THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 50/b

 

PHẦN V:     THỐNG NHẤT

“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
A. Anhxtanh

“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.
Upanishad


 CHƯƠNG IX:  LỜI "LẢM NHẢM" SAU CÙNG

 

“Điều gì đã thổi sức sống vào các phương trình và làm cho chúng có thể mô tả Vũ Trụ?”
Stephen Hawking

“Không có thiên tài nào mà không pha lẫn sự điên rồ trong đó”
Arixtốt
“Thiên tài khác ngu ngốc ở chỗ thiên tài có giới hạn”
A. Anhxtanh
“Nếu thực tại không tương đồng với lý thuyết, hãy thay đổi thực tại”
                                                                        A. Anhxtanh
“Có thật nhiều thứ để tìm hiểu, nhưng cũng thật ít thứ đã được tìm hiểu thấu đáo”
Robert A. Heinlein


 (tiếp theo)
Thu và phát bức xạ là hai quá trình tương phản nhau trong một quá trình thống nhất gọi là quá trình thu - phát bức xạ. Thu - phát bức xạ là hiện tượng phổ quát, nền tảng của vận động tự nhiên. Phải nói một thực thể trong Vũ Trụ, xét đến tận cùng vật chất của nó, là một khối bức xạ điện từ. Nghĩa là trong Vũ Trụ thực tại không thể có thực thể nào không phải là một khối được hun đúc nên từ bức xạ điện từ và không thu phát bức xạ điện từ, không thể có thực thể nào chỉ thuần túy thu hoặc phát bức xạ trong quá trình tồn tại của nó, mà chỉ có thể từng lúc từng nơi thu trở nên nổi trội hơn phát bức xạ hoặc ngược lại. Do cơ thể sinh học của chúng ta bị Tự Nhiên hạn định, nên nếu không để ý, chúng ta hầu như không phát hiện được quá trình ấy. Một hòn đá trên mặt đất luôn thu-phát bức xạ nhiệt. Tất cả các vật thể đều phai màu, mòn mỏi theo thời gian, phải chăng đó là biểu hiện của hiện tượng thu-phát bức xạ điện từ? Rồi đây, có thể loài người sẽ phải xây dựng một lý thuyết hoàn toàn mới về hiện tượng thu phát bức xạ điện từ. Theo thuyết này, thu phát bức xạ điện từ là hiện tượng phổ quát, nền tảng nhất của Tự Nhiên Tồn Tại, trong thế giới này, mọi vật chất tồn tại được là nhờ có thu-phát bức xạ điện từ, và cuối cùng, dựa vào thuyết này, mọi hiện tượng tâm linh cũng sẽ được giải thích rạch ròi! Thậm chí căn nguyên cốt lõi về hiện tượng sinh-tử của mọi cá thể sinh vật trong thế giới sinh vật cũng sẽ được tìm thấy trên cơ sở của lý thuyết thu-phát bức xạ điện từ này.

Sự phát hiện ra hiện tượng phóng xạ là có tính tình cờ. Việc nghiên cứu hiện tượng phóng xạ đã hầu như mở toang cánh cửa vào thế giới nội nguyên tử. Vật lý học ngày nay đã quan sát được rất nhiều biểu hiện về vận động vật chất trong đó và cũng đã nhận thức đến mức độ sâu sắc bản chất của sự phóng xạ. Sau đây, chúng ta sẽ kể vắn tắt câu chuyện lịch sử bi hùng của quá trình nghiên cứu ấy và như thường lệ, nếu thấy cần thiết và có khả năng, sẽ đưa ra nhận xét, đánh giá riêng tư đối với quan niệm về tự nhiên của vật lý học trên lĩnh vực này.
Từ thời cổ đại, đã xuất hiện những quan niệm cho rằng vật chất được cấu thành từ những hạt đơn vị rất nhỏ không thể phân chia được nữa, nhưng rất mơ hồ. Triết học Ấn Độ cổ đại gọi hạt đó là “thực thể tế vi”, ở Trung Hoa cổ đại gọi nó là “vô cực”, "thái cực",… Ý kiến nhất quán ngày nay cho rằng, một cách rõ ràng hơn thì người đầu tiên nêu lên sự cấu tạo vật chất từ những hạt đơn vị không thể phân chia được chính là nhà hiền triết Đêmôcrit. Hạt đó được Đêmôcrit gọi là “nguyên tử” và quan niệm đó của ông sau này thường được gọi là “thuyết nguyên tử cổ đại”.
Thuyết nguyên tử của Đêmôcrit thật ra chỉ là kết quả của sự suy lý triết học từ sự ám chỉ ở những hiện tượng hợp thành và phân chia của vật chất xảy ra trong hiện thực. Do đó cũng gây ra được niềm tin nhất định trong tâm hồn con người. Tuy nhiên, niềm tin đó chỉ là niềm tin về một ý tưởng có vẻ hợp lý nhưng mông lung trong mười mấy thế kỷ vì trình độ nghiên cứu khoa học trong suốt thời gian đó đã không đủ năng lực chứng thực.
Mãi đến đầu thế kỷ XIX, giả thuyết nguyên tử về cấu tạo vật chất mới được củng cố thêm một bước. Dù sự củng cố đó vẫn chỉ bằng một tiên đoán, nhưng là một tiên đoán rút ra từ những thực nghiệm khoa học, cho nên có thể coi đó cũng là bước đầu tiên, làm cho giả thuyết nguyên tử chính thức trở thành một đối tượng của khảo cứu khoa học. Theo dõi hiện tượng phản ứng hóa học làm cho (các) chất tham gia phản ứng biến thành (các) chất mới, nhà hóa học người Anh, tên là J. Đantơn (John Dalton, 1766-1844), đã nêu ra ý niệm “nguyên tố hóa học”. Ông cho rằng nguyên tố hóa học, là phần tử nhỏ nhất của một chất vẫn còn giữ nguyên tính chất của chất đó. Cũng theo Đantơn thì nguyên tố hóa học đều do các nguyên tử cấu tạo nên và nguyên tử là phần tử nhỏ nhất của vật chất, không thể phân chia. Khi một phản ứng hóa học xảy ra, các nguyên tố hóa học “cũ” (nghĩa là các chất cũ) chuyển biến thành các nguyên tố hóa học “mới” (nghĩa là các chất mới) bởi sự phân ly hay hợp thành của các nguyên tử.
Trong gần suốt thế kỷ XIX, quan niệm của Đantơn được các nhà khoa học thừa nhận. Tuy nhiên, lúc này nhận thức của họ về “chất” đã sâu sắc hơn vì đã có sự phân biệt rõ ràng giữa “đơn chất”, “hợp chất” và “tạp chất”. Đơn chất là sự hợp thành của các nguyên tố cùng loại, hợp chất là sự hợp thành của hai hay nhiều nguyên tố khác loại liên kết chặt chẽ với nhau, còn tạp chất chỉ là sự pha trộn cơ học của các chất hay hợp chất. Như vậy, dù có quá trình phức tạp đến mấy chăng nữa thì kết quả của bất kỳ một phản ứng hay biến đổi hóa học nào cũng chỉ hoặc là tạo thành các tổ hợp chất mới từ các nguyên tố tham gia, hoặc cùng lắm là tách ra được các đơn chất thuần khiết. Điều này đã giải thích vì sao mà mọi nỗ lực của các nhà giả kim thuật thời Trung cổ nhằm biến nguyên tố này thành nguyên tố khác, cụ thể là biến thủy ngân hay chì thành vàng đều dẫn đến thảm bại. (Cần nói thêm rằng, xét ở góc độ này thì tham vọng của các nhà giả kim thuật thời Trung cổ chỉ là một ảo tưởng điên rồ vĩ đại, nhưng xét ở góc độ rộng lớn hơn thì tham vọng đó của họ cũng không đến nỗi vô lý lắm, vì trong thiên nhiên vẫn có hiện tượng nguyên tố này (hay đơn chất này), theo thời gian, chuyển biến thành nguyên tố khác (hay đơn chất khác). Hơn nữa, dù những nỗ lực của họ trong thực tế không đạt được tham vọng của họ, thì cũng không hoàn toàn uổng công, vô ích. Công lao của các nhà giả kim thuật châu Âu thời Trung cổ không phải là nhỏ trong sự nghiệp phát triển lý thuyết hóa học. Rõ ràng, ngay trong thế kỷ XX, các “nhà giả kim thuật” hiện đại, trong một chừng mực nhất định, khi làm ra được kim cương nhân tạo..., thì coi như đã thực hiện được ước mơ điên rồ của các bậc tiền bối đó!
Sự phát triển của điện học đã là nhân tố đầu tiên đưa ra bằng chứng chống lại quan niệm nguyên tử là những hạt vật chất nhỏ nhất và bất khả phân chia. Những nghiên cứu về điện thời kỳ đầu dẫn đến ý niệm “chất điện” xuất hiện vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII. Khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, những thực nghiệm về hiện tượng điện giải làm hình thành nên ý niệm “hạt điện” hay “nguyên tử điện”.
Cũng vào nửa đầu thế kỷ XIX, những nghiên cứu về quang phổ Mặt Trời đã phát hiện ra thêm hai tia hồng ngoại và tử ngoại (còn gọi là tia cực tím). Tia hồng ngoại là tia ngoài vùng ánh sáng thấy được ở phía tần số thấp, được nhà thiên văn người Anh gốc Đức tên là Herschel phát hiện. Tia tử ngoại là tia cũng ngoài vùng ánh sáng nhìn thấy được nhưng ở phía tần số cao, được Ritter và Wollaston phát hiện vào năm 1803. Được tái hiện lại bởi Becquerel vào năm 1842 và bởi Stoken vào năm 1852 trong quá trình nghiên cứu hiện tượng phát sáng của một số chất dưới tác dụng của ánh sáng Mặt Trời (thường gọi là hiện tượng huỳnh quang).
Năm 1886, Hittorff tiến hành một thực nghiệm tạo ra hiện tượng phóng điện trong khí loãng: trong ống thủy tinh dài khoảng 50cm đã được hút không khí tạo một áp suất thấp nhất định và nếu giữa hai điểm cực được áp một hiệu điện thế đủ lớn thì catod sẽ phát ra những tia gọi là “tia âm cực”.
Đến năm 1888, hiện tượng có những kim loại, khi bị tia cực tím chiếu vào thì thoát ra từ đó nhiều hạt mang điện tích âm, cũng chính thức được xác nhận. Năm 1891, Stoney đề nghị gọi những hạt mang điện tích âm là “điện tử”. Năm 1895, J. Perrin, trong luận án tiến sĩ của mình, đã chứng minh tia âm cực là sự hợp bởi những hạt điện tử.
Nhà vật lý học nổi tiếng người Anh, J. Thomson (1856-1940) đã xác định được, những hạt điện âm thoát ra từ catod cũng chính là những hạt điện âm thoát ra từ các kim loại bị chiếu bởi tia cực tím, hơn nữa, chúng có mặt trong nội tại mọi nguyên tử và có thể thoát ra khỏi nguyên tử dưới tác động của từ trường. Đặc biệt, năm 1897, Thomson đã thực hiện được một thí nghiệm mang tính cách mạng, khẳng định điện tử là hạt mang điện tích âm nhỏ nhất của vật chất. Trên cơ sở đó, năm 1898, Thomson đề xuất ra một mô hình cấu tạo của nguyên tử: nguyên tử là một khối cầu bé nhỏ, có điện tích dương nhưng được trung hòa bởi các điện tử, mà theo như chính lời ông nói: “Hình ảnh đó giống như chiếc bánh ngọt có rắc nho khô”. Đó cũng là mô hình cấu tạo nội tại nguyên tử đầu tiên của nhân loại.
Mô hình nguyên tử của Thomson dù còn rất nhiều hạn chế, chưa đủ sức trả lời được nhiều câu hỏi về nội tại nguyên tử, thì nó cũng đã làm lung lay đến tận gốc rễ cái quan niệm nguyên tử là một khối đồng nhất và bền vững, không thể phân chia. Quan niệm ấy bị sụp đổ hoàn toàn là nhờ có sự phát hiện và quá trình nghiên cứu hiện tượng phóng xạ.
Hiện tượng phóng xạ được khám phá ra từ những tình cờ thú vị. Tuy nhiên, theo chúng ta thì đó là những tình cờ hàm chứa sự tất yếu vì chúng xảy ra trong một quá trình nghiên cứu thực nghiệm khoa học có chủ đích.
Tháng 9-1895, nhà vật lý người Đức tên là Rơnghen (W. C. Rơnghen, 1845-1923) bắt tay thực hiện lại các bước thí nghiệm “Hiện tượng phóng điện trong khí loãng” bằng ống chân không Crookes (được sáng chế 40 năm trước đó). Ống Crookes được ông bọc giấy đen. Vào một buổi chiều tối, khi ống Crookes đang hoạt động, Rơnghen bất ngờ phát hiện một vệt sáng màu xanh lục nhạt trên một chiếc ghế gần đó. Thì ra đó là nơi ông có để một màn huỳnh quang. Khi ngắt điện (ống Crookes ngừng hoạt động), vệt sáng cũng mất theo. Rơnghen tái hiện hiện tượng nhiều lần và rút ra nhận xét: Chùm điện tử phát ra từ catod (tia âm cực) trong ống Crookes đập vào vật (gọi là “đối catod”) làm vật này phát ra tia xuyên qua giấy đen đến màn huỳnh quang gây ra sự phát quang. Là một người thận trọng, ông cải tiến lại ống Crookes và lặp đi lặp lại thí nghiệm. Một lần, trong khi thực hành thí nghiệm tay ông vô tình che hướng tia đến màn huỳnh quang và lạ thay ông thấy trên màn huỳnh quang là một bộ xương bàn tay đang cử động. Sau đó, ông lấy một cuốn sách dày, rồi lần lượt là tấm gỗ, thủy tinh, êbôrit, cao su, để che thì màn huỳnh quang vẫn sáng. Tia đó còn xuyên qua các tấm kim loại mỏng trừ chì và bạch kim. Hơn nữa, trong buồng tối, các tấm kính ảnh bị tia đó chiếu đều hóa đen như khi bị ánh sáng Mặt Trời tác dụng. Cuối cùng, Rơnghen đi đến kết luận chắc chắn rằng ông đã phát hiện ra một tia lạ (nên ông gọi là tia X) mà khoa học chưa từng biết. Tia X cũng ở ngoài vùng phổ ánh sáng nhìn thấy, cũng tác dụng (làm đen) kính ảnh như tia hồng ngoại hay tử ngoại nhưng khả năng xuyên thấu của nó mạnh hơn nhiều so với tia tử ngoại.
Một lần, vợ của Rơnghen đến phòng thí nghiệm thăm ông. Trong niềm vui về khám phá của mình và cũng muốn chia sẻ niềm vui ấy với vợ, Rơnghen đã bảo vợ đặt bàn tay lên kính ảnh và phát tia X đến đó. Sau khi hình ảnh được tráng rửa, bà vợ Rơnghen xem và quá đỗi kinh ngạc trước bàn tay lộ rõ cả phần xương cùng chiếc nhẫn cưới đeo ở một ngón tay. Đó là bức ảnh chụp bằng tia X đầu tiên của nhân loại.
Ngày 28-12-1895, Rơnghen công bố phát hiện của mình. Ngay lập tức, hàng trăm nhà nghiên cứu hăm hở lặp lại thí nghiệm của Rơnghen để tìm hiểu sâu hơn về tia X. Ngày nay, tia X còn được gọi là tia Rơnghen để tưởng nhớ công lao (nhất là đối với y học) người đã khám phá ra nó và mọi người đều biết nó là bức xạ điện từ mà trong dải quang phổ nằm kề vùng tử ngoại và có tần số cao hơn tần số của tia tử ngoại.
Chuyện thú vị ngoài lề là sau khi Rơnghen công bố thành quả thí nghiệm của ông. Trong xã hội nổi lên dư luận ông là một tay phù thủy biến người thành bộ xương và hô hào đòi… thiêu cháy ông. Tuy nhiên, thời Trung cổ đã qua lâu rồi!...
Trong số những nhà nghiên cứu quan tâm đến tia X có cả Becquerel. Ông nhanh chóng làm quen với ông Crookes, thực hiện lại thí nghiệm của Rơnghen và cũng thấy được hiện tượng phát sáng rõ rệt gây ra bởi tia X. Đã từng nghiên cứu về hiện tượng huỳnh quang trong một thời gian dài nên Becquerel nảy ra một liên tưởng dẫn tới nhận định: dù mạnh yếu khác nhau nhưng tất cả các tia có phổ thấy được và không thấy được đều có một tính chất chung là làm đen kính ảnh; nếu các chất phát quang mạnh cho ra tia hồng ngoại, tử ngoại thì cũng có thể cho ra tia X. Đặt vấn đề như thế, Becquerel bèn làm một thí nghiệm. Trước hết, ông bọc kín tấm kính ảnh cẩn thận bằng vài lớp giấy đen rồi đặt dưới ánh nắng Mặt Trời. Tiếp đó ông lấy một mẫu chất huỳnh quang phát sáng rất mạnh khi ánh Mặt Trời chiếu vào mà ông có sẵn (đó là chất muối sunfat urani kali) đặt lên trên tấm kính ảnh đã bọc giấy đen đó. Nếu chất huỳnh quang không phát ra tia X hay một tia có tính xuyên thấu tương tự thì tấm kính ảnh sẽ không bị hề hấn gì.
Sau vài giờ, Becquerel đem tấm kính ảnh đi tráng rửa. Phỏng đoán của ông đã được chứng thực: dấu vết của cục muối urani hiện lên rất rõ ràng trên kính ảnh. Lặp lại thí nghiệm vài lần, kết quả đều như vậy, khiến Becquerel vui mừng định viết bài báo công bố phát hiện của mình. Tuy nhiên, với tính cẩn trọng thường thấy ở các nhà thực nghiệm, ông quyết định thực hiện thí nghiệm thật tỉ mỉ lần cuối cùng.
Đó là một quyết định mang tính định mệnh dẫn đến một quyết định mang tính linh cảm để rồi có được một phát hiện mang tính tình cờ nhưng có ý nghĩa thực sự lớn lao. Nếu không có sự phát hiện đó, sự phát triển của vật lý học có lẽ phải bị chậm lại nhiều năm.
Khâu chuẩn bị đã xong nhưng không thể thực hiện được cuộc thí nghiệm cuối cùng vì thời tiết trở nên quá xấu. Mặt Trời bị những đám mây nặng như chì che khuất. Becquerel đành đem tấm kính ảnh đã bọc giấy đen cẩn thận và, có cục muối bên trên, cất vào hộc kéo. Mấy ngày sau vẫn chưa có nắng. Không hiểu vì sao, có lẽ một phần cũng do sốt ruột, Becquerel quyết định dù sao cũng cứ tráng rửa tấm kính ảnh. Ông đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy hình ảnh cục muối urani hiện trên tấm kính ảnh còn rõ nét hơn so với hình ảnh của nó trong những lần thí nghiệm trước, mặc dù không hề có một sự phát huỳnh quang nào của muối urani trong ngăn bàn tối om, nhất là vào những ngày mây mù ảm đạm.
Thực hiện bổ sung vài thí nghiệm nữa, Becquerel đi đến khẳng định quan trọng: muối sunfat urani kali, dù dưới ánh sáng Mặt Trời hay trong bóng tối, đều phát ra những tia có tính xuyên thấu và tác dụng như tia X. Ông gọi tia này là “tia Urani”.
Ngày 26-2-1896, Becquerel công bố thí nghiệm của mình. Cả thế giới khoa học xôn xao về hiện tượng phát tia dị thường và huyền bí. Nhiều nhà nghiên cứu gấp rút chú tâm về đó tìm hiểu. Trong số đó có Marie Currie, người Pháp gốc Ba Lan, sau này được tôn vinh là nhà nữ bác học kiệt xuất nhất thế kỷ XX. Có thể nói ngày này không những chính thức được ghi nhận là ngày nhân loại phát hiện ra hiện tượng phóng xạ, mà còn là ngày mở màn cho cuộc công phá mãnh liệt trong hiện thực vào thế giới hạ nguyên tử, và đồng thời cũng là ngày cáo chung của cái quan niệm nguyên tử là thực thể vật chất nhỏ nhất bất khả phân chia.
Marie Currie tên thời con gái là Maria Sklodowska. Bà sinh ngày 7-11-1867 tại Vacxava (thủ đô Ba Lan) trong một gia đình nhà giáo nghèo. Lớn lên, bà và người chị gái Bryon (Bronislawa Sklodowska) của bà là những thiếu nữ rất hiếu học. Thời đó, chính phủ Ba Lan không chấp nhận phụ nữ theo học tại các trường đại học. Việc một phụ nữ theo đuổi nghiên cứu khoa học vẫn bị coi là dị hợm. Vì vậy, hai chị em Marie đều chung mơ ước sang Pari, thủ đô nước Pháp để học tập. Tuy nhiên, hoàn cảnh kinh tế gia đình đã không thể đáp ứng nguyện vọng đó cho cả hai chị em cùng một lúc. Thế là hai người đành đi đến thỏa thuận ưu tiên cho Bryon sang Pháp học, Marie ở lại, làm gia sư cho một nhà điền chủ trong vùng để kiếm tiền tiếp tục theo học tại “Trường đại học lưu động” do một số trí thức yêu nước bí mật lập ra, đồng thời hỗ trợ kinh phí thường kỳ cho Bryon.
Trong thời gian làm gia sư, giữa Marie và con trai người điền chủ nảy nở một mối tình say đắm. Hai người định đi đến hôn nhân nhưng không được bố mẹ chàng trai chấp nhận. Chàng trai là một thư sinh nhút nhát nên đã từ bỏ Marie. Mối tình đầu đổ vỡ khiến Marie vô cùng đau khổ và định tìm đến cái chết nhưng rất may bạn bè bà đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Người chị Bryon học xong đại học y khoa và cũng đã có việc làm đã mở ra khả năng cho Marie lên đường sang Pari. Marie bước vào trường đại học Sorbonne lúc đã 24 tuổi. Sẵn trí thông minh cùng với sự nỗ lực, Marie nhanh chóng trở thành một sinh viên nổi bật về thành tích học tập xuất sắc. Tuy nhiên cũng vì nỗ lực học tập trong điều kiện sinh hoạt quá kham khổ, ăn uống luôn thiếu thốn (thậm chí có khi suốt một thời gian dài ăn bánh mì với nước trà đường) nên Marie mắc bệnh thiếu máu và hay bị ngất.
Sau khi tốt nghiệp, Marie có ý định trở về Ba Lan làm việc. Song một sự kiện định mệnh đã giữ bà lại làm công dân nước Pháp vĩnh viễn và đi vào lịch sử khoa học nói chung cũng như lịch sử khám phá hiện tượng phóng xạ nói riêng như một tấm gương sáng ngời về niềm say mê khoa học, về tinh thần vượt qua mọi khó khăn gian khổ trong nghiên cứu khoa học cũng như về tinh thần giản dị, trong sáng, bất vụ lợi và đầy hy sinh trong sự nghiệp phụng sự loài người. Đầu năm 1894, Marie nhận lời mời của Hội doanh nghiệp Pháp tham gia nghiên cứu từ tính của các loại thép. Bà đã nhờ đến sự trợ giúp của một vị giáo sư vật lý gốc Ba Lan. Vị này giới thiệu Marie với Pierre Curie, nhà khoa học 35 tuổi, chưa vợ và đã nổi tiếng. Cuộc gặp gỡ giữa hai người nhanh chóng làm xuất hiện một hiện tượng tâm đầu ý hợp kỳ lạ và hiếm hoi trong hợp tác nghiên cứu khoa học mà ở đó, có lẽ tiếng sét ái tình của duyên phận đã góp phần quyết định.
Pierre Curie sinh ngày 15-5-1859 tại Pari, lớn lên theo học trường đại học Sorbonne rồi trở thành giáo sư môn vật lý tại trường vật lý và hóa học Pari năm 1895. Từ năm 1904, Pierre là giáo sư trường đại học Sorbonne. Ngày 3-7-1905, ông được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pháp. Ngoài những thành tích khoa học đã gặt hái được cùng với Marie, ông còn có nhiều đóng góp về lý thuyết đối xứng tổng quát và viết nhiều sách có giá trị về điện học. Ông cũng là người chế tạo ra nhiều máy móc về điện như tĩnh điện kế, tụ điện, cân từ tính… Chiều ngày 19-4-1906, Pierre đã thiệt mạng trong một tai nạn xe ngựa trên đường phố Pari. Ông qua đời làm cho nước Pháp mất đi một nhà khoa học nổi tiếng ở độ tuổi vẫn còn tràn đầy những hứa hẹn cho khoa học.
Sau hơn một năm quen nhau, vào tháng 7-1895, Marie và Pierre tổ chức kết hôn. Đám cưới của họ đơn sơ đến mức đạm bạc. Sau kết hôn, Marie tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo sư phạm và với sự động viên của chồng, bà quyết định phấn đấu để đạt được học vị tiến sĩ vật lý. Đang lúc định hướng nghiên cứu thì thí nghiệm của Becquerel được công bố, trở thành sự kiện gây hứng khởi nổi bật, và qua sự gợi ý của chính Becquerel, Marie đã chọn hiện tượng phát tia urani từ muối uranit làm đề tài nghiên cứu khoa học của mình. Lúc đó chắc bà không ngờ rằng đã chọn con đường vô cùng khó khăn gian khổ và nhọc nhằn nhưng cũng đầy vinh quang.
Vừa bắt tay vào nghiên cứu, Marie đã nhanh chóng chứng minh được rằng hiện tượng phóng tia urani không phải là kết quả của phản ứng hóa học đơn thuần mà có nguyên nhân từ thuộc tính nội tại nguyên tử. Hơn nữa, đi sâu nghiên cứu thí nghiệm các loại quặng uranit thiên nhiên, Marie phát hiện ra điều hết sức quan trọng: tia urani phát ra từ các quặng đó mạnh hơn hẳn tia urani phát ra từ chất urani tinh chế. Phát hiện đó tất yếu dẫn đến giả thiết rằng, trong các quặng uranit phải tồn tại ít ra là một nguyên tố chưa biết có khả năng phát tia mạnh hơn của urani. Cuối năm 1898, Marie kết luận chắc chắn có một nguyên tố như vậy với bằng chứng là một vạch lạ trong quang phổ của quặng uranit. Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học, với bằng chứng đó thôi là chưa đủ sức thuyết phục.
Nhận thấy tầm quan trọng và triển vọng to lớn của đề tài khoa học mà Marie đang theo đuổi, Pierre đã gác lại mọi công việc nghiên cứu tinh thể của mình để toàn tâm toàn ý kề vai sát cánh bên vợ tìm cách chiết tách cho được chất huyền bí đó. Vợ chồng Marie đã phải tiến hành công việc trong một điều kiện cực kỳ vất vả và thiếu thốn mọi bề. Hai người phải tìm hỏi mãi mới có được nơi tiến hành xử lý quặng và thực hành các thí nghiệm. Đó là một nhà kho tồi tàn, chật hẹp, nhiệt độ vào mùa đông thường khoảng 6oC, mượn được của trường Hóa học và Vật lý Pari mà theo nhận xét của một nhà hóa học lúc đó thì “trông nó giống như một cái chuồng ngựa hay một cái hầm chứa khoai tây hơn là phòng thí nghiệm”. Vợ chồng Marie thường chỉ có thể tiến hành phục vụ nghiên cứu khoa học ở đó vào ban đêm vì ban ngày họ còn phải đi giảng dạy để kiếm sống.
Sau 4 năm cật lực với hàng tấn quặng uranit và miệt mài với hàng loạt các thí nghiệm, năm 1903, vợ chồng Marie đã thu được một lượng dù là ít ỏi nhưng cũng đủ để chứng thực sự tồn tại của không những một mà là hai nguyên tố lạ, tự phát tia rất mạnh. Như vậy, không phải chỉ có nguyên tố urani mới phát ra tia urani. Chính phát hiện này mà vợ chồng Marie đưa ra thuật ngữ “phóng xạ” và tia urani từ đó cũng được gọi là tia phóng xạ. Một trong hai nguyên tố mới xác định đó được vợ chồng Marie đặt tên là poloni (nhằm tưởng niệm tổ quốc Ba Lan của Marie, tiếng Pháp: Pologne nghĩa là Ba Lan). Nguyên tố poloni phát xạ mạnh gấp khoảng 400 lần so với urani tinh chế. Nguyên tố còn lại được vợ chồng Marie đặt tên là Pradi (radiation nghĩa là phát xạ). Nguyên tố này phát xạ rất mạnh, gấp gần một triệu lần so với sự phát xạ của urani nguyên chất.
Nhớ lại quãng thời gian lao động sáng tạo phi thường ấy, có lần Marie đã nói: “Gần 4 năm trời ròng rã đó, chúng tôi không có tiền, cũng chẳng có một ai giúp đỡ, song tôi có thể nói không chút khoa trương rằng, mấy năm đó là thời kỳ anh dũng và cũng hạnh phúc nhất trong cuộc sống của hai vợ chồng tôi”.
Cũng trong năm 1903, Marie được phong học vị “tiến sĩ vật lý quốc gia” và cuối năm này, hai vợ chồng bà cùng Macquerel được được trao giải Nobel vật lý. Marie trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới nhận được giải thưởng này.
Phát hiện ra hiện tượng phóng xạ tạo ra một bước ngoặt cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định đến khả năng tiếp cận sâu rộng của khoa học vào tầng Vũ trụ vi mô, cụ thể là tầng hạ nguyên tử, đến với kho tàng ẩn chứa hầu như nhiều vô tận thứ tối cần thiết cho hoạt động sống còn của nhân loại văn minh trong một tương lai đã đến gần, đó là năng lượng. Tuy nhiên, lời phát biểu có tính cảnh báo và cảm nhận tiên tri của Pierre Curie khi mới phát minh ra hiện tượng phóng xạ, vẫn còn đang vang vọng: “Có thể thấy trước một cách dễ dàng là trong những bàn tay tội ác, radi có thể trở thành một vật rất nguy hiểm. Do đó nảy ra một câu hỏi: vậy việc phát hiện những bí mật của tự nhiên có thực là một lợi ích đối với nhân loại hay không? Đã thật sự đến lúc cần biết chúng để sử dụng chúng một cách đúng đắn chưa, hay việc biết đó chỉ mang lại tai họa cho nhân loại? Phát minh của A. Nôben, về mặt này, là một ví dụ điển hình. Những chất thuốc nổ mạnh giúp con người làm nên những kỳ công tuyệt vời, nhưng chúng cũng là một phương tiện phá hoại ghê gớm trong tay những tên tội phạm lớn đang đẩy các dân tộc vào con đường chiến tranh… Tôi thuộc loại người tin tưởng rằng những phát minh mới sẽ đem lại cho nhân loại ích lợi nhiều hơn là tai họa…”
Thế thì hơn một thế kỷ nay, chúng ta hãy tự hỏi mình, kể từ khi vợ chồng Marie tách lập được Radi và Poloni cho đến những năm đầu thuộc thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, giữa khổ đau và sung sướng, giữa tai họa và ích lợi, loài người nhận được thứ nào nhiều hơn từ sự nghiên cứu hiện tượng phân rã phóng xạ? Thật khó mà trả lời cho dứt khoát được! Trong lời phát biểu của mình, Pierre đã coi trường hợp A. Nôben như một điển hình của sự trái khoáy trớ trêu trong nghiên cứu khoa học. Vậy A. Nôben là ai? A. Nôben (Alfred Bernhard Nobel, 1833-1896) là người Thụy Điển, lúc nhỏ có năng khiếu về khoa học kỹ thuật, lớn lên đi sâu vào nghiên cứu chất nổ. Trước ông, Nitroglycerin đã được biết là một chất nổ cực nhạy. Do nghiên cứu chất này mà năm 1864, nhà máy của ông phát nổ. Rất nhiều công nhân thiệt mạng, trong đó có cả em trai ông. Sau lần tai nạn đó, sự nghiên cứu Nitroglycerin hầu như bị mọi người bác bỏ, nhưng Nôben vẫn quyết giữ ý định chế tạo bằng được thuốc nổ cho thực tế ứng dụng. Quá trình thử nghiên cứu kết hợp Nitroglycerin với các chất khác, Nôben đã tạo ra được thuốc nổ mạnh dynamit cũng như một số thuốc nổ khác. Nói chung, tổng số sáng chế đã đăng ký và được lưu trữ ở Anh là 129 công trình. Từ việc sản xuất thuốc nổ (Nôben có 15 công ty sản xuất thuốc nổ trên thế giới) và khai thác dầu mỏ mà ông trở nên giàu có. Do chế tạo và sản xuất thuốc nổ mà sinh thời, nhiều người coi ông là hung thần phá hoại, có người gọi thẳng ông là “tên sát nhân”. Có lẽ điều đó đã tác động mạnh đến tâm hồn Nôben nên trước khi qua đời, ông đã di chúc dành phần lớn tài sản của mình (khoảng 70 triệu Curon, tiền Thụy Điển, có giá trị lớn thời bấy giờ) để làm quỹ cho giải thưởng cũng do chính ông đề xướng, được gọi là giải Nôben. Lợi tức hàng năm của số tiền đó được chia đều thành 5 phần cho 5 giải thưởng ở 5 lĩnh vực: Vật lý học, Hóa học, Sinh học, Y học, Văn học và về hoạt động Bảo vệ hòa bình. Năm 1969, có thêm giải Nôben về Kinh tế học.
Thật là oái oăm khi một giải thưởng tôn vinh trí tuệ và lương tri con người lại được thành lập trên cơ sở những đồng tiền kinh doanh thuốc nổ, thứ mà tác dụng nổi bật của nó là tàn phá môi trường thiên nhiên và hủy diệt sinh linh, nhất là làm tăng trưởng đột biến khả năng giết chóc hàng loạt lẫn nhau trong nội bộ loài người. Chúng ta cho rằng sự oái oăm đó, dù có gán cho Nôben thì xét đến cùng, không phải là do ông gây ra, mà chính là sự thể hiện cái lý trí còn lầm lạc, chưa sáng suốt, cái ý chí bị lũng đoạn bởi tham lam, thèm khát danh lợi đầy vị kỷ và quá độ, cũng như bởi lòng thù hận của con người nói chung.
Cùng với việc cô lập dược radi, vợ chồng Marie còn phát hiện ra tác dụng tiêu diệt tế bào bởi tia phóng xạ của nó. Thế là họ xem xét luôn cả việc tìm cách sử dụng tia phóng xạ này vào việc chữa trị ung thư. Trong quá trình xem xét tìm hiểu đó, nhiều khi họ tiến hành thí nghiệm ngay trên cơ thể mình. Vì thế vợ chồng Marie cũng được cho là những người đi tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng chất radi chống bệnh ung thư và ngày nay “xạ trị” (chữa bằng tia phóng xạ) đang là phương pháp hữu hiệu chữa loại bệnh nan y này.
Sau khi Pierre mất vì tai nạn giao thông, Marie được phong giáo sư, và được mời thay thế chồng mình giảng dạy môn vật lý ở trường đại học Sorbonne. Lần đầu tiên ở Pháp, một học hàm cao như vậy được trao cho một phụ nữ.
Năm 1911, Marie được trao giải Nobel hóa học. Bà cũng lại là người đầu tiên trên thế giới nhận được hai giải thưởng danh giá này. Đặc biệt cho đến nay, Marie vẫn là người phụ nữ duy nhất trên thế giới được hai lần trao giải Nobel.
Năm 1914, Viện Radi ở Pari được thành lập và Marie trở thành giám đốc đầu tiên của viện này. Viện Radi ở Pari chính là cơ sở đầu tiên trên thế giới nghiên cứu ứng dụng phóng xạ Radi trong điều kiện ung thư.
Marie say mê trong nghiên cứu khoa học bao nhiêu thì cũng nhiệt tình trong các hoạt động nhân đạo bấy nhiêu và dù ở đâu, làm bất cứ việc gì, bà cũng tỏ ra là một người có tâm huyết trong sáng, quên mình. Có lần bà nói: “Nếu như biết sống để theo đuổi lý tưởng với một tinh thần chân chính và tự do, có nghị lực để tiến lên phía trước, làm việc một cách thành thật chứ không tự dối mình, thì có thể đạt đến mức độ chân – thiện – mỹ.”
Có chuyện rằng, thời đó vì rất khó khăn trong việc tách Radi nguyên chất từ quặng và công dụng điều trị ung thư của nó cũng đã được thừa nhận nên nó trở thành chất rất quý hiếm. Giới đầu tư đua nhau trả giá rất cao để cố mua phương pháp tinh luyện radi của Marie. Bà không bán vì cho rằng “làm như thế là phản lại tinh thần khoa học” và đã công bố cho thế giới biết tiến trình tách poloni và radi của bà mà không đăng ký lấy bằng sáng chế. Chuyện nữa, năm 1921, Marie sang Mỹ để vận động gây quĩ cho công cuộc nghiên cứu radi. Tổng thống Mỹ lúc đó là Warren Hariding đã thay mặt phụ nữ Mỹ, tận tay thư đề tặng và một gam radi. Đọc thư tặng, bà đề nghị: “Thư tặng này cần phải sửa lại. Một gam radi mà nước Mỹ tặng tôi hãy nên mãi mãi là của khoa học (…). Nhưng nếu theo thư này nói thì sau khi tôi mất đi, một gam radi đó sẽ trở thành của riêng, mà cụ thể là thành tài sản của con gái tôi. Điều này hoàn toàn không thể được”. Và thể theo yêu cầu của Marie, chính phủ Mỹ đã phải sửa lại nội dung thư tặng.
Năm 1922, Marie trở thành viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pháp.
Do tiếp xúc nhiều với chất phóng xạ mà Marie đã bị phơi nhiễm phóng xạ. Từ năm 1920, đã có những biểu hiện tàn phá của phóng xạ trên cơ thể của bà. Những ngày tháng cuối đời, bà gần như bị mù, các ngón tay bị cháy xém, tủy xương bị tổn thương nghiêm trọng, hoàn toàn kiệt sức và phải ngưng làm việc. Marie Currie từ trần ngày 14-7-1934 tại Valene nước Pháp, để lại cho đời sau lời nhắn nhủ giản dị: “Trong khoa học, điều quan trọng là phát minh ra cái gì, chứ không phải là bản thân nhà nghiên cứu”.
Điện Pathéon là một tòa lăng mái vòm nổi tiếng. Đó là nơi an nghỉ đời đời của những bậc vĩ nhân nước Pháp. Năm 1995, di hài của Marie được đưa vào điện Pathéon, đặt bên cạnh hài cốt người chồng đoản thọ của bà, người mà sinh thời bà vô cùng yêu quí. Điều thú vị: bà cũng là người phụ nữ đầu tiên mà di hài vinh dự được thờ trong điện Pathéon.
Sau khi Becquerel công bố phát hiện ra tia phóng xạ thì việc tìm hiểu bản chất của nó cũng được kích hoạt trong nghiên cứu và các nhà vật lý nhanh chóng biết được nó không phải là vật chất thuần nhất mà là tập hợp của nhiều tia. Năm 1899, Rudơpho khám phá ra hai tia thành phần trong tia phóng xạ tự nhiên mà ông gọi là tia anpha () và tia bêta (). Năm 1900, Paul Villard khám phá ra tia thứ ba và nó được gọi là tia gamma (). Ngày nay chúng ta đều biết tia chính là dòng hạt gồm các hạt nhân của nguyên tử Hêli, tia chính là dòng điện tử, còn tia chính là dòng các bức xạ điện từ có tần số cao hơn tần số của tia X. Theo vật lý học, nguyên nhân làm xảy ra hiện tượng phóng xạ tự nhiên là các nguyên tử của chất phóng xạ có cấu tạo không bền vững cho nên hạt nhân của chúng bị phân rã và sau khi phát ra những hạt hay bức xạ nhất định, biến thành nguyên tử khác. Nguyên tử của các nguyên tố chất phóng xạ khác nhau thì phát ra những tia thuần nhất khác nhau, có thể là tia , có thể là tia , cũng có thể là tia (tuy nhiên, dù hiếm thấy thì cũng có trường hợp cùng một nguyên tố có thể phát ra hoặc tia hoặc tia ).
Nhưng vì sao một lượng chất phóng xạ thiên nhiên thường vẫn phát ra cùng lúc ba loại tia đó như thực nghiệm vật lý đã cho thấy? Đơn giản là vì một nguyên tố chất phóng xạ (gọi là chất mẹ) khi phóng xạ ra một tia thuần nhất nào đó thì chuyển biến thành nguyên tố chất khác (gọi là chất con). Chất con này cũng được cấu tạo bởi những nguyên tử không bền vững nên lại phóng xạ tiếp, theo cách đặc thù qui định cho nó. Cứ thế, sự phóng xạ có tính hỗn hợp và được duy trì cho đến khi tất cả các nguyên tố chất phóng xạ tồn tại trong lượng chất đang xét trở thành nguyên tố chì. Người ta đã thấy rằng trong thiên nhiên (ở môi trường Trái Đất), hiện tượng phóng xạ tự nhiên được duy trì như trên là có tính mặc định, và thể hiện cụ thể ra dưới dạng ba dãy (còn gọi là chuỗi, dòng họ) phóng xạ mà nguyên tố chất đứng đầu (đóng vai trò nguyên thủy, nguồn cội xuất phát) của mỗi dãy, lần lượt là urani, thori và actini.
Sau một quá trình nghiên cứu tích cực hơn một thế kỷ, các nhà vật lý học đã nhận biết được một cách sâu sắc cơ chế của phân rã phóng xạ tự nhiên. Không những thế, năm 1934, Irene (con gái của Marie Currie) và chồng bà là F. Joliot đã phát hiện ra hiện tượng phóng xạ nhân tạo. Nếu dùng các hạt hạt nhân (như hạt a, nơtrôn…) bắn phá các nguyên tố hóa học thì hầu như nguyên tố hóa học nào cũng tạo ra các chất đồng vị phóng xạ mới chưa từng có trong thiên nhiên. Đặc biệt, năm 1939, hai nhà vật lý người Đức tên là L. Meitner và O. Frisch đã chỉ ra rằng khi bị nơtrôn bắn phá, hạt nhân urani vỡ ra thành hai phần, đồng thời giải phóng ra một số năng lượng khá lớn. Quá trình phân rã đó được gọi là “phản ứng phân hạch hạt nhân”. Ngày 30-4-1939, tức là đúng bốn tháng trước khi phát xít Đức tấn công Ba Lan làm bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai, trên một tờ báo xuất hiện dòng tin ngắn: “Tiến sĩ N. Bo (Niels Bohr) ở Copenhagen tuyên bố rằng, khi dùng nơtrôn chậm bắn phá vào một khối lượng nhỏ chất đồng vị Urani 235 tinh khiết, có thể tạo ra phản ứng dây chuyền hay một vụ nổ nguyên tử với sức công phá kinh khủng, có thể làm bay cả phòng thí nghiệm và tất cả những công trình kiến trúc xung quanh trong phạm vi nhiều dặm”. Nỗi trăn trở đầy lo âu của Pierre Curie năm nào đã bắt đầu trở thành hiện thực! Vào ngày xui xẻo (ngày 13) trong tháng xui xẻo (tháng 6) của năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai (năm 1945) quả bom nguyên tử đầu tiên của nhân loại văn minh, biểu tượng cho một trí tuệ sáng suốt trong điên rồ, được kích hoạt cho phát nổ. Và rồi hậu quả của sự kiện đó như thế nào thì chúng ta đều đã biết.
Nhưng sức tàn phá hủy diệt của bom nguyên tử vẫn chưa là gì so với bom khinh khí (bom H).
Nếu trong tự nhiên xảy ra quá trình phân chia hạt nhân nặng hơn thành những hạt nhân nhẹ hơn thì ắt trong một điều kiện thích hợp, cũng xảy ra quá trình tổng hợp hạt nhân nặng hơn từ những hạt nhân nhẹ hơn.
Năm 1938, nhà vật lý Hans Bethe đã đưa ra giả thuyết để giải thích sự phán tán mãnh liệt và được duy trì lâu dài của Mặt Trời nói riêng và các ngôi sao nói chung. Theo ông, trong lòng Mặt Trời và các vì sao tồn tại một loại chu trình vận động kín gồm sáu phản ứng hạt nhân mà tóm gọn lại là phản ứng tổng hợp hạt nhân sau:
Phản ứng tổng hợp hạt nhân giải phóng năng lượng nhiều hơn hẳn phản ứng phân hạch. Tuy nhiên để phản ứng tổng hợp hạt nhân xảy ra thì cần phải có một nhiệt độ rất cao (khoảng từ 107 đến 109 oK). Ở nhiệt độ đó vật chất không tồn tại ở trạng thái thông thường như rắn, lỏng hay khí mà ở trạng thái gọi là “plasma” (hay còn gọi là trạng thái ion: các hạt nhân và điện tử chuyển động tự do). Cũng vì vậy, phản ứng tổng hợp hạt nhân còn được gọi là “phản ứng nhiệt hạch”.
Ngay từ năm 1920, Rudơpho và Harkins đã cùng tiên đoán về khả năng tồn tại một đồng vị Hydro có khối lượng gấp đôi khối lượng Hydro. Năm 1931, các nhà vật lý đã thu được chất đồng vị này bằng cách cho bốc hơi Hydro hóa lỏng. Vì cách làm đó rất phức tạp và tốn kém nên trong thực tế ứng dụng, các nhà khoa học thu Hydro nặng (còn được gọi là Đơteri, ký hiệu: D) từ nước nặng (D2O), dù lượng nước nặng chỉ có 0,015% trong nước thường.
Khi đã có Đơteri rồi thì có thể thực hiện được các phản ứng nhiệt hạch sau trên Trái Đất:
                       
Nhưng làm sao tạo được một môi trường có nhiệt độ đủ cao trong thực tế cho những phản ứng ấy xảy ra? Hiện nay các nhà nghiên cứu đã tạo được một môi trường plasma có nhiệt độ cao như vậy bằng cách gọi là “ném từ trường”, dù chỉ tồn tại trong vài giây và với thể tích khoảng 4 lít. Có lẽ còn lâu nữa người ta mới có thể tạo ra được lò phản ứng nhiệt hạch có điều khiển trong thực tiễn để phục vụ cho đời sống con người.
Tuy nhiên, có thể thấy sự thể rất oái oăm này: tương tự như trong nghiên cứu hiện tượng phân hạch, trong nghiên cứu hiện tượng nhiệt hạch, do sự thôi thúc của cuộc chạy đua tăng cường sức mạnh vũ trang mà hướng ưu tiên đầu tiên cũng lại là chế tạo bom khinh khí hay còn gọi là bom H. Người ta đã thấy ngay rằng không cần tìm kiếm xa xôi, thứ tạo ra môi trường có nhiệt độ cao để cho phản ứng nhiệt hạch xảy ra chính là bom nguyên tử. Khi bom nguyên tử (cài đặt trong bom H) bị kích nổ, nó gây ra một nhiệt độ cỡ 2x107 oK trong lòng bom H, đồng thời tạo ra nơtron tác dụng vào nguyên tố Liti để cho Triti, dẫn đến phản ứng nhiệt hạch giữa Triti và Detơri. Nơtron xuất hiện từ phản ứng này sẽ gây ra phản ứng phân hạch đối với Urani 238. Quá trình đó giải phóng một năng lượng khổng lồ trong chớp mắt, tạo ra sự bùng nổ của bom H.
Ngày 31-10-1952, trái bom H đầu tiên của nhân loại được Mỹ chế tạo và cho nổ trên đảo hoang Elugelap trong quần đảo Marshall (Nam Thái Bình Dương). Sau cú nổ, hòn đảo biến mất trên bản đồ thế giới. Năm sau, vào ngày 12-8, Liên Xô cho nổ trái bom H mà nước đó chế tạo được. Có lẽ bom H được chế tạo và thử nổ thành công như thế không những nhờ vào công lao của các nhà nghiên cứu vật lý mà còn nhờ vào nhiệt huyết bởi hai cái đầu nóng của hai ông lớn đứng đầu hai phe trên thế giới là Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa! Ôi, nhân loại, trong tương lai còn chế tạo loại bom nào “nổ to” hơn bom H nữa không?
Theo chúng ta quan niệm thì có thể thấy, vụ nổ hạt nhân là vụ giải phóng năng lượng có hiệu quả cao nhất trong Vũ Trụ mà loài người có thể tạo dựng được. Nhưng "vụ nổ" giải phóng năng lượng hoàn toàn, triệt để nhất, phải là vụ nổ không còn "xác" vật chất, tạm gọi là "vụ nổ bức xạ". Sau vụ nổ ấy, vật chất "tan xác" hết thành bức xạ năng lượng. Nếu trong Tự Nhiên có quá trình ấy, thì cũng phải có quá trình ngược lại, tức là quá trình hun đúc nên vật chất từ bức xạ điện từ. Hay cũng có thể nói: bức xạ điện từ là tiền đề tồn tại của vật chất! Chúng ta cho rằng hiện tượng phóng xạ là trường hợp riêng, kịch phát của hiện tượng thu - phát bức xạ. Đó là quá trình ở cường độ cao mà con người quan sát thấy sự phát bức xạ nổi trội lấn át sự thu bức xạ.

                                                                     ***
Tóm gọn lại, vật lý học hiện nay quan niệm về hiện tượng phóng xạ như sau:
Hiện tượng phóng xạ là hiện tượng hạt nhân tự phóng ra các hạt , (có thể là electron, hay politron), bức xạ g, bức xạ X, bắt electron quĩ đạo, tự phân chia thành hai hạt nhân nhẹ hơn phát ra nơtron trễ. Sau khi phân rã phóng xạ, hạt nhân biến thành một nhân khác (nuclid khác) có các tính chất hóa học và vật lý khác với hạt nhân ban đầu. Cho đến nay, người ta đã biết được khoảng 1500 nuclid, trong đó chỉ có khoảng 250 nuclid là bền, còn lại là các nuclid phóng xạ (tự nhiên và nhân tạo).
Các hạt nhân không bền tự phân rã sau một thời gian nào đó tùy theo từng nguyên tố. Trước khi phân rã, hạt nhân không biểu lộ một thay đổi gì. Đúng lúc phân rã, hạt nhân biến đổi các đặc trưng của mình đồng thời cấu trúc lớp vỏ điện tử của nguyên tử cũng biến đổi. Phân rã phóng xạ của một nguyên tố là quá trình có tính thống kê. Không thể nói trước được thời điểm phân rã của một hạt nhân riêng lẻ mà chỉ có thể nói rằng với một khối lượng chất phóng xạ, sau một thời gian nào đó có bao nhiêu phần trăm đã phân rã và còn lại bao nhiêu phần trăm khối lượng của chất đó. Thực nghiệm cho thấy tốc độ phân rã không phụ thuộc vào cách thức thu nhận nguyên tố phóng xạ cũng như những điều kiện khách quan, bên ngoài như nhiệt độ, áp suất, điện từ trường…
Điều đặc biệt là tất cả các chất phóng xạ đều tuân theo một nguyên lý chung về cường độ phóng xạ mà vật lý học đã thiết lập được và gọi là định luật cơ bản của phân rã phóng xạ. Chẳng hạn một lượng chất phóng xạ có số hạt nhân là N thì số N này là một hàm của thời gian và số hạt nhân phân rã trong một đơn vị thời gian tỷ lệ với số hạt N(t) tại thời điểm t. Có thể viết:
Trong đó  là hằng số phóng xạ, đặc trưng cho khả năng phân rã của một nguyên tố phóng xạ nào đó.
Từ biểu diễn trên suy ra được biểu thức cơ bản của định luật phóng xạ:
Trong đó  là số hạt nhân của lượng nguyên tố phóng xạ tại thời điểm t=0.
Quan niệm nêu trên của vật lý học vì được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu rút ra từ những kết quả thực nghiệm nên cũng thỏa đáng. Nhưng sự thỏa đáng đó chỉ trong một chừng mực tương đối nhất định chứ chưa triệt để. Tại sao vậy? Tại vì quan niệm đó đã bắt đầu từ một nhận định, theo chúng ta, là hoàn toàn sai lầm. Nếu tin rằng mọi tồn tại và vận động trong tự nhiên đều phải tuyệt đối tuân theo luật nhân – quả thì từ Vũ Trụ, thiên hà, Mặt Trời cho đến nguyên tử, hạt nhân và tận cùng nhỏ là hạt KG đều không thể tự thân vận động được, đều không thể độc lập tuyệt đối đối với môi trường chứa chúng được (về mặt triết học: môi trường của Vũ Trụ thực tại chính là Vũ Trụ ảo và ngược lại!). Như vậy, sự phân rã phóng xạ không thể là vận động tự thân của hạt nhân như vật lý học quan niệm được.
Thế thì nguyên nhân nào làm cho hạt nhân phân rã phóng xa? Đây là câu hỏi cực kỳ hóc búa mà chúng ta không có một chút khả năng nào để trả lời một cách cụ thể và chính xác được. Đành cố gắng hình dung ra trong hoang tưởng và theo cách suy lý thuần túy của triết học.
Chúng ta bắt đầu với Urani 238, nguyên tố đứng đầu một trong ba dòng họ phóng xạ tự nhiên có trên Trái Đất. Trong điều kiện môi trường Trái Đất ngày nay, chỉ còn thấy các quá trình phân hạch (ngẫu nhiên) nói chung và quá trình phóng xạ tự nhiên nói riêng, nghĩa là chỉ có quá trình “thuận” chứ không có quá trình “nghịch”. Tại sao lại không xảy ra phản ứng nhiệt hạch (tổng hợp hạt nhân) hay tạo ra Urani 238 trong điều kiện bình thường? Theo vật lý học, đó là do lực đẩy Culông, và muốn thắng được lực đẩy này phải cần một môi trường có nhiệt độ rất cao. Nhưng nếu phản ứng tổng hợp hạt nhân Hêli từ hai hạt nhân Hydrô đã đòi hỏi một môi trường có nhiệt độ tối thiểu cũng khoảng 107 - 109 oK thì để tổng hợp được hạt nhân Urani 238 có số proton nhiều hơn hẳn thì rõ ràng là phải cần môi trường có nhiệt độ cao hơn nhiều. Thật là khó hình dung bởi vì nhiệt độ càng cao thì động năng các hạt nhân tham gia phản ứng nhiệt hạch càng lớn, không những làm liên kết nội tại của chúng yếu đi mà còn phải chịu một tác động cơ học càng lớn nếu chướng ngại, do đó, nguy cơ phân rã cũng rất cao. Hơn nữa, trong môi trường có nhiệt độ càng cao có thể xuất hiện những thực thể độc lập tương đối với môi trường có khối lượng càng lớn là trái ngược với quan sát thông thường. Một nghịch lý nữa là nếu hạt nhân Urani 238 từng được cấu thành ngay tại Trái Đất vào một thời kỳ xa xưa nào đó thì lúc đó Trái Đất phải rất nóng, thậm chí nóng hơn Mặt Trời ngày nay! Để tránh đi những trái khoáy đó, chúng ta cần phải tìm một hình dung khác về sự cấu thành hạt nhân Urani 238.
Theo quan niệm của chúng ta, nhiệt độ là số đo qui ước về mức độ rối loạn vận động của một tập hợp, một “khối” hỗn hợp bức xạ điện từ. Trong một khoảng hạn chế nào đó, con người có thể cảm giác được sự rối loạn đó dưới hình thức nóng – lạnh.
Như vậy, mức độ rối loạn bức xạ điện từ càng cao thì nhiệt độ càng tăng. Câu hỏi đặt ra là, nguyên nhân nào gây ra rối loạn bức xạ điện từ? Hiển nhiên, các biểu diễn toán học mà chúng ta đã thiết lập được chỉ ra hai yếu tố tiền nguyên nhân dẫn đến rối loạn bức xạ điện từ là số lượng các bức xạ và mật độ bức xạ trong vùng không gian mà khối bức xạ “chiếm lĩnh” yếu tố tiền nguyên nhân này có mối quan hệ hữu cơ khăng khít với nhau, chuyển hóa lẫn nhau, nhưng yếu tố thứ nhất luôn đóng vai trò tiền đề cho sự tồn tại của yếu tố thứ hai. Nói cách khác, đối với một khối rối loạn bức xạ điện từ thì số lượng của bức xạ “làm nên” nhiệt lượng và “mức độ rối loạn” (mật độ bức xạ) “làm nên” nhiệt độ của khối.
Trong môi trường chân không “tự do”, do có sự chi phối của nguyên lý ưu tiên lan truyền bức xạ nên không thể tồn tại tự nhiên một khối bức xạ như một thực thể vận động tương đối độc lập, hoặc nếu có tồn tại thì cũng “nhạt nhòa” có tính “thoáng qua”. Do đó mà mối quan hệ giữa hai yếu tố tiền nguyên nhân nói trên cũng không thể hiện hoặc thể hiện mờ nhạt và không có tính duy trì. Cho nên, khi nói đến một khối bức xạ tồn tại và vận động nội tại như một thực thể, thì coi như khối bức xạ ấy đã được cách ly (tương đối) bởi một mặt (cầu) đối với môi trường chân không, nghĩa là phải hình dung đến một hệ cô lập (tương đối) tập hợp một số lượng bức xạ nhất định. Trong một hệ cô lập (tương đối) chứa bức xạ như vậy, mối quan hệ giữa hai yếu tố tiền nguyên nhân gây ra sự rối loạn bức xạ sẽ thể hiện nổi trội, dễ nhận biết.
Giả sử xét một hệ cô lập chứa bức xạ có thể tích không đổi dưới bất cứ tác động nào. Nếu số lượng bức xạ là không đáng kể thì coi như không có rối loạn. Một dòng ánh sáng lan truyền từ Mặt Trời nóng bỏng đến Trái Đất có chứa nhiệt lượng không? Có thể có nhưng không đáng kể. Vì trong suốt quãng đường lan truyền không có vật cản, do qui luật truyền thẳng của ánh sáng, các sóng điện từ làm rối loạn lẫn nhau không đáng kể, suy ra dòng ánh sáng ấy hầu như không có nhiệt lượng, nhiệt độvà sự truyền nhiệt. Chỉ đến khi vào vùng khí quyển Trái Đất, gặp vật cản, dòng ánh sáng ấy mới phần nào phục hồi nhiệt lượng, nhiệt độ và sự truyền nhiệt.
Lan truyền tự nhiên của một bức xạ điện từ trong chân không là truyền thẳng với tốc độ không đổi c. Khi bị ngăn chặn hay cản trở thì để vẫn đảm bảo được yêu cầu ngặt nghèo về chuyển hóa KG, bức xạ điện từ đó phải thay đổi hướng truyền nhưng tốc độ vẫn không đổi. Trong hệ cô lập chứa bức xạ, do có sự ngăn chặn của mặt cách ly hệ cô lập với môi trường ngoài cũng như sự cản trở lẫn nhau giữa các bức xạ nên mọi bức xạ đều phải thay đổi hướng truyền sau một khoảng thời gian nhất định. Có thể thấy, số lượng các hướng truyền bức xạ khác nhau tại một thời điểm chính là đặc trưng cho mức độ rối loạn bức xạ trong hệ tại thời điểm ấy. Số lượng các hướng truyền khác nhau tại một thời điểm lại phụ thuộc vào lượng bức xạ hiện diện trong hệ. Nếu trong hệ cô lập đang xét chỉ có hai hoặc một số lượng không đáng kể so với thể tích của hệ (nghĩa là mật độ bức xạ trong đó có thể là bằng 0) thì coi như không có sự rối loạn bức xạ trong đó. Chúng ta cho rằng chỉ khi mật độ bức xạ trong hệ đạt đến giá trị làm xuất hiện thường xuyên sự cản trở lẫn nhau gây ra thay đổi hướng truyền giữa các bức xạ thì lúc đó sự rối loạn bức xạ mới trở nên nổi trội, và thể hiện ra trong Vũ Trụ vĩ mô dưới hình thức nhiệt độ cũng rõ rệt hơn. Điều đó cũng cho thấy hiện tượng rối loạn bức xạ dẫn đến hiện tượng tăng giảm nhiệt độ là có tính thống kê, và phụ thuộc hoàn toàn vào giá trị mật độ bức xạ.
Vì đã giả định là thể tích của hệ cô lập đang xét luôn không đổi trong mọi trường hợp nên muốn cho nhiệt độ của hệ tăng lên thì phải tăng giá trị mật độ. Muốn tăng mật độ bức xạ trong hệ thì chỉ có cách duy nhất là “nạp thêm” bức xạ từ môi trường ngoài, nghĩa là theo quan niệm hiện nay, phải “cấp thêm” nhiệt cho hệ.
Điều kiện tiên quyết và cũng là cách duy nhất để cấp được thêm nhiệt cho hệ là phải làm cho môi trường ngoài có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của hệ, nói đúng hơn là làm cho mức độ rối loạn bức xạ của môi trường chứa hệ cao hơn của hệ. Như vậy, quá trình “truyền” nhiệt cho hệ từ môi trường ngoài là quá trình các bức xạ điện từ từ môi trường ngoài xâm nhập vào hệ (làm tăng khối lượng của hệ!). Quá trình đó có khuynh hướng làm cho nhiệt độ bức xạ (cũng chính là mức độ rối loạn bức xạ) của môi trường ngoài giảm xuống, đồng thời làm cho mật độ bức xạ (cũng chính là mức độ rối loạn bức xạ) trong hệ tăng lên, thể hiện ra dưới hình thức theo qui ước dựa trên cơ sở cảm giác nóng – lạnh của con người là nhiệt độ tăng.
Theo nhiệt học, trong tự nhiên có nhiều cách thức truyền nhiệt từ vật này sang vật khác, từ môi trường này sang môi trường khác. Ở một chừng mực nào đó, quan niệm như thế cũng được, nhưng rốt ráo hơn, phải cho rằng, vì nhiệt là sự thể hiện sự vận động rối loạn ở mức độ nào đó của một lượng tập hợp bức xạ điện từ nào đó, phản ánh vào thế giới hiện thực của con người và thông qua cảm thức của con người, nghĩa là sự tồn tại của nhiệt như một lượng năng lượng đặc biệt (nhiệt lượng) chỉ mang tính ảo, là một tồn tại ảo, tương tự như “lượng thời gian”, cho nên về thực chất, không hề có sự truyền nhiệt nào xảy ra trong thực tại khách quan cả, mà chỉ có sự “truyền” rối loạn bức xạ điện từ thông qua con đường thu – phát và tương tác bức xạ điện từ. Khi nói, truyền cho hệ nhiệt động thêm một nhiệt lượng từ môi trường ngoài thì chúng ta nên hiểu rằng bằng cách nào đó phải làm cho mức độ rối loạn bức xạ (ở một góc độ khác là mật độ bức xạ) cao hơn mức độ rối loạn bức xạ của nội tại hệ nhiệt động để tạo điều kiện cho một lượng bức xạ điện từ của môi trường ngoài có thể thâm nhập vào hệ nhiệt động. Khi đã nhận thêm được một lượng bức xạ điện từ từ môi trường ngoài thì mật độ bức xạ trong hệ cô lập tăng lên, kéo theo sự tăng của mức độ rối loạn bức xạ và do đó mà nhiệt độ của hệ cô lập cũng tăng. Từ đây, chúng ta có thêm một suy đoán nữa, rằng, nhiệt độ, xét cho cùng, là thể hiện mức độ cao thấp về động năng trung bình (dẫn đến mức rối loạn nội tại) của hệ. Theo nguyên lý ưu tiên lựa chọn hướng trong chuyển hóa KG (từ vùng có mật dộ năng lượng cao đến vùng có mật độ năng lượng thấp), nghĩa là muốn truyền nhiệt cho một vật từ môi trường, thì nhiệt độ của môi trường phải lớn hơn của vật.
Chúng ta hy vọng rằng, với quan niệm trên về sự truyền nhiệt, có thể giải thích thấu đáo hơn và nhất quán hơn nhiều hiện tượng về nhiệt mà không làm xuất hiện mâu thuẫn nội tại như cách giải thích của nhiệt học, thậm chí cả những hiện tượng về nhiệt mà cho đến nay, nhiệt học vẫn bất lực, không lý giải được.
Chẳng hạn, theo quan niệm ngày nay, nhiệt là một dạng đặc biệt của năng lượng. Sở dĩ môi trường Trái Đất có được nhiệt độ đủ cao để sinh vật xuất hiện và sống còn được là nhờ nhận được liên tục và đều đặn nhiệt từ Mặt Trời qua “con đường” gọi là bức xạ nhiệt. Theo định nghĩa, bức xạ nhiệt là hiện tượng nhiệt được truyền đi thông qua sự bức xạ năng lượng điện từ. Định nghĩa như thế sẽ dẫn đến nhận thức: năng lượng nhiệt và năng lượng bức xạ điện từ độc lập tương đối so với nhau, hoặc năng lượng nhiệt là một bộ phận của năng lượng bức xạ điện từ và bức xạ điện từ đóng vai trò như “vật mang” nhiệt lượng.
Triết học duy tồn chỉ ra rằng tuyệt đối không thể có năng lượng tồn tại tách biệt khỏi vật chất. Nói đến năng lượng thì phải nói đến thực thể. Bởi vì điều kiện tiên quyết của tồn tại là vận động. Một thực thể muốn duy trì tồn tại thì phải vận động và hơn nữa là phải vận động đến “chân tơ kẽ tóc”. Qua nhận thức, năng lượng chính là mặt thể hiện cơ bản nhất, phổ biến nhất của vận động. Nói cách khác, đặc trưng chung nhất của mọi dạng vận động là năng lượng. Một cách tương đối, năng lượng là số đo vận động thể hiện ra ở mức độ nào đó của thực thể trước quan sát và nhận thức. Một vật chuyển động so với một quan sát đứng yên thì vận động của nó được thể hiện ra trước quan sát đó một lượng động năng tùy thuộc vào khối lượng và vận tốc của nó. Nhưng đối với quan sát cũng chuyển động song song và cùng vận tốc với vật thì vận động của vật không thể hiện trước quan sát đó, nghĩa là đối với quan sát đó động năng của vật bằng 0. Vậy cách hiểu thứ nhất theo định nghĩa ở trên về nhiệt lượng là sai lầm.
Thế thì nhiệt lượng được truyền từ Mặt Trời đến Trái Đất là sự thể hiện vận động của thực thể nào? Câu hỏi này sẽ tất yếu dẫn đến cách hiểu thứ hai: nhiệt lượng là một phần vận động nội tại của một lượng bức xạ điện từ.  
Có thể rằng ở tầng thế giới vi mô không có khái niệm về áp suất, nhiệt độ và có thể rằng: sự bức xạ điện từ và hiện tượng bức xạ điện từ từ hệ cô lập (bức xạ của vật đen tuyệt đối) là có cùng qui luật, vì với quan niệm của triết học duy tồn có thể suy ra công thức phóng xạ từ công thức bức xạ của vật đen mà Planck đã thiết lập được.
Nếu động lượng được hiểu như một lượng năng lượng di dời thì thay cho mv, ta viết mc2.v: năng lượng truyền trong trường không gian với vận tốc v; sau một thời gian qui ước t, sẽ đạt một đoạn đường là x nào đó. Nhưng nếu ta hình dung vật có khối lượng m thực ra là một khối tập hợp rời rạc của nhiều phần tử khối lượng nhỏ hơn (hay gọi là lượng tử) được đựng trong một bình có thể tích V (tất nhiên là phải có bình đựng rồi!) như khối nước chẳng hạn, thì mật độ năng lượng của khối ấy là . Bây giờ ta tác động sao cho khối nước chảy với vận tốc v trong một ống có tiết diện S. Rõ ràng năng lượng qua mặt S trong t thời gian phải là:
Đại lượng này chính là công suất nếu nói về thiết bị phát năng lượng (bình) hay có thể gọi là thông lượng nếu nói đến (đường ống) truyền tải: năng lượng qua một bề mặt diện tích: lượng năng lượng được truyền đi trong đơn vị thời gian.
Bức xạ điện từ thực chất là phát những luồng năng lượng mà thành phần là những lượng tử. Ở thế giới siêu vĩ mô, những khái niệm như rắn lỏng, thực thể, vật thể… sẽ không còn ý nghĩa. Nếu bằng phép màu nào đó (chắc chắn phép màu đó phải siêu hơn 72 phép thần thông của Tôn Ngộ Không nhiều!) chui được xuống tầng đó để quan sát, chúng ta sẽ thấy một phong cảnh rất quen thuộc, đó là bầu khí quyển, thấy các luồng gió xoáy lốc, mây bồng bềnh trôi trên nền trời trong xanh, đó đây nổi lên những cơn bão, đôi khi là cả mưa nắng nữa. Vũ Trụ quan sát ở tầng đó tương tự như một bầu khí quyển khổng lồ mà trong đó là những quá trình tích tụ, phân tán, hòa hợp, phân ly, đối lưu… đến bất tận, tuân theo một nguyên lý vĩ đại, duy nhất của Tự Nhiên Tồn Tại: bảo toàn và chuyển hóa KG.
Sự vận động vĩ đại ấy là nhịp nhàng, nhất quán và tuyệt đối thống nhất, qui định đến từng hành vi của từng lượng tử không gian để hành vi của từng lượng tử KG luôn phù hợp với hành vi của toàn Vũ Trụ. Nhưng trái lại, để vận động được, tự nhiên tồn tại lại phải phân định thành những lực lượng tương phản nhau. Vì vậy mà trong Vũ Trụ bao la, xét trong phạm vi cục bộ, địa phương, nhất thời, sẽ lại tất yếu tồn tại nhiễu loạn, hiện hữu những lực lượng “nổi loạn”. Để dẹp những cuộc “nổi loạn” triền miên không bao giờ dứt trong khắp Vũ Trụ, chắc Tạo Hóa sẽ mệt lắm! Nhưng nhờ thế mà ở thế giới vĩ mô, chúng ta được may mắn thưởng thức một vở ca kịch có qui mô vô tiền khoáng hậu, biến ảo khôn lường, khi thì sôi động ầm ào, khi thì tĩnh mịch thì thào, lộng lẫy đến huy hoàng và ngập đầy bi tráng.
Đối với thế giới vĩ mô thì hành vi của một lượng tử tác động lên nó là hoàn toàn không nhận biết được, cho nên sự biến đổi trạng thái, hiện trạng một cách nhận biết được của một quá trình vận động, của một thực thể nào đó trước thế giới vĩ mô chính là sự phản ánh tác động đồng thời của rất nhiều, của tập hợp các lượng tử, của một lực lượng thế giới vi mô. Do đó, ta có thể nói rằng sự tác động có thể nhận biết được (làm biến đổi trong một chừng mực “thấy được”, sự phản ánh cảm nhận được) của thế giới vi mô lên thế giới vĩ mô tuân theo qui luật số đông mang tính xác suất thống kê (tính gần đúng).
Muốn nhận thức được đến cội nguồn của Tự Nhiên Tồn Tại, cần thiết phải tìm hiểu cho được cấu tạo, cách ứng xử và hành vi của một lượng tử KG. Nhưng muốn tìm hiểu các hiện tượng, các quá trình trong thực tại phải bị tác động bởi lực lượng vi mô thì tất yếu phải khảo sát, nghiên cứu trên bình diện số đông. Đã vạch vẽ được quĩ đạo của 1 trái bóng bay vào cầu môn, có thể tính toán “áng chừng” theo cơ học Newton vẫn thỏa mãn được yêu cầu ở mức “thô mộc”, nhưng để tìm hiểu hiện tượng ấy ở tầng kích thước phân tử nguyên tử thì thật không dễ dàng gì, nào là phải tìm hiểu mối tương tác điện từ tại thời điểm chân sút của cầu thủ “chạm” vào bóng, nào là ảnh hưởng của các luồng gió, nào là trạng thái nhiệt động của khối khí trong lòng quả bóng… nghĩa là phải nghiên cứu sự tác động lẫn nhau của các lực lượng phân tử nguyên tử. Hay “tường minh” hơn, trong khí động học hoặc thủy động học, người ta nghiên cứu hành vi, tác động của các luồng phân tử khí hay luồng phân tử nước chứ không đời nào lại đi tìm hiểu hành vi của từng phân tử khí hay phân tử nước, vì như vậy không những là nực cười mà còn sai lầm đối với thực tại khách quan. Nói tóm lại, muốn hiểu xã hội loài kiến thì phải tìm hiểu hành vi điển hình của một vài con kiến đại diện (chuẩn hóa), nhưng muốn tìm hiểu sự tác động qua lại của loài kiến với môi trường quanh nó thì phải tìm hiểu hành vi của cả đàn kiến, của nhiều đàn kiến (trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau chằng chịt, không thể tách rời của nội tại đàn kiến và của môi trường).
Tìm hiểu vận động nội tại của hốc đen về đại thể là tìm hiểu quá trình thu phát bức xạ điện từ (thu phát luồng năng lượng) của các trung tâm tích tụ năng lượng được gọi là vật đen tuyệt đối, sự tương tác chuyển hóa qua lại của bức xạ điện từ trong một trường không gian bị cô lập bởi môi trường ngoài, bị môi trường ngoài khống chế, cưỡng bức.
Hiện tượng vật đen phát năng lượng sóng điện từ được gọi là bức xạ điện từ. Lượng bức xạ điện từ được phát ra trong một đơn vị thời gian gọi là công suất bức xạ của vật đen. Nếu tính trên một đơn vị diện tích của bề mặt vật đen thì được gọi là năng lượng bức xạ. Một lượng bức xạ điện từ truyền trong hốc đen qua một bề mặt (tưởng tượng) nào đó trong một đơn vị thời gian được gọi là thông lượng bức xạ và tương tự, tính cho một đơn vị diện tích thì gọi là mật độ thông lượng bức xạ.
Nhớ lại biểu thức: , chúng ta nhận thức rằng trong một hệ cô lập cân bằng, thế năng của lượng tử được phân bố tăng dần từ ngoài vào tâm hệ (hình như thế thôi!), nghĩa là nếu có hai lượng tử trong hệ cô lập thì lượng tử ở gần tâm hệ hơn sẽ có thế năng cao hơn (dù có thể là năng lượng toàn phần của chúng bằng nhau). Từ đây, chúng ta hình dung được rằng trong hệ cô lập cân bằng hình như có tồn tại vô vàn mặt thế năng đồng tâm. Các lượng tử “ổn định” trên đó đều có cùng một giá trị thế năng. Chúng ta có thể gọi những mặt đó là mặt đẳng thế và cho rằng các thực thể (chúng ta gọi thế) khi “đi qua” các mặt đó phải tăng hoặc giảm thế năng và ở trường hợp bị kích thích cực độ, phải thu và phát lượng tử (chúng ta đoán mò thế). (Có rất nhiều mặt đẳng thế nhưng không phải là vô hạn. Vì bản chất lượng tử của thế giới khách quan nên các mặt đẳng thế cũng phải có “độ dày” tối thiểu cũng phải bằng “bề dày” của một lượng tử).
Xét một mặt cầu đẳng thế nào đó có diện tích là Sx. Nó chịu một áp lực là:
(Chúng ta lại nhấn mạnh lần nữa rằng sự hiện hữu của mặt Sx chỉ có thể nhận biết được thông qua áp suất P. Có thể trong đơn vị thời gian riêng của hệ cô lập, áp lực tại mặt Sx là cân bằng. Nhưng trong khoảng thời gian nhỏ hơn đơn vị thời gian riêng đó lại không cân bằng do áp lực từ hai phía tới (tương tác điện từ?) không cùng một thời điểm. Và như vậy chúng ta có thể tưởng tượng mặt đẳng thế như một mặt dao động với một tần số xác định. Điều “hốt hoảng” thực sự của chúng ta giờ đây là có bao giờ quan sát được hiện tượng này trong thực tại không hay nó chỉ tồn tại ở cõi mộng – chốn Hoang đường?!)
Nhân hai vế với mc2, Sx và vận tốc hướng kính tức thời tại đó.
Đặt  (hạt bức xạ tại t), và đặt vế phải là , ta sẽ có biểu thức quen thuộc:
Đó chính là công suất bức xạ của khối cầu mà diện tích mặt cầu là Sx, hay thông lượng bức xạ của hệ cô lập tại mặt cầu Sx. Nếu ta lại chia hai vế của biểu thức trên cho Sx thì chắc chắn ta sẽ có một đại lượng gọi là năng suất bức xạ của cầu Sx (ký hiệu Ex) hay mật độ thông lượng của hệ cô lập (ký hiệu ) tại mặt Sx.
Đã biết:
(Chúng ta cũng có thể biến đổi bằng cách thay vx bằng !)
Ở trường hợp cực điểm:
Ngoài ra còn có:
Và  (là vận tốc tức thời theo hướng kính của vi hạt trong hệ cô lập, tính theo đơn vị không thời gian của hệ cô lập. Việc dẫn dắt của chúng ta mang tính tổng quát, đúng cho mọi mặt đẳng thế hay vật đen tuyệt đối nên khi viết chúng ta có thể bỏ chỉ số x đi.
Từ đây nếu ký hiệu năng suất bức xạ riêng của vật đen tuyệt đối trong hệ cô lập ở tần số ... (dải tần) và ở nhiệt độ T nào đó là ..., thì có thể viết:
(Chú ý rằng năng suất bức xạ toàn phần của vật đen phải là )
Bây giờ, một cách “mù quáng” chúng ta cho rằng biểu thức trên mô tản năng suất bức xạ của mặt Sx thì đại lượng  đóng vai trò như năng suất bức xạ riêng của nó. Khi nói nội tại của hệ cô lập ở trạng thái cân bằng thì không có nghĩa là nội tại của nó tĩnh tại, bất động mà cần hiểu rằng nội tại của hệ cô lập vận động một cách điều hòa, tuần hoàn, “trơn tru” một cách tuyệt đối, hay nói gọn, đó là một cân bằng động lý tưởng. Ở trạng thái cân bằng động lý tưởng, nội tại hệ cô lập có bản chất của một dao động điều hòa.
Mỗi mặt đẳng thế (hay còn gọi là mặt mức năng lượng nếu nói đến nội tại nguyên tử!) đều được đặc trưng bởi một tần số dao động riêng được qui định bởi trạng thái (năng lượng) của hệ cô lập. Mọi thực thể hay vi hạt trong hệ cô lập khi qua vùng đó (mặt đẳng thế) phải phát xạ (hoặc hấp thụ) bức xạ điện từ có tần số đúng bằng tần số của mặt đó và đại lượng  cũng chính là năng suất bức xạ riêng của thực thể hay vi hạt đang xét (cứ tưởng tượng rằng kích thước một thực thể hay vi hạt là rất lớn so với bề dày mặt mức thì cùng một lúc thực thể hay vi hạt “có mặt” ở nhiều mặt mức và như vậy năng suất bức xạ toàn phần của nó phải bao gồm nhiều bức xạ điện từ có tần số khác nhau). Hay cũng có thể tưởng tượng rằng trong thực tại không có trạng thái cân bằng lý tưởng. Nguyên do là không thể cô lập hoàn toàn được một hệ và một hệ gọi là cô lập thì cũng đồng nghĩa hệ đó đã bị cưỡng bức, bị kích thích. Vì thế mà chỉ có thể nói nội tại của một hệ cô lập luôn vận động vươn tới trạng thái cân bằng nhưng không bao giờ đạt được. Đó là cuộc “vật lộn quyết liệt” giữa các mặt tương phản nhau: trật tự và hỗn độn, hài hòa và nhiễu loạn, tĩnh và động, bất biến và vô thường…
Tại mặt Sx, nếu cho rằng trong cùng một thời gian, có một lực lượng đi ra là thì một cách tự nhiên, cũng phải có một lực lượng đi vào gọi là (gọi là năng suất hấp thụ được không?). Và lượng này chính là “phần còn lại của thế giới”:
: được gọi là mật độ thông lượng bức xạ riêng của vật đen.
Đối với vật đen tuyệt đối thì theo định nghĩa “truyền thống”, hai lực lượng năng suất bức xạ và mật độ thông lượng bức xạ  phải bằng nhau. Nghĩa là:
Ta có thể suy ra:
Cuối cùng:
Đó chính là công thức nổi tiếng của nhà bác học Planck!
Có vật đen tuyệt đối không? Không! Không bao giờ hiện hữu một vật đen tuyệt đối! Nói không hiện hữu không có nghĩa là không tồn tại! Trong nội tại hệ cô lập phải tồn tại một mặt đẳng thức (tưởng tượng) cân bằng thu phát, nghĩa là:
Xin nói rằng biểu thức vừa thiết lập của chúng ta có độ chênh với công thức truyền thống. Có thể là chúng ta đã dẫn dắt chưa thực sự hợp lý. Nhưng có lẽ công thức Planck cũng chưa thật hoàn chỉnh vì chưa đúng về thứ nguyên (theo định nghĩa của năng suất bức xạ!)
Còn một cách dẫn khác nữa (cũng chỉ là một phán đoán vô căn cứ linh cảm!) có vẻ cũng hợp lý lắm và theo chúng ta còn hay hơn cả cách trên.
Chúng ta nhớ lại rằng tất cả các bức xạ lan truyền trong môi trường (ngoài môi trường là chân không) với vận tốc bao giờ cũng phải nhỏ hơn c. Trong cách dẫn dắt trên, điều đó ẩn chứa ở đại lượng (đây là biểu hiện cách nhìn của thế giới Vĩ mô, vào thế giới Vi mô. Tuy đã có cuộc cách mạng của Planck nhưng vẫn chưa triệt để, vẫn còn có mặt số vô tỷ. Nhưng cũng có thể đó là nếu không tránh được khi tìm hiểu một hiện tượng do số đông gây nên!?)
Từ suy nghĩ này, chúng ta phán đoán một biểu thức mới sau đây:
Chỉ khi v2=0 thì mới bằng . Khi v2=c2 thì không tồn tại mối quan hệ này cũng như nguyên nhân sinh ra nó: hệ cô lập.
Để dẫn dắt đến công thức Planck, ta viết lại:
Và “bịa” thêm như thế này:
Lấy tích phân và biến đổi chút ít (chúng ta đã quá quen chuyện này rồi!) sẽ có:
Tùy theo sở thích mà chúng ta viết:
Một cách gần đúng, đại lượng  chính là bình phương chiết xuất ánh sáng (bức xạ) nên:
Thế là xong! Chúng ta đã lang thang trên một đoạn đường quá dài với bao nhiêu bất trắc. Ôi nhớ gã nhà quê khờ khạo, bỏ xứ sở, bỏ mọi công việc đồng áng để ngao du đây đó cho thỏa nỗi nhớ mong, tưởng con đường rong chơi qua miền “ánh sáng kỳ diệu” là sẽ rất vui vẻ, đầy kỳ hoa dị thảo, nào dè nhiều đèo dốc và gai góc đến thế. Thật là mệt hơn đi cày!
Chúng ta quay ngắm lại đoạn đường đã đi qua mà lòng bất giác tự hào. Sự hoang tưởng thực sự là không có bao lực nào ngăn cản được. Hỡi những gã nhà quê, những tiện dân nghèo hèn, những thân phận quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hãy hoang tưởng đi, vì hoang tưởng là phương tiện có một không hai được Tạo Hóa ban tặng để có thể chè chén mọi của ngon vật lạ, để chu du khắp chân trời góc bể, để nhìn ngắm tận mặt, sờ tận tay bất cứ kỳ quan nào của Vũ Trụ (Trái Đất không ăn nhằm gì!) mà không phải… tốn một đồng xu cắc bạc nào mà ngay những đám nhà giàu nhiều tiền lắm của, có muốn cũng đành chào thua.
Viết đến đây, chúng ta chợt nhớ tới Donki Hotê. Có lẽ giờ này lão ta vẫn đang mải mê gần gũi với một lỗ đen khổng lồ nào đó ở thế giới cực vĩ mô. Trên đời này có lẽ chỉ có hai người được tôn vinh là bậc thánh về tài hoang tưởng và là những kẻ đi chinh phục bạt mạng nhất nếu xét về lòng dũng cảm. Một người chính là Donki Hotê, xứ Mantra, người lập nên biết bao nhiêu chiến tích từ toàn những thất bại ê chề. Người thứ hai là Tôn Ngộ Không ở xứ Hoa Quả Sơn, người ngược lại, bách chiến bách thắng nhưng không được ghi dấu bất cứ chiến công nào.
Nhiều người cứ mỗi lần gặp họ lại ôm bụng cười lăn cười bò. Không cười sao được khi hai người, dù ở những nghịch cảnh rất khác nhau, đều đóng vai những anh hề hết sức tài tình. Riêng đối với chúng ta thì không chỉ có thế. Sâu thẳm trong tận đáy lòng mình, chúng ta coi họ là những bậc vĩ nhân và cố công học đòi về sự hoang tưởng cực kỳ khoáng đạt, về lòng nhân hậu, về sự quả cảm có một không hai, trước mọi hiểm nguy. Chúng ta mượn vài lời của những danh nhân để nói về “hai lão” ấy:
- “Tôi hoàn toàn đồng tình với những nhà văn cho rằng, đặc điểm nổi bật nhất phân biệt sự khác nhau giữa con người và loài vật chính là ý thức về đạo đức hay lương tâm mà quyền lực được thể hiện trong một chữ ngắn ngủi nhưng đầy sức truyền cảm mạnh mẽ: chữ “phải”, chính cái bản tính kín đáo đó khiến con người có thể hy sinh không chút do dự cuộc sống của mình cho những người xung quanh. Chính cái bản tính đó buộc người ta phải suy nghĩ sâu sắc về sự công bằng và nghĩa vụ để hiến thân cho sự nghiệp vĩ đại. Bản tính đó là đặc điểm cao thượng nhất của con người.”
S. Dác U/N (Anh)
- “Không có sự vĩ đại ở nơi nào không có sự giản dị, lòng tốt và sự thật.”
L. Tonxtôi (Nga)
- “Những phẩm chất trong tâm hồn không thể bị tổn hại vì vẻ ngoài xấu xí, trong khi vẻ đẹp của tâm hồn cũng ánh cả ra bên ngoài làm vẻ ngoài cũng trở nên đẹp đẽ.”
L. Xê-nê-ca (La Mã)
- “Người nào có tấm lòng vàng thì dù có mặc quần áo nghèo khổ cũng vẫn cao quí.”
G. Phây-tác (Đức)
- “Không có thiên tài nào mà không pha lẫn sự điên rồ trong đó.”
Aoixtốt (Hy Lạp)
- “Can đảm không thể bắt chước được, ấy là một đức tính thoát ra ngoài vòng giả tạo.”
Napoleon (Pháp)
Đúng là không thể bắt chước được về lòng can đảm. Nhưng dũng cảm là gì? Thật khó nói! Thú thực là chúng ta cũng chỉ cảm nhận được nó một cách mơ hồ mà thôi. Một kẻ phóng xe bạt mạng trên đường phố có gọi là dũng cảm không? Sợ độ cao, không dám đi máy bay có phải là hèn nhát không? Có một câu chuyện châm ngôn thế này: ngày xưa, Tô Đông Pha (đại văn hào Trung Quốc) gặp một người bạn bên một dòng sông lớn có một cái cầu mỏng manh bắc ngang. Lúc đó là tiết đông, trời thì lạnh, nước sông chảy xiết cuồn cuộn và gió thổi vun vút, dòm chiếc cầu lắc lư, không ai dám qua. Người bạn trỏ chiếc cầu hỏi Tô Đông Pha rằng có dám đi qua cầu rồi quay trở về không. Tô Đông Pha lắc đầu nói không dám. Người bạn hiền đi qua cầu và quay trở về, sắc mặt có vẻ thích thú và tự đắc hỏi Tô Đông Pha: “Bạn thấy tôi thế nào?”. Tô Đông Pha cười nhẹ nhàng mà rằng: “Sau này bạn sẽ trở thành kẻ giết người! Trên đời này sinh mạng là thứ quí giá nhất! Sinh mạng của bạn, bạn còn không tiếc thì bạn tiếc mạng ai?...” Thật là một câu trả lời chí lý!
***
Tôi choàng tỉnh dậy… Đã 6 giờ sáng! Lâu lắm rồi, đêm qua mới được một giấc ngủ thẳng giấc, ngon lành...!
Nắng ban mai tràn ngập, chan hòa. Đã gần đến Noel nên tiết trời buổi sáng hơi se lạnh. Ở xứ sở chỉ có hai mùa mưa nắng này, những buổi sáng sớm mai như vậy thường gợi lòng nhớ về những mùa đông đã trôi xa vời đâu đó trong dĩ vãng; những mùa đông của tuổi thơ lớn lên trên đất Bắc, chập chững ở thành phố cảng Hải Phòng, tung tăng đến trường trong thủ đô Hà Nội, mò cua bắt cá chăn trâu ở những vùng quê ngày sơ tán, những mùa đông lạnh thấu xương, co ro cúm rúm trong bộ quần áo lính thùng thình một thời thiếu sinh quân ở Quế Lâm (Trung Quốc), những mùa đông tuyết rơi trắng xóa đời sinh viên với hàng dấu chân bên nhau của mối tình đầu thiết tha mà dang dở đã in sâu, hóa thạch trong ký ức đến tận bây giờ. Đã ngót nghét 30 năm nay không còn gặp mùa đông. Còn dịp không hay là vĩnh biệt? Thật là khó tin, trong một thời đại mà khoảng cách không còn là điều phải bận tâm nữa lại có một con người chẳng biết bao giờ mới gặp lại mùa đông, dù mùa đông hiện diện rất gần, độ hơn một giờ bay mà thôi.
Số phận đã đưa đẩy tôi đến vùng đất trời thừa mưa dư nắng nhưng lại thiếu Xuân vắng Đông này và chôn chặt luôn kiếp đời thèm khát phiêu lãng trong thành phố Sài Gòn, thành phố của thoắt mưa thoắt nắng, thành phố có những chiều đầy gió xôn xao lá rụng và những sớm nắng trong, tinh khiết đến se lạnh. Số phận đã bắt đôi chân của tôi, vốn chỉ muốn tung tăng chạy nhảy thăm thú thế gian, bị gò bó chung thân thành đôi chân bon chen, quanh quẩn những đường cùng, hẻm cụt mưu kế sinh nhai, trốn chạy nghèo hèn đến bở hơi tai. Ôi đôi chân khốn khổ, sau bao năm bươn chải, giờ vẫn còn phải cố đứng vững để cưu mang một gia cảnh đáng thương, một cơ thể đang rã rời với linh hồn hoảng loạn và trĩu nặng cô buồn.
Trời sáng nay se lạnh. Nhưng nắng thì cứ chan hòa. Tôi có cảm tưởng rằng nếu không có cái chan hòa ấy của nắng thì sáng nay đích thực là một sáng lập đông. Tôi ra sân hướng về phía mặt trời và bắt đầu hít thở khí công. Chỉ mới cách đây 2 năm thôi, tôi chẳng bao giờ tin vào những điều như gọi hồn, người phát quang, con mắt thứ ba hay sự tiên tri, trò chuyện với người đã khuất… Nhưng giờ đây quan niệm của tôi đã thay đổi cơ bản. Cách nhìn duy vật biện chứng sẽ trở nên cực đoan và bảo thủ nếu không chấp nhận những hiện tượng thực tại mang tính tâm linh. Sự huyền bí là tất yếu hiện hữu trước một nhận thức chưa hoàn thiện về thế giới khách quan. Thực hành khí công không phải vô cớ mà tồn tại được suốt mấy ngàn năm nay. Sự huyền diệu của nó đối với sức khỏe con người ngày càng được chứng thực tuy chưa ai giải thích được cặn kẽ căn nguyên của nó. Chúng ta cho rằng một tư duy sáng suốt là một tư duy thừa nhận tâm linh nhưng không mê tín dị đoan!
Tôi đã tập thở khí công được hai năm và đã cảm nhận được sự lan tỏa của “khí” trong cơ thể. Mỗi buổi sáng, sau 15 phút tập hít thở khí công, tôi cảm thấy sảng khoái, cơ thể nhẹ lâng lâng và tâm hồn thanh thản lạ thường. Đó là sự thực! Các bạn hãy thử đi, thử một cách thành tâm rồi các bạn sẽ cảm nhận được rất cụ thể sinh khí của ban mai, thậm chí còn ngửi thấy được cả mùi thơm năng lượng tỏa ra từ bông hoa mặt trời nữa.
Sau khi làm những điều cần thiết của một buổi sáng xong, tôi thường ngồi vào bàn làm việc lúc 7h30’. Công việc của tôi, các bạn biết cả rồi, chỉ là ngồi thu thập thông tin từ anh chàng Hoang Tưởng gởi về, sắp xếp lại tương đối hệ thống một chút rồi viết lia viết lịa, ngày này qua tháng nọ nhưng cũng có khi ngồi đờ đẫn từ sáng đến chiều như một kẻ tâm thần. Đó là những lúc mà anh chàng Hoang Tưởng bí tị, nói nhảm lung tung không đầu không đũa, truyền thông tin về cả đống hỗn độn chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao cả, đành bó tay. Phải mất đến vài ngày ngồi đồng như vậy, tôi mới chọn lọc ra được những điều cần viết và những điều cần bỏ, chứ nếu phơi cả cái đống hỗn độn đó lên giấy thì ôi thôi… không nói nữa, sợ anh Hoang Tưởng nghe được lại phật lòng.
Sáng nay tôi ngồi vào bàn làm việc muộn hơn thường lệ, khoảng 8h30’. Chẳng có gì phải gấp gáp nữa. Nguyên mấy ngày qua chờ mãi mà chẳng nhận được thêm bất cứ thông tin nào từ anh Hoang Tưởng. Không biết anh ta giờ này ở đâu, đã ra khỏi “miền ánh sáng diệu kỳ” chưa? Hoang tưởng là chúa lang thang, sểnh một cái là đố ai biết anh ta lủi vào góc trời nào!
Tôi ngồi vào bàn, người cứ thừ ra một cách vô tích sự. Thật là hi hữu, chưa bao giờ luồng thông tin thần giao cách cảm giữa tôi và Hoang Tưởng bị đứt đột ngột và kéo dài lâu đến thế. Đã mấy lần vận công phát khí mệt cả người mà vẫn bặt vô âm tín. Có điều gì nghiêm trọng xảy ra không đây? Tôi đâm lo! Chẳng may Hoang tưởng có mệnh hệ gì thì niềm vui sống cuối cùng của tôi đồng thời cũng mất đi. Mới chớm nghĩ đến đó thôi mà tôi thấy ớn lạnh cả người.
- Ông làm sao thế? – Vợ tôi đột ngột xuất hiện làm tôi giật bắn mình.
- Ủa, tưởng bà đi chợ rồi mà? – Tôi hoàn hồn – Về lúc nào thế?
- Lâu rồi!... Lúc nãy về qua mặt ông mà ông không thấy hả? Giờ này mà bắt tôi lang thang ngoài chợ chắc chết luôn quá! Ông biết mấy giờ rồi không? Mười một giờ rồi ông ạ! – Mà mặt ông sao đỏ phừng lên như thế. Có nóng sốt gì không?
- Không!... Có lẽ huyết áp tăng do… đói bụng. Sáng giờ đã ăn gì đâu! Tưởng còn sớm mà!
Vợ tôi hứ hé, ngoáy đít bỏ đi xuống bếp. Tôi bật tức cười, không phải vì cái ngoáy đít của mụ vợ mà bởi vì sự đỏng đảnh của Thời gian. Có lẽ Hoang Tưởng đã đúng khi cho rằng Thời Gian chỉ là sự qui ước và chỉ khi so sánh sự dài ngắn của các quá trình vận động nào đó, chúng ta mới cảm nhận được sự trôi của Thời Gian. Và sự trôi của Thời Gian không đều đặn như chúng ta tưởng vì nó phụ thuộc vào chủ quan cảm nhận nữa. Ngày còn cắp sách đến trường, sự chờ đợi đến kỳ nghỉ hè là một khoảng thời gian dài đằng đẵng. Bây giờ thì quay đi ngoảnh lại đã năm hết Tết đến rồi. Mới sáng vừa tỉnh dậy đây thôi, ngồi ngẫm ngợi chút xíu đã trưa trật.
Sự đỏng đảnh của Thời Gian đã làm lao tâm khổ trí biết bao nhiêu bậc thiên tài, hiền triết suốt mấy ngàn năm nay. Nó tồn tại nhưng cũng không có thật, chẳng ai thấy nó cả nhưng nó cứ ẩn hiện, chưa ai xác định được đầu đuôi của nó nhưng vẫn công nhận nó có quá khứ, hiện tại và tương lai, nó chẳng thương ghét ai nhưng có kẻ quên người nhớ nó; nó hững hờ và vô cảm nhưng người ta thì không, cắm đầu cắm cổ chạy đua với nó hoặc đợi chờ nó đến mỏi mòn. Thời Gian là không có thực nhưng không một sự kiện nào thoát được bàn tay nhào nặn của nó, kể cả bản thân nó. Đó chính là điều kỳ lạ nhất về khái niệm thời gian và cũng chính là điều kỳ lạ nhất của Tự Nhiên Tồn Tại!...
Đấy, mới có nói thế thôi mà trời đã xế, về chiều. Tiết chiều gần Noel ở Sài Gòn cũng se lạnh, vương vấn hơi hướng mình đang ở xứ Bắc. Sân nhà tôi nhỏ tẹo và um tùm cành lá. Tôi thích cảnh tiêu sơ nên cứ để cho cành lá phát triển đua chen tự nhiên, cứ để cho bức tường bao quanh tha hồ phong rêu. Mấy năm nay, nhà tôi bỗng như một thung lũng nhỏ giữa bốn bề bủa vây bởi những nhà lầu ba, bốn tầng, như một ốc đảo giữa trùng điệp bê tông và khói bụi. Sân nhà tôi vì thế nhờ cây long nhãn cổ thụ xum xuê đứng theo thế vặn lưng trước gió mà cũng tựa như một khoảng rừng âm u còn sót lại của một thời xa xưa tiền sử. Ngồi trong sân nhà tôi thì nắng gắt cách mấy dội xuống cũng trở thành nắng nhạt, những ngày nóng nực nhất cũng vẫn cảm thấy mát mẻ. Chính vì vậy nên những chiều rét lạnh như chiều nay, khí hậu trong sân nhà tôi lại có vẻ như lạnh hơn, giống mùa đông hơn, mùa đông với những nỗi niềm cô quạnh.
Góc sân nhà tôi có đặt một bộ bàn ghế đá. Tôi hay ngồi uống rượu ở đó mỗi chiều tối, đôi khi là với một vài bạn bè nhưng thường là một mình. Bạn bè tôi rất đông nhưng bạn bè để tâm tình được lại rất ít và bạn tri kỷ thì không có. Theo như lời ông già tôi lúc sinh thời thì ngày xưa có bậc tiền bối nào đó đã nói đại ý rằng: trong đời có được một người bạn tri âm tri kỷ đã là nhiều. Nghe sao mà thấm thía! Uống rượu với bạn bè hay độc ẩm đều có cái thú vị của nó. Uống rượu với bạn bè được cái vui, thư giãn, được cười nói thỏa thuê với đủ thứ chuyện tào lao xích đế. Những lúc ấy, sân nhà tôi rạo rực hẳn lên, ngay chiếc hồ nhỏ thường im lìm cũng đùng đùng cá quẫy góp vui. Nhưng uống rượu một mình lại có cái thú vị riêng của nó. Lúc đó ta không nói được, tha hồ mà trầm tư mặc tưởng. Khối u buồn giấu kín trong tâm can cứ tự nhiên tan chảy ra, dàn trải ra và ta nhấm nháp nó… làm vui. Ai mà tin được điều ấy. Biết vậy nên tôi chẳng bao giờ nói cho ai nghe vì nói ra thì chắc chắn mọi người sẽ cho rằng tôi xạo sự. Ông bà nói “trà tam tửu tứ” chứ làm gì có chuyện uống rượu một mình với trĩu nặng nỗi buồn mà vui được bao giờ. Đối với ai không biết nhưng đối với tôi là thế thật. Nỗi buồn đó theo suốt cuộc đời tôi và đã trở thành tri kỷ. Khi ngồi uống rượu một mình là khi tôi được kể lể, tâm tình với người bạn tri kỷ ấy, là khi tôi được sống lại những quãng đời tưởng đã lãng quên, nghiền ngẫm những dại khờ ngô nghê, lầm lạc của quá khứ rồi chặc lưỡi thở dài hoặc nhoẻn cười lặng lẽ. Nỗi buồn được sinh ra từ đâu? Tôi không biết! Chỉ nghiệm thấy rằng nỗi buồn đôi khi cũng được sinh ra từ hạnh phúc và không hẳn lúc nào cũng từ khổ đau! Có những nỗi buồn chỉ trỗi dậy khi tất cả những cay đắng, ngọt bùi, những hạnh phúc và khổ đau đã trôi qua, đã chìm vào dĩ vãng. Đó phải chăng là nỗi buồn được sinh ra từ sự tiếc nuối một kiếp đời? Còn có những nỗi buồn dịu êm và thánh thiện, những nỗi buồn mà nếu không có nó, lòng người đã hóa trơ sắt đá với sự tàn nhẫn và độc ác không thể kiềm chế được từ lâu rồi. Trong số những nỗi buồn mà Tạo hóa ban cho loài người, có một nỗi buồn mà tôi cho là đẹp nhất, thiêng liêng nhất và thánh thiện nhất, nỗi buồn phảng phất ở khắp các chùa chiền, khắp các nhà thờ, nỗi buồn phảng phất trên những khuôn mặt của Phật, của Chúa, của Thánh Alla, của những bậc hiền triết, nỗi buồn phảng phất trên khắp các phế tích ngàn xưa, ở khắp rừng sâu núi thẳm, từ những vùng dân cư heo hút đến tận những thành đô hào nhoáng và sung túc nhất, đó là nỗi buồn trắc ẩn về thân phận con người. Chính nỗi buồn ấy đã làm hình thành nên lòng nhân hậu và lòng nhân hậu đã và đang bao dung che chở và xoa dịu cho biết bao nhiêu nỗi đời bất hạnh, khổ đau. Thật may mắn cho loài người khi trong cộng đồng của nó vẫn còn đó những tấm lòng nhân hậu!
Chiều đã muộn! Tiếng chuông nhà thờ gióng lên ngân nga. Nhà tôi ở gần nhà thờ, ngày hai lần chuông ngân, lúc mờ sáng và lúc mờ chiều. Ai đã từng về làng quê, đi trên con đường đê trong một buổi chiều tà gần tắt nắng và nhẹ gió giữa đồng không mông quạnh chợt nghe tiếng chuông đổ thong thả mà vang vọng từ xa xa xóm đạo có tháp chuông nhà thờ cao vút mới cảm nhận hết được cái âm thanh thánh thót và huyền diệu ấy, mới thán phục tài đúc chuông của các nghệ nhân dân gian.
Tôi không theo đạo Phật, cũng không theo Thiên Chúa hay bất cứ đạo giáo nào, không hề tin tưởng những giải thích của các đạo ấy về thế giới, nhưng tôi thành tâm tôn trọng (đến bây giờ mới biết: chủ nghĩa cộng sản cũng là một đạo giáo!). Mọi đạo giáo chân chính, dù truyền thuyết của họ về Tự Nhiên Tồn Tại là mơ hồ và thậm chí là sai lầm, dù trong quá trình hình thành và phát triển đôi khi cũng mù quáng gây ra không ít bi thương, thì tinh thần xuyên suốt vẫn là gieo mầm và nuôi dưỡng lòng nhân hậu, vẫn là rao giảng và khuyên răn con người biết sống một cuộc sống vị tha, hướng thiện, vẫn là những lời an ủi dịu dàng và đồng cảm nhất đối với đại chúng nghèo hèn, vẫn là nơi nương tựa đáng tin cậy nhất cho những linh hồn khổ đau đang ở tận cùng của sự hối hận do lỗi lầm mình gây ra, hoặc đang bên bờ vực của sự tuyệt vọng đối với cuộc sống. Nếu phải chọn một lý lẽ làm tín ngưỡng về căn nguyên Vũ Trụ thì tôi sẽ chọn lý lẽ của anh Hoanh Tưởng, tức triết học duy tồn, vì chỉ có nó mới có thể đưa tôi đến sự hiểu biết đúng đắn cuối cùng về thế giới (?)...
Trời đã tối hẳn. Nhờ vào ngọn đèn đường gần đó và ánh đèn hắt ra từ những nhà lầu xung quanh mà sân nhà tôi, nếu tắt hết đèn trong nhà tôi đi, lúc nào cũng như có ánh trăng. Hồi xưa, vào một tối tương tự như thế này, chúng ta đã dứt áo lên đường đầy hồ hởi. Mới đó mà tưởng chừng đã chục năm rồi. Thời gian qua nhanh quá!
Tối nay chúng ta (đến giờ này, xưng "tôi" hay "chúng ta", thì cũng là "một duộc"!) lại về đây, sau khi nghĩ ngợi khá lâu về cuộc đời, đã di đến quyết định: cuộc hành trình đi tìm cái gì đó đến đây là kết thúc. Nó kết thúc không phải vì chúng ta không muốn đi nữa mà vì đã đi lạc đâu mất anh Hoang Tưởng (hay ông bạn Hoang Tưởng đã "vui đâu...chầu đấy" rồi?!),  người bạn song sinh mà nếu vắng anh ta thì không thể hành trình được (hay nếu thiếu ông bạn tri kỷ này thì cũng coi như mất “hồn”, "thà chết còn...sướng hơn"?!). Nhưng không sao, thế này cũng mãn nguyện lắm rồi. Chúng ta đã lờ mờ thấy được căn nguyên Vũ Trụ - một cái gì đó sờ sờ trước mặt mà xưa kia chúng ta đâu thấy gì, mà chúng ta muốn khám phá từ thời thơ ấu. Điều cơ bản là chúng ta coi như đã trả lời dứt khoát được câu hỏi ngàn đời: "Thế giới này Tồn Tại hay Hư Vô!?". Nếu cách nhìn của chúng ta đúng (chúng ta tin là nó đúng!), nếu sau này nó được mọi người thừa nhận là có lý (chúng ta biết chắc...như bắp rằng nó có lý?!), thì coi như chúng ta đã là người lính tiên phong mở ra đột phá khẩu thành công về tìm hiểu Vũ Trụ cho loài người tiếp tục tư duy trên nền tảng nhận thức mới, trước khi…bị diệt vong!

Quay đầu nhìn lại toàn bộ cuộc hành trình, chúng ta thấy trong số nhiều suy tưởng hợp lý, có không ít những suy tưởng quá đà, ngây ngô, thậm chí là nhảm nhí. Nhưng chúng ta quyết định không sửa mà giữ nguyên như vậy để "khoe" cho mọi người thấy rằng, con đường trầm tư mạc tưởng để tiếp cận chân lý của một kẻ "điếc không sợ súng" là bạt mạng đến cỡ nào, là huyên thuyên đến cỡ nào! Và như đã có lần từng tuyên bố trong trạng thái bốc đồng: "Nếu Trung Hoa có Tôn Ngộ Không, Tây Ban Nha có Đôn Kihôtê, thì Việt Nam có...chúng ta - những kẻ tài ba khờ khạo thích thú toàn chuyện tào lao! He, he...he!!! Và đến đây, xin kính dâng lên Tổ Quốc hai thành quả mà đời chúng ta, nhờ biết dựa vào  tầm vóc trí tuệ cao vợi của các bậc hoang tưởng tiền bối, đã "hái lượm" được từ "hoa quả sơn" Vũ Trụ để góp vào tri thức loài người, đó là triết học Duy Tồn cùng với biểu thức  mc2 = m0c2 + mv2
    Tổ Quốc Việt Nam hỡi, đừng ruồng bỏ mà hãy vui lòng nhận lấy những thành quả đó, dù chúng có thể chưa hoàn chỉnh, chưa toàn thiện và mới được dẫn xuất chưa chuẩn mực lắm thì vẫn cứ chính là những chỉ dẫn hướng tới "cửa mở" của tri thức thời đại mới, và từ đó rồi đây đồng thời cũng sẽ sáng chói lên niềm tự hào khôn xiết!...". Đó phải chăng cũng là một sự...rồ dại!? Có thể!...Nhưng có chuyện sau đây làm bằng chứng là sự rồ dại ấy cũng...có lý. Như chúng ta đã biết: vận tốc Vũ Trụ hay tốc độ Vũ Trụ   hay vận tốc thoát ly là tốc độ một vật cần có để nó chuyển động theo quỹ đạo tròn gần bề mặt của một vật thể khác hoặc thoát ra khỏi trường hấp dẫn của vật thể khác. Người ta phân biệt bốn cấp tốc độ Vũ Trụ. Trong trường hợp của Thái Dương Hệ thì có thể giải thích các cấp độ này như sau:
  1. Tốc độ vũ trụ cấp 1 nếu vận tốc đủ lớn để trở thành vệ tinh của một hành tinh nào đó: Với Trái Đất là 7,9 km/s
  2. Tốc độ vũ trụ cấp 2 nếu đủ lớn để trở thành vật thể bay xung quanh Mặt Trời: khoảng 11,2 km/s
  3. Tốc độ vũ trụ cấp 3 nếu đủ lớn để thoát ra khỏi lực hấp dẫn của Mặt Trời: khoảng 16,6 km/s
  4. Tốc độ vũ trụ cấp 4 nếu đủ lớn để thoát ra khỏi lực hấp dẫn của dải Ngân Hà: 525 km/s  

Từ điều kiện lực hấp dẫn bằng lực quán tính ly tâm, ta suy ra:
{\displaystyle mg={\frac {mv^{2}}{R}}}
{\displaystyle v={\sqrt {gR}}}
Ở đây:
Với Trái Đất thì vận tốc vũ trụ cấp 1 xấp xỉ bằng 7,9 km/s:
{\displaystyle v={\sqrt {9,80\,\mathrm {m/s^{2}} \cdot 6378\,\mathrm {km} }}}
v1 = {\displaystyle v=7,9\,\mathrm {km/s} }
Chú ý, gia tốc trọng trường g có thể được tính theo công thức định luật vạn vật hấp dẫn của Newton:
{\displaystyle g={\frac {GM}{R^{2}}}}
với Ghằng số hấp dẫnM là khối lượng thiên thể chủ.
Tốc độ vũ trụ cấp 2, còn gọi là vận tốc vũ trụ cấp 2 hay vận tốc thoát ly, là giá trị vận tốc tối thiểu một vật thể cần có để có thể thoát ra khỏi trường hấp dẫn của một hành tinh. Với Trái Đất giá trị này vào khoảng 11,2 km/s, theo công thức {\displaystyle v_{2}={\sqrt {2}}\cdot v_{1}}, với v_{1}vận tốc vũ trụ cấp 1.
Sau đây là cách dùng định luật bảo toàn cơ năng để xác lập biểu thức này:
Cơ năng nơi phóng = {\displaystyle {\frac {mv_{2}^{2}}{2}}-{\frac {GMm}{R}}}
Cơ năng khi vật thoát khỏi lực hấp dẫn= động năng + thế năng
Vận tốc tối thiểu được xác định trong trường hợp giá trị vận tốc của vật khi thoát khỏi lực hấp dẫn Trái Đất bằng 0 tức là động năng bằng 0. Mà khi đó thế năng hẫp dẫn cũng bằng 0 do vật đã thoát ra khỏi trường hấp dẫn của hành tinh, do đó trong trường hợp này cơ năng khi vật thoát khỏi trường hấp dẫn = 0. Áp dụng định luật bảo toàn cơ năng:
Cơ năng nơi phóng = Cơ năng khi vật thoát khỏi lực hấp dẫn=0
{\displaystyle {\frac {mv_{2}^{2}}{2}}-{\frac {GMm}{R}}=0}
{\displaystyle v_{2}={\sqrt {\frac {2GM}{R}}}={\sqrt {2}}.v_{1}}
{\displaystyle v_{1}={\sqrt {\frac {GM}{R}}}}.
Trong trường hợp vật phóng từ Trái Đất với vận tốc lớn hơn v_{2} nhưng nhỏ hơn vận tốc vũ trụ cấp 3 thì vật đó sẽ chuyển động quanh Mặt Trời.
Đó là toàn bộ quan niệm ngày nay về các giá trị vận tốc Vũ Trụ. Theo chúng ta thì cần phải coi lại các giá trị vận tốc Vũ Trụ từ  vũ trụ cấp 2 trở đi, vì chỉ cần v2 > v1=7,9 km/s chút ít (tức không cần phải bằng 11,2 km/s), thì theo lý thuyết, cũng đủ vượt thoát sức hút của Trái Đất! Theo quan niệm của chúng ta, động năng của một vật bằng  mv2 chứ không phải bằng 1/2 mv2 . Do đó:
{\displaystyle v_{2}={\sqrt {\frac {2GM}{R}}}={\sqrt {2}}.v_{1}}là một biểu thức sai mà chúng ta đang dùng. Đúng ra phải là v2 > {\displaystyle v_{1}={\sqrt {\frac {GM}{R}}}} 
  Như đã biết Anhxtanh công bố Thuyết tương đối Tổng quát của ông vào năm 1915, khi Schwarzschild, nhà vật lý tài năng người Đức, đang ở trên mặt trận Nga-Đức.  Schwarzschild là người đầu tiên giải được những nghiệm đặc biệt cho những phương trình đó, dẫn ra được bán kính Schwarzschild nổi tiếng, nó chính là kích thước của chân trời sự kiện của một Lỗ đen không quay, rồi ông gửi chúng cho Anhxtanh. Anhxtanh đã suy nghĩ rất nhiều rồi cá nhân ông trình bày trước Viện Hàn lâm Khoa học Phổ, sau đó cho công bố chúng. Ông chết sau đấy một năm do bệnh tự miễn dịch trong khi ông đang điều trị vết thương ở mặt trận Nga-Đức. Một nhà vật lý khác, ông Eddingtion, nói về ông như sau: “Chiến tranh đòi hỏi gây thiệt hại sinh mạng, và khoa học không được cứu rỗi. Ở phía chúng tôi, chúng tôi không quên sự ra đi của nhà vật lí Moseley, tại ngưỡng cửa của một sự nghiệp lớn; nay từ phe địch lan đến tin tức Schwarzschild qua đời giữa độ xuân hoa nở rộ của đời ông. Cái chết của ông là một câu chuyện buồn của sự chịu đựng dài ngày từ một chứng bệnh khủng khiếp nhiễm phải trên chiến trường, mang theo sự kiên nghị và lòng nhẫn nại to lớn. Thế giới mất đi một nhà thiên văn có trí tuệ ưu hạng.”
Ban đầu Schwarzschild trình bày các kết quả của ông trong khuôn khổ của Thuyết Tương đối Tổng quát, nhưng người ta cũng có thể thu được quan điểm cơ bản đó bằng vật lí học Newton đơn giản. Hãy tưởng tượng một khối lượng M tập trung vào một quả cầu không quay bán kính R. Nếu chúng ta bắn một viên đạn khối lượng m lên từ bề mặt của quả cầu đó với vận tốc v, thì nó sẽ không thể thoát ra khỏi sức hút hấp dẫn của quả cầu nếu động năng của chuyển động của nó, ½ mv2, không đủ để kháng lại thế năng hấp dẫn GMm / R do quả cầu tác dụng lên viên đạn. Tốc độ nhanh nhất mà viên đạn có thể chuyển động sẽ là c, tức là tốc độ ánh sáng. Vì thế, nếu GMm / R > ½ mc2, thì ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra khỏi quả cầu. Lưu ý rằng chúng ta có thể chia hai vế của bất đẳng thức này cho m; nếu sau khi làm vậy ta giải tìm R, ta thấy R < 2GM / c2. Cho nên, nếu khối lượng M nằm bên trong một quả cầu bán kính 2GM / c2, thì không có ánh sáng (và không có thông tin) nào có thể thoát ra khỏi quả cầu. Đại lượng 2GM / c2 được gọi là bán kính Schwarzschild, và bề mặt của hình cầu có tâm tại tâm của khối lượng M và có bán kính là bán kính Schwarzschild được gọi là Chân trời sự kiện.
Đại khái, đó là quan niệm của vật lý học ngày nay vế sự hình thành và tồn tại cái gọi là "Lỗ đen" trong Vũ Trụ. Nhưng theo quan niệm của chúng ta, vì Vũ Trụ là một Tự Nhiên Tồn Tại, mà Lỗ đen lại là một chỉ thị về cõi Hư Vô, nên dứt khoát không thể có Lỗ đen trong thực tại khách quan, mà chỉ có trong tưởng tượng của loài người. Dù sao, đó vẫn là một niềm trắc ẩn lớn lao vì chưa có thực chứng. Một lần chúng ta, Hiện Thực, đi hỏi Hoang Tưởng về chuyện này thì nghe lão ta ngửa cổ cười ha hả và trả lời:
- Ôi dào ơi! Tôi đã hành trình hầu khắp góc bể chân trời Vũ Trụ rồi mà có thấy Lỗ đen nào đâu? Mà việc gì phải tìm kiếm đâu cho xa xôi, chỉ cần suy ra từ vật lý cổ điển Niutơn cũng thấy không thể tồn tại Lỗ đen rồi. Này nhé, theo ví dụ trên thì viên đạn bay sẽ không thoát khỏi quả cầu nếu động năng của nó (theo chúng ta là mv2) không lớn hơn thế năng hấp dẫn của quả cầu đối với nó. Thế năng hấp dẫn lúc viên đạn chưa bay là GMm0/R (với m0 là khối lượng nghỉ của viên đạn). Theo Anhxtanh, khối lượng của một vật tăng dần với sự tăng của vận tốc, nghĩa là khi vận tốc viên đạn bằng c, khối lượng của nó sẽ tăng lên vô cùng lớn. Lúc này sẽ không xác định được bán kính bán kính Schwarzschild vì R <  GMm0/mc2 là bất định. Còn nếu khối lượng của viên đạn không đổi khi vận tốc tăng thì khi v = c, ta có: GMm/R = m0c2+ mv2 và m = o lúc đó GMm/R = o < hf , với f là tần số ánh sáng (tức thế năng hấp dẫn của quả cầu lên "viên đạn" (?) triệt tiêu) nên cũng không tồn tại bán kính  Schwarzschild...
                                                               ***
Chúng ta định viết một, hai chương nữa về cơ học lượng tử, mở ra gợi ý về tính thống nhất tất yếu của vật lý học, đã chuẩn bị đầy đủ tư liệu, nhưng đột nhiên quên hết kể từ khi anh Hoang Tưởng bỏ đi biệt tăm biệt tích nên đành chịu!...
Thôi, xin chào tất cả và…hãy "đợi đến" (!?) thế kỷ XXIII, khi có một nhà si mê tìm hiểu Vũ Trụ , biết  hoang tưởng nào đó vô tình nhặt được “THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG” , biết “nâng niu” những viên ngọc mà nó hàm chứa, và nhất là biết "trầm tư mặc tưởng", thì lúc đó sẽ tràn trề hy vọng: “Vừng ơi!...Mở ra!” cho mọi người. Còn bây giờ, xin nói lời cuối cùng này trước khi... "tắt đài":

 “Thứ nhất là không có thiên tạo gợi ý, mở đường chỉ lối thì không thể có nhân tạo. Nhờ sự phơi bày của tự nhiên và được tự nhiên dạy dỗ mà con người mới hun đúc được kiến thức, bắt chước tự nhiên và có khả năng sáng tạo những công trình mà trước đó tự nhiên chưa hề có, cùng với vô vàn những lý thuyết đúng có sai có. Có như thế là vì tư duy trừu tượng cùa họ luôn có xu thế thoát ly thực tại. Toán học chính là kết quả vừa tự nhiên vừa phi tự nhiên, vừa hợp lý vừa bất hợp lý của khối tư duy trừu tượng đó. Trước đống tạo dựng hỗn độn đúng-sai đó, loài người đã tưởng mình là tài giỏi và tỏ ra ngạo mạn. Loài người đâu biết rằng bằng trí tưởng tượng "quá lố" của họ đã hướng dẫn họ đi đến hình dung một Vũ Trụ ảo phi lý đến cỡ nào để tự ru ngủ chính mình. Loài người tuyệt vời là ở chỗ ấy và tầm thường cũng chính là ở chỗ ấy. Thứ hai là loài người ngu ngốc và mù quáng cần phải biết ơn tự nhiên đã ban cho mình một tư duy, biết trân trọng thiên nhiên hữu hạn đã chắt lọc cho mình một trí tuệ, biết kiêu hãnh và tự hào vì Tạo Hóa đã ban cho mình một trí tưởng tượng phong phú, nhưng hãy cảnh giác chứ đừng coi mình là vô địch, đừng ngạo mạn khinh khi sự sống của các giống loài sinh vật khác. Ý nghĩ cho rằng loài người là chúa tể, có thể khuất phục được thiên nhiên, bắt thiên nhiên và cả thế giới sinh vật làm nô lệ vô điều kiện cho mình là một ý nghĩ lố bịch, điên rồ và thật sự nguy hiểm. Dù có tài giỏi tới đâu, loài người cũng không thể biến thành Tạo Hóa của tự nhiên, cũng không thể đứng trên thiên nhiên mà ngự trị thiên nhiên được, bởi vì nó chỉ là bộ phận nhỏ của thế giới sinh vật sống nhờ thiên nhiên, không thể tách rời khỏi thiên nhiên. Tóm lại, Tự Nhiên mới là chủ thể của mọi sáng tạo, còn loài người chỉ là đám thừa sai, học đòi, là lũ xây-phá ngông cuồng, viển vông, hoang tưởng và mê sảng, là thủ phạm đang tự giết mình một cách ngu xuẩn bằng việc tàn phá đến xơ xác cái nôi Trái Đất ru mình sống còn, tàn phá đến tan hoang thiên nhiên vĩ đại.”!

                                                                      - Hết -
----------------------------------------------------

Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG

PHẦN III: NGUỒN CỘI

PHẦN IV: BÁU VẬT

PHẦN V: THỐNG NHẤT