1 - Vài cảm nghĩ... - Hồ Thanh, SRTKL2: 10-20

Vài cảm nghĩ...


HỒ THANH


refont.com - Glitter textập I “Sinh ra trong khói lửa” đến với tôi rất sớm, ngay khi còn đang là bản thảo. Thế mà khi cầm cuốn sách hoàn chỉnh lên, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Thời buổi này sách vở đủ loại, đâu có thiếu. Nhưng sách của bạn bè mình, viết về mình, hẳn nhiên là có một hương vị khác. Như vậy là mấy “Anh Hai Trỗi” (đám “lính Trỗi” ở Thành phố Hồ Chí Minh) thật... chịu chơi(!). Đã nói là làm và làm... liền.

Cầm cuốn sách trên tay: Bìa đẹp, giấy tốt. Có đủ các hạng mục: Tư liệu, biên niên, thơ, văn... Lại nhìn danh sách “Ban biên soạn” thấy hầu hết toàn “tay ngang”, không có tên, tuổi chi trên văn đàn cả, mà vừa buồn cười, vừa thương, lại vừa... nể anh em. Ai cũng đều rất bận rộn. Gặp nhau bên bàn nhậu mà nói, mà cười, để rồi... quên thì dễ. Nhưng họ đã chịu khó ngồi lại, vừa cởi mở vừa nghiêm túc bàn bạc, cặm cụi soạn ra “Sinh ra trong khói lửa” với gần 400 trang, chỉ để mong giữ lại những gì rất có thể sẽ mất, gợi lại vài điều đang có đâu đó trong chúng ta... Ít ra là như vậy. Một nghĩa cử đẹp với bạn đồng môn (với người đang sống và cả với người đã khuất). Không có những người như thầy Phạm Đình Trọng, Trần Kiến Quốc (khóa 5), Nguyễn Nam Điện (khóa 6) hẳn việc khó thành.

Tôi không dám có bình luận gì nhiều về cuốn sách, đơn giản chỉ vì không có khả năng để làm việc đó. Nhưng sau khi đọc xong, không thể không mạo muội viết lại vài dòng “cảm nghĩ”. Chỉ “cảm” và “nghĩ”, vậy thôi.

Với thể loại sách này thì thường có hai phần chính (mặc dù các bài có đan xen nhau):

- Phần tư liệu: Gồm các văn bản, bút tích, phát biểu, tư liệu, tranh ảnh ... sưu tầm). Phần này phải chính xác, không thêm bớt.

- Phần bài viết: Gồm các bài ký, ghi chép, văn, thơ... của thầy, trò, tùy theo cảm hứng. Ban biên soạn có chỉnh lý, biên tập lại ít nhiều, nhưng cơ bản giữ đúng tinh thần của người viết.

Đã là tư liệu thì, tất nhiên, rất khô khan. Tuy nhiên, tôi đã xem nó với một tâm trạng của người trong cuộc: Những tấm thẻ học sinh trường Văn hóa quân đội; bằng, giấy khen từ thời “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”; giấy nghỉ phép với con dấu của “Tiểu đoàn 126”... Tự bản thân nó đã có một sức lay động, như khi ta chợt gặp lại những kỷ niệm đầu đời vậy. Và xúc động hơn là những tấm hình đen trắng chụp từ thời chiến khu Việt Bắc, hay thuở Quế Lâm xa xưa... Ở cái tuổi “tri thiên mệnh”, tôi đã phải trương mục kỉnh lên (thậm chí có khi còn phải “tăng cường” thêm cả kính lúp) để cố tìm lại những ... “thằng” cùng trung đội cũ và cả chính mình – những chú lính nhóc loi choi đứng thấp hơn cả khẩu súng trường CKC – mặt cô cậu nào cũng ... ngố. Ngố thật sự! Nhưng cái hay lại chính là ở đó: Hồn nhiên, giản dị và hãnh diện. Giờ đây, sự hồn nhiên và giản dị không còn (tất nhiên thôi) nhưng niềm hãnh diện sẽ mãi vẫn tồn tại, mà bắt đầu từ đó.

Từ những chàng “lính cậu” ban đầu, thời gian và khói lửa đã trui rèn nhiều người trở thành những sĩ quan dày dạn, những chiến binh can trường. Danh sách các anh hùng liệt sĩ của trường đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh được Ban biên soạn sưu tầm khá công phu, nhưng chắc là không thể đầy đủ (hy sinh ở chiến trường nào, trong hoàn cảnh nào...): Bùi Hữu Thích (khóa 1), Cao Quốc Bảo, Lê Minh Tân, Ngô Ngời (khóa 3), Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Chí Dũng, Nguyễn Văn Ơn (khóa 4), Huỳnh Kim Trung, Trịnh Thúc Danh, Vũ Kiên Cường, Võ Dũng, Phạm Văn Hạo (khóa 5), Nguyễn Tiến Quân, Chu Tấn Quang, Võ Nguyên Trọng (khóa 6), Y Hòa, Ngô Tất Thắng (khóa 7)... Những người bạn ấy đã nằm lại trên khắp các chiến trường: Mặt trận Quảng Trị trong “Mùa hè đỏ lửa”, đường Trường Sơn, Tây Nguyên, Quảng Nam, Lộc Ninh, Rừng Sác, Chiến khu D... cho đến Xvây Riêng, Côngpông Chàm, Mônđônkiri (Campuchia), cánh đồng Chum, Pắc Xế (Lào) ... Rồi mặt trận Tây Nam mười năm dai dẳng, chiến tranh biên giới phía Bắc gian truân... Đọc lại những dòng ghi chép, thư từ họ để lại, hay những bài bạn bè viết, lòng ta xiết bao bùi ngùi. Họ đều ra đi khi tuổi còn rất trẻ, với sự tự tin và niềm kiêu hãnh về bổn phận của mình khi Tổ quốc lâm nguy. Có thể giờ đây có người không thật sự còn cảm nhận được nhiều về niềm kiêu hãnh ấy nữa, nhưng điều đó không có nghĩa rằng niềm kiêu hãnh một thời ấy là mơ hồ. Ngược lại, nó sẽ vẫn mãi mãi là chân giá trị để cho mọi giá trị khác phải soi vào! Đất nước, quê hương gọi họ là những Anh hùng, liệt sĩ. Còn chúng ta, những đồng môn, đồng đội – vẫn luôn nhắc đến họ trong mỗi lần gặp gỡ, vẫn coi họ là những người bạn, những người bạn mãi mãi tuổi 20!

Đọc lại bài của bác Bùi Khắc Quỳnh, đại tá, nguyên Chính ủy của trường và những bài của các thầy, cô giáo cũ, ta hình dung lại rõ hơn hoàn cảnh ra đời của trường và những “chặng đường trường Trỗi” đã trải qua. Nó không đơn giản chỉ là một giải pháp tình thế (để bảo toàn lực lượng) mà còn chất chứa một ý định lâu dài là xây dựng lực lượng... Tôi chợt nhớ đến lời kể của tướng Tô Ký: Ở Nam Bộ, năm 1947, sau khi chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh, thất bại, biết rằng không thể thắng ta về quân sự, bọn Pháp và tay sai bắt đầu lựa chọn con em ngụy quân, ngụy quyền gấp rút đưa sang Pháp đào tạo, chuẩn bị cho kế hoạch “hậu chiến” lâu dài... Bác Tô Ký (chỉ huy quân khu 8 ngày đó) nhạy bén nhận thức được điều này, đã bàn với lãnh đạo quân khu: Dù khó khăn thiếu thốn cỡ nào, cũng không thể để cho con cháu ta thất học! Về lâu dài trí tuệ sẽ là điều quyết định!... Thế rồi những thiếu nhi đang làm liên lạc, trinh sát ở các đơn vị đều được rút về, cùng con em cán bộ, bộ đội tập trung về chiến khu... Trường Thiếu sinh quân và Đồng tử quân Nam Bộ ra đời. Rồi là các trường thiếu sinh quân khu 4, khu 5... thời chống Pháp lần lượt xuất hiện.

Khác với các bậc tiền nhân nổi dậy chống Pháp trước đây (như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học...) anh dũng tuyệt vời, nhưng chưa thoát khỏi lối tư duy “không thành công thì cũng thành nhân” bi tráng, lớp cán bộ kháng chiến thời đại Hồ Chí Minh ở từng vùng, từng miền đều có niềm tin: Cuộc kháng chiến này phải thành công, nhất định thành công, dù 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa! Sự ra đời của các trường thiếu sinh quân, các trường nội trú, hay nói rộng ra là cả các trường của ngành giáo dục Việt Nam, ngay trong khi đang chiến tranh khốc liệt, chính là thể hiện một phần cho quyết tâm và niềm tin ấy.

Việc đào tạo nào thì cũng có sự rơi vãi (tạo lập 10 mà đạt được 6-7 cũng đã là thành công rồi), nhưng xét về tổng thể thì đa số thành viên của trường thiếu sinh quân (cũng như các trường nội trú khác: Học sinh Miền nam, Dân tộc...) đều có thể tự hào là đã không phụ lòng mong mỏi của cha ông: Dù chỉ là một chiến sĩ, một người lao động bình thường, hay trở thành các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân ... họ đều đã và đang góp phần đắc lực cho chiến thắng và cả thành công ngoạn mục hôm nay của đất nước Việt Nam.

Trong tập I “Sinh ra trong khói lửa”, một điều khá bất ngờ với Ban biên soạn là sự hưởng ứng nhiệt tình của rất nhiều bạn “lính Trỗi”, mà hầu hết trong đó đều không phải là dân chuyên cầm bút, thậm chí có bạn vốn rất “kỵ” với chuyện viết lách (vì đó là điểm yếu nhất của mình). Hồi cùng học, chúng ta có bao giờ thấy những chàng như Nguyễn Thanh Tường (khóa 1), Lê Đức Hòa (khóa 3), Hà Chí Quang, Hoàng Quang (khóa 4), Phan Nam, Trương Đông Nhân, Huỳnh Tấn Lợi, Lê Chí Hòa (khóa 5), Nguyễn Hữu Hà, Lê Hòa Bình (khóa 7)... viết văn bao giờ(!). (Thậm chí có bạn còn nói: “Thằng này chỉ có “quậy” chứ viết lách chi?!”). Vậy mà các bạn đều gửi bài rất nhanh và bài nào cũng khá sinh động.

Phan Nam với “Những ngày đầu trở thành người lính” thể hiện chân thực tâm trạng của “đám lính nhóc” khá gai góc, chỉ quen nghịch ngợm, đã trưởng thành dần lên, trong đó phải kể đến công lao rất lớn của các thầy, cô giáo “vừa giỏi văn hóa, vừa nhiều tài lẻ” đã tạo nên dấu ấn sâu đậm trong việc hình thành nên nhân cách của mỗi học sinh.

Hà Chí Quang với “Đòn đau nhớ đời”, “Miếng ngon nhớ lâu”, “Quả đấm triết lý”... nhắc lại những kỷ niệm mà khóa nào cũng có vì ai cũng có thể từng gặp. Lối viết thật ngắn nhưng trào lộng và nhiều thông tin thể hiện lại những “tính cách” rất riêng của “lính Trỗi” ngày ấy, làm cho cuốn sách sinh động lên nhiều.

Trần Kiến Quốc đã bỏ công sưu tầm hàng loạt dấu ấn, chuyện kể về Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung (khóa 5), liệt sĩ Y Hòa (khóa 7), liệt sĩ Võ Dũng (khóa 5)... Đang là chủ doanh nghiệp, bận nhiều công việc làm ăn, nhưng Quốc đã lãnh phần chính yếu trong việc tìm tòi, đôn đốc và tổ chức cho việc ra cuốn sách này. Câu chuyện “Chiến thắng số phận” của Quốc viết về bạn Nguyễn Chỉnh Huấn (khóa 5), một tấm gương vượt khó trong đời thường thật đáng trân trọng. Qua bài viết, nhiều bạn đã biết để đến với Huấn và tìm đến với cả những người bạn khác đang gặp khó khăn, để động viên nhau, giúp đỡ nhau thiết thực hơn. Kiến Quốc thường tâm sự: “Kiếm tiền thì không biết bao nhiêu là đủ, nhưng nếu để cho “danh tiếng” trường Trỗi bị lãng quên thì mình sẽ mãi mang một món nợ, nhất là với những bạn bè đã khuất”.

Bài thơ “Viếng trò” của thầy Nguyễn Phong rất ngắn:

Đại tá thầy đưa đại tá trò
Về nơi yên giấc ngủ ngàn thu ...

Có nét gì đó của hơi hướng Đường thi... Mấy chữ “đại tá” vốn nặng nề là thế (ít ai dùng được trong thơ) nay được lặp lại hai lần trong một câu, nhưng lại tạo nên cảm giác nhẹ bỗng của khói sương. Không nói về cái cấp bậc “đại tá” ở đây (vì phía sau nó là những trọng trách, là mấy chục năm binh nghiệp gian nan) mà muốn nói đến cái ý ẩn sau “đại tá thầy” và “đại tá trò”. Trò đã bằng thầy, thậm chí còn hơn thầy, nhưng mối quan hệ thì vẫn là thầy-trò. Đạo lý Á Đông là thế! Ai rồi cũng đi đến chỗ “yên giấc ngàn thu”, nhưng cái “chiều ngược” của cảm giác, cái nỗi đau của sự mất mát cắt cứa ở đây là trò đi trước thầy... “Đại tá thầy đưa đại tá trò”, hình ảnh ấy chỉ có riêng ở các trường quân sự, hay riêng có ở trường thiếu sinh quân, nơi vừa là thầy - trò vừa là đồng chí, đồng đội. Buồn lắm, đau lắm, nhưng phảng phất vẻ tự hào, nét gan góc trầm tĩnh của đời binh nghiệp.

Làm người bình thường không dễ” của Lê Đức Hòa (khóa 3) để lại một dư âm vừa bi vừa hài trong lòng người đọc. Anh em khóa 3 nhận ngay ra “gã” là ai – Lê Viễn Chiến (hay còn gọi nôm na là Chiến “thộn”): “… Gã sống nội tâm, hay xúc động, chuyện gì cũng có thể trở thành đề tài để gã suy ngẫm. Gã chỉ chấp thuận ý kiến người khác nếu được sự giải đáp chuẩn mực ... Gã tự cho mình cái quyền chỉ chấp hành các chỉ thị mà gã thấy đúng(!) ...”. Con người Chiến “thộn” đúng là vậy! Và một con người như thế thì việc “được” nghỉ hưu sớm cũng là điều dễ hiểu, mặc dù ai cũng biết rằng: Khi gã đã tin tưởng vào một việc gì, thì bất cần lợi nhuận, gã sẽ làm đến nơi đến chốn, thậm chí có nhiều sáng kiến trên mức... bình thường. “Bạn bè cũ tìm tới, kẻ giao công việc bán hàng, người cho vay vốn. Nhưng bán hàng thì sẽ phải ca ngợi những sản phẩm không đáng được ca ngợi, gã không muốn. Còn vay tiền có nghĩa là mắc nợ, là trái với cái lý của gã. Có người bạn tuyển gã làm kỹ thuật viên, nhưng khi biết là để nhận gã, thì người bạn sẽ phải cho người khác thôi việc, nên gã đã từ chối. Thôi thì ngồi nhà đọc sách, uống rượu thưởng trăng...”(!).

Tôi vốn ghét thói uống rượu và chẳng chút thiện cảm với những kẻ mượn rượu để ba hoa. Nhưng nay nhớ lại, với riêng Viễn Chiến, mặc dù chẳng nể phục gì y, nhưng trong thâm tâm tôi chưa bao giờ coi thường y, kể cả khi gặp y đang uống rượu tì tì. Vì tửu lượng của y khá cao, càng uống càng tỉnh ra, đã đành, nhưng khi đã uống là y rất ít nói; mà nếu có nói vài lời thì, ơn trời, toàn những lời đùa cợt khá... tinh tế. Thời buổi này, trở thành người có chút chức quyền, hoặc người giàu có, mà không để mình bị méo mó đi, là rất khó. Y vui lòng làm một người bình thường, với cách kiếm ăn bình thường, điều đó không hẳn đã hay. Nhưng có một điều y đã vượt qua hẳn sự bình thường, ấy là: Không để mình bị méo mó đi, dù chỉ một chút lăn tăn(!)... Tố chất “Trỗi” đó chăng?

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến chuyện của một anh “lính Trỗi” khác, trong một hoàn cảnh khác... Thôi thì cứ đặt tạm cho anh ta một cái tên là M. cho dễ gọi (tên tạm, nhưng chuyện thì thật): M. là một cán bộ chủ trì một đơn vị cũng kha khá (cả về quy mô và hiệu quả công việc). Có lần một đồng chí lãnh đạo cao cấp ở Trung ương về thăm và làm việc ở đơn vị của M.. Sau một ngày làm việc và trò chuyện, đồng chí lãnh đạo này rất hài lòng và có ấn tượng tốt về M., nên đã nói riêng với viên bí thư đi theo, đại ý: Tôi cảm nhận cậu M. này có thể chính là người tôi đang cần tìm cho một vị trí quan trọng ở trên... Một người có tầm nhìn xa, sắc sảo, nhân cách lại mực thước, khoan hòa. Có thể đây là một nhân tố mới đang “bật lên” từ cơ sở... Cậu lưu ý tìm hiểu thêm về M. rồi báo cáo lại tôi (lời dặn nhưng gần như một chỉ thị). Sau khi “tìm hiểu thêm”, anh bí thư đã gặp thẳng M. và nói chân tình:

- “Bác ấy” có cảm tình và rất lưu ý đến anh. Nếu có thể, anh nên tranh thủ đến gặp riêng “bác ấy” một lần. Không phải quà cáp, khách sáo chi cả. Chỉ cốt tạo thêm một điểm... nhấn, để sau này mọi việc thuận lợi hơn. Tôi sẽ bố trí thời điểm cho.

M. rất phân vân, nhưng đúng hẹn anh cũng đến. Dừng lại trước ngôi nhà của đồng chí lãnh đạo nọ một lúc, đầy băn khoăn, rồi anh bỗng lẳng lặng lên xe... quay về. Sau này biết chuyện, tôi giả vờ trách anh bỏ lỡ một dịp may “thăng tiến”. M. cười lúng túng (khác hẳn vẻ cương nghị thường có), nói:

- Trong đời làm việc mà gặp được người hiểu và đánh giá đúng mình thì quý vô cùng. Nhưng không hiểu sao hôm đó tôi không thể nào giơ nổi tay bấm chuông cửa ngôi nhà ấy. Lòng cứ tự hỏi: Tại sao mình lại đến đây? Nếu quả là thực tài, thực đức thì có cần đến “động tác” này không?... Tôi tin là “bác ấy” sẽ rất vui vẻ đón tôi. Nhưng rồi sâu lắng trong lòng, biết đâu “bác ấy” sẽ lại hơi buồn... Một con người có “nhân cách mực thước” kia mà!

Khác đi một chút, nhưng quả có gì đó gần giống Chiến “thộn” phải không? Nhưng lần này là: Để làm một VIP cho đúng nghĩa quả không dễ!

Trở lại Quế Lâm” của Chí Thọ (khoá 3) là bài tùy bút dài nhất trong sách. Tôi được biết anh viết bài này ngay sau chuyến đi công tác qua 12 thành phố Trung Quốc trở về. Viết xong anh quăng đâu đó (vì bận và cũng vì khi đó chưa có “chủ trương” ra sách). Kiến Quốc (khoá 5) đến chơi, vớ được và lập tức đưa nó “lên khuôn”. Quả có hơi dài nhưng đọc thì không... chán. Thế là đạt rồi. Ngày ấy còn ít người đi du ngoạn Trung Hoa (hơi “nóng” còn thấp thoáng mà). Nếu có đi thì cũng ít ai ghé Quế Lâm. Mà có ghé Quế Lâm thì cũng ít người có tâm tưởng tìm về trường cũ... Nhưng Chí Thọ đã trở về, trong vai một lữ khách, ngỡ như “Bấy lâu ta vui chốn bụi hồng/ Cảnh xưa, gò ngựa một chiều đông...”. Trở về, bồi hồi nhớ lại và suy tưởng. Một sự suy tưởng rộng và sâu (còn hay – dở lại tuỳ từng người đọc). “Ngắm cảnh rừng phong thu đỏ rực trên đường về Lô Địch Sơn, nước Ly Giang mùa này trong vắt, có thể nhìn tận đáy sông” và “Tượng Tu Sơn đang thở nặng nề cùng với trăng sao” mà tiếc cho thời gian đang qua mau! Nghĩ về lớp cha ông, những người đã từng xông pha “từ trong giông bão của nửa đầu thế kỷ 20... dựng lên cơ nghiệp từ buổi sơ khai, hoàn toàn từ hai bàn tay trắng... vượt qua mọi sự bình thường của bản ngã, để làm nên cái chung phi thường...”. Nói chính trị, nhưng không phải là một lối nói sáo mòn biền ngẫu, nên khá ấn tượng. Nhắc về cha ông không phải là để kể công, mà ở mức độ nào đó để “làm nền” cho những suy nghĩ về cuộc đời, về bạn bè mình hôm nay, với vui buồn lẫn lộn – niềm vui lớn hơn, nhưng là niềm vui đã nếm đủ mùi từng trải. “… Họ đã sống đúng như quy luật của cuộc sống này bày ra – có đủ các tính bi, hài, hỉ, nộ, ái, ố, thăng, trầm... Tuy nhiên, chiều nay bên sườn đá núi Quế Lâm hiu quạnh, trong hơi thở dập dồn của một thiên niên kỷ mới kề bên... tôi chỉ còn muốn nhớ đến họ như cái buổi ban đầu tại chính nơi đây mà thôi. Phải chăng chỉ có như thế mới không là khiên cưỡng, không là phù du?! ...”. Và rồi cảnh vật lại chen vào nói dùm cho con người “... Quế Lâm đã lùi lại rất xa... Một dải nước non xanh thắm ấy ngỡ như có hương thơm nhẹ bẫng, vị ngọt tươi nồng. Mùa này trên đỉnh Triều Dương hẳn đang mù mịt khói sương. Những quả thông già tách vỏ, lặng lẽ rơi trên con đường sơn cước hoang vu. Những bông thảo tần, cúc dại nhỏ nhoi mọc xuyên qua khe đá giá lạnh ...” Khung cảnh thật buồn, nhưng thanh khiết (và có lẽ đó mới là ý tưởng chính của bài viết chăng?). Suy tưởng mở ra có vẻ nặng nề, nhưng khép lại như thế cũng là nhẹ nhõm.

Nỗi lòng người đi xa” của Hoàng Quang (khóa 4) có thể coi là đại diện cho tâm trạng của những cựu thiếu sinh quân mà, vì lý do nào đó, đang sống cảnh tha phương. Tất nhiên là có lúc rất khó khăn “ Chúng tôi sang sinh sống ở đất Đức này đã 13, 14 năm... Chưa năm nào tuyết nhiều như năm nay... khắp nơi toàn màu tuyết trắng. Cô độc quá, nghĩ thật thương cho những kẻ sống tha phương ...”. Lối viết mộc mạc, rất “logic” kiểu ... Đức... “Kẻ bán thuốc lá, người kéo xe đẩy... sớm sớm theo tàu đi về các tỉnh xa buôn bán kiếm lời... Tuần lễ có 7 ngày, thì chúng tôi hầu như phải “cầy cả 7”...nhưng vẫn đầy lạc quan ... Với khối óc và đôi bàn tay, chúng tôi đã lao động cật lực, không kể bất kỳ việc gì để mưu sinh. Và chúng tôi luôn tự hào về những gì mình đã có... Đã “sinh ra trong khói lửa” thì chẳng còn sợ gì sất !”. Vâng, đúng vậy , đã “sinh ra trong khói lửa” thì chẳng còn sợ gì sất! Tôi được biết, khi cuốn sách sang đến bên ấy (nghĩa là cả ở Đức, Nga, Balan, Séc...), anh em đã chuyền tay nhau đọc, có người đọc nghiến ngấu suốt đêm... Nó được nâng niu như một kỷ vật quý. Chẳng phải vì đó là một “tác phẩm” có giá gì ghê gớm, mà chỉ vì nó như một ngọn lửa nhỏ nhen lên làm ấm lòng người xa xứ, giữa những đêm đông giá lạnh trời Âu.

Còn rất nhiều bài viết để lại những cảm nhận hay: “Thăm lại thầy cũ”, “Suy nghĩ về một cụm từ “, “Những trái táo”, “Đại Từ nơi ấy”, “Một buổi hành quân đêm”, “Đi tìm bạn Ngô Ngời”, “Chúng tôi đã tìm nhau như thế nào”, “Nỗi nhớ không quên”...vv. Không thể đòi hỏi ở thể loại sách này (có tính biên niên, tư liệu) một hàm lượng văn học cao hơn. Mỗi bài, mỗi vẻ, tuy còn nhiều nét thô mộc (thậm chí “xù xì”), nhưng đều toát lên những tình cảm trong sáng, chân thành: Tình thầy trò, tình bạn bè, tình đồng môn, đồng đội... Những tình cảm bắt đầu từ tuổi thiếu niên, khi tính cách từng người đang mới định hình, nên đã để lại những dấu ấn khó phai.

Một số anh em “lính Trỗi” thường nói với nhau: So với nhiều trường khác (cả quân sự và dân sự) có truyền thống vài chục năm; đào tạo ra hàng vạn, thậm chí cả chục vạn học sinh... trường ta chỉ tồn tại 5 năm, với gần 1.200 học sinh, thì quả là khiêm nhường. Lại nữa, trường ta không có một “biểu tượng” cụ thể nào (như là một ngôi trường chẳng hạn) để các thế hệ học sinh “hành hương” về thăm (5 năm thì ở năm, sáu nơi và đều là trường tạm giữa rừng núi, hoặc trên đất Bạn; ba lô đặt đâu thì đó là trường). Âu cũng là đặc điểm riêng của các trường thiếu sinh quân thời chiến – loại trường “Sinh ra trong khói lửa”. Vậy nên việc ra được một cuốn sách, sau hơn 30 năm, (mặc dù còn nhiều khiếm khuyết) là thật ý nghĩa. Ở mức độ nào đó, nó cũng tạo ra được một “biểu tượng” tinh thần cho mỗi cựu học sinh quân. Nó thiên về “tình” hơn là một nghĩa vụ.

Người xưa có câu:

Mới hay muôn sự đều mây nổi
Còn lại trong ta một chút tình

Có lẽ vậy, đời người thật ngắn, mọi sự vui buồn, chức tước, bổng lộc, tiền tài... đến, rồi sẽ đi như đám “mây nổi” mà thôi. Chỉ có chút “tình” may chăng còn lưu lại đâu đó, dù rất nhỏ nhoi. Với ý nghĩa ấy, chắc là “Sinh ra trong khói lửa” tập I cũng đã khiêm nhường đạt được mục đích của mình!

 

Tân Quy Đông - Mùa khô 2004.
H.T