Thực tại và hoang đường 2

__________________

PHẦN I :


Có một cái gì đó

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.

CHƯƠNG I: TỒN TẠI VÀ HƯ VÔ

Trí tưởng tượng quan trọng hơn sự hiểu biết, nhưng điều quan trọng hơn cả là đừng bao giờ ngưng đặt ra những câu hỏi.”

A. Einstein.


Cây có gốc mới nở cành xanh lá
Nước có nguồn mới bể cả sông sâu
Người ta nguồn gốc ở đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình.
(Ca dao)

Khi mới được sinh ra, tất cả chúng ta, nào ai có biết gì đâu. Chúng ta được nuôi nấng, lớn dần lên: biết lật, biết bò, biết ngồi, rồi đứng dậy, rồi chập chững đi những bước đầu tiên trong sự mừng vui động viên của mẹ, của cha, của anh chị em ruột thịt. Từ lòng mẹ, chúng ta đã bước ra và bắt đầu bập bẹ, nhìn nhận. Chúng ta thấy căn phòng với những đồ vật, chúng ta thấy khoảng sân, thấy ngôi nhà mà chúng ta và mọi người xum họp. Chúng ta, với những ý nghĩ cảm tính đã chớm nở, bắt đầu nhận biết dần những sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh; bắt đầu tìm hiểu, bi bô đặt ra biết bao câu hỏi ngây thơ, ngộ nghĩnh về chúng. Tầm nhìn của chúng ta dần rộng hơn: đường xá, cỏ cây, sông núi, đất trời hiện ra. Ta lớn khôn hơn và hiểu rằng đó là thế giới, cái mà ta đang sống trong đó. Chúng ta đã bước ra từ vô tri vô giác để có mặt, để dự phần trong cái thế giới dung túng tất cả, cưu mang tất cả và được gọi là Thiên Nhiên ấy.

Lớn hơn chút nữa, chúng ta bắt đầu cắp sách tới trường. Chúng ta học hành và theo năm tháng, nhận thức của chúng ta về thế giới ngày càng mở rộng và sâu sắc. Chúng ta được học về lịch sử và hiểu rằng trước chúng ta đã có biết bao cuộc đời từng sống ở đây và đã xa khuất, rằng chúng ta là những kẻ đến sau; rằng cái thế giới này với cỏ cây đất trời sông núi, với cuộc xoay vần như bất tận của ngày và đêm, của bốn mùa thay đổi xuân hạ thu đông, đã hiện diện từ trước, có sẵn từ lâu lắm rồi, nghĩa là chúng ta nhận thức được một cách khái quát rằng chúng ta đang sống trong hiện thực bao la Không Gian và trên dòng trôi không ngừng Thời Gian.

Chúng ta càng học lên cao chúng ta càng thấy rằng thế giới đâu chỉ có vậy. Khi chúng ta biết những ngôi sao trên bầu trời kia nằm ở rất xa xôi thì cũng có nghĩa rằng thế giới là vô cùng rộng lớn. Cái thế giới rộng lớn đến choáng ngợp ấy được tổ tiên chúng ta đặt tên là Vũ Trụ.

Cuối cùng, chúng ta đã biết rằng chúng ta từ vô tri vô giác bước ra, nhìn ngắm, cảm nhận một đời rồi lại như ông bà tổ tiên trở về với vô tri vô giác, và dù có tiếc nuối cuộc sống đến mấy thì đó chính là Định Mệnh của muôn đời, không ai cưỡng lại được.

Và tự nhiên bật ra câu hỏi: Vũ Trụ có đến và đi như chúng ta không hay Vũ Trụ còn mãi?

Đặt câu hỏi đó, vô tình hay hữu ý, chúng ta đã chạm đến nỗi trăn trở hàng ngàn đời nay của suy tư triết học: tồn tại hay không tồn tại, và thực chất của tồn tại là gì?

* * *
“Vì sao mỗi hạt mưa sa
Mỗi tia nắng rọi cũng là tình chung?”
Tố Hữu


Nhưng tồn tại có nghĩa là gì?

Thật khó mà trả lời ngay được. Bởi vì một trong những khái niệm đầu tiên, cơ bản nhất, đơn giản nhất mà rồi cũng mơ hồ nhất của suy tư triết học là khái niệm tồn tại. Mọi quyển sách triết học, hay nói đúng hơn là mọi học thuyết triết học đều nói đến tồn tại, và ngày nay đã coi tồn tại như một khái niệm dễ hiểu để luận giải những vấn đề khác, nhưng chưa thấy ai định nghĩa tồn tại một cách rõ ràng, dứt khoát. Có lẽ, nếu có một trăm triết gia thì cũng có một trăm cách nhận định về khái niệm tồn tại.

Như trên đã nói, chúng ta sinh ra, lớn lên và cảm nhận được thế giới xung quanh. Quá trình cảm nhận là quá trình thế giới xung quanh tác động lên các giác quan của chúng ta và các giác quan ấy phản ứng truyền lên não theo hệ thần kinh tạo nên cảm giác, rồi tri giác để hình thành nên ấn tượng, biểu tượng – hình ảnh chủ quan của con người về thế giới khách quan sinh động. Từ đó chúng ta chủ động nhận thức thế giới qua các hình thức như ý niệm, khái niệm, phán đoán và suy tưởng. Ở đây, chúng ta hiểu ấn tượng là hình thức sơ khai, đóng vai trò tiền đề làm xuất hiện biểu tượng, tương tự, ý niệm là kết quả của nhận thức cảm tính, đồng thời vừa là hình thức sơ khai của khái niệm vừa đóng vai trò làm hình thành nên khái niệm (nên nhớ, sự phân biệt này chỉ là tương đối!). Có thể nói sự hình thành khái niệm và hệ thống khái niệm là bước đầu tiên của suy tư logic (hay nôm na là suy tư "có lý"),còn bản thân khái niệm và hệ thống khái niệm được cho là tư tưởng phản ánh thuộc tính chung và bản chất của (các) sự vật và hiện tượng, là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng. Tóm lại, không có ý niệm thì tư duy không thể triển khai được, không có khái niệm thì tư duy logic không khởi phát được, và hệ thống khái niệm đóng vai trò là "bảng chữ cái" của mọi quá trình suy tư lý luận. Suy tư lý luận là hình thức vận động lý trí ở trình độ cao nhất của bộ não người. Đó cũng là "vũ khí" quan trọng bậc nhất của con người trên bước đường đi tìm hiểu thế giới, đồng thời là phương thức cơ bản nhất, thiết yếu nhất, có tính quyết định trong việc giúp cho con người có khả năng nhận thức và nhận thức ngày càng xác đáng thực tại khách quan. Triết học chính là kết quả của suy tư lý luận trên cơ sở những nhận biết đã được thừa nhận trước đó (dù có thể thực ra vẫn chưa đích đáng) nhằm trình bày một giải thích có tính tổng thể ở mức độ sâu rộng nào đó về thế giới - cái Vũ Trụ mà con người đang "ở trong" nó và đang quan chiêm nó. Nhưng giải thích cái gì về Vũ Trụ? Hiển nhiên là giải thích cái nguyên nhân làm xuất hiện Vũ Trụ và Vũ Trụ tồn tại như thế nào. Tuy nhiên, như đã nói, điểm xuất phát của mọi suy lý cơ bản là khái niệm, cho nên, muốn giải thích sự tồn tại của Vũ Trụ thì trước hết phải xây dựng hoàn chỉnh khái niệm tồn tại. Ấy vậy mà cho đến tận ngày nay, khái niệm tồn tại vẫn chưa được hiểu một cách đồng thuận, nhất quán, hơn nữa, vẫn còn nét mơ hồ, trong khi đó, triết học về tự nhiên lại đã phát triển đến mức quá ư đồ sộ (phần nhiều là về thể xác chứ không phải tâm hồn!!!), thế mới lạ lùng!!!

Một cách mộc mạc, khái niệm là định nghĩa đi liền sau hoặc cùng lúc với sự đặt tên, sự gán nhãn mác qui ước của con người lên sự vật, hiện tượng nhằm mục đích đầu tiên là truyền đạt, trao đổi và lưu giữ thông tin giữa các cá thể với nhau trước đòi hỏi về nhận thức trong công cuộc mưu sinh ở loài người. Khi chúng ta nói “tôi ăn cơm” thì đó chính là sự kết hợp của ba khái niệm (hay ba nhãn mác chỉ sự vật và hiện tượng) “tôi”, “ăn”, “cơm”; và mọi người đều hiểu chúng ta đang nói về cái gì. Phải nói rằng không có ý niệm, khái niệm thì cũng không có ngôn ngữ và chữ viết. Không có ngôn ngữ và chữ viết thì cũng không thể có sự hiểu biết. Vì vậy mà ngôn ngữ và chữ viết là biểu hiện rõ ràng nhất, đầy đủ nhất giữa động vật mông muội và con người khôn lanh, có lý trí. Lịch sử loài người đã cho thấy quá trình từ động vật hoang dã vươn lên thành con người biết suy nghĩ là hết sức dài lâu. Điều đó cũng có nghĩa là từ những hú, hét, ám hiệu, ký hiệu vạch vẽ thô sơ và rời rạc đến giai đoạn xuất hiện những khái niệm cũng ngần ấy “thiên thu”. Lúc đầu có thể chỉ là những khái niệm hết sức cụ thể, giản đơn (ý niệm?), về sau, cùng với sự phát triển của tư duy mà có khái niệm chung và cuối cùng là những khái niệm mang tính trừu tượng cao độ. Chẳng hạn chúng ta vô tình phát hiện ra một quả gì đó ăn được và chúng ta đặt tên là táo. Sau đó, trong khi “lang thang” chúng ta bắt gặp những thứ khác ăn được, rất giống vị quả táo nhưng có thể khác về hình thức một chút, nên chúng ta đặt tên là táo ở đó, táo ở đây hay đại loại táo tàu, táo tây, táo ta để phân biệt. Lúc này, táo không còn là khái niệm riêng nữa mà được "nâng lên", trở thành tên chung của các loại táo. Cũng như vậy, từ quả là một khái niệm chung chỉ các loại ăn được và không ăn được ở trên cây có hình thù giống táo. Và ở mối tương quan này quả táo lại là một khái niệm riêng để chỉ một loại quả. Tóm lại sự mở rộng ý nghĩa một khái niệm và sự xuất hiện những khái niệm mới cùng với sự phát triển nhận thức con người về thế giới là một tất yếu. Khái niệm “triết học” thuở ban đầu chỉ có nghĩa đơn giản là “yêu mến sự thông thái” nhưng đến ngày nay, để trả lời câu hỏi “triết học là gì?” thôi, cũng phải tốn rất nhiều giấy, mực mà đã dễ gì thỏa mãn được. Nhưng tại sao người ta cứ tranh luận mãi về ý nghĩa của hai từ “triết học” ấy và tranh luận để làm gì, thì chúng ta, những đứa trẻ thơ, chẳng bao giờ hiểu được. Có lẽ là do tính tương đối của khái niệm chăng?!

Lịch sử nhận thức của loài người là quá trình phát triển trình độ từ thấp đến cao, dẫn đến khái niệm và hệ thống khái niệm cũng phải chuyển hóa theo chiều hướng như thế. Số phận của khái niệm “tồn tại” chắc rằng không ngoài xu thế đó. Khởi nguyên của nó chắc cũng chỉ mang một ý nghĩa đơn giản, trực giác nào đó, giả dụ như: sự hiện diện của sự vật, hiện tượng xung quanh ta. Nhưng rồi con người lại phát hiện ra rằng không phải sự vật và hiện tượng nào cũng hiện diện trước họ, có thể là do ở quá xa, có thể là bị che khuất, hoặc cũng có thể là do ngũ quan của họ không cảm nhận được. Ví dụ như không khí, như gió: chúng ta biết rằng có một cái gì đó xảy ra nhưng không thấy cái gì cả. Như vậy thì những sự vật hiện tượng đó có được gọi là tồn tại không? Nếu chúng ta cho rằng chúng có hiện diện, chỉ có điều chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện ấy thôi, thì chúng cũng phải được cho là tồn tại. Như vậy đến đây việc mở rộng khái niệm tồn tại là cần thiết? Chúng ta cho rằng tất cả các sự vật và hiện tượng xảy ra, đều hiện diện, đều có thực, đều là sự thực và vì sự hiện diện ấy không cần sự nhận biết của chúng ta nên chúng ta nói chúng không phụ thuộc vào chúng ta; chúng là khách quan. Lúc này, một cách ngắn gọn, tồn tại có nghĩa là sự có thực khách quan. Sẽ có người hỏi rằng: thế thì chúng ta, những con người cùng với những suy tư, những mộng mị, những hệ tư tưởng có được gọi là tồn tại không, có phải là một sự thực khách quan không? Nếu chúng ta phải trả lời câu hỏi này, thì quan niệm của chúng ta là: bước ra từ thế giới này, tham dự vào thế giới này và trở về với thế giới này nên chúng ta chẳng là cái gì cao siêu cả mà cũng chỉ là những sự vật và hiện tượng, cũng hiện diện và như vậy chúng ta cũng tồn tại, là một bộ phận của sự có thực khách quan.

Như vậy khái niệm tồn tại hiểu theo cách nguyên sơ, “bình dân” có nghĩa là cái gì đó hiện diện, có thực như mặt trăng là tồn tại, con người là tồn tại, rừng núi là tồn tại; hiểu theo cách mở rộng nâng cao, “triết học” thì đó là hiện thực, thực tại khách quan, là toàn bộ Vũ Trụ này. Nếu ta hỏi một anh nông dân: “Mặt Trời có tồn tại không?”, có lẽ anh ta sẽ cự chúng ta ngay lập tức: “Điên à? Mặt trời sờ sờ ra đấy mà còn hỏi!”. Nhưng nếu chúng ta hỏi ngược lại: “Tồn tại có phải là Mặt Trời không?” thì chính anh ta sẽ là người phát điên vì không hiểu chúng ta định nói gì. Cũng với câu hỏi này, chúng ta mang ra đố một triết gia, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời phủ định: “Không! Mặt trời là một sự vật - hiện tượng nên nó là một tồn tại. Nó tồn tại nhưng tồn tại không phải là nó!”. Nghe xong đến lượt chúng ta điên!

Rốt cuộc câu hỏi “Tồn tại là gì?” vẫn còn đó!

Tại sao lại có tình trạng lúng túng ấy? Có lẽ là nó có nguyên nhân từ lịch sử hình thành và phát triển của những khái niệm. Mỗi khái niệm đều có một số phận, đều buồn vui theo những chặng đường buồn vui của nhận thức loài người và có thể là hầu hết trong số chúng đều được mở rộng hoặc khác xa về mặt ý nghĩa so với nghĩa gốc, nghĩa ban đầu. Có nhiều khái niệm đến ngày nay vừa được hiểu theo nghĩa hẹp nhất, trực giác nhất, vừa được hiểu theo nghĩa bao hàm nhất, rộng lớn nhất, đến tận biên giới, thậm chí là vượt quá cả khả năng tưởng tượng của não người; làm cho chúng vừa được sử dụng “thoải mái, hồn nhiên”, ai cũng hiểu, vừa rất khó sử dụng một cách xác đáng và hết sức mơ hồ. (Đến độ làm cho chúng ta có cảm giác rằng tất cả mọi sự vật hiện tượng đều hàm chứa những mâu thuẫn, và ngôn ngữ không phải là ngoại lệ!). Trong triết học, những khái niệm thuộc loại này lại chính là những khái niệm cơ bản nhất, nền tảng nhất và cũng khó định nghĩa nhất. Có thể nói nếu không có chúng thì công trình triết học sẽ sụp đổ; nhưng chúng cũng chính là đầu mối của mọi rắm rối nảy sinh trong triết học. Chỉ khi nào những khái niệm cơ bản mà triết học dựa vào để suy lý được định nghĩa xác đáng, tường tận thì triết học mới trở nên sáng sủa và đồng thời được coi là hoàn thành nhiệm vụ cốt yếu của mình. Nói một cách khác, triết học muốn giải thích đúng đắn được một cách tổng quan về thực tại khách quan thì trước hết phải thấu tỏ được bản chất đích thực của những thứ "nấp" dưới dạng những khái niệm mà nó dựa vào để suy lý. Một số những khái niệm ấy là: tồn tại, không gian, thời gian, vật chất … Và câu hỏi cơ bản dành cho triết học: chúng là gì? Chính sự "đeo đẳng" tâm trí loài người ngay từ buổi bình minh suy tư triết học đến nay của câu hỏi này đã làm xuất hiện trong quá trình nhận thức từ thấp đến cao một hiện tượng có tính lặp đi lặp lại, tưởng dị thường nhưng thật ra lại là tất yếu, đó là: nhận thức lại cái đã được nhận thức, định nghĩa lại cái đã được định nghĩa!

Chúng ta nói nhiều về khái niệm để thấy rõ được tính không ổn định của nó, để sau này trong khi sử dụng các khái niệm để mô tả, giải thích điều gì đó sẽ khỏi phải lại kể lể dài dòng, coi những khái niệm được sử dụng là đã được hiểu. Chúng ta không nên, và, (may quá!) không có khả năng đóng vai trò các triết gia. Chúng ta chỉ là những người lớn hoang tưởng đi tìm cái gì đó cho thỏa chí tò mò của riêng mình và ngay lúc này phải làm sao xây dựng được quan niệm về tồn tại, cũng là cho riêng mình nốt!

* * *
Để trả lời câu hỏi “Tồn tại là gì?”, chúng ta dù chưa thực sự thỏa mãn nhưng để khỏi nhọc lòng nữa, vẫn cứ đồng ý rằng: tồn tại, theo nghĩa rộng nhất là sự thực khách quan, là toàn bộ thế giới này, là Vũ Trụ. Vũ Trụ không cần chúng ta gắn nhãn mác, là một cái gì đó có sẵn, còn đó, còn mãi; cái mà con người đầy lòng kiêu hãnh, sinh ra từ nó, cố nhận thức nó và đồng thời như thế cũng là cố nhận thức chính mình. Như thế thì mọi sự vật - hiện tượng hiện diện, mặc kệ chúng ta có cảm nhận được hay không cảm nhận được đều là sự thể hiện của tồn tại, đều có cùng một đặc tính là tồn tại, và chính là bộ phận tồn tại.

Tồn tại, theo quan niệm nêu trên, sẽ trở thành một khái niệm cùng tột, bao hàm toàn bộ khái niệm mà con người có thể nghĩ ra được, bao hàm cả không gian, thời gian, vật chất …

Cần nhấn mạnh thêm rằng, theo sự mách bảo của kinh nghiệm, nếu không là tất cả thì phần lớn các sự vật hiện tượng sớm muộn gì cũng chấm dứt hiện diện, nghĩa là một lúc nào đó chúng phải bị tiêu vong. Nhưng cũng theo mách bảo của kinh nghiệm thì đồng thời với quá trình tiêu vong là quá trình xuất hiện, hiện diện các sự vật - hiện tượng mới. Và nếu mọi nhãn mác gắn theo tất cả các sự vật hiện tượng được vứt bỏ đi thì cái gì đó còn lại chính là tồn tại, cái mà không người lớn nào có thể thấy; như một chỉnh thể thống nhất và duy nhất. Một cái cây, nếu bỏ đi mọi nhãn mác, nghĩa là chúng ta không có bất kì một khái niệm nào về nó, nghĩa là ta "nhìn thấy" nó ở tầng vô niệm; sẽ không thấy được sự sống chết của nó nữa, vì nó đã không còn phân biệt được, là sự hòa điệu của chỉnh thể tồn tại.

Tồn tại theo quan niệm vừa nêu của chúng ta là tồn tại có tính tuyệt đối. Chính vì thế mà câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại?” trở nên vô nghĩa. Nhưng mặt khác, trong quá trình xây dựng nên quan niệm tồn tại cho mình, vô tình hay hữu ý chúng ta đã phải nói đến cái không tồn tại. Nếu không có không tồn tại thì làm sao mà hình dung được tồn tại? Do đó để cho hoàn thiện, không ai “kiện” chúng ta được, chúng ta “đành” công nhận sự không tồn tại. Nhưng nếu tồn tại (ở đây!!!) là tuyệt đối thì không tồn tại là tương đối. Sự "hiện diện" của không tồn tại chính là sự khẳng định của tồn tại. Khi Đềcác nói: “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại” thì không những cái tôi tồn tại mà cả tư duy của cái tôi và đối tượng của sự tư duy ấy cũng tồn tại (khái niệm tồn tại ở đây phải được hiểu theo nghĩa hẹp, tương đối như: có, hiện diện, còn …) Nhưng nếu không còn tôi nữa, nghĩa là tôi không tồn tại nữa (lúc này, tồn tại lại chỉ mang tính tương đối!!!) thì sự tư duy của tôi và đối tượng của sự tư duy ấy cũng chấm dứt tồn tại. Tuy vậy cái còn lại vẫn tồn tại! Và ở đây phải hiểu tồn tại theo nghĩa bao hàm của nó!

Đồng nghĩa với không tồn tại là hư vô. Hư vô được coi như là sự trống rỗng, không có gì (một cách có thể là tuyệt đối hay tương đối, tương tự như tồn tại!!!). Bây giờ, chúng ta cho rằng Vũ Trụ chưa chắc đã tồn tại mà chỉ là hư vô. Nếu thế, vì là bộ phận của Vũ Trụ, nên chúng ta cũng là hư vô. Như thế, làm sao chúng ta còn "có mặt" để mà nhận thức thế giới? Mặt khác, một khi chúng ta dù bị cho là đang hư vô, nhưng vẫn còn nhận thức được, thì hư vô cũng phải được nhận thức và do đó, hư vô lại phải mang ý nghĩa tồn tại. Chỉ khi nào chúng ta không còn nhận thức nữa (khi ngủ say như chết hoặc chết thật!), thì đối với một hư vô nhận thức (và chỉ đối với nó thôi), Vũ trụ sẽ trở nên hư vô! (Cần thấy rằng khái niệm hư vô ở đây phải mang ý nghĩa tuyệt đối!!!)

Hãy đồng ý rằng Vũ Trụ là một tổng thể tồn tại mà trong đó cũng có những vùng, những khoảng trống rỗng, không có gì, và được gọi (qui ước) là hư vô. Rõ ràng, vì những vùng, khoảng hư vô đó là phân biệt được với sự tồn tại xung quanh chúng nên chúng cũng hiện diện, cũng "có mặt" như một "thực thể", một sự kiện, một sự thực khách quan. Như vậy hư vô cũng hoàn toàn có khả năng và thực sự "có quyền" mang danh nghĩa tồn tại như một cái gì đó. "Cái gì đó", cái không có gì mà vẫn được cho là hiển hiện ấy, được chúng ta quen gọi là (vùng, khoảng) không gian. Câu hỏi đặt ra: có vùng hay khoảng nào trong Vũ Trụ trống rỗng đến độ kể cả không gian cũng không có nốt không, tức là có hư vô tuyệt đối (một cách...đúng là tuyệt đối!) không? Có lẽ có, nhưng... chỉ là trong ảo mộng!!! Chúng ta không thể hình dung nổi một cái gì đó tuyệt đối trống rỗng lại hiện ra được như một tồn tại trong thực tại khách quan! Phải chăng, Vũ Trụ, hay gọi theo cách khác là Thực Tại Khách Quan, là một tồn tại tuyệt đối, và tồn tại tuyệt đối là duy nhất, thống nhất, liên tục vì không thể có hư vô tuyệt đối? Dù chưa biết sự thể thế nào thì xét về mặt logic, luận điểm dưới đây là một chí lý:
- Khi nói rằng có hư vô thì có nghĩa là hư vô hiện diện, do đó là tồn tại.
- Hay: tồn tại không tồn tại là tồn tại.
          không tồn tại tồn tại là tồn tại.
- Hư vô không tồn tại là tồn tại.
- Hư vô không hư vô là tồn tại.
(Đàng nào thì cuối cùng vẫn cứ là tồn tại!)

Rốt cuộc, xét về mặt khái niệm và hiểu theo nghĩa rộng nhất, thì tồn tại là khái niệm cao nhất, là khái niệm bao hàm mọi khái niệm; mọi khái niệm đều có thể qui về nó. Đối với tất cả mọi sự vật biết tư duy trừu tượng, dù ở bất cứ đâu trong Vũ Trụ, dù sử dụng bất cứ kiểu ngôn ngữ nào, muốn nhận thức được sự thực khách quan thì trước hết phải có ý niệm về tồn tại, phải xây dựng khái niệm tồn tại để làm tiền đề và phải mở rộng ý nghĩa của nó đến tột cùng của khả năng suy tưởng.

Mặt khác, tồn tại, theo nghĩa "cùng cực" nhất, là một sự thực khách quan tuyệt đối, là một tổng thể hoàn chỉnh tối hậu, bao hàm toàn bộ mọi sự thật khách quan tương đối khác, kể cả không gian và thời gian, kể cả hư vô. Xét ở góc độ này thì tồn tại vượt lên trên mọi quan niệm của tư duy logic trong thời đại ngày nay. Nó vừa thống nhất lại vừa mâu thuẫn! Nó là cả hai, tồn tại và không tồn tại, và đồng thời cũng...không phải như thế!

Con người rồi đây sẽ nhận thức được sự thực ấy. Nhưng đối với câu hỏi cuối cùng của mọi câu hỏi: “Cái đó, cái làm nên tồn tại, là cái gì?” thì có lẽ sẽ vĩnh viễn không thể nhận dạng trực quan được!

* * *
Vấn đề tồn tại và hư vô làm đau đầu biết bao nhiêu bậc hiền triết, biết bao nhiêu thế hệ các triết gia; làm hình thành nên biết bao nhiêu trường phái triết học tranh luận, phản bác nhau, đến tận bây giờ cũng còn chưa ngã ngũ. Điều đó cho thấy khái niệm tồn tại mơ hồ tới cỡ nào và nhận thức tồn tại khó khăn đến mức nào!

Nhìn vào lịch sử nhận thức của loài người, chúng ta thấy đã có biết bao nhiêu luận thuyết về tồn tại, biết bao nhiêu mô hình về tồn tại (Vũ trụ luận) ra đời, từ vũ trụ thần thọai, vũ trụ tín ngưỡng đủ loại đến vũ trụ địa tâm, vũ trụ nhật tâm, rồi vũ trụ trực giác cơ học, đến vũ trụ dừng và đến ngày nay là Vũ trụ giãn nở. Chúng ta có quyền phê phán đúng- sai để tiếp tục nhận thức chứ không nên chê bai một cách khắc kỷ vì đó chính là quá trình tất yếu của nhận thức. Nêu vấn đề này ra, chúng ta chỉ muốn nói đến sự choáng ngợp của trí não con người trước tự nhiên tồn tại, nói đến lòng ngưỡng mộ biết bao nhiêu đối với tổ tiên và những bậc tiền bối; thấy rằng sự khao khát tìm hiểu Vũ Trụ của họ là vô bờ bến, là vô cùng mãnh liệt, truyền lửa nhiệt huyết đến tận thế hệ chúng ta hôm nay.

* * *
Hỡi anh em bằng hữu, noi gương những người đi trước, chúng ta đã hun đúc lòng say mê đến mãnh liệt để làm một cuộc hành trình hoang tưởng đi tìm chân lý. Ngay khởi đầu, chúng ta đã gặp phải một ngọn thái sơn có tên là “quan niệm về tồn tại và hư vô” mà giờ đây chúng ta đã chinh phục được(?!) Như thế có đáng tự hào không? Vừa xứng đáng vừa không! Chúng ta tự hào vì đã xây dựng được cho riêng mình một quan niệm về tồn tại (ai mà không làm được nhỉ?!), và không tự hào vì đó chẳng qua là một khối chắp vá từ những thứ có sẵn mà chúng ta đã nhặt nhạnh, tích cóp được của quá khứ.

Những khối chắp vá đó có đúng không? Không biết! Chỉ biết rằng nó thuộc quyền sỡ hữu của chúng ta; ai mua, chúng ta bán, ai xin, chúng ta cho! Và cũng biết rằng: Vật lý hiện đại đã xác nhận là không có hư vô, không có cái gọi là chân không trống rỗng mà chỉ có cái gọi là chân không năng lượng được hình dung như một biển thăng giáng lượng tử.

Và hỡi anh em bằng hữu! Để cho mọi người thấy rằng chúng ta có nên tự hào không và chúng ta nhặt nhạnh được gì trong quá khứ để làm nên thành quả vừa rồi, tôi xin thay mặt các bạn kể lể đôi chút về thời xa xưa, thời mà giờ đây đã thành ba ngôi đền được người ta (chứ không phải chúng ta) cho là thiêng liêng nhất của triết học: triết học Hi Lạp cổ đại, triết học Ấn Độ cổ đại và triết học Trung Hoa cổ đại.

Hôm nay, còn ối người cho rằng Phương Đông không có triết học. Họ cho rằng nguồn gốc triết học (và cả khoa học nữa mới ghê chứ!) là ở Hy Lạp, nơi lần đầu tiên xuất hiện từ “triết học” với ý nghĩa nguyên sơ của nó là “yêu mến sự thông thái”.

Nếu như thế thì đành phải cho rằng chỉ có một ngôi đền thôi. Và chúng ta, những kẻ từ Phương Đông tới, cảm thấy vô cùng buồn bã. Nhưng làm sao mà trách họ được?

Trong cuốn “Đại cương lịch sử Triết học Phương Tây” (NXB Tổng hợp TP.HCM, năm 2006) chúng ta đọc được thế này:
“Mọi người đều thừa nhận rằng triết học đã xuất hiện vào thế kỷ VI - V TCN, ở Hi Lạp cổ đại …

Luận điểm về sự xuất hiện của triết học ở Hy Lạp cổ đại còn có nghĩa là cần phải khước từ tính triết học của các học thuyết ở các khu vực khác trên thế giới cùng thời hay thậm chí còn sớm hơn các tác phẩm triết học Hy Lạp cổ đại. Đó trước hết là Ai Cập cổ, Babilon cổ đại, Trung Quốc và Ấn Độ cổ đại …
(...)
Triết học Hy Lạp cổ đã xuất hiện như là một trong những phát kiến vĩ đại của “thời gian trục” (khỏang 500 năm, từ năm 800 TCN (trước công nguyên)đến năm 200 TCN). Đồng thời, ngay từ đầu, nó đã có những đặc điểm phân biệt một cách căn bản nó với những hiện tượng khác của thời đại. Người Hy Lạp cổ tất nhiên đã tiếp cận nhiều thứ từ Phương Đông, đặc biệt là từ Babilon và Ai Cập cổ đại. Song những gì mà họ sáng tạo ra, là không giống với những gì đã được biết trước đó. Triết học đã trở thành sản phẩm độc đáo, thiên tài của người Hy Lạp …”

Chúng ta cũng đồng ý nhận định trên với điều kiện khái niệm “triết học” phải được hiểu chính xác là “yêu mến sự thông thái”, và chỉ như thế thôi. Nhưng chúng ta lại đọc được một đọan nữa:
“Sự thiếu vắng triết học ở đâu đó không hề chứng tỏ trình độ văn hóa ở đó còn thấp. Trong một số điều kiện cụ thể, cả xã hội, cả con người riêng biệt đều không cần đến triết học khi đã có những thành tựu văn hóa bằng con đường khác …”
Nói như vậy thì triết học chỉ là một thứ tiêu khiển của một số người “yêu mến sự thông thái” thôi sao? Chúng ta thực sự không hiểu!

Không biết đúng sai thế nào, nhưng vì lòng tự trọng (hay tự ái?) chúng ta “nhiệt liệt hoan hô" nhận định sau đây của quyển “Giáo trình triết học Mác-Lênin” (NXB chính trị quốc gia, năm 2004):
“Triết học ra đời ở cả Phương Đông và Phương Tây, gần như cùng một thời gian (khoảng từ thế kỷ thứ VIII TCN đến thế kỷ VI TCN) tại một số trung tâm văn minh cổ đại của nhân loại như Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp …
(...)
Như vậy, cho dù ở phương Đông hay phương Tây, ngay từ đầu, triết học đã là hoạt động tinh thần biểu hiện khả năng nhận thức, đánh giá của con người, nó tồn tại với tư cách là một hình thái ý thức xã hội.
(...)
Khái quát lại, có thể hiểu: Triết học là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới; về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy.
(...)
Ngay từ buổi bình minh của nhân loại, con người đã phải tiến hành hoạt động lao động sản xuất và những hoạt động khác. Điều này đã đem lại cho con người những tri thức nhất định về thế giới xung quanh và về bản thân mình, nhưng đây mới chỉ là những tri thức lý luận chung nhất chỉ có thể xuất hiện trong những điều kiện nhất định sau đây:
Con người đã phải có một vốn hiểu biết nhất định và đạt đến khả năng rút ra được cái chung trong muôn vàn những sự kiện, hiện tượng riêng lẻ.

Xã hội đã phát triển đến thời kỳ hình thành tầng lớp lao động trí óc. Họ đã nghiên cứu, hệ thống hóa các quan điểm, quan niệm rời rạc lại thành học thuyết, thành lý luận và triết học ra đời.

Tất cả những điều trên cho thấy: “Triết học ra đời từ thực tiễn, do nhu cầu của thực tiễn, nó có nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội”".

Như thế, cần phải đánh giá triết học Hy Lạp cổ đại thế nào? Nhà triết học Nietzsche nói thế này:
“Không gì phi lý cho bằng gán ghép cho dân tộc Hy Lạp một nền văn hóa bản thổ. Trái lại, họ đã thâu tóm nền văn hóa sống động của các dân tộc khác và nếu dân tộc Hy Lạp đã đi xa được như thế, chính là vì họ đã biết nhặt lấy ngọn thương mà vài dân tộc khác đã đặt nằm yên bất động để phóng đi xa hơn. Dân tộc Hy Lạp thật tuyệt vời trong nghệ thuật học hỏi có kết quả … Quả vậy, họ đã sáng tạo nên những kiến thức chính yếu của tinh thần triết học mà toàn thể hậu thế đã chẳng thêm thắt được vào đó điều gì thiết yếu”.
Và Ănghen cũng đã nói: “Không có cơ sở văn minh Hy Lạp và Đế quốc La Mã, thì cũng không có châu Âu hiện đại được”

Không kế thừa thì làm sao sáng tạo được? Nhận thức xuất phát từ đâu nếu không từ những tiền đề có được trên cơ sở kinh nghiệm đã được tích lũy?

Thôi, chúng ta nói chuyện khác!

Các hiền triết Hy Lạp cổ đại nói gì về tồn tại?

Dưới đây là những rút tỉa từ hai cuốn “Tập bài giảng lịch sử triết học tập II”, NXB chính trị quốc gia, năm 2005 và “Triết học cổ đại Hy Lạp La Mã”, tác giả Hà Hữu Minh, NXB Mũi Cà Mau, 1996.

  • Thalès (629-547 TCN) cho rằng nước là yếu tố đầu tiên. Mọi sinh vật sinh ra từ nước, khi bị phân hủy lại trở về thành nước. Mọi vật đều sinh ra rồi mất đi, chỉ có nước là tồn tại mãi mãi.

  • Anaximandre (610-546 TCN) cho rằng cơ sở của mọi vật là một dạng vật chất đơn nhất, vô định, vô hạn và tồn tại vĩnh viễn.

  • Anaximine (585-546 TCN) lại chọn không khí là căn nguyên của mọi vật.

  • Héraclíte (530-470 TCN) cho rằng lửa mới là căn nguyên của mọi vật; thế giới như ngọn lửa bập bùng vĩnh viễn, cháy tắt theo logos (qui luật).

  • Pythagore (571-497 TCN) cho rằng con số là khởi nguyên và là bản chất của thế giới. Theo ông nếu không thể đo và đếm được thì làm sao gọi là tồn tại.

  • Xénophan (565-473 TCN) cho rằng thế giới này không sinh ra nên cũng không diệt vong. Ông là người đầu tiên nêu ra rằng có sinh thì có diệt. Ngoài ra, theo Simplicius: “…Ông giả định cơ sở duy nhất, ban đầu của toàn bộ tồn tại không phải là vô hạn, cũng không phải là hữu hạn, cũng không phải vận động, cũng không phải đứng im”.

  • Parménide (VI-V TCN) cho rằng tồn tại là bản chất chung của thế giới, là duy nhất và có mặt ở khắp nơi, trong mọi sự vật. Bản chất của tồn tại là bất biến, vĩnh viễn và là đồng nhất với bản thân nó, tức là nó không thể mất đi, không có cái gì khác ngoài nó. Chân lý, theo ông, là sự nhận thức đối với khái niệm tồn tại trừu tượng, bất biến. Còn nhận thức về thế giới muôn màu, muôn vẻ chỉ là giả tưởng.
    Hêghen cho rằng “khái niệm tồn tại của Parménide là điểm mở đầu thực sự của triết học, …”
    Parménide đã viết: “cho nên chỉ còn lại một con đường để nói, đó là: tồn tại là tồn tại. Trên con đường này có nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng: bởi vì nó không sinh ra cho nên nó cũng không mất đi, nó hoàn chỉnh, duy nhất, bất động và vô hạn. Nó không có quá khứ và tương lai bởi vì toàn bộ của nó là hiện tại …”

  • Zénon (490-430 tr CN) cho rằng “có rất nhiều thế giới và hư không là không tồn tại” (lời của Diogène Laëree)

  • Anaxagore (500-428 tr CN) cho rằng thế giới này là do vô số những hạt vật chất nhỏ bé đủ các loại hình thức, màu sắc, mùi vị gọi là “chủng tử” tạo nên; những sự vật giống nhau thì có những “chủng tử” giống nhau; không có sự sinh ra và mất đi mà chỉ có sự hỗn hợp và phân chia.

  • Empédocle (490-430 tr CN) cho rằng thế giới do bốn nguyên tố nước, lửa, không khí, đất hợp thành. Bốn nguyên tố đó tồn tại vĩnh viễn, không bị sinh ra hay bị mất đi.

  • Lencippe (500-440 tr CN) là người đầu tiên đề ra thuyết nguyên tử. Theo ông, nguyên tử là những hạt nhỏ bé không thể phân chia được, vô hạn về số lượng, không có chất lượng, khác nhau về kích thước và hình thức. Nhờ vậy mà tạo nên sự đa dạng và khác nhau của sự vật. Ngoài ra ông còn cho rằng có hư không (không gian trống rỗng), trong đó các nguyên tử và vật thể có thể di chuyển, kết hợp và phân tán. Ông coi nguyên tử là tồn tại và hư không là không tồn tại (?)

  • Démocrite 9460-370 tr CN) là người kế thừa và phát triển thuyết nguyên tử của Lencippe, được C.Maxx đánh giá là “bộ óc bách khoa đầu tiên trong những người Hy Lạp”.

  • Protagoras (485-410 tr CN) được đánh giá là người tiêu biểu cho phái ngụy biện thời kỳ đầu. Ông đã để lại cho người đời sau một câu hết sức thâm thúy: “Con người là thước đo của mọi vật, là thước đo của những vật tồn tại và cũng là thước đo của những vật không tồn tại”.

  • Gorgiac (480-399 trCN) quan niệm: không có gì tồn tại cả vì tồn tại không thể ở đâu mà ra được. Nếu có tồn tại thì con người cũng không nhận thức được vì cái tư tưởng và cái tồn tại không phải là một. Nếu có nhận thức đi nữa thì không thể biểu hiện cái được nhận thức cho người khác bởi vì theo ông nói “khi ta nói với người khác thì cái mà ta sử dụng là ngôn ngữ, mà ngôn ngữ lại là không phải tồn tại”. Cuối cùng thì tồn tại cũng là không tồn tại.

  • Socrate (470-399 tr CN) quan tâm rằng đối tượng nhận thức không phải là thế giới khách quan mà là con người. Ông là một vài hiện tượng hiếm hoi hướng về bên trong, trong khi đại bộ phận triết học Châu Âu là hướng ra bên ngòai. Ở Socrate phảng phất bóng dáng của các nhà hiền triết Phương Đông. Ông từng nói: “Con người hãy nhận thức chính mình”“Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả”.
    Will Durant (nhà sử triết gia người Mỹ lừng danh thế giới, 1885-1981) nói về ông như sau: “Trước Socrate cũng đã có nhiều triết gia, những người với lý luận đanh thép như Thadès và Héraclite, tế nhị như Parménide và Zénon, sâu sắc như Pythagore và Empédocle. Nhưng phần nhiều những người ấy hướng về vật lý, họ tìm bản thể của sự vật định lý và yếu tố bên ngoài. Những nỗ lực ấy rất đáng khen, nhưng như Socrate nói, có một điều quí giá hơn cỏ cây sông núi, trăng sao, đó là con người. Con người là gì và con người sẽ đi về đâu?”.

  • Platon (427 – 347 trCN) xây dựng thuyết ý niệm dựa trên ba tiền đề lý luận: lý luận về cái “tồn tại” duy nhất, bất biến của Parménide, lý luận về “con số” như là bản chất, khởi nguyên thế giới của Pythagore, lý luận về “cái thiện” phổ biến của Socrate. Thuyết này cho rằng thế giới là do thần sáng tạo ra theo ý niệm của thần; thừa nhận thế giới hiện thực nhưng chỉ là bản sao là biểu hiện của thế giới ý niệm; thế giới ý niệm (không thể cảm tính, không trông thấy, không nghe thấy …; là những qui luật, định luật, ý niệm chân thực và vĩnh viễn trong không gian và thời gian) là cái có trước, còn hiện thực là cái có sau, không chân thực, không vĩnh viễn.
    Platon viết: “Toàn bộ thế giới cuối cùng là tồn tại vĩnh viễn không có bắt đầu, hay là được sáng tạo ra và có bắt đầu? Tôi cho rằng nó được sáng tạo ra. Bởi vì người ta có thể trông thấy nó, sờ được nó, vả lại nó cũng có hình thể. Tất cả những cái đó đều có thể cảm giác được, đều là đối tượng của ý kiến và cảm giác. Do đó nó phải ở trong một quá trình sáng tạo mà nó được sáng tạo ra. Chúng ta đã nói ở trên rằng phàm cái gì được sáng tạo ra đều phải có nguyên nhân. Vì vậy nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là cần phải phát hiện ai là người sáng tạo, là cha đẻ của nó”.

  • Aristote (384 – 322 trCN): là nhà bách khoa và nhà triết học vĩ đại nhất của Hy lạp cổ đại. Ông quan niệm giới tự nhiên là khách quan, tồn tại ở bên ngoài, không phụ thuộc vào ý chí con người, là nguồn gốc của nhận thức.

* * *
Vì đang quan tâm đến khái niệm tồn tại nên chúng ta chỉ liệt kê (một cách sơ sài) ý kiến của các nhà hiền triết Hy lạp cổ đại về “tồn tại” thôi. Thực ra nếu muốn viết về sự nghiệp và công lao của họ đóng góp cho tri thức nhân loại thì không biết phải tốn bao nhiêu bút mực cho xiết. Thời đó hầu hết các nhà triết học lại cũng chính là các nhà khoa học cụ thể. Nhiều người trong số họ như Thalès, Pythagore, Democrite, Aristote… đã từng đến Ai cập, Babilon, Ấn độ… để nghiên cứu, học tập. Họ đã tiếp thu được những kiến thức về khoa học tự nhiên và những tư tưởng triết học của người phương Đông cổ đại, vận dụng nó trong suy tư triết học, trong nghiên cứu khoa học cúa mình, tạo nên sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Hy lạp cổ đại trên tất cả các lĩnh vực triết học, thiên văn, địa lý, toán học, vật lý, sinh vật, y học …

Có thể nói lịch sử nhận thức của nhân loại đã chỉ ra rằng, Hy Lạp là quê hương của nền triết học – khoa học Phương Tây mà Phương Đông cổ đại đã có công lớn tạo ra những mầm mống, những khai mở trác tuyệt đầu tiên.

* * *
Lịch sử phát triển khoa học nói chung của Phương Tây (cụ thể là Châu Âu) là một câu chuyện dài. Trong đó vật lý học nói riêng nổi lên như một hiện tượng xuyên suốt trong quá trình khám phá và thực chứng những qui luật vận động của các sự vật - hiện tượng; và ngày nay nó trở thành ngành khoa học chủ chốt có trách nhiệm trả lời trước nhân loại những hành vi bí hiểm nhất, có thể là cuối cùng, của sự thực khách quan. Cuối thế kỷ XIX, sau khi thuyết điện từ của Macxoen hoàn thành, vật lý học tưởng chừng như đã hoàn thành sứ mạng của mình thì đùng một cái, “tai biến tử ngoại” và “cuộc thí nghiệm oái oăm” của Maikenson – Mookly (sau này chúng ta còn nói nhiều về chúng) đã làm cho số phận của nó thay đổi. Hóa ra, nó còn phải đi một chặng đường dài gian lao nữa, đi đến bây giờ, và không biết phải đi đến bao giờ. Sự ra đời thuyết tương đối rộng của Anhstanh và cơ học lượng tử đã mở ra trước vật lý học cổ điển một bức tranh hoàn toàn mới mẻ, kỳ lạ và hết sức bất thường về sự thực khách quan: một Vũ Trụ sinh ra từ điểm kỳ dị, dãn nở ngày một nhanh (không biết về đâu?) và một thế giới lúc nhúc lượng tử nhưng nhòe nhoẹt bất định không thể nắm bắt được. Ngay cả các tác giả của bức tranh, khi nhìn ngắm nó, cũng lúng túng hoang mang, cố giải nghĩa mà không biết giải nghĩa cái gì. Nền triết học hiện đại (mà thực chất là triết học Phương Tây, thoát thai từ nền triết học Hy Lạp cổ đại, đã bị ràng buộc chặt vào những khái niệm "khô cứng" tính thực chứng) cũng bất lực trước những thể hiện kỳ quặc, vô lý của đối tượng đối với hình dung của con người hiện nay, và buộc phải chấp nhận một cách khiên cưỡng những điều không muốn chấp nhận tí nào.

Chính lúc này, người ta mới sực nhớ đến những suy lý siêu nghiệm mang màu sắc huyền bí của triết học cổ đại Phương Đông, nền triết học đã hầu như bị lãng quên suốt ngót nghét hai ngàn năm (có thể còn hơn nữa!). Người ta đã vô cùng ngạc nhiên và khâm phục những hình dung tiên tri có từ cách nay mấy ngàn năm về một sự thực khách quan mà về cơ bản đã tương đồng rất nhiều với bức tranh được vật lý học hiện đại vừa vẽ nên. Có lần Anhstanh nói: “Nếu như tồn tại một tôn giáo có thể đồng thuận với những đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật Giáo”

Vậy thì triết học cổ đại Phương Đông nói gì về sự thực khách quan, về tồn tại?

Chúng ta sẽ xem triết học Ấn Độ cổ đại nói gì (còn triết học Trung Hoa cổ đại sẽ được nói tới vào dịp khác, muộn hơn).

* * *
Ấn Độ là một bán đảo hình tam giác, rộng trên năm triệu cây số vuông, nằm ở phía nam Châu Á nhưng hầu như bị ngăn cách với châu lục này bởi dãy núi cao nhất thế giới là Himalaya.

Giữa những năm 30 (thuộc thế kỷ XX sau CN), người ta tiến hành khai quật di chỉ hóa thạch ở đồi Sixallik nằm trên biên giới phía Bắc Ấn Độ và Pakistan. Ở đây, họ đã tìm thấy một số răng và mảnh hàm trên của một loài vượn người, đặt tên là Ramapithécus, có niên đại khỏang hơn 10 triệu năm, là tiền thân của người vượn Australopithecus và Homo Erectus. Vì thế, dù chưa phát hiện được những dấu tích tiếp nối, những hóa thạch xương, nhưng người ta phỏng đoán rằng đây cũng có thể là nơi đã chứng kiến quá trình chuyển biến từ vượn thành người.

Tại Ấn Độ, người ta cũng phát hiện được dấu tích hai nền văn hóa đồ đá cũ hậu kỳ niên đại khoảng 20.000 năm đến 40.000 năm. Đó là văn hóa Soan ở tây bắc, trên hạ lưu sông Indus (sông Ấn) và văn hóa Madras ở miền Nam. Đồ đá mới đã được phát hiện một cách rộng rãi trên hầu hết Ấn độ: từ vùng cực bắc Kasamia đến miền Nam Đêcan, ở Bellery, từ triền sông Indus ở Tây bắc, Axam và Orixa ở Đông bắc.

Trước đây các nhà sử học Phương Tây với niềm tin Hy lạp đã mở màn cho nền văn minh nhân loại, thì Châu Âu ngây thơ cho rằng Ấn độ sống trong cảnh dã man cho tới khi các dân tộc Châu Âu - anh em trong dòng Aryen với họ - rời bờ biển Caspienne, tiến xuống phương Nam, truyền bá khoa học và nghệ thuật vào bán đảo đó. Nhờ thế mà dân chúng ở đó mới được thoát ly khỏi cảnh tăm tối, ngu muội. Ảo tưởng đó đã bị phá tan bởi những phát kiến. Đáng chú ý nhất là vào năm 1924, nhiều tin tức ở Ấn độ đã kích thích các nhà khảo cổ khắp thế giới. Ông John Marshall loan báo rằng đã tìm thấy ở Mohenjo Daro, trên bờ tây sông Indus - hạ, nhiều di tích của một nền văn minh có vẻ cổ hơn hết các nền văn minh đã từng biết. Ở đó và ở Harappa, cách vài trăm cây số về phía Bắc, thượng lưu Indus, họ đã đào thấy bốn năm thành phố chồng chất lên nhau, có mấy trăm ngôi nhà và cửa tiệm xây bằng gạch, rất chắc chắn, có ngôi nhà gồm mấy tầng lầu, hết thảy đều sắp hàng hai bên những con đường rộng hoặc ngõ hẹp (điều lạ lùng là những vật ở lớp dưới có nghệ thuật lại tiến bộ hơn lớp trên!). John Marshall đã nói về thời đại của những ngôi nhà đó như sau:
“Những phát kiến chứng tỏ rằng ba bốn ngàn năm trước công nguyên, ở miền Sindh (cực bắc tỉnh Bombay) và ở miền Pendjab nữa, đã có một đời sống thành thị rất hoạt động, nhiều nhà có giếng, phòng tắm, lại có một hệ thống dẫn nước phức tạp, như vậy là người dân thời đó đã có một lối sống mà địa vị xã hội ít nhất cũng bằng dân Sumérte thời cổ, và cao hơn dân Babylonie và Ai cập đồng thời với họ. Ngay ở Ur, nhà cửa xây cất cũng thô sơ hơn ở Mohenjo – Daro.

Việc phát hiện dấu tích các thành phố cổ nói trên có thể đã đưa Ấn độ trở thành cái nôi của một nền văn minh vào hàng cổ nhất thế giới. (Tuy nhiên văn minh sông Indus có dấu hiệu suy sụp nhanh chóng, đột ngột và được tiếp nối bởi nền văn minh sông Hằng (Ganga), bắt đầu từ cuộc xâm nhập của người Aryen vào Ấn độ khoảng nửa sau thiên niên kỷ II trCN. Vì sao có sự tàn lụi của văn minh sông Ấn? Có nhiều suy đoán nhưng chưa thuyết phục!).

* * *
Lịch sử cổ đại của vùng đất Ấn Độ làm chúng ta có cảm tưởng rằng mầm mống của nền triết học Ấn Độ đã có từ rất lâu , từ 1500 năm trước công nguyên, thậm chí là hơn thế, từ nền văn minh sông Ấn (Indus) hay còn gọi là thời kỳ tiền Vê-đa.

Có thể cho rằng lịch sử triết học Ấn Độ bắt đầu từ 1500 năm trước Công nguyên và chia làm ba thời kỳ:
- Giai đoạn 1500-600 năm TCN gọi là thời kỳ Vê-đa.
- Giai đoạn 600 năm TCN-200 năm sau CN: gọi là thời kỳ Upanishad.
- Giai đoạn 500 năm TCN-thế kỷ IX SCN: gọi là thời kỳ Phật Giáo.

Triết học Ấn Độ cổ đại là một nền triết học siêu nghiệm, tâm linh, đầy huyền hoặc, như một cánh rừng già mông lung thần thoại thời kỳ đầu và đậm màu tôn giáo thời kỳ sau; Nhiều người (chúng ta trước đây cũng vậy) vì đã quá quen với lối triết lý khúc chiết, lôgic, nặng về thực chứng của Phương Tây (cũng là một thành quả vĩ đại của nhân loại vì có nó chúng ta mới có được tri thức cũng như cuộc sống hiện đại và tiện nghi hôm nay!) nên đã chỉ thấy trong đó sự ngây ngô, phi thực và "nặng nề" tín ngưỡng.

Vượt qua "đêm trường trung cổ", châu Âu khoa học phục hưng (giữa thế kỷ XV) và phát triển như vũ bão. Cùng với ngành khảo cổ đã có những tiến bộ vượt bậc và nhờ bản tính thực chứng của mình, chính Châu Âu khoa học chứ không ai khác đã tìm lại được cội nguồn đích thực của mình: những miền đất đã từng chứng kiến nền văn minh cổ đại Phương Đông, trong đó có Ấn Độ. Nhà bác học Laplace đã viết:
“Chính nhờ Ấn độ mà chúng ta học được cái cách tài tình chỉ dùng có mười chữ mà viết được đủ các số, mỗi chữ vừa có một trị số tuyệt đối, vừa có một trị số tùy theo vị trí của nó; ý đó tế nhị mà quan trọng, ngày nay chúng ta cho là giản dị quá nên không cảm được công lao của người Ấn. Nhưng chính nhờ nó đơn giản mà làm toán mới hóa ra cực kỳ dễ dàng, và hệ thống số học đáng được kể là sáng kiến ích lợi nhất. Có nghĩ rằng hai bậc thiên tài bậc nhất thời Thượng Cổ, Archimède và Apollonius mà cũng không tìm ra được hệ thống đó thì mới nhận định nổi sáng kiến của người Ấn tài tình ra sao”.

Vật lý học là một trường hợp đặc sắc. Như chúng ta đã nói, nhiều nhà vật lý đại tài ngày nay, trong cơn khủng hoảng nhận thức lại sự thực khách quan, đã nhìn thấy ở triết học Phương Đông nói chung và triết học Ấn Độ nói riêng những lý giải tương đồng đáng ngạc nhiên.

Chúng ta thấy (bây giờ mới thấy!) những triết thuyết, triết lý của triết học cổ đại Ấn Độ thường mang âm hưởng thơ ca, nhẹ nhàng uyển chuyển, mơ mộng và dung dị, lạ thường, không ồn ào sôi nổi hùng biện, không bày vẽ rối rắm uyên bác, thản như không mà vương vấn sâu xa. Cảm ơn Hoàng Tử Bé! Nhờ cậu mà chúng tôi đã thấy được nhiều điều tuyệt diệu!
Nếu ví triết học Hy Lạp cổ đại như ngọn núi Ôlempơ hùng vĩ, nơi quần tụ những vị thần như Pythagore, Platon, Arixtote … thì triết học Ấn Độ cổ đại lại như dòng sông Ấn, sông Hằng, bắt nguồn từ vùng sơn cước hoang vắng ở đâu đó xa vời chảy hiền hòa qua những miền dân dã, và dọc hai bên bờ là lác đác các tu sĩ, trơ trọi ngồi trầm tư mặc tưởng hay những nhà sư áo vàng chân đất ẩn hiện trong ngàn xanh.

Điều gây kinh ngạc nhất của triết học Ấn Độ mà có lẽ các nền triết học khác không có được là tính nhất quán, kế thừa và liên tục. Có thể coi thời Vê-đa là thời mở ra một quan niệm về thực tại thì thời Upanishad là thời tiếp nhận, phát triển mở rộng và luận giải quan niệm ấy. Dù các thánh ca (thời) Vê-đa (hay còn gọi là kinh Vêda) có vẻ mang nặng hình thức tôn giáo thì vẫn được coi là khởi nguyên mà các kinh Upanishad (các triết thuyết?) là nền tảng cho tất cả các hệ thống tư tưởng và giáo lý chính thống Ấn Độ (kể cả Phật Giáo?).

Vì sao có hiện tượng đó?

Có thể có nhiều nguyên nhân nhưng theo ý chúng ta thì nguyên nhân mang tính cốt lõi chính là ngay từ buổi đầu tiên, người Ấn Độ ở thời Vê-đa đã quan niệm chân xác (dù thô sơ) tồn tại! Có được quan niệm đó là do một nền văn minh nào đó còn sâu hơn nữa trong quá khứ truyền lại hay là nhờ may mắn, hay là từ linh nghiệm linh tri? Chúng ta không thể nào trả lời một cách thuyết phục được câu hỏi đó!

Cũng có thể sự thật lại rất giản đơn: chỉ có quan niệm như thế thì mới có khả năng giải thích được đồng thời những hiện tượng trực giác và những hiện tượng tâm linh.

Quan niệm về tồn tại đó như một chân lý sáng ngời. Các bậc minh triết đời sau, tiếp nhận nó như một lẽ đương nhiên và đã cố gắng diễn giải, phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu để thỏa mãn những vấn đề mới nảy sinh ở thời đại họ.
Ở Ấn Độ về sau xuất hiện nhiều trường phái triết học, nhiều hệ tư tưởng khác nhau, nhưng nhìn chung thì vẫn giữ nguyên quan niệm về thực tại thời Vêđa – Upanishad.

* * *
Vêđa có nghĩa là tri, là biết, rộng hơn: là nhận thức. Theo sư Auropinđo: “Vêđa là một pho kinh gồm những công thức bí truyền gần như là công thức tâm linh giả dạng thành những bài thơ uyên áo tối nghĩa, nặng về nghi lễ”. Còn theo cổ thư thì Vêđa khởi nguyên chỉ là những bài thánh ca, vũ điệu cầu nguyện các thần linh khi tế sự, tống tiễn người chết của các vị chủ tế theo dạng truyền khẩu.

Các học giả ngày nay cho rằng Vêđa xuất hiện vào khỏang 1500-1200 TCN. Nhưng nếu theo truyền thuyết Ấn Độ thì nó xuất hiện vào đầu mạt vận Vũ Trụ Kali Yuga, nghĩa là vào khỏang 3.000 năm trước Công nguyên.

(Vêđa được người Ấn Độ tin tưởng là những chân lý do Thượng Đế mặc khải cho loài người ở đầu mỗi chu kỳ Vũ Trụ (Kalpa). Thời gian một chu kỳ Vũ Trụ (Kalpa) bằng một ngày của Thần Sáng Tạo (Prahmâ), tức là 4.320.000.000 năm. Mỗi Kalpa gồm có 100 kỷ nguyên (Chatur-Yuga) hay đại kỷ nguyên (Mahâ-Yuga). Mỗi đại kỷ nguyên gồm có bốn thời đại kế tiếp nhau:
  1. Thời đại hoàng kim (Kritayuga) bằng 1.728.000 năm. Trong thời đại này, nhân loại sống hạnh phúc tuyệt đối, mầm ác chưa xuất hiện.
  2. Bạch ngân thời đại (Tredâyuga) bằng 1.296.000 năm. Trong đó mầm ác bắt đầu xuất hiện, gây nên những chuyện bất hòa trong nhân loại.
  3. Lưỡng tính thời đại (Dvâpara – yuga) bằng 864.000 năm, tính thiện xuất hiện trong khi tính ác đã phát triển tạo nên sự mâu thuẫn và xung đột ngày một nhiều.
  4. Mạt vận thời đại (Kali – yuga) bằng 432.000 năm: tính ác tràn ngập, tính thiện mất dần, nhân loại sống trong hỗn loạn và đau khổ. Kali – yuga chính là thời hiện đại của nhân loại. Chúng ta đang sống trong khoảng 6.000 năm của thời đại này, còn cách ngày tận thế 426.000 năm nữa!

Dựa vào đâu mà các bậc thánh nhân thời cổ đại lại khẳng định được số phận Vũ Trụ một cách cụ thể như thế với những con số khổng lồ như thế và con số 4.320.000.000 giống với thời điểm ứng thành sự sống trên Trái đất như thế? Thật quá kinh ngạc trong những điều kinh ngạc!!! Vì tò mò mà chúng ta nêu ra đây cho vui, "giải lao" một chút cho đỡ mệt, chứ khó lòng mà tin được!).

Theo cổ thư thì kinh Vêđa khởi nguyên chỉ là những bài thánh ca, vũ điệu cầu nguyện các thần linh khi tế tự, tống tiễn người chết của các vị chủ tế theo dạng truyền khẩu. Về sau mới được viết thành sách.

Có lẽ khi chưa có chữ viết (hoàn thiện về mặt cú pháp để có thể hành văn được?), muốn lưu truyền được kinh Vêđa phải được thể hiện dưới dạng thơ ca giàu vần điệu âm thanh dễ nhớ. Cũng vì thế mà nó vừa mang tính giản dị dân gian phục vụ theo nhu cầu đời sống, vừa là nơi gửi gắm những suy tư, linh nghiệm của những bậc minh triết.

Kinh Vêda mang nặng yếu tố thần linh và tôn giáo. Người ta tranh luận về thuyết đa thần và nhất thần xuất hiện trong Vêda. Nhiều người còn suy luận rằng do khiếp sợ thiên nhiên mà thần linh hóa các hiện tượng. Điều đó cần suy nghĩ kỹ. Nếu chúng ta được về sống lại thời kỳ đó thì có thể sẽ thấy người Ấn Độ cổ suy nghĩ giản dị hơn chúng ta tưởng nhiều. Họ không đến nỗi nhát gan, trước những biểu hiện của tự nhiên như chúng ta nhận định. Khi đã quan niệm sống chết là chuyện an nhiên, chuyện đi về thì lý gì họ lại khiếp sợ thần linh? Đối với họ, thần linh là thiêng liêng vì thần linh có thể bao bọc che chở họ nhưng cũng thân thuộc như tổ tiên cha ông họ. Hay nói như ngày nay, họ sùng kính môi trường mà họ đang sống vì họ hiểu rõ hơn chúng ta một điều: con người không phải là chúa tể!

Nếu bỏ qua những rườm rà nghi thức cần cho các tế lễ thì Vêđa phải được coi như một trường ca bất hủ ca ngợi thiên nhiên và nếu thay luôn cả những tên gọi thần linh bằng chữ “sự vật - hiện tượng” thì bằng “cách nhìn triết học” sẽ thấy kinh Veda thực chất là nói về, suy tư, tìm hiểu về tất cả các sự vật - hiện tượng chủ yếu, quan trọng, có liên quan ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến cuộc sống con người, trong đó có một sự vật - hiện tượng, tối thượng, bao trùm lên tất cả các sự vật - hiện tượng khác mà họ gọi là Đấng Tối Cao hay Tinh Thần Tối Cao mà chúng ta gọi theo tên khác: Tạo Hóa.

Chúng ta đều biết lửa có tầm quyết định như thế nào đối với loài người thuở sơ khai. Dưới đây là những đoạn ca tụng Thần Lửa (Agni) của thánh kinh Veđa:
“Ngày đen và ngày trắng xoay quanh mình chúng, theo phương cách riêng tạo thành khoảng sáng và khoảng tối.
Agni Vaishvânara, một khi ra đời, dùng ánh sáng đẩy lui bóng tối như một vị đế vương.
Đây là vị chủ tế đầu tiên, hãy nhìn Ngài!
Giữa loài người, Ngài là ánh sáng bất diệt.
Ngài đã ra đời, lớn mạnh, vững vàng và bất tử
Ngài là ánh sáng hằng cửu trong không gian khiến cho muôn loài đều thấy rõ, Ngài là tư tưởng mau lẹ nhất so với những vật biết bay.”
(Rig – Veda VI-9)

Ở đoạn khác:
“Agni đã thông suốt trên trời dưới đất
Hai thế giới muôn hình
Ngài là thấu thị rất được kính mến
Người ta chào đón trong tất cả các biểu hiện của Ngài
Hỡi vị thần của tất cả nhân loại
Của chung của tất cả bộ lạc
Chúng tôi khao khát những biểu hiện của Ngài
Những biểu hiện nhờ đấy mà Ngài đã khám phá ra ánh sáng
Ngài nhìn tới xa
Ngay khi sinh ra Ngài đã tràn ngập những vang động trên trời dưới đất
Tất cả hiện hữu
Thần Lửa Agni
Ngài bao bọc lấy bằng chính bản thân Ngài”
(Rig – Veda III – 3)

Hay:
“Nhờ tay cầm cọ sát thanh gỗ, loài người phát sinh ra lửa Agni đáng tôn trọng
Cái không chết đã do tay người có chết tạo ra.
Thần Agni duy nhất
Ngài cháy ở hàng ngàn nơi”
(Rig – Veda III-VII-VIII)

Đây là ca tụng Thần Đất khi tống táng người chết:
“Hỡi Đất, hãy lập khung vòm, chớ đè lên người chết! Hãy cho y tiến vào bình yên và trú ngụ bình yên. Hỡi Đất! Hãy lấy vạt áo che chở cho y như một người mẹ đối xử với con trai.
Cầu cho đất lập khung vòm vững chắc vì hàng ngàn cột cần dựng nên. Cầu cho ngôi nhà (mồ) này được chất mỡ thiêng và mãi mãi là nơi yên nghỉ của người quá cố!
- Ta đắp đất phủ lên người. Mong rằng ta không xúc phạm đến người khi đắp mô đất này! Cầu xin tổ tiên chống đỡ những cây cột này. Cầu xin Tử Thần (Yama) lập cho người ở đây một tòa trú sở.
- Đời ta cũng vậy, sẽ có một ngày kia ta được đưa vào lòng đất, như người ta lắp mũi tên vào cánh cung. Ta thôi không nói nữa, chẳng khác gì một người kỵ mã cầm cương”.
(Rig – Veda X-18)

Và ca tụng Thần Nhật - Nguyệt (Mitra – Vatuna):
“Hỡi Mitra! Hỡi Vatuna!
Ngài là các vì chúa quyền thế, và Ngài làm tăng quyền thế cho tín đồ Ngài
Ngài hộ vệ ba cõi thiên đường
Ba cõi xán lạn. Ba cõi trần thế
Hỡi Mitra! Hỡi Vatuna!
Vì tuân theo mệnh lệnh của Ngài mà “bò cái” cho sữa
Và sông cho nước
Ấy là để chuyển vận mây và làm cho đổ mưa
Mà có ba vị thần chói lọi: Lửa, Gió, Mặt trời”
(Rig – Veda, VII)

Kinh Vêđa còn ca ngợi Thần Sông, Thần Núi, Thần Gió … Nói chung tất cả các hiện tượng tự nhiên đều được nó thần hóa. Hơn thế nữa và vô cùng sâu sắc, ngoài những vị thần được xây dựng nên từ trực giác thông thường, Kinh Vêđa còn xây dựng nên những vị thần chỉ thấy được nhờ linh cảm, trực giác linh tri. Đó là những vị thần như Vicvakarman - Thần Kiến Thiết; Paramatman – Tinh Thần Tối Cao; Purusa - Thần Ngã; Prajapati - Thần Sáng Tạo …

Dưới đây là bài thánh ca ca tụng Thần Ngã (Purusa):
“Thần Ngã có ngàn đầu
Ngài có ngàn mắt, ngàn chân
Ngài thấm nhuần hiện hữu của Ngài trong tất cả các mặt, trên mặt đất và Ngài còn vượt ra ngoài khắp phía
Ngài vừa là tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai
Ngài là chúa của trường sinh bất tử vì Ngài không chịu kết quả của hành động
Tất cả biểu hiện là biểu thị cho thế lực Ngài
Nhưng Thần Ngã ở phương diện siêu phàm còn cao hơn là hiện tượng
Toàn thể Vũ Trụ chỉ là một phần tư của bản thể Ngài.
Ba phần tư ở lại miền thiên đình trong cõi bất tử”.
(Rig – Veda X90-93)

Thật kỳ lạ, mô tả Thần Ngã mà chúng ta có cảm giác như đang nói về không gian!
Kinh Vêđa ca ngợi Tinh Thần Tối Cao (Paramatman):
“Chính Ngài ngự tại bầu trời tinh tú ở trạng thái ánh sáng
Trong không trung và ở trạng thái không khí
Trên bàn thờ ở trạng thái lửa thờ
Tại gia đình là vị thượng khách
Tại người ta là nguyên lý của sự sống
Ngài ngự ở mọi chúng sinh và mọi vật
Ngài duy trì tất cả hiện hữu.
Ngài là đấng tối cao.
Chính ngài, và luôn luôn Ngài giáng linh trong cuộc lễ
Ở trên trời, ở trong nước, trong ánh sáng, tại núi cao và tại chân lý”.
(Rig – Veda IV.40-45)

Ca tụng Thần Kiến Thiết (Vicvakarman):
“Lúc khai thiên lập địa, Ngài ở đâu?
Ngài Vicvakarman vĩ đại!
Người chứng kiến bất tử của muôn vật,
Đã thúc đẩy cuộc sáng tạo như thế nào, với cái gì?
Làm thế nào mà Ngài đã phô diễn vòm trời kia,
Và mặt đất ở dưới này?
Tai và mắt Ngài đâu đâu cũng có!
Diện mục Ngài ở khắp cả mọi nơi!
Ngài ở trong tất cả bàn tay, tất cả bàn chân
Thượng đế duy nhất vận động cánh và tay
Và đây Ngài tạo ra đất và trời!
Với rừng nào, với gỗ nào,
Ngài đã dùng làm chất liệu để tạo thành trời đất?
Hỡi đại hiền triết,
Hãy tìm vào bên trong
Và thực hiện ở tại chính tâm mình
Cơ sở của Vũ Trụ,
Mà Ngài đã kiến thiết!”
(Rig – Veda)

Và đây là sự ca tụng thần của mọi thần, cái tột đỉnh, cái toàn nhất, không thể nhận biết mà chỉ có thể cầu nguyện: Thần Prajapati (Thần Sáng Tạo, hay chúng ta cũng thường gọi là Tạo Hóa):
“Thuở ấy, hoàn toàn chẳng có gì cả mà cũng không phải trống không, Mặt Trời rực rỡ kia không có
Mà vòm trời như cái khăn phủ mênh mông kia, cũng không có
Vậy thì cái gì trùm lên, che phủ, chứa chất vạn vật?
Phải chăng là vực nước sâu thẳm?
Thời đó không có chết mà cũng không có bất tử
Không phân biệt ngày và đêm.
Cái Một, cái Độc Nhất không có hơi mà tự thở lấy được
Ngoài Cái Đó ra không có cái gì khác nữa
Thuở ấy, chỉ có bóng tối mịt mùng trong bóng tối mịt mùng, tất cả là nước mênh mông. Cái mầm khuất trong cái vỏ.
Bỗng nảy ra sức nóng nung nấu (Tapas).
Thế là ý muốn đầu tiên (dục tính) xuất hiện. Nó là dòng suối mới của tinh thần, các thi sĩ suy tư và thấy được trong lòng mình mối liên lạc giữa cái không được tạo ra với cái được tạo ra (Vô thể - Hữu thể?).
Tia sáng đó chiếu ra, xâm chiếm hết, nó xuất phát từ trời hay từ đất?
Các đạo sĩ phân ngang một đường phân ranh. Có gì ở dưới? Có gì ở trên? Giống đã gieo và người ta thấy các năng lực cao cả xuất hiện.
Ở dưới thấp là thiên nhiên, ở trên cao là quyền năng và ý lực
Ai là người vén được màn bí mật? Ai là người cho ta biết
Sự sáng tạo muôn vật đó từ đâu mà có?
Chư vị thần linh không thể nói được, vì các Ngài cũng chỉ xuất hiện sau này. Vậy ai là người biết được sự sáng tạo mầu nhiệm đó từ đâu mà có?
Đấng nào đó đã gây ra sự sáng tạo đẹp đẽ đó? Vô tình hay hữu ý?
Thế giới này là sáng tạo hay không phải sáng tạo? Chỉ có Đấng Tối Cao trên tầng trời cao nhất kia là biết được, nhưng có thể Ngài cũng không biết được”.
(Rig – Veda X-129)

* * *
Đến thời Upanishad, quan niệm về tồn tại đã trở nên rõ nét hơn, sâu sắc hơn, và có thể nói là hoàn thiện hơn. Upanishad đã nhìn ra được hai mặt phân định tương đối của tồn tại là khách thể và chủ thể. Khách thể là đại tồn tại, là tồn tại tối cao (Brahman - đại ngã). Nó bao trùm và thấu suốt tất cả. Mọi sự vật - hiện tượng đều xuất phát từ nó và trở về nó. Chủ thể là tiểu tồn tại, là tinh thần cá nhân (Atman - tiểu ngã). Tiểu ngã xét cho cùng thì cũng thuộc về đại ngã, là bộ phận của đại ngã.

Phần lớn Upanishad bắt đầu từ những đoạn cuối của kinh Vêda. Theo nguyên ngữ thì Upanishad có nghĩa là “ngồi gần một cách cung kính”, rồi dần dần có thêm nghĩa như là những bài học giáo lý tâm truyền. Các môn đồ ngồi quanh sư phụ để nghe thuyết giảng một cách cung kính về những điều huyền diệu bí truyền.

Giống như Vêđa, Upanishad là gồm nhiều bộ kinh hợp lại gọi chung là kinh Upanishad. Nó là thành quả của công trình sáng tác, được đúc kết, ghi chép lại từ những tu tập và đạt đạo của nhiều nhà minh triết, trong hàng mấy trăm năm; để rồi trở thành nguồn gốc của các hệ tư tưởng triết học sau này. Bloomfield nhận xét: “Không có một hình thức tư tưởng quan trọng nào ở Ấn Độ, kể cả triết học Phật giáo, mà chẳng bắt nguồn từ Upanishad”.

Phần đông các học giả ngày nay cho rằng những bộ kinh Upanishad xưa nhất đã được ghi chép vào thời kỳ tiền Phật Giáo, khoảng thế kỷ VIII trước công nguyên. Những kinh ấy có thể được coi là thuộc hàng những tác phẩm triết học đầu tiên của nhân loại.

Trong Upanishad có hai từ được nói tới rất nhiều là Brahman và Atman. Hai từ ấy đóng vai trò như hai khái niệm cơ bản nhất cùng với mối quan hệ giữa chúng là đề tài xuyên suốt cần phải luận giải và là nội dung chính gốc làm nên Upanishad.

Brahman (Đại Ngã) được hiểu như “toàn thể Vũ Trụ”, một “khối mơ mơ hồ hồ”, vĩ đại thống nhất (Cái Một), lại vừa được hiểu như là “tinh thần tối cao” trí tuệ thiêng liêng, nguyên lý sáng tạo của toàn thể các sự vật - hiện tượng. Trong Kena Upanishad có viết về Brahman như sau:
“Đấng mà người ta không thể diễn tả được bằng lời, nhưng nhờ Ngài mà có ngôn ngữ, chính đấng ấy mới là Brahman chứ không phải là đấng mà con người thờ phụng ở cõi đời này. Đấng mà người ta không thể tư duy được bằng trí tuệ, nhưng nhờ Ngài mà trí tuệ tư duy, chính đấng ấy mới là Brahman chứ không phải đấng mà con người thờ phụng ở cõi đời này. Đấng mà mắt không thể thấy được, tai không nghe được, không thể thở bởi đời sống được nhưng nhờ Ngài mà mắt trông thấy mọi vật, tai nghe được mọi vật, thở được trong đời sống, chính đấng ấy mới là Brahman chứ không phải là đấng mà người ta thờ phụng ở cõi đời này”.

Nhà triết học nổi tiếng Radhakrichman giải thích rằng:
“Brahman chỉ cho ta thấy mội mối liên hệ căn bản giữa tinh thần hướng thượng của con người với tinh thần Vũ Trụ … Trong những giây phút xuất thần, chúng ta có cảm tưởng rằng có thực tại cao cả, lớn lao ở trong ta, mặc dầu ta không thể mô tả được … Nếu ta nhận thức được Brahman thì chính là nhờ ở sự hoạt động của Brahman ở trong ta”.

Trong Taittiriya Upanishad có câu chuyện thế này, Bhrigu đến hỏi cha là đạo sĩ Vasuna: “Thưa cha, xin cha dạy con về Brahman”. Vasuna đáp: “Cái do đấy mọi vật sinh ra, cái nhờ đó mọi vật sống được và cái trong đó mọi vật trở về sau khi chết. Con hãy tự tìm hiểu lấy, cái đó là Brahman”.

Atman (Tiểu Ngã, tự ngã) được hình dung như một linh khí, thực thể đơn nhất, không phải thể chất cũng không phải tinh thần. cái phi tôi mà cũng không phải phi tôi, cái gì đó sâu thẳm, vô hình danh sắc tướng trong nội tâm, nó bàng bạc hiển hiện khi ta quên mình đi, như linh hồn của linh hồn, cái đó là Atman.

Bài học đầu tiên các hiền triết dạy môn đồ trong Upanishad là sự bất túc của trí tuệ. “Không phải nhờ học mà hiểu được Atman, có thiên tài không đủ, học trong sách cũng không đủ … Một tu sĩ Bà La Môn phải từ bỏ sự học đi mà trở lại như một em bé … đừng chạy theo từ ngữ nữa, chỉ mỏi miệng vô ích thôi”.

Lời nói đó có vẻ mâu thuẫn, thậm chí là nực cười đối với một trí thức hiện đại có lối tư duy lôgic “chắc như bắp”. Nhưng Hoàng Tử Bé lại nhìn thấy trong đó một ý nghĩa lớn lao. Đặc tính cơ bản của Tồn Tại (tồn tại tuyệt đối) là trình hiện ra như một tổng thể các sự vật - hiện tượng, một tổng thể tồn tại tương đối, có điều kiện. Nhờ có đặc tính này mà có sự khác biệt giữa sự vật - hiện tượng này với sự vật - hiện tượng khác, có sự phân định giữa khách quan và chủ quan, khách thể và chủ thể để sự nhận biết trở thành khả năng. Như chúng ta đã nói, sự nhận biết sẽ không phát triển sâu rộng và toàn diện được nếu không dựa trên những khái niệm (cái tất yếu phát sinh trong quá trình phát triển của tư duy). Ý nghĩa tuyệt vời của câu nói đó là ở chỗ này: dù sao đi nữa thì Tồn Tại vẫn là một chỉnh thể thống nhất, không thể phân chia (môt cách thực sự được), do đó để đến được “cái biết toàn bích”, để nhận diện được chân lý tuyệt đối cuối cùng thì đến một lúc (tạm gọi là chín muồi nào đó) phải biết vượt qua mọi suy lý, tạm quên đi khách thể và chủ thể, khách quan và chủ quan; tạm bỏ cái áo “khái niệm” đã trở nên chật chội (cái mà không có nó, chúng ta không suy nghĩ được !!).

Radhakrishman từng viết:
“Chúng ta là phần tử hữu hạn, chúng ta không có thể xác định tính chất của thực tại lý tưởng, tuy rằng Upanishad nhấn mạnh rằng cái thực tại ấy không phải là trống rỗng. Tuy vậy, để phản đối những lý tưởng sai lầm về cái tối cao và để vạch rõ sự thật là Cái Ấy không phải sự trừu tượng, Kinh Upanishad đã ngã vào những khái niệm không chính đáng. Nói gọn lại thì chúng ta không thể nói gì về thực tại ấy được. Nhưng vì mục đích bàn luận, chúng ta bắt buộc phải dùng đến những khái niệm tri thức với giá trị hữu hạn của chúng”.

Sau này Spinoza, nhà triết học phương Tây có nói đại ý: sự tri giác tuyệt cao là sự tri giác trực tiếp, sự đốn ngộ! Có lẽ các tu sĩ Upanishad, ở cái thời xa xưa ấy, thời mà khoa học chưa có gì, không có phương tiện hiện đại nào để soi rọi các sự vật - hiện tượng, đã có được một cách thức tư duy trác tuyệt, tối ưu, đó là sự tu tập, suy tưởng ở trạng thái quên mình để đạt đến giác ngộ, trực giác linh nghiệm: Brahman là Cái Ấy, Cái Ấy là mày, Atman cũng chính là (thuộc về) Brahman.

Trong Upanishad có một câu bao hàm cả cái triết lý của nó:
“Tattvamasi, cái ấy là mày!
Kẻ nào tự thấy mình ở tại tất cả mọi vật và thấy tất cả mọi vật ở tại mình, kẻ ấy như thế là một với Brahman tối cao, linh hồn của tất cả. Nguyên lý của Vũ Trụ thì tế nhị hơn cả các vật tế nhị, thực thể bất diệt trường tồn ấy ở tại mày, mày là Cái Ấy. Cái Ấy là mày, Tattvamasi!”

Trong Chandogya Upanishad có kể câu chuyện:
“Có một lần Cvetaketu aruneya được cha nó gọi đến bảo rằng:
- Con hãy đi sống một đời học sinh Bà La Môn. Thật đấy con ạ, một người trong dòng họ chúng ta không nên thiếu học tập kinh sách Vêđa để thành một người Bà La Môn chân chính.
Nó bèn đi theo học một sư phụ năm còn mười hai tuổi. Đến năm hai mươi bốn tuổi, sau khi đã học hết tất cả Vêđa, nó trở về tự mãn, kiêu ngạo với cái học thức của nó.
Cha nó bảo nó:
- Cvetaketu con ơi, con đã tự mãn với cái biết của con, kiêu ngạo như thế chẳng hay có bao giờ con tìm hỏi cái biết nhờ đó mà người ta biết được cái gì người ta chưa học cũng như người ta đã học, cái gì người ta chưa nghĩ đến cũng như người ta đã từng nghĩ rồi, cái gì người ta chưa hiểu cũng như người ta đã hiểu rồi không?
- Thế nào vậy thưa cha, cái học thức ấy như thế nào?
- Con ơi! Thì cũng ví như chỉ nhờ biết một hòn đất sét mà người ta biết tất cả cái gì bằng đất sét (tất cả sự đổi thay chỉ là ngôn ngữ danh từ, thực thể vẫn là đất sét), cũng như thế con ạ, đấy là cái học thức ấy vậy.
- Chắc chắn những bậc sư phụ tôn kính của con không biết cái học thức ấy. Vì nếu các ngài biết thì các ngài có giấu giếm con làm chi? Nhưng cha, xin cha hãy dạy cho con.
- Được con ạ, con đi kiếm cho cha quả vả ở đằng kia
- Thưa cha, đây.
- Bửa nó ra!
- Thưa cha, nó đã bị bửa rồi.
- Con thấy gì không?
- Thưa cha rất nhiều hạt nhỏ.
- Thì con hãy phân một hạt ra
- Thưa cha, một hạt đã phân rồi.
- Con thấy gì không?
- Thưa cha, không thấy gì hết.
Người cha bèn giải thích:
- Sự thực con ơi, cái thực thể tế vi (đạo tâm duy vi) mà con không tri giác được, chính nhờ cái thực thể tế vi ấy mà cây vả lớn này đã mọc lên được. Con ơi, con hãy tin rằng cái thực thể tế vi ấy đã tạo ra cả thế giới, toàn thể Vũ trụ. Đấy là thực tại, đấy là Atman, Tự ngã. Chính con là cái ấy (tat tvam asi) hỡi Cvetaketu.
- Thưa cha, cha hãy giảng nữa cho con.
- Được rồi, con hãy bỏ nắm muối này vào nước và đến mai con trở lại đây.
Người con làm theo thế và hôm sau người cha bảo nó rằng:
- Muối mà con đã bỏ vào nước bữa qua thì con hãy mang nó lại đây.
Người con cố tìm vớt lấy muối mà không thấy, muối đã tiêu tan hết.
- Con hãy nếm nước ấy ở trên mặt … Thế nào?
- Thưa mặn ạ.
- Hãy nếm nước ở tận đáy. Thế nào?
- Thưa mặn ạ.
- Nếm nữa đi cho kỹ rồi lại đây.
Người con lại nếm rồi nói:
- Vẫn thế ạ.
Người cha bấy giờ mới bảo:
- Ấy đấy, con ạ, con không thể tri giác được thực thể. Vậy mà thực thể vẫn còn đấy. cái thực thể tế vi đã tạo thành toàn thể Vũ Trụ, đấy là Thực Tại, đấy là Atman, Tự Ngã. Chính con là Cái Ấy, hỡi Cvetaketu!”

Cũng trong Chandogya Upanishad, có câu nói (của thần Prajapati với con mình là Indra) rằng:
“Thân thể vật chất thì tiêu diệt. Trong cái ấy có ngự Tuyệt Đối với Brahman là phi chất và bất diệt. Ở tạm trong thân thể như linh hồn cá nhân. Ngài vui và buồn bởi vì Ngài đồng nhất bằng ý nghĩ với cái thân thể nó vui buồn. Chừng nào Ngài giải thoát khỏi thân thể này, trở nên linh hồn Vũ Trụ, Ngài không còn vui buồn nữa; nhưng không bị diệt vong vì vui buồn. Trái lại, bình thản và yên định, Ngài là Tự Ngã Tuyệt Đối”.

* * *
Thôi, chúng ta nên dừng sự kể lể dông dài ở đây vì có lẽ như thế cũng đủ rồi. Kể thêm nữa sẽ trở thành nhàm chán và những câu chuyện hay ho mà chúng ta vừa kể thực ra chỉ là sự rút tỉa, sao chép lại từ những quyển sách dễ kiếm trên thị trường, ai cũng có thể tìm đọc được. Vả lại không thể bỏ dở cuộc hành trình mà chúng ta mới bắt đầu và có vẻ như sẽ dài lâu.

Khái niệm tồn tại chỉ có thế, tùy cách nhìn, cách nghĩ mà chúng ta thấy nó đơn giản hay phức tạp.

Sau này, nếu ai hỏi chúng ta: Tồn Tại là gì? thì chúng ta cứ tự tin trả lời: Tồn Tại là Cái Ấy, Tat tvam asi! Và giải thích thêm:
“ Cái Ấy đầy, Cái Này cũng đầy. Từ cái đầy Ấy rút ra cái đầy Này, lấy đi cái đầy Này trong cái đầy Ấy, cái còn lại vẫn đầy”.
(Atharva – Veda X8-29).




Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG

PHẦN III: NGUỒN CỘI

PHẦN IV: BÁU VẬT

PHẦN V: THỐNG NHẤT