THỰC TẠI & HOANG ĐƯỜNG 17


PHẦN II:     Nền tảng

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”

CHƯƠNG V: TƯƠNG ĐỒNG

“Các qui luật thường xuyên và bất biến, tác động tới tất cả mọi vận động, tất cả mọi biến đổi của các vật thể. Chính tự nhiên đặt ra một trật tự và một sự hài hòa bất di bất dịch trong vũ trụ, và vũ trụ thì tuy luôn luôn biến đổi trong những bộ phận của nó, nhưng bao giờ cũng là như thế trong toàn bộ của nó ”
Lamarck




Từ trước đến nay, đã có biết bao nhiêu nghiên cứu, bao nhiêu sách nói về Âm Dương, Bát Quái cũng như Kinh Dịch. Nhiều học giả thấy ở đó nhiều điều kỳ lạ, huyền bí. Ngay cả các nhà khoa học danh tiếng cũng trầm trồ thán phục nhiều sự trùng hợp của Kinh Dịch với những vấn đề toán học, vật lý học, y học…
Nhờ có NTT mà chúng ta thấy rằng có được sự trùng hợp kỳ lạ đó vì Âm Dương, Bát Quái nói riêng và Kinh Dịch nói chung xuất hiện là có nguyên nhân trực tiếp, đầu tiên từ yêu cầu nhận thức thực tại khách quan của con người. Qua một quá trình nhận thức và nhận thức lại dài lâu mà khái niệm Âm Dương xuất hiện. Trên cơ sở quan niệm Âm - Dương  về tự nhiên phải nói là dù thô sơ nhưng chính xác ấy mà cả một Vũ Trụ quan Kinh Dịch ra đời, giải thích khá “rành mạch” những hiện tượng biến đổi, xoay vần, xu thế tất yếu của những chu trình của tự nhiên cũng như của xã hội. Nó được nghiệm chứng vì trong nội dung của nó hàm chứa những nguyên lý phổ quát của Tự Nhiên Tồn Tại. Chính vì lẽ đó mà có sự trùng hợp nhất định giữa Kinh Dịch và một số vấn đề của khoa học tự nhiên.
Bây giờ chúng ta không còn ngạc nhiên về Kinh Dịch nữa nhưng sự khâm phục của chúng ta đối với thuyết âm dương - ngũ hành của Phương Đông cổ đại thì vẫn còn đó, thậm chí là càng khâm phục hơn!

Nguyên lý tổng hợp, tích hợp mà NTT nêu ra từ sự bới móc Kinh Dịch, dù không thể chấp nhận được ở tính sơ sài, thô mộc của nó, nhưng nó phần nào nói lên được tính nhất quán của mọi quá trình vận động của tự nhiên, dù sự biểu hiện của chúng có khác biệt đến đâu chăng nữa. Dù có thể là nhiền cành nhánh, nhưng nhiều cành nhánh của một cái cây thì bao giờ cũng qui về một thân, gốc và đều lưu giữ những cốt yếu của cái cây ấy.
Không phải chỉ có sự phân định âm - dương, thống nhất lưỡng nghi, mà cả sự tích hợp để hình thành tứ tượng, bát quái… đều thấy xuất hiện khắp nơi, mà rõ ràng nhất là trong… khoa học và đời sống. Các sách nghiên cứu Kinh Dịch đã nói rất nhiều về điều này. Nếu chúng ta liệt kê ra đây, e là… chán lắm. Vì vậy ở đây, chúng ta chỉ xin phép nói về một trường hợp mà có thể là chưa sách nào nói đến. Đó là dùng quan niệm âm - dương, lưỡng nghi và sự tích hợp để giải thích ba định luật của Menđen (Gregor Mendel) trong di truyền học.
Trước khi trình bày ba định luật của Menđen, chúng ta sẽ tìm hiểu một số khái niệm liên quan. Muốn thế, không có cách nào hay hơn là làm một cuộc “lược sử” ngành sinh vật học.
Sự sống trên Trái Đất này có nguồn gốc từ đâu? Theo quan niệm của triết học duy tồn thì dứt khoát từ Tự Nhiên Tồn Tại! Đó là một câu trả lời tuyệt đối chính xác nhưng...huề trớt, và đại loại cũng như câu trả lời của chàng rể nông dân nọ: “Trời sinh ra thế!”. Câu trả lời tương đối chính xác về nguồn gốc sự sống là, từ thế giới vô sinh (chứ không lẽ từ Thượng Đế à!?), và cũng tương đối… huề trớt!
Các nhà khoa học ngày nay đã khẳng định rằng Trái Đất được hình thành cách đây khoảng 4,5 tỷ năm. Sau đó, vào khoảng 4 tỷ năm, Trái Đất đã bắt đầu có nước. Sự xuất hiện của nước đã làm cho điều kiện khí hậu của Trái Đất “dịu đi”, các quá trình nhiệt động trở nên hài hòa hẳn đi, tạo ra một môi trường đủ cho sự sống hình thành.. Từ những dữ liệu khảo cổ thu thập được và những tính toán, ước lượng khoa học, người ta cho rằng sự sống đã xuất hiện vào khoảng 3,5 tỷ năm trước.
Nhưng sự sống được hình thành như thế nào và nguyên nhân trực tiếp nào đã tạc hình sự sống thì cho đến nay, suy đoán vẫn hoàn suy đoán. Đã có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc sự sống. Mỗi giả thuyết đó đều có lý lẽ hợp lý và không hợp lý, đều được chứng thực trên một vài mặt nào đó từ thực nghiệm và khảo sát thiên nhiên. Nhưng vấn đề vẫn còn trên bàn tròn tranh luận, chưa ngã ngũ.
Nhà sinh hóa Alexandr Oparin, người được cả thế giới công nhận là người tiên phong trong việc nguyên cứu nguồn gốc sự sống, năm 1924 đã viết cuốn “Nguồn gốc sự sống”. Trong đó, ông cho rằng sự sống được hình thành qua ba giai đoạn: sản sinh chất hữu cơ; hình thành hợp chất axít amin và polimer; sự tổng hợp protein có chức năng thay thế. Sự tổng hợp protein tạo ra những hợp chất dẫn đến hình thành sự sống nguyên thủy, đầu tiên là các sinh vật nguyên bào và đơn bào. Sau đó, những dạng sống đầu tiên ấy tiến hóa theo hai hướng: một là khả năng tự dưỡng được tăng cường còn khả năng vận động bị yếu đi, hai là khả năng vận động được tăng cường còn khả năng tự dưỡng bị thoái hóa. Hướng thứ nhất làm hình thành nên các tảo thực vật đơn bào. Chúng trở thành nguồn gốc trực tiếp của thế giới thực vật. Hướng còn lại làm hình thành nên động vật nguyên sinh đơn bào và đây là nguồn gốc trực tiếp của thế giới động vật.
Giả thuyết của Alexandr Oparin còn cho rằng nước biển là thứ không thể thiếu được và đại dương được coi là cái nôi của sự sống. Nếu không có đại dương, ông nhấn mạnh, thì các chất hữu cơ khó có thể tồn tại và liên kết lại, tạo ra những đơn thể sống có khả năng tự phân đôi.
Thuyết sự sống bắt nguồn từ đại dương được rất nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, năm 1960, nhà hóa học Mỹ, Stephen Fox, lại đưa ra một giả thuyết khác về nguồn gốc sự sống. Theo ông thì nhiệt độ của Trái Đất ở thời kỳ đầu rất cao, nhờ thế mới có sự kết hợp các hợp chất hóa học đơn giản thành các hợp chất phức tạp. Để chứng minh điều này, ngay từ năm 1955, Fox đã tiến hành thí nghiệm, nâng hỗn hợp axít amin lên đến 200oC. Sau 3 giờ, hỗn hợp này hình thành nên các khuẩn liên cầu proteinoic, coi như các polypeptid nguyên thủy. Năm 1960, Fox tiến hành tiếp thí nghiệm: cho protein vào một dung dịch axít rồi nấu đến tan, sau đó để nguội. Dưới kính hiển vi, ông phát hiện thấy các thể cầu nhỏ rất giống vi khuẩn. Sau một số thao tác xử lý, chúng có thể phân đôi hoặc liên kết thành một chuỗi dài.
Giả thuyết về proteinoic của Fox đã phủ định giả thuyết sự sống bắt nguồn từ đại dương, do vậy được gọi là thuyết “Khởi nguồn lục địa”.
Sau đó là sự xuất hiện hàng loạt giả thuyết về nguồn gốc sự sống. Trong đó có hai thuyết trở nên nổi tiếng nhất đó là thuyết “núi lửa học” và thuyết “tha sinh học”. Thuyết “núi lửa học” cho rằng khi hoạt động, núi lửa đã sản sinh ra một lượng lớn các chuỗi axít phosphoric, lượng chất này chảy ra biển, trở thành nguồn gốc sự sống. Còn thuyết “tha sinh học” lại khẳng định rằng sự sống ở trái đất có nguồn gốc từ Vũ Trụ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong các mẫu thiên thạch có chứa toàn bộ những yếu tố căn bản cần thiết để tạo nên sự sống…
Đến đây, chúng ta “trộm” trích cuốn sách “Giải mã sự sống” (không ghi tác giả là ai; Trần Thoại Lan dịch, NXB Trẻ năm 2003):
“Trong quá trình hình thành và phát triển của sự sống thì giai đoạn phức tạp nhất, có ý nghĩa quyết định nhất chính là các biến đổi của các thể đa phân tử để trở thành các tiền sinh chất. Quá trình chuyển hóa này đến nay vẫn chưa được các nhà khoa học làm rõ. Họ chỉ giải thích đơn giản rằng: “trải qua quá trình liên tục tương tác nhau trong thời gian dài” (…)
Ngày nay những mẫu hóa thạch đầu tiên vẫn còn được tìm thấy ở Nam Phi, đó là những mẫu hóa thạch hình cầu, hình trụ và chúng được xác định là đã có hơn 3, 5 tỷ năm. Sau đó, trải qua một thời gian dài tưởng như vô tận (khoảng 3 tỷ năm), sự sống gần như là một màu trắng không. Vậy trong suốt thời gian này ai thống trị Trái Đất? Và họ làm gì? Đây là những câu hỏi mà chúng ta không tài nào trả lời nổi. Cũng có thể những cá thể sống đơn giản đến mức không còn thể nào đơn giản hơn nữa đã khuấy động suốt ba tỷ năm đó để rồi cách nay 500 - 600 triệu năm, chúng mới biến đổi thành các vi sinh vật có cấu tạo tương đối phức tạp hoặc các loài tảo nguyên thủy.
(…)
Từ sự ra đời của các đơn bào xa xưa đến các cấu tạo sự sống phức tạp hơn, sau cùng là sự ra đời của tư duy loài người, là một cuộc trường chinh mà sự sống đã trải qua suốt 3 tỷ rưỡi năm. Vậy thì đâu là động lực thúc đẩy sinh vật biến hóa từ bậc thấp lên bậc cao? Nhiều thế kỷ qua, bao người đã khổ công để mong tìm cho ra câu giải đáp thích đáng, thế nhưng họ cũng đành bó tay. Mãi đến thế kỷ 19, một người Pháp tên là Georger Cuvier đã đưa ra luận điểm, đó là “Luận thiên tai biến”. Luận điểm này được mọi người miễn cưỡng chấp nhận. Theo đó, trên bề mặt Trái Đất đã từng xảy ra nhiều biến đổi lớn do phải trải qua nhiều thiên tai, và những thay đổi lớn lao này xảy ra trong tích tắc. Vì vậy mà đa số các sinh vật vốn đang sinh sống trên Trái Đất đều bị diệt vong do không kịp thích nghi, rồi sau đó những xác này thành các mẫu hóa thạch, và trong số các sinh vật còn sống sót hiếm hoi ấy có một số phát triển thành một nhóm sinh vật mới (…)
Trong nghiên cứu về lĩnh vực tiến hóa sinh vật thì phải kể đến Lamarck, một người thuộc trường phái đối nghịch hoàn toàn với ông Cuvier, và ông Lamarck được coi là người tiên phong vĩ đại về các thuyết tiến hóa. Ông phản đối “Luận thiên tai biến” mà chú trọng học thuyết “Sinh vật là tiến hóa”. Theo ông, lịch sử của sự sống từ xưa đến nay chưa hề một lần bị gián đoạn; ngược lại, dưới tác động của môi trường, các bộ phận; cơ quan được dùng đến thường xuyên trên cơ thể sinh vật càng ngày càng phát triển, còn những phần ít hoạt động thì dần dần bị thoái hóa rồi mất hẳn. Và đây chính là học thuyết mà Lamarck đã đeo đuổi và quảng bá đến cuối đời.
Trong khi các cuộc tranh luận gay gắt diễn ra không ngơi nghỉ giữa các phái khác nhau về cơ chế diễn tiến của sự sống thì một nhân vật xuất chúng xuất hiện. Và chính nhân vật vĩ đại này đã kết thúc mọi tranh luận gay gắt trước đó bằng một học thuyết hết sức thuyết phục. Đó chính là Darwin, người Anh, sống ở thế kỷ XIX. Năm 1859, Darwin cho xuất bản cuốn “Nguồn gốc các loài” và liền sau đó quan niệm về cơ chế tiến hóa của các sinh vật đã được các giới công nhận. Vì vậy, thuyết tiến hóa sinh vật của Darwin được đáng giá là một trong ba phát hiện lớn của khoa học tự nhiên ở thế kỷ XIX.
Charles Darwin sinh ngày 12 tháng 2 năm 1809 tại Anh. Lúc bé ông chưa bộc lộ một năng khiếu nào cả, chỉ khi đến tuổi trưởng thành, do tính hiếu động và cũng do thích tìm hiểu những bí ẩn của giới tự nhiên nên ông may mắn phát hiện ra cơ chế của sự sống. Tháng 8 năm 1828, Darwin lên tàu khảo sát hải dương của hải quân Anh mang tên “Beagle” để đi vòng quanh thế giới, mục đích là thăm dò các tuyến đường mậu dịch; và chính sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn chí hướng của ông.
(…) Sau chuyến khảo sát vòng quanh Trái Đất ấy, ông đã đi đến một kết luận quan trọng: bất cứ loài nào, chỉ cần có một điều kiện bất kỳ hơn hẳn những loài khác thì loài đó sẽ có cơ hội tồn tại và tiếp tục sinh sôi nảy nở. Đây chính là luận điểm nổi tiếng: “Sự chọn lọc của tự nhiên”, và trong đó cái tinh túy của luận thuyết này chính là “Loài thích nghi thì sống”. Hơn 20 năm sau, trong quyển “Nguồn gốc các loài”, Darwin lại một lần nữa đưa ra một luận điểm khiến mọi người kinh ngạc: sự sống của mọi loài đều có cùng tổ tiên, bởi lẽ sự sống đều khởi nguồn từ các tế bào nguyên sinh, các sinh vật phát triển từ đơn giản đến phức tạp, từ bậc thấp lên bậc cao; các sinh vật luôn ở trong tình trạng đấu tranh sinh tồn trong suốt quá trình tiến hóa. (…)
(…)
Về sau, thuyết tiến hóa của ông không ngừng phát triển. Đầu thập niên 1940, hai nhà sinh học, Hordan, người Anh và Dobzhansky đã cùng nhau sáng lập “Thuyết tiến hóa hiện đại”.
Theo quan điểm của thuyết này thì hai ông đã bác bỏ ý kiến của Darwin cho rằng đơn vị căn bản trong quá trình tiến hóa của sinh vật là cá thể, hai ông cho rằng phải coi quần thể là đơn vị căn bản mới đúng. Bởi lẽ đột biến là tình trạng thích nghi của các loài, đột biến vừa là nguyên nhân động lực của tiến hóa, vừa là kết quả của tiến hóa. Và qui luật chọn lọc tự nhiên không phải thông qua một số cá thể ưu việt nào mà ngược lại, qui luật này căn cứ vào những cá thể đã hoàn toàn mất khả năng thích nghi với tự nhiên. Quả thật, thuyết tiến hóa hiện đại này đã giải thích được điều mà Darwin trước đây phải bó tay”.
 Còn theo Wikipedia thì:
"Vào thế kỉ thứ 4 trước Công nguyên, Aristotle đã trình bày dựa trên những điều mà con người thời đó biết được, ít nhất là ở châu Âu, rằng những vật thể sống phát sinh từ những vật thể không sống. Ví dụ như bọ chét và chuột phát sinh từ những đống rác cũ hay bột mì, những con giòi và ruồi trong thịt thối, rệp trong sương. Cuộc sống, nói ngắn gọn hơn, là bắt nguồn từ sự phát triển tự nhiên. Những nhà khoa học đầu thế kỉ 18 đã lật đổ những học thuyết của Aristotle, nhưng phải đến những thí nghiệm của Louis Pasteur vào năm 1862 người ta mới chắc chắn rằng một nơi đã được vô trùng thì sẽ vĩnh viễn không có bất cứ sinh vật nào phát sinh trong nó được nữa. Ngoài ra ông cũng cho rằng sự sống chỉ có thể phát sinh từ những cơ thể sống phức tạp khác. Những công trình của Pasteur có thể được tóm tắt trong một định luật mà ngày nay chính là nền tảng của thuyết tiến hóa hiện đại: Định luật phát sinh sinh vật: "Mọi cuộc sống đều bắt đầu từ trứng" (nguyên bản tiếng Latinh omne vivum ex ovo).
Ngành khoa học sinh vật hiện đại đang phải đương đầu với một câu hỏi cao hơn: sự sống bắt nguồn "đầu tiên" ở đâu? Pasteur đã chứng minh rằng những sinh vật bậc cao không thể phát sinh một cách tự nhiên. Lý thuyết về tiến hóa của Charles Darwin đã đưa ra một cơ chế để giải thích điều này: sinh vật phải mất hàng ngàn năm để tiến hóa từ những dạng cơ bản, nhưng nó sẽ không mang những đặc điểm như lúc trước nữa, nhưng những sinh vật cơ bản ấy sẽ từ đâu ra? Darwin rất quan tâm đến vấn đề này. Trong một lá thư gửi cho Joseph Dalton Hooker ngày 1 tháng 2 năm 1871, Darwin đã cho rằng sự sống bắt nguồn từ "một cái hồ nước ấm áp có chứa đầy các loại muối ammonia và phosphate, ánh sáng, nhiệt độ, điện,... để các hợp chất protein có thể hình thành và trải qua những biến đổi phức tạp". Tiếp theo đó, Darwin tìm cách lí giải luận điểm của mình "vào bây giờ, những điều kiện như thế nếu tồn tại sẽ bị biến mất ngay lập tức, ngoại trừ trước khi tất cả các sinh vật sống được sinh ra". Nói một cách khác, sự khai sinh các dạng sống phức tạp có thể một phần nào ngăn cản sự tạo thành những hợp chất hữu cơ cơ bản trên Trái Đất, một điều kiện khiến cho việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên nằm trong phòng thí nghiệm.
Câu trả lời cho câu hỏi của Darwin vẫn nằm ngoải tầm hiểu biết của khoa học hiện đại, và hầu như không có một tiến bộ nào trong lĩnh vực này vào thế kỉ 19. Năm 1936, Aleksandr Ivanovich Oparin, trong cuốn sách nổi tiếng của mình "The Origin of Life on Earth" (Nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất), đã cho thấy rằng sự hiện diện của không khí chứa ôxy và những hình thái sống phức tạp đã ngăn cản những chuỗi phản ứng có thể tạo nên sự sống. Oparin còn cho rằng, một "món súp nguyên thủy" với những hợp chất hữu cơ chỉ có thể tạo thành ở những nơi thiếu ôxy, qua ánh sáng Mặt Trời. Sau đó, ông cho rằng chính những hợp chất hữu cơ cao phân từ hòa tan trong nước thành các dung dịch keo, các dung dịch keo này có thể hòa tan vào nhau tạo thanh những giọt rất nhỏ gọi là coacervate. Những giọt này có thể lớn lên nhờ hấp thụ các giọt khác, có thể sinh sản khi có những tác động cơ giới chia nó ra làm các hạt nhỏ hơn, do đó nó có các tính chất cơ bản của một tế bào nguyên thủy. Tất cả những học thuyết hiện đại đều khởi đầu từ những luận điểm của Oparin. (...). Trong thực tế không có một thuyết chuẩn nào về nguồn gốc sự sống. Tuy nhiên, những thuyết được người ta chấp nhận nhiều nhất đều được xây dựng trên một số những phát hiện về cấu trúc phân tử và tế bào. Chúng bao gồn những luận điểm sau:
  1. Ở những điều kiện thích hợp, những vật chất không sống có thể tạo nên những phần cấu tạo nên tế bào sống, như amino acid. Điều này đã được chứng minh qua thí nghiệm Urey-Miller do Stanley L. Miller và Harold C. Urey vào năm 1953.
  2. Những hợp chất phospholipid với độ dài thích hợp có thể tạo nên màng lipid, một trong hai thành phần chủ yếu của màng tế bào.
  3. Quá trình trùng hợp của nucleotide trở thành những mạch ARN ngẫu nhiên dẫn đến sự nhân đôi các ribozyme (giả thiết "Thế giới ARN" của Carl Woesoe).
  4. Những thúc đẩy tự nhiên về tính xúc tác tốt và tính đa dạng đã tạo nên các ribozyme có khả năng chuyển hóa peptide thành các hạt protein nhỏ. Từ đó, các oligopeptide cùng với ARN tạo thành những chất xúc tác tốt hơn hình thành. Do đó sinh ra các hạt ribosome, làm cho sự hình thành các protein được dễ dàng hơn.
  5. Protein đã vượt qua ribozhyme về khả năng xúc tác, và trở thành một lớp màng sinh học cơ bản nhất. Acid nucleic chỉ còn tìm thấy trong các gen tế bào.
Nguồn gốc của các tế bào, trong khi chưa được rõ ràng, có thể gây ra tranh cãi về mức độ quan trọng và thứ tự của bước 2 và 3. Những hợp chất vô cơ và hữu cơ cơ bản nhất tạo nên sự sống là methane (CH4), ammonia (NH3), nước (H2O), hydro sulfua (H2S), carbon dioxit (CO2) và phosphate (PO43-). Cho đến năm 2006, chưa có một ai đã điều chế nhân tạo được một tế bào nguyên mẫu từ những chất cơ bản. Nhà sinh vật học John Desmond Bernal, đã đưa ra ba quá trình mà qua đó sự sống hình thành:
Bước 1: Sự hình thành các monomers
Bước 2: Sự hình thành các polymers
Bước 3: Sự tiến hóa từ các cấp độ phân tử lên đến tế bào
Bernal còn cho rằng: sự chọn lọc tự nhiên như Darwin có thể bắt đầu từ rất sớm, có khi từ giữa giai đoạn 1 và 2.
(...).
Thí nghiệm Miller (do Harold Urey và học trò của mình là Stanley Miller) thực hiện vào năm 1953 nhằm tái tạo lại những điều kiện được cho rằng có từ lúc Trái Đất xuất hiện. Thí nghiệm sử dụng một hỗn hợp các chất khí như: methane, ammonia và hidro. Tuy nhiên, tỉ lệ của các chất khí trong khí quyển Trái Đất cổ đại vẫn là một điều gây tranh cãi. Đã có thời người ta nghĩ rằng một lượng ôxy đáng kể trong bầu khí quyển, nhưng chính ôxy lại ngăn cản sự hinh thành các hợp chất hữu cơ.
Thí nghiệm cho thấy với những mắt xích hữu cơ đơn giản như amino acid có thể trùng hợp tạo thành một khối vật chất sống. Những chất hữu cơ cơ bản dĩ nhiên là khác xa so với những tế bào có thể tự sinh sản được. Tuy nhiên, trong một môi trường mà chưa có sự sống nào hình thành trước thì các chất hữu cơ này sẽ được tích trữ lại và đến một lúc nào đó sẽ có một sự tiến hóa hóa học. Hơn nữa, sự hình thành các polymer phức tạp từ các monomer dưới những điều kiện như thế không phải là một quá trình dễ dàng. Bên cạnh những monomer cần thiết, những hỗn hợp có tác dụng ngăn cản sự hình thành các polymer. Hơn nữa, theo như Brooks và Shaw trong cuốn Origins and Development of Living Systems (Nguồn gốc và sự phát triên của các hệ thống sống), không có một dáu hiệu địa lí nào cho thấy tồn tại sự tích tụ các chất hữu cơ như trên:
"Nếu có sự tích tụ nào của các chất hữu cơ, chúng ta nên hi vọng sẽ tìm được một nơi nào đó trên Trái Đất mà trầm tich chứa đầy nhưng hợp chất hữu cơ chứa nitơ, acid, chất khử, khoáng lưu huỳnh hay những thứ gì đó tương tự như thế; hay trong những trầm tích đã biến đổi, chúng ta ít nhất cũng phải tìm được những hợp chất nitơ. Thực tế là những chất như thế vẫn còn chưa được tìm thấy trên Trái Đất.
Một số nguồn khác tạo thành các hợp chất hữu cơ phức tạp đã được công nhận: ví dụ như những yếu tố từ ngoài Trái Đất như các thiên thạch. Ví dụ như trong phân tích quang phổ, các hợp chất hữu cơ đã được tìm thấy trong các thiên thạch và cả sao chổi. Vào 2004, một số hợp chất hữu cơ thơm mạch vòng (PAH, viết tắt của polycyclic aromatic hydrocarbon) đã được tìm thấy khi quan sát các tinh vân. Sự hiện diện của PAH chính là nguồn gốc của "thế giới ARN" trong thuyết "thế giới PAH".
Có một số tranh cãi rằng vấn đề chủ yếu vẫn chưa được trả lời bằng thuyết này là làm cách nào mà những phân tử hữu cơ đơn giản lại có thể hình thành nên những hợp chất hữu cơ phức tạp, tương tác với nhau như thế nào để tạo thành một tế bào. Ví dụ, trong một môi trường nước, sự thủy phân các polymer tạo thành các monomer có ưu thế hơn sự ngưng tụ các monomer thành polymer. Thí nghiệm Miller cũng đã tạo thành những chất chắc chắn phải phản ứng với amino acid, từ đó, chấm dứt chuỗi peptide.
Vào đầu thập kỉ 1970, một vấn đề lớn được phát hiện về nguồn gốc sự sống đã được phát hiện bởi một nhóm nhà khoa học tại Học viện Max Planck. Họ tìm các xem xét những bước tạm thời trong phản ứng giữa những chất trong "món súp nguyên thủy" và những bước tạm thời trong các bước nhân đôi các mạch carbon vòng. Kết quả là, trong phân tử carbon mạch vòng, bộ phận lưu trữ thông tin (có thể là ARN) đã tiết ra một chất enzyme, giúp cho sự tạo nên một hệ thống thông tin mới, cứ liên tục như thế cho đến khi một hệ thống thông tin cuối cùng hỗ trợ cho hệ thống đầu tiên. Hệ thống đó được gọi là quasispecies, trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên rồi trở thành một sinh vật. Một trong những bằng chứng của thuyết carbon vòng là sự khám phá ra ARN, trong một số trường hợp có thể chuyển hóa thành ribozymes, một dạng enzyme tạo thành ARN.
Một câu trả lời cho sự biến hóa hóc búa này được đưa ra vào thập kỉ 1980 bởi Günter Wächtershäuser, trong một học thuyết mang tên "thế giới sắt – lưu huỳnh". Trong lý thuyết này, ông ta đã đưa ra một lý thuyết mới về sự tiến hóa sinh hóa học chính là nguồn gốc của sự sống. Hơn nữa, ông ta đã đưa ra một hệ thống rõ ràng về những chứng cứ sinh hóa từ những phản ứng khác tạo ra chất hữu cơ từ những chất khí cơ bản. Trái với những thí nghiệm của Miller, đòi hỏi rất nhiều những nguồn năng lượng khác như tia UV, sấm sét,... hệ thống Wächtershäuser bao gồm nguồn năng lượng khác: sắt sulfide và một số khoáng chất khác (ví dụ: khoáng pyrite). Năng lượng này được giải phóng từ những quá trình ôxi hóa-khử những sulfide kim loại và là nguồn năng lượng chính để tạo ra những phân tử hữu cơ cơ bản và cả polymer. Vì vậy, có thể cho rằng một hệ thống như thế đã từng tồn tại và đã có một ảnh hưởng đến sự tự nhân đôi, chuyển hóa một cách tích cực tạo thành những thực thể, tiền thân của những sinh vật ngày nay. Cuốn sách Peptides by activation of amino acids with CO on (Ni,Fe)S surfaces: implications for the origin of life (Peptide bởi sự hoạt hóa với carbon oxide trên bề mặt (Ni,Fe)S: sự liên quan đến nguồn gốc sự sống) của ông xuất bản năm 1998 đã được đánh giá là thiếu tính khách quan do không đưa vào những chất hữu cơ mà những nhà khoa học khác cho là sẽ phản ứng với nhau hay bền. Sửa đổi mới nhất trong lý thuyết "thế giới sắt – lưu huỳnh" đã được đưa ra bởi William Martin và Michael Russell vào năm 2002. Theo như nghiên cứu của họ thì, phân tử đầu tiên của sự sống có thể đã được hình thành trong những mạch khoáng dưới đáy biển. Đây là một nơi có rất nhiều những khoáng chất có gốc sulfide được phun ra rồi đóng rắn lại tạo thành một hệ thống các hang động ngầm rất nhỏ. Do đó, hệ thống này có thể giải quyết những điểm yếu trong học thuyết Wächtershäuser.
  1. Những hang động nhỏ được tạo ra là một cách để tập trung các chất được tổng hợp thành, do đó có nhiều khả năng tạo được các chất hữu cơ cấp cao.
  2. Nhiệt độ trong những mạch khoáng cao chênh lệch với nhiệt độ thấp bên ngoài cho phép tạo nên một số nơi những vùng mà phản ứng thực hiện hiệu quả hơn những vùng khác (monomer ở vùng nóng, polymer ở vùng lạnh).
  3. Dòng hải lưu qua vùng mạch khoáng khi đi ngang qua những hang động nhỏ cũng một phần làm sạch những nguồn nguyên liệu đã hết và cung cấp thêm nguồn nguyên liệu mới.
  4. Mô hình đó cho phép một chuỗi bước tiến liên tiếp nhau nhằm tạo nên sự tiến hóa ở mức độ tế bào (hóa học, monomer, oligomer, peptide, protein, ARN, ribonucleoprotein, ADM) trong một cấu trúc nhỏ làm dễ dàng thay đổi giữa những bước phát triển.
  5. Sự tạo thành lipid có nghĩa là đã "đóng cửa" các tế bào khỏi những tác nhân bất lợi, không cần thiết từ môi trường, cho đến khi tất cả những chức năng cơ bản của tế bào được thiết lập.
Bước phát triển kế tiếp là sự tổng hợp các màng lipid cuối cùng cho phép các cơ thể sống, cuối cùng cho phép các vật sống di chuyển dời khỏi những hệ thống hang động nhỏ để bắt đầu cuộc sống của riêng mình.
Một trong những vấn đề còn chưa giải quyết được đó chính là "tính hướng". Ví dụ: tất cả những monomer đều có quay về một phía (amino acid quay về phía tay trái, nucleid acid quay về phía tay phải). Tính hướng rất cần thiết cho cấu trúc các ribozyme (và ngay cả protein). Nguồn gốc của tính hướng có lẽ chỉ đơn giản được giải thích bằng tính không đối xứng của những phân tử đầu tiên theo ngẫu nhiên và tất cả những phân tử sau đều giống như thế. Một số nghiên cứu năm 2003 của các nhà khoa học tại Đại học Perdue cho thấy serine (một amino acid) có thể chính là nguồn gốc của tính không đối xứng của các phân tử hữu cơ. Serine tạo thành một liên kết mạnh các phân tử amino acid khác khiến chúng đều quay theo một hướng khiến 8 phân tử amino acid tiếp theo sẽ cùng quay trái hay cùng quay phải. Tuy nhiên, làm cách nào mà lại có nhiều phân tử serine quay trái như thế thì vẫn còn là một điều bí ẩn: làm cách nào mà phân tử tạo bởi sinh vật hầu hết chỉ quay về một phía trong khi hầu hết chúng là không đối xứng".
Như vậy, chúng ta thấy, thuyết nguồn gốc sự sống và tiến hóa hiện đại đã khắc phục điểm yếu cơ bản trong “nguồn gốc các loài”. Đương thời, Đácuyn (Darwin) đã chưa hiểu được bản chất của vấn đề di truyền cho nên đã có những lý giải chưa thỏa đáng cơ chế tiến hóa, thậm chí ông đã phải áp dụng quan điểm di truyền học của Lamac (Lamarck) để bổ sung cho học thuyết về sự chọn lọc tự nhiên.
Chính những phát hiện của Menđen sau đó đã khắc phục được những thiếu sót mà Đácuyn đã từng trăn trở nhưng không giải quyết được. Có thể nói nôm na rằng thuyết tiến hóa hiện đại là sự kế thừa những phát kiến thiên tài, mang tính nền tảng trong sinh vật học của Đácuyn lẫn Menđen.
Di truyền học là khoa học về tính di truyền và tính biến dị. Tính di truyền là thuộc tính “giống tổ tiên” của các thế hệ sống tiếp sau. Còn tính biến dị là tính mà các nhà sinh vật học dùng để gọi những sự khác nhau, sự phân ly ra ngoài phạm vi giống nhau của một gia đình. Con cái được sinh ra, đều có nét giống mẹ hoặc giống cha. Đó là do di truyền. Nhưng con cái được sinh ra cũng có những điểm khác bố mẹ về ngoại hình hoặc tính tình thì đó là biến dị (nếu không giống bố hoặc mẹ mà giống “người hàng xóm” thì đó là chuyện khác, có khi rất “tày đình”!)
Biến dị và di truyền là hai thuộc tính cơ bản, tương phản nhau của sự sống. Tính biến dị cung cấp chất liệu cho sự tiến hóa, tính di truyền củng cố các thành quả của biến dị. Tính biến dị tạo nên những dạng sinh vật mới, còn tính di truyền thì bảo vệ, giữ gìn chúng.
Menđen được coi là người đã đặt nền móng cho di truyền học hiện đại. Ông là con trai một gia đình nông dân, lớn lên làm thầy tu dòng Ôguytxtơ, vừa là một thầy giáo dạy toán khiêm tốn, là người Séc.
Mùa hè năm 1854, Menđen bắt đầu thực hiện việc khảo sát quá trình lai tạo giống và đã nghiên cứu hơn 40 nghìn giống lai. Sau một quá trình làm việc miệt mài, ông đã tổng kết và rút ra được từ kết quả thực nghiệm những điều chưa từng biết đến trong sinh học. Khoảng mười một năm sau, năm 1865, ông đã tóm tắt lại trong một bài báo đăng và năm 1869 còn đọc bài viết này tại Hội nghị khảo cứu thiên nhiên địa phương.
Rất đáng tiếc là người đương thời đã không để ý đến. Thậm chí còn có kẻ chức quyền hỏi ông: “Chỉ nhờ vào hạt đậu thì phát hiện được gì?”.
Câu hỏi đó có lẽ không đến nỗi miệt thị, nếu chúng ta biết rằng hồi đó không ai hiểu biết một tý gì về tính di truyền cả. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra để tìm cách giải thích về cái bí mật vô song đó của thiên nhiên nhưng đều bị bác bỏ. Ngay năm 1871, bác sĩ và nhà kỹ thuật viên động vật tên là Vinken sau khi tốn bao công sức cho vấn đề hóc búa này, cuối cùng cũng đành bó tay, đưa ra một kết luận chua chát: “Các qui luật điều khiển tính di truyền là cái gì hoàn toàn xa lạ và không có ai có thể nói được rằng điều này diễn biến như thế nào, vì cùng một tính trạng nhưng vào lúc này thì được di truyền, nhưng sang lúc khác thì lại không”.
Nhưng chua chát hơn cả vẫn là thân phận của Menđen. Không một ai đoái hoài tới công trình của mình, ông dần dần cũng im hơi lặng tiếng mà qua đời trong âm thầm. Trước lúc nhắm mắt ông đã nói một câu cuối cùng: “Hãy xem, thời đại của tôi đang đến!”.
Ba mươi lăm năm sau, tức năm 1900, các nhà nguyên cứu sinh vật học trong quá trình lục lại các tư liệu cũ đã tình cờ phát hiện được bài báo của Menđen và không khỏi kính phục ông. Công trình của ông, ngày nay được biết đến như một phát kiến vĩ đại của sinh vật học và vô cùng quan trọng của di truyền học. Người ta nói, sự đóng góp của ông vào kho tàng sinh vật học có giá trị và sức mạnh tương đương với việc sáng lập thuyết lượng tử trong vật lý học.
Bản thân Menđen không định ra định luật nào cả. Nhưng những người sau ông đã đúc rút từ các kết quả nghiên cứu của ông thành ra những định luật cơ bản của tính di truyền và năm 1900 được xem như năm khai sinh ra di truyền học hiện đại.
Vậy thì ba định luật đó là gì? Chúng ta tiếp tục kể:
Đối tượng nghiên cứu của Menđen là đậu Hà Lan, loại cây này thường tự thụ phấn nhưng cũng có thể thụ phấn chéo cho chúng. Ông quan sát từng tính trạng riêng biệt trong mỗi thí nghiệm. Menđen nhận thấy ở đậu Hà Lan có những kiểu hình tương phản rõ rệt như hạt trơn và hạt nhăn, hạt xanh và hạt vàng, thân dài và thân ngắn… Ông thực hiện các phép lai giữa các nòi thuần và nghiên cứu thế hệ con cái về các kiểu hình của cha mẹ. Thí dụ, nếu gọi thế hệ cha mẹ là P và thế hệ con lai là F1, chúng ta có thể viết:
                              P          trơn      x     nhăn
                              F1                   trơn
Vì tất cả các hạt thu được từ F1 đều giống với một trong hai dạng cha mẹ và đều trơn nên Menđen gọi tính trạng trơn là trội còn tính trạng nhăn là lặn. Ngày nay người ta thấy trội - lặn là hiện tượng phổ biến đối với tất cả mọi sinh vật. Vì tất cả các con lai của thế hệ thứ nhất (F1) đều giống nhau và đều mang tính trội cho nên người ta gọi hiện tượng này là định luật đồng tính hoặc định luật tính trội và đó là định luật thứ nhất của Menđen.
Tiếp theo thí nghiệm nói trên, Menđen đã cho các cây lai F1 tự thụ phấn và thu được kết quả như sau:
             
Từ đó, Menđen rút ra một số kết luận. Ông cho rằng để nhận được các dòng thuần như các dạng cha mẹ thì cả  tế bào trứng và phấn hoa phải có cùng một cấu trúc di truyền. Khi các cây F1 chỉ mang tính trạng của một dạng cha mẹ được tự thụ phấn, ở F2 đã xuất hiện các tính trạng của cả hai dạng cha mẹ. Điều đó chứng tỏ rằng các cây F1 phải mang cả hai bản sao khác nhau, mỗi bản sao bắt nguồn từ một tính trạng và tỉ lệ 3:1 thu được trong F2 là do các loại giao tử khác nhau đã sinh ra với xác suất như nhau và sự kết hợp giữa các giao tử đực và cái diễn ra một cách ngẫu nhiên. Có thể minh họa bằng ký hiệu di truyền về phép lai trơn x nhăn như sơ đồ ở hình 10.
Các cây lai F1 là dị hợp tử và có kiểu hình trơn vì S trội so với s, còn các cây F2 sinh ra do F1 tự thụ phấn có tỷ lệ kiểu hình 3 trơn : 1 nhăn.
Hình 10 – Phép lai trơn x nhăn
Các cây đồng hợp tử trội Ss có kiểu hình giống nhau. Để phân biệt SS và Ss, người ta dùng phép lai phân tích, nghĩa là lai hai dạng nói trên với dạng cha mẹ đồng hợp tử lặn:
                              
Ở đây số cá thể F2 trơn cho tất cả các cá thể thế hệ sau đều trơn, số cá thể trơn của F2 cho  số cá thể thế hệ sau là trơn, còn  là nhăn.
Từ đó mà có định luật Menđen thứ hai - định luật phân ly:
- Các giao tử là thuần khiết, chúng chỉ mang một trong hai tính trạng S hoặc s (từ chuyên môn gọi là alen của gen).
- Các giao tử tách biệt nhau và thế hệ mới được sinh ra do sự tổ hợp ngẫu nhiên của các giao tử bắt nguồn từ hai cha mẹ.
Trong các thí nghiệm của Menđen nói trên, một tính trạng là trội hoàn toàn so với tính trạng kia cho nên các cá thể dị hợp tử, về kiểu hình không phân biệt được với cá thể đồng hợp tử trội. nhưng không phải bao giờ cũng như vậy. Đối với nhiều tính trạng, có thể quan sát thấy hiện tượng trội không hoàn toàn. Thí dụ về màu hoa của cây Antirrhinuin. Cây AA có hoa màu đỏ, cây aa có hoa màu trắng còn cây Aa có hoa màu hồng. Vì vậy khi lai hai cây có hoa màu hồng với nhau sẽ cho các cây với hoa màu đỏ, hồng và trắng theo tỷ lệ tương ứng là 1 : 2 : 1. Cho đến nay, người ta quan sát thấy hiện tượng trội không hoàn toàn ở nhiều sinh vật khác nhau, của động vật lẫn thực vật.
Sau khi chứng minh rằng tất cả các cặp tính trạng tương phản đã nghiên cứu đều là di truyền theo cùng một kiểu giống như cặp trơn - nhẵn, Menđen bắt đầu quan tâm đến việc nghiên cứu sự phân li của hai cặp tính trạng khác loại trong cùng một phép lai. Cụ thể ông đã tiến hành các phép lai giữa cây có hạt trơn - vàng với cây có hạt nhăn - xanh (xem hình 11).
Hình 11 – Nguyên tắc phân li độc lập
Các cá thể F1 là dị hợp tử kép và vì vậy, sinh ra bốn loại giao tử với số lượng bằng nhau: SY, Sy, SY, sy. Khi cho F1 tự thụ phấn thì bốn loại giao tử này kết cặp với nhau một cách ngẫu nhiên trong tất cả các tổ hợp có thể có để sinh ra thế hệ con lưỡng bội. Do vậy có 16 tổ hợp giao tử nhưng vì tác dụng của tính trội, chỉ có bốn loại kiểu hình xuất hiện là trơn - vàng, trơn - xanh, nhăn - vàng, nhăn - xanh theo tỷ lệ tương ứng là 9 : 3 : 3 : 1.
Menden nhận xét rằng tỷ lệ phân ly đó chính là sự kết hợp của hai tỷ lệ phân ly 3 : 1 khi xem xét từng cặp tính trạng riêng biệt. Từ nhận xét đó mà hình thành nên định luật thứ ba của Menden gọi là định luật di truyền độc lập: các tính trạng trong các cặp tính trạng không tương đồng, khác nhau thì vận động độc lập trong quá trình tạo thành giao tử. Định luật này còn được gọi với một tên khác nữa là định luật kết hợp tự do.
Từ những kết quả đạt được, chính Menden đã cho rằng quá trình tiến hóa của sinh vật không phải là những biến dị liên tục mà là không liên tục. Quan niệm này khác hoàn toàn với tư tưởng về tiến hóa biến dị liên tục của Đácuyn.
Chúng ta đã kể xong về ba định luật của Menđen. Và giờ, đến lượt chúng ta nói về… mình. Có thể dùng quan niệm của NTT, trên “ngôn ngữ” âm dương, bát quái để trình bày các định luật của Menđen được không? Có thể được! Nào, chúng ta thử xem!
Mọi sự sống đều được xây dựng nên từ tế bào và tế bào cũng là thể sống đầu tiên của mọi sự sống. Walso, nhà sinh học người Đức nói: “Mọi tế bào đều xuất phát từ tế bào”. Đó là một câu nói hay, sâu sắc! Từ đó mà cũng có thể nói rằng tế bào là đơn vị của sự sống, của thể xác sống. Vậy thì, chúng ta bắt đầu từ tế bào.
Tế bào, ở trạng thái bình thường được cho là cân bằng nội tại, nó tĩnh, “nghỉ” và chúng ta gọi nó là vô cực. Tuân theo lẽ tự nhiên, tế bào không thể độc lập tuyệt đối được mà phải nằm trong mối quan hệ tác động - phản ứng với bên ngoài nó để tồn tại và đương nhiên là trong vòng sinh tử. Quá trình vận động nội tại và tác động lẫn nhau làm cho các tế bào cũng lâm vào cuộc “chiến tranh huynh đệ tương tàn”, một số trong chúng lép vế, bị loại khỏi vòng chiến đấu, số khác tạm thời tránh được “cơn tai biến”, số còn lại giành được nhiều “của cải” làm tăng trưởng nội tại dẫn đến “nội chiến” phân chia thành hai và bản thân chúng như thế là chấm dứt tồn tại. Tồn tại là quá trình thống nhất sinh ra rồi mất đi, thể hiện ra như hai quá trình đồng thời phát triển và suy tàn, tùy theo hướng tác động của môi trường, mức độ phù hợp với môi trường mà quá trình này tạm thời trội hơn quá trình kia, và sự phân chia hai quá trình ấy là mang tính chủ quan, tương đối. Loài người đang tiến tới ngày càng văn minh, nhưng đồng thời cũng đang bước đi về phía mông muội! Cắm đầu cắm cổ quảng cáo đến trơ tráo; cắm đầu cắm cổ tiêu dùng đến kiệt quệ thì thế hệ con cháu ra sao?...
Tế bào ở trạng thái nghỉ là vô cực, nhìn dưới góc độ vận động nội tại của nó thì gọi là thái cực. Thái cực có hai trạng thái cực độ mà vượt qua chúng thì tế bào không còn tồn tại: vượt qua cực độ này, tế bào trở về “cát bụi”; vượt qua cực độ kia, tế bào tiến hóa thành hai (do đó bản thân nó trở thành hư vô!). Sự hóa thành hai ấy được gọi theo chuyên môn là sự phân bào.
Vận động nội tại của tế bào là sự chuyển hóa âm dương của hệ thống lưỡng nghi. Do tác động từ bên ngoài mà nội tại tế bào có nguy cơ mất cân bằng. Xu thế của mọi vận động là luôn cố duy trì sự cân bằng chuyển hóa. Do đó chuyển hóa âm dương của tế bào luôn được điều chỉnh để thích nghi, cân bằng trong điều kiện mới. Tùy theo phương chiều của tác động mà nội tại tế bào được điều chỉnh theo hai hướng: hướng ngừng chuyển hóa (tế bào chết) và hướng chuyển hóa được tăng cường lên trạng thái cao hơn, các trọng tâm của các nghi thành phần phải dịch chuyển tương xứng với sự tăng trưởng của lực lượng nội tại. Đến một giai đoạn gọi là quá độ, sự tích hợp (hay tổng hợp?) trong nội tại tế bào đã hội đủ điều kiện và tạo ra tình thế không thể qui căn, phản phục được nữa, không chịu đựng nổi nữa, và tế bào phải phân đôi. Phân đôi là quá trình ngược của quá trình tích hợp.
Đó là một tưởng tượng đầy “màu sắc cơ học” nhưng về mặt định tính có lẽ vẫn hợp lý đối với tế bào.
Có hai kiểu phân chia tế bào là nguyên phân và giảm phân. Tất cả các tế bào đều phân chia theo kiểu thứ nhất, còn riêng các tế bào sinh dục thì phân chia theo kiểu thứ hai.
Nguyên phân là quá trình từ một phân thành hai tế bào với tính di truyền giống nhau như đúc, ẩn giấu trong nhiễm sắc thể.
Bộ nhiễm sắc thể trong tế bào thường (không phải tế bào sinh dục) được các nhà di truyền học gọi là lưỡng bội. Bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội của người gồm có 46 hợp thành 23 đôi. Bộ nhiễm sắc thể gồm các đôi mà chỉ còn một đối tượng được gọi là đơn bội. Tất cả các tế bào sinh dục hay còn gọi là giao tử đều tàng trữ bộ nhiễm sắc thể đơn bội.
Giảm phân là quá trình sinh ra các giao tử hoặc bào tử đơn bội từ một tế bào lưỡng bội sau hai lần phân chia. Trong quá trình giảm phân, các cặp nhiễm sắc thể tương đồng, sau khi đã sao chép, tham gia vào quá trình sắp xếp lại sao cho mỗi sản phẩm trong số bốn sản phẩm của giảm phân nhận được một đại diện của mỗi nhiễm sắc thể. Hai lần phân chia trong quá trình giảm phân được gọi là giảm phân I và giảm phân II.
Chúng ta lại tiếp tục nói theo “cái giọng” của NTT. Tế bào là đơn vị của sự sống, nhưng lúc này vì “nghiên cứu” nội tại của nó, nên chúng ta coi nó là một thực thể - một thực thể sống động được cấu tạo nên bởi những thành phần không sống (nhưng động!). Có thể gọi những thành phần ấy là những đơn vị chung làm nên mọi tế bào (và ở tầng qui mô nhỏ hơn nữa, một cách tương đối, lại có những đơn vị nào đó cấu tạo nên những thành phần ấy). Những thành phần ấy tổng hợp thành một hệ thống lưỡng nghi thống nhất với hai lực lượng tương phản nhau, tác động và chuyển hóa nhau thông qua một lực lượng trung gian thứ ba và cả ba lực lượng đó hợp thành nội tại của thực thể tế bào. Lực lượng thứ ba mang tính trung dung trong phân định lưỡng nghi, đóng vai trò như môi trường của nội tại.
Tuân theo luật tự nhiên mà ở đây cụ thể là mệnh lệnh của cơ thể sống, được cơ thể sống, vì mục đích tồn tại của mình, cung ứng đầy đủ “lương thực” mà tế bào sinh sôi nảy nở. Sự sinh sôi tế bào là quá trình chủ động của cơ thể sống nhằm phát triển lực lượng đáp ứng yêu cầu của việc sinh tồn (sự chết đi của tế bào là quá trình thụ động, xảy ra bởi tác động không phù hợp của môi trường đối với tế bào).
Sự phát triển lực lượng của cơ thể sống hay những bộ phận hợp thành của cơ thể sống chỉ có thể là phát triển về số lượng đơn vị sự sống. Do đó nội tại tế bào tăng trưởng lực lượng đến một độ nào đó do sự qui định lẫn nhau giữa chúng và của sự sống mà phải phân đôi. Đó là quá trình nguyên phân. Nguyên phân là quá trình ngược với quá trình tổng hợp nghĩa là từ một hệ thống lưỡng nghi có nguy cơ “tan vỡ” do vận động quá hạn, phân thành hai hệ thống lưỡng nghi “ổn định” hơn. Sự phân đôi tế bào là một tất yếu vì đó là quá trình tối giản nhưng thỏa mãn được mọi yêu cầu của cơ thể sống: từ việc bảo toàn, phát triển lực lượng đến duy trì sự sống.
Một điều hiển nhiên, nếu qui định tế bào là đơn vị của sự sống thì sự sống đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất phải là tế bào và tế bào là kết quả của quá trình tổng hợp các chất hữu cơ và sự tích hợp giữa chúng, nảy sinh từ sự biến động và hướng về vận động cân bằng của môi trường (trong một điều kiện khí hậu phù hợp nào đó). Ngày nay chúng ta có thể thấy quá trình ấy ở khắp nơi, một cách phổ biến, nhưng dưới dạng ẩn giấu, gián tiếp! Hạt thóc hay hạt đậu nào đó, chỉ cần có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp là sẽ nảy mầm. Nếu cung cấp các chất vô sinh phù hợp, nó sẽ trở thành cây lúa và còn có thể trổ bông. Trứng gà (có trống) là một tế bào, rõ rồi, và nó sống. Trong điều kiện bình thường, với môi trường dưỡng chất có sẵn (lòng trắng) nó chuyển hóa cân bằng. Sau một thời gian mà không được ấp (thiếu nhiệt), dưỡng chất bị chuyển hóa hết, nó sẽ chết (thối). Khi gặp nhiệt độ thích hợp thì sau một thời gian nhất định, nó, cái trứng gà sống im lìm ấy, sẽ hóa thành một chú gà con xinh xắn và hữu tình. Trước khi được ấp, có thể xác định được những phần nào của lòng đỏ trứng (tế bào) là đầu, cánh, chân… gà không? Có lẽ không. Chỉ khi đem ấp, những bộ phận ấy mới dần hình thành. Thế thì quá trình hình thành đó xảy ra như thế nào và đâu là nguyên nhân? Qua sự trình bày trên thì nhiệt chính là nguyên nhân. Nhưng vì nhiệt không phải là một chất nên nó chỉ có thể tác động gián tiếp, làm một tác nhân ngoại lai, kích thích vận động nội tại của trứng gà đó, làm mất cân bằng chuyển hóa. Nếu mất cân bằng theo hướng chỉ tăng cường độ chuyển hóa không thôi thì cái trứng ấy không bao giờ trở thành gà con được (thậm chí ở trường hợp quá đáng, nó trở thành cái gọi là… trứng luộc!). Như vậy, có thể giải thích rằng dưới tác dụng thích ứng của nhiệt độ, chuyển hóa lưỡng nghi trong trứng gà tăng trưởng mãnh liệt, đe dọa gây mất cân bằng nội tại. Để duy trì thế cân bằng trong tình hình mới sẽ phải xuất hiện một quá trình (hay những quá trình) phân định lưỡng nghi mới và chuyển hóa mới. Quá trình đó nhìn ở tầng qui mô dưới tế bào, chính là sự phân định lại lực lượng các chất vô sinh (làm nên tế bào) và sự tích hợp giữa chúng. Nhờ có sự tích hợp mà đồng thời xuất hiện các trạng thái tương đối khác biệt nhau phân bố theo phân định lưỡng nghi trong trứng gà mà sau này phát triển lên thành những bộ phận cấu thành một cơ thể sống thống nhất là gà con. Phân định lưỡng nghi và tích hợp đã là nguyên nhân trực tiếp làm nên tính tương ứng của một cơ thể sống: vừa đối xứng vừa bất đối xứng; dưới góc độ nào đó có thể là đối xứng về lực lượng nhưng nếu xét trong quá trình chuyển hóa nội tại thống nhất thì là bất đối xứng. Tự Nhiên còn có đặc tính là tối giản và phù hợp nên cơ thể sống cũng có tính hoàn thiện và thích nghi. Nói như thế chỉ là tương đối, là nói đến tính thể hiện “trội” của hiện hữu…
Nếu sự hình thành nên đơn vị của sự sống thuở đầu tiên, nguyên thủy; hợp thành các chất hữu cơ (vô sinh) như đã nói ở phần trên thì rất có thể ngay lúc này, ở một nơi nào đó trong lòng biển khơi, sự kiện đó vẫn đang xảy ra; chỉ có điều là chúng ta chưa quan sát được. Dù chưa quan sát được thì nếu thực sự vẫn tồn tại sự kiện đó, chúng ta có thể phán đoán đại khái nơi phát triển được nó: đó là ở những vùng có nhiệt độ cao phù hợp và như thế, chỉ có thể là quanh những vùng núi lửa đang hoạt động trong lòng đại dương mênh mông.
Một trong những điều kỳ diệu của sự sống là sinh sản, duy trì giống loài: Sự sống nảy sinh ra từ sự sống là một sự kiện lạ lùng nhưng không thần bí. Có thể cho rằng nguyên phân là hình thức sinh sản đầu tiên của sự sống. Sự sinh sản ấy xảy ra không phải do ý thích của Thượng đế hay do ý chí của bản thân sự sống mà, bình thường thôi, do sự hối thúc của các tương tác, tích hợp trong sự khống chế, ràng buộc của môi trường. Một cách hình thức, chúng ta có thể hình dung như sau: trên lá cây bạc hà có sẵn một giọt nước, có thể dùng cách nhẹ nhàng nào đó, như kim tiêm chẳng hạn, “nạp” thêm nước (lực lượng) cho giọt nước to dần lên. Nhưng độ lớn của giọt nước đạt đến mức độ nhất định thì sẽ xảy ra hiện tượng phân định ra thành hai, ba… giọt nước nhỏ tương tự như giọt nước lúc đầu. Thiên nhiên đã không cho phép “tổng hợp” nên một giọt nước “khổng lồ” trên lá bạc hà mà chỉ cho phép “sinh sản”!
Lực lượng tế bào tăng trưởng về số lượng là nhờ có nguyên phân. Số lượng tăng theo cách nguyên phân có nghĩa: một thành hai, hai thành bốn, bốn thành tám… cứ thế, nếu có n lần nguyên phân thì có 2n cá thể xuất hiện. Tăng số lượng kiểu đó, thoạt nhìn “chẳng là cái quái gì cả” nhưng theo thời gian mới thấy nó thật là “ghê gớm”. Nếu có hai tờ một đôla; một tờ có phép lạ là bắt đầu đếm từ số một, đếm đến đâu, số tờ 1 đôla sẽ hiện ra đúng như thế (chẳng hạn đếm đến 1000, số tờ 1 đôla sẽ là 1000 tờ); tờ thứ hai có phép lạ là sau một giờ nó sẽ thực hiện một lần nguyên phân (nghĩa là sau một giờ sẽ có hai tờ 1 đôla, sau hai giờ sẽ có bốn tờ 1 đôla…), với điều kiện phép lạ của hai tờ đôla đó chỉ hiệu nghiệm trong một ngày. Hai tờ đôla đó là của một ông tiên. Ông tiên kêu một thằng nhóc đang nghịch đùa gần đó lại (chính là thằng nhãi láu cá chỉ chọn đồng tiền có giá trị 2 đồng mà có lần chúng ta đã kể!), nói về sự “huyền diệu” của hai tờ 1 đôla rồi cho nó một trong hai tờ đó, tùy nó chọn. Thằng nhãi láu cá nghĩ rất nhanh rằng trong khi một tiếng đồng hồ tờ đôla nguyên phân chỉ làm xuất hiện hai tờ đôla thì cũng trong một tiếng ấy với cái miệng nhanh nhảu của nó, nó sẽ “đếm” ra biết bao nhiêu đôla nhờ tờ đôla kia. Thế là nó “chê” tờ đôla “biết’ nguyên phân. Nó cười ông tiên khùng (đúng là khùng thật!) nhưng đâu biết rằng lần này thì nó… ngu quá xá! Nó tìm một góc kín và bắt đầu ngồi đếm: một, hai… mười, mười một, mười hai,… Lúc đầu nó đếm rất nhanh, nhưng càng về sau, vì “tên” của một số càng dài, thêm vào đó nó phải uống nước cho đỡ khô giọng, phải ăn cho đỡ đói, phải ngủ cho đỡ mệt…, nên rốt cục số đôla “đếm ra” được, tuy cũng khá, nhưng chẳng “vẻ vang” gì.
Cứ giả sử rằng thằng nhãi đó phi thường, đếm bình quân trong một giây (s), được một số và cứ thế liên tục hết một ngày (24 tiếng), thì số đôla nó kiếm được là:
24h x 60p x 60s x 1 đôla = 86.400 đôla
Trong khi đó tờ đôla nguyên phân, vì sau 1 tiếng đồng hồ sẽ được nhân đôi số lượng trước đó nên sau một ngày, nó sẽ “đẻ” ra được số đôla là:
224 = 16.777.216 đôla
Thằng nhóc mà chọn tờ đôla nguyên phân thì chẳng cần tốn tí công sức nào, sau một ngày nó sẽ có số đôla gấp không dưới 194 lần số đôla mà nó kiếm được vì “lỡ ngu”, chọn tờ 1 đôla kia…
Chúng ta quay lại vấn đề nghiêm túc!
Trong điều kiện thuận lợi và có đầy đủ dưỡng chất cần thiết, số lượng tế bào phát triển theo con đường nguyên phân sẽ đạt đến con số khổng lồ nhưng không phải là vô hạn! Vì sao vậy? Trái đất vận động điều hòa nên lực lượng nội tại của nó là tương đối không đổi và môi trường mà nó tạo ra cũng biến đổi điều hòa. Từ đó mà suy ra sự tăng trưởng số lượng của sự sống (đơn bào) đến một mức độ nào đó bị kiềm chế bởi số lượng dưỡng chất ngày một giảm đi. Hiện tượng đó trong điều kiện biến đổi vừa mang tính chu kỳ vừa mang tính đột biến của môi trường mà sự hiện diện của mặt trời có tính quyết định, đã làm xuất hiện hình thức sống mới là đa bào và kiểu phân bào mới là giảm phân nhằm phù hợp với “tình hình mới”, tạo ra tình thế cân bằng mới (gọi là cân bằng sinh thái?). Có thể nói giảm phân là biến thái của nguyên phân; là nguyên phân “không đầy đủ”, “không hoàn thiện”, trong điều kiện thiếu dưỡng chất; là sự nguyên phân đã bị “giảm tốc độ”, “chờ thời cơ”; là sự hình thành nên những tế bào “phân cực” (đơn bội); chờ, tìm những tế bào phân cực khác, tương phản với chúng để “ăn thịt” lẫn nhau từng đôi một, tạo nên những tế bào lưỡng bội hoàn thiện mới. Còn có thể nói giảm phân là nguyên phân đã thích ứng với sự thiếu dưỡng chất trong môi trường và sau này trở thành kiểu sinh sản đặc thù, đối với những cơ thể sống bậc cao mà “tổ tiên trực tiếp” của chúng là đa bào.
Có một hiện tượng phổ biến, đó là hầu hết các sinh vật bậc cao, khi được sinh ra, chỉ sau một quá trình tăng trưởng nội tại nhất định, trong chúng mới xuất hiện những tế bào giảm phân (giao tử). Phải chăng, cái khúc dạo đầu cực kỳ ấn tượng của thiên anh hùng ca về sự sống vẫn còn được lưu giữ đến tận ngày nay? Phải chăng quá trình một con người hình thành nên từ trong bào thai, sinh ra, lớn lên và yêu đương là một tóm tắt lịch sử 3,5 tỷ năm của sự sống?
Câu trả lời của chúng ta là khẳng định. Sự tương tự là một đặc tính vĩ đại của Vũ Trụ, bởi vì suy cho cùng, dù trong tự nhiên có vô vàn nguyên lý thì cũng xuất phát từ nguyên lý tổng quát, duy nhất, đó là nguyên lý Tự Nhiên của Tồn Tại (hay cũng có thể gọi ngược lại: nguyên lý Tồn Tại của Tự Nhiên!?)
Chúng ta đã nói thỏa thuê những điều thấy cần thiết phải nói. Và bây giờ, chúng ta quay lại với ba định luật của Menden.
Đến đây, sẽ chẳng còn gì để ngạc nhiên đối với chúng ta nếu bất thình lình NTT xuất hiện trở lại và tuyên bố rằng, tất cả những quá trình như: quá trình làm hình thành nên không gian bát quái từ một lưỡng nghi phương chiều, quá trình làm xuất hiện bốn tế bào đơn bội từ một tế bào lưỡng bội, quá trình đưa đến những kết quả trong thực nghiệm lai tạo giống của Menden, đều tuân theo một nguyên lý chung có tính nền tảng, tạm gọi là phân định âm dương, tổng hợp lưỡng nghi và sự tích hợp giữa chúng.
Một cơ thể sống, đương nhiên cũng là một thực thể, do đó nội tại của nó, theo “thông lệ”, là một hệ thống lưỡng nghi. Tế bào lưỡng bội có một nội tại điều hòa, cân bằng lưỡng nghi. Lúc đầu giả sử lực lượng của nó là ao, sau một thời gian tăng trưởng đạt đến 2ao và phân ra, tách rời làm đôi thành hai tế bào lưỡng bội mới với lực lượng là ao. Đó là sự chia đôi ôn hòa ra hai hệ thống lưỡng nghi đầy đủ, cân bằng, không còn quan hệ gì với nhau nữa. Nói lại: đó là nguyên phân.
Đối với tế bào sinh dục (lưỡng bội), sự phân chia kèm theo hiện tượng giảm nhiễm là quá trình, tạm gọi là dưới tế bào; ở tầng nhiễm sắc thể; là quá trình tổng hợp, phân ly nhiễm sắc thể kèm sự tích hợp ở tầng dưới nữa. Tế bào sinh dục tăng trưởng đến trạng thái cực độ (gọi là thái cực) thì đòi hỏi phân chia. Sự phân chia bắt đầu từ việc lực lượng nhiễm sắc thể phân định âm dương (phân cực) lập thành những hệ thống lưỡng nghi (cặp nhiễm sắc thể tương đồng). Chúng ta gọi lần lượt hai nhiễm sắc thể lập thành hệ thống lưỡng nghi đó là âm (ký hiệu: A) và dương (ký hiệu: D) thì hệ thống đó được ký hiệu:
A + D
Nội tại của A và D cũng là những lưỡng nghi nên ta có thể miêu tả:
(để viết được như thế thì về mặt lực lượng, phải coi A = D)
Cũng có thể viết kiểu khác cho gọn và không cần phải có điều kiện A = D:
Sự kiện hình thành hệ thống A + D chính là quá trình cố gắng “làm dịu” sự đòi hỏi phân chia của tế bào nhưng không thể đảo ngược xu thế ấy. Do đó hệ thống A + D vận động ổn định một thời gian, thì sự tích hợp ở tầng dưới nữa (tầng các dưỡng chất của nhiễm sắc thể) làm xuất hiện sự phân cực của tế bào và hệ thống “đành” phân ly thành hai lực lượng tương phản nhau nhưng không còn ở trong một hệ lưỡng nghi thống nhất nữa.
Hai lực lượng bị phân ly đó đã mang những nét khác biệt so với A và D. Vì aA và dD là toàn âm và toàn dương, tương phản rõ rệt so với nhau nên là cặp ưu tiên kết hợp thành hệ thống (một lực lượng) và hệ thống còn lại (lực lượng còn lại) là do cặp kia hợp thành. Hai lực lượng mới, sau khi phân ly, được gọi là A’ và B’. Để mô tả, chúng ta có thể viết:

Tế bào gốc vẫn không ngừng tăng trưởng theo hướng phân cực hóa và dẫn đến phân chia thành hai tế bào đơn bội A’, D’ để rồi, từ hai tế bào đó, sau một thời gian tăng trường lại tiếp tục phân chia thành bốn tế bào đơn bội mà chúng ta mô tả theo sơ đồ như sau:
                              
Đến đây quá trình phân ly dừng lại vì không thể phân chia đơn vị làm nên bản chất của nội tại tế bào. Bốn tế bào đó hoặc sẽ chết đi hoặc phải “ăn thịt đồng loại” để hình thành nên một tế bào lưỡng bội mới, hoàn chỉnh. Đó chính là quá trình tích hợp, trái ngược với phân ly và được thể hiện qua ba định luật của Menđen.
Một tế bào đơn bội như vậy được gọi là giao tử. Nếu chúng ta qui ước giao tử đực là dương (ký hiệu: D) thì tế bào gốc của nó phải là DD. Tương tự, nếu chúng ta qui ước giao tử cái là âm (ký hiện: A) thì tế bào gốc của nó là AA. Sự tích hợp của hai giao tử đực và cái sẽ cho ra một hợp tử là DA.
Vì dương là hoạt động, tích cực, dễ nhận biết nên nó có tính trội và tính trội ở đây, để dễ theo dõi chúng ta đặt là “trơn”. Vì âm là tĩnh, thụ động, khó nhận biết nên nó có tính lặn, và ở đây, chúng ta đặt là “nhăn”. Chúng ta có thể biểu diễn định luật thứ nhất của Menđen theo ký hiệu mới (hình 12).
                           
Hình 12: Sự biểu diễn kiểu truyền thống
Biểu diễn như trên, rõ ràng là chưa thỏa mãn vì chưa mô tả được bản chất của sự tích hợp. Việc ghép D và A (hay A và D cũng như A và A) thành DA (hay thành DD; AA) chỉ là hình thức, hú họa, chưa nêu được tính cấu kết, thống nhất nội tại thực sự của một thực thể (một lực lượng có thật!). Để biểu diễn rõ ràng hơn, chúng ta qui ước thêm dấu: . Dấu này có hai nghĩa. Nếu có đủ lực lượng cần thiết để quá trình hợp tử xảy ra hết, trọn vẹn thì dấu  được viết thành U, có nghĩ là “và”. Trong trường hợp thiếu thốn lực lượng, hoặc do quá trình thích nghi tiến hóa mà quá trình hợp tử không đầy đủ hoặc duy nhất thì dấu  được viết thành ∩, có nghĩ là “hoặc”. Dùng dấu  kết hợp với hai dấu đã qui ước (dấu  chỉ sự tổng hợp; dấu chỉ sự tích hợp), chúng ta sẽ biểu diễn lại như hình 13:
                            
Hình 13: Sự biểu diễn kiểu “kỳ dị”
Nếu viết gọn lại, chúng ta có:
Nghĩa là khi quá trình hợp tử là đầy đủ, trọn vẹn thì:
F1 = DA U DA U DA U DA = 4 DA (trơn)
Và khi chỉ có một hợp tử thì:
F1 = DA ∩ DA ∩ DA ∩ DA = DA (trơn)
Ngày xưa, khi nghe ông bà nói “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, chúng ta không hiểu được tại sao “giống” lại là sự quan trọng cuối cùng. Giờ đây thì chúng ta đã bắt đầu hiểu ra và chẳng còn cách nào khác là phải rập đầu bái phục sự đúc kết minh xác ấy của tổ tiên. Cũng ngày xưa, chúng ta nghe người ta giảng về sự phủ định của phủ định và gọi đó là một qui luật phổ biến của sự phát triển và đã tin “sái cổ”. Nhưng giờ đây, chúng ta cho rằng phủ định của phủ định, nếu có, chỉ là những trường hợp rất riêng và mang nặng tính chủ quan của nhận thức. Muốn phủ định hạt lúa, có nhiều cách chứ không phải chỉ có một cách là làm xuất hiện cây lúa. Người ta cố biện minh rằng phủ định không có nghĩa là phủ định “sạch trơn” mà phải hiểu theo nghĩa biện chứng. Nhưng như thế nào là sạch trơn và không sạch trơn khi mà cái gọi là vật chất luôn được bảo toàn? Hạt thóc không bao giờ tự phủ định nó nếu không có tác động từ bên ngoài (từ môi trường). Hạt thóc bị đốt cháy thành than là đã bị phủ định, hạt than là thể phủ định của nó nhưng không phải hạt than phủ định nó mà là ngọn lửa (môi trường). Vậy thì cây lúa cũng chỉ là một kiểu phủ định trong muôn ngàn kiểu phủ định của hạt lúa và không phải là nguyên nhân làm cho hạt lúa bị phủ định. Hơn nữa, sự phủ định xét cho cùng cũng chỉ là tương đối, mang tính qui ước mà thôi. Phủ định của “có” là gì? Là “không có”. Còn phủ định của “không có”? Là “có”! Và “trò chơi” hỏi đáp ấy có thể tiếp tục đến bất tận. Về mặt hình thức đó là quá trình phủ định của phủ định và chẳng có sự “phát triển” nào ở đây cả. Phủ định của “tôi” là gì nếu không phải là “không tôi”? “Không tôi” rõ ràng là cái gì cũng được, từ con kiến đến Vũ Trụ, và như vậy, con cái của “tôi” cũng có thể là phủ định của “tôi”. Nhưng trong con cái “tôi” vẫn có cái là của “tôi”, là giống “tôi”, là từ “tôi” mà có và như vậy nói đến phủ định có vẻ hơi quá. Con cái là kết quả của “Đức Huyền Diệu” nên chúng không có quyền quay lại phủ định cha mẹ. Còn nếu cố tình làm thế thì phải coi chúng là lũ bất hiếu, và con cái do chúng sinh ra sẽ rất có thể có tình trạng ấy. Biến dị và di truyền không có nghĩa là phủ định, gạt bỏ mà là kế thừa nhờ biến hóa và biến hóa để kế thừa, vừa khẳng định, vừa phủ định, vừa đồng nhất vừa phân biệt được. Ông bà ta đã có nhiều đúc kết kinh nghiệm rất chí lý về vấn đề này. Chẳng hạn: “con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”; “gieo gì gặt nấy”; “ác giả ác báo”; “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”; “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”…
Chúng ta nói sang định luật thứ hai của Menden. Nhưng trước hết, chúng ta nói rõ hơn về tính trội và tính lặn. Vì sao thiên nhiên lại cứ phải chọn tình trạng này là trội chứ không phải là tình trạng khác? Vì sao một tình trạng nào đó được ưu tiên thể hiện nhiều hơn sau khi tạo giống mà không phải là tình trạng bất kỳ? Tại sao lại có sự ràng buộc một cách bất bình đẳng, “phi dân chủ” như vậy? “Tội vạ” này hoàn toàn là tại thiên nhiên, nhưng trực tiếp gây ra “thảm trạng” như vậy là tại con người. Thiên nhiên đã ban cho con người sự cảm giác, cảm giác đó có mức độ, phạm vi giới hạn và phù hợp với cơ thể sinh học của chỉ con người thôi nên nó mang tính đặc thù, chủ quan và có phần thiên lệch. Tại sao chúng ta lại qui ước được tính dương là trội? Vì chúng ta ngay từ đầu đã định nghĩa rằng dương là sự thể hiện của động, của hoạt bát, sáng sủa. Trong khi đó, chúng ta sống trong một thế giới theo quan sát của chính chúng ta, hầu như là tĩnh tại, hầu hết là đứng im, mờ tối. Cho nên trong cái phông cảnh ấy của thế giới, nếu xuất hiện một sự hoạt động nào đó, một sự lóe sáng nào đó, thì chúng bỗng trở nên nổi bật, dễ nhận biết trước chúng ta và được chúng ta gán cho tính trội. Còn một sự tĩnh tại, thể hiện “lờ nhờ” nào đó rất gần với “gam màu” của phông cảnh thế giới, vì bị chìm khuất, tầm thường hóa, khó nhận biết và thậm chí là không quan sát được nên chúng ta gán cho nó là có tính lặn.
Làng quê đang yên ả, phẳng lặng, đột nhiên “cô Thắm về làng”. Sự diêm dúa, sặc sỡ của cô Thắm làm cho bà con cô bác trố mắt, nhất là lũ con nít cứ kéo bầy, nắc nẻ theo “hiện tượng lạ”. Như vậy, cô Thắm đã hiểu được cách làm nổi bật mình trước làng quê, thôn dã và được gọi là “chơi trội”.
Một trận bóng đá đang hồi quyết liệt, các cầu thủ đều chạy như điên, thể hiện dương tính rất cao, nhưng chẳng có gì là trội cả. Mọi người chỉ chú ý tới trái bóng. Nhưng đột nhiên có một tiền đạo đứng nghiêm như trời trồng, âm tính rất rõ. Hiện tượng đó lại tự nhiên nổi bật, trội hẳn lên.
Giả sử chúng ta có một lượng nước là N và một lượng muối là M. Gọi tình trạng của nước là lạt, tình trạng của muối là mặn. Hòa chúng vào nhau, chúng ta có một hỗn hợp (ký hiệu là H).
H = N + M
Hỗn hợp này là lạt hay mặn? Hay hỏi cách khác giữa mặn và lạt, tính trạng nào thể hiện trội trong hỗn hợp đó? Ngay lập tức, chúng ta sẽ không trả lời được nếu chúng ta không nếm thử nó. Nếu nếm thấy mặn thì mặc là trội; nếu nếm thấy lạt thì lạt phải là trội. Bỏ qua sự chênh lệc vị giác của những người tham gia khảo sát thì sự mặn hay lạt của hỗn hợp là do mối tương quan về lực lượng giữa hai thành phần tham gia tạo nên hỗn hợp quyết định. Nếu lượng muối là rất ít so với nước, thì hỗn hợp lạt “như không có muối”, do đó lạt là trội. Nếu lượng muối là rất nhiều thì hỗn hợp mặn như là “toàn muối”, do đó mặn là trội. Còn trường hợp thứ ba là có vị “lờ mờ” vừa mặn vừa lạt, không mặn không lạt, do đó chẳng có tính trạng nào được cho là trội hay lặn cả.
Có thể dùng ký hiệu diễn tả ý trên. Qui ước N mang tính dương; M mang tính âm, chúng ta “làm xiếc”:
              
Ghi chú: Vì chỉ là hình thức cho nên đừng hiểu N = M một cách “cực đoan”! Trong thực tế, để có sự lờ lợ, đôi khi, chẳng hạn phải pha 1 kg muối vào 10 lít nước. Lúc đó, về mặt lực lượng, chúng ta phải qui ước 1 kg muối tương đương với 10 lít nước, do đó N = M có nghĩa là 1 kg = 10 lít! Toán học không làm được như thế, xiếc cũng không làm được như thế mà chỉ có ảo thuật. Ảo thuật làm cho nó xuất hiện trước mọi người và như vậy: nó hiện hữu!!!
Đến đây, chúng ta chợt nhớ đến một câu chuyện vui. Chuyện thế này:
Có một ông đi làm xa mới về. Chiều hôm đó, ông nhờ vợ đi mua rượu. Bà vợ chỉ mua có 1 “xị” (1/4 lít). Ông chồng lầm bầm: “Một xị thì bõ bèn gì?!” nhưng rồi ông cũng chỉ uống từng đó, không đòi mua thêm. Tối đến, hai vợ chồng “tương phùng”. Ông chồng, xa vợ lâu ngày, “nổi cơn điên”, hùng hục tả xung hữu đột, trống trận nổi liên hồi. Chiều hôm sau, ông chồng lại bảo vợ đi mua rượu. Lần này, ông dặn vợ mua hai xị. Bà vợ nghĩ “hai xị chắc chưa bõ…” nên mua luôn một lít. Uống xong chầu rượu ông chồng quắc cần câu. Tối đến, dù được bà vợ “động viên” ông cũng chỉ “đùng một phát” cho có rồi lăn ra như bị chết giấc. Sáng, bà vợ thầm thì với bà hàng xóm: “Bà ạ, hóa ra một lít không bằng một xị!…”.
Định luật thứ hai của Menden được biểu diễn bằng ký hiệu của chúng ta theo sơ đồ hình 14.
                                 
Hình 14: Sơ đồ mô tả định luật hai Menden
Từ hình 14, chúng ta thấy rằng dù có chọn D hay A là có tính trạng trội thì tỉ lệ giữa trội và lặn bao giờ cũng là 3 trơn 1 nhăn. Thực ra không thể đặt trội lặn một cách tùy tiện được vì cảm giác của quan sát đã chọn một cách “khách quan”, đã qui định trội lặn theo “tầm vóc”quan sát thực tiễn.
Nếu quá trình giao tử là đầy đủ, trọn vẹn thì xác xuất để có tỷ lệ ấy là một chắc chắn.
Khi thay ký hiệu D bằng và A bằng ─ ─ và viết theo lối người Trung Hoa cổ, chúng ta sẽ thấy F2 là một tứ tượng:
Thừa thắng xông lên, chúng ta nói luôn về định luật thứ ba của Menđen. Hạt đậu Hà Lan, ngoài sự phân biệt về tính trạng trơn nhăn (mà trơn là tính trạng trội), còn có sự phân biệt về màu sắc: vàng hoặc xanh (mà vàng là tính trạng trội).
Nói chung thì sự hiện hữu của một thực thể (vật thể) thể hiện trước quan sát trên nhiều phương diện như hình dáng, kích thước, màu sắc… và nằm trong sự so sánh là tròn méo, to nhỏ, trắng đen… Nghĩa là tùy mức độ “quan tâm” của quan sát mà thấy vật thể thể hiện cùng lúc ít hoặc nhiều kiểu loại tính trạng khác nhau. Nhưng cũng từ hiện tượng thể hiện trội lặn mà chúng ta còn có ý niệm là một tồn tại không bao giờ hiện hữu đầy đủ một cách trực giác trước quan sát “trần tục”.
Thí nghiệm làm nên định luật thứ ba của Menđen “giới hạn” trong việc theo dõi sự ẩn hiện của cùng lúc hai phương diện thể hiện của hạt đậu Hà Lan là làn da và màu sắc (xanh hoặc vàng) của nó. Nếu sự thể hiện trước quan sát được đặt trong mối quan hệ trội lặn thì chúng ta sẽ có bốn tính trạng hợp với nhau từng đôi một, tương đồng về phương diện và tương phản về tính chất. Có thể gọi đó là những cặp “phương chiều tính trạng” hay lưỡng nghi tính trạng.
Sau khi đã biết trơn, vàng là hai tính trội và nhăn, xanh là hai tính lặn của hai cặp lưỡng nghi tính trạng, Menđen tiến hành thực nghiệm lai tạo giống giữa loại đậu trơn - vàng và loại đậu nhăn - xanh. Ngoài ra, chúng ta còn cho rằng trơn và vàng (hay nhăn và xanh) là hai tính trạng nằm trong những lưỡng nghi tính trạng khác nhau nên chúng không tương đồng với nhau và sự “gán ghép” chúng là không bền, dễ phân ly. Dù sao thì chúng cũng có thể kết hợp để làm nên hệ thống (chúng ta có thể hình dung sự kết hợp đó như trường hợp hòa tan muối với nước). Do đó, về mặt ký hiệu, chúng ta có thể viết:
(Đúng ra thì phải viết , vì chẳng hạn: X vừa là dương của x, vừa là dương trong mối quan hệ lưỡng nghi D’+A’, và Y, x, y cũng tương tự như vậy. Nhưng ở đây để khỏi phải rắc rối, chúng ta viết giản lược. Điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì!).
Từ những qui ước đó, chúng ta sẽ diễn tả định luật ba của Menđenbằng sơ đồ ở hình 15. Trên cơ sở đó, chúng ta đã cho xuất hiện một giai đoạn gọi là trao đổi chéo. Trong thực tế lai tạo giống, thực sự có giai đoạn đó không? Chúng ta không biết. Chỉ biết rằng trong quá trình giảm phân tế bào thì có nó. Trong sơ đồ ở hình 15, nếu không có trao đổi chéo, sẽ xảy ra một hiện tượng kỳ quặc như thế này:
                 
Thiên nhiên không bao giờ “chơi” trò đó! Thật kỳ điệu!
         
Hình 15: Sơ đồ biểu diễn định luật 3 Menđen
Sơ đồ ở hình 15 của chúng ta gợi nhớ chính xác đến quá trình giảm phân tế bào, làm cho chúng ta có ý niệm rằng thực ra chúng ta đã trình bày theo hai kiểu về một quá trình duy nhất.
Về mặt hình thức, có thể coi quá trình đó là gồm hai quá trình mà kết quả của chúng được tích hợp với nhau (chúng ta dùng khái niệm tích hợp để phân biệt với tổ hợp và cho rằng tổ hợp là trường hợp mô tả một khía cạnh của tích hợp). Hình 16 là sơ đồ thể hiện điều này.
Hình 16: Nguyên tắc phân ly độc lập

***
                              “Anh đi công tác Plây …
                              Cu dài dằng dặc biết ngày nào vê!”
Chúng ta hình như đang trong một chuyến công tác đằng đẵng như vậy. Sinh vật học là một ngành cũng đầy kỳ thú như toán học và vật lý học. Những ai rảnh rang, hãy cố mà du lịch đến đó một lần trong đời. Nhất là các thi sĩ, sẽ thấy nó là một nguồn cảm hứng sáng tác thơ ca về sự sống, không bao giờ cạn. Nhân tiện chuyến công tác, chúng ta chỉ ghé qua chốc lát mà đã thấy khoái rồi, huống hồ là có thời gian để chiêm nghiệm lâu hơn.
Chúng ta hãy chào từ biệt sinh vật học để trở về với thiên cổ kỳ thư Kinh Dịch, vì vẫn còn một phần công việc nữa phải giải quyết cho xong. Nhưng trước khi nói “See you again!” (hẹn gặp lại!), chúng ta xin được vớt vát vài lời nữa cho đỡ bứt rứt những tâm hồn đã bị hoang tưởng làm cho bấn loạn.
Tất cả những khái niệm (đã bị hiểu méo đi) như tổng hợp, tích hợp…, cũng như những biểu thức toán học lạ đời và những ý niệm “dị hợm” của NTT phải được coi là chưa minh xác, vì chúng chỉ là những kết quả của sự suy nghĩ đột khởi ở trạng thái hoang tưởng tột độ, có tính thô phác. Chính vì vậy mà dù trong lòng chúng có thực sự mang những yếu tố hợp lý đi chăng nữa thì có lẽ phải cần một cuộc “lột xác vĩ đại”. Chắc chắn NTT không thể làm được điều đó bởi vì nếu có còn chút thông minh nào thì cũng đã bị sự hoang tưởng làm cho mê man, lú lẫn.
Chúng ta có linh cảm rằng có mối liên hệ nào đó rất sâu sắc giữa ý niệm “không gian của không gian” của NTT và hình tượng tenxơ trong toán học truyền thống.

không chéo
 
Điều cuối cùng chúng ta muốn nói là vấn đề lực lượng. Nếu xét kỹ sơ đồ ở hình 16 (chỉ quan tâm đến quá trình bên trái), chúng ta thấy lực lượng tham gia ban đầu gồm XX và xx; lực lượng hiện diện ở cuối quá trình là: X, X, x và x, quan hệ với nhau theo cách: (X + x) (X + x). Như vậy, sau một cuộc “bể dâu” phân ly và tích hợp (ly biệt và trùng phùng?!), từ hai lực lượng XX và xx đã tiến triển thành lực lượng (X + x) (X + x). Xem lại hình 13, chúng ta thấy rằng nếu không có trao đổi chéo thì kết quả của quá trình đó phải là (X + X) (x + x). Ký hiệu XX hay xx là biểu thị một tích hợp và theo toán học truyền thống thì ta còn có thể ký hiệu X2 hay x2. Ngoài ra kinh nghiệm cũng mách bảo cho chúng ta biết: bất cứ quá trình nào xảy ra trong tự nhiên cũng là kết quả của mối quan hệ tác động - phản ứng (hay còn gọi là sự tương tác giữa trong và ngoài, giữa nội tại và môi trường, mà xét về mặt lực lượng thì chính là sự trao đổi, chuyển hóa qua lại giữa chúng), từ đó làm xuất hiện hiện tượng hấp thụ và phát tán lực lượng (năng lượng!) của mọi thực thể. Nếu gọi lực lượng được hấp thụ là E1; lực lượng bị phát tán là E2 và cùng với những ký hiệu, qui ước, nhận định vừa nêu, chúng ta sẽ diễn tả quá trình chuyển hóa lực lượng (nhiễm sắc thể) trong môi trường chất (của tế bào) như sau:
              
Điều đầu tiên chúng ta rút ra được từ sự diễn tả đó là khi thì:
                 
Đẳng thức ấy dẫn đến , và như vậy .
Điều thứ hai, chúng ta thấy rằng, nếu  thì:
Tương tự:
Số 2 đó biểu thị cho cái gì nếu không phải là một lượng lực lượng nào đó và lượng đó đúng bằng hai đơn vị của loại lực lượng đang xét? Thí dụ lực lượng X có thứ nguyên là kilôgam (kg) thì x = 2 kg = 2 đơn vị khối lượng.
Nếu x là nhiễm sắc thể thì số 2 đó có phải là sự biểu thị hai đơn vị lực lượng làm nên nhiễm sắc thể ấy và như vậy nó có phải là chuỗi xoắn kép ADN?
Nếu coi nội tại X là một hệ thống lưỡng nghi thì rõ ràng chúng ta sẽ quay về với sự biểu diễn quen thuộc.
                 
Một điều hiển nhiên trong toán học là nếu có một số nguyên dương Z và số tự nhiên n thì bao giờ cũng có:
                  
Tổng quát hơn, khi thì có thể viết:  hay cũng có thể viết: . Một sự tổng quát tầm thường! Nhưng nhờ sự tầm thường như vậy mới có được cái phi thường của Tự Nhiên Tồn Tại trong thời gian! Không biết đầu não của chúng ta có trục trặc gì không mà sao thấy trong đó thấp thoáng hình bóng của những vi phân, tích phân, qui luật tăng, giảm theo hàm mũ của thu phát bức xạ và nhiều hình bóng khác nữa…
Từ biểu thức , dễ dàng xuất hiện biểu thức:
                         
Biểu thức này mách bảo chúng ta điều gì? Nó bảo thế này: nếu có hai lực lượng tích hợp nhau tạo nên một lực lượng mới mà trong suốt quá trình đó, tổng lực lượng tích tụ thêm từ môi trường chất và lực lượng phát tán bớt ra môi trường chất là bằng 0 thì lực lượng mới hình thành từ sự tích hợp sẽ bằng tổng hai lực lượng ban đầu. Để có được như thế phải kèm theo điều kiện X = x = 2 như đã nói, và đó là điều kiện tiên quyết, duy nhất, cần và đủ.
Sự tích hợp Xx làm nên một thực thể mà vận động nội tại của nó nếu sự trao đổi qua lại về lực lượng giữa nó với môi trường là nhịp nhàng, cân bằng thì nội tại của thực thể ấy được coi như một hệ cô lập và sự vận động của nó là điều hòa, thuận nghịch một cách lý tưởng và vĩnh viễn. Cô lập chỉ là một khái niệm tương đối và “siêu hình ghê gớm”. Chính mối tác động qua lại, tác động và phản ứng giữa nội tại và môi trường là động lực của vận động nội tại mà môi trường, trong một chừng mực nào đó, được coi là kẻ chủ mưu. Nếu có thể cô lập được tuyệt đối một nội tại (mà chúng ta khẳng định là không thể!) thì nội tại đó sẽ “lụi tàn” và chấm dứt tồn tại, trở về với Tồn Tại.
Vì X + x = 4 chưa phải là tổng lực lượng nhỏ nhất nên hệ lưỡng nghi đó cũng chưa phải là nhỏ nhất. Phải có hệ lưỡng nghi nhỏ nhất với tổng lực lượng bằng 2. Do vậy, có thể cho rằng X và x là hai hệ thống lưỡng nghi mà mỗi nghi của chúng là đơn vị, nghĩa là:
X = a + a và x = b + b
Với phán đoán trên, ta viết:
               
Từ đó: a + b = 2 và suy ra a = b = 1
Cũng có thể từ Xx = X + x mà suy ra a = b = 1. Thật vậy, thay giá trị a, b vào, chúng ta có:
                  (a + a)(b + b) = a + a + b + b; hay: 2ab = (a + b)
Để thấy rõ hơn vấn đề, chúng ta viết:
a(1 – b) + b(1 – a) = 0
và như thế phải có a = b = 1
Ở tận cùng nhỏ của Vũ Trụ, chúng ta có một thực thể là đơn vị tuyệt đối của mọi thực thể, là đơn vị lực lượng của mọi lực lượng, là hệ lưỡng nghi nhỏ nhất trong mọi hệ lưỡng nghi mà ta gọi là e. Chúng ta biểu diễn được điều này:
                  2e2 = 2e => e = 1
Rốt cục thì giờ đây, chúng ta đã nói xong những điều muốn nói cuối cùng. Thật hết sức kỳ lạ, mỗi con số, mỗi biểu thức, mỗi phương trình, mỗi hình dựng… trong toán học hình như cứ thì thầm bên tai chúng ta về một nét nào đó của Tự Nhiên Tồn Tại, miễn là chúng ta biết ngắm nhìn nó trong suy tư. Mới hôm nào thôi, chúng ta nhìn 12 = 1 là một cái gì đó hiển nhiên, không đáng bận tâm, chuyện “con nít”, thì hôm nay chúng ta đã thấy được một cái gì đó lớn lao và rất hệ trọng trong đẳng thức “tầm thường” ấy. Mới hôm qua thôi, nếu thấy ai viết 2e2 = 2e và giải ra kết quả e hoặc bằng 1 hoặc bằng 0, thì chúng ta đã phá lên cười như điên vì sự đơn giản đến “kinh người” như thế mà cũng phải “giải toán”. Nhưng nếu thay e là quả táo thì chúng ta không thể… cười được nữa vì sẽ khó mà hiểu nổi “chuyện gì” khi mà:
                  2(quả táo)2 = 2 quả táo
Quả táo bình phương là gì? Chẳng ai hình dung ra được! Tại sao hai quả táo bình phương lại bằng hai quả táo? Chịu thua nốt! Quả táo tại sao lại bằng 1 được hoặc bằng 0 được khi nó đang hiện hữu là quả táo?
Có thể nói toán học vừa kỳ diệu, vừa kỳ dị! Nó kỳ diệu vì như May Sarton (1912-1995) nói: “Tôi nhìn thấy một trật tự nhất định trong Vũ Trụ và toán học là một cách để nhìn thấy trật tự đó”. Nó kỳ dị vì như Albert Einstein (1879-1955) nói: “Chừng nào toán học liên quan tới thực tại, thì toán học không chắc chắn; còn khi toán học chắc chắn, thì toán học lại không liên quan đến thực tại”.
Thế thì tất cả những vấn đề chúng ta vừa trình bày “một cách toán học”, dựa vào toán học như một cứu cánh có đáng tin không? Toán học đã làm cho chúng ta hoang mang nên chúng ta nói rằng không đáng tin tí nào và...cũng có lúc rất đáng tin! Khi toán học vượt ra ngoài chức năng thực dụng của nó thì nó tương tự như thứ tạm gọi là "triết học chứng minh"…
Còn ai đó, muốn nghĩ sao thì… tùy!
Nhưng đừng nên trách mắng sự hoang tưởng, tội nghiệp!
Chúng ta quay sang nói chuyện khác để quên chuyện này đi!
***
Xuất hiện gần như đồng thời (nhưng có lẽ tiếp sau) khái niệm Âm Dương là khái niệm Ngũ Hành. Những khái niệm này có rất sớm, từ đời Ân Thương. Đến đời Chu, chúng ngày càng được mở rộng, được làm sâu sắc hơn, dần trở thành những quan niệm có ý nghĩa tiền đề cho học thuyết triết học Hoàng Lão ra đời mà theo ý kiến riêng của chúng ta thì đó là học thuyết hoàn chỉnh đầu tiên và cũng đúng đắn nhất về Tự Nhiên của dân tộc Trung Hoa. Đến lượt thuyết Hoàng Lão, sau khi đã hình thành và nhờ vào cái nội dung cốt lõi vốn dĩ hợp lý của nó, nó đã tác động mạnh mẽ vào mọi mặt của đời sống, văn hóa xã hội, không trực tiếp thì cũng gián tiếp làm nên cao trào “bách gia chư tử” thời Đông Chu với bao nhiêu học thuyết và lẽ đương nhiên là có cả thuyết âm dương - bát quái và thuyết ngũ hành. Đối với hai thuyết sau, gọi là “thuyết” thì hơi quá. Có lẽ nên gọi chúng là những tiền học thuyết và ở trạng thái này, chúng là tiền bối của Hoàng Lão. Dù rằng không bắt nguồn từ thuyết Hoàng Lão nhưng nhờ có thuyết Hoàng Lão mà hai khái niệm Âm Dương và Ngũ Hành mới phát triển được đến “dáng dấp” của những học thuyết, ban đầu như là hai nhánh rẽ của một dòng sông. Chỉ khi hai nhánh đó hợp lại làm một thì mới thực sự hình thành nên một học thuyết gọi là thuyết Âm Dương - Ngũ Hành. Trần Diễn, người nước Tề (cuối thời Chiến Quốc) kế thừa những tư tưởng và quan niệm của giai đoạn “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua sáng”, theo nhiều nhà nghiên cứu, có thể đã là người đầu tiên xây dựng thuyết đó. Người kế tục Trần Diễn là Đổng Trọng Thư (thời Tây Hán, năm 206 TCN - 26 SCN). Ông là người đề xuất ra cái gọi là tương sinh, tương khắc của Ngũ Hành và Ngũ Hành là từ Âm Dương sinh ra: “Khí của trời đất hợp lại làm một, chia ra là Âm và Dương, phân thành bốn mùa, liệt kê thành Ngũ Hành”.
Đổng Trọng Thư có lý khi giải thích thế giới tự nhiên vì ông theo quan niệm của Đạo Gia. Lúc đó, ông là nhà duy vật khách quan. Chẳng hạn, ông nói: “Phàm vật tất có chỗ hợp. Hợp ắt phải có trên ắt phải có dưới… ắt phải có ngoài ắt phải có trong, có đẹp ắt phải có xấu… thế là đều có hợp. Âm là chỗ hợp của Dương… vật không cái gì không hợp, mà có hợp thì mỗi vật đều có đủ âm dương” hoặc: “Đạo trường cửu của trời là vật tương phản, không nổi lên cùng một lúc được, cho nên gọi là Một. Một mà không hai là vận hành của trời. Âm với dương là vật tương phản. Cho nên hoặc ra đi, hoặc trở về, hoặc bên phải, hoặc bên trái”.
(“Đạo trời không hai” – Phồn lộ, q. 12)
Nhưng khi Đổng Trọng Thư bàn về nhân sinh hành vi, xã hội (có lẽ bị ám ảnh bởi sự sụp đổ nhanh chóng của nhà Tần vì cai trị nặng về bạo lực) thì ông lại đứng về phía lập trường tư tưởng của Nho Gia, cho nên ông trở thành nhà duy tâm chủ quan; đưa ra nhiều quan niệm khiên cưỡng…
Dù sao đi nữa thì chúng ta cũng rất thích đoạn sau đây trong “Tất nhân thả trí” (Phồn lộ, quyển 8) của Đổng Trọng Thư:
“Không gì cần hơn là nhân ái. Không gì thiết yếu bằng trí tuệ. Nhân ái mà không trí tuệ thì yêu mà không phân biệt. Trí tuệ mà không nhân ái thì biết mà không làm. Cho nên Nhân là để yêu nhân loại, Trí là để trừ điều hại…”.
Khoảng 1000 năm sau, vào đời Tống, có Chu Đôn Di lập nên một học thuyết gọi là “Thái cực đồ thuyết”, mà xét nội dung thì không thể không cho rằng nó là sự đúc kết và hoàn thiện thêm thuyết âm dương - ngũ hành cũng như quan niệm về nhân sinh hành vi của Đổng Trọng Thư mà thôi. Để khỏi phải biện minh dài dòng, chúng ta chép ra đây toàn văn Thái cực đồ thuyết:
“Vô cực mà là thái cực. Thái cực động sinh dương, động đến cực độ thì tĩnh, tĩnh sinh âm; tĩnh đến cực độ thì lại động. Một động một tĩnh làm nên mối quan hệ tương hỗ tại gốc chung. Khi phân chia âm dương, lưỡng nghi thành lập. Dương biến âm hợp mà sinh ra Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ. Năm khí đó sắp xếp thuận ứng với nhau thì bốn mùa vận hành. Ngũ hành hợp nhất vào âm dương, âm dương hợp nhất vào thái cực. Gốc của thái cực là vô cực. Ngũ hành sinh hóa đều có tính duy nhất. Cái chân thực của vô cực, cái tinh túy của âm dương và ngũ hành phối hợp một cách kỳ diệu và ngưng tụ lại. Đạo thuần động thành giống đực, đạo thuần tĩnh thành giống cái, hai nguyên khí giao cảm với nhau mà sinh hóa ra muôn vật. Muôn vật sinh hóa lẫn nhau và biến hóa vô cùng tận. Chỉ có người được cái ưu tú mà rất linh; hình thể đã sinh ra rồi thần linh phát hiện ra tri thức. Ngũ hành cảm ứng động tác mà phân biệt ra thiện ác, muôn sự việc xuất hiện ra. Thánh nhân là bậc người hoàn toàn lấy tiêu chuẩn trung chính, nhân nghĩa để xử sự. Con đường của bậc thánh chỉ có nhân nghĩa trung chính mà thôi. Các ngài lấy sự tĩnh làm chủ đích. Giữ lòng không ham muốn thì tĩnh. Như thế là thiết lập cái tuyệt đích của con người. Cho nên bậc thánh nhân cùng với trời đất hợp đức tính của mình, tinh thần sáng tỏ như mặt trăng mặt trời, hành động điều hòa như vận hành của thời tiết bốn mùa, cùng với quỉ thần hợp lành dữ. Người quân tử hay tu sửa mình thì lành, kẻ tiểu nhân làm trái đạo ấy thì dữ. Cho nên thiết dựng đạo lý trời đất thì có hai phương diện âm và dương, thiết lập đạo lý thiên nhiên tạo vật thì có hai tính cứng và mềm; thiết dựng đạo lý của nhân loại thì có đức nhân ái và nghĩa lý. Lại nói trở về nguồn khởi thủy và đển chung cục, cho nên biết được cái nghĩa sống chết. Lớn thay nghĩa lý Kinh Dịch, đây là tinh túy của nó vậy.”
(Chu Liêm Khê - Thái Cực đồ)
Như vậy, có thể cho rằng học thuyết âm dương - ngũ hành thuở ban đầu là sự gắn kết hai khái niệm âm dương và ngũ hành trên cơ sở triết học về tự nhiên của Đạo Gia nhằm cố gắng xây dựng thành một hệ thống nhất quán duy nhất giải thích thỏa đáng được căn nguyên của mọi hiện tượng trong thế giới khách quan. Về sau học thuyết ấy là sự cố gắng thống nhất cái cốt lõi hợp lý của quan niệm về tự nhiên của Đạo Gia và quan niệm về nhân sinh - xã hội của Nho Gia. Đó là bước đi mang tính tất yếu nhưng vừa đúng đắn vừa sai lầm.
Xảy ra tình hình ấy là vì hệ tư tưởng chính trị, quan niệm về đối nhân xử thế của Khổng Tử chỉ là sự đúc kết những kinh nghiệm hoạt động xã hội của quá khứ, chỉ là sự rút ra những bài học một cách hình thức từ những biến cố của lịch sử theo cách nhận thức của giai tầng trí thức đang hoang mang trước một thời cuộc “lạ lùng”. Câu “Vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con” của Khổng Tử đã là sự biểu hiện súc tích nhất những điều đó. Vì được xây dựng lên như thế nên toàn bộ quan niệm, hệ tư tưởng chính trị của Nho Gia bị “hổng chân”, mâu thuẫn, không thể đứng vững được. Tình thế buộc nó phải tìm kiếm cơ sở lý luận đủ vững làm bệ đỡ cho mình và nó đã nhìn thấy ở Đạo Gia những thiết yếu mang tính hợp lý “không thể chối cãi được”, rất cần thiết và có thể vay mượn được.
Nguyên nhân thứ hai là dù quan niệm về xã hội và nhân sinh của Lão Tử, có tính nhất quán cao độ với triết lý về Tự Nhiên (rất sâu sắc và xác đáng) của ông, là hợp tình hợp lý, thì có lẽ do chưa thấy được hết mối quan hệ (có thật) giữa chủ quan và khách quan, và cũng có thể một phần là do cái đặc thù gãy gọn, súc tích của ngôn ngữ Trung Hoa (nhất là ở thời kỳ còn hạn chế trong việc ghi chép) nên đã không được hiểu đúng nghĩa mà Lão Tử muốn gửi gắm và còn ít nhiều mang màu sắc tự nhiên chủ nghĩa.
Thời gian trôi đi, ngày nay, trước một nền văn minh toàn cầu tự do mua bán và tích trữ súng đạn, bom mìn; một nền văn minh tự do khai thác và vơ vét đến vô tội vạ tài nguyên thiên nhiên; một nền văn minh dung túng quá mức khổng lồ những lực lượng như quảng cáo, môi giới, quân đội; một nền văn minh kích thích, kêu gào tiêu dùng, hưởng thụ đến thái quá, làm phát sinh vô số bệnh tật; một nền văn minh ngập ngụa trong ô nhiễm và bị đe dọa bởi một tương lai khánh kiệt; chúng ta mới thấm thía được những nhắc nhở vừa dung dị vừa thâm sâu, cách đây những 2500 năm của Lão Tử, như:
“Danh tiếng với sinh mệnh cái nào quí? Sinh mệnh với của cải, cái nào quan trọng? Được danh lợi mà mất sinh mệnh, cái nào hại? Cho nên ham danh quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất nhiều. Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên dừng thì không nguy mà có thể sống lâu được.”
“Họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ, hại không gì bằng tham muốn cho được nhiều. Biết thế nào là đủ và thỏa mãn về cái đủ đó thì mới luôn luôn thấy đủ.”
Nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh tình hình như đã nói, là hậu thế mới chỉ thấy được cái huyền bí hợp lý của khái niệm Đạo do Lão Tử đã dựng nên mà chưa thấy được ẩn chứa trong khái niệm Đạo ấy cái cảm nhận thiên tài của ông. Lão Tử đã tài tình phán đoán được sự tồn tại của một lực lượng vô cùng vĩ đại, vận động một cách vô cùng phi thường nhưng không thấy được, đóng vai trò nền tảng, chi phối mọi hoạt động, mọi sinh thành tử bại biến hóa của vạn vật hiện tượng trong hiện thực, trong cái thế giới khách quan mà con người quan sát được…; đó là Tự Nhiên: vạn vật từ đó mà ra và lại trở về đó.
Kết luận lại, chúng ta cho rằng mọi triết thuyết, mọi hệ tư tưởng của dân tộc Trung Hoa, dù sau này có hòa lẫn nhiều ý niệm ngoại lai đi chăng nữa, đều có giềng mối từ hai khái niệm Âm Dương và Ngũ Hành.
Thế thì Âm Dương, Ngũ Hành nảy sinh từ đâu? Tất nhiên là từ quá trình quan sát và nhận thức hiện thực rồi, nhưng cụ thể là như thế nào?
Chắc chắn là sẽ không bao giờ có thể trả lời được chính xác câu hỏi đó vì thời gian đã làm cho cái thời xa xăm tối cổ hóa thành một khu rừng u linh huyễn hoặc, mịt mờ sương khói. Tuy nhiên, một cách áng chừng, chúng ta cho rằng khái niệm Âm Dương và Ngũ Hành xuất phát từ lối sống phồn thực của cư dân Đông-Nam Á đã bước vào nền nông nghiệp nguyên thủy lúa nước, cũng như từ quan niệm lưỡng phân-lưỡng hợp của người Việt tối cổ-tổ tông chủ yếu của tộc người Hoa Hạ sau đó!...
Nhưng có cần thiết phải tốn công tốn sức để tìm kiếm nguồn gốc trực tiếp của Âm Dương, Ngũ Hành không và có thể kiếm chác được gì nếu làm điều đó? Có lẽ chẳng còn viên ngọc nào ở đó đâu, khi mà trước chúng ta, biết bao nhà khảo cứu đã cày đi xới lại loạn xạ cả lên mà chẳng thấy manh nha nào. Họ được trang bị chuyên môn đầy đủ mà còn phải “lè lưỡi” huống gì chúng ta, những kẻ chưa đáng được coi là nghiệp dư?
Ôm nặng nỗi niềm ấy, chúng ta đảo mắt nhìn quanh và quay sang, rảo bước theo phương chiều mới…
- Ê, mấy cha kia, việc gì mà phải “bỏ của chạy lấy người” như thế! Tưởng nào giờ mấy cha là những nhà bịa đặt, dựng chuyện bạt mạng nhất trên đời này, coi búa rìu dư luận như pha, thế mà, lại giở trò tự ti, hèn yếu, bỏ đi không kèn không trống như thế thì thật là lạ đời… Hãy quay lại đây ngay để không xúc phạm đến đội ngũ những người hoang tưởng! Hoang tưởng là thiêng liêng, hoang tưởng là bất diệt, hoang tưởng là vô địch!... Quay lại ngay!...
Ai mà lớn tiếng thế nhỉ? Ai mà la mắng chúng ta một cách “ngon lành”, trịch thượng như thế nhỉ? Chúng ta quay đầu lại định… Ối giời ơi, Nhà Thông Thái!...
Chúng ta bao giờ cũng có ý kính nể NTT. Và chúng ta trở lại. Có NTT, chúng ta thấy phấn chấn hẳn, tự tin hẳn và không còn chút bận tâm nào đến mối hiểm nguy có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi thị phi người đời nữa. Chúng ta phục NTT không phải vì tài năng, bởi nhiều khi ông ta chẳng thông thái tí nào, mà vì ông luôn là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm. Đã nhiều lần chúng ta cố gắng học đòi cái tính cách can trường ấy mà không được. Sau này chúng ta mới hiểu vì sao, khi nghe được câu nói tuyệt đích của Napôlêông Bônapac: “Lòng can đảm là không thể bắt chước được, đó là một đức tính thoát ra ngoài vòng giả tạo.”
- Thưa NTT, quả thật lúc nãy chúng tôi đã cảm thấy vô cùng nao núng. Ông đã kịp thời xuất hiện làm chúng tôi lấy lại được bình tĩnh. Rất cảm ơn ông! Tuy nhiên, ông cũng đừng nên coi chúng tôi tệ hại như Phridrich Vinhem đệ tam, ông vua đớn hèn của nước Phổ bạc nhược, đến độ bị Napôlêông sỉ nhục: “Một ông vua nhơ nhuốc, một quốc gia nhơ nhuốc, một quân đội nhơ nhuốc, một cường quốc đã lừa dối người và không đáng tồn tại”. Ông hãy nhìn những chiến công mà chúng tôi đã gặt hái được trên quãng hành trình vừa qua để…
- Được rồi, dù những cái mà các cha gọi là chiến công đó thực chất chỉ là hươu vượn tầm phào thì cũng phải thừa nhận rằng sự liều mạng của các cha đã làm cho tôi liên tưởng đến trận chiến lừng danh ở làng Lôđi, nước Ý, khi chiến sự đang diễn ra ác liệt ở đầu cầu thì Napôlêông, dẫn đầu một tiểu đoàn quân cận vệ, xông tới dưới làn mưa đạn.
- Thôi! Ông đừng có nhắc đến chiến tranh nữa, nghe khiếp quá!
- Tại các cha cả thôi! Đã ghê sợ chiến tranh mà còn mở miệng ra rả nói đến chiến công này nọ thì kể cũng nực cười!
Chúng ta bật cười thật:
- Ừ nhỉ, ông nói có lý đấy! Chúng tôi hơi bị hồ đồ… Thưa NTT, ông kêu chúng tôi quay lại và chúng tôi đã quay lại rồi đây. Giờ thì ý ông muốn gì?...
- Chẳng gì sất, chỉ muốn mấy cha theo tôi đi “mót cá”.
- Mót cá?! À...à!...
Và chúng ta nhớ lại tuổi thơ xưa. Hồi ấy, nghe tin ở đâu có tát ao bắt cá là chúng ta rủ nhau đến đó, chực chờ người ta bắt xong là chúng ta ào xuống mò lại gọi là mót cá. Thường thì chỉ kiếm được vài con cá nhỏ cỡ một hai ngón tay. Nhưng đôi khi cũng vớ được cá to, do hoảng sợ mà rút sâu trong bùn, mừng hết lớn. Ôi, dĩ vãng ơi, thương nhớ lắm!...
Tiếng NTT vang lên dõng dạc, đưa chúng ta về với hiện tại để lại bắt đầu lưu lạc trong… hoang tưởng:
Nào, đi thôi anh em ơi! Cứ nghĩ rằng chúng ta hành động theo trời xui đất khiến để yên tâm mà… mò. Nếu may mắn, chúng ta sẽ vớ được những con cá đã hóa ngọc (chứ không phải hóa thạch!) mà chúng ta cần. Nhưng trước hết, chúng ta hãy luôn lưu nhớ, đừng bao giờ quên dù chỉ một giây lát, câu chuyện về cái mũ phớt!...
Đúng rồi! Một cái mũ phớt thì bao giờ cũng là một cái mũ phớt. Chỉ có những tâm hồn hoàn toàn tự nhiên (không phải tự do mà hơn cả tự do, tuyệt đối bị ràng buộc nhưng cũng tuyệt đối không bị lệ thuộc!!!) mới thấy nó còn là một con trăn nuốt trọn một con voi trong bụng.



Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG