Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Thầy cô trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi




0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

Di Sản Của Bố Tôi - Phạm Nguyễn Thanh Tùng

Giỗ Thắng híp

Di Sản Của Bố Tôi







Nếu bạn bảo chả có gì là mãi mãi thì tôi sẽ trả lời là đây. Mối quan hệ của bố tôi với mọi người xung quanh. Những người trong bức ảnh này là bạn bố, mọi người quen nhau từ hồi ĐH, từ thời 18 tuổi, đến giờ cả hội đã U70 tức là họ đã chơi với nhau khoảng 50 năm, có người thì quen nhau từ hồi lớp 4. Nói qua một chút thì nhà mình có gốc rễ là quân đội, con nhà tướng, thế nên bạn bố cũng toàn là con tướng và làm quân nhân. Hồi xưa thì con nhà tướng đều học chung với nhau, thường là trường nội trú thế nên có khi thời tuổi thơ và thanh xuân họ dành nhiều thời gian cho nhau còn nhiều hơn gia đình.

Nói về bố thì ông thuộc kiểu người nhiệt tình, sống vì bạn, sống quảng giao thoải mái. Bố là linh hồn của các bữa tiệc, gần như không bữa nhậu nào không thể thiếu bố. Hồi còn sống mỗi ngày bố mình có thể đi nhậu 3 trận sáng trưa tối. Trong mắt mình bố mình như ông sâu rượu còn trong mắt bạn bè bố, ông là lãnh tụ tinh thần  . Bố mình chả cần kiếm nhiều tiền, chỉ vừa đủ nuôi con cái ăn học, nhưng mọi người luôn chủ động mời bố đi nhậu. Thằng bạn thân mình bảo, khi người ta gặp mình chỉ vì tiền thì cuộc đời mình đang thất bại, vì đến một ngày mày không có tiền thì không ai muốn gặp cả, giá trị của người đàn ông nằm ở kiến thức và nhiều cái khác. Quan điểm này của nó giống với cách sống của bố mình, bố có kiến thức rất sâu rộng và các mối quan hệ cực quảng giao, đó là điều khiến người ta ngưỡng mộ ở ông, và gặp ông nói chuyện không bao giờ chán cả, ông biết nhiều đến mức lúc nào cũng có nhiều thứ để nói, kể cả những chuyện lịch sử cũ rich thì bố vẫn khai thác được nhiều khía cạnh mới mẻ. Nói không phải khoe, nhưng bố mình không làm nhà sử gia thì hơi phí, mà nếu thời đi học mà ông mà đứng lớp thì giới trẻ bây giờ đã chả ghét sử VN.

Có vẻ hơi lan man, quay lại về các mối quan hệ của bố, mình gọi nó là minh chứng của các mối quan hệ mãi mãi. Khi người ta đối xử với nhau chỉ bằng sự chân tình, không vụ lợi thì chả có lý do gì nó phải kết thúc cả. Hồi lớp 12, mình đọc 1 bài viết của anh Lữ Hồng Ân “Nói yêu thôi đừng nói yêu mãi mãi”, theo quan điểm tác giả thì con người ai cũng sẽ thay đổi, và khi thay đổi thì người ta đối xử với nhau cũng khác đi. Thế nên không nên quá ỷ lại vào một mối quan hệ, không nên trách móc đối phương vì họ không còn yêu thương mình như cũ, mọi thứ đều chỉ có giới hạn cũng như đồ ăn thì chỉ có hạn sử dụng. Những năm về đây, quan điểm đó còn được mọi người nhắc nhở nhau nhiều hơn, thể hiện nhiều hơn. Người ta ly hôn, người ta chia tay, người ta lánh mặt và người ta lấy lý do là ai cũng thay đổi. Người ta khuyên là nâng được thì buông được, người ta khuyên nên sống theo cách nhà phật bao dung để mọi thứ cứ trôi qua, đừng quá quỵ lụy. Mình thì nghĩ người ta đang đánh tráo khái niệm, họ nhầm lẫn giữa sự thay đổi và sự buông bỏ, giữa việc đối xử với nhau bằng chân tình với lợi ích trong một giai đoạn. Theo tôi khi chúng ta yêu nhau thật sự, dù có chia tay người ta cũng không tránh mặt, họ vẫn gặp nhau và nhớ về kỷ niệm đẹp.

Ngày bố mình mất, người đến dự đông như đám tang của chủ tịch nước, thậm chí còn có các bác đại tá, đại tướng. Dỗ đầu của bố, các bác vẫn đến đông đủ, và lần này là đám dỗ lần 2, mọi người vẫn cố sắp xếp thời gian để tham gia. Hồi xưa bố bảo người ta đến đám cưới chưa chắc vì tình cảm, nhưng những người đến đám tang của người thân trong nhà mình hay của mình thì chắc chắn đó là họ có tình cảm sâu sắc với mình. Sống tình cảm là quan điểm sống và là di sản mà bố để lại cho mình. Bản thân gia đình mình nhiều thế hệ cùng ở chung với nhau, cả nhà nội và nhà ngoại đều sống như vậy. Người trong nhà có thể có lúc mâu thuẫn nhưng mọi người luôn ở bên nhau. Đối với mình tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè, tình yêu là thứ quan trọng tạo nên nền móng cuộc sống của mình. Được hưởng thụ tinh thần đó, môi trường sống đó nên mình luôn lạc quan tin vào cái thứ gọi là MÃI MÃI. Có người bảo mình ngây thơ, trẻ con, thiếu va chạm, cũng đúng thế thật nhưng thôi cứ để tôi ngây thơ đi vì tôi đã chứng kiến và sống với nó. Thực ra không ai dạy được cho ai phải sống như thế nào, bạn không phải là tôi để hiểu cuộc sống của tôi. Nhưng mình đơn giản là chia sẻ về cuộc sống và quan điểm của mình như vậy đấy, nếu bạn thấy đồng cảm xin chúc mừng là bạn đang có một cuộc sống rất hạnh phúc.

Ngày 10/11/2018 (4/10/ Mậu Tuất)


FB Phạm Nguyễn Thanh Tùng
11/11/2018


0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

Những ngày đầu lên Trỗi - Sử Bình



Tôi nhớ, khoảng cuối 1965, má đưa tôi qua Lý Nam Đế để tập trung lên Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi. Chả là má có mấy người bạn chung đơn vị từ thời chưa đi tập kết, đã có con gởi lên Trường từ những đợt trước (Hoàng Anh và Y Nam...), nên quyết định cũng cho tôi học Trường này. Chiều tà, xe quân sự phủ bạt kín mít chở chúng tôi - gồm một số anh em thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, lứa của tôi là nhỏ nhất - lên Trường.

Xe chạy trong đêm không bật đèn pha, chỉ có đèn gầm lờ mờ. Chiến tranh mà, xóc, đường tối đen như mực, hé bạt nhìn ra cũng chả thấy được gì. Chúng tôi ngồi trên xe khoảng chục người. Tất cả đều im lặng, không ai nói với ai một lời nào, mỗi người đều theo đuổi dòng suy nghĩ riêng của mình. Ai cũng bắt đầu cảm thấy nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ nơi thân thuộc đã từng sống...

Xe chạy mãi rồi cũng dừng lại. Một chú bộ đội trong nhóm hộ tống xuống sau xe đọc vài cái tên trong danh sách xuống xe, về nơi đóng quân. Xe lại đi tiếp, nhóm của tôi là nhóm thứ hai xuống xe, những người còn lại tiếp tục lên đường...

Mấy đứa nhi đồng chúng tôi đeo hành lý được lệnh đi theo người dẫn đường. Hành quân bộ dọc con đường mòn lờ mờ quanh co, có lúc là đường đồi, có đoạn là bờ ruộng và cả xắn cao quần lội qua suối... Đi mãi khi đã thấm mệt, cuối cùng cũng đến nơi. Chú bộ đội dẫn đường nói nhỏ:
- Tất cả nhẹ nhàng, không làm ồn ảnh hưởng đến những người khác đang ngủ.

Chú thắp lên một ngọn đèn dầu phòng không, ánh sáng leo lét chiếu qua cái lỗ nhỏ trên thân đèn. Tôi kịp nhận ra mình đang đứng trong một lớp học (chính xác hơn là một cái lán), vì có bàn ghế, nền nhà bằng đất, vách đất, mái lợp tre và lá cọ. Người dẫn đường tiếp tục:
- Đêm nay tạm thời các em ngủ ở đây, sáng mai sẽ bố trí sắp xếp sau.

Mấy đứa nhỏ chúng tôi chả ai bảo ai đều cùng xúm lại kê bàn sát vào nhau làm giường ngủ tạm.
Nằm trên bàn, không màn, không chăn chiếu... Cái lạnh của vùng trung du những tháng cuối năm, rồi muỗi và nỗi nhớ nhà, nhớ phố cũng không ngăn nổi giấc ngủ chập chờn. Chỉ bực nhất hai cái chân lội suối còn ướt chưa khô nên lạnh quá.

Tờ mờ sáng tôi thức dậy, nhìn xung quanh thấy 4 - 5 đứa trạc tuổi mình đang say sưa ngủ, những khuôn mặt lạ, chả quen đứa nào. Mà sao hai cái chân vẫn chưa khô? Ngồi trên bàn, tôi nhìn xuống chân, thấy bê bết máu, dính đầy cả trên bàn, một con đỉa trâu to như ngón chân cái người lớn đang lủng lẳng ở bắp chân, khiếp quá. Chắc lúc đêm lội qua suối nó đã kịp bám vào. Vội vàng nhảy xuống đất, tôi tìm nhặt một cái que ra sức gạt con đỉa ra. Máu chảy hoài, chả có bông băng gì, tôi chạy ra ngoài vặt vài cái lá dại nhai nát, đắp vào vết cắn. Một lúc sau, may thay máu cũng ngưng chảy. Vậy là qua được đêm đầu tiên ở Trường Trỗi. Thật kinh khủng!

Bên ngoài, tôi quan sát xung quanh, đúng là nơi đây toàn đồi núi. Mùi đất và mùi lá rừng rất lạ, nồng nồng, hăng hắc. Tiếng những con gì đó kêu to lắm, chắc là tiếng chim hay thú. Tiếng nước chảy róc rách dưới khe, bên kia những lùm cây rậm rạp... Buồn thê lương!
Gần đó cũng có một cái lán lợp lá nữa, chắc là nhà ở tập thể.

Rồi mọi người cũng dần thức dậy. Lũ "lính" cũ mặc quân phục, cười nói, lom lom nhìn bọn lính mới chúng tôi bàn tán. Lát sau, một chú bộ đội đến dẫn chúng tôi đi sang một khu vực khác, cách đó vài trăm mét. Sau này khi đã quen tôi mới biết chúng tôi được bố trí ở chung nhà với Thầy Trường - CTV Đại đội và Thầy Ninh - Đại đội trưởng.

Những ngày sau, lũ lính mới chúng tôi được cấp phát quân trang, chăn màn, xúng xính quân phục mới và cả cái bát sắt tráng men B52. Rồi học dần Điều lệnh của Trường, tác phong Quân đội, nội vụ buổi sáng, giờ giấc học tập, ăn, ngủ, vệ sinh, sinh hoạt v.v. Chúng tôi lên sau nên còn phải học đuổi các bạn lên trước.

Nhiều đứa bạn mới lên vẫn nhớ nhà, trốn ra chỗ vắng ngồi khóc một mình. Tôi thì không khóc, quen dần với cuộc sống và nề nếp mới. Một thời gian ngắn sau tôi đã quen thân được các bạn mới trong lớp mình và cả các lớp khác. Cuộc sống thiếu thốn, gian khổ ở trên Trường: không có chỗ đi chơi, tối không có điện, không có quà vặt như ở nhà... cũng dần quen. Chuyện học hành, sinh hoạt hàng đêm, tập hành quân, tự làm hầm tránh máy bay, lấy củi, vác gạo, sinh hoạt tập thể... lũ bộ đội nhi đồng mới cao chừng mét mốt, mét hai sau ít ngày ở trên Trường chả có thời gian mà nghĩ đến khổ đến buồn nữa.

Tôi ấn tượng và nhớ nhất hình ảnh Thầy Trường với đôi tai cực thính luôn phát hiện ra máy bay địch trước mọi người để đánh kẻng báo động cho các trò xuống hầm an toàn, kịp thời. Những buổi trưa, Thầy ngồi đó còng lưng xuống, dùng kim khâu bắt từng con cái ghẻ nhỏ xíu trên bàn tay của các trò. Nhiều bạn gọi Thầy là bố, xưng con đầy thân mật...

Những ngày đầu tôi trở thành học sinh Trường Trỗi là như thế. Nhớ lắm và tự hào về một thời "sinh ra trong khói lửa", mới đó mà đã hơn nửa Thế kỷ rồi! Các Thầy của tôi, các bạn tôi ngày xưa, nay đầu đã bạc, thành ông, thành bà và nhiều người đã không còn nữa. Nhưng tôi tin rằng mọi người cũng như tôi vẫn nhớ như in, mọi chuyện như mới xẩy ra ngày hôm qua thôi! Phải không các bạn?

Tháng 10/2018

FB Sử Bình - 2 tháng 11, 2018

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>