THỰC TẠI & HOANG ĐƯỜNG 21


PHẦN II:     Nền tảng

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”

CHƯƠNG IX: LANG THANG

Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn?
Hỏi con Ngọc Thỏ đà bao tuổi?
Chớ chị Hằng Nga đã mấy con?
Đêm vắng cớ chi phô tuyết trắng?
Ngày xanh sao nỡ thẹn vầng son?
Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình riêng với nước non .
(Hồ Xuân Hương - Bài thơ “Hỏi Trăng”)



Nhưng nếu không có sự điên rồ thì làm sao có được những thần thoại, cổ tích; không có những cái đầu hoang tưởng thì làm sao có được những chuyện hoang đường, không tưởng, những thứ đã làm mê say biết bao nhiêu thế hệ “trẻ người non dạ”? Hoàng Tử Bé sẽ vỗ tay nhiệt liệt khi chúng ta nói rằng: thật bi thảm cho những “người lớn” nào mà không biết mơ tưởng về những chuyện nghiêm túc!
Không có điên rồ chắc chắn sẽ không có chuyện ông Đùng, Bàn Cổ - Nữ Oa. Nhưng hoang đường đến mấy thì cội rễ cũng vẫn là kinh nghiệm rút ra từ hiện thực của quá khứ. Điều gây ấn tượng mạnh mẽ hơn cả của chuyện ông Đùng, Bàn Cổ - Nữ Oa đối với chúng ta là con người (hoặc kiểu con người nào đấy) đã có trước cuộc khai thiên lập địa. Điều đó dẫn chúng ta đến một suy diễn rằng trước cơn tai biến vô cùng khốc liệt của thiên nhiên (khốc liệt đến nỗi đã khắc rất sâu vào tâm trí con người mà qua con đường truyền khẩu “tam sao thất bổn” vẫn lưu lại được suốt mấy ngàn năm đằng đẵng), đã có một nền văn minh từng hiện hữu và bị cơn tai biến đó “cuốn” phăng. Nhưng không phải là tất cả!...

Trong số bộ phận còn sống sót, có bộ phận vượt thoát được bằng nhiều con đường, bằng nhiều phương tiện trên bộ, trên biển và định cư luôn ở những vùng đất mới, nhưng cũng có bộ phận quay về quê cha đất tổ “dựng đá, vá trời”, xây dựng cuộc sống lại từ đầu.
Cũng có thể cho rằng trước cuộc tai biến ấy cũng có những đợt di cư do sự bùng nổ dân số, có nguyên nhân từ lối sống phồn thực khi lượng thức ăn dồi dào, dư thừa có được từ trình độ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi đem lại của thời kỳ trước, đã không còn khả năng đáp ứng hoặc gặp phải bất trắc như hạn hán, ngập lụt, giông bão…
Công việc tạo dựng trời đất của ông Đùng hay của ông Bàn Cổ và bà Nữ Oa sao mà gian truân vất vả quá. Có một câu chuyện khác kể về thời khai thiên lập địa nghe dễ chịu và nhẹ nhàng hơn nhiều, đồng thời cũng có vẻ nghiêm túc hơn. Câu chuyện đó đã được ghi lại trong Kinh Thánh (Tân Ước Sáng Thế Ký). Chúng ta “nhép” nó ra đây để nếu ai chưa đọc thì đọc thoải mái (đọc càng nhiều càng tốt, đọc bao giờ cũng có lợi cho sức khỏe vì không “bổ” thì cũng “ích”):
“Lúc khởi đầu, Thiên chúa sáng tạo ra trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm và thần khí Thiên chúa bay lượn trên mặt nước.
Thiên chúa phán: “Phải có ánh sáng”. Liền có ánh sáng. Thiên chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
Thiên chúa phán: “Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước”. Thiên chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy. Thiên chúa gọi vòm đó là “trời”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.
Thiên chúa phán: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi để chỗ cạn lộ ra”. Liền có như vậy. Thiên chúa gọi chỗ cạn là “đất”, khối nước tụ lại là “biển”. Thiên chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.
Thiên chúa phán: “Phải có những vầng sáng trên bầu trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất”. Liền có như vậy. Thiên chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm. Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.
Thiên chúa phán: “Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời”. Thiên chúa sáng tạo ra thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tùy theo loại, và mọi giống chim bay tùy theo loại. Thiên chúa thấy thế là tốt đẹp. Thiên chúa chúc phúc cho chúng rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển, và chim phải sinh sản nhiều trên mặt đất”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.
Thiên chúa phán: “Đất phải sinh ra các sinh vật tùy theo loại: gia súc, bò sát và dã thú tùy theo loại”. Liền có như vậy. Thiên chúa làm ra dã thú tùy theo loại, gia súc tùy theo loại, loài bò sát dưới đất tùy theo loại. Thiên chúa thấy thế là tốt đẹp.
Thiên chúa phán: “Giờ chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”.
Thiên chúa sáng tạo ra con người theo hình ảnh của mình, Thiên chúa sáng tạo ra con người theo hình ảnh Thiên chúa, Thiên chúa sáng tạo ra con người, có nam có nữ.
Thiên chúa ban phúc lành cho họ và Thiên chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất. Hãy là bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất”. Thiên chúa phán: “Đây, ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp trái đất, và mọi thứ cây có trái mang giống để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi, để làm lương thực”. Liền có vậy. Thiên chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.
Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên chúa nghỉ ngơi.
Thiên chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.
Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo”.
Câu chuyện kể trên thật rõ ràng, và chúng ta cũng “thấy thế là tốt đẹp”. Tuy nhiên có hai thắc mắc nhỏ thế này:
- Thiên chúa “phán” một ngày là gồm buổi chiều hôm trước, một đêm và sáng hôm sau, mà sao con người lại “xài” một ngày gồm sáng hôm nay, chiều hôm nay và tối hôm nay?
- Thiên chúa đã cho rau cỏ, cây trái và các hạt giống để làm lương thực rồi mà sao một bộ phận muông thú và cả loài người nữa cứ “thích” giết chóc, tranh giành ăn thịt nhau? Tại vì Thiên chúa đã cho không đủ lương thực hay vì thấy điều đó cũng tốt đẹp?
***
Ở phương Tây ngày nay, chim bồ câu và cành ôliu được coi như là những biểu tượng của hòa bình. Hiện tượng này bắt nguồn từ một điển cố.
Theo truyền thuyết, thời xa xưa, trên trái đất đã xảy ra một cơn Đại hồng thủy kinh hoàng. Trong “Tân ước - Sáng thế ký” có ghi chép lại câu chuyện của người Do Thái cổ. Chuyện kể rằng: Thượng đế thấy loài người đã trở nên bại hoại, mới làm ra trận đại lũ lụt, đủ sức dìm hết các ngọn núi cao để “hết thảy những sinh vật sống có máu thịt, có hơi thở, phải chết”. Duy chỉ có Nôyê vâng lời Thượng Đế, làm một chiếc thuyền hình vuông, chở cả nhà và một số loài vật để làm giống cho sau này, đã thoát được tai ương. Cuối cùng chiếc thuyền mắc cạn trên núi Ararat. Nôyê thả bồ câu để thăm dò mực nước. Bồ câu ngậm lá cây ôliu tươi, báo hiệu rằng nước đã rút cạn. Thế là Nôyê bước ra khỏi thuyền, trở thành thủy tổ mới của loài người.
Câu chuyện con thuyền cứu nạn Nôyê nổi tiếng đến nỗi có lẽ ai cũng biết. Nó đã là nguồn cảm hứng sáng tạo không ngừng trong thi, ca, nhạc, họa suốt từ thời trung cổ tới nay. Tuy nhiên, nếu rũ bỏ cái bộ cánh thần thánh đi thì câu chuyện đó có thực sự là đã từng xảy ra trong lịch sử không? Hay hỏi cách khác: thời cổ đại đã từng có một trận đại lũ lụt với qui mô không phải toàn cầu thì cũng ở tầm một khu vực rất rộng lớn như thế không?
Điều đáng chú ý là ngoài ghi chép của đạo Thiên chúa ra, hầu hết các dân tộc ở những khu vực ít nhiều văn minh (không phải không văn minh là không có văn hóa!) trên khắp thế giới mà tiêu biểu là vùng Lưỡng hà cổ, Ấn độ cổ và Trung hoa cổ, đều cũng có những truyền thuyết, tuy có những thêu dệt khác nhau về hình thức, nhưng nhìn chung thì đều ám chỉ một thiên tai cực lớn với lũ lụt nước dâng, với núi non đất đá lún chìm, với lửa ngún trào mạnh mẽ xảy ra đồng thời. Chuyện ông Đùng của Việt Nam và chuyện Bàn Cổ - Nữ Oa của Trung Quốc là những điển hình?
Những truyền thuyết ấy có phải là những hoài niệm về cùng một biến cố vĩ đại hay không? Đành rằng ở đâu, vào thời nào mà không có bão tố, sóng thần, núi lửa, lũ lụt, hạn hán… và có thể những truyền thuyết ấy nói về những thiên tai giống nhau về tính chất nhưng khác nhau về thời gian và khu vực địa lý xảy ra. Tuy nhiên, nếu khác nhau về thời gian thì có vẻ như không nhiều (đối với việc lưu nhớ qua truyền khẩu một sự kiện xảy ra trước đó đến hai, ba ngàn năm và thậm chí là năm, bảy ngàn năm!). Ngay chúng ta đây thôi, nếu không nhớ lại được những con số (tạm gọi là biểu tượng về ký hiệu), không liên tưởng để so sánh được những con số đó với nhau thì chắc gì đã xác định đúng được “thời đại” mà lần đầu tiên chúng ta bị ngã một cái sưng u đầu khi mới biết đi lững chững? Vả lại, nếu truyền thuyết nào đó là nói về một sự kiện có thực, đã từng xảy ra thì không phải đùng một cái là thành… truyền thuyết được. Lúc đầu phải là câu chuyện kể tả thực, dần dần, qua tháng năm, sự thực đó chỉ còn lại cái cốt lõi và được thêm “mắm muối” vào tùy người kể mà thăng hoa lên thành truyền thuyết. Vào thời kỳ mà người ta kể cho nhau bắt đầu bằng đại loại như: cách đây hai mùa nắng; từ đó đến nay đã năm mùa đông; hoặc: lúc cụ tổ còn sống, hoặc mờ mịt hơn nữa: ngày xửa ngày xưa…, thì làm sao mà xác định được thời điểm xảy ra của biến cố? Cái mốc của thời điểm hiện tại đã không được xác định thì thời điểm nào đó của quá khứ được xác định bằng cách nào?
Nhưng đối với người xưa có quan trọng lắm không đối với việc xác định chính xác thời điểm xảy ra biến cố ở quá khứ? Có thể là rất quan trọng mà cũng có khi chẳng quan trọng gì, tùy loại biến cố. Những biến cố xảy ra theo chu kỳ (ngắn hạn), ảnh hưởng thấy rõ đối với đời sống thì phải “nhớ như in”, còn đối với những biến cố lâu lâu “từ trên trời rơi xuống” hoặc “ngàn năm một thuở”, “chẳng biết đâu mà lần” thì cũng nhớ nhưng có mức độ, nhớ như tưởng niệm về “một sự cố đau thương không ngờ” hoặc như một điều kỳ lạ, “không thể tin” được!
Truyền thuyết tồn tại được trong thời gian là nhờ tính phi thường của nó và xét cho cùng thì cũng tuân theo nguyên lý kế thừa và biến đổi của tự nhiên. Chuyện hoang đường cũng vậy vì nó là bộ phận của truyền thuyết. Hoang đường cũng như truyền thuyết, đều là sự phản ánh của một thời đã qua, đều là con đẻ, đều thuộc về hiện thực của quá khứ, nhưng trong khi truyền thuyết mang cốt lõi của một sự thực bị che đậy bởi tính hoang đường thì hoang đường lại là truyền thuyết về một phi thực, được chủ quan lắp ghép từ những mảnh sự thực. Có thể cho rằng truyền thuyết, cũng như những bộ phận của nó như chuyện hoang đường, cổ tích thần thoại… một khi còn tồn tại, đều hiện hữu trong tiến trình dạy - học - sáng tạo… và luôn là đề tài của những cuộc thi vấn – đáp, vì luôn có những “đứa hết hơi” trợn mắt hỏi hoài: “Có nhẽ đâu thế?!”
Nói vậy thì câu chuyện của Kinh thánh về sáng thế là ở thể loại nào của truyền thuyết? Chẳng ở thể loại nào cả vì không phải là truyền thuyết mà là sự thực - sự thực của đức tin!
Trong khoảng thời gian dài của một dân tộc, một đất nước, một khu vực, thiếu gì những sự kiện lụt lội, núi lửa, tạo sơn… nhưng tại sao chỉ có Đại hồng thủy là được lưu truyền và trở thành truyền thuyết? Rõ ràng đó phải là một biến cố nổi bật nhất, phi thường nhất trong số những biến cố thuộc loại này.
Nếu những truyền thuyết là nói về những biến cố vĩ đại khác nhau, có tính toàn cầu, trong xấp xỉ cùng một thời điểm (khoảng thời gian rất ngắn so với lịch sử) thì sao không phải là nói về cùng một biến cố vĩ đại? Còn nếu đúng là từ một biến cố vĩ đại duy nhất nảy sinh ra nhiều truyền thuyết ở nhiều khu vực, dân tộc rải rác trên thế giới thì phải chăng những truyền thuyết ấy là những “phiên bản” đã biến hóa cho phù hợp với hoàn cảnh địa lý khu vực, với tâm tư nguyện vọng của dân tộc, xuất xứ từ một truyền thuyết duy nhất về một biến cố vĩ đại duy nhất?
Hay tất cả chỉ là hoang đường, xuất phát từ một hoang tưởng (“ghê gớm” hơn chúng ta nhiều!) chứ không hề có một Đại hồng thủy, một cuộc nước - lửa vĩ đại nào đã từng xảy ra cả?
Chắc chắn cái khối tình “Nước - Lửa” cuồng si mê đắm nhưng cũng đầy ghen tuông hờn giận của Trái Đất đã không ít lần xô xát, xâu xé nhau, biểu hiện ra như những cơn Đại Hồng Thủy. Và cơn Đại Hồng Thủy lần gần đây nhất đã được loài người chứng kiến.?
Chúng ta là những kẻ cũng chúa hay phán vô tội vô vạ! Nhưng lần này, nhận định như trên không phải là hoàn toàn thiếu cơ sở. Đại Hồng Thủy là một trong những biểu hiện của vận động nội tại Trái Đất, vận động ấy cũng phải mang tính lưỡng nghi, vừa tuân theo những nguyên lý vận động chung nhất của các hành tinh trong Thái Dương Hệ, đồng thời cũng mang tính riêng, tính đặc thù của một hành tinh có nhiều nước ở dạng lỏng. Địa kiến tạo học và khảo cổ học đã gợi ý cho chúng ta đi đến nhận định như vậy và biết đâu chừng mai kia sẽ đứng ra chứng giám cho chúng ta nữa.
Vậy thì chúng ta cứ tạm cho rằng trong tiền sử loài người, đã từng xảy ra một nạn Đại Hồng Thủy có tính toàn cầu và cho đến ngày nay, nó là duy nhất.
Thế còn con thuyền cứu nạn của Nôyê, với ý nghĩa cứu hộ lớn lao như thế trong cơn Đại Hồng Thủy, sao chỉ được lưu lại trong Kinh thánh mà không thấy bóng dáng ở các truyền thuyết khác? Có thể con thuyền vuông Nôyê thực sự là đã xuất hiện trong Đại Hồng Thủy, nhưng chỉ được quan sát thấy trong một khu vực nào đó và chỉ khu vực đó biết thôi. Theo như ý kiến hiện nay thì khu vực đó chính là Địa Trung Hải. Nhưng cho dù sự kiện con thuyền Nôyê là có thực đi chăng nữa thì theo ý kiến riêng của chúng ta, nó đóng vai trò như biểu tượng về một đoàn thuyền di tản, tìm nơi lánh nạn, mà thủ lĩnh chính là Nôyê.
Đã là cơn bão lụt vĩ đại thì sự di tản để trốn lánh nó cũng phải vĩ đại, nghĩa là đoàn thuyền Nôyê phải hết sức đông đảo hoặc phải có nhiều đoàn thuyền Nôyê. Nhưng tại sao lại trốn lánh lũ lụt bằng thuyền để vượt biển mà không bằng cách chạy thoát lên những vùng đất cao hơn? Chắc là cuộc di tản vĩ đại đã gồm cả hai cách trên bộ và trên biển.
Tuy nhiên, dù Đại Hồng Thủy là một thiên tai có tính toàn cầu thì vì có nguyên nhân sâu xa từ vận động nội tại Trái Đất và được thể hiện ra thông qua bề mặt Trái Đất như một chuyển hóa lưỡng nghi mang tính đột biến, nên phải có khu vực nào đó trên Trái Đất đóng vai trò là trung tâm, là điểm xuất phát ban đầu, là nơi khởi nguồn của nó. Địa Trung Hải có phải là khu vực đó không? Nếu thế thì tại sao lại không di tản thuần túy bằng đường bộ mà phải dùng thuyền đi từ bờ lũ lụt này đến bờ lũ lụt khác? Việc xuất hiện đoàn thuyền Nôyê ở Địa Trung Hải nếu đó là trung tâm của Đại Hồng Thủy, thì chỉ có nghĩa là tìm cách thoát ra Đại Tây Dương để đi vào truyền thuyết của vùng đất khác, chứ không phải của người Do Thái cổ và được lưu lại như một câu chuyện sáng thế trong Kinh thánh.
Có thể Địa Trung Hải cũng đã bị “hành hạ” bởi nạn Đại Hồng Thủy nhưng chỉ là vùng lân cận, chịu ảnh hưởng của khu vực trung tâm. Chưa biết khu vực trung tâm của Đại Hồng Thủy ở đâu, nhưng việc di tản một cách rầm rộ, có qui mô lớn bằng thuyền bè ra khỏi trung tâm đó như chỉ ra rằng không còn cách nào khác hoặc cách đó cũng hữu hiệu không kém, hoặc thậm chí là hơn cách “chạy bộ”, nghĩa là lánh ra xa có mức độ an toàn hơn leo lên cao hoặc vì không còn chỗ nào là “cao” nữa cả.
Như vậy con thuyền Nôyê xuất hiện ở Địa Trung Hải là con thuyền lánh nạn, từ đâu đó phía Đại Tây Dương đi vào. Giả định được như thế thì cũng có thể giả định con thuyền Nôyê không phải xuất hiện ở Địa Trung Hải mà xuất hiện ở Biển Đỏ, cũng gần với lãnh thổ của người Do Thái cổ đại, hoặc đã cùng xuất hiện ở cả hai nơi.
Thế thì trung tâm của Đại Hồng Thủy ở đâu? Nếu con thuyền Nôyê chỉ xuất hiện ở Địa Trung Hải thì trung tâm ấy phải ở đâu đó trên Đại Tây Dương; nếu con thuyền đó chỉ xuất hiện ở Biển Đỏ thì trung tâm phải ở đâu đó trên Ấn Độ Dương. Khả năng để con thuyền Nôyê xuất hiện đồng thời ở Địa Trung Hải và Biển Đỏ (Hồng Hải) là rất khó xảy ra vì như thế trung tâm của Đại Hồng Thủy phải ở vùng giáp nhau của Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, mà ở đó thì như chúng ta thấy trên bản đồ, không có một “miếng đất cắm dùi” nào cả do đó cũng chẳng có người để mà di tản từ đó. Hay là đã có một lục địa hoặc một đảo rất lớn ở đó và đã bị Đại Hồng Thủy nhấn chìm? Không hề! Theo thuyết “lục địa trôi dạt” thì không thể có. Còn nếu có thì cũng không có người ở vì điều kiện khí hậu chẳng “hay ho” gì. Và nếu cố ép con người có mặt ở đó thì thiếu gì chỗ di tản gần hơn mà phải “chạy” đến tận hai biển đó, chẳng hạn là ghé vào nam Châu Phi hoặc tấp vào Nam Mỹ?
Phải cho rằng tại khu vực trung tâm của Đại Hồng Thủy, trước khi nạn đó xảy ra; có một bộ phận là đất đai; có một điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi cho sự phát triển sinh vật và vì thế đã từng có đông người sống với một nền văn hóa nổi trội, hay nói khác đi: có một nền văn minh rực rỡ nhất vào thời bấy giờ. Nhưng chính xác thì cái trung tâm “bất hạnh” đó ở đâu?
Chúng ta tạm bỏ lửng câu hỏi đó để nói về chuyện khác.
Câu chuyện về Atlantis là một trong những câu chuyện huyền bí nhất về lịch sử văn minh nhân loại. Đó là truyền thuyết về một nền văn minh rực rỡ, phát triển sớm nhất; sâu trong xa xưa mà ngay thời cổ đại đã trở thành một hoài niệm mịt mờ. Atlantis là tên gọi một hòn đảo nằm đâu đó trên đại dương mênh mông, nhưng vì nó chứa cả một nền văn minh vĩ đại nên cũng được mường tượng như một lục địa (chúng ta tưởng tượng nó như Châu Úc ngày nay, hay có thể là nhỏ hơn!?).
Nền văn minh Atlantis được xem là đã đạt đến đỉnh cao vinh quang từ hơn 11500 năm trước và câu chuyện về nó đã được lưu trong thư tịch cách đây khoảng 2350 năm. Có lẽ nhà hiền triết Platon là người đầu tiên thực hiện công việc này, vào khoảng năm 359 - 347 TCN. Ông đã kể câu chuyện này thông qua Critias (là một nhân vật trong tác phẩm của ông). Critias nói rằng ông nội của anh ta đã kể cho anh ta nghe câu chuyện, còn ông nội lại nghe người cha là Dropides kể lại. Dropides biết được câu chuyện là qua nhà hiền triết Hi Lạp tên là Solon. Solon cho biết, khi ông ở Ai Cập (vào khoảng 600 năm TCN), đã nghe được câu chuyện từ các thầy tế Ai Cập. (Hình như Ai Cập thời đó đã là một sự lôi cuốn không cưỡng nổ đối với các nhà thông thái Hi Lạp, vì không riêng gì Solon mà còn nhiều triết gia khác cũng đã từng “lang thang” ở đó, chẳng hạn như Hippocrates, Galen, Thales, Pythagoras và cả chính Platon nữa).
Theo Platon (qua lời kể của Critias) thì các thầy tế Ai Cập đã kể cho Solon nghe câu chuyện về chiến công oanh liệt của một thành phố cổ mang tên Aten (tồn tại trước Platon khoảng 9300 năm (???)). Trong quá khứ xa xưa, có một lực lượng hùng mạnh có ý định bành trướng, chinh phục cả Châu Á và Châu Âu; đã tràn qua xâm chiếm nhiều đất nước ở Địa Trung Hải nhưng đã bại trận trước Aten. Lực lượng hùng mạnh đó xuất phát từ một đảo quốc rất xa giữa Đại Tây Dương (Atlantic) nên được gọi là Atlantis. Về sau, Atlantis bị các vị thần phá hủy hoàn toàn. Sau những cơn động đất và một Đại Hồng Thủy khủng khiếp, Atlantis sụp đổ và bị chôn vùi dưới biển sâu.
Atlantis mà Platon mô tả là từ những bằng chứng lịch sử hay hoàn toàn chỉ là hư cấu? Có lẽ là cả hai! Platon đã dựa trên một truyền thuyết lịch sử, kết hợp với những điều quan sát được về những thảm họa thiên nhiên như sự tàn phá của núi lửa, sóng thần… vào lúc đương thời (còn để lại dấu ấn rõ ràng, lưu giữ được trong ghi chép sử một cách khá rành mạch), để hư cấu nên một câu chuyện phục vụ cho tư tưởng triết học của ông.
Trước khi các tộc người Hi Lạp chinh phục và làm chủ bán đảo Bancăng, cư dân ở vùng này và trên các đảo lớn, nhỏ đã xây dựng được một nền văn minh rực rỡ - nền văn minh Crét - Myxen (thiên kỷ III - thiên kỷ II TCN). Cret là tên một đảo lớn ở phía nam biển Êgiê, Myxen là một địa danh thuộc vùng đồng bằng Pelôpône. Thực ra đó là gồm hai nền văn minh có nét tương đồng nhau, liên quan khăng khít nhau, gọi là văn minh Cret và văn minh Myxen; tuy vậy, văn minh Cret xuất hiện sớm hơn. Đảo Cret đã từng bị hủy hoại một phần bởi thiên tai.
Trước thời Platon cũng từng xảy ra một vụ núi lửa phun mạnh mẽ tại Thera, hòn đảo nằm ở phía đông Hi Lạp, phía bắc đảo Cret trong biển Êgiê. Vụ phun trào nham thạch đó chắc là rất mãnh liệt, rất khủng khiếp và gây ra nhiều thảm khốc vì như sử còn lưu lại thì ở tận Ai Cập, là nơi chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp và cách khá xa, vẫn có thể nhận biết được.
Rất có thể là Platon đã dùng sử liệu của hai sự kiện đó, nền văn minh của đảo lớn Cret và vụ núi lửa phun trào ở Thera để nhào nặn ra một Atlantis có thực nhưng đã mờ nhạt trong truyền thuyết. Tuy nhiên, sự nhào nặn ấy, như sau này thấy, đã bộc lộ ra những bất hợp lý. Đảo Cret chưa bao giờ gây chiến với Aten và cũng chẳng bị “nhấn chìm”. Vì theo chính sử thì Aten chỉ xuất hiện từ thế kỷ VII TCN và theo chứng cứ của khảo cổ học thì mặc dù bị sóng thần tàn phá nặng nề sau vụ phun trào Thera, nền văn minh Cret vẫn phát triển rực rỡ tiếp tục trong khoảng 200 năm nữa…
Từ đó đến nay, truyền thuyết về Atlantis vẫn luôn ám ảnh loài người. Đã có không biết bao nhiêu là những suy luận, những phán đoán vô căn cứ cũng như có căn cứ về Atlantis, đã có không biết bao nhiêu những con người bỏ không ít công sức ra để thám hiểm, đi tìm nơi nó đã từng hiện hữu. Cuối cùng thì Atlantis vẫn cứ ẩn hiện như hồn ma: vừa hư, vừa thực, người tin “như bắp”, người “xổ toẹt”, và cũng có người “mơ mơ hồ hồ”. Còn chúng ta? Chúng ta tin rằng mọi truyền thuyết đều mang cái cốt lõi về một sự thực đã từng hiện hữu. Truyền thuyết chính là lịch sử - một lịch sử đã được thần thánh hóa. Câu chuyện về hai tập sử thi Iliát và Ôđixê là một thí dụ điển hình. Iliát là bản anh hùng ca chiến trận gồm khoảng 15000 câu thơ, chia làm 24 khúc ca, kể lại cuộc chiến tranh giữa người Hi Lạp và người Tơroa (thành Tơroa còn có tên gọi là Iliông vì thế tập thơ mang tên Iliát) ở vùng Tiểu Á. Ôđixê gồm hơn 12000 câu thơ, cũng được chia thành 24 khúc ca, mô tả cuộc hành trình đầy gian truân của một người anh hùng Hi Lạp: Uylixơ hay còn gọi là Ôđixê. Mặc dù đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận từ lâu nhưng cho đến nay những vấn đề như nguồn gốc, tác giả, thời gian và địa điểm ra đời của bộ sử thi đó vẫn chưa được giải quyết dứt khoát. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả của hai tập thơ đó là Hôme, nhà thơ mù thiên tài sinh ở Tiểu Á. Không ít người lại cho rằng Iliát - Ôđixê chỉ là những tập hợp, có chỉnh lý của những sáng tác dân gian truyền miệng, còn Hôme chỉ là một từ chung chỉ người mù. Chúng ta nghĩ rằng khi chưa có chữ viết hoặc chữ viết còn sơ khai, thì một trong những biện pháp để ghi nhớ, mà lưu truyền được những miêu tả về đời sống (vật chất cũng như tinh thần), những kinh nghiệm trong sinh hoạt và lao động, những sự kiện quan trọng (có tính lịch sử), là tạo vần điệu trong ngôn ngữ. Đó chính là khởi đầu của thi ca. Bộ sử thi Iliát - Ôđixê dù ban đầu chỉ là những tom góp, sưu tầm, nhưng nếu không có sự chọn lọc, hệ thống hóa lại, chỉnh sửa cho nhất quán về vần điệu, cho phù hợp với tiến trình của lịch sử thì làm sao có thể “hay” được để mà gọi là tác phẩm. Hai tập thơ dài “ngoẵng” đó trở nên bất hủ bởi vì chúng là những tác phẩm chân chính, được kết nên từ sự kế thừa những tinh hoa của quá khứ và qua sáng tạo có tính cá nhân, đã trở thành một tinh hoa mới, phản ánh được hơi thở của thời đại cũng như hình ảnh và nỗi niềm của con người. Đã là một tác phẩm thì phải có tác giả. Tác giả đó dù là ai, dù là một người hay nhiều người thì trước hết vẫn cứ là Hôme thiên tài.
Chính bộ sử thi Iliát - Ôđixê đã mách bảo cho người đời sau biết về trạng thái sinh hoạt vật chất và tinh thần của người Hy Lạp trong giai đoạn lịch sử Hy Lạp từ thế kỷ XI đến thế kỷ IX TCN (còn gọi là thời kỳ Hôme). Cũng qua bộ sử thi đó mà còn biết được rằng xã hội Hy Lạp thời đó không phải là sự tiếp nối xã hội của thời kỳ Crét - Myxen mà là một xã hội thị tộc, bộ lạc ở giai đoạn mạt kỳ. Kết quả về khảo cổ đã chứng thực nhiều điều thể hiện trong bộ sử thi và đặc biệt là vào năm 1900, Actua Ivan, nhà khảo cổ học người Anh (1851-1941) đã phát hiện ra di tích của thành Tơroa (ở Tiểu Á).
Câu chuyện về Atlantis chưa hết, chúng ta sẽ tiếp tục kể về nó một cách tóm lược từ những điều đã sưu tầm được ở các sách mà may mắn chúng ta có.
Theo, Donnelly, nhà sử học nghiệp dư người Mỹ, tác giả cuốn sách “Atlantis: một thế giới trước thời hồng thủy” xuất bản vào năm 1881, thì Atlantis là ngọn nguồn của mọi thành tựu văn hóa và mọi nền văn minh tại Ai Cập, Tây Á, Ấn Độ… Lập luận của Donnelly không dựa vào khảo cổ cũng như chẳng có bằng chứng nào về nguồn gốc chung của mọi nền văn hóa. Tuy nhiên phải thấy rằng đó là một suy tư nghiêm túc và có phần táo bạo.
Theo Bécratu (chả biết là ai, sách chỉ viết vỏn vẹn thế) lập luận thì ước khoảng 9000-11000 năm TCN có một đảo lớn nằm ở khoảng giữa Châu Âu và Châu Mỹ, trên đảo có một nền văn minh cực kỳ huy hoàng. Về sau, đảo này đột ngột biến mất. Một người khác, tên là Mêcơ (cũng chẳng biết là ai nốt) thì cho rằng: Kim Tự Tháp Ai Cập và Kim Tự Tháp Nam Mỹ sở dĩ giống nhau là nhờ đảo này nằm ở vị trí đóng vai trò cầu nối giao lưu văn hóa. Ông còn cho rằng loài cá Man châu Âu luôn giữ tập quán di chuyển kỳ quặc và nguy hiểm là vì lúc đó đảo này cách rất gần biển MinVexao. Dòng sông nước ngọt trên đảo là vùng an toàn tự nhiên giúp cho loài cá Man này tránh được các thú biển khác ăn thịt chúng. Đảo này về sau được gọi là Atlantis.
Mêcơ, trong tác phẩm nổi tiếng “Bí mật Atlantis” của mình, đã nêu giả thiết: đảo Atlantis có vị trí chính xác là ở tại eo biển Chipurốt, phía dưới Quần đảo Axôrét. Thông qua việc khảo sát, đo đạc bằng máy bay đối với ven bờ Đại Tây Dương Bắc Mỹ, người ta phát hiện bờ biển ở gần thành phố Sáclơxtôn thuộc phía Nam bang Carôlina dày đặc, khoảng 3000 vết lõm hình phễu hoặc hình bầu dục tựa như là hậu quả của hàng loạt khối đá cỡ lớn trên không, được ném tới từ hướng tây bắc. Ngoài ra, ở đáy biển, gần đảo Bôrôticơ còn có hai dải đất lõm sâu xuống khoảng 3000 thước Anh (trong địa kiến tạo gọi là vùng lõm). Mêcơ đã đem những ghi chép của Bécratu lắp ghép với kết quả khảo sát đó để đề xuất một giả thiết mới về sự mất tích của Atlantis: Ước chừng 11000 năm về trước có một tiểu hành tinh rơi xuống vùng Đại Tây Dương có đảo Atlantis từ phía tây bắc. Sau khi vào bầu khí quyển, nó vỡ thành nhiều mảnh nhỏ có lớn có. Có hai mảnh vỡ cực lớn rơi trúng vào vị trí mẫn cảm của Đại Tây Dương gây nên động đất mạnh mẽ, phun trào dung nham mãnh liệt, gây tai họa đột ngột cho Atlantis. Chỉ sau 24 tiếng đồng hồ cái đảo huyền thoại đó vĩnh viễn biến mất khỏi bề mặt đại dương, chìm xuống đáy sâu, đem theo tất cả mọi dấu tích văn hóa của một nền văn minh huy hoàng.
Theo một hướng khác nữa, nhà nghiên cứu người Mỹ tên là Robert Sarmast khẳng định đã tìm được bằng chứng cho thấy thành phố (?) trong truyền thuyết Atlantis thực sự đã từng tồn tại và hiện đang nằm dưới đáy biển Địa Trung Hải, giữa đảo Síp và Xyri. Sarmast cho biết lòng chảo Địa Trung Hải bị nhấn chìm trong một trận đại hồng thủy khoảng 9000 năm trước, kéo theo một vùng đất hình chữ nhật lớn mà ông tin là Atlantis. Vùng đó hiện ở dưới độ sâu 1,5 km, cách bờ đông nam đảp Síp 80 km. “Chúng tôi chắc chắn đã tìm thấy nó”, trong vai trò trưởng nhóm thám hiểm, Sarmast đã tuyên bố như vậy. Ông còn cho biết việc chụp định vị qua nước sâu đã tiết lộ những cấu trúc nhân tạo, trong đó có một bức tường dài 3 km, một đỉnh đồi có tường bao quanh và các rãnh sâu trên ngọn đồi đó. Sarmast nói thêm: “Chúng tôi chưa thể cung cấp bằng chứng hiển nhiên dưới dạng các viên gạch hay vữa hồ, vì các vật tạo tác này đang bị chôn vùi dưới vài mét trầm tích, những bối cảnh ở đây và các bằng chứng khác là không thể phủ nhận”. Cũng là một nhận định của Sarmast: Đảo Síp thuộc về lục địa đã mất và là đỉnh cao nhất của nó, hơn nữa, sự phát hiện của ông phù hợp hầu như tuyệt đối với những mô tả của Platon. (Đến nay, trong khi chúng ta đang viết những dòng này, không biết công việc của Sarmast tiến triển tới đâu rồi? Theo chúng ta, nếu đã giống tuyệt đối với mô tả của Platon thì có thể lại là sai!)
Gần đây thôi, một nghiên cứu nữa lại cho rằng Atlantis nằm ở phía nam Tây Ban Nha.
Vào những năm thập niên 70 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu phát hiện được một quần thể kiến trúc cổ khổng lồ ở đáy biển Đại Tây Dương. Năm 1979, phát hiện của hai nước Pháp, Mỹ khi khảo sát khu vực “Tam giác quỷ” Bermuda đã cho thấy dưới đáy biển khu vực này có một Kim Tự Tháp khổng lồ, mỗi bề dài 3000 m, cao 200m, xuất hiện sớm hơn Kim Tự Tháp Ai Cập. Nhân viên nghiên cứu còn lấy được mẫu đá dưới đáy biển sâu 800 m ngầm gần đảo Sumerius của Đại Tây Dương và xác định cách đây 12000 năm, vùng này là một lục địa.
***
Truyền thuyết Atlantis, bắt đầu từ sự hình dung của Platon, qua thêm biết bao nhiêu con người suy đoán, thám hiểm, khảo sát, rồi tranh luận, đưa ra bằng chứng, rồi lại suy đoán, rồi tuyên bố hùng hồn, rồi… nói chung là đủ cách, cho đến nay vẫn là… truyền thuyết Atlantis. Nó vẫn cứ “nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”, vẫn hoàn bí ẩn như xưa. Rồi đây, thế kỷ XXI có đủ bằng cớ xác đáng để luận “công tội” mà phán quyết nó không?!
Điều đặc biệt lạ lùng là trên thế giới, huyền thoại về một lục địa tươi đẹp bị mất tích không phải chỉ có một truyền thuyết mang màu sắc Địa Trung hải ấy.
Có một câu chuyện thế này:
Xưa thật là xưa, cổ ơi là cổ, có thể là xưa cổ nhất mà con người còn có thể nhớ được, trên vùng đại dương mênh mông mà sau này các nhà thông thái gọi là Thái Bình Dương, có một miền đất được gọi là “Đại lục Mẫu”. Đại lục Mẫu có đất đai phì nhiêu, khí hậu hài hòa nên thực vật và muông thú đua nhau phát triển, sinh sôi nảy nở. Nhờ có thiên nhiên ưu đãi như thế nên con người ở đó có cuộc sống rất ung dung, tự do tự tại. Dần dần, qua thời gian, trên Đại lục Mẫu hình thành nên một quốc gia có nền văn minh vô cùng rực rỡ, vô cùng huy hoàng. Theo truyền thuyết thì nền văn minh này được bắt đầu chí ít cũng từ 50000 năm trước.
Và cũng theo truyền thuyết thì quốc gia này có tên gọi là Mẫu La. Nhờ có nền văn minh chói lọi mà Mẫu La đã đóng được những thuyền bè cỡ lớn và chắc chắn có thể đi đến được những vùng đất lân cận và cả những vùng xa xôi. Sống trong điều kiện thiên nhiên hài hòa nên người dân Mẫu La có tính tình thuần phác, ít gây hấn. Họ đóng thuyền đi các nơi để khai thác sản vật, ở những vùng còn hoang vắng hoặc trao đổi sản phẩm với người bản xứ để chở về quê hương mình. Cũng có những đoàn thuyền đi tìm những vùng trù phú mới để định cư dài ngày và thậm chí là ở hẳn lại nhưng vẫn liên hệ với cố quốc thông qua những đoàn thuyền đến và đi. Nhờ thế mà ánh sáng của nền văn minh Đại lục Mẫu lan tỏa ra xung quanh và dần dà ra khắp thế giới. “Mẫu” có nghĩa là Mẹ, là bao bọc, dạy dỗ mà cũng có nghĩa là gương sáng noi theo, là mẫu mực, “mẫu nghi thiên hạ”. Theo quan niệm của người Mẫu La, Mặt Trời sáng soi là nguồn gốc của sự sống muôn vật, do đó mà họ coi Mặt trời là linh thiêng nhất và trên Đại lục Mẫu xuất hiện những đền đài, cung điện bằng đá uy nghi, đồ sộ để thờ, cúng Mặt Trời. Từ “La” có nghĩa là Mặt Trời, tên gọi Mẫu La chính là vì thế, và ý nghĩa thiêng liêng nhất của quốc gia Mẫu La là “Xứ sở Thần Mặt Trời”. Tục thờ thần Mặt trời mà sau này biểu hiện rải rác khắp thế giới là bắt nguồn từ sự thờ Mặt Trời của người Mẫu La, lan tỏa ra theo những đoàn thuyền viễn du của họ.
Thế rồi một ngày kia, đất trời ở vùng Đại lục Mẫu bỗng nổi cơn cuồng nộ vô tiền khoáng hậu. Đầu tiên là mặt đất rung chuyển, chao đảo dữ dội; núi phun lên một cột lửa cao ngút trời, dung nham cuồn cuộn tuôn trào ra khắp nơi, bề mặt Đại lục Mẫu bốc cháy ngùn ngụt. Tiếp đến là sóng thần cuồn cuộn dâng cao, rồi những tiếng nổ kinh thiên động địa, mây đen mịt mù che kín bầu trời. Sự hung hãn của cơn thịnh nộ ấy chẳng mấy chốc đã làm cho Đại lục Mẫu thành vô sinh và sau đó nữa là đổ vỡ, mất tích trong lòng đại dương mênh mông cho đến tận ngày nay.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là khúc dạo đầu, dữ dội nhất và có tính kịch phát của cơn thịnh nộ. Sự kịch phát ấy đã kích hoạt hàng loạt những cơn địa chấn, núi lửa hoạt động bùng phát dọc theo sống của các dãy núi dưới đáy đại dương và tại các điểm nóng, trên một qui mô lớn, làm hình thành nên lớp lớp sóng thần tàn phá khắp nơi. Không những thế, sự giải phóng một lượng nhiệt khổng lồ, vào cùng một khoảng thời gian tương đối ngắn, trong lòng đại dương đã có khả năng làm tan một phần băng ở hai cực của Trái Đất. Tập hợp những sự kiện đó chính là nguyên nhân trực tiếp của một nạn Đại Hồng Thủy toàn cầu và của một thời biển dâng tương đối đột ngột?!
Sự biến mất nhanh chóng một cách kinh hoàng và bi thương của Đại lục Mẫu đã chỉ còn là một truyền thuyết ngay từ cách đây khoảng trên dưới 6000 năm và sau đó một thời gian dài nữa, hình ảnh của nó còn lưu lại trong ký ức truyền kỳ như là một xứ sở hết sức tươi đẹp, một thiên đường trên trái đất hay còn gọi là một Địa Đàng mà ở đó, dưới ánh mặt trời vàng xán lạn là một vùng trù phú và xanh biếc quanh năm; giữa vùng xanh biếc ấy, ngay tại trung tâm có một ngọn núi hình Kim Tự Tháp cao vời vợi, đỉnh phủ tuyết trắng xóa và lấp lánh như một tuyệt tác pha lê.
Câu chuyện về sự mất tích của một lục địa từng hiện hữu đâu đó ở Thái Bình Dương, có nhiều dị bản. Nhưng cốt lõi thì không thay đổi: Có một xứ sở xán lạn mà cuộc sống con người ở đó rất sung sướng, tươi vui đã đột ngột biến mất trong cơn Đại Hồng Thủy. Điều đó đã khiến cho loài người thời cận, hiện đại chú ý, quan tâm. Nhất là các nhà khoa học, họ đã bỏ ra rất nhiều công sức để cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu, thám hiểm và tìm kiếm về tính hiện thực cũng như về sự tôn vinh của Đại lục ấy và mối quan hệ của nó với các nền văn minh khác.
Vào một ngày, năm 1772, một đoàn thám hiểm Hà Lan do đô đốc hải quân Yakob Rocheon (Rogewe) chỉ huy khi tàu chạy ở hải vực nam Thái Bình Dương, đã phát hiện một hòn đảo vô danh. Sau này vì nhớ rằng ngay sau đó là ngày Phục Sinh nên Rocheon đặt luôn cho đảo ấy là đảo Phục Sinh.
Rocheon cho tàu cặp vào và lên đảo nghỉ ngơi. Sáng sớm hôm sau, khi Rocheon còn đang ngủ say thì trợ thủ của ông vừa thở hồng hộc vừa lay ông dậy báo rằng trên đảo có một điều rất kỳ quái.
Rocheon vội vã cùng mọi người đi tới một vùng đất tương đối bằng phẳng và lập tức bị cảnh tượng ở trước mắt làm cho họ quá đỗi kinh ngạc, không nói nên lời. Đó là một dãy hơn 40 bức tượng đầu người bằng đá cao khoảng 4-10 m nặng ước chừng 30-50 tấn. Đoàn thám hiểm tiếp tục khảo sát xung quanh và cuối cùng thì phát hiện ra khoảng 300 bức tượng đầu người. Ngoài ra, tại phía đông nam đảo còn một số tượng ngổn ngang, đang trong tình trạng chế tác dang dở. Các bức tượng mặt người đó đều được đặt trên bệ đá vuông vức, đều hướng mặt ra biển cả, đều có một khuôn mặt giống nhau: khuôn mặt dài, hai mắt lõm sâu, miệng nhỏ, tai dài… và đều có đôi tay dài nhất loạt đặt trước bụng. Những khuôn mặt đá ấy toát nên cái vẻ nghiêm túc, thoạt nhìn thấy gai lạnh, dễ phát sợ, nhưng nhìn kỹ, nhất là đôi mắt hướng thẳng đến xa xăm thì lại thấy bộc lộ sự lo lắng bồn chồn và đang chờ đợi một điều gì đó từ biển cả mênh mông.
Những người làm nên những pho tượng đá cao to đó chờ đợi điều gì từ đại dương, nhất là ở hướng tây bắc, nơi đặt tượng nhiều hơn cả?
Đảo Phục Sinh cách bờ biển Nam Mỹ trên 3500 km. Đảo có dân cư gần nó nhất cũng ở cách khoảng 1500 km. Đảo Phục Sinh dài 24 km, rộng chưa đầy 18 km, xa xưa đã từng có một thời trù phú nhất định, cuộc sống của người dân trên đó (đầu tiên là người tai dài, gọi thế vì tai của họ có đeo những con súc sắc dài đến khoảng 10-15 cm; đến từ phía Đông của đảo; sau đó là người tai ngắn đến từ phía Tây; người ta cho rằng người tai dài là người da đỏ Châu Đại Dương; còn người tai ngắn là người Polynêdi, sau này người tai dài bị tuyệt duyệt vào giữa những năm 1660-1700; chúng ta ghi lại như vậy chứ chẳng hiểu thực hư thế nào?) vì thế mà đã một thời rất sung túc. Nhưng sau, có lẽ do nạn tăng nhân khẩu, đồng thời với việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên của đảo mà cuộc sống của cộng đồng người trên đó dần suy tàn đi.
Nhưng trong hai loại người đó, ai đã là người chế tác ra hàng loạt pho tượng đá đầu người khổng lồ? Chẳng phải cả hai, vì theo như nghiên cứu thì người tai dài mới đến đảo Phục Sinh khoảng năm 400 và người tai ngắn, đến đảo còn muộn hơn nhiều nữa.
Sau khi khảo sát, một nhà nghiên cứu tên là S.Hautơ đưa ra kết luận: tượng người bằng đá phát hiện được ở Pêru có diện mạo đặc trưng rất giống tượng đá khổng lồ trên đảo Phục Sinh, điều đó chứng tỏ cư dân sớm nhất trên đảo Phục Sinh phải là người Pêru.
Khi xác định niên đại nền văn hóa khắc đá trên đảo Phục Sinh, giới khảo cổ học, dùng phương pháp carbon phóng xạ (C14) để định tuổi các đống than củi còn sót lại trên đảo; đã cho kết quả là 4000 năm TCN, nghĩa là các pho tượng đá mặt người đó tính đến ngày nay độ chừng 6000 năm tuổi. Từ đó, họ cho rằng chẳng có mối liên quan nào giữa những pho tượng đá mặt người và nền văn minh của cư dân quần đảo Pôlinêxi. (Có tài liệu nói tuổi tác của các pho tượng mới khoảng 900-1000 năm!).
Thế là một giả thuyết “dựng tóc gáy” ra đời:
Khoảng 6000 năm trước, đoàn thám hiểm của người ngoài hành tinh đã dùng phi thuyền bay đến Trái Đất và nơi hạ cánh đầu tiên của họ là đảo Phục Sinh. Để đánh dấu chuyến viếng thăm, họ đã dựng nên hàng loạt tượng đá. Đánh dấu tọa độ như thế nhưng đã 6000 năm trôi qua, không hiểu vì sao họ đã không một lần quay trở lại?
Những người tạo dựng nên thuyết trên lý sự thế này:
- Trong số các tượng đá đó có một số tượng không phải đầu người mà là đầu con ếch, miệng bẹt chìa ra ngoài, mặt tròn nhìn lên trời. Trong thư tịch cổ cũng miêu tả dạng người giống với những tượng này. Họ cho rằng có thể đó là chân dung người ngoài hành tinh.
- 6000 năm trước đây, nếu có người nguyên thủy sinh sống trên đảo Phục Sinh thì cũng không có khả năng chế tác và vận chuyển các bức tượng kỳ vĩ đó, sắp xếp một cách trật tự khắp đảo được. Do đó chỉ còn một khả năng là người ngoài hành tinh với trình độ kỹ thuật siêu việt đã làm ra các bức tượng đá đó.
- Theo truyền thuyết của thổ dân vùng nam Thái Bình Dương, ở đây đã từng có người bay từ trên trời xuống đảo. Tướng mạo của giống người này hoàn toàn giống với tượng đá đầu ếch. Trên Trái Đất làm gì có kiểu người như thế? Vậy, đích thị là người ngoài hành tinh.
Chúng ta nhớ lại rằng vùng Pêru - Ecuado đã từng tồn tại một đế quốc cổ của người Inca. Việc cho rằng tổ tông của người Inca cũng chính là cùng một tộc với những người làm ra những bức tượng đá đầu người ở đảo Phục Sinh là có thể chấp nhận được và cũng có thể tổ tiên họ là những người đầu tiên đặt chân lên Châu Mỹ và định cư đầu tiên tại những vùng dọc bờ biển của Nam Mỹ, phía đông nam Thái bình Dương. Nếu thế thì tộc người đó đã đến Nam Mỹ từ rất lâu, trước cả người thuộc Châu Đại Dương và cả người Pôlinêxi, và phải sớm hơn nhiều so với 6000 năm trước đây - khoảng thời gian hình thành nên tập hợp các pho tượng đá khổng lồ. Thế thì họ đến từ đâu? Biết rằng người Inca có tục thờ thần Mặt trời, vậy, phải chăng tục đó có nguồn gốc từ Đại lục Mẫu và tổ tông lâu đời nhất của người Inca chính là người Mẫu La? Dưới đây, chúng ta sẽ “sao y bản chính” một bài báo “nhặt” được trên tờ “An ninh thế giới” số 747, ra ngày 16-4-2008, có tựa đề: “Vòng đeo cổ bằng vàng 4000 năm tuổi” của tác giả H. Dung.:
“Các nhà nghiên cứu báo cáo trên tờ báo Proceedings của Học viện Khoa học Quốc gia (Mỹ), chiếc vòng đeo cổ bằng vàng, được chế tác cách nay 4.000 năm, vừa được phát hiện tại một nghĩa trang gần hồ Tititcaca, Peru.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Mark Aldenderfer - một nhà nhân chủng học tại Trường đại học Arizona (Mỹ) - cho biết: “Đây là một khám phá cực sốc”. Ông giải thích, vào thời xa xưa, có vẻ như mọi đoàn thể cần phải có nơi chốn định cư để sản xuất của cải thặng dư từ nông nghiệp để có thể hỗ trợ cho các hoạt động như làm ra những vật trang trí. Nhưng con người sống trong vùng này (nơi phát hiện chiếc vòng đeo cổ 4.000 năm tuổi) vào thời điểm đó vẫn còn sống chủ yếu nhờ vào săn bắt hái lượm. Ông khẳng định: “Họ, những người tiền sử, đang trên bước đường chuyển dần sang sống định cư, nhưng họ chưa thực sự đến giai đoạn đó”.
Mặc dù vậy, một ai đó trong xã hội người tiền sử đã có nhiều thời gian và sự hiểu biết để tạo ra món đồ trang sức này - có lẽ theo suy nghĩ của người đó, chiếc vòng đeo cổ kia là dấu hiệu của sự quan trọng. Họ đạt được điều này nhờ vào nỗ lực của họ - tích lũy để giàu có hơn và sử dụng nhiều đồ vật để phô trương thanh thế - như thể học muốn nói: “Hãy nhìn tôi nè. Tôi là người thành đạt”.
Theo Aldenderfer, không có chứng cứ nào tại địa điểm khảo cổ cho thấy cách người xưa đã làm chiếc vòng cổ này như thế nào, nhưng trông có vẻ nó được chế tác từ vàng thô (thường thấy ở gần khu vực) đập dẹp bằng chày và cối đá. Sau đấy, có thể những miếng vàng đó được bọc quanh một mẩu gỗ rồi tiếp tục được đập cho đến khi nó có dạng hình ống. Các nhà nghiên cứu đã phục chế chiếc vòng lại - gồm 9 ống vàng nhỏ và một số mẩu đá (được xác định là lục thạch và ngọc lam) - qua những lổ nhỏ trên đó.
Đồ vật trang trí bằng vàng cổ thứ hai, có niên đại 3.500 năm, cũng được tìm thấy ở cao nguyên Peru. Scott Raymond, một nhà khảo cổ tại Trường đại học Calgary (Canada), cho biết niên đại của chiếc vòng đeo cổ này là đặc biệt sớm so với khu vực phát hiện. Heather Lechtman, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), gọi chiếc vòng đeo cổ này là một món đồ trang sức hết sức ấn tượng có niên đại 4.000 năm tuổi.”
Đối với thuyết “người ngoài hành tinh”, chúng ta thấy điều gì đó hoang đường hơn cả câu chuyện hoang đường của chúng ta nữa. Hình như chúng ta ngày nay, trong quá trình đi giải mã những bí ẩn của quá khứ, thường có những định kiến “tầm thường hóa” năng lực sáng tạo của con người cổ xưa. Do đó trước những công trình tạo tác đồ sộ, nặng nề của họ mà so với khả năng máy móc, phương tiện kỹ thuật thời hiện đại còn phải choáng ngợp, thì chúng ta thường bế tắc, không thể tưởng tượng nổi, để rồi phải tìm đến một giải đáp dễ dàng nhất cũng như khó thẩm định nhất, đó là đổ vấy trách nhiệm cho những thế lực tồn tại đâu đó ngoài Trái Đất, thậm chí là ở ngoài Thái Dương Hệ. Nếu được dịp liệt kê hết các giải đáp có nguồn gốc người ngoài hành tinh đã được đề xướng đối với các bí ẩn đủ loại và tin rằng chúng đều đúng cả thì chúng ta sẽ có cảm giác Trái Đất này như một sân bay “dân dụng”, và người ngoài hành tinh đã từng như những hành khách thông thuộc, nườm nượp đến và đi. “Nghiêm trọng” hơn, họ đến đây chẳng có mục đích gì rõ ràng, đẽo tạc một lô tượng đá, làm bằng một vùng núi, vạch vẽ nguệch ngoạc trên đó cứ như đứa con nít khổng lồ nghịch đùa rồi bỏ đi, chẳng nói chẳng rằng, chẳng tiết lộ một mảy may về gốc gác quê hương họ, dù chúng ta có cảm giác là họ ở “đâu đây”, rất gần. Ngoài ra, từ những mô tả mà chúng ta còn thấy người ngoài hành tinh không phải là chỉ có một “tộc” bởi vì đôi khi họ rất khác nhau: người thì giống ếch, người chỉ có một mắt, người có một mắt nhưng lại nằm dọc, người thì nhỏ như con nít, người lại to hơn cả đười ươi, người nào thích thì đóng bộ du hành sang trọng, người không thích thì chả mặc gì (nhưng không thấy bộ phận sinh dục đâu cả!)… Tuy nhiên, điều “quí hóa” nhất là hình như họ và chúng ta có một tổ tiên chung: vì đều là hình nhân cả, nghĩa là đều xuất phát từ một giống khỉ nào đó ở Trái Đất hoặc ở “khu vực” mà họ thường trú.
Người ta chế tác ra những pho tượng đầu ếch làm gì? Có lẽ nên coi đó là công việc phụ, tiện thể làm thêm mà thôi. Nhưng tại sao lại là con ếch mà không phải là con vật nào khác? Vì có thể theo quan niệm của họ, ếch là một “vật linh”, sự biểu hiện nào đó của nó, tiếng kêu chẳng hạn, thường đưa đến điềm lành như mưa thuận gió hòa chẳng hạn. Hình tượng con ếch ngẩng mặt nhìn trời là thể hiện “lời cầu cứu” đến tận trời xanh của những người tạc nên nó chăng?
Hồi còn nhỏ, gần gũi với thiên nhiên hơn, chúng ta vẫn thường xuyên vui đùa với con cóc và biết rằng mỗi khi cóc “nghiến răng” kèn kẹt là trời, dù đang oi nồng, thì rồi một lát cũng sẽ đổ mưa. Người Việt Nam thường lạy trời nhưng cũng có khi là vái “ông Cóc” kêu trời làm mưa. Đối với họ, cóc đã là một con vật linh:
“Con cóc là cậu ông Trời
Hễ ai đánh nó thì Trời đánh cho”
Hiện tượng chọn một con vật nào đó làm linh thần là rất bình thường trên thế giới. Như nước ta thờ rùa mà suy ra rùa là hình ảnh của người ngoài hành tinh thì thật là… oan cho con rùa quá!
Có thể còn khó hình dung và còn trong vòng bí ẩn về quá trình tạo tác, di dời, đặt dựng các pho tượng đầu người ở đảo Phục Sinh, nhưng chúng ta tin tổ tiên của người Inca (là người Mẫu La đã định cư ở đó) chính là tác giả. Nếu ai đó giải mã được công trình tạo dựng ở đảo Phục Sinh thì rất có thể dễ dàng hiểu được cách thức tạo dựng các kim tự tháp ở Nam Mỹ cũng như ở Ai Cập và những công trình đồ sộ bằng đá đại loại như vậy (chẳng hạn là đền ĂngCo ở Campuchia). Vì có khả năng chúng cùng dựa trên một phương thức chung. Theo như thiển ý của chúng ta thì cái phương thức chung ấy, dù có được thể hiện dưới một dạng cụ thể nào đó tài tình đến mấy chăng nữa thì cốt lõi vẫn là làm sao giảm được sức nặng khủng khiếp của khối đá đè lên vai con người, nghĩa là phải giải quyết được việc giảm thiểu hoặc triệt tiêu tạm thời lực hút của Trái Đất lên vùng trọng tâm hoặc một vùng nào đó của khối đá (phân tán lực!).
Trong một sách khác, chúng ta còn sưu tầm được một câu chuyện nữa. Truyền thuyết của người Inca kể rằng, ngày xưa có ông Thần tuổi già Vilacohas (người biết bay) đã sáng tạo ra thế giới, thế giới khi ấy còn mịt mù. Ông đã dùng đá tạc nên một đám người khổng lồ. Do đám người này trêu tức ông ta, ông ta bèn đem tất cả chúng dìm xuống biển sâu, làm cho chúng không bao giờ thoát ra được. Rồi sau đó, Thần tuổi già cho Mặt Trăng và Mặt Trời mọc lên từ hồ Titicaca. Từ đó Trái Đất mới có ánh sáng. Ông sáng tạo ra con người, đưa từng nhóm tới các nơi trên đất liền, dạy cho họ nghệ thuật và ngôn ngữ. Sau khi hoàn tất công việc, Thần tuổi già bèn cùng hai tùy tùng đi đến các nơi để xem những lời răn dạy của mình có được tuân thủ hay không, thi hành đến đâu. Ông đóng giả thành ông già men theo dãy núi Andes, ngao du dọc bờ biển. Vì liên tục nhận được sự đối đãi thô bạo nên Thần tuổi già nóng giận bừng bừng, muốn thiêu hủy tất cả. Mọi người thấy vậy, vội vã cầu cứu, mong Thần tha thứ. Ông bèn dập tắt lửa. Về sau Thần tuổi già biến vào biển cả, và dặn rằng sẽ còn quay trở lại. Để tỏ lòng biết ơn, mọi người đã xây dựng miếu thờ ở khắp nơi. Khi người Tây Ban Nha đến vùng đất này, họ còn được nghe rất nhiều câu chuyện có nhắc đến lời hứa quay lại của “con Thần Mặt Trời”.
Con Thần Mặt Trời có phải là người của Đại Lục Mẫu?
Có thuyết nói rằng khoảng từ 20000 - 12000 năm về trước, ở miền nam Thái Bình Dương mênh mông đã từng có một đại lục mà ngày nay đã không còn hình bóng nữa. Đảo Phục Sinh ở gần lục địa này.
Và dưới đây là câu chuyện nghe rất “người thật việc thật”. (Nhưng biết đâu chỉ là câu chuyện thật về một truyền thuyết):
Năm 1868, ở Ấn Độ xảy ra nạn đói trầm trọng làm xã hội biến động. Lúc đó, nước Anh đã thống trị Ấn Độ, gửi thêm quân sang để tăng cường trật tự trị an. Trong đội quân đó, có một sĩ quan lục quân trẻ tên là Giêm Gioocgiơ. Anh ta là người đặc biệt yêu mến nền văn hóa phương Đông. Một lần, Gioocgiơ đang ngồi ngắm bức phù điêu trên tường thì có vị cao tăng đến gần nói: “Đó không phải là đồ trang trí bình thường mà là một bản văn tự”. Rồi vị cao tăng dạy anh ta cách đọc. Từ đó Gioocgiơ trở thành học trò và là bạn tri âm của vị cao tăng nọ, học được chữ viết tượng hình và đọc được các thư tịch cổ.
Sau này họ phát hiện được một bức địa đồ trong một nơi lưu giữ bí mật của nhà chùa. Trên bức địa đồ đó có khắc ghi những câu chuyện huyền bí về thế giới cổ xưa. Sau hai năm miệt mài nghiên cứu, họ đã giải nghĩa được nội dung những điều ghi chép trên đó. Đó là một câu chuyện rất xa xưa, chưa ai từng nghe tới, về một vùng đất gọi là Đại Lục Mẫu.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện lạ lùng đọc được từ bức địa đồ, Gioocgiơ đã đi thăm các chùa ở Ấn Độ, Thái Lan và đến cả quần đảo Thái Bình Dương để tham khảo các truyền thuyết có liên quan. Với kết quả rút ra được từ các quá trình khảo sát đó, anh ta đã khẳng định niềm tin rằng trên Thái Bình Dương thực tế đã từng tồn tại Đại Lục Mẫu. Không chỉ có đảo Phục Sinh mà các đảo và quốc gia ven bờ Thái Bình Dương đều lưu truyền câu chuyện “Mẫu quốc mất đi”. Ở Tây Ban Nha và Bảo tàng Delhi vẫn còn cất giữ những ghi chép nói về đại lục này. Những ghi chép viết bằng chữ Maya, chỉ là bản thảo, nguyên tác của chúng hoàn toàn giống với bức địa đồ của thánh sứ…
Gioogiơ đã đem hết tâm huyết của quãng đời còn lại để viết cuốn sách “Đại lục đã mất”, xuất bản năm 1926. Trong đó ông đã miêu tả một cách tỉ mỉ về Đại Lục Mẫu.
Đại Lục Mẫu là miền đất rộng lớn trên Thái Bình Dương, tại vị trí mà phía tây là quần đảo Mariana, phía đông là quần đảo Haoai, phía nam là quần đảo Figi, Taoati và đảo Phục Sinh. Từ đông sang tây, toàn đại lục dài 9000 km, từ nam đến bắc rộng khoảng 7000 km, tổng diện tích ước chừng trên 45 triệu km2, dân cư thời phồn thịnh không dưới 65 triệu người. Đây là nơi rất đẹp và giàu có, sản vật phong phú. Nhiều sắc dân ở các vùng lân cận cũng đã từng an cư lạc nghiệp ở đây. Người ở Đại lục Mẫu thờ phụng Mặt Trời như một vị thần tối cao, lấy bảy con rắn làm biểu tượng sáng tạo ra Vũ Trụ. Cộng đồng người ở đó tồn tại như một quốc gia thống nhất gọi là Mẫu La. Thủ đô được gọi là Hiranibla. Thủ đô và các thành phố lớn của Mẫu La đều lấy màu vàng rực rỡ để trang hoàng cho các tường thành và cung điện (sự mô tả này giống chùa chiền đâu đó ở Thái Lan, Miến Điện quá!).
Trên Đại Lục Mẫu lúc đó, con người đã sử dụng lửa thuần thục, có văn tự riêng, đã chế tạo ra đồ gốm, hàng dệt; hội họa và điêu khắc đã đạt được trình độ nhất định. Nghề đánh cá ở quốc gia Mẫu La đã trở thành truyền thống, rất phát đạt. Người Mẫu La đã chế tạo được những con thuyền cỡ lớn để phục vụ cho các cuộc hành trình xa xôi và trong thực tế, họ đã đi hầu hết các nơi trên thế giới. Kỹ thuật tác tạo đá của họ đã đạt đến trình độ cao, có thể làm được các công trình bằng đá, đồ sộ tương tự như Kim tự tháp Ai Cập.
Từ Đại Lục Mẫu, đã từng có những đoàn thuyền đông đảo hành trình đi tìm những vùng đất trù phú mới để đưa người định cư lâu dài ở đó để khai thác tài nguyên thiên nhiên. (Chính họ đã lần đầu tiên làm hình thành nên những con đường lưu thông trên biển; tàu thuyền của họ liên tục đi về trên những tuyến hải trình này để chở sản vật về mẫu quốc cũng như sản phẩm dùng để trao đổi với người bản địa hoặc tiếp tế lương thực thực phẩm cho những vùng mới đưa người đến định cư, và như vậy, từ yêu cầu về định hướng hành trình giữa bao la biển cả, người Mẫu La cũng là những con người đầu tiên ngước lên bầu trời đêm quan sát và tìm hiểu sự vận động của các vì sao). (Phần viết trong ngoặc đơn là ý kiến phụ họa thêm của chúng ta).
Những đoàn thuyền đi về phía đông đã cặp bờ Nam Mỹ, định cư và dần phát triển thành tộc người sớm nhất ở đó. Những đoàn thuyền đi về phía tây thì đổ bộ dọc bờ biển phía đông, từ bắc đến nam châu Á, lên cả các quần đảo thuộc Đông Nam Á (hòa hợp với những tộc người bản địa làm hình thành nên một vành đai tiền đề văn minh mới. Có thể nghĩ rằng, do một số điều kiện thuận lợi hơn nào đó chẳng hạn như về thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu mà bộ phận vành đai gọi là vùng Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, đã có những mặt phát triển vượt trội hơn về trình độ văn hóa)…
Một hôm, biển cả dâng trào, chìm mất tích xứ thần tiên ấy. Đại Lục Mẫu bị chìm lấp, đến nay ít ra cũng đã khoảng 12000 năm!
Đó là nội dung của “truyền thuyết Gioocgiơ” (có sự thêm thắt của chúng ta!).
Đồng thuận với quan niệm của Gioocgiơ (có nguồn gốc từ thư tịch cổ của Ấn Độ), nhà chủng học người Mỹ, tiến sĩ Yanmus Quisiwa (nghe tên thì cứ như người Nhật ấy!?) đã có những bổ sung và điều chỉnh nhỏ. Theo như ông chứng minh thì Đại Lục Mẫu là cái nôi văn minh của loài người, xuất hiện từ 50000 năm trước đây. Cũng theo Quisiwa: phía đông Đại Lục Mẫu là vùng quần đảo Pôlynêxi (trong đó có đảo Phục Sinh), phía tây tiếp giáp với Philipin, phía bắc giáp với Haoai; diện tích đại lục tương đương với Nam Mỹ, phần lớn đại lục là bình nguyên, phù hợp với nghề trồng trọt và chăn nuôi. Người dân xứ Đại lục Mẫu đã xây dựng nhiều kiến trúc đồ sộ, trong đó có những tượng đá lớn đặt khắp nơi. Thảm họa xảy ra đã nhấn chìm hầu hết đại lục. Riêng đảo Phục Sinh, một góc nhỏ nhoi ở ngoại vi địa lục đã may mắn còn lại. (Thật là hi hữu!!!).
Chắc rằng Đại Lục Mẫu đã là nỗi ám ảnh rất sâu và lâu dài đối với tâm trí của con người Châu Á nguyên thủy cho nên chúng ta mới có cái cảm giác nó luôn lẩn khuất, lúc ẩn lúc hiện đâu đó trong kho tàng các huyền sử và truyền thuyết của họ. Hình bóng của một thời cội nguồn huy hoàng, đã mất trong một tai ương nước - lửa, trời long đất lở, cứ bàng bạc trong các câu chuyện truyền kỳ về thời khai sinh lập địa. Trong “Xung hư chân kinh” của Liệt Tử có câu chuyện về núi Cô Xạ (Liệt Cô Xạ Sơn) mà trong trạng thái hoang tưởng như lúc này đây, chúng ta dễ liên tưởng đến xứ sở thần tiên Đại Lục Mẫu. Câu chuyện đó, theo Nguyễn Hiến Lê dịch, kể như sau:
“Dãy núi Cô Xạ ở Hải Hà Châu (một đảo ở giữa biển, theo huyền thoại trong “Sơn Hải Kinh”). Trên núi có thần nhân hít gió uống sương (mà sống) chứ không ăn ngũ cốc. Lòng họ như dòng suối sâu, thân thể họ như gái tân.
Họ không thiên vị, không yêu riêng ai. Tiên thánh là bề tôi của họ. Họ không sợ, không giận. Sứ giả của họ là những người trung hậu, thuần phác. Họ không ban ân huệ, mà mọi vật đều tự túc; không thu nhặt gom góp mà không thiếu thứ gì. Âm dương luôn luôn điều hòa, mặt trăng mặt trời luôn luôn sáng tỏ, bốn mùa bao giờ cũng thuận, gió mưa bao giờ cũng hòa; vật thực cứ đúng thời mà có, mùa màng năm nào cũng trúng, đất cát không bị thương tổn, người không chết yểu, vạn vật không bị bệnh tật, quỷ không xuất hiện, hết linh”.
Tiếp theo là câu chuyện kể của nhà làm phim Michael Wood về một địa danh là Shangri-la, xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Chân trời đã mất” (Lost horizon) xuất bản năm 1933 mà tác giả là James Hilton:
Shangri-la là một vùng đất trong một thung lũng hẻo lánh ở đâu đó trong vùng núi thuộc dãy Himalaya hùng vĩ, được mệnh danh là nóc nhà thế giới. Nó được cai quản bởi một vị lạt ma 200 tuổi là Capuchin. Shangri-la được mô tả như là một thiên đường ở trần gian, nơi có thể ẩn náu để trốn tránh những âu lo của văn minh hiện đại.
Nhưng cái vùng đất thanh bình và linh thiêng đó hư hay thực? Nó chỉ là sự sáng tạo đơn thuần hay Hilton đã dựa vào một “thực tại” đâu đó để làm nguồn cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết của mình? Để trả lời những câu hỏi đó, Wood đã làm một cuộc hành trình (kiểu du lịch) đến Tây Tạng.
Giống như tất cả các câu chuyện vĩ đại trên thế giới này, các câu chuyện hoang đường không bao giờ tự nhiên mà có. Cuộc xâm lăng của nước Anh vào năm 1904 đã làm tăng thêm sự chú ý của phương Tây về khu vực Tây Tạng. Ý niệm về việc tồn tại một thế giới cổ xưa được thiết lập trên những giáo lý hòa bình của Phật giáo đã bắt đầu tạo nên sự mê hoặc mạnh mẽ và được kích thích hơn nữa bởi những nhà nghiên cứu thần học như Annie Besant và Nicholas Poerich. Những tấm hình chụp cực kỳ rõ nét về quang cảnh và đền đài vùng tây Tây Tạng công bố năm 1932 cùng với cuốn “Chân trời đã mất” đã góp phần làm tăng thêm tính kì bí huyền thoại của nơi đó. Nhưng thực ra, câu chuyện hoang đường về một vương quốc thất lạc trong vùng này, lần đầu tiên được phương Tây chú ý đến đã xảy ra trước đó bốn thế kỷ, và giống như nhiều câu chuyện hoang đường về một kho tàng mất tích, nó cũng khởi đầu bằng một bản đồ cổ đầy bí ẩn.
Cách đây khoảng 100 năm, một bản viết tay khác thường đã được phát hiện ở Cancutta. Nó chứa đựng tự truyện của một nhà truyền giáo phương Tây khi ông đang có mặt tại triều đình của vua Akbar, vương triều Moghul vào những năm 1580. Ở Ấn độ vào thời ấy, vua Akbar đã chiêu mộ nhiều học giả từ nhiều quốc gia về qui tụ dưới trướng, hy vọng tìm ra một nền tảng chung cho toàn bộ các tôn giáo để loại bỏ đi những mâu thuẫn vì lợi ích nhân loại. Ông nói: “Không thể khẳng định chân lý của người này thì đáng tin cậy hơn chân lý của người kia. Khi suy nghĩ được như thế, chúng ta có thể một lần nữa mở được cánh cửa mà chìa khóa của nó đã bị mất.”
Mặc dù là tín đồ đạo Hồi, vua Akbar vẫn yêu thích “trí tuệ bất diệt” trong những vấn đề của Ấn giáo. Ông từng cử một đoàn thám hiểm đi tìm hiểu cội nguồn của con sông Hằng thần thánh, và họ trở lại với những thông tin về một thế giới Hymalaya tĩnh mịch, nơi chỉ có những người tu khổ hạnh và những nhà hiền triết…
Chính trong sân triều của vua Akbar, người phương Tây lần đầu tiên được nghe về những gì nằm phía sau những rặng núi và cũng chính tại thời điểm đó, khái niệm về Tây Tạng mới bắt đầu xuất hiện trong nhận thức của người châu Âu. Tuy nhiên họ không tin những chuyện nghe kể. Những vị tu sĩ này hay thích kể lại những câu chuyện cực kỳ hoang đường! Họ lại còn cho rằng, phía sau dãy Hymalaya có một bình nguyên rộng lớn có người sống”, một nhà truyền giáo dòng Tên, cha Monserrate cũng có mặt khi đó đã viết như vậy. Ông tốc ký những điều nghe được, tóm tắt chúng trên một bản đồ mà sau này người ta đã tìm thấy ở Cancutta như đã nói. Một nhà lái buôn theo đạo Hồi cũng có mặt ở đó, tuyên bố rằng ông biết rõ vùng đất đó, đã đến tận nơi, đó là một vương quốc đông dân cư và có tên là Shambala.
Shambala hay Shangri-la? Khi sáng tạo ra cái tên Shangri-la, Hilton đã từng nghe về Shambala? Rất có thể là như thế. Nhưng có một điều bất ngờ là cái tên Shambala lại xuất hiện đầu tiên trong kinh sách Phật giáo Tây Tạng. Trong đó Shambala xuất hiện như một khái niệm thần thoại, một đích nhắm về mặt tâm linh hơn là về mặt địa lý. Bất ngờ hơn nữa, trong kinh sách đó, Shambala là câu chuyện huyền thoại Tây Tạng nói về một vùng đất nằm phía sau dãy Hymalaya, nơi con người sống thanh bình và hòa hợp, trung thành với những giáo lý nhà Phật; một miền đất màu nhiệm núp dưới bóng của một ngọn bạch sơn kỳ vĩ; là một vương quốc mà ở đó trí tuệ của loài người được cất giữ để tránh khỏi những tàn phá và mục nát bởi thời gian.
Đây là những gì một vị Đạt Lai Lạt Ma nói về Shambala:
“Ngày nay, không ai biết Shambala ở đâu, mặc dù nó vẫn tồn tại. Người ta không thể nhìn thấy nó hoặc giao tiếp với nó bằng những cách thông thường”.
Nhiều đạo sĩ đã miêu tả con đường đi đến Shambala, nhưng tất cả đều khẳng định rằng chỉ có những người được giác ngộ, đã dứt bỏ được những ham muốn trần tục và phải có một niềm tin tuyệt đối vào sự tồn tại của nó mới có khả năng đến được.
Giáo lý thần thánh nhất của Shambala được gọi là Đại Thời Luân (Great Circle of Time). Giáo lý này có nguồn gốc từ thời xa xưa rất lâu trước khi đạo Phật thịnh hành. Nó nói về một lời tiên tri rằng một ngày nào đó, con người vì lòng ích kỷ và sự u mê sẽ tự tay mình hủy diệt chính Trái Đất này…, nhưng đồng thời cũng nói rằng vào lúc đó, con người cũng nhận ra chính tham vọng của mình là nguyên nhân chủ yếu của toàn bộ bệnh tật. Sau đó, vua của Shambala sẽ cai quản toàn bộ loài người và thời đại hoàng kim sẽ đến, khi cuối cùng, trí tuệ cũng được tôn vinh trên trái đất.
Ngọn “bạch sơn kỳ vĩ” chính là ngọn núi có tên gọi thông dụng là Kailash. Trải qua nhiều thế kỷ, hình dáng kỳ lạ của ngọn Kailash hoàn toàn biệt lập với phần còn lại của dãy Hymalaya, đã hun đúc nên một sự tưởng tượng đặc biệt. Nó có hình dáng của một khối tháp nhọn pha lê hoàn hảo.
Người bên ngoài đầu tiên ngắm nó mà chúng ta biết được là Italian Desideri. Vào năm 1715, khi nhìn thấy nó, ông ta đã thốt lên: “Trong vùng hoang mạc cằn cỗi, khủng khiếp và bao la này, đứng sừng sững một ngọn núi khổng lồ luôn luôn được mây vây phủ, tuyết và băng đá trùm kín. Cái hoang vắng, độ dốc cùng với cái lạnh tàn nhẫn thật sự gây ra nỗi ngán sợ…”
Ngọn Kailash xám sẫm vươn thẳng lên từ vùng bình nguyên vàng theo hình dáng kim tự tháp với chỏm tuyết lấp lánh một cách kỳ quái, hiện thị rõ trên mặt phía nam của nó là những vệt nằm ngang lạ lẫm, là lý do nó nhận được một cái tên trong nhiều tên: “Ngọn núi chữ vạn chín tầng”. Đối với đạo Jaina, đạo Phật, đạo Hindu… đây là vị trí trung tâm, đại diện cho vẻ đẹp và huyền thoại suốt hàng ngàn năm qua. Đối với đạo Hindu, nó là nơi cư trú của thần vĩ đại Shiva và luôn được coi như ngọn Tu Di. Nó vừa là ngọn núi tưởng tượng tại trung tâm vũ trụ trong thần thoại Hindu, và là ngọn núi pha lê cạnh hồ sen trong huyền thoại Shambala của người Tây Tạng. Giữa các ngọn núi với nhau, ngọn Everest có thể cao hơn, nhưng trong những sự so sánh về tính huyền thoại thì ngọn Kailash luôn đứng đầu.
Người dẫn đường cho Wood, ông Tsewang cũng kể về Shambala, và gọi Kailash là ngọn núi thần thánh. Ông nói: “Cha tôi tin rằng Trái Đất thì phẳng. Ông ta dạy tôi rằng Kailash là biểu tượng trần gian của ngọn núi Tu Di trên thiên đường và nó nằm ngay trung tâm Vũ Trụ. Tôi không bao giờ tranh luận với ông về điều ấy và cũng không bao giờ thử thay đổi những quan điểm của ông về Vũ Trụ. Điều đó thật ngạo mạn và xấc xược.”
Cuộc hành trình đã đưa Wood đến nơi cuối cùng của câu chuyện huyền thoại:
“Chúng tôi nhìn không chớp mắt những tòa lâu đài cao ngất của thành phố Tsaparang, chúng dường như được tạc bởi những khối đá rắn của một ngọn núi nguyên khối đứng riêng rẽ. Chúng tôi nhìn trân trối với sự ngạc nhiên không cùng và không thể nào tin được vào mắt mình. Trong sự tĩnh mịch và cô độc vĩ đại của một thành phố bỏ hoang và trong những sảnh thờ bí ẩn mờ mờ, những gì trải qua về mặt tâm linh và những thành tựu của biết bao nhiêu thế hệ dường như đã được diễn đạt thành những hình ảnh huyền bí. Những ngôi nhà đền dường như được nâng lên khỏi dòng chảy của thời gian.”
Xưa kia, Tsaparang là thủ phủ của vương triều Guge. Vương triều Guge đã từng tồn tại cách đây 700 năm. Cuộc vây hãm định mệnh lần cuối cùng vào năm 1685 đã kết thúc nó, khi quân của vương triều Ladakhic, láng giềng cùng với quân đánh thuê Muslim tiến đến thung lũng Sutlej. Một lâu đài vụn nát khổng lồ sau cuộc vây hãm vẫn trơ ra đó đến tận ngày nay.
Ngôi thiền viện vĩ đại nhất của vương triều Guge nằm ở phía tây, chính là cái mà ta có thể xem như là căn nhà mẫu của Shambala / Shangri-la trong những ngày cuối cùng tồn tại của nó. Tsaparang và ngôi đại thiền viện Toling chắc chắn rằng đã nằm trong trí của Hilton khi ông sáng tạo ra Shangri-la. Ông đã biến ngôi đền Đạt ma đó thành một hỗn hợp giữa Cơ đốc giáo, thiên về tính cách phương Tây, với vị Lạt ma 200 tuổi Capuchin. Có lẽ điều quan trọng và thú vị hơn là: Vương triều Guge cũng có thể là khuôn mẫu lịch sử cho vùng đất huyền thoại Shambala.
Câu chuyện của Wood kết thúc bằng trích đoạn sau đây, từ cuốn “Chân trời đã mất”:
“Chúng ta có một giấc mơ và một sức tưởng tượng”, vị Lạt ma nói với chúng ta, “Những vật đẹp nhất là tạm bợ và có khả năng tan biến; chiến tranh, dục vọng và sự hung tàn sẽ nghiền nát chúng cho đến khi không còn lại gì trên thế giới này. Đó là lý do tại sao Shangri-la lại có mặt tại đây: để vượt qua được nỗi bất hạnh đang qui tụ dần từ mọi phía…, để bảo tồn trí tuệ của con người mà đến một lúc nào đó, họ sẽ cần đến khi những tham vọng tàn bạo của họ đã qua đi…”
Truyền thuyết về vùng đất Shambala huyền thoại và ngọn núi Kailash kỳ vĩ là ước mơ tuyệt đẹp của con người hay là sự biểu hiện của hoài niệm về một Địa Đàng có thật của thời rất đỗi xa xưa: Đại Lục Mẫu cùng với kim tự tháp thiên nhiên, hùng vĩ và lấp lánh như pha lê dưới Thần Mặt Trời, có tên là Tu Di của nó?! Câu trả lời của chúng ta, một lần nữa, chỉ có thể là: đúng cả hai!
***
Đến đây (sau một hồi lang thang tứ xứ!) chúng ta tin rằng trên Trái Đất này đã từng có một thiên đường đúng nghĩa: thiên nhiên tươi sáng, xứ sở biếc xanh, một cuộc sống sung túc, lòng người thuần phác hiền hòa, cùng làm cùng ăn, biết cảm thông chia sẻ; không có ích kỷ tham lam nên cũng không có tàn nhẫn hận thù; hoa trái trù phú và chim trời cá nước dồi dào nên cũng chẳng có chuyện lấy xâu xé chém giết lẫn nhau làm lẽ sinh tồn. Thiên đường đó đích thị là Đại Lục Mẫu! Và nó đã mất trong một lần Đại Hồng Thủy.
Nhưng nếu Đại Lục Mẫu không mất đi bởi thiên tai thì lịch sử loài người sẽ ra sao? Thì nền văn minh của nó vẫn cứ phải mất đi để hình thành nên những nền văn minh mới, có thể là sự phân bố sẽ khác đi, nhưng đại loại thì cũng tương tự như đã xảy ra trong thực tế. Con người tư duy với đủ những tính khí thất thường là không thể đoán trước được, nhưng đối với loài người, vì thoát thai từ tự nhiên và có tư duy là nhờ tự nhiên hun đúc, nên tiến trình lịch sử của nó phải phù hợp với tự nhiên, tuân theo tự nhiên và như thế, có thể đoán trước được.
Thế còn lục địa Atlantis? Chúng ta cũng tin rằng đó là một thiên đường có thực ở trần gian, tồn tại cùng thời với Đại Lục Mẫu. Nhưng vì chỉ cần có được một thiên đường trần gian hay gọi là Địa Đàng thôi, đối với ước mơ của loài người đã là quá sức rồi nên chúng ta cho rằng Đại Lục Mẫu hay Lục địa Atlantis chỉ là hai cách gọi về một cõi thần tiên duy nhất.
Chúng ta dù dốt về ngôn ngữ nhưng có thể thấy rằng Địa Đàng đã tồn tại rất sâu trong dĩ vãng trước khi nó được mang cái tên Đại Lục Mẫu hay Atlantis. Vậy thì trước khi được hậu thế đặt cho những cái tên theo ngôn ngữ “địa phương” đó, nó mang tên gì? Chắc là một cái tên chung nào đó, được phiên ra từ chính ngôn ngữ mà nó có và có nghĩa là Xứ Sở Mặt Trời chăng? Thôi, chẳng hệ trọng gì, chúng ta cứ tạm gọi tên nó là Địa Đàng. Như chúng ta cũng thấy, tất cả những “thanh danh” như Thầy Cãi gàn dở, Nhà Thông Thái ngu ngơ, Ông Hoang Tưởng lẩn thẩn, Đấng Ba Đá lập dị, đều chỉ là những nhãn mác khác nhau gán cho một gã vô công rỗi nghề. Đơn giản thế thôi, nhưng đến ngàn sau biết đâu chừng các nhà nghiên cứu lại cho rằng đó là bốn chàng dũng sĩ oai hùng, chu du thiên hạ để cứu nhân độ thế, thậm chí có người còn dựng nên cả học thuyết với đầy đủ bằng chứng về bốn kẻ lạc loài, có dòng máu của người ngoài hành tinh!...
Atlantis là do Platon nghĩ ra khi cho rằng nó thuộc về Atlantic (Đại Tây Dương). Chúng ta có quyền hỏi, thế thì thời đó Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã có tên gọi chưa? Cái nghĩa nguyên thủy của Atlantic là gì, phải chăng là “biển ngoài” để phân biệt với “biển trong” là Địa Trung Hải; hay cũng có thể để phân biệt về qui mô thì có nghĩa là “biển lớn” (great sea)? Nếu thuở ban đầu chỉ có tên gọi là “biển lớn” thôi thì “biển lớn” phải bao gồm tất cả đại dương, trừ Địa Trung Hải và thêm nữa là Biển Đỏ. Với nghĩa ấy thì Lục Địa Atlantis có nghĩa là Lục Địa ở Biển Lớn và không nhất thiết phải ở vùng Đại Tây Dương, (nhất là thời đó chưa ai có khái niệm về Châu Mỹ cả!).
Nếu Atlantic nằm đâu đó ở Đại Tây Dương và đã từng là cầu nối giữa vùng Địa Trung Hải với Châu Mỹ để hình dáng kim tự tháp ở hai nơi được giống nhau thì từ lâu, đối với con người cổ đại ở Địa Trung Hải (Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà cổ đại…) đã phải được biết đến, nghe đến, dù sau này có thể là từ truyền thuyết về sự hiện diện của Châu Mỹ. Vậy, trong thực tế, có xảy ra như thế không? Chắc là không, vì nếu thế, hiền triết Platon đã thể hiện ra khi nói về vị trí địa lý của Atlantis.
Đã nhiều người nói đến vị trí của Địa Đàng. Hợp lý hơn cả vẫn là hai ý kiến (mà thực ra là một) mà chúng ta đã từng nói tới ở trên. Nhưng tại sao nó lại ở đúng vị trí ấy mà không thể ở vị trí nào khác trên các đại dương? Phải chăng đó là định mệnh của Địa Đàng? Có lẽ chúng ta phải đặt câu hỏi này cho Trái Đất!
Trước câu hỏi “tầm cỡ” của chúng ta, Trái Đất cười hềnh hệch:
“Tiên sư bố chúng mày, biết gần hết về ông rồi mà còn giả vờ hỏi!... Cút về mà hỏi cái đám “Địa kiến tạo học” ấy, chúng nó chỉ cho!”. Thật là giận đến tái người, nhưng “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, vả lại, nghĩ cũng đúng, Trái Đất vất vả “đầu tắt mặt tối”, chạy hùng hục quanh năm xung quanh Mặt Trời cưu mang chúng ta, không lẽ nào lại làm Trái Đất “khổ” thêm chỉ vì một câu hỏi tầm cỡ như vậy, nên chúng ta lủi thủi… chẳng đi đâu cả (làm sao mà rời khỏi Trái Đất được?), chỉ chui đầu vào “Địa kiến tạo học”, không phải để học (vì có biết gì đâu mà học!) mà là để ngửi hương, ngắm hoa một chút.
Tiền thân của thuyết “Kiến tạo mảng” ngày nay là thuyết “Lục địa trôi dạt”.
Vào năm 1596, nhà vẽ bản đồ người Hà Lan là Abraham Ortelius, lần đầu tiên đưa ra ý kiến cho rằng các lục địa không ổn định mà có hiện tượng xê dịch. Ông gợi ý rằng châu Mỹ bị “tách ra khỏi châu Âu và châu Phi… bởi những trận động đất và những trận lụt”; “những vết đứt gãy cho thấy điều đó, nếu ta nhìn vào bản đồ thế giới và xem xét kỹ bờ biển của ba lục địa ấy”. Tư tưởng của ông bị lãng quên đến mãi thế kỷ XIX mới được nhắc lại. Đến năm 1912, ý kiến của Ortelius mới được các nhà khoa học chú tâm xem xét và nhà khí tượng học người Đức tên là Alfred Lothar Wegener (1880 - 1930) đã đề xuất thuyết “Lục địa trôi dạt”, được giới thiệu trong hai bài báo. Ông cho rằng trước đây, tất cả các lục địa đều gắn kết với nhau (tạo thành một mảng lớn duy nhất gọi là siêu lục địa; cách đây vào khoảng 200 triệu năm, siêu lục địa bắt đầu quá trình chia tách và đạt được các vị trí như ngày nay.
Lý thuyết của Wegener có một phần dựa trên ý kiến của Ortelius, một phần dựa trên những kết quả thu được từ quan sát địa chất cũng như khảo cổ sinh vật. Wegener chỉ ra rằng những cấu trúc địa chất cũng như mảng thực vật và động vật hóa thạch được tìm thấy rất giống nhau tại vùng bờ biển Nam Mỹ và châu Phi vốn cách nhau rất xa bởi một Đại Tây Dương ngày nay. Theo ông, về mặt tự nhiên, hầu hết các sinh vật này không thể bơi hoặc được vận chuyển qua đại dương mênh mông như thế; sự có mặt của các loài hóa thạch giống nhau dọc theo những khu vực bờ biển của châu Phi và châu Mỹ là bằng chứng thuyết phục nhất cho giả thuyết rằng các lục địa này có một thời tiếp giáp nhau.
Tuy nhiên, thuyết Lục địa trôi dạt, như một lẽ thường tình, cũng chịu nhiều ý kiến phản bác. Nghiêm trọng là Wehener đã không trả lời được thắc mắc: lực nào đủ mạnh để có thể di chuyển một khối đá khổng lồ trong một khoảng cách xa như vậy và nếu cho rằng nó “cày” một cách giản đơn trên nền đáy biển thì đáng lẽ phải bị gãy vỡ ra theo đúng luật tự nhiên chứ?
Quyết tâm bảo vệ thuyết của mình, ông đã dành phần đời còn lại đi tìm bằng chứng bổ sung. Rất buồn là vào năm 1930, trong một lần tìm kiếm như thế - chuyến thám hiểm băng qua mỏm băng ở Greenland, ông đã bị chết cóng. Dù sao thì thuyết “lục địa trôi dạt” đã tròn vai lịch sử của nó, đã góp phần xứng đáng trong quá trình nhận thức của con người về vận động nội tại Trái Đất; và nó sống mãi, luôn có mặt trong bài học đầu tiên của “Địa kiến tạo học”. Nói theo cách của nhà vật lý học Galillê: dù sao thì lục địa vẫn trôi (nhưng trôi với một kiểu thức dị thường!)
Sau khi Wegener mất, quan điểm của ông vẫn được A. Du Toit (Nam Phi), và A. Holmes (Xcotlen) tiếp tục hoàn thiện và phát triển. Tuy nhiên việc chứng minh cho thạch quyển (từ chuyên môn, tương tự như khí quyển, thủy quyển; chỉ các lớp cứng tạo thành lục địa, vỏ đáy đại dương) trôi ngang theo cơ chế vật lý là một vấn đề khó khăn nhất cho các nhà kiến tạo thuộc Trường phái động.
Vào những thập niên 50 và 60 của thế kỷ XX, các nhà địa vật lý đã phát hiện ra quyển mềm; tạo nên một cuộc cách mạng to lớn trong địa kiến tạo học vì đã giải quyết được trọn vẹn cơ chế vận động ngang của thạch quyển. Từ đó học thuyết “Kiến tạo mảng” ra đời, phát triển và ngày nay (dù vẫn còn đang tranh luận ở một vài vấn đề) đã trở thành học thuyết có sức thuyết phục nhất, giải thích được nhiều hiện tượng địa chất nhất. Kiến tạo mảng là một học thuyết địa kiến tạo tiêu biểu cho trường phái kiến tạo động, nhìn nhận sự vận động uốn nếp, tạo núi liên quan chủ yếu với sự dịch chuyển ngang của các mảng thạch quyển, xem xét các quá trình phát triển địa chất trong mối tương tác hữu cơ giữa sự vận động của các dòng đối lưu trong quyển mềm và biểu hiện của chúng trên bề mặt.
Từ khi phát hiện ra quyển mềm, các nhà địa chất đã chứng minh thạch quyển được ghép với nhau bằng các mảng lớn nhỏ khác nhau, cơ động trên quyển mềm.
Thạch quyển bao gồm các mảng chính là:
- Mảng Âu - Á: được tạo thành chủ yếu từ thạch quyển lục địa, ranh giới phía đông của nó là hệ máng biển sâu, nơi mảng Thái Bình Dương đang chúi xuống mảng lục địa dưới chân hệ cung đảo kéo dài từ Kamsátka cho đến Inđônêsia. Ranh giới phía tây là nửa bắc sống núi giữa Đại Tây Dương (dãy núi lớn trên nền đáy biển, dài hơn 50000 km, ngang có chỗ hơn 800 km, chạy ngoắn ngoéo giữa các lục địa, uốn lượn quanh địa cầu, giống như những đường chỉ may trên trái bóng chày, có độ cao trung bình là 4500 mét).
- Mảng châu Phi và Xômali
- Mảng Ấn Độ: bao gồm phần lục địa Ấn Độ kéo dài đến đới xô húc Hymalaya (sự hình thành nên các dải núi là kết quả tất yếu của một quá trình hội tụ - nén ép của hai mảng khi chúng xích lại gần nhau; một dạng của hội tụ - nén ép là xô húc nhau) và phần lớn Ấn Độ Dương ở về phía đông sống núi tây Ấn Độ Dương.
- Mảng Ả Rập
- Mảng châu Úc
- Mảng Bắc Mỹ
- Mảng Nam Mỹ: sự biến dạng dọc theo máng biển sâu Pêru - Chi Lê rất mạnh. Ở đó mảng đại dương Nazca chúi xuống lục địa Nam Mỹ tạo nên dải núi Andes.
- Mảng Nam Cực: mảng này được bao quanh mọi phía bằng các sống núi đại dương.
- Mảng Thái Bình Dương: là một mảng đại dương hoàn toàn, có ranh giới phía đông là sống núi đông Thái Bình Dương, đứt gãy sau Andes, sống núi Juan de Fuca; ranh giới phía bắc là đới hút chìm Alêutic (Một dạng khác của hội tụ - nén ép là “hút chìm”: mảng này chồm lên mảng kia, mảng đi xuống gọi là mảng bị hút chìm, tạo nên một vùng giáp ranh gọi là đới hút chìm; máng sâu là nơi tiếp xúc với đới hút chìm, là ranh giới của mảng hội tụ; một dạng địa hình đại dương có tính địa chất cao đó là các dãy đảo núi lửa (còn gọi là cung đảo núi lửa), chúng luôn đi cùng với một mảng biển sâu (khác sống núi đại dương). Ranh giới phía tây là toàn bộ các đới hút chìm tây Thái Bình Dương kể từ máng biển sâu Kurin cho đến máng Puységur ở phía nam. Kể từ sống núi Thái Bình Dương, tuổi địa chất tăng lên nhanh chóng khi tiến về phía Tây của mảng, cụ thể, tuổi của mảng dao động từ 80 triệu năm đến 100 triệu năm khi tiến tới các đới hút chìm Tây Thái Bình Dương. Trên bề mặt của mảng Thái Bình Dương, còn để lại các dấu vết của dải núi lửa kéo dài như Haoai, Tuamotu, Guot Mac Donan. Đó là những dấu tích về vận động tuyệt đối của mảng so với lớp manti (lớp vỏ trái đất ở dưới thạch quyển, gồm cả phần dưới thạch quyển và quyển mềm). Thông qua đó, người ta có thể xác định được hướng và tốc độ vận động của mảng. Ở khoảng thời gian đầu, vận động của mảng này khá ổn định, nhưng đến mốc thời gian cách đây 45 triệu năm, hướng vận động của nó thay đổi từ bắc sang tây - tây bắc. Sự thay đổi này có tác động to lớn đến quá trình biến dạng của rìa đông mảng Âu - Á.
- Mảng Juan de Fuca:
- Mảng Philipin: Mảng này được viền quanh về phía đông bởi mảng biển sâu Nankai, về phía tây bởi đới hút chìm Ryuku và đi xô húc Đài Loan, về phía tây nam bởi máng biển sâu Philipin. Mảng Philipin dịch chuyển xung quanh một trục đặt gần ranh giới phía bắc. Ranh giới giữa mảng này với mảng Thái Bình Dương trở nên cùng hòa nhập về phía nam.
- Mảng Caribê: Nằm giữa hai mảng Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
- Mảng Nazca: Mảng này được tách ra từ mảng Thái Bình Dương với tốc độ tách giãn khá lớn dọc theo sống núi Thái Bình Dương
- Mảng Cocos: Có ranh giới phía tây là sống núi đông Thái Bình Dương, phía nam là sống núi Galaparos.
Theo thuyết kiến tạo mảng thì các mảng thạch quyển là những bộ phận tách rời từ một Pangea duy nhất, quá trình tách rời đó bắt đầu từ khoảng 200 triệu năm trước đây. Pangea trong trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tất cả các vùng đất”, “toàn lục”, và chúng ta cũng quen gọi là “Siêu lục địa”. Sự tạo thành Pangea không phải chỉ một lần mà là một quá trình hội tụ và tách rời các bộ phận lục địa có tính chu kỳ. Từ lúc hình thành trái đất đến nay, đã xảy ra ba lần hình thành và tách rời Pangea và chúng ta đang trong giai đoạn tách rời thứ ba.
Năm 1961, các nhà khoa học nêu giả thuyết về sự hình thành dãy sống núi đại dương. Họ cho rằng vùng đáy biển ở khoảng giữa đại dương, dọc theo hai bờ lục địa là những vùng yếu về mặt cấu trúc, nơi mà magma (vật chất của Trái đất ở thể nóng chảy) từ trong lòng của Trái đất dễ dàng dâng trào, làm cho đáy biển ở đó hình thành nên sống núi với hai vết xẻ dọc theo đỉnh chóp núi. Magma liên tục phun trào ra từ những vùng yếu này dọc theo đỉnh chóp của dãy núi ngầm tạo nên lớp vỏ đại dương mới. Quá trình này sau được gọi là “sự lan rộng của đáy biển”. Giả thuyết này đã được xác nhận bởi nhiều bằng chứng.
Một câu hỏi được đặt ra là nếu đáy biển lan rộng như vậy thì Trái Đất có “nở ra” không? Hầu hết các nhà địa chất học đều cho rằng lịch sử kiến tạo Trái đất đã không thể hiện điều đó; họ đều tin rằng nếu như có thay đổi thì cũng rất ít về kích thước kể từ cách đây 4,6 tỷ năm, lúc Trái Đất bắt đầu hình thành.
Câu hỏi tiếp theo được nêu ra: làm thế nào lớp vỏ mới liên tục hình thành dọc theo các sống núi đại dương mà không làm tăng kích thước Trái Đất? Harry H. Hess (1906-1969), một nhà địa chất học tại Đại học Princeton và Robert S. Dietz, một nhà khoa học khảo sát bờ biển của Mỹ (người đặt ra thuật ngữ “đáy biển lan rộng”) đã là những người đầu tiên trả lời câu hỏi này. Rõ ràng là nếu kích thước Trái đất không tăng thì đồng thời với sự dãn nở đáy biển xut phát từ hai bên dãy núi ngầm phải là quá trình co rút đáy biển ở đâu đó, và hai quá trình đó là tương đối cân bằng. Sự co rút ấy bộc lộ ra thành hiện tượng hút chìm: những lớp vỏ đại dương già cỗi chìm vào những máng biển sâu - những hẻm núi hẹp, rất sâu dọc theo lòng chảo Thái Bình Dương. Theo họ, Đại Tây Dương đang giãn ra trong khi Thái Bình Dương đang co lại.
Ý tưởng nêu trên đồng thời cũng giải thích luôn được vì sao các lớp trầm tích trên đáy biển là không nhiều và vì sao đá đại dương lại trẻ hơn nhiều so với đá lục địa.
Do sự mở ra của các đại dương trẻ, Thái Bình Dương sẽ phải chịu sự thu hẹp, các rìa tích cực của nó bị nén ép chặt lại, tạo thành một đại dương rất hoạt động quanh Thái Bình Dương - “vành đai Thái Bình Dương”. Vành đai đó được đặc trưng và còn được tiếp tục tách biệt cả trong thời đại hiện nay bởi tính tích cực kiến tạo rất cao, trong đó có tính tích cực địa chấn và hoạt động magma mạnh mẽ. Tuy nhiên các mắt xích riêng biệt của nó đã được phát triển theo một vài phương thức có tính đặc thù. Trên rìa tây - bắc Thái Bình Dương và rìa Châu Á vào nửa đầu của giai đoạn đã diễn ra sự cố kết của các cung đảo núi lửa vào các vi lục địa, điều đó dẫn đến sự tái tạo của rìa này thành rìa kiểu Andes, với dải núi lửa - pluton ven rìa. Rìa lục địa phía đông Á kéo dài từ quần đảo Carim qua Camsamka xuống đến các đảo của Inđônêsia. Đó là một rìa động (phân biệt với rìa tĩnh). Ở khu vực này, mảng đại dương không chúi trực tiếp xuống lục địa mà chúi gián tiếp qua một vòng cung đảo…
Nghe lời Trái Đất, chúng ta chúi đầu vào Địa Kiến tạo học, ngửi hương, ngó hoa được từng đó. Đã không giải quyết được gì, không kiếm chác được gì phục vụ cho việc định vị vị trí địa lý chính xác cho Địa Đàng, mà còn… mắc kẹt luôn ở đó. Thật chán chết đi được! Không thể hiểu nổi “thềm lục địa” của các mảng tách ra từ Siêu lục địa, hình thành như thế nào, chứ nó không “có sẵn” trước khi tách rời. Sự tách rời như thế sẽ tạo nên những đứt gãy rất sâu và nhất thiết, xét về mặt thuần túy vật lý, phải có sự dâng trào magma mạnh mẽ ở những đứt gãy ấy. Nếu hiện tượng đó là có thực thì đến ngày nay có thể quan sát được “di chứng” để lại của nó không? Và biết đâu chừng hiện tượng đó chính là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo nên hệ thống đứt gãy sâu chằng chịt trên các lục địa cũng như nền đại dương, mà một trong những hướng quan trọng nhất là tây bắc - đông nam. Có lẽ cũng vì vậy mà các đứt gãy sâu xuất hiện từ rất sớm, vào khoảng 3 - 2,5 tỷ năm. Có thể nhìn thấy nguyên nhân sâu xa của hiện tượng tách dãn và tạo bồn (những “vết lõm” hoặc những khe của sự đứt gãy “nông”) từ quá trình đứt gãy sâu và dâng trào magma. Mọi quá trình tách giãn ở mức độ khác nhau đều có mối liên hệ với các dòng đối lưu đi lên từ quyển mềm. Sự tách giãn lục địa đã làm xuất hiện các cấu trúc như bồn trầm tích, khe nứt vỏ và các rìa lục địa. Các bồn trầm tích được hình thành do hậu quả của quá trình tách giãn vỏ Trái Đất được chi phối trực tiếp từ các dòng nhiệt đi lên từ quyển mềm.
Có thể hình dung quá trình hội tụ nén ép là sự tương phản của quá trình tách giãn. Chúng xuất hiện đồng thời và chuyển hóa nhau qua một mốc cân bằng (động) tạo nên sự vận động kiến tạo của Trái Đất, vừa tuân theo những nguyên lý chung về kiến tạo hành tinh trong Thái Dương Hệ vừa mang tính đặc thù của loại hành tinh có nước ở trạng thái lỏng; vừa có tính tương tự trong việc tạo sơn lập thủy, vừa đa dạng và phong phú về cách thức tạo dựng; vừa vô cùng sinh động, vừa ổn định, vừa có tính tiến triển vừa có tính chu trình, do đó mà cũng mang tính an bài, định mệnh nếu xét một cách toàn diện, tổng thể, đồng thời cũng mang tính ngẫu nhiên, đột biến nếu xét trên bình diện cục bộ, địa phương.
Quan sát sơ đồ thể hiện các loại dấu tích (vết đứt gãy, tạo sơn, trồi sụt nền…) còn lưu lại của quá trình kiến tạo, cũng như những hiện tượng kiến tạo (như núi lửa, sóng thần, động đất…) đang tiếp tục xảy ra, chúng ta có cảm giác (dù mông lung) rằng sự tách giãn và hội tụ các mảng thạch quyển không phải chỉ là kết quả của vận động nội tại một cách tự thân của Trái Đất, mà còn là (và chính là) kết quả của mối quan hệ sống động giữa Trái Đất và Thái Dương Hệ. Và nếu suy rộng ra nữa thì đó là một vừa kết quả vừa nguyên nhân thuộc tổng thể cuộc tạo dựng vĩ đại trong Vũ Trụ, ra chính Vũ Trụ. Những cái đầu hoang tưởng đương nhiên là phải có cảm giác hoang đường, đại loại như thế rồi, nhưng còn một cảm giác khác, thực tế hơn, kèm theo, đó là: sự trôi dạt các lục địa không đơn thuần chỉ là sự tản ra một cách tuyến tính mà còn phải thỏa mãn vận động xoay (quay theo chiều kim đồng hồ quanh trọng tâm) nguyên thủy của bản thân Siêu lục địa nữa. Hình như hệ thống sơ đồ mô tả hình dáng Siêu lục Địa của 225 triệu năm trước và vị trí phỏng chừng của các lục địa qua những giai đoạn trôi dạt tương đối là chưa thỏa đáng.
Chúng ta có thể tưởng tượng rằng Siêu Lục Địa trước khi phân tách thành các mảng bộ phận, bản thân nó cũng “trôi dạt”, không những thế, có thể là do tác động đối lưu, đối ngẫu của nền nóng chảy nhiệt mà nó còn bị xoay quanh trọng tâm của chính nó nữa. Tưởng tượng đó sẽ dẫn chúng ta đến một tưởng tượng tiếp theo: ngay tại thời điểm bắt đầu gãy nứt, phân tách ra thành những lục địa (mà khởi đầu có thể mới là hai bộ phận), Siêu Lục Địa là một khối bù (không khuyết), phần phía tây bắc của nó là nước Nga, phần phía tây nam của nó là Bắc Mỹ, phần phía nam của nó là Nam Mỹ, phần phía đông bắc của nó là Đông Á ngày nay và phần phía đông của nó có thể là châu Nam Cực khi chưa tách rời. Vị trí của châu Úc lúc đó có thể là giáp Ấn Độ, thuộc biển Ả Rập; bên trong phần sau này trở thành châu Nam Cực.
Quan sát bản đồ địa lý thế giới ngày nay, chúng ta còn nhìn thấy rất rõ tính tương tự giữa hai bờ lục địa của Đại Tây Dương, bờ rìa châu Mỹ và bờ rìa Âu - Phi. Điều đó nói lên quá trình tách dãn tương đối đều đặn, ổn định, không gây ra những đột biến kiến tạo lớn ở dọc hai bờ ấy. Quan sát khu vực Địa Trung Hải, chúng ta cũng thấy những nét tương tự lớn, nhưng do hoạt động địa chấn, núi lửa mang tính cục bộ địa phương mà hai bờ nam, bắc của nó đã thể hiện ra nhiều sai biệt. Ngược lại, khi quan sát khu vực quần tụ đảo ở phía đông - nam châu Á, khoảng giữa châu Á và châu Úc, chúng ta thấy có cái vẻ “nát như tương tàu” của nó.
Cái vẻ nát như tương tàu của khu vực đó, cùng với những điều mà Địa kiến tạo học đã nói về nó như: nằm trên vành đai động và thuộc quãng tích cực của hoạt động địa chấn, núi lửa, là khu vực chằng chịt những đứt gãy sâu nhiều chiều, tách dãn đan xen với nén ép khá phức tạp… làm chúng ta nghĩ về một sự tàn phá.
Một ý tưởng lóe lên trong đầu chúng ta: trước đây, trước khi chia tách, vùng biển Bengan hiện nay đã là vị trí của một mảnh thuộc Siêu Lục Địa. Mảnh đó hợp với châu Úc thành một lục địa trôi dạt. Lục địa đó có hình dạng gồm hai phần, thắt eo ở giữa tương tự như châu Mỹ mà châu Úc là phần phía nam của nó, có thể tạm gọi lục địa đó là tiểu châu Mỹ. Tiểu châu Mỹ tồn tại một thời gian thì tách nhau ra, phần phía bắc trôi dạt đến vị trí giữa Philipin và châu Úc ngày nay, còn châu Úc thì trôi dạt đâu đó xuống dưới một chút nữa (ngày nay, châu Úc có hướng trôi dạt ngược lại vì cùng tắc biến, biến tắc phản mà!)
Phần phía bắc của tiểu lục địa châu Mỹ, vì ở vào vị trí rất động và nhạy cảm của quá trình kiến tạo Trái đất mà nó đã phải chịu đựng những áp lực mạnh mẽ, đã tích tụ những căng thẳng ngày một to lớn, chờ được “giải thoát” đến tận cùng vùng trên manti.
Chính cái “cục” thạch quyển đang trong nỗi đau khổ, uất ức cùng cực đó lại đội trên đầu một miền đất thần tiên - Địa Đàng của nhân loại.
Trước đó, do có một thời kỳ hoạt động tích cực của núi lửa phun trào mà miền đất đã tách khỏi tiểu châu Mỹ trở nên màu mỡ, tạo nên một thảm thực vật cực kỳ tốt tươi, muông thú là vô số kể. Con người đã đặt chân lên đó vui sống và làm hình thành nên cả một nền văn minh đồ đá hết sức rực rỡ, lan tỏa toàn cầu.
Một Địa Đàng nằm trên một khối thạch quyển đau khổ và uất ức, chờ ngày được giải thoát, cứu rỗi. Thật chẳng có biểu tượng nào chính xác hơn về thế giới ngày nay cả. Đó là tất yếu hay ngẫu  nhiên? Một câu hỏi không thể giải đáp, không cần phải giải đáp cho nên cũng không đáp!
Sự tiêu vong của một hiện hữu là điều tự nhiên, nhưng sự tiêu vong theo cách đột biến, cực đoan nhất, lại là định mệnh. Một kết thúc đau thương đã chờ đợi Địa Đàng và đó chính là định mệnh của nó!
Sự mất đi của Đại Lục Mẫu phải là hàng loạt vụ nổ khủng khiếp mà trong đó có một vụ nổ khủng khiếp nhất, long trời lở đất có tính kết cuộc. Đại Lục Mẫu biến mất không phải là vì bị lún sụt, chìm xuống, không phải là do sự sụp đổ thông thường mà là sự nổ tung lên, các khối vỡ đủ kích cỡ văng tóe lên trời với một tốc độ và độ cao đạt được khó mà tưởng tượng nổi, để rồi sau đó xuất hiện một cơn mưa đá vĩ đại nhất mà con người có thể thấy; một cơn mưa thiên thạch mà Trái Đất đã tự tạo cho chính nó. Cơn mưa thiên thạch đó không phải rơi xuống ngay tại khu vực sinh ra nó mà vì một lý do nào đó, một phần (lớn?) đã rơi như một luồng xuống, chếch theo hướng tây - bắc, bắn phá khu vực phía nam Carolina tạo thành khoảng 3000 vết lõm hình bầu dục như người ta sau này phát hiện thấy (và chúng ta cũng đã từng nói đến).
Để có được một cú nổ “siêu thoát” như thế, không còn cách nào khác, chúng ta phải “mơ” tới sự cộng hưởng của hàng loạt cú nổ hạt nhân. Trong điều kiện về nhiệt độ của Trái Đất có thể đủ yếu tố làm xảy ra những vụ nổ nhiệt hạch tự nhiên không? Theo như phân tích vật lý học hiện nay thì là không, nhưng nếu “bỏ ngoài tai” những “phán quyết” ấy thì là có. Trong vài truyền thuyết, hoặc những thánh ca cổ mang tính sử thi, chúng ta vẫn bắt gặp những đoạn mô tả về những hiện tượng gây ra bởi năng lượng hạt nhân và sự nhiễm phóng xạ. Hiện tượng cộng hưởng hoặc tác động dây chuyền có tính cộng hưởng trong thiên nhiên dù có xác suất không cao nhưng không phải là không thể trong một kịch phát địa phương nào đó gây ra một cú nổ hạt nhân. Và chỉ cần một cú nổ hạt nhân nhỏ lẻ làm tiền đề, trong điều kiện thuận lợi sẽ có khả năng gây ra thảm họa hạt nhân. Có thể cho rằng sự nổ hạt nhân làm biến mất Địa Đàng đã xảy ra ở tầng sâu đáy biển nên đã hạn chế rất nhiều tác hại của phóng xạ đối với sinh vật quanh khu vực lúc bấy giờ. Cuối cùng, chỉ có vụ nổ hạt nhân vô cùng mạnh mẽ mới có thể làm tiền đề được cho hiện tượng địa chấn và phun trào dung nham đồng loạt, dây chuyền trên khắp đáy đại dương, đủ sức gây ra một Đại Hồng Thủy ảnh hưởng đến hầu hết các lục địa.
Một nền văn minh đồ đá dù rực rỡ nhưng những kinh nghiệm chế tác cũng như những bí quyết về kỹ thuật chủ yếu lưu truyền qua con đường ngôn ngữ của nó cũng khó mà còn được trước sự “ra đi” đột ngột của nó. Điều này, đến ngay thời đại ngày nay cũng còn thấy được: một bí quyết nghề nghiệp, một thế võ bí truyền sẽ lập tức mất đi nếu người giữ nó đột ngột mất đi mà chưa kịp truyền lại.
Để cho điều giả tưởng hợp lý thì phải giải thích tại sao châu Úc không thể là Địa Đàng giống như thế. Lối thoát duy nhất là dìm nó xuống, nghĩa là phải cho rằng lúc đó châu Úc ở khá xa vùng tai họa và bề mặt của nó còn đang chìm dưới mặt đại dương. Nó chỉ “nổi lên” sau này trong quá trình trôi dạt theo chiều ngược lại hoặc do chính tác động của thiên tai đối với “người anh em” của nó, có một sự “quét sạch” nào đó trên bề mặt của nó. Nhưng hình như người Mẫu La cũng đã từng hiện diện ở đây. Mới đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một mẫu đá lửa cỡ nửa bàn tay, hàng trăm “lưỡi dao” đá sắc bén, cùng những hạt giống và những công cụ trồng trọt có niên đại ít nhất là 50.000 năm, vừa được khai quật trong một hang đá, tại phía tây bắc nước Úc, cách Perth, thủ phủ miền Tây nước này khoảng 950 km. Thổ dân châu Úc được xem là tộc người có nền văn hóa vào loại cổ nhất thế giới (theo báo “An ninh thế giới” số 748, ra ngày 19-4-2008).
Một khi vấn đề Đại Lục Mẫu, hay Địa Đàng được giải quyết như thế thì vấn đề đảo Phục Sinh cũng được giải quyết.
Các bức tượng trên đảo Phục Sinh, đứng đăm đăm nhìn ra xa xôi biển cả và toát nên cái vẻ mong ngóng chờ đợi là có ý nghĩa gì? Vào khoảng thời gian trước đại họa, người Mẫu La đã làm hình thành nên một cụm dân cư ở Nam Mỹ và có lẽ cụ thể là ở vùng đất Pêru. Thời đó họ đã làm hình thành nên một “con đường” trên biển nối Nam Mỹ với Đại Lục Mẫu và thường xuyên có những đoàn thuyền xuôi ngược trên “con đường” đó. Đảo Phục Sinh chính là một trạm tiền tiêu, một mốc đường và đã có một bộ phận người Mẫu La ở đó để chế tác và tạo dựng đầu người luôn được tiếp tế từ cụm dân cư ở Pêru. Chắc rằng việc tạo tác các pho tượng đá đầu người phải là theo “lệnh” của ai đó và phải có một mục đích thiết thực. Thời đó cũng như thời nay, thậm chí còn “thực dụng” hơn, không ai lại tự dưng bỏ việc kiếm ăn để vui đùa với những công việc còn khó và nặng nhọc hơn cả công việc làm ăn nữa. Hay là làm thế để tỏ nỗi niềm hoài nhớ quê cha đất tổ? Người Pêru tối cổ nếu có “nhớ kiểu như thế” thì sao không nhớ tại ngay khu vực định cư cho tiện, mà phải bơi thuyền ra tuốt đảo Phục Sinh? Hơn nữa, nếu trình độ lao động thời đó còn ở mức làm vừa đủ ăn, chưa sung túc, dư thừa, nghĩa là chưa có một nền văn hóa nổi trội - một nền văn minh rực rỡ với những thành tựu về kỹ thuật chế tác đá siêu việt (đến ngày nay còn phải trố mắt ngạc nhiên) thì không thể nào làm xuất hiện một loạt pho tượng đá đầu người đầy biểu cảm, đứng lừng lững thành những hàng tề chỉnh như đã thấy được. Vậy thì chỉ còn một lý giải duy nhất vừa tự nhiên, vừa giản dị, hơi bất ngờ nhưng có thể chấp nhận được về ý nghĩa của các pho tượng đầu người ở đảo Phục Sinh: chúng đóng vai trò như những ngọn hải đăng, mốc định hướng cho những đoàn thuyền đi chinh phục Nam Mỹ hoang sơ nhưng đầy hứa hẹn của người Mẫu La (Địa Đàng dù trù phú thì cũng đến lúc không đủ cung ứng cho sự phát triển!). Nhân tiện làm hải đăng, người Mẫu La đã “tranh thủ” khắc tạc luôn nỗi niềm thương nhớ cố hương của mình lên đá.
Công trình tạo dựng hải đăng trên đảo Phục Sinh đã được tiến hành từ lâu trước sự biến mất của Đại Lục Mẫu. Chúng ta đoán như thế để giải thích thêm một hiện tượng nữa thể hiện trên đảo Phục Sinh.
Người ta thấy rằng ở bãi khai thác đá trên đảo còn lại hàng trăm khối đá chưa được đẽo và cả những pho tượng đang trong tình trạng đục đẽo dở dang, trong đó có bức tượng đã hầu như hoàn chỉnh, chỉ còn một phần nhỏ là còn dính liền với khối đá lớn mà chỉ cần “vài nhát” đục nữa là có thể tách rời được tác phẩm ra. Hình như đã đột ngột xảy ra chuyện gì đó làm cho mọi người vội vã dừng công việc và không bao giờ quay lại tiếp tục nữa.
Toàn cảnh bãi khai thác đá phô bày ra như một công trường đang ở giai đoạn làm việc tấp nập khẩn trương thì bị chững lại đột ngột cho đến tận ngày nay: những mảnh đá dở dang ở nhiều công đoạn, những mảnh đá vụn lộn xộn khắp công trường như có sự quăng vứt vội vã, loạn xạ, tạo nên ấn tượng như nơi đây đã xảy ra một đại họa nào đó bao trùm lên toàn thể. Vậy thì tai họa gì đã xảy ra? Núi lửa chăng? Không có biểu hiện đó. Chiến tranh chăng? Cũng hoàn toàn không có biểu hiện đó. Có thể là đã có những cuộc chém giết lẫn nhau, có thể là đã có sự phá hoại nào đó, nhưng những cái đó chỉ xuất hiện sau này; đối với những kẻ “thừa kế” đến sau. Chúng ta tưởng tượng thế này: mọi người trên công trường đang hăng say, nhiệt tình làm việc thì vụ tai biến ở Đại Lục Mẫu xảy ra; kích hoạt một loạt chấn động và phun trào magma lan truyền khắp thế giới. Đảo Phục Sinh nằm trong vòng bị ảnh hưởng xa, chịu tác động tàn dư của những đợt sóng thần cấp tập có tác dụng nhấn chìm, lật đổ một số tượng đá, thậm chí là đứng lộn ngược và có những pho lớn bị gãy đầu.
Đại Lục Mẫu không còn thì việc dựng hải đăng trên đảo Phục Sinh cũng mất hết ý nghĩa. Cuộc sống trên đảo Phục Sinh cũng không còn “ai” quan tâm tới nữa. Nếu còn có người sống sót trên đó thì họ cũng chỉ tìm cách kiếm ăn để duy trì sự sống mà thôi. Đại Lục Mẫu mất đi có nghĩa là Địa Đàng đã mất và đảo Phục Sinh cùng với châu Mỹ trở thành miền bị lãng quên, thất lạc trong trí não của loài người nói chung mất một thời gian dài đằng đẵng và các nền văn minh sau này đã không còn biết đến một nền văn minh đương thời, cũng sán lạn không kém ở bên kia bờ Đại Tây Dương.
Sự mất đi đột ngột của Địa Đàng đã làm mất đi hầu như tất cả những văn hóa nổi trội, những thành tựu văn minh mà nó đã đạt được. Loài người lại quay lại bước những bước mới từ nền tảng văn hóa chung, mang tính phổ biến thời bấy giờ. Nền tảng văn hóa đó, nhờ sự lan tỏa trước đó của nền văn minh Địa Đàng, cũng đã được nâng lên tại những khu vực lân cận nó, đó là khu vực Đông Nam Á còn lại.
Thông thường một nền văn minh tàn lụi đi thì phải xuất hiện một nền văn minh tiên tiến hơn vì đó là sự kế thừa và sáng tạo mới. Tuy nhiên sự mất đi đột biến một nền văn minh, nhất là vào thời kỳ chữ viết mới manh nha tượng hình, thì việc xuất hiện những nền văn minh mới mà thời kỳ đầu còn thấp kém hơn nhiều so với nền văn minh đã đột nhiên biến mất đó lại là điều tự nhiên. Chúng ta có thể nêu một thí dụ tương đương. Nếu nền văn minh châu Âu đã đạt đến trình độ cơ học cổ điển Niutơn và chế tạo máy hơi nước, bỗng nhiên bị mất tích cùng với toàn bộ những kinh nghiệm chế tác cũng như nhận thức lý luận của nó, mất luôn cả mọi ghi chép lưu giữ; chữ viết chỉ còn lác đác vài đoạn ở những đâu đó và không ai giải mã được một chiếc tàu “ống khói” đại loại như Titanic để mà đi biển và đã chắc gì biết được rằng hai vật có khối lượng luôn hút nhau một lực tỷ lệ với tích khối lượng của chúng và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng (định luật hấp dẫn).
Thí dụ vừa nêu trên đã khép lại cuộc lang thang vòng quanh thế giới bất đắc dĩ của chúng ta. Chúng ta cũng đã kịp thời rút cái đầu chứa đầy những huyễn hoặc ra khỏi Địa Kiến tạo học đang ở thời kỳ chưa ngã ngũ của nó. Cáo chết thường quay đầu về núi. Chúng ta tuy chưa chết nhưng rất dễ gặp nguy hiểm trước sự phẫn nộ của nhiều người bởi tính nói năng bừa bãi của mình, vì vậy nhanh chóng trở về quê hương xứ sở là sự lựa chọn tốt nhất trong lúc này. “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” mà!.
Dân tộc Kinh không phải là người bản địa đầu tiên trên dải đất Việt Nam. Trước dân tộc Kinh phải là kẻ khác. Đồ rằng một trong những “kẻ khác” ấy là những tộc người Tây Nguyên, vì một nguyên nhân buồn nào đó đã bị biển đuổi lên núi. Rất có thể trong họ còn lưu lại chút ít “máu xương” nào đó của người Mẫu La. Họ có quan hệ anh em xa với “ai đó” ở Inđônêsia, Malaysia, Philipin… không? Người Mẫu La có phải là mẫu số chung của họ? Hỏi để mà hỏi cho có chuyện chứ thực ra chúng ta hoàn toàn mù tịt về nhân chủng học… Tuy nhiên, ngày nay, nếu quan sát những bức tượng gỗ gọi là tượng nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên về sự giống nhau kỳ lạ giữa nhiều bức tượng nhà mồ (đẽo tạc từ thân cây) và những pho tượng đá đầu người ở đảo Phục Sinh. Trong linh cảm, chúng ta nghĩ rằng chính sự hạn chế của chu vi thân cây đã buộc các bức tượng phải có hình thức tổng thể như thế.
Chúng ta đã thực sự về đến quê nhà và… nghỉ ngơi. Trong khi đang nghỉ ngơi cho lại sức để lại tiếp tục đi tìm cái mà chúng ta đích thực muốn tìm (không phải Thiên Đường vì chúng ta thiếu tín ngưỡng, không phải Địa Đàng vì chúng ta… tìm thấy rồi, không phải Xứ Thần Tiên vì Liệt Tử đã mách bảo, không phải Niết Bàn vì chúng ta biết mình không đủ kiên trì… ngồi một chỗ!), chúng ta đã (may mắn) đọc được một bài báo hoàn toàn phù hợp với khẩu khí của mình và làm cho tâm trạng chúng ta vô cùng phấn chấn, vui tươi, sức khỏe hồi phục trông thấy. Chúng ta “khoe” luôn ra đây để những ai muốn thưởng thức thì cứ thoải mái mà thưởng thức. Đầu đề bài báo là: “Địa Đàng không phải ở phương Tây (hay là những phát hiện về văn minh Đông Nam Á qua việc xác định nguồn gốc của heo)”. Và tác giả là tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Úc). Bài báo đăng trên báo “Thanh Niên” số 91 (4117), Chủ nhật, ngày 1-4-2007. Nội dung chính xác như sau:
“Đông Nam Á là một trong những vùng đất với nhiều sắc dân và nhiều nền văn minh phong phú nhất và cổ nhất của nhân loại. Về mặt địa lý, có hai khu vực riêng biệt: một khu thuộc về đất liền và một khu thuộc về hải đảo. Khu vực đất liền thực ra gồm hai bán đảo: khu rộng lớn bao gồm Myanmar thuộc hướng tây - bắc, Thái Lan ở giữa, Lào, Campuchia, và Việt Nam thuộc hướng Đông và Đông Nam; khu vực nhỏ hơn bao gồm bán đảo Mã Lai, chạy dài từ Thái Lan xuống tận Malayxia.”
- Thành kiến của giới nghiên cứu phương Tây:
Myanmar có nhiều chùa chiền được kiến trúc một cách phi thường, nhiều lâu đài được chạm khắc rất tinh vi. Ở miền Bắc Thái Lan cũng còn lưu lại nhiều công trình kiến trúc vĩ đại mang đậm ảnh hưởng của Phật giáo. Vịnh Hạ Long thuộc phía Bắc Việt Nam, trồi lên những tác phẩm thiên nhiên như được chạm bằng đá vôi, mà có lẽ từng là một vùng lục địa khoảng 10.000 ngàn năm trước đây. Cổ Loa, một huyện nhỏ của Việt Nam ngày nay, có lẽ là một trung tâm đô thị (hay một thành phố) đầu tiên của vùng Đông Nam Á, với niên biểu được ước đoán vào khoảng thiên niên kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Những công trình kiến trúc ở Huế và Đà Nẵng cho thấy sự tương phản giữa hai nền văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Thành phố Huế, tuy lâu đời hơn, nhưng có nhiều công trình kiến trúc trẻ hơn thành phố Đà Nẵng, nơi mà nhiều Tháp Chăm còn lưu lại như những dấu ấn của văn minh Ấn Độ. Campuchia có đền Angcor Wat nổi tiếng và nhiều dấu vết của môt nền văn minh sáng chói trước đây.
Chủ nhân của những công trình này là ai? Sách giáo khoa thường viết rằng chủ nhân hoặc là người Trung Hoa hoặc là người Ấn Độ, chứ không phải người địa phương Đông Nam Á! Quan điểm này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, và đã bám rễ vào một bộ phận không nhỏ trong chúng ta.
Với một lịch sử lâu đời và nhiều nền văn minh như thế, song Đông Nam Á lại không được các nhà sử học để ý đến như các vùng đất khác. Đây là một ví dụ về thành kiến của giới sử học Tây Phương, khoảng 200 năm trước đây, các nhà sử học phát hiện rằng phần lớn hai họ ngôn ngữ Ấn và Âu (Indian và European) thuộc vào một họ ngôn ngữ mà ngày nay chúng ta gọi là nhóm Ấn - Âu (Indo - European language group). Khám phá này được đánh giá  như một thành quả vĩ đại của tri thức vào thời gian đó. Nhưng mỉa mai thay, trước đó vài năm, người ta đã phát hiện một nhóm ngôn ngữ khác, có tên là Austronesia, nhưng phát hiện này chẳng đem lại một sự chú ý nào đáng kể trong giới khoa bảng Tây phương cả! Nhóm ngôn ngữ này rất phổ biến, từ các vùng như Madagascar, Đài Loan, Hawai và Tân Tây Lan, vượt Thái Bình Dương đến tận Ấn Độ Dương khá lâu, có thể trước khi Phật Thích Ca ra đời.
Sách về nguồn gốc văn minh thế giới hoàn toàn không đề cập đến Đông Nam Á. Ngay cả khi đề cập đến khu vực này trong vài năm gần đây, các sách cũng chỉ viết một cách sơ sài vài dòng, với giọng văn thiếu nghiêm túc, nhưng lại tập trung vào hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, nhất là vào khoảng 2000 năm trước đây. Mãi đến thời gian gần đây, văn minh của Thời đại Đồng thiết Đông Sơn (Bronze Age) và các nền văn hóa trước đó của Việt Nam mới được công nhận như văn minh nguyên thủy của khu vực Đông Nam Á.
Nhưng một loạt phát hiện mới trong những năm gần đây cho thấy giả thuyết Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đã khai hóa hay truyền bá văn minh cho các nước thuộc vùng Đông Nam Á không còn đứng vững nữa. Các phát hiện này cụ thể như sau:
- Nguồn gốc lúa nước: Đông Nam Á
Theo Stephen Oppenheimer trong “Eden in the East” (Địa Đàng ở phương Đông), (NXB Lao động, 2005), Đông Nam Á từng là trung tâm của cuộc cách mạng thời đại đồ đá mới (Neolithic Reolution), bắt đầu phát triển kỹ thuật trồng trọt, dùng đá để nghiền hạt lúa, vào khoảng 24000 năm trước đây, tức là trước cả Ai Cập và Palestine khoảng 10000 năm.
Thực vậy, phát hiện về hạt lúa ở hang Sakai (miền bắc Thái Lan) gần đây cho thấy cư dân ở đây đã biết trồng lúa có thể trước cả thời kỳ nước biển dâng cao vào khoảng 8000 năm về trước, ít nhất là từ thiên niên kỷ thứ 6 hay thứ 7 trước Công Nguyên. Hệ thống nông nghiệp được tìm thấy ở Indonêxia có niên biểu lâu đời hơn cả thời đại mà những thành tựu được xem là “cách mạng” về trồng lúa ở Trung Quốc. Thực vậy, ở Indonêxia, kỹ thuật về trồng khoai lang và khoai nước được ước đoán có tuổi từ 15000 đến 10000 năm trước Công Nguyên. Ở Việt Nam, phát hiện ở Phùng Nguyên bằng kỹ thuật định tuổi (dùng Carbon-14) cho thấy cư dân ở đây từng trồng trọt ngũ cốc khoảng 5000 đến 6000 năm trước đây, tức là còn sớm hơn nhiều niên biểu của những thành tựu của người Trung Hoa. Ngoài ra, nhà khảo cổ học uy tín gốc Mỹ, giáo sư Wilhelm G.Solheim II, trong một loạt nghiên cứu từ năm 1965 đến 1968, cho thế giới thấy nền văn minh Hòa Bình là nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trên thế giới, khoảng 15000 năm trước Công Nguyên. Một nhà khảo cổ danh tiếng khác người Úc, giáo sư Peter Bellwood, cho rằng, quê hương nguyên thủy của cây lúa nước rất có thể là ở quanh vùng Đông Dương - Mã Lai - Myanmar, vì ở đây khí hậu nhiệt đới là môi trường thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp.
- Di truyền học:
Trước và đặc biệt là trong thời kỳ nước biển dần dần dâng cao (khoảng 8000 năm trước), người Đông Nam Á di dân đến những vùng đất láng giềng: miền Nam Trung Quốc ngày nay, Ấn Độ, Mesopotamia và vài hòn đảo từ Madagascar đến Philipin, Tân Guinea, và sau này họ chiếm luôn vùng Polynesia cho đến Hawai và Tân Tây Lan. Các dữ kiện di truyền học chứng minh rằng các sắc dân trong quần đảo như Tân Guinea, Polynesia, Melanesia v..v… có cấu trúc di truyền tố giống với các sắc dân thuộc vùng Đông Nam Á ngày nay. Gần đây, còn có một số nghiên cứu di truyền học cho thấy người Hán miền Nam Trung Quốc có nguồn gốc từ Đông Nam Á.
Trong quá trình di cư, họ đem theo ngôn ngữ, truyền thuyết, quan niệm tôn giáo, kinh nghiệm thiên văn, yêu thuật và đẳng cấp xã hội đến các vùng đất mới. Thực vậy, ngày nay, dấu vết của cuộc di dân trên vẫn còn ghi đậm trong các quần đảo Melanesia, Polynesia và Micromesia; dân chúng những nơi này nói tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Austronesia có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Có lẽ người ta không ngạc nhiên khi thấy trong các dân tộc vùng Đông Nam Á, Trung Đông, Úc châu và Mỹ châu đều có những câu chuyện thần thoại về trận lụt vĩ đại, và các câu chuyện này có độ tương tự rất cao. Điều này chứng tỏ rằng các sắc dân này xuất phát từ một nền văn hóa nguyên thủy. Có thể người Đông nam Á, những nhà nông đầu tiên thế giới, chính là những người thầy ở các vùng đất mới, dạy người địa phương những kỷ thuật trồng trọt và chăn nuôi.
- Nguồn gốc heo: Đông Nam Á
Trong quá khứ (trước khi công nghệ sinh học ra đời), các nhà khảo cổ học dựa vào những di chỉ khảo cổ học (chủ yếu là xương sọ) được khai quật từ nhiều vùng khác nhau để đặt giả thuyết và tìm câu trả lời về nguồn gốc heo. Theo các di chỉ này, heo được thuần hóa vào khoảng 9000 năm về trước ở vùng mà ngày nay thuộc miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, cũng có các di chỉ khảo cổ học cho thấy (hay được diễn dịch) là heo cũng từng được thuần hóa vào khoảng thời gian này tại Trung Quốc ngày nay.
Nhưng vài thập niên gần đây, với sự phát triển phi thường của di truyền học và sinh học phân tử, giới khoa học đã có một phương tiện mới, chính xác hơn và đáng tin cậy hơn để truy tìm nguồn gốc heo. Phương tiện đó chính là gien, hay nói chính xác hơn là DNA.
Một nghiên cứu qui mô nhất từ trước đến nay về nguồn gốc heo được tiến hành với sự hợp tác giữa các nhà di truyền học Mỹ và Thụy Điển. Qua phân tích xu hướng phân bố và đồng dạng DNA của các giống heo (700 con) trên thế giới, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng tổ tiên của heo ngày nay chính là heo rừng và quê hương của heo rừng nguyên thủy này chính là vùng Đông Nam Á ngày nay. Sau khi được thuần hóa ở Đông Nam Á, heo tản mát theo con người đến các vùng Âu - Á (Eurasia), vượt biển đến Âu châu và ra các bán đảo Thái Bình Dương. Sau khi tản mát ra khỏi Đông Nam Á, heo được tiếp tục thuần hóa nhiều lần ở nhiều vùng tại Trung Quốc, vùng Cận Đông và Âu châu.
Một nghiên cứu di truyền mới nhất qua phân tích DNA, các giống heo thuộc hải đảo Thái Bình Dương và đặc biệt là heo không lông thuộc đảo Vanuatu, các nhà nghiên cứu Úc và Mỹ khẳng định rằng heo tại các hải đảo này cũng xuất phát và được thuần hóa từ lục địa Đông Nam Á (đặc biệt là từ Việt Nam) khoảng 3000 năm trước đây. Sau đó, chúng theo con người “di dân” ra khỏi lục địa và đến các hải đảo như Vanuatu và Ryukyu. Ngoài ra, các giống heo tại các hải đảo này cũng có “hồ sơ” DNA rất giống với heo ở châu Âu.
- Nguồn gốc gà: Đông Nam Á.
Hiện nay trên thế giới, người ta thống kê có tất cả 175 giống gà khác nhau, và tất cả đều xuất thân từ loài chim rừng màu đỏ có tên (tiếng Anh) là Red Jungle Fowl, và tên khoa học là Gallus gallus. Theo các tài liệu khảo cổ học và dựa vào các di vật khảo cổ, giới khoa học cho rằng loài chim này được con người thuần dưỡng vào khoảng 4000 năm trước đây tại vùng thung lũng Indus (tức Pakistan ngày nay). Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học Trung Quốc dựa vào các di chỉ tìm thấy trong các vùng thuộc sông Hoàng Hà (Yellow River) cho rằng Trung Quốc mới là nơi đầu tiên thuần dưỡng các loài gia cầm như gà và ước tính thời điểm thuần hóa gà xảy ra vào khoảng 6000 đến 7500 năm trước đây. Nhưng thời điểm này cũng bị nghi ngờ, bởi vì khí hậu và môi trường miền Bắc Trung Quốc không thể là nơi lý tưởng cho loài gà rừng Red Jungle Fowl được.
Trong hai công trình nghiên cứu quan trọng công bố trên tập san “Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ”, một nhóm khoa học gia Nhật so sánh cấu trúc di truyền của 21 giống gà nuôi thuộc gia đình Gallus gallus từ Thái Lan, Nam Dương, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Sri Lanka, … và phát hiện ra rằng giống gà ở Thái Lan có hệ số phong phú di truyền nhất, tức là giống gà ở đây có độ tuổi di truyền cao nhất. So sánh DNA gà Đông Nam Á và DNA các giống gà khác trên thế giới, các nhà nghiên cứu Nhật đi đến kết luận rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới ngày nay xuất phát từ một giống gà từng sống (hay được thuần dưỡng) tại một vùng đất mà ngày nay thuộc Thái Lan và Việt Nam. Họ còn ước tính rằng thời điểm thuần hóa gà rừng tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam bắt đầu vào khoảng 8000 năm về trước.
Trong cuốn “Origin of species” (Nguồn gốc muôn loài), Darwin cũng từng khẳng định rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều có nguồn gốc từ gà rừng Đông nam Á. Trong một bài viết cho tập san “National Geogiaphic”, W.G.Solheim II nhận xét rằng Đông Nam Á là nơi phát triển nền chăn nuôi đầu tiên trên trái đất.
Tất cả những bằng chứng này cho thấy Đông Nam Á có thể là một cái nôi văn minh nông nghiệp đầu tiên của con người và cư dân tại đây rất có thể là những người phát minh ra kỹ thuật trồng lúa nước, chăn nuôi và truyền các kỹ thuật này lên phía Bắc (tức miền Nam Trung Quốc ngày nay). Phát hiện mới nhất về nguồn gốc heo và gà (và trước đó là chó) từ Đông Nam Á cung cấp thêm một cơ sở để suy luận rằng trong quá trình định cư và phát triển nông nghiệp, người Đông Nam Á cổ đã thuần dưỡng giống gà rừng và từ đây, giống gà này được truyền bá đến miền Nam Trung Quốc và từ Trung Quốc “di cư” sang Âu Châu. Những phát hiện này, cộng với những di chỉ khảo cổ học và di truyền học mới nhất; củng cố thêm cho giả thuyết Đông Nam Á là một trung tâm văn minh nông nghiệp đầu tiên trên thế giới”.
Cạnh bài báo đã dẫn ở trên chúng ta còn thấy một bài báo ngắn nữa, cũng của tác giả Nguyễn Văn Tuấn, giới thiệu về cuốn sách “Địa Đàng ở phương Đông” (tác giả: Stephen Oppenheimer; Lê Sĩ Giảng, Hoàng Thị Hà dịch từ nguyên tác tiếng Anh: Eden of the East). Tiện đây, và cũng vì ý nghĩa đặc biệt của nó, chúng ta “khoe” luôn:
“Bạn đọc đang cầm trên tay một cuốn sách rất quan trọng về lịch sử văn minh và văn hóa Đông Nam Á. Cuốn sách thực chất là một công trình nghiên cứu văn minh và văn hóa thời tiền sử, và có liên quan mật thiết đến Việt Nam. Cuốn sách này đã làm cho Tây phương và sẽ làm cho bạn đọc thay đổi cái nhìn cố hữu về văn minh và văn hóa Đông Nam Á. Để làm sáng tỏ hơn câu phát biểu trên, tôi muốn có vài hàng thưa chuyện cùng bạn đọc về những diễn biến dẫn đến sự ra đời và ý nghĩa của tác phẩm này.
Trước thập niên 1960, thế giới nói chung vẫn xem Đông Nam Á là một vùng nước đọng của lịch sử nhân loại, nơi mà các cơn lốc văn minh và văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, hay thậm chí là Đông Âu, đi qua và thỉnh thoảng để lại dấu tích. Một quan điểm gần như “chính thống” của đại đa số giới học giả phương Tây là văn hóa Đông nam Á chỉ là một sự pha trộn văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, và văn minh Đông nam Á chẳng có phát kiến gì đáng kể.
Cuốn sách này sẽ làm cho bạn phải suy nghĩ lại và sẽ thay đổi những định kiến trên. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy người Đông Nam Á có lẽ là một tộc người cổ nhất thế giới và là tổ tiên của người miền Nam Trung Quốc ngày nay. Qua những dữ kiện dồi dào được thu nhập một cách công phu từ nhiều ngành nghiên cứu khác nhau được trình bày trong sách, bạn đọc sẽ nhận thức rằng Đông nam Á là nơi phát triển nền nông nghiệp sớm nhất và có thể là quê hương của kỹ nghệ kim loại đầu tiên trên thế giới. Những kỹ thuật này đã được truyền đi khắp thế giới qua làn sóng di cư vĩ đại xuất phát từ Đông nam Á. Những khám phá mà nói theo nhà khảo cổ học danh tiếng người Mỹ, Wilhem G.Solheim II, làm cho người ta phải suy nghĩ lại vai trò và vị trí của người phương Tây trong quá trình tiến hóa của văn hóa thế giới, bởi vì có nhiều bằng chứng cho thấy một cách hùng hồn rằng Đông Nam Á (chứ không phải Trung Quốc hay Ấn Độ) có thể là nơi đã đặt một số nền tảng đầu tiên cho văn minh nhân loại.
Người viết lời giới thiệu này có may mắn đã đọc “Eden of the East” và đã có dịp giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc Việt Nam qua tạp chí “Tia Sáng”. Nay, có cơ hội viết lời giới thiệu cho bản tiếng việt của một cuốn sách viết bằng tiếng Anh là một vinh hạnh cho người viết bởi vì tôi thấy những câu trả lời khoa học của cuốn sách đã vượt biên giới quốc gia, âu cũng là một ước muốn của tác giả và những người tổ chức dịch và xuất bản cuốn sách này sang tiếng Việt. Trước khi viết những dòng giới thiệu này, người viết đã đọc hết bản dịch và người viết rất phấn khởi thấy bản dịch có chất lượng cao, vì người dịch đã tỏ ra trân trọng với tiếng Việt và cẩn thận với các thuật ngữ chuyên môn, cuốn sách quả xứng đáng có trong tủ sách văn minh và văn hóa của bạn đọc”.
Trong bài báo thứ nhất, chúng ta thấy có một lần nói đến một địa danh mà có lẽ nó là một trong những vùng có phong cảnh thiên nhiên hữu tình thuộc “tốp” đẹp nhất nhì thế gian, đó là Vịnh Hạ Long.
Vịnh Hạ Long, chỉ cái tên thôi nghe đã thấy “khoái” rồi. Kinh đô ngàn năm văn vật được gọi là Thăng Long - con rồng bay lên, thì nơi đây được gọi là Hạ Long - con rồng đáp xuống, thật là sơn thủy đề huề, sinh linh có đi có về, đất trời có phân có hợp. Vịnh Hạ Long, nhìn cảnh là lại nhớ, nhớ về cái nghĩa vợ chồng đằm thắm thuận hòa và đồng lòng san sẻ gian nan Âu Cơ - Lạc Long Quân. Họ đã sinh thành ra dân tộc Việt từ việc đẻ ra 100 trứng “đồng bào” và nuôi nấng thành những đứa con lớn khôn; họ đã khai sinh ra Tổ quốc Việt Nam bằng việc chia đôi đàn con, bà Âu Cơ dẫn 50 đứa lên rừng, ông Lạc Long Quân dẫn 50 đứa xuống biển cùng khai hoang lập nghiệp, từ đó mà thành một đại gia đình, tạo dựng được cả một cơ đồ xán lạn. Không những thế, vô số “tiểu sơn” nhô lên từ mặt nước biển mênh mông và tĩnh lặng còn gợi cho chúng ta về một thời sâu xa hơn nữa, thời tiết cũng có một cuộc “mây mưa” cuồng nhiệt của khối tình nước - lửa mà kết quả là sự chào đời của những tiểu sơn - những hòn cự thạch hồn nhiên và tinh nghịch vui đùa dưới nước trời xanh lồng lộng, ngày đêm được mẹ biển cả ôm ấp và rì rầm ru từng khúc ầu ơ…
“Hóa ra để tạo nên kỳ quan số một này, thiên nhiên chỉ dùng: Đá và Nước… Chỉ có hai chất liệu trong vô vàn chất liệu có thể có, để viết, để vẽ, để điêu khắc, để sáng tạo nên tất cả” - nhà văn Nguyên Ngọc đúc kết về vẻ đẹp biến ảo, đa dạng của Vịnh Hạ Long như thế.
Đoạn nói về Nguyên Ngọc nêu trên nằm dưới tiêu đề một bài báo khác có tên: “Khám phá lại “kho báu” Hạ Long; Bài báo đó là của tác giả Chân Nhân, đăng trên tờ “Lao Động” ngày 19-8-2007. Chúng ta sẽ trích lược nó:
“Nhưng đằng sau vẻ đẹp thiên nhiên, dưới những trầm tích của thời gian, Hạ Long còn là một kho báu thực sự - kho báu văn hóa lịch sử.
- Bắt đầu bằng một sự tình cờ
- Hãy bầu chọn để Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới! Vì niềm tự hào, nhiều người bầu chọn vì biết đến vịnh biển nổi tiếng của đất nước về cảnh đẹp. Nhưng hơn thế, Hạ Long còn là tên của một nền văn hóa cách đây tới 5000 năm, một cái nôi của loài người. Tiến sĩ Hà Hữu Nga (viện khảo cổ học) cho rằng, đến nay chúng ta đã làm rõ được một lịch sử văn hóa có ít nhất 25000 năm ở Hạ Long - nền văn hóa Soi Nhụ. Kế tiếp đó là nền văn hóa Cái Bèo cách đây từ 7000 đến 5000 năm - gạch nối giữa Soi Nhụ với văn hóa Hạ Long cách đây muộn nhất cũng đến 3500 năm.
Tròn 70 năm trước, vào năm 1937, một công nhân lò nấu thủy tinh trong lúc đào cát đã tình cờ phát hiện được một chiếc rìu đá trên đảo Ngọc Vừng. Một phát hiện đã gây xôn xao giới khảo cổ Pháp lúc bấy giờ. Sau đó hai năm, nhà địa chất - khảo cổ học Andersson đã công bố 7 hang động đầu tiên là những di chỉ thuộc nhóm di tích Soi Nhụ. Vén bức màn thời gian, đến nay có thể thấy những cư dân Soi Nhụ đã sáng tạo hoặc học hỏi những loại hình kỹ thuật mới như kỹ thuật chế tác công cụ đá mài lưỡi và cùng với nó là kỹ thuật chế tạo gốm mà thể hiện rất rõ ở các hang động như Đồng Đặng, Hà Lùng, Đồng Cẩu, Áng Giữa ngày nay… Sau khi nước biển dâng, những cư dân Soi Nhụ đã tránh lên núi cao và sáng tạo nên một loại hình văn hóa mới ở Cái Bèo.
(…) Có thể nói rằng Cái Bèo là một trong những di chỉ khảo cổ học quan trọng nhất trong khu vực ven biển và hải đảo Đông Bắc. Cư dân Cái Bèo là những người định cư lâu dài ven bờ biển với tầng văn hóa dày, có di tồn đồ gốm, công cụ lao động, vết tích hoạt động và mộ táng. Họ thiên về khai thác biển mà vết tích còn lại của nhiều loại cá, có loại có kích thước và trọng lượng lớn tới hàng trăm kg, chỉ sống ở môi trường biển sâu, xa bờ. Bên cạnh những chiếc rìu đá, các nhà khảo cổ còn tìm được cả chì lưới đánh cá. Họ đã sử dụng lưới vó, thuyền mảng để đánh bắt xa bờ.
Kể từ khi Anderson phát hiện và khai quật di chỉ Ngọc Vừng mà thời đó gọi là di chỉ “Danhdola” - cái tên “văn hóa Danhdola” được ông nhắc đến vài lần - có thể coi là cái tên khai sinh của văn hóa Hạ Long, văn hóa hậu kỳ đá mới. Đến nay, có khoảng 27 địa điểm văn hóa Hạ Long đã được phát hiện và nghiên cứu. Giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định tầm quan trọng của văn hóa Hạ Long: Giai đoạn muộn của văn hóa Hạ Long có một vị trí đặc biệt đối với nền văn minh Việt Cổ. Mặc dù có nguồn gốc bản địa nhưng điều độc đáo của văn hóa Hạ Long là nó có cả kết quả của sự giao lưu, trao đổi với các nền văn hóa khác. Thậm chí, vươn ra ngoài biên giới, các đặc trưng văn hóa Hạ Long thấy rất rõ tại Nam Trung Quốc như rìu bôn có vai có nấc, kích thước nhỏ được tìm thấy ở vùng ven biển Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồng Công. Các đặc trưng rìu bôn lưỡi hoa xòe Hạ Long còn xuất hiện ở Thái Lan, Philipin…
- Một Hạ Long thương cảng:
Trên con đường tơ lụa cổ của thế giới, thương cảng Vân Đồn đã xuất hiện như một dấu son chói lọi ở biển Đông. Trước khi lập cảng Vân Đồn, theo con đường này, tiền nhân đã qua lại buôn bán với Trung Hoa. Năm 1149, Vân Đồn mới chính thức được thành lập. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Kỷ Tỵ, năm thứ 10, đời vua Lý Anh Tông, mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn các nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho tập trung ở nơi hải đảo gọi là Vân Đồn để mua bán hàng quý, sản vật địa phương…”.
(…)
Và những bí ẩn tầm cỡ thế giới:
Ngoài những giá trị văn hóa, phong cảnh, vùng biển Hạ Long từng được người Pháp lưu ý từ khi mới đặt chân đến Việt Nam là sự xuất hiện của một trong những loài vật bí hiểm khổng lồ - rắn biển. Ở biển Cát Bà (một hòn đảo của vịnh Hạ long), từ cuối thế kỷ 19 đến những năm đầu thế kỷ 20, nhiều tàu hải quân Pháp đã bắt gặp giống rắn kỳ lạ này ở cự ly gần.  
Báo cáo tháng 7 - 1897 của đại úy Lagresilla, chỉ huy pháo thuyền Avalanche, thuật lại việc các thủy thủ pháo thuyền nhìn thấy hai con vật kỳ dị xuất hiện ở vịnh Hạ Long. Thân chúng dài khoảng 20m, đường kính thân chừng 2 - 3m. Chúng cử động bằng cách uốn lượn như rắn. Họ bèn nạp đạn nhắm về phía chúng nhưng do quá xa không tới, chỉ khiến chúng lặn sâu xuống biển. Ngày 24/12/1898, lại thấy xuất hiện hai con vật tương tự trước mũi tàu Avalanche. Thủy thủ đoàn truy đuổi hai con vật suốt 35 phút. Lúc chỉ cách khoảng 200m, đại úy Lagresille nhìn rõ đầu con vật này rất giống đầu hải cẩu, nhưng to gần gấp đôi. Vào sáng sớm ngày 12/2/1904, trong lúc đang tuần tra ở mũi Con Cóc, đại úy Pergon, thuyền trưởng tàu Chateurenault, được báo phía trước có một mỏm đá. Reron nhìn và tin đó là con cá to, bèn cho tàu tiến lại gần. Nhưng khi tàu đến gần, con vật liền biến mất. Peron thả một canô đuổi theo về hướng mỏm Con Cóc, hy vọng nhìn thấy con vật. Nhưng khi đi vào đảo Cát Bà, ông lại nhìn thấy hai con vật trông hình thù gần giống hai con cá chình khổng lồ, da màu đá, có những đốm màu vàng lạt. Chúng chỉ xuất hiện trong tầm mắt những người ngồi trên canô chừng một lúc rồi lặn sâu xuống đáy biển.
Ông Nguyễn Đình Húy kể rằng ông đã chạm trán với loài rắn biển ấy vào khoảng những năm 1980. Lần ấy ông cùng một số người trong Hợp tác xã đánh cá ra khơi, quãng 9 giờ sáng thì bắt gặp con vật khổng lồ, chỉ riêng phần lưng nổi lên của nó đã dài khoảng 5m. Sau khi quẫy đuôi phá nát thuyền, con vật đã bỏ đi. Lần gần đây nhất người ta nhìn thấy nó là vào khoảng năm 2002.”
Loài rắn biển khổng lồ được mô tả trong bài báo nêu trên có xuất hiện vào thời tiền sử cổ xưa không? Nếu có xuất hiện thì có lẽ là thường xuyên hơn vì số lượng thời đó ắt là nhiều hơn. Giả sử người Việt nguyên thủy (chẳng hạn là ngư dân thời Cái Bèo) đã thấy nó thì họ gọi loài đó con gì? “Rồng Biển” chăng? Nhưng khái niệm “biển” lúc đó đã có chưa? Hay đơn giản hơn là “Rồng nước”? Có lẽ thế, rồng biển là con rắn khổng lồ sống dưới nước, được thời đó coi như “thủ lĩnh” của muôn loài ở dưới nước (tương tự như hổ được coi là chúa sơn lâm). Phải chăng rồng nước chính là hồn cốt, sau này được linh thiêng hóa thành Lạc Long Quân (Lạc Long = rồng nước = rắn nước khổng lồ!)?
Nếu tìm ra được một mối liên hệ nào đó để có thể suy tưởng ra rùa nước khổng lồ (rùa biển) được linh thiêng hóa thành Âu Cơ thì thích thú biết bao nhiêu! Rùa biển lên bờ cát đẻ trứng dần dà trở thành bà Âu Cơ đẻ trăm trứng trong một “đồng bào” là một sự “tạo dựng” không đến nỗi khó khăn lắm, thậm chí là rất dễ nếu so với “cuộc tạo dựng” con cóc thành cậu Ông Trời!
Suy diễn kiểu “trời ơi đất hỡi” như thế, tất yếu chúng ta sẽ phát hiện được một “hằng đẳng thức” rất đáng được “lưu truyền”:
                  (Rồng nước + Rùa biển)linh hóa = Lạc Long + Âu Cơ
Chưa hết, thời đại đồ đá rồi cũng chìm dần khi câu chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ đã trở thành một truyền sử về nguồn gốc của người Lạc Việt, không ai còn biết đến cái “hằng đẳng thức” được sáng tạo của một (hay nhiều?) ông “đại văn hào” nào đó nữa, thì đến thời đại đồ đồng nổi lên và một cuộc linh thiêng hóa mới, phù hợp với hơi thở đương thời ra đời:
                (Rồng nước + Rùa biển)thần hóa = Long Mã - Kim Qui
Trên cơ sở này mà xuất hiện một truyền thuyết lịch sử (bên tận Trung Quốc?!) làm đau đầu bao thế hệ các nhà nghiên cứu suốt từ trung đại cho đến bây giờ: Long Mã tặng Hà Đồ, Qui thần dâng Lạc Thư.
Câu hỏi lớn được bày ra: Long Mã - Kim Qui nổi lên ở đâu trên sông Hà sông Lạc hay trong vịnh Hạ Long?
“Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, thánh nhân tắc chi” có thể mãi mãi là một huyền tích, nhưng tính chân lý của nó thì luôn luôn sáng ngời: chỉ có một cách thức duy nhất để nhận thức thế giới là thông qua quan sát, học hỏi thực tại và tích cực suy tưởng!
***

“Tình sử” Địa Đàng đã được những cái đầu hoang tưởng “thêu dệt” xong. Có thể “dùng” nó như một truyền thuyết để kể cho mấy đứa con nít nghe; có thể dùng nó như một thư tịch cổ phục vụ cho công việc khảo sát đối với những kẻ có sẵn đức tin; và cũng có thể lấy nó làm một thí dụ điển hình về sự tai hại của lối suy tư siêu hình, quá trớn đối với những người chỉ ưa thực chứng. Tùy nghi sử dụng thỏa thích!
Còn chúng ta phải cố quên cho nhanh để cái đầu hạ “sốt” mà trở về với công việc còn dở dang của mình. Một bộ não ở mãi trạng thái hoang tưởng cao độ là rất nguy hiểm bởi vì chỉ cần một khắc thiếu kìm chế, nó sẽ vượt qua trạng thái giới hạn để đi thẳng đến bệnh viện, không “phản phục” được nữa.
Tuy nhiên, trong quá trình lang thang tìm kiếm dấu vết Thiên Đường nơi dương thế, nhìn thấy biết bao nhiêu di tích đổ nát, hoang tàn mà chắc rằng đã từng một thời vững chãi, uy nghi, hoành tráng, có một nỗi niềm cứ vương vấn mãi cõi lòng chúng ta, không sao trút bỏ được. Hình như con người đã hết sức chủ quan, thường chỉ thấy vai trò chúa tể của mình trước vạn sinh linh khác vì biết tư duy chứ chưa bao giờ thấy mình còn là nô lệ của tư duy. Vì vậy con người đã nỗ lực xây dựng cuộc sống một cách mù quáng và sự thái quá bởi mù quáng đó đã quay lại phá hủy ngay chính cuộc sống của mình. Con người nâng niu thờ cúng tất cả vì sự sống mà cũng đạp đổ, ăn tươi nuốt sống tất cả vì sự sống. Có thể đói khát và dư thừa đã là nguyên nhân tự nhiên làm hình thành nên cái xu thế của tiến trình lịch sử loài người và lịch sử đó là sự phô diễn của vai trò con người tác động tích cực đến hai mặt đó, làm cho chúng phát triển ngày càng sâu rộng về mặt lực lượng và nhanh chóng kết thúc một chu kỳ chuyển hóa lưỡng nghi giữa chúng, để rồi tất cả lại sụp đổ, bắt đầu một chu kỳ đói khát - dư thừa mới. Thật là khốn nạn cho loài người khi đã phải chịu biết bao nhiêu thương vong nặng nề bởi thiên tai lại còn phải đồng thời chịu triền miên những cuộc chiến tranh xâu xé, giết chóc, tàn sát lẫn nhau một cách hết sức tương tàn, do chính mình gây ra. Đến thế kỷ XXI rồi mà sự thể vẫn cứ i xì như thời của Alexăng Đại đế, thời của Thành Cát Tư Hãn, thời của Napôleon Đệ nhất…, chẳng khác gì! Ôi, chúa tể! Ôi, văn minh! Toàn những nhãn mác tự xưng để huyễn hoặc người và huyễn hoặc chính mình. Hai quả bom nguyên tử ở Hirosima và Nagasaki là thành quả của văn minh đấy nhé! Hai tiếng nổ đó có phải là tiếng khui sâm panh mừng vui báo hiệu loài người bắt đầu bước vào một kỷ nguyên hòa bình và tươi đẹp? Hoàn toàn không! Đó là hai tiếng rú thét man rợ tột cùng của sự man rợ, man rợ hơn cả những hành động man rợ nhất của thời hồng hoang tối cổ nào đó bị văn minh ngày nay gán cho là man rợ nhất! Rõ ràng và dứt khoát là không thể biện minh được bằng bất cứ thủ đoạn nào. Loài người đã có thể bước ra khỏi Trái Đất, đã để dấu chân trên Mặt Trăng, đã đặt được trạm quan sát lên Sao Hỏa và có thể đã nhìn đến tận cùng Vũ Trụ, nhưng hình như vẫn chưa tỉnh ngộ, vẫn chưa thấy được chân tướng xấu xí của mình… Và đó cũng chính là nguyên nhân làm nên định mệnh bi tráng của loài người. Con người tương lai không lẽ cũng chấp nhận định mệnh đó hay sao?!
Và cái nỗi niềm ấy cứ thổn thức mãi mà cảm tác nên một bài thơ. Chúng ta vừa ngâm nga nó vừa xốc lại hành trang, lên đường qua… chương X:



TRƯỜNG LƯU THỦY
            Ta
Núi chắt ra
Rừng e ấp
Đất ầu ơ nuôi nấng
Trời dắt dìu theo mưa nắng lớn khôn.
            Ta
Dài một dòng sông
Uốn lượn thong dong xuôi cùng năm tháng
Lang thang với hoa cỏ thảo nguyên, vui hát cùng đồng xanh bát ngát
Hắt phù sa lên phủ óng mượt làng quê
Xối mát tuổi thơ, thỏa khát những trưa hè
Trêu ghẹo con đò, thẹn thò nón nghiêng, mái chèo khoan khỏa
Nằm đợi trăng lên, nghe gió rủ rê, đôi bờ rỉ rả
Tinh nghịch câu hò mà vàng đá thủy chung.
            Ta
Lãng đãng dòng sông
Lông bông qua vùng đô hội
Ngơ ngác nhìn lên những nhịp cầu bê tông, chềnh ềnh đan nối
Hối hả thời gian, ngày ngày khói bụi, vàng vàng vội vội vào ra
Vắng ngắt không gian, đêm khuya mệt mỏi, ơ thờ thành phố đèn hoa
Trăng treo nhạt nhòa, ưu phiền le lói
Im lìm đôi lứa ly hôn, đắm chìm bóng tối!...
            Ta
Là ý nguyện muôn sông
Lai láng hội dòng
Thành mênh mông biển cả
Ru ngủ dung nham, vỗ về băng giá
Nhớ cội nguồn nên sóng dồn dào dạt, ỳ ào khắp vách đảo bờ châu
In bóng non cao
Thắm màu rừng thẳm
Ôm ấp rong rêu, lũng cạn thung sâu, hồ ao, luồng lạch.
Lưu giữ tinh trời khí đất, tụ hình mây gió giao hoan.
Tương phùng hữu duyên
Thiên lý quyện tình sinh linh kỳ ngộ
Hóa ngọc biếc rạng ngời Vũ Trụ
Cho ngẩn ngơ nhìn, ao ước những hành tinh
Và ngàn sao đêm ríu rít ngắm soi mình!...
            Ơi những khối thiên nhiên vô sinh
Đang ngùn ngụt cháy tràn, u minh lửa khói
Muốn hóa ngọc hãy tin yêu chờ đợi
Ước mơ nào cũng đọng giọt long lanh
Nhỏ xuống hoang vu, tí tách tỏa duyên lành
Nảy lộc vươn chồi thành núi, thành rừng, thành trời, thành đất
Thành nắng gió mưa mây, thành châu thổ nối mùa xanh suốt
Thành tươi sáng quê hương của biển rộng sông dài!...
            Ta
Có hôm nay
Còn có ngày mai
Trên mảnh đất này đầu thai hiện hữu?
Cõi vô thường hay là vĩnh cửu
Mà lã chã lòng chát mặn những lệ châu
Mà cuồn cuộn dòng ngầu đỏ nỗi ưu sầu
Khi thấy người thản nhiên gặt rừng, đốn núi
Cào nát trời đau, vắt kiệt cùng đất mỏi
Vét cạn biển sâu, bẻ quặt quẹo sông ngòi
Rải thảm bom mìn, vằm xương tan thịt nát, chặt máu chảy đầu rơi?
            Ta
Thấp thỏm trôi
Cồn cào vỗ sóng
Chớp báo, sấm cầu chói lòa, vang động
Bão xoáy rú gào chất vấn lương tri.
Hỏi tham, sân, si:
Sao giam cầm khôn ngoan trong mù đui ích kỷ
Đập phá nhà mình, cướp phần cháu con, lại thỏa thê hoan hỷ?
            Ta
Tít tắp dòng sông
Mênh mông biển cả
Mạch ngầm ươm mềm sỏi đá
Mưa nguồn thúc rộ mầm lên
Như máu ngược xuôi theo hơi thở con tim
Tuần hoàn nuôi sự sống
Kết trái đơm hoa, mong ngọt tình thương, thơm lừng hy vọng
Chan chứa yêu người!...
            Nhưng người có yêu người
Và người có yêu ta?
Có ai cần nhớ nắng xa
Ai là thường quên không khí
Những ai ước cao sang, ai nào màng vô vị?
            Hỡi người
Gấp lắm rồi
Đừng mê muội nữa!
Hoang mạc lan tràn, đang nhồm nhoàm nhai Đất hứa
Đuổi ta đi là nóng chảy Địa cầu
Người ôm bạc vàng, châu báu về đâu?
            Ta
Hiện ra
Từ ngọn nguồn cổ tích.
Từ ngày xửa ngày xưa, ngày đầu tiên xưa nhất
Vâng lời Tạo Hóa về đây
Xoay chiều nhiệt động, xoa dịu giải vây
Xây tổ uyên ương, ru tình nước - lửa
Cát bụi hoan hô kết mùa hoa nở
Muôn sắc bừng lên thành xứ sở xanh trong
Thênh thang bao dung
Bạt ngàn bình dị
Mọng ngọt nắng mưa, thơm tho hòa khí
Tự nhiên ban tặng muôn loài…
            Đâu cho riêng người
Mà đua đòi chúa tể
Mà giành giật nhau qua hàng ngàn thế hệ
Dại khờ ảo tưởng chiến công
Cung kiếm anh hùng
Giáo khiên hiệp sĩ
Thành quách nghênh ngang, bầy đàn tỉ thí
Đại bác xe tăng xấc xược xâm lăng
Đường cùng khủng bố nhe răng
Đất nước nát tan, rên rỉ oan hồn vì cơn thắng, bại
Tội ác ngất trời mà nghêu ngao vĩ đại!…
            Nhưng được gì không ngoài phế tích điêu tàn
Và đến bao giờ biết ngồi khóc ăn năn?
            Hỡi đám lữ hành
Từ hư vô đến
Trên con thuyền của tiến hóa đón đưa định mệnh
Trần gian này hiếu khách cưu mang
Cứ hồn nhiên mà vui thú Địa đàng
Cùng làm cùng ăn, cùng cảm thông chia sẻ
Nghĩa lý gì mà bày đặt phân tầng sang – hèn, sướng - khổ
Tự đọa đày nhau, hành hạ kiếp trăm năm?
Có thể đủ quyền uy vơ vét thỏa tham lam
Nhưng không thể lìa trần mà không hoàn trả lại.
Có thể đủ bạo tàn để chất chồng những nấm mồ, những điện thờ uy nghi vững chãi
Nhưng đùng hòng lừa thời gian mà bất tử, vĩnh tồn!
            Hãy tạc dạ ghi lòng
Ơi,
CON NGƯỜI SUY NGHĨ:
Ta
Là TRƯỜNG LƯU THỦY
Dài kỳ cùng và rộng mênh mông
Thắm thiết núi rừng, da diết biển sông
Ầu ơ con thuyền lưu lạc cô đơn, phân vân lần tìm lẽ sống
Va vấp mê lầm nhưng thông minh quả cảm!
            Hãy tạc dạ ghi lòng
Ơi,
CON NGƯỜI SUY NGHĨ:
Chẳng thánh thần nào cứu nạn được đâu!
Phải tự nhận ra bến cạn bến sâu
Bờ trong bờ đục
Hướng nào khổ đau, hướng nào hạnh phúc
Để người chọn lấy cho người
Để biết thương ta mà cùng ta giữ gìn
Muôn thuở muôn đời hoa lá xanh tươi!...


Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG