ngày này đến bận, bao sái đình chùa xong lại cọ rửa văn chỉ gập cả lưng. Làng nghèo, xưa phát về khoa bảng đấy, giờ hẳn chỉ làm đến thợ thêu là cao nhất. Những là cả đời tôi chưa ăn Tết tỉnh thành bao giờ, dù tiếng là hay đi xa mà thị trấn nườm nượp có biết gì. Ông giời cũng tệ bác ạ, năm sương muối, năm mưa đá rất phập phù, lo đủ ăn cũng khó. Bác là khách đặt hàng thêu, nhất trí quan điểm, mong bác chiếu cố cho cháu công ăn việc làm được cả năm. Thế nào mồng một cũng phải ra phố đón bác về ăn mỗi nhà một bữa, đạm bạc thôi nhưng cũng phải đủ món, bác vào nhá. Mà con cái Mai thế không được, người đáng cha chú sao vẫn gọi anh em, tỉnh thành cái hay đem về, cái dở để lại chứ…
Ăm ắp nỗi niềm xa quê, khao khát tiếng trống hội dưới xuôi. Và lẩn khuất, rì rầm cái mạch nhỏ đồng loã. May là mấy ông cụ chất phác bộc bạch ào ào chứ không thóc mách mấy, còn chủ nhà chỉ lo thuốc nước. Và Tăng, bốc phét, nhăng nhít đến là trắng trợn, phát hiện mình dồi dào thiên bẩm kịch kọt.
#
Tăng ngập ngừng không biết có nên đến ăn với Hưng. Đúng là ông, chán ngấy vị dung tục trong quan hệ với đám quan liêu, lại rất tò mò muốn biết hắn đã “trưởng thành “ thế nào. Hưng là sản phẩm của một hệ thống đào tạo quan chức, ông đã góp phần vào đó. Tò mò vì biết Hưng sẽ cởi mở rất nhiều, Tăng quyết định nhận lời mời, dù phải “ăn kèm” bí thư tỉnh. Chuyến đi dù sao cũng không ít bất ngờ rồi mà, ông nghĩ khi ngang qua đống táo mèo lăn lóc cổng chợ Niềng, những đàn bà H’mông bỏ lại chẳng đem về bản.
- Tối mai tôi có cái hẹn, không đến bố con em được. Nhưng tôi rất muốn quay lại, em đồng ý không?
Tăng bảo, khi Mai tiễn ông đến đầu thị trấn. Có cái gì đấy buộc cô lại với ông. Cô là đàn bà, ông là đàn ông, đang trống trải, cái đó có một chút. Nhiều hơn, cô đang như con nợ, ông nắm giữ bí mật của cô nhờ vụ bẩn tính của “Ba phẩy”.
- Em không biết. Nhưng em chúc anh một năm mới bình an. – Mai không trả lời vào câu hỏi.
Giao thừa, Tăng mang nén hương ra gốc đào vườn hoa thị trấn khấn vợ. Con nó trách tôi, liệu bà có trách? Giờ này nó đang cúng ở nhà, bà ở dưới ấy hay lên cả trên này? Dầu sao, tôi phải lo cho mình, cái tâm nó đang loạn cả lên đây này. Rì rà rì rầm, nghĩ không biết có nên xuýt xoa như các bà các cô… Rồi về nhà nghỉ, nhận lời chúc Tết và chúc lại bà chủ, uống chén rượu ông chủ mời, lên phòng.
“May là mình có lời trước, và họ không câu nệ ai xông nhà”, anh trai già độc thân nghĩ, trước khi giấc ngủ dễ dàng ập đến.
6.
Sáng đầu năm rét và khô, một tiết trời rất thích để đi bộ. Thị trấn còn vắng tanh khi Tăng đi ngang qua. Những ngôi nhà gỗ xộc xệch như đã muôn đời ngái ngủ. Những kiến trúc mới tinh theo kiểu Pháp, tầng hầm xây đá, trên “trán” có những hoạ tiết vui mắt. Mù mắc dầy trên tán sa mộc, vẳng ra tiếng lích chích. Mũi Tăng ngàn ngạt, nhưng vẫn ngửi thấy mùi hăng hăng tinh tươm của rừng, mùi mốc uể oải của tầng lá ải và quả thối.
Có những điều tương phản trong cảm nhận của khách từ xa tới. Một mặt, là quang cảnh quá phóng khoáng của triền núi ngập nắng, bắt ta phải nín thở. Những bản Dao, bản H’mông vắt vẻo trên đó, cái cao hơn, cái thì thấp hơn tầm đứng của Tăng. Một bóng người nhỏ ti hậm hụi vần cây gỗ, dẻ để làm nấm chăng, hay pơ mu chặt trộm? Trời ơi, sao lại có thứ không khí trong trẻo dường này, và lòng ta như cậu sinh viên thuở nào, không bợn chút bụi trần…
Một mặt, là bao nhiêu dự cảm về những điều sắp đến, đằng sau những cuộc gặp mấy hôm rồi. Ngẫu nhiên đấy, mà như là do số phận sắp đặt cả. Có một cái gì đấy ràng buộc ta với cô ca ve tên là Mai. Ta không thể không nghĩ đến cô ấy. Ta rất muốn là đằng khác. Nhưng đằng sau cơn nóng ran của con đực, lại là sự quan tâm về một thân phận, tò mò hay thương cảm chả biết. Mà có lẽ là cả hai. Ta có giúp được gì cho cô ấy không? Trách nhiệm, là thứ ta ngán nhất trên đời này cơ mà…
Và còn nữa, sừng sững, không mong manh như với Mai, là vị học viên cũ, cái tay phó giám đốc sở xởi lởi, tiếc thay còn rất tháo vát. Đằng sau sự thân thiện đó là gì? Hưng, đã và đang thành đạt, có biến đổi gì sau hơn mươi năm qua? Trong mơ hồ, Tăng thấy ngại ngần, về một tư chất trí trá có thể đã định hình, nay lại được kinh nghiệm quan trường bồi đắp. Ông không muốn gặp Hưng nữa, điều đó rõ quá, nhưng lại tò mò gấp bội muốn chứng thực những linh cảm, trải nghiệm của mình. Để xem nó đã hoá cáo đến đâu? Nhỡ đâu, nó thay đổi, tốt tính thực tình với mình thì sao…
“Một thứ tò mò, muốn khám phá của trí thức. Ước gì mình quẳng được tâm trạng này, quan hệ này đi, để chỉ nghĩ đến Mai…”, Tăng nghĩ, khá mệt mỏi. Nhưng nghĩ trước chả được nào. Mình sẽ tuỳ cơ với Hưng. Mình cũng có kinh nghiệm, sự trải đời và những “vũ khí “ cơ mà.
Lang thang giữa thiên nhiên quyến rũ và những tâm trạng chả có cơn cớ gì, Tăng thấy thèm một bếp lửa, làn khói, tiếng lao xao. Mồng một, chả dám vào nhà ai, ngó vào họ cũng ngại. Quay về đói ngấu, may là hàng bánh cuốn đầu thị trấn đã nghi ngút.
#
Hưng đến đúng hẹn, giữ lễ, ra điều “thày trò” khi lái xe đến đón Tăng đi dự lễ trao quà từ thiện. Trụ sở uỷ ban đã lố nhố người. Những hình thù cũ kĩ, méo mó dắt theo lũ trẻ dặt dẹo. Những gương mặt chậm chạp, dễ chả bao giờ tìm được cách ra khỏi sự khó, lại càng không nghĩ có ngày có thể ra khỏi đấy. Có cả Mai, dắt theo cu Khoèo. Cô mặc chiếc áo bông đàn ông, có lẽ của ông bố, tã tượi, thụ động, mắt rủ xuống chả nhìn đi đâu. Tăng đang bươn đến chỗ cô thì bị lái vào hội trường. Một người đường bệ, có nét mặt cởi mở chìa tay ra cho ông. “Anh Nghĩa, bí thư tỉnh uỷ. Anh Song, trưởng ban tuyên giáo…”. Tăng rối lên giữa đám xã giao, thấy “nỗi niềm bé nhỏ” của mình mất hút trong loa phóng thanh “trân trọng”.
Lễ trao quà đơn giản, hẳn là vì ngày Tết. Sau lời giới thiệu của uỷ ban, vợ Hưng lên trao quà, mỗi suất một túi bánh mứt, chai rượu vang Thăng Long kèm năm chục nghìn đồng. Bí thư tỉnh đánh giá cao tấm lòng của doanh nghiệp Hoa Ban, cho đây là sự tri ân phải có với người nghèo, trong đó có những gia đình chiến sĩ đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể ở chiến trường. “Đảng ta đánh giá rất cao những hành động uống nước nhớ nguồn được xã hội hoá… Tôi nhẩm tính số quà trao hôm nay trị giá khoảng hai triệu đồng, không nhiều, phải không ạ. Nhưng nó thể hiện tấm lòng lá lành đùm lá rách, rất đáng được nêu gương”.
“Mà sao không thấy báo đài đến đưa tin nhỉ?”, ông quay sang hỏi trưởng ban tuyên giáo. Đang chăm chú vào lời Nghĩa, Tăng nghe thấy những âm thanh lạ trong đám đông bên dưới. “Nghẹc loọc. Vâng ạ!”, cu Khoèo ngơ ngơ gương mặt si đần, đế lên. Có những tiếng nhắc, tiếng mắng, câu cười cố nén, nhưng bí thư đã tươi roi rói: “Thế đấy, cháu nó cũng đồng ý với tôi. Cháu rất ngoan đấy”.
ắng đi một chút khi các gia đình nhận quà thảo luận cử người lên phát biểu. Rồi Mai bị đẩy ra trước micro. Thưa gửi được mấy câu khá đúng sách, giọng cô đã nghẹn lại, như thể đang cố nuốt cả bể nguồn cơn xuống ngực. Nước mắt cứ thế lăn xuống làm gương mặt ưa nhìn nhoè nhoẹt mà vẫn cứ không ra được lời nào. Hội trường im phắc ái ngại, đã có vẻ sốt ruột thì Khoèo lại rành rọt:
- Không nói thì bảo không nói! Nói nhiều lại bảo nói nhiều!
Có những tiếng cười nho nhỏ, những âm thanh bị nén lại. Bọn trẻ con bắt đầu ồn ĩ. Thì Hưng đứng dậy đỡ lời: “Gia đình xúc động quá nên không phát biểu được, mong các vị thông cảm. Vả chăng, cái mục đích lớn nhất của buổi lễ hôm nay là trao quà thì chúng ta đã làm xong rồi. Tôi xin thay mặt ban tổ chức cảm ơn sự có mặt của các vị khách đã bớt thì giờ ngày Tết đến dự”.
Hội trường lập tức bùng lên như cái chợ. Trẻ con đòi mở túi ăn kẹo, người lớn bảo phải về thắp hương đã. “Đám đông bao giờ cũng vô ý thức”, Tăng nghĩ, đang định đến an ủi Mai thì lại bị kéo vào phòng khách uỷ ban. Trong cuộc giao đãi với các anh địa phương, ông thấy ngoài sân vợ Hưng phát biểu trước máy quay truyền hình tỉnh. Phó nháy chạy lăng xăng chớp lia lịa. Mai quắp cu Khòeo về thế nào nhỉ, đi xe ôm khéo mất già phần tiền vừa được phát. Tăng mải nghĩ, chợt thấy bí thư hướng về phía mình: “Hôm nay mới sơ kiến thôi, nhưng mong có ngày được gặp lại anh”.
- Sơ kiến là thế nào ạ. Em mời hai anh về nhà em, ngay đây thôi. - Hưng nói.
- Thôi, tết nhất đi làm có thì có buổi, Nghĩa quay sang Hưng. Mình đã đi quanh năm…
- Một chút thôi ạ. Anh nỡ nào để em dông cả năm. Một chút thôi, em đã chuẩn bị cả rồi. Thôi thì anh cứ đến, nâng ly rồi không uống cũng được. Đằng nào đến trưa là anh cũng ngồi với chị rồi. Nhà em đang vui, vừa làm việc từ thiện, cô ấy rất mừng được anh bớt chút thì giờ.
Giọng mời khẩn thiết rất khó thoái thác, Nghĩa từ chối vài lần rồi rảo ra xe, miệng dặn “quàng quàng lên, đơn giản thôi đấy”. Và quay sang Tăng, hơi nhăn nhó: “Anh thông cảm cho, tôi thật không mấy khi được ăn cơm đủ cả nhà”. Thế nhưng vẫn phải đợi, Hưng chèo kéo đám truyền hình và báo tỉnh về nhà cho bằng được.
Tiệc đã sẵn sàng, nhỏ, đơn giản nhưng lịch sự, người đặt rõ là rất sành sỏi, kén gu khách. Hưng đưa Nghĩa đi xem nhà, bảo “đây là doanh nghiệp đối tác với du lịch tỉnh, vốn chung của vợ em với mấy gia đình đằng ấy, mình là đảng viên muốn cũng không làm giầu được”. Đang còn “báo cáo” thì bí thư đòi “Ông có gì thì cho tôi uống đi nào!”. Đám báo chí tháp tùng cũng sốt ruột ra mặt. Rồi cũng đến lúc tất cả ngồi vào bàn. “Vợ chồng em chúc anh mỗi cái sức khoẻ. Không có sức khoẻ thì chả làm gì được đâu ạ”, Hưng nói rồi nâng ly. Nghĩa, rất lịch lãm, ra câu chúc Tết, chạm cốc với bà chủ và Tăng trước, rồi lần lượt tới cánh báo chí. Ông uống chầm chậm thứ chất lỏng mầu vàng nâu, khen ngon, rồi ngay giọng: “Thế nhá, giờ thì tôi về, được chưa?”.
Tăng được bí thư trao tấm danh thiếp, “lên đây có gì anh cứ gọi tôi”, giọng chân thành chứ không thoảng quá. Đám phóng viên cũng lục tục ra xe. Hưng không nài giữ, nhưng thấy vợ ra theo đưa phong bì, “gọi là chút mừng tuổi đầu năm của anh chị”.
7.
Còn lại có hai người, vì vợ Tăng đã lui vào trong. Nhưng ông chủ có vẻ nhãng đi đâu đâu. Khi Tăng hỏi thân tình “có chuyện gì?”, Hưng bảo: “Ban nãy anh Nghĩa nhắc em giữ đoàn kết với giám đốc sở. Mà giữa em với anh Chung có gì đâu. Kể ra giám đốc ở bên Thanh niên sang, nghiệp vụ không có, nhưng em không hề lấn quyền. Chắc cụ nghe đứa nào phản ánh bậy…”. Đang còn bứt rứt thì vợ Hưng đem dưa hành ra, líu ríu mời và giải thích: “Chúng em cũng mới dần, xa nhà chơi Tết, chứ ăn thì ngon mồm cả năm rồi”, giọng biển rất nặng. Răng sin sít, kiểu người chặt chẽ không béo nổi, chắc Hưng bị quản lý ra gì. Nhưng có ba đầu sáu tay mới quản nổi tay này, Tăng nghĩ, chuyển sang an ủi Hưng, kiểu “thì chắc là nhắc chung chung thôi. Đi đâu ông ấy chả nhắc”.
“Mà dù sao, trong mắt bàn dân, ông đã được bí thư tỉnh uỷ đến thăm nhà mồng một Tết rồi…”, Tăng nói thêm, nhận thấy cái nhìn dò xét của Hưng. Nhưng rất nhanh, chủ nhà đã hồ hởi giới thiệu với vợ “nhân thân” sang trọng của khách, “không có thầy Tăng thì anh đã chả nên người được như ngày nay…”. May là bà chủ xử theo lối đơn giản, không nói những lời trịnh trọng quá.
Tuần rượu đầu bì bì, nặng về giao đãi, nhắc đến những ấy nọ hồi anh dậy còn chúng em thì học, học kiểu cốt lấy được bằng là rất không phải với công sức thầy. Em xây được cái nhà này là nhờ bên vợ. Mang tiếng là quan chức cấp sở, chứ cô ấy mang tiền về nhà là chính chứ. Sốt ruột vì Hưng à ơi lâu và có mùi che đậy, ông khách lóng tính lên giọng: “Tôi hỏi thế này có gì anh chị tha lỗi, có phải ban thờ ở nhà, nhà ở tỉnh ấy, không phải cái này đâu, không có bát nhang cúng Phật?”
- Ơ, sao anh biết? – Vợ Hưng bật lên - Đúng là em có bát nhang thờ Thần linh, Bà Cô, Tổ tiên và Ông Hoàng tại gia. Xưa mẹ đẻ em cũng bảo phải thờ Phật, mà ban riêng, anh Hưng cứ không nghe cơ. Thế ra anh biết xem. Anh xem cho chúng em đi!
- Tôi cũng chả thạo. Nói bừa thôi mà.
- Anh cứ giấu… Ngồi đây biết nhà em ở tỉnh thế nào. Cách năm chục cây số chứ ít đâu. Anh xem đi. Nhà đúng là đang phong vận, nhưng em cứ lo lo, biết đâu…
- Tôi nói thế này cô cũng chả tin. Nghĩa là cái linh cảm thôi. Nhà mình vượng rất nhiều thứ. Quan lộc, của cải đều thăng tiến. Nhưng…, Tăng ngập ngừng, cái khí trong nhà nó dương quá. Hoả mạnh khó bền. Rất khó nói cô ạ, chỉ là linh cảm thôi mà. Nhưng thờ Phật cho tâm tĩnh lại, bớt dương xung đi, có khi lại là hài hoà, đem lại sự ổn định, thư thái.
- Vâng, thế em sẽ lập ban thờ Phật riêng, rước tượng về hương khói. Anh bảo thế sẽ tiếp tục … tốt chứ gì ạ?
- Là nói vui vậy thôi cô ơi. Tôi cứ cảm thấy thế nào thì bừa phứa ấy mà, thầy bà xem xiếc cái gì…
Mặc vợ Hưng vật nài, Tăng một mực chối. Quả là ông đã nói bừa, một lối đùa nhả, kiểu đấm dứ trong quyền Anh. Không nói gì, nhưng Hưng đã động tâm thấy rõ. Nhấp nhổm trên ghế, bàn tay hết ruỗi lại co, mắt anh ta cứ chòng chọc vào Tăng nhưng lại lảng đi khi ông nhìn lại. Cuộc chơi đã bắt đầu rồi đây, và không phải không có phần ác, Tăng nghĩ, thú vị thấy mình đang chủ động, chờ cho bà chủ phát chán bỏ lên gác.
Quan sát, “đọc” tâm lý người khác là một phần công việc của Tăng, sau này nó phát triển bừa phứa ra cả những “lĩnh vực” khác. Một sinh viên hay nghiên cứu sinh trích dẫn hay trình bầy tư liệu có thật không? ẩn ý trong những câu nói kín như bưng của lãnh đạo là gì? Từ những “thắc mắc” kiểu ấy, ông dò dẫm đến những đoạn khúc kiểu “Tại sao người lãnh đạo không bao giờ nói thẳng ý mình ra?”, “Anh ta vướng cái gì mà cứ lập luận vòng quanh thế nhỉ?”. Nghĩ thấu đáo được những điều ấy sẽ có cách xử sự khôn ngoan hơn. Tóm lại là có lợi, tuy bắt ta nhiều lúc phải đăm chiêu.
Hồi bà Khánh ốm, quá tuyệt vọng, ông theo một người bạn đến nhà người xem tướng tay. Mệnh bà còn lớn lắm, Tăng nghe lời, về miệt mài phục thuốc. Nhưng chứng nan y cứ múc dần sức sống của vợ ông. Đến lúc hết hy vọng, Tăng giận mình vô cùng. Sao mà ngu thậm ngu tệ. Cái thằng “thầy”, gã giáo viên cấp một ấy, chỉ mới phán vài câu ông đã tăm tắp tin, tông tốc kể ra những chuyện hết sức kín đáo trong gia đình. Sau này, những cuộc tự phân tích tâm lý tiếp tục đưa đến kết luận rằng con người ta ai cũng có những chỗ yếu đuối, rất dễ bị khai thác hay dẫn dắt. Tăng mua sách xem tay, mò vào Dịch, quan sát tướng mạo, thỉnh thoảng “vận dụng” trong giao tiếp. Một trò nghịch tinh, nhưng nó quyến rũ vì thỉnh thoảng vẫn thành công, đem lại những hiểu biết về bí mật trong mỗi con người, điều ông chả bao giờ thấy chán kiếm tìm.
Nhưng có một cách thức tự nhiên, có lẽ là rất riêng với Tăng, là bao giờ ông cũng kết hợp những kiến thức học được với linh cảm, kinh nghiệm. Có những cái “kho” để đối chiếu, “cất” người này vào loại thành thực, đôn hậu, người kia thì ngược lại, hay đơn giản là ù ỳ rất khó “đọc”. Cái điều Tăng vừa phán với vợ chồng Hưng đến nửa phần là bố láo, nhưng lại dựa trên những cảm nhận đang diễn ra trong đầu ông về họ. Và bây giờ, nửa thật nửa hư, ông chơi tiếp cái trò không phải là không ma tịt, với anh chàng vốn từng là cậu học viên rất không trung thực của mình.
#
- Thế ra anh biết xem. Mà lại xem giỏi. Ngồi một chỗ biết ngoài nghìn dặm…
Hưng buông lửng, đà đận kiểu không ra câu hỏi, cũng không thúc giục. Nhưng vẻ sốt ruột làm sao giấu được Tăng. Vị “chuyên gia tâm lý” muốn lái câu chuyện sang hướng mà ông thấy cần thiết. Rượu ngon mà không ngửa bài ra, cứ phải úp mở nó hóc lắm. “Thế ông có biết hồi ấy tôi cho ông điểm mấy không?”
- Em biết. Và càng thấy biết ơn anh. Anh đã cho 5, mà bài em dưới trung bình không đáng. Nhưng anh cho em một bài học mà các giáo sư cho chín mười không cho được. Đấy là chữ “Lễ”. Em không đến anh, ít đến thì đúng hơn. Lối tặng quà lại rất thô lỗ, quen nói ít hiểu nhiều kiểu tỉnh lẻ hay của lũ buôn trâu bán bò. Trí thức trọng chữ nghĩa, thái độ, nhiều khi không sòng phẳng quá được. Nói thật, trong bữa liên hoan cuối khoá hồi ấy em rất ngượng, nhìn thái độ anh biết ngay ấy mà.
Hưng nói nhẩn nha nhưng liền mạch, không bứt rứt, những điều như thể đang nằm lòng. Kể ra thế là có bản lĩnh lắm, sau khi vừa bị bí thư tỉnh phang một đòn có thể là rất ảnh hưởng đến tiền đồ chính trị, Tăng nghĩ. “Và lại bắt luôn được vào cái “hồi ấy” của mình nữa chứ”.
- Các ông lăn lộn trong công việc, thay đổi nhiều thật đấy. Trước gầy gò, ngơ ngác, lại còn kính vỡ một mắt, ai ngờ đẹp đẽ, lịch lãm thế này. Chả bù lũ mọt sách chúng tớ…
- Vâng! Va chạm nhiều nó cũng khá lên chứ anh. – Hưng đã trở lại hồn nhiên - Được chân phó giám đốc sở cũng có giá của nó, như phải xa quê. Hồi tốt nghiệp khoá học của các anh, em về tỉnh thấy tình hình chật chội quá thể. Trưởng ban tổ chức chính quyền là người làng em, nhưng họ em với họ hắn đánh nhau liên tù tỳ. Bên ấy nghèo mà học giỏi, bên em buôn gỗ bán bè hay cậy của, nhiều lần tỏ ý khinh khi. Đến lúc gặp hắn ở tỉnh rồi thì ngán quá. Làm sao tiến bộ, có một chân chức sắc được. Kể cố thì cũng được bổ nhiệm chức phó phòng, nhưng nói anh tha lỗi, làm phó như chó dọn cứt. Rồi ông bác làm tổ chức trên này kéo lên, mới đầu cả nhà không chịu. Giờ thì bố em lại khen “thằng này có chí!”
- Hồi ấy cậu ba mấy chứ mấy, thế mà giờ đã phó giám đốc.
- Em khai tụt đi ba tuổi. Hồ sơ tay tổ chức chính quyền chứng nhận ngay vì em đi là nó đỡ ngứa mắt. Cũng có quà cáp quỵ luỵ chút đỉnh chứ nói không thì nó chả chịu. Vậy là em còn cống hiến thêm được ba năm. Anh giáo sư thì chả phải lo hưu sớm, phải không ạ?
- Tớ lại đang muốn hưu. Làm việc không còn động lực nữa.
- Em thấy trí thức các anh phức tạp thật. Cứ hay tự làm khổ mình. Dù sao em cũng học được các anh cái nết ham học. Từ hồi xa anh em học nhiều lắm. Chính trị trung cấp, cao cấp này. Bằng quản lý, bằng luật, có khi hai lớp một lúc. Vừa học vừa công tác, đi đi về về Hà Nội vất lắm. Nhưng phải cố. Thời buổi tiêu chuẩn hoá cán bộ đi cả hai chân chính trị chuyên môn nó mới vững. Bây giờ thì ổn rồi, thạc sĩ, tiến sĩ đều xong. Anh mà về tỉnh, chủ tịch đoàn giới thiệu tiến sĩ thì em cũng lên đấy ngồi vì cũng có tiến sĩ. Nói đùa thế thôi, em đâu dám trèo…
- Tớ không tiến sĩ đâu, Tăng nghiêm chỉnh. Chỉ có cái giáo sư. Trí thức, văn nghệ sĩ tức là làm quan tắt ấy mà, đâu có tuần tự tiến bộ như các cậu. Mà chắc việc học của ông cũng tốn kém?
- Hướng dẫn bao nhiêu quan tỉnh quan huyện rồi, anh lạ gì! Uống đi anh! Tuy không gặp nhưng em vẫn biết tình hình anh. Em mừng vì anh đã thay đổi, chứ cứ như xưa khư khư giữ cái sĩ thì ai mà nhờ được…
Nghe câu lái chuyện, Tăng biết Hưng đã cảnh giác với đề tài mình đang rất háo hức. Cơn tức đang dâng lên trong lòng, biết nó rất vô lý, mà ông không đè xuống được, nên chuyện lại nhạt nhẽo, khách sáo đến vô hồn, chả xứng đáng với chai cô nhắc và những thịt sấy, dưa cải ngon quắt lưỡi.
8.
- Cậu có một cái giấu vợ rất kinh.
Tăng bỗng đổi mạch chuyện, gần như thầm thì. Đang khoái chí vì thành công, và rượu đánh thức óc khái hoạt, ông muốn tiếp tục những “thử nghiệm” của mình. “Cú đấm” gần như có tác dụng ngay, vì Hưng hoá nhũn nhùn nhùn. “Nếu cậu bằng lòng thì đưa tay tớ xem, nghe được câu nào thì nghe, không thôi…”
Ngần ngừ, rồi bàn tay trái cũng đưa ra. Nhưng Tăng bảo Hưng lồng các ngón hai bàn tay lại với nhau, ngắm nghía rồi mới nâng bàn tay trái lên. Rất lâu mới ra lời:
- Cơ mưu cơ chí lắm. Nghĩ mưu cả hai bốn tiếng trong ngày. Thành đạt muộn. Đường công danh thế này tức là ưa hoạt động, có khả năng thực hành. Không chấp nhận thất bại hay sự an bài, bên trong có người luôn luôn hối thúc làm cái lớn. Về cái khoản phải xa nhà xa quê mới lập nghiệp được thì các đường biểu thị rất đúng… Có thị phi, nhưng “tay không bắt giặc” vượt lên. Trông thì nhàn tản nhưng tâm trí rất vất vả. Kể ra cậu dậy học thì tốt hơn, tâm với đức đỡ bị suy như làm quản lý. Mà gan cũng đỡ nóng…
- Thế em có được ai phù trợ không? - Hưng như bị nắm đúng thóp, lẩm bẩm.
- Không rõ lắm, cả nội lẫn ngoại. Nhưng có một bà cô chết trẻ đỡ, át nhiều những mưu hại lắm. Bà có thể đẩy cho đi xa hơn, lại có thể dừng. Đức năng thắng số mà, nên ông cần thờ Phật, át đi những ham hố dục tốc quá. Tiền đang vào như nước nhưng cũng phải cẩn thận, làm việc công đức…
- Thì em góp từ thiện cũng là công đức…
- Công đức cũng có dăm bẩy đường, cái đấy tôi nói sau. Còn cái này, tớ xin lỗi trước… - Tăng hạ giọng - Cậu có con riêng. Gần thôi. Cậu rất yêu nó. Thằng bé phải không?
- Dạ…, giọng Hưng thoảng đi.
- Cái khổ nhất là cậu muốn nhiều thứ quá. Sân si đấy. Sẽ tiến nữa về đằng tiếng tăm, như đỗ đạt, lên chức. Nhưng muốn nhiều thì khổ lắm, đấy là quy luật chứ không phải hậu vận của cậu đâu. Khổ, có khi chỉ là mất bạn, hoặc người ta kính nhường, sợ mình nhưng không tôn trọng. Cậu hay lấy mục đích làm đầu nên có khi không thấy đó là khổ.
“Nhưng thôi, có khi ông chả thích…”, Tăng dừng lại khi thấy mặt Hưng sa sầm, không phải là không có sắc thiểu não. Hẳn là đúng cả. Kể ra mình mò mẫm có hơi ác. Nhưng nó đáng thế, phải thế chứ. Và đúng là Hưng cũng chả muốn bị “đọc” tiếp, khi nhắc đến vợ đang trên gác.
- Anh, các anh sợ thật đấy, biết hết chuyện nhà người… - Ông chủ nói yếu ớt, nhưng dù sao cũng cho thấy một trạng thái thành thực, ngửa bài hơn.
- Thế mới ăn cơm thiên hạ được ông ạ, Tăng nói đùa, bỗng thấy thương thương. Câu cuối cùng nhá, ông đang rất muốn ngồi vào cái vị trí đã có người. Hãy chịu đựng, biết chờ đợi. Đừng manh động quá mà rối tung lên. Thôi, tớ uống đây!
- Em cũng biết là phải làm thế. Giám đốc sở chả biết quái gì, nhưng là người của phó bí thư phụ trách tổ chức. Phải cái lắm lúc không chịu được lại điên lên. “Cạch” cái đi anh.
#
Chuyện hết lờ đờ, vào hẳn quãng cởi mở. Hưng uống như hũ chìm mà giọng không hề dính, rất tự chủ, làm Tăng không khỏi không khâm phục. Có điều cứ mỗi lần “anh ạ” là lại đập tay vào người tiếp chuyện. Người tự tin, nắm quyền lực mới có những thói quen như vậy, tinh quái cẩn trọng đến mấy thì rượu vào vẫn phải tít.
- Ông chắc có nhà Hà Nội rồi chứ nhỉ? –Tăng, uống ít mà chiêm nghiệm nhờ chén rượu thì nhiều, hỏi.
- Mới có đất thôi, chưa xây. Thằng Ân sở xây dựng tỉnh em ăn dự án xoá đói giảm nghèo xây nhà ngay nên xong sớm nghỉ sớm. Nhưng cái Hoa Ban này chủ yếu của em, có phần hùn của mấy anh trên tỉnh với ngay huyện này nữa cho chắc chắn, anh ạ. Cậu quản lý đây là em bên vợ. Hay anh sang bên này nghỉ đi. Đỡ buồn, mà em còn vài việc muốn bàn với anh.
Tăng từ chối, nói thác là còn muốn “sử dụng tình trạng độc thân”, rồi hỏi: “Nhưng biển treo ngoài kia là của công ty Ô., nhà nước kia mà…”. Hưng không trả lời, xoay sang giục: “ Anh ăn đi, món mì ý này được lắm đấy!”. Sục cạn ly mấy lần, mới đà đận:
- Kể ra là em không muốn nói, nhưng dấu anh lại thấy áy náy. Thế mà anh tin được à. Cái lòng khách sạn là của chúng em, tức là tư nhân. Vận dụng mãi, không thì không di dời được những hộ dân ở đây.
- Có phải là đám Hà Nam, giờ trồng rau dưới lũng?
- Ơ, thế ra anh biết hết rồi. Anh đúng là ma xó. Sợ thật đấy. Anh quen ai à?
- Cũng không hẳn…
- Em hỏi thế thôi. Anh mà có lòng trượng nghĩa tranh đấu cho mấy nhà ấy thì dù ba đầu sáu tay cũng bằng húc đầu vào tường. Bọn em làm kín lắm, anh ạ. Nắm chuyên chính trong tay mà.
Hưng nói chắc nịch, giọng uy quyền, cứng cáp. Nhìn hắn tấn công vào đĩa bít tết, Tăng bỗng tỉnh hẳn. Đầu ông long lên những mối ngờ: “Có phải vì bị đẩy xuống lũng trồng rau mà nhà Mai rơi vào khốn quẫn? A, có phải vì thế mà cô ấy đâm đi “thêu thùa”? Thế những chuyện ấy có liên quan gì đến cuộc từ thiện hôm nay không, biết thế mà còn làm thế thì khốn nạn quá chứ”. Bên tai ông, Hưng rất rành rọt:
- Em muốn bàn với anh một việc, rất quan trọng. Chất xám của anh cần cho tỉnh lắm, tất nhiên không phải chỉ mình anh. Một vài lớp bồi dưỡng, đón các giáo sư lên. Em cứ ngửa bài thế này, các anh thì cơm bưng nước rót, tiền tỉnh vận dụng nhiều kiểu, không bèo bọt như ba rem nhà nước trả trí thức đâu, anh ạ. Và bọn em chả phải đi đâu, vẫn nắm việc cơ quan nên chả lo thằng nào tranh ghế mà vẫn có chứng chỉ học tập, đủ bằng cấp để đạt chuẩn cán bộ của trên. Nhất cử lưỡng tiện đấy. Tất nhiên không phải cứ học là đỗ, chứng nhận chỉ đến với những ai đúng quy hoạch của mình. Anh thu xếp cho đủ một đội hình giáo sư, trên này em sẽ báo cáo với tỉnh.
“Anh thấy sao? Chuyện này anh phải giúp em mới được”. Nghe Hưng giục, Tăng thấy mình đang nhãng đi. Đúng là lâu nay ông hay “trôi” vào nảo nào giữa những câu chuyện cần tập trung. Một chứng già, chứ gì. Bèn điểm lại những gì Hưng vừa nói, và đà đận: “ Để tôi nghĩ đã. Ông nói đột ngột, tôi hơi bất ngờ. Tôi chưa tổ chức lớp thế bao giờ mà…”
- Có gì anh cứ cho em biết đi.
- Thực là tôi ngại về chất lượng lớp. Các ông ở tỉnh về Hà Nội học tập trung còn ngổn ngang bao nhiêu việc, rất ít khi tĩnh trí cho bài vở. Các giáo sư tôi quen biết họ cũng khó tính, tỉ như lên tận đây dạy mà học viên kém quá, bận công việc quá, giờ dự một giáo trình không đủ, rồi ra cứ thế cho chứng chỉ à, cuối khoá cứ thế cấp bằng chứng nhận à. Mà các ông cũng chăm học thật đấy nhỉ.
- Anh tính cán bộ làm đã cực thì còn đi học để làm gì? Nhưng có bằng cấp mới có chức vụ, thì mới có quyền bổ kế hoạch, lập dự án. Quyền lực, nói thật, còn hơn chữ nghĩa anh ạ. Em chả biết trí thức văn nghệ quan tắt thế nào, chắc không mạnh toàn diện bằng bọn em. – Hưng khoát tay. – Mà thôi, nói những chuyện ấy nó xa xôi quá. Cụ thể là anh cứ làm một khoá cho bọn em đi. Chất lượng là cái gì! ở trong tay các anh chứ. Em ngửa bài thế này, là trên này cần bằng và có tiền, các giáo sư có thẩm quyền và thiếu tiền. Đấy, thực lòng là thế, khó nghe nhưng em phải nói thẳng bản chất lớp học là vậy. Anh đã bắt em nói trắng phớ ra rồi đấy, giận hay không là tuỳ anh. Nhưng em lại phải nói thêm, không có anh thì em cũng nhờ được người khác. Giáo sư giờ thiếu gì người bán…
- Thì ông kiếm được ai cứ nhờ họ đi. Tôi chưa sẵn sàng.
- Anh làm em giận quá. Vẫn cứ như ngày xưa. Nhưng anh lại là người có tiếng là nghiêm túc trong khoa học. Thế em mới nhờ. Giúp em chỉ có lợi.
- Ông đúng là vẫn như ngày xưa. Chả đổi tí nào.
Chủ khách, lúng túng vì trót cởi mở quá, để chuyện đâm vào chỗ bí bì, đành ngồi yên cho rượu vào. Rồi Tăng phá ngang: “Ban nẫy bí thư tỉnh uỷ không ở lại, chắc là bận…”
- Em cũng tiếc. Giữ thế nào anh Nghĩa cũng về, bảo “Tết cũng đi bà ấy không bằng lòng” với lại “Ông cũng để tôi phải có cuộc sống riêng của tôi chứ”. Nói thế thì chả nài được nữa. Nhưng anh biết không, cụ xuống dự thế là đã được quá rồi. Khối đứa đang chọc ngoáy em về cái khách sạn này phải im miệng.
Hưng nói rắn rỏi, rõ là đang trong cơn cởi mở hết lòng. Chả còn gì để phải giữ kẽ thầy trò, đằng nào thì với chầu xem tay, khách cũng đã đọc hết vị chủ rồi còn gì. Nhưng trong lòng Tăng, nỗi bất bình bắt đầu réo lên thành cơn giận. A, té ra mi, với những anh trên tỉnh, dồn mấy gia đình Hà Nam xuống dưới lũng, đẩy Mai vào chỗ “thêu thùa”. Quân khốn nạn, với những dự án đầy mục đích yêu cầu cao cả, những diễn văn diễn từ thánh thiện… hại đời người ta. Nghĩ thế nhưng nhà trí thức lại ra lời nhẹ nhõm: “Ông bây giờ cảm thấy hoàn toàn làm chủ cuộc đời rồi đấy nhỉ?”.
- Anh nói thế nghĩa là sao?
- Ban nẫy tôi còn chưa nói hết với ông đoạn công đức. Đuổi người ta đi để xây khách sạn kinh doanh cho mình rồi lại làm từ thiện, cái công đức ấy ghê tởm lắm! Tôi hãi cái sự tiến bộ của các anh.
Hưng ngạc nhiên thấy Tăng đổi giọng bất ngờ.. Ông “bán tự vi sư” đã đứng dậy, mặt đang đỏ lại sang tái ngó anh ta trừng trừng. Ông chủ nhà cũng tự chủ rất nhanh, lau mồm cẩn thận, mím chặt đôi môi mỏng, vứt cái khăn ăn xuống bàn. Những lời ra như chưa từng uống:
- Thế là đủ rồi. Biết nhau rồi. Buồn cười nhỉ. Té ra anh vẫn cứ như xưa. Nhưng nói ra thế cũng là tốt. Cũng là nhờ rượu mới biết. Thôi thì anh nghĩ gì em không bàn. Nhưng chớ có thọc vào những chuyện trên này. Không đùa được đâu, thầy giáo ạ!
9.
Ban đêm, Tăng thấy mình bị dồn đuổi. Con quái vật khoẻ mạnh thần thông lúc xấu xí lúc xinh đẹp giơ bàn tay lông lá gớm ghiếc chụp xuống đầu ông. Đồng lúa, bãi ngô, sân trường, lên cả trên rừng rồi mà chỗ nào cũng thấy nó trước mặt. Đứt hơi mà nó thì cười khành khạch. Bị chiếu bí, Tăng đẩy Mai vào mồm nó. Sáng sau ông chủ nhà nghỉ bảo đêm qua bác nằm mơ u ơ ghê quá, làm em phải lên xem…
Ông bị rơi vào cơn phiền não. Day dứt vì cái ý nghĩ mình đã góp phần tạo nên một cái quái thai cho trần thế, là thằng Hưng. Sao mà thiên hạ giờ chăm học thế nhỉ, ai ai cũng muốn làm cử nhân, tiến lên tiến sĩ. Dân tộc mình hay tự phong hai chữ “hiếu học”, thế mấy người trong bia tiến sĩ ở Văn Miếu có tên trong sách “Các tác gia Việt Nam”, nghĩ ngợi một cách độc lập. Các cụ “sĩ” ơi, chăm học thế thì chết giống nòi là phải. Ông và bè lũ giáo sư đã thành ra thế nào khi nặn một lũ ấy nọ thành trí thức. Chúng đã cán bộ đảng viên, giờ lại cả trí thức nữa, thế nào thì ra thế ấy chứ còn gì…
Và lo sợ. Nói ra điều mình nghĩ sẽ hệ luỵ. Không có rượu thì đã chả có chuyện. Uống kinh thật. Đầu nặng quá. Mình có trắc ẩn, sự thương cảm, nhưng mình chưa bao giờ là con người tranh đấu. Không quật cường như người khu Bốn mà đòi cách mạng á…
Sự thảnh thơi rời bỏ con người nhậy cảm. Kỳ nghỉ thế là hỏng mất rồi. Chẳng thiết ăn uống, cũng chả muốn về nhà, về thì sự day dứt về đạo đức kia cũng chả buông tha nào. Tăng thấy mình phát ốm, suốt ngày nằm lỳ trong phòng làm nhà chủ cũng ngại. Phiền phức quá.
Mai đến đúng lúc. ép cháo lão, xoa dầu đánh gió. Gớm lưng anh đỏ lên ghê quá. Lúc gặp anh em cuống lên quên mất trên tầu là chú cháu. Em lấy cành mùi đập lên người anh đây… Đàn ông tám mươi bọn em cũng “anh em “ cả. Chịu đau một lúc, ra mồ hôi là nhẹ người ngay ấy mà. Mồ hôi cô ướt đẫm. Sự đụng chạm làm con đực nổi lên, Tăng thấy mình chả yếu chút nào.
“Xong việc” đúng là nhẹ nhõm, thoả mãn. Ngắm nhau trần trụi, vuốt tóc, mân mê dái tai, thấy vừa buồn cười vừa lạ lùng. “Sao cô ấy lại cho mình nhỉ?”, nghĩ thế nhưng câu ra mồm lại thật ác: “Em mang sẵn “túi” đi à?”.
- Em nghĩ chuyện thế nào cũng đến lúc thành thế này, mang đi cho yên tâm. – Mai thảnh thơ - Em hiểu đàn ông chứ, biết ngay đã lâu anh không có đàn bà. Anh đã làm việc tốt cho em. Lần thứ nhất trên tầu, đòi chỗ cho em. Thật ra em dại, không ngồi đúng chỗ cũng chả sao, đòi cái thằng ấy lại lòi nghề mình ra. Lần thứ hai đúng là cứu mạng em. Anh không đánh lảng hôm ấy thì em còn mặt mũi nào với gia đình nữa. Bố em biết dễ tự tử mất. Chòm xóm em nghèo nhưng nghiêm, không chịu đứa con gái đi khách đâu. Anh thấy em có xấu không?
- Vậy là em trả ơn à, Tăng trầm ngâm. Thật ra không biết ai nợ ai. Em không biết đâu. Anh cảm thấy mình có lỗi một phần khi em phải đi thế này…
- Em không cần thương xót đâu. Không thích. Mới đầu thấy khổ lắm, nhất là lúc vài thằng say nó hành. Nhưng dần thì xác định được. Là một nghề thôi mà. Đàn ông “bút cũ giấy mới” ai chả thích, còn chúng em thích có tiền. Cũng có những chuyện chết cười, như đang đi ngoài phố gặp khách đi với vợ con, rất nghiêm nghị chỉn chu. Lờ nhau đi thôi, hoặc giới thiệu cô này là “đối tác làm ăn”. Có bà tưởng em làm oách xoắn lấy nhờ liên hệ, chồng đứng xa mặt cứ tái dại. Chắc lúc ấy em ra dáng thư kí sếp lắm.
- Em đi làm từ bao giờ?
Tăng hỏi bạo khi đám mặc cảm đạo đức đã nguôi nguôi, cơn tò mò trỗi dậy. Vả, hai người phải có câu chuyện chứ, ông còn chưa biết “mở đầu” thế nào.
- Bẩy tháng trước. Nhà chuyển từ trên chỗ khách sạn Hoa Ban bây giờ xuống lũng được ít lâu thì đi. Nhưng mà thôi, anh làm gì mà cứ như ông điều tra xét hỏi. Chỉ biết là lúc ấy em long lanh, không tệ như bây giờ.
- Bây giờ em cũng chả tệ…
Tăng mân mê cái dái tai bé như con sò của Mai, lại tự phân tích những cảm giác trong lòng. Trời đất ạ, người đàn bà này… Những chấm tàn hương chạy xuống ngực, mình làm sao quên được.
“Anh xem phim “Gió mưa bên thềm” chưa?”, Mai xoay chuyện tự nhiên.
- Phim Hàn Quốc à?
- Hồng Kông. Bọn em chờ khách canh tivi suốt ngày ấy mà. Kể cô gái ra tỉnh làm xưởng thêu mặc đồng phục xanh nhạt đầu chít khăn hoa, ngồi trong phòng rất rộng cả trăm người, tay đưa lên đưa xuống miệng hát không lên da non được. Bố em cũng xem phim ấy cứ hỏi “hết ca thì ra bếp ăn tập thể à, ăn mâm sáu như bộ đội hay mâm mấy?”. Bố em dễ lừa lắm, thích xem và bàn chuyện thời sự với cả chuyện thời xưa đánh nhau thế nào. Nói gì cũng tin anh ạ. Anh không xem phim ấy thật á?
- Anh không thích tivi.
- Chán nhỉ. Thế anh làm nghề gì?
- Anh làm cái nghề em làm đầu tiên ở Hà Nội ấy. Tức là làm đẹp.
- Chỉ bịa!- Mai bật cười khanh khách. - Đàn ông ai làm nghề ấy bao giờ. Anh đùa ghê nhỉ. A mà có khi thật. Em thấy thợ may, uốn tóc, vẽ thời trang nhiều con trai làm giỏi ra phết. Anh có bàn tay mềm như tay đàn bà. Nhưng tuổi anh đi làm đẹp thì chưa thấy ai.
- Khách của anh đa phần đàn ông, cũng không còn trẻ.
- Thôi anh chả phải nói nữa. Chuyện với anh tức lắm. Cứ lấp la lấp lửng.
- Anh dậy học, Tăng giải thích. Đại loại ai dốt thì anh cho cái thạc sĩ, vừa lười vừa dốt mà lại muốn trèo lên đầu người khác ngồi ỉa thì anh tặng luôn cái tiến sĩ. Sau này khuyết chân cán bộ nào người ta vin vào những bằng to bằng nhỏ ấy mà bổ nhiệm ấy mà.
- Oách nhỉ. Thế anh là giáo sư à? Em đã đi với vài ông tóc bạc, mấy thằng trẻ đưa đến cho “vào đời”, cứ lóng nga lóng ngóng, chắc cũng giáo sư.
- Anh lóng ngóng lắm à?
- Anh không đến nỗi. Nói chuyện với anh cũng vui. Mấy ông kia cứ hỏi em “quá trình công tác” buồn cười lắm.
- Ban nẫy em nhắc đến khách sạn Hoa Ban. - Tăng “chuyển gam” - Tối qua anh ăn trên ấy, với ông Hưng, có khi em biết.
- Lạ gì. Anh chơi với họ hả?
- Quen từ xưa. Đúng ra là anh đã dậy Hưng. – Tăng dò hỏi, thấy mặt Mai bỗng dưng đanh lại – Có chuyện gì à?
- Ông ấy đẹp đẽ, lịch sự lắm phải không?
- Khác hẳn ngày xưa, quê mùa lắm. Nhưng chắc chả phải là em quý báu hắn, đúng không?
- Em căm thù. Mà thôi. Anh chơi với ông Hưng tức là anh cũng là rồng. Em chỉ là tôm thôi, không trèo được. Nợ trả rồi nhá. Giờ thì ai đi đằng nấy.
Mai với áo ngoài đứng dậy, làm Tăng cuống lên. “Anh có biết nó làm những gì đâu. Nó thay đổi thế nào làm sao anh biết. Chỉ là thấy thầy cũ, Hưng mời cơm, tỏ ra còn nhớ mình, thế thôi. Em buồn cười thật. Mấy chục năm không gặp nhau, dễ thầy vẫn phải chịu trách nhiệm về trò chắc. Bây giờ gặp cô giáo cũ chắc em không chào hỏi hả?... Thế thôi, chả nói chuyện ấy nữa. Nhưng em đừng về”.
Mai ngồi xuống, thừ người ra, tay cứ vuốt ngược ra đằng gáy. Chuyện lâm vào tắc tị, Tăng đang tìm “lối thoát “ thì nguồn cơn bên ấy đổ ra.
“Còn ở trên thị trấn thì mình em nuôi ông cụ, thằng Khoèo với cu Nính không là gì. Lúc ấy ông chồng cũng bỏ đi rồi, không còn là gánh nợ nữa. Nhưng đột nhiên bị đẩy xuống lũng trồng rau. Em được nhận vào làm ở khách sạn Hoa Ban như thoả thuận giải quyết công việc cho người phải ra đi để giải phóng mặt bằng, hàng ngày giặt rũ, làm vệ sinh buồng, rửa bát… Nghĩ cũng sướng, thức ăn thừa của khách mang về nhà, nhiều khi cả con cá lăng chỉ thiếu cái môi. Tắm gội nước nóng, dùng dầu gội tóc mượt ơi là mượt. Mấy tháng trời da em hồng hẳn lên, đàn ông nhìn vừa thích vừa sợ, sợ nhất là cái hôm ông Hưng hỏi han thu nhập em rồi bàn bạc gì đó”.
“Rồi ông quản lý bảo bỏ ủng cởi găng ra, mặc bộ này vào tiếp khách. Tưởng là lên chạy bàn, hoá ra là có mấy khách vào uống đòi. Em không chịu, thế là ra, còn cả tháng lương mắc lại. Mình làm có hợp đồng đâu mà đòi được”.
Chuyện buồn nẫu, nghe nữa nó bất nhẫn quá. Nhưng cô gái đã như nhập đồng, mắt nhắm nghiền, lời ra rỉ rả, những nỗi không thể đừng…
“Vụ rau mất, môi miệng treo tít lên xà nhà, bố con chả muốn nhìn nhau. Rồi em mang thử quần áo Trung Quốc về Hà Nội, thấy bảo giao chợ Thành Công, chợ Thanh Xuân được giá lắm. Hàng không bán được, nhưng em mắc lại ở hiệu làm đẹp. Cấy mi giả, nhuộm tóc, tẩy nốt ruồi, xăm mắt, nhổ lông nách. Các bà khen em làm cũng được”.
“Nhưng mà tiền ít anh ạ. Bố em thương tật, trời ẩm là đau, con hết sưng phổi đến chó cắn. Lại còn thằng Khoèo. Thế là theo bạn chuyển nghề. Được cái khách chơi nhiều người tử tế, bằng lòng thì thưởng hậu. Hôm nào xe biển xanh đánh đến chị em vui như Tết. Khách biển trắng hay xe máy thì ke. Bà chủ hiện nay cũng tử tế, thuê đám vệ sĩ rắn mặt, khách quậy “làm việc” ngay. Cũng có đứa chơi chạt nhưng tiếp tại chỗ, không đi đâu thì khỏi lo. Đại khái trừ tiền trọ, ăn uống, phấn son các thứ, mỗi tháng gửi về nhà được hai triệu”.
- Nói như em thì cái nghề này cũng… không đến nỗi như người ta tưởng nhỉ, Tăng ngập ngừng.
- Em hiểu ý anh rồi. Chỗ anh khó hỏi cũng là chỗ đau nhất của bọn em. Thân mình thế này chỉ để cho chồng con, người yêu hay như anh, để trả ơn trả nghĩa này nọ thôi, đúng không? Nhưng những người ấy có nuôi được mình không? Khách đi đúng là năm bẩy loại. Nhưng những thằng râu ria, hôi hám hay say rượu cứ ấp mặt vào ngực mình là em cứng hết cả người lại, muốn đẩy ra mà không dám. Nhiều lúc nghĩ mình trang điểm đẹp đẽ thơm tho, để tay chân chúng nó mân mó, vầy vò, nước mắt cứ chảy ra. Nhưng vẫn phải chiều, lấy đồng “bo”. Rồi lại nghĩ may mà mình còn cái cửa này kiếm ăn, chứ xấu như ma chắc đánh đường ăn xin. Đấy, nghe thấy đã sướng chưa?
- Không “chấp nhận”, “xác định” à?
- Anh nói gì em không hiểu.
- Nghĩa là không quên được, cứ phải nghĩ á?
- Nghĩ nó mới khổ. Em vào loại không làm nghề này lâu được. Có con bé người Lào Cai, trẻ lắm, người yêu gọi điện hỏi đi chơi đâu không về, nó cứ xưng xưng “đi làm ca ve, kiếm tiền, rồi ít nữa về mới cưới được”. Lại còn cao giá “không đợi được thì đi lấy con khác đi” mới kinh. Thế mà thằng kia phải chịu đấy.
- Nó thế là sướng chứ.
- ừ. Thì là sướng. Nhưng nghề này sướng khổ khó lường. Em hơn nó vài tuổi mà như bà già, cứ khuyên ăn diện ít thôi, đừng đổi điện thoại vội, một đêm đừng để dăm bẩy thằng họp chợ trên bụng mình … Mà nó có cần đâu. “Bà có phải mẹ tôi đâu mà lắm lời”, lúc cáu nó văng lại với em thế đấy.
- Xong rồi sao?
- Cũng thôi chứ làm sao? Mà sao anh hỏi lắm thế. Tò mò lắm nó già người đi ông trẻ ạ. Tóm lại là một nghề thôi mà, như đi buôn ấy, nhưng đem thân mình ra làm vốn, có lúc xui xẻo, có lúc gặp may.
- Gặp anh là may hay xui?
- Tết về với con, gói bánh, dọn bàn thờ, thăm hàng xóm là may rồi. Nói chung chuyện với anh không chán, trừ đoạn bị hỏi nhiều quá, thì là vừa may vừa không may.
Mai nhổm dậy chải đầu, vén đám tóc loăn xoăn sau gáy, bộ điệu thật dễ thương. Tăng ngắm nghía rồi chuyển “đề tài”: “ Ban nẫy em bảo ghét Hưng. Nhưng có khi hoàn toàn là thằng quản lý khách sạn…”
- Anh nói thế cũng phải, giọng Mai hết sức nản. Nhưng em làm, em biết. Ông Hưng lúc nào cũng đẹp đẽ, lịch sự, chưa nói nặng bao giờ, mà sao ai cũng sợ. Thằng quản lý không được phép chủ bố bảo không dám sai em tiếp khách.
- Em có muốn trả thù nó không? Nghĩa là tố cáo hay làm gì đấy…
- Anh hỏi thực hay chơi đấy? Nghĩ đến chuyện ấy em còn chẳng, nữa là…
- Biết đâu có khi anh giúp được em. Những người quen của anh ấy mà…
- Thôi đi. Để em sống yên ổn. –Giọng Mai đông cứng lại- Anh đến bới chuyện rồi đi, gia đình em ở lại chịu nạn à. Mà em tự bỏ việc ở Hoa Ban chứ nó có đuổi đâu. Anh có kéo bạn bè chiến hữu vào đánh được nó thì em cũng ê mặt. Điếm đi kiện à? Trí thức các anh nói chuyện thì thích nhưng đáng khinh lắm, chỉ hô khẩu hiệu rồi đánh trống bỏ dùi.
“Thôi em về đây!”, Mai đứng dậy, đỏ mặt tía tai. “Về với con. Trả ơn cho anh thế cũng là nhiều rồi đấy. Mai làm gì á? Mai chơi với con. Ngày kia cũng chơi với con. Anh thích thì cứ xuống nhà bàn chuyện kiện tụng. Bố em suốt ngày nói chuyện chống tham nhũng”.
- Thôi nào. Anh đã rất mừng vì mình nói chuyện dễ dàng, ngon lành biết bao. Anh thích lắm, thật đấy. Không phải chỉ vì em đã cho anh đâu. Không ngờ là lại làm em giận đến thế.
- Anh, các anh xía vào chuyện của chúng tôi thì được thơm tho đấy, nhưng chỉ để cái khổ lại.
- Thôi, anh xin mà. Đã lâu anh không biết đàn bà. Em rất tuyệt vời. Anh muốn tưởng tượng lại em đẹp thế nào, đừng làm hỏng nó đi…
- Thôi đi ông, ông già làm nũng ạ.- Mai đã dịu lại - Lần sau ốm không có chuyện đấm lưng nữa đâu. Em coi nó như một lần đi khách, hơi đặc biệt hơn thôi. Thôi đừng xuống nữa. ở đây chật hẹp, cô nào có đàn ông tiễn ra khỏi nhà nghỉ là ầm lên ngay…
10.
Ban nãy mình nói “xác định” với “chấp nhận” những gì gì với Mai. Thế còn tụi giáo sư thì sao? Và mình, cái thằng tôi này này, thì nó thế nào?
Vào nửa đêm, sau cảm giác khoái lạc, Tăng bị những ý nghĩ oái oăm hành. Đến độ nóng hết cả người, phải ra sân đứng, dù biết dễ cảm lại.
Cái hình ảnh đầu tiên, và rùng rợn nhất, ông nhớ lại, là tấp nập ngày rằm tháng bẩy năm nào. Ba hội trường to, bẩy phòng họp nhỏ trong trường huy động hết. Tất cả các phòng ban, bộ máy chuyên môn phục vụ cho “vụ” bảo vệ luận án tiến sĩ. Cơn cớ cho cuộc khẩn trương ấy là một chỉ thị ra hai năm trước, định rằng đến ngày… tháng… năm, tất cả các chức sắc muốn được bổ vào cấp ý nọ phải có học vị tưng nây. Quá bằng chạy xô. Học viên, đa phần đang giữ chân trưởng phó phòng ở các cơ quan thi nhau đi thi phần tiêu chuẩn, sau đó cắm đầu học. Nhiều người đèn sách ngay tại nhà giáo sư hướng dẫn. Thiên hạ siêng thì các thầy cần cù. Giáo sư Vũ Nờ “chăn” một lúc hai chục “em” từ ba mươi đến “u sáu mươi”, chỉ nghĩ ra tên tưng nấy đề tài đã đáng bội phục. Nhà viện sĩ Đinh Cờ lúc nào cũng thấy chiếc xe của nghiên cứu sinh Hoàng Quờ, hàng xóm ồn cậu này rất hiếu hạnh với thầy, rửa đít với cả đổ bô cho ông lão tám mươi trên gác. Viện trưởng đầu ngành Trần Vê nêu kỉ lục đọc liền tù tì hai mươi sáu luận văn trong tháng rưỡi, tất nhiên có phán xét. Vê làm việc ở nhà là chính, trò đến đông quá cậy bà vợ quê ra tiếp. Tất cả diễn ra với một tốc độ chóng mặt.
Kết “vụ”, đám giáo sư bảo nhau: “Giờ thì đã có thể kê cao gối ngủ, chúng ta đã hoàn thành chỉ tiêu đào tạo sau đại học cho hai trăm năm sau”. Nói vui, tếu táo tha hồ, có điều chả thầy nào hé răng công khai hoa lợi thu được nhờ vụ ông trời “gieo” xuống trần cái chỉ thị nghiệt ngã nọ.
Phần Tăng thì khá đủng đỉnh. Chả có “động cơ” nào hối thúc, ông chỉ nhận đủ chỉ tiêu hướng dẫn, ba người trong một năm, và ngồi trong bốn hội đồng giám khảo, công việc tuần tự theo nền nếp. Rồi một hôm, ông phải bảo: “Cái thằng Phờ nó thế nào thế, hai chương liền nhau, một cái chỉn chu, một cái bố láo không ngửi nổi…”.
- Tại vì hai chương hai người viết, bố ạ.
Ông chủ tịch hội đồng khả kính chả biết vui gì mà cười cười rất thú vị. Tối ấy, Phờ đến nhà Tăng, đem cho cái cục trăng trắng cưng cứng, bảo là sừng tê giác, “có người ở châu Phi cho em”. Nhờ thế, vợ ông đã kéo dài cuộc sống thêm được hai tháng chăng? Hay là ba tháng hay chỉ một tháng?
Sau bao nhiêu lần từ chối, để bị kêu rằng “giữ giá quá”, rút cục Tăng cũng đứng trước một đề nghị bất khả kháng. Em vợ ông, người đã một mực nâng giấc bà chị cho đến lúc cuối, dẫn đến cậu Văn Nờ. “Em biết bác nghiêm chỉnh, chả dám nhờ nhiều. Chỉ là nói hộ với ông Đức Mờ đừng cho nó điểm dưới trung bình. Cả hội đồng còn mỗi ông Mờ nó chưa tiếp cận được”. Cứ tưởng khó, ai ngờ Đức Mờ cười ha hả: “Ông hỏi nó có muốn tôi cho mười không? Mà không cần đến nhà ngay đâu”. Lòng Tăng trào lên cảm giác bứt rứt. Nhưng chả lâu. Dù sao ông đã báo hiếu lại nhà vợ. Vả, thêm một tiến sĩ, đời hẳn phải đẹp hơn, chứ lị!
Rằm tháng bẩy ấy là kì hạn cái văn bản oái oăm nọ có hiệu lực. Tăng chạy xô từ hội trường lớn này sang phòng họp nhỏ kia, lúc hăng hái bảo vệ người mình hướng dẫn, lúc rón rén nhặt ra “thiếu sót không đáng có” trong luận văn phản biện. Nơi nào cũng rào rào, nô nức. Hết một cuộc, nhân viên hành chính khẩn trương hạ tấm bảng yết “Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh…” xuống, trương tấm khác lên. Ngày chưa xong, “Lễ” tiến hành tiếp ngay buổi tối. Mà nhà điện, dễ là chơi khó tiến độ đào tạo sau đại học, cúp đèn cho nhìn với cả micro cho nghe. Khắc phục khó khăn, trường cho mua cả đống nến đại. Phòng bảo vệ khói mù, trò đọc toét mắt, thầy căng tai nghe. Cảnh tượng rất liêu trai, ai nhìn nhau cũng thấy có đuôi. Và mệt, chữ ùn két trong đầu. Được cái “lễ” kết thúc nhanh, một tối chạy vù vù ba cuộc. Và luận văn nào cũng từ “trót lọt” trở lên đến “hoành tráng”.
Tan “vụ hè thu” – một đồng sự của Tăng đùa thế, ví các giáo sư như người nông dân yêu ruộng đồng, thảy tĩnh lặng trở lại. Tăng nhìn ông hiệu phó chuyên môn, các giáo sư trong khoa, ngoài viện cứ thấy vừa quen vừa lạ thế nào. Cả ông cũng ra khang khác.
“Năm nay chúng ta đã xá tội vong nhân mới ghê chứ!”, câu nói của Tăng ở văn phòng khoa thỏm vào thinh không.
Những đèn đuốc đêm bảo vệ ấy. Tiếng nức nở khóc chị của em vợ ông. Những bảng biển, bằng sắc… Tất cả diễu binh trong đầu Tăng. “Cũng là một nghề ấy mà, nhưng chúng em lấy thân mình ra làm vốn”, người con gái bán trôn vừa ra điều thế.
Vậy ông, những các ông thì ra thế nào? Không phải thân xác, mà đem cái đầu được học hành đầy đủ ra làm vốn, thì cũng là làm điếm chứ còn gì. Nghề giống nhau lắm, có điều anh mặt trắng được thiên hạ trọng vọng đến điều, hơn đứt phường chị em ấy nọ.
“Liên hệ kiểu gì mà kì quặc thế”, Tăng tự nghiệm khi sương đã ướt vai.
11.
Sáng ra, không ngờ là ông khoẻ trở lại. Dậy sớm tắm, ngắm mình trong gương, sờ nắn bắp thịt, liệu chúng đã nhẽo quá… Cái túi dưới mắt đã bắt đầu lộ hình, sẽ ngày càng thõng xuống. Đầu lúc nào cũng nghĩ tới cô gái, khi trần trụi, tàn nhang chạy xuống ngực, khi nghiêng đầu buộc tóc, cặp lông mày đỏ tía vì tức. Những hình ảnh thật ngọt ngào. Một cơ thể trẻ trung dẫu lắm dầy vò, một tâm hồn tưởng như chai cứng vẫn hé mở rung động. Chuyện trò thì thẳng thắn, tự nhiên, sự bất thường quyến rũ biết bao, Tăng tưởng như mình đang mơ màng.
Mà cũng đáng mơ màng thật. Phố lại đầy sương. Sương hay mây. Ngồi trong dầy đặc ăn ngô nếp, suýt soa vì nóng. Váy Mèo ríu rít trong bụi nước. Đống táo cổng chợ đã dọn đi, vẫn người đàn bà hôm qua ngồi khù khì với những củ măng lực lưỡng. Tăng trôi đi giữa những lao xao. Nhìn theo chiếc xe hơi mang biển Hà Nội, thấy tội nghiệp cho những kẻ dưới ấy quá. Cho tiền một kẻ dặt dẹo, chắc là nghiện. Trên này mưa sớm, chắc thế, nên đào chưa rụng hoa mà măng đã lộc phộc lên.
Ra nhà “người quen” đầu thị trấn, thì cậu công nhân bện hơi vợ đóng cửa. Những bước chân, tuy chả chọn hướng, lại lộn về chòm Hà Nam. Chỉ có ông bố ở nhà, Tăng đã biết tên, là Bẩm. Trên giường, thằng khoèo. “Mẹ con nó đi đâu ấy. Hôm qua con mẹ đi một lúc mà nó hờn quá”. Bẩm bình thản đón món quà Tăng mua cho con Mai, cái áo rét, và chai rượu thuốc cho ông, không quá “cảm kích” như hôm trước.
ấm chè tuyết ngon đến phải suýt soa. Chuyện chả ra chuyện, chủ nhà cứ nhẩn nha dắt, tỏ ra tự tin, hiểu biết hơn hôm trước nhiều, khách ngồi nghe mà hồn để ra vườn, nhỡ có bước chân về. Chè búp có mưa xuân mới ngon ông ạ, đây là chỗ dành năm ngoái. Tôi trồng mấy luống trên đồi, mới dặm hàng muồng vào cho khỏi dãi nắng, chả biết có ăn thua gì. Rồi ra đến những đề tài hoành tráng vĩ mô hơn, phát biểu với sự sắc sảo không ngờ.
Bẩm nghiện tivi nặng, tuy là xem nhờ. Tất cả những sự kiện lớn của đất nước đều nắm vanh vách, lại có ý kiến riêng, làm Tăng cảm thấy mình đang ngồi trước một cán bộ tuyên huấn về vườn, nay ra trưởng ban văn hoá thông tin xã. Sinh ra lũ quét lũ ống là tại phá rừng ấy mà. Vụ công ty Vạn Sinh cổ phần hoá, tài sản nhân dân hoá thành của riêng xử đến đâu rồi. Tôi là chúa ghét bọn tham nhũng. May là giời còn có mắt, nhất trí quan điểm, lãnh đạo tài giỏi phát hiện ra, người dưới mới hay là còn lẽ công bằng ông ạ. Không xem tivi, ru rú dưới chân đồi này thì chả còn biết tin yêu vào cái gì. Mà ông có biết gì về quy hoạch thị trấn không, xóm tôi hy sinh đi cả, rất là mong đóng góp được phần nhỏ bé cho sự nghiệp kinh tế xã hội chung. Cái khách sạn Hoa Ban lên chỗ ấy là đúng rồi, nhất trí quan điểm. Đẹp thật, vật vào đúng chủ có khác, chả như hồi chúng tôi bày rặt mộc nhĩ với măng khô. Hôm khánh thành đông nghi ngút, ông phó chủ tịch tỉnh với ông trưởng ban tổ chức trông nghiêm như sư đoàn trưởng cũ của tôi, chắc toàn bậc giỏi giang đức độ.
- Thế ông có biết cái Hoa Ban là của ai không? Tôi lại nghe tư nhân, không phải của nhà nước.
Nghe Tăng phá ngang, Bẩm thận trọng:
- Tôi cũng có nghe nói ông ấy ông nọ hùn vốn dựng nên, giờ kê cao gối ngủ mà hưởng. Nhưng đất là của quốc gia, các ông ấy là lãnh đạo, có quyền quyết, nhất trí quan điểm, trên giải thích vậy thì mình còn tranh tụng vào đâu. Kệ, quên đi coi như chưa bao giờ ở đây ông ạ. Mình như con kiến lãnh đạo như củ khoai kiện thế nào….
-Thế sao bác vừa bảo tin vào công cuộc chống tham nhũng lắm cơ mà? – Tăng ngạc nhiên.
- Thì cứ nói vậy, Bẩm cười trừ. Thật bụng mình ra cũng có ai nghe. Mỗi lần lên thị trấn, tôi cứ đi tránh chỗ ấy. Trông cái khách sạn không ngủ được. Cũng may phải trông thằng bé với anh khoèo này, nhất trí quan điểm, chả mấy khi đi đâu. Độ nọ xóm này có bà cụ chết mấy tháng mới lên uỷ ban trình báo đấy.
12.
Chuyện không đượm như bếp đốt củi tươi. Bẩm im phắc nhưng sao cứ nhấp nhổm. Nhảo ra vườn ngó nghiêng, ông quay vào độp luôn: “Nhất trí quan điểm nhá, tôi hỏi thật, mỗi lần đến chỗ nó ông giả bao nhiêu tiền? Nó có được hưởng cả không?”.
- Đến chỗ nào cơ? Khách sạn Hoa Ban á? – Tăng cuống lên biến báo.
- Ông đừng giấu. Nhìn tôi đi chứ! Nãy giờ ông nhấp nhổm không trông con Mai về thì là gì? Đây là điều tôi phải biết. Nó thêu thùa thế nào, ở đâu, đã có người nói cho tôi cả. Ông ngang bằng tôi, tức là đẻ ra nó được mà lại “em anh “ với nhau, tức ông là khách rồi, nhất trí quan điểm chưa. Nhưng chắc khách tử tế, trông tôi biết. Nó thuê nhà trọ ở hay ngủ ngay trong quán? Đêm thì mấy giờ được ngủ, hả? Ông phải nói cho tôi, vì tôi còn hỏi ai được nữa. Ông nói đi, không nhất trí quan điểm nó về tôi gọi cả vào cho một trận đây.
Tăng ngồi lểu đểu, mặt đờ đẫn. Bài lật nhanh quá không kịp trở tay. Bèn tình đầu cái đoạn đi tầu, những là thằng ngồi lộn chỗ, cuộc gặp hôm nọ, trên đồi, chỉ là tình cờ. “Hoàn toàn là tôi không biết cô Mai từ trước”.
- Thế ra ông cũng không biết gì hơn tôi à? Ông nói thật đấy chứ. Đừng giấu tôi nhá. Tôi thương nó lắm, lúc nào cũng thấy có tội với mẹ nó.
Bẩm bỗng xìu xuống, nước mắt chẩy cả ra nhoè nhoẹt. Nhưng Tăng thì sôi lên. Lão già quái đản thật! Ban đầu nói chuyện chống tham nhũng ra điều lập trường, té ra lão nắm tỏng mưu mô của bọn trên tỉnh. Dù sao thế cũng là do bất lực. Nhưng cái vụ biết con phải điếm đàng mà vẫn ngậm miệng ăn tiền thì tệ quá. Nghĩa là lão biết hết nhưng không làm gì hết.
- Thế sao ông biết mà lại giả như không, đ. làm gì, đ. khuyên bảo gì cô ấy? – Tăng văng vào mặt Bẩm.
- Thế bác bảo tôi làm gì được nào? Chân cẳng thế này không nuôi được con cớm cháu đớn. Nó đi là khổ là nhục rồi, nói ra càng khổ thân nó hơn, nên đành ngậm miệng. Nhất trí quan điểm, tôi biết cái giá quà cáp, tiền nong nó gửi về chứ. Cố tiêu tùng tiệm, để ống, hết son trẻ nó có cái dùng. Tôi là thằng bố hèn. Tưởng là tôi thiết sống đấy à… Ơ hời ời ời…
- Cú đẻ con công mà không biết đằng… Ông là thằng bố tồi.
Tăng đùng đùng bỏ ra vườn. Bẩm chạy theo nhoè nhoẹt mũi dãi: “Ông nghe tôi nói cái đã!”
- Ông nghĩ một đằng nói một nẻo. Bảo là tin yêu mà bị nó đuổi nhà lại ức. Hèn lắm!
- Đồ trí thức bốc phét! Biết cái gì mà nói.
- Đồ bám đít quần đàn bà.
- Đồ dê già Tết bỏ nhà đi hoang!
Trên đồi léo xéo tiếng trẻ, Bẩm vớ nùi dẻ bẩn thỉu chùi mũi dãi, quay ra kêu ca đám củi ướt lắm khói quá. Mẹ con Mai về mang theo khí vị tươi trẻ cho căn nhà ngột ngạt, hai người đàn ông miệng ngậm như bị khoá. Líu ríu con chuồn cánh bướm, loe xoe cậu Khoèo xem cháu có chong chóng đây này. Chả ai dám nhìn cô. Nhưng Tăng không thể đi nổi. Bẩm đã tất tả bê bình rượu ra, sai con gái sửa soạn cái gì ăn. Chừng như rất sợ phải ở lại với con, lão già thoăn thoắt chuyển sang đề tài chiến tranh. Hồi sáu bẩy ở Kon Tum nằm nghe o vê mười phát loa chiêu hồi ê cả người. Nó bay chậm, thấp, nhai nhải, nhất trí quan điểm mình không dám bắn tức phát điên. Rồi có thằng phát điên làm một băng, thế là bom phá, bom khai quang dập cha mẹ ơi là dập. Có lẽ tôi phải cái thằng khoèo này độ ấy. Tiểu đội trưởng tiểu đội bốn là Dĩ, người Thái Bình, đánh nhau giỏi nhưng máu chó dái, đi đâu thoắt cái đã đánh chịn được. Thôn ấy có cô bí thư chi bộ xinh gái chồng đi nguỵ, ông tỉnh đội đang chấp chới, chúng tôi dừng có một đêm mà nhất trí quan điểm Dĩ chớp được. Ông tỉnh đội tức kiện hắn tội làm hỏng cán bộ, Dĩ chết không được giải quyết liệt sĩ. Hồi ấy tôi đại đội phó chính trị, lên chính sách kêu không được. Sau bẩy lăm về quê, bà mẹ cứ ơi hời giao con cho anh mà anh để nó chết tủi, đau lắm ông ạ. Máu dê mà bảo vệ tổ quốc thì vẫn phải được tính công trạng chứ, bao năm nay tôi cứ phải nghĩ. Mà cô kia vắng chồng động đực, nhất trí quan điểm trai trên gái dưới đồng chí đồng tình chứ có phải Dĩ ép buộc đâu…
Thoắt lại chuyển sang chuyện quê hương, kỉ niệm bắn ra như cái máy, như thể Bẩm sợ động đến sự sống hôm nay, cái phần lão kinh sợ nhất. Trai làng tôi quanh năm đánh dậm, bìu dái đen như cứt phơi ba nắng. Tôi nhớ đình làng quá, mái đao cong lên ngọn đa đầy búp. Tôi trồng cây đa ngoài đồi kia đấy, mới ba tuổi mà đã cao tưng nây, ít nữa ông bảo có cớm lũ bắp cải không, có nên đẵn đi không? Giá được tiên phật phù hộ đắp cho bức đình ở đây, tôi làm ông từ đi ra đi vào lo hương khói. Nhất trí quan điểm thành hoàng làng tôi toàn độ cho người có thôi, ông bảo thế là ra làm sao…
Độc một người nói. Rồi cũng đến lúc Mai bê mâm lên, toàn món dưới xuôi, thêm cá suối rán, bảo đáng nhẽ đến mai mới hoá vàng nhưng có khách thì làm luôn hôm nay. Khoèo được soạn bát riêng; không có nó trong mâm thì Tăng đã khó ăn uống lắm. Thằng cu con, chả hiểu ra sao, nhất định đòi ngồi vào lòng người khách mà ông nội bắt gọi là “ông”, còn bà mẹ trẻ bảo là “ông “ hay “bác “ cũng được. Bữa ăn bì bì, ít lời, thành thử “món” chính lại là việc nhắc nhở thằng bé. Mai ngồi đầu nồi chạy ra chạy vào, lúc bảo bố đừng gắp để Tăng tự nhiên, lúc quở con đừng sờ râu bác thế. Rượu ngấm, hai người đàn ông bắt đầu râm ran thì bỗng nhiên Tăng thấy quần ướt sũng.
“Đã bảo mà. Tại anh cứ chiều quá. Cu Nính hư quá. Anh phải thay mới được. Mặc tạm quần bố em, hơi ngắn nhưng không thay thì ăn nữa thế nào”. Líu ríu trong phòng tắm, là khoảng bếp ngăn ra, Tăng bỗng thấy từ ngày mất vợ mình chưa được ai giục thay quần áo. “Nom anh buồn cười lắm, chẳng ra nông dân, chẳng ra ông giáo”, Mai cười rũ ra, mắt long lanh.
Táo mèo vào tì tì. Tăng thấy mình khù khì như con xấu hổ một dạo ông nuôi ngoài ban công. Rồi biết thêm ông hơn Bẩm hai tuổi. Lão già quái đản còn bị trời hành hơn mình.
Dù sao, bữa cơm đã có nhời nhẽ đu đưa.
13.
Leo khỏi dẻo đồi trồng rau, Tăng tốc ngay lên khách sạn Hoa Ban. Đi nhanh như bị rượu đẩy, áo ngoài phanh ra, tóc xoã xợi. Ông phải gặp Hưng cuốc vào mặt nó. Đểu cáng quá. Phải gọi là lưu manh mới đúng, đuổi người khỏi đất sống rồi lại dang tay làm từ thiện. Ngoài chòm Hà Nam còn bao nhiêu người là nạn nhân của nó? Nó có uy tín đến giời ở tỉnh cũng không vời được mình cộng tác mở lớp đào tạo cán bộ. Mình sẽ nắn gân, doạ già, đem báo chí, các mối quan hệ dưới xuôi ra tố cáo, ngăn chặn lũ đê tiện. Ai mà ngờ được thanh thiên bạch nhật, dưới bao quang minh chính đại…
Những bước chân chậm dần. Tăng đứng lại dưới một gốc cây để sắp xếp các ý nghĩ khác đang bò ra. Liệu mình có làm gì được Hưng với những anh trên tỉnh của nó không? Đem những thế lực tin cậy dứơi xuôi lên đánh chúng nó là cả một câu chuyện dài. Tăng vẫn tới toà soạn báo K. gửi bài, rất được tôn trọng. Nhưng kéo họ vào cuộc lại là chuyện khác, dù việc nghĩa đấy cũng vẫn có chút nhờ vả, vì tình riêng rồi. Lên đây xa xôi, lấy được tư liệu, điều tra ra sự thực sẽ mất thời gian và tốn kém. Mà chắc gì họ đã lên, đâu đâu chả có chuyện tiêu cực. Ngoài báo chí, ông sẽ còn phải cậy đến ban bộ này nọ, đa số là học trò cũ nhưng cùng nhau đi hồng binh vào chốn hùm beo này là cái sự không hề đơn giản. Chao ôi, mình chỉ quen, đã chỉ quen dậy dỗ, mới nghĩ đến việc tổ chức một dây vào cái cuộc trượng nghĩa này đã thấy mệt quá. Chưa biết là dưới gốc cái cây Hưng trồng nên kia, bộ rễ ăn sâu, lan toả đến đâu đâu…
Thôi thôi hãy gác chuyện đánh đấm lại. Trước mắt phải gặp Hưng để chửi. Không thì tức chết đi được. Nhưng một giáo sư sẽ đi chửi với cái quần của thằng Bẩm tưới rau a. Sự áy náy mới giảI thoát Tăng khỏi những ý nghĩ nhọc mệt. Gì thì gì, phải về thay cái quần đã.
Nhà nghỉ ắng lặng, may chả ai để ý đến áo quần Tăng. Phải tắm cái đã, bãi đái cu Nính còn dính dáp lắm. Tăng bật bình nước nóng ngồi đợi, nghĩ ngợi mãi mà không quyết được một bề.
14.
Chiều đến, Mai lên nhà nghỉ. “Cu Nính thấy bảo lên bác Tăng cứ đòi theo. Kể ra anh có duyên ra phết. Mà em bắt đầu ngại, nẫy bà chủ nhà nghỉ cứ nhìn. Em mang quần lên không anh thành ông nông dân trồng rau mất. Giặt rồi hong trong bếp, bị oi khói đấy”. Mai líu ríu, không để ý đến Tăng đang đăm chiêu. Ông đã quyết vào cuộc bảo vệ gia đình cô cùng xóm Hà Nam đấy, giờ vẫn còn ý định ấy, không phải là đã buông đâu. Thương sót, đồng cảm ứa đầy ra đây này, nhưng còn phải nghĩ đã. Cái kiểu nghĩ này dằng dịt lộn xộn thật, chả minh triết rỡ ràng như tư duy khoa học. Đăm chiêu, một phần cũng vì không biết có nên nói chuyện Bẩm đã biết con gái đang thêu thùa thế nào… Rồi Tăng quyết định không. Chả phải sự thật nào cũng bổ béo, cha con họ đã chẳng đủ nỗi rồi sao. Kể ra buổi trưa ông có hơi quá đáng, bị thế này luôn Bẩm chết non mất. Lão già cùng đinh, khố rách áo ôm, đứa nào xéo chả được. Nhưng cái chính, không thể nói ra bây giờ, là bên ông có người con gái, và trời đất ngoài kia lại diệu huyền làm sao.
Quanh thị trấn có những quả đồi tròn lúp xúp cây, rất vắng. Họ chọn một chỗ yên tĩnh ngắm tà dương, ờ à con chim gì nó bé tí mà lích chích đến đanh đá, ngạc nhiên sao cây cỏ kia cứ đùa với gió máy cả đời mà không chán nhỉ. Cảm giác phấn chấn về thiên nhiên đánh thức đòi hỏi trong Tăng, Mai cũng chỉ ừ hự gọi là, sợ nhất là xung quanh có người. Trong ánh ngày đã nhạt, Tăng oà mặt vào ngực cô, hít hà cái hõm dính mồ hôi ngầy ngậy, nhủ rằng đây là bầu vú mạnh mẽ, bao dung và thuần khiết nhất trên đời. Ai mà ngờ được mình, bao nhiêu năm như đoàn xe lửa chỉ chạy đúng trên hai thanh ray, mẫn cán, bươn bả để dành lấy bằng sắc, danh hiệu này nọ, lại làm tình giữa đất trời. Không thể ngờ được. Và cái chính là nó vô cùng tự nhiên, thảo mộc, gần như thánh thiện, chẳng giống gì những nhẽ nhời, bóng hình bay lượn hàng ngày. Người đàn bà bên mình giống sông Mẹ mênh mông xứ nào cũng có, mỏi mệt chảy, hứng chịu bao nhiêu cặn bã của dòng đời mà chẳng hề nản lòng, cứ thế bươn ra biển.
Khi cơn thoả mãn đã qua, chúi đầu vào ngực Tăng mân mê cái cầm lởm chởm, Mai thầm thì: “Cười cái gì?”.
- Buồn cười lắm. Chả biết nên thấy em giống vợ hay con gái anh…
- Em thì lại không biết nên coi anh là chồng hay cụ chồng đây.
- Cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau…(*). Em biết không, ông nhà thơ dở hơi bị lưu đầy gặp cô gái lấy phải thằng chồng buôn chè chỉ biết tham lợi, họ thở than…
- Em chả thích thơ. Em chỉ thích hát. Bài của chúng em, chứ không phải hát với khách trước khi “vào đời” đâu.
Tan trường lên giường
cùng nhau ta đi vào cõi sướng
xong rồi anh chuồn
để em tơ hơ nằm trên giường…
Và ngày nào cũng thế
và tuần nào cũng thế
i à a í a
ơ à ơi ái ơi
Giọng hát đến là nghịch mà làm nẫu ruột. Người con gái trẻ này, đã bao nhiêu nước chảy qua cầu rồi? Thôi đừng hát nữa, trời đất đang đẹp đây này cô ơi…
- Trí thức văn nghệ các anh nói chuyện thì thích nhưng làm vợ chắc khổ, Mai rù rì. Em có con bạn đẹp, ông hoạ sĩ mới đến chỉ tình tang, sau thành mê mệt. Nó cũng yêu lại. Rồi vợ thuê người theo dõi, bắt quả tang trong khách sạn, ông ấy hèn ơi là hèn. Ngữ anh cũng thế chứ gì?
- Anh chả biết. Anh chả phải loại dũng cảm. Lúc vợ còn sống anh cũng yêu, không ngoái đi đâu, về cuối đau yếu anh chăm cẩn thận.
- Thế anh tưởng em không yêu chồng à. Người ấy cũng tử tế, yêu vợ con, phải đã nghiện thì thành khốn nạn ngay. Giờ mà cai được, về em cũng cho về.
- Sáng nay anh vừa cho tiền ông nghiện, ngồi chợ…
- Không rách rưới lắm, áo xanh, da trắng môi đỏ, lông mi rất dày chứ gì? Chỉ ngồi với cái mũ trước mặt, không xin, chứ gì? Chồng em đấy, giời ạ. Da không trắng là vì lười tắm đấy. Em cũng vừa đưa cho ít…
- Có bao giờ quậy hai mẹ con không?
- Hiền lắm. Cũng biết điều, biết là mình hỏng làm khổ gia đình, nhưng không cai nổi. Chỉ có cái em cấm về thăm con. Anh chả biết gì, đi cai cũng tốn kém cho trại mới được ở, mà đã có ai cai nổi… Em vẫn gửi cho đấy. Không muốn nhận đâu, nhưng sợ chết hơn. Đàn ông “sĩ “ nhiều nhỉ, như em đi khách mãi chả sướng gì nhưng cũng không xấu hổ nữa.
“Nghĩ cũng lạ”, Mai nhìn vào mắt Tăng, “em không ngờ mình còn sung sướng được thế này. Mà lại với anh chứ, có còn trẻ trung gì đâu. Anh đã rất tình cảm, cho em sự tin cậy. Lần đầu, trong nhà nghỉ, đúng là em trả ơn. Nhưng bây giờ thì em thích thật. Em sung sướng quá. Không ngờ là mình còn được cảm giác thế này, sau bao nhiêu lần tiếp khách. Mà anh cũng tợn thật, đâu có lù rù đâu nhỉ… Thày giáo có hay thế này với các cô trẻ trung không hả?”.
- Có đi hát, nghe nhạc não tình, nhưng chả thể nào so sánh với em…
- Bốc phét. Em chả tin.
- Em khó tin là phải. Nhưng anh đang thấy thế…
ánh chiều tãi lên người cô những sợi vàng li ti, màu rơm, làm nổi cả lớp lông tơ mịn màng. Ôi cái toà thiên nhiên. Tăng đang mơ màng nhấm nháp cái vị ngọt chết người, thì Mai trở dậy, đòi ông phải tề chỉnh. Rồi nhìn vào mắt, nghiêm nghị:
-Anh nghe đây này. Chuyện chúng mình đến đây là hết. Không gặp nhau nữa.
-Sao lại thế. Về Hà Nội anh lại tìm em.
-Không tìm tiếc gì hết.
- Anh…, anh… có tiền mà.- Tăng nói rất khó khăn- Có cần em trả ơn gì nữa đâu.
- Tiền không thành chuyện. Anh có thể sòng phẳng trả, mà em vẫn cho không anh được. Nhưng nghề em có lệ, là không dính sâu vào khách quá.
- Em nói thế nào…, Tăng hoảng hốt. Anh rất muốn gặp em, chuyện trò thôi, chả cần thế này.
- Thế càng không được. Thương một tý là khổ. Em đi làm ít tháng, để dành đủ vốn phải quay về làm ăn rồi lấy chồng chứ. Làm mãi thành cái giẻ chùi chân ai người ta lấy nữa. Anh có lấy em được không? Đấy nhá, có trả lời được đâu. Mà em cũng chả yêu anh. Anh tốt lắm, nhưng chỉ vậy thôi. Có tình cảm thì để bụng, gặp lại rồi chán ngay ấy mà.
- Anh chưa thấy chán.
- Lại còn phải đợi đến lúc anh tìm em ở nhà nghỉ, chờ em tiếp khách chán chê xong rồi “nói chuyện” á. Lúc ấy anh có vui được không?
Tăng cứng họng, đầu cứ gục gặc. Niềm hoan hỷ đang hay thế tõm vào nẫu ruột. Mai ôm lấy mặt ông, thật dịu dàng nhưng cương quyết: “Thế anh nhá. Mai về xuôi nhớ mang cái khăn thổ cẩm này cho con gái. Không thích thì làm giẻ lau hay vứt đi cũng được”.
15.
Tầu xuôi đông vô kể, ăm ắp nỗi niềm xa quê kiếm ăn, những bé mọn khốn nạn. Giữa ồn ào chộn rộn, Tăng nhấm nháp hương vị của chuyến đi. Có mấy ngày mà bao nhiêu nước chảy qua cầu, những bất ngờ lạ lùng này có ứng ngộ gì? Nào đâu chén đắng, nào đâu chén ngọt, ta yêu đời hơn hay chỉ càng chán ngán, chả biết. Ta có bắt tay vào hành động tấn công lũ xấu xa không, lại càng chả đoán ra. Chỉ hay rằng trên giảng đường ta sẽ nhắc nhớ chúng, và đám sinh viên sẽ hiểu.
Có cái vòng chỉ ngũ sắc của người H’mông, Tăng cho cháu ngoại, bảo con gái “bố đi chơi một mình chỉ hơi buồn”. Thuỷ không trách bố nhưng đứng trước bàn thờ mẹ rất lâu, lúc về để chật một tủ thức ăn. Cứ làm như đoạn sểnh nhà ra ông đói khát khổ cực giờ cần ăn bù ăn cố.
Khắc khoải đợi qua rằm tháng giêng, cái đoạn Mai bảo sẽ xuống. Nhưng đến quán karaoke, mấy cậu đánh đầu đít bảo cô xuống mấy hôm trước, mang hết đồ đạc đi rồi. “Giờ làm quán nào chả biết. Bác thử sang Ngã Tư Sở xem”, đám bảo kê ngạc nhiên trước vẻ bơ thờ của anh khách già.
“Có con, hết mầu hết tuyết hay dạt đi xa, có khi sang phố Cầu Đuống rồi, bác ạ”, cậu giữ xe bảo Tăng, rất thông cảm.
Ngã Tư Sở. Thanh Xuân. Gia Lâm. Bao nhiêu là gội đầu, cà phê thư giãn, nhà nghỉ. Những cô xóm Mít mắt nâu môi trầm. Những cô lông mày không tỉa. Những cô đồng bãi da phù sa dịu dàng. Những cô xóm Chùa điệu nghệ Attila kính hất ngược lên trán. Những cô sỗ sàng đòi trả tiền ngay. Những cô hát giọng ngực cười ròn khanh khách, chắc là xóm trại… Sao mà chỗ nào cũng trơn tuột, không có cái mà người con gái Tăng đi tìm có.
Đêm đêm ông lại tự tử, bắn cả tràng liên thanh đại bác vào người, để sáng ra thấy mình còn sống nhăn.
(*) Tỳ bà hành, thơ Bạch Cư Dị
T.C
Những ngày bó bột đầu xuân Bính Tuất, tháng 2 – 8/ 2006.
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>