Chuyện tình nơi chiến khu Ba Lòng



Chuyện tình nơi chiến khu Ba Lòng


PHẠM THU THỦY


TÌNH YÊU NGƯỜI LÍNH
SKNC
Những kỷ vật về chồng -Đại tá Nguyễn Ấu Thực- được Thiếu tá, bác sĩ Phạm Thị Hồng, nguyên cán bộ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y lưu giữ cẩn thận. Mỗi lần nhìn lại, bà rưng rưng nhớ về lần đầu gặp gỡ để rồi nên duyên chồng vợ nơi Chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị)...

Yêu từ cái nhìn đầu tiên
Sinh ra và lớn lên ở Cam Lộ (Quảng Trị), khi 14 tuổi (năm 1946), cô bé Phạm Thị Hồng theo anh trai làm cách mạng. Dù nhỏ bé nhưng Hồng luôn là “đầu trò” trong các hoạt động tập thể. Năm 1947, gia đình tản cư về quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình), Phạm Thị Hồng được giao phụ trách công tác phụ nữ. Hoạt động năng nổ, một năm sau, bà được kết nạp Đảng. Năm 1952, bà nhập ngũ vào Bệnh viện K42 đóng ở Chiến khu Ba Lòng. Tại đây, bà gặp “một nửa” của mình là bác sĩ Nguyễn Ấu Thực.

20 tuổi, lần đầu vào lán phẫu thuật quan sát và học việc, Phạm Thị Hồng đã chứng tỏ được tư chất của một nhân viên y tế. Ngày ấy, bà ghi nhớ từng thao tác của bác sĩ Thực, cách ông yêu cầu phụ mổ đưa những dụng cụ phẫu thuật với đủ loại khác nhau. Bà không ngần ngại đưa phần chi thể bị cắt do hoại tử của thương binh về nhà xác. Nắm bắt nhiệm vụ, công việc nhanh ngay từ những ngày đầu nên chiến sĩ Hồng đã gây ấn tượng mạnh với bác sĩ Thực. Chẳng thế mà chỉ ít tuần sau đó, cả cơ quan truyền tai nhau về chuyện bác sĩ Thực “quan tâm” đến chiến sĩ Hồng hơn mức bình thường.
Gia đình bác sĩ Phạm Thị Hồng - Nguyễn Ấu Thực năm 1965. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Về phía mình, do còn trẻ và chỉ muốn thực hiện tốt nhiệm vụ nên khi đó bà chưa hề nghĩ đến chuyện tình cảm. Chỉ đến khi nghe những đồn đoán thì chiến sĩ Hồng mới giật mình suy nghĩ về những hành động của bác sĩ Thực. Như lần bà bị sốt rét, bác sĩ Thực đã dành tặng bà hai ống thuốc cuối cùng của mình. Rồi khi bà hôn mê do phản ứng thuốc, ông đã lo lắng cả đêm, đến lúc bà tỉnh mới yên tâm đi làm nhiệm vụ. Có người nói rằng bác sĩ Thực chưa phải đảng viên, bà đã thẳng thắn bày tỏ: “Tôi thấy anh ấy là người làm việc rất tích cực, có chuyên môn tốt. Bây giờ anh ấy chưa là đảng viên nhưng tôi nghĩ anh ấy sẽ sớm trở thành đảng viên!”.

Tuy nhiên, khi ông đặt vấn đề tìm hiểu, bà đã từ chối bởi e ngại ở ngoài Bắc, biết đâu ông đã có vợ con hay người yêu? Vậy là để khẳng định mình hoàn toàn độc thân, bác sĩ Thực mời mấy người bạn cùng vào công tác ở Liên khu 4 đến đơn vị xác nhận với bà. Ít ngày sau đó, bà Hồng nhận được thư của bố - ông Phạm Xuân Chiểu. Lúc ấy, bà mới biết, nhân một chuyến công tác, bác sĩ Thực đã về nơi gia đình bà sơ tán ở Quảng Bình để trò chuyện với bố đẻ của bà. Trong thư, bố của bà cho biết sẽ để bà tự quyết định việc đại sự. Nếu cần, có thể hỏi thêm ý kiến anh rể là Nguyễn Đình Bút đang công tác ở Tỉnh đội.

Trước tấm lòng cũng như sự “tấn công” của bác sĩ Thực, Phạm Thị Hồng dần xiêu lòng. Giống như bà sớm mồ côi mẹ, bác sĩ Thực là tấm gương tự lập, tự học từ năm 10 tuổi khiến bà ngưỡng mộ. Năm 1946, đang học năm cuối Trường Đại học Y Dược Hà Nội (nay là Trường Đại học Y Hà Nội), ông Thực nhập ngũ và xung phong vào Liên khu 4 công tác. Ngày nhận được cái gật đầu đồng ý của bà, bác sĩ Thực sung sướng bày tỏ: “Anh đã yêu em ngay từ lần đầu gặp mặt và mong muốn em sẽ là vợ anh!”.
Bà Phạm Thị Hồng (chính giữa) tại Đại hội đại biểu CCB phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2017-2022. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Tình yêu vừa nảy nở thì bác sĩ Thực được lệnh chuẩn bị sang Lào công tác. Trước khi đi, ông báo cáo tổ chức chuyện của hai người. Được cấp trên ủng hộ cho dời lại ngày lên đường để cưới vợ, ông Thực đã thuyết phục người yêu làm lễ thành hôn.

Ngày 15-7-1953, đám cưới giản dị của họ diễn ra ngay giữa lán thương binh. Đặc biệt là còn có một đôi nữa tổ chức lễ cưới cùng với họ. Chính trị viên Trần Khôn đảm trách nhiệm vụ chủ hôn. Giữa chiến khu rộn vang lời ca, tiếng đàn, các khách mời và cả hai đôi cô dâu, chú rể cùng hòa nhịp trong các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tình yêu quê hương, đất nước.

Cuộc trùng phùng bất ngờ
Sau lễ cưới, hai người được cấp một căn lán giữa rừng làm phòng tân hôn. Căn phòng hạnh phúc chỉ có chiếc sạp để ngủ. Ông cũng chỉ ở với vợ vài tháng rồi sang Lào công tác. Trước khi đi, ông hạnh phúc khi vợ báo tin sắp được làm bố.

Dù mang thai nhưng Phạm Thị Hồng không nề hà bất cứ việc gì, tận tình chăm sóc thương binh và tích cực tham gia học tập chính trị. Mang thai đến tháng thứ 6, bà được cấp trên phân công đưa thương binh về tuyến sau rồi về Sư đoàn 325 công tác, một thời gian sau thì về Bệnh viện K43 (tiền thân của Bệnh viện Quân y 4, Cục Hậu cần Quân khu 4 ngày nay) làm việc.

Tháng 6-1954, bà sinh hạ con trai đầu lòng Nguyễn Quốc Thông tại Thanh Chương, Nghệ An. Con được hơn 20 ngày tuổi, một hôm, có hai anh bộ đội vào nhà xin nước uống. Bà sửng sốt nhận ra một trong hai người ấy là chồng mình. Bác sĩ Nguyễn Ấu Thực cũng không ngờ giữa đường công tác lại gặp vợ, mừng hơn nữa là bà đã sinh con thuận lợi. Do điều kiện thời chiến, hai người bặt tin nhau từ ngày ông sang Lào. Cuộc trùng phùng bất ngờ đầy hạnh phúc diễn ra ngắn ngủi. Vì nhiệm vụ, chỉ ở bên vợ con được mấy tiếng, ông lại đi công tác ngay.
Bác sĩ Phạm Thị Hồng tại nhà riêng. Ảnh: KHÁNH AN.

Bà Hồng kể rằng, dù công tác cùng tỉnh Nghệ An nhưng thi thoảng ông mới về thăm nhà. Bà sinh con trai Nguyễn Quốc Thái năm 1956, rồi Nguyễn Quốc Thanh năm 1960, ông cũng vắng mặt. Khó có thể nói hết nỗi vất vả của người phụ nữ một mình nuôi con trong thời chiến, nhưng bà Hồng không một lời than phiền với chồng. Sau này, khi hai người được chuyển ra Hà Nội, rồi cùng về Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103) công tác, họ mới có điều kiện gần gũi hơn. Các con trai học hành giỏi giang, thành đạt khiến ông bà tự hào. Người con cả là tiến sĩ sinh học, hai người con sau là cán bộ cao cấp trong Quân đội. Ông Thực đã mất hơn 10 năm nay. Còn bà Hồng ở tuổi 91 luôn duy trì tinh thần lạc quan, lối sống lành mạnh để giữ cuộc sống của một người già mạnh khỏe, vui vầy bên con cháu.

PHẠM THU THỦY



Nguồn: Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng - Báo Quân đội nhân dân - 15/05/2023