Lê Anh Xuân

LÊ ANH XUÂN

You might also like:


A-THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP
    -Trong tác phẩm ký sự lịch sử "Giọt mật cho đời" (NXB Văn hóa thông tin-1994) của mình, nhà văn Phạm Tường Hạnh có viết:
     "Năm mươi năm về trước, mặc dù được anh Đào Duy Kỳ vỡ lòng cho đôi chút về chủ nghĩa yêu nước, về tinh thần cách mạng, nhưng trong tâm tưởng tôi vẫn khao khát được biết nhiều hơn nữa, khẳng định cho lý tưởng mình. Lúc đó, báo chí công khai không bao giờ dám nói tới tinh thần yêu nước. Những bài viết trong những tờ báo bí mật in bằng xu-xoa thì rất sơ sài và ngắn gọn. Một số cây bút có những bài nghiên cứu trên những tạp chí công khai của giới trí thức thì vì phải né tránh con mắt nhòm ngó của mật thám Thực dân Pháp, nên phải viết vòng vo và lý thuyết dài dòng, với trình độ của tôi, đọc rất khó hiểu. Vì vậy, khi được đọc những bài viết của tác giả Ngạc Xuyên, tôi rất xúc động, dễ hiểu, rõ ràng. Tuy không nói gì về tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, nhưng rõ ràng là tác giả muốn gửi gắm trong đó nhiều tâm huyết đối với nhân dân, đất nước. Những bài viết của tác giả Ngạc Xuyên về Võ Trường Toản, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu...nhiều đoạn chỉ nói về văn thơ của các ông, nhưng đó là những bài thơ nói lên tấm lòng ưu thời mẫn thế trước thời cuộc.
      Lúc đó, tôi chưa biết tác giả Ngạc Xuyên là ai. Chỉ sau khi Nam Bộ kháng chiến năm 1945, tôi mới được biết đó chính là nhà giáo Ca Văn Thỉnh. Trước những ngày Cách mạng Tháng Tám, anh chị em thanh niên chúng tôi, mỗi lần đi cắm trại thường tập hợp nhau diễn kịch và chúng tôi đã diễn nhiều lần vở kịch thơ "Bầu nhiệt huyết" cũng không hề biết rằng đó là tác phẩm của nhà giáo yêu nước Ca Văn Thỉnh. Vở"Bầu nhiệt huyết" được chúng tôi sao chép lại qua nhiều bản, nhiều người, cũng đã có chế biến đi rồi, nhưng nội dung cốt truyện về tâm lý của cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi trong cái ngày người cha phải đi đày là đậm nét của người dân mất nước. Vở kịch thơ đầy tâm huyết đó đã tác động không nhỏ tinh thần yêu nước của thanh niên hững năm trước Cách mạng Tháng Tám."
       "Sau này, tôi gặp bác Ca Lê Thỉnh ngỏ ý muốn biết hết về cuộc đời của Ca Lê Hiến. Biết tôi thương quí Ca Lê Hiến, bác đã để lại cả một buổi kể lể tỉ mỉ cho tôi nghe từ khi Ca Lê Hiến sinh ra cho tới lúc anh tự nguyện xin về Nam chiến đấu
        Qua lời bác Ca Văn Thỉnh, tôi được biết Ca Lê Hiến là người con được gia đình yêu thương nhất nhà, từ cha mẹ, tới các anh các chị. Không phải Ca Lê Hiến đã tỏ ra có tài năng đặc biệt gì. Chỉ với một lý do đơn giản là Ca Lê Hiến rất giống khuôn mặt bác Ca Văn Thỉnh lúc nhỏ tuổi và sau này anh đã trở thành một nhà giáo nối nghiệp cả cha và mẹ. Và cũng giống như cha, Ca Lê Hiến bước đầu đã đi vào con đường nghiên cứu lich sử các sĩ phu yệu nước Nam Bộ. Trước mặt tôi còn một công trình của Ca Lê Hiến đang trong dạng bản thảo viết tay trên 25 trang giấy khổ lớn, với những suy nghĩ không kém phần sâu sắc. Tôi xin trích ra đây một đoạn những suy nghĩ của anh về Phan Thanh Giản. Anh viết:
        "...Không phãi ngẫu nhiên mà đối với Phan Thanh Giản, người thay mặt triều đình cắt đất hàng giặc, nghĩa quân chỉ nêu rõ ràng trên ngọn cờ tám chữ Phan Lâm mãi quốc, triều đình khi dân, còn trong thơ của Cử Trị thì không nói thẳng tên Phan Thanh Giản mà chỉ tỏ thái độ ngậm ngùi:
                                        Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa
                                        Ngậm ngùi hết nói nổi quan ta
         ...Việc đánh giá Phan thế nào cho đúng, ở bài này tôi không bàn đến, nhưng dù sao nó cũng để lại cho chúng ta một ấn tượng đáng suy nghĩ..."
         Xin độc giả ghi nhận cho rằng đây là một công trình của Ca Lê Hiến lúc mới tốt nghiệp đại học, mới đi dạy được ít lâu, cách đây đã 25 năm trời. Nhưng người thanh niên này, trên con đường sưu tầm, nghiên cứu của mình đã dám đặt ra những câu hỏi táo bạo dù chỉ là một sự gợi ý. trong công trình của anh nhan đề Vài nhận xét về thái độ của sĩ phu yêu nước Nam Kỳ trong những ngày đầu lháng Pháp, Ca Lê Hiến đã dẫn chứng những tài liệu lịch sử làm cơ sở cho những luận lý của mình một cách chặt chẽ và thỏa đáng..."
         "Đáng lẽ ra nhà văn Anh Đức cùng đi về Sài Gòn chiến đấu một lượt với Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, nhưng vì còn hoàn thành bài vở cho số báo đặc biệt Văn Nghệ Giải Phóng rồi lên đường sau. Anh xem lại và chữa cái đầu đề bài thơ cuối cùng của Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân Dáng đứng Việt Nam, vừa cho giao liên chuyển bài thơ lên nhà in thì nhận được điện Ca Lê Hiến hy sinh..."
      -Theo từ điển mở Wikipedia:
       Lê Anh Xuân (1940-1968) là một nhà thơ Việt Nam. Ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những đóng góp của mình.
      Ông tên thật là Ca Lê Hiến, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1940 tại thị xã Bến Tre, nguyên quán ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày (nay thuộc huyện Mỏ Cày Bắc), tỉnh Bến Tre. Cha ông là giáo sư Ca Văn Thỉnh, một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học. Các thành viên trong gia đình ông cũng đều là những nhà giáo, nghệ sĩ được biết tới. Anh trai ông là nhạc sĩ Ca Lê Thuần, em gái là nữ đạo diễn Ca Lê Hồng - nguyên hiệu trưởng trường Nghệ thuật Sân khấu II Thành phố Hồ Chí Minh, em trai là họa sĩ Ca Lê Thắng.Sự nghiệp Ông sớm tiếp xúc với văn thơ từ nhỏ, năm 12 tuổi bắt đầu vừa học văn hóa, vừa học việc ở nhà in Trịnh Đình Trọng thuộc Sở Giáo dục Nam Bộ trong chiến khu.
       Năm 1954, ông theo gia đình tập kết ra Bắc, học ở các trường học sinh miền Nam, Trường phổ thông trung học Nguyễn Trãi (Hà Nội), rồi vào học khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bài thơ đầu tiên ra mắt bạn đọc, Nhớ mưa quê hương với dòng cảm xúc thương nhớ da diết miền Nam, đã chiếm được cảm tình của độc giả và đoạt giải nhì trong cuộc thi thơ năm 1960 của tạp chí Văn nghệ. Tốt nghiệp đại học, Lê Anh Xuân được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở khoa Sử và được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài nhưng ông từ chối để trở về quê hương chiến đấu.
      Cuối năm 1964, ông vượt Trường Sơn vào miền Nam, làm việc ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam và sau đó là Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam. Trong thời gian này, ông bắt đầu sử dụng bút danh Lê Anh Xuân[1]. Năm 1966, ông tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài làm thơ, ông còn viết cả văn xuôi.
      Lê Anh Xuân hy sinh ngày 21 tháng 5 năm 1968 tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An trong một trận càn của quân đội Mỹ.
        Tác phẩm:
                             Tiếng gà gáy (thơ, 1965)
                             Không có đâu như ở miền Nam (thơ, in chung, 1968)
                             Nguyễn Văn Trỗi (trường ca, 1968)
                             Hoa dừa (thơ, 197l)
                             Thơ Lê Anh Xuân (tuyển thơ, 198l)
                             Giữ đất (tập văn xuôi-1966)





B-BỐN BÀI THƠ VANG VỌNG MÃI


1-NHỚ MƯA QUÊ HƯƠNG

Quê nội ơi
Mấy năm trời xa cách
Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi
Nghe tiếng trời gầm xa lắc...
Cớ sao lòng thấy nhớ thương.

Ơi cơn mưa quê hương
Đã ru hát hồn ta thuở bé,
Đã thắm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé:
Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối bẹ dừa,
Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa

Ta yêu quá như lần đầu mới biết
Ta yêu quá như yêu gì thân thiết
Như tre, dừa, như làng xóm quê hương
Như những con người - biết mấy yêu thương
Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm
Ta lội tung tăng trên mặt nước mặt sông
Ta lặn xuống, nghe xa vang tiếng sấm
Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong.

Ôi đâu rồi những trò chơi tuổi ntrẻ
Những tàu chuối bẹ dừa, những mảnh chòi nhỏ bé
Những vết chân thơ ấu buổi đầu tiên
Mấy tấm mo cau là mấy chiếc thuyền
Mưa cuốn đi rồi
Mưa chảy xuống dòng sông quê nội,
Sông nước quê hương dào dạt chảy về khơi
Chở những kỷ niệm xưa, chìm lắng bốn phương trời
Và ta lớn tình yêu hòa bể rộng
Cơn mưa nhỏ của quê hương ta đã sống
Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sông

Ơi cơn mưa quê hương
Mưa là khúc nhạc của bài ca êm hát
Những đêm ta nằm nghe mưa hát mưa ơi
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá,
Thầm thì rào rạt vang xa...

Có lúc bỗng phong ba dữ dội
Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối
Giấc mơ có chớp giật, sấm gầm,
Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hóa cơn giông
Nghe như tiếng của cha ông dựng nước
Truyền con cháu phải ngẩng cao mà bước
Nghe như lời cây cỏ gió mưa,
Đang hát bài ca bất khuất ngàn xưa...

Mưa tạnh rồi, như mùa xuân nhẹ trỗi
Thấy sáng xanh trên những cành xanh nắng rọi,
Mưa ơi mưa, mưa gội sạch những cành non
Mang đến mùa xuân những quả ngọt tươi non

Ồ vui quá không thấy chim đâu cả
Mà bờ tre nghe giọng hót trong lành
Nhà ai đấy nhịp chày ba rộn rã
Làm hạt mưa trên cành lá rung rinh

Mấy cô gái bên kia sông giặt áo
Tay rẩy nước, bỗng mưa rào nho nhỏ
Cánh tay cô hay cánh gió nhẹ đưa
Rung cành tre rơi nhỏ một cơn mưa...

Ôi yêu quá, mấy cây dừa trước ngõ
Rễ dừa sâu, mườn mượt gân tơ
Đường sạch ráo, đất lên màu mơn mởn
Đã yêu rồi, sao bỗng thấy yêu hơn...

Quê hương ơi,
Mấy năm trời xa cách
Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi,
Nghe tiếng trời gầm xa lắc...
Cớ sao lòng lại sót đau?

Ta muốn về quê nội
Ta muốn trở lại tuổi thơ
Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá...

Ôi tiếng sấm từ xa, bỗng gầm vang rộn rã...
                                                  (1960)

 


2-TRỞ VỀ QUÊ NỘI

Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này
Ta lại gặp những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng.
Đây rồi đoạn đường xưa
Nơi ta vẫn thường đi trong mộng
Kẽo kẹt nhà ai tiếng võng trưa
Ầu ơ… thương nhớ lắm
Ơi những bông trang trắng, những bông trang hồng
Như tấm lòng em trong trắng thủy chung
Như trái tim em đẹp màu đỏ thắm
Con sông nhỏ tuổi thơ ta đã tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông.
Mẹ lưng còng tóc bạc
Ngậm ngùi kể chuyện ta nghe
Tám em bé chết vì bom xăng đặc
Trên đường đi học trở về
Giặc giết mười người trong một ấp
Bà con khiêng xác chất đầy ghe
Chở lên Bến Tre đấu tranh với giặc
Làng ta mấy lần bom dội nát
Dừa ngã ngổn ngang, xơ xác bờ tre,
Mẹ dựng tạm mái lêu che mưa che gió.
Ta có ngờ đâu mái lều của mẹ
Dưới lớp đất kia ngọn lửa vẫn còn
Mẹ ta tần tảo sớm hôm
Nuôi các anh ta dười hầm bí mật
Cả đời mẹ hy sinh gan góc
Hai mươi năm giữ đất, giữ làng
Ôi mẹ là bà mẹ miền Nam.
Ta có ngờ đâu em ta đấy
Dưới mái lều kia em đã lớn lên
Em đẹp lắm như mùa xuân bừng dậy
Súng trên vai cũng đẹp như em
Em ơi! Sao tóc em thơm vậy
Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng?
Ta yêu giọng em cười trong trẻo
Ngọt ngào như nước dừa xiêm
Yêu dáng em đi qua cầu tre lắt lẻo
Dịu dàng như những nàng tiên
Em là du kích, em là giao liên
Em chính là quê hương ta đó
Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương
Đêm đầu tiên ta ngủ giữa quê hương
Sao thấy lòng ấm lạ
Dù ngoài trời tầm tã mưa tuôn
Tiếng đại bác gầm rung vách lá
Ôi quê hương ta đẹp quá!
Dù trên đường còn những hố bom
Dù áo em vẫn còn mảnh vá
Chỉ có trái tim chung thủy, sắt son
Và khẩu súng trong tay cháy bỏng căm hờn.
                                                  (9-1965)

 


3-DỪA ƠI

Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”
Nội nói: “Lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân
Đất này xưa đầm lầy chua mặn
Đời đói nghèo cay đắng quanh năm”
Hôm nay tôi trở về quê cũ
Hai mươi năm biết mấy nắng mưa
Nội đã khuất rồi xanh rì đám cỏ
Trên thân dừa vết đạn xác xơ.
Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi
Mà lá tươi xanh mãi đến giờ
Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua.
Ôi có phải nhà thơ Đồ Chiểu
Từng ngâm thơ dưới rặng dừa này
Tôi tưởng thấy nghĩa quân đuổi giặc
Vừa qua đây còn lầy lội đường dây.
Tôi đứng dưới hàng dừa cao vút
Cạnh hàng dừa tơ lá mướt xanh màu
Những công sự còn thơm mùi đất
Cạnh những chiến hào chống Pháp năm nao.
Vẫn như xưa vườn dừa quê nội
Sao lòng tôi vẫn thấy yêu hơn
Ôi thân dừa đã hai lần máu chảy
Biết bao đau thương, biết mấy oán hờn.
Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt quê hương.
Dừa bị thương dừa không cúi xuống
Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời
Nếu ngã xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại đứng lên thân dựng pháo đài.
Lá dừa xanh long lanh ánh nắng
Theo đoàn quân thành lá nguỵ trang
Nếu rụng xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại cháy lên ánh đuốc soi đường.
Đất quê hương nát bầm vết đạn
Đã nuôi dừa năm tháng xanh tươi
Ôi có phải dừa hút bao cay đắng
Để trổ ra những trái ngọt cho đời.
Nghe vườn dừa rì rào tiếng nhạc
Lòng nao nao tôi nhớ nội xiết bao
Tuổi thơ xưa uống nước dừa dịu ngọt
Tôi biêt đâu thuở chua xót ban đầu.
Tôi ngước nhìn mùa xuân nắng dọi
Bốn mặt quê hương giải phóng rồi
Tôi bỗng thấy nội tôi trẻ lại
Như thời con gái tuổi đôi mươi
Như hàng dừa trước ngõ nhà tôi.
                                 (1-1966)




4-DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức tường đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.
                                                   (3-1968)

  sau: