Trông hộ người yêu bạn - Chuyện của thế giới ngầm. (K6 LS)




Tôi có anh bạn đẹp trai và ga lăng lắm. Dân tài xế chính hiệu, chuyên chạy trên đường Trường sơn ngày còn chống Mỹ. Sau này chuyển ra cơ quan bên ngoài quân đội vẫn nghề lái xe. Hắn được phụ trách một chiếc Hải Âu, chuyên chở người cho công ty.

Dân lái xe mà không biết tán gái thì họa may chỉ có một thằng như hắn. Tán tỉnh gì mà dở quá dở, tôi nghe không nổi với giọng văn nó cứ thế nào ấy, cứ cảm thấy tưng tức. Nhưng không biết sao chị em cứ lăn xả vào hắn, nhiều cô còn tìm đến nhà tôi để hỏi về hắn. Để đổ nền cho ông bạn, tôi toàn nói:

- Em quen cái người đâu mà hiền quá. Cả ngày chả nói câu nào mà chỉ tủm tỉm cười. Tồ quá! (tôi phán). Các nàng chỉ cười và sau vài câu chuyện vu vơ là bỏ đi.

Theo tôi được biết thì những người yêu hắn, nếu đứng xếp hàng ngăn nắp cũng phải tới một trung đội, mà em nào cũng xinh cả. Cái thằng! đào hoa thế không biết.

Tôi lúc đó đang còn"mồ côi", tôi cũng không thích các em hắn định giới thiệu cho mình. Thật lòng, nhìn thấy các em xinh xinh ai mà không thích, nhưng tôi lại thích tự mình tìm lấy riêng cho mình. Nên mỗi khi hắn ngỏ ý là tôi đều né tránh. Mấy lần không chịu nên chuyện giới thiệu cũng không nhắc tới nữa.

CON CHIM TRONG LỒNG, Sơn mài, 90 x 60cm, 2003 - F Luc
Thì lại sinh ra một chuyện khác. Cái câu chuyện oái oăm này đến giờ tôi vẫn nhớ như in, như vừa mới xảy ra hôm qua vậy. Trong khoảng chục ngày liền, ngày nào hắn cũng cùng một cô em xinh tươi đến nhà tôi chơi. Thường thì sau khi thăm hỏi và dăm ba câu chuyện chẳng ăn nhập đâu vào với đâu cả, tôi để mặc cho họ nói chuyện với nhau và lôi mấy quyển sách ra đọc. Cũng chẳng có chữ nào vào đầu vì cái giọng thỏ thẻ của cô bạn hắn về toàn những chuyện vụn vặt của phụ nữ và thỉnh thoảng lại thấy hắn cười hì hì, khói thuốc lá mù mịt cả căn phòng. Cũng có hôm cả ba dạo phố tìm một quán cà phê ngồi chơi và nghe mấy bản nhạc nhè nhẹ. Cũng cảm thấy cuộc đời "vẫn đẹp". Trong một lần như vậy, hắn ngỏ ý muốn tôi đưa cô người yêu của hắn đi chơi ở Hà Giang. Hắn nêu lý do là hắn phải đi công tác ít hôm... vv... và... vv. Tôi nói một cách nghiêm túc rằng: "ý ông là thế nào?". Ngập ngừng một lát rồi với cái giọng dẻo như kẹo kéo (cái thứ vũ khí làm nhiều cô chết mê) hắn nói người yêu hắn muốn mang một ít quà cho người họ hàng ở trên đó. Thân gái dặm trường không biết nhờ ai nên hãy cố gắng giúp hắn. Nói túm lại là chuyện vé tàu xe, ăn uống và ngủ nghỉ dọc đường... tôi không cần phải áy náy gì. Hắn nói đúng yếu huyệt của mình, thân trai cường tráng mà quanh năm túi lúc nào cũng rỗng tuếch. Mặt khác như vậy cũng như đi du lịch, có mất gì đâu mà phải lo nhỉ? Mình không có vấn đề gì nhập nhèm là được. Tôi nghĩ đơn giản vậy.

- Vậy là ngày kia ông phải đi rồi. Dậy sớm đấy. Xe chạy lúc 5h sáng.

Khoảng 4 rưỡi sáng tôi có mặt tại bến Nứa (bến xe khách phía Bắc) cũng là lúc hắn chở cô người yêu đến. Sau câu chào hỏi và bắt tay, hắn đưa cho tôi cái túi du lịch khá nặng. Thời bao cấp khi người ta đi thăm nhau thì chuyện quà cáp là đương nhiên. Có người ngoài việc mang theo gạo (tùy theo số ngày thăm lâu hay mau nên có thể nặng hoặc nhẹ) còn mang theo nhiều thứ "cây nhà lá vườn" làm quà.

Chúng tôi (tôi và người yêu hắn) tìm thấy chiếc xe mình đi khá dễ dàng cho dù bến xe rất đông người và rất hỗn độn. Xe quá chật và chúng tôi phải vượt qua khá nhiều người bán hàng rong và một số vị khách không thân thiện lắm. Cũng may là hàng hóa không bị suy xuyển và được ngồi ở phía gần tài xế. Không phải ai cũng được ngồi ở đó. Nhưng vì nhiều lý do mà chúng tôi đã được hưởng cái đặc ân ấy.

Xe chạy tới thị xã Tuyên Quang thì nghỉ ăn cơm trưa. Thị (từ giờ trở đi tôi sẽ chỉ gọi cô ta là thị thôi) gọi một mâm cơm cho 2 người có đủ các món rất ngon và cũng không quên hỏi tôi có uống một chút không. Tất nhiên rồi, một mâm cơm thịnh soạn mà lại thiếu cái món cay cay ấy thì vẫn thấy thiêu thiếu, vẫn chưa đầy đủ. Thị ăn rất ít và chăm chỉ gắp thức ăn cho tôi, mặc cho tôi phản đối. Thị tỏ ra ân cần khi rót nước và lấy tăm cho tôi. Sau này tôi mới hiểu mình đã vô tình sa vào nơi còn hiểm nguy hơn cả hang cọp, nhưng lúc ấy khi xe chạy và ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường vẫn thấy "cuộc đời vẫn còn đẹp".

Xe tới thị xã Hà Giang thì đã nhá nhem tối. Thị nói tôi cầm túi và bảo:

- Anh cứ đi về phía trước kia chờ em, em còn phải mua vài thứ.

Tôi khoác túi du lịch lên vai và hiên ngang thẳng bước. Nhìn mấy chú phòng thuế, quản lý thị trường và công an bằng nửa con mắt khi các vị đang sờ nắn hành lý của những thảo dân đáng nghi. Tới đúng chỗ thị dặn tôi đứng lại chờ, khoảng 15 phút sau thì thị tới tay mang mấy cái gói. Làm quà cho mấy đứa nhỏ, con bà chị ấy mà - Thị tươi cười bảo tôi thế.

Ngôi nhà "bà chị" được xây khá khang trang với hai tầng, có vườn cây xung quanh. Đáng tiếc là nó lại nằm ở một nơi không lấy gì làm đông đúc lắm - Tôi nghĩ. Đứng sau cánh cổng đón tiếp chúng tôi là một người đàn bà đẫy đà khoảng 40 tuổi, miệng vừa mỉm cười vừa đảo nhanh mắt xem ngoài chúng tôi ra có còn ai nữa không.

Sau khi rửa ráy mặt mũi chân tay sạch sẽ thì thị nói:

- Bọn em sẽ ra ngoài ăn uống chứ không phiền chị đâu, khoảng một tiếng nữa bọn em sẽ về.

Thị xã Hà Giang hồi đó cũng không có mấy quán bán hàng ăn vào buổi tối (có thể là tối mùa đông giá lạnh mọi người ít ra đường chăng?). Lần mò một hồi rồi cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra một quán phở. Chắc quán cũng ít khách vả lại hơi muộn nữa nên dù đói tôi cũng chỉ ăn gần hết được bát phở gà (ít phở nhiều thịt).

Chúng tôi về tới nhà thì mọi người trong nhà đã đi ngủ cả, chỉ còn "bà chị" vẫn ngồi chờ. Để mặc cho hai chị em thì thầm nói chuyện tôi ra bàn rót chén nước trà, châm một điếu thuốc và nhìn xung quanh tường nhà. Chủ nhà hình như cũng không quan tâm mấy đến trang trí. Ngoài mấy khung ảnh thì những thứ còn lại toàn là những ảnh được cắt ra ở một vài tờ tạp chí nào đó và mục đích cũng chỉ là lấp chỗ trống.

Sau khi hai chị em nói chuyện xong, "bà chị" chỉ vào một cái phòng nhỏ và nói với cả hai chúng tôi:

- Thôi khuya rồi, cô chú đi đường cũng mệt nên vào phòng này mà nghỉ, sáng mai còn đi chơi chợ phiên. Nhiều cái hay lắm đấy. Nói xong "bà chị" quay gót để mặc hai chúng tôi với nhau.

Thị đi trước còn tôi theo sau. Vào đến căn phòng tôi mới thấy hoảng thực sự, vì chỉ có nhõn một cái giường. Chúng tôi nhìn nhau mà chẳng biết nói sao. Cái sự oái oăm này tôi mới gặp lần này là lần đầu tiên. Sau một phút suy tính tôi nói:

- Em sẽ ngủ trên giường, còn anh sẽ ngủ ở trên sàn ở chỗ góc phòng kia.

Không quan tâm đến việc thị có đồng ý hay không, tôi đến bên giường lấy cái chiếu và chăn (rất may là trong phòng có đủ chăn và chiếu) mang ra góc phòng. Thấy tôi kiên quyết vậy thị cũng phải làm theo ý tôi mà ngủ trên giường. Trời lạnh, đi đường xa mệt nên tôi nhanh chóng ngủ say như chết.

Sáng hôm sau tỉnh dậy không thấy thị đâu cả. Sau khi làm vệ sinh cá nhân xong tôi mới thấy thị đi về. Thị nói "bà chị" đang bận đi đâu đó, hai chúng tôi nên đi ra chợ ăn sáng và mua sắm vài thứ rồi về luôn cho kịp chuyến xe xuôi Hà nội.

Tôi cứ nghĩ lên chơi thì phải đi mấy hôm chứ ai lại về ngang xương như thế chứ. Thị giải thích là "bà chị" có việc đột xuất nên phải đi mấy hôm mới về, lần sau sẽ có dịp lên thăm lâu hơn. Tôi thì thế nào mà chả được, chỉ ngại khi về Hà nội ông bạn lại trách thì...

- Anh cứ yên tâm, anh bạn của anh đã có em lo.

Chúng tôi về Hà nội khoảng 9 giờ tối. Chúng tôi vào một hàng ăn ở phố Nguyễn Thiệp ngay gần sát bến xe và sau đó thị trả tiền xích lô cho tôi về tận nhà.

Ngạc nhiên nhất là sáng hôm sau tôi đã thấy bọn hắn đến nhà tôi chơi và rủ đi uống cà phê. Khi được hỏi lý do thì hắn cười hề hề và nói rằng may quá có người đi thay hắn.

Chuyện cũng chẳng có gì và tôi sẽ quên ngay không nhớ lại nữa. Nhưng không, hình như ông trời cứ muốn giễu cợt tôi hay sao đó mà khoảng chục hôm sau hắn lại nhờ tôi như trước. Tôi nhìn hắn đầy nghi hoặc:

- Thực ra là chuyện gì vậy?

- Không có gì đâu, cô bé chỉ là dân buôn chuyến thôi. Mang ít hàng cho bà chị ấy mà.

- Hàng gì thế? Ông có biết không?

- Không biết là hàng gì, nhưng thấy cô bé bảo là hàng này trên đó hiếm nên bán lãi nhiều lắm. Mà thực ra tôi cũng chỉ cặp vui vui vậy thôi chứ giữa bọn tôi không có chuyện gì.

À, ra là vậy. Bây giờ tôi hiểu là thị đi buôn để bao anh chàng đẹp trai này.

Tôi còn đi với thị 2 chuyến nữa với nhiều tình huống oái oăm hơn vì thị cũng quyết tỏ ra có ý định chiếm hữu tôi. Càng ngày thị càng làm cho tôi phải dở khóc dở cười với những cái đụng chạm rất cố ý. Nếu như... nếu như... và nếu như... thì có lẽ tôi đã không ngồi đây và kể câu chuyện này. Bởi chính cái nguyên tắc (hay luật chơi) mà tôi đã chọn. Bởi tôi đã gạt được sự cám dỗ và bởi may mắn... tôi đã thoát hiểm. Bạn tôi cũng không thể biết thị làm gì và buôn gì. Nhưng trong tôi luôn có câu hỏi tại sao? Tại sao và tại sao??? Chính nó đã làm cho tôi để ý và hiểu được rằng tôi đang là một con lừa ngu ngốc hay chính xác hơn là tôi đã bị lợi dụng để vận chuyển thuốc phiện. Cái thứ ma túy đang làm bại hoại bao nhiêu gia đình mà tôi đang ngạo nghễ mang qua mặt các cơ quan chức năng với tiền công chỉ là những bữa ăn nghỉ giữa chặng và những ly cà phê với những điếu thuốc lá thơm. Cái thứ ma túy mà trên chuyến xe không phải riêng thị mà còn mấy kẻ nữa cũng làm. Nghe họ kể những tình huống trớ trêu khi đi buôn mặt hàng này một cách công khai trên chuyến xe, tôi mới hiểu họ coi món hàng này như một mớ rau vậy. Và họ coi đây là một chuyện hết sức bình thường như con người ta sinh ra phải ăn, phải uống và phải hít thở...

Khi tôi nói với anh bạn sự phát hiện của tôi, bạn biết không? Mặt anh ta tái nhợt và lắp bắp hỏi tôi phải làm thế nào. Tôi nói anh ta hãy tránh xa con người đó và đừng bao giờ đưa thị đến nhà tôi.

Thị vẫn tự đến nhà tôi với cách của thị, nhưng tôi đã từ chối với lý do là tôi đã xin được vào một cơ quan nhà nước để làm và vì mới vào làm nên phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của cơ quan. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy thị đi ngang qua nhà tôi nhưng chúng tôi không có chuyện gì để nói với nhau cả.

Năm sau, anh bạn tôi thông báo rằng:

- Đường đây vận chuyển ma túy lên Hà Giang đã bị công an phá và thị hiện giờ đang trốn vào thành phố HCM.

Đến bây giờ tôi vẫn không gặp lại thị, còn anh bạn tôi thì đang định cư tại Canada. Giữa chúng tôi chỉ còn những kỷ niệm. Còn hiện tại, biết nói sao nhỉ?

Hãy sống để không phải hổ thẹn vì những gì mình đã làm.


Đăng lại bài viết của K6 LS (đã đăng tại Blog "Út Trỗi”: Thứ ba, ngày 25 tháng tám năm 2009)

Xem bài viết: