THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 15


PHẦN II:     Nền tảng

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”

CHƯƠNG III: HƯƠNG CAU



Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…

Tố Hữu



Phố xá đã lên đèn và chúng ta cũng đã tới nơi muốn tới. Bên kia đường là quán Hương Cau. Từ ngày bận “công tác” ở Đông Chu đến nay, chúng ta đã bỏ bẵng, không ghé quán này nữa. Mới đó mà đã bao nhiêu nước trôi qua cầu rồi. Đúng là... thời gian ơi thời gian!

Xưa kia, nhìn từ bên này đường, chúng ta nhớ là quán rực rỡ lắm. Đèn quảng cáo đủ ánh sắc chớp, nháy, chạy vòng liên hồi làm cho hàng chữ “Hương Cau” viết theo kiểu “phăng tê di” như uốn éo chào mời và long lanh lôi kéo. Giờ, nhìn có vẻ tàn tạ quá! Đèn đóm thui chột chỉ còn lèo tèo. Hàng chữ “Hương Cau” như một hàm răng sứt, vàng xỉn vì khói thuốc lá (giống hàm răng chúng ta!) trông thật là “sợi nhớ, sợi thương”. Cái gì cũ kỹ, điêu tàn, già nua bao giờ cũng gợi nên sự buồn bã, chán chường và bi phẫn trong chúng ta. Định dợm bước bỏ đi tìm quán khác nhưng nghĩ lại thấy không đành. Dù sao thì vẫn còn kỷ niệm. Không thể phũ phàng bước qua kỷ niệm nếu còn muốn làm con người biết suy nghĩ, dù kỷ niệm đó là êm dịu hay xót xa. Sự mưu sinh đã làm ra những thân phận với biết bao nhiêu đúng sai, may rủi, sung sướng và khốn khó, hạnh phúc và khổ đau. Nếu quên đi những tâm hồn tham tàn đến bệnh hoạn, tàn nhẫn đến vô lương và ác độc đến vô nhân; nếu biết nhìn qua được những chí chóe, láu cá láu tôm, những lừa phỉnh, gạ gẫm tầm thường, những so đo, ích kỷ, tính toán vặt vãnh và những lầm lỗi đời thường khác, thì chúng ta sẽ thấy, hiểu và cảm thông sâu sắc với những thân phận, vì bản thân chúng ta cũng là như thế, cũng thuộc về số đông ấy. Không! Chúng ta phải thăm lại những gì giờ đây đã là kỷ niệm, gặp lại và chào hỏi những con người mà chúng ta đã từng giáp mặt, hàn huyên, nghịch đùa, cho vẹn chữ nghĩa tình giữa những thân phận thân quen của một thời xa cũ.

Chúng ta dợm bước đi, suýt nữa trở thành kẻ vô tình. May mà lòng trắc ẩn đã níu chân chúng ta lại và dìu bước sang bên kia đường, vào quán Hương Cau.

Quán vắng teo! Có lẽ “truyền thống” của quán này vẫn còn. Nhớ lại xưa kia quán thường rất vắng vào khoảng tối sớm, chỉ đến khi tối bắt đầu muộn thì khách mới đông dần. Mà toàn là khách xồn xồn. Nhiều “ngài” khi lập đêm mới đến, đã nhậu trước đâu đó rồi, chẳng nốc thêm được là bao nữa mà cứ “ì ra” đấy, mãi tới tận đầu khuya mới khật khưỡng ra về. Hình như chốn này là nơi “an nghỉ cuối cùng” trong một đêm lãng du ăn nhậu của mấy “bố” có ít nhiều tâm sự, muốn thủ thỉ cùng “em út”. Chúng ta cũng đã nhiều lần “khề khà” như thế.

Cô tiếp viên hàng không, ý lộn, cô tiếp viên không hàng, ý lộn nữa, cô tiếp viên nhà hàng, cũng không phải, cô tiếp viên quán, đúng rồi, mặc bộ áo dài truyền thống uyển chuyển dẫn chúng ta đi chọn bàn. Chúng ta thích ngồi ngoài sân cho thoáng mát, chỗ thâm trầm có thể quan sát được “vạn vật” để “ôn cố tri tân”. Chúng ta đi về phía chỗ ấy, chỗ mà hơn chục năm trước chúng ta đã chọn, đã từng ngồi đó lặng thinh ngắm nhìn như một pho tượng đá biết buồn hoặc hứng tình cợt nhả đùa vui, buông lời ong bướm với những cô gái buôn hương bán phấn, theo đóm ăn tàn cả “chuyên nghiệp” lẫn “nghiệp dư” và những “em” chạy bàn xinh xẻo, còn non tơ trên bước đường đi vào sương gió.

Chúng ta vừa kịp “an tọa” thì trước mặt đã xuất hiện cô gái chạy bàn (chúng ta đoán thế vì có gắn bảng tên trên áo):

- Dạ, thưa mấy chú dùng gì ạ?

Ở những quán kiểu Hương Cau này, chúng ta biết có nhiều lão đã hơn 60 niên vẫn được mấy em gọi bằng “anh” ngọt xớt. Chúng ta thuộc lớp đàn em, mới độ năm mấy, thế mà bị cô nàng gọi bằng “chú” thì thật là “oan” quá! Nhưng thôi, cũng chẳng nên “ức” làm gì. Từ ngày ngộ được cái Đức Huyền Diệu của Đạo Gia xứ Đông Chu, tâm thần chúng ta bỗng trở nên an tĩnh lạ thường. Cô nàng này chắc mới ở quê ra vô đây làm, chưa “lắng nghe” nên chưa ''thấu hiểu'' được những ông đã luống hoa râm nhưng còn cố ‘vớt vát” ghẹo nguyệt, trêu hoa.

- Cho bia “Sài Gòn” xanh đi bé!

- Mấy chú dùng món gì ạ?

- Lấy trước một dĩa đậu phộng ra đây! Mồi màng, lát hồi tính sau…

Chúng ta vừa nói vừa ngắm nhìn cô gái. Khuôn mặt còn ngây thơ quá, chưa vương chút “dặm trường”. Cảm giác áy náy chợt le lói cõi lòng:

- Lấy dùm chú cái “Menu” nữa nhé!

Cô gái “dạ” một tiếng rồi quay đi.

Ngay lập tức lại một cô nàng xuất hiện - cô tiếp thị với áo váy vừa vặn cơ thể, gọn và đẹp.

- Uống ủng hộ em mấy chai “Tiger” đi mấy anh! - Cô nàng cất tiếng chào mời.

- Tụi anh lỡ kêu bia khác rồi…

- Anh kêu đổi lại được mà… Nha, anh nha, uống ủng hộ em mấy chai nha? Em vô nói mấy đứa đổi lại nha?

- Thôi, lỡ rồi! Để bữa khác đi em!... Mà bia Tiger vừa mắc, vừa uống nhức đầu lắm!...

- Ai bắt mấy anh uống nhiều đâu, chỉ vài chai ủng hộ em thôi mà… Ủng hộ em nha, anh? - Cô nàng dở chiêu “òn ỉ”, đúng kiểu… tiếp thị.

Ai thì không biết, chứ chúng ta là chúa thích ghẹo mấy nàng bia tiếp thị, một đàng, thực tâm, cũng muốn ủng hộ, một đàng uống ủng hộ như thế dễ bề cợt nhả với gái, cũng vui đời.

- Em cứ nói lấy được thế chứ uống một lúc hai loại bia vào bụng còn nhức đầu bạo nữa… Em có đồng ý với anh rằng một ông mà lấy hai bà bao giờ cũng nhức đầu hơn lấy một bà không?

Chúng ta cười đắc ý. Cô gái cũng ngẩng lên cười, khoe cái cổ dài, tròn lẳn, không một lằn ngấn. Rồi cô gái nhìn chúng ta, mặt tươi tỉnh hẳn:

- Cái đó thì em không biết! Nhưng ở dưới quê, ngay ông nội em đây có đến ba bà mà sống đến 90 tuổi, có thấy ổng la nhức đầu bao giờ đâu… Bây giờ em đố mấy anh: Bà Táo có nhức đầu không?! Nếu mấy anh không trả lời được là phải uống ủng hộ em đó nha!...

Rồi! Chúng ta đã gặp phải “thứ dữ” rồi! Kể cũng khó mà trả lời cho thỏa đáng được: Phải chăng tự nhiên là như thế và như thế mới có được những thích thú nho nhỏ, bất ngờ, nhưng không kém phần duyên dáng trên những chặng đường thăng giáng của mỗi cuộc đời?

Chúng ta có thể là “Thầy Cãi” trong hoang tưởng, và đã từng mang tiếng ''Thầy Cãi'' trong hiện thực, nhưng sự từng trải đã dạy chúng ta rằng đừng ngu dại gì mà làm “Thầy Cãi” giữa những cuộc chén tạc chén thù, nhất là ở đây, việc gì chúng ta phải nhất quyết “thắng” để làm mất đi cái thi vị của cuộc sống, cái mà chúng ta rất cần và cố gầy ra!?

Cô nàng tiếp thị quả là sắc sảo, tinh anh!

Sau khi cười vui, chúng ta nói với nàng thế này:

- Câu đố của em, thực tình là khó nhất nhì thế giới. Bọn anh chắc rằng không thể trả lời được. Nhưng có một điều là giữa chúng ta đã có một thỏa thuận hay cá cược gì đâu?…

Cô gái chạy bàn ban nãy đã mang bia ra, thoăn thoắt gắp đá (băng đá chứ không phải đá xanh!) vào các ly. Nàng tiếp thị phụ giúp, khui bia lốp bốp, rót đầy các ly một cách tận tình, nói vớt vát:

- Thứ bảy này có đợt khuyến mãi, mấy anh ghé quán uống bia em nha?

Chúng ta nhe răng cười, đáp:

- Cứ gì phải đến thứ bảy, nếu em dám tặng cho tụi anh một nụ hôn nồng nàn, cháy bỏng ngay bây giờ thì ngay bây giờ tụi anh sẽ uống bia của em. Chịu vậy không?

Nàng tiếp thị nhoẻn cười, khẽ lắc đầu và quay lưng. Có rất nhiều cô gái làm tiếp thị cho những hãng bia khác nhau. Nhưng những cô tiếp thị bia Tiger phần lớn đều có đôi chân dài thon thả. Và tối nay, có một đôi chân dài thon thả trong số đó rời bàn chúng ta, bước những bước mạch lạc, dứt khoát... sang bàn khác.

Phía trên đôi chân dài ấy là một cái đầu đang sôi nổi kiếm lợi. Lương cơ bản chẳng đáng là bao, năng suất bán bia là đồng lương làm tăng thêm thu nhập. Trong đầu nàng tiếp thị giờ đây hẳn đã không còn vương vấn gì sự kiện khá “hay ho” ban nãy nữa. Đó là điều tự nhiên. Hàng đêm nàng phải đối diện với biết bao nhiêu sự kiện hệt như vậy, và coi đó là một công việc cần thiết nhưng tẻ nhạt với những “thằng đàn ông” sởi lởi đến phát… ngán, lúc nào cũng tưởng mình là trang… “nam nhi chi chí”.

Chúng ta biết rằng đời cứ phải là như thế. Vài ba cái bụng không thể nào làm việc nghĩa cho khắp các cô nàng tiếp thị bia được và đến suốt đời được. Chính các cô nàng cũng biết như vậy. Cho nên chẳng cô nào “cam tâm” gắn bó với ê chề bia bọt, với khản cổ van mời, một cách lâu dài mà không “kiêm nhiệm” thêm một nghề nào đó có thể là “vàng” có thể là “thau” mà cũng có thể là vàng thau lẫn lộn. Chúng ta còn biết rằng không ít nàng làm thêm nghề “xưa như trái đất” vì đó là nghề siêu lợi, vừa “sung sướng” vừa hốt bạc, tuy là không bao giờ dám xưng danh, thậm chí phải giấu danh đi. Hay nói cách khác, các nàng hữu danh khi hiện ra như nàng tiếp thị, như cô chạy bàn; vô danh khi hành nghề “xưa như trái đất” và thường là hư danh khi khách làng chơi gặng hỏi tên. Chúng ta gọi những cô nàng là nghiệp dư (hay bán chuyên nghiệp) để phân biệt với những cô nàng “bán hoa” chẳng có một vỏ bọc nào, được gọi là chuyên nghiệp. Hai “lực lượng” ấy “chuyển hóa” qua lại nhau một cách… “tùy cơ ứng biến”!

Nghề “xưa như trái đất” ấy, nói toạc ra, chính là nghề “làm đĩ”. Làm đĩ là gì? Theo ''định nghĩa'' thì đó là một nghề kiếm lợi; (thường là) người nữ và (nhiều khi là) người nam cho người khác (khác giới hoặc đồng giới) thuê “cái tự có” của mình trên tinh thần “tiền trao, cháo múc” hoặc “ăn bánh trả tiền”; người cho thuê được gọi là người bán dâm, người thuê được gọi là người mua dâm. Sau mỗi lần thuê mướn, mua bán dâm, nhìn chung, cả người mua lẫn kẻ bán đều thỏa mãn, hơn nữa, rất nhiều khi còn cảm thấy… vui sướng lắm!

Câu cá là một hành động kiếm lợi. Câu cá để bán thì kiếm lợi ở đây chính là kiếm tiền mưu sinh. Câu cá để cho vui thôi thì kiếm lợi ở đây chính là kiếm sự thư giãn tâm hồn (có lợi cho cơ thể, giảm căng thẳng thần kinh). Tương tự như vậy, dù một quan hệ tình dục tự nhiên, không bị cưỡng bức, không có mua bán thì vẫn là một cuộc kiếm lợi (sự tìm kiếm “cái sung sướng” đồng thời của cả hai đối tượng). Người ta gọi cuộc kiếm lợi nhưng không phải là “mua bán” ấy là sự thông dâm (trường hợp cá biệt chỉ có một người quan hệ với chính mình thì gọi là thủ dâm).

Còn rất nhiều, có thể nói là đủ loại, đủ kiểu… dâm. Nếu tất cả những hành vi dâm xảy ra trong mộng, trong tưởng tượng thì, trung thành với triết học duy tồn, chúng ta gọi là ảo dâm.

Tại sao lại phải nói dài dòng, lê thê về dâm thế, trong khi nó chả ăn nhập gì lắm đến câu chuyện hoang đường của chúng ta và nếu không khéo nó có thể còn làm cho câu chuyện hoang đường của chúng ta bớt đi phần nào sự “đứng đắn đáng tin” nữa?

Chúng ta cho rằng nói về dâm như thế chưa “thấm tháp gì”, mới chỉ là vài nét có tính chất chấm phá mà thôi. Để nói cho “thỏa chí tang bồng” về dâm thì có lẽ vài ba cuốn sách cỡ 500 trang là chưa đủ, vì đó là vấn đề sâu rộng, mang tính định mệnh của loài người. Một triết học về xã hội muốn hoàn chỉnh thì buộc phải đề cập đến nó.

Phân tâm học là một học thuyết lớn về tâm sinh học đã lấy tính dục làm cơ sở, nền tảng lý luận của mình. Dâm, theo chúng ta, chỉ là cách gọi khác của tính dục. Dâm có hai nghĩa, ở nghĩa hẹp, chúng ta hiểu ''bõ bã'' là sự thèm khát quan hệ xác thịt, ở nghĩa rộng, được hiểu đại khái là sự ham muốn (chính là ''si'') được thỏa mãn tinh thần ở tầng tiềm thức cũng như trong hiện thực đời sống của mỗi cá nhân. Đại thể, theo phân tâm học thì mọi biểu hiện tâm sinh lý con người trong mối quan hệ với nhau và với xã hội đều có nguồn gốc sâu xa từ tính dục. Phân tâm học có thể có nhiều cái đúng, nhưng cái sai cơ bản của nó là đã luận giải sai nguồn gốc khách quan lẫn chủ quan của tính dục (của ''si'').

Nói sơ như thế để thấy dâm đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc chi phối hành vi con người và trở thành mối bận tâm đến cỡ nào đối với các nhà khoa học.

Giới tính (tính đực, cái) xuất hiện trong thế giới hữu sinh không phải là tùy tiện, ngẫu nhiên mà là một tất yếu; vừa là sự thể hiện, vừa là bộ phận của sự tương phản của Tự Nhiên Tồn Tại trong thế giới hữu sinh; là hiện tượng tuân theo đòi hỏi của Thiên Nhiên, góp phần làm cân đối thế giới sinh vật và do đó, có thể là kết quả do tác dụng của quy luật tăng-giảm lạm phát. Một trong những biểu hiện rõ ràng và sinh động về quá trình kết hợp, chuyển hóa giữa các lực lượng tương phản làm nên biến đổi, tạo dựng của Vũ Trụ chính là quá trình thụ phấn (ở thực vật), giao phối (ở động vật) và sinh sản trong thế giới hữu sinh.

Loài người, xét theo nghĩa không phân biệt, là động vật; xét theo nghĩa phân biệt được (tương đối), là động vật biết suy nghĩ. Muốn duy trì giống loài mình (xét cho cùng thì đó là một “thôi thúc” có nguồn gốc tự nhiên), loài người cũng phải thực hiện “sứ mạng lịch sử” đó là giao phối. Ở loài vật, giao phối là quá trình mang tính bản năng, vô tình, bị thúc giục theo mùa hay sau những khoảng thời gian nhất định, qua rồi thì thôi, có “biếu không” cũng chẳng “thèm vào” nữa (nói riêng, ít ra là có một loài khỉ lúc nào cũng “thích” giao phối, thật là lạ!). Ở loài người, giao phối là quá trình tưởng như hoàn toàn mang tính lý trí (bản năng không phải mất đi mà “chìm” xuống ở tầng vô thức, bị che khuất), hữu tình, được thúc giục chủ yếu bằng suy nghĩ (nói riêng, người xuất gia theo Phật là “chê” giao phối và không bị hối thúc nữa; thật là đáng nể!). Đối với loài vật, vì là vô tình nên sự giao phối chỉ là sự làm mất đi những kích thích bản năng, những đòi hỏi vô thức, như đói phải tìm ăn, khát phải tìm uống; chỉ là những phản ứng vô tri, hoặc ở dạng nhận biết sơ khai, manh mún nào đó. Nhưng đối với loài người, vì là hữu tình nên sự giao phối còn như một bữa tiệc hoan ca sung sướng, thỏa mãn tinh thần và trở thành nỗi thèm khát thường trực (được sung sướng, thỏa mãn) nhờ có trí nhớ, nhờ có suy nghĩ. Nỗi thèm khát nói chung được gọi là dục vọng (hay dục tình); nỗi thèm khát quan hệ xác thịt nói riêng được gọi là dâm (tương đối thôi đấy nhé!).

***

Người đời nay nói chung quan niệm rằng làm đĩ là một nghề thấp hèn, nhục nhã, bất lương và không được phép tồn tại. Chúng ta không hoàn toàn đồng thuận với quan niệm đó. Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta đặt câu hỏi: thông dâm có xấu xa không và có quyền được tồn tại trong một xã hội mà gia đình được cho là đơn vị cơ sở của nó không? Thông dâm giữa vợ chồng thì khỏi phải bàn rồi, hiển nhiên là chẳng xấu xa mà cũng chẳng cao đẹp gì, nó bình thường như hơi thở, được pháp luật bảo hộ nên chính đáng và có quyền tồn tại. Thông dâm ngoài hôn nhân, theo chúng ta nghĩ, bản thân nó cũng chẳng xấu xa hay cao đẹp gì; có quyền được tồn tại và đã tự chứng minh sự tồn tại ''không gì dập tắt được'' của nó trong lịch sử và hiện thực. Chỉ có điều một khi sự thông dâm ấy xuất hiện trong xã hội đã tồn tại ý thức tư hữu, đã là một ''cá tính'' ở mỗi con người, làm ảnh hưởng đến danh lợi (trong đó có hạnh phúc) của người khác hay của xã hội (làm xấu đi bộ mặt xã hội chẳng hạn) thì nó sẽ trở nên xấu xa và không nên tiếp tục tồn tại, pháp luật sẽ không cho phép tồn tại. Nhận thức như thế nên thông thường, những kẻ (đã có vợ hoặc chồng) vì một lý do nào đó (có lý hay vô lý?), do không kiềm chế được cái dâm vừa bản năng vừa kinh nghiệm trỗi dậy mà đi thông dâm, luôn cố gắng giấu nhẹm hành vi đó của mình. Họ có tội hay vô tội? Cả hai, hoặc nói cách là không phải cả hai, và cả đáng giận lẫn đáng thương nữa! Nếu tình yêu thương của họ vẫn hoàn toàn hướng về gia đình họ và đi đến thông dâm chỉ vì để tìm sự sung sướng nhất thời của một cơ thể phàm tục thì họ là có lỗi, nhưng vô tội và đáng thương. Nếu ngược lại thì họ là có tội, đáng giận và nếu “lươn lẹo” thì còn đáng khinh nữa! Nói chung là khó mà đánh giá dứt khoát được hành vi thông dâm vì tùy góc độ quan sát và nhận thức cá nhân trong điều kiện và hoàn cảnh xã hội cụ thể mà thấy đó là bình thường hay bất thường, có lý hay vô lý, đúng hay sai...

Mua bán dâm trong kinh tế hàng hóa, ngẫm ra cũng bình thường và nếu ''quên'' hành vi “buôn bán” đi thì cũng chỉ là một sự thông dâm “thuần túy” mà thôi. Như thế, mua bán dâm chẳng có gì phải “ầm ĩ”. Từ đó suy ra nghề làm đĩ chẳng có gì gọi là thấp hèn, nhục nhã cả mà cũng chẳng bất lương, thất đức gì cả nên có quyền được tồn tại và lịch sử đã chứng minh sự tồn tại “ngoan cường” của nó qua mọi thời đại và ngày nay đang tồn tại trên khắp thế giới, thậm chí như có vẻ phồn thịnh đến nỗi có thể nói ở đâu có cộng đồng người, ở đó có mại dâm! Bất cứ ai có nhu cầu, từ thủ tướng, các chính khách bệ vệ và nghiêm nghị đến gã nông dân vừa ở ruộng lên, từ những quí bà giàu có đã “xập xệ” đến những cô ả chồng bỏ, ma chê; hễ có nhu cầu và bỏ tiền ra là mại dâm xuất hiện, phục vụ một cách… tận tình. Phải chăng mại dâm cũng có tính nhân đạo!?

Quy luật cung cầu và tỷ suất lợi nhuận đã làm cho mại dâm ngày nay đã trở thành một ngành kinh doanh béo bở được điều hành bởi một lực lượng hùng hậu những gã ma cô, những mụ tú bà, và có sự “dính máu ăn phần” của nhiều vị khả kính nữa. Ở những đất nước hà khắc nhất, tuy không “dám” rầm rộ nhưng thông dâm và đi liền với nó là mại dâm vẫn ngấm ngầm tồn tại, bất chấp hiểm nguy! Tại sao lại có hiện tượng đó? Dễ hiểu thôi, là vì thực sự tồn tại một lực lượng hùng hậu có nhu cầu mua dâm. Rõ ràng là như thế, nhưng nếu chỉ trả lời được như thế thôi thì cũng tội nghiệp cho đám “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” quá!

Chúng ta cho rằng chính vì không am hiểu và hiểu khiên cưỡng về tự nhiên-xã hội dẫn đến quan niệm sai lầm, xuất phát từ sự ích kỷ, trọng nam khinh nữ, đạo đức giả, xa rời thực tại và chưa thấy được cái lẽ tự nhiên của các “quan phụ mẫu”, của các nhà nước mới là nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự làm giàu phi pháp mà cũng phi nhân trên cơ thể gái mại dâm, dẫn đến biết bao nhiêu cô gái khốn khổ đau thương vì bị lừa đảo, dẫn đến đủ mọi thứ tệ nạn xã hội có liên quan và dẫn đến… thất thu. Nếu có khoảng thu nhập có thể là khổng lồ từ việc đánh thuế trực tiếp mại dâm, được cho phép họat động công khai (nhưng trong chừng mực hạn chế, không khuyến khích) và được quản lý bình đẳng như mọi ngành kinh doanh khác nhưng có chú trọng đặc biệt về mặt nhân đạo, để “rải” thu nhập ấy hỗ trợ cho những bộ phận dân chúng nghèo thì có phải là một hành động hợp với Đức Huyền Diệu không? Khái niệm “mua bán xác thịt” nghe sao mà rùng rợn quá! Mấy cô gái bán dâm và mấy “thầy” mua dâm chắc là cười mũi khái niệm đó, khái niệm đã không nói đúng thực chất của họ, do những bậc “thánh” về đạo đức giả “đẻ” ra.

Một người cực đoan có bao giờ nhận thức lại cái mình đã nhận thức? Một kẻ hãnh tiến có bao giờ thừa nhận chân lý mà mình từng rêu rao khắp thiên hạ là sai lầm?...

Lão Tử, Dương Chu không chối bỏ cái dâm, không cho dâm là xấu vì dâm là hợp lẽ tự nhiên, nhưng chỉ khuyên là nên biết dâm thế nào là đủ, đừng thái quá. Và chúng ta theo Lão Tử và Dương Chu. Còn những ai đó chê dâm, hô hào loại bỏ dâm ra khỏi đời sống thì… kệ họ! Dâm vẫn ''có mặt'' như bộ phận làm nên nhân loại, vẫn hiển hiện khắp nơi trong đời sống của nhân loại, cả về mặt vật chất lẫn mặt tinh thần, bởi nó chính là một trong những sứ giả mẫn cán, thân tín và thiêng liêng của Đức Huyền Diệu.

Nghề làm đĩ có từ bao giờ? Chúng ta chịu, không thể trả lời được! Hãy bỏ ngỏ đó cho các nhà có chuyên môn cao trả lời và sự chứng thực của các nhà khảo cổ. Nhưng từ rất xa xưa, có thể là ở thời gỗ đá, con người đã đề cao sự giao phối nam nữ như một cái gì đó thiêng liêng. Không cần nói đâu xa, ngay tại mảnh đất Việt Nam này, các nhà khảo cổ đã khai quật được những di vật cổ xưa, từ thời tiền sử (khoảng 3000 - 4000 năm) mà trên đó đã khắc họa biểu tượng của dương vật và âm vật (trống đồng Đông Sơn), tượng nam nữ giao hoan (trên nắp thạp đồng Đào Thịnh). Người ta gọi đó là tín ngưỡng phồn thực mà tục thờ dương vật và âm vật trong các nghi lễ cầu mùa của cư dân Đông Sơn vẫn còn được bảo lưu trong tục rước nõ nường ở một số làng xã Bắc Bộ về sau.

Thông dâm xuất hiện ngay từ lần giao phối đầu tiên của con người suy nghĩ (rõ như ban ngày!). Quần hôn cũng là thông dâm thôi. Nhưng mại dâm chắc chắn chỉ có thể xuất hiện lần đầu tiên, trong một ngày “đẹp trời” nào đó ở thời kỳ có trao đổi sản vật hay mua bán hàng hóa. Kẻ bán người mua ngày hôm đó đã khai sinh ra nghề mại dâm và “bà” đó (hay “ông” đó, tùy việc ai mua, ai bán) chính là tổ của nghề làm đĩ (?!).

Có thể là từ rất xa xưa đã có sự trao đổi thành quả làm ăn giữa con người với nhau, trong nội bộ loài người, nhưng một cách rõ rệt thì có thể nói, chỉ nhờ có cuộc sống định cư mới hình thành nên được cấu trúc kiểu “gia đình”, “chồng vợ”; nhờ có những gia đình độc lập ấy mới có hiện tượng trao đổi sản phẩm một cách đôi bên cùng có lợi, và sự trao đổi sản phẩm ấy là tiền đề của mua bán hàng hóa. Trao đổi, mua bán làm tiền đề cho “bán thân nuôi miệng” ra đời. Tuy vậy, sự trao đổi, mua bán chỉ là sự “gợi ý”. Sự gợi ý ấy “trùng phùng” với đám mây nặng trĩu thèm thuồng bản năng về xác thịt và sự đói khát của mảnh đất nứt nẻ vì hạn hán, sẵn sàng hiến dâng để nhận cơn mưa móc đã là động lực cho nghề làm đĩ xuất hiện. Đó là đứa con được sinh ra từ sự đói khát và thèm muốn. Loài người sinh ra từ nguyên nhân nào nếu không phải là từ sự giải tỏa đói khát? Nếu không bị đói khát và thèm muốn ''dằn vặt'' thì sao có mại dâm và mại dâm để làm gì? Loài động vật nếu đủ no ấm rồi, thì việc gì phải vươn lên thành con người có suy nghĩ và tình cảm chi cho… khổ?!...

Từ đó nghề làm đĩ tồn tại suốt chặng đường mà loài người tồn tại. Ai cũng hô hào dẹp nó, vua nói dẹp (trong khi cung tần, mỹ nữ trong cung có hàng ngàn?!), quan nói dẹp (trong khi chứa chấp năm thê bảy thiếp trong phủ?!); thần dân nói dẹp (trong khi “nhậu” mà không có ả đào, em út thì buồn quá?). Rốt cuộc, tất cả những ngữ “đạo đức nửa mùa” trước sau đều “qui tiên” nhưng nghề mại dâm vẫn còn đó, đĩ vẫn “hiên ngang” tồn tại. Thế mới tài!!!

Nói gọn lại, làm đĩ có khi là đáng ghét nhưng cũng có khi là đáng thương. Đáng thương bao giờ cũng nhiều hơn bội phần đáng ghét! Vì nghề làm đĩ, nghe thì có vẻ tục thế; nhưng suy cho cùng, cũng bình đẳng như những nghề khác; thậm chí là còn “đẹp” hơn nhiều so với chẳng hạn như “nghề ăn cắp”, “nghề ăn cướp”, “nghề cho vay nặng lãi”, “nghề ma cô”, “nghề tú bà”…, và “hữu dụng” hơn nhiều so với chẳng hạn “nghề buôn nước bọt”, “nghề buôn thần bán thánh”!…

Đáng trách chăng là trách chúng ta, những kẻ “tứ đổ tường” ở mức thái quá, đã vô tình làm nên cái nhu cầu mua dâm to lớn trong xã hội. Bản thân tứ đổ tường (cờ bạc, rượu chè, hút sách, trai gái) mang tính nước đôi: lợi và hại, là cả hai mà không phải cả hai. Nó đủ “tiêu chuẩn” và lý do để tồn tại và sự thực là nó đã tồn tại ngàn đời nay và đang tồn tại một cách không có ý chí nào dẹp bỏ được. Nếu giả sử tứ đổ tường đột ngột biến mất thì thế gian này có lẽ sẽ… buồn thiu! Có thể nói tứ đổ tường tồn tại được là vì nó hợp đạo lý. Tuy nhiên một khi ở tình trạng thái quá, sự tồn tại thái quá ấy của nó sẽ phạm vào Đức Huyền Diệu, đòi hỏi phải có sự can thiệp của pháp luật, cái quyền lực bảo vệ đạo đức xã hội (được cho là cũng phù hợp với Đức Huyền Diệu).

Đáng buộc tội chăng là buộc tội những kẻ đã kích hoạt nhu cầu mua bán dâm ở mức tự nhiên thành một thị trường, có tính bùng phát, quá đáng, nhầy nhụa ô uế, đồi trụy. Chúng bất chấp mọi giá trị đạo đức, chà đạp thô bạo lên phẩm giá con người, dùng mọi thủ đọan từ lừa mị, dụ dỗ, cưỡng bức, tống tiền đến dùng ma túy gây nghiện, dùng giết chóc để ràng buộc, đày đọa, gây ra biết bao nhiêu thân phận khốn khổ, buồn thương. Đi đôi với việc đó, chúng còn truyền bá, phát tán những tài liệu, ấn phẩm kích dục trắng trợn, cố tình làm băng hoại xã hội và tha hóa con người, gây ra nhiều tệ nạn và tội ác hệ lụy. Sự kiếm lợi phi nhân tính và vô đạo đức cần phải bị lên án và trừng trị. Sự đày đọa và hãm hại con người, cả về thể xác lẫn tinh thần, đích thị là một tội ác không thể dung thứ.

Nhà nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước tất cả những vấn nạn nêu trên, đừng đổ thừa!...

***

Mải trò chuyện với mình (!) về cái đề tài muôn thuở, cũ mèm nhưng cứ mãi hấp dẫn, gây nhiều hưng phấn ấy, chúng ta đã uống cạn chai bia thứ ba tự lúc nào không biết nữa. Trong ly chỉ còn trơ lại đá, trắng nhách. Cô gái chạy bàn có lẽ bận rộn với đám khách mới vào bàn bên cạnh, giờ mới thấy ra “sự cố”, tiến lại:

- Cháu lấy thêm bia cho mấy chú nha?

- Vẫn còn mà, bé?! Để bọn chú uống hết đá đã rồi lấy luôn một thể!

Cô bé hiểu ý đùa, mỉm cười. Chợt nhớ ra, chúng ta nói với theo cô bé, lúc này mới đi được hai, ba bước:

- Đổi sang Tiger nhé, bé ơi!

Cô bé quay lại, nhìn quanh, mặt có vẻ tươi hơn, gọi:

- Chị Lan ơi, cho mấy Tiger bàn “gốc cau” đi! - Rồi thoăn thoắt gắp thêm đá vào các ly - Các chú không kêu món gì ạ?

- Có chứ! Cho một tô cơm trắng đi!

Cô bé mở to mắt, ngạc nhiên nhìn trân trân vào những bộ mặt tỉnh như ruồi.

- Chú ơi, ở đây không có bán cơm. Mấy chú kêu món khác dùm đi!

- Vậy hả? Thế thì kêu dùm chú một dĩa “gỏi xoài khô cá sặc” cũng được. Mai mốt bé nói với chủ quán là nên thêm món “cơm trắng” vào thực đơn nữa. Nhiều người thích nhậu món đó với bia lắm đấy!

Chúng ta vừa nói vừa tủm tỉm cười. Nhờ thế mà cô bé mới nhận ra:

- Mấy chú vui quá hà!

Không lâu đâu, rồi cô bé sẽ “chai lỳ” rất nhanh với những lời cợt nhả của những ông già ''còn máu'', nhiều khi thô lậu của những khách ham vui trong chuếch choáng hơi men, một khi cô đã hiểu được cái “chính trường” mà cô đang đứng. Chúng ta tin như thế dù không hi vọng như thế.

Hình như chúng ta có muốn hay không muốn, mặc lòng, mọi sự đời đều trôi theo chiều định mệnh của nó, khó mà đoán định được.

Nàng tiếp thị đã mang bia ra, lộ rõ niềm vui.

- Nãy giờ bán được nhiều chưa, Lan? - Chúng ta hỏi.

- Dạ, cũng được két mấy, gần hai két… Bữa nay em hên mới bán được vậy, chứ mọi bữa, đến giờ này chưa được một két, có khi nửa két còn chưa tới nữa…

- Tụi anh mang hên đến cho em đấy!

- Phải vậy không ta? - Lan cười, nghiêng nghiêng đầu làm duyên.

- Đúng vậy chứ còn gì nữa! Đã mang hên đến, còn uống ủng hộ nữa. Thế mà chẳng được xơ múi gì…

- Có! Lát hồi em khuyến mãi mỗi người một hộp quẹt ga…

- Quí hóa quá! Cảm ơn Lan vì bọn anh đang cần nụ hôn thì lại được hộp quẹt. Ở nhà bọn anh đã gom được số hộp quẹt từ khuyến mãi, đủ dùng hết đời cha và đời con. Hộp quẹt Lan tặng, bọn anh sẽ để dành cho lũ cháu, chúng chưa có cái nào! Một lần nữa, xin cảm ơn Lan!

Cô nàng tiếp thị ngước lên cười hắc hắc. Cái cổ dài, tròn lẳn, không lằn ngấn lại hiện ra. Lần này, hơn nữa, nó trắng ngần.

- Em có cái cổ đẹp lắm đấy, Lan ạ! - Chúng ta buộc miệng khen thật lòng - Em có biết không?

- Biết chứ! Em mà búi tóc lên còn đẹp nữa - Lan trả lời dạn dĩ đến không ngờ.

Chúng ta gục gặc đầu ra chiều nhất trí, định ghẹo thêm một câu cho vui thì nàng tiếp thị đột ngột nói:

- Mấy anh ngồi chơi vui nha!...

Đôi chân dài nhanh nhẹn bỏ chúng ta, thoăn thoắt đi về phía chiếc bàn có mấy khách mới vô.

Dõi theo, ngắm nhìn cái dáng đi rất gọn, vừa khoan thai vừa dứt khoát ấy, chúng ta có cảm tưởng rằng nếu đất trời cho Lan gặp vận may, biết đâu đấy, rất có thể Lan sẽ là một nữ doanh nhân thành đạt, đủ sức cai quản cả một công ty thuộc loại tầm cỡ. Nếu có như thế thật, thì lúc đó gặp chúng ta, Lan sẽ ứng xử ra sao nhỉ?...

***

Cô bé chạy bàn gọi bàn chúng ta đang ngồi là bàn “gốc cau” vì bên cạnh có ba cây cau chụm gốc. Nhớ lại trước đây, khi lần đầu tiên ngồi ở chỗ này ba cây cau đó đã rất cao. Bây giờ, sau bao nhiêu năm tháng, hình như chúng vẫn vậy, chẳng cao thêm được tý nào mà chỉ có vẻ như cong hơn. Sự già nua đã làm cho chúng xọm xuống chăng?

Hồi đó, có thời kỳ hầu như chiều nào chúng ta cũng đến sớm, ngồi chính chỗ này, nhậu nhẹt say sưa đến thường là 10 giờ đêm và đôi khi đến 12 giờ đêm mới ''nhổ neo'' ra về. Vì thế mà rồi chúng ta trở nên thân tình với mọi người trong quán, từ lão già giữ xe, các cô phục vụ quán đến cả bà chủ. Có lẽ tướng mạo chúng ta xù xì, chiều chiều ngồi như hòn đá bên ba cây cau mà được một em ngồi bàn hồi đó tên là Điệp gọi là anh “Đá cau”, sau, nghe “kỳ” quá, mọi người chỉ gọi gọn lỏn là “Đá”. Rồi sau đó nữa, không biết ai “thương tình” đặt thêm tiếng “Ba” đằng trước, thành chết tên “Ba Đá” từ đó. Những nhân viên tuyển sau của quán, hiểu sai nghĩa, người tưởng rằng chúng ta: thứ ba, tên Đá, kẻ lại nghĩ chúng ta là “thứ dữ” có ngón đòn “tam cước” hoặc chỉ đơn giản là thằng… ba đá!… Thực ra nghĩa nguyên gốc là “hòn đá ngồi cạnh ba cây cau”.

Giờ hòn đá lại ngồi đây, ba cây cau vẫn còn đó mà sao những người quen xưa đâu cả rồi?! Mái quán do chính tay Ba Đá thi công khi còn lăn lộn trong làm ăn, chưa dấn thân vào hoang tưởng, dù có cũ kỹ, sạm màu cùng mưa nắng thì vẫn vững chãi còn kia, mà sao những Huệ, Tuyết, Điệp, Thương của thuở ấy không còn “có mặt” nữa?

Huệ là tên chị chủ quán. Gọi là chị cho lịch sự chứ thực ra Huệ còn nhỏ hơn Ba Đá dăm tuổi. Huệ là diễn viên múa, lăng nhăng, lấy chồng có được đứa con gái rồi li dị, hết thời về mở quán tại nhà, đặt tên là “Hương Cau” vì sẵn có ba cây cau mọc chụm gốc ngoài sân.

Theo Ba Đá thì Huệ không xấu nhưng cũng chẳng có gì gọi là đẹp ngoài đôi chân tuyệt trần cả về hình dáng lẫn làn da. Huệ hay mặc váy cực ngắn, qua lại trong quán, ghé bàn này bàn kia chào hỏi khách quen làm không cứ gì Ba Đá mà nhiều ông sồn sồn phát “lộn ruột”. Thế rồi cũng có một ông khách, nghe đâu làm “mặt lớn” trong Sở Điện Lực, “hy sinh”, thành “bồ” của Huệ.

Hôm nào bồ đến thì thôi, hôm nào bồ không đến, Huệ vẫn thường ra ngồi đưa đẩy vài chuyện với khách quen để, sâu xa là giữ mối khách. Huệ hay đến ngồi chơi với Ba Đá nhất. Trong một dịp ngồi chơi như thế, Ba Đá khen chân Huệ hết lời và lấy một ngón tay rờ rờ đùi Huệ. Huệ cười ngặt nghẽo rồi rằng:

- Đàn ông như anh, có mà đàn bà nó chạy đi hết! - Rồi Huệ có vẻ nghiêm túc - Mấy đứa con gái ở quán, chúng nó thích anh lắm đấy…

- Có gì đặc biệt đâu mà thích - Ba Đá đáp - thì cũng ăn nhậu, cũng sàm sỡ, nói đôi khi là tục tĩu, không hiểu còn cho là xúc phạm nữa, nhậu xong thì cũng “bo” từng đó tiền thôi; nói chung là giống mọi ông khách khác, cũng “rứa”, chả hay ho gì đâu!…

- Thì đàn ông, đã vào đây ăn nhậu, “lão” nào mà chẳng thế. Anh cũng thế thôi, nhưng chúng nó bảo anh rất khác. Nói thật, bản thân em cũng thấy thế, ngồi chơi với anh rất vui, có cái gì đó như là sự an ủi, đồng cảm… Cho nên có lẽ anh là người khách mà em quí nhất… Nhưng không phải là yêu đâu đấy nhé!…

Hú vía!

Suốt từ chập tối đến giờ, chúng ta quan sát mà không thấy Huệ xuất hiện. Hay là quán đã được sang tay cho chủ khác? Nhưng đây là nhà Huệ cơ mà?...

Tuyết là lứa ngồi bàn đầu tiên mà Huệ tuyển vào làm. Tuyết nhỏ hơn Huệ cỡ 10 tuổi. Về mặt nhan sắc thì khỏi nói. Tuy đã bị thời gian xung vào đội ngũ “mệnh phụ” nhưng nét son sắc vẫn chưa phai mờ, không biết tả sao cho đúng nữa! Nếu nàng La Giôcông của họa sĩ thiên tài Lêôna Đờvanhxi mà không có nụ cười mỉm bất hủ thì chắc chắn là thua Tuyết xa.

Ba Đá đã có lần hàn huyên với Tuyết hàng giờ và đã thấy được bao nhiêu gió sương mà đời Tuyết đã phải trải qua. Cái gió sương không phải là gió sương thiên nhiên mà là gió sương tình người. Kẻ bình thường tạo ra gió sương cho người thiếu nữ đã là đáng ghét lắm rồi, huống hồ đứa quyền cao chức trọng làm nên gió sương thì thật là độc địa, tàn nhẫn và đáng… căm thù.

Tuyết bây giờ ở đâu Tuyết ơi?!

Điệp là cô gái mở đầu cho cái tên “Ba Đá” danh bất hư truyền! Điệp quê đâu tít tận miền Trung, ở vùng mà nói “ăn” thành “eng”, thất học nên mù chữ, vào thành phố này từ năm 15 hay 16 tuổi gì đó. Mới đầu, đi ở cho nhà được bà con giới thiệu ở quê, được nuôi cơm còn tiền công thì cho bao nhiêu biết bấy nhiêu, tùy ý chủ nhà. Đâu được hơn hai năm thì Điệp xin nghỉ chỗ đó, đi phụ bán cà phê ở một quán cách đó không xa lắm. Ngày rời đi, bà chủ nhà có làm bữa cơm ngon cho Điệp ăn, căn dặn đủ điều và còn cho Điệp thêm một ít tiền.

Điệp nói rằng sống ở quê, nhà nghèo, khổ lắm. Theo mẹ làm mướn quần quật mà ăn chẳng bao giờ được no. Đi ở cũng cực nhưng vẫn sướng hơn ở dưới quê. Phụ bán cà phê sướng hơn đi ở nhiều vì tự do, thoải mái hơn, tiền có nhiều hơn. Tiền lương nếu trừ đi ăn uống thì cũng chẳng nhiều hơn đi ở bao nhiêu, nhưng có thêm thu nhập từ tiền “bo” của khách nữa. Hồi còn đi ở, chẳng có nhu cầu gì mấy, quần áo được bà chủ nhà cho, sửa lại từ quần áo của bà hoặc mua ở những nơi bán “sôn” gọi là đồ “sida”, thường thôi, nhưng tươm tất, nên hầu hết tiền bà chủ cho, Điệp đều gửi về quê phụ mẹ nuôi mấy đứa em. Khi phụ bán cà phê, tiền nhiều hơn, hóa ra lại chẳng gửi được bằng như thế, không biết tại sao nữa.

Điệp không biết thật hay giả đò không biết? Nhưng Ba Đá hiểu rằng phụ bán cà phê, tiếp xúc với bao nhiêu cám dỗ vật chất và nhu cầu tự nhiên muốn ngày một đẹp hơn, quyến rũ hơn của thiếu nữ nói chung trong cái chốn lấy sự súng sính, hào hoa, diêm dúa bề ngoài làm chỉ tiêu để hội nhập, đã là nguyên nhân chủ yếu.

Ở lứa tuổi khi phụ bán cà phê, chắc rằng Điệp là một cô gái rất quyến rũ. Quyến rũ không phải vì nhan sắc nổi trội (Điệp không xinh lắm), mà nhờ vào cái duyên thầm, ẩn chứa tiềm tàng trong vóc dáng, trong từng cử chỉ hành động hồn nhiên chân chất, trong lời ăn tiếng nói trong veo, dịu ngọt…

Quãng đường từ quán ngày xưa Điệp phụ bán cà phê đến quán “Hương Cau” này không xa, độ chục cây số đổ lại. Nhưng từ vai phụ bán cà phê đến thành gái “ngồi bàn” ở đây đã là bảy năm trời dài đăng đẳng. Suốt bảy năm trời ấy, Điệp đã đi đâu về đâu? Ba Đá không hỏi và Điệp cũng không nói. Nhìn nét mặt đã bắt đầu mệt mỏi vì phấn son, qua cử chỉ lời nói (nếu lưu ý vẫn còn thấy “bóng duyên quê”) đã đượm buồn nản, ơ thờ, buông thả đến bất cần, Ba Đá cũng có thể phỏng đoán một cách đại thể.

Khái niệm “gái đứng đường” thì ai cũng biết; khái niệm “gái ngồi bàn” thì ít người biết hơn. Gái đứng đường hay gái ngồi bàn thì cũng là “một giuộc”. Tuy vậy cũng có sự khác nhau tương đối. Gái ngồi bàn có vẻ như “chất lượng hơn” vì để cho khách chấp thuận ngồi chơi thì ít ra là dưới ánh đèn phải xinh, trẻ, vui vẻ và… lỳ.

Vì phải chất lượng hơn nên thu nhập của gái ngồi bàn cũng “ổn định” hơn. Khi đã có khách quen rồi thì chỉ “ngồi” thôi cũng tạm gọi là đủ ăn đủ mặc. Nếu đi được “bước nữa” thì tốt, không thì cũng… không sao, lại có quyền lựa chọn chứ không gay gắt và “mù quáng” như gái đứng đường. Nếu “hên” nữa, gặp được một ông khách hứng tình cặp làm bồ một vài tuần, đôi ba tháng, thì đó là khoảng thời gian tạm quên “cơ cực” và nếu làm được vợ hờ cho một “cha” có tiền thì cũng có thể gọi là sung sướng, “yên thân”

Ba Đá còn nghe đến một “loại hình nghệ thuật” nữa là gái gọi. Gái gọi là gái mà khách có nhu cầu phải gọi qua điện thoại (có khi phải “nhờ” gọi) mới “chịu” đến và nếu “không được giá” thì có gọi rã họng cũng không thèm đến. Ba Đá không đủ “năng lực” tiếp cận nên cũng chẳng có gì để nói về họ. Tuy nhiên nếu phân hạng tương đối được thì theo Ba Đá, gái đứng đường thuộc hàng lính lác hoặc “thượng sĩ già”, gái ngồi bàn (mà gái ôm là một biến tướng ở mức “cực đoan”) thuộc hàng sĩ, úy; còn gái gọi được cho là trung, cao cấp, thuộc hành tướng tá. Trong cái lực lượng hùng hậu ấy có hàng soái không thì Ba Đá không biết!

Tuyết có lẽ là trường hợp điển hình của một cô gái quê lên thành phố mưu sinh và thành gái (bán dâm là nữ gọi là gái mại dâm, tên khác là gái điếm, gọi “cộc cằn” là con đĩ; gọi cho gọn là gái, tùy tiện mượn cách gọi thông thường, không hàm ý gì cả trong dân gian).

Quê Tuyết ở Gò Công Đông, nghe theo mách bảo, lên thành phố làm phụ bếp, rửa chén bát cho một quán nhậu; lớn lên một chút thì chạy bàn. Đám đàn ông ham vui không bao giờ “đồng tình” việc một bông hoa tên Tuyết có làn da “tuyết điểm” như thế lại phải chạy bàn cả. Thế là Tuyết được “dìu dắt lên” thành gái ngồi bàn. Sau năm bảy “anh trẻ” “đánh trống bỏ dùi”, cuối cùng có một “anh già” “tai to” “bế” Tuyết 3 năm liền. Tưởng anh già “tai to” kia “mù mịt” hóa ra là Tuyết nhẹ dạ. Tuyết đã bán 3 năm với giá gần như cho không rồi tìm đến Hương Cau tiếp tục ngồi bàn như thuở “hàn vi”, nhưng nhan sắc đã pha thêm màu sương gió...

Qua Tuyết mà Ba Đá biết được Điệp đã có một đứa con trai gần hai tuổi, kháu khỉnh và rất dễ thương. Cha đứa trẻ là một chàng trai kỹ sư xây dựng, lớn hơn Điệp ba tuổi. Trong một lần ăn nhậu, chàng trai đó đã phải lòng Điệp, yêu Điệp chân tình. Hai người yêu nhau một thời gian. Suốt thời gian ấy, Điệp bỏ “nghề”, đi phụ nấu, bưng bê cho một quán phở. Thế rồi Điệp có thai. Chàng trai chở Điệp về ra mắt cha mẹ và xin cưới Điệp làm vợ. Năn nỉ thế nào cha mẹ chàng trai cũng không đồng ý. Chàng trai bất lực, khuyên Điệp nên phá thai đi. Nhưng ý Điệp khác. Họ vẫn yêu nhau tha thiết. Chàng trai thuê một phòng trọ lớn hơn cho Điệp, chu cấp tiền bạc cho Điệp. Ngày Điệp sinh con, chàng trai đóng vai một người chồng thăm nuôi chăm sóc vợ hết mực tận tình.

Một lần, khi con của Điệp đã được 5 tháng tuổi, chàng trai chở mẹ anh ta tới phòng trọ. Điệp ngỡ ngàng và hy vọng trỗi dậy: mẹ chàng sẽ vì đứa cháu nội mà chấp nhận cho nàng về làm dâu và nếu được thế nàng tự hứa là sẽ cố gắng làm một con dâu tận tụy phụng sự nhà chồng. Nhưng Điệp đã lầm! Bà ta chỉ đến khuyên Điệp nên trao đứa nhỏ cho gia đình bà ta nuôi kẻo sau này nó khổ tội nghiệp. Đổi lại, bà ta sẽ gởi cho Điệp một số tiền lớn để Điệp về quê, có vốn mà xoay sở, đừng có theo con bà nữa. Nhưng Điệp lại nghĩ khác. Bà ta dọa đủ điều. Nhưng Điệp chỉ khóc, chẳng nói gì.

Sự đời cứ trôi theo chiều của nó, cái gì đến cứ phải đến. Chàng trai sửa soạn lấy vợ theo sự đặt gả của bà mẹ. Ngày nhận được tin ấy, Điệp ngất lên ngất xuống mấy lần. Ngày chàng trai buồn rầu đến định phân trần với Điệp về điều đó, Điệp đã bạt tai anh chàng mấy cái rồi ngất đi lần nữa.

Ngay tối hôm ấy Điệp xin quán phở cho nghỉ việc về quê có chuyện. Nhà phở thanh toán hết tiền công, còn cho Điệp thêm một khoản nữa. Đời Điệp gặp nhiều người tốt, nhưng số Điệp vẫn cứ khổ. Có lần Điệp nói với Ba Đá như vậy. Sáng hôm sau, Điệp âm thầm bế đứa con trai hơn một tuổi ra đi, bỏ lại tất cả, giấu tất cả. Nghe đâu chàng kỹ sư kia tìm kiếm khắp mấy ngày trời, sau đó về cả quê Điệp để dò la (mẹ Điệp mãi sau này mới biết Điệp ở đâu và vào luôn với Điệp, trông cháu. Mà nếu lúc đó có biết, mẹ Điệp thương con, chắc cũng chẳng nói).

Và Điệp lại làm gái ngồi bàn ở quán Hương Cau này.

Điệp ơi, bây giờ em ở đâu và sinh sống, nuôi con bằng nghề gì?

Thương là nhân viên chạy bàn của quán Hương Cau. Vì có chút nhan sắc nên Huệ thường kêu Thương ra ngồi bàn tạm. Lúc đầu Thương không chịu, Huệ mắng: “ra ngồi nghe chúng nó “dâm mồm” một tý, chúng nó cho tiền hơn cả tiền công ngày mày làm cho chị, có mất mát gì đâu mà sợ!”.

Một lần còn ngại chứ vài lần thành quen, mà tiền khách “bo” kể cũng nhiều thật. Gặp được ông khách xỉn tưng đời, “qua cho em” có khi là cả tuần tiền công chạy bàn. Quen rồi thì thành thích, thành nghiện cái nghề ngồi bàn: chẳng cần vốn liếng, chỉ ngồi đưa đẩy thôi mà lời lãi thì… khá lắm. Thế là nhờ “chị Tuyết” tư vấn, chị Điệp ”mách nước”, Thương xin Huệ cho phép được ngồi bàn, nhưng sẽ chạy bàn không công khi quán bị kẹt người; nghĩa là vừa ngồi vừa chạy. Huệ chịu liền!

Thương cười đùa rất tự nhiên, “bá vai bá cổ” chẳng cần ý tứ e dè gì cả. Chiêu thức ấy đạt hiệu quả thấy rõ: nhiều khách khoái ngồi với Thương lắm. Thương thường có cách nói tréo ngoe, sống sượng, ở trong quán nhậu cho là bình thường, là vui nữa đằng khác, nhưng nếu người mô phạm nghe được, chắc rằng sẽ bị “ói”. Chẳng hạn: “Nội ơi, cưới em về làm vợ đi nội!” hay: “Anh ơi anh, rước cháu về dinh đi anh!”

Ba Đá vì thế mà gọi Thương là “nhóc”. Khách nhậu tưởng nhóc vậy nhưng nhóc không phải vậy. Nhóc thương chị Điệp phải nuôi mẹ nuôi con, vẫn thường ghé phòng trọ chị Điệp mua đủ thứ cho đứa bé. Nhóc thương chị Tuyết đã về chiều mà cô đơn, có tháng không đủ trả tiền trọ phải mượn nhóc. Nhóc cho mượn nhưng không bao giờ đòi. Chính Tuyết tâm sự với Ba Đá rằng trên đời này, ngoài cha mẹ ra thì nhóc là người duy nhất mà Tuyết chịu ơn.

Mãi sau này, Ba Đá mới được Huệ cho biết nhóc đâu phải gái quê mà là người thành phố này, cha mẹ vẫn còn nhưng không hiểu được sao nhóc lại như thế. Đúng là sự đời chỉ trôi theo ý nó, khó mà đoán định được!

Thương ơi, em đã về lại gia đình chưa hay còn trôi dạt nơi đâu?

***

- Bác Ba phải không ạ?

Câu hỏi làm chúng ta sực tỉnh. Trước mặt chúng ta là cô gái còn rất trẻ, chắc độ hai mươi, nhìn chúng ta chăm chú.

- Ba nào, ở đây không có “Ba” nào cả! Chắc em lầm với ai rồi đấy! - Chúng ta hơi hoảng, trả lời:

- Đúng bác Ba Đá rồi!...

- Ủa! Sao cháu… - Chúng ta ngạc nhiên. Đến lượt chúng ta nhìn chăm chú cô bé và thấy hình bóng Huệ - A!.. Rồi! Có phải Hương không?

- Dạ! Con nè!...

Hương là con của Huệ. Ngày chúng ta bỏ quán, lên đường đi tìm ngọc trong lịch sử, Hương nhỏ xíu, còn quàng khăn đỏ đến trường. Ấy vậy mà giờ đây đã là một thiếu nữ rực rỡ xuân thì. Bảy, tám năm rồi còn gì! Thời gian, tưởng phù phiếm mà hóa ra rất thật; tưởng là tĩnh lặng, yên ắng đến vô hữu như “Thu điếu” của cụ Nguyễn Khuyến, mà tàn nhẫn xô đẩy vạn vật trôi vùn vụt theo cùng một hướng, kết nụ tỏa hương rồi héo úa lụi tàn.

“Bác Ba” mừng quýnh, hệt như lần “thấy” được viên ngọc quí trong lòng Lão Tử.

- Ngồi đây chơi, Hương, cho bác Ba hỏi chuyện chút coi! Trời ơi là trời, không ngờ cháu lớn nhanh quá đấy!

- Bao nhiêu năm rồi mà bác!... Con thấy bác từ lúc mới vào cơ, nhưng chỉ ngờ ngợ chứ không dám chắc…

- Ừ! Vật đổi sao dời mà lại. Bác cũng đâu nhận ra cháu ngay. Từ một con bé nhỏ thó, ốm nhách trở thành một thiếu nữ phổng phao xinh đẹp như hôm nay là một biến đổi “vĩ đại”, đố ai mà nhận ra ngay được!…

- Em khui bia nữa nhé? - Cô nàng tiếp thị tên Lan, ở đâu tới cắt ngang (may là vừa hết câu nên cũng không ngang lắm!).

- Khui đi Lan! Lát hồi thấy hết, em cứ tiếp tục khui tự nhiên đến khi nào thấy tiếng bọn anh ngáy khò khò thì thôi, không cần hỏi nữa! Đã bảo tối nay em gặp hên mà!

Cô nàng cười toét miệng. Lại thấy cái cổ…

Hương nhoẻn cười theo:

- Bác Ba vẫn thế, cứ như hồi xưa ấy!

- Như hồi xưa là sao? Hồi xưa ấy Hương còn nhỏ xíu, đã biết chuyện gì đâu?

- Không phải! Con biết nhiều lắm!... Bác không tin chứ gì?... Thế này nhá, bác Ba, con làm một bài văn kể chuyện để bác xem có đúng không nha?

Chúng ta cầm ly bia, uống một hơi cạn kiệt, khà một tiếng sảng khoái rồi ngả lưng dựa vào ghế, khoanh tay lại, nói:

- Ôkê! Bác nghe đây, xem thử Hương đúng được bao nhiêu!

Hương tủm tỉm cười, mắt nhìn về phía ba cây cau và ở trạng thái im lặng đó khá lâu. Không biết Hương có thấy ba cây cau không mà ánh mắt có vẻ thất thần, như bị dán chặt vào cảnh giới nào đó ở tít xa vời?... Rồi chớp mắt, quay sang nhìn chúng ta long lanh, sinh động trở lại, Hương bắt đầu kể:

- Ngày xửa ngày xưa có một đấng mày râu lạc đến quán Hương Cau và ngồi lỳ ở đó hết tối này đến tối khác, uống bia như hũ chìm mà chẳng bao giờ bị “be bét”. Đấng này hầu như chỉ ngồi đúng một chỗ là chỗ ở cạnh ba cây cau. Thường thì đấng mày râu ngồi một mình, vừa lai rai từng tợp bia vừa nhả khói mịt mùng và mắt thì, qua làn khói ấy, “lãng du” đây đó khắp trong quán. Các chị tiếp viên thấy thế, đặt tên cho vị khách “không mời mà đến” ngồi đồng một mình không nói không rằng, không cười không khóc ấy là “Ba Đá”. Lúc đầu, thấy Ba Đá có vẻ chỉ “toàn lãnh đạm với lãnh đạm mà thôi” nên các chị tiếp viên ngại ngần không dám “hỏi han”. Một lần trước “hiện tượng lạ” ấy, bà chủ quán muốn tìm hiểu, ghé ngồi với cái cớ là bày tỏ cảm ơn sự “trung thành” với quán của Ba Đá. Bà hỏi Ba Đá rằng sao không kêu em nào ngồi trò chuyện cho vui. Ba Đá đáp lại rằng cũng muốn vui say nhưng tiền mua say còn chưa đủ thì lấy đâu ra để mua vui nữa. Bà chủ cười ra chiều thông cảm “nỗi khổ” của Ba Đá. Nhưng từ đó, như là có phép lạ, chị Tuyết, chị Điệp, rồi chị Thương nữa, lúc nào rảnh rỗi khách lại ra ngồi chơi với Ba Đá như “anh em một nhà”. Ba Đá ngồi một mình trầm mặc bao nhiêu thì khi ngồi với “em út” lại sôi nổi bấy nhiêu, cười đùa rất chi là “giòn giã”. Khi ngồi một mình, Ba Đá có nghĩa là hòn đá ở bên cạnh ba cây cau, khi ngồi với những Tuyết, Điệp, Thương thì Ba Đá đúng nghĩa là…Thằng Ba Đá. Hình như có hai Ba Đá tương phản nhau, cùng tồn tại trong đấng mày râu này, chuyển hóa nhau, làm tiền đề cho nhau hiện hữu: Ba Đá này “lặn xuống” cho Ba Đá kia “nổi lên” và ngược lại. Thế là bàn của Ba Đá trở thành nơi “tạm trú” của ba con bướm đêm. Có thể nói, bàn của Ba Đá vui nhất vẫn là khoảng thời gian quán đã vãn, chỉ còn năm ba khách, khi Ba Đá đã “thấm” bia và ba con bướm kia đều “đậu” lại, không bận bay tiếp đi đâu nữa. Trong những khoảng thời gian như thế, Ba Đá trở nên liến thoắng, “hùng hồn” vô cùng, lúc đóng vai nhà tư tưởng ồn ào bênh vực cho loài bướm đêm, lúc đóng vai chuyên gia tâm lý, an ủi, động viên cho những con bướm đêm phiền muộn vui sống lên; lúc là anh hề làm đủ trò hài hước, kể đủ chuyện tếu táo cả thanh lẫn tục, lúc hóa thành nhà thơ “sáng tác”, đọc lại, ngâm lại hết bài thơ này đến bài thơ khác, hay có mà dở cũng nhiều; lúc thì hò hát om sòm, như một ca sĩ thực thụ, được các bướm và cả bà chủ quán mến mộ. Bàn Ba Đá vui đến độ nhiều khi vài khách còn lại trong quán cũng vác ghế sang ngồi góp vui, kêu thêm bia uống tiếp một cách “quá đã”. Hồi đó, Ba Đá đâu biết rằng có một con bé, tên Hương, lảng vảng gần đó, giả đò dọn dẹp, lau chùi để lắng nghe mọi chuyện. Rồi con bé đó thầm đoán già đoán non xem Ba Đá “trồng cây si” chị nào trong ba chị Tuyết, Điệp và Thương. Nhưng nó đã lầm! Bỗng một hôm, Ba Đá không đến và những hôm sau cũng không đến nữa. Mọi người làm trong quán xầm xì hỏi nhau, bàn tán đủ điều nhưng chẳng ai biết tí gì. Ba Đá bỏ đi, ai cũng cảm thấy hụt hẫng mất một thời gian. Mỗi lần ngắm nghía ba cây cau, con bé Hương lại nhớ về hòn đá biết nói và nói nhiều điều làm cho nó quí trọng. Một hòn đá kỳ lạ, đột ngột lăn đến ngồi lỳ đó, đột ngột nói năng hùng hồn, rồi đột ngột lăn đi, biến mất như rớt xuống sông không sủi tăm, và hôm nay lại đột ngột lăn về, rêu phong lấm lem …

- Quá hay! Bác khen thế vì nó có… văn phong của bác! Quá đúng vì… không sai! Ngay cả chi tiết “rêu phong lấm lem” cũng đúng vì bác thực sự là mới từ đầm lầy “bò” lên. Không ai ngờ Hương còn nhớ đến thế!… À, mẹ Huệ khỏe không cháu?

Mặt Hương đang tươi rói chợt sụ xuống, đanh lạnh như mặt Huệ xưa kia:

- Mẹ con mất rồi!

- Trời ơi!… Bác xin lỗi cháu vì câu hỏi vô tình! Thật là buồn quá!

Chúng ta vội ngồi thẳng dậy, châm thuốc hút, quay sang nhìn phía khác, nhả khói mịt mùng. Mới ngày nào Huệ đứng đó khoe đôi chân tuyệt trần dưới làn váy cực ngắn mà giờ… Những phô diễn của một kiếp đời, nhiều khi thấy vô nghĩa quá!

- Mẹ con bị xe đụng… 4 năm rồi.

- Thôi, nhắc lại làm gì nữa, Hương ?… Độ này quán bán có khá không cháu? - Chúng ta hỏi lảng.

- Dạ, cũng lai rai, nhưng không bằng hồi đó đâu. Mà con cho người khác thuê chứ con không đứng ra bán. Khi mẹ mất, quán nghỉ luôn, mãi nửa năm sau, kẹt tiền quá, con mới cho người ta thuê mở lại, bán đến giờ. Ông chủ này hiền lắm, không cho gái ngồi bàn vào đâu.

- Hương nói thế nghĩa là Hương cũng không thích gái ngồi bàn, đúng không?

- Không hẳn thế! Bác biết đấy, con quen mắt rồi, không thích mà cũng không không. Có lẽ con thương hoàn cảnh chị Tuyết, chị Điệp, còn chị Thương cứ tưng tửng thế nào ấy, con không ưa…

- Theo bác thì Thương cũng đáng mến. Họ cũng như chúng ta thôi, Hương ạ! Đã là con người thì ai cũng muốn có cuộc sống tốt đẹp nhưng không phải ai cũng được hưởng cuộc sống ấy. Ngay một cuộc sống được cho là tốt đẹp không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Có một nhà văn hay triết gia nào đó mà bác quên tên có nói đại ý: mặt trời không chiếu sáng suốt đời cho riêng ai trong số những người trần thế. Câu nói ấy hoàn toàn chính xác, Hương ạ! Nhưng có điều nói thế cho hay, cho bóng bẩy thôi chứ thực ra chính thiên nhiên và xã hội đã là nguyên nhân chủ yếu tạo ra những thân phận, những hoàn cảnh buồn, khổ không ai muốn…

- Bác Ba Đá lại vào vai nhà tư tưởng rồi! - Hương mỉm cười.

- Thế à?… Thôi thì mình nói qua chuyện khác vậy… Cháu hiện nay làm gì nào?

- Con vẫn còn đi học, đang học ở trường đại học “Khoa học xã hội và nhân văn”, còn hơn một năm nữa mới ra trường…

- Tưởng gì, chứ học ở đó ra, không khéo lại là “nhà tư tưởng” hơn bác nữa ấy chứ! - Chúng ta nói xong, cười khà khà.

- Con nói vui đấy, chứ bác nói nghe rất thích! Nhưng vừa rồi bác có nói đến thiên nhiên và xã hội làm nảy ra những thân phận buồn khổ… Con không hiểu…

- Hương ơi, cháu có biết xã hội loài kiến tồn tại được là nhờ có thiên nhiên, tồn tại trên nền tảng của thiên nhiên, theo thiên nhiên và là bộ phận của thiên nhiên, mà thiên nhiên lại chính là bộ phận được cho là đặc thù của Tự Nhiên không? Nếu Hương đồng ý như thế thì xã hội loài người cũng vậy thôi. Nhưng vì loài người biết suy nghĩ nên xã hội loài người, một cách tương đối, còn do chính con người tạo dựng một cách tự giác nữa. Tuy nhiên sự tạo dựng của con người không phải là vô điều kiện, phi tự nhiên và tùy tiện. Nếu có một ông thánh ở đâu đó tít trên trời cao kia nhìn xuống, cũng sẽ thấy xã hội loài người chẳng khác gì xã hội loài kiến cả, nghĩa là cũng ngược xuôi tìm kiếm, khai thác, tích lũy thức ăn từ thiên nhiên, chống chọi với những hiểm họa thường trực của thiên nhiên theo những cách thức xác định nào đó có thể dự đoán được diễn tiến và cũng chính là bộ phận của thiên nhiên, sinh ra từ thiên nhiên ấy, biến đổi theo thiên nhiên ấy và chết đi về thiên nhiên ấy. Nói gọn vậy chứ đó là vấn đề rất rộng lớn, ngồi đây mà uống hết bia quán Hương Cau chưa chắc gì đã nói hết được ý!…

Hương lại cười, hỏi tiếp:

- Bác nói thế, có vẻ ''chán chường'' quá! Theo con hiểu, con người ta đâu phải không thể tạo dựng được một xã hội theo ý mình muốn, một xã hội không còn những thân phận khổ đau chẳng hạn? Tại sao ngay trong ''tứ diệu đế'', Phật Tổ đã chỉ ra cho mọi người thấy: sinh là khổ?...

Chúng ta rót đầy ly bia, uống một hơi. Đã bắt đầu thấy chếnh choáng. Hương có khuôn mặt đôn hậu, đôi mắt mở to trong sáng và diễm lệ nhờ hàng mi dài và cong. Nhưng đối với chúng ta, khuôn mặt ấy đôi lúc vẫn phảng phất có phần mơ hồ nét đanh lạnh của khuôn mặt Huệ. Có lẽ đó là cái cần thiết cho một thiếu nữ con một, không biết mặt cha và mẹ thì mất sớm. Chắc rằng đời Hương sẽ đi trên một con đường khác hẳn con đường mà Huệ đã đi. Và như thế có tốt đẹp hơn không?

- Hương hỏi khó bác quá đấy nhé! Đó là một câu hỏi kinh điển, đã được đặt ra từ ngàn đời nay. Các nhà tư tưởng vĩ đại trước đây đã từng tìm cách trả lời câu hỏi này, đã từng đưa ra những hình mẫu xã hội. Chưa ai trả lời được một cách thỏa đáng, căn cơ. Tất cả những hình mẫu xã hội họ đưa ra không hoang đường thì cũng không tưởng, không không tưởng thì cũng… lý tưởng, và tất cả những thứ ấy đều chỉ đang là hiện thực… ảo. Theo thiển ý của bác thì có thể tạo dựng được một xã hội tốt đẹp. Nhưng một xã hội có tốt đẹp đến mấy thì cũng chỉ giảm thiểu được đến mức nhất định những buồn khổ mà thôi. Buồn khổ từ đâu mà ra? Theo Phật Giáo thì từ tham-sân-si. Cứ cho là Phật Giáo đúng đi, thì tham-sân-si có nguồn gốc từ đâu? Cũng theo Phật Giáo thì tham-sân-si có nguồn gốc từ sự vô minh, mê lầm của con người và như vậy loài người chính là “thủ phạm” gây ra buồn khổ cho bản thân mình. Quan niệm đó có phần đúng nhưng nếu nhìn ở phạm vi rộng lớn hơn thì phần đúng ấy cũng chỉ là đúng theo nghĩa là duyên cớ trực tiếp chứ không phải nguyên nhân sâu xa. Tai họa giáng xuống từ thiên nhiên, giáng vào từ môi trường đủ mọi hình thức như động đất, núi lửa, sóng thần, bão tố, bệnh tật… làm tổn thất biết bao nhiêu sinh mạng, của cải, làm ly tán, chia lìa biết bao nhiêu gia đình, biết bao nhiêu thân nhân, có gây ra nỗi buồn khổ ở mỗi con người không? Loài động vật rõ ràng là vô minh, mê lầm nhưng chúng có buồn khổ không hoặc có buồn khổ như con người không? Bác nghĩ là tin rằng có Thiên Đường, tin vào cõi Niết Bàn, tin vào đầu thai luân hồi cũng có thể là một dạng của vô minh, mê lầm mà thôi. Chưa thấy ai mô tả được dứt khoát, rành mạch Niết Bàn hay cõi Thiên Đường vì không thể mô tả, vì mô tả cách nào đi nữa thì nó cũng bộc lộ ra những nét hiện thực của Trần Gian, những kinh nghiệm quan sát được ở Trần Gian mâu thuẫn với tưởng tượng hoang đường kiểu thần thánh. Dù đầu thai luân hồi là có thực đi chăng nữa mà kiếp sau chẳng có một tý tẹo hồi ức nào về kiếp trước (có thể có một vào trường hợp nhớ lại được nhưng vô cùng hãn hữu mà cũng vô cùng phiến diện, nhạt nhòa, và có lẽ nên giải thích hiện tượng đó theo một hướng khác, có bản chất khác!) thì rốt cuộc cũng chỉ được coi là một kiếp duy nhất mà thôi. Vả lại nếu có luân hồi thì chỉ có linh hồn là bất tử cho nên lực lượng linh hồn ấy phải có sẵn từ trước. Vì bất tử nên linh hồn cũng bất sinh và lực lượng linh hồn phải được xác định ''từ trước'', không thể là vô hạn. Thế thì nó là bao nhiêu? “Kinh nghiệm” cho thấy rằng, số lượng người “đang sống” có xu thế ngày càng tăng theo suốt chặng đường lịch sử của xã hội loài người và nếu kể cả loài vật nữa (phải kể đến vì giữa người và vật có sự đầu thai luân hồi thành nhau!!!) thì sự tăng “dân số” ấy đến bao giờ mới dừng lại; đến ngày gọi là “tận thế” chăng? Hay là tăng lên vô hạn khi loài người đã phát hiện và đến được rất nhiều “miền đất hứa” trong dải Ngân Hà và thậm chí là ở những thiên hà khác nữa? Tại sao linh hồn lại phải “xếp hàng chờ đợi” đến lượt mình đầu thai thành người hay động vật? Tại sao những khủng long hay người Nêandectan dù linh hồn của chúng “vẫn còn” nhưng ngày nay không thấy xuất hiện nữa?… Những câu hỏi đại loại như thế có rất nhiều và cho dù là ngô nghê đi nữa thì một triết thuyết đúng phải “đủ sức” và có trách nhiệm trả lời. Tuy nhiên sự vô minh và mê lầm mà chúng ta đang nói đến không những không gây buồn khổ cho con người mà trái lại nó đã có góp công lao to lớn trong việc xoa dịu biết bao nhiêu nỗi thống khổ đau thương, an ủi biết bao nhiêu thân phận buồn tủi, qua biết bao nhiêu thế hệ cho đến ngày nay!…

- Bác Ba ơi! Bác nói nghe “đã” quá!...Nhưng hình như bị lạc đề mất rồi! …

Chúng ta chựng lại, lấy hai ngón tay chùi bọt mép, lúc lắc đầu cười hiền trước đứa cháu gái tỉnh táo:

- Ừ, đúng là bác nói quá nhiều. Con người hung hăng của Ba Đá lại bắt đầu trỗi dậy. Kể cũng tệ thật!

- Nhưng tại sao Phật Tổ cho là buồn khổ như một định mệnh đeo bám, không buông tha con người? Cháu muốn biết riêng điều ấy thôi! …

- Hỏi mà cấm cho giải thích dài dòng đối với một người đã bị “rượu vào” hơi nhiều rồi thì có “ác” không? Bác đùa đấy nhé! Cho bác suy nghĩ một chút để có thể đáp ngắn gọn nhất cho Hương nghe… - Chúng ta cố lục lọi vốn kiến thức đã lóm được từ triết học duy tồn để tìm câu trả lời, phà khói thuốc mịt mù làm Hương phải khoát tay trước mặt lia lịa. Chiều sâu của suy nghĩ làm chúng ta không nhận thức được sự khiếm nhã của chúng ta, dù chúng ta vẫn nhìn hiện tượng ấy. Và chúng ta đã tìm ra lời đáp, dù chưa chỉnh lắm - Hương này, con người ta sống ai cũng muốn vui sướng nên đều cố gắng tìm kiếm niềm vui sướng. Nhưng ai biết thế nào là vui sướng khi không có trải nghiệm buồn khổ. Do đó một khi con người còn đi tìm niềm vui sướng thì có nghĩa là vẫn còn buồn khổ. Nói đến loài người thì phải nói đến văn minh. Nền văn minh xuất hiện được là kết quả của một tập đoàn người cùng tìm kiếm niềm vui sướng từ vật chất, phấn đấu thi đua, cạnh tranh nhau để đạt đến niềm được cho là vui sướng ấy. Hành động đó cũng tự nhiên làm cho sự thỏa mãn niềm vui sướng ngày càng cao về chất lượng và càng nhiều (nhu cầu) về số lượng, chưa cần nói đến nhiều nguyên nhân khác như thiên tai, địch họa, sự phát triển tự nhiên về dân số, mà chỉ bản thân mức độ thỏa mãn sự sung sướng được “qui định” ngày càng cao, đi liền với trình độ của văn minh thôi cũng làm nảy sinh ra thêm nhiều buồn khổ rồi. Có thể nói nền văn minh không thể “tiêu diệt” được buồn khổ. Nền văn minh càng cao thì nhu cầu cần thiết đáp ứng cho sự vui sướng càng nhiều. Mà nhu cầu để đáp ứng cho sự vui sướng càng cao, càng nhiều bao nhiêu thì cũng gây ra những hệ lụy làm xuất hiện buồn khổ càng nhiều, càng ''quá quắt'' bấy nhiêu. Chung qui lại thì sự buồn khổ và cùng với nó là những thân phận khổ đau không bao giờ “vắng bóng” trong xã hội loài người và như thế, xã hội loài người rất cần đến tình yêu thương đồng loại, thứ an ủi hiệu quả nhất và có thể làm giảm đến mức thấp nhất sự buồn khổ. Hết!

- Có thể trong xã hội không bao giờ hết được sự buồn khổ như bác nói, nhưng đối với một con người thì có thể không còn buồn khổ. Những vị chân tu trong Phật Giáo, trong Thiên Chúa Giáo… vì đã được giác ngộ nên không còn thấy buồn khổ nữa, họ sống bình thản, an lành. Nếu toàn thể loài người đều theo gương họ mà siêng năng tu tập đạt đến giác ngộ thì rõ ràng cõi trần gian lúc đó sẽ hết buồn khổ. Bác Ba nghĩ sao về điều này?

- Bác chưa có trải nghiệm về sự giác ngộ nên bác không thể nói được gì cả.- Chúng ta ''biết tỏng'' nhưng nói né - Ở cuộc sống đời thường bác đã thấy nhiều người chẳng cần tu tập hay giác ngộ gì vẫn sống vui vẻ tự nhiên. Trẻ em có lẽ vì bản ngã thể hiện chưa rõ rệt nên niềm vui sướng và buồn khổ cũng ở mức nông nổi, chóng quên. Chắc Hương học đã biết về Đạo Gia. Cách đây hơn 2500 năm, những tiền bối chủ trương “vô vi” như Lão Tử, Liệt Tử, Dương Chu , Trang Tử… có buồn khổ không, hay họ sống hồn nhiên vui vẻ vì đã thấm thía được nguyên lý Tự Nhiên? Muốn không buồn khổ chỉ còn cách “quên mình"”để trở thành vô ngã. Con người suy nghĩ được là nhờ có sự phân định ra thành khách thể và chủ thể hay khách quan và chủ quan của Tự Nhiên, nghĩa là nhờ có “cái tôi”. Mất “cái tôi” rồi, đã là vô ngã rồi thì cũng mất luôn sự suy nghĩ, buồn khổ không còn nhưng vui sướng cũng không nốt. Lúc đó cái cơ thể vô ngã nào có khác gì con vật vô thức. Từ con người mà “phấn đấu lên” thành con vật thì có nên không và được gì? Cần phải hiểu lại khái niệm vô ngã, đó là một yêu cầu tất yếu! Có thể tạm gọi cái trạng thái vừa là vô ngã vừa biết suy nghiệm là siêu ngã. Siêu ngã là cái tôi mở rộng hòa hợp với thiên nhiên, không phân biệt, biết rằng “sống là tạm đến, chết là tạm đi” như Dương Chu quan niệm. Có lẽ ở trạng thái ấy, con người không cảm thấy buồn khổ nữa chăng? Nhưng một trạng thái không còn buồn khổ nữa phải được hiểu như thế nào, vui sướng hay không vui sướng, thỏa mãn hay không thỏa mãn, ơ thờ hay không ơ thờ? Nếu một trạng thái được xác định thì sự xác định ấy phải là sự so sánh với một trạng thái nào đó đã qua trải nghiệm. Còn nếu trạng thái đó không là gì cả thì nó không sống, không hiện hữu và thậm chí là không tồn tại. Một con người vẫn còn muốn đạt đến một cảnh giới nào đó được cho là tuyệt đích thì vẫn còn ham muốn, vẫn còn khát vọng, và do đó vẫn còn mầm mống của buồn khổ, chỉ có điều mầm mống ấy đã bị chế ngự ở tầng ẩn giấu. Bác cho là như vậy!… Mà thôi, nói mệt quá rồi Hương ơi! Bác cháu mình ngồi chơi, nói sang chuyện khác cho nhẹ đầu. Chắc bác cũng chỉ uống độ một hai chai nữa là “oải chè đậu” …

Để diễn tả cái sự uống “oải chè đậu”, chúng ta lấy hai tay ôm cái bụng cố phưỡn ra, lè lưỡi, nhăn nhó. Hương nhìn điệu bộ ấy, phá lên cười khanh khách.

- Mới chín rưỡi à, còn sớm chán! Con nhớ ngày xưa bác thường ngồi đến mười một, mười hai giờ đêm mà vẫn chưa thấy say gì mấy…

- Thời đó khác, bây giờ già rồi, phải yếu đi chứ?… Nhớ lại những khoảng thời gian xa xăm ấy, vẫn còn cái cảm giác lâng lâng, thích thú, đôi khi bác vẫn cứ tủm tỉm cười một mình. Ước gì…

- A! Phải rồi! Bác đọc thơ đi bác Ba, bác đọc lại những câu thơ hồi xưa bác hay đọc cho mấy chị Tuyết, Điệp, Thương nghe ấy. Hồi đó con cũng rất thích, cứ lẩm nhẩm theo mà không thuộc được. Bác đọc đoạn thơ gì ấy của Tố Hữu đi!

- Bài “Từ ấy” chứ gì?

- Không, không phải! Bài đó cũng hay, nhưng bài khác cơ!…

- Nhớ rồi! Một đoạn của bài thơ “Tiếng hát sông Hương”

Chúng ta tằng hắng lấy giọng rồi chậm rãi đọc vừa đủ cho Hương nghe:


Trăng lên trăng đứng trăng tàn
Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em chưa chồng
Em đi với chiếc thuyền không
Khi mô vô bến rời dòng dâm ô!

Trời ơi em biết khi mô
Thân em hết nhục dày vò năm canh,
Tình ôi gian dối là tình
Thuyền em rách nát có lành được không?

- Răng không, cô gái trên sông
Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài
Thơm như hương nhụy hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
Ngày mai trong giá trắng ngần
Cô thôi kiếp sống đày thân giang hồ
Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay.

- Hay!… Con còn nhớ bác có đọc một đoạn thơ nói về cái đẹp nội tâm rất đáng quí…

- Đây bác đọc luôn:


Anh yêu em không phải bởi sắc đẹp bề ngoài
Những cái đó thời gian dài sẽ mất
Anh yêu em vì bề trong đẹp nhất
Là tâm hồn, sự sống, vần thơ.

Ôi tình yêu rộng lớn vô bờ
Ôi tình yêu không bao giờ phai nhạt
Anh hiểu con người không qua lớp phấn son trên mặt
Không qua nụ cười gượng gạo ngây thơ
Mà trái tim đã chết tự bao giờ!…

- Đoạn thơ trên bác không biết là của ai, bác chỉ thuộc qua một người bạn lúc còn thanh niên. Nhưng Hương còn nhớ bài thơ “Quán Hương Cau” của bác không?

- Nhớ chứ ạ! Bài đó bác đọc xong rồi viết tại chỗ vào ba tờ lịch “bloc”, đưa cho ba chị gọi là tặng. Sau này con có đọc đi đọc lại và thuộc luôn. Để con đọc bác nghe nha:


Vô tình ghé quán Hương Cau
Định vui say chút, ngờ đâu đến giờ
Hoa cau rụng trắng mấy mùa
Còn ngồi như đá, chơ vơ cô buồn
Nghe em kể, chạnh lòng thương
Hồng nhan bạc phước, phấn hương bạc tình
Đã đành là chuyện mưu sinh
Sao em quá đỗi truân chuyên thế này
Tả tơi một đóa hình hài
Rã rời một giọt sương mai lìa cành
Em cười với khách bên bàn
Thoảng trong sâu thẳm cung đàn Nguyễn Du
Em ca dưới ánh đèn mờ
Vó câu khấp khểnh, bơ vơ thân Kiều

Ơi người em gái mến yêu
Cho ta nhắn nhủ đôi điều được chăng?
Còn Trời, còn Đất, còn Trăng
Là còn hạnh phúc thênh thang đường về
Mật đời rồi sẽ thỏa thuê
Quanh em là cả bốn bề bình minh
Em bồng con nhỏ xinh xinh
Nghe chồng thổi sáo ru tình trăm năm
Véo von trong ánh trăng rằm
Bên dòng sông lặng, gió ngàn thanh cao
Mẹ già bỏm bẻm nhai trầu
Bình yên tấc dạ, mái đầu bạc phơ…

- Theo Hương, tác giả bài thơ đó là người như thế nào? Nhớ là phải nói thật đấy nhé!

- Là một người đàn ông mang tên là Ba Đá, lúc im phắc buồn tênh như pho tượng đá, khi vỡ òa vui nhộn như… chợ Đông Ba, nhưng nói chung là một người đàn ông tốt bụng, dù hơi bị… tưng tửng - Hương cười tươi rói.

- Hạt bụi nào… hóa… kiếp… thân tôi,… để một mai… tôi về… làm… cát bụi. Ôi, cát bụi… mệt… nhoài,… mặt trời… soi… một kiếp… rong chơi - Chúng ta cố hát cho tròn vành rõ tiếng mà sao cứ ê a, nhão nhẹt. Chắc chúng ta say lắm rồi. Đó là lời hát trong “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn mà chúng ta nhớ không biết có chính xác không nữa? - Hương ơi!… Đó là… một kẻ… tật nguyền…, cái ông Ba Đá ấy!

***

Hương đâu biết chúng ta lè nhè thế nhưng vẫn còn tỉnh... Tuy vậy sau này chúng ta không bao giờ nhớ nổi đoạn kết của cuộc trò chuyện vui vẻ với Hương như thế nào nữa, và cũng không thể ngờ rằng đó là lần cuối cùng chúng ta ghé quán Hương Cau. Nhưng biết chắc cú rằng trước mặt Hương, chúng ta đã không nói hết và đến mức gay gắt quá đáng quan niệm riêng của mình về Đạo Phật, vì sợ Hương buồn. Nhà Hương theo Đạo Phật mà!...

Chính lần ghé đó đã cho chúng ta thấy “vật đổi sao dời” là nhanh đến cỡ nào. Nếu chúng ta cứ hành trình túc ta túc tắc như vừa rồi, mệt một tí lại la cà quán xá bù khú, “cà kê dê ngỗng” với em này em kia thì chắc rằng không thể nào chúng ta đến được “chân trời mơ ước”. Chúng ta phải có trách nhiệm với miền đất mà chúng ta mới khai phá dở dang và còn rất “ngổn ngang”. Cần phải xốc lại hành trang, nắn lại gân cốt để làm cho mảnh đất ấy trở nên hữu tình, và trù phú một cách … hợp đạo lý.

Có một nơi mà chúng ta sẽ “đào bới” được rất nhiều bổ ích trong công cuộc xây dựng nên mô hình Nền Tảng. Chúng ta sẽ đến đó! Nhưng dọc đường đi, như lệ thường, chúng ta lại kể chuyện. Chuyện gì? Hình như trước đây, có lần chúng ta đã định kể về truyền thuyết Phật Tổ? Ừ, đúng vậy! Thế thì còn phân vân gì nữa!?



Chúng ta cho rằng nền tảng tư tưởng của Đạo Phật nguyên thủy, về hình thức có vẻ như là cốt lõi tư tưởng của Kỳ Na Giáo ''đã được làm mềm đi'', nhưng đúng hơn là nhờ có sự tiếp thu hầu hết quan niệm duy vật thô sơ về tự nhiên, cũng như quan niệm sống hòa hợp của Lão Tử trong xã hội-nhân sinh, nhằm cố gắng giải quyết vấn đề đang bức xúc xã hội thời bấy giờ. Có thể nói, toàn bộ học thuyết nguyên thủy của Phật Giáo là nhằm chỉ ra nguyên nhân gây khổ đau ngự trị nổi trội và có vẻ thường trực trong tâm hồn con người và cách chế ngự, làm tiêu vong sự khổ đau ấy (diệt khổ!) để có được cuộc sống an bình, thản nhiên trước mọi biến cố ở cõi trần, cũng như để ''vượt thoát'' ra ngoài vòng luân hồi nghiệp báo, đến với cõi gọi là Niết Bàn...

Vào thời đại xuất hiện và tồn tại những Bàlamôn, Charvaka, Kỳ Na Giáo..., trí não con người đã từ lâu ''thường trực'' cái gọi là tình cảm (mức độ ''sâu đậm'' của cảm giác) trong hoạt động tinh thần (thuộc hoạt động sống) của nó, và tiến trình vận động xã hội đã làm cho xã hội Ấn Độ cổ đại nói riêng và xã hội loài người nói chung phân hóa rõ rệt thành hai tầng lớp cơ bản là thống trị (thiểu số, có quyền lực, thường giàu sang hơn) và bị trị (đại đa số, không có quyền lực, thường nghèo hèn hơn), cũng như cuộc cạnh tranh sinh tồn kiểu ''cá lớn nuốt cá bé'' trong xã hội kinh tế hàng hóa đã nổi trội gay gắt, làm xã hội chứa đựng không ít những bất công dẫn tới thực trạng đại loại như ''kẻ ăn không hết, người lần không ra'', từ đó mà sự lầm than, thống khổ về vật chất lẫn tinh thần đã thành hiện tượng phổ biến cũng như những ao ước, khát khao ở mỗi con người là được sung sướng, hạnh phúc nảy sinh và tồn tại ổn đinh trong đời sống xã hội. Đức Phật Thích Ca ra đời trong thời đoạn lịch sử đó ở vùng đất (Nêpan ngày nay) thuộc Ấn Độ cổ đại...

Truyền thuyết về Đức Phật Thích Ca có nhiều khảo dị. Chúng ta chủ yếu theo ''Lịch sử văn minh Ấn Độ'' của Will Durant. Thân phụ của Đức Phật là Shuddhod-hana (Tịnh Phạn), thuộc giới thượng lưu của thị tộc Gautama trong bộ lạc anh dũng Shakya, quốc vương xứ Kapilavatsu ở chân núi Himalaya. Bảy ngày trước ngày rằm, trong dịp thành phố Kapilavastu (Ca Tì La Vệ) chuẩn bị lễ trăng tròn, hoàng hậu Maya (Ma Da) sửa soạn long trọng, dùng rất nhiều hoa và dầu thơm (tất nhiên là không có rượu!). Ngày mùng bảy, bà dậy thật sớm, tắm gội bằng hương thủy và bố thí bốn trăm ngàn đồng tiền. Y phục rực rỡ, bà ăn những cao lương mỹ vị, đọc lời cầu nguyện uposatha (uposatha là bốn ngày thiêng trong tháng, gồm ngày sóc, ngày vọng, ngày mùng tám và ngày hai mươi ba âm lịch) rồi vào căn phòng đẹp đẽ, lên giường nằm, thiêm thiếp vào mộng. Trong giấc mộng, bà thấy bốn vị đại vương khiêng bà cùng chiếc giường tới dãy Himalaya, rồi đặt bà ở trên đồi Manosila. Tại đây, các hoàng hậu của họ ra chào bà, dắt bà tới hồ Anatatta, tắm rửa cho bà hết mọi ô uế trần thế, quấn bà vào chiếc thiên y, xức dầu thơm và cài những đóa hoa tiên lên áo bà. Gần đó là một núi bạc, trên đỉnh có nhà vàng. Các hoàng hậu dọn một chiếc giường tiên hướng về phía đông và đặt bà lên đó. Lúc đó, Bodhisattwa (Bồ Tát, có nghĩa về sau sẽ thành Phật, Phật là ''giác'', là sáng suốt hiểu mọi sự lý trong Vũ Trụ, ở đây người ta dùng như một tôn danh, giống tôn danh Shakya-Mumi (Thích Ca Mâu Ni, nghĩa là vị minh triết của bộ lạc Shakya), hay Tathagata (Như Lai, có nghĩa là vị nắm được chân lý) để gọi người (sẽ) có tên tục là Siddharta (Tất Đạt Ta), tên họ (thị tộc) là Gautama) biến hình thành một con voi trắng từ phương bắc tới, xuống từ núi vàng, đặt chân lên núi bạc, vòi của nó quắp một bông sen trắng. Rồi nó vừa hí vừa bước vô nhà vàng, đi ba lần xung quanh giường bà, húc nhẹ vào sườn bên phải, như chui vào bụng bà... Hôm sau, hoàng hậu Maya tỉnh dậy, kể lại giấc mộng cho nhà vua. Nhà vua bèn cho vời sáu mươi bốn tu sĩ Bàlamôn danh tiếng nhất, dọn tiệc thết đãi linh đình, hậu hĩnh. Khi họ no nê rồi, nhà vua nhờ đoán mộng. Họ đáp: ''Xin nhà vua yên tâm, hoàng hậu sẽ sanh hoàng tử chứ không phải công chúa. Nếu lớn lên hoàng tử vẫn ở trong cung điện, thì sẽ thành minh quân một nước phú cường thịnh trị, nếu rời bỏ cung điện mà đi chu du thiên hạ, thì sẽ thành một vị Phật dắt nhân loại ra khỏi bến mê...''

Hoàng hậu Maya hoài thai mười tháng. Bodhisattwa ở trong bụng bà như dầu ở trong chén. Gần tới ngày sinh nở, hoàng hậu có ý muốn về nhà cha mẹ, bèn tâu với vua: ''Thiếp xin được về nhà cha mẹ thiếp ở Devadaha''. Nhà vua chấp thuận, sai dọn con đường từ Kapilavastu tới Devadaha, bày chậu cảnh, cắm cờ hai bên đường. Hoàng hậu ngồi trên một chiếc kiệu bằng vàng do một đoàn thị thần khiêng, phía sau là một đám đông tiễn chân, nghi trượng chỉnh tề. Ở khoảng giữa hai châu thành có khu rừng nhỏ một loại cây gỗ rất tốt, gọi là cây Sal, dân chúng thường tới đó dạo cảnh. Vào lúc đó khu rừng đầy hoa. Hoàng hậu đến đó thì muốn dừng lại, dạo cảnh một lát. Đến gốc một cây Sal cổ thụ, bà vừa định vít một cành thì cành đó tự rủ xuống vừa tầm tay bà, mềm mại như một cây sậy, đồng thời bà bỗng chuyển dạ. Đám hộ giá vội giăng mùng xung quanh rồi rút lui. Hoàng hậu sinh ra hoang tử lúc đương đứng và tay vẫn nắm cành Sal. Từ bụng mẹ mới ra, trẻ con thì nhơ nhớp, riêng Bodhisattwa không như vậy, mà như một vị thuyết pháp ở trên đăng đàn bước xuống hay như một người xuống cầu thang. Ngài (tức Đức Phật sau này) thoạt tiên đưa chân tay ra, rồi đứng thẳng dậy, thân thể hoàn toàn sạch sẽ, không bợn chút nhơ nhớp, láng bóng như một viên ngọc đặt trên tấm vải Bénarès. Khi Đức Phật ra đời thì một ánh sáng rực rỡ tỏa trên trời, những người điếc bỗng nghe được, những người câm bỗng nói được, những kẻ què quặt bỗng đứng dậy được, các vị thần cúi xuống nhìn từ tầng cao và các vua chúa ở thật xa xôi cũng đến chúc mừng...

Thời niên thiếu, Đức Phật sống sung sướng ''như một vị thần'' trong ba cung điện, được vua cha rất cưng, tránh cho Ngài khỏi phải thấy những đau khổ, buồn rầu của kiếp người. Có bốn vạn vũ nữ bày trò vui cho Ngài, và tới tuổi kết hôn, người ta cho trình diện năm trăm thiếu nữ diễm lệ để Ngài chọn lựa. Vì thuộc tập cấp kshatriya (chiến sĩ-quí tộc), Ngài được học đủ mọi môn võ bị, nhưng Ngài cũng được theo học các vị minh triết và làu thông mọi triết thuyết mà thời đó chấp nhận. Rồi Ngài cưới vợ tên là Yatada (Gia Du Đà La) và cũng hạ sinh đứa con trai, đặt tên là Lahula (La Hầu La)...Một hôm, Ngài cùng với tên nô bộc là Chanara (Sa Nặc) lẻn trốn vua cha, ra ngoài hoàng thành ngoạn cảnh, thấy một ông già, hôm khác thấy một người đau ốm, hôm khác nữa thấy một người chết, và hôm cuối cùng thì thấy một đạo sĩ hành khất. Lúc đó, Chanara bảo cho Ngài biết rằng, tất cả loài người đều trong vòng sinh-lão-bệnh-tử, riêng chỉ có đạo sĩ hành khất là có thể thoát được ra ngoài vòng ấy. Thế là Ngài có ý định ra đi. Theo các thánh thư do đệ tử chép thì chính Ngài kể lại như sau: ''Ôi, chư tăng, ta vốn tôn nghiêm và rất đỗi đa cảm! Lúc đó ta nghĩ bụng: ''Một người thường, vô học, khi trông thấy một ông già tất lo lắng, xấu hổ, tởm vì nghĩ tới nỗi sau này của mình. Và ta cũng vậy, ta cũng sẽ phải già, không tránh được cảnh già, thế thì ta cũng lo lắng, tởm khi thấy một ông già ư?''. Ta nghĩ đường đường như ta thì không nên vậy. Rồi trong khi suy nghĩ, tất cả lòng tự cao, tự đại của ta hồi trẻ bỗng biến mất...Vậy, chư tăng, trước khi được giác ngộ, chính ta cũng phải theo luật tự nhiên là do cha mẹ sinh ra, ta suy nghĩ về bản thể của sự sinh, chính ta cũng phải theo luật tự nhiên là sẽ già, ta suy nghĩ về bàn thể của sự già nua, sự đau ốm, sự buồn rầu và sự ô trọc. Và ta nghĩ bụng: ''Ta phải theo cái luật ''sinh'' đó mà bây giờ suy nghĩ về bản thể của sự ''sinh'' thì sẽ ra sao...''. Chỉ khi thấy được cái bản thể đáng thương của sự ''sinh'', ta mới tìm thấy cái cảnh bình tĩnh cực kỳ của Niết Bàn (Nirvana)''...

Vào một đêm khuya muộn mà trời chưa sáng, sau khi lặng lẽ nhìn vợ con ngủ lần cuối, hoàng tử Tất Đạt Ta lên ngựa, cùng Sa Nặc rời khỏi châu thành... Ngài đi vào rừng, lột bỏ khăn áo, xuống tóc, đuổi ngựa và cho tất cả về để từ đó bắt đầu sống đời một đạo sĩ hành khất...Ngừng lại một nơi gọi là Uruvela, ở đó hoàng tử tu khổ hạnh một cách nghiêm khắc nhất luôn sáu năm. Ngài sống bằng cây cỏ, tết cỏ làm quần áo. Ngài tiết thực đến độ mỗi ngày chỉ ăn một hạt gạo. Rồi nhổ tóc nhổ râu hết sợi này đến sợi khác, để thân thể cáu ghét bẩn thỉu, xù xì như thân cây cổ thụ, nằm gai và đứng thẳng hàng giờ không nhúc nhích, rồi lại tới ngủ giữa một bãi chứa chất các thây thú vật và ác điểu. đây là lời của Ngài: ''Ta nghĩ bụng: ''Nếu mình nghiến chặt răng, ép sát lưỡi, dùng tinh thần để diệt tinh thần thì sẽ ra sao?''. Ta làm đúng như vậy, mồ hôi từ nách ròng ròng chảy xuống...Rồi ta nghĩ bụng: ''Nếu ta ráng nín thở để đạt tới trạng thái xuất thần thì sẽ ra sao?''. Thế là ta nín thở, không thở cả bằng mũi lẫn bằng miệng. Và trong khi nín thở như vậy thì thấy một tiếng gió mạnh từ trong lỗ tai thổi ra rồi có tiếng gió mạnh ù ù trong óc như thể một người lực lưỡng thọc mũi kiếm vào đầu ta vậy...Rồi nghĩ bụng: ''Nếu ta ăn thật ít, chỉ một nhúm hạt đậu hay hạt gạo thì sẽ ra sao?'' Thế là thân thể ta chỉ còn xương với da. Vì thiếu ăn, ta gầy gò quá, ngồi xuống đám bụi mà chỉ để hằn một vết nhỏ bằng vết chân con lạc đà, còn khi nằm xuống thì xương sống chỉ như một chuỗi ống chỉ nhỏ. Vì thiếu ăn, mắt ta hõm xuống như một cái giếng sâu, da đầu ta nhăn nhúm lại y như vỏ một quả bầu hái non và để dãi dầu dưới mưa ngoài nắng. Lúc đó ta nắn vào bao tử thì thấy nó dẹp lép, ngón tay đụng tới xương sống. Ta ráng nghỉ ngơi một chút nhưng lảo đảo, té úp mặt xuống đất vì đói quá. Ta xoa bóp chân tay cho bớt nhức nhối, xoa tới đâu lông rụng tới đó vì thiếu ăn''.

Nhưng một hôm Đức Phật nghĩ rằng sự tu (quá) khổ hạnh, đày ải tấm thân đến kiệt quệ không phải là cách hay nhất để giác ngộ. Có lẽ ngày đó Ngài đói hơn những ngày khác hoặc một kỷ niệm êm ái nào đó làm dao động lòng Ngài. Ngài thấy rằng tất cả những sự khổ hạnh đó không làm cho Ngài giác ngộ như đã mong muốn: ''Cách tu khắc khổ đó không đem lại cho ta sự giác ngộ siêu phàm, cái nhuệ trí của lương tâm-mà chỉ cái này mới thực cao cả. Trái lại là khác. Nếu có nhờ cách đó mà tinh thần thanh thoát được một chút thì lại mắc cái thói tự cao tự đại rằng mình đã chịu nổi mọi nỗi khổ hạnh''. Thế là Ngài bỏ lối tu đó, đến ngồi dưới bóng một cây cổ thụ (cây Bodhi-Bồ Đề), hướng về phương đông, tuyệt nhiên không nhúc nhích, nhất chí tiềm tu... Ngài trầm tư: cảnh đau khổ sinh lão bệnh tử do đâu mà ra? Bỗng Ngài cảm thấy cái cảnh sinh tử, tử sinh cứ nối tiếp nhau một cách bất tuyệt, có sinh thì có tử, có tử thì có sinh, mỗi lần tâm hồn an ổn, vui vẻ thì lại ước ao những vui vẻ khác rồi chịu những âu sầu khác, thất vọng khác, đau khổ khác. ''Như vậy, khi tinh thần ta đã thanh tĩnh, trong trẻo rồi, ta trầm tư về lẽ sinh rồi tử, tử rồi sinh của muôn loài. Trong một lúc thiên thị, thấu suốt, siêu nhiên, ta thấy các sinh vật, dù sang dù hèn, dù xấu dù đẹp, đều chết rồi tái sinh, chịu cái kiếp sung sướng hay khổ sở tùy theo cái karma (nghiệp) của mình, nghĩa là theo cái luật nhân quả phổ biến này: làm điều thiện thì được thưởng, làm điều ác thì bị phạt trong kiếp này hoặc kiếp sau, khi linh hồn đầu thai rồi''.
Chính vì thấy cảnh liên tục sinh tử, tử sinh đó mà Đức Bồ Tát (trước khi hóa thành Đức Phật!) đâm chán ngán về kiếp người. Ngài bảo: sinh là nguồn gốc của mọi khổ não. Vậy mà loài người cứ phải tái sinh hoài, có khác gì để làm cho biển khổ không lúc nào vơi không... Vì đâu cái dòng ''sinh sinh'' đó không ngừng lại? Chỉ vì luật karma luôn luôn bắt người ta phải đầu thai hoài để linh hồn chuộc tội trong những kiếp trước. Nếu có một người nào suốt đời sống công bằng, một mực nhẫn nhục, nhân từ với mọi người, nếu lòng người đó không ràng buộc với những cái phù du nhất thời mà chuyên chú vào những cái vĩnh cửu, thì có lẽ người đó hy vọng thoát được cảnh tái sinh mà cái dòng khổ não sẽ cạn chăng? Nếu người ta có thể nén các thị dục vị kỷ mà ráng chỉ làm những điều thiện thì có lẽ vượt được cái bản ngã-cái là ảo tưởng đầu tiên và tệ hại nhất của con người-và linh hồn có thể hòa đồng, hợp nhất với cái đại ngã vô biên vô thức chăng? Gột sạch được những tư dục đó, lòng người sẽ an tĩnh làm sao! Còn không gột sạch được thì làm sao an tĩnh? Chỉ khi đã diệt được dục, linh hồn mới an tĩnh, bình ổn, thanh thoát trong cảnh Niết Bàn!... Cứ thế, Đức Bồ Tát đi sâu vào các trạng thái tinh thần trầm tư mặc tưởng, liên tiếp đạt được các trình độ tham thấu tâm linh (tức là thiền định), có thể hội thông những căn nguyên của lý nhân quả. Và cuối cùng, Ngài đã đạt đến cõi viên giác đại ngộ (mahasambodhi). Kinh Phổ Diệu kể về sự đắc đạo ấy: ''Bồ Tát ngồi dưới gốc cây, sau khi giáng phục được ma oán, bèn thành chính quả, chính chân giác, dựng đại pháp tràng độ thoát tam giới. Trong khi ngồi tọa định dưới cây, Bồ Tát đã trải bốn bậc thiền định (dhyana), thật là mở đường tắt cho người tu đạo về sau. Ý niệm đã thanh tịnh, gọi là nhất thiền. Tĩnh nhiên thuần nhất, chuyên tâm bất dịch, gọi là nhị thiền. Trong lòng bình tĩnh, trông rõ chân tướng mọi sự vật, gọi là tam thiền. Lòng không y thiện cũng không phụ ác, không khổ, không vui, bình thản như không, tịch nhiên bất biến, gọi là tứ thiền hay ''vô vi độ thế''. Bỏ gốc ác, trừ hết bụng dâm, nộ, mê, thoát khỏi vòng sinh tử, đoạt hết các chủng căn, không còn di nghiệp về sau, việc làm đã thành, trí tuệ đã tỏ, lúc sao mai mọc thì khuếch nhiên đại ngộ, đạt tới cái đạo ''vô thượng chính chân'', ''tối chính giác'' cùng các pháp lực của các Phật đời trước (...) ''. Ngay sau khi viên giác, Đức Phật lạy đất thánh Bénarès (Ba La Nại) và bắt đầu giảng thuyết Niết Bàn cho nhân loại trong vườn hưu (lộc uyển) Sarnath...

Ngày nay Phật Giáo đã có một kho tàng kinh sách đồ sộ, phong phú, và như những tôn giáo khác là tất nhiên nhằm hướng tới phù hợp thời đại hơn trong tiến trình chung mở mang nhận thức của loài người, đã bị chia thành nhiều trường phái triết lý từ sự phân ly ban đầu thành hai trào lưu lớn gọi là Tiểu Thừa (sthaviravada - cỗ xe nhỏ) và Đại Thừa (Mahasanghika - Cỗ xe lớn). Do đó, khó mà biết được trong đó, chính xác đâu là những giáo huấn của chính Đức Phật. Theo Will Durant, những tài liệu cổ nhất chép lời Đức Phật dạy, hơi đáng cho ta tin là các kinh pitaka (tức ảo luật) viết cho cuộc hội nghị Phật Giáo năm 241 TCN, và những lời truyền khẩu từ khi Ngài tịch đến khi được chép lại bằng chữ pali vào khoảng năm 80 TCN. Các pitaka đó được chia làm tam tạng là sutta (kinh, ký sự), vinaya (luật) và abhihammna (luận)... Cũng như mọi nhà truyền giáo thời đó, Đức Phật đã giảng đạo lý trong các cuộc đàm thoại, trong các cuộc hội nghị, hoặc bằng những ngụ ngôn. Theo những hồi ký của các đệ tử lứa đầu tiên của Đức Phật thì tính tình của Ngài hiện rõ trong các lời Ngài rao giảng. Nói chung Đức Phật là một người rất giàu nghị lực, uy nghi và hào hùng nhưng ngôn ngữ và cử chỉ rất dịu dàng và có đức bao dung vô cùng. Ngài tự cho mình đã được thiên khải. Trong các cuộc tranh luận, Ngài tỏ ra kiên nhẫn và tôn trọng ý kiến của người khác hơn hết thảy các đại sứ đồ của nhân loại. Cứ theo lời (có lẽ hơi quá!) từ các đệ tử của Ngài thì Ngài cũng theo giới luật ahimsa (bất hại): ''Gautama cố tránh, không làm hủy hoại đời sống của bất kỳ một sinh vật nào. Ngài từng là chiến sĩ (kshatriya) mà lại bỏ gươm giáo, rất ghét sự tàn bạo, lòng cực kỳ nhân từ, Ngài tỏ niềm ưu ái với tất cả các sinh vật... Ngài không khi nào nói xấu, vu oan cho ai, sống cơ hồ như chỉ để hòa giải những kẻ chia rẽ, khuyến khích những kẻ muốn hòa hợp với nhau. Ai không hiểu Ngài mà nhục mạ Ngài thì Ngài chỉ làm thinh. Ngài yêu hòa bình, phụng sự hòa bình, chỉ thốt những lời hòa bình''. Đức Phật từng nói: ''Nếu một người nổi điên lên mà làm hại tôi thì tôi vẫn lấy tình thương che chở cho người đó, người ấy càng làm điều ác cho tôi thì tôi lại càng làm điều thiện cho người đó''. Một lần, một kẻ chất phác nọ mạt sát Ngài. Ngài lặng thinh nghe kẻ đó nói xong, rồi nhẹ nhàng hỏi lại: ''Này con, nếu một người không chịu nhận một tặng vật nào đó thì tặng vật đó thuộc về ai?''. Kẻ đó đáp: ''Thuộc về người đem tặng''. ''Vậy thì ta không nhận những lời mạt sát của con đâu. Con nên giữ lấy cho con!''. Trái với nhiều vị thánh khác, Đức Phật có tinh thần hài hước và biết rằng bàn tới siêu hình mà không mỉm cười thì không phải là nhã...

Đức Phật Thích Ca đi từ châu thành này tới châu thành khác, cùng với một nhóm đệ tử thân tín và phía sau là cả một đám đông có khi lên tới hàng ngàn tín đồ. Không bao giờ lo ngày mai, những kẻ ngưỡng mộ dâng thức gì Ngài ăn thức đó. Có lần Ngài nhận lời dùng cơm trong nhà một ả giang hồ, làm cho đám tả hữu của Ngài một phen bực tức. Thường thường Ngài ngừng lại ở đầu một làng nào đó, cắm trại trong một khu vườn, một khu rừng hay bên bờ sông. Buổi chiều và buổi tối Ngài thuyết pháp. Ngài đặt ra những câu hòi rồi gợi ý trả lời, kể một ngụ ngôn có tính cách luân lý, hoặc cùng đàm đạo, biện luận một cách lễ độ, đưa ra những câu ngắn, cô đọng, tóm tắt được đạo của Ngài để mọi người dễ nhớ. Sutra (kinh) mà Ngài hay nhắc tới nhất là sutra về ''tứ diệu đế'' (bốn chân lý cao siêu)...

Theo suy nghĩ của chúng ta thì sự ngưỡng mộ trong mê muội về thiên nhiên của loài người đã là lý do đầu tiên của việc sinh ra tín ngưỡng tôn giáo, để rồi tôn giáo được dùng như bài thuốc tinh thần vô song xoa dịu sự đau khổ của con người. Cho nên nội dung chủ yếu của giáo lý ở các tôn giáo đều nói về đời sống nhân quần, về luân thường đạo lý trong xã hội. Phật Giáo nguyên thủy (và cả hiện nay) cũng mang nét chung đó. Theo truyền khẩu thì Đức Phật hầu như không nói về Tự Nhiên (và nếu có nói về Tự Nhiên thì lại mang đậm quan niệm của Đạo Gia!). Nghe thiên hạ tranh luận về sự hữu hạn hay vô cùng của Vũ Trụ, Ngài chỉ mỉm cười, không hề đưa ra ý kiến gì. Không ai biết Ngài quan niệm cụ thể thế nào về bản chất của Vũ Trụ, về sự tồn tại của linh hồn, về mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác, cũng như Niết Bàn là gì. Ngài bảo: những vấn đề đó là ''rừng rậm, sa mạc, trò múa rối, sự khổ hình, sự suy cứu lung tung'', nên không quan tâm tới. Trong thuyết pháp, Đức Phật cũng có nói: ''Một điều chắc chắn là ta biết nhiều hơn những gì ta nói với các con. Hỡi các môn đồ của ta, tại sao ta lại không nói với các con những điều đó? Bởi vì chúng không có lợi cho các con, không mang lại cho các con sự tiến bộ thiêng liêng, sự chinh phục mọi dục vọng, sự kiềm chế cái nhất thời, sự an bình, tri thức, ánh sáng, Niết Bàn'', và rằng: ''Chỉ hai điều ta dạy các con là khổ và diệt khổ''...

Đức Phật thọ 80 tuổi, và đây là di ngôn cuối cùng của Ngài: ''Chư tăng, bây giờ tôi dặn mọi người này. Tất cả những vật gì gồm nhiều yếu tố thì thế nào cũng có lúc bị diệt. Tận lực hành đạo đi nhé!''.

Vũ Trụ gồm nhiều yếu tố nhất, vậy Nó phải dễ bị tiêu diệt nhất, thậm chí là phải bị tiêu diệt ngay...tức khắc. Đúng thế không, thưa Đức Phật!?...

Nói cho ngay, giáo lý của Đức Phật, đúng như Ngài tuyên bố, là chỉ ra nguyên nhân xuất hiện khổ đau trong hồn người và cách thức chế ngự, làm mất đi sự khổ đau ấy, và giáo lý ấy bắt đầu bằng ''tứ diệu đế'' (arya satya-theo Đức Phật đây là bốn chân lý cao siêu), hay ''tứ diệu đế'' chính là ''bộ khung sườn'' của toàn bộ giáo lý. Sau đây là nội dung cơ bản của ''tứ diệu đế'' được truyền lại (có vẻ hầu như) là theo lời của chính Đức Phật

''
  1. Bây giờ, hỡi chư tăng, ta giảng đến ''khổ đế'' (dukkha-satya): sinh là khổ, bệnh là khổ, lão là khổ, rầu rĩ, than khóc, táng tâm chí, thất vọng là khổ...
  2. Bây giờ, hỡi chư tăng, ta giảng tới ''tập đế'' (samudaya-satya): nguyên nhân của khổ là cái nhân dục vô nhai, nó làm cho con người tái sinh hoài.
  3. Bây giờ, hỡi chư tăng, ta giảng tới ''diệt đế'' (nirodha-satya): phải diệt cho hết dục vọng, nhu cầu bằng cách từ bỏ, thoát tục.
  4. Bây giờ, hỡi chư tăng, ta giảng tới ''đạo đế'' (marga-satya): con đường diệt khổ và giải thoát gồm chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tiến, chánh niệm, chánh định (bát chánh đạo).''

Vậy ''bộ khung sườn'' giáo lý của Phật Giáo về khổ và diệt khổ mà Đức Phật nêu ra đã hoàn toàn hợp lý chưa? Chúng ta khẳng định ngay lập tức là chưa! Thứ nhất, Đức Phật đã rất phiến diện nên cũng phạm sai lầm trong nhận định khi cho rằng bản thân sự được (bị) sinh ra là giềng mối của mọi đau khổ. Thực ra sự khổ sở thuộc lĩnh vực tình cảm, mà nguồn gốc của tình cảm chính là cảm giác ở loài tư duy trừu tượng cao độ. Tùy thuộc vào sự tinh tế (sự cụ thể hóa) của cảm giác cũng như trình độ hoạt động và sự sâu sắc của tư duy trừu tượng, trước tác động đấu tranh sinh tồn nào đó của ngoại cảnh mà xuất hiện cái gọi là tình cảm ở những mức độ khác nhau, và nói cho gọn là đã trở thành như mặc định ở loài người, coi như chỉ ở loài người mới có (thể hiện rõ rệt ở người trưởng thành, đã qua tuổi trẻ con!), sau một tiến trình vận động xã hội dài lâu. Có thể nói không có cảm giác thì không có sinh vật, nhưng cảm giác ở cấp độ thấp cũng vẫn chưa có (hoặc coi như chưa có) tình cảm, nghĩa là chưa biết hạnh phúc lẫn đau khổ cùng nhiều cặp tương phản ''cao độ cảm giác'' khác nữa thuộc về tình cảm. Như thế, sự được (bị) sinh ra nói chung không hề là giềng mối duy nhất và ''của riêng'' sự khổ mà chỉ là một trong những yếu tố tiền đề (nếu có thể nói như thế) cho sự xuất hiện một trong những trạng thái tình cảm ở con người, được Đức Phật ''ưu tiên lựa chọn'', ''nhấn mạnh'' và ''nâng khống'' lên một cách thiên vị, cảm tính (!) theo ý riêng của mình, đó là buồn khổ. Cần nói thêm một chút cho rõ hơn là đối với loài người, nguồn gốc gây ra khổ đau là có tính khách quan lẫn chủ quan, trong đó tính khách quan đóng vai trò thiết yếu, tiền đề. Ngoài ra, sự gây ra ''bất lợi'' dẫn đến bất hạnh cho một cá nhân hay một số lượng người nào đó, chủ yếu là đến từ môi trường bên ngoài, không chỉ đến từ thiên nhiên mà cả từ người khác hay nhóm người khác nữa. Điều dễ thấy, ''bất lợi'' thường gây bất hạnh, nhưng bất hạnh cá nhân đôi khi chưa chắc do ''bất lợi'' bên ngoài gây ra! Trong thực tiễn xã hội hàng ngàn năm nay, thời nào cũng tìm được người chán sống, ghét sống, nhưng với số lượng không đáng kể, còn tuyệt đại đa số con người dù tầm thường, thậm chí là nghèo hèn mạt rệp so với chuẩn mực đời sống xã hội đương thời, vẫn ''tham sống sợ chết'', hơn nữa là nỗ lực giữ gìn, nâng niu cuộc sống...Có lẽ, vì liên quan đến khát vọng được sống (có tính tự nhiên), khát vọng được ấm no, hạnh phúc (có tính xã hội) mà nỗi lo âu, phiền muộn trở thành tình cảm có tính thường trực, "có vẻ" như trạng thái tình cảm nền tảng trong tâm hồn con người? Thứ hai, nếu Đức Phật cho rằng sống là giềng mối của mọi khổ đau thì vì sao Đức Phật lại ''dừng bước'' ở chỗ chỉ loại bỏ tham-sân-si ra khỏi tâm hồn bằng con đường tu luyện theo ''bát chánh đạo'' để vượt thoát vô minh (sự mê lầm dẫn đến tham-sân-si!) mà không hô hào hành động một cách trực tiếp và triệt để nhất, đó là diệt ngay chính sự sống (thứ mà sau này chính Phật Giáo lại vô hình dung, ''bảo kê'' và dung dưỡng bằng tình yêu thương chúng sinh một cách ''bạc nhược'' kiểu Nhà Phật)!? Đây chính là điểm lẩn quẩn, hàm chứa sự mâu thuẫn cốt tử cũng như phần ''tung tích'' còn ẩn dấu của cái giáo lý nguyên thủy, tưởng hợp lý nhưng vẫn khiên cưỡng, nghĩa là tưởng đúng nhưng lại sai, hơn nữa là đầy thụ động, yếm thế mà cũng ''cải lương'' của Đạo Phật.

Từ truyền thuyết chúng ta phán đoán rằng khi chưa xuất gia đi tu, Đức Phật được dạy dỗ theo giáo lý Bàlamôn, đồng thời cũng là một con người rất nhạy cảm và có vẻ yếu đuối, có những ý nghĩ xa xôi, đầy bi quan, thậm chí là có phần sợ hãi về tương lai đời mình. Những phủ dụ Bàlamôn về sự bất tử đã không thể ''xoa dịu'' được nỗi trăn trở, buồn khổ của Ngài về viễn cảnh bệnh hoạn, già nua, chết chóc tất yếu của kiếp người. Chính vì thế Ngài đã trốn vua cha, bí mật từ bỏ vợ đẹp con khôn, khước từ cuộc sống nhung lụa cao sang, rời khỏi châu thành, dấn thân vào bước đường tìm cho ra nguyên nhân đích thực của buồn khổ và cách khắc chế, vượt thoát u sầu, khổ ải cho cuộc đời mình (!). Trên con đường hành khất ''tìm chân lý'' ấy Ngài đã ''trực giác'' được tính chấp nê thái quá trong cuộc sống, sự thản nhiên triệt để trước sinh-tử (bằng ý chí mù quáng!) nhằm một niềm chuộc lỗi theo tín điều của các giáo đồ Kỳ Na Giáo, mà giai đoạn ban đầu, Ngài đã thực tâm ngưỡng mộ, tu theo cách của đạo này (chúng ta suy đoán là thế!). Tuy nhiên, cơ địa sinh học của Ngài đã dần dà ''hết chịu nổi'' lối tu hành xác vô cùng khổ hạnh đó, và quan trọng hơn, có tính quyết định, là Ngài đã ''ngộ ra'' rằng Kỳ Na Giáo không phải là con đường toàn năng có thể cho Ngài biết toàn bộ chân lý tối thượng cũng như cách giải thoát mọi buồn khổ trong kiếp người mà Ngài đã từng mong ước từ lâu, cho nên Ngài đã ''buông lỏng'' lối tu ''ép xác'', ''ngược ngạo'' đó, đồng thời trầm tư mặc tưởng theo chiều hướng mới, và như mọi người biết, từ đó Ngài dần thiên khải dưới cây Bồ Đề và thành Đức Phật, tổ sư của Phật Giáo. Tuy nhiên, có một tình tiết trong truyền thuyết làm chúng ta nghĩ là không phải ngay từ đầu ''xuất gia'', Đức Phật đã có sẵn ý nguyện ''dứt áo ra đi'' vì chúng sinh. Đó là tình tiết, ngay sau khi đại ngộ và thành chính quả xong, Đức Phật định ở lại cõi Phật hóa một mình. Nhưng rồi Ngài động lòng thương sót chúng sinh nên quyết rời cõi Niết Bàn, đi thuyết giáo, mở đường giải thoát cho nhân loại...

Một câu hỏi lớn mà chúng ta đặt ra là tự ý hay từ đâu mà Đức Phật Thích Ca đang tu theo giáo lý Kỳ Na Giáo lại đột nhiên ''ngộ ra'' ý tưởng đến được với ''tứ diệu đế'' để xây dựng nên một thuyết giáo mới về xã hội-nhân sinh? Nếu nhớ, Nêpan xưa kia đâu phải là trung tâm tín ngưỡng Ấn Độ, mà chỉ là vùng ''rìa'', có thể là vùng đất giao lưu văn hóa của Ấn-Đông Á-Nam Á, cũng như nếu tin theo một số triết gia xưa kia rằng nhiều khả năng Đạo Phật ra đời sau Đạo Gia thậm chí cả trăm năm, thì rất có thể Đức Phật đã tiếp thu quan niệm sống tịnh lặng, như nhiên, vô chấp, bất cầu trong xã hội của Lão Tử (nghĩa là của Đạo Gia) trong quá trình xác lập nên ''tứ diệu đế''. Trong ''Lịch sử triết học phương Đông'' (tập 4) của Nguyễn Đăng Thục có viết: ''Trong khoảng thế kỷ II, có một số học giả phát triển thuyết nói Phật là đệ tử của Lão Tử. Sử ký Tư Mã Thiên, thiên 63 nói Lão Tử về già biến đi đâu mất, không ai biết. Rồi có đệ tử của Đạo Hoàng Lão, (có lẽ) quá sùng bái nói rằng Lão Tử đi về phía Tây, tới đất Tây Trúc với một số tín đồ gồm 29 người, và truyền đạo cho Phật. Do đó mà người ta cho rằng Kinh Phật là một giải thích ngoại lai về Đạo Đức Kinh của Lão Tử''.

Xin nhắc lại, theo Lão Tử thì:
''Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt, ngũ âm làm cho người ta ù tai, ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi, ruổi ngựa săn bắn làm lòng người mê loạn, vàng bạc châu báu làm cho hành vi con người đồi bại''
''Ngăn hết các lối (tai, mắt, mũi, miệng), đóng hết các cửa (tức không gây cho cảm quan dục vọng, nghĩa là giữ lòng hư tĩnh) thì suốt đời không lo lắng. Mở các đường lối, giúp cho dục vọng phát sinh (ý là làm tăng cường ham muốn thành tham-sân-si, thành ham muốn thái quá), thì suốt đời không cứu được''
''Họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ, hại không gì bằng tham muốn cho được nhiều. Cho nên biết thế nào là đủ và thỏa mãn về cái đủ đó thì mới luôn luôn thấy đủ''
Phải nói rằng tiến trình xã hội hóa và đấu tranh sinh tồn trong xã hội đã là nguyên nhân chủ yếu làm xuất hiện ''thêm'' loại hình hoạt động tinh thần gọi là tình cảm với những hỉ nộ ái ố...về cuộc sống mà tình cảm gọi là buồn-khổ đóng vai trò ''đầu tàu''. Nhưng không phải vì thế mà cho rằng đời là khổ và đầy bất hạnh như Đức Phật chỉ ra.

Có lẽ sau thời Lão Tử và các đệ tử ''ruột'' của ông (như Liệt Ngự Khấu, Dương Chu...), Đạo Gia suy thoái dần theo hướng huyền bí hóa, linh thiêng hóa, thần thánh hóa bởi chính sự cao siêu trong tư duy lý luận trước hết là về tự nhiên của nó mà hiếm người đời sau thấu đáo được, để trở thành một thứ tôn giáo gọi là Đạo Giáo? Và phải chăng cõi Tiên trong Đạo Giáo cũng chính là cõi Niết Bàn trong Đạo Phật nguyên thủy? Tuy nhiên, dù Đạo Gia và Đạo Phật nguyên thủy đều cùng kêu gọi vô chấp bất cầu, ''giũ bỏ'' tham-sân-si khỏi tâm hồn, và tìm cách thoát khỏi vô minh (sự không biết đạo, nguyên nhân làm xuất hiện tham-sân-si), tưởng chủ trương về xã hội-nhân sinh giống nhau, nhưmg thực ra là có những nét khác nhau cơ bản, chẳng hạn đó là trong khi Đạo Gia hướng nhân quần đến cái tâm thế chừng mực tùy khả năng, an nhiên, hồn hậu, lạc quan vui sống, thì Đạo Phật lại hướng chúng sinh đến lối sống yếm thế, an phận kiểu ''trả nợ đời'' nhằm thoát vòng luân hồi nghiệp báo (mà theo chúng ta, có thể coi là có trong...hiện thực này nọ mà thôi, chứ tuyệt đối không thể có trong thực tại!)...

Một ý nghĩ thoáng qua nhưng gây ấn tượng rất mạnh, sáng quắc như chớp giật trong đầu chúng ta: nền tảng tư tưởng của Đạo Gia có nguồn gốc sâu xa từ nhận thức tự nhiên của người Lạc Việt hoặc từ tiền bối của người Lạc Việt, và có lẽ Đạo Giáo xâm nhập (?) vào Việt Nam cổ đại trước Đạo Phật, mà người Việt đầu tiên lĩnh hội được chính là...Chử Đồng Tử. Hơn nữa, tinh thần Đạo Gia ''nấp'' trong tư tưởng Đạo Giáo vẫn còn ''lồ lộ'' vào thời Trần và chưa bị lấn át hay ''chiếm hữu hẳn'' bởi Phật Giáo. Chúng ta đã biết cách xử thế của các vua Trần, tiêu biểu là Trần Nhân Tông, và sẽ hiểu được cặn kẽ ngọn ngành do đâu mà các vua Trần lại ''không thích'' làm vua mà ''thích'' xuất thế vô vi trong vai...Thái Thượng Hoàng như thế, nếu nhớ lại lời Lão Tử: "Biết trắng giữ đen, làm phép tắc cho thiên hạ. Làm phép tắc cho thiên hạ thì cái đức vĩnh cửu bất biến sẽ không sai lạc, mà trở về với vô cực (bản nguyên của đạo). Biết vinh giữ nhục, làm cái hay cho thiên hạ. Làm cái hay cho thiên hạ thì cái đức vĩnh cửu bất biến sẽ đầy đủ, mà trở về mộc mạc như gỗ chưa đẽo. Gỗ chưa đẽo, xẻ ra thành đồ dùng. Thánh nhân giữ thuần phác mà điều khiển trăm quan...", "...thánh nhân ôm giữ lấy đạo làm phép tắc cho thiên hạ. Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải cho nên mới chói lọi, không tự kể công cho nên mới có công, không tự phụ cho nên mới trường cửu (mới hơn người). Chỉ vì không tranh với ai cho nên không ai tranh giành với mình được", "Vàng ngọc đầy nhà làm sao giữ nổi, giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa. Công thành rồi thì nên lui về (công thành thân thoái), đó là đạo trời"...








Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG