Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

CT23 - ĐỒI DỀN 1969-1970 (Sử Bình)




Khai giảng năm học mới 1969 - 1970, vài bạn được chọn ở lại học chung tại Trường chính, còn phần lớn đám quân của Phân hiệu 1 và một số "cá biệt mới tuyển" lại tiếp tục trở thành học sinh của Phân Hiệu 4 mới được thành lập.

Năm này, tên Phân hiệu 1 được dành cho các Anh hùng, Dũng sĩ miền Nam mới ra học văn hóa tập trung tại Trường Nguyễn Văn Trỗi. Các anh ấy phải học bổ túc từ lớp "Vỡ lòng" và Cấp I trở lên... vì rất nhiều anh không biết chữ. Mỗi lần gặp, đi chơi, các anh đều than: "Đánh Mỹ dễ hơn, đi học khó quá...". Mới từ chiến trường Miền Nam ra, ai cũng có đồng hồ và nhiều người còn có đài đeo bên hông, đi đến đâu mở oang oang đến đó. Buổi chiều, các anh hay rủ vài đứa trong chúng tôi ra mấy quán nước ngoài bến phà Trung Hà, bán dần đồng hồ, đài... để có tiền "gửi" vào quán sá. Rất tình cảm!

Tại Trung Hà chỉ còn K8 và Phân hiệu 1 đóng quân. K7 đã lên Cấp III nên chuyển sang Hưng Hóa.

Phân hiệu 4 đóng quân tạm thời tại khu Chiêu đãi sở (phía trước cổng Trường ở Trung Hà vài trăm mét). Ở đây, chúng tôi cũng có vài lần tham gia gặt lúa giúp dân... Ít tuần sau, chúng tôi lại được xe quân sự chuyển đến địa điểm mới...

Con đường vào nơi "cách ly" năm này đi ngang trước cửa Chùa Tây Phương, xuyên qua Huyện lỵ Thạch Thất vào sâu trong vùng đồi trung du khoảng 3km. Phân hiệu chúng tôi đóng ven phía Đông của một quả đồi thấp rất lớn, trải dài đến hơn 300m. Nơi đây còn rất nhiều đám cây rừng nguyên sinh rậm rạp xen lẫn với Bạch đàn mới trồng được vài năm. Tên địa phương gọi là Đồi Dền. Phía Nam, cách nơi đóng quân chừng 2 - 300m, ven một quả đồi khác có một làng nhỏ, gần chục nóc nhà... Giữa khúc eo của hai quả đồi này, mỗi đêm mưa phùn "ma trơi" xanh lè từ đám mả cũ ở đồi bên kia bốc lên bay rải từng dây dài theo gió... Đám "cá biệt" chúng tôi đều thấy rất bình thường, chả đứa nào sợ cả.

Khu bếp, nhà ăn ở phía Đông Bắc. Tiếp theo là K6. Dịch xuống phía Đông Nam là K7 và K8. Nhà của các Thầy (gần với K8) dưới chân đồi. Năm học này, K6 giảm bớt nhiều môn học, chỉ tập trung vào những môn chính và theo hệ 1 năm 2 lớp. K7 và K8 vẫn học theo chương trình bình thường.

Ở Đồi Dền, chúng tôi ít tập hành quân đêm nên tối chỉ tập trung học là chính. Sinh hoạt hàng đêm dầy đặc các ngày trong tuần. Cứ 2 - 3 tuần một lần, đội chiếu phim nhà trường lại về tổ chức phục vụ toàn Phân hiệu tại bãi đất trống đầu dốc. Ở khu vực này chúng tôi cũng hầu như không tiếp xúc với dân...

Một lần, nhân ngày 22/12/1969 Phân hiệu tham gia Giao lưu với Trường Cấp III Thạch Thất ở ngoài Huyện lỵ. Cuối buổi, học sinh Trường Thạch Thất rủ anh em bên ta thi đấu bóng đá. Sân đấu là ruộng mạ đã khô, khung thành làm bằng tre, mặt sân lỗ chỗ vết chân trâu bò, làm bóng nẩy lung tung. Bên ta có tập tành, bóng bánh... bao giờ đâu mà đá. Vào trận, quân ta mạnh ai nấy chơi. Nhiều cậu to cao như Quốc "biêu", Hồng "lồi", Phú "sĩ"... nhưng chả ai biết đá bóng. Chỉ chạy theo đội bạn mà "hết hơi". Tôi đá được, nhưng chán, không tham gia. Ngồi xem đội nhà thua 3 bàn không gỡ...

Hôm ấy là đêm Thứ bảy được nghỉ, anh em rủ nhau đi xem phim ở đơn vị bạn cách đó vài cây số. Biết phim xem rồi nên tôi không đi. Khuya anh em về, tôi thấy hai ống quần Phú "sĩ" dính máu... Nghe kể lại : Có một đám bộ đội từ chiến trường ra an dưỡng. Gặp anh em TSQ Trường Trỗi đang là "lính con nít" 15 - 17 tuổi liền "cà khịa". Một tên to khỏe dữ dằn nhất giật phanh áo ngực tuyên bố: "Tao là Đại đội trưởng đặc công đây. Bữa nay phải cho mấy thằng nhóc Trỗi ra bã...". Rồi hùa nhau xông vào đánh quân Trỗi. Tên ấy không ngờ gặp Phú "sĩ" chả phải dạng vừa. Phú nhanh nhẹn tránh đòn rồi cho tên kia mấy đá vào ngực, vào mặt... làm hắn đổ gục. Máu trào ra từ mũi miệng, tưởng chết. Đám kia thấy thế dừng lại, còn anh em Trỗi cũng rút nhanh... Vụ việc thành to chuyện. Phú bị kỷ luật. Từ đó anh em chúng tôi không còn được đi "phim ảnh" bên ngoài nữa.

Mỗi ngày, buổi chiều sau giờ cơm, tôi và Quang "bò liếm" lại cùng nhau mang súng cao su đi bắn chim chào mào đang tìm chỗ ngủ trong các bụi cây rậm rạp quanh đồi. Chim ở khu vực này nhiều lắm, hôm nào cũng bắn được vài con. Mang về vặt lông, làm sạch, nhồi lá chanh và muối hột rồi đem nướng... Cũng ngon ra phết!

Năm học này, tôi thân nhất với Chính "còi" (K6), Điềm, Thạch, Hùng Dũng (K8)...

Mới đó mà đã hơn 50 năm rồi. Đa số các bạn trong đám "cá biệt" CT23 khi ra đời là những người thành đạt, là cán bộ cao cấp của Quân đội và các ban ngành. Cũng có nhiều người đã mãi mãi "đi xa", để lại tình cảm thương nhớ cho bạn bè - những người còn đang sống. Nhiều bạn đã hy sinh anh dũng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc như Chu Quang & Tiến Quân (K6), Đặng Đình Kỳ (K7)... Một số bạn cũng đã ra đi vì bạo bệnh : Quốc Bình, Huỳnh Hồng, Hoài Phúc (K6); Xuân Thắng (K7); Thạch, Hùng Dũng, Huỳnh Cúc (K8)...

Anh em Phân hiệu 4 ở Đồi Dền chúng tôi sống rất hòa thuận, hay giúp đỡ, nhường nhịn, chia sẻ với nhau. Hiếm khi cãi vã nhau, không như mọi người thường nghĩ về "lũ cá biệt" ! Sống và sinh hoạt trong một tập thể "đặc biệt" qua 2 mùa, tôi đã học được rất nhiều điều: về tinh thần đoàn kết với tập thể, biết yêu thương bạn bè đồng đội và luôn tự tin khi đối mặt với mọi khó khăn của cuộc đời!

Cuối năm học 1970, Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi giải tán. Chúng tôi chia tay nhau... Tuy nhiên, những kỷ niệm, tình cảm anh em chúng tôi vẫn luôn được duy trì khăng khít, thân thiết như trong một nhà. Chúng tôi vẫn luôn tìm đến nhau mỗi khi có cơ hội và ngày nay sau hơn 50 năm vẫn thế...!!!

FB Sử Bình 07/12/2021

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

CT23 - ĐỒNG LẠC 1968-1969 (Sử Bình)




Học kỳ 2 năm học 1968 - 1969 Phân hiệu 1 Trường VHQĐ TSQ Nguyễn Văn Trỗi được thành lập và CT23 là tên được đặt cho Hòm thư của Phân hiệu... Thành phần của Phân hiệu này gồm một số rất ít học sinh K6 & K7 được cho là nghịch ngợm cộm cán, "cá biệt" được đưa đi "cách ly" xa Trường chính (mỗi Khóa chưa đến 20 người) và đóng quân tại Đồng Lạc - Thạch Thất - Hà Tây.

... Đường Quốc lộ Hà Nội đi Sơn Tây, khi còn cách chợ Gạch khoảng 2km, bên tay trái đầu một con đường đất đỏ lớn có bảng chỉ dẫn vào Chùa Tây Phương - một ngôi chùa nổi tiếng của miền Bắc - nơi có rất nhiều tượng phật cổ được làm từ gỗ mít. Gần đến di tích Chùa, bên phải có một con đường đất mới làm khá lớn, thẳng tắp. Hai bên đường được trồng Phi lao... Đi theo con đường này khoảng 2km, nhìn qua cánh đồng trống bên trái chừng hơn trăm mét sẽ thấy một cái gò thấp đứng chơ vơ một mình. Cả khu vực trồng toàn Xoan có hai dẫy nhà ngói cấp 4 thấp lè tè... Đó là nơi Phân hiệu 1 (Tiểu đoàn 1) chúng tôi đóng quân.

Đây nguyên là một Trường Tiểu học của vùng quê. Đầu dốc vào là ngôi nhà tranh tre, dùng làm bếp ăn tập thể. Nối tiếp là hai dẫy nhà xây đá ong, lợp ngói thẳng hàng, mỗi nhà 2 phòng học. Các phòng đều là nền đất, một đầu được đắp bục cao, viền gạch, nơi thầy cô đứng giảng bài. Dẫy bên ngoài của K6 - một dùng làm phòng ở và phòng còn lại là lớp học. K7 ở dẫy nhà bên trong cũng sắp xếp tương tự.
Trong cùng, giáp K7 là một dẫy nhà ngang bằng tranh tre dùng làm nơi ở cho các Thầy, một phòng của Quân y nhân viên do y sĩ Lam phụ trách và cuối dẫy là phòng của vợ chồng Thầy Lê Hùng - Chỉ huy Phân hiệu 1.
Phía sau dẫy nhà của K6, gần sát ruộng là nhà vệ sinh chung, tường đá ong, lợp ngói...
Đóng quân ở đây gần như là bị cách ly hoàn toàn. Bốn bề đều là cánh đồng lúa trống trải. Không có làng hoặc nhà dân ở cạnh. Chúng tôi hầu như không tiếp xúc với dân, không có quán xá, chợ búa, có tiền cũng không thể dùng mua gì được...
Trong khu vực chỉ có một cái giếng nhỏ, nước rất ít, dành riêng cho bếp ăn, nên việc vệ sinh, tắm giặt hàng ngày đều phải đi bộ khoảng 400m ra tận sông Tích - lúc nào cũng đục ngầu như nước sông Hồng.

Hàng ngày, chúng tôi vẫn sinh hoạt, học tập bình thường theo chương trình chung của toàn trường, (chỉ thiếu các môn Quân sự, Ngoại ngữ, nhạc, họa) Do học sinh trong lớp ít, nên các Thầy có điều kiện kiểm soát chặt chẽ hơn. Tất cả các buổi tối (trừ Thứ 7) đều sinh hoạt định kỳ như ở Trường chính... Có lẽ điều khác biệt lớn nhất là chúng tôi thường xuyên phải tập hành quân đêm. Tuần nào cũng tập hành quân đột ngột 3 đêm là ít. Thầy Bình người Nghệ An - phụ trách lớp K6 - không cho tập đi đường dài. Đêm nào cũng chỉ tập khoảng 10km, nhưng chủ yếu là chạy... Chạy với ba lô đầy đủ tư trang. Chạy 10 phút, đi bộ 1 phút để thở rồi lại chạy tiếp. Ban đầu mệt lắm, nhưng đang tuổi lớn nên chúng tôi chịu đựng được và làm quen rất nhanh. Tất cả đều qua được bài tập này và còn tỏ ra thích thú khi bài tập "hành quân đêm" không quá kéo dài...

Ban giám hiệu Trường chính đóng ở Hưng Hóa cũng rất quan tâm đến Phân hiệu "đặc biệt" này. Cứ 2 tuần một lần, vào chiều Thứ năm, đám trẻ chúng tôi lại ngồi hóng ra con đường trồng Phi lao, chờ chiếc xe ô tô ba bánh cũ kỹ chở đội chiếu phim của nhà trường đến phục vụ. Những buổi tối như thế, cái sân trước nhà được dùng làm bãi chiếu phim. Hai lớp K6 & K7 phải phân công trực nhật bảo đảm an ninh cho các phòng ở và bãi chiếu phim (khu đóng quân hoàn toàn trống trải, không có hàng rào bảo vệ). Thời còn khó khăn, mỗi khi có chiếu phim - một món ăn văn hóa, tinh thần hiếm hoi lâu lâu mới có - người dân quanh khu vực tự báo tin rộng rãi cho nhau và đến xem rất đông...

Có rất nhiều đơn vị bộ đội an dưỡng hoặc đang chuẩn bị đi chiến trường đóng quân trong các làng gần đấy. Vào tối Thứ bẩy, mỗi khi bên các đơn vị ấy có chiếu phim, hoặc văn công... các thầy cũng cho phép chúng tôi đi xem. Những tối như thế chúng tôi chỉ cử lại vài bạn trực nhật, còn cả đám hầu như kéo nhau đi hết. Có những buổi tối như thế, tôi mới biết ở các làng quanh khu vực này đang chứa đến cả... Sư đoàn. Bộ đội đông hơn dân, vui lắm !

Sống ở trong một môi trường toàn bạn bè "cộm cán" tôi mới dần nhận ra: đám "cá biệt" này cũng như tôi, chỉ hiếu động, tăng động... chứ không phải là những thành phần "bất hảo". Chúng tôi sống, học tập, sinh hoạt bình thường. Đôi khi cũng "chí chóe", mồm mép... nhưng vẫn hòa thuận, hay giúp đỡ nhau, rất đoàn kết và luôn thi đua làm nhiều việc tốt, giúp đỡ dân khi có cơ hội. Trong lớp có nhiều bạn nghịch ngợm lém lỉnh hơn bình thường, hay pha trò... đã để lại ấn tượng rất sâu sắc cho mọi người. PT Tiên - tác giả của bài hát tếu "Trên đường ra hố xí tay ta cầm giấy..." (phỏng theo bài "Ra khơi nhờ tay lái vững" của TQ). Bài hát này sau đó đã "lây" đến toàn K6. Chả là khi đám "quỷ sống" chúng tôi phát hiện ra một đứa đi vệ sinh, 3 - 4 tên sẽ nhặt đất đá ném cầu vồng qua mái dẫy nhà đang ở... Không dễ để trúng nhà vệ sinh, nhưng luôn gây "bất an, hốt hoảng" cho người đang ngồi bên trong, làm trò vui cho cả đám...

Ngoài giờ học, những tối được nghỉ, tôi và Quang "bò liếm" hay rủ nhau đi câu cá (đã được kể trong bài "Những kỷ niệm về Chu Tấn Quang"). Những sớm Chủ nhật đẹp trời, tôi và Quang hay đi ven mấy bờ đất quanh khu vực lắng nghe, tìm bắt những con dế "mặt khỉ" đang gáy, đem về bỏ vào vỏ lon đồ hộp cho chọi nhau. Quang "bò liếm" đúng là "sư phụ" của trò này. Con dế nào thua chạy... Quang liền dùng một sợi tóc quấn quanh thân nó quay quay vài vòng, thả ra con dế lại xông vào đánh tiếp... Chọi chán, chúng tôi lại thả lũ dế ra. Khi nào thích lại ra mấy bờ đất bắt mang vào đấu trận khác.

Ngoài Quang rất khéo tay, trong lớp có Thái "bò" cũng là một "bàn tay vàng". Cả hai bạn đã tìm các lon đồ hộp cũ, chế tạo ra bếp dầu "mini", cháy lửa xanh không thua gì bếp được sản xuất chính hãng. Thái còn tìm những đoạn thân gỗ ổi đủ to, rồi dùng dao gíp tỉ mẩn gọt khoét làm chạc súng cao su cho mọi người. Chạc súng được làm vừa tay, rất cân đối. Làm xong còn được cậu ấy hun khói cho nám đen và đánh bóng bằng lá chuối khô... Bảo đảm là sản phẩm này sẽ làm hài lòng tất cả mọi người, không sợ "đụng hàng" và bất kỳ ai được tặng hoặc nhìn thấy cũng mê mẩn. Tuyệt vời lắm !

Hết hè năm 1969, chúng tôi tập trung về Trường ở Hưng Hóa, Phú Thọ. Được sống tập trung, vui vẻ với bạn bè ít tuần trước khi vào năm học mới...

FB Sử Bình 07/12/2021

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

Bạn Trỗi miền Trung - Tây Nguyên thăm Thầy cô dịp 20/11


Hôm nay ngày 20/11. Đại điện BLL cựu học sinh trường VHQĐ, TSQ - Nguyễn Văn Trỗi kv MT - Tây Nguyên đến thăm Thầy Hòe, Thầy Soạn, cô Oanh (các thầy đã U90). Chúc các thầy cô và gia đình luôn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc !. Các trò U70 mong có nhiều dịp đến thăm các thầy cô và gặp gỡ nhau sau mùa dịch Covid.
Nguyễn Kim Hồ

Nhân ngày Hiến chương các Nhà giáo 20/11/2021 Đại diện Ban LL Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi miền Trung và một số học trò cũ đến thăm và chúc mừng các Thầy, cô tại Tp Đà Nẵng! Tuy năm nay các Thầy tuổi đã cao, yếu hơn những năm trước, nhưng vẫn rất minh mẫn và tràn đầy tình cảm.

Kính mong các Thầy luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và trường thọ !!!
Sử Bình

Hôm nay hơi khác mọi ngày
Bạn Trỗi Đà Nẵng thăm thầy kính yêu
Phan Tiên Tiến




Thăm gia đình thầy Soạn Thăm gia đình thầy Soạn, ... ...có đại diện k2, k5, k6, k7 (Trỗi MT)


Thăm gia đình thầy Hòe Gia đình Thầy Doãn Mậu Hòe Thầy Doãn Mậu Hòe năm 2020 nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng Thầy Hòe năm nay yếu hơn năm ngoái, ngồi dậy khó khăn... ... nhưng vẫn còn minh mẫn


Thăm gia đình cô Oanh Thăm gia đình cô Oanh Oanh Hoang
Cô Oanh, thầy Hòe và thầy Soạn cảm ơn các em hs trường TSQ Ng văn Trỗi hiện sống tại MT, đã đến thăm và tặng quà nhân ngày nhà giáo VN 20-11-2021. Chúc các em và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.
BLL Bạn Trỗi MT tặng các thầy cô sách của thầy Chi Phan



Nguồn: Nguyễn Kim Hồ - 20/11/2021
Sử Bình - 20/11/2021

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

Kỷ niệm gặp Bác - Đoàn Văn Luyện


Cuối năm 1968, tôi học trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi ở Quế lâm Trung quốc trở về Việt nam. Lúc đó sắp Tết tôi đang ở trạm số 83 Lý Nam Đế Hà nội. Cùng ở có chị Tạ Thị Kiều anh hùng, anh Huỳnh Văn Đảnh anh hùng...vv. Đang bữa cơm trưa thì được một chú ở Tổng cục chính trị ra báo là chiều nay đi với đoàn dũng sĩ Miền nam mới ra vào phủ chủ tịch gặp Bác Hồ. Tôi nghe tin tim đập thình thịch mừng hung, chọn bộ quân phục lành lặn của trường phát mặc vào và chờ đợi.
Khoảng 5 giờ chiều một chiếc com măng ca đít tròn tới trạm 83 đón tôi đưa tôi đến Quán Thánh nơi đoàn dũng sĩ đang tập trung. Chúng tôi lên một chiếc xe ca vào phủ chủ tịch theo cổng phụ đường Phan Đình Phùng. Tới cái sân rộng trước cửa nhà sàn Bác thấy Bác Hồ bác Tôn ra đón đưa chúng tôi tới ghế dài chụp ảnh chung. Tôi thấy mình đã lớn hơn các bạn khác nên tôi chủ động ngồi ra góc phải để các bạn được gần hai bác hơn vì trước đây tôi đi với chú Võ Chí Công ra Bắc lần đầu đã được gặp Bác Hồ. Lúc đó tôi thấy Bác đã yếu hơn lần gặp trước. Chú Vũ Kỳ nói: nhân dịp Tết Bác Hồ muốn cho các cháu vào ăn Tết và chụp ảnh chung. Có rất nhiều phóng viên chụp ảnh. Bác Hồ phát thuốc lá của Bác cho các chú phóng viên. Chú Vũ Kỳ nhắc nhở các chú phóng viên phải trả ảnh cho chúng tôi, chú sẽ kiểm tra việc này.
Chúng tôi theo Bác vào nhà khách ăn cơm Tết. Bữa ăn cũng giản đơn, có bánh chưng, thịt heo, thịt gà, rau sống như những gia đình cán bộ bình thường, giống gia đình bố mẹ nuôi của tôi ở Hà nội. Lúc đó đang chiến tranh, tình hình cung cấp thực phẩm rất khó khăn. Sau bữa, trước lúc ra về, Bác tặng cho chúng tôi mỗi người ba quyển sách người tốt việc tốt.
Mấy tháng sau khi tôi đang học ở Sao đỏ, Chí Linh, Hải Dương, trường quân chính quân khu tả ngạn thì nhận được ảnh này trong phong bì do quân bưu đưa đến. Trên phong bì có chữ của Bác viết: Bác gởi cháu Đoàn Văn Luyện. Tôi không ngờ đây là lần gặp gỡ cuối cùng của tôi với Bác Hồ. Lúc Bác sắp mất tôi được thông báo tập trung để gặp lần cuối cùng nhưng Bác đau nặng quá nên cấp trên không tổ chức cuộc gặp được.
Cuộc đời tôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng giữ gìn được tấm ảnh này.

Đoàn Văn Luyện - 11 tháng 2/2021

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2021

Tư liệu quý: ảnh Nguyễn Quang Bình


Bổ sung ảnh và thông tin của bạn Nguyễn Quang Bình do bạn Hồ Bàng K7 sưu tầm cho kỉ yếu K7.
Cảm ơn bạn !
Nguồn: FB Khóa 7 Trường VHQĐ-TSQ Nguyễn Văn Trỗi

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

NHỚ NGÀY ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ

(Tóm tắt chuyện bây giờ mới kể)
Nguyễn Kim Hồ, 25/8/2021 lúc 7:39
Cách đây 57 năm, tôi từ quê hương Quảng Ngãi, sau 3 tháng đi bộ và tạm dừng chân trên đường Trường sơn - Ngày 5/8/ 1964 (đúng ngày Mỹ bắt đầu ném bom, đánh phá Miền Bắc XHCN) tôi đã có mặt ở tp. Vinh, Nghệ An. Ngày 8/8 ra đến Hà Nội và ngày 10/8 tôi đến tập trung tại trường Hành chính TW Bộ Nội vụ. Ở đây có rất đông các bạn thiếu niên Miền nam đã ra trước tôi và hầu hết đã được gặp Bác Hồ. Sau 10 ngày sinh hoạt học tập rèn luyện cùng tập thể, ngày 20/8 tôi đã được kết nạp vào đội thiếu niên tiền phong (tiến bộ quá).
Sáng 25/8/1964 chúng tôi (số ít thiếu niên mới ra) được thông báo là buổi tối sẽ được đi thăm Bác Hồ. Cả ngày chúng tôi hồi hộp chuẩn bị và chờ đợi. Thế rồi thời gian chờ đợi cũng đến. Khoảng 18 giờ, 1 chiếc xe con và 1 chiếc xe giống xe "đờ su" chở khách đến chở chúng tôi. Xe chạy đến gần cổng phụ phía đầu đường Hoàng Hoa Thám thì dừng lại. Tất cả chúng tôi xuống xe và chờ đợi ở khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng, cạnh Hồ Tây. Một hồi còi dài cất lên, tất cả chúng tôi nhanh chóng lên xe. Hai xe từ từ qua cổng vào bên trong Phủ Chủ Tịch. Chúng tôi vừa xuống xe thì đã được gặp Bác Hồ ngay tại sân. Chúng tôi vui mừng chạy ùa đến vây quanh Bác... Sau đó chúng tôi vào Phủ Chủ Tịch. Bác Hồ cùng Bác Tôn, các bác Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... tiếp đón chúng tôi. Thật là vinh dự và tự hào biết bao.Chúng tôi được phép ngồi đối diện với Bác Hồ và các bác lãnh đạo của Đảng và nhà nước.
Mở đầu buổi gặp mặt, theo danh sách, Bác Hồ đã gọi tên từng cháu để Bác thăm. Chúng tôi lần lượt đứng dậy lễ phép chào Bác và các bác lãnh đạo. Kết thúc danh sách, Bác nói vui: "Bác thăm các cháu rồi, bây giờ Bác Tôn và các bác sẽ thăm các cháu". Các bác nhìn nhau cười vui, cả phòng vang tiếng cười vui vẻ. Bác Hồ cho kẹo từng cháu... Một bạn đại diện trong đoàn chúng tôi đứng lên phát biểu báo cáo với Bác...
Tiếp đến là phần hát kính tặng Bác Hồ và các bác lãnh đạo. Bác Hồ muốn nghe các cháu Miền Nam hát. Hồi ấy nhóm chúng tôi mới ra chỉ thuộc bài Quốc ca và bài Giải phóng Miền Nam, chưa thuộc nhiều các bài hát cách mạng. Tuy vậy như đã thống nhất chuẩn bị trước, tôi đã đứng lên xin hát kính tặng Bác... Đấy là một bài hát ca ngợi quê hương mà tôi đã thuộc lúc tôi đi học ở Miền Nam. Theo chú phụ trách là bài hát này không ảnh hưởng chính trị. Tôi nghe vậy chứ lúc đó đã biết gì về chính trị. Những câu mở đầu của bài hát như sau: "Trên cánh đồng xanh muôn ngàn tia nắng huy hoàng - Bầu trời tươi đẹp ôm ấp cánh đồng mênh mông - Chim hót ca vang líu lo trên đồng rộn ràng...". Tôi vừa dứt tiếng hát thì chú phụ trách báo cáo với Bác: "Thưa Bác! cháu Hồ là con liệt sĩ, cháu không còn ba mẹ...". Cổ tôi như nghẹn lại, nước mắt cứ trào ra. Tôi cố nén để không phải khóc... Bác đã đến bên tôi an ủi và cho thêm tôi kẹo. Tôi cảm động vô cùng và đã cố gắng vui lên với Bác và mọi người. Sau một bạn hát nữa là buổi gặp mặt kết thúc. Lúc này các bác lãnh đạo đã rời khỏi phòng, chỉ còn lại có Bác Hồ, các chú phụ trách và chúng tôi. Chúng tôi theo Bác bước sang phòng bên để xem phim.
Ở phòng xem phim có đội Sơn Ca đang chờ Bác và chúng tôi. Bác Hồ giới thiệu chúng tôi với đội Sơn Ca. Cả phòng vui vẻ hẵn lên. Mở đầu đội Sơn Ca hát kính tặng Bác và tặng chúng tôi 2 bài hát, quá là hay và chúng tôi vổ tay liên hồi. Đến phần chúng tôi, cả nhóm hát bài "Giải phóng Miền Nam" (cả phòng hát theo) và đội Sơn Ca cũng vổ tay liên hồi. Nếu thời gian cho phép, chắc chúng tôi yêu cầu đội Sơn Ca hát nữa... Bác cháu thật là vui không sao kể hết được. Sau đó chúng tôi và đội Sơn Ca được cùng Bác xem một bộ phim hoạt hình...
Tạm biệt Bác Hồ để ra về lòng chúng tôi ai cũng bồi hồi xúc động. Bác bận trăm công nghìn việc nhưng đã dành cho chúng tôi một sự quan tâm ưu ái đặc biệt. Đã 57 năm trôi qua nhưng trong tôi luôn nhớ mãi ngày được gặp Bác Hồ. Bác đã dành tình cảm vô bờ đặc biệt cho đồng bào Miền Nam, cho thanh thiếu niên Miền Nam và tôi đã được trực tiếp tận hưởng cái tình cảm bao la ấy của Bác.
Chúng tôi rất tự hào được làm con cháu Bác Hồ - tự hào được làm "Bộ đội Cụ Hồ", mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Đà Nẵng 25.8.2021
Bác Hồ với các cháu thiếu niên nhi đồng
(Hình ảnh minh họa)
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ
Đội viên thiếu niên tiền phong Nguyễn Kim Hồ 8/1964
(Hình ảnh trong khoảng thời gian gặp Bác Hồ)

1 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Trồng cây nhân kỉ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng (25/8/1911 - 25/8/2021)


NHẬT KÝ TRỒNG CÂY



Hôm nay, mình cùng đoàn đại biểu học sinh trường ta xuất phát từ Hà Nội vào Vũng Chùa - Đảo Yến viếng mộ Đại tướng và tham gia trồng 100 cây lưu niệm. Nhân dịp này, xin chia sẻ bài thơ viết từ 2014:
VŨNG CHÙA
thơ Quang Việt

Tuyệt đẹp, nơi đây, cảnh Vũng Chùa,
Một vùng sơn thủy đẹp như mơ.
Trời xanh lồng lộng, lung linh nắng,
Biển biếc lao xao, sóng vỗ bờ,

Đảo Yến vững vàng, ngăn bão tố,
Núi Thọ* thiêng liêng, gió vi vu.
Bao năm chinh chiến, giờ an nghỉ,
Trong lòng Đất Mẹ, giấc ngàn thu.

Tháng 7/2014
(*) Núi Thọ là nới đặt phần mộ Đại tướng.




NHẬT KÝ TRỒNG CÂY
Lính Trỗi gặp nhau vui như Tết
Chuyện trò cười nói cứ râm ran
Mười lăm đứa từ Hai đến Chín (*)
Sáng hôm qua Sáu rưỡi lên đường

Mười hai giờ hơn vào đến Vinh
Thành phố bây giờ đẹp lung linh
Ra đón đoàn có Hai lính Trỗi
Là Trần Quốc Sủng Võ Thúc Minh

Bữa cơm xứ Nghệ thật là ngon
Ngon nhất mắm tôm với cà giòn
Cả lũ cụng ly mừng gặp mặt
Rồi hướng Quảng Bình xe lại bon

Hơn Năm giờ chiều đã tới nơi
Điểm hẹn nhau Đồng Hới đây rồi
Lại thêm Sáu bạn vào trước nữa
Hai bạn bay chiều cũng tới nơi

Đồng Hới về đêm sáng lung linh
Con gái Quảng Bình cũng rất xinh (**)
Quanh mâm cơm lại râm ran chuyện
Mấy tiếng đồng hồ trôi thật nhanh

Bây giờ đã sang ngày thứ hai
Ngủ sâu ngon giấc một đêm dài
Sáng nay đoàn sẽ về Lệ thủy
Chiều - Vũng Chùa Đảo Yến -trồng cây

ĐỒNG HỚI, 22/1/2021
Đỗ Quang Việt Trỗi 2
(*) Đoàn gồm đại diện các khóa từ 2 đến 9
(**) Các cháu phục vụ ở Restorant


Trước cửa restaurant MINH HỒNG ở tp Vinh



NHẬT KÝ TRỒNG CÂY 2
Hôm nay, đoàn lính Trỗi về trồng cây ở Vũng Chùa đã về dâng hương tại nhà tưởng niệm Đại tướng ở thôn An Xá xã Lộc Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình.
ĐẠI TƯỚNG CỦA LÒNG DÂN

Chinh chiến đất trời hơn bách xuân
Tâm luôn trong sáng tựa trăng rằm
"Văn lo việc nước Văn thành Võ
Võ hiểu lòng dân Võ hóa Văn"

Thăng Thánh hòa hồn thiêng sông núi
Từ NGƯỜI ANH CẢ của ba quân
Đảo Yến chốt ngăn muôn trùng sóng
Vũng Chùa thanh thản giấc ngàn năm

Đồng Hới, 22/1/2021
Đỗ Quang Việt Trỗi 2




NHẬT KÝ TRỒNG CÂY 3
Buổi chiều 22/1, đoàn đã về VŨNG CHÙA viếng mộ ĐẠI TƯỚNG, báo cáo và xin phép bác về việc trồng cây góp phần tạo thêm màu xanh khu vực người yên nghỉ
CHÚNG CON VỀ THĂM BÁC HÔM NAY

Chúng con về thăm bác hôm nay
Nơi Bác nằm nghe sóng đêm ngày
Thuở nào đánh tan quân cướp nước
Giờ đang an nghỉ tháng năm dài

Vong linh hòa hồn thiêng sông núi
Khí chất còn rọi sáng tương lai
Con cháu quây quần vui xum họp
Xin góp thêm màu xanh nơi đây

Vũng Chùa, 22/1/2021
Đỗ Quang Việt




NHẬT KÝ TRỒNG CÂY 4
Chiều qua cả đoàn đã về thắp hương bác ĐỒNG SỸ NGUYÊN thân phụ cặp sinh đôi THẾ BẮC - QUANG VIỆT Trỗi 5. Tấn Lợi đã vượt 600km đưa ra Vũng Chùa 27 cây bàng vuông để sáng nay trồng. Đêm qua đoàn nghỉ ở thị xã Ba Đồn.
Sáng nay, 8h00 đoàn xuất phát từ BA ĐỒN về lại VŨNG CHÙA để trồng cây tiếp và làm lễ đặt bia kỷ niệm rồi xin phép bác về các nơi.
Sau khi chụp ảnh lưu niệm,các đoàn đã chia tay nhau tỏa về các nơi, kết thúc chiến dịch.
HÀNG CÂY DÂNG BÁC

Từ Bắc Trung Nam tụ về đây
Xin bác cho trồng ở chốn này
Hàng Săng lẻ Trường Sơn năm ấy
Rặng Bàng vuông Biển đảo hôm nay

Gửi gắm mây ngàn khi đêm đến
Cậy nhờ gió biển buổi ban ngày
Tấm lòng thơm thảo dâng lên bác
Góp chút màu xanh say đắm say

23/1/2021
Đỗ Quang Viêt




NHẬT KÝ TRỒNG CÂY 5
Sau khi hoàn tất công việc trồng cây, đặt đá bia và chụp ảnh lưu niệm, đoàn Hà Nội lên xe bắc tiến. Ngô Thế Vinh liên lạc với Quốc Sủng và Thúc Minh nhờ thu xếp bữa trưa. Đến Vinh lại cụng ly, lại râm ran chuyện. Chuyến đi đã thành công mỹ mãn. Đoàn lên đường nhằm Hà Nội thẳng tiến. Thật vui khi nhờ có chuyến đi tuyệt vời này mà quen thêm bao bạn Trỗi.

ĐƯỜNG VỀ
Mấy bữa cùng nhau vui thật vui
Việc chính giờ đây tốt đẹp rồi
Thời tiết ba hôm đều thuận lợi
Nắng llung inh ấm tỏa đất trời

Mười giờ chúng con xin phép bác
Tạm biệt Vũng Chùa tỏa muôn nơi
Bắt tay ôm chặt lòng bịn rịn
Đảo Yến xa dần giữa chơi vơi

Quá trưa hò hẹn với thành Vinh
Lại gặp nhau vui với bạn mình
Mồi ngon rượu bổ cùng nâng chén
Vui cùng Quốc Sủng với Thúc Minh

Hôm kia nhiều bạn chưa biết nhau
Nhưng tình cảm Trỗi vẫn đậm sâu
Niềm vui đầy ắp râm ran chuyện
Như thể từng thân thiết từ lâu

Cuộc vui nào rồi cũng phải xong
Chia tay nỗi nhớ để trong lòng
Chúc cho tất cả luôn vui khỏe
Đạt hết mọi điều như muốn mong

23/1/2021
Đỗ Quang Việt





Xem:
Kế hoạch trồng cây ở mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngày 23/1/2021, tại Vũng Chùa, Quảng Bình, BLL trường VHQĐ - TSQ Nguyễn Văn Trỗi (1965 - 1970) tổ chức sự kiện "Trồng cây nhân kỉ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng (25/8/1911 - 25/8/2021)" (dự kiến: trồng 103 cây báng, săng lẻ, xoài, phi lao, bàng vuông).
Sáng sớm ngày 21/1, đoàn xe chở thầy trò phía Bắc sẽ xuất phát từ Bảo tàng QĐ trên đường Điện Biên Phủ, HN và trở về vào chiều 23/1/2021.
Anh em TPHCM sẽ bay ra Quảng Bình vào ngày 22/1 và trở về TPHCM vào ngày 24/1/2021.
Cây đã được 1 Cty lâm nghiệp chuyên trồng tại Vũng Chùa tuyển chọn giống, sau khi trồng sẽ chăm sóc cho đến khi ra mầm xanh mới bàn giao.
Tran Kienquoc

0 comments:

Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)

- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>