THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 45/d




PHẦN V:     THỐNG NHẤT

“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
A. Anhxtanh

“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.
Upanishad

CHƯƠNG V: CHIÊM BÁI

“Bằng cách ở mỗi hiện tượng tự nhiên của cái riêng lẻ, cái qui ước và ngẫu nhiên, chúng ta hướng mắt đến cái phổ quát, cái khách quan và tất yếu, thì đó là chúng ta tìm cái độc lập đằng sau cái lệ thuộc, cái tuyệt đối đằng sau cái tương đối, cái vĩnh cửu đằng sau cái vô thường. Và như tôi nhìn thấy, cái khuynh hướng này biểu lộ không những trong vật lý học, mà còn trong mỗi ngành khoa học, vâng, không chỉ trên lĩnh vực khoa học, mà còn trên lĩnh vực của cái thiện và cái mỹ”.
Max Planck

“Cái huyền diệu là trong tất cả các hiện tượng của tự nhiên, có một tính qui luật phổ quát ngự trị mà ở mức độ nào đó, có thể nhận thức được đối với chúng ta”.
Max Planck

 (tiếp theo)
Hồn vía của đoàn người hồi hương đã bình phục trở lại. (Thực ra, Hoang Tưởng chỉ có một mình trong cuộc hành trình thôi nhưng vì… hoang tưởng nên cứ nghĩ rằng đang “đi” cùng với nhiều người và cũng vì vậy mà lúc nào cũng tự xưng xoen xoét là “chúng ta”. Chẳng hay ho gì… mà thôi, kệ cha lão ta!). Chúng ta định thần cố nhớ lại những sự kiện vừa qua rồi cố quan sát, tìm hiểu để nắm bắt tình trạng của mình trong hiện tại.
Cái nóng hầm hập như thiêu đốt và sự ngột ngạt đến ghê hồn không còn nữa. Thay vào đó là cái cảm giác mát mẻ, lâng lâng nhẹ nhõm như vừa sau trận mưa trong một ngày hè. Điều kinh dị vô cùng là dù chúng ta đã hoàn hồn, đã suy nghĩ được, đã cảm nhận được và hơn nữa, đã thấy được tỏ tường như cũ thì vẫn không thấy thân xác của mình đâu cả. Vì biết rằng trong Vũ Trụ, chẳng có gì phi lý mà có thể xảy ra được, nên chúng ta tập trung suy ngẫm để tìm cho ra một lời giải thích khả dĩ. Suy ngẫm một hồi lâu thì chúng ta sực nhớ: ở Trái Đất, nhiều người đã từng gặp ma, đã từng trò chuyện với vong hồn của những người đã chết. Ma hay vong chắc là phải có thực và nếu thế thì phải thừa nhận rằng đó là những dạng tồn tại đặc biệt sau khi chết của sự sống con người, và sự tồn tại ấy có thể kéo dài đến cả ngàn năm và thậm chí còn lâu hơn nhiều. Có thể cho rằng ma hay vong là một dạng sống đặc biệt (không sống mà sống, là cả hai mà cũng không phải cả hai), đóng vai trò là trạng thái trung gian chuyển tiếp từ hữu sinh sang vô sinh mà chỉ ở loài người mới có.Có thể cho rằng dạng sống đặc biệt này và dạng sống đích thực có tính tương phản nhau và gốc phân định sự tương phản của chúng chính là trạng thái ngủ. Có thể hình dung cấu trúc của "thực thể" ma vong là "căn cốt" của cấu trúc con người, phần còn lại khi con người chết đi (không phải thân xác!), không tiêu diệt được nếu không phải là phản ứng hạt nhân, và vận động (chủ yếu về mặt tinh thần) trên phương thức tạm gọi là "cảm ứng kích thích điện từ sinh học"(được kích hoạt bởi hoạt đông thần kinh của người sống). Dạng sống này còn được gọi là "linh hồn", sống khi người sống (thường là người thân) "đoái hoài" tới,không sống khi bị người sống (người thân) lãng quên, thông qua các nhà ngoại cảm, và trái lại nhà ngoại cảm chỉ thấy được linh hồn khi có sự đoái hoài của người thân hay của (những) người yêu thương linh hồn đó (nghĩa là có hoạt động thần kinh như một cảm ứng kích thích hướng về linh hồn đó).

Nếu hồn vía của ma hay vong là như thế thật thì sự tồn tại của nó phải là kết quả của một quá trình nhân quả nào đó có tính vật chất (Không Gian?) mà đầu mối phải bắt đầu từ con người. Vì lẽ đó mà chúng ta đưa ra phán đoán rằng, cấu trúc vật chất của mọi thực thể (cả vô sinh lẫn hữu sinh) đều được xây dựng nên từ những thực thể nhỏ nhất vẫn còn mang đặc trưng của loại vật chất hợp thành của thực thể đang xét nào đó, và được gọi là những đơn vị cơ bản. Chẳng hạn đơn vị cơ bản của một cục đá là những hạt nhỏ nhất nào đó vẫn còn bản chất đá mà nếu đem phân chia những hạt đá này thì sẽ nhận được những thực thể nhỏ hơn không còn bản chất đá nữa. Nếu đem toàn bộ những thực thể nhỏ bé không phải là đá này “nhào nặn” trở lại thành một thực thể mới thì nó không phải là một cục đá tương tự như ban đầu nữa mà có bản chất khác. Tương tự, đơn vị cơ bản của một thởi sắt phải là những nguyên tố sắt và nếu làm biến đổi những nguyên tố sắt này thì thỏi sắt đó không còn là nó nữa mà là một thực thể có bản chất khác. Dù vậy, cần phải cho rằng mọi thực thể (vô sinh hay hữu sinh) với cấu trúc vật chất đặc thù của chúng, muốn hình thành và tồn tại được đều phải dựa trên một nền tảng nào đó, một cơ sở tồn tại nào đó ở tầng sâu thẳm trong Vũ Trụ vi mô, hay cũng có thể hình dung, cùng với sự hình thành và tồn tại một thực thể theo một cấu trúc vật chất đặc thù nào đó thì đồng thời cũng hình thành và tồn tại cái tạm gọi là “giá đỡ cơ yếu”, hay “bộ khung nòng cốt”, đóng vai trò làm cho thực thể có khả năng tồn tại và hoạt động được. “Giá đỡ cơ yếu” hay “bộ khung nòng cốt” cũng là thực thể, nhưng đơn vị cơ bản cấu thành nên nó là vi hạt rất nhỏ, chỉ hiện hữu được ở những tầng rất sâu của Vũ Trụ vi mô, và có lẽ cũng vì thế mà thực thể này cũng có tính bền vững cao (“thọ” lâu!). Như vậy, thể xác của một thực thể dù vô sinh hay hữu sinh hiện hữu trong hiện thực của con người đều có cấu trúc vật chất theo kiểu tạm gọi là “kép”, gồm hai cấu trúc “lồng” vào nhau, trong đó cấu trúc vật chất có thể hiện hữu trong hiện thực được tạm gọi là “cấu trúc vật chất sơ cấp” và cấu trúc vật chất không thể hiện hữu được tạm gọi là “cấu trúc vật chất thứ cấp”.
Như đã nói thì cấu trúc thứ cấp có tính bền vững hơn cấu trúc sơ cấp. Khi một thực thể bị một biến cố nào đó làm cho không còn tồn tại nữa thì cả hai cấu trúc ấy cũng chấm dứt tồn tại, nhưng nói chung, cấu trúc sơ cấp chấm dứt tồn tại trước, ngay lúc sự hiện hữu của thực thể không còn nữa, còn cấu trúc thứ cấp vẫn có thể còn tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó ở mức độ nào đó tạm gọi là “cấu trúc thứ cấp tàn dư” của thực thể (dù không nhất thiết phải cố định tại nơi mà thực thể tồn tại trước đó). Cấu trúc thứ cấp tàn dư vẫn duy trì sự hoạt động nội tại của nó theo cách mà cấu trúc thứ cấp hoạt động (cảm ứng kích thích!) khi thực thể còn hoạt động, tuy rằng mức độ của hoạt động đó là yếu, hoàn toàn thụ động, thể hiện mờ nhạt và do đó, cũng có thể gọi nó là “hoạt động tàn dư. Có thể là rất kệch cỡm nhưng đại khái thì cũng tạm hình dung sự thể đó bằng ví dụ sau đây. Có một thực thể là khúc gỗ. Khúc gỗ đó hiện hữu được trước chúng ta là nhờ nó có cấu trúc vật chất sơ cấp. Cấu trúc vật chất sơ cấp ấy tồn tại được là nhờ vào “giá đỡ cơ yếu” của nó là cấu trúc vật chất thứ cấp. Khi khúc gỗ bị đốt cháy ở mức độ biến thành khúc than thì nó cũng chấm dứt hiện hữu (và tùy ở quan niệm, sự đánh giá của thực thể quan sát mà xét ở góc độ nhất định, nó cũng đồng thời chấm dứt tồn tại, nhưng xét ở góc độ khác, vẫn có thể cho rằng nó vẫn còn tồn tại ở mức độ nào đó), tức là cấu trúc sơ cấp của nó cũng chấm dứt tồn tại. Giả sử rằng khúc gỗ mới “kịp” cháy thành khúc than thôi và “hình hài” của nó chưa bị sứt mẻ gì thì lúc này khúc than đã chiếm chỗ khúc gỗ và hiện hữu, hình hài khúc than gợi nhớ đến khúc gỗ, hay có thể nói: hình hài khúc gỗ vẫn còn được thể hiện nhưng phải thông qua, “nấp sau” hình hài của khúc than nên chỉ ở mức thấp thoáng, nhạt nhòa, ảo huyền (vì khúc gỗ đã biến mất rồi còn đâu!). Rõ ràng khúc than là một thực thể hiện hữu nên nó phải có cấu trúc vật chất sơ cấp và cả cấu trúc vật chất thứ cấp. Nhìn ở góc độ khác, nếu bỏ quan sự hiện hữu cũng như cấu trúc sơ cấp của khúc than thì phải thừa nhận rằng trong cái hình hài ảo huyền của khúc gỗ tồn tại cấu trúc thứ cấp của khúc than. Dễ dàng suy lý rằng cấu trúc này có mức độ hoạt động thấp hơn, yếu hơn ít nhiều so với mức độ hoạt động của cấu trúc thứ cấp của khúc gỗ lúc “sinh thời”, nhưng vẫn còn giữ được những đặc tính hoạt động cốt lõi nhất của cấu trúc thứ cấp của khúc gỗ. Như vậy, có thể thấy cấu trúc này là cấu trúc thứ cấp của khúc gỗ đã suy biến, cho nên phải cho rằng nó cũng chính là cấu trúc thứ cấp tàn dư của khúc gỗ.
Bây giờ, giả sử rằng khúc gỗ không chỉ cháy thành khúc than mà cháy hoàn toàn, coi như không còn gì (bằng con đường phản ứng ôxy hóa -  khử đến triệt để, chất “gỗ” đã kết hợp với ôxy phát tán đi hết, còn lại một ít tro tàn thì cũng bị gió cuốn đi nốt!). Lúc này, không những khúc gỗ biến mất mà đến cái hình hài ảo huyền của nó cũng biến luôn không để lại một chút dấu vết. Vậy thử hỏi, cấu trúc thứ cấp tàn dư của khúc gỗ có tồn tại không? Chúng ta cho rằng có tồn tại, bởi vì, thứ nhất, sức nóng ở đây mới chỉ đạt tới nhiệt độ thiêu cháy cấu trúc vật chất sơ cấp của khúc gỗ và may ra chỉ có thể góp phần nhất định làm suy biến thêm chứ không thể tiêu diệt được cấu trúc vật chất thứ cấp của khúc gỗ (nên nhớ nhiệt độ chỉ là thể hiện mức độ vận động hỗn loạn của hạt làm nên cấu trúc vật chất. Ở một tầng nấc vi mô nhất định, không còn cảm giác niệt độ nữa!), thứ hai, phân (hay nguyên tử) ôxy là một gã quá ư khổng lồ, thô kệch và hầu như rỗng tuếch trước đơn vị cơ bản hợp thành cấu trúc thứ cấp tàn dư của khúc gỗ, do đó không thể kết hợp được với hạt đơn vị cơ bản ấy và thậm chí là chẳng gây ảnh hưởng gì tới nó (thật là khó tin điều này nhưng sẽ dễ tin hơn nếu nhớ lại rằng nhiều hạt nơtrinô bay xuyên qua Trái Đất một cách dễ dàng).
Đối với thực thể hiện hữu là con người, có lẽ tình hình xảy ra, về cơ bản cũng tương tự như đối với thực thể khúc gỗ, nhưng có thêm vài nét đặc thù nào đó về hoạt động trí não.
Bàn luận về khúc gỗ là bàn luận về thực thể vô sinh. Để bàn về thực thể hữu sinh (cụ thể ở đây là con người), chúng ta thay khúc gỗ bằng con người còn sống. Khi một con người đang sống bị chết đi (do trúng đạn trong chiến đấu chẳng hạn) thì người đó cũng chấm dứt hiện hữu và thay vào đó là một xác người chết. Xác người chết rõ ràng là một thực thể đang hiện hữu nên nó có một cấu trúc vật chất “kép”: cấu trúc sơ cấp (thể hiện ra là xác chết) và cấu trúc thứ cấp (tồn tại nhưng không hiện hữu ra). Tương tự như trường hợp khúc gỗ, có thể coi cái xác ấy bao hàm cấu trúc sơ cấp tàn dư và cấu trúc thứ cấp của nó chính là cấu trúc thứ cấp tàn dư của con người còn sống trước đó. Một cách siêu hình nhưng cũng hợp lý, có thể chia hoạt động thần kinh của con người đang sống thành hai loại: hoạt động sơ cấp (có tính bản năng) và hoạt động thứ cấp (có tính lý trí). Nếu tin vào sự tồn tại tương đối độc lập của linh hồn thì nơi “trú ngụ” của nó chỉ có thể là trong cấu trúc thứ cấp và khi con người chết đi, tàn dư của linh hồn ấy chính là hồn vía “trú ngụ” trong cấu trúc thứ cấp tàn dư. Nếu tin vào sự tồn tại của ma hay vong thì cấu trúc thứ cấp tàn dư của con người chính là nơi xuất phát trực tiếp của chúng.
Một câu hỏi đặt ra: khi một người chết đi thì hồn vía người đó có rời khỏi xác của người đó không? Chúng ta cho rằng, không mà cũng có! Không, là vì, khi cái xác còn hiện hữu thì coi như nó vẫn “sở hữu” cái cấu trúc thứ cấp của nó và do đó mà cũng bao hàm luôn hồn vía. Tuy nhiên, hoạt động tư duy của bộ não là theo phương thức cảm ứng - kích thích không gian (chúng ta suy đoán như thế và còn cho rằng nó tương tự như hiện tượng cảm ứng điện từ, hơn nữa, cảm ứng điện từ chỉ là một dạng còn rất thô của phương thức này), cho nên tùy thuộc vào cường độ hoạt động tư duy của bộ não mà sự tư duy có thể lan truyền ở những mức độ nhất định ra xung quanh trong không gian, và như vậy, coi như linh hồn của người còn sống hay hồn vía của người đã chết, trong một chừng mực nào đó, đều có thể “xuất ngoại” ra khỏi thân xác mà chu du khắp nơi để rồi trong nhiều trường hợp đặc biệt (như phù hợp về tần số, bước sóng… chẳng hạn), có thể giao tiếp với những linh hồn khác, những hồn vía khác dưới dạng đã được đặt cho một thuật ngữ là “thần giao cách cảm”. Trong quá trình hình thành bộ não mới của con người mới, có thể sự hình thành ấy trong một điều kiện nhất định tiếp thu đến mức độ nào đấy "quán tính" hoạt động thần kinh của những người đã chết còn "đọng lại" trong vong hồn họ (chủ yếu của các bậc thiền sư, các nhà khoa học, những người có hoạt động tư duy nói chung là mạnh lúc sinh thời?) và đó là hiện tượng... đầu thai!?
Xác người chết, nhất là bộ não và hệ thống thần kinh (đóng vai trò như “thân xác” của linh hồn), một cách tự nhiên, trước sau gì rồi cũng bị phân hủy, suy tàn và tiêu tan đi, làm cho mức độ bền chặt cũng như cường độ hoạt động của cấu trúc thứ cấp tàn dư suy giảm theo, yếu dần. Vì thế mà nói chung, đến một lúc nào đó, hồn vía chỉ còn tồn tại một cách “le lói”, “phai nhòa”, “mơ mơ hồ hồ” trong hiện thực và chờ ngày “tắt lịm” hẳn.
Cũng vì hoạt động rất yếu ớt, không có gì đáng kể nếu đem so với mức độ hoạt động của linh hồn (hoạt động tinh thần của người sống), cho nên thông thường, rất ít người thấy được, giao tiếp được với ma hay vong (linh hồn của những người đã chết) và đối với những người có thể thấy, giao tiếp được với ma, vong, thậm chí còn có khả năng cho vong nhập hồn mình thì không phải bất cứ lúc nào, đối với bất cứ ma hay vong nào cũng thực hiện được điều đó. Để giải thích hiện tượng, trước hết, phải cho rằng, thực sự tồn tại trên Trái Đất một (môi) trường cảm ứng - kích thích thần kinh do hoạt động tinh thần của những người sống tạo ra, đóng vai trò là điều kiện quyết định cho ma hay vong tồn tại và có khả năng hiển hiện. Trong môi trường ấy, khi ma hay vong nhận được những tín hiệu có tính kích thích, phù hợp với nhịp điệu hoạt động (như bước sóng, tần số…) của chúng thì chúng được kích hoạt lên mạnh mẽ hơn hẳn mà trong nhiều trường hợp (tưởng rằng) tỏ ra là có ý thức thực sự. Lúc đó, đối với những người sống nào có trạng thái hoạt động tinh thần đã được kích động phù hợp (tự điều chỉnh được một cách tình cờ hay có chủ ý), có chú tâm định hướng (như nhớ thương da diết, mong muốn hội ngộ thiết tha…) với hồn vía đã được kích hoạt nào đó, thì họ sẽ có khả năng thấy được hình bóng ma trong hiện thực, thấy được hình hài vong trong tiềm thức một cách sống động và hơn hết là còn giao tiếp tâm linh dễ dàng với vong bằng ngôn ngữ thông thường.
Ngày xưa, khi còn là tín đồ tuyệt đối trung thành của chủ nghĩa duy vật, chúng ta đã triệt để bài bác những hiện tượng như cầu cơ, lên đồng, không hề tin vào sự linh nghiệm của những lời sấm truyền, tiên tri, hoàn toàn coi thường việc cúng bái, thờ phụng. Bây giờ thì chúng ta không còn cái thái độ máy móc, cực đoan đến “cứng đầu cứng cổ” ấy nữa. Chúng ta đã tin vào sự tồn tại của linh hồn, song không phải bằng con đường phi vật chất. Đành rằng có không ít người lợi dụng sự tồn tại của những hiện tượng tâm linh để hành nghề mê tín dị đoan nhằm trục lợi, nhưng không phải vì thế mà “vơ đũa cả nắm”, phủ nhận tất cả về sự hiển linh được. Ngày nay, nhiều hiện tượng tâm linh dị thường đến mức khó lòng mà tin nổi đã là những sự thực hiển nhiên đến nổi nếu nhà duy vật triệt để nào khăng khăng cho chúng chỉ là sự bịa đặt phi lý thì người đó sẽ trở thành kẻ gàn bướng lạc lõng. Không có cách nào phản bác được công năng đặc dị của các nhà ngoại cảm Việt Nam trong việc tìm kiếm hài cốt của các nhà hoạt động cách mạng xưa kia, của các liệt sĩ trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ còn thất lạc, bị chôn vùi rải rác khắp mọi miền đất nước. Cho dù chưa thể giải thích tường tận trên cơ sở thực sự khoa học về sự giao tiếp tâm linh giữa người sống và người đã chết (thậm chí là từ rất lâu rồi), thì cũng không thể không thừa nhận nó là có thực, vì trong thực tiễn, hiệu quả tìm thấy hài cốt nhờ vào khả năng đặc biệt có vẻ dị thường của các nhà ngoại cảm là rất rõ ràng, ở mức độ phải cho rằng đó là những nỗ lực hoạt động nhằm xác định vị trí đang tồn lưu hài cốt và danh tính người đã khuất một cách tương đối chính xác ngay từ đầu chứ không phải chỉ là sự cầu may đơn thuần được.
Dù vẫn còn ở trong vòng giả định, song chúng ta tin tưởng vào luận thuyết về sự tồn tại của hồn vía, ma, vong mà chúng ta vừa trình bày vì kể ra thì cũng có vẻ… chí lý, có thể dựa vào nó mà giải thích được rất nhiều những hiện tượng tâm linh dị thường, từ hiện tượng linh cảm, xuất hồn, nhập hồn, cho đến hiện tượng đầu thai trở lại. Chẳng hạn, trên cơ sở đó có thể giải thích được vì sao các nhà ngoại cảm Việt Nam, ở những mức độ khác nhau, lại có được khả năng giao tiếp với người đã khuất, thấy được từ xa tương đối rõ ràng, chính xác về cảnh vật, địa hình nơi chôn vùi hài cốt người đã khuất. Có thể là do bẩm sinh, có thể là chịu một tác động mạnh mẽ và đột ngột nào đó trong đời sống, hay cũng có thể là nhờ vào tập luyện mà não bộ của các nhà ngoại cảm trở nên linh động, dễ dàng được kích hoạt và dễ dàng tự điều chỉnh được về mức độ cũng như về nhịp điệu hoạt động của nó đến trạng thái thích hợp để giao tiếp được với vong linh cần tìm (đã được kích hoạt trước đó bởi hoạt động tinh thần (có lẽ chủ yếu là) của những người ruột thịt, thân thích đang còn sống của vong linh đó). Qua giao tiếp với vong linh mà nhà ngoại cảm được vong linh mách bảo, chỉ dẫn nên dù từ xa và chưa một lần đặt chân đến nơi có hài cốt, vẫn có thể vẽ ra sơ đồ địa hình nơi đó và những vật mốc đáng chú ý trong việc định hướng ở đó. Dù sao thì năng lực ngoại cảm không thể là vô hạn và cũng suy giảm theo cường độ hoạt động ngoại cảm tăng lên. Thực tế cho thấy có những nhà hoạt động ngoại cảm trong một khoảng thời gian nhất định thì khả năng đó bị thui chột hoặc mất hẳn đi, không thể khôi phục lại được nữa.
Với cái luận thuyết còn “thiếu vắng” tính khoa học nói trên, chúng ta cũng dễ dàng giải thích “bùi tai” được hiện tượng dị thường sau đây. Trên thế giới đã từng xảy ra trường hợp một người bị hôn mê sâu vì nguyên nhân nào đó làm não bộ không hoạt động nữa, nhưng không bị tổn thương và phải sống đời sống thực vật nhờ thở nhân tạo và hấp thụ một cách thụ động dịnh dưỡng được truyền qua đường ống. Bệnh viện đã hoàn toàn bất lực trong việc làm hồi tỉnh và cứu sống bệnh nhân, nhưng vì lý do nhân đạo, theo yêu cầu của thân nhân bệnh nhân, họ vẫn duy trì sự sống thực vật ấy. Ấy vậy mà sau hàng chục năm tồn tại trong tình trạng như vậy và không hề có bất cứ sự tác động có thể được nhận biết nào, bệnh nhân bỗng đột nhiên bừng tỉnh, hoạt động tinh thần nhanh chóng phục hồi trở lại và xuất viện trước sự sững sờ của các nhân viên y tế và trong sự mừng rỡ khôn xiết của những người thân. Nếu tin vào sự tồn tại của cái gọi là cấu trúc vật chất “kép” thì phải cho rằng dù là ở tình trạng chìm trong hôn mê sâu nhưng bệnh nhân coi như vẫn chưa chết vì cấu trúc vật chất “kép” của người đó vẫn tồn tại và được duy trì như vốn dĩ, nghĩa là hoạt động của cấu trúc ấy vẫn hoạt động theo thông lệ, chỉ có điều là ở cường độ tối thiểu. Lúc đó, đối với não bộ của bệnh nhân cũng vậy, dù chưa chết thì cũng chỉ sống ở mức thoi thóp, và sự thoi thóp đó thể hiện nổi trội trong hoạt động sơ cấp (hoạt động vô thức) của nó, còn hoạt động thứ cấp (hoạt động hữu thức) của nó thì trở nên chìm khuất, tản mạn. Sự sống thoi thóp đó của bộ não bệnh nhân là không thể nhận biết được bằng những phương tiện điện não đồ hiện nay dù có hiện đại, tối tân đến mấy; do đó, cũng không thể nhận biết được hồn vía của bệnh nhân và người ta đã phải đi đến kết luận rằng bộ não đó đã chết. Chính sự hoạt động tinh thần hướng tới bệnh nhân của những người ruột thịt, thân thích của bệnh nhân đã làm bệnh nhân bừng tỉnh trở lại sau một thời gian hôn mê sâu kéo dài như vậy. Sự thương xót khôn nguôi, sự mong ước vô bờ bến, sự hy vọng, thiết tha của họ đã thường xuyên tác động đến hoạt động của bộ não bệnh nhân, tích cực giúp bệnh nhân không những duy trì mà còn từng bước (dù có thể là chậm chạp) cải thiện đời sống thực vật của mình. Đến một thời điểm chín muồi nào đó, hoạt động tinh thần ở mức cao hướng đến bệnh nhân của những người ruột thịt, thân thích “vô tình” kích hoạt được hoạt động thứ cấp của não bộ bệnh nhân làm cho hồn vía của bệnh nhân nhanh chóng hồi phục đến mức độ có thể nhận biết được qua thiết bị điện não đồ và rồi đến mức độ tự nhận thức được. Lúc đó chính là lúc bệnh nhân bừng tỉnh. Chúng ta cho rằng, trong trường hợp hôn mê sâu này, có thể làm cho bệnh nhân tỉnh lại vào thời điểm sớm hơn nhiều nếu có sự trợ giúp một cách phù hợp của người có khả năng ngoại cảm hoặc của người có công năng đặc dị nhờ thực hành khí công.
Trên báo An ninh thế giới số ra ngày 6-8-2011 có bài viết mang tựa đề “Khi “thần chết” thích đùa” của tác giả Nông Huyền Sơn. Trong đó có kể mấy câu chuyện về trường hợp người chết rồi sống lại. Chúng ta xin kể lại sau đây:
Chuyện thứ nhất:
Chuyện xảy ra từ năm 2002 nhưng đến tận bây giờ (năm 2011), người dân ở khu Miễu, hẻm 45, đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ vẫn còn bàng hoàng mỗi khi nhớ lại.
Võ Thanh Tòng sinh năm 1969, lớn lên làm thợ bê (thợ quét vôi, sơn nội ngoại thất). Anh là người hiền lành nhưng hay uống rượu nhiều. Năm 24 tuổi, anh Tòng lấy vợ và sinh được một cô con gái. Khoảng giữa năm 2001, khi đi khám ở Bệnh viện Cần Thơ, các bác sĩ phát hiện anh bị viêm gan thời kỳ cuối. Sau thời gian điều trị ngoại trú suốt 9 tháng ròng không khỏi mà còn trở nặng thêm, đến tháng 3-2002, anh Tòng được các bác sĩ quyết định cho điều trị nội trú.
Bà Nguyễn Thị Bảy - mẹ ruột anh Tòng - kể: “Đó là buổi chiều ngày 20-2 âm lịch tức ngày 2-4-2002, bác sĩ đang vô nước biển (truyền dịch, đạm) thì nó vật vã rồi tắt thở, chết”. Các bác sĩ cố cứu nhưng bất lực. Anh được xác định chết lâm sàng bởi tim ngừng đập, mạch bằng 0. Bà Bảy thương con gào khóc thảm thiết. Tất cả những người bệnh cùng phòng đều xúc động, đến chia buồn, an ủi bà. Sau này bà Bảy nói: “Tôi rất đau buồn. Lúc đó, nó mới 33 tuổi. Đứa con gái của nó còn quá nhỏ đã phải mồ côi cha”.
Sau khi có giấy y chứng của bệnh viện, bà Bảy và anh em trai của anh Tòng đưa xác anh về bằng xe lôi (tương tự như xe ngựa kéo, thùng xe không có mui, bánh xe bơm hơi, thay cho ngựa là xe gắn máy). Đoạn đường từ bệnh viện về nhà chỉ cách 5 km.
Khi xe lôi chạy gần đến nhà thì đột nhiên anh Tòng ngồi bật dậy gào lớn liên tục: “Bà con ơi, ra đón xác Võ Thanh Tòng về nè!”. Mọi người chứng kiến đều thất kinh hồn vía. Ông lái xe lôi suýt buông xe bỏ chạy. Ở nhà, suốt đêm đầu tiên, anh Tòng cứ múa máy tay chân la hét: “Võ Thanh Tòng chết rồi bà con ơi!”. Cả gia đình không ai ngủ được. Đến sáng, khi mọi người mỏi mệt quá, ngủ quên, anh Tòng rời nhà đi mất. Mọi người túa ra đi tìm. Thì ra, anh Tòng tự đón xe ôm trở lại bệnh viện.
Bà Xuân, cư ngụ tại Thới Long, Ô Môn, Cần Thơ là một bệnh nhân nằm cùng phòng và gần giường của Võ Thanh Tòng, đã chứng kiến sự việc, kể: “Hôm trước tôi thấy thằng Út (tức anh Tòng) đã chết, gia đình đưa xác về nhà. Sáng hôm sau, tôi còn đang mê ngủ bỗng nghe tiếng thằng Út nói sang sảng: “Hôm qua bác sĩ mới vô nước biển cho tui có nửa chai, bây giờ vô nước biển tiếp cho tui đi”. Tưởng mình nằm mơ thấy hồn thằng Út về, tui sợ quíu cẳng. Còn đang kinh hoàng thì lại nghe nó nói tiếp: “Tui chưa chết, tui còn sống mà”. Tôi mở mắt thì thấy nó đang ngồi ngay trên cái giường nó nằm chết hôm qua. Hoảng vía, tôi bỏ chạy. Một số người nằm cùng phòng cũng bỏ chạy. Nó cứ nói chuyện leo lẻo như chưa hề chết”.
Theo lời bà Bảy, khi gia đình đến thì các bác sĩ xin lại giấy tờ y chứng rồi động viên gia đình đưa anh Tòng về nhà vì không thể cứu chữa được nữa.
Kể từ hôm đó, anh Tòng có những biểu hiện thật kỳ lạ. Ban ngày, anh nằm dưới đất, mắt mở thao láo, im lặng nhìn lên trần nhà. Ban đêm, anh nói leo lẻo đủ thứ trên đời, khi cao hứng còn hát nghêu ngao. Ai hỏi anh cũng khẳng định mình chết rồi. Chị Cẩm Thy là cháu họ của anh Tòng, kể: “Cha Linh Mục nhà thờ Bảo Lộc (quận Ninh Kiều) đến cầu kinh cho ổng. Vừa gặp cha, ổng đòi cha rửa tội và xin vào đạo. Gia đình bên nội tôi đều theo đạo Phật, đâu có ai theo đạo Thiên Chúa”. Suốt thời gian sống lại, anh Tòng không chịu ăn uống gì, mặc dù gia đình ép rất nhiều. Anh cứ bảo, chết rồi còn ăn uống làm gì. Đến ngày thứ 13, anh chịu ăn vài muỗng cháo rồi gọi vợ vào bảo viết giấy cam kết: “Nếu tôi sống thì cứ để bé Vy bên ngoại. (Mấy ngày đó vợ anh Tòng đem con gái sang gửi tạm bên ngoại để tránh không cho nó chứng kiến cảnh hãi hùng). Khi tôi chết thật rồi thì nhớ đem bé Vy về chịu tang tôi”. Anh Tòng tự tay viết bản cam kết, ký tên rồi bắt vợ cũng phải ký tên. Tiếp đó anh nói: “Bây giờ tôi đi đây”. Anh nằm im nhắm mắt suốt mấy tiếng đồng hồ rồi… chết hẳn.
Chuyện thứ hai:
Ông Đặng Văn Phương, sinh năm 1936, cư ngụ ở ấp Long Định, Thới Long, Ô Môn, thành phố Cần Thơ là nhân chứng của trận dịch tả khủng khiếp ở vùng này vào năm 1945-1946, kể: “Chuyện năm đó, người ta chết nhiều và nhanh đến nỗi chính quyền ra lệnh, ai vừa chết phải chôn liền tay. Chị Tư của tôi còn đang khỏe mạnh, đột ngột tả lị mấy tiếng đồng hồ rồi chết. Gia đình nhanh chóng chôn cất. Chôn chị Tư xong, đến xẩm tối tới phiên chị Sáu tôi. Cũng chỉ vài giờ tả lị, chị tắt thở. Mẹ tôi gào khóc thảm thiết. Gia đình lại chuẩn bị nhang đèn. Bỗng dưng nửa đêm, chị Sáu tôi ngồi bật dậy nói tỉnh bơ: “Người ta đi rồi mà cứ kêu tên réo tuổi, làm sao người ta đi được”. Mọi người hoảng vía ù té chạy, riêng mẹ tôi vì thương con nên ôm chị Sáu tôi vô lòng. Chị vùng ra bảo: “Để yên cho người ta đi”. Dứt lời, chị Sáu tôi nằm xuống và… chết thật”.
Những người lớn tuổi cư ngụ ở gần nhà ông Phương cũng khẳng định có chứng kiến chuyện lạ đó.
Chuyện thứ ba:
Ở thị xã Tân An, tỉnh Long An có trường hợp một bà hơn 50 tuổi đã chết 2 ngày nhưng chưa tẩm liệm vì chờ con cái ở xa về đủ mặt. Đến chiều ngày thứ ba, khi mọi người đang cầu kinh chuẩn bị tẩm liệm, bất ngờ bà ngồi dậy đòi uống nước. Thế là bà sống tiếp đến hơn 70 tuổi mới chết thật vào năm 1991. Suốt 20 năm sống lại, bà hoàn toàn tỉnh táo và rất ít bị bệnh tật. Những lúc vui bà thường kể cho con cháu nghe chuyện “chết” của mình: “Tao đi xuồng qua một con sông. Chèo hoài mà không tới bờ. Tư dưng xuồng bị lắc mạnh, tao rơi ùm xuống sông, chìm nghỉm. Nước lạnh thấu xương. Tao vùng vẫy bơi. Lúc trừng được lên mặt nước, tao mở mắt ra thì thấy xung quanh con cháu đang để tang kêu khóc. Vậy là tao trở về”.
Chuyện thứ tư:
Bà Hai Trà, cư ngụ tại Tân Lộc, Thốt Nốt, Cần Thơ kể: Cách nay 50 năm, mẹ kế của bà cũng đã chết 2 ngày vì chứng bệnh đau tim, sau đó sống lại khỏe mạnh thêm chục năm nữa. Trong thời gian sống lại, bà không còn bị bệnh tim mới lạ. Bà thường kể rằng, khi chết thấy lội qua một con sông lạnh buốt có nhiều hoa sen; đang lội giữa dòng, chợt từ đâu xuất hiện ếch nhái đen kịt dòng nước; hoảng sợ, bà lội trở lại bờ bên này; chân vừa chạm bờ thì giật mình sống dậy.
Chuyện thứ năm:
Năm 2004, báo Gia đình – Xã hội có tường thuật trường hợp bà cụ 70 tuổi ở Thanh Hóa cũng sống lại sau một ngày đã chết. Khi sống lại, bà cho biết: bà được hai người mặc toàn đồ đen đưa qua sông bằng xuồng; giữa dòng sông, hai người đàn ông đó xô bà té xuống sông lạnh buốt; giật mình, bà tỉnh dậy và sống tiếp.
Ngoài những câu chuyện vừa kể lại từ bài báo ấy, chúng ta cũng trực tiếp nghe kể rất nhiều chuyện chết đi sống lại tương tự. Nói chung thì những chuyện đại loại như thế, chuyện ta có, chuyện Tàu có, chuyện Tây có, đủ cả, xuất hiện đầy rẫy trong sách, báo. Do đó, chúng ta chỉ kể tượng trưng vài chuyện trong bài báo cho… vui thôi.
Sự tồn tại của linh hồn người sống là một thực tại, không còn bàn cãi. Dù vẫn còn không ít người nghi hoặc thì đối với chúng ta, những chỉ thị đến sự tồn tại thực sự của vong hồn (linh hồn người chết) trong công cuộc tìm kiếm hài cốt tử sĩ dựa vào sự trợ giúp chủ yếu của các nhà ngoại cảm (đích thực) ở Việt Nam là hoàn toàn đáng tin cậy.
Nếu ngày nay có những người có khả năng nhìn thấy và giao tiếp với vong qua con đường tâm linh thì ngày xưa chắc rằng con người cũng có khả năng đó. Vậy thì thử hỏi, trong lịch sử loài người, con người lần đầu tiên thấy vong vào lúc nào? Có lẽ, con người đã chiêm mộng và có khả năng nhớ lại được diễn biến một cuộc chiêm mộng nào đó rõ ràng và lâu dài từ rất sớm, bởi vì chỉ cần biết suy nghĩ sâu sắc ở mức độ nhất định là có thể xảy ra như thế rồi. Thế nhưng để thấy và và hơn nữa là giao tiếp với vong linh thì theo chúng ta suy đoán, con người phải có mức độ suy nghĩ sâu sắc hơn nữa, có cường độ hoạt động tinh thần mạnh mẽ hơn nữa. Đó là điều kiện tiên quyết để con người thấy được vong lúc tỉnh thức chứ không phải trong chiêm mộng, lúc ngủ (trong giấc mơ cũng thấy được người đã khuất, đó có thể là vong thực sự, nhưng cũng có thể chỉ là sự tưởng tượng đơn thuần). Nếu như vậy thì có lẽ ở loài Homo sapiens thời hậu kỳ hay loài tiền Homo s. sapiens, dù là rất hiếm hoi và hoàn toàn ngẫu nhiên, đã có người thấy được vong trong trạng thái còn thức. Tuy nhiên, để hiện tượng người thức thấy được vong trong tâm linh nhiều hơn nữa thì ngoài yếu tố hoạt động tinh thần của con người phải mạnh mẽ và sâu sắc hơn, còn cần thêm một yếu tố liên quan, không kém phần quan trọng, đó là phải làm sao tăng được cường độ hoạt động của môi trường kích thích - cảm ứng thần kinh lên một mức thích ứng. Muốn được như vậy thì số lượng trung bình về con người phải tăng lên đến ngưỡng đông đảo nào đó và dễ dàng thấy được tự nhiên sẽ xảy ra như thế vì sự tăng trưởng số lượng là có tính tự phát. Tình hình đó có thể đã diễn ra, nếu có muộn thì cũng trong khoảng 40-50 ngàn năm cách nay. Khi số lượng cá thể của loài Homo s. sapiens đã lan tỏa đến hầu hết các nơi trên đại lục Á - Âu và Châu Phi, nhất là ở Đại Lục Mẫu, dù mật độ cư dân còn ở mức “loãng”, dàn trải, thì lối sống bán định cư đã xuất hiện và tính cộng đồng xã hội cũng đã thể hiện, do đó mà hiện tượng người thức thấy vong trong tâm linh đã như một điều gì đó không còn đến nỗi quá ngạc nhiên đối với người Mẫu La nữa.
Để đạt đến trình độ có nhiều người thức thấy được vong hơn nữa và một người thức nhiều hơn một lần thấy được vong, không những thế, trong nhiều trường hợp, còn giao tiếp tâm linh được với vong nữa, thì dân số loài người phải đông đảo hơn nữa, bên cạnh đó, lối sống định cư tương đối lâu dài đã trở nên nổi trội hơn hẳn lối sống du cư (điều này tự nhiên có được nhờ sự xuất hiện và định hình thành một phương thức kiếm sống cơ bản là trồng trọt - chăn nuôi), tạo điều kiện phát triển các quần thể dân cư: mở rộng hơn, mật độ dân số cao hơn, có mối liên kết nội tại chặt chẽ hơn, có tổ chức hơn, mở đường tiến đến hình thức dân cư sống tập trung kiểu cộng đồng xã hội và sự xuất hiện lãnh thổ. Có lẽ vào khoảng 20-25 ngàn năm cách nay, hiện tượng tương đối thường xuyên và không ít người không những thấy mà còn có thể giao tiếp tâm linh ở mức độ đơn giản nào đó với vong đã là một hiện thực, nhất là đối với người Mẫu La ở Đại Lục Mẫu.
Nhưng tất cả những trường hợp thấy và giao tiếp được với vong trong tâm linh kể trên mới chỉ mang tính ngẫu nhiên, vô tình. Để cho loài người có những con người có khả năng đặc biệt, có thể chủ động tìm, gọi vong, gặp vong, giao tiếp với vong bằng ngôn ngữ, thậm chí là cho vong nhập hồn, mượn thân xác mình để gặp gỡ, nói chuyện với những người ruột thịt, thân thích trong một khoảng thời gian nhất định, thì còn phải đợi một quãng thời gian dài nữa.
Sự đột ngột biến mất Đại Lục Mẫu cùng với nạn Đại Hồng Thủy không những đã hầu như xóa sạch khỏi mặt đất nền văn minh gỗ - đá rực rỡ một thời của người Mẫu La, mà còn làm cho dân số loài người tụt giảm nghiêm trọng tới mức có thể diễn tả bằng câu: “Mười người chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình!”.
Tai họa vô cùng thảm khốc đó đã đẩy loài người thụt lùi trở lại nền văn minh thời hồng hoang trước đó, khi mà con người mới bắt đầu lấy trồng trọt - chăn nuôi làm phương thức kiếm sống cơ bản, bên cạnh phương thức săn bắt - hái lượm của mình, và bắt đầu lại quá trình quần tụ dân cư theo khu vực, với định hướng xã hội hóa, lãnh thổ hóa. Nhưng lần phát triển này có tốc độ nhanh hơn, như một sự xây dựng lại, bởi vì dù đã bị thất lạc hầu hết những kỹ năng tiên tiến trong lao động sáng tạo, những thành quả siêu việt trong hoạt động tinh thần, trong nhận thức về tự nhiên thì loài người vẫn còn lưu giữ được phần nào kinh nghiệm sống, hồi ứng được lối sống hợp thành quần thể đã tương đối rõ nét tính cộng đồng xã hội của thời kỳ văn minh rực rỡ mới nhất. Có thể chọn khu vực là lãnh thổ Việt Nam ngày nay làm tiêu biểu cho giai đoạn phát triển này của loài người.
Văn minh Sơn Vi là một văn minh khảo cổ xuất hiện sớm nhất và là nguồn gốc của các nền văn minh sau này ở Việt Nam nói riêng cũng như có thể là của toàn Đông Nam Á nói chung. Nền văn minh đó tồn tại bắt đầu từ khoảng 30 ngàn năm cho đến khoảng 11 ngàn năm cách nay. Có thể hình dung: trong khi ở Đại Lục Mẫu bắt đầu hình thành một nền văn minh rực rỡ thì ở Việt Nam, người Sơn Vi vẫn sống trong tình trạng lạc hậu hơn nhiều (tương tự như thời cận đại, xã hội Việt Nam so với văn minh Châu Âu vậy!), hoặc cũng có thể những gì khảo cổ phát hiện được về văn minh Sơn Vi chỉ là tàn tích sau nạn Đại Hồng Thủy của một nền văn minh gỗ - đá cao hơn nào đó (mà đồ gỗ nhiều hơn áp đảo đồ đá), có được nhờ học hỏi, tiếp thu từ văn minh Đại Lục Mẫu.
Vào thời văn minh Sơn Vi, dân cư Sơn Vi đã phân bố khắp địa bàn rộng lớn gồm miền Bắc và miền Trung Việt Nam, từ Lai Châu, Sơn La… đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và cả trên cao nguyên Trung Bộ (đã phát hiện được di vật thuộc văn minh Sơn Vi tại Lâm Đồng). Nghiên cứu các dấu tích bếp lửa trong các di chỉ Sơn Vi, người ta thấy rằng đó là những bếp lửa cỡ lớn mà nếu cho rằng một bếp phục vụ cho một nhóm người thì nhóm người đó có số lượng tương đối đông. Phải chăng hai phát hiện khảo cổ đó chỉ ra rằng, vào thời văn minh Sơn Vi, dân số ở Việt Nam đã trở nên đông đảo, mật độ dân cư đã tương đối cao và do đó hình thức sống theo lối cộng đồng xã hội đã sơ khai hình thành?
Tiếp theo văn minh Sơn Vi là văn minh Hòa Bình. Nhiều nhà khảo cổ đưa ra thời gian tồn tại của nền văn minh này là từ khoảng 18 ngàn năm đến 8 ngàn năm cách nay. Có lẽ hợp lý hơn, nên cho rằng khoảng thời gian từ 18 ngàn năm đến 11 ngàn năm cách nay là thời hậu kỳ của văn minh Sơn Vi, hay cũng có thể gọi là thời kỳ tiền Hòa Bình. Như vậy, theo ý chúng ta, văn minh Hòa Bình chỉ thực sự xuất hiện vào khoảng 11 ngàn năm và kết thúc vào khoảng 7 ngàn năm về trước.
Kết quả khảo cổ học cho thấy nền văn minh Hòa Bình tập trung chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam, dù cũng phát hiện được những di tích ở Quảng Bình, Quảng Trị (có thể coi Quảng Bình là vùng cực nam của miền Bắc và Quảng Trị là vùng cực bắc của miền Nam). Điều đặc biệt đáng chú ý là môi trường sống của người Hòa Bình hẹp hơn só với môi trường sống của người Sơn Vi. Tuyệt đại đa số người Hòa Bình tụ cư trong các khu vực thung lũng, núi đá vôi vùng thượng du. Các nhà khảo cổ còn cho thấy rằng người Sơn Vi săn bắt được nhiều thú lớn và hung dữ hơn so với người Hòa Bình, và đến giai đoạn cuối của nền văn minh Hòa Bình thì việc săn bắt của người Hòa Bình có chiều hướng suy giảm thấy rõ. Vì sao lại xảy ra những hiện tượng như vậy? Các nhà khảo cổ hiện nay vẫn đang ban luận và chưa đi đến thống nhất ý kiến. Có người cho đó là do biển tiến. Theo giáo sư Lê Quốc Vượng thì đó là một bước lùi cần thiết của lịch sử về không gian sinh sống để có bước tiến nhảy vọt về sau.
Nếu ý kiến của giáo sư Lê Quốc Vượng là đúng thì nguyên nhân nào dẫn đến “bước lùi cần thiết” ấy? Dù hiện tượng biển tiến có thể là nguyên nhân làm cho người Hòa Bình sống ở vùng thượng du, song không phải vì thế mà làm cho họ sống dồn tụ ở các thung lũng được. Có thể phải tìm kiếm một nguyên nhân sâu xa hơn nhiều dẫn đến những đặc điểm trong những phát hiện khảo cổ về lối sống của cư dân Hòa Bình. Chúng ta đã mường tượng được cái nguyên nhân ấy. Nhưng trước khi nêu ra (như một ý kiến nữa để mở rộng bàn luận cho các nhà khảo cổ), chúng ta tiếp tục trình bày một số phát hiện kèm theo nhận xét của các nhà khảo cổ nữa mà chúng ta cho là quan trọng sau đây.
Nhiều nhà khảo cổ cho rằng chính người Hòa Bình đã phát hiện ra cây lúa nước và cũng là cư dân đưa cây lúa nước vào đối tượng trồng trọt của mình sớm nhất thế giới. Có nhà nghiên cứu còn cho rằng người Hòa Bình cũng là người đầu tiên trên thế giới biết đến trồng trọt. Một số công trình nghiên cứu gần đây đã khẳng định: trong thời đại Hòa Bình đã tồn tại một nền nông nghiệp sơ khai (hay còn gọi là nền nông nghiệp nguyên thủy. Vào buổi đầu của nền nông nghiệp này, đối tượng của trồng trọt là các loại rau, bầu bí, củ, quả và đặc biệt là các loại cây họ đậu. Sau khi đã phát hiện ra cây lúa nước cũng như cách chế biến hiệu quả (tách, bóc vỏ, nấu) để tạo ra một chủng loại lương thực đầy tiềm năng, thì người Hòa Bình cũng dần dần trồng nó một cách đại trà và thu hoạch theo mùa (sự kiện này có thể đã xảy ra vào khoảng thời gian nửa sau của thời đại văn minh Hòa Bình, tạo tiền đề làm xuất hiện nền nông nghiệp lúa nước (lấy lúa nước làm đối tượng trồng trọt chủ lực, cũng như làm nguồn lương thực chính yếu) ở Đông Nam Á.
Nghiên cứu các bếp lửa tại các đơn vị cư trú của người Hòa Bình, có thể thấy bếp của họ nhỏ hơn nhưng số lượng lại nhiều hơn so với của người Sơn Vi, và giới khảo cổ cho rằng số lượng thành viên của một nhóm người Hòa Bình ít hơn số lượng thành viên của một nhóm người Sơn Vi, và đó là hiểu hiện sự phân định cấu trúc nhóm theo xu hướng gia đình hóa. Mặt khác, còn thấy các cụm cư trú hợp cư trong một thung lũng hoặc một địa vực là có sự thống nhất về mặt văn hóa, do đó mà phải cho rằng giữa chúng tồn tại một mối liên hệ chặt chẽ, giao lưu thường xuyên. Hơn nữa, trong thời đại văn minh Hòa Bình, các đơn vị cư trú (hang động, mái đá) vận động theo không gian và thời gian trong mối quan hệ huyết thống, địa vực, cho đến lúc những mối quan hệ này trở nên nhạt nhòa đi, hòa vào nhau, giao lưu nhau, để rồi làm cho giữa những nhóm, những quần thể cư dân Hòa Bình khó có thể nhận ra được những khác biệt lớn về văn hóa, văn minh.
Đến đây, chúng ta coi như đã tạm đủ cơ sở để kể về cái quá trình giả định gây ra những biểu hiện được cho là “khác thường” của nền văn minh Hòa Bình.
Đại họa Hồng Thủy đã tàn phá nặng nề nền văn minh gỗ - đá (mà biểu hiện văn minh hầu như là ở đồ gỗ) Sơn Vi. Do sự xảy ra đột ngột của đại họa mà cộng đồng người Sơn Vi thiệt hại hết sức nặng nề về sinh mạng và coi như tan tác theo cùng với sự sụp đổ, vỡ nát nền văn minh - văn hóa của họ. Số người Sơn Vi ít ỏi sống sót sau cơn hoạn nạn chủ yếu là thuộc những nhóm sống ở vùng cao và dần qui tụ tập trung lại ở miền thượng du Bắc Việt Nam để xây dựng cuộc sống mới tại những thung lũng, nơi có điều kiện thuận lợi cho trồng trọt - chăn nuôi, để rồi sau khi đã ổn định cuộc sống thì bắt đầu một quá trình tăng trưởng dân số mới, làm xuất hiện nền văn minh Hòa Bình.
Quá trình tăng trưởng dân số đó nằm trong quá trình tăng trưởng dân số mới của loài người trên toàn thế giới. Quá trình tăng trưởng dân số thế giới dần dần làm xuất hiện những đợt lan tỏa dân cư có thể là từ Nam Trung Quốc xuống hoặc từ Lào qua vì dù lúc đó có sự xâm lấn đất liền do biển tiến thì Bắc Việt Nam vẫn còn là nơi “đất rộng người thưa” và hơn nữa có điều kiện thời tiết, khí hậu thích hợp cho đời sống thiên về trồng trọt - chăn nuôi mà người Sơn Vi đang triển khai ngày một hiệu quả. Chính những đợt lan tỏa dân cư này đã hòa hợp chủng người và làm xuất hiện thể chất con người Hòa Bình. Chúng ta mạnh dạn đưa ra giả định này là vì theo kết quả nghiên cứu hiện nay, người ta dự đoán rằng cư dân Sơn Vi chủ yếu thuộc chủng Australoid. Trong sự phát triển sau đó, người Australoid đã hỗn mang với người Negroied để tạo ra dạng Australo-Mongoloid trong cư dân văn hóa Hòa Bình sau đó. Dường như các yếu tố Mongoloid chỉ xuất hiện và tham gia vào sự hình thành cư dân cổ Việt Nam từ văn hóa Hòa Bình trở về sau mà thôi.
Có lẽ rằng, khi bước vào xây dựng lại cuộc sống sau thảm họa Hồng Thủy, do sự thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng làm số lượng nhóm người cũng như số lượng thành viên của nhiều nhóm người giảm xuống đáng kể và cũng có thể là do thú hoang nói chung đã trở nên thưa thớt mà người Sơn Vi đã không thể săn bắt chúng với số lượng nhiều như trước nữa. Tình hình đó buộc họ phải chú tâm đến việc tăng cường trồng trọt - chăn nuôi, lấy trồng trọt - chăn nuôi làm phương thức sống chủ yếu, và từ đó mà cùng với sự chuyển biến thành người Hòa Bình là sự hình thành nên nền sản xuất nông nghiệp sơ khai. Chính nền sản xuất nông nghiệp sơ khai này với khả năng đáp ứng cung cấp lương thực, thực phẩm ngày càng cao, ngày càng hiệu quả của nó đã làm cho nhu cầu về thịt thú hoang của người Hòa Bình giảm xuống. Đó là lý do vì sao mà vào giai đoạn cuối của văn minh Hòa Bình, việc săn bắt thú có chiều hướng suy giảm thấy rõ. Cũng chính nền nông nghiệp nguyên thủy này, trên bước đường cải tiến kỹ thuật, kỹ năng canh tác và mở rộng chủng loại cây trồng, cùng với quá trình tăng trưởng dân số ngày càng đông đảo, đã tạo nên một cộng đồng xã hội Hòa Bình ở dạng manh nha: số lượng thành viên trong một nhóm giảm dần xuống theo hướng mối quan hệ ruột thịt trong nhóm ngày càng gần gũi làm hình thành nên thực thể “gia đình mẫu quyền” (đơn vị nhỏ nhất hợp thành xã hội), số lượng nhóm trong một điểm cư trú tăng lên và giữa các nhóm có mối quan hệ mật thiết về huyết thống, thân thích, về hợp tác phân công lao động và phân chia thành quả lao động (có thể cho đây là tiền thân của thực thể thị tộc, xóm làng sau này), các điểm cư trú ở cùng một thung lũng, địa vực hợp quần thành cụm dân cư thống nhất về mặt văn hóa và giữa các điểm cư trú ấy có mối quan hệ giao lưu trong hôn phối, trao đổi sản vật trong làm ăn có tính thường xuyên, cuối cùng, giữa các cụm dân cư lân cận nhau cũng có sự giao tiếp nhất định về mặt văn hóa, văn minh, xảy ra nhờ hiện tượng du cư, trong quá trình lan tỏa và hội tụ dân cư.
Kết quả khảo cổ học đã chỉ ra: trên nền tảng văn minh Hòa Bình xuất hiện một nền văn minh nổi trội hơn, có tính kế thừa và sáng tạo, đó là nền văn minh Bắc Sơn. Theo các nhà khảo cổ thì nền văn minh này tồn tại trong khoảng 4 ngàn năm, từ 11 ngàn năm đến 7 ngàn năm cách nay, phân bố trên một địa bàn hẹp hơn, có tính tập trung hơn so với nền văn minh Hòa Bình. Địa bàn đó rộng khoảng 1500 km vuông, gồm một phần tỉnh Lạng Sơn và huyện Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Người Bắc Sơn cũng chủ yếu sống trong hang động, mái đá, nhưng những hang động này thường nhỏ hơn của người thuộc văn hóa Hòa Bình.
Về mặt công cụ đồ đá thì so với kỹ thuật ghè trong văn minh Hòa Bình, kỹ thuật ghè của văn minh Bắc Sơn tiến bộ hơn. Đặc trưng quan trọng nhất, tạo nên diện mạo riêng của văn minh Bắc Sơn là sự tồn tại và phát triển của rìu đá lưỡi Bắc Sơn. (Kỹ thuật mài Bắc Sơn là sự kế thừa và hòa thiện kỹ thuật mài Hòa Bình. Nhờ có kỹ thuật mài, người Bắc Sơn đã tạo ra được những công cụ đá có lưỡi sắc mà kỹ thuật ghè không thể tạo ra được. Nhiều nhà khảo cổ học nhận định rằng, với kỹ thuật chế tác đá, nhất là kỹ thuật mài của mình, văn minh Bắc Sơn trở thành một trong những cái nôi của cách mạng kỹ thuật thời tiền sử). Đáng chú ý là trong số công cụ mài lưỡi hình rìu, có một số công cụ có thể xem là cuốc đá dùng chủ yếu để xới đất trồng trọt chứ không phải để chặt. Nhưng di vật đặc sắc nhất, kỳ lạ nhất, đóng vai trò như dấu ấn đặc thù của văn minh Bắc Sơn là những di vật đá được gọi là “dấu Bắc Sơn”.
Dấu Bắc Sơn được làm từ những viên cuội nhỏ, dài, hơi dẹt, chất liệu là đá Shiste thô ráp. Trên một mặt hoặc hai mặt có vết lõm đôi chạy song song theo chiều dài của viên cuội. Rãnh đôi này tạo nên hình lòng máng úp sấp tựa hồ như do dấu vết mài lưỡi để lại.
Dấu Bắc Sơn tồn tại phổ biến trong các di tích văn minh Bắc Sơn. Có địa điểm (Hang Dơi), di vật này lên tới 100 tiêu bản. Điều lạ lùng là trên lãnh thổ Việt Nam, dấu Bắc Sơn xuất hiện trong một phạm vi rộng về không gian và lâu dài về thời gian. Trong các di tích thuộc những nền văn minh đồ đá khác như: Hòa Bình, Đa Bút, cũng như trong các di tích thuộc những nền văn minh đồ đá - gốm - đồng sau đó như: Phùng Nguyên, Hoa Lộc, Bàu Tró,…, dấu Bắc Sơn đều có mặt. Lạ hơn nữa, người ta còn phát hiện sự có mặt của dấu Bắc Sơn ở nhiều vùng ngoài lãnh thổ Việt Nam, thuộc các nước như: Triều Tiên, Trung Quốc, Mông Cổ… Nhưng lạ lùng nhất là điều này: dù có tính phổ biến như thế (cũng có nghĩa là vật thông dụng lúc đương thời) thì cho đến ngày nay, các nhà khảo cổ học vẫn chưa hiểu dấu Bắc Sơn được người xưa dùng vào việc gì. Có ý kiến đưa ra rằng, đây là bàn mài các loại đục khác nhau. Tuy nhiên, với sự tàng trữ cùng một lúc nhiều dấu Bắc Sơn (như ở Hang Dơi chẳng hạn) thì có nghĩa số lượng đục cần mài phải rất nhiều và người Bắc Sơn cần rất nhiều đục để làm gì? Hơn nữa, có thể hình dung, mài đục trên dấu Bắc Sơn đâu nhất thiết phải tạo cho được hai rãnh song song đó, thậm chí là đâu phải dễ dàng mà tạo ra chúng được dù cố ý?
Đến nay, nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam vẫn cho rằng, văn minh Hòa Bình và văn minh Bắc Sơn là hai nền văn minh khác nhau. Tất nhiên là có sự khác biệt rồi, nhưng theo thiển ý chúng ta thì có sự khác nhau đó là vì văn minh Bắc Sơn vươn lên nổi trội từ nền tảng văn minh Hòa Bình. Như thời cổ đại cho thấy các trung tâm văn minh cổ đại trên thế giới không phải xuất hiện cùng một lúc mà có sự chênh lệch khá rõ về thời gian, chứng tỏ trong hiện tượng đó hàm chứa sự học hỏi, kế thừa có sáng tạo thông qua những con đường như lan tỏa dân cư, đi xâm lấn, chinh phục, giao thương trao đổi sản vật…, theo xu thế trung tâm văn minh xuất hiện trước là tấm gương phản chiếu, kích thích sự hình thành trung tâm văn minh xuất hiện sau, nơi có mức độ văn minh thấp hơn noi theo nơi có mức độ văn minh cao hơn. Nhưng không phải bất cứ khu vực nào cũng có thể trở thành trung tâm văn minh, dù có nằm ở lân cận một trung tâm văn minh nào đó, mà phải có điều kiện, hoàn cảnh về môi trường sống về tình hình dân cư… được gọi là chín muồi. Hơn nữa do thời bấy giờ phương tiện giao thông, liên lạc còn rất hạn chế cho nên quá trình xuất hiện một trung tâm văn minh mới nhờ học hỏi, kế thừa (những) trung tâm văn minh có trước và tự thân nỗ lực sáng tạo là tương đối chậm chạp. Không thể có một trung tâm văn minh nào có thể xuất hiện từ con số 0, mà phải bắt đầu từ một nền tảng văn minh bản địa có trước và nền tảng này cũng thường là nền tảng văn minh chung của một khu vực rộng lớn hơn và thậm chí cũng có thể là nền tảng văn minh chung của nhân loại đương thời. Hiện tượng xuất hiện những trung tâm văn minh trên thế giới đã dẫn chúng ta đến suy luận rằng, phải có một trung tâm văn minh đầu tiên làm gốc xuất phát của mọi trung tâm văn minh Đại Lục Mẫu. Đây là trung tâm văn minh hình thành trên nền tảng văn minh trước đó của nhân loại, nhưng bằng con đường tự thân cật lực lao động sáng tạo và sáng tạo không ngừng.
Từ quan điểm nói trên chúng ta cho rằng nền văn minh Bắc Sơn đóng vai trò là trung tâm văn minh hình thành trên nền tảng văn minh Hòa Bình, có tiếp thu ở mức độ nhất định những nét, những thành quả văn minh ngoại lai.
Khảo cổ học đã chỉ ra rằng sau khi xuất hiện, nền văn minh Bắc Sơn cùng tồn tại bên cạnh nền văn minh Hòa Bình trong một thời gian dài và dù có sự giao lưu nhất định nào đó đối với nhau thì vẫn phân biệt được khá rõ đối với nhau. Vậy thì nguyên nhân cụ thể nào làm xuất hiện nền văn minh Bắc Sơn và tại sao lại có hiện tượng nền văn minh Hòa Bình tiến triển đến mức độ nào đó thì có vẻ như bị đình trệ kéo dài?
Mục đích cốt yếu của lao động sáng tạo là đảm bảo sinh tồn rồi sau đó mới đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Ở những thời đại tối cổ xa xôi, khi trong nhận thức của con người chưa có khái niệm giàu - nghèo, khi nhu cầu đáp ứng thỏa mãn đời sống còn thấp, hầu như chỉ là vấn đề cung ứng về lương thực, thực phẩm, thì sự năng động sáng tạo trong lao động kiếm sống không phải bao giờ cũng được duy trì ở mức độ như nhau mà tùy thuộc vào tình trạng dễ dàng hay khó khăn trong làm ăn mà có lúc “chùng xuống” lúc “căng lên”, nghĩa là con người nguyên thủy thường chỉ nỗ lực sáng tạo trong những giai đoạn mà dù đã lao động quần quật vẫn không đủ sống, vẫn thiếu thốn và đói khát triền miên, do những nguyên nhân tự nhiên chưa thể chủ động khống chế được, gây ra, mà chủ yếu là do sự tăng dân số tự phát làm mật độ dân cư khu vực tăng lên, vượt quá khả năng đáp ứng về lương thực, thực phẩm.
Có thể vào thời văn minh Sơn Vi, mực nước biển chưa dâng, lãnh thổ Việt Nam là một khu vực rộng lớn hơn so với ngày nay, giáp biển là một dải duyên hải tương đối bằng phẳng nhưng gồm nhiều vũng nước, đầm lầy. Lúc đó, dân cư Sơn Vi trên lãnh thổ Việt Nam đã tương đối đông đảo và hoạt động làm ăn của họ cũng tương đối sôi nổi (so với những khu vực khác thời bấy giờ). Họ không chỉ biết có săn bắt thú hoang, hái lượm những sản vật trong tự nhiên, mà còn biết đến đánh bắt cá ở sông, hồ, biển cả và trồng trọt chăn nuôi. Tùy vào vị trí hoàn cảnh của nơi cư trú mà trong nền văn minh Sơn Vi đã xuất hiện các nhóm tương đối đông người cùng hoạt động làm ăn theo một định hướng chủ yếu, thiên về hoặc là săn bắt thú rừng, hoặc là đánh bắt hải sản (tôm, cá, sò, ốc), hoặc là trồng trọt - chăn nuôi, cũng có thể là chế tác những loại hình công cụ, phương tiện gỗ (tre, nứa, luồng…), đá “chuyên dùng” nào đó, và giữa các nhóm ấy thường xuyên có sự trao đổi sản vật, thành quả lao động cho nhau một cách trực tiếp và giản đơn. Có thể nói, người Sơn Vi đã bắt đầu sống theo lối sống cộng đồng xã hội.
Tiếp tục tưởng tượng, chúng ta cho rằng, trước nạn Đại Hồng Thủy, đánh bắt cá đã là phương thức kiếm ăn phổ biến của người Sơn Vi và càng về sau thì càng chiếm ưu thế hơn hẳn việc săn bắt thú rừng trong cộng đồng xã hội Sơn Vi. Lúc bấy giờ đa phần các nhóm người Sơn Vi hoạt động làm ăn thiên về đánh bắt cá hay trồng trọt - chăn nuôi đều tập trung sinh sống ở miền đồng bằng và trung du. Đại Hồng Thủy ập đến bất ngờ và quá dữ dội đã tiêu diệt coi như toàn bộ số dân Sơn Vi này và một phần lớn số dân cư trú ở địa hình cao hơn. Sau Đại Hồng Thủy, mực nước biển không hạ xuống như cũ hoặc là do có sự lún sụt lục địa mà toàn bộ miền duyên hải, đồng bằng, và trung du Việt Nam bị nhấn chìm. Trình độ đánh bắt cá, săn bắt thú và trồng trọt - chăn nuôi, cũng như kỹ năng chế tác các công cụ, phương tiện bằng gỗ - đá phục vụ cho các công việc làm ăn ấy mà nền văn minh Sơn Vi, đã sáng tạo ra được, sau trận Đại Hồng Thủy, coi như bị thất truyền phần lớn, thậm chí là những bí quyết chế tác quan trọng nhất đều bị mất đi.
Sau cuộc tàn phá vĩ đại ấy, dân số Sơn Vi giảm xuống hẳn và chủ yếu là những người trước đây sống ở vùng thượng du. Họ bước vào cuộc sống mới đầy khó khăn: nghề đánh bắt cá ở sông, biển bị thui chột nghiêm trọng, việc săn bắt thú hoang cũng vấp phải những trở ngại to lớn (không tổ chức được đủ số người cần thiết để săn bắt những con thú to khỏe và hung dữ, số lượng thú rằng đã giảm xuống, chỉ còn thưa thớt do Đại Hồng Thủy làm thiệt hại và cũng do sự khai thác khá mạnh mẽ của người Sơn Vi trước đó). Trước tình trạng đó, người Sơn Vi không còn lựa chọn nào khác là lấy trồng trọt - chăn nuôi làm phương thức kiếm ăn chính yếu cho đảm bảo sống còn và nỗ lực lao động cũng như tích cực sáng tạo theo định hướng ấy. Quá trình này có thể là tương đối dài lâu, nhưng rồi dần dần đã làm hình thành nền văn minh Hòa Bình và cùng với nó thì người Sơn Vi cũng chuyển biến thành người Hòa Bình do có sự hợp chủng với dân cư ngoại nhập.
Quá trình lao động sáng tạo của người Hòa Bình đã làm cho trình độ trồng trọt - chăn nuôi của họ ngày càng tiến triển, đáp ứng được sự đòi hỏi cung ứng lương thực, thực phẩm cũng ngày càng tăng do tăng dân số, và rốt cuộc làm xuất hiện một nền sản xuất nông nghiệp sơ khai, đóng vai trò là lĩnh vực kiếm sống chủ yếu đối với toàn thể cư dân Hòa Bình. Chính vì như thế mà chúng ta cho rằng trong quá trình tồn tại của nền nông nghiệp ấy, đã có những bước phát triển nhảy vọt mang tính cách mạng, mở ra khả năng cực kỳ to lớn đối với việc cung ứng lương thực, thực phẩm và có thể nói đời sống của người dân Hòa Bình nói chung là sung túc trong một giai đoạn dài vào nửa sau thời đại văn minh Hòa Bình. Do đó mà họ cũng chuyển hướng phần lớn hoạt động sáng tạo sang lĩnh vực tinh thần, xây dựng được một nền văn hóa phong phú nhiều mặt, mang nhiều nét thực sự đặc sắc mà nhiều khu vực khác trên thế giới không có, như các nhà khảo cổ học Việt Nam và không ít nhà khảo cổ học ở nước ngoài đã nhận định.
Nền nông nghiệp nguyên thủy của người Hòa Bình, trong quá trình tiến triển của nó, có lẽ, đã có ít nhất là ba lần nhảy vọt nhờ vào ba sáng tạo quan trọng, đó là chế tác ra hệ thống tưới tiêu, lợi dụng sức động vật vào hoạt động nông nghiệp, và đưa cây lúa nước vào danh sách những cây lương thực chủ lực. Chắc là người Hòa Bình đã dùng những cây thân to họ tre như vầu, luồng, chẻ đôi ra, kết nối lại với nhau thành những đường máng để “dẫn thủy nhập điền” từ nguồn nước ở cao hơn nào đó. Nhờ có nước tưới mà hiệu quả trồng trọt tăng lên gấp bội. Hơn nữa, nhờ được tưới nước mà đất đai mềm hơn, làm cho công việc đào, xới đất với những công cụ bằng gỗ bớt nặng nhọc đi nhiều.
Trồng trọt tăng tiến thì nông phẩm thu hoạch nhiều, đủ ăn mà còn tích trữ được để ăn lâu dài (một trong những cách để dành lại ăn tương đối lâu dài là ăn đến đâu thu hoạch đến đó), và đồng thời cũng làm cho lượng thịt cần thiết trong khẩu phần thức ăn giảm xuống, không nhất thiết phải cao như trước. Vào những lúc nông nhàn, người Hòa Bình vẫn tổ chức săn bắt thú. Tuy nhiên, việc săn bắt những loại thú mạnh mẽ và hung dữ, dễ gây nên nguy hiểm đến tính mạng, không còn bức thiết nữa. Ngoài ra, sau những lần săn bắt được lượng thú nhiều, ăn không hết, người Hòa Bình để dành những con thú chưa đủ lớn, còn khỏe mạnh, bằng cách chăn nuôi, vì lúc này, đối với họ, thuần dưỡng thú hoang thành gia súc để chăn nuôi đã trở nên tương đối thuần thục. Chăn nuôi gia súc rõ ràng là công việc nhẹ nhàng hơn săn bắt nên được ưu tiên lựa chọn để cung ứng thịt. Nhiều khả năng trong thời đoạn đó, người Hòa Bình đã biết làm chuồng trại bằng tre, nứa để chăn nuôi gia súc (và rất có thể nhờ thế mà họ cũng đã phát hiện ra tác dụng làm cho cây trồng tươi tốt hơn, cho nhiều củ quả hơn của phân động vật). Khi những con vật ăn cỏ to, khỏe nhưng tương đối lành tính đã được thuần dưỡng và trước việc phải mang vác về nơi trú ngụ khối lượng nông phẩm sau thu hoạch ngày càng lớn, người Hòa Bình tất yếu sẽ nảy ra cách giải quyết: lợi dụng những gia súc to khỏe vào việc mang vác, vận chuyển, để rồi sau đó là cả vào việc canh tác đất trồng trọt. Phải chăng trâu, bò đã “sát cánh” trong lao động nông nghiệp cùng với con người từ thuở ấy? Trên vách hang Đồng Nội, một di chỉ cư trú của người Hòa Bình, còn lưu lại hình khắc một mặt thú và ba mặt người. Mặt con thú không rõ lắm, nhưng phần miệng, mũi, sừng dễ nhận ra là chỉ thị về một loài động vật ăn cỏ. Phải chăng đó là con trâu? Hình ba mặt người rõ hơn. Có điều lạ là trên đỉnh đầu của ba mặt người ấy có khắc hình gì đó giống như cần ăng ten trong thu phát vô tuyến điện. Có nhà nghiên cứu cho đó là hình biểu diễn về cái sừng. Nhưng người làm gì có sừng và hơn nữa, những hình khắc đó là đơn giản, có tính tả chân, nên cần cho rằng người Hòa Bình chỉ biểu diễn những thứ mà họ thực sự đã thấy trong hiện thực. Vậy thì đó là gì? Chúng ta cho rằng, đó là tóc. Có lẽ người Hòa Bình đã buộc tóc đứng cao lên như vậy (cho gọn, đỡ vướng víu?). Về mặt tổng thể thì bức hình khắc trên vách hang Đồng Nội mang ý nghĩa gì? Qua đó, người Hòa Bình muốn biểu đạt sự so sánh: sức mạnh của một con trâu bằng sức mạnh của ba (hay nhiều) con người hợp lại chăng?
Có thể là hơn 8 ngàn năm về trước, người Hòa Bình đã biết đến cây lúa nước có hạt mà nếu bóc vỏ ra là có thể ăn được nhân bên trong. Lúc đầu họ chỉ dùng nó làm thức ăn cho gia súc, sau, vào những thời điểm tương đối đói kém (do thiên tai, hạn hán…), họ đã phải tìm cách bóc vỏ hạt lúa cho nhanh để có gạo mà ăn cho “đỡ đói lòng”, chờ qua cơn “bĩ cực”. Từ đó, cây lúc nước hoang dại trở thành một trong số các loại cây lương thực của người Hòa Bình và được họ chủ động trồng trọt theo mùa màng phù hợp tự nhiên.
Cũng vào khoảng thời gian nói trên, biển đã lùi bớt làm cho một số vùng trung du Việt Nam chuyển biến thành miền duyên hải nhiều đầm lầy, gò, trũng, mở ra một địa bàn tìm kiếm thức ăn đầy hứa hẹn. Đặc biệt là sự xuất hiện miền duyên hải kề sát khu vực mà sau đó sẽ hình thành nên nền văn minh Bắc Sơn. Có thể là do sự biến đổi bởi nguyên nhân nào đó về thổ nhưỡng mà đất đai ở đó dần pha cát, trở nên tơi, xốp nhưng lại khong phù hợp với việc trồng lúa nước và một số cây rau, củ, quả. Truyền thống khác của người Hòa Bình, buộc những nhóm người Hòa Bình di trú đến khu vực đó phải định hướng lại hoạt động làm ăn: tăng cường săn bắt thú, hái lượm sản vật trong thiên nhiên, nhất là đánh bắt hải sản ở miền duyên hải kề cận (đây là bước đi quan trọng chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật tiền đề, rèn luyện và củng cố kỹ năng kỹ xảo để con người trên lãnh thổ Việt Nam (có lẽ là lần thứ hai?) vươn ra đánh bắt hải sản trên vùng biển ven bờ).
Cuộc lao động sáng tạo của người Bắc Sơn trong săn bắt thú rừng, trong lượm, vớt, săn bắt hải sản đã dẫn họ đến chế tác ra những công cụ, phương tiện mới từ gỗ, tre, nứa, mây (làm dây ràng, buộc) với số lượng nhiều. Có thể hình dung những công cụ, phương tiện ấy (đại loại là: những cái lao (đầu vót nhọn), cung tên, lồng, rọ (để nhốt, bẫy thú, chim, cá…), phên, liếp (chặn cá để bắt, làm vó vớt cá, tôm), thậm chí là cả những tấm lưới (đan từ những dây leo có thân dai như mây chẳng hạn)…, rồi bè, mảng… và cả chòi, lán… (để làm nơi trú ngụ trong những đợt đi kiếm ăn tương đối xa), dù chắc rằng những thú ấy còn ở dạng rất thô sơ. (Ở đây, chúng ta bật ra một ý nghĩ: hình như vào thời kỳ nông nghiệp nguyên thủy đã triển khai, thậm chí là còn xa xưa hơn nhiều nữa, con người trên lãnh thổ Việt Nam đã có thói quen thường xuyên sống ngoài trời, chỉ trong thời gian tiết trời lạnh giá, hoặc những khoảng thời gian mưa bão lớn và kéo dài, họ mới quay về sinh hoạt trong hang động, núi đá mà họ đã sở hữu trước đó, chỉ có người già, con nít và người mất sức lao động, vì không thể đi xa được, mới thường xuyên ở lại hang đá, mái đá và hái lượm phần nào quanh quẩn gần đó. Chính thế cho nên có thể cho rằng, phần lớn những biểu hiện văn minh của người Hòa Bình và người Bắc Sơn đã không thể lưu lại dấu tích cho đến ngày nay. Nếu đúng vậy thì nhiều nhận định dựa trên khảo cổ di tích đồ đá về nền văn minh Hòa Bình và Bắc Sơn có thể là còn sai lạc, chưa thỏa đáng về tầm vóc rực rỡ của chúng).
Để đáp ứng được việc chế tạo với số lượng nhiều những công cụ, phương tiện tương đối tinh tế nói trên, đòi hỏi phải có những công cụ đá có lưỡi sắt hơn, nhẵn nhụi hơn và đó chính là nguyên nhân làm xuất hiện kỹ thuật mài đá Bắc Sơn và rìu đá mài Bắc Sơn. Nhiều khả năng chỉ là sự tình cờ, khi đem áp dụng kỹ thuật mài đó cho các công cụ đá dùng đào xới đất trồng trọt ở khu vực người Bắc Sơn thì cũng cải thiện thấy rõ tính năng của chúng. Có thể rằng, kỹ thuật mài đá Bắc Sơn đã ra đời cách nay khoảng 8 ngàn năm về trước, và nếu qui ước thời điểm xuất hiện rìu mài đá Bắc Sơn cũng là thời điểm xuất hiện nền văn minh Bắc Sơn thì phải sửa lại thời gian tồn tại của nền văn minh này là chỉ từ 8 ngàn năm đến 7 ngàn năm cách nay.
Thế thì tại sao đã có một khoảng thời gian dài đến ít ra là một ngàn năm tồn tại kề bên nền văn minh Bắc Sơn, mà nền văn minh Hòa Bình không tiếp thu kỹ thuật mài đá ấy? Theo chúng ta thì chỉ có thể là vì nó thiết thực với hoạt động làm ăn của người Bắc Sơn nhưng lại không thích hợp với hoạt động làm ăn thiên chủ yếu về sản xuất nông nghiệp theo cách của người Hòa Bình (rìu đá mài Bắc Sơn sắc hơn, thuôn hơn thì cũng dễ mẻ vỡ hơn, đồng thời cũng nặng hơn, trong khi công cụ bằng gỗ, tre, vẫn đang được người Hòa Bình sử dụng một cách hiệu quả, nhiều khi không những bền hơn, có thể phục hồi hư hỏng nhanh hơn mà chế tạo mới cũng dễ dàng hơn).
Nhớ lại, mài lưỡi rìu đá lần đầu tiên là do người Hòa Bình thực hiện rồi sau đó được người Bắc Sơn kế thừa và phát huy hơn nữa. Nếu đối với người Hòa Bình, chỉ cần mài lưỡi rìu là đủ thì đối với người Bắc Sơn, để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sống mới và định hướng hoạt động làm ăn có những điều chỉnh nhất định, đòi hỏi không những chỉ mài lưỡi mà còn phải làm sao mài cả thân rìu, từ đó mà họ đã đưa kỹ thuật ghè, đẽo và mài đá lên một trình độ tinh tế hơn, điêu luyện hơn. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu làm nổi lên trong lòng văn minh nông nghiệp Hòa Bình, một khu vực có nét đặc thù, gọi là nền văn minh Bắc Sơn, hay thỏa đáng hơn, nên gọi là trung tâm văn minh Bắc Sơn.
Như đã nói, rìu mài Bắc Sơn là đặc trưng rõ rệt của văn minh Bắc Sơn và qua đó mà dễ dàng phân biệt văn minh Bắc Sơn với văn minh Hòa Bình. Vậy thì có thể dùng con dấu Bắc Sơn để phân biệt hai văn minh đó không? Nếu qui ước thời điểm ra đời của rìu mài Bắc Sơn cũng là thời điểm xuất hiện văn minh Bắc Sơn và nếu con dấu Bắc Sơn ra đời trước rìu mài Bắc Sơn thì nó phải thuộc văn minh Hòa Bình, còn ngược lại thì nó mới thuộc về văn minh Bắc Sơn. Do đó muốn chắc chắn thì không nên dùng nó để phân biệt. Tuy nhiên, dù thuộc về sự sáng tạo của văn minh nào đi chăng nữa thì vì sự tồn tại phổ biến một cách khác thường của nó trong các di chỉ văn minh Bắc Sơn, cho nên dựa vào hiện tượng có tính đặc thù đó, có thể coi nó cũng là một đặc trưng cho văn minh Bắc Sơn.
Đến nay, trong sưu tập các di vật thuộc văn minh Bắc Sơn, có hơn 600 tiêu bản dấu Bắc Sơn, chiếm tới 38% số di vật đá. Người Bắc Sơn dùng dấu Bắc Sơn vào mục đích gì mà cần nhiều đến như vậy. Điều chắc chắn là con dấu Bắc Sơn thực sự đắc dụng cho con người tiền sử nói chung chứ không riêng gì cho con người Bắc Sơn và sự đắc dụng ấy là có tính vượt thời đại, vì nó đã từng hiện hữu trên một phạm vi rất rộng lớn về mặt không gian và trong một khoảng rất dài lâu về mặt thời gian.
Dù vẫn còn rất áy náy thì chúng ta cũng xin nêu ra một ý kiến. Nếu ai đó lấy một khúc nứa nhỏ và khô, chẻ đôi ra, rồi tìm thứ cỏ khô dễ cháy làm bùi nhùi, lèn đầy chặt vào lòng một trong hai nửa khúc nứa. Song đâu đó, lẻn vào Viện Bảo Tàng lịch sử Việt Nam “chôm” một con dấu Bắc Sơn có khoảng cách giữa hai rãnh áng chừng bằng đường kính khúc nứa, đem về áp mạnh lên khúc nứa chứa bùi nhùi sao cho lòng khúc nứa có thể úp lên đường gồ giữa hai rãnh của con dấu Bắc Sơn, rồi chà đi xát lại một cách nhanh nhất có thể hai vật ấy theo phương dọc theo khúc nứa (nghĩa là cũng dọc theo con dấu). Nếu sau một thời gian tương đối ngắn mà cỏ bùi nhùi bùng cháy thì đích thị con dấu Bắc Sơn được dùng để tạo ra lửa, và cách tạo lửa này phải dễ dàng hơn cách dùng hai khúc nứa hay giang (cũng thuộc họ tre) cọ sát vào nhau để làm cháy bùi nhùi.
Vào thời nguyên thủy cổ xưa, tạo ra lửa là công việc tốn sức và khó khăn hơn ngày nay nhiều. Nếu quả thực công dụng của con dấu Bắc Sơn là tạo ra lửa và người Bắc Sơn đã nghĩ ra cách tạo ra lửa như thế thì đó là một phát kiến không tầm thường chút nào. Có lẽ chính vì vậy mà con dấu Bắc Sơn xuất hiện trên một phạm vi không gian rộng và được sử dụng suốt một chặng lịch sử đã lâu đến phi thường.
Theo địa chất - hải dương học, hiện tượng biển dâng chủ yếu là do sự tan chảy của băng tuyết. Biển dâng cao làm nước biển lấn sâu vào lục địa và người ta gọi hiện tượng này là “biển tiến”. Ngược lại, khi mực nước biển hạ xuống, rút ra, làm mở rộng lục địa thì hiện tượng đó được gọi là “biển lùi”. Vào khoảng hơn 10 ngàn năm về trước, bắt đầu một quá trình biển tiến mới, làm một nửa diện tích của mảng lục địa Đông Nam Á bị nhấn chìm. Riêng đối với khu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay, quá trình biển tiến đó có lúc nhanh lúc chậm và kéo dài đến tận khoảng 5 ngàn năm cách nay mới kết thúc. Biển Đông vì thế mà lấn sâu dần vào nội địa, “đuổi” con người và muông thú lên thượng du.
Thế thì tại sao ở phía trên, chúng ta lại cho rằng biển lùi? Bởi vì chí ít, nếu trong quãng thời gian từ khoảng 8 ngàn năm đến 6 ngàn năm cách nay mà không giả định biển lùi (tất nhiên trong suốt quá trình này cũng có lúc mực nước biển đứng hoặc tiến chút ít nhưng chỉ có tính cục bộ), thì khó lòng giải thích được sự biến mất của con người Hòa Bình - Bắc Sơn cùng với nền văn minh của họ và sự xuất hiện nền văn minh Đa Bút (tồn tại trong khoảng 6,5 - 4,5 ngàn năm cách nay, phân bố trong một phạm vi rộng, liền khoảnh thuộc tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay). Nhưng để có thể yên tâm tin cậy vào giả định đó thì đòi hỏi phải có sự giải thích “rõ ràng và sáng sủa” hơn một chút.
Chúng ta đều biết, quá trình dâng - hạ của biển không chỉ liên quan đến sự tan chảy và tạo thành băng hà mà còn liên quan đến quá trình địa kiến tạo. Cũng vì vậy mà biển tiến hay lùi phải là kết quả của nhiều yếu tố tác động đồng thời tạo thành một nguyên nhân có tính tổng hợp và trong đó nhất thiết phải kể đến sự trồi - sụt của lục địa. Như vậy, trong suốt một thời kỳ biển dâng nào đó, có thể có nhiều quá trình biển tiến và lùi kế tiếp nhau, và hơn nữa, ở những khu vực lục địa khác nhau, biểu hiện tiến lùi của biển cũng có thể khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau.
Trên cơ sở đó (kể ra cũng còn khá… vu vơ) và để phục vụ cho “khẩu vị” của mình, chúng ta hình dung tóm tắt lại quá trình tiến - lùi của biển đối với khu vực lục địa thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay.
Cách nay hơn 12 ngàn năm, một cuộc tai biến lửa - nước cực kỳ vĩ đại đã xảy ra làm tan vỡ Đại Lục Mẫu đồng thời gây nên một cuộc tạo sơn mạnh mẽ dưới đáy các đại dương. Cuộc chuyển biến thiên nhiên vĩ đại và có tính đột ngột đó không những gây ra những đợt sóng thần dữ dội đến mức khó lòng hình dung ra được, làm biển dâng lên nhanh chóng do tốc độ băng tan bị đẩy lên trong một thời gian ngắn, mà còn làm lún sụt ít ra là phần lục địa Đông Nam Á. Phần vì bị lún sụt, phần vì nước biển dâng cao nên một nửa diện tích Đông Nam Á bị ngập trong nước biển. Diện tích lãnh thổ Việt Nam cũng chung số phận, bị “nuốt chửng” có thể là đến tận ranh giới giữa trung du và thượng du. Vì đang trong thời kỳ lớn băng tan nên dù có thể là chậm chạp thì nước biển vẫn tiếp tục dâng. Tuy nhiên, cùng lúc với quá trình biển dâng là quá trình trồi lên của mảng lục địa Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chính hai quá trình đồng thời và có tính triệt tiêu nhau đó mà trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói riêng, mực nước biển vẫn giữ nguyên trạng ở mức cao nói trên trong một thời gian dài, hoặc nếu có biến động thì cũng chậm chạp và hơn nữa, không phải là biển tiến mà là hiện tượng biển lùi.
Một mặt là do hiện tượng trồi lên của lụa địa, một mặt là do quá trình hình thành trầm tích biển mà có lẽ vào khoảng hơn 8 ngàn năm về trước, biển lùi làm xuất hiện những miền duyên hải, gò nổi đan xen với chủ yếu là đầm lầy, trũng nước ngập mặn. Đến khoảng hơn 7 ngàn năm cách nay, dải duyên hải ngập mặn lùi xa hơn nữa về phía biển và cùng với sự bồi tụ ở các cửa sông, đã tạo ra những vùng đồng bằng trước núi đan xen với đầm hồ, sông ngòi nước ngọt, mở ra một triển vọng phát triển lớn lao cho nền nông - ngư nghiệp nguyên thủy của người Hòa Bình - Bắc Sơn. Từ đây, biển vẫn tiếp tục lùi và cùng với nó là quá trình lan tỏa dân cư từ thượng du xuống trung du rồi đến đồng bằng và cả hải đảo.
Chính quá trình rút lui của biển cả và quá trình lan tỏa dân cư đó đã phần nào giải thích được sự xuất hiện lần lượt các trung tâm văn minh có tính nối tiếp, kế thừa nhau và tiếp tục sáng tạo, gồm: văn minh Đa Bút, văn minh Bàu Tró, văn minh Hòa Lộc, văn minh Hạ Long, văn minh Phùng Nguyên, văn minh Đồng Đậu, văn minh Gò Mun, văn minh Đông Sơn, văn minh Sa Huỳnh, văn minh Óc Eo, mà về mặt không gian và thời gian thì sự xuất hiện các trung tâm đó có xu thế nói chung là tiến về đồng bằng, về phía biển. Nếu biển không lùi thì không thể có hiện tượng đó được!
Vào thời điểm nào đó trong khoảng hơn 4 ngàn năm về trước, quá trình biển lùi ở lãnh thổ Việt Nam bỗng dưng chựng lại, thay vào đó là sự kiện biển tiến đột biến (có lẽ nguyên do chính là sự lún sụt lục địa). Theo nhận định của các nhà nghiên cứu địa chất Việt Nam, rút ra từ kết quả khảo sát thực địa và xác định niên đại theo phương pháp C14, thì vào khoảng 411550 năm trước đây, xuất hiện một cuộc biển tiến đột biến, bao trùm trên diện rộng, biên độ biến đổi lớn với tốc độ nhanh, làm mực nước biển nhanh chóng dâng cao đến 3,5m (so với mực nước biển ngày nay là cao hơn 1,5m) và “nằm lỳ” ở đó suốt 101580 năm. Nước biển dâng cao đã thu hẹp đồng bằng Bắc Bộ lại chỉ còn bằng một phần tư trước đó (chỉ bằng một phần mười diện tích hiện nay và có như thế này là vì đồng bằng Bắc Bộ hiện nay được mở rộng nhờ quá trình lắng đọng trầm tích trong một thời gian dài). Đến năm 310080 cách nay, biển lại lùi. Có thể chia quá trình lùi này (hay là sự trồi lên của lục địa) ra làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu có tính đột biến, trong một khoảng thời gian rất ngắn, mực nước biển hạ xuống đến hơn 3m, giai đoạn sau có tính từ từ làm mực nước biển tiếp tục hạ xuống đến hơn 4m so với mực nước biển ngày nay trong suốt hơn 1 ngàn năm. Đến khoảng 2 ngàn năm cách nay, quá trình biển lùi này kết thúc và bắt đầu một quá trình biển tiến mới, từ từ và tương đối đều đặn cho đến ngày nay. Chúng ta cho rằng lần biển tiến này cho đến nay chủ yếu là do biển dâng vì mảng lục địa có lãnh thổ Việt Nam đang trong thời kỳ ổn định, không trồi - sụt.
Rất có thể cuộc tiến - lùi đột biến nói trên đã khắc rất sâu vào tâm thức cư dân Việt Nam thời kỳ nguyên thủy và được lưu truyền đến thời đại Hùng Vương, để rồi được gán ghép thêm những biến cố xã hội đáng nhớ của thời đại văn minh đó mà trở thành truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh…
***
Thật chẳng ra làm sao cả! Đang bàn bạc về vấn đề vong linh mà bỗng dưng “chúi đầu” nói say sưa cứ như là “người trong cuộc” về những đề tài còn trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu của các nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực nhân học, khảo cổ học, địa chất - hải dương học thì quả là lạc đề và cũng quá bạo gan.
Nhưng đâu có phải chỉ có một lần lạc đề và bạo gan này. Thử “ngoảnh lại” mà xem, trong quá khứ, biết bao nhiêu lần chúng ta đã từng như thế và lầm lạc hơn thế? Không thể nói khác được, chúng ta đúng là một lũ quái lạ.
Vì sao lại nên nông nỗi đó? Có lẽ đó là do sự hoang tưởng quá độ đến bốc đồng mà ra. Nếu có thế thì bớt hoang tưởng đi có được không? Không được! Không đời nào chúng ta làm cái điều tự hại mình ấy! Không có hoang tưởng cao độ, chúng ta sẽ không thể kể “Câu chuyện hoang đường về Tự Nhiên Tồn Tại” cho lưu loát được. Đành phải chấp nhận nhiều lúc lạc đề đến lê thê và nói năng bạt mạng kiểu “điếc không sợ súng” như một tật nguyền không thể khắc phục được và chuẩn bị tinh thần chịu đựng sự phê phán “té tát” của người đời còn hơn là từ bỏ niềm thích thú si mê cả đời của mình…
Thôi, chúng ta hãy quay lại câu hỏi: hiện tượng có những người có khả năng đặc biệt, có thể chủ động phát hiện và giao tiếp với vong hồn người đã khuất, xuất hiện lần đầu tiên vào thời đoạn nào trong lịch sử loài người? Nếu chỉ xét trên lãnh thổ Việt Nam thì hiện tượng đó có thể là đã xuất hiện lần đầu tiên trong thời văn minh Đa Bút. Lúc đó, dân số thế giới nói chung và trên lãnh thổ Việt Nam đã trở nên đông đảo đến mức đã tạo ra được một trường kích thích - cảm ứng thần kinh tương đối mạnh mẽ để làm “nền” cho thần giao cách cảm hoạt động. Hơn nữa, vào thời kỳ văn minh Đa Bút, dân cư Việt Nam đã lan tỏa ra hầu khắp những miền lãnh thổ đã được mở rộng tự nhiên, đã chủ yếu sống ngoài trời, trên những vùng đồng bằng thuận lợi cho trồng trọt - chăn nuôi hay đánh bắt hải sản, và đi liền với sự lớn mạnh không ngừng của nền nông - ngư nghiệp mà tính xã hội hóa của quần thể dân cư trên lãnh thổ Việt Nam lúc bấy giờ đã tỏ ra rõ rệt, làm xuất hiện những cụm định cư tương đối đông đảo và gần nhau theo hình thái xóm làng, có mối quan hệ về kinh tế và tinh thần tương đối thường xuyên.
Tập tục tùy táng của cải vật dụng theo người chết đã xuất hiện rất sớm trong lịch trình người hóa. Ngay ở người Neanderthal đã có hiện tượng chôn người chết kèm theo những vật tùy táng. Nếu cho rằng tập tục tùy táng xuất hiện từ nguyên nhân do thấy được người chết trong chiêm mộng lúc ngủ và hồi ức lại được thì hiện tượng đó phải xuất hiện sớm hơn nữa, Vì thế chúng ta cho rằng nguyên nhân của hành động tùy táng là sự tự phát thấy được ma hay vong.
Trên lãnh hổ Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều ngôi mộ của người Hòa Bình mà người chết được chôn kèm theo một số dụng cụ sinh hoạt, đồ trang sức, chứng tỏ họ đã có ý thức về “thế giới bên kia”, sự tồn tại của linh hồn sau khi chết. Tài liệu khảo cổ về mộ táng của người Đa Bút cho thấy họ chôn người chết theo những cách khác nhau: chôn theo tư thế nằm thẳng, chôn từng bộ phận, nhưng chôn người chết ở tư thế ngồi xổm gò bó là phổ biến nhất, và một số mộ còn chôn theo đồ tùy táng. Phải chăng hiện tượng chôn cất người chết theo nhiều cách đó không những là phản ánh tính xã hội hóa rõ rệt của nền văn minh Đa Bút, mà còn phản ánh sự hoạt động tâm linh một cách có ý thức thường xuyên hơn người Hòa Bình? Phải chăng chôn người chết theo tư thế ngồi xổm gò bó xuất phát từ niềm tin ấy là nhờ hiện tượng thấy được ma hay vong một cách tự phát và cả tự giác? Phải chăng vào thời văn minh Đa Bút, đã có những cuộc tế lễ, cầu siêu và có những người có khả năng đặc biệt đóng vai trò chủ đạo trong cúng lễ, cầu siêu?
Chắc là đến thời Phùng Nguyên trở về sau, nhất là thời Hùng Vương dựng nước, hiện tượng chủ động tiếp xúc, giao tiếp với vong hồn người chết đã trở nên thường thấy và thậm chí là phổ biến hơn ngày nay nhiều. Vì sao vậy? Vì rằng hồi đó tâm trí con người không bận bịu suy nghĩ "trăm thứ bà dằn” vụn vặt về đời sống như bây giờ và  hơn nữa (môi) trường cảm ứng - kích thích thần kinh sinh học không bị nhiễu loạn bởi một xã hội hoạt động sống nhộn nhịp đến cao độ với sự hỗ trợ đắc lực bởi một nền công nghiệp đã phân bố rộng khắp, thực sự đồ sộ, có một trình độ cơ khí hóa - điện khí hóa rất cao và đang được vận hành hết công suất, nhất là bởi những trung tâm, những trạm trung gian, những đầu mối thu - phát, truyền dẫn thông tin vô tuyến đã mọc ra nhiều không đếm xuể, làm xuất hiện một môi trường sóng điện từ rối rắm và dày đặc bao phủ và lũng đoạn toàn cầu. (Trên cơ sở nhận định này có thể giải thích được vì sao người ra hiếm khi tự phát thấy và cả giao tiếp tâm linh được với ma hay vong vào ban ngày, ở những nơi đông đúc, ồn ào, sáng sủa mà thường là vào ban đêm (nhất là đêm khuya), ở những nơi thanh vắng, yên ắng, u uẩn (nhất là trong phạm vi tập trung mồ mả ở những miền quê quạnh quẽ, vào tiết trời lạnh). Ngoài ra, cũng có thể giải thích những hiện tượng như: những vạch vẽ hình học (những hình tròn) trên đồng lúa ở nước Anh, sự dị thường của vùng trời biển gọi là “Tam giác quỉ Bécmura”, UFO (vật thể bay không xác định), …, là những thể hiện của cái tạm gọi là “cộng hưởng tương tác”, xảy ra trong quá trình vận động của môi trường cảm ứng điện từ bao quanh Trái Đất).
Nếu thực sự hiện tượng có những người có khả năng tâm linh chủ động giao tiếp được với vong hồn người đã khuất đã là thường thấy trong thời đại Hùng Vương thì có thể đoán rằng cùng với tế lễ, cầu siêu (đã xuất hiện ở thời văn minh Đa Bút), những hiện tượng như: nhập hồn, gọi hồn, thờ phụng người chết, và quan niệm về sự tồn tại tiếp tục của linh hồn sau khi chết, sự siêu thoát linh hồn ra khỏi thể xác, đã trở nên thịnh hành trong thời đại đó.
Trước đây đã khá lâu, trong những hoàn cảnh khác và với những mục đích khác, chúng ta đã từng khảo sát mặt của trống đồng Ngọc Lũ và đoán định ý nghĩa của những họa tiết - hoa văn cùng với sự bài trí của chúng trên đó. Giờ đây, trong một hoàn cảnh mới, đầy huyền hoặc tâm linh và hình như đang vang vọng về từ đâu đó rất xa vời lời thầm thì mách bảo của dòng giống tổ tiên, chúng ta sực nhớ đến trống đồng Ngọc Lũ và lại khảo sát bề mặt của nó để đưa ra thêm những đoán định mới.
Khi mặt trống đồng Ngọc Lũ đã hiện lên rành mạch trước mắt thì rất nhanh, như có sự hối thúc tâm linh, vành tròn có khắc họa hai đoàn người đang đi làm chúng ta mường tượng ngay đến cảnh sinh hoạt của người xưa.
Trước hết, chúng ta thấy có hai vạch liền chia đôi vành tròn ấy. Những người, vật hoạt cảnh khắc họa trên hai nửa vành tròn ấy về chi tiết có một số khác biệt, nhưng trên bình diện tổng thể là giống nhau và đối ứng nhau từng đôi một qua tâm mặt trống. Nếu nhìn kỹ thì hai vạch liền ấy còn đóng vai trò như hai cái cột trên có treo thứ gì đó như cái cờ. Nếu nhìn kỹ hơn nữa thì có thể suy luận đó không phải là những cái cờ mà ở ở đầu một cột chính là khắc họa mặt trời với những tia nắng và ở đầu cột kia là khắc họa mặt trăng tỏa ra ánh sáng dịu hơn. Thế thì người xưa khắc họa như vậy để hàm ý gì? Nếu người thời Hùng vương khi đúc trống đồng Ngọc Lũ đã định ước rằng, “đi” hết một vòng tròn theo chiều đoàn người đi trên vạch tròn, xét về mặt thời gian là vừa hết đúng một ngày thì hai vạch liền đó đã cho chung ta biết có thể vào thời đó, trong sinh hoạt, người ta đã chia ngày ra làm hai khoảng thời gian: bắt đầu từ giữa trưa (mặt trời đứng bóng) đến nửa đêm (lúc trăng rằm), rồi từ nữa đêm đến giữa trưa (nghĩa là một ngày mới bao giờ cũng bắt đầu từ giữa trưa chứ không phải từ sáng sớm như ngày nay). Và nếu 14 cách sao của ngôi sao ở trung tâm mặt trống được người xưa biểu thị là một ngày gồm 14 “tiếng” thì nửa ngày gồm 7 “tiếng” (hay giờ).
(Cũng có thể trước cả thời Hùng vương, cái quan niệm lưỡng phân - lưỡng hợp, tương tác - tương thành là nguyên lý vận hành của Vũ Trụ đã  trở nên sâu sắc mà người xưa coi nửa ngày (theo định ước của họ, gồm sự hợp thành của sáng và tối) là một cái gì đó hoàn chỉnh, trọn vẹn tương tự như một thực thể độc lập, tự thân vận động. Từ đó mà họ gộp 7 ngày thành một “tuần”, rồi 7 tuần thành một “tháng” và cuối cùng gộp 7 tháng thành một “năm”. Nếu thế, số ngày trong tháng của người xưa là:
               7 x 7 = 49 ngày ;
và một năm của họ chỉ có:
               49 x 7 = 343 ngày.
Trên mặt trống đồng ngọc Lũ, ở vành chim - hưu, tổng số của cả hai loài vật ấy là 34 con. Nếu đem nhân số đó cho 10, chúng ta sẽ có số 340. Phải chăng đó là biểu thị số ngày “thường nhật” trong một năm của người xưa, nghĩa là đối với họ, một năm đúng là có 343 ngày, nhưng 3 ngày đầu năm không phải là 3 ngày thường mà là 3 ngày thiêng, bắt đầu của một năm mới, nên cũng gọi gộp chung lại là Tết Nguyên Đán (gọi gọn là Tết, xưa kia, trong dân gian còn gọi là Tết Cả)? Phải chăng vào thời đó, ngày đầu tiên của năm mới được tính bắt đầu từ 12 giờ trưa, và ba ngày đầu năm là ba ngày phải cúng kiếng tổ tiên, tế lễ trời đất, thần linh? Ngày nay ở một số vùng, người dân vẫn còn giữ tục lệ cứ vào giờ Ngọ (12 giờ trưa) ngày 30 Tết thì trịnh trọng dâng mâm cỗ cúng lên, bày vào bàn thờ tổ tiên và phải chăng tục lệ này đã có từ thời Hùng Vương?
Nếu đúng là tác giả của trống đồng Ngọc Lũ đã định ước giờ, ngày, tuần, tháng, năm như trên thì họ chưa biết đến âm lịch (lịch trăng).
Rõ ràng định ước như thế là không phù hợp với sự biến chuyển theo chu kỳ khí hậu (bốn mùa xuân, hạ, thu, đông lặp đi lặp lại, cũng có nghĩa là không đúng với thời gian Trái Đất quay đúng một vòng quanh Mặt Trời), và như thế, sẽ không thể dùng nó để hoạch định mùa màng được, sau vài ba năm sử dụng mà không điều chỉnh bổ sung.
Trước đây, chúng ta từng phán đoán, cây nêu ngày Tết chính là “di tích” lưu lại hình bóng cây cột mà xưa kia, thời tiền sử (có thể là vào khoảng hơn 4 ngàn năm cách nay), tổ tiên chúng ta đã dùng để xác định giờ chính trưa (12 giờ trưa), đồng thời để định khoảng thời gian gọi là “tiếng” (khoảng cách về thời gian giữa hai lần vào ống tre chẳng hạn). Không những thế, vào những giai đoạn sau đó, do phát hiện thấy bóng nắng ngắn nhất trong một ngày (giữa trưa) của cột trên mặt đất là có sự biến đổi theo thời gian một cách chu kỳ và chu kỳ đó cũng là chu kỳ của biến đổi khí hậu (một năm).
Không phải bỗng nhiên, kiểu “đùng một cái” mà tổ tiên chúng ta tạo ra được kiệt tác trống đồng Ngọc Lũ. Đó chỉ có thể là thành quả hoạt động sáng tạo không ngừng trên cơ sở kế thừa những thế hệ đi trước. Nếu không có những kỹ năng đã thuần thục trong chế tác đồ gốm thì chắc chắn tổ tiên chúng ta cũng không thể có kỹ năng điêu luyện trong chế tác đồ đồng như vậy. Do đó, có thể rằng vào khoảng gần 4 ngàn năm cách nay (tức là vào buổi đầu Hùng Vương dựng nước), khi mà nông nghiệp trồng lúa nước đã thể hiện rõ rệt và trở nên đặc thù, tổ tiên chúng ta đã thành thục trong việc xác định mùa màng trồng trọt bằng cách theo dõi bóng nắng của cây cột chôn thẳng đứng trên mặt đất. Sau đó, có thể là sớm hơn rất nhiều so với thời điểm xuất hiện trống đồng Ngọc Lũ, do nhu cầu trong sinh hoạt đời sống, trong việc phân công lao động xã hội và trong việc lưu nhớ các sự kiện theo thời gian, mà họ đã sáng tạo ra lịch trình tính thời gian như đã nói ở trên.
Nhưng trên cơ sở nào tổ tiên chúng ta lại chia nửa ngày ra thành 7 tiếng (một ngày gồm 14 tiếng)? Rất có thể đơn giản chỉ vì thời gian của ngày và của đêm ít khi bằng nhau mà thường là ngày dài hơn đêm (mùa hạ, mùa thu) hoặc ngày ngắn hơn đêm (mùa đông, mùa xuân) và tổ tiên chúng ta đã xác định được tỷ lệ thời gian ấy là 3:4, từ đó mà định ra nửa ngày gồm 7 tiếng. Ngày nay, với cách chia nửa ngày gồm 12 tiếng và tính theo tỷ lệ ấy vào mùa hè (ngày dài hơn đêm) thì buổi sáng của nửa ngày bắt đầu từ 12 giờ trưa và kết thúc vào 6 giờ 52 phút chiều, buổi tối bắt đầu vào 6 giờ 52 phút chiều và kết thúc vào 12 giờ đêm, tương đối phù hợp với quan sát thực tế.
Cách tính niên lịch không phù hợp với chu kỳ thời gian chuyển biến mùa khí hậu đó rõ ràng là phiền toái và dễ gây ngộ nhận, đòi hỏi một sự cải tiến. Có thể rằng đến một lúc nào đó, qua việc theo dõi sự biến đổi của bóng nắng cây cột, người xưa đã xác định được một chu kỳ thời gian chuyển đổi khí hậu là 364 ngày, nghĩa là vừa đúng bằng một năm lịch (49 tuần hay 343 ngày) cộng thêm 3 tuần (hay 21 ngày) nữa. Số ngày của một năm được xác định như thế là hầu như chính xác (theo đo đạc ngày nay, một năm xuân phân (hay một chu kỳ bốn mùa) dài 365, 2422 ngày). Từ đó, có thể người xưa đã điều chỉnh lại niên lịch như thế này: một năm có 364 ngày, hay gồm 52 tuần, được chia ra thành 4 quí, mỗi quí gồm 91 ngày (hay 13 tuần) hay 3 tháng (trong đó có hai tháng 30 ngày, một tháng 31 ngày), tổng cộng là 12 tháng (trong đó có 8 tháng 30 ngày, 4 tháng 31 ngày).
Nếu quả thật tổ tiên chúng ta đã điều chỉnh lịch theo cách đó thì họ đã tạo ra được một niên lịch coi như phù hợp với sự chu chuyển của 4 mùa về mặt thời gian trong thực tế và như vậy, đã đáp ứng được những đòi hỏi về xác định thời gian trong đời sống xã hội, trong việc thực hiện thời vụ, đánh bắt hải sản, trong việc dự báo khí hậu, thời tiết.
Chúng ta cho rằng chính cái yêu cầu phải tăng cường trồng trọt - chăn nuôi lên một trình độ ngày càng cao hơn, có qui mô ngày càng lớn hơn, đã buộc con người phải chú trọng hơn đến vấn đề theo dõi và xác định thời gian sao cho cụ thể và chính xác. Quá trình đó tất yếu làm xuất hiện niên lịch vào giai đoạn đã phát triển ở mức độ nhất định trong nền nông nghiệp nguyên thủy Việt Nam, nhất là khi lúa nước đã là cây trồng được nhấn mạnh thành cây lương thực hàng đầu.
Từ nhận định trên, chúng ta phỏng đoán: vào khoảng hơn 4500 năm cách nay, cư dân tiền sử trên lãnh thổ thuộc Bắc Bộ - Việt Nam đã sử dụng niên lịch một năm gồm 343 ngày dưới dạng sơ khai nào đó. Bởi vì lúc đó ở trong giai đoạn cuối cùng của biển lùi trước khi biển tiến đột ngột, và người dân tiền sử đã định cư thành nhiều cụm phân bố rải rác trên một vùng rất rộng cùng với nền nông - ngư nghiệp nguyên thủy có trình độ cao hơn nhiều so với thời kỳ đầu xuất hiện trung tâm văn minh Đa Bút. Có thể đây là thời khoảng chuyển biến từ văn minh Đa Bút lên văn minh Hoa Lộc.
(Đến đây thì cái đầu hoang tưởng “ghê hồn” của chúng ta bật ra một suy nghĩ độc đáo và dù có thể là rất mơ hồ (thậm chí là hoàn toàn hồ đồ), nhưng chúng ta vẫn ngoan cố dùng nó như một căn cứ bổ sung để củng cố thêm cho phán đoán trên của mình. Trong truyền thuyết về lịch sử cổ đại Việt Nam thì mở đầu thời tiền sử là thời đại Kinh Dương Vương, tiếp theo là thời đại Âu - Lạc (Âu Cơ - Lạc Long Quân), và sau thời đại Âu - Lạc là thời đại Hùng Vương. Nếu cho rằng sự xuất hiện những thời đại đó gắn liền với thời khoảng xuất hiện các trung tâm văn minh thì thời đại Kinh Dương Vương xuất hiện cùng với sự xuất hiện của văn minh Hoa Lộc, cách nay 4500 năm, thời đại Âu - Lạc xuất hiện cùng với thời khoảng xuất hiện văn minh Phùng Nguyên, cách nay 4145 năm, thời Hùng Vương xuất hiện cùng với thời khoảng xuất hiện văn minh Đồng Đậu, cách nay 3800 năm.
Nếu gạt bỏ cái nội dung mang nét quá cụ thể đến mức hoàn toàn ngây ngô và khoảng thời gian xảy ra các sự kiện “ngắn ngủn” đến khiên cưỡng không thể tin được, có thể là do đã bị sự xuyên tạc cố ý làm méo mó lịch sử của phong kiến phương Bắc lũng đoạn, tồn tại trong truyền thuyết, thì có thể hình dung lại như sau:
Vào khoảng 4700 năm cách nay, lãnh thổ Bắc Bộ - Việt Nam còn “đất rộng người thưa” và đầy tiềm năng thuận lợi cho hoạt động mưu sinh của con người, do đó mà xuất hiện một cuộc lan tỏa dân cư có phần sôi nổi từ phía Nam - Trung Hoa xuống, sống hòa trộn với các cụm dân cư bản địa, chủ yếu thuộc khu vực thượng du, trung du và một phần khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sau một thời gian chung lưng đấu cật lao động sáng tạo cũng như quá trình biến chuyển, phân hóa xã hội, thì xuất hiện một bộ lạc trở nên hùng mạnh, có thể áp chế được các bộ lạc xung quanh mà thủ lĩnh là Kinh Dương Vương. Đó cũng chính là khởi đầu của thời đại Kinh Dương Vương với một nền văn minh hòa hợp, kế thừa có sáng tạo văn minh Đa Bút đồng thời cũng tiếp thu những yếu tố văn minh ngoại lai, gọi là nền văn minh Hoa Lộc. Đến thời khoảng 4145 năm cách nay thì trong lòng văn minh Hoa Lộc xuất hiện một trung tâm văn minh khởi đầu cho sự hình thành nền văn minh Phùng Nguyên. Thủ lĩnh của trung tâm văn minh đó chính là người kết thúc thời đại Kinh Dương Vương, mở ra thời đại Âu - Lạc. Như vậy, thời đại Kinh Dương Vương tồn tại trong khoảng 355 năm.
Vào thời khoảng 4115 năm cách nay xuất hiện một cuộc biển tiến đột ngột làm diện tích đồng bằng Bắc Bộ bị thu hẹp lại, chỉ còn bằng ¼ so với trước đó. Cuộc biển tiến (Thủy Tinh) này buộc phần lớn dân định cư ở đồng bằng thấp di tản lên sinh sống ở những vùng cao hơn và như vậy cũng làm dịch chuyển trung tâm văn minh Âu - Lạc (Sơn Tinh) theo hướng ấy. Tuy nhiên, nhờ có hiện tượng kiến tạo theo hướng trồi dần lên của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, sự bồi tụ ở các cửa sông thời đó mà không bao lâu sau, có thể là vào thời khoảng 4000 năm cách nay lại xuất hiện một quá trình di cư ngược lại, về phía biển, lấn biển (nghĩa là Sơn Tinh bắt đầu ra tay chế ngự Thủy Tinh!). Phải chăng chính hiện tượng di cư trở lại này đã là nguồn cảm hứng cho truyền thuyết tuyệt đẹp về Con Rồng Cháu Tiên? (Theo khảo cổ học thì các di tích thuộc văn minh Phùng Nguyên phân bố trong một khu vực tương đối rộng ở vùng đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, tập trung nhất là ở vùng đất thuộc các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Ninh. Đặc biệt ở khu vực hợp lưu của các con sông lớn: sông Hồng, sông Đà, sông Thao, sông Lô, các vị trí di tích Phùng Nguyên có mật độ tập trung dày và có mối liên hệ với nhau. Mặt khác, dễ nhận thấy là các di tích văn minh Phùng Nguyên thường phân bố ở vùng đồng bằng cao, dọc theo các con sông, nhưng cá biệt cũng có những địa điểm nằm giữa đồng bằng Bắc Bộ và miền ven biển. Cụm cư trú của người Phùng Nguyên tương đối rộng, khoảng 10 ngàn m2, có nơi rộng hơn nữa, khoảng 20 ngàn m2, thậm chí là 30 ngàn m2).
Quá trình liên tục mở rộng trở lại địa bàn sinh sống về phía biển của dân cư tiền sử Việt Nam cùng với tinh thần lao động sáng tạo không mệt mỏi của họ trước những trở ngại nảy sinh trong điều kiện, hoàn cảnh môi trường sinh thái mới đã làm nảy sinh một trung tâm văn minh mới trong lòng văn minh Phùng Nguyên, đóng vai trò khởi nguyên của nền văn minh được đặt tên là “Đồng Đậu”. Sự kiện này xảy ra vào thời khoảng 3800 năm cách nay, và đi liền với nó là sự thay thế thời đại Âu - Lạc bằng thời đại Hùng Vương. Như vậy, thời gian tồn tại của thời đại Âu - Lạc là vào khoảng 345 năm.
Nếu cho rằng thời đại Kinh Dương Vương làm cho hiện tượng trao đổi sản phẩm lao động giữa các bộ lạc với nhau trở nên tương đối rộng khắp, đa chiều và định hình thành mối quan hệ không thể thiếu được trong cộng đồng xã hội, còn thời đại Âu - Lạc là thời đại khẳng định tính hàng hóa của những sản phẩm lao động đem đi trao đổi ấy, đồng thời làm xuất hiện một nền tiểu thủ công nghiệp dưới dạng manh nha trong lòng nền sản xuất nông - ngư nghiệp đã trở thành truyền thống và do đó mà làm cho các khu vực lãnh thổ có mối quan hệ thông thương mật thiết hơn nữa, làm nảy sinh mối quan hệ tương đối ràng buộc lẫn nhau, cần đến nhau về mặt kinh tế giữa các bộ lạc và do đó mà cũng làm nảy sinh những mâu thuẫn nhất định giữa các bộ lạc, dẫn đến đòi hỏi sự thống nhất xã hội trên một phạm vi lãnh thổ nhất định, thì thời kỳ đầu của thời đại Hùng Vương là thời kỳ thống nhất xã hội dưới hình thức liên minh có thủ lĩnh giữa các bộ lạc, định hình và khẳng định chủ quyền lãnh thổ chung gọi là Tổ Quốc).
Có thể bước vào thời đại Kinh Dương Vương, người Hoa Lộc đã sáng tạo ra niên lịch 343 ngày. Niên lịch này có tính ước đoán chủ quan vì lúc đó họ chưa biết đến cách xác định thời gian của một chu kỳ mùa màng bằng bóng nắng của cây cột trồng thẳng đứng trên mặt đất bằng phẳng.
Trong truyền thuyết về thời tiền sử của dân tộc Việt, hầu hết các tình tiết nói về thời gian xảy ra các sự kiện đều mơ hồ, chung chung, duy chỉ có thời điểm Kinh Dương Vương lên làm vua là được ấn định rõ: vào năm 4879 cách nay, hay chính xác hơn là vào năm 2879 TCN. Con số đó được viết ra một cách hú họa hay có cơ sở và tại sao năm Kinh Dương Vương lên làm vua lại được xác định cụ thể đến như vậy? Chúng ta cho rằng vào đầu thời Kinh Dương Vương đã phải có niên lịch và chỉ có như thế mới có thể lưu truyền được đến các thời đại sau cái con số trông rất đỗi bình thường và vô tình đó.
Niên lịch một năm có 343 ngày được điều chỉnh thành niên lịch một năm có 364 ngày vào thời khoảng nào trong lịch sử? Có khả năng là vào lúc xuất hiện thời đại Âu - Lạc, tức là vào khoảng 4145 năm cách nay, cách năm Kinh Dương Vương lên ngôi là 355 năm. Bởi vì nếu lấy một năm gồm 365,2422 ngày thì cho 355 năm ấy thì khi đổi sang năm gồm 343 ngày sẽ là:
và lấy số năm ấy cộng với số 4500 (là năm bắt đầu thời đại Kinh Dương Vương) thì được 4878 năm, hay 2878 năm TCN (đây là số năm gần như trùng với số năm Kinh Dương Vương lên làm vua được xác định trong truyền thuyết). Đây chỉ là một sự trùng hợp lạ lùng hay chính là sự thật?
Cũng có khả năng niên lịch đã được điều chỉnh nói ở phía trên, ra đời vào khoảng cuối thời Âu - Lạc hoặc đầu thời Hùng Vương, khi mà địa bàn cư trú của con người ngày càng được mở rộng về phía vùng đồng bằng thấp hơn của châu thổ sông Hồng. Trong một số di tích có lẽ là của khoảng thời kỳ này, với diện tích tương đối lớn được khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện thấy đường nét của những hố đất đen tròn, có kích thước tương tự nhau, ăn sâu xuống tầng sinh thổ. Phải chăng đó là những chiếc hố trồng những cây cột dùng vào việc theo dõi thời gian?
Nếu thế, vì trống đồng Ngọc Lũ chỉ có thể ra đời vào thời khoảng muộn hơn nhiều nên phải suy diễn hàm ý ẩn chứa trên vành tròn khắc họa chim - hươu theo hướng khác.
Người xưa bài trí theo lối tương phản đối ứng qua tâm vành tròn 10 hươu với 10 hươu, 8 chim với 6 chim nhằm dụng ý gì? Nếu vẫn cho rằng vành tròn đó là biểu tượng một năm của người xưa thì có thể sự phân bố chim - hươu nói lên một năm gồm 4 mùa mà số lượng con vật của mỗi mùa cũng là đại diễn tổng số ngày của mùa đó, và trong 4 mùa đó có 2 mùa (nằm đối ứng) có số lượng ngày bằng nhau và 2 mùa còn lại có số ngày khác nhau. Vậy đại diễn của tổng số ngày của một năm là 34.
Có thể người xưa cho rằng mùa hè và mùa đông có số ngày giống nhau và đều bằng 107 ngày, còn mùa thu có 86 ngày và mùa xuân có 64 ngày. Tổng số ngày của 4 mùa đúng bằng số ngày của một năm, là:
107 + 107 + 86 + 64 = 364 ngày
Vì không thể khắc họa được số lượng chim - hươu nhiều như thế trên vành tròn nên người xưa lược bỏ con số cuối cùng của mỗi số đi và còn lại chỉ cần khắc họa: 10 hươu - 8 chim - 10 hươu - 6 chim.
Chúng ta đoán như vậy là vì có sự trùng hợp với hiện tượng sau đây:
Làm tròn các số ở kết quả sẽ thu được: 107 - 86 - 107 - 64.
Dù khó mà khẳng định dứt khoát điều gì thì chúng ta cũng không thể từ bỏ được ý nghĩ: tổ tiên của chúng ta đã sáng tạo một kiểu dương lịch và sử dụng nó từ rất sớm trước khi biết đến âm lịch.
Vậy thì tổ tiên chúng ta chuyển sang sử dụng âm lịch lần đầu tiên vào khi nào?
Chắc là từ rất sớm trước khi phát hiện cách làm ra lửa và sử dụng lửa ở đâu đó trong tít tắp mịt mùng hồng hoang tối cổ, vào những lúc bức bách kiếm cho được cái ăn, con người đã phải hoạt động cả vào những đêm trăng sáng. Có lẽ trong suốt thời kỳ kiếm ăn chỉ bằng cách săn bắt - hái lượm thôi, vì chưa thật cần thiết đến việc phải theo dõi đến sự mọc lặn của trăng nên con người cũng chỉ chú ý đến hiện tượng ấy một cách thụ động, chủ yếu là “chờ đợi” trăng lên một cách mù quáng, hoặc về sau nếu có xuất hiện sự phán đoán, suy đoán thì cũng ở chừng mực hời hợt, không chắc chắn kiểu “đoán già đoán non”. Chỉ khi xuất hiện sự trồng trọt - chăn nuôi và trong quá trình phát triển cả về trình độ lẫn qui mô của phương thức kiếm sống ấy, con người mới ngày càng chú ý tới chu kỳ mọc - lặn của trăng.
Đến khi trồng trọt - chăn nuôi đã trở thành trọng yếu, phổ biến một cách nổi trội hẳn trong xã hội, số đông con người đã chuyển sang lối sống định cư lâu dài trong những khu vực lãnh thổ nhất định, thì chu kỳ mọc lặn của trăng càng được đi sâu tìm hiểu hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta cho rằng, trong quá trình hình thành nền nông nghiệp nguyên thủy (từ manh nha, sơ phác cho đến khi thực sự định dạng), sự đòi hỏi trong lao động kiếm sống của con người về việc xác định thời gian xảy ra mùa màng và quá trình chu chuyển của khí hậu cũng như thời tiết là có tầm quan trọng đặc biệt, cho nên nó cũng được ưu tiên giải quyết hơn hẳn so với việc tìm hiểu chu kỳ vận động của trăng. Chính vì vậy mà chúng ta cũng đi tới nhận định: trong tiền - sơ sử Việt Nam, dương lịch phải được sáng tạo ra và được sử dụng trước, sớm hơn nhiều so với âm lịch (lịch trăng).
Chỉ đến khi nông ngư nghiệp nguyên thủy đã phát triển đến một qui mô nhất định, hiện tượng trao đổi sản phẩm lao động giữa các bộ phận, các cụm dân cư đã trở nên thường xuyên không thể thiếu được, với cự ly vận chuyển, lưu thông ngày càng xa, thì việc xác định chính xác chu kỳ thời gian vận động của trăng mới trở nên thực sự cần thiết.
Vào khoảng 3100 năm cách nay, biển lùi nhanh và đó cũng là thời khoảng văn minh Đồng Đậu biến đổi thành văn minh Gò Mun. Thời văn minh Gò Mun là thời công cụ và đồ dùng bằng đồng đã trở nên rất thông dụng và kỹ năng đúc đồng đã đạt được trình độ cao nhất định, dần tiến đến hoàn thiện, tạo tiền đề cho khả năng đúc được trống đồng Ngọc Lũ vào khoảng đầu xuất hiện văn minh Đông Sơn (trong khoảng 2800 - 2600 năm cách nay).
Trên thân trống đồng Ngọc Lũ, có khắc họa những con thuyền có vẻ vạm vỡ, chắc chắn chứng tỏ vào thời đó, nghề chài lưới, đánh bắt hải sản đã phát triển, có thể ngư nghiệp đã trở thành một lĩnh vực làm ăn tương đối độc lập, và bên cạnh đó, lưu thông, vận chuyển bằng đường thủy cũng đã rất thịnh hành, thậm chí là hình thức chủ yếu.
Có lẽ đến cuối thời Gò Mun, đầu thời Đông Sơn, giao thông hàng hóa đã trở nên nhộn nhịp, thành một ngành chuyên môn hóa, không thể thiếu được trong đời sống xã hội, và nhiều khi phải hoạt động cả vào ban đêm.
Như vậy, vào thời khoảng nói trên, tổ tiên chúng ta chắc là đã xác định được tương đối tường tận qui luật vận động của trăng về mặt thời gian và thậm chí bằng cách nào đó đã thể hiện được những thời điểm trăng rằm trên dương lịch một năm có 364 ngày.
Ít ra thì đến tận khi trống đồng Ngọc Lũ ra đời, tổ tiên ta vẫn còn sử dụng lịch đó. Về sau nó mới được cải tiến dần và cuối cùng thì định hình dưới dạng một âm - dương lịch nào đó tương tự như dạng mà trước đây, có lần chúng ta đã thử hình dung (ngày có 24 tiếng, tuần có 7 ngày, năm có 364 ngày phân thành 12 tháng: với 3 tháng hợp thành một quí). Nếu thế thì rất có thể âm lịch thuần túy chỉ bắt đầu được sử dụng trên lãnh thổ nước ta vào thời bị phong kiến phương Bắc xâm lược, đô hộ và là sản phẩm du nhập từ bên ngoài vào)…
Chán quá, lại cứ huyên thuyên lạc đề!
Thôi, chúng ta hãy quay lại với vành tròn khắc họa hai đoàn người trên trống đồng Ngọc Lũ!
Trên vành tròn đó thể hiện hai khắc họa hình hao hao giống người nhưng cũng khác người và bên trên là hình hao hao giống chim nhưng không hẳn là chim. Bên cạnh hai hình khắc họa ấy là hình khắc họa hai người (một nam một nữ) đang giã chày vào cối. Thời đó khi có người chết thì người ta giã chày vào cối để báo cho mọi người biết. Vậy, có thể nghĩ rằng vào thời Hùng Vương, tổ tiên ta đã quan niệm khi con người chết đi thì hồn (hình chim không hẳn là chim) lìa khỏi xác (hình nhân không hẳn là nhân) và bay đi, tiếp tục tồn tại.
Cũng trên vành tròn đó có khắc họa hai hình như hai nhà có mái cong vút như mái chùa, bên trong mỗi nhà có hai, ba người gì đó và bên trên mỗi mái có lần lượt một con chim và hai con trống mái rất giống gà. Quan sát kỹ tư thế của những người trong hai nhà đó và cho rằng chim (hay gà) là biểu diễn của linh hồn thì dễ dàng liên tưởng đến hiện tượng cầu hồn, gọi hồn.
“Công cuộc” tưởng tượng của chúng ta về hồn, vía, ma, vong đến đây là kết thúc. Dù tất cả có thể chỉ là sự mê sảng thực sự không hơn không kém thì chúng ta vẫn tin rằng nó không vô ích, thậm chí còn như một ý kiến gợi ý mở đường cho những nghiên cứu trong tương lai.
Hiện tượng ma, vong, không còn bàn cãi gì nữa, cũng là một tồn tại và tồn tại mãi một khi loài người chưa bị tiêu vong. Khoa học rồi đây sẽ giải thích được tường tận bản chất của sự tồn tại ấy.
Trong cuộc đời mình, chúng ta đã từng có những giấc chiêm bao linh ứng, gặp những hiện tượng linh cảm, thấy những bóng hình u uẩn giữa khuya lung mà không sao giải thích được.
Trong lịch sử loài người, vào thời khoảng chưa hề có những suy tư triết lý giải thích nhằm giải thích những hiện tượng thiên nhiên, đã xuất hiện tục thờ cúng người chết, quan niệm về sự tồn tại của linh hồn ngoài thể xác. Nguyên nhân có thể là do vào thời đó con người đã hồi ức lại được những chiêm mộng, nhưng nhiều khả năng hơn là do nhiều người đã ngẫu nhiên, trong lúc tỉnh thức, đã thấy được, thậm chí là giao tiếp được những người máu mủ, thân thuộc đã khuất của mình. Đặc biệt dân tộc Việt, ngay từ thời Hùng Vương đã có tập quán thờ phụng tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất. Tập quán đó đã được lưu truyền đậm nét đến tận ngày nay và là một truyền thống cực kỳ nhân văn, cực kỳ quí báu của dân tộc Việt, hầu như không có ở các dân tộc khác. Người Việt Nam có tập tục không tưởng niệm người thân đã khuất vào ngày sinh mà vào ngày mất của họ. Vào những ngày đó, người ta làm tiệc mời bà con quyến thuộc về dự. Đầu tiên là bày thức ăn lên bàn thờ cúng, thắp hương khấn vái mời người đã khuất về. Sau khi tàn hương mọi người mới quây quần ăn uống hàn huyên, vui vẻ (gọi là ăn cỗ hay ăn giỗ).
Phong tục cổ truyền Việt Nam trong nghi lễ tang ma, nhiều hình thức hoạt động tâm linh nói lên niềm tin của người Việt về sự tồn tại của vong hồn mà có lẽ niềm tin này đã xuất hiện từ rất xa xưa. Chẳng hạn như tục “phục hồn”: lấy áo của người chết, trèo lên nóc nhà từ phía trước, hướng về phương Bắc vẫy gọi liên tục người chết ba lần, sau đó trèo xuống nóc nhà theo lối phía sau, đem áo ấy vào đắp lên bụng người chết để hồn người chết trở về. Hay tục gọi là “phạn hàm”: tang chủ lấy đũa cạy răng người chết bỏ gạo nếp và đồng tiền vào miệng ba lần, mỗi lần ba hạt gạo nếp và một đồng tiền, làm thế để người chết có cái ăn và có tiền đi đò về cõi âm. Ba ngày sau khi an táng thì có lễ “mở cửa mã”: mang đồ cúng đến cúng bái trước mộ. Người xưa quan niệm rằng người mới chết vẫn chưa biết mình chết, linh hồn chưa rời khỏi xác (như một người ngủ thiếp đi?), phải 3 ngày sau khi an táng mới nhận ra là mình không còn sống nữa, đã trở thành vong hồn. Do đó, cúng “mở cửa mã” là nhằm giúp cho vong hồn người chết thoát ra. Vì còn luyến tiếc, vấn vương cõi dương gian nên vong hồn lần tìm về nhà theo con đường đã được làm dấu nhờ những tờ tiền giấy (tiền vàng mã) đã được rải ra trước đó suốt quá trình đưa linh cữu từ nhà đến nơi an táng.
(Chúng ta tự hỏi: dựa vào đâu mà người xưa cho rằng người chết đến năm, bảy ngày sau mới biết mình chết? Hay đó là hiện tượng mà không ít người đã thực sự “thấy” được trong hiện thực?).
Tính từ ngày chết, cứ 7 ngày là làm một lễ cúng cơm, gọi là “cúng thất” và cúng như vậy 7 lần. Lần cuối cùng là quan trọng nhất, có tế lễ, gọi là cúng “chung thất” hay “cúng 49 ngày”. Đợt cúng này có mục đích an ủi, làm nguôi ngoai vong hồn người đã khuất và đến ngày thứ 49 thì vong hồn đã thực sự thanh thản ở cõi âm ty, đã siêu thoát.
(Nhưng tại sao lại phải 7 ngày và 49 ngày? Điều này có liên quan gì đến điều chúng ta đã đoán là thuở xa xưa tổ tiên ta đã qui định tuần có 7 ngày và một tháng gồm 7 tuần hay 49 ngày không?)
***
Khi thân xác chết đi thì linh hồn lìa khỏi thân xác, và được gọi là vong linh hay vong hồn. Vong hồn tiếp tục tồn tại dưới dạng tạm gọi là “vừa sống vừa chết” hay “không sống không chết”, khi được kích thích phù hợp thì sống, khi không được “đoái hoài” thì chết. Phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà đến nay chưa ai biết cụ thể được, thời gian tồn tại của vong hồn có thể lâu dài hay ngắn ngủi, thậm chí là có thể “đầu thai” lại với ít nhiều biến đổi. Tất cả đều phụ thuộc vào cường độ hoạt động thần kinh của những người (thân thích) còn đang sống.
Mặc mọi người hoài nghi, còn chúng ta cứ khẳng định: chắc chắn vong hồn có thực, là một tồn tại thực như bao tồn tại thực khác!
Vừa khẳng định như thế xong thì chúng ta cũng đột ngột vỡ lẽ ra tình trạng hiện nay của mình.
Thì ra, chúng ta đang bay với tốc độ cực đại trong Vũ Trụ (). Con người, khi bay ở tốc độ đó thì thân xác sẽ phải phân ra thành một luồng hạt KG kích thích chỉ còn mối liên kết tối thiểu với nhau. Do đó, lúc này, chúng ta chỉ như những vong hồn, cảm được, nghĩ được, quan chiêm trong tâm tưởng được là nhờ sự kích thích thần giao cách cảm của anh chàng Hiện thực đang “mài đũng quần” trong xó nhà dưới Trần Gian…
Đến bây giờ chúng ta mới nhìn ra xung quanh. Nhớ lại lời Tạo Hóa, chúng ta biết rằng chúng ta không còn trong miền Không Gian ảo nữa, đã vượt qua ranh giới ảo - thực và đang ở miền Không Gian thực, đâu đó ở bên này rìa Vũ Trụ. Quang cảnh thật quen thuộc. Vũ Trụ bao la và chi chít sao lấp lánh. Thi thoảng đây đó lại có một vụ nổ bừng lên, chói sáng hoặc tung tóe ánh sáng ra như pháo hoa. Lác đác là những thiên hà trông như những đụn mây trắng hững hờ trong những đêm trăng mờ ở Trái Đất. Phía trước là một thiên hà có vẻ to nhất, sáng nhất. Đó đích thị là Ngân Hà và lúc này trông như một vầng trăng khuyết. Bất giác, chúng ta có cảm nghĩ đang đi thuyền trên một con sông quê êm đềm nào đó trong một đêm trăng thanh gió mát. Hai bên bờ sông, phía xa xa, ai đó lâu lâu lại bắn lên một pháo hoa, bung ra nhiều ánh sắc. Đằng trước là một vầng sáng ắt hẳn là do đèn điện của một thành phố hắt lên. Con thuyền đang lướt băng băng về đó. Nôn nao quá chừng!
Chúng ta bay nhanh thật! Chẳng mấy chốc mà vầng sáng kia đã rõ nét, trông như một đĩa sứ tráng men trắng láng, xoay chầm chậm. Ôi, Ngân Hà, miền xứ sở của quê hướng chúng ta đó, sao mà đẹp thế, đẹp tuyệt trần! Và chúng ta đang “băng băng” về nơi chốn ấy, nơi chốn đang bao dung Trái Đất - cõi trần gian mà chúng ta khắc khoải nhớ thương vì đã xa cách quá lâu…
Ô hay, trong Vũ Trụ có biết bao nhiêu là thiên hà mà sao cứ chăm chăm bay về Ngân Hà nhỉ, dù chúng ta rất muốn nhưng rõ ràng là không có một hành động tích cực, chủ đích nào? Đúng là Tạo Hóa đã vạch đường mở lối, “hích” chúng ta bay vùn vụt với tốc độ cực đại trong Vũ Trụ, về phía Ngân Hà. Song chuyển động đều với vận tốc ấy trong một môi trường tứ bề hấp dẫn thì thật là khó hiểu. Tại sao chúng ta không có bất cứ một nỗ lực nào, không cảm thấy phải chịu bất cứ một ràng buộc hấp dẫn nào? Dù chúng ta đang bay về Ngân Hà thì Ngân Hà cũng chẳng hút chúng ta một mảy may. Vì nếu có như thế, chúng ta sẽ phải chuyển động nhanh dần đều và tốc độ bay của chúng ta đã vượt tốc độ ánh sáng từ lâu rồi. Đó là điều mà Tạo Hóa tuyệt đối cấm kỵ! Lạ lùng thay và chỉ còn có nước phải cho rằng giữa chúng ta và Ngân Hà không có một tương tác hấp dẫn nào cả! Nghĩa là phải đi đến quan niệm: định luật vạn vật hấp dẫn của Niutơn không áp dụng được trong trường hợp hai thực thể mà ít ta có một thực thể là luồng sáng. Muốn thế, luồng sáng dù có to đến cỡ nào thì khối lượng của nó cũng phải bằng 0. Vật lý học đã phải đi đến kết luận như vậy. Còn nếu theo quan niệm của chúng ta (hạt ánh sáng có khối lượng) thì kết luận đó là một kỳ dị. Ai đúng ai sai đây? Một nỗi khiếp sợ khủng khiếp xuất hiện trong suy nghĩ của chúng ta: khó lòng mà cãi lại được “gã” khổng lồ vật lý thực chứng, và nếu không cãi lại được thì toàn bộ quan niệm của chúng ta về Không Gian từ trước đến nay phải bị gạt bỏ. Làm sao bây giờ? Bây giờ thì không làm gì được rồi vì vấn đề đến đột ngột quá và cũng quá to tát. Nhưng nhất quyết sẽ có lúc chúng ta quay lại vấn đề này cùng với Thầy Cãi để cãi lấy được, quyết giành bằng được thắng lợi trước “gã” khổng lồ kia một phen.
Chúng ta vừa vấp phải vấn nạn quá lớn lao. Dù chưa thể giải quyết một sớm một chiều được thì ngay lúc này chúng ta cũng thấy không phải vật lý học không gặp vấn nạn và vấn nạn đó không phải là nhỏ. Giả sử rằng trong Vũ Trụ có hai thực thể không phải là luồng sáng tương tác hấp dẫn với nhau (chẳng hạn một thiên thể rất to và một thiên thạch nhỏ). Thiên thạch sẽ phải bay đến thiên thể với vận tốc tăng dần. Lúc đầu khoảng cách giữa hai thực thể ấy đủ xa, sao cho thiên thạch còn cách thiên thể một quãng đường nữa thì đã đạt đến vận tốc cực đại c của Vũ Trụ. Câu hỏi đặt ra là khi thiên thạch đạt đến vận tốc c rồi thì giữa nó và thiên thể có tồn tại tương tác hấp dẫn nữa không? Nếu cho rằng có thì điều mà Tạo Hóa nghiêm cấm bị vi phạm. Nếu cho rằng không thì vì thiên thạch có khối lượng nên định luật vạn vật hấp dẫn bị vi phạm. Vậy thì vật lý học trả lời ra sao về trường hợp này? Để không bị mâu thuẫn nội tại, vật lý học buộc phải thỏa hiệp: vận tốc của thiên thạch càng tăng thì khối lượng của nó càng giảm (nghĩa là ngược với quan niệm của Anhxtanh) và khi nó đạt đến vận tốc c thì khối lượng của nó bằng 0 (nghĩa là lúc này, thiên thạch không còn là thiên thạch nữa mà là một luồng hạt phôtôn). Thỏa hiệp như thế sẽ phải đi đến kết luận: bất kỳ thực thể nào trong Vũ Trụ, khi chuyển động đạt đến vận tốc bằng c đều phải biến thành một đoàn sóng ánh sáng. Thật là ly kỳ và trong hiện thực hình như các nhà thiên văn chưa hề quan sát thấy hiện tượng biến mất của khối lượng!
Vấn nạn của vật lý học đã làm cho chúng ta bớt lo lắng đi rất nhiều và cảm thấy tạm yên lòng.
Rõ ràng là chúng ta đang bay rất đều đặn, cân bằng và hoàn toàn tự do, không bị tương tác với bất cứ vật nào trong cõi vĩ mô để trở về Ngân Hà. Vì Ngân Hà luôn ở phía trước, chính diện chúng ta nên bay như thế, theo cơ học Niutơn, chỉ có thể là chuyển động thẳng đều. Nhưng thực sự chúng ta có đang bay thẳng đều hướng tới Ngân Hà không? Câu hỏi bật ra làm chúng ta sững sờ! Ừ nhỉ, vạn vật trong Vũ Trụ, trừ các hạt KG thông thường, đều chuyển động. Vậy thì Ngân Hà đang chuyển động và hơn nữa là đang chuyển động theo một quĩ đạo nào đó không thẳng. Như thế, nếu chúng ta bay thẳng đều thì làm sao mà trở về Ngân Hà được? Chúng ta phải bay theo một quĩ đạo cong kiểu gì đó và tất nhiên là phải chịu ít ra là một tác động lực! Nhưng tại sao chúng ta không hề cảm nhận được điều đó? Có thể rằng chúng ta đã cảm nhận sai lầm. Còn nếu không, động lực học và nhất là nguyên lý truyền thẳng của ánh sáng có vấn đề, có thể chúng chỉ đúng trong một phạm vi hẹp mà thôi. Hơn nữa, nếu chúng ta bay theo quĩ đạo cong nào đó luôn hướng tới Ngân Hà thì, hoặc là Ngân Hà “tha thiết kêu gọi” chúng ta về, hoặc chúng ta phải có một nỗ lực nhất định hướng tới chủ đích, và dù là thế này hay thế kia, chúng ta đều phải tương tác với môi trường một cách liên tục.
Sự thể đó tưởng chừng như rất nan giải và gây hoang mang cho chúng ta, nhưng không, chẳng có gì mà ầm ĩ cả. Nên nhớ rằng chúng ta đang bay trong “thực tại hoang tưởng” và Tạo Hóa đã “ưu ái” mở ra cho chúng ta một quĩ đạo cong mà cũng thẳng, là cả hai mà cũng không phải cả hai, để về lại với quê hương yêu dấu một cách nhanh nhất và an toàn nhất.
Đoàn hạt KG kích thích hi hữu (có liên kết và hoạt động nội tại như là những vong hồn, tiếp tục lan truyền vun vút mà êm đềm hướng tới Ngân Hà. Chúng ta cảm thức (chứ không thấy được vì có mắt đâu mà thấy!) Ngân Hà ngày một lớn và sáng hơn. Với độ lớn và độ sáng đó, chắc chẳng mấy chốc nữa là chúng ta về đến nhà.
Kể ra thì cũng lại là một chuyện lạ nữa: khi chúng ta “đối đầu” với Ngân Hà và cảm thức được ánh sáng của nó thì cũng có nghĩa chúng ta đang “tắm” trong một cơn mưa phôtôn ào ạt như trút, ấy vậy mà chúng ta, đang có một trạng thái cơ thể phải nói là quá “rệu rã” và “yếu ớt” thực sự, tưởng sẽ phải “tan thây nát thịt”, vẫn nguyên vẹn, không hề hấn gì, thậm chí không bị “ướt” một mảy may. Phải chăng hạt phôtôn (khi lan truyền thì biểu hiện ra như một sóng) vẫn là một thực thể khổng lồ và “loãng”, “mềm xèo” so với hạt KG, do đó dù chúng ta đang đi ngược giữa đoàn quân phôtôn rầm rầm rộ rộ thì cũng như “đi vào chỗ không người”? Có lẽ, trường hợp này cũng như trường hợp hạt nơtrinô, theo các nhà vật lý thì nó bay xuyên qua Trái Đất một cách dễ dàng. Nếu không phải thế thì chỉ còn cách nhớ ngay đến Tạo Hóa. Chính Ngài đã ra tay “cứu nhân độ thế”!
Vào thời Hy Lạp cổ đại, Đêmôcrit, nhà triết học và toán học thời đó, đã cho rằng Ngân Hà là một dải tập hợp vô số các sao. Năm 1610, Galilê, sau khi quan sát Ngân Hà qua kính thiên văn, đã xác nhận điều này. Cuối thế kỷ XVIII, Hecxen đã tính mật độ các sao theo các hướng của bầu trời và thấy rằng: mật độ sao tăng nhanh khi tiến vào khu vực Ngân Hà. Kết quả ngày nay cho thấy dải Ngân Hà là bộ phận cơ bản của một hệ sao gồm trên 100 tỷ sao. Thái Dương Hệ thuộc Ngân Hà và nằm đâu đó ở gần rìa của nó. Đường kính Ngân Hà bằng 100.000 năm ánh sáng và Mặt Trời nằm cách tâm Ngân Hà khoảng bằng 2/3 bán kính của nó.
Nhìn từ Trái Đất, Ngân Hà là một dải phồng lên cả hai phía ở vùng trung tâm và xẹp dần theo hướng ra hai rìa của nó. Còn từ đây và vào lúc này, chúng ta lại (cảm thức) thấy Ngân Hà không phải là một dải sáng mờ mà (đúng như các nhà vật lý thiên văn quan niệm!) có hình xoắn ốc với một nhân tròn. Điều đó cho thấy, nếu nhìn từ Trái Đất thì lúc này, chúng ta đang “lơ lửng” ở trên hay ở dưới dải Ngân Hà. Phải chăng chúng ta đang bay vuông góc với dải Ngân Hà về thẳng Trái Đất?
Nhờ cảm thức mà chúng ta đã thấy được quang cảnh hiện thực ở tầng vĩ mô như đã mô tả ở trên. Nhờ hoang tưởng (có thể định nghĩa hoang tưởng là sự tưởng tượng “hoang đàng chi địa”!) mà chúng ta, biết đâu, còn cảm thức thấy được quang cảnh Vũ Trụ ở tầng vi mô nữa? Vậy thì bây giờ, ở khoảng tận cùng của tầng vi mô, chúng ta thấy gì? Hóa ra ở tầng này, không còn ánh sáng nữa, Vũ Trụ đang tối đen như mực. Chúng ta đã “mù tịt” hoàn toàn, không còn thấy ngôi sao nào và cả Ngân Hà cũng “lặn” mất tăm. Dù không thấy được quang cảnh Vũ Trụ nữa, nhưng chúng ta lại cảm thức được trong nội tại mình những vận động nào đó như căng ra - chùng lại, kéo tới - dồn lui. Có lẽ đó là sự thể hiện chuyển hóa Không Gian ở tầng rất sâu của Vũ Trụ vi mô, mà nếu là hạt KG, chúng ta sẽ cảm thức được sự thể hiện đó dưới dạng cảm ứng kích thích và hút - đẩy.
Ở những tầng nấc cuối cùng của Vũ Trụ vi mô, Tự Nhiên Tồn Tại không là gì khác ngoài các hạt KG vận động, biểu hiện ra là sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các hạt KG, và sự lan truyền các hạt KG kích thích.
Từ hình thức vận động nền tảng ấy và vì tính bảo toàn tuyệt đối của lực lượng Không Gian cũng như bản tính nước đôi về giới hạn của Vũ Trụ, mà xuất hiện ra hàng loạt các loại hạt cơ bản có lực lượng hạt KG trong nội tại khác nhau và mang bản chất tương đối khác  nhau. Đến lượt sự vận động và tương tác lẫn nhau của các loại hạt cơ bản này làm xuất hiện các thực thể (tạm gọi là) “cơ sở” có qui mô lực lượng hạt cơ bản và bản chất tương đối khác nhau. Cứ thế tiếp tục mà hình thành nên thực thể, vạn vật - hiện tượng trong Vũ Trụ ở tầng vĩ mô như loài người đã thấy trong hiện thực của mình.
Theo chúng ta đã quan niệm thì vạn vật chỉ có thể tồn tại, hiện hữu được một cách chúng vẫn là chúng khi ở trong môi trường đặc thù sinh ra chúng, ràng buộc chúng và chứa chúng. Khi bị ra ngoài môi trường ấy (hoặc môi trường ấy bị biến đổi) do một nguyên nhân nào đó, chúng không còn là chúng nữa. (Tất nhiên, nói như thế chỉ là tương đối và ở những trường hợp cụ thể thì phải đặt trong qui ước, vì một trong những đặc tính cơ bản của Vũ Trụ là vừa thường biến vừa bất biến, là cả hai mà cũng không phải cả hai!).
Một thực thể (ở đây, tạm qui ước thực thể khác môi trường, chứ về mặt khái niệm, thực thể là tên gọi chung cho: vật thể, môi trường, hệ thống…) luôn phải tương tác với môi trường chứa nó. Tương tác với môi trường là phương thức quyết định nhằm thể hiện và đồng thời duy trì sự tồn tại bản thân của vạn vật. Vì thế, khi môi trường chuyển hóa, biến đổi thì vạn vật trong đó cũng chuyển hóa, biến đổi theo một cách phù hợp với tự nhiên. Nói chung, có nhiều hình thức tương tác, nhưng hình thức tương tác cơ bản nhất, cốt lõi nhất, đóng vai trò nguồn cội của mọi tương tác, chính là cảm ứng kích thích, chuyển hóa nhau giữa hai hạt KG.
Một thực thể, nhìn ở góc độ nào đó sẽ được thấy như môi trường. Trái lại, một môi trường, nhìn ở góc độ nào đó, lại sẽ thấy như thực thể. Môi trường tuyệt đối, môi trường của mọi môi trường, chứa mọi môi trường, mọi thực thể, chính là Không Gian Vũ Trụ. Có thể nói Vũ Trụ vừa là thực thể vĩ đại tuyệt đối, vừa là môi trường bao trùm tuyệt đối. Chất liệu cơ bản và duy nhất làm nên Vũ Trụ là Không Gian. Không Gian được hợp thành từ vô vàn hạt KG (bình thường lẫn kích thích) - đơn vị nhỏ nhất tuyệt đối của Không Gian.. Hạt KG kích thích cũng chính là đơn vị nhỏ nhất tuyệt đối tạo thành nên mọi thực thể, mọi môi trường.
Như vậy, ở khoảng tận cùng của tầng nấc vi mô, Vũ Trụ thể hiện ra như một đại dương hạt KG thông thường, trong đó “trôi nổi” đủ mọi loại, đủ mọi kích cỡ các đám, các cụm tập trung với những mật độ cao, thấp khác nhau các hạt KG kích thích. Các đám và cụm ấy thường biến tuyệt đối trong bất biến tương đối, tương tác với môi trường (gồm Không Gian, các đám và cụm khác, các hạt KG kích thích “tự do”) theo phương thức cơ bản và chủ yếu là thu, phát đồng thời các hạt KG kích thích. Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh môi trường Không Gian, mà một quá trình đồng thời phát tán và tích tụ được điều chỉnh phù hợp. Tùy thuộc vào mối tương quan về lượng hạt KG kích thích giữa hai quá trình đồng thời thu và phát mà một đám, cụm tồn tại đang trong thời kỳ tương đối bất biến, đang trong thời kỳ phát triển hay suy tàn (một cách từ từ hay đột biến). Sự vận động của các đám, cụm làm xuất hiện các hiện tượng như: tan rã và hợp thành, phân chia và kết hợp, cũng như sự nảy sinh những đám, cụm mới và sự tiêu vong những đám, cụm cũ.
Trên cơ sở thu, phát hạt KG kích thích mà hình thành nên hiện tượng tạm gọi là thu và phát bức xạ trong Vũ Trụ ở tầng vĩ mô. Bức xạ là hiện tượng một vật thể, do bị kích thích mà phát ra thứ gọi là năng lượng hay vật chất. Tùy từng trường hợp cụ thể và cũng tùy thuộc vào qui ước mà có thể có: bức xạ điện từ, bức xạ ánh sáng, bức xạ nhiệt, bức xạ hạt cơ bản. Trong hiện thực vĩ mô, thu và phát bức xạ thường được thấy như là hai quá trình xảy ra tương đối độc lập nhau. Một tờ giấy, khi bị đốt cháy thành ngọn lửa thì sẽ phát ra bức xạ nhiệt và bức xạ ánh sáng. Một vật để trong môi trường nóng hơn nó thì sẽ hấp thụ nhiệt bằng con đường gọi là lan truyền nhiệt, nhưng nếu quan sát được ở tầng sâu vi mô nào đó, theo ý chúng ta, cũng là hiện tượng hấp thụ bức xạ nhiệt. Tuy nhiên, nên coi sự tồn tại độc lập của một trong hai quá trình thu và phát bức xạ chỉ mang tính tương đối và hơn nữa, nên coi quá trình thu hay phát bức xạ xảy ra đơn phương ở một vật chỉ là trường hợp đặc biệt của hiện tượng có tính phổ quát: một vật đồng thời thu và phát bức xạ. Chẳng hạn một vật lạnh bị chiếu nắng trực tiếp. Vật sẽ nóng dần lên nhờ hấp thụ bức xạ nhiệt. Sự nóng dần lên ấy làm cho đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện quá trình phát xạ nhiệt từ những bề mặt không bị chiếu nắng của vật. Nếu không có quá trình này thì sẽ không thể giải thích rốt ráo được vì sao vật bị chiếu nắng chỉ nóng đến một nhiệt độ hạn định nào đó thì dừng lại cho dù vẫn tiếp tục bị chiếu nắng. Sẽ thấy rõ hiện tượng hơn nếu đặt vật ở bên ngoài bầu khí quyển Trái Đất. Có thể mở rộng sự đồng thời thu, phát bức xạ ra thành sự đồng thời thu, phát năng lượng nói chung và từ đó nâng lên thành một nguyên lý tổng quát của tự nhiên. Trong động lực học, có định luật tác dụng tương hỗ: khi một vật phát lực tác dụng vào một vật khác, thì nó cũng đồng thời thu được một lực đúng bằng như thế (nhưng ngược chiều). Nói cách khác: khi vật đó phát đi một năng lượng (động năng) thì nó đồng thời cũng thu lại một năng lượng đúng bằng từng đó (nội năng), và có thể coi định luật này là một trường hợp riêng của nguyên lý đồng thời thu, phát năng lượng.
Dựa vào những nhận định “thuần” suy diễn ở trên, chúng ta đi đến kết luận “hùng hổ” rằng: trong Vũ Trụ vĩ mô, mọi thiên thể đều phải liên tục tương tác, trao đổi năng lượng với môi trường Không Gian, theo phương thức đồng thời thu, phát bức xạ, trong đó, sự đồng thời thu, phát đơn thuần hạt KG kích thích đóng vai trò nòng cốt, quyết định, để tồn tại và “cố gắng” duy trì tồn tại sao cho chúng vẫn là chúng một cách tương đối.
Hạt KG kích thích là tột cùng nhỏ cho nên trong hiện thực Vũ Trụ tầng vĩ mô, không thể quan sát được hiện tượng thu, phát hạt KG kích thích. Tuy nhiên, chúng ta cho rằng tất cả những hiện tượng tương tác gián tiếp qua chân không như: vạn vật hấp dẫn, cảm ứng điện từ, hút đẩy nam châm, sự tồn tại của dòng điện dịch (tồn tại nhưng không hiện hữu, do Mắcxoen phát hiện và trở thành một mắt xích quan trọng trong thuyết của ông), thần giao cách cảm, thôi miên, thậm chí là cả giao cảm với vong hồn, nếu không là hệ quả trực tiếp của hiện tượng đồng thời thu, phát hạt KG kích thích thì cũng là chỉ thị có liên quan đến sự tồn tại của nó.
Thế thì có cách nào hình dung ra được cách thức đồng thời thu, phát hạt KG kích thích của một thiên thể, hay cụ thể hơn là của Ngân Hà được không? Dựa vào khả năng hoang tưởng vô hạn độ của mình, chúng ta dõng dạc nói lớn: “Được! Nhưng… phải liều mạng!”, rồi hạ giọng nói lắp thầm thì: “Vì cái… cái… hình dung ấy là… là… phản khoa học”.
Đầu tiên, lúc chưa có Ngân Hà, quá trình tương tác và chuyển hóa KG trong Vũ Trụ trước đó làm nảy sinh một vùng không gian (không viết hoa để hiểu theo quan niệm hiện nay: môi trường chân không) có thế năng cực tiểu so với xung quanh (mật độ KG thấp nhất hoặc bằng 0). Vùng này “thu hút” các hạt KG âm, dương, trung tính (nhớ lại ký hiệu của các hạt đó lần lượt là: , , ), và có thể là cả các hạt tương đối lớn hơn nữa từ các khu vực có thế năng cao hơn (mật độ KG lớn hơn) lan truyền về đó, hợp thành một khối KG tương đối nhỏ, xoáy “dữ dội”. Lúc đầu, về mặt phương chiều, sự xoáy ấy tương đối bất ổn, nhưng nhờ hiệu thế năng ở các hướng giữa khối cầu KG và những khu vực có thế năng cao hơn không đồng đều mà trở nên ổn định (trục xoáy không còn “lắc lư” nữa!). Sự xoáy ổn định và vì các hạt KG là có khối lượng nên gây ra hiện tượng khối KG phình ra theo phương vuông góc với trục xoáy và càng gần mặt phẳng xích đạo càng nhanh khiến khối KG biến dạng thành khối cầu dẹp ở hai cực. Sự xoáy mạnh và ổn định cũng tạo nên hiện tượng bức xạ các hạt KG trong khối KG ra không gian theo phương vuông góc với trục xoáy, có cường độ cực đại ở vùng xích đạo và cực tiểu (có thể bằng 0) ở hai vùng cực. Điều quan trọng hơn cả là chính sự xoáy và bức xạ ấy đã làm hình thành nên một vùng trung tâm “hụt hẫng” thế năng gần như theo chu kỳ và đó cũng là “nhà máy” “sản xuất” ra những hạt KG “nặng” hơn  , , , cung cấp cho quá trình bức xạ, đồng thời tạo điều kiện cho các luồng hạt KG xâm nhập theo lối hai vùng cực vào khối KG. Đến đây, khối KG đã định hình sự vận động đồng thời thu phát KG của nó. Trong tưởng tượng của chúng ta, hình bóng của khối KG lúc này trông như minh họa ở hình 1.
Hình 1: Cách thức đồng thời thu, phát KG
Theo quan niệm của chúng ta, phải tồn tại các hạt KG kích thích. Đặc tính cơ bản nhất của hạt KG kích thích là phải vận động đến hết khả năng của nó, nghĩa là nó luôn phải lan truyền với vận tốc cực đại c trong Vũ Trụ và luôn “tìm cách” tác hợp với hạt KG kích thích có dấu tương phản với nó để trở về trạng thái thông thường hoặc hợp thành hạt . Vì vậy mà hạt cũng lan truyền với vận tốc c và khi “đứng” một chỗ xoáy” thì vận tốc chu vi cũng phải bằng c. Có thể, mường tượng hạt đứng xoáy trông như đèn nhấp nháy xanh đỏ của xe cảnh sát. Tuy nhiên, đối với những thực thể lớn hơn nó (có chu kỳ vận động nội tại - đơn vị thời gian riêng - dài lâu hơn tương đối nhiều so với của nó), sẽ không thể “thấy” được như vậy mà chỉ “thấy” như một “khối” đồng nhất (tương tự như khi quạt quay nhanh sẽ không phân biệt được cánh). Tình hình cũng như vậy khi  bức xạ (lan truyền như một sóng đơn vị) trong không gian. Vì những lẽ đó mà có thể coi  là một hạt trung tính, là đơn vị nhỏ nhất của mọi hạt cơ bản, của mọi sóng điện từ mà vật lý học đã phát hiện ra.
Đặc tính cơ bản ấy của hạt KG kích thích và hạt đã là yếu tố quyết định đến đặc tính xoáy của khối KG lúc mới hình thành và vùng trung tâm (hay còn gọi là vùng lõi) của nó khi qui mô của nó đã đạt đến độ lớn nhất định: luôn xoáy hết khả năng, xoáy với tốc độ trung bình cực đại có thể có gọi là Vmax (Vmax<c).
Khi sự xoáy mạnh mẽ ấy đã ổn định phương chiều, đồng thời vẫn được liên tục cung cấp các hạt KG từ hai vùng cực và vì hạt KG có khối lượng nên khối KG phình dần ra như đã nói, làm cho vùng lõi cũng to dần ra theo.
Khi mật độ của khối KG còn thấp hơn (nghĩa là thế năng cũng thấp hơn) so với những khối KG ở không gian xung quanh thì sự phình của nó không những bị cản trở bởi thế lực của các khối KG đó nên phát triển chậm chạp mà còn bị lũng đoạn bởi một bộ phận lực lượng KG của các thế lực đó xâm nhập làm mật độ của khối KG phía ngoài vùng lõi tăng lên nhanh chóng. Mật độ càng cao thì càng tạo cho khối KG tăng cường phát xạ, đồng thời cũng làm cho sự lan truyền của các hạt KG trong nội bộ khối KG ở gần ngoài vùng lõi có nguy cơ bị hạn chế tốc độ. Nhưng điều đó là không thể xảy ra được cho nên hướng giải quyết tất yếu là làm xuất hiện các hạt cơ bản bằng cách kết hợp những hạt KG đó lại với nhau theo những số lượng do điều kiện, hoàn cảnh xác định.
Mọi hạt cơ bản, trừ hạt , đều có tốc độ lan truyền cực đại, hoặc tốc độ chu vi cực đại khi xoáy nhỏ hơn c, tuân theo biểu thức:
với        M là tổng khối lượng của các hạt KG cấu thành.
Moc2 là năng lượng tối thiểu để duy trì liên kết nội tại.
Sự hấp thụ KG sẽ làm cho khối KG tiếp tục phình ra và tiếp tục tăng cao mật độ. (Lúc này nguyên nhân chủ yếu không phải là do bị áp lực từ bên ngoài mà lại do “bề dày” của phần phình ra cản trở làm giảm cường độ phát xạ, gây “dồn ứ” lực lượng KG trong khối KG). Tình hình tương tự lại xảy ra: các hạt KG và các hạt cơ bản có nguy cơ bị hạn chế tốc độ lan truyền (hay xoáy) trong nội bộ khối KG. Và hướng giải quyết cũng tương tự: các hạt cơ bản có khối lượng lớn hơn nữa xuất hiện, một phần bị phát xạ ra không gian để “giải cứu” cho phần ở lại.
Nếu nguồn KG hấp thụ còn dồi dào thì khối KG tiếp diễn sự tăng trưởng về qui mô lực lượng và mật độ và từ đó mà trong nội tại nó ở phần ngoài vùng lõi sẽ xuất hiện những hạt cơ bản lớn hơn nữa, chẳng hạn là điện tử, prôtôn, nơtrôn… và các hạt nhân nhệ, trước hết là của H (Hydrô) rồi sau đó lần lượt là mọt số các hạt nhân ngày càng nặng hơn. Thế rồi sự phát triển của khối KG sẽ tất yếu dẫn đến những phản ứng tổng hợp hạt nhân He (Hêli) từ những hạt nhân H (phản ứng nhiệt hạch) có tính bùng nổ và bức xạ dữ dội.
Nếu qui ước lúc xảy ra những phản ứng nhiệt hạch đầu tiên trong lòng khối KG cũng là lúc nó chuyển biến thành một vì sao thì thời điểm đó coi như đánh dấu sự ra đời của một vì sao trong Vũ Trụ và nếu trong “tầm mắt” của chúng ta, chúng ta có thể quan sát thấy nó. Tuy nhiên, không phải đến lúc đó, khối KG mới phát sáng. Cần phải quan niệm rằng bên cạnh sự xuất hiện các loại hạt cơ bản, còn xuất hiện các loại giả hạt nữa. Trong số các loại giả hạt đó, có một loại giả hạt mang tên chung là phôtôn (hạt sáng). Hạt phôtôn chắc chắn phải xuất hiện trong khối KG và được bức xạ ra không gian sớm hơn nhiều so với thời điểm xuất hiện hạt điện tử. Như vậy, khi bức xạ ra các luồng phôtôn thì khối KG đã phát sáng, dù có thể còn mở đục, chứ không cứ gì phải đợi đến khi xảy ra phản ứng nhiệt hạch!
Một vì sao tồn tại lâu hay mau, đang phát triển hay lụy tàn là tùy thuộc vào mối tương quan về lực lượng KG giữa hai quá trình đồng thời thu và phát của nó. Và vì tương quan lực lượng giữa hai quá trình đồng thời thu và phát này lại tùy thuộc vào sự chuyển hóa của môi trường không gian chứa nó cho nên số phận của vì sao cũng bị định đoạt bởi môi trường này. Trong điều kiện hoàn toàn thuận lợi, nguồn “thức ăn” thực sự dồi dào, vì sao phát triển mạnh mẽ không ngừng về lực lượng, “nhồm nhoàm nhai nuốt và thải vật chất vung vãi”, dần dần chuyển biến thành gã khổng lồ thiên hà, mà trong trường hợp cụ thể ở đây, là Ngân Hà - xứ sở yêu thương của chúng ta.
Vì có khởi thủy là khối KG xoáy đến tận cùng khả năng nên có lẽ không có vì sao nào, không có thiên hà nào lại không quay mà tồn tại được trong thời kỳ chưa suy tàn của chúng. (Cũng có thể khi bước vào thời kỳ suy tàn, sao hay thiên hà vẫn quay, chỉ có điều sự đồng thời thu - phát bị đảo chiều: thu lại vật chất mà chúng đã “thải” ra , chưa phát tán vào Vũ Trụ bao la, và “nhả ra” các hạt KG từ hai miệng phễu của chúng).
Có một hiện tượng tương đối phổ biến là có nhiều thiên hà có cánh tay xoắn ốc (một, hai và cũng có khi nhiều cánh). Tại sao vậy? Tại vì sự xoáy mãnh liệt đến tận cùng khả năng, trong sự khống chế vận tốc chu vi không được vượt quá vận tốc cực đại c, còn có một đặc tính nữa là, giá trị vận tốc góc của sự xoáy ấy, theo phương vuông góc với trục xoáy, phải giảm dần từ tâm ra ngoài, và hơn nữa cũng một phần vì khối lượng thực thể càng lớn thì vận tốc cực đại có thể đạt được cùa nó càng nhỏ. Đó là hai hiện tượng hợp thành nguyên nhân chủ yếu tạo ra cánh tay xoắn ốc của thiên hà.
Hình 2 là minh họa mô tả tóm tắt quá trình làm xuất hiện Ngân Hà.
a-      khu trung tâm vùng không gian có thế năng thấp nhất
b-     khối KG xoáy đã ổn định phương chiều
c-      Sao quay rất nhanh
d-     Ngân Hà
Hình 2: Sự ra đời của sao và Ngân Hà.
Thế là chúng ta đã hình dung xong cách thức đồng thời thu phát KG của các sao và thiên hà trong Vũ Trụ. Lúc đầu tưởng sẽ gặp khó khăn ghê gớm, ai dè cũng dễ! Điều tuyệt cú mèo nhất là kèm theo đó, chúng ta còn nhân tiện xây dựng nên được một “lý thuyết… suông” nghe cũng rất “êm tai” về sự hình thành của các sao và thiên hà trong Vũ Trụ. Dù chưa một nhà thiên văn nào quan sát được mảy may hiện tượng mà “lý thuyết… suông” đã dựa vào đó để… dựng chuyện, thì ngay lúc này đây, chúng ta vẫn thấy sảng khoái, hả hê quá chừng, cứ như trong tiết trời nóng bức và đang bị cơn khát hành hạ, được uống một lèo đến cạn đáy vại bia đầy, mát lạnh, rồi khà một tiếng, lấy tay áo quệt ngang, chùi bọt bia còn dính quanh mép.
Mặt Tròi cũng là một ngôi sao và là ngôi sao gần Trái Đất nhất. Nếu thực sự tồn tại quá trình đồng thời thu, phát thì chắc chắn Mặt Trời là đối tượng dễ khảo sát nhất, nhất là lúc xảy ra nhật thực toàn phần. Ấy vậy mà chẳng hề thấy gì! Có lẽ vầng nhật hoa (tỏa ánh sáng đến Trái Đất sáng như ánh trăng rằm) đã che dấu tất cả. Chắc là phải đợi đến khi phóng được một tên lửa đến đâu đó phía trên (hay phía dưới?) Thái Dương Hệ, tại vị trí trục xoay của nó đi qua đó để quan sát và đo đạc, may ra vấn đề mới ngã ngũ.
Nhưng không sao, có một khẳng định được rút ra từ tính toán lý thuyết trong vật lý học và các nhà thiên văn cũng đã quan sát thấy trong hiện thực Vũ Trụ làm cho chúng ta vô cùng hy vọng, đó là sự tồn tại của cái gọi là “Lỗ đen” ở tâm các thiên hà. Theo các nhà vật lý học thì lỗ đen có sức hút vô cùng mạnh mẽ. Mạnh đến nỗi hút cả ánh sáng “lảng vảng” đến gần nó. Lúc đầu, người ta không hiểu được lượng vật chất khổng lồ mà lỗ đen “nuốt chửng” rồi… đi đâu, vì hình như nó không bao giờ biết no và thậm chí luôn đói khát. Các nhà vật lý cũng là những người chúa hay tưởng tượng viễn vông (chẳng kém gì các nhà toán học hay các nhà thơ, dù so với chúng ta họ còn kém rất xa!), đã nghĩ ra đủ kiểu giải thích, để cho định luật bảo toàn vật chất được… bảo toàn. Thú thực là không có giải thích nào làm bùi tai chúng ta cả. Mãi về sau, để giải quyết một vấn đề khác có liên quan đến nhiệt động học, nhà vật lý nổi tiếng thế giới là S. Hawking, người Anh, mới chứng minh được: lỗ đen cũng bức xạ. Dù quan niệm về lỗ đen của vật lý học hiện nay khác hẳn quan niệm của chúng ta về miệng phễu thu KG của các thiên hà thì chúng ta cũng cứ “lạc quan tếu” và “hy vọng hão” vì biết đâu chừng lỗ đen và phễu thi chủ là một và quan niệm của vật lý học là… sai, còn quan niệm của chúng ta là… hơi bị đúng!
Các hành tinh, loại thiên thể không chủ động phát sáng, có quá trình đồng thời thu phát KG giống như của các sao và thiên hà như chúng ta đã hình dung ở trên không? Thật khó lòng mà biết được, nhưng nhiều khả năng là không. Nếu Trái Đất có miệng phễu thu KG thì coi như nó ở ngay “trước mũi”các nhà vật lý học và họ đã phải phát hiện ra từ lâu rồi. Tuy nhiên, theo chúng ta đã quan niệm, không có thực thể nào tồn tại được ma không tương tác, trao đổi vật chất với môi trường chứa nó vàđóng vai trò cốt lõi, không thề thiếu được trong sự tương tác, trao đổi ấy là thu phát KG. Vì thế, chúng ta cho rằng các hành tinh đều phải liên tục đồng thời thu phát KG, song theo một cơ chế khác với của các sao, thiên hà, và nếu xét về mức độ thì… yếu xìu. Mới đây, (năm 2001), giới thiên văn phát hiện được một hành tinh đen hơn cả than, chỉ phản chiếu không tới 1% ánh sáng nhận được từ ngôi sao trung tâm. Hành tinh kỳ lạ đó được đặt tên: TrES-2b, là một khối khí khổng lồ với kích cỡ như sao Mộc. Nó ở cách Thái Dương Hệ 750 năm ánh sáng về hướng chòm sao Con Rồng (Draco the Dragon). Trung tâm vật lý học thiên thể cho hay, do quỹ đạo quá gần sao trung tâm, khoảng 5 triệu km (khảong cách giữa Trái Đất và Mặt Trời là 150 triệu km), nên hành tinh đó phải chịu đựng một nhiệt độ rất cao, với bề mặt luôn nóng hơn 1000oC. Nó cũng ở tình trạng giống như Mặt Trăng của Trái Đất, là một bề mặt của nó luôn đối diện với sao trung tâm. Tuy nhiên, điều này vẫn không giải thích được sự tăm tối trên hành tinh đó.
Vậy thì có thể dựa vào quan niệm về sự đồng thời thu phát KG của các thiên thể mà cho rằng ngôi sao trung tâm nói trên đang bước vào thời kỳ suy tàn của nó, sự đồng thời thu phát KG đã bắt đầu đảo chiều: “ăn” lại cái mà nó đã “thải ra” trước kia, và do đó, hành tinh TrES-2b đã bị hút hết “hồn vía”, chỉ còn lại cái xác đang trong thời kỳ bị tiêu hủy nốt?
Trong hiện thực khách quan có rất nhiều trường hợp hai hiện tượng xảy ra theo cách hoàn toàn tương tự như nhau, dù khác nhau về bản chất. Ví dụ như sự phản xạ ánh sáng khi đập vào mặt gương và phản chuyển động của viên bi-a khi nó đập vào thành bàn, hay con mực khổng lồ bơi nhịp nhàng trong đại dương và con cò “bay lả bay la” trong bầu trời. Vật lý học đã chỉ ra nhiều sự tương tự rất đáng suy ngẫm, chẳng hạn: sự tương tự điện - cơ trong dao động, sự tương tự giữa giao thoa sóng ánh sáng và giao thoa sóng nước…, hơn nữa, trong nhiều trường hợp, có thể dựa vào những kết quả nghiên cứu của một hiện tượng đơn giản hơn, trực quan hơn để giải thích hiện tượng tương tự với nó nhưng có bản chất khác, phức tạp hơn, khó nắm bắt hơn, mà cũng tương đối thỏa đáng.
Chính vì sự tương tự xảy ra ở khắp nơi nên có thể nói nó có tính phổ biến trong Vũ Trụ. Tính phổ biến của sự tương tự dẫn chúng ta đến ý nghĩ: đó phải là kết quả của một nguyên nhân tất yếu. Từ đó mà chúng ta rút ra nhận định: đa dạng vật chất đều phải có chung một nguồn gốc, đa dạng vận động đều có chung một nguyên lý khởi thủy, dù là chúng có những nét đặc thù, khác biệt nhau “một trời một vựa” đi chăng nữa thì chúng vẫn có những nét chung, nét giống nhau, và một trong những biểu lộ về đó là sự tương tự.
Bây giờ, chúng ta tưởng tượng có một vùng môi trường không gian không có gì hiện hữu ngoài lúc nhúc hạt KG chuyển động hỗn loạn trong đó, làm xuất hhiện một cách ngẫu nhiên những khu vựa mật độ hạt KG thấp (hoặc cao), nghĩa là những khu vực có thế năng thấp (hoặc cao), tạo nên hiệu ứng thu hút các hạt KG từ nơi có thế năng cao hơn đến nơi có thế năng thấp hơn và làm xuất hiện xoáy ở đó. Trong những trường hợp thuận lợi, xoáy sẽ phát triển lên thành sao và thiên hà.
Sự tưởng tượng đơn thuần đó thực sự khó tin và hơn nữa, kho lòng mà hình dung cụ thể hơn nữa những diễn biến trong vùng môi trường không gian đó, vì trong hiện thực Vũ Trụ, không hề thấy bất cứ sự biểu hiện sống động nào về kiểu vận động ấy mà chỉ thấy các thiên thể hình thành một cách đơn điệu là tích tụ vật chất nhờ lực hấp dẫn rồi sau đó vận động nội tại tạo ra các phản ứng phân hạch, nhiệt hạch… để rồi lại phát tác vậy chất ra xung quanh cho đến tàn lụi, tiêu vong.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tiếp tục hình dung cụ thể hơn nữa diễn biến trong nội tại vùng môi trường không gian đó nếu cho rằng ở mức độ nhất định, nó tương tữ như diễn biến trong vận động nội tại của bầu khí quyển Trái Đất (trong đó “lúc nhúc” các phân tử Oxy, Hidrô, Nitơ… các ion…)
Vận động nội tại của bầu khí quyẩn cũng liên tục tạo thành những vùng mật độ không khí cao thấp khác nhau, nghĩa là cũng tạo ra những vùng thế năng cao, thấp khác nhau và tương đối được gọi là “khí áp” cao, “khí áp” thấp. Do có sự chênh lệch khí áp mà xuất hiện những dòng không khí (gió) chảy (thổi) từ vùng áp cao đến vùng áp thấp, dễ dàng tạo xoáy ở đó. Trong những điều kiện thuận lợi, xoáy sẽ phát triển lên thành bão, lốc xoáy khổng lồ (mà dân gian thường gọi là “vòi rồng”). Nếu xem những bức ảnh chụp những cơn bão từ vệ tinh, chúng ta sẽ phải liên tưởng đến những bức ảnh chụp các thiên hà trong Vũ Trụ vì chúng có nét tương đồng hết sức sâu sắc: thường cũng có mắt (lỗ đen), cũng có hình xoắn ốc và cũng thường có những cánh tay xoắn ốc. Khi quan sát một vòi rồng, chúng ta thấy đó là một khối khí bụi xoáy rất mạnh trong khi di chuyển, hai đầu trên dưới đóng vai trò như hai miệng phễu hút rất mạnh không khí và cả những đồ vật nặng như ô tô, cần cẩu, trâu, bò… vào vùng trung tâm của nó và phát tán ra theo hướng vuông góc với trục xoáy của nó. Có lẽ không có sự phô diễn nào rõ ràng và ấn tượng hơn vòi rồng về một thực thể tồn tại và duy trì tồn tại bằng cách thức đồng thời thu - phát vật chất…
Trong lịch sử phát triển khoa học của nhân loại, không hiếm những trường hợp một luận thuyết, một suy lý khi được công bố ra, ngay lập tức bị bài bác, bị cho là phi lý đến không thể tin nổi, do đó mà bị gán cho nhãn mác “phản khoa học”. Nhưng thực ra lại hoàn toàn phù hợp với thực tại khách quan, và ngược lại, cũng có những luận thuyết, suy lý khi đưa ra được đông đảo mọi người lập tức thừa nhận là có tính khoa học cao độ, là một đóng góp khoa học thực sự xuất sắc, nhưng rốt cuộc, hóa ra nó chỉ phù hợp với hiện thực chủ quan đầy cảm tính của con người và hoàn toàn không đúng đối với thực tại khách quan.
Nhận định trên đây của chúng ta cũng là một chỗ dựa nữa, một sự an ủi nữa để không phải chỉ có hy vọng mà còn tin tưởng rằng, sự hoang tưởng “lồng lộng” của mình về một Vũ Trụ thực sự sinh động và náo nhiệt hơn cái hiện thực đang thấy rất nhiều, có hàm chứa trong nó không nhiều thì ít tính xác đáng, mà cơ bản là đã đúng đắn về “đường lối”. Trong Vũ Trụ ấy, các thiên thể cũng “sống”, “ăn uống”, sinh sôi nảy nở rồi “chết”, cũng hợp thành bầy đàn, quần cư, di cư, định cư, lan tỏa dân cư, cũng đấu tranh sinh tồn, cũng tiến hóa thích nghi, hợp thành một thế giới tương tự như thế giới sinh vật ở Trái Đất.
Thế mới thấy, năng lực quan sát Vũ Trụ của loài người hiện nay vẫn còn kém cỏi làm sao!...
Hoang tưởng là một con ngựa tuyệt hay nhưng rất chứng mà khi đã thúc nó phi thì nó sẽ phi càng lúc càng thục mạng và nếu không kịp thời kiềm cương được thì nó sẽ lồng lộn điên cuồng… không coi ai ra gì. Chúng ta biết tỏng điều đó vì đã nhiều phen suýt bị sự hoang tưởng hất văng ra khỏi cuộc hành trình huyền thoại. Cho nên ở đây, khi vừa bật ra ý nghĩ chê bai loài người kém cỏi, chúng ta biết rằng đã đến lúc… đừng có tiếp tục mà hoang tưởng nữa. Và thế là chúng ta bừng tỉnh lại. Dù sao thì cũng đã mãn nguyện rồi!
Chúng ta vẫn đang vi vu đâu đó phía trên (mà cũng có thể là phía dưới!) dải Ngân Hà. Ngân Hà lúc này đã to hơn nhiều, tưởng phải sáng hơn nhưng lại mờ hơn. Chẳng có gì lạ: chúng ta đang bay trong vùng thu bức xạ của Ngân Hà, ở khoảng cách mà ánh sáng đã bị hạn chế xâm nhập. Ngân Hà bây giờ không còn mang hình xoắn ốc nữa mà trông giống như một con bạch tuộc khổng lồ với hai xúc tu ôm hờ thân mà cũng là đầu của nó. Giữa cái đầu ấy là một chấm tròn rất đen, lâu lâu lại chớp một cái, y hệt như mắt con bạch tuộc, thỉnh thoảng liếc ngang liếc dọc có vẻ gian xảo. Cái chấm tròn đen ấy đích thị là lỗ đen của Ngân Hà theo quan niệm của các nhà vật lý, hay là miệng phễu thu KG theo quan niệm của chúng ta.
Sự hiện hữu của lỗ đen ở tâm Ngân Hà trước chúng ta đã đột nhiên làm sáng tỏ tất cả: từ đây, chúng ta không thể bay thẳng trực tiếp về Trái Đất được, mà phải bay vào lỗ đen Ngân Hà. Như vậy, cuộc hành trình trở về nhà của chúng ta từ sau khi gặp Tạo Hóa đã và sẽ theo “lộ trình” này: từ rìa bên kia của Vũ Trụ thực tại, vượt ranh giới thực - ảo để vào Vũ Trụ ảo, băng ngang qua Vũ Trụ ảo trong một khoảng thời gian ảo “thiên thu” (vì vậy mà so với thực chỉ là một “tích tắc”), vượt qua ranh giới ảo - thực để trở lại Vũ Trụ thực tại, ở rìa bên này của nó, và vì Ngân Hà cũng ở rìa bên này cho nên chúng ta lập tức cũng lọt vào vùng thu KG của nó (cảm ơn Tạo Hóa!), “trôi như bay” trong “dòng sông KG” chảy rất xiết nhưng rất êm đềm để chui tọt vào lỗ đen Ngân Hà đến “trung tâm tái kết hợp”, chuyển biến thành một luồng hạt KG có qui mô lực lượng lớn hơn, bức xạ ra, tiếp tục bay theo quĩ đạo cong đã được “an bài” (lại xin cảm ơn Tạo Hóa!) để chui tọt vào miệng phễu thu của Mặt Trời; trong vùng lõi Mặt Trời, chúng ta được “hun đúc” thành ánh sáng rồi được bức xạ ra thành một luồng ánh sáng có vong hồn, bay cùng với vô vàn luồng ánh sáng không có vong hồn khác, trực chỉ về Trái Đất.
Nhưng chúng ta sẽ “hạ cánh” xuống địa điểm nào trên Trái Đất, và… có bị đau không? Tạo Hóa đã có tình ý giúp đỡ chúng ta ngay từ đầu thì chắc Ngài cũng giúp nốt khâu cuối cùng này. Chắc là Ngài đã “canh me” thời gian để cho chúng ta “tỏa xuống” tán cây long nhãn và cây hoa sứ trong sân nhà của chúng ta để rồi vì còn vong hồn nên không bị lá cây quang hợp như những luồng ánh sáng khác mà lại chuyển biến kết tụ lại thành một khối… vong hồn, lượn lờ đâu đó trong nhà mình, chờ… hoàn hồn trở lại.
Sự “hạ cánh” như vậy chắc chẳng đau đớn gì. Theo định luật tác dụng tương hỗ, nếu hạt ánh sáng đập vào lá cây mà cảm thấy đau thì vì cùng một lúc bị muôn vàn hạt ánh sáng đập vào, lá cây phải đau lắm. Đàng này, kinh nghiệm cho thấy nó chẳng hề hấn gì mà còn có vẻ rất dễ chịu. Do đó, chúng ta cho rằng sự va đập ấy, quá lắm, chỉ có thể gây ra sự rát nhẹ mà thôi. Đối với lá cây, có lẽ cái rát ấy lại là một thích thú, tương tự một món ăn có ớt cay, ứa nước mắt nhưng khoái khẩu. Lá cây mà rát nhẹ thì hạt ánh sáng cũng rát nhẹ. Nhưng mặc kệ nó! Vong hồn chẳng đau mà cũng chẳng rát gì!



Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG

PHẦN III: NGUỒN CỘI

PHẦN IV: BÁU VẬT

PHẦN V: THỐNG NHẤT