Thực tại và hoang đường 7


PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.


Mọi sự tương phản, nếu được lột bỏ tới tận cốt lõi của nó sẽ lộ ra cái thuần túy có – không có. Có – Không Có chính là hơi thở của Tự Nhiên Tồn Tại mà tư duy có thể “nghe” được nhưng chưa “thấy” được ý nghĩa của nó trong mối quan hệ chằng chịt đến mức nhiễu loạn giữa vô kể các khái niệm.


Phải nói rằng sự tương phản cũng là một trong những biểu hiện tính đầy đủ của Tự Nhiên Tồn Tại, tính phân biệt được của Vũ Trụ các sự vật - hiện tượng; là mối quan hệ phổ biến mang tính động lực trong các quá trình vận động của các sự vật - hiện tượng mà tư duy nhận thức được thông qua các khái niệm tương phản được hình thành nên từ sự tác động của thực tại lên tư duy, phản ánh trong tư duy, xuất phát từ cặp khái niệm nền tảng, khái quát nhất là có – không có. Điều đó giải thích hiện tượng là không phải chỉ riêng trong triết học mà trong tất cả các ngành khoa học khác về tự nhiên và xã hội đều nhan nhản những biểu hiện tương phản. Định luật tác dụng tương hỗ của Niutơn, tính kiềm – axít trong hóa học, phép cộng - trừ, nhân – chia trong toán học… là những minh chứng hùng hồn.

Trong triết học, chúng ta thường gặp những khái niệm như hữu thể, thực thể, hiện hữu, hiện thực, hữu hạn, vô tận, thực thể, thực tại... được sử dụng rộng rãi một cách hết sức vô tư. Các triết gia mỗi người hiểu một cách, giải thích tùy tiện theo ý mình, chẳng theo một thể thống nào cả. Có những tác phẩm triết học coi hữu thể như hiện hữu và cũng như tồn tại, hoặc cho rằng thực thể là hữu thể, thực tại là tồn tại, hiện hữu là hiện thực, cũng có khi dùng hữu thể để chỉ tồn tại… nói chung là hết sức lộn xộn. Hình như không ai thấy được tầm quan trọng của việc phải minh định những khái niệm ấy. Mà có thực sự cần thiết phải minh định không? Cho đến ngày nay, triết học không cần sự minh định rõ ràng giữa các khái niệm ấy vẫn cứ phát triển với những tác phẩm đồ sộ cơ mà?…

Theo ý kiến chúng ta thì tình hình nêu trên cần phải được khắc phục càng sớm càng tốt. Chúng ta cho rằng trước khi tranh biện những vấn đề sâu xa và cao siêu của triết học, trước hết và trên hết phải đồng thuận được về ý nghĩa của các khái niệm mang tính cơ bản, được coi như cơ sở không thể bàn cãi của lý luận. Một tranh biện triết học, dù trên tinh thần “hướng thiện” đến đâu chăng nữa cũng không thể đạt tới chân lý một khi đã không thừa nhận nhau ngay từ ý nghĩa của các khái niệm làm điểm xuất phát của lập luận.

Tất cả những khái niệm cơ bản, thường dùng trong triết học nói ở trên không phải được hình thành một cách ngẫu nhiên mà phải có lý do, từ sự phản ánh nhờ tác động của thực tại khách quan. Chính vì vậy nên ít nhiều gì, chúng cũng có những sự khác biệt về ý nghĩa so với nhau. Sự lầm lẫn giữa các khái niệm ấy, có thể là do vô ý khi chuyển ngữ, có thể do đã không thấy tầm quan trọng, sẽ dẫn đến (đã dẫn đến rồi!) những khó khăn không đáng có, thậm chí là do còn :nông cạn" dẫn đến ngộ nhận, sai lạc trong việc nhận thức Tồn Tại.

Cần phải hệ thống hóa lại toàn bộ các khái niệm cơ bản trong triết học, phải có một cuốn từ điển triết học đúng nghĩa, được bổ sung, điều chỉnh định kỳ và được tất cả các nhà triết học đồng thuận, cùng dựa vào đó mà lập luận trong quá trình tranh biện?
Đó là nhiệm vụ của các nhà triết học toàn thế giới và có lẽ là chưa thể! Vì khái niệm cơ bản của triết học cũng chính là vấn đề mà triết học đang giải quyết, nên chưa thể đồng thuận được.

Thôi, kệ các nhà triết học thế giới! Họ có ý của họ. Còn chúng ta, để phục vụ cho câu chuyện của riêng mình và dựa vào ý tưởng về sự tương phản, chúng ta sẽ định vị một số khái niệm thường dùng trong triết học mà chúng ta cho là cần thiết.
Cặp khái niệm quan trọng nhất sau cặp có – không có là cặp khái niệm tồn tại – không tồn tại (tồn tại – hư vô). Nhưng vì đã nói nhiều về nó rồi nên ở đây không nhắc lại nữa.

Chúng ta xét cặp tương phản đối ứng quan trọng thứ hai là cặp hiện hữu – vô hữu. Không thể bàn bạc vấn đề tồn tại, vận động, không gian và thời gian nếu không định vị được cặp khái niệm này.

Không rành về ngôn ngữ học và ở đây không phải bàn chuyện về ngôn ngữ để mà truy nguyên gốc, mổ xẻ từ hiện hữu hay vô hữu. Nếu ai có nhu cầu này thì cứ đến nhà bác "Internet" mà hỏi!

Không dông dài thêm nữa vì đã quá dông dài rồi, chúng ta đi ngay vào đề. Hiện hữu là khái niệm chung nhằm chỉ tất cả các sự vật - hiện tượng mà chúng ta đang cảm nhận được nhờ các giác quan một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các thiết bị công cụ hỗ trợ. Như vậy có thể nói nôm na rằng hiện hữu là cái có mà chúng ta đã nhận diện được, đã đặt tên và hiện đang quan sát thấy.

Chẳng hạn ở thành phố A có vườn bách thú B và trong vườn bách thú đó có con voi tên C. Chúng ta đến chơi vườn B và thấy con voi C. Chúng ta nói con voi C hiện hữu. Hôm sau chúng ta lại đến vườn B và chẳng thấy con voi C đâu nữa cả. Lúc đó nếu có ai hỏi, chúng ta sẽ nói rằng con voi C không hiện hữu trong vườn B nữa (chữ “nữa” ám chỉ về sự kiện con voi C đã từng hiện hữu). Nhưng nó còn hiện hữu ở đâu đó không? Chúng ta không thể biết điều đó vì chúng ta không nhận được thông tin nào khác về con voi C cả. Có thể nó đang ở đâu đó hoặc cũng có thể đã bị “làm thịt”. Nếu nó đang ở đâu đó thì cũng không hiện hữu ở vườn B, hay nói cách khác nó tồn tại nhưng không hiện hữu (ở vườn B). Trong trường hợp thứ hai, vì nó đã bị làm thịt, đã chết nên nó không còn tồn tại và vì thế nó cũng không thể hiện hữu ở bất cứ đâu, trước bất cứ ai cả.

Thí dụ thứ hai: Vào một đêm trời trong, chúng ta nhìn lên bầu trời bằng mắt trần và thấy một khoảng trời nào đó không có bất cứ vì sao nào, bất cứ gì trong đó. Nếu ai đó hỏi ta rằng có gì hiện hữu ở đó không (?) thì chúng ta sẽ trả lời là chẳng có gì ở đó cả, không có bất cứ gì hiện hữu ở đó cả. Nhưng ngay lúc đó có người nhìn qua kính thiên văn thấy có các vì sao ở đó và anh ta nói: không đúng, ở đó có các vì sao hiện hữu. Trong trường hợp này ai là người trả lời đúng? Cả hai người đều đúng nhưng chỉ đúng cho mỗi người. Cần nói thêm là khi nhìn bằng mắt trần, chẳng có gì hiện hữu trong khoảng trời đêm đó cả, nhưng bản thân khoảng trời đêm là một hiện hữu. Khi nhìn qua kính thiên văn thì lại chỉ thấy các vì sao mà không thấy được khoảng trời đêm (ngoài tầm của kính thiên văn) cho nên khoảng trời đêm đó không hiện hữu. Như vậy cùng một sự vật - hiện tượng, có thể là hiện hữu ở cách nhìn này mà không hiện hữu ở cách nhìn khác; có thể là hiện hữu đối với người này mà không hiện hữu đối với người khác, có thể hiện hữu lúc này nhưng lúc khác không hiện hữu. Khi nói đến hiện hữu thì phải nói là hiện hữu đối với ai, đối với cái gì chứ không thể có hiện hữu không có đối tượng. Nếu người nhìn qua kính thiên văn thấy các vì sao, khi rời bỏ kính thiên văn mà vẫn nói các vì sao hiện hữu ở đó thì thực ra chỉ là sự khẳng định đã thông qua kinh nghiệm và câu trả lời tối nghĩa (vừa đúng vừa không đúng!). Nhưng có một chân lý gọi là “tuyệt đối” mà mọi người đều đi đến nhất trí sau khi đều được nhìn qua kính thiên văn là: khoảng trời đêm ấy là một tồn tại và trong đó tồn tại các vì sao.

Suy rộng ra, Vũ Trụ tổng thể các sự vật - hiện tượng là sự biểu hiện của Tồn Tại, chúng ta luôn quan sát thấy (một phần của) Nó, đã đặt tên cho (phần đó của) Nó là hiện thực khách quan vì luôn hiện hữu trước chúng ta. Ở tầm mức cùng tột của hiện hữu là hiện hữu tuyệt đối, và khi đó Hiện Hữu (viết hoa để chỉ thị sự tuỵệt đối) cũng chính là Tồn Tại đã qua quan sát (thấy tuyệt đối!), đã được tư duy đặt tên và thực sự đang tồn tại. Chúng ta có thể còn gọi Hiện Hữu là Hiện Tại vĩ đại; là thế giới khách quan, là Hiện Thực… và nếu muốn thế thì chúng ta cũng có thể đặt thêm bất cứ tên gì, chẳng hạn như Vĩnh Cửu, Brahman, Cái Ấy… thậm chí có thể gọi là John hay Tomy cũng chẳng sao, Tồn Tại vẫn không...hề hấn gì!

Vì vậy tồn tại không có và cũng không cần đối tượng quan sát thì cứ vẫn tồn tại; còn hiện hữu không có đối tượng quan sát thì không thể hiện hữu. Tồn tại không nhất thiết phải hiện hữu nhưng hiện hữu thì phải trên nền tảng là tồn tại, nghĩa là trước hiện hữu phải tồn tại đã. Có thể nói ví rằng: nếu tồn tại là linh hồn thì hiện hữu là thể xác!

Dễ dàng nói luôn: tương phản của hiện hữu là vô hữu (không hiện hữu). Vô hữu không hẳn có nghĩa là không tồn tại. Con voi C khi đã bị làm thịt thì nó vừa vô hữu vừa không tồn tại; nhưng nếu nó còn sống đâu đó thì dù nó vô hữu trong vườn B nhưng nó vẫn tồn tại. Vô hữu ở đây có nghĩa là không hiện diện, không có mặt, vắng mặt ở một khu vực nhất định, mang tính qui ước nào đó (vì nó vẫn hiện hữu ở đâu đó, với ai đó!).
Câu chuyện về hiện hữu chưa kết thúc được. Vẫn còn những “vấn nạn”.

Chúng ta đặt tiếp câu hỏi nữa: biểu tượng trong tư duy có thể coi là một hiện hữu không? Sự vật - hiện tượng ở thế giới khách quan tác động vào chúng ta, làm hình thành nên những hình ảnh của sự vật - hiện tượng và được khái quát, cô đọng thành những biểu tượng trong tư duy (một bộ não không có trí nhớ sẽ không lưu được hình ảnh và do đó cũng không có biểu tượng!). Biểu tượng là thực tại khách quan hay một bộ phận của thực tại khách quan đã qua nhận thức (mang tính chủ quan). Thực tại khách quan chính là những gì ta cảm biết được từ thế giới khách quan, do đó nó mang tính phiến diện, không hoàn toàn, chỉ là bộ phận, là một vài phương diện nào đó của thế giới khách quan. Vì chúng ta cảm biết, đã đặt tên, cho nên có thể cho rằng thực tại khách quan là phần hiện hữu của thế giới khách quan (tạm cho rằng thế giới khách quan là tồn tại không có chúng ta trong đó!). Hình ảnh của thực tại khách quan, có được trong tư duy nhờ cảm giác, và còn lưu giữ được trong trí nhớ, chẳng gì khác hơn, là “chân dung” của một hiện hữu đã qua (đã không còn hiện hữu nữa). Mỗi lần ta muốn nhớ về hiện hữu đã qua (hay về một thời đã qua) thì hình ảnh ấy (nhiều hình ảnh kế tiếp nhau ấy) hiện lên (lần lượt hiện lên) trong tư duy và vì chúng ta cảm nhận được, hình dung được, hơn nữa là thể hiện của vận động trí não, một tồn tại, nên nó (chúng) cũng chính là hiện hữu (những hiện hữu). Dù hiện hữu đó là không thực thì vẫn tồn tại của một vật chất dang vận động nào đó, và vì nó giúp chúng ta cảm giác lại “thời đã qua”(thời không còn tồn tại nữa) nên chúng ta gọi nó là hiện hữu ảo của một thực tại ảo (phim, ảnh, TV… là thế đấy!).

Đến lượt biểu tượng, một cách tương đối, chúng ta qui ước là hình ảnh tổng hợp của nhiều hình ảnh lưu giữ được từ nhiều lần cảm biết, từ một quá trình nhìn nhận, xem xét, cân nhắc nào đó về thực tại khách quan, do đó nó mang tính chung, tính tổng quát, tính đầy đủ, tính điển hình… của một thực tại khách quan. Vì lý do đó mà chúng ta nói nó là một thực tại khách quan đã qua nhận thức (qua nhận thức không có nghĩa đã là chân lý!) đồng thời cũng chính là hiện hữu đã qua nhận thức mỗi khi ta suy nghĩ về nó, mỗi khi nó hiện lên trong tư duy, và tương tự cũng có thể coi nó là một hiện hữu ảo của một tồn tại ảo; nặng tính chủ quan vì ta có thể thêm bớt “râu ria” cho nó tùy trình độ nhận thức hoặc cũng có khi chỉ vì… thích như thế.

Thế thì chúng ta nói sao đây khi trong bộ não hoang tưởng của chúng ta xuất hiện một cái gì đó không phải do tác động của thực tại khách quan, chẳng hạn như một con quỉ chỉ có một nửa mặt, nửa tay, nửa chân? Rõ ràng đó phải là một hiện hữu, xuất hiện nhờ vận động đặc thù của bộ não, gọi nôm na là tưởng tượng. Chẳng có sự tưởng tượng nào mà không dựa trên cơ sở kinh nghiệm, chẳng có tưởng tượng nào thoát li được thực tại, hay đã có lần chúng ta nói, chẳng thể tưởng tượng vượt ra ngòai Tồn Tại được. Khi sự khủng khiếp đã đạt đến mức tột cùng rồi thì chẳng thể nào tìm ra được cái gì khủng khiếp hơn: quá khủng khiếp, khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng thì cũng chỉ là khủng khiếp thế thôi. Sự tưởng tượng, xét ra cũng là một biểu hiện về tính đầy đủ của Tồn Tại mà trong hệ thống khái niệm là cặp tương phản: thực – phi thực (thực - ảo).

Trong đời sống, theo như sách vở ghi chép lại, đã từng có nhiều giấc mơ gọi là tiên tri: thấy những điều xảy ra ở tương lai, và đã được xác nhận là đúng đắn. Giải thích thế nào về điều này? Đó là sự vật - hiện tượng mà chúng ta không (chưa) lý giải được; chỉ có thể phán đoán rằng nó phải có mối liên quan sâu sắc với vận động vật chất ở tầng nền tảng nào đó. Mà thôi, đã ngoài câu chuyện của chúng ta mất rồi! Người nào tò mò, nên tìm hỏi cha đẻ của “Phân tâm học”, ngài Freud, không, có lẽ đúng hơn nên tìm về Phương Đông!

Liên quan đến khái niệm hiện hữu có những khái niệm như: thực thể, hữu thể, hữu hình…
Thực thể, đối với chúng ta, là tồn tại có hình dạng nhất định, có tính thể tích, có nội tại và tương đối ổn định (có thời gian tồn tại đủ để gọi là… thực thể). Con voi, trái núi, con người, hòn sỏi… là thực thể. Thực thể ấy hiện hữu thì gọi là hữu thể. Hữu hình được coi là một hiện hữu có hình dạng, có kích thước tương đối không ổn định, không có mối liên kết rõ ràng trong nội tại chẳng hạn: đám mây, làn khói, cầu vồng…

Có thể cho thực thể đồng nghĩa với vật thể. Khái niệm tương phản của thực thể là phi thực thể. Tồn tại ảo là một phi thực thể. Tương phản của hữu thể là phi hữu thể, tương phản với hữu hình là vô hình. Có thể gọi hiện hữu ảo là hữu hình. Không khí trước mắt chúng ta là vô hình, nhưng khi ta hình dung ra bầu khí quyển thì là hữu hình, trong thực tại nếu quan sát từ ngoài Trái Đất, chúng ta có thể qui ước bầu khí quyển là hữu thể. Nóng, lạnh là hiện hữu vô hình, và nói chung sự biến đổi, vận động là vô hình…

Sự vật thường là hiện hữu như một hữu thể thì hiện tượng lại như một vô thể. Nói đến sự vật - hiện tượng là phải nói đến sự biến đổi, sự xuất hiện và mất đi của chúng, vì vậy sự tồn tại của chúng là có một khoảng xác định, khoảng đó gọi là thời gian. Mỗi sự vật - hiện tượng đều có khoảng thời gian tồn tại, do đó tùy thuộc vào đối tượng quan sát mà nó cũng có một khoảng hiện hữu đối với quan sát ấy. Khoảng hiện hữu là một đoạn; một phần… của khoảng tồn tại; nó có thể bằng không (chú ý rằng khoảng tồn tại không bao giờ bằng không vì đã là sự vật - hiện tượng thì phải tồn tại, còn không có sự vật - hiện tượng mà nói đến khoảng tồn tại của nó là vô nghĩa. Đối với sự vật - hiện tượng ảo thì khoảng tồn tại của nó cũng là ảo!). Khoảng tồn tại của Vũ Trụ vừa bằng đơn vị, đó là khoảng tồn tại của một vòng tuần hoàn của nó và cũng bằng Hiện Tại vĩ đại, đó là khoảng tồn tại của Hằng Cửu. Khoảng hiện hữu của Vũ Trụ là vô định!
Ngoài những khái niệm kể trên còn rất nhiều khái niệm liên quan đến Hiện hữu – Vô hữu như: vô định hình, đa hình, trạng thái, hệ thống… Chúng ta không “đủ sức”, không đủ thời gian, và cũng chẳng cần thiết lắm để nói về chúng trong lúc này. Mai kia mốt nọ, trên con đường phiêu lãng, nếu chẳng may “vướng” phải “đứa nào”, chúng ta sẽ “cho đứa đó...đo ván!”.

Phải nhấn mạnh rằng ngay cả ở đây nữa chúng ta cũng thấy được tính “nước đôi” của Tự Nhiên Tồn Tại: Nó là vô hữu đối với quan sát ngủ say, là hiện hữu đối với quan sát thức tỉnh, là cả hai đối với quan sát mê - tỉnh và đồng thời cũng không phải cả hai (hiện hữu giống Nó chứ Nó không phải hiện hữu, nhưng Nó cũng không phải vô hữu vì Nó là... Tồn Tại!!!).

Cuối cùng thì tất cả những điều vừa nói ở trên có thể đúng, có thể sai, vừa đúng vừa sai đồng thời có thể là tối nghĩa, nhưng nếu cần, chúng ta cứ thoải mái sử dụng các khái niệm đó tùy thích.

* * *

Đã không muốn sa lầy, đã cố trốn né sự sa lầy, thế rồi như một đứa trẻ bị cuốn hút theo những con bướm sặc sỡ chập chờn trước mặt, chúng ta đã bì bõm trong sa lầy từ lúc nào không biết nữa.

Hóa ra không phải sự sa lầy nào cũng gây nên khó chịu hay tai hại. Những cuộc du ngọan bất đắc dĩ, những cuộc phiêu lưu tình ái nối nhau lê thê một cách tình cờ thường là những kỷ niệm thú vị.

Thôi, chúng ta quay lại “chiến đấu” với không gian và thời gian, hai thủ phạm làm tan vỡ biết bao cuộc tình yếu đuối và hóa bất tử không ít thiên tình sử thủy chung trong xa cách, đợi chờ.

Lịch sử loài người đã nhận biết không gian và thời gian từ rất lâu và đã coi chúng như một sự đương nhiên, vận dụng chúng trong đời sống, trong sinh họat thường ngày. Chẳng có một người bình thường nào bỏ công ăn việc làm để lao tâm khổ trí về chúng. Chỉ có mấy “ông” triết gia là vò đầu bứt tai và đến tận ngày nay cũng đang vò đầu bứt tai nhăn nhó trong sự lẫn lộn giữa "hiểu rồi" và "kỳ cục quá".

Và chúng ta, vô công rỗi nghề, cũng ngồi đây bắt chước các triết gia vò đầu bứt tai, tự hỏi: bản chất của không gian và thời gian là gì?

Dù đã tìm hiểu nhiều ý kiến khác nhau của các triết gia từ cổ chí kim, chúng ta cũng vẫn chưa thấy được câu trả lời nào thỏa đáng, phù hợp với “khẩu vị” của chúng ta. Tuy vậy, nhờ thừa hưởng cái nền tảng của sự phân tích đa chiều, sâu sắc một cách uyên bác ấy, chúng ta (những kẻ đi sau bao giờ cũng được lợi) sẽ xây dựng một quan niệm không gian và thời gian để sử dụng vào mục đích riêng của mình.

Các nhà vật lý học, giống như người bình dân cứ mặc nhiên coi không gian và thời gian là cái có sẵn mà các sự vật - hiện tượng tha hồ vùng vẫy trong đó.

Hình học Ơclít đẹp như phong cảnh miền thảo nguyên bát ngát đến vô tận, trên là bầu trời xanh không chút gợn, chếch ra xa là những ngọn núi hình Kim tự tháp quắc thước đứng sắp hàng thẳng tắp đến chân trời, một đường nằm ngang phân định rạch ròi giữa trời và đất. Nó mặc nhiên đã trở thành biểu tượng không gian và thời gian vừa dễ hiểu, vừa xác đáng, vừa trong suốt, vừa tiền định thiêng liêng.

Trên cái nền tảng hiển nhiên ấy, Niutơn đã xây dựng nên học thuyết về chuyển động của các vật thể gọi là cơ học Niutơn. Trong cái tĩnh tại của Không gian Ơclít, các vật thể của Niutơn quan hệ với nhau, tạo tiền đề cho nhau, cùng chuyển động, vạch vẽ nên những quĩ đạo được toán học tính toán một cách chính xác, tuân theo những qui luật đúc kết thành những công thức xác định tuyệt đối và phù hợp với thực tại một cách không thể chối cãi được. Cơ học Niu tơn như một bức tranh tĩnh vật tuyệt tác, sống động mà trật tự, hài hòa mà mạch lạc một cách tuyệt đối.

Trong cơ học Niutơn, không gian và thời gian được coi là tuyệt đối. Không gian tuyệt đối có thể hình dung là một khoảng thể tích trống rỗng chứa vạn vật (rất đúng với trực giác thông thường!), không mang tính vật chất và độc lập với vật chất (không tương tác với vật chất!). Nó có ba chiều, liên tục, đồng nhất, đẳng hướng, không vận động và vô tận. Tương tự, thời gian tuyệt đối được coi như sự trống rỗng nào đó chứa đựng các biến cố; nó cũng không phải là vật chất, và cũng không tương tác với vật chất. Nó thuần túy trôi đều đặn mãi mãi với một chiều từ quá khứ đến tương lai (lạ lùng đến mức không thể hình dung nổi!!!).

Tuy vậy cơ học Niutơn cũng công nhận có không gian tương đối và thời gian tương đối. Không gian tương đối chính là thể tích mà các vật chiếm chỗ, nó là bộ phận của không gian tuyệt đối. Còn thời gian tương đối (mang tính biểu kiến) là sự lâu dài cụ thể mà ta cảm giác được nhờ một quá trình cụ thể nào đó; được dùng để đo sự lâu dài của các quá trình khác.

Niutơn từng viết: “Chuyển động tuyệt đối là sự chuyển một vật thể từ một chỗ tuyệt đối đến một chỗ khác. Và “chỗ là gì?”. “Chỗ” ở đây là phần vật thể đó chiếm trong không gian, và theo không gian thì hoặc là tuyệt đối, hoặc là tương đối (…), không gian tuyệt đối, trong bản chất của nó, không liên hệ với bất cứ cái gì ở ngoài, vẫn luôn luôn tương tự và bất di bất dịch”.

Ngoài ra, Niutơn còn cho rằng không gian tuyệt đối và thời gian tuyệt đối không những tồn tại độc lập với chuyển động của các vật mà còn độc lập với nhau nữa; chúng không có cấu tạo nội tại – không có cấu trúc.

Cơ học Niutơn đóng vai trò chính thống của vật lý học trong một thời gian dài. Người ta thậm chí coi nó như một trong những nguyên lý tuyệt đối của tự nhiên, được người ta vận dụng để giải thích cả những hiện tượng trong thế giới vi mô (như nhiệt học, thuyết nguyên tử của Bohr…) thậm chí có người đặt câu hỏi: Có thể áp dụng cơ học Niutơn trong thần kinh học hay không? Joham Triedrich Herbart, triết gia Đức, vào đầu thế kỷ XIX còn tuyên bố: “Trật tự thông thường trong đầu óc con người hoàn toàn tương tự trật tự vận động của các vì sao trên trời”. Hai trăm năm sau khi tác phẩm “Các nguyên lý” của Niutơn ra đời, Hemhônxơ còn nói: “Mục tiêu cuối cùng của mọi khoa học là hàng hóa lẫn vào trong khoa học”.

Địa vị độc tôn của cơ học Niutơn trong vật lý học bị lung lay bởi việc phát hiện ra sự bất biến của tốc độ ánh sáng trong cuộc “hành trình đi tìm” chất ête trong Vũ Trụ.
Ý niệm về Vũ Trụ được lấp đầy một cái gì đó trong suốt và xuyên thấu đã có trong triết học Ấn Độ cổ đại (thời Vêđa – Upanishad, khi nói về Cái Đầy). Một số nhà triết học Hi Lạp cổ đại cũng theo ý tưởng ấy. Anaximandre cho rằng trong Vũ Trụ “chứa đầy” một dạng gì đó, không phải là vật chất xác định, gọi là Vô Hạn (Apeiron). Nó đơn nhất, vô định, vô hạn, vĩnh viễn, là nguyên nhân tạo nên vạn vật. Còn Anaximène, cụ thể hơn, cho cái vô hạn đó là không khí vô hạn.

Có lẽ Aristote là người đầu tiên nói đến khái niệm “ête”. Theo ông, thế giới chúng ta gồm bốn loại nguyên tố là đất, nước, lửa, không khí tạo nên. Sự kết hợp và chuyển hóa lẫn nhau của chúng theo những tỷ lệ nhất định mà tạo thành các vật thể. Còn ở xa hơn Mặt Trăng, các thiên thể được cấu thành từ một loại nguyên tố khác bốn nguyên tố trên, đó là nguyên tố thứ năm, rất thiêng liêng mà ông gọi là ête, bao trùm toàn bộ Vũ Trụ.

Trong thế kỷ XVII, trước Niutơn (Newton) mấy chục năm, quan niệm của Đềcác (René Descartes) cho rằng một sự mô tả đầy đủ về thế giới vật chất (matter) sẽ không đòi hỏi gì khác ngoài vật chất và vận động, và rằng: … giữa các vật không phải là một không gian trống rỗng mà chứa đầy một dạng vật chất nào đó không nhìn thấy được nhưng rất hoạt động. Các dòng và các xoáy trong môi trường kéo theo các vật cơ học. Niu tơn phản đối quan niệm mang tính suy lý thuần túy này, nhưng chính định luật vạn vật hấp dẫn- viên ngọc bích trong học thuyết cơ học của ông đã ngầm chứa mâu thuẫn. Trong bức thư gửi cho một người bạn, Niu tơn thừa nhận: “Giả thiết rằng vật có thể tác động lên một vật khác ở cách xa, qua chân không, mà không cần có sự tham gia của một vật trung gian nào đó, đối với tôi, điều đó hình như vô lý; tôi nghĩ rằng không một nhà tư duy triết học nào lại có thể nhân nhượng với điều đó được”.

Vào cuối thế kỷ XIX, khi thuyết sóng ánh sáng đã được công nhận và sóng điện từ được khảo sát trong thực nghiệm, các nhà vật lý đi đến nhận định rằng để cho các sóng đó lan truyền được, phải có một môi trường đặc biệt gọi là ête đầy trong Vũ Trụ và bên trong các vật. Họ đã ra sức xây dựng mô hình về ête trong nhiều năm nhưng lần lượt không thành công. Tất cả các cuộc thí nghiệm dựa vào sự hiện diện của ête để giải thích hiện tượng trở nên mâu thuẫn nhau hoặc bế tắc. Công cuộc tìm kiếm sự tồn tại của ête đã dẫn đến thí nghiệm nổi tiếng của Maikensơn (và sau này cùng với Moocley).
Thí nghiệm Maikensơn – Moocley không thỏa mãn được mục đích ban đầu là chứng thực ête và bản chất của nó (kéo theo hay không kéo theo, kéo theo hoàn toàn hay một phần) nhưng lại dẫn đến một kết luận cực kỳ quan trọng và đầy bất ngờ: vận tốc ánh sáng là bất biến (trong chân không), không phụ thuộc vào sự chuyển động của nguồn phát.

Trong cơ học Niutơn, phép cộng vận tốc trong một hệ quán tính luôn tuân thủ tuyệt đối qui tắc hình bình hành, nghĩa là vận tốc tổng có thể tăng đến vô hạn. Sự bất biến của vận tốc ánh sáng đã phá vỡ sự giản dị đó, và gây ra mâu thuẫn sâu sắc: hoặc phải từ bỏ cơ học Niutơn, đồng thời cũng có nghĩa là từ bỏ nguyên lý tương đối của Gallilê hoặc vận tốc ánh sáng không được bất biến. Thực nghiệm đã xác nhận cả hai đều đúng! Và do đó không thể từ bỏ cơ học Niutơn, cái mà nhân loại phải chịu ơn, mà cũng không thể phủ nhận được tính bất biến của vận tốc ánh sáng, cái mà sau này, nhân loại cũng chịu ơn không kém. Anhstanh xuất hiện để giải quyết ổn thỏa vấn đề bức bối đó. Thuyết tương đối của ông ra đời làm cho cơ học Niutơn mất đi tính thống soái của nó nhưng vẫn đảm bảo cho nó một vị trí xứng đáng trong vật lý học; và mở ra chân trời mới cho vật lý học. Bức tranh tĩnh vật cổ điển đã được chỉnh sửa (hay thay mới?) thành bức tranh lập thể, méo mó và dị dạng đến độ những “thường dân” như chúng ta vĩnh viễn chẳng bao giờ hiểu được vẻ đẹp siêu việt của nó.

Học thuyết của Anhstanh đã làm cho không gian và thời gian mất đi tính thờ ơ, siêu hình đến mức ngạo nghễ của chúng. Chúng bỗng trở nên sống động, hòa quyện vào nhau, co duỗi, vặn vẹo, cong thẳng lệ thuộc vào vật chất và vận động. Anhstanh đã chỉ ra rằng tốc độ ánh sáng là cực đại; chỉ có nó là hằng số, còn mọi thứ khác, kể cả không gian lẫn thời gian sẽ tự điều chỉnh xung quanh hằng số này. Có lần, một người đề nghị Anhstanh: “Xin ông tóm tắt thuyết tương đối trong một câu!”, ông đã trả lời: “Trước đây, người ta cho rằng khi vật chất biến mất thì không gian và thời gian vẫn còn lại, thuyết tương đối khẳng định rằng khi vật chất biến mất thì không gian và thời gian biến mất luôn!”

Nói thêm, thuyết tương đối xuất hiện đồng thời cũng gạt bỏ luôn môi trường ête ra khỏi nội dung nguyên cứu của vật lý học bởi vì nó bỗng trở nên thừa, không cần thiết nữa. Về vấn đề này, theo quyển “Lịch sử vật lý học” (tác giả: Đào Văn Phúc, NXB Giáo dục, Hà Nội 2003) thì: “Tuy nhiên, khi thuyết tương đối mới ra đời, số người bác bỏ lại đông hơn số người ủng hộ nó. Tất cả những hiện tượng mà thuyết Anhstanh giải thích được bằng cách gạt bỏ ête khỏi vật lý học thì thuyết Lorenxơ cũng đã giải thích được bằng cách công nhận sự tồn tại của ête. Không có bất kỳ một hiện tượng nào cho phép công nhận hay bác bỏ dứt khoát một trong hai thuyết đó, thành thử việc lựa chọn lý thuyết nào chỉ còn là vấn đề “khẩu vị” của các nhà khoa học. Những kết quả vang dội cả về lý thuyết lẫn về thực nghiệm của điện động lực học Mácxoen xây dựng trên cơ sở sự tồn tại của ête đã khiến số đông các nhà vật lý ngả về thuyết Lorenxơ. Tới 1914, Lorenxơ vẫn tiếp tục khẳng định rằng ông thiên về quan niệm cũ về vai trò của ête".

Thật hết biết! Chẳng hiểu đúng sai thế nào? Kệ họ!

Điều chúng ta quan tâm tới là bản chất của không gian và thời gian, vẫn chưa được vật lý học giải quyết. Lấy không gian và thời gian ra, rồi bắt chúng biến hình đủ kiểu để xây dựng lý thuyết, để giải thích các hiện tượng, khi cần thì bắt chúng im lặng tuyệt đối, im lặng tuyệt đối đã đời lại bảo chúng tương đối, co duỗi phụ thuộc vào vật chất và vận động, bắt thời gian ngừng trôi ở lỗ đen; thậm chí khi gặp mâu thuẫn, còn dồn ép chúng lại trong “điểm kì dị”, giấu sau bức tường Plank để khỏi ai tò mò tọc mạch làm gì nữa; nghĩa là vật lý học “xài” không gian và thời gian hết sức vô tư, thoải mái nhưng vẫn không biết chúng là gì. Đó là hành động li kỳ bậc nhất trong vật lý học. Chính vì li kỳ như thế nên, ngay cả các nhà vật lý thời hiện đại cũng đâm ra lúng túng, lưỡng lự khi nói về không gian và thời gian. Dưới đây là vài phát biểu của họ:

- Albert Einstein:
“Những người tin vào vật lý như chúng ta đều biết rằng sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng thiển cận và cố hữu.”
“Điều kiện có được này (của thuyết tương đối rộng)… đã tước bỏ di chứng cuối cùng về tính khách quan vật lý của không gian và thời gian.”
“Những khái niệm về “cái đang diễn ra” và “cái đang trở thành” không hoàn toàn kết thúc trên thực tế, tuy nhiên, chúng trở nên phức tạp. Vì vậy, tiên lượng một thực tại vật lý như là một không - thời gian bốn chiều đúng hơn là vận động thời gian của một không gian ba chiều như vẫn quan niệm từ trước tới nay thì có vẻ là tự nhiên hơn.”
“Theo thuyết tương đối rộng, khái niệm không gian khi bị tách ra khỏi mọi nội dung vật lý thì không tồn tại.”

- Werner Heisenberg:
“Những từ thông dụng như “không gian” và “thời gian” dẫn ra một cấu trúc không gian và thời gian trên thực tế là một sự lý tưởng hóa và đơn giản hóa tới mức thái quá.”
“Thuyết tương đối đã chứng minh rằng ngay cả những khái niệm cơ bản như không gian và thời gian cũng có thể bị sửa đổi và thực ra phải sửa đổi trên cơ sở những kinh nghiệm mới.”

- Ervin Schrodinger:
“Muôn đời và mãi mãi, chỉ có Bây giờ cái Một và bất biến. Bây giờ, Hiện tại là cái duy nhất không có kết thúc.”

- Richard P. Feynman:
“Cái mà chúng ta muốn nói rằng “bây giờ ngay lập tức” là một thứ huyền bí mà chúng ta không thể định nghĩa được… “Bây giờ’ là một ý tưởng hay một khái niệm của trí óc chúng ta; lúc này, nó không phải là điều gì đó có thể thực sự định nghĩa được về mặt vật lý.”

- John A Wheeler:
“Không - thời gian, phức tạp và bốn chiều, chỉ là một sự tạo dựng một lý thuyết.”

- H. Minkowski:
“Không gian và thời gian nhìn nhận dưới góc độ của chính bản thân chúng thì buộc phải biến thành những bóng tối đơn thuần, một dạng gắn kết cả hai sẽ là cách duy nhất để giữ lại một thực tại độc lập.”


* * *

Có một điều phải khẳng định chắc như đinh đóng cột thế này: nếu không có sự chứa đựng và sự dài lâu thì làm sao có được Vũ Trụ tổng thể các sự vật - hiện tượng chuyển hóa lẫn nhau không ngừng nghỉ, nối tiếp nhau mất đi và sinh ra? Còn nếu không có Vũ Trụ thì làm sao chúng ta ở đây, trong Vũ Trụ này để huyên thuyên về mọi chuyện được?
Vậy thì sự chứa đựng và sự dài lâu phải là những tồn tại, thể hiện của Tồn Tại. Sự chứa đựng và sự dài lâu ấy đã hiện hữu trước con người từ thuở sơ khai, được con người cảm giác và đặt tên là không gian và thời gian. Nhưng căn nguyên của chúng là gì?

Càng suy nghĩ về không gian và thời gian, chúng ta càng mù tịt về chúng. Nếu có đọc hết những nhận xét, những giả định, những lý giải, những phán đoán từ cổ chí kim của tất cả các triết gia, các nhà khoa học, kể cả các hiền triết, thánh triết, thiên tài lưu danh lừng lẫy trong lịch sử nhân loại, chúng ta cũng chẳng thể hiểu được điều gì về không gian và thời gian, ngoài những điều sơ đẳng mà chúng ta, cũng như mọi người khác đã biết khi còn ngồi ghế nhà trường: không gian là khoảng thể tích được xác định bởi ba chiều: dài, rộng, sâu, và thời gian dùng để đo độ lâu mau của một quá trình; thậm chí còn hoang mang vô cùng và thêm mù tịt trước những mâu thuẫn to lớn phát sinh ra mà không có cách nào giải quyết được.

Thế thì vứt không gian và thời gian ra khỏi suy nghĩ đi, đừng quan tâm tới chúng nữa cho khỏe xác! Đó có thể là một lời khuyên bổ ích. Nhưng khốn nỗi, chúng ta lại là những kẻ tò mò thuộc hàng nhất nhì thế giới, muốn hiểu đến tận cùng Tự Nhiên Tồn Tại để thỏa lòng mong ước, để không phải hổ thẹn khi sang… thế giới bên kia, được gọi ngồi “cùng mâm” với các cụ, tiếp tục tham gia bàn luận về Tự Nhiên Hư Vô!

Nói vui thế thôi chứ đố ai mà không nghĩ về tồn tại, đố ai, dù trong cuộc sống đời thường, thoát khỏi suy nghĩ về không gian và thời gian. Khi còn bé, chúng ta luôn mong thời gian trôi nhanh để được nghỉ hè, để được ăn tết, để thành người lớn. Khi lớn khôn rồi thì đắn đo tìm kế sinh nhai, tìm chỗ làm thuận tiện đi lại, ít thời gian mà nhiều tiền, ao ước nhà cao cửa rộng, mong thời gian trôi từ từ thôi để chậm bị… già… nghĩa là chúng ta luôn nghĩ về không gian và thời gian với những vỏ bọc khác nhau…

Không gian và thời gian có hiện hữu không? Chúng ta trả lời rằng hiện hữu, vì chúng ta cảm nhận được chúng, đặt tên cho chúng, chỉ có điều là chúng hiện hữu như thế nào mà thôi.

Trong hai thứ ấy thì có lẽ không gian, sự chứa đựng, dễ nhận biết hơn, mở mắt ra là thấy, nhắm mắt hình dung cũng “thấy”, đâu đâu cũng thấy. Theo quan niệm của Niutơn thì trước mắt chúng ta, nếu loại bỏ vạn vật ra thì cái còn lại chính là không gian. Nhưng một không gian như vậy làm chúng ta liên tưởng đến khái niệm thể tích. Để tính thể tích một khối vuông khi biết giá trị cạnh của nó thì chớp mắt, ai đó sẽ nói ngay ra kết quả. Nhưng nếu hỏi người đó thể tích là gì thì người đó sẽ phải hoặc chịu mang tiếng “dốt” để trả lời là không biết hoặc tỏ ra thông thạo để trả lời: thể tích chính là không gian, là một lượng không gian, nhưng nếu hỏi tiếp lượng không gian đó là gì thì người đó, nếu là cầu thị sẽ trả lời: “Thú thực là tôi chưa biết”, nếu nhanh nhảu đoảng sẽ là: “Là khoảng trống rỗng để chứa các vật”, và nếu cho rằng chúng ta định bỡn cợt với trí khôn của anh ta thì câu trả lời sẽ là chúng ta sẽ có một cái mũi sưng tấy, đau nhức và bầm đỏ.

Có trả lời theo kiểu nào đi nữa thì khái niệm thể tích cũng tương đồng với khái niệm không gian. Thể tích của một vật chính là lượng không gian mà vật đó chiếm chỗ, là bộ phận của không gian tuyệt đối của Niutơn hay của thể tích Vũ Trụ theo cách gọi của chúng ta; nói lên qui mô to nhỏ (chiếm chỗ ít hay nhiều) của vật đó so với vật khác. Một đặc trưng cơ bản của vật là thể tích. Trong thực tiễn nói đến thể tích là nói đến thể tích của một vật nào đó, một cái gì đó chứ không bao giờ nói thể tích chung chung, vì như thế rõ ràng là vô nghĩa, không xác định. Chẳng hạn chúng ta sẽ hiểu và hình dung được khi một người nói: một khối nước, một lít rượu, cái thùng này đựng được hai mươi lít xăng… Nhưng nếu chỉ nói một khối, một lít, hai mươi lít thì chẳng ai hiểu được cái gì (khi chưa có qui ước ngầm trước đó) ngoài cái cuối cùng là không gian: một khối không gian, một lít không gian, hai mươi lít không gian (Hình học Ơclít đã dạy chúng ta điều này!). Khi ta nói không gian của một căn phòng, không gian của một miền quê, một không gian náo nhiệt, khoảng không Vũ Trụ là rõ ràng ta đã mường tượng được một lượng không gian hữu hạn nào đó và như vậy là chúng hiện hữu (hữu hình, dù là mang tính ảo!). Và nếu tưởng tượng thêm rằng ta lấy ra tất cả các vật hiện diện trong những khoảng không gian đó ra thì cái còn lại chính là không gian thuần túy, và ta vẫn cố gắng hình dung ra được. Nhưng nếu cho rằng một vật chiếm chỗ trong không gian, đặc trưng bởi một giá trị thể tích xác định, thì sau khi (bằng cách nào đó hoặc nhờ thần linh trợ giúp) “rút” hết vật chất tạo thành vật ấy ra khỏi cái thể tích của nó, chúng ta thấy còn gì trong đó? Còn lại không gian chăng? Không, trước đây cái thể tích ấy đầy vật chất nên chẳng có không gian trong đó, nếu “rút” hết vật chất ra khỏi rồi thì còn lại không thể là không gian được hoặc là không gian ngoại lai, ở đâu đó từ bên ngoài “chảy” vào. Cho dù không gian có đặc tính thẩm thấu vào mọi vật thì thể tích vật chất không chứa đầy không gian được, nên khi “rút” vật chất đi cái còn lại nếu là không gian phải là loại không đồng nhất với không gian thuần túy, nó phải “lõang” hơn hoặc ngoài nó phải còn một cái gì đó nữa. Mặt khác, “rút” vật chất ra khỏi cái thể tích nói trên thì rồi phải “đổ” vào đâu đó trong không gian thuần túy, trong Vũ Trụ chứ không thể chỗ nào khác được, và tại chỗ “đổ” ấy, một vật mới dần hình thành, dần “đuổi” một lượng không gian “ra chỗ khác chơi” để chiếm chỗ. Lượng không gian bị chiếm chỗ ấy, đến lượt nó, buộc phải chèn ép không gian xung quanh, tạo một tác động có thể là để lấy cái “lỗ trống” trong thể tích ban đầu mà vật chất bị “rút” đi, bỏ lại. Nếu tình trạng là như vừa nói thì không gian tuyệt đối của Niutơn sẽ phải có mối quan hệ (dồn ép) với vật chất và như thế sẽ không còn là không gian tuyệt đối nữa. Lúc này, Vũ Trụ phải được cho là có cấu trúc ít nhất thì cũng từ hai loại: vật chất và không gian (phi vật chất). Một phi vật chất mà tranh giành “chỗ” với vật chất, dồn ép lẫn nhau như hai lực lượng thì có khác gì vật chất dâu?

Hay không gian kiểu Anhstanh? biết co biết duỗi theo thể tích của vật và thể tích của vật lại co giãn theo chuyển động. Thực ra nói không gian biết co giãn là chưa chính xác. Không gian Anhstanh chỉ biết co thôi, nhưng là sự co đầy ảo giác vì giữa hai vật chênh lệch về vận tốc thì khi “anh này” thấy “anh kia” co, đồng thời “anh kia” cũng thấy “anh này” co, nghĩa là cả “hai anh” cùng co mà “anh nào” cũng bảo mình không co, chính thế mà cũng chẳng bao giờ giãn. Điều phi thường là Tạo hóa ban tặng không gian chung cho vạn vật, ấy vậy mà “hai anh” lại “xà xẻo” làm của riêng để bắt chúng (những “phần” không gian ấy) phải co theo chuyển động (mà cũng chẳng biết là chuyển động nào nữa!). Không những thế, “hai anh” còn bắt cái bộ phận không gian bị chiếm hữu ấy phải cong theo mình nữa (thuyết tương đối rộng).

Suy rộng ra, nếu Vũ Trụ này là không gian (hay lấp đầy không gian), trong đó chứa vạn vật và vạn vật đều chuyển động so với nhau thì mỗi vật đều “thấy” tất cả các vật khác, cùng với bộ phận không gian mà chúng chiếm hữu đều co và tùy vào hướng chuyển động mà co theo đủ mọi chuyển động mà co theo đủ mọi phương chiều, chỉ riêng nó và không gian của nó là không co, để rồi tất cả đều co và đồng thời đều không co. Mỗi vật đều “mang” lượng không gian mà nó chiếm hữu lang thang khắp Vũ Trụ, trong… không gian!

Bây giờ đến lượt thời gian, sự dài lâu. Về mặt trực giác nếu không gian là “thứ” mà chúng ta có thể “thấy” bất cứ đâu thì thời gian lại là “thứ” chẳng thể “thấy” được ở bất cứ đâu cả. Hay có thể nói, hình dung ra không gian dễ bao nhiêu thì hình dung ra thời gian khó bấy nhiêu.

Thời gian tuyệt đối, theo quan niệm Niutơn, được hình dung như sự trống rỗng gì đó, phi vật chất, chứa đựng các biến cố, không tương tác với vật chất, nhưng lại trôi đều đặn, kéo các biến cố theo một chiều (và chỉ một chiều) từ quá khứ đến tương lai. Cách hình dung này về thời gian, thực chất là “bắt chước” cách hình dung về không gian tuyệt đối chứa đựng tất cả các sự vật - hiện tượng!) dù sao cũng hiểu được và có tính hợp lý của nó (từ cảm nhận trực giác); thì trái lại việc hình dung thời gian kiểu như thế lại hoàn toàn… buồn cười. Nếu thời gian tuyệt đối chứa đựng các biến cố thì nó có chứa đựng những cái làm ra các biến cố đó, các sự vật - hiện tượng không? Tất nhiên là nó không thể chứa đựng vì một chiều thì không thể chứa đựng ba chiều, thời gian không thể chứa được không gian. Nó không chứa không gian, không chứa các sự vật - hiện tượng nhưng lại chứa các biến cố (biến cố mà thoát ly vật chất sẽ trở thành phi vật chất, vô cùng mông lung), thế thì nó “nằm” ở đâu trong Vũ Trụ này; khi nó không thể ở ngoài Vũ Trụ này? Nó chứa đựng các biến cố, và là nguyên nhân sinh ra các biến cố cũng như làm mất đi các biến cố, nhưng làm sao nó ảnh hưởng đến các sự vật - hiện tượng được? Hay nó chính là kẻ làm ra biến cố, là “thủ phạm” “rút” vật chất ở chỗ này đổ vào chỗ khác trong không gian? Điều đó cũng không thể có được vì nó chỉ trôi theo một chiều và chẳng biết làm gì hơn! Nói đến sự trôi thì lại càng ngỡ ngàng, không biết nó trôi về đâu nữa. Nếu nó trôi từ quá khứ đến tương lai thì lúc nào nó cũng phải trôi qua hiện tại và hiện tại phải luôn là quá khứ. Nếu nó trôi từ tương lai đến quá khứ thì nó cũng phải trôi qua hiện tại và hiện tại luôn là tương lai. Nghĩa là hiện tại là khoảng không thể xác định được (trong khi chúng ta luôn miệng nói về hiện tại và cho rằng Vũ Trụ là một Hiện Tại vĩ đại). Có thể nào vì là cùng phi vật chất nên thời gian tuyệt đối trùng với không gian tuyệt đối nhưng chúng vẫn độc lập so với nhau? Giả sử là như thế thì Vũ Trụ, phải được cấu thành từ hai phi vật chất khác nhau và vật chất. Không thể chấp nhận trường hợp này vì nó động chạm đến quan niệm chúng ta về Tự Nhiên Tồn Tại, nó đe dọa trực tiếp đến mối quan hệ tương phản mà chúng ta dày công xây dựng. Cái tương phản đối ứng với vật chất là phi vật chất. Nếu mối tương phản đối ứng vật chất – phi vật chất là duy nhất thì chỉ có một phi vật chất, nghĩa là không gian và thời gian phải là cùng một “thứ”. Nếu mối tương phản đó là không duy nhất mà là hai thì cặp có – không có sẽ mất đi sự thiêng liêng của nó và trở thành “vớ vẩn”. Lúc này, không cần ai trói buộc, chúng ta tự giác đi an trí ở “Thái Bình Thiên Quấc” (Nhà thương điên Biên Hòa).

Thời gian theo kiểu Niutơn đã không thể hình dung được thì thời gian theo kiểu Anhstanh lại càng không hình dung được. Thời gian, đường đường là một Đấng Tạo Diệt, nắm quyền sinh quyền sát trong tay,
“Muốn phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao …”
(Nguyễn Du)

lại có thể “a dua” theo không gian, bị ràng buộc bởi chuyển động của vật, co theo sự co của vật, làm cho luật sinh - tử, nhân - quả trước đây nghiêm minh là thế, bỗng trở nên lỏng lẻo.

Có lẽ vì thấy để không gian và thời gian đứng riêng một mình như thế vừa phi lý vừa… buồn quá nên người ta đã cho chúng hòa quyện với nhau hình thành nên cấu trúc thỏa hiệp gọi là không - thời gian với ba chiều không gian và một chiều thời gian?

Trên giấy trắng mực đen, việc thể hiện được một cấu trúc như thế là rất khó khăn. Không biết có phải bộ não của chúng ta đã quá thân thuộc với không gian hay không mà chúng ta rất dễ dàng tưởng tượng được các chiều không gian trong sự thể hiện ấy; chỉ riêng chiều thời gian là lúc nào nó cũng bị “dị ứng”, luôn có xu hướng coi là chiều không gian thứ tư và như bị “thừa”, không biết đặt theo hướng nào cho hợp lẽ. Một điều bất ngờ ít ai nhận thấy là có thể dùng không gian để mô tả thời gian chứ không thể dùng thời gian để mô tả không gian được; không thể hình dung trực tiếp thời gian được, không có biểu tượng về thời gian; mọi hình dung đều gián tiếp, thông qua sự biến đổi của không gian. Một thời gian mà không có biểu tượng thì rất có thể chỉ là một hiện hữu ảo, vô hình (cảm giác nóng, lạnh là vô hình nhưng dù sao vẫn là hiện hữu thực!).

Nói như vậy thì hệ thống không - thời gian bốn chiều là một sự gượng ép tùy tiện hay là hợp lẽ tự nhiên? Hình học Ơclít có lý hay hình học có thêm mũi tên thời gian có lý? Hình học Ơclít sáng sủa và minh tường, đẹp đẽ một cách giản dị, nhờ thế đã ở vị trí độc tôn hơn hai ngàn năm. Tưởng rằng nó sẽ mãi là chân lý tuyệt đối, nào ngờ chỉ vì cái tiên đề thứ năm tưởng như thừa của nó mà bị truất phế, trở thành bộ phận của hình học phi Ơclít. Cơ học Niutơn cũng “vô tình” đi theo “vết xe đổ” đó, một thời độc tôn và bao trùm vật lý học, chỉ vì cách cộng vận tốc thuần Ơclít không dung nạp được vận tốc bất biến của ánh sáng, mà cũng trở thành bộ phận của Cơ học Anhstanh (thuyết tương đối hẹp). Thế nhưng, dù có bị giảm “quyền uy và tước vị” thì về mặt lịch sử và ứng dụng, hai kiệt tác ấy vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay, vẫn là những vấn đề cơ bản phải tiếp thu trước tiên trên con đường học thức, và vẫn là những công cụ hữu hiệu trong quá trình nhận thức và sáng tạo.

Sự thăng trầm của hình học Ơclít và cơ học Niutơn, truy nguyên đến cùng, là do chính sự nhận thức chưa toàn diện, còn mâu thuẫn về không gian và thời gian gây ra.
Ngày nay, đến lượt hai lý thuyết trụ cột của vật lý học hiện đại, thuyết tương đối rộng (và hẹp) và cơ học lượng tử đã dần dần tự bộc lộ mâu thuẫn, mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn chính mình trong những bước đi cuối cùng (có thể là như vậy!) khám phá cơ sở, nguyên lý nền tảng của Tự Nhiên Tồn Tại và cũng có thể là do chính vấn đề nhận thức chưa phù hợp về không gian và thời gian là thủ phạm. Ngay sự phân biệt về khái niệm giữa không gian vật lý (từ của các nhà vật lý) và không gian thông thường, giữa thời gian vật lý và thời gian thông thường đã là ngộ biện rồi!

Chúng ta có cảm tưởng rằng sau một quá trình dài lâu, con người đã thiết kế, chế tác ra đủ loại đến mức dư thừa các chi tiết, cơ phận để cố lắp ráp nên cỗ xe Nhận Thức và trong lịch sử, đã ráp đi ráp lại biết bao nhiêu lần nhưng chưa lần nào mỹ mãn, kiểu ráp nào khi chạy thử cũng “cà xịch cà đụi”, trước sau gì cũng bộc lộ khuyết tật. Ngày nay, nếu có một ai đó, chỉ cần bỏ công ra nhặt nhạnh, chọn lựa những chi tiết, bộ phận hợp lý nhất (vẫn còn bền vững qua thử thách của thời gian!); lắp ráp vào đúng những vị trí phù hợp, tự nhiên nhất thì sẽ có một cỗ xe Nhận Thức (nói chung là) hoàn hảo, chạy bon bon đúng hướng đến chân lý tối thượng. Muốn thế, điều trước tiên là người đó phải sàng lọc ra được cặp quan niệm không gian và thời gian chuẩn nhất từ "đống hỗn độn" các khái niệm không gian và thời gian do quá khứ để lại. Để phục vụ cho quan niệm của mình về Tồn Tại, tất nhiên chúng ta phải xây dựng một kiểu không gian và thời gian đáp ứng cho riêng mình và như thế, đồng thời chúng ta cũng xin góp thêm một cách giải thích nữa về không gian và thời gian vào kho tàng "chuyện cổ tích khoa học" của nhân loại. Còn đúng-sai ra sao thì...hậu xét!

* * *

Bản chất của Tồn Tại là biểu hiện, biểu hiện để khẳng định sự tồn tại của mình. Nó biểu hiện ở khắp nơi nơi, ở mọi tầng nấc, một cách toàn diện. Bởi vì Tồn Tại là duy nhất nên sự biểu hiện của nó chẳng cho cái gì khác ngoài chính nó. Để biểu hiện được như thế nó phải tự phân định đến tận cùng giới hạn, làm cho bất cứ một thành phần nhỏ nhất nào cũng phải phân định được với xung quanh. Đó cũng chính là một tiền đề của quá trình tự thân, tự trình diễn cho chính mình “xem”, vừa là diễn viên vừa là khán giả của Tự Nhiên Tồn Tại mà chúng ta gọi là vận động vật chất. Vận động vật chất là quá trình nền tảng vô thủy vô chung thể hiện ra trước nhận thức như là một Vũ Trụ tổng thể các sự vật - hiện tượng, chằng chịt các mối quan hệ và đầy biến động.

“Phát lộ” ra từ Tồn Tại, hay nói cách khác Tồn Tại “phát lộ” ra thành Vũ Trụ tổng thể các sự vật - hiện tượng, nên Vũ Trụ tổng thể các sự vật - hiện tượng cũng thể hiện một cách đầy đủ những đặc tính vốn có của Tồn Tại, trong đó có sự phân định. Sự phân định biểu hiện ở chỗ các sự vật - hiện tượng phân biệt được tương đối so với nhau và với môi trường bởi những mặt, những phần, những tính chất sai biệt nhau, tương phản nhau; coi nhau là đối tượng tác động, chuyển hóa nhau, hình thành nên những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong suốt quá trình tồn tại của chúng (của từng đối tượng). Cũng từ đó mà có mối tương quan, qua nhận thức là những cặp khái niệm tương phản: chủ quan – khách quan, chủ thể - khách thể, hệ quan sát - hệ bị quan sát (và một cách tự nhiên, bao giờ chủ thể cũng tưởng mình là trung tâm Vũ Trụ!?).

Sự phân biệt được lẫn nhau là nguyên nhân sâu xa, cội rễ làm nên sự cảm giác được của các sự vật và nhờ có cảm giác mà mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, sự tác động và chuyển hóa lẫn nhau giữa các vật mới có khả năng tồn tại và duy trì. Tùy vào mức độ phức tạp, kiểu hình cấu trúc trong quá trình tiến hóa của nội tại các vật, được hình thành duy trì và củng cố trong suốt quá trình thích nghi với môi trường mà mức độ cảm giác có khác nhau: phản ứng trực tiếp, cảm giác trực giác, cảm nhận, nhận biết, siêu cảm, linh giác … (Chúng ta tạm gọi như thế và… không chính xác!).

Sự thể hiện của Tự Nhiên Tồn Tại là toàn diện nhưng sự cảm giác của các vật là phiến diện. Không có sự tồn tại tương đối nào cảm giác được toàn diện sự thể hiện của Tồn Tại tuyệt đối, mà chỉ có thể cảm giác được một số mặt nào đó, một khoảng môi trường nào đó, một qui mô nào đó và một tầng nấc nào đó. Con người cũng vậy, nhờ có năm giác quan và một bộ phận não phát triển biết chế tác những công cụ cảm nhận ngày một hiện đại mà con người có thể cảm nhận hết sức sâu rộng về thế giới khách quan (kể cả chính con người!) nhưng không bao giờ đầy đủ. Phải nhờ có trí nhớ, nhờ có tích lũy kinh nghiệm và biết suy tư mà con người mới có thể nhận thức và thông qua nhận thức mới có khả năng nhận biết được đến tận cùng Tồn Tại.

Trong mối quan hệ chủ quan – khách quan, khi nói: thế giới khách quan thì cần hiểu là thế giới khách quan của một đối tượng chủ quan nào đó chứ không phải là của toàn thể. Sự biểu hiện của Tự Nhiên Tồn Tại, tác động vào các vật, tùy vào tính đặc thù nội tại khác nhau mà mỗi vật sẽ cảm nhận khác nhau làm cho thế giới khách quan của các vật có sự sai biệt nhất định so với nhau. Do đó thế giới khách quan, vì bị ảnh hưởng của cảm nhận chủ quan mà cũng có tính chủ quan, không còn chân thực nữa (sự không chân thực này sẽ dần được khắc phục qua quá trình nhận thức). Thế giới khách quan của người này ít nhiều gì cũng có sự khác biệt so với thế giới khách quan của người kia. Thế giới khách quan của con người và thế giới khách quan của loài chó chắc chắn là phải khác nhau… xa lắc.

Chúng ta gọi những gì đang quan sát (cảm giác) được từ thế giới khách quan, hiện còn, là sự hiện hữu, và toàn cảnh các sự hiện hữu ấy là một hiện thực (cũng tương đối thôi: hiện thực có thể là toàn cảnh hiện hữu trong một khoảng thời gian quan sát hay qui ước nào đó!)

Chính sự hiện hữu đã cho chúng ta có ý niệm về không gian. Một trong những đặc tính cơ bản của mọi hiện hữu, mọi hữu thể làm cho sự quan sát có khả năng, là đặc tính quảng tính, đó là kích thước, vóc dáng, hình hài, thể tích… Không gian là một khoảng (được cho là) trống rỗng nào đó, là thể tích “chứa đựng” của một vật (thể tích của một vật mà không có vật ấy!?).

Đến đây, chúng ta bỗng chợt nhớ đến một nhận định của Platon như thế này:
“Toàn bộ thế giới cuối cùng là tồn tại vĩnh viễn không có bắt đầu, hay là được sáng tạo ra và có bắt đầu? Tôi cho rằng nó được sáng tạo ra. Bởi vì người ta có thể trông thấy nó, sờ được nó, vả lại nó cũng có hình thể. Tất cả những cái đó đều có thể cảm giác được. Phàm tất cả những cái gì có thể cảm giác được đều là đối tượng của ý kiến và cảm giác. Do đó nó phải ở trong một quá trình sáng tạo và nó được sáng tạo ra. Chúng ta đã nói ở trên rằng phàm cái gì được sáng tạo ra đều phải có nguyên nhân. Vì vậy nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải phát hiện ai là người sáng tạo , là cha đẻ của nó”.

Rõ ràng “toàn bộ thế giới” ở đây của Platon thực ra chỉ là một hiện thực của con người (toàn cảnh của sự hiện hữu). Mà hiện thực theo ý chúng ta, là kết quả của một nền tảng tự thân, nên nó có bắt đầu và được tạo dựng, nhưng vì đã qua cảm giác nên nó đồng thời cũng có “bàn tay” con người “thò vào”. Vậy có thể nói nó là một công trình lai tạp. Rốt cuộc chỉ có thể nói: hiện thực (hiện hữu) thì có bắt đầu, Tồn Tại thì không! Platon đã nhận định sai do lầm lẫn, chưa phân biệt được tính tuyệt đối với tính tương đối của Tồn Tại, và quên mất không gian, cái có thể thấy nhưng không thể sờ được!

Chúng ta nhấn mạnh: tồn tại tương đối luôn nằm trong mối quan hệ nhân quả, là kết quả của tạo dựng, có khởi đầu và kết thúc, nghĩa là muốn có nó phải có một cú “hích”.
Chúng ta có một tưởng tượng: giả sử chúng ta đứng trong một vùng mênh mông nào đó, chẳng có bất cứ một cái gì cả ngoài chúng ta, với dưới là mặt đất phẳng phiu, trên là bầu trời trong xanh không một chút gợn và trời đất phân biệt nhờ đường chân trời ở xa tít tắp. Chúng ta quan sát được gì ở đó? Trước mắt chúng ta rõ ràng là một hiện thực, trong đó là sự hiện hữu của nền trời, mặt đất, một đường chân trời và một khoảng không, một thể tích được xác định bởi trời đất, ngoài ra không còn cái gì khác nữa (quên chúng ta đi!). Nếu không quan tâm tới đất, trời và giáp tuyến (chính chúng ta trong đời thường cũng rất hay quên sự hiện hữu của chúng!), thì chỉ còn một hiện hữu, một khoảng không mà ta “thấy” được, cảm giác được, một thể tích chẳng chứa chấp cái gì cả, và ta gọi đó là không gian. Như vậy, không gian chẳng khác gì một sự trống rỗng hoàn toàn và thật là “vô vị”. Đúng! Nói như thế là chính xác, nhưng chỉ chính xác đối với chúng ta thôi, vì đối với một con siêu vi khuẩn chẳng hạn, nó sẽ “thấy” một hiện thực hoàn toàn khác: khoảng trống rỗng thực ra là lúc nhúc đầy phân tử các loại với những “đồng chí” siêu vi khác và…

Cho dù có thể giả định rằng cả siêu vi khuẩn và không khí đều bị loại trừ, thì sự trống rỗng ấy vẫn không trống rỗng, nó tràn ngập ánh sáng. Nhờ có ánh sáng phản chiếu từ trời và đất mà chúng ta mới “thấy” được cái trống rỗng. Cuối cùng, nếu “tống khứ” luôn cả ánh sáng đi và chúng ta bồng bềnh trong đó (một đêm lặng tờ, không trăng không sao, không đèn không đóm) thì dù đất, trời và đường phân giới không còn hiện hữu nữa, chúng ta vẫn cảm giác được sự hiện hữu của không gian, tuy không rõ ràng: một thể tích (chúng ta quờ quạng và biết được có khoảng chứa đựng chính chúng ta) đầy cái gì đó… “đen thui”, và cũng như trường hợp về con siêu vi khuẩn, lần này thận trọng hơn chúng ta phải nói rằng, đối với chúng ta cái “đen thui” đó là trống rỗng nhưng thực sự chưa chắc nó đã trống rỗng!

Chúng ta quay lại với cảnh sắc ban đầu để nhìn ngắm lại một lần nữa hiện thực. Chúng ta nhìn ngắm lại nó không phải vì nó xấu hay đẹp, đó là mục đích của thơ ca nhạc họa. Lúc này chúng ta không có tâm hồn ấy, không còn tâm trí đâu mà “uống rượu thành thơ” nữa. Chúng ta quay lại nhìn soi mói để kiếm tìm một cái gì đó đáng lẽ phải thấy mà chẳng thấy đâu trong lần quan sát đầu tiên. Hình như có điều gì đó nghiêm trọng ở đây? Điều gì nhỉ?

A, phải rồi, thời gian! Lần quan sát trước và cả lần này nữa, chúng ta chẳng thấy thời gian đâu cả, chẳng thấy bất cứ cái gì khả dĩ có thể đặt tên là thời gian cả. Nhưng nó phải có chứ? Đúng, phải có! Thế thì nó ở đâu? Ừ nhỉ, nó ở đâu?
Hãy nhớ đi, thời gian là sự dài lâu! Chúng ta đã quan sát hiện thực hai lần và hai lần quan sát ấy có độ “dài ngắn” khác nhau, chúng ta nói trong hai lần quan sát ấy có một lần “dài” hơn lần kia, và để tránh nhầm lẫn với khái niệm khoảng cách (một yếu tố làm nên thể tích, hay cứ gọi là một thành phần làm nên không gian), chúng ta dùng từ “lâu”: Sự quan sát này lâu hơn sự quan sát kia. Tương phản với “lâu” ta có “mau”. Thời gian đã được cảm nhận định nghĩa: Thời gian là một qui ước mô tả sự lâu, mau của một quá trình tồn tại, vận động, biến đổi nào đó của sự vật - hiện tượng.

Nếu chấp nhận sự lý giải trên về thời gian, và vì chúng ta không quan sát được trong hiện thực, thì phải đi đến kết luận rằng thời gian không hiện hữu trong hiện thực của chúng ta. Nhận định này đúng tương đối nhưng sai tuyệt đối! Trước hết, chúng ta nói ngay rằng thời gian nói trên là một hiện hữu vô hình (nhưng cảm giác được) trong một hiện thực có cả sự hiện hữu của chúng ta hay của một quan sát nào đó ngoài chúng ta (của người khác hoặc cũng có thể là một dạng tư duy nào đó ngoài hành tinh). Nhưng quan trọng hơn là chúng ta đã quên (con người là chúa hay quên!) rằng cái hiện thực mà ta quan sát được chính là một sự vật - hiện tượng mà đã là một sự vật hiện tượng thì nó là một tồn tại tượng đối, là kết quả của một tạo dựng; phân biệt được với xung quanh và có mối quan hệ tương hỗ với xung quanh, sống động và biến đổi. Nói thế cho dông dài chứ thực ra nếu không có Trái Đất vận động tự xoay, quay quanh Mặt Trời và Mặt Trời chiếu sáng thì không thể có hiện thực mà chúng ta quan sát được và hiện thực mà chúng ta quan sát được không thể là một bất biến. Nhờ chu kỳ sáng tối mà chúng ta phân được hiện thực ra thành những giai đoạn theo qui ước: hiện thực bình minh, hiện thực trưa, hiện thực chiều, hiện thực tối… và nhờ vậy, chúng ta cảm nhận được sự hiện hữu lâu mau của các giai đoạn. Từ sự cảm nhận lâu mau ấy, chúng ta định ra một khoảng nào đó qui ước làm đơn vị đo (giờ, phút, ngày tháng…) và chúng ta lại qui ước như thế nào, với bản thân đơn vị đo thì một quá trình gọi là lâu hay mau (so với một quá trình nào đó đã chọn làm “mốc”). Nếu chỉ so sánh độ lâu mau giữa hai quá trình thì đơn giản chúng ta dùng cặp khái niệm tương phản lâu hơn – mau hơn (hay không phải là tương phản?). Vì chỉ có “một chiều” thời gian nên thay cho lâu – mau có thể dùng chậm – nhanh, thâm chí là dài - ngắn, (nhưng phải hiểu là dài, ngắn về mặt thời gian nếu không, chúng ta sẽ lẫn lộn vì dài - ngắn cũng là cặp tương phản áp dụng cho không gian. Không gian có “ba chiều” nên cặp dài - ngắn không đủ mô tả một bộ phận nào đó của không gian, một thể tích. Vì lý do đó cặp dài - ngắn phải được “phân ra” thành ba cặp đại loại là rộng - hẹp, nông - sâu, cao - thấp).

Từ cuộc tưởng tượng vừa qua hay cũng có thể coi là một cuộc thực nghiệm trong… hoang tưởng, chúng ta đã tạm có một ý niệm sơ bộ về không gian và thời gian: không gian và thời gian là những hiện hữu góp phần làm nên hiện thực; nếu không gian được cho là hiện hữu hữu hình thì thời gian là hiện hữu vô hình. Không gian đôi khi cũng trở nên vô hình (chẳng hạn như đêm tối), đôi khi cũng không hiện hữu (chẳng hạn như quan sát giữa lòng đại dương), còn thời gian thì có khi không hiện hữu trong hiện thực (khoảng quan sát quá “ngắn”, không cảm giác được sự biến đổi) nhưng luôn vô hình (như nóng, lạnh… ); không bao giờ là hữu hình. Chính vì thời gian hiện hữu kiểu “mập mờ” như thế nên “chân tướng” của nó rất khó được nhận biết. Người thì cho rằng thời gian “trôi” đều đặn qua hiện thực; người lại cho rằng thời gian trôi có chỗ nhanh, chỗ chậm, mang tính cục bộ, trong sự vật này thì trôi chậm, trong sự vật kia thì trôi nhanh, thậm chí còn biết “co giãn” và đôi khi không “thèm” trôi nữa (trong lỗ đen).

Như đã từng đề cập, chúng ta chắc chắn là hoàn toàn bất lực, không thể tưởng tượng nổi sự “trôi” của thời gian mà không vấp phải phi lý nào. Nếu có sự “trôi” của thời gian trong hiện thực thì thời gian phải là hữu hình (dù không rõ ràng, ví như sự lạnh là một vô hình lan tỏa, nhưng khi sự lan tỏa đó chỉ theo một hướng thôi thì ta phải gọi đó là luồng (không khí) lạnh, và như vậy là nó trở nên hữu hình (một cách vô định hình) và có thể xác định nó như một khối hay một thể tích không gian có nội dung thời gian, như một dòng trôi từ đâu đó qua hiện thực rồi về đâu đó theo một hướng xác định được trong không gian và vùng không gian trống rỗng của hiện thực cũng phải đầy ắp thời gian. Một thể tích không gian chứa đầy thời gian, nghe sao mà mù mịt quá! Nếu suy rộng ra cho toàn Vũ Trụ thì chúng ta… biết rồi đấy!

Chúng ta không chấp nhận một kiểu thời gian vĩnh viễn vô hình và “trôi”? Khó mà biết được ai là người đầu tiên và từ bao giờ làm xuất hiện ý niệm ấy. Chỉ đoán mò rằng có thể là lâu lắm rồi, từ thời xa lắc, có một thi hào vô danh nào đó đứng tư lự bên dòng sông Nin, ngẫm nghĩ đến cuộc xoay vần thản nhiên và bất tận của đất - trời, xót xa cho nỗi buồn vui thấm thoắt của nhân tình thế thái mà tức cảnh sinh tình:

Lấp lánh thời gian
Là dòng sông năm tháng
Thầm lặng lở bồi, miên man tít tắp
Ngày đêm lũ lượt luân hồi
Hiện tại, tương lai cuồn cuộn trôi xuôi
Hối hả lùa vào đại dương dĩ vãng
Mà dòng chảy, chẳng hề vơi cạn
Từ ngàn xửa, ngàn xưa…


Và “kinh nghiệm” cổ xưa ấy đã ám ảnh con người đến tận ngày nay!

Để thỏa mãn tính đầy đủ của Tồn Tại, chúng ta đành phải chấp nhận sự tồn tại tất cả những đặc tính của không gian và thời gian mà vật lý học ngày nay đã suy đoán từ những lập luận chặt chẽ và trên cơ sở những thực nghiệm lặp đi lặp lại như: sự cong của không gian và thời gian (do khối lượng), sự co của không gian và thời gian (do vận động) và sự ngừng trôi, suy biến của không gian và thời gian (do mật độ vật chất đạt đến tới hạn), nhưng chỉ trong vật lý học hoặc trong tư tưởng thôi.

Nghĩa là trong ý niệm về không gian và thời gian, chúng ta cần phải bổ sung thêm khả năng hiện hữu ảo của chúng nữa. Không cần phải đưa ra thêm thí dụ minh họa nữa vì chúng ta đã quên (lại quên!) rằng cuộc thực nghiệm của chúng ta là tưởng tượng, cho nên có thể lấy luôn nó để minh họa, và chỉ cần thêm chữ “ảo” sau những từ “hiện thực”, “không gian” và “thời gian” là xong.

Nói đến hiện thực là phải nói đến quan sát, không có quan sát thì không có hiện thực. Ở đây, chúng ta hiểu quan sát không phải đơn thuần là nhìn bằng mắt, mà có nghĩa rộng hơn, đó là sự cảm giác, cảm thấy… Và cũng không phải chỉ bằng năm giác quan mà có thể là linh giác, linh cảm, hoặc là sự nhận biết thông qua các dụng cụ, thiết bị hỗ trợ (kính thiên văn, kính hiển vi, máy dò phóng xạ…).

Nói đến quan sát thì phải nói đến khoảng thời gian quan sát và khoảng thời gian đó có thể lâu có thể mau và tuyệt đối không bao giờ bằng không. Do vậy một hiện thực có khi chỉ như một bức ảnh, tĩnh tại; khi là một hoạt cảnh tương tự một bộ phận nhưng cũng có khi tùy theo qui ước, tùy theo thỏa thuận ngầm nào đó mà chúng ta còn hiểu nó như một thời đại, ngày nay, hiện nay… Ngoài ra, chúng ta còn thấy rằng trong một hiện thực tương đối dài lâu nào đó, có những hiện hữu (sự vật - hiện tượng) chỉ tồn tại trong chớp mắt, trong chốc lát, hoặc trong một khoảng xác định được, nhưng cũng có những hiện hữu (hình như) không thay đổi, không biến đổi, chẳng hạn như những vì sao, dãy Trường Sơn… và một cách tương đối chúng ta gọi chúng ta là những bất biến, “nằm ngoài” thời gian, “hầu như” thời gian không “trôi qua” chúng.

Khi không quan sát mà chúng ta suy nghĩ về hiện thực, hồi ức, mường tượng lại những hoạt cảnh đã qua, tưởng tượng ra một hoạt cảnh nào đó mà chúng ta chưa từng quan sát thấy (nhưng cũng không thể thoát ly được tồn tại, kinh nghiệm đã tích lũy được!) hay là ngủ mơ thấy, hay là mơ ước,…thì tất cả những cái ấy (hiện lên trong tư duy, trong não) đều được chúng ta gọi là hiện thực ảo. Thế còn khi chúng ta đang xem một bộ phim, đang xem truyền hình trực tiếp thì thuộc hiện thực hay hiện thực ảo (thực tại ảo!)? Cũng tùy qui ước cả thôi! Chúng ta có thể cho rằng những hoạt cảnh mà chúng ta thấy qua truyền hình trực tiếp là hiện thực quan sát nhờ sự hỗ trợ của thiết bị truyền thông. Và xem phim là chúng ta đang quan sát một hiện thực (một màn ảnh có sự biến động liên tục trong đó), còn nội dung của bộ phim là một thực tại ảo (hiện thực ảo).

Điều đương nhiên, không gian và thời gian trong một hiện thực ảo nào đó phải là không gian ảo và thời gian ảo.

Việc chúng ta chế tác một mô hình nào đó trong thực tiễn, có nghĩa là chúng ta đang mô phỏng lại biểu tượng, hiện hữu ảo, hiện thực ảo (toàn cảnh hiện hữu ảo) tồn tại trong tư duy. Mô hình đó phải được coi là hiện hữu thực (hay toàn cảnh hiện hữu thực – một hiện thực). Nó giống với hiện thực ảo nhưng không phải là hiện thực ảo và càng không phải là hiện thực của hiện thực ảo (nếu là hồi ức). Hiện thực ảo mang nặng tính chủ quan của con người, là một phản ánh đã méo mó, thiếu chi tiết của hiện thực, thậm chí hoàn toàn do tư duy tạo dựng. Sự hồi ức, tưởng tượng lại quan sát đã qua thường là không đầy đủ, phiến diện, lẫn lộn và mờ nhạt. Chúng ta gọi hiện thực ảo đó là quá khứ. Hiện thực ảo “gần” với lúc quan sát hoặc có khi là “suýt soát” với thời gian quan sát thì được gọi là hiện tại (hiện tại cũng có nghĩa như hiện thực – chúng ta qui ước). Qua nhận thức, qua kinh nghiệm đã tích lũy được khi quan sát mà chúng ta mường tượng được, phỏng đoán được, ước đoán được những hoạt cảnh tiếp theo, những toàn cảnh hiện hữu sắp xảy ra hay sẽ xảy ra và chúng ta gọi hiện thực ảo đó là tương lai. Tương lai xảy ra đúng hay sai, đúng nhiều hay đúng ít so với sự ước đoán là một biểu hiện về trình độ nhận thức của tư duy.

Trước quan sát thực (nói thế để phân biệt với quan sát trong tư duy (quan sát ảo)) luôn luôn là hiện thực, không bao giờ là quá khứ cũng như tương lai. Tự Nhiên Tồn Tại luôn luôn hiển hiện trước mọi quan sát và được gọi là Hiện Tại vĩ đại. Quá khứ và tương lai chỉ tồn tại trong tư duy, “cũng phù phiếm như một giấc mộng” (lời của Nietzsche).

* * *

Câu chuyện về không gian và thời gian vẫn chưa hết vì dù chúng ta đã tạm thời biết được những hình thức hiện hữu của chúng nhưng chưa biết chúng có quan hệ gì với nhau không và quan hệ như thế nào, rồi bản chất thực sự của chúng là gì.

Chúng ta lại bắt đầu từ không gian vì không gian “dễ thấy” hơn thời gian: mở mắt ra, đâu đâu cũng thấy nó, nhắm mắt lại hình dung ra ngay được nó dù nó trống rỗng. Nhưng có thực là nó trống rỗng không? Trong thời đại ngày nay, khi mà con người đã có những thiết bị hỗ trợ quan sát cực kỳ tinh nhạy thì cái không gian trống rỗng được năm giác quan con người cảm giác, đã không còn trống rỗng nữa mà tràn ngập ánh sáng, sóng điện từ (bức xạ điện từ). Hay không gian là sóng điện từ ? Nhưng sóng điện từ chỉ có thể hiện hữu (tồn tại) nếu có nguồn phát ra nó và nó sẽ mất đi nếu có vật thu nó. Vả lại, vật lý học đã xác minh được bức xạ điện từ là những dòng gồm các lượng tử mang bản chất lưỡng tính vừa sóng vừa hạt, tuy vô cùng nhỏ bé nhưng có thể định lượng được. Như vậy sóng điện từ nói chung và ánh sáng nói riêng; trước quan sát, là một hiện hữu mà các phôtôn như là những hữu thể và dòng các phôtôn được coi là sự vật - hiện tượng tương tự như bất kỳ một sự vật - hiện tượng nào khác, nghĩa là nó cũng được cấu thành từ vật chất.

Bây giờ giả sử rằng ta lại “tống khứ” hết bức xạ điện từ ra khỏi khoảng không gian nào đó (việc này chắc cũng dễ dàng vì chúng ta đã có kinh nghiệm từ những lần “rút” vật chất ra khỏi một thể tích!!!) và ta được một khoảng “đen thui” như đã nói. Và chúng ta đặt lại câu hỏi: khoảng “đen thui” đó có trống rỗng không? Theo quan niệm Phật Giáo thì trống rỗng nhưng không Hư Vô. Chúng ta cũng đồng thuận với quan niệm này: Có thể chúng ta cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại không quan sát (hay là chưa quan sát) thấy gì và có cảm giác không gian hiện hữu lên như một thể tích rỗng rang, không có gì và được chúng ta quy ước gọi là hư vô, nhưng sư6 suy lý đã mách bảo chúng ta rằng chắc chắn không gian không thể là Hư Vô, không thể là từ Hư Vô cấu thành nên được. Tự Nhiên Tồn Tại là duy nhất, độc tôn! Không gian dứt khoát phải có nội dung! Nội dung đó là gì và có quan hệ gì với vạn vật không?

Vì chúng ta khẳng định rằng không gian không thể là Hư Vô được nên sự trống rỗng của nó chỉ có nghĩa rằng chúng ta chưa quan sát được, chưa nhận dạng được những tồn tại trong nó. Kinh nghiệm đã cho chúng ta biết rằng có những tồn tại thực sự nhưng không hiện hữu trong hiện thực vì nằm ngoài tầm quan sát của chúng ta. Bằng mắt thường chúng ta làm sao thấy được các phân tử Oxy, Nitơ, Hydro… đang tung tăng nhảy múa trong khí quyển; làm sao thấy được những vì sao ở tận đâu đó gọi là tận cùng Vũ Trụ? Hoặc đơn giản như thế này: giả sử chúng ta có phép hóa thân to lớn bao nhiêu cũng được và nhỏ bé cỡ nào cũng được; chúng ta đứng đâu đó trong Vũ Trụ quan sát Trái Đất.

Chúng ta càng lớn dần lên thì độ phân giải của mắt càng thô nên Trái Đất như nhỏ dần đi (chưa kể càng xa Trái Đất thì góc nhìn càng hẹp), đến độ, ta chỉ còn nhìn thấy được dải Ngân Hà mà không thấy được Trái Đất nữa. Lúc này ta nói Trái Đất vẫn tồn tại nhưng không hiện hữu, và nếu bỏ qua tất cả mọi thiên thể khác thì chúng ta chỉ nhìn thấy sự trống rỗng. Ta to lớn hơn bội phần nữa, thì ngay cả dải Ngân Hà cũng không hiện hữu nữa và nếu ta đạt đến tầm cỡ Vũ Trụ thì có thể chẳng có gì hiện hữu trước mắt chúng ta kể cả cái Trống Rỗng vĩ đại(?!). Nếu chúng ta không hóa to lớn mà làm ngược lại: hóa nhỏ. Càng hóa nhỏ độ phân giải của quan sát càng cao và chúng ta càng không thấy được những vật lớn bởi kích thước của vật lớn bỗng trở nên khổng lồ, mà chỉ có thể quan sát được một phần rất hạn chế. Chẳng hạn khi ta bằng kích thước nguyên tử (khoảng 10-8 cm) thì khoảng cách một mét đối với chúng ta lúc này sẽ tương đương 107 km đối với kích thước bình thường của chúng ta (mét). Càng hóa nhỏ, sự đa dạng phong phú của các sự vật - hiện tượng càng mất dần đi và sự đơn điệu bắt đầu chiếm ưu thế. Hiện thực lúc đó chắc rằng phải khác với hiện thực thông thường của con người: không còn cái không gian khoáng đạt với cây cối xanh tươi hoa lá, không còn những dòng sông mênh mang chảy qua những bình nguyên trù phú để hòa vào đại dương, không còn bầu trời đêm mênh mông thăm thẳm lấp lánh ngàn sao. Ở kích thước hạt nhân nguyên tử, có thể chúng ta sẽ thường xuyên thấy sấm chớp và lốc xóay, không gian không còn trong suốt mà đục ngầu sóng điện từ, vận động của toàn thể đã trở nên chậm chạp vì bị sức cản của… không gian và rất có thể do có sự cản trở ấy mà các hạt vật chất (gồm protôn, nơtrôn, điện tử,…) không thể di dời theo đường thẳng được mà phải luồn lách như một giả sóng, díc dắc. Chúng ta hóa nhỏ nữa, nhỏ hơn nữa, nhỏ đến tận cùng giới hạn và chẳng quan sát được gì nữa vì không gian đã “đông đặc”, hóa cứng để không cho Hư Vô có cơ hội “xâm nhập” vào… Đó chắc chắn phải là cõi vừa sinh vừa tử, là cả hai mà không phải cả hai. Chúng ta có thể hóa nhỏ hơn nữa để vượt qua cái giới hạn tột cùng ấy không? Không mà cũng có! Không là vì không thể bước qua giới hạn của Tồn Tại; có là vì Tồn Tại không thể có giới hạn (vì như thế ngoài giới hạn sẽ phải là Hư Vô) và khi chúng ta bước qua sự nhỏ tột cùng ấy, chúng ta sẽ trở về với thế giới vô cùng lớn "này", từ giới hạn "bên kia" của Tồn Tại.

Vì vạn vật, tất cả các sự vật - hiện tượng đều là sự biểu hiện của vật chất và vận động vật chất, vì Tự Nhiên Tồn Tại biểu hiện là một Vũ Trụ tổng thể của vật chất và vận động, vì bên cạnh Tồn Tại không thể là Hư Vô và sự xuất hiện của Hư Vô là vô vọng nên Vũ Trụ được quan sát ở tầng tột cùng ấy chỉ là một hiện thực với sự hiện hữu của không gian lấp đầy cái gì đó mà lúc này, chúng ta cứ tạm gọi là vật chất nguyên thủy với hai thể tương phản của nó (gọi là vật chất âm và vật chất dương?). Hai thể tương phản này luôn hiện ra từ vật chất ấy và biến mất vào vật chất ấy. Khoảng tồn tại của một thể vật chất tương phản (âm hoặc dương) là khoảng giữa sự xuất hiện và biến mất của nó; vì mang tính dài lâu nên được gọi là khoảng thời gian, một hiện hữu vô hình.
Như vậy có thể đoán định rằng sự phân tầng phân lớp một cách tương đối theo qui mô của Tự Nhiên Tồn Tại, của Vũ Trụ trước quan sát là một sự thực khách quan, tùy thuộc vào nguồn gốc hình thành nên quan sát, tùy thuộc vào năng lực và trình độ quan sát mà hiện thực ở mỗi tầng nấc của Vũ Trụ có thể hiện lên khác nhau, tuy cùng một thế giới khách quan. Ở tầng sâu thẳm, khoảng tột cùng của vô cùng nhỏ, không gian thể hiện như một thể tích trống rỗng ở tầng mà chúng đang thấy sẽ hiện hữu như một không gian đầy ắp vật chất, một thể tích vật chất. Mà vật chất như chúng ta quan niệm là lấp đầy Vũ Trụ, hay cũng có thể nói trong Vũ Trụ chỉ tồn tại vật chất và chỉ vật chất mà thôi, không thể gì khác. Nhưng, ngay từ bước đi đầu tiên, chúng ta đã cho rằng tất cả các sự vật đều là sự cấu thành từ những đơn vị vô cùng nhỏ, bất khả phân gọi là “hạt” vật chất, nên thứ vật chất lấp đầy Vũ Trụ ấy chính là do tập hợp của vô vàn hạt được gọi là vật chất nguyên thủy mà nên, và các hạt ấy phải “chồng khít” lên nhau, áp chặt vào nhau để sao cho không xuất hiện kẽ hở Hư Vô. Vậy khi ta nói đến một thể tích trống không, không biết là gì cả, một thể tích toán học trong hình học Ơclit thì chúng ta phải nghĩ ngay đến vật chất và nói rằng thể tích đó chính là thể tích vật chất, nó thể hiện về mặt lượng (lực lượng) của vật chất. Hiểu như thế là chúng ta đã cố tình đạt đến kết luận: không gian cũng là vật chất, là tên gọi khác của vật chất. Khi nói một thể tích không gian thì chẳng khác gì nói: một thể tích vật chất và thể tích đó là sự thể hiện về một lượng vật chất nào đó. Nếu ta xác định được giá trị thể tích của hạt vật chất thì ta cũng sẽ tính được số hạt vật chất có trong thể tích đang xét.
Chúng ta thừa nhận rằng chúng ta quan niệm như vậy về không gian và vật chất. Vật chất kiểu của chúng ta mang tính cụ thể, xác thực (dù vẫn chưa biết bản chất thực sự của vật chất là gì), là nền tảng làm xuất hiện vạn vật trong quan sát ở tầng nấc thế giới quan của chúng ta. Vật chất hiểu kiểu như vậy sẽ phải khác với quan niệm của Anghen khi ông cho rằng: “Vật chất, với tính cách là vật chất là một sáng tạo thuần túy của tư duy, và là một điều trừu tượng thuần túy; Chúng ta bỏ qua những sự khác nhau về chất của những sự vật, khi chúng ta gộp chúng, với tư cách là những vật tồn tại hữu hình, vào khái niệm vật chất; do đó, khác với những vật chất nhất định và đang tồn tại; vật chất, với tư cách là vật chất, không có sự tồn tại cảm tính”, nói riêng và của triết học duy vật biện chứng cũng như các trường phái triết học khác từ trước tới nay nói chung!

Một phát kiến vĩ đại ra đời: Không Gian là Vật Chất - vật chất nền tảng của mọi vật chất đặc thù, vật chất là cái làm nên vạn vật, vạn vật xuất hiện từ không gian và biến vào không gian. Chúng ta là những người đầu tiên đã khám phá ra một trong những điều bí ẩn nhất của Tự Nhiên Tồn Tại và chúng ta có quyền vỗ ngực hãnh diện vì điều đó? Chưa biết đúng sai thế nào mà đã kiêu căng tự phụ như thế thì thật là hồ đồ! Nếu là sai, trước mắt mọi người, chúng ta sẽ là một hiện hữu “vô danh tiểu tốt”, học lóm mù quáng, với chứng hoang tưởng đã chuyển sang thể “vĩ cuồng”. Nếu là đúng, thì người đời sẽ gọi chúng ta là lũ ăn cắp chiến công, vì vinh quang đời đời thuộc về triết học Upanishad với nhận định “Tất cả các thế giới kia từ đâu tới? Chúng từ không gian. Mọi sinh vật đều đến từ không gian và quay trở về không gian, vì thế, không gian là khởi đầu và là kết thúc”. Ở đây nếu muốn nói một lời nào để bày tỏ niềm sung sướng bởi chúng ta đã có một không gian phù hợp với mong muốn riêng tư của mình, thì chỉ có thể là: chúng ta vô cùng may mắn nhặt được viên ngọc bích quí giá từ quá khứ xa xôi trong lịch sử nhận thức của loài người.

Một không gian - vật chất như mô tả ở trên, gồm vô vàn hạt vật chất “nhét đầy chặt” Vũ Trụ sẽ vấp phải câu hỏi “hiểm ác”: nếu thế thì vật chất vận động thế nào? Chắc chắn là các hạt không thể di dời được, vì vừa bị vây chặt bởi “đồng loại”, vừa sẽ lập tức “bộc lộ” Hư Vô. Nếu không thể di dời thì phải đi đến một kết luận rất “khó chịu” là tất cả các hạt vật chất phải cố định tuyêt đối trong Vũ Trụ, và để tồn tại, để phụng sự Tồn Tại, để đảm bảo tính thường biến và bất biến, đồng nhất và dị biệt, không còn cách nào khác, chúng chỉ còn cách biến hóa nội tại. Sự biến hóa này là vốn dĩ thế, là tự nhiên như thế, sự biến hóa nội tại của một hạt vừa phụ thuộc, là kết quả, vừa độc lập, là nguyên nhân của biến hóa nội tại của toàn thể các hạt khác. Mỗi một hạt so với những hạt kề cận xung quanh chúng đều hoàn toàn giống nhau về bản chất vật chất – không gian, nhưng đều khác nhau về trạng thái. Chúng vừa giống nhau vừa khác nhau như thế nên chúng tồn tại một cách vừa tuyệt đối vừa tương đối, tuyệt đối đối với quan sát và tương đối so với nhau. Đó là mường tượng hết sức gượng ép về sự vận động của vật chất nhằm thỏa mãn những đặc tính của Tự Nhiên Tồn Tại mà chúng ta đã “dựng đứng” nên. Lần này, sự phán đoán chính hiệu là chúng ta, nó làm cho tâm hồn chúng ta hết sức hoang mang và hoảng hốt. Đành vậy, nếu muốn không tồn tại phương thức vận động kiểu di dời vị trí. Hãy tự an ủi rằng trong cõi hoang đường, mọi cái đều có quyền và đều có thể tồn tại.

Ở tình trạng tỉnh táo (không hoang tưởng), trong phạm vi thô thiển và què quặt, việc hình dung Vũ Trụ với không gian - vật chất như trên có lẽ cũng không khó lắm. Có thể coi hiện thực ở khoảng cuối của sự nhỏ tương tự như hiện thực mà chúng ta quan sát “thấy” ở trong lòng một đại dương, bốn bề nước, toàn nước là nước, không có bất cứ gì khác ngoài nước và nước đóng vai trò như thứ vật chất – không gian mà chúng ta đã ước đoán. Trong lòng đại dương ấy, chúng ta “thấy” muôn ngàn áp lực mà nếu có máy đo áp lực cực nhạy, chúng ta cũng sẽ “thấy được” sự tác động không đều của các phân tử nước (hạt vật chất); có một cái gì đó lan truyền khắp nơi nhưng hình như các phân tử nước vẫn ở nguyên vị trí của chúng (bỏ qua sự dao động quanh vị trí cân bằng)… Cùng cái thế giới khách quan ấy nhưng bây giờ chúng ta quan sát nó ở chiều kích bình thường thì hiện thực sẽ là một quang cảnh quen thuộc: cái dòng hải lưu nóng lạnh, những vùng nước ấm, những vùng nước mát, những vùng xoáy to nhỏ… xuất hiện, có khi là di động, rồi mất đi: đó chính là những sự vật - hiện tượng hình thành nên từ vật chất - không gian (từ nước) và biến mất vào vật chất - không gian (vào nước).
Thế là, vấn đề không gian coi như đã được “mổ xẻ” xong. Bây giờ đến vấn đề thời gian. Chúng ta không thể “làm thịt” thời gian giống như đã làm với không gian vì đơn giản là nó… vô hình. Thời gian là một hiện hữu vô hình; là khoảng dài lâu nào đó của tồn tại và cũng là một hiện hữu, hiện thực … chúng ta đã kết luận được như vậy. Nhưng làm sao chúng ta cảm giác được khoảng dài lâu ấy? Bởi vì chúng ta có đồng hồ đo? Không hẳn thế, vì đồng hồ là sản phẩm do chúng ta làm ra và vận động theo như cách thức mà nó được chế tạo nên nó chẳng qua cũng chỉ là một sự vật - hiện tượng bình thường. Cho dù là có thể thông qua đồng hồ mà biết được khoảng dài lâu ấy, thì giả sử như chúng ta lúc đó chẳng có bất cứ loại đồng hồ nào, chúng ta có cảm nhận được khoảng cách dài lâu đó không? Có thể! Chúng ta có thể cảm nhận được là nhờ kinh nghiệm ở những lần quan sát thấy những biến đổi, những lần so sánh độ dài của các biến đổi, sự xuất hiện và mất đi của quá trình nào đó. Chẳng hạn con người quan sát thấy sự tuần hoàn ngày và đêm, đồng thời cũng quan sát được sự hiện hữu của một sự kiện nào đó mà khoảng dài lâu của nó ngắn hơn khoảng dài lâu của một ngày đêm là 24 giờ. Một giờ và 24 giờ đã tạo cho chúng ta cảm giác về độ dài lâu, chúng ta nhớ được, lưu giữ thành kinh nghiệm của cảm giác. Nhờ đó, ở những lần quan sát sau, về mặt định tính, chúng ta sẽ cảm giác được độ dài lâu của các sự kiện khác. Trong cuộc sống hàng ngày, theo dõi một sự kiện nào đó, chúng ta thường thốt lên: “sao lâu quá!” hay: “nhanh thế?” là vì vậy.
Từ đó mà suy ra rằng một hiện thực hay hiện hữu không biến đổi (tương đối) trước quan sát sẽ không làm cho quan sát cảm nhận được thời gian và do đó cũng không định lượng “chính xác” được thời gian. Nói rộng ra, nếu thế giới này bất biến như một bức tranh tĩnh vật thì chẳng bao giờ xuất hiện khái niệm thời gian (vẫn có thể xuất hiện khái niệm không gian!). Bị ràng buộc bởi kinh nghiệm, kiến thức về sự biến đổi, vì thời gian đã được phát hiện từ trước nên trước một hiện thực bất biến, chúng ta vẫn cảm nhận như thời gian hiện hữu trong đó, đang “trôi” trong đó, gây biết bao nhiêu lẫn lộn, phiền toái trên đời.

Chỉ nhờ quan sát được những biến đổi trong hiện thực và so sánh độ dài lâu giữa chúng trong quá trình nhận thức để phục vụ đời sống mà khái niệm thời gian hình thành. Do vậy chúng ta có thể nói nó có nguồn gốc từ sự biến đổi của các sự vật - hiện tượng hiện hữu trong hiện thực, khái quát hơn, từ sự vận động của vật chất tác động lên tư duy. Hay nói cách khác: thời gian là một đặc tính của vận động (sự lâu mau) đã qua nhận thức.

Chúng ta có linh cảm rằng quan niệm về thời gian như thế là mạch lạc, trong sáng và thời gian vì thế trở nên dung dị, dễ hiểu. Một quan niệm càng mạch lạc, dung dị bao nhiêu càng gần chân lý bấy nhiêu. Nếu vậy, cần phải xét lại quan niệm về không gian của chúng ta. Việc đánh đồng không gian chính là vật chất là một hành động cực đoan, thô bạo. Không, phải nói đó là một hành động hèn nhát thì đúng hơn. Vì thấy cái trống rỗng có nguy cơ biến thành Hư Vô (cái mà chúng ta không bao giờ muốn nghĩ tới!), chúng ta đã vội vàng, mù quáng ép buộc không gian thành vật chất, xây dựng nên một quan niệm rất mực u ám, hàm chứa nhiều phi lý. Phải quan niệm lại không gian!
Noi gương cách quan niệm về thời gian, chúng ta sẽ quan niệm lại không gian như thế này: Nhờ quan sát các sự vật đa dạng trong hiện thực; nhờ so sánh sự khác biệt về hình dáng và về qui mô (sự to nhỏ) giữa chúng mà khái niệm không gian được hình thành trong nhận thức. Do đó, có thể cho rằng khái niệm không gian có nguồn gốc từ sự hiện hữu trong hiện thực; khái quát hơn, từ hiện thực vật chất tác động lên tư duy. Hay nói cách khác, không gian là một đặc tính thể hiện của vật chất (sự to nhỏ, tròn méo) đã qua nhận thức, cái khoảng không gian trống rỗng hiện hữu trong hiện thực ấy, giờ đây chúng ta phải hiểu như thế nào? Khoảng ấy phải được lấp đầy bởi vật chất nền tảng (thứ vật chất mà chúng ta vừa tạm “xây dựng” mô hình như ở trên hoặc có thể là chân không lượng tử trong vật lý học, hoặc sự rỗng rang nhưng không Hư Vô của Phật Giáo). Vật chất nền tảng đã hiện hữu trong hiện thực (của con người) như một sự trống rỗng, bất định về không gian và thời gian! Nếu thế thì ta cũng suy ra rằng sự hiện hữu và hiện thực chỉ có thể tồn tại môt cách xác định trước một quan sát nhờ hai đặc tính của chúng tác động vào tư duy như là không gian và thời gian.

Đến đây, câu hỏi cuối cùng được đặt ra là với không gian và thời gian kiểu như vậy thì giữa chúng có mối tương quan nào không, hay là chúng hoàn toàn độc lập so với nhau? Trả lời được câu hỏi này không phải là điều dễ dàng gì vì trong quá trình lập luận diễn giải hay tranh biện triết học, do sức ì của bộ não mà chúng ta thường xuyên lẫn lộn giữa những cái chưa qua nhận thức và đã qua nhận thức (nghiêm trọng hơn khi nhận thức còn sai lạc). Nhưng nếu không tìm cách trả lời thì sự tò mò sẽ mãi hành hạ tâm can chúng ta, làm cho chúng ta sẽ phải khổ sở vì nó trong cuộc hành trình này. Thôi thì mặc lòng, phải cố gắng một phen nữa, ra sao thì ra, được đến đâu hay đến đấy.
Chúng ta sẽ lại bắt đầu quan sát một hiện thực tưởng tượng (trong đời sống, tưởng tượng là thứ vô cùng quí giá nhưng không phải giàu tiền giàu bạc là có thể mua được!).
Trước mắt chúng ta là một môi trường (nói toẹt ra là không gian trống rỗng!), trong đó hiện hữu các sự vật - hiện tượng. Các sự vật - hiện tượng đó vận động: tác động tương hỗ với môi trường, thông qua môi trường tác động tương hỗ với nhau hoặc chuyển động va chạm trực tiếp làm chuyển hóa nhau và cùng biến đổi. Có những sự vật - hiện tượng biến đổi chậm, có những sự vật - hiện tượng biến đổi nhanh, có những sự vật - hiện tượng lớn dần lên, có những sự vật - hiện tượng nhỏ dần đi, có những sự vật - hiện tượng phân rã, tan rã, biến mất và cũng có những sự vật - hiện tượng mới hình thành… nếu môi trường đủ rộng lớn, chúng ta sẽ thấy đó chính là một cuộc xoay vần đa dạng về sự vật, phong phú về hiện tượng, muôn màu muôn vẻ đầy biến loạn nhưng cũng trật tự, nhịp nhàng, các sự kiện cứ tiếp nối nhau như tiền định và có vẻ như không bao giờ ngừng nghỉ. Từ kinh nghiệm rút ra của thế giới thiên nhiên xung quanh con người, chúng ta thấy rằng vận động xoay vần là mang tính chu kỳ, cân bằng nên có mức độ ổn định cao làm cho quá trình trở nên dài lâu và so với khoảng thời gian gọi là ngắn nào đó, một cách tương đối, chúng ta nói đó là quá trình bất tận. Đứng trước một cuộc xoay vần như vậy, chúng ta có cảm giác các sự vật - hiện tượng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và với môi trường, thông qua môi trường mà tác động lẫn nhau, làm nguyên nhân và kết quả của nhau, độc lập trương đối trong phụ thuộc tuyệt đối, tự do vận động theo “tiền định” đảm bảo tự do của toàn thể, sao cho sự tồn tại của tổng thể (cuộc xoay vần) được bảo tòan, nghĩa là sự vận động của toàn thể được duy trì cân bằng, ổn định và dài lâu (nếu không còn môi trường nào khác bao trùm môi trường đang xét làm cho môi trường đang xét trở nên là một sự vật - hiện tượng của môi trường lớn ấy thì hiện thực mà chúng ta đang thấy sẽ trở nên vĩnh cửu vì nó chính là biểu hiện của tổng thể Tự Nhiên Tồn Tại!!!); nghĩa là có sinh thì có tử, có phát triển thì có suy tàn; cái này mất đi để cái khác sinh ra (và buộc phải sinh ra!), cái khác phát triển làm cho cái khác nữa phải suy tàn đi… cứ thế cái quá trình “có vay có trả” ấy là bất tuyệt.

Môi trường trong hiện thực đang được chúng ta quan sát (coi là cô lập so với bên ngoài nó) cũng đóng vai trò như một hiện hữu, nhưng là hiện hữu đặc biệt, hiện hữu của sự vật - hiện tượng nền tảng của các sự vật - hiện tượng có trong nó. Do đó nó cũng “vui buồn” theo cuộc sinh sinh tử tử trong lòng nó. Mọi biến động gây ra bởi các sự vật - hiện tượng trong môi trường đều làm mất cân bằng vận động của tổng thể làm môi trường phải biến đổi theo để cân đối duy trì sự cân bằng vốn có, trong trường hợp quá độ (phải có tác động từ bên ngoài), sự cân bằng mới sẽ được thiết lập, một môi trường mới (tương đối khác môi trường cũ) xuất hiện, làm biến đổi thậm chí làm tiêu vong một số sự vật - hiện tượng cũ đã không còn phù hợp, không thể thích ứng với điều kiện mới và đồng thời những sự vật - hiện tượng mới ra đời (có thể gọi như vậy là biến cố hay những biến cố không?).

Mô tả một hiện thực sống động, “vĩ đại”, một cuộc xoay vần đến bất tuyệt mà chỉ với vài dòng như thế rõ ràng là không đầy đủ, là sơ sài, phiến diện, “đui què mẻ sứt” và rất dễ gây hiểu lầm sai lạc. Nhưng không sao, Tự Nhiên Tồn Tại đã chịu vô vàn sự hiểu lầm rồi, thêm vài ba sự hiểu lầm nữa cũng chẳng làm trầm trọng thêm tình hình. Vả lại, vâng theo lời khuyên của Sadi Carnot, nhà vật lý học tài năng người Pháp: “Nói ít thôi về cái mà ta biết, và hoàn toàn đừng nói về cái mà ta chưa biết”, chúng ta dại gì mà lòi cái dốt bao la của mình ra. Nhưng chủ yếu là vì chúng ta chỉ cần nhận biết vài vấn đề có “tính nguyên tắc” về vận động (nội tại) của một hiện thực để có cơ may lần mò đến được với điều mà chúng ta quan tâm.

Giữa các sự vật - hiện tượng với nhau và với môi trường có những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau khắng khít. Không có một sự vật - hiện tượng nào tồn tại mà thiếu vắng môi trường và không chịu sự ảnh hưởng ít nhiều của môi trường. Một sự suy tàn và tiêu vong của sự vật - hiện tượng nào đó sẽ ảnh hưởng đến toàn thể, kích thích toàn thể biến đổi phù hợp để duy trì vận động cân bằng. Sự chấm dứt tồn tại của (những) sự vật hiện tượng không có nghĩa là sự mất đi của (lượng) vật chất làm nên nó (lượng vật chất là bảo toàn trong một hệ cô lập) mà chỉ có nghĩa là sự phân rã thành những dạng vật chất thành phần, hoặc vật chất nền tảng và (những) sự vật hiện tượng đó không hiện hữu nữa. Cùng với quá trình suy tàn và tiêu vong ấy, thỏa mãn đòi hỏi về sự cân bằng vận động của tổng thể và dưới tác động tương hỗ trong tổng thể mà hình thành nên mầm mống ra đời (những) sự vật - hiện tượng mới. Sự vật - hiện tượng mới xuất hiện và tồn tại được là nhờ có toàn thể và sau đó là nhờ có vận động nội tại tương đối độc lập, có tính cá biệt, phân biệt được với xung quanh, cái mà do chính toàn thể “góp sức” xây dựng nên (hay là do Thượng đế?).

Cần nói thêm cho rõ là tất cả những khái niệm như hiện thực, hiện hữu, nội tại… chỉ mang ý nghĩa tương đối, theo quan điểm của quan sát. Tùy thuộc vào quan sát mà một nội tại được coi là một hiện thực (bị cô lập tương đối) và ngược lại. Đó cũng chính là sự “bấp bênh” cố hữu, tất yếu của khái niệm và cũng có lẽ vì thế mà nhiều người cho rằng thế giới này là không thể nhận thức được, là một phù phiếm đơn thuần tư duy, hay như Phật Giáo; là một sự giả hợp. Dù sao đi nữa thì “trái đất vẫn quay” (theo lời Galillê) và Tồn Tại cứ vẫn tồn tại (theo lời của những người bình dân)!

Chúng ta nói năng loanh quanh từ nãy tới giờ để đạt đến điều này (không biết có đạt không nữa?): một sự vật - hiện tượng luôn là thành phần làm nên nội tại của một sự vật - hiện tượng bao trùm nó, đồng thời bản thân nó cũng có một nội tại; không có nội tại thì không có tồn tại, vận động nội tại là sự thể hiện của tồn tại trước quan sát, được quan sát gọi là sự vật - hiện tượng, và hiện hữu trước quan sát. Hiểu ngắn gọn thì: hiện hữu là sự trình hiện (phô diễn) vận động nội tại của một (hay một số) sự vật - hiện tượng nào đó. Khi đi trong sa mạc, chúng ta thường thấy ảo ảnh. Đó phải được cho là một hiện hữu. Nhưng là loại hiện hữu gì? Ảo ảnh là một hiện hữu thực (không ảo!) và hữu hình, là sự trình hiện của những vận động tác động lẫn nhau của hàng loạt các sự vật - hiện tượng (hay có thể là một sự vật - hiện tượng, tùy theo qui mô của sự kiện cũng như qui ước của quan sát) mà truy sát ra là vận động nội tại và truy cho đến cùng, chính là vận động vật chất. Chỉ khi ta hình dung lại ảo ảnh đó trong não thì cái được hình dung ra ấy mới được gọi là hiện hữu ảo, lúc này ảo ảnh được gọi là ảo ảnh ảo.

Sự vật - hiện tượng được quan sát cảm nhận thì gọi là hiện hữu, vì thế mà không có hiện hữu nào mà không có nguồn gốc từ vận động nội tại. Mặt khác, như chúng ta đã trình bày, một trong những đặc tính cơ bản nhất của hiện hữu, nhờ đó mà có thể nhận biết được hiện hữu, đó là không gian. Nói đặc tính cơ bản của một hiện hữu là vì ngoài ra nó còn có những đặc tính không cơ bản, không phổ biến khác nữa. Chẳng hạn trong hoàn cảnh điều kiện đặc thù của Trái Đất, tất cả mọi hiện hữu trong đó (kể cả con người quan sát) đều có những nét đặc thù phù hợp, thích nghi với điều kiện ấy, do đó mà con người quan sát còn cảm giác hiện hữu bởi mùi thơm thối, vị ngọt đắng, sự nóng lạnh, tĩnh lặng và ồn ào… (nhưng rốt cuộc, tất cả những điều ấy cũng là biểu hiện của vận động nội tại và thấp thóang không gian). Có lẽ là một võ đoán: tuy chưa chắc đã là tất cả nhưng mọi chủ thể quan sát có tư duy không thể không cảm nhận được cái mà trong khái niệm, con người gọi là không gian, khi đứng trước một hiện thực?
Vật chất và vận động vật chất làm nên tất cả. Một nội tại chắc chắn cũng chỉ là hệ thống vận động đặc thù nào đó của vật chất. Để được gọi là nội tại, nội tại phải vận động như một hành động thể hiện mình. Nói đến nội tại là nói đến vận động nội tại. Một nội tại không vận động là điều vô nghĩa (nói theo nghĩa tuyệt đối của khái niệm này!).

Như vậy, thông qua hiện hữu, vận động nội tại bộc lộ ra như một đặc tính của hiện hữu, như một hình thức của hiện hữu mà chúng ta gắn nhãn mác, đặt tên cho nó là không gian.

Quan sát ở một góc độ khác (chẳng hạn ở tầng nấc “sâu” hơn, có qui mô nhỏ hơn), có các sự vật - hiện tượng nào đó hiện hữu, vận động, tương tác lẫn nhau và biến đổi. Vì đó là một hiện thực đầy biến động nên quan sát sẽ cảm nhận được mối tương quan về mặt lâu mau, về thứ tự sớm muộn của các biến đổi và trong tư duy hình thành nên khái niệm thời gian.

Tiếp tục thay đổi góc độ quan sát kiểu như thế, ngày một sâu hơn, vào thế giới vô cùng nhỏ, chúng ta luôn luôn thấy cảnh tượng tương tự: nội tại của sự vật - hiện tượng là một hiện thực, cũng có khoảng rỗng rang và các sự vật - hiện tượng biến đổi, chuyển động trong đó, chỉ có điều càng về hướng vô cùng nhỏ, các sự vật - hiện tượng càng mất đi tính đa dạng của chúng (sự giống nhau càng nhiều), và khoảng rỗng rang càng ngày càng như “đặc sệt” lại. Rồi cái gì đến sẽ phải đến! Hiện thực cuối cùng hiện ra; chất chứa một mâu thuẫn “khủng khiếp”, đe dọa nghiêm trọng đến sự tích về một Vũ Trụ đầy vật chất mà chúng ta đang say sưa kể, có vẻ như rất hay ho mà cũng có lý nữa. Các sự vật là những hạt vật chất, biến đổi chuyển động trong cái rỗng rang mà giờ đây cũng đặc chặt các hạt vật chất (chúng ta đã “muốn” thế mà!)!
Để bảo vệ “thành quả” của mình, nhất thiết chúng ta phải đạp bằng mâu thuẫn nêu trên, đồng thời lý giải được cái hiện thực cuối cùng mà chúng ta đã “vô phúc” nhận thấy trong lúc này, vẫn có đủ đặc tính của một hiện thực “thông thường”, vẫn gồm những hiện hữu biến đổi, chuyển hóa lẫn nhau mà thôi; nghĩa là gồm các sự vật - hiện tượng và môi trường (khoảng rỗng rang).

Chúng ta chẳng đủ năng lực làm việc đó. Cứ giả sử rằng chúng ta có thể vượt qua mâu thuẫn “đáng ghét” đó thì một vấn đề còn “khủng khiếp” hơn nữa (có lẽ khủng khiếp nhất từ đầu cuộc hành trình đến giờ!) lại hiện ra: nội tại hạt vật chất là gì, trong đó có vận động không và vận động đó có phải của vật chất không? Vì thế, để tránh một chướng ngại không thể vượt qua nổi, chúng ta hãy giấu nhẹm tất cả những gì quan sát thấy về hiện thực cuối cùng, đừng cho ai biết và quay trở lại ở một tầng nấc nào đó với một hiện thực vẫn còn phô diễn rõ ràng, các sự vật - hiện tượng và khoảng rỗng rang, để tiếp tục khảo sát, suy tư nhưng theo… hướng khác.

Từ những góc độ quan sát khác nhau theo chiều sâu (nhớ là trong đó không có lần quan sát cuối cùng vì chúng ta đã “ỉm” nó đi mất rồi), chúng ta đi đến nhận xét: các khái niệm “hiện thực”, “sự vật - hiện tượng”, “nội tại” đều mang tính tương đối, tùy thuộc vào cảm nhận chủ quan, sự qui ước của quan sát, cũng như tầng nấc qui mô của thế giới khách quan được quan sát. Cái là sự vật hiện tượng ở tầng qui mô lớn hơn sẽ được thấy như một hiện thực ở tầng có qui mô nhỏ hơn và ngược lại. Và ngược lại…, ừ nhỉ, chiều kích cực đại của hiện thực chính là Vũ Trụ, là nội tại của Tồn Tại. Nhưng chúng ta đã quan niệm rằng Tồn Tại mang tính nước đôi, vừa có ngoài, vừa có trong, là cả hai mà cũng không phải cả hai, do đó buộc phải thừa nhận Vũ Trụ vừa hữu hạn để có nội tại, vừa vô hạn để không có nội tại; vừa quan sát được vừa không quan sát được và như vậy Vũ Trụ là một hiện thực vừa thực vừa ảo. Chúng ta cũng đồng tình với quan niệm về Vũ Trụ của nhà vật lý học Stephen Hawking: Vũ Trụ hữu hạn nhưng vô biên (thực ra quan niệm này là phiến diện, chỉ đúng trong một phạm vi giới hạn nhất định!). Tuy nhiên, chúng ta sẽ nói thêm rằng: vì là hữu hạn nên Vũ Trụ có vô cùng lớn và vô cùng nhỏ; vì là vô biên nên vượt qua vô cùng lớn sẽ là vô cùng nhỏ và ngược lại, vượt qua vô cùng nhỏ sẽ là vô cùng lớn. Nếu chui được vào hạt vật chất, chúng ta sẽ thấy một hiện thực của cái Vô Cùng Lớn, nghĩa là sẽ lại trở về với quang cảnh thiên văn quen thuộc. Và cả những điều tưởng tượng này, chúng ta cũng phải giấu nhẹm nốt!

Quan sát ở bất cứ “góc biển, phương trời” nào cũng đều chỉ thấy sự vật - hiện tượng với nội tại cũng là những sự vật - hiện tượng và rốt cuộc chỉ là vật chất và vận động của vật chất. Không có nội tại thì sự vật - hiện tượng không tồn tại. Nội tại vận động và vận động theo một cách thức nào đó làm cho sự vật - hiện tượng phân biệt được và luôn biến đổi phù hợp với biến đổi của môi trường chính nó. Đối với sự vật - hiện tượng, biến đổi là tuyệt đối, sự ổn định chỉ là tương đối. Sự ổn định tương đối ấy làm cho có ý niệm về không gian; quá trình biến đổi ấy làm cho quan sát có ý niệm về thời gian. Một sự vật - hiện tượng được coi là xác định trong hiện thực khi chúng ta biết được vị trí (tọa độ), hình dáng, kích thước… của nó, nghĩa là phải biết những yếu tố làm nên các biểu hiện không gian của nó trong không gian hiện thực; hay nói gọn lại là phải biết được không gian của nó trong hiện thực. Bởi cái mà không gian của sự vật - hiện tượng “chứa đựng” (nội tại) luôn vận động nên nó chỉ ổn định tạm thời, tương đối theo qui ước của quan sát và luôn luôn biến đổi… Nhờ theo dõi đuợc những biến đổi của sự ổn định mà quan sát nhận diện được thời gian. Ổn định và biến đổi chính là một biểu hiện về tính phân định của Tồn Tại, về mối quan hệ giữa bất biến và thường biến, về sự không phân biệt được và phân biệt được của một sự vật - hiện tượng với chính nó. Nói đến không gian thì phải nói đến biến đổi, nói đến biến đổi thì phải nói đến thời gian; không gian biến đổi là sự phân biệt với chính nó và có thể nói không gian biến đổi theo thời gian. Để so sánh mức độ biến đổi hay khoảng tồn tại được cho là ổn định (về không gian) của các sự vật hiện tượng, quan sát quy ước một “thước đo” thời gian chung làm hình thành nên mối quan hệ giữa không gian và thời gian.

Mối quan hệ đó có thể là khác nhau và cũng có thể là giống nhau giữa các sự vật - hiện tượng. Những sự vật - hiện tượng có mối quan hệ không - thời gian giống nhau được cho là giống nhau. Giống nhau không có nghĩa là không phân biệt được. Mọi sự vật - hiện tượng luôn được phân biệt trong không gian và thời gian (quy ước) của hiện thực. Hai sự vật dù có giống nhau đến mấy thì quan sát cũng phân biệt được, chí ít thì chúng cũng khác biệt về tọa độ. Tồn tại tình hình đó là do nội tại, cái không gian chứa đựng, quy định. Tại sao khoảng rỗng rang và các sự vật - hiện tượng xét cho cùng thì đều “chứa đầy” một “thứ” là vật chất vận động mà sao chúng lại khác nhau, có thể phân biệt đuợc với nhau? Vì Vũ Trụ, đâu đâu cũng đầy vật chất như nhau nên sự khác nhau về lượng sẽ dẫn tới khác nhau về quy mô không gian. Nếu chỉ thế thôi thì sự vật - hiện tượng làm sao mà hiện hữu được, do đó cũng không thể phân biệt được. Phải đi đến suy đoán rằng chính vận động của vật chất là nguyên nhân làm nên mọi sự khác biệt. Những nội tại khác nhau đều có cách thức và mức độ vận động khác nhau tương đối, làm hình thành nên những cấu trúc đặc thù, có tính riêng và được gọi là “chất” của nội tại. Nhớ lại rằng vật chất muốn vận động được thì trước tiên phải phân biệt được với nhau, phải phân định thành những lực lượng tương phản nhau, để chuyển hóa nhau, nghĩa là cần phải cho rằng vật chất ở tầng sâu thẳm của nó luôn tồn tại ở ba trạng thái âm, dương và trung tính (cái ở giữa). Có nhiều khả năng mối tương quan của ba trạng thái ấy trong một nội tại làm hình thành nên mức độ và cách thức vận động của nội tại, tùy thuộc vào môi trường, cái đã sinh thành, cưu mang nó. Nếu chúng ta gọi vận động là bị biến đổi và cũng có khả năng làm biến đổi thì cũng có thể gọi khả năng làm biến đổi là năng lượng và như vậy mức độ vận động cũng có thể được gọi là lượng năng lượng; mức độ vận động của một nội tại có thể được xác định bởi một giá trị gọi là mật độ năng lượng (năng lượng chia cho thể tích chứa nó).

Có thể đó là hướng giải thích khả dĩ nhất về sự khác nhau giữa các sự vật - hiện tượng. Các sự vật - hiện tượng khác nhau là khác nhau về “lượng” và “chất”. Trong một hiện thực, cái khoảng không gian rỗng rang, suy ra từ sự giải thích trên có thể có mức năng lượng thấp nhất; thậm chí cho là bằng không nhưng vật chất vẫn luôn đầy và vẫn vận động. Vận động nội tại của khoảng rỗng rang ở mức độ thuần khiết hoàn toàn của nó (không xuất hiện những trạng thái tương phản làm nên năng lượng), là vận động tự thân, phi năng lượng; vận động theo sự quy định chặt chẽ của mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau, là tiền đề và kết quả của nhau của toàn thể các hạt vật chất trung tính có trong đó cũng như trong Vũ Trụ. Để phân biệt hạt vật chất trung tính với các hạt tương phản (trạng thái tương phản của chính nó), chúng ta tạm gọi (ở đây thôi!), hạt vật chất trung tính là tiền vật chất (khái niệm của các nhà vật lý hiện đại trong công cuộc tìm kiếm căn nguyên của Vũ Trụ).

Mối quan hệ giữa không gian và thời gian của sự vật hiện tượng chính là sự bộc lộ sự biến đổi về chất và lượng; về cách thức và mức độ vận động nội tại của nó. Cách thức và mức độ vận động nội tại không phải cái gì khác cả, cũng là mối quan hệ giữa không gian và thời gian bên trong nội tại. Sự biến đổi không gian nội tại theo thời gian bên trong, bộc lộ ra thành sự biến đổi không gian theo thời gian bên ngoài và làm xuất hiện khái niệm năng lượng.

Đường nào thì cũng đến La Mã! Và La Mã đã hiện ra: đặc trưng của vật chất là không gian, đặc trưng của vận động là thời gian, một cách hình thức và nôm na, không gian biến đổi theo thời gian là vật chất vận động, mức độ vận động (trước quan sát và nhận thức!) của vật chất là năng lượng, năng lượng là động lực của quy trình nhân - quả, của phát triển và suy tàn, của tạo dựng và phá hủy, là linh hồn của tất cả các sự vật - hiện tượng.

Không gian mở ra một hiện thực, hiện thực là cái nôi của Nhân - Quả, và thời gian chính là cơ hội cho Nhân - Quả được dàn trải mà nên hiện hữu. Hiện thực là vườn hoa hiện hữu hồn nhiên vui sống và rực rỡ hiến dâng!

* * *

Vấn đề không gian và thời gian coi như đã được giải quyết xong. Dù có thể còn hấp tấp trong nhận định, thô nhám và rườm rà, lẫn lộn về mặt ngôn từ, nhưng chúng ta coi như đã hoàn thành nhiệm vụ vì đã “sắm sửa” cho mình một bộ cánh phù hợp theo sở thích.
Phải nói rằng chặng đường vừa qua là chặng đường đầy trắc trở, làm chúng ta mệt nhoài. Nhưng chúng ta thấy rất vui vì đã vượt qua được một cửa ải mà không phải ai muốn cũng có thể vượt qua cho dù có cánh đi chăng nữa. Đó là cửa ải luôn bị che khuất, ngụy trang hết sức kín đáo. Sự tình cờ đã giúp chúng ta tìm ra được nó, vượt qua nó một cách “oai hùng” hơn bao giờ hết!!!

Nhận thức về không gian và thời gian của chúng ta là phù hợp với riêng chúng ta, dù ắp đầy hoang tưởng, và nếu có trở nên hoang đường thì đó lại chính là điều chúng ta muốn. Chúng ta cứ tự hào là những người đầu tiên bíết lang thang đến đâu, để tìm và nhặt được những viên bích ngọc của quá khứ và tự tưởng thưởng cho mình một câu nói rất hay không biết của ai đó nhưng vẫn còn tạc ghi rất sâu trong tiềm thức: “Không có những chiến công lớn lao cho những tâm hồn phẳng lặng!”.

Giờ đây, chúng ta đang đứng trước một quang cảnh trong sáng và rực rỡ, hứa hẹn bao điều kì thú nữa của Tự Nhiên Tồn Tại. Nhưng cũng không nên vội làm gì vì ông bà nói “dục tốc bất đạt”. Hãy nghỉ ngơi cái đã! Và trong khi nghỉ ngơi chúng ta đọc lại một đoạn đối thoại rất thú vị và sâu sắc giữa nhà vật lý Trịnh Xuân Thuận và nhà sư Mathiêu Ricard trong “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” (NXB Trẻ, 2005):
“Trịnh Xuân Thuận: Gaston Bachelard từng nói: “Suy ngẫm về thời gian là nhiệm vụ hàng đầu của mọi khoa học siêu hình”. Hẳn thời gian không phải là một khái niệm dễ nắm bắt, như Augustin từng nhận xét vào thế kỉ IV: “Thời gian là gì? Nếu không ai hỏi ta điều đó thì ta biết nó là gì. Nhưng nếu có người hỏi ta và ta cố giải thích thì lúc đó ta sẽ không biết nó là gì nữa”. Thời gian đóng vai trò quan trọng không chỉ trong siêu hình học mà cả trong vật lý. Trong quá trình nghiên cứu tự nhiên, các nhà vật lý đã liên tục vấp phải vấn đề thời gian. Điều này thoạt nhiên có vẻ nghịch lý, vì thời gian đo sự thoáng qua trong khi các nhà vật lý lại đi tìm các quy luật, nghĩa là các mối quan hệ bất biến, không thay đổi. Tuy nhiên khái niệm thời gian vẫn liên tục xuất hiện trong vật lý học. Galille là người đầu tiên vào thế kỉ XVI, đã đưa thời gian vào như một chiều (hay thứ nguyên) vật lý cơ bản nhằm sắp xếp và liên hệ về mặt toán học các phép chuyển động của các vật thể. Nhưng chính Newton với các định luật cơ học của mình vào thế kỉ XVII mới là người đưa ra định nghĩa rõ ràng về thời gian. Ông xác định chuyển động của các vật trong không gian bằng cách chỉ ra chính xác vị trí và vận tốc của chúng ở những thời điểm nối tiếp nhau (…).

Năm 1905, khái niệm thời gian tuyệt đối này đã bị Einstein lật đổ bằng việc cho công bố thuyết tương đối hẹp. Với Einstien, thời gian mất đi tính bất biến và phổ quát mà Newton đã gán cho nó. Thời gian không còn dửng dưng với Vũ Trụ trong đó nó được coi là trôi liên tục mà trở nên co giãn khi nó tỏ ra phụ thuộc vào chuyển động của người quan sát. Nếu ta chuyển động càng nhanh thì thời gian càng chậm lại (…).

Một thay đổi lớn khác: thời gian và không gian không tồn tại tách biệt nhau nữa. Einstien cho rằng không gian và thời gian là một cặp thống nhất. Không gian cũng trở nên co giãn. Các hành trang của không gian và thời gian luôn bổ sung cho nhau. Khi thời gian giãn ra và chậm lại, thì không gian bị co lại (…). Những biến dạng liên quan với không gian và thời gian có thể được coi như là sự chuyển hóa của không gian thành thời gian và ngược lại. Không gian bị co lại biến thành một thời gian kéo dài ra. Từ đây Vũ Trụ có bốn chiều. Để xác định một vật thể trong vũ trụ cần phải cho không những ba tọa độ không gian chỉ vị trí của nó mà còn cần phải cho cả thời gian đo được ở vị trí này.

Thời gian bị chậm lại không chỉ do vận tốc mà còn do cả lực hấp dẫn. Đây là điều Einstein đã phát biểu năm 1915 trong thuyết tương đối. Ở lân cận lỗ đen có lực hấp dẫn cực lớn, đống hồ của nhà du hành vũ trụ sẽ chạy chậm lại so với đồng hồ của một người quan sát trên mặt đất. Sự chậm lại của thời gian không phải là kết quả của trí tưởng tượng. Nó đã được quan sát rõ nhất trong trường hợp các hạt được phóng với vận tốc cực lớn trong các máy gia tốc: các hạt này sống lâu hơn (trước khi bị phân rã) so với khi chúng ở trạng thái đứng yên, và điều này luôn theo đúng tỷ lệ mà Einstein đã tiên đoán:
Tính co giãn của thời gian đã dẫn tới một hệ quả rất cơ bản: thời gian mất đi tính phổ quát của nó, nó không còn là như nhau đối với tất cả mọi người quan sát. Hiện tại của tôi có thể là quá khứ của ai đó khác và là tương lai của người thứ ba, nếu cả hai người này đều chuyển động so với tôi. Vì khái niệm “đồng thời” không còn ý nghĩa, nên từ “bây giờ” trở nên mơ hồ, không xác định. Và nếu đối với một người nào đó khác nữa tương lai đã tồn tại và quá khứ vẫn còn đang hiện diện, thì tất cả các thời điểm đều có giá trị như nhau. Do đó không còn thời điểm nào là ưu tiên cả. Theo Einstein, sự trôi của thời gian chỉ là ảo giác. Như để làm dịu đi nỗi buồn của mình, ông đã bộc lộ quan điểm này trong một lá thư viết năm 1959 sau cái chết của người bạn Michele Besso: “Đối với chúng tôi, những nhà vật lý xác tín, sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo giác; ngay cả khi sự phân biệt này khó mà lay chuyển được”. Theo các nhà vật lý hiện đại thì thời gian không trôi: nó đơn giản chỉ là hiện hữu đó, bất động, như một đường thẳng kéo dài đến vô tận ở cả hai chiều.

Mathiêu: Theo cách phân tích kinh điển của Phật Giáo, thời gian vật lý và tuyệt đối chỉ là một khái niệm. Nó không tồn tại tự thân. Sự trôi của thời gian là không thể nắm bắt được ở thời điểm hiện tại, thời điểm chưa trôi qua mà cũng không có độ dày cần thiết đề có đầu có cuối. Đối với hiện tại này, quá khứ đã chết và tương lai còn chưa sinh ra. Vậy thì làm sao hiện tại có thể tồn tại lơ lửng giữa cái không còn nữa và cái còn chưa sinh ra? Thời gian thuộc chân lý tương đối của thế giới các hiện tượng, thuộc lĩnh vực của trải nghiệm và chỉ là một khái niệm gắn liền với sự biến đổi được cảm nhận bởi người quan sát.

Thời gian vật lý không có tồn tại độc lập, bởi vì người ta không thể nhận thức được một thời gian tách rời khỏi những thời điểm tạo nên nó. Không thể nhận dạng được nó lúc bắt đầu, lúc đang diễn ra hay lúc kết thúc của một giai đoạn nhất định. Nếu người ta định nghĩa một khoảng thời gian như một tổng thể được cấu thành từ khởi đầu, giữa và kết thúc của nó, thì rõ ràng là “tổng thể” này không hề tồn tại trong bất kì bộ phận nào trong ba bộ phận nói trên. Mặt khác, khoảng thời gian này cũng không tồn tại bên ngoài sự khởi đầu, giữa và kết thúc của nó, và do vậy bản thân khái niệm khoảng thời gian cũng thuần túy mang tính quy ước. Thời gian cũng như không gian, chỉ tồn tại đối với kinh nghiệm của chúng ta và đối với các hệ quy chiếu cụ thể. Tóm lại, thời gian là một phương thức tổng quát các hiện tượng. Khi không có các hiện tượng này, nó không hề tồn tại.

Trịnh Xuân Thuận: cần phải phân biệt thời gian chủ quan hay còn gọi là thời gian tâm lý với thời gian vật lý vốn được coi là khách quan, luôn trôi đều đặn và không phụ thuộc vào ý thức của chúng ta. Thời gian vật lý là thời gian của các loại đồng hồ. Người ta đo nó bằng một chuyển động đều đặn: như sự dao động của một nguyên tử hay sự chuyển động của trái đất quanh mình nó. Chính vì thế, nói về thời gian (hay không gian) trước khi Vũ Trụ ra đời là vô nghĩa, bởi vì không có bất kì chuyển động nào có thể đo được. Trong lý thuyết Big Bang, thời gian và không gian được sinh ra đồng thời với Vũ Trụ. Chính Augustin cũng đã từng đưa ra ý tưởng cho rằng thời gian xuất hiện cùng với thế giới. Ông cho rằng ý tưởng về một vị Chúa phải chờ một thời gian vô hạn trước khi quyết định tạo ra thế giới là điều nực cười (…)

Ngược lại, thời gian trải nghiệm tức là thời gian mà chúng ta cảm thấy bên trong chúng ta, là chủ quan và không trôi một cách đều đặn. Nó rất co giãn (…). Mặt khác, tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng càng về già chúng ta cảm thấy thời gian trôi càng nhanh. Thời gian trôi nhanh cùng với tuổi tác đã được kiểm chứng bằng nhiều nghiên cứu đối với sự sinh trưởng của cây cối và động vật: tuổi càng cao, sự kéo dài “sinh lý” càng ngắn.
Sự tương phản giữa thời gian chủ quan và thời gian vật lý thường xuyên hiện diện trong lịch sử tư tưởng. Theo các nhà triết học trước Socrate thì thời gian được xác định qua chuyển động, như thời gian vật lý. Thật vậy, Héraclite từng nói rằng : “thời gian là một đứa trẻ chơi trò cá ngựa” (có nghĩa là thời gian trôi theo nhịp dịch chuyển của các con ngựa trên bàn cá ngựa). Còn theo Aristote, thời gian là “con số của chuyển động”, nhưng ông cũng đã tự hỏi: “Vấn đề rắc rối cần phải biết là nếu như không có linh hồn, thì thời gian có còn tồn tại không?”. Vào thế kỉ IV, Agustin đã bác bỏ những lập luận của Aristote: “Thời gian không phải là chuyển động của một vật thể” và khẳng định chiều hiện sinh (hay chiều tâm lý) của thời gian: thời gian chỉ trôi trong linh hồn, vì rằng đối tượng của chờ đợi (tương lai) trở thành đối tượng của chú ý (hiện tại) và đối tượng này lại biến thành đối tượng của ký ức (quá khứ). Triết gia người Đức, Husserl, thế kỉ XX cũng đã tán đồng quan điểm này.

Mathiêu: Kant cũng từng nói rằng các khái niệm về không gian và thời gian xuất hiện từ các mối quan hệ của chúng ta với tự nhiên, chứ không phải là đặc tính riêng của bản thân tự nhiên: “Thời gian chỉ là một điều kiện chủ quan của tri giác chúng ta, và nó sẽ chẳng là gì khi nằm ngoài chủ thể”. Các nhà triết học Phật Giáo cũng đưa ra một ý tưởng tương đương, họ khẳng định rằng thời gian không có hiện thực tối hậu và không có bất kỳ tồn tại nào bên ngoài các hiện tượng và bên ngoài những người quan sát chúng: Hình dung thời gian như “mũi tên”, chẳng qua chỉ là phản ánh sự gắn bó của chúng ta với hiện thực của vạn vật mà thôi. (…)

Trịnh Xuân Thuận: (…) Chúng ta gán cho thời gian một chiều không gian, và chính cách biểu diễn sự chuyển động thời gian trong không gian như thế đã tạo cho chúng ta cảm giác về quá khứ, hiện tại và tương lai. (…)

Tuy nhiên, ý niệm này về sự trôi của thời gian đối với ý thức bất động của chúng ta không phù hợp với ngôn ngữ của vật lý hiện đại. Nếu thời gian chuyển động thì vận tốc của nó là bao nhiêu? Một câu hỏi hiển nhiên là vô lý. Chúng ta hãy thay dòng thời gian tâm lý bằng sự ỳ tĩnh lặng của thời gian vật lý, thì câu hỏi trên không còn được đặt ra nữa. Tại sao lại có sự khác biệt này giữa hai loại thời gian?.

Mathiêu: Điều đó chỉ là một bí ẩn nếu người ta cho rằng chúng ta hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới. Khái niệm thời gian vật lý lẽ nào không đơn giản chỉ là sự trừu tượng hóa của thời gian tâm lý sinh ra từ sự phân biệt do chúng ta tạo nên giữa cái đã hoàn thành và cái sẽ xảy ra? Các nhà vật lý chẳng phải đã đảo ngược thứ tự ưu tiên khi muốn giải thích cái mà chúng ta đang sống bằng vật lý và khi vật hóa quan niệm ảo tưởng của chúng ta về thời gian để biến nó thành một thực tại đó sao?

Trịnh Xuân Thuận: (…)
Ngoài ra còn vấn đề về hướng (người ta còn gọi là mũi tên) của thời gian. Thời gian tâm lý luôn đi theo một hướng duy nhất và đưa chúng ta từ sinh đến tử. Giống như một mũi tên luôn bay về phía trước sau khi rời khỏi dây cung, thời gian tâm lý không bao giờ quay ngược trở lại. Chính tính không thể đảo ngược này của thời gian tâm lý là thủ phạm gây ra nỗi ám ảnh của chúng ta về cái chết. Tất cả mọi người đều biết rằng mình sẽ đi từ cái nôi đến nấm mồ. Triết gia người Pháp, Henti Bergson, không chấp nhận quan niệm của Einstein theo đó thời gian chỉ là ảo tưởng, không thực và không kéo dài. Theo ông, thời gian phải có độ “dày”. Chỉ có độ dày này của thời gian mới tương hợp với sự sống nội tại. Chỉ có sự kéo dài của thời gian mới cho phép tự do và sáng tạo, tiến bộ và mới mẻ, phát minh và thăng hoa trí tuệ. Triết gia người Đức, Edumnd Husserl, cũng đã nói về một “thời gian không thể nén được” và ý tưởng này đã được sinh học thần kinh hiện đại khẳng định. Phải chăng thời gian vật lý của Einstein là quá ư tất định và không mang tính con nguời? Nếu tất cả những gì đã xảy ra đều đã được quy định từ trước thì tự do ý chí và hy vọng của con người sẽ ra sao?
Mathiêu: Ngay ý tưởng cho rằng: “mọi thứ sẽ xảy ra đều đã được quyết định” là phi logic. Như chúng ta đã thấy, khi xem xét khái niệm về đấng sáng thế, nếu mọi chuyện đều đã được quyết định từ trước thì tất cả các nguyên nhân và điều kiện của tương lai đều đã phải hiện diện. Trong trường hợp này, không có gì có thể ngăn cản chúng xuất hiện đồng thời. Còn nếu chúng chưa xuất hiện đầy đủ thì vẫn còn cái gì đó để viết.
(…)

Trịnh Xuân Thuận: Khái niệm này về thời gian liệu có giống với quan niệm của Einstein về một thời gian không trôi không? Trong thuyết tương đối, thời gian vật lý hiện hữu đó bất động và tĩnh. Không - thời gian cũng hiện hữu đó trong tính tổng thể của nó, chứa tất cả các sự kiện từ khi vũ trụ ra đời đến khi kết thúc.

Mathiêu: Không, thời gian không hiện hữu đó, bất động và tĩnh bởi vì nó không có thực tại! Không, thời gian của Einstein không thể được coi là tuyệt đối. Lại một lần nữa, đó cũng chỉ là một qui ước. Bản chất tuyệt đối của thời gian là sự trống rỗng của nó, là sự không tồn tại độc lập của nó. Người ta gọi đó là “mặt thứ tư của thời gian, vượt lên trên ba mặt khác”, (là quá khứ, hiện tại và tương lai). Thời gian thứ tư này đôi khi bị đồng hóa với thời điểm hiện tại, thời điểm mà về bản chất vốn vượt ra ngoài khái niệm độ kéo dài. Trên phương diện thiền định về mặt nội tại mà nói, thì dừng lâu trong “sự tươi mới của thời điểm hiện tại” giúp ta nhận ra bản chất trống rỗng và sáng tỏ của tinh thần và sự trong suốt của thế giới các hiện tượng. Bản chất này là bất biến, không phải theo nghĩa nó là một dạng thực thể vĩnh hằng, mà bởi vì nó là một kiểu tồn tại đích thực của tinh thần và các hiện tượng, vượt ra ngoài các khái niệm đi và đến, tồn tại và không tồn tại, một và vô số, bắt đầu và kết thúc.
Trịnh Xuân Thuận: Người ta lại tìm thấy tiếng vọng của khái niệm này trong lời của Boèce: “Cái bây giờ trôi qua tạo nên thời gian, cái bây giờ đang dừng lại tạo nên vĩnh cửu”

Theo Kant, thời gian không thể tách rời khỏi sự vận động của tư duy tri giác nó. Ông cho rằng thời gian cho phép sự kế tiếp của các sự kiện, trong khi không gian làm cho tính đồng thời của chúng trở nên có thể. Nhưng cũng giống như Newton, ông coi thời gian và không gian tách biệt nhau. Điều này không tương hợp với sự liên kết lẫn nhau giữa không gian và thời gian mà Einstein đã phát hiện ra. Tôi nghĩ hình như Phật Giáo cũng coi thời gian và không gian như các thực thể tách biệt?

Mathiêu: Không đúng, bởi vì Phật Giáo cũng bác bỏ quan niệm về không gian như một thực thể có thật. Không gian cũng như thời gian đều có liên quan với trải nghiệm của chúng ta về chúng trong các khuôn khổ qui chiếu vật lý cụ thể. Nếu ta xét một vùng không gian nào đó, bất kể to nhỏ thế nào thì không gian có gì khác hơn là một khái niệm. Không gian không thể bị giản lược thành một trong các bộ phận của nó. Nếu thực thể “không gian" tương ứng với tổng thể các bộ phận của nó (nếu là quảng tính thì nó phải có các phần hoặc các vùng) thì để xâm nhập vào thực thể này, cần phải xâm nhập vào tất cả các bộ phận của nó một cách đồng thời, mà điều này là không thể. Như vậy, thực thể “không gian” cũng chỉ là một cái nhãn tinh thần, không có sự tồn tại độc lập.”

Đoạn đối thoại trên cho thấy Trịnh Xuân Thuận và Mathiêu đều là những nhà tư tưởng về tự nhiên uyên thâm, đã có nhiều ý kiến sắc sảo về không gian và thời gian. Tuy nhiên, cả hai ông vẫn chưa “vượt thoát” được những mâu thuẫn nội tại còn ẩn chứa tiềm tàng trong quan niệm của cả vật lý học và phật học về chúng. Mathiêu đã không thể biết rằng, không phải không gian không có sự tồn tại độc lập mà ngược lại, sự tồn tại của nó là một sự thực tuyệt đối không thể bàn cãi và chính vật chất, xét cho cùng, mới không có sự tồn tại độc lập. Vật chất và vận động vật chất thực ra là sự thể hiện hùng hồn trước quan sát - nhận thức sự tồn tại đích thực của không gian và sự chuyển hóa không gian. Hơn nữa, một đặc trưng cơ bản của chuyển hóa không gian chính là thời gian.




Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ