13 - Để có sự thành công trong việc mở trường - Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh, SRTKL2: 60-64



Để có sự thành công trong việc mở Trường


Hồi ức của nguyên Chính uỷ BÙI KHẮC QUỲNH *

nguyên Chính uỷ BÙI KHẮC QUỲNH

Sự giúp đỡ chí tình

Một sáng tháng 4 năm 1965, trung tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đến thăm trường Văn hoá quân đội ở Trại Hòe, Hà Bắc. Sau khi thăm các lớp với gần một trăm học sinh, Chủ nhiệm làm việc với Ban giám hiệu. Trong lúc chờ đợi, tôi ngỏ ý: “Trường Văn hóa nay đã thu hẹp nhiệm vụ, đề nghị anh cho tôi được ra đơn vị chiến đấu”. Chủ nhiệm cười và nói: “Rất hoan nghênh nhưng anh phải ở lại. Tổng Quân uỷ đã có quyết định thành lập trường Thiếu sinh quân, dạy văn hoá cho con em cán bộ đang chiến đấu trên các chiến trường và các gia đình có công, theo chương trình phổ thông từ lớp 5 đến lớp 10, kết hợp rèn luyện thêm về quân sự để sau này đào tạo thành cán bộ kế cận lâu dài cho quân đội. Quan trọng nhất bây giờ là phải tìm được địa điểm mới, đảm bảo an toàn. Trường sở có thể làm bằng tranh, tre, nứa, lá, cố gắng sao cho kịp nhận học sinh và khai giảng năm học mới vào đầu tháng 10 năm nay”.

Ngay sau đó, chúng tôi họp Đảng uỷ xác định công việc và khẩn trương phân công thực hiện.

Hiệu trưởng Nguyễn Điền cùng chủ nhiệm Chính trị Phan Hồng Khanh, chủ nhiệm Giáo dục Lê Ngọc Bình và chủ nhiệm Hậu cần Vũ Xuân Tiêu được cử về Hà Nội liên hệ với các cơ quan, nhờ giúp đỡ. Do đã có nghị quyết của Tổng Quân uỷ nên đi đến đâu, mọi việc đều được giải quyết hết sức nhanh chóng và thuận lợi. Các đồng chí cùng Cục Tuyên huấn sang làm việc với Bộ Giáo dục. Thứ trưởng Võ Thuần Nho nhận giúp đỡ về chương trình, cung cấp sách giáo khoa và giáo viên văn hóa. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Lê Liêm giải quyết sách báo, nhạc cụ và giáo viên giảng dạy nhạc, họa. Cục Cán bộ nhận điều động các cán bộ và giáo viên giỏi về cho trường. Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần Đinh Đức Thiện cho kinh phí xây dựng trường và chỉ thị cho các cơ quan nghiên cứu chế độ sinh hoạt, trang bị cho các cháu như cho những người lính. Cục Quân trang giao cho Xí nghiệp may 10 sản xuất hàng nghìn bộ đồng phục thiếu sinh quân các cỡ (áo blu-dông bay, quần xanh không quân).

Mấy hôm sau, Tổng cục Chính trị cử phó Văn phòng Phạm Ngọc Điển xuống giúp nhà trường đi tìm địa điểm. Đồng chí Điển cùng hiệu phó Dương Hưng Tuấn và trưởng ban Hành chính Đào Nam Linh ra thị xã Bắc Giang gặp bí thư Tỉnh uỷ Lê Quang Tuấn. Các đồng chí đã dành nhiều thời gian đi khảo sát những địa điểm mà tỉnh giới thiệu, nhưng không tìm được nơi nào đạt yêu cầu, đặc biệt về an toàn.

Khi lên Thái Nguyên, được Tỉnh uỷ giới thiệu về huyện Đại Từ gặp anh Khánh Vân, bí thư Huyện uỷ và anh Lý Thanh, chủ tịch Uỷ ban. Rất may, anh Lý Thanh lại là anh em kết nghĩa với anh Song Hào. Các đồng chí rất nhiệt tình giới thiệu về xã An Mỹ. Đó là nơi có địa thế kín đáo, có rừng núi bao quanh, là vùng giải phóng trước cách mạng và là an toàn khu trong kháng chiến chống Pháp 1. Đồng chí Thanh, đồng chí Tời phó chủ tịch huyện cùng về xã An Mỹ gặp đồng chí Lân (bí thư Đảng uỷ), đồng chí Đào Văn Dĩ (chủ tịch) và đồng chí Tâm (trưởng Công an xã). Chúng tôi cùng các anh xắn quần, chống gậy, lội suối vào từng bản làng để khảo sát và thống nhất kết luận: An Mỹ là đất lành!

Sau khi báo cáo với Bộ Tổng Tham mưu, địa điểm đã được chấp thuận. Việc tổ chức di chuyển nhà trường do Bộ Tổng Tham mưu đảm nhận. Chỉ trong một đêm, trường đã dời từ Trại Hòe về An Mỹ, tuyệt đối an toàn. Ngay hôm sau, thầy trò cùng nhân dân An Mỹ và các xã lân cận vào rừng sâu chặt vầu, tre, lấy gỗ, lá về làm nhà ở và lớp học. Sau hơn một tháng lao động khẩn trương, nhà trường đã có được cơ sở cần thiết. Trước ngày khai giảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phạm Ngọc Mậu, người được phân công trực tiếp chỉ đạo nhà trường, đã lên kiểm tra công tác phòng không, đảm bảo an toàn của nhà trường. Đồng chí còn giới thiệu nhà trường làm việc với tư lệnh Quân khu I, để đưa đơn vị công binh về đào hệ thống hầm, hào và ngụy trang thêm cho các lớp khối cấp II.

Đúng là, không có quyết tâm ở trên, không có sự giúp đỡ nhiệt tình của các đơn vị quân đội, các cơ quan, bộ, ngành và chính quyền địa phương cộng với sự nỗ lực của thầy trò thì khó có thể khai giảng năm học đầu tiên của trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đúng vào ngày 15 tháng 10 năm ấy.

* * *

Tình cảm của Đại tướng Bộ trưởng với nhà trường

Riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhà trường, cũng có nhiều kỉ niệm. Với trách nhiệm của người chỉ huy cao nhất trong quân đội, Đại tướng không ngần ngại giao cho nhà trường ba cháu (trong đó có hai cháu gái) để giáo dục, đào tạo. Tôi nhớ, mỗi lần gặp ông làm việc, sau khi hỏi thăm tình hình nhà trường, ông có hỏi thăm chuyện học hành, sinh hoạt của cháu Hòa Bình, Hạnh Phúc và Điện Biên. Ông luôn dặn: ”Các đồng chí dạy dỗ con tôi như với con em các đồng chí khác, đừng bao giờ ưu tiên để các cháu dễ sinh tính ỷ lại, cậy quyền, cậy thế!”

Bác Võ Nguyên Giáp đến dự Hội trường

Bác Võ Nguyên Giáp đến dự Hội trường
tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội 15-10-1995.


Từ đầu năm 1966 trở đi, máy bay Mỹ bay qua lại khu vực nhà trường ở Đại Từ ngày càng nhiều. Có một hôm, trên đường bay về bắn phá Khu gang thép Thái Nguyên, chúng đã cắt bỏ thùng dầu phụ xuống Suối Chì, gần khu vực C6. Biết tin, Đại tướng đã gọi tôi về Hà Nội báo cáo cụ thể. Đại tướng dặn dò nhà trường phải hết sức làm tốt công tác phòng không, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu.

Ngày trường ta đóng ở Trung Quốc, đầu năm 1968, trên đường đi công tác về, Đại tướng đã dừng lại Quế Lâm. Ông cho gọi tôi ra báo cáo tình hình nhà trường. Đại tướng hỏi han cụ thể về tình hình học tập, đời sống, sức khỏe của học sinh, về chính sách đối với cán bộ, giáo viên và dặn dò giữ gìn quan hệ tốt với Bạn. Đại tướng nói, mọi việc về nhà trường, Tổng Quân uỷ đã giao cho anh Song Hào giải quyết và tôi có trách nhiệm báo cáo lại với Chủ nhiệm về ý kiến của Đại tướng. Tôi thay mặt nhà trường cảm ơn Đại tướng và xin hứa chấp hành tốt chỉ thị của Đại tướng. Khi ra sân bay tiễn Đại tướng về nước, ông thân mật bắt tay tôi, chúc thầy, trò ở lại mạnh khỏe và cố gắng.

Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đại tướng có tác dụng lớn lao động viên, cổ vũ, giúp thầy trò trường ta thêm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

B.K.Q




* - Đại tá, nguyên Chính uỷ nhà trường. Nay bác ngoài 80 tuổi và nghỉ hưu ở 16A Lý Nam Đế, Hà Nội. Điện thoại: 04-8233113.
1 - Nay đổi tên là Mỹ Yên. Năm 2000, được Nhà nước công nhận là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang.