THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 41/b
Thứ Sáu, tháng 2 27, 2015CHƯƠNG I: BUỔI ĐẦU
“Không có cái gì phát sinh ra được từ cái không có gì, và cái gì đã có thì không thể bị hủy diệt”.
Empédocle
(tiếp theo)
Trước thời Hi Lạp cổ đại rất lâu, loài người, nhất là các dân tộc cổ đại phương Đông đã quan sát, và chiêm nghiệm Vũ Trụ. Quá trình đó kéo dài suốt hàng ngàn năm đã giúp nhân loại đúc kết được không ít những hiểu biết đúng đắn, dù sơ khai về “hoạt động” và mối quan hệ của những sự vật - hiện tượng hiện hữu trên bầu trời như Mặt Trời, Mặt Trăng, một số hành tinh và các vì tinh tú.
Kế thừa những thành quả quan sát Vũ Trụ đó, các nhà thông thái của nền văn minh Hi Lạp cổ đại tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu, làm sâu sắc thêm những hiểu biết thiên văn của họ. Đặc biệt là sau khi hình học Ơclít ra đời như là một hệ thống hoàn chỉnh và được thời bấy giờ thừa nhận là chân lý tuyệt đối, thì sự quan sát và nghiên cứu thiên văn trở nên sôi nổi và trở thành một ngành khoa học tương đối độc lập. Thành tựu tột bậc mà nó đạt được chính là công trình của Ptôlêmê.
Trước hết chúng ta nói đến quan niệm của Pitago, người cho rằng nguồn cội của Vũ trụ là những con số. Theo Pitago, Trái đất phải là hình cầu vì hình cầu là biểu hiện hoàn hảo của toán học. Ở Trung tâm Vũ Trụ, có một ngọn lửa lớn nhưng không nhìn thấy được. Quay xung quanh nó là 9 thiên thể. Nhưng theo quan sát thời đó thì chỉ có 6 thiên thể là Trái Đất, Mặt Trăng, Mặt Trời, sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ. Theo Pitago thì số lượng của thiên thể phải là 10 vì đó là con số hoàn hảo. Cho nên ông đã thêm một thiên thể nữa là “đối-Trái Đất” để cùng với ngọn lửa lớn ở Trung tâm Vũ Trụ, hợp với các thiên thể nêu trên thành 10. Chức năng của “đối-Trái Đất” là bảo vệ cho Trái Đất khỏi sự thiêu đốt của ngọn lửa ở Trung tâm Vũ Trụ. Cũng vì Vũ Trụ là hoàn hảo nên các thiên thể quay quanh Trung tâm Vũ Trụ một cách đều đặn trên những quĩ đạo là đường tròn tuyệt đối.
Có thể rằng hệ thống đó của Pitago là hệ thống Vũ Trụ mang “hơi hướng cơ học” đầu tiên của thời Hi Lạp cổ đại. Đối với quan niệm ngày nay thì nó hoàn toàn ngây ngô và có vẻ buồn cười. Thế nhưng vào thời xa xưa đó thì chúng ta cho rằng hình dung ra được một hệ thống Vũ Trụ có cấu tạo như vậy là một bước nhảy xuất sắc về nhận thức. Đến tận thế kỷ XXI này mà những quá trình xem xét, suy lý, giải thích, chứng minh… về vấn đề nào đó trong tư duy của con người vẫn không thể gạt bỏ được sự chi phối mạnh mẽ, có tính bản năng, vô thức của cảm nghiệm trực giác về thực tại, huống hồ là vào thời kỳ tri thức khoa học vẫn còn ở giai đoạn triển khai đầy manh mún với nhiều kết luận được suy ra một cách trực tiếp và hoàn toàn định tính từ hiện thức khách quan mà con người có thể trực giác được trên nền tảng nhận thức cũng đầy hạn chế của mình. Niềm tin vào cảm nghiệm là một tất yếu của tư duy. Có hai loại cảm nghiệm là cảm nghiệm từ quan sát trực giác và cảm nghiệm từ chứng minh lôgíc và suy lý. Hai hình thức cảm nghiệm đó làm tiền đề của nhau, chuyển hóa lẫn nhau, làm động lực thúc đẩy nhau phát triển, kéo theo sự phát triển ngày càng sâu rộng của nhận thức Tự Nhiên, mà trong buổi đầu thai nghén của khoa học, cảm nghiệm trực giác là cơ sở chủ yếu để tạo dựng niềm tin. Vào thời Pitago cái cảm nghiệm trực giác về sự đứng yên của Trái Đất trong Vũ Trụ hoàn toàn thống lĩnh tâm tưởng con người và được coi như một hiển nhiên không thể chối cãi. Ấy vậy mà Pitago lại xây dựng một hệ thống Vũ trụ mà trong đó, Trái Đất cùng với các thiên thể khác quay quanh một ngọn lửa lớn ở trung tâm Vũ Trụ, thì đó là một suy tưởng thực sự táo bạo và chắc rằng gây không ít sửng sốt cho nhiều nhà thông thái đương thời. Hơn nữa cái ý niệm về tất cả các thiên thể từ Trái Đất, Mặt Trời, Mặt Trăng, đến các sao Thủy, Hỏa… đều quay quanh một Trung tâm duy nhất ấy không phải là hoàn toàn vô lý nếu so với kết luận ngày nay về một Thái dương hệ quay xung quanh trung tâm của dải Ngân Hà.
Ý niệm về Trái Đất chuyển động của Pitago đã đi ngược lại cái cảm nhận trực giác về một Trái Đất đứng yên tuyệt đối và chỉ có các thiên thể là chuyển động (hình như) là quanh nó. Rất có thể vì vậy mà sự phán đoán còn đầy tính mơ hồ đó đã không được Platon, ông tổ của “thế giới ý niệm”, thừa nhận. Nhà triết học nổi tiếng này chỉ tiếp thu một số ý tưởng của Pitago để xây dựng nên một mô hình Vũ Trụ địa tâm: Trái Đất nằm tĩnh tại ở trung tâm của Vũ Trụ và bên ngoài nó còn một mặt cầu thứ hai chứa các hành tinh và các ngôi sao. Mặt cầu này quay đều liên tục cho nên từ Trái Đất mới quan sát thấy sự chuyển động đều đặn của các vì tinh tú cũng như của các hành tinh.
Tuy nhiên, các hành tinh dù cũng như các vì sao, đều chuyển động trên bầu trời đêm từ đông sang tây, nhưng sau mỗi đêm, chúng lại thay đối so với các vì sao theo hướng xê dịch dần từ tây sang đông. Hơn nữa những dịch chuyển này của những hành tinh lại không đều đặn. Đôi khi chúng có vẻ như dừng lại rồi đổi hướng chuyển dịch so với các vì sao (hiện tượng nàu được gọi là chuyển động “lùi”), nghĩa là di chuyển từ đông sang tây trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó mới trở lại dịch chuyển bình thường (nghĩa là từ tây sang đông).
Mô hình Vũ Trụ của Platon đã không thể giải thích được hiện tượng chuyển động lùi của các hành tinh, do đó Eudoxe (405-350 TCN), nhà nghiên cứu thiên văn và toán học đã phải bổ sung cho mô hình Vũ Trụ đó các mặt cầu đồng tâm cho mỗi hành tinh. Tổng cộng, ông này đã phải dùng tới 27 mặt cầu bổ sung để giải thích những quan sát thiên văn đường thời.
Arixtôt tiếp thu mô hình Vũ Trụ địa tâm của Platon đã được Eudoxe điều chỉnh và bổ sung, để tiếp tục bổ sung và chỉnh sửa nó. Ông đã tăng số lượng mặt cầu phụ từ 27 lên 55 cái để giải thích các kết quả quan sát thiên văn chính xác hơn trong thời của ông. Đặc biệt, Arixtốt còn đưa ra quan niệm (sai lầm) rằng mặt cầu của mặt trăng là phân giới giữa Vũ Trụ bên ngoài hoàn hảo và bên trong, gồm Trái Đất và Mặt Trăng, không hoàn hảo. Ở thế giới không hoàn hảo, vạn vật đều được cấu thành từ bốn “nguyên tố” là đất, nước, không khí, lửa và luôn luôn tồn tại sự sống, già nua, chết chóc. Chuyển động ở thế giới này luôn theo chiều thẳng đứng: không khí, lửa bốc lên trên còn nước và đất rơi xuống. Mặt Trời và các ngôi sao thuộc về thế giới hoàn hảo nên chúng là vĩnh cửu chuyển động của các hành tinh, vì sao ở thế giới này là tròn đều và vĩnh viễn…
Khi quan sát thiên văn thấy ở hệ thống hình học Ơclit một công cụ hỗ trợ đắc lực về kết hợp chặt chẽ với nó để quan sát, đo đạc một cách định lượng quĩ đạo chuyển động của các tinh cầu trên bầu trời, nhằm giải thích những hiện tượng mà quan sát thiên văn đã phát hiện được, thì cũng là lúc xuất hiện một ngành nghiên cứu khoa học tương đối độc lập với triết học, gọi là ngành nghiên cứu thiên văn. Nghiên cứu thiên văn thưở ban đầu chủ yếu là dựa vào những hiểu biết về hình học để làm cơ sở đưa ra những minh chứng cho những nhận định từ kết quả quan sát.
Dù nghiên cứu thiên văn thời Hi Lạp cổ đại có thể là “dựa” hoàn toàn vào hình học chăng nữa thì cũng không thể thuộc về toán học được, bởi vì đối tượng nghiên cứu của nó là những thực thể chuyển động, vốn sẵn có trong hiện thực khách quan và mục đích nghiên cứu của nó là tìm ra quy luật của những chuyển động ấy. Do vậy phải cho rằng đó là bộ phận, là một chuyên ngành của vật lý học, và gọi là “vật lý thiên văn”.
Có thể thấy vật lý học nói chung, trước và sau thời Ácximét là không có những phát triển đặc sắc thậm chí là chậm chạp này kéo dài xuyên suốt cả thời trung cổ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hình thành và phát triển của vật lý thời kỳ đầu (còn gọi là tiền vật lý) là do mới thoát thai ra từ triến học nên phương pháp nghiên cứu của nó vẫn chủ yếu là dựa vào suy lý định tính có phần xa với kiểm nghiệm thực tiễn. Trong tình hình đó, công trình bách khoa đồ sộ của Ariztốt ra đời cùng với sự sáng tạo ra “Lôgic hình thức” - một phương pháp “kiểm chứng” độ tin cậy của lập luận trong tư duy suy lý của ông đã như một mặt trời chân lý chói lọi cho mọi lĩnh vực kha học đương thời hướng về. Niềm tin vào những nhận thức vật lý “kiểu” Arixtốt, rất lâu về sau vẫn còn ngự trị trong vật lý học là một minh chứng. Thêm một nguyên nhân không kém phần quan trọng làm cho tiền vật lý “ì ạch” có thể là thiếu hẳn sự đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn cuộc sống. Bởi vì nếu có phát sinh những đòi hỏi ấy thì chúng cũng được giải quyết nếu có phát sinh những đòi hỏi ấy thì chúng cũng được giải quyết ngay một cách “thực dụng” tại “hiện trường” nhờ sự hỗ trợ đắc lực và cũng đủ “mỹ mãn” của toán học. (Còn nếu toán học chưa đủ đáp ứng thì bản thân nó sẽ được ưu tiên nghiên cứu trước chứ không phải vật lý học, hướng nghiên cứu khoa học mà ngay đến khái niệm về nó cũng chưa hình thành).
Quan sát thiên văn thời cổ đại không thấy điều gì khác ngoài các vì sao và hành tinh, cũng như những quĩ đạo chuyển động của chúng vạch vẽ trên bầu trời. Để tìm hiểu vì sao lại có những sự sắp xếp và chuyển động tự nhiên đó, các nhà thông thái của Hi Lạp cổ đại trước tiên và không còn cách nào khác là dựa vào các kết quả quan sát ít ỏi đã có để suy lý, hình dung ra một hệ thống Vũ Trụ khả dĩ phù hợp. Sau đó, do xuất hiện những kết quả (định tính) mới trong quan sát thiên văn không trùng khớp, thậm chí là trái ngược với những quan sát trước đó gây ra những nghi ngờ đối với mô hình Vũ Trụ đã đề xướng. Những nghi ngờ đó đòi hỏi các kết quả quan sát phải cụ thể hơn, chính xác hơn, dẫn đến phải định lượng những khác biệt nảy sinh từ các kết quả quan sát, để trên cơ sở đó mà tìm cách giải quyết rốt ráo những mối nghi ngờ, biện minh, bảo vệ cho mô hình Vũ Trụ đã có hoặc phản bác nó.
Những hiểu biết ban đầu về hình học đã từng sát cánh với loài người từ trước đó xa xưa trong công cuộc quan sát bầu trời, đo đạc để xác định thời gian trên mặt đất, để xác định sự thay đổi có tính tuần hoàn của khí hậu thời tiết mà phục vụ lao động, sản xuất. Lúc này đây, những hiểu biết hình học đã đạt đến trạng thái là một hệ thống toán học hoàn chỉnh và trở thành công cụ tuyệt diệu nhất, phục vụ đắc lực nhất cho yêu cầu của nghiên cứu thiên văn.
Như vậy, sự ra đời của vật lý thiên văn là một tất yếu và cũng tất yếu rằng nó phải đóng vai trò là bước đi tiên phong trong quá trình hình thành của vật lý học như lịch sử đã chứng tỏ. Hơn nữa, có thể tiên đoán rằng, rồi đây, vật lý thiên văn sẽ đóng vai trò là bước đi chung cục trong quá trình hoàn thành của vật lý học ở tương lai.
Tới thế kỷ II (sau CN), vật lý thiên văn đã thực hiện được các quan trắc thiên văn ngày càng chính xác hơn để có thể mô tả đúng đắn hơn chuyển động của các thiên thể và đã xác lập được một bản đồ Vũ Trụ gồm hơn 1000 sao. Các nhà thiên văn thời kỳ này vẫn quan niệm về một Vũ Trụ địa tâm và thừa nhận về cơ bản thuyết dịa tâm của Arixốt. Nghĩa là họ vẫn cho rằng Trái đất đứng yên ở trung tâm Vũ Trụ, bao quanh Trái Đất có 7 mặt cầu pha lê trong suốt. Gắn trên chúng là Mặt Trời, Mặt Trăng và 5 hành tinh. Các mặt cầu này chuyển động liên tục và tuyệt đối đều đặn. Ngoài cùng là một mặt cầu đứng yên, trên đó có gắn vô vàn các vì sao bất động. Tuy nhiên, dần dần những phát hiện thiên văn mới, chính xác hơn đã làm nảy sinh ra những mâu thuẫn nan giải giữa các kết quả quan sát và lý thuyết của Arixtốt. Qua quan sát họ thấy rằng các hành tinh (các mặt cầu) chuyển động không phải là tuyệt đối đều đặn mà có lúc nhanh lúc chậm, thậm chí là giật lùi rồi lại tiến lên, vẽ thành những vòng nhỏ kiểu thòng lọng của quĩ đạo hành tinh. Thuyết địa tâm theo tinh thần của Arixtốt đứng trước một thử thách nghiêm trọng thực sự!
Có người kể rằng hình như có một người nào đó tên là Aristarchus, trên những dữ liệu thu thập được, đã giải thích được hiện tượng chuyển động không đều của các hành tinh theo mô hình lấy mặt trời làm tâm Vũ Trụ.
Ptôlêmê (C. Ptolemaeus, khoảng 90-168) là nhà địa lý cổ Hi Lạp, người sáng lập ra môn bản đồ học, đồng thời là nhà nghiên cứu thiên văn sáng chói. Chính ông là người đã giải quyết được một cách rốt ráo những mâu thuẫn nói trên, không những bảo vệ được mà còn phát triển thuyết địa tâm đạt đến sự hoàn thiện của nó với tên gọi mà sau này hậu thế luôn nhắc tới: “Thuyết địa tâm của Ptôlêmê”.
Để giải thích sự chuyển động không đều đặn của các hành tinh, Ptôlêmê đã có một ý tưởng tài tình là không gắn cố định các hành tinh vào những mặt cầu chuyển động nữa mà tách chúng ra đặt trên những vòng tròn nhỏ gọi là các “ngoại luân” có tâm cố định trên các mặt cầu chuyển động. Các hành tinh cũng chuyển động trên các vòng tròn “ngoại luân”. Như vậy, trong khi mỗi hành tinh chuyển động trên vòng tròn “ngoại luân” của nó thì đồng thời coi như cũng chuyển động theo mặt cầu chuyển động được Ptôlêmê gọi là “nội luân”) của nó. Tổng hợp hai chuyển động này là chuyển động thực của hành tinh.
Với thuyết địa tâm của mình, Ptôlêmê đã không những mô tả được chuyển động thực của các hành tinh mà còn tính toán được một cách chính xác vị trí của các hành tinh trên bầu trời vào những thời điểm cho trước. Đó là thành tựu thực sự lớn lao không riêng gì của Ptôlêmê mà của cả vật lý thiên văn thời cổ đại. Cũng chủ yếu vì thế mà thuyết địa tâm của Ptôlêmê đã trở thành chân lý trong niềm tin hầu như tuyệt đối của nhân loại trong suốt 14 thế kỷ tiếp theo đó.
Toàn bộ những lý thuyết về thuết địa tâm cùng các phép tính toán và các bảng ghi vị trí của các hành tinh trên bầu trời ứng với những thời điểm nhất định của Ptôlêmê đều được ông trình bày trong bộ sách lớn nhất của đời mình có tên là “Almagest” (có lẽ được phiên âm ra từ tiếng Ả Rập, nghĩa của nó có người cho là “tác phẩm lớn”, có người cho là “Hệ thống Vũ Trụ”, không biết đúng sai thế nào). Bộ sách này gồm 13 tập, mà nội dung của nó là tổng hợp, đúc kết toàn bộ tri thức thiên văn từ thời Ai Cập, Babylon, Hi Lạp cổ đại đến lúc đó. Đó là tác phẩm được cho là chính thống, được các nhà thiên văn ở Trung cận đông và Châu Âu thừa nhận và sử dụng phổ biến cho tới thế kỷ XVI. Thậm chí là đến tận thế kỷ XVII, khi J. Keple đưa ra các bảng phân tích thì tác phẩm mới mất ý nghĩa thực tế và giá trị khoa học.
Có một nét đặc biệt, đáng lưu ý trong quan niệm của Ptôlêmê về công việc nghiên cứu khoa học, đó là ông thường đưa ra nhiều mô hình, nhiều giả thiết khác nhau để giải thích cùng một hiện tượng một cách thỏa đáng nhưng vì những mô hình và giả thiết đó là do bộ não con người nghĩ ra nên chưa chắc và cũng không nhất thiết thực tại phải vận hành đúng như thế.
Đến thế kỷ V, nhà toán học Proclus (412-485) cũng đi đến kết luận là có thể dùng nhiều giả thiết toán học khác nhau để lý giải một hiện tượng thực tại duy nhất nào đó và đều hợp lý, không “vấp phải” bất cứ mâu thuẫn lôgic nào, giống như có thể đặt ra nhiều cách giải và đều cho đáp án đúng đối với một bài toán.
Sau này người ta mới biết được, những trường hợp kiểu hai hay nhiều mô hình không tương thích nhau, thậm chí là ban đầu được thiết lập nhằm mục đích tìm hiểu vấn đề ở những lĩnh vực khác nhau, lại có thể được ứng dụng để làm sáng tỏ một cách đúng đắn về diễn biến và cả bản chất của một sự vật - hiện tượng trong thực tại, xuất hiện rất hiều trong nghiên cứu khoa học, nhất là trong vật lý học, đến nỗi có thể nói là phổ biến. Chẳng hạn, có thể dùng định luật phản xạ ánh sáng trong quang hình học để giải thích diễn biến của sự va chạm đàn hồi giữa viên bi-a với thành bàn, nhưng trong một chừng mực nào đó và theo một biện luận nào đó, cũng có thể giải thích được hiện tượng, trên cơ sở nguyên lý bình thông nhau trong cơ học chất lỏng. Và ngược lại, thậm chí có thể lập nên được biểu thức của hiện tượng phản xạ ánh sáng trên cơ sở nguyên lý tác động tương hỗ và tổng hợp lực trong cơ học Niutơn. Nhưng tại sao lại có tình hình như thế?
Đối với một hiện tượng xảy ra trong thực tại (vật lý) thì ở những góc độ quan sát khác nhau sẽ thấy tương đối khác nhau. Những khác biệt đó là những biểu hiện đặc thù của hiện tượng do chính tính chủ quan của quan sát tại các góc độ quan sát khác nhau gây ra, bởi vì sự diễn biến của hiện tượng khách quan là duy nhất đối với bản thân nó. Một khi chuyển đổi được (và chắc chắn là được), bằng con đường toán học chẳng hạn, các kết quả thu được từ các góc độ quan sát về cùng một gốc quan sát nào đó thì các kết quả sẽ như nhau, trở thành kết quả quan sát duy nhất. Trường hợp ngược lại, trước một hệ quan sát duy nhất, nếu xuất hiện nhiều hiện tượng diễn biến hoàn toàn khác nhau nhưng thực ra là có bản chất như nhau thì hệ quan sát có thể dùng mô hình được lập ra cho việc giải thích (rốt ráo được) một hiện tượng nào đó để giải thích đúng hoặc gần đúng một hiện tượng khác trong số các hiện tượng đó, đồng thời từ đó có thể phát hiện ra cái bản chất chung nhất, tổng quát nhất của chúng. Giả dụ, trên cơ sở công thức tính vận tốc góc của một chuyển động tròn đều, hoàn toàn có thể suy ra công thức giao động của con lắc toán học và cả của sự lan truyền sóng nước…, rồi từ đó, có thể rút ra được một trong những đặc điểm cơ bản và phổ biến của vạn vật - hiện tượng là vận động có tính chu kỳ cũng như đặc điểm được tạo dựng làm cho hiện hữu thì cũng phải bị tàn phá để kết thúc hiện hữu của chúng.
Những sự kiện xuất hiện không hiếm trong nghiên cứu khoa học như thế và cả sự có những sự vật - hiện tượng khác nhau mang nét này nét kia giống nhau hiện hữu “nhan nhản” trong thực tại khách quan, chứng tỏ thực sự là có sự hoạt động của một trong những nguyên lý cơ bản cuả Tự nhiên Tồn tại: Nguyên lý tương tự. Sự tương tự trong tồn tại và vận động của nhiều sự vật - hiện tượng (có vẻ) khác nhau về bản chất chính là một minh chứng cho đặc tính vừa thống nhất vừa không thống nhất của thế giới khách quan. Tồn Tại là vốn dĩ, là một thể chất Không Gian thống nhất chuyển hóa phân lập đến tuyệt cùng theo nguyên lý duy nhất là Tự Nhiên để đảm bảo Tồn Tại. Vì vậy mà nguyên lý Tự Nhiên cũng là cội nguồn của mọi nguyên lý, mọi qui luật tồn tại và vận động của mọi thực thể trong Vũ Trụ - những dạng biểu hiện đặc thù của thể chất Không Gian.
Được sinh ra từ cùng một thể chất nền tảng và phải vận động theo những nguyên lý có chung một cội rễ sâu xa nên giữa vạn vật - hiện tượng khác nhau không nhiều thì ít phải thể hiện ra những nét tương đồng. Đó là nội dung của nguyên lý tương tự.
Có thể nói rằng, nhờ có nguyên lý tương tự mà thuyết địa tâm của Ptôlêmê, dù phản ánh sai lầm bức tranh thực tại, vẫn giải thích khá thỏa đáng sự chuyển động của các hành tinh và thậm chí là tính toán được vị trí của chúng trên quĩ đạo (giả tạo) trong một thời điểm nào đó. Cũng vì thế mà hệ thống địa tâm của Ptôlêmê đã đóng vai trò là thành tựu lớn lao và cuối cùng của vật lý học thời cổ đại, đồng thời còn phục vụ không kém phần đắc lực cho nhân loại như một chân lý khoa học suốt 14 thế kỷ.
Nhìn chung, sau công trình thiên văn của Ptôlêmê, nghiên cứ triết học bước vào giai đoạn thoái trào, vật lý học với đối tượng nghiên cứu chủ yếu lúc đó là thiên văn cũng cùng chung số phận: hết sức trí tuệ, hầu như không có một phát kiến có tính bứt phá, nổi trội nào. Tình trạng ì ạch đó đã kéo dài rất lâu trong lịch sử và có nguyên nhân chủ yếu là chiến tranh tương tàn và sự đầu độc, thống trị hà khắc về mặt tư tưởng của tôn giáo.
Theo “lịch sử thế giới cổ đại” (Lương Ninh chủ biên, NXB Giáo dục, năm 2006) thì bán đảo Italia (nước Ý ngày nay) cùng với ba đảo lớn gần nó (đảo Nixin ở phía nam, đảo Coócxơ và Xácđenhơ ở phía tây) là nơi quần cư khá sớm của người Châu Âu. Trước thiên niên kỷ II TCN, người Liqua (Liguses) đã sinh sống ở đây. Đến đầu thiên niên kỷ II TNC thì nhiều bộ lạc ở phía bắc đã vượt qua dãy núi Anpơ, tràn vào định cư các vùng Campanium, Latium và Bơrúttium. Đến cuối thiên niênkỷ II TCN lại có thêm một đợt thiên di mới của người Châu Âu từ phía bắc xuống nữa. Quá trình hội tụ và phá triển dân cư đó đã làm hình thành nên một cộng đồng dân cư được gọi chung là người Italiốt (Italiotes). Vào khoảng thế kỷ X TCN, người Êtơruxcơ từ Tiểu Á cũng thiên di sang bán đảo Italia, sống định cư chủ yếu ở vùng giữa sông Ácnơ và sông Tibrơ.
Khoảng thế kỷ VIII TCN, người Hi Lạp đặt chân đến miền Nam Italia, đảo Xixin, thiết lập nhiều thành bang (quốc gia thành thị) ở đó. Miền cực Nam Italia cũng như đảo Xixin dần trở thành bộ phận của đế quốc Hi Lạp và được gọi là vùng Đại Hi Lạp. Nền văn minh Hi Lạp cổ đại bắt đầu từ Đại Hi Lạp lan tỏa ra khắp bán đảo Italia. Đây cũng chính là khoảng thời gian chữ La tinh của người Italia được hình thành trên cơ sở chữ Hi Lạp.
Về sau, còn có người Xentơ (hay còn được gọi là người Galia) cũng vượt dãy Anpơ tràn xuống định cư trên những vùng đất đai phía bắc bán đảo và vùng đồng bằng sông Pô. Đến khoảng giữa thế kỷ I TCN, nói chung thì quá trình hội tụ dân cư đến bán đảo Italia đã hoàn thành và phân bố dân cư trên đó cũng đã tương đối ổn định.
Người Italiốt sống ở vùng Latium còn được gọi là người Latinh. Chính nhóm dân cư Latinh ở hạ lưu sông Tibrơ sẽ giữ vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng nên thành bang Rôma (còn gọi là La mã) mầm mống của đại đế quốc La mã hùng mạnh, làm chủ khu vực Địa Trung Hải sau này.
Theo truyền thuyết, thành Rôma do Rômulus xây dựng vào năm 753 TCN. Buổi đầu, đó là một thành thị nằm bên bờ sông Tibrơ ở miền Trung Italia với sự quần cư của 3 bộ lạc người Latinh. Về sau, sự phát triển về kinh tế - xã hội của Rôma làm cho nó trở nên hưng thịnh, thu hút nhiều cư dân Latium đến làm ăn sinh sống, tạo ra một xu hướng mở rộng lãnh thổ và trên thực tế, các khu nông thôn bao quanh thành Rôma tăng lên không ngừng, từ 16 khu vào thế kỷ VI TCN lên thành 26 khu vào thế kỷ V TCN và 35 khu vào thế kỷ IV TCN.
Quá trình vận động và phát triển kinh tế - xã hội đó cũng đồng thời làm xuất hiện mâu thuẫn ngày một gay gắt về quyền lợi giữa bộ phận người thuộc 3 bộ lạc Latinh đầu tiên và bộ phận người đến sau gọi là những người bình dân Pơlép (Plebs). Tầng lớp bình dân Pơlép ngày một đông đảo và cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, nắm vững và điều hành nhiều hoạt động sản xuất chủ chốt ở Rôma. Tuy nhiên, vì không được coi là dân Rôma gốc nên dù họ phải nộp thuế, làm nghĩa vụ quân sự thì vẫn không được hưởng nhiều quyền lợi về kinh tế và chính trị, vẫn bị đối xử bất bình đẳng so với dân Rôma gốc, chẳng hạn, họ không được chia ruộng đất công, không được xét xử trong tòa án Rôma, không được quyền kết hôn với công dân Rôma gốc, không được tham gia vào các hoạt động chính trị, điều hành lãnh thổ… Chính vì vậy mà tầng lớp bình dân Pơlép đã đứng lên đấu tranh ngày càng quyết liệt và bền bỉ để đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Do ảnh hưởng cuộc đấu tranh đó mà vào giữa thế kỷ IV TCN, Xécviút Tuliút (khoảng 540-530 TCN) đã tiến hành cải cách xã hội Rôma theo hình mẫu cải cách của Xôlông ở Hi Lạp. Theo PH. Ănghen thì đây là “cuộc cách mạng đã kết thúc chế độ thị tộc cũ”, thiết lập nên “một nhà nước mới chân chính”.
Cuộc cải cách của Tuliút tuy đã đáp ứng được một số đòi hỏi của người Pơlép, song chưa triệt để nên họ vẫn tiếp tục đấu tranh. Mãi tới năm 287 TCN, tức là sau gần 300 kể từ cuộc cải cách của Tuliút, cuộc đấu tranh đi đòi công bằng xã hội của người Pơlép mới đạt được kết quả tròn vẹn, dẫn tới sự thống nhất cộng đồng người Rôma, tạo nên khối công dân Rôma, cơ sở xã hội vững mạnh của thể chế cộng hòa.
Sau khi đã làm chủ được toàn bộ bán đảo Italia, thành bang Rôma tiếp tục mở rộng chinh phục ra khắp Địa Trung Hải và đến năm 146 TCN, sau khi đánh bại xứ Makêđônia, thì cũng làm bá chủ toàn bộ khu vực Địa Trung Hải rộng lớn. Thành bang Rôma non trẻ ngày nào đã trở thành một đại đế quốc La Mã với hình thái kinh tế xã hội chiếm hữu nô lệ.
Đặc tính cơ bản của chế độ chiếm hữu nô lệ là vì được hình thành sau những cuộc bành trướng lãnh thổ bằng con đường viễn chinh xâm lược nên ngay từ đầu nó đã phân tầng giai cấp triệt để giữa nô lệ mất hết quyền lợi và chủ nô đặc quyền đặc lợi, giữa bị trị bắt buộc và thống trị công khai. Tình hình đó làm cho mâu thuẫn xã hội có tính đối kháng gay gắt và đến một trạng thái nung nấu nào đó của sự vận động, chuyển hóa xã hội, nội chiến xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Từ thế kỷ II TCN đến thế kỷ I TCN, trên lãnh thổ của đế quốc La Mã đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh khởi nghĩa của nô lệ, từ hình thức giản đơn, tự phát phá hoại công cụ sản xuất, phá hoại mùa màng đến những cuộc khởi nghĩa vũ trang qui mô lớn làm lao đao tầng lớp thống trị. Có thể kể ra hai cuộc khởi nghĩa nô lệ làm tiêu biểu.
Năm 136 TCN, tại thành Enna trên đảo Xixin, do sự đối xử tàn bạo của chủ nô tên là Đômôphilốt mà nô lệ nổi dậy khởi nghĩa. Từ Enna, phong trào nổi dậy đấu tranh vũ trang của những người nô lệ nhanh chóng lan sang các vùng khác. Ở Agrigiăngtơ, thành phố phía tây – nam đảo Xixin, quân khởi nghĩa do Clêông lãnh đạo gồm khoảng 5000 người, sau khi làm chủ vùng này đã gia nhập với quân khởi nghĩa ở Enna, hợp thành một lực lượng mạnh mẽ, đánh bại đội quân 8000 người của nhà nước La Mã hoàn toàn làm chủ Xixin trong suốt 5 năm trời. Năm 132 TCN, nhà nước La Mã điều động một đội quân đông đảo do quan chấp chính Rapiliuxơ chỉ huy tấn công Xixin. Nghĩa quân đã anh dũng chống cự nhưng dần thất thế, phải rút vào cố thủ trong các thành Tôrômênium và Enna. Tuy nhiên, do bị quân La Mã vây hãm lâu ngày, lương thực thiếu thốn và lực lượng ngày một suy giảm nên hai thành đó lần lượt thất thủ. Clêông chết trong chiến đấu. Cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu với khoảng 20.000 nô lệ bị quân La Mã thảm sát mang tính trả thù hèn hạ.
Nhưng cuộc khởi nghĩa lớn nhất, tiêu biểu nhất của những người nô lệ thời cổ đại chính là cuộc khởi nghĩa do Xpáctacút lãnh đạo (73-71 TCN).
Cuộc khởi nghĩa này bắt đầu từ những nô lệ làm đấu sĩ (Glađiato) ở đấu trường Batiata thuộc thành phố Capu (Italia). Nô lệ đấu sĩ là những người đàn ông khỏe mạnh được chọn lựa từ hàng ngũ nô lệ, được cho rèn luyện võ nghệ tay không cũng như binh khí để phải ra đấu thí chí mạng ở các đấu trường mua vui cho các tầng lớp khá giả. Tại các đấu trường, không có trận đấu nào không có nô lệ đấu sĩ bị giết hại bởi mãnh thú hoặc bởi ngay chính đồng loại. Vì vậy, cuộc sống của các nô lệ đấu sĩ luôn căng thẳng và cũng thật vô vọng.
Năm 75 TCN, 200 đấu sĩ ở đấu trường Batiata âm mưu bỏ trốn nhưng vì kế hoạch bị lộ nên chỉ có 80 người thoát được, ở ẩn náu trên núi Vêduvơ, phía Nam Capu. Xpáctacút là người xứ Tơraxơ (Hi Lạp), trước đây từng đứng trong hàng ngũ quân Hi Lạp chống lại La Mã, bị bắt làm tù binh và trở thành nô lệ đấu sĩ. Ông là người bản lĩnh, thông minh, kiên quyết, biết tổ chức và có tài chỉ huy quân sự. Dưới sự chỉ huy của Xpáctacút, từ lực lượng nổi dậy ban đầu nhỏ nhoi ấy đã bùng phát lên nhanh chóng thành một cuộc khởi nghĩa to lớn. Nô lệ ở khắp Italia theo về ngày một đông, lực lượng nghĩa quân vì thế mà lên đến 70.000 người. Hầu hết vùng Nam Italia thuộc quyền kiểm soát của quân khởi nghĩa. Nhà nước La Mã đã đem quân tới đánh dẹp nhưng phải chịu thất bại.
Vào lúc cuộc khởi nghĩa nổ ra, đế quốc La Mã vẫn còn hùng mạnh. Lực lượng khởi nghĩa dù đông đảo thì cũng khó lòng địch nổi những đạo quân La Mã thiện chiến và được trang bị đầy đủ nếu ở lại miền Nam Italia. Thấy rõ điều đó, Xpáctacút đã vạch ra kế hoạch là hành quân lên phía bắc, vượt qua dãy Anpơ trở về quê hương Hi Lạp của ông để tiếp tục xây dựng lực lượng chiến đấu lâu dài. Thế nhưng trong nội bộ ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã có sự bất đồng ý kiến. Một bộ phận nghĩa quân chủ yếu là dân nghèo Italia muốn ở lại chiến đấu với quân La Mã trên quê hương họ. Thế là 20.000 quân khởi nghĩa cùng phó tướng Crikxuxơ tách ra thành một đội riêng. Đội quân khởi nghĩa này bị quân La Mã do quan chấp chính Hêliuxơ chỉ huy đánh tan, Crikxuxơ tử trận. Đạo quân còn lại do Xpáctacút chỉ huy vẫn tiếp tục phát triển lực lượng, quân số đạt tới 120.000 người. Lúc đầu, theo kế hoạch, Xpáctacút dẫn quân của mình tiến về phía bắc. Đến đó ông lại thay đổi kế hoạch, kéo quân ngược trở về hướng nam. Các nhà phân tích quân sự cho đến nay vẫn chưa hiểu rõ vì sao Xpáctacút lại thay đổi kế hoạch như vậy. Dù sao thì sự tồn tại của đạo quân khởi nghĩa mạnh mẽ đó đã gây ra sự lo lắng thực sự sâu sắc đối với chính quyền La Mã. Viện Nguyên Lão đã cử Crixiuxơ chỉ huy 10 quân đoàn tinh nhuệ đi đánh dẹp lực lượng khởi nghĩa nhưng không thu được kết quả. Kinh sợ, Viện Nguyên Lão phải vội triệu hồi cả Pompêiuxơ đang ở Tây Ban Nha và Luculuxơ đang làm thống đốc Makêđônia về tiếp ứng.
Quân khởi nghĩa tiến xuống mỏm Brutium ở Nam Italia, định vượt biển sang Xixin, nhưng do sự phản bội của bọn cướp biển, thuyền không có, nên kế hoạch của Xpáctacút không thành. Trong khi đó, đại quân của Craxinxơ vẫn đuổi gấp phía sau. Craxiuxơ triển khai chặn hết các đường rút quân của Xpáctacút rồi dồn quân khởi nghĩa xuống cực nam của bán đảo. Đến đây, quân La Mã nhanh chóng đào một hào rộng, đắp chiến lũy, lập một phòng tuyến dài 55 km cắt ngang vùng Bratium. Quân khởi nghĩa đã hoàn toàn lâm vào thế hiểm nghèo, bị bao vây bởi một phía là biển cả, một phía là lực lượng quân La Mã hùng hậu. Mặt khác, nội bộ quân khởi nghĩa lại bị chia rẽ, một số không đồng ý rút sang Hi Lạp, đã tách thành những đoàn quân nhỏ.
Mùa xuân năm 71 TCN, xảy ra trận kịch chiến giữa quân La Mã do Craxinxơ chỉ huy và quân khởi nghĩa do Xpáctacút chỉ huy, với kết cục thảm bại thuộc về những người nô lệ bất khuất. Hầu như toàn bộ lực lượng quân khởi nghĩa tham gia trận đánh đều bị giết chết. Bản thân Xpáctacút cũng hy sinh (nhưng sau này không ai tìm thấy xác của ông). Còn lại khoảng 6000 người bị bắt thì đều bị quân La Mã câu rút trên những cây gỗ có hình thập giá trồng dọc theo con đường từ Capu đến Rôma.
Tuy nhiên, phong trào khởi nghĩa chưa tắt hẳn, mãi tới năm 62 TCN, Côtaviuxơ mới tiêu diệt được bộ phận cuối cùng của những người theo Xpáctacút.
Có nguốn gốc từ sự bành trướng lãnh thổ bằng cách gây ra các cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo cho nên chế độ chiếm hữu nô lệ ở đế quốc La Mã mang đầy trong lòng nó biết bao nhiêu đau thương khốn khổ do nhân phẩm và quyền sống cơ bản bị chà đạp nghiêm trọng bởi lối cai trị độc đoán, chuyên quyền thô bạo và tàn nhẫn của giai cấp thống trị gây ra.
Bên cạnh cái mâu thuẫn đối kháng không dung hòa được giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, còn một mâu thuẫn nữa cũng mang tính tất yếu, cũng rất gay gắt và bản thân nó cũng góp phần quan trọng làm tăng thêm sự đau thương thống khổ của quần chúng lao động và nô lệ, đó là mâu thuẫn trong nội bộ giai tầng thống trị của chế độ chiếm hữu nô lệ man dại, nảy sinh ra từ sự thèm khát danh lợi đến mù quáng của con người. Chính mâu thuẫn này đã là nguyên nhân gây ra thường xuyên sự phân chia phe phái, đấu đá chém giết lẫn nhau một cách khốc liệt để tranh giành quyền lợi giữa các quí tộc, chủ nô, cũng như giữa những kẻ có địa vị trong bộ máy cai trị đế quốc.
Sau khi cuộc khởi nghĩa nô lệ do Spáctacút lãnh đạo bị đàn áp đẫm máu thì tầng lớp lao động cùng khổ trong cái đế quốc mênh mông ấy có lẽ cũng mất luôn hy vọng vào một cơ hội đổi đời, nhất là trong bối cảnh đế quốc La Mã đang ở giai đoạn hùng mạnh với bộ máy cai trị mạnh mẽ, sẵn sàng ra tay đàn áp khốc liệt của nó thì đối với họ là hoàn toàn vô vọng về một tương lai tương sáng. Tư tưởng bi quan, chán nản bao trùm lên xã hội của tầng lớp hạ lưu. Trong tình hình đó, các nhà tư tưởng của tầng lớp ấy đã suy tư nhằm lý giải hoàn cảnh xã hội tương phản sâu sắc giữa giàu và nghèo, giữa hạnh phúc và khổ đau đó, để tìm đến một sự giải thoát, một cứu cánh nào đó khả dĩ nhằm xoa dịu những đau thương, nhằm an ủi tâm hồn con người. Đó chính là những đau thương, nhằm an ủi tâm hồn con người. Đó chính là những bước đầu tiên về sự ra đời của đạo Kitô. Có thể nói đạo Kitô nảy mầm trong nỗi tuyệt vọng của con người, hay như Sáclơ Engsen, nhà sử học Pháp đã nói một cách chí lý: “Chúa Kitô đã thắng vì Spáctacút đã thua”.
Triết học Hi Lạp cổ đại đã đạt đến đỉnh cao nhất đối với trình độ nhận thức đương thời của con người về Tự Nhiên. Muốn tiếp tục phát triển lên nữa thì triết học buộc phải chờ đợi khoa học khám phá, phát kiến thêm những điều mới mẻ có khả năng mở rộng tầm quan sát trong thực tại khách quan hơn nữa làm cơ sở cho suy tư triết học. Chính vì vậy mà sau thời Hi Lạp cổ đại, triết học phương Tây và cả phương Đông trở nên bế tắc, quẩn quanh với câu hỏi có Thượng Đế hay không có Thượng Đế, để câu trả lời cuối cùng thường qui về là có Thượng Đế, vì nếu không có Thượng Đế thì vấp phải hàng loạt những câu hỏi khó trả lời hơn là có Thượng Đế và thậm chí là không thể trả lời được.
Sự bế tắc triết học đó và hoàn cảnh xã hội La Mã cổ đại đã sản sinh ra tư tưởng triết học duy tâm khắc kỷ mà hai đại diện nổi tiếng của nó là Sênếch (4 - 65) ở La Mã và Phulông (25 TCN - 50), người gốc Do Thái ở Hi Lạp. Theo Sênếch thì cuộc đời ở trần thế là giả dối, thân xác của con người chỉ là gánh nặng của tâm hồn, hạnh phúc và bình đẳng chỉ có được ở thế giới bên kia. Do đó ông khuyên mọi người không những nên từ bỏ lạc thú ở đời, sống thanh đạm và đạo đức, mà còn nên tin vào sự an bài của Thượng Đế, phục tùng theo số mệnh. Phulông thì cho rằng sự suy đồi về đạo đức và những tệ nạn xã hội đều do con người gây ra. Vì thế, ông chủ trương con người phải sống nhẫn nhục, không ngừng sám hối và hãy tin tưởng chờ đợi sự xuất hiện của một Đấng Cứu Thế (là trung gian giữa con người và Thượng Đế). Theo Ph. Anghen đánh giá thì Sênếch là “người chú” và Phulông là “người cha” của đạo Kitô. Tư tưởng duy tâm khắc kỷ chính là nền tảng tư tưởng của đạo Kitô.
Trên nền tảng tư tưởng ấy, giáo lý của đạo Kitô còn được xây dựng nên từ việc tiếp thu, kết hợp yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của các dân tộc vùng Địa Trung hải, nhưng chủ yếu là dựa vào Thánh kinh của người Do Thái.
Theo cuốn “Lịch sử tư tưởng Việt Nam” (tác giả Huỳnh Công Bá, NXB Thuận Hóa - 2007), khoảng hơn 1000 năm TCN, quốc gia Do Thái được thành lập theo chế độ quân chủ - chủ nô với vị vua anh hùng có tên là Đavit. Quốc gia này cũng nhiều lần hưng thịnh và suy vong. Đặc biệt, đến thế kỷ VI TCN, Do Thái bị nhiều nước tấn công, xâu xé. Mỗi lần bị xâm lăng như thế, người Do Thái lại phải lưu vong, hoặc trở thành nô lệ cho kẻ chiến thắng. Trong quá trình lưu vong, người Do Thái khôn nguôi nhớ về Tổ quốc và quá khứ oai hùng của dân tộc mình. Những nhà trí thức Do Thái lưu vong đã viết lại lịch sử của dân tộc dưới dạng thần thoại với một tinh thần tự hào về quá khứ và hy vọng ở tương lai. Cuốn sách đó sau này trở thành Kinh Thánh của người Do Thái. Đạo Kitô đã lấy Kinh Thánh của đạo Do Thái làm cơ sở cho việc xây dựng giáo lý của mình và gọi là Kinh Cựu Ước để phân biệt với Kinh Tân Ước viết về quá trình cứu chuộc của Chúa Giêsu.
Giêsu (Jésus Crist, được cho là sinh ra vào đúng năm đầu tiên của Công Nguyên - 1 - nhưng thực ra là sinh trước đó 5 năm) chính là người đã sáng lập ra đạo Kitô (Cristos, nghĩa là Đấng Cứu Thế). Theo truyền thuyết thì Giêsu là con của Đức Chúa Trời, đầu thai vào người con gái đồng trinh là bà Maria và được sinh ra tại Bétlêem vùng Palextin - một tỉnh của đế quốc La Mã. Chúa Giêsu là người rất thông minh. Lúc đầu, ông theo học các tu sĩ đạo Do Thái, sau đó rời bỏ họ. Năm 30 tuổi, ông tự nhận mình là thiên sứ, bắt đầu truyền giáo ở Giêrusalem đồng thời cũng làm việc chữa bệnh cứu người. Đạo của ông dạy mọi người phải lấy sự yêu mến tôn kính Đức Chúa Trời làm gốc, phải coi nhau như anh em một nhà, mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Ông khuyên mọi người phải nhẫn nhục chịu đựng mọi đau khổ ở đời, sau khi chết sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn nơi Thiên Đường. Ông lên án sự tàn ác của chính quyền La Mã, kêu gọi hòa bình và dự báo ngày diệt vong của đế quốc La Mã. Ông cũng đả phá sự giàu có và phán rằng người giàu mà lên được Thiên Đường cũng khó như lạc đà chui qua lỗ kim.
Giáo lý của Giêsu đã trở thành niềm an ủi và hy vọng đối với tầng lớp bị áp bức bóc lột nên người nghèo và nô lệ đã hưởng ứng ngày càng đông đảo. Tuy nhiên, thời gian truyền giáo của ông rất ngắn ngủi. Sau ba năm truyền đạo, ông bị giai cấp quí tộc chủ nô ở La Mã cho là kẻ gieo rắc tư tưởng phản loạn, tập hợp quần chúng chống đối, và đã kết tội ông. Mùa xuân năm 29, do có kẻ phản bội, Giêsu bị bắt và bị hành hình “đóng đinh câu rút” trên cột gỗ hình thập giá.
Sau khi Giêsu bị sát hại, các môn đồ của ông vẫn bí mật tiếp tục truyền bá giáo lý của đạo Kitô và dân chúng nghèo khổ vẫn tiếp tục hưởng ứng và ngày một đông đảo tin theo. Theo Ph. Ănghen nhận xét thì: “Nguồn gốc của Kitô giáo nguyên thủy là cuộc vận động của những người bị áp bức. Đạo đó xuất hiện trước hết như một thứ tôn giáo của người nô lệ và người bán tự do, của những người nghèo khó và những người bị tước hết mọi quyền lợi, của các dân tộc bị La Mã đô hộ hay đã bị làm cho tan tác”.
Trước sự phát triển của Kitô giáo, chính quyền La Mã thuở ban đầu đã ra sức và thẳng tay đàn áp các tín đồ. Năm 64, bạo chúa Nêrôn đổ tội cho các tín đồ gây ra vụ cháy ở La Mã và giết hại họ rất dã man. Nhà sử học Taxit viết: “Họ bị đóng đinh chết trên những cây thập giá, bị ném vào các đống lửa cho chết thiêu”. Các hoàng đế La Mã tiếp theo cũng truy nã ráo riết và khủng bố cũng như hãm hại tàn bạo những người truyền bá đạo Kitô. Mặc dù vậy, đạo này vẫn phát triển mạnh mẽ.
Dần dần, trong quá trình phát triển, có những người khá giả, chủ nô, quan lại và cả tướng lĩnh cũng theo Kitô giáo. Do vậy, thái độ của đạo Kitô đối với giai cấp thống trị cũng dần thay đổi, dẫn đến thỏa hiệp. Khẩu hiệu đối lập quyết liệt trước đó đối với chính quyền La Mã: “Hãy trả lại cho Xêda cái gì của Xêda và trả lại cho Chúa cái gì của Chúa” được thay bằng lời khuyên trong Kinh Phúc âm: “Hãy hiến dâng tất cả lòng trung thành cho Xêda và Chúa”. Bắt đầu từ đây, giai cấp thống trị đã thấy được ở Kitô giáo một công cụ tinh thần phục vụ đắc lực cho hoạt động cai trị của nó. Năm 313, Hoàng đế Conxtantinuxơ ban bố sắc lệnh xác nhận địa vị hợp pháp của đạo Kitô ở La Mã. Năm 337, ông này trước khi chết đã chịu rửa tội và là vị hoàng đế La Mã đầu tiên theo Kitô giáo. Đến thời Hoàng đế Têođôđiuxơ (379-395), Kitô giáo được chính thức công nhận là quốc giáo của đế quốc La Mã. Từ mục đích tốt đẹp ban đầu là an ủi quần chúng đau khổ, kêu gọi tình yêu thương đồng loại, lên án sự bóc lột tàn ác, đạo Kitô biến thái dần thành một công cụ phục vụ cho sự thống trị của chính quyền chuyên chế trong việc ru ngủ, mê hoặc, đánh lạc hướng quần chúng cần lao bị trị.
Chính vì vậy mà sau khi chế độ chiếm hữu nô lệ tan rã, để bảo vệ sự tồn tại đã biến thái về bản chất của đạo Kitô cũng như quyền lợi riêng tư của Giáo hội, đạo Kitô lại quay sang phục vụ đắc lực cho tầng lớp thống trị của chế độ phong kiến và đồng thời không ngừng củng cố thế lực của mình bằng mọi cách. Một trong những biện pháp đầu tiên nhằm tăng cường thế lực ích kỷ của mình là phải ra sức mê hoặc quần chúng theo đạo tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, nghĩa là phải xây dựng được một “đức tin” vô điều kiện vào những giáo lý của đạo Kitô. Để thực hiện được điều đó, giáo hội Kitô thời trung đại đã đưa ra và nhấn mạnh thuyết con người sinh ra ai cũng có tội. Do con người đầy tội lỗi như vậy, nên sau khi chết sẽ bị đày đọa ở địa ngục. Tuy nhiên giáo hội Kitô cũng rao giảng rằng nó có thể làm cho mọi người thoát khỏi sự trừng phạt sau khi chết để được hưởng hạnh phúc nơi thiên đường. Theo giáo hội Kitô thì tầng lớp giáo sĩ là những người được ban phúc lành vì khi họ nhận được những chức vụ thiêng liêng thì đồng thời cũng có những quyền lực thiêng liêng. Bằng các nghi lễ như rửa tội, cho ăn bánh thánh(!)... các giáo sĩ được nhân danh Chúa để ban phúc lành cho mọi người. Như vậy, giáo hội Kitô không những đã làm cho các tín đồ tin tưởng mù quáng vào sự cứu vớt do giáo hội đem lại cho họ mà còn tạo uy quyền rất lớn cho tầng lớp giáo sĩ. Trên cơ sở đã tạo được đức tin, giáo hội thường dùng biện pháp khai trừ giáo tịch đối với từng người hoặc cả xứ để đe dọa, trấn áp tinh thần mọi người nhằm buộc mọi người phải ngoan ngoãn phục tùng giáo hội.
Khi giáo hội Kitô bênh vực, bảo vệ quyền lợi cho tầng lớp thống trị trong chế độ phong kiến và đồng thời tìm mọi cách “ngấm ngầm” tăng cường quyền lực của nó trong xã hội để mưu cầu tồn tại thì trong lòng nó không thể không xuất hiện sự tranh giành quyền lực. Do đó mà nạn bè phái, sự chia rẽ (chưa kể đến nguyên nhân bất đồng quan niệm trong “niềm tin Thiên Chúa”) là không sao tránh khỏi. Đỉnh điểm phân liệt của Kitô giáo xuất hiện vào thế kỷ XI khi nó bị tách ra thành hai: đạo Công giáo (Catholique, có nghĩa là “tôn giáo phổ quát chung cho toàn thế giới) ở khu vực Tây Âu, đứng đầu là giáo hoàng, và đạo Chính thống (Orthodoxe, có nghĩa là “chính đạo” để phân biệt với “tà đạo”) ở khu vực Đông Âu và Trung Đông, phủ nhận quyền lực của giáo hoàng La Mã. Tuy chỉ có một số khác biệt về nghi thức lễ trưởng thành… nhưng hai đạo ấy lại hoàn toàn độc lập với nhau, nhiều khi coi nhau như thù địch.
Một trong vài ba yếu tố cực kỳ quan trọng, có tính chất nền tảng cho sự duy trì và phát triển thế lực của một tôn giáo là niềm tin của tín đồ vào nó. Một khi niềm tin đó bị sút giảm thì uy quyền của nó cũng sút giảm theo và nếu niềm tin đó bị hủy hoại nghiêm trọng thì uy quyền của tôn giáo cũng bị rạn vỡ, và thậm chí là dẫn tôn giáo đó đến sự tan rã. Trong cái viễn cảnh đáng sợ như thế, nhiều tôn giáo đã phải đi đến những giải pháp cực đoan, thậm chí là tội ác như hù dọa, dùng bạo lực… để duy trì thế lực, uy quyền. Điều này giải thích vì sao mà vào thế kỷ XII, trong bối cảnh phân lập tôn giáo làm dao động các tín đồ, giáo hội Công giáo đã thiết lập ra cái gọi là “tòa án dị giáo” vô cùng hà khắc để trừng trị những tín đồ có tư tưởng và hành động trái với sự rao giảng của giáo hội, trái với giáo luật: “Tòa án dị giáo” là tổ chức phản động nhất mà tôn giáo có thể nghĩ ra được. Bởi vì nó đã gây ra biết bao nhiêu sự chà đạp thô bạo nhân phẩm, biết bao nhiêu cái chết quằn quại đau thương đối với những người vô tội, hơn nữa nó còn bị lợi dụng để trả thù ân oán cá nhân, thậm chí là giết cả những kẻ giàu có để cướp của, trục lợi.
***
Bắt đầu từ thế kỷ V, khoa học châu Âu chìm đắm vào giai đoạn gọi là “đêm trường trung cổ” và ngủ mê mệt đến cuối thế kỷ XIV.
Vào năm 1000, khi Tây Ban Nha đã trở thành trung tâm trí thức chủ yếu của nền văn minh Ả Rập thì châu Âu trung cổ mới có lại được những tác phẩm khoa học và triết học còn lưu truyền lại của nền văn minh Hi Lạp cổ đại. Lúc đó ở châu Âu đã hình thành một số trường đại học đầu tiên nhưng bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của giáo hội. Những tư tưởng khác với giáo lý của Thiên Chúa giáo (được cho là tư tưởng chính thống) đều bị coi là dị giáo và bị trừng phạt nghiêm khắc.
Những tác phẩm của Arixtốt và của Ptôlêmê lúc đầu cũng bị cấm lưu truyền. Tuy nhiên với những kết quả quan sát thiên văn, lập luận, và tính toán thì lại khó lòng phản bác, phủ nhận sạch trơn chúng được. Vì vậy một yêu cầu bức thiết được đặt ra là phải làm sao dung hòa được những ý tưởng khoa học của Arixtốt cũng như mô hình vũ trụ của Ptôlêmê với những giáo điều của đạo Thiên Chúa. Đúng lúc nan giải đó thì Thomas Aquinas (1225-1274) ra đời để lãnh trách nhiệm “cứu nguy Thiên Chúa”.
Albertus Magnus (người Đức, 1193-1280) là một nhà khoa học đa năng và uyên bác. Ông là người đầu tiên nhấn mạnh vai trò thực nghiệm của khoa học tự nhiên. Theo ông thì “kinh nghiệm từ những quan sát có thể lặp lại là thầy dạy trong khoa học tự nhiên”. Magnus cũng chính là thầy dạy, truyền thụ những kiến thức khoa học cho Thomas Aquinas.
Thomas Aquinas lớn lên tại Ý. Ngay từ lúc mới 5 tuổi, ông đã được đưa vào tu viện để thụ huấn về thần học. Theo lời của Magnus thì Thomas Aquinas là một người cực kỳ thông minh, người đã xuất sắc kết hợp được triết học Platon và triết học Arixtốt, đã tài tình thống nhất được những tư tưởng khoa học của Arixtốt và đức tin tôn giáo, nghĩa là làm cho lý tính khoa học không còn mâu thuẫn với niềm tin về sự tồn tại của Chúa.
Dù sao thì cũng cần phải nhấn mạnh rằng chính vì những suy luận lý tính triết học – khoa học của Arixtốt có “điểm yếu”, không triệt để khách quan (mà cũng không thể đi đến được tận cùng khách quan vào thời điểm ấy được) và sự tinh tường phát hiện ra điểm yếu chưa thể giải quyết được đó của nhà thần học tài năng Thomas Aquinas mà có được khả năng làm dung hòa giữa khoa học của Arixtốt và thần học được thao túng bởi Thiên Chúa giáo. Sau đây, chúng ta sẽ nói sơ qua về vấn đề này để làm sáng tỏ nó.
“Cái đó là cái gì? Tại sao lại có nó?”. Đó chính là câu hỏi đầu tiên đối với nhận thức và cũng là nhiệm vụ cuối cùng của nhận thức. Câu trả lời bao hàm nhất mà cũng có vẻ đúng nhất trong buổi đầu nhận thức của nhân loại thuộc về triết học Hi Lạp cổ đại: “Cái đó là hữu thể!”. Theo Arixtốt, hữu thể là cái mà nó hiện hữu và bất cứ cái gì hiện hữu đều là hữu thể, nó là thực thể được đặc thù hóa qua các tùy thể của nó. Tiếp theo quan niệm đúng đắn đó, Arixtốt trả lời vế thứ hai của câu hỏi. Ông cho rằng mọi hữu thể hiện hữu do 4 nguyên nhân: vật chất, mô thức, tác thành và cứu cánh. Hai nguyên nhân đều mang tính nội tại và hai nguyên nhân sau là mang tính ngoại tại. Chẳng hạn, một cái bàn được làm bằng gỗ thì vật liệu gỗ (vật chất) và hình dáng (mô thức) của cái bàn chính là hai nguyên nhân nội tại của nó bởi vì không có hai nguyên nhân đó thì cái bàn không thể hiện hữu được. Tuy nhiên gỗ và hình dáng cái bàn không thể tự tác tạo ra cái bàn được mà phải do người thợ mộc. Người thợ mộc chính là nguyên nhân tác thành và lý do tác thành ra cái bàn chính là nguyên nhân cứu cánh, và hai nguyên nhân này là có tính ngoại tại đối với cái bàn. Ở một mức độ nhất định thì đến đây Arixtốt cũng đã lập luận đúng và hơn nữa qua đó, ông cũng đi đến ý niệm về mối quan hệ nhân - quả mà chúng ta cho rằng một trong những nguyên lý cơ bản nhất của tự nhiên là nguyên lý nhân - quả. Việc phát hiện ra nguyên lý nhân - quả là một cống hiến to lớn của Arixtốt đối với triết học của nhân loại.
Tuy nhiên, như chúng ta đã kể khi đề cập đến vấn đề sinh trưởng và cố lý giải về “sự hướng tới” có vẻ tự thân của giới hữu sinh thì quan niệm đúng đắn trên gặp phải bế tắc không khắc phục được và Arixtốt “đành phải” tìm đến sự hỗ trợ của thần linh. Đây chính là một điểm yếu mang tính thời đại của ông.
Sau những nhận định về “hữu thể”, Arixtốt tiếp tục cho rằng: “Có một khoa học nghiên cứu về hữu thể với tư cách có hữu thể và các thuộc tính về hữu thể này theo đúng bản chất của nó. Nhưng khoa học này không giống bất kỳ các khoa học được gọi là chuyên biệt nào, vì không khoa học nào trong số những khoa học chuyên biệt bàn một cách tổng quát về hữu thể với tư cách là hữu thể mà chỉ cắt ra một phần của hữu thể rồi nghiên cứu về thuộc tính của phần ấy. Chẳng hạn, đây là những gì mà toán học thực hiện”. Và ông gọi nó là Siêu hình hhọc với nghĩa là “triết học cơ bản”.
Ngày nay, chúng ta hiểu ý của Arixtốt muốn nói tới một “thứ” khoa học có tính tổng quát hóa cao độ (và do vậy cũng bị trừu tượng hóa cao độ!) mà nội dung của nó là “đi tìm những nguyên lý thứ nhất và những nguyên nhân cao nhất,… một cái gì đó mà những nguyên lý này thuộc về, là bản chất riêng của nó”; một “thứ” khoa học hàm chứa những yếu tố, những nguyên lý chung nhất, phổ quát nhất của tự nhiên để có thể dựa vào đó mà giải thích được, chứng minh được mọi biểu hiện của mọi sự vật - hiện tượng, để rồi chẳng hạn “có một khoa học nghiên cứu về sức khỏe và nếu ứng dụng vào các khoa học khác thì cũng được”.
Arixtốt khẳng định rằng, đã là một nghiên cứu khoa học thì phải có đối tượng. Đối tượng của nghiên cứu được Arixtốt quan niệm là thực thể hay hữu thể. Theo ông thì đối tượng của một khoa học chuyên biệt là một hữu thể (một tùy thể của thực thể) hoặc là một bộ phận của nó; còn đối tượng của siêu hình học là một thực thể (cái tồn tại chung nhất, có mặt hiện hữu có mặt không hiện hữu, là cái gốc chung của một tập hợp các tùy thể nào đó). Cũng chính vì vậy, siêu hình học không thể không nghiên cứu những vấn đề có tính chất trừu tượng mà Arixtốt gọi là “cái “là” không hiện hữu”.
Cách nay những hai ngàn mấy trăm năm, vào thời khoa học mới bước đi những bước chập chững mà hình dung ra được một khoa học có tính “toàn năng” như thế, một khoa học mà đến tận thế kỷ XX, các nhà vật lý học mới có thể mơ tưởng tới một cách “e dè” dưới tên gọi “Lý thuyết về mọi thứ” hay “Lý thuyết thống nhất vĩ đại”, thì đó chính là kết quả của một tư duy trác tuyệt, một biểu hiện thiên tài của nhà triết học – khoa học vĩ đại Arixtốt.
Chúng ta tin tưởng rằng ý tưởng tiên tri của Arixtốt sẽ trở thành hiện thực trong tương lai. Tuy nhiên cần thấy rằng, ở một mức độ tương đối thì phán đoán nói trên của Arixtốt cũng đã được chứng thực trong quá trình phát triển của nghiên cứu khoa học và đó cũng chính là biểu hiện qui luật phát triển của sự nhận thức: từ những hiểu biết vụn vặt, đơn lẻ, cụ thể, thiển cận đến những kiến thức nguyên vẹn, toàn thể, phổ quát, sâu rộng. Vì thế giới khách quan biểu hiện một cách không nhất quán nên nhận thức cũng phải phân biệt ra thành nhiều hướng, nhiều ngành nghiên cứu để nhận thức, đồng thời vì biểu hiện sâu xa của thế giới khách quan là sự thống nhất nên nhận thức rồi cũng phải trở thành một thể thống nhất trong đa dạng. Vì Tự nhiên Tồn tại vận hành trên một nguyên lý cội nguồn duy nhất nên cũng sẽ phải xuất hiện một lý thuyết tổng quát duy nhất, tối thượng, làm nền tảng cho mọi lý thuyết chuyên ngành. Lý thuyết này là khoa học của triết học và là triết học của khoa học. Vật lý học hiện đại đã ở một trình độ tri thức rất gần với cái khoa học mà Arixtốt đã hình dung, và như chúngta từng tưởng tượng, đó cũng chính là miền đất sẽ hình thành nên cái lý thuyết của mọi lý thuyết về Tự nhiên Tồn tại.
Quan niệm về một khoa học phổ quát của Arixtốt là rất sâu sắc. Nhưng sự trình bày và diễn giải của ông thì không biết có phải tại vì ngữ nghĩa, những khái niệm triết học thời đó còn nhiều bất ổn chưa đáp ứng được những suy tư triết học tiên phong hay không mà rắm rối và do đó mà cũng khó hiểu quá chừng. Hơn nữa Arixtốt vẫn chưa thấy được, chưa phân biệt được giữa hiện hữu và tồn tại, giữa cái biểu hiện bổi trội và cái nền tảng chìm khuất, chưa thấy được cái nguyên nhân sâu xa nhất của hiện hữu và vận động, cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân lại cũng chính là tồn tại, cũng chính là luôn phải “có một cái gì đó” chứ không thể Hư Vô. Đây cũng là điểm yếu mang tính thời đại trong lập luận của Arixtốt.
Thấy được những điểm yếu ngay trong nền tảng có tính khách quan và không thể khắc phục được đó của “tòa lâu đài tri thức bách khoa Arixtốt”. Thomas Aquinas đã khéo léo tỉa tót và tận dụng chúng để không những “hợp pháp hóa” “tòa lâu đài bách khoa Arixtốt” trên đất thánh mà còn dùng ná phục vụ cho việc củng cố đức tin Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng, không phải ông cố tình ngụy biện mà ngược lại lòng tin tưởng những điều mình viết ra là có tính chân lý.
Nhà thần học tài năng Thomas Aquinas đã làm cho quan niệm của Arixtốt về khoa học trở nên rõ ràng hơn và sâu sắc hơn, đồng thời cũng làm cho “ý Chúa” hoàn toàn hài lòng. Ông viết như sau:
“Vì chủ đề phải tương xứng với mục đích, nên chủ đề của các khoa học thực tiễn phải là những thứ khả đắc nhờ nỗ lực của chính chúng ta vì chúng ta, khiến chúng ta có thể hướng sự tri thức chúng tới hành động như một mục đích. Mặt khác, chủ đề của các khoa học tư biện phải là những thứ không được tạo ra nhờ nỗ lực của chúng ta, do vậy mà việc chúng ta nghiên cứu chúng không thể hướng tới hành động như một mục đích. Và như thế, những điều này được phân biệt với nhau, làm cho khoa học tư biện phải được phân chia ra.
Giờ thì chúng ta phải hiểu rằng, khi các tập quán hoặc năng lực được phân biệt theo các đối tượng của chúng. Chúng không được phân biệt theo bất kỳ khác biệt nào của các đối tượng, mà theo những gì chủ yếu đặc tả các đối tượng của sự suy đoán chính xác như các đối tượng của sự suy đoán… Vậy, một đối tượng thuộc loại này có một đặc điểm về mặt năng lực lập luận và có một đặc điểm về mặt thói quen của khoa học hoàn thiện hóa trí năng. Về mặt trí năng, đặc điểm này buộc phải phi vật chất, vì chính trí năng là phi vật chất. Về mặt thói quen của khoa học, nó buộc phải là tất yếu vì khoa học là tất yếu… Vậy, bất cứ cái gì là tất yếu thì như thể là bất động. Bởi vì, như đã nói trong Siêu hình học, một vật đang chuyển động thì đến chừng nào vẫn còn chuyển động, có thể coi nó “là” (chuyển động) hoặc “không là”, theo một khía cạnh nào đó hoặc một cách tuyệt đối. Như thế, việc tách biệt khỏi vật chất và chuyển động hay kết nối với chúng, chủ yếu thuộc về đối tượng của sự suy đoán, nên cũng là đối tượng của khoa học tự biện…
Thế thì có một số đối tượng của sự suy đoán tùy thuộc vào vật chất, xét về mặt hiện hữu của chúng, vì chúng chỉ có thể tồn tại trong vật chất. Và có sự khác biệt giữa những đối tượng này. Một số tùy thuộc vào vật chất cả về khía cạnh tồn tại lẫn khái niệm. Đây chính là trường hợp của những vật mà định nghĩa của chúng hàm chứa vật chất khả giác và do đó, chúng không thể được hiểu nếu không có vật chất khả giác, ví dụ như nó tất yếu phải bao gồm thịt và xương khi minh định về con người. Vật lý học và khoa học tự nhiên nghiên cứu về loại này. Tuy nhiên, có một số đối tượng của sự suy đoán, dù chúng tùy thuộc vào vật chất về mặt hiện hữu, nhưng lại không tùy thuộc vào vật chất về mặt khái niệm, vì vật chất khả giác không được bao hàm trong định nghĩa của chúng. Đây là trường hợp của những đường thẳng và các con số, loại mà toán học nghiên cứu. Còn có những đối tượng của sự suy đoán không tùy thuộc vào vật chất về mặt hiện hữu vì chúng có thể tồn tại mà chẳng cần vật chất, chẳng hạn Thượng Đế và các Thiên thần, hoặc chúng chỉ hiện hữu trong một vài thứ còn trong những thứ khác thì không, chẳng hạn như bản chất, chất lượng, hữu thể, tiềm năng, hành vi… Thần học (khoa học về thần linh) bàn về tất cả những điều này. Thần học còn được gọi là Siêu hình học, có nghĩa là “siêu vật chất”, vì theo thứ tự nghiên cứu, nó tới sau vật lý học, mà chúng ta thì phát xuất từ những sự vật khả giác để vươn tới những gì vượt trên thứ khả giác. Nó cũng còn được gọi là “Yêu mến sự thông thái cơ bản” trong chừng mực mà tất cả các khoa học khác rút ra các nguyên lý của chúng từ nó và vì thế nên cũng đứng sau nó”.
Mục đích nhận thức của con người là tìm hiểu thực tại khách quan để hiểu được mình, do chính sự đòi hỏi của mình và vì sự tồn tại của bản thân mình. Do đó, đối tượng nghiên cứu khoa học nếu không là tồn tại thì cũng là vận động của tồn tại, mà thường là cả tồn tại và vận động của nó. Không có tồn tại không vận động và ngược lại cũng không có vận động ở ngoài tồn tại. Cho nên khi nói đến tồn tại thì cũng như là nói đến vận động và khi bàn về vận động thì cũng như bàn về tồn tại. Hơn nữa, tồn tại là không thể mông lung mà cụ thể và xác đáng tuyệt đối. Nó trình hiện mọi nơi, mọi lúc, đến tận “chân tơ kẽ tóc”, đến tận cùng trong từng hơi thở, nhịp tim, ảo mộng của con người. Ngay cả những suy đoán, lập luận, tưởng tượng… của con người cũng chỉ là biểu hiện của bộ não hoạt động, của một tồn tại đang vận động và sự biểu hiện ấy đã tác động lên chính bộ não biết tư duy, đồng thời cũng là một phần trong sự phản ánh của bộ não ấy. Chỉ vì năng lực thiển cận của cảm giác làm cho con người thấy nó mông lung mà thôi. Chính vì vậy mà khái niệm vật chất, hiểu theo nghĩa hẹp, là bộ phận của tồn tại, còn hiểu theo nghĩa rộng tối đa thì chính là tồn tại. Nói như thế để thấy không có đối tượng nghiên cứu khoa học nào là không có nền tảng vật chất, là không mang tính vật chất hay có thể gọi là phi vật chất, mà chỉ có những đối tượng nghiên cứu, theo qui ước chủ quan, là phi vật thể. Thomas Aquinas đâu có biết rằng, sự thực thì Thượng Đế và các thiên thần cũng tồn tại, nhưng chỉ tồn tại ảo, không thường xuyên trong tâm trí của một bộ phận loài người mà thôi.
Tuy nhiên, nếu hiểu luật nhân - quả một cách máy móc, cực đoan thì cũng khó lòng bác bỏ được sự khẳng định của Thomas Aquinas về sự hiện hữu của Thượng Đế. Hãy xem ông lập luận:
“Con đường đầu tiên… là luận cứ về sự chuyển động. Đối với giác quan chúng ta, chắc chắn và hiển nhiên là, trong thế giới này có một số sự vật đang chuyển động. Bất cứ thứ gì chuyển động thì đều phải được một cái khác làm cho chuyển động, và chẳng có thứ gì có thể chuyển động trừ phi nó có khả năng hướng về sự chuyển động… Vì vậy, chuyển động chẳng qua chỉ là sự biến đổi một thứ từ khả năng thành hiện thực. Nhưng chẳng có cái gì có thể được biến đổi từ khả năng sang hiện thực nếu không nhờ cái đang ở tình trạng hiện thực… Nếu cái chuyển động phải nhờ cái khác làm cho nó chuyển động và cái chuyển động đó lại phải nhờ cái khác nữa làm cho chuyển động và cứ thế mãi thì sẽ đến vô hạn. Nhưng không thể đi ngược tới vô hạn từ động cơ này tới động cơ khác được, vì như thế sẽ không có động cơ đầu tiên và như thế, cũng không có động cơ khác. Xem ra, những động cơ theo sau chỉ chuyển động đến chừng nào chúng còn được làm cho chuyển động bởi động cơ đầu tiên, giống như cây gậy chuyển động là nhờ bàn tay làm nó chuyển động. Vì thế, nhất thiết phải dừng lại ở động cơ đầu tiên, không bị chuyển động bởi động cơ nào khác. Và động cơ đầu tiên ấy được mọi người hiểu là Thượng Đế.
Con đường thứ hai là từ bản chất của nguyên nhân tạo thành. Trong thế giới khả giác, chúng ta nhận thấy có một trật tự về nguyên nhân tạo thành. Chưa hề có trường hợp nào… một vật lại là nguyên nhân của chính nó, vì nếu như vậy thì nó phải có trước nó, điều này là không thể được. Nhưng số những nguyên nhân tạo thành không thể là vô hạn. Bởi vì trong tất cả những nguyên nhân tạo thành, theo trật tự thì phải có nguyên nhân đầu tiên là nguyên nhân của nguyên nhân trung gian và nguyên nhân trung gian là nguyên nhân của nguyên nhân cuối cùng. Nguyên nhân trung gian có thể là vài ba hoặc chỉ một. Nếu lấy đi nguyên nhân là lấy đi kết quả. Cho nên, nếu không có nguyên nhân đầu tiên trong số những nguyên nhân tạo thành thì cũng không có nguyên nhân trung gian cũng như nguyên nhân cuối cùng nào hết… Vậy, nhất thiết phải chấp nhận một nguyên nhân đầu tiên. Nguyên nhân ấy được mọi người gọi là Thượng Đế.
Con đường thứ ba được rút ra từ sự khả thể và sự tất yếu… Chúng ta thấy vạn vật trong thiên nhiên có thể có và có thể không có, vì chúng được tạo ra nhưng rồi lại tan biến đi. Nhưng cái có lúc có thể không có thì không thể hiện hữu mãi được. Do vậy, nếu cái có thể không có đã có lúc không hiện hữu, thì một lúc nào đó có thể không hiện hữu. Mà nếu điều đó đúng thì ngay bây giờ chẳng có gì hiện hữu. Vì cái không hiện hữu chỉ bắt đầu hiện hữu bởi cái đã hiện hữu, cho nên, nếu đã có lúc không có gì hiện hữu thì cũng chẳng có gì có thể hiện hữu, do đó mà ngay bây giờ chẳng có gì hiện hữu. Đó là điều vô lý. Như vậy, không phải mọi hữu thể đều chỉ là khả thể mà phải có hữu thể tất yếu. Nhưng mọi sự tất yếu phải nhờ hay không nhờ cái khác để có được tính tất yếu. Nhưng không thể đi mãi tới vô tận ở những cái tất yếu mà nhờ cái khác mới có được tất yếu tính, như đã được chứng minh đối với nguyên nhân tạo thành. Vì vậy, chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc phải mặc nhiên thừa nhận sự hiện hữu của một hữu thể tự nó có tính tất yếu riêng, không nhận tính tất yếu từ hữu thể nào khác mà còn tạo ra tính tất yếu nơi các hữu thể khác. Mọi người đều gọi đó là Thượng Đế.
Con đường thứ tư rút ra từ trình độ khác nhau của vạn vật. Trong các hữu thể có một số thiện hảo hơn, thật hơn, hoàn mỹ hơn và những cái giống thế, còn số khác thì kém hơn. Nhưng “hơn” và “kém” được gán cho các sự vật khác nhau tùy mức độ chúng giống cái tuyệt đối theo những cách khác nhau. Ví dụ, một vật được cho là nóng hơn tùy theo nó gần giống cái nóng nhất. Như thế phải có một cái gì đó tuyệt đối thật, tuyệt đối thiện hảo, tuyệt đối hoàn mỹ và do vậy, phải có một cái gì đó là hữu thể tuyệt đối, vì những cái đó là lớn nhất trong sự thật thì cũng lớn nhất trong hữu thể… Vậy cái tuyệt đối trong bất cứ chủng loại nào cũng đều là nguyên nhân của mọi cái trong chủng loại đó, như lửa là cái tuyệt đối của sự nóng, là nguyên nhân của tất cả những cái gì nóng. Do đó, đối với mọi hữu thể cũng phải có cái nguyên nhân của hiện hữu thiện hảo và mọi sự toàn thiện khác. Và chúng ta gọi đó là Thượng Đế.
Con đường thứ năm rút ra từ sự thống trị Vũ Trụ. Chúng ta thấy các sự vật thiếu thông minh, chẳng hạn các vật thể tự nhiên đều hoạt động hướng về chủ đích. Điều này thật hiển nhiên nơi việc chúng hoạt động luôn hoặc hầu như luôn trong cùng một cách thức, để đạt được kết quả tốt nhất. Do vậy, thật dễ hiểu, chúng đạt được cứu cánh không phải một cách tình cờ mà theo trù tính. Thế thì bất cứ cái gì thiếu thông minh đều không thể hướng về chủ đích nếu nó không được hướng dẫn bởi một hữu thể được phú cho tri thức và trí thông minh, như mũi tên được xạ thủ bắn nhằm vào đích điểm. Như thế, phải có một hữu thể thông minh hiện hữu nhằm qui vạn vật tự nhiên hướng về một chủ đích. Và chúng ta gọi hữu thể đó là Thượng Đế”.
Đường nào thì cũng về… La Mã! Thật là hết sức thú vị! Còn nhiều con đường khác nữa cũng dẫn đến “nơi trú ngụ” của Thượng Đế, nhưng với năm con đường đó, có lẽ theo Thomas Aquinas, đã là quá đủ để chứng minh rồi, nên ông không muốn liệt kê ra nữa (!). Chẳng hạn, chúng ta cho rằng con đường này cũng đến được với Thượng Đế: Con người là loài biết tư duy nhưng tư duy của nó chưa hoàn hảo bởi vì vẫn còn vấp váo biết bao sai lầm dẫn đến cãi nhau chí chóe triền miên; mà cái vô tri không thể sản sinh ra cái thông minh được nên ắt phải có cái tư duy hoàn hảo hơn nữa sản sinh ra; cứ thế mãi mà đi về phía vô tận; nhưng không thể vô tận được nên rốt cuộc lại phải hiện hữu một cái tư duy toàn hảo, triền miên, toàn mỹ tuyệt đối không do bất cứ cái gì tạo tác ra mà lại tạo tác ra bất cứ cái gì; và chúng ta gọi đó là Thượng Đế.
Chúng ta hoàn toàn đồng thuận với Thomas Aquinas rằng phải có nguyên nhân cuối cùng đóng vai trò là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Thế nhưng, chúng ta còn cho rằng, một cái gì đó là kết quả của một hay nhiều cái này thì đồng thời cũng đóng vai trò là nguyên nhân của một hay nhiều cái khác, nghĩa là trên đời này không thể có bất cứ cái gì chỉ là nguyên nhân chứ không là kết quả và ngược lại, chỉ là kết quả chứ không là nguyên nhân. Chính vì lẽ đó mà cái nguyên nhân đầu tiên cũng đồng thời là kết quả cuối cùng, cái tạo thành ra mọi cái cũng là cái được mọi cái tác thành. Cái đó có thể được gọi bằng bất cứ tên gì tùy theo “sở thích” của tư duy, chẳng hạn như: Thượng Đế, Ông Trời, Brahma, Đức Phật Tổ Như Lai, Thánh Ala… Riêng chúng ta thì cái đó có hai tên gọi, nếu gọi theo duy tâm thì sẽ là Đấng Tạo Hóa Thiêng Liêng, còn nếu gọi theo duy tồn là Tự nhiên Tồn tại. Như vậy, rõ ràng là Thượng Đế có thật và nếu Thượng Đế là nguyên nhân của tư duy thì đồng thời cũng là kết quả của tư duy. Hay nói cách khác: nếu Thượng Đế “nặn ra” con người thì con người cũng tạc nên Thượng Đế. Do đó, Thượng Đế thiêng liêng bao nhiêu thì cũng bình thường bấy nhiêu và con người hoàn toàn có thể nhận thức rõ ràng, chân xác được Thượng Đế chứ Thượng Đế không như Thomas Aquinas quan niệm là “phi cá thể, toàn trí, toàn năng, toàn hảo, bất động, không thể nghĩ bàn và là nguyên ủy của tất cả mọi sự xảy ra”. Cuối cùng,có thể xác định: Thương Đế = Vốn Dĩ Thế !
Nhờ có Thomas Aquinas mà các tác phẩm khoa học của Arixtốt và hệ thống vũ trụ địa tâm của Ptôlêmê mới được truyền dạy công khai ở Châu Âu trung cổ, sau khi đã bị chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với ý chí của giáo hội Thiên Chúa Giáo. Chẳng hạn như về cấu tạo của Vũ Trụ thì lý thuyết thần học của giáo hội nói rằng, Chúa sinh ra tất cả, Trái Đất có dạng hình cầu và được Chúa đặt ở vị trí trung tâm của Vũ Trụ; Mặt Trăng, Mặt Trời, các hành tinh và ngôi sao đều quay quanh Trái Đất trên các thiên cầu pha lê trong suốt. Tuy nhiên phía ngoài mặt cầu của các ngôi sao còn có một mặt cầu nữa được Chúa ban cho một chuyển động vĩnh củu, gọi là mặt cầu nguyên thủy. Phía ngoài và cách mặt cầu này một khoảng là nơi có những ngọn lửa vĩnh hằng và Chúa hiện diện ở đó. Vũ Trụ vì thế mà là hữu hạn chứ không vô tận. Nơi chúa ngụ cũng chính là Thiên Đường. Chúa chăm lo cho sự vận hành đều đặn, trơn tru của Vũ Trụ. Các thiên thần phụ giúp Chúa để thực hiện việc đó và canh giữ nghiêm ngặt sự qua lại giữa các thiên cầu. Các thiên thần này hiện diện ở các thiên cầu của các hành tinh và thiên cầu Mặt Trời. Thứ bậc chức tước của các thiên thần càng ở thiên cầu xa Thiên Đường càng thấp. Giữa Trái Đất và Mặt Trăng có một vùng gọi là Luyện Ngục, nơi mà các linh hồn ít phâm tội lỗi trong kiếp Trần tục, phải rèn luyệt thử thách khắt khe để được tới các thiên cầu “cao” hơn và có thể lên tới Thiên Đường. Sâu trong lòng Trái Đất là Địa Ngục, nơi hiện diện quỉ dữ, và các linh hồn mang nặng tội lỗi, sau khi lìa kiếp sống Trần Gian sẽ bị đày ải ở đó.
Phải nói rằng hệ thống tư tưởng của Thomas Aquinas rất đồ sộ và phong phú. Nó đã góp phần to lớn vào việc hoàn chỉnh giáo lý Công Giáo và là cơ sở nền tảng của cả nền Thần học Châu Âu suốt mấy trăm năm. Thomas Aquinas mất năm 1274, để lại cho hậu thế câu nói cuối cùng của cuộc đời ông: “Tất cả những gì tôi viết cho tới nay chỉ là đồ bỏ… so với những gì tôi đã thấy và đã được mặc khải”. Nhưng ông đã được mặc khải những gì? Rất tiếc rằng không ai có thể biết điều đó. Năm 1332 nhà thần học tài năng Thomas Aquinas được phong thánh.
Quan niệm về một Vũ Trụ như trên đã trở thành một giáo điều của thần học suốt thời Trung thế kỷ ở Châu Âu và mọi tín đồ Công Giáo tuyệt đối không ai được bác bỏ hoặc hoài nghi. Theo giáo lý rao giảng thì giáo điều là chân lý bất di bất dịch, con người không thể hiểu được nó chỉ bằng lý trí của mình, mà phải nhờ đến đức tin do Chúa ban cho. Kẻ nào xâm phạm đến giáo điều sẽ bị tòa án dị giáo trừng trị nghiêm khắc, mà hình phạt nặng nhất là thiêu sống trên giàn hỏa. Chẳng hạn, để bảo vệ giáo điều, tòa án dị giáo Tây Ban Nha đã thiêu sống hàng vạn người, trong đó có nhà toán học Vanmet vì ông này đã tuyên bố rằng mình đã tìm ra cách giải phương trình bậc bốn mà theo giáo hội trái với ý Chúa.
Tuy nhiên, sự đè nén, áp bức nặng nề về tư tưởng của giáo hội Công Giáo cùng với công cụ trừng trị ghê gớm của nó là tòa án dị giáo vẫn không thể nào dập tắt được ngọn lửa phản kháng, đòi quyền được tự do nghiên cứu và nhận thức khoa học trong tâm trí con người. Bởi vì quá trình nhận thức và nâng cao trình độ nhận thức là một tất yếu của tư duy.
R. Bêcơn (Roger Bacon, 1212-1292) là nhà triết học, khoa học người Anh đồng thời cũng là thành viên của một dòng tu. Lúc mới 12 tuổi, Bêcơn đã vào học ở trường Đại học Oxford. Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường giảng dạy. Vào thời đó, do có sự thống nhất tạm thời giữa thần học và khoa học, cho nên dù theo đạo và bị giáo hội khống chế chặt chẽ thì vẫn được phép theo đuổi việc nghiên cứu khoa học, chỉ không được khuyến khích xuất bản. Bêcơn là người rất say mê với khoa học. Có lẽ ông là người đầu tiên đưa ra những nhận định có tính tiên tri như: có thể thay người chèo bằng máy móc cho tàu chạy trên biển, cái xe có thể chạy nhanh mà không cần ngựa kéo, với một người điều khiển và bằng một động cơ nào đó có thể làm cho một “cái xe” được lắp bộ cánh nhân tạo, bay trong không trung như chim… Ông cũng là người đưa ra ý tưởng: có thể cải tiến tầm nhìn của con người bằng cách áp dụng đúng đắn các thấu kính, và bước đầu nêu ra lý thuyết về hiện tượng cầu vòng… Nói chung Bêcơn là người không những chỉ lập luận một cách lý thuyết mà còn mày mò thực hiện rất nhiều thí nghiệm trên nhiều lĩnh vực khoa học như hóa học, quang học… Bởi vì ông quan niệm rằng khoa học phải được xây dựng trên cơ sở lập luận chặt chẽ đồng thời kết hợp với thí nghiệm chính xác.
Cũng do quá say mê nghiên cứu và thí nghiệm khoa học mà Bêcơn bị các đức cha bề trên cấm đoán và thiên chuyển sang Pari.
Trong cuộc đời mình Bêcơn đã viết khá nhiều tác phẩm về triết học, toán học, vật lý học… Sau khi được về lại Oxford, ông viết các quyển “các nguyên tắc toán học”, “Các nguyên tắc vật lý học”, và “Về bầu trời”. Vì những tác phẩm này mà năm 1277, ông bị Jérome, vị đứng đầu các tu sĩ lên án là kẻ dị giáo và bị giam cầm đến năm 1292, cũng là năm ông mất.
W. Ôcam (Wilhelm von Ockham, 1285-1349) là một nhà thông thái người Đức. Là người thuộc dòng tu Fanciscan, nhưng Ôcam vẫn cho rằng cần phải tách triết học ra khỏi giáo lý, khoa học ra khỏi thần học. Ông nêu lên luận điểm về hai khả năng tiếp nhận chân lý: một cái do Chúa ban cho và không thể chứng minh, một cái là lý trí con người khám phá ra gọi là nhận thức khoa học. Hai kết quả nhận biết đó có thể không trùng nau. Ông nói rằng thần học không thể là khoa học vì không thể chứng minh được Thượng Đế là có thật. Với quan niệm như thế, dĩ nhiên là Ôcam bị giáo hội lên án. Và trong thực tế, ông đã bị triệu hồi về Avignon, miền Nam nước Pháp, nơi Giáo hoàng Johan XII đang trị vì, để giải thích những tư tưởng bị cho là tội lỗi của mình. Về sau ông bị rút phép thông công (bị đuổi khỏi giáo hội), bĩ xem là kẻ thù của giáo hội. Để tránh bị giam cầm và chết trong tù ngục, Ôcam đã phải trốn đến Munich. Tại đây, ông trở thành nhà văn chuyên viết những đề tài về chính trị đả phá nhiều điều đối với Tòa Thánh. Ông phê bình sự xa hoa của giáo hội và khẳng định Giáo hoàng mới là kẻ “lệch lạc”. Theo ông thì một cộng đồng Thiên Chúa Giáo có thể tồn tại “mà không cần sự lãnh đạo của Tòa Thánh”.
Tư tưởng tiến bộ của Ôcam như một luồng gió lành bắt đầu thổi bừng ngọn lửa đòi hỏi được tự do nhận thức khoa học đang âm ỉ: Cái ý chí duy trì sự thống nhất giữa tôn giáo và khoa học, giữa giáo lý và nhận thức thực tiễn, của giáo hội, đã bắt đầu bị lay động.
***
Những giáo điều tôn giáo và toàn án dị giáo của giáo hội có thể kìm hãm trong một chừng mực nào đó sự phát triển của khoa học nhưng không thể ngăn chặn bước đi tiến hóa của xã hội loài ngườii nói chung và của xã hội Châu Âu nói riêng. Tính chủ động thích nghi trong mọi tình huống và nỗ lực đảm bảo sự ổn định của đời sống ở loài người có nguồn gốc và cũng là kết quả của một quá trình vận động tự nhiên.
Đặc tính ấy lại là động lực cho sự tiến hóa về mặt nhận thức của loài người. Nhận thức để sáng tạo và tăng cường nhận thức để sáng tạo hơn nữa vì thế mà trở thành một quá trình có tính tất yếu. về cơ bản thì quá trình này chính là nền tảng, hay có thể nói là cốt lõi của quá trình chuyển hóa xã hội trên mọi mặt kinh tế, văn hóa, chính trị… Sự xuất hiện và tồn vong của tôn giáo là một khía cạnh phản ánh cái quá trình cốt lõi, đồng thời cũng là một bộ phận của xã hội và chịu sự chi phôi hoàn toàn của quá trình chuyển hóa xã hội. Có thể nói sự xuất hiện tín ngưỡng, tôn giáo là đương nhiên trong buổi đầu của quá trình nhận thức. Nó có ích cho loài người trong việc xoa dịu về mặt tinh thần trong khốn khổ đau thương và trước cái chết; đồng thời đóng vai trò như một phản biện giúp cho nhận thức của loài người ngày một chín chắn hơn. Tuy nhiên, niềm tin cực đoan của tôn giáo sẽ dần biến nó thành bảo thủ, lạc hậu và thậm chí là phản động. Ở mức độ nào đó nó có thể làm trỉ trệ nhận thức nhưng vì là bộ phận của chuyển biến xã hội nên nó không ngăn cấm được quá trinh tiến hóa xã hội mà trái lại, trong bản thân nó sẽ nảy sinh mâu thuẫn ngày càng gay gắt và đến mộ lúc nào đó, nếu nó còn muốn tồn tại thì phải tìm cách điều chỉnh lại, cải tổ lại cả về mặt tư tưởng lẫn cơ cấu tổ chức của nó cho phù hợp hơn với tình thế chung của toàn xã hội trong thời đại mới.
Sự thống trị hà khắc về kinh tế và tư tưởng của tầng lớp quí tộc phong kiến và tăng lữ giáo hội đã nung nấu ỡ Châu Âu trung cổ những mâu thuẫn ngày càng gay gắt và trở nên đối kháng làm nổ ra các cuộc đấu tranh đòi quyền sống cơ bản cũng như đòi cải biến xã hội một cách toàn diện. Trong đó, có văn học, nghệ thuật, khoa học, triết học, giáo dục…, trong mọi tầng lớp dân cư, trong nội bộ các tôn giáo cũng như ở “ngoài đời”. Nếu xét theo mức độ thắng thế của giáo hội Thiên Chúa giáo trong sự lũng đoạn của nó đối với đời sống xã hội thì có thể cho rằng đêm trường Trung Cổ ở Châu Âu bắt đầu từ thế kỷ V đến hết thế kỷ XIV, thậm chí là đến giữa thế kỷ XVII, tòa án dị giáo vẫn còn tác oai tác quái ở một mức độ tương đối đáng kể. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh tư tưởng nói ở trên đã bắt đầu bộc phát thành cao trào trong thế kỷ XIV: Nhìn chung, cao trào đó gồm hai phong trào bộ phận gọi là phong trào Văn hóa Phục hưng và phong trào Cải cách Tôn giáo.
Phong trào Văn hóa Phục hưng nổ ra đầu tiên ở nước Ý, sau đó lan rộng ra toàn Châu Âu với những mức độ khác nhau và hoàn thành vai trò của nó vào thế kỷ XVI. Người đi tiên phong trong phong trào Văn hóa Phục hưng được cho là Đantê (A. Dante, 1265-1321), một đại thi hào và là người sáng lập ra nền văn học Ý. Ông là người học rộng, nghiên cứu nhiều môn như thơ, nhạc, họa… Từ năm 25 đến 30 tuổi, ông đi sâu vào nghiên cứu triết học. Năm 30 tuổi, ông tham gia chính quyền của thành phố Florenxơ làm nhiệm vụ ngoại giao. Năm 1302, trong một biến cố chính trị, Đantê bị vu cáo ăn hối lộ một khoản tiền rất lớn, phải chịu án tịch thu tài sản và bị trục xuất khỏi Phlorenxơ hai năm, sau nâng án thành suốt đời. Đến 10-3-1302, lại bị tòa án dị giáo xử vắng mặt, chịu án thiêu sống trên giàn hỏa vì đã không nạp tiền phạt như tòa đã tuyên. Từ đó, Dante phải sống lưu vong ở nhiều thành phố thuộc Bắc và Trung Ý. Đến 1316, chính quyền Phlorenxơ ra điều kiện nếu ông thừa nhận tội lỗi thì sẽ được trở về quê hương nhưng ông đã kiên quyết từ chối.
Các sáng tác của Đantê phản ánh đầy đủ nhất và nghệ thuật nhất thời trung cổ, đồng thời là sự báo hiệu ra đời của chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng. Tình yêu, nguồn cảm ứng lớn của Đantê, có tính chất lý tưởng, nâng tâm hồn lên toàn thiện, toàn mỹ. Dù các tác phẩm của ông vẫn còn mang nặng ý thức hệ tôn giáo, nhưng đã thấp thoáng những phê phán cái quan niệm hẹp hòi của giáo hội về thiện – ác, đề cao tinh thần tự do trong việc nhận thức thế giới.
Phải nói thành tích rực rỡ nhất mà phong thái Phục Hưng đạt được là ở lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Hàng loạt những tài năng xuất chúng liên tiếp xuất hiện trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật trong thời kỳ Phục Hưng cùng với những tác phẩm mà họ sáng tạo ra và trở thành những kiệt tác của nhân loại, đã mãi mãi đi vào bất tử. Chúng ta có thể liệt kê vài tiêu biểu trong số đó.
Eraxmút (1466-1536), người Rôttécđam của xứ Nêđéclan. Ông được mệnh danh là “Ông hoàng của chủ nghĩa nhân văn”. Tác phẩm xuất sắc nhất của Eraxmét là tác phẩm “Tán dương sự điên rồ”. Đây là một tác phẩm troà phúng sâu cay, công kích giới tăng lữ, nhất là Giáo hoàng đã dựa vào sự ngu xuẩn của loài người mà hoành hành; chỉ bàn cãi những vấn đề rỗng tuyếch để dạy đời nhưng bản chất lại tham lam, trụy lạc.
Phrăngxoa Rabơle (1494-1553) là nhà văn kiệt xuất nhất thời Phục Hưng ở Pháp. Ông để lại cho đời tác phẩm hài hước bất hủ “Cuộc đời đáng chán của người khổng lồ Gácgăng chuya và người con Păngbagruyen”. Với tác phẩm này, Rabơle đã trở thành cha đẻ của hai nhân vật khôi hài nhất trong lịch sử văn chương thế giới. Trong tác phẩm này, ông đã phê phán xã hội phong kiến rất sâu sắc, chế giễu sâu cay giới tăng lữ dốt nát nhưng bịp bợm, ông ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người và để cao niềm vui sướng của con người khi được sống tự do. Trong tác phẩm này, ông còn “bày vẽ” ra khung cảnh của một kiểu tu viện mới (tu viện Têlem) mà châm ngôn của nó là: “Thích gì làm nấy”. Trong tu viện này, các tu sĩ tha hồ ăn ngủ thỏa thê và làm gì tùy ý, thanh niên nam nữ đến tu hoàn toàn được tự do yêu đương, hưởng mọi lạc thú ở đời.
Xécvantex (Miguel de Cervantes Seavedra, 1547-1616) là đại văn hào thời Phục Hưng ở Tây Ban Nha. Tên tuổi của ông gắn liền với bộ tiểu thuyết dí dỏm đã trở thành kiệt tác có tựa đề: “Đôn Kihôtê – Nhà quí tộc tài ba xứ Mantra” Selinh (Schelling), triết gia người Đức đã ca ngợi tác phẩm này như sau: “Chúng ta sẽ không quá lời khi khẳng định rằng cho tới nay chỉ có hai cuốn tiểu thuyết, đó là cuốn “Đôn Kihôtê – Nhà quí tộc tài ba xứ Mantra” của Xécvantex và cuốn “Vinhem Maxtơ” của Gớt”. Sơlêgơn (Schlegel), nhà phê bình văn học người Đức thì đánh giá “Đôn Kihôtê – Nhà quí tộc tài ba xứ Mantra” là “tác phẩm có một không hai trong loại của nó, mở đầu cho tiểu thuyết cận đại…”.
Sêchxpia (Shakespears, 1564-1616), người Anh, là nhà soạn kịch vĩ đại nhất và đồng thời cũng là nhà đại văn hào cuối cùng của tư tưởng nhân văn trong phong trào văn hóa Phục Hưng. Kịch của ông phản ánh sâu sắc cuộc đấu tranh tư tưởng của trào lưu tiến bộ đối với tôn giáo và phong kiến, cũng như sự áp bức bóc lột nghiệt ngã của tầng lớp thống trị đối với dân nghèo trong thời kỳ chế độ phong kiến bắt đầu suy tàn, đồng thời bắt đầu sự hình thành vá phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nhiều vở bi kịch của ông đã trở thành mẫu mực, kiệt tác và đến tận ngaỳ nay còn làm biết bao người xem phải say mê, biết bao lòng người phải rung động.
Lêôna đơ Vanhxi (Leonardo Da Vinci, 1452-1519) là một đại danh học người Ý, một thiên tài toàn diện duy nhất trong lịch sử thế giới, người đầu tiên trong số các danh học sáng tạo nên nền nghệ thuật tạo hình kỳ diệu của thời Phục Hưng. Có thể nói, ông là một trong không nhiều bộ não thông thái nhất mà loài người biết đến, bởi vì không những là một họa sĩ lừng danh mà còn là một thiên tài nhiều mặt như điêu kh8ác, kiến trúc sư, nhạc sĩ, kỉ sư cơ khí, nhà thực nghiệm khoa học, nhà toán học, nhà triết học tự nhiên… Đơ Vanhxi đã để lại nhiều kiệt tác hội họa cho đời, trong đó nổi bật nhất, tuyệt với nhất là “La Giôcông” (La Joconde, hay Mona Lisa). Trong bức tranh này, ông đã thể hiện vẻ mặt của một người phụ nữ với một ánh mắt, nụ cười chứa chan cảm xúc, phảng phất cả niềm vui lẫn nỗi buồn sâu thẳm, vô cùng biểu cảm, vô cùng sinh động.
Mikenlănggiêlô (Michelangelo, 1475-1564) cũng là một nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà thơ, nhà kiến trúc đại tài người Ý. Tài năng của ông đã đưa điêu khắc thời Phục Hưng đến tuyệt đỉnh. Những pho tượng kỳ vĩ về các nhân vật trong kinh Cựu ước như Moixơ, Đavit… mà ông đã tạo ra mãi là những tuyệt tác điêu khắc. Tài năng hội họa của ông không hề kém tài năng điêu khắc. Tác phẩm hội họa tuyệt mỹ và cũng vĩ đại nhất của ông chính là bức bích họa khổng lồ có bề dài 34m, bề rộng 14, mô tả gồm 343 nhân vật, trang trí cho vòm trần nhà thờ Sixtin, và có tên gọi là “Ngày phán xét cuối cùng”.
Chủ động thích nghi sẽ dẫn tới sự nỗ lực duy trì và tăng cường chất lượng cuộc sống. Chất lượng cuộc sống càng tăng cũng có nghĩa là trình độ tiêu dùng, hay có thể nói là mức độ và sự đa dạng của tiêu dùng, càng tăng. Đó là yếu tố quyết định làm nảy sinh trong lòng nền sản xuất tự cung tự cấp sự trao đổi sản phẩm lao động để rồi chuyển hóa thành nền sản xuất hàng hóa. Hàng hóa là những thứ được làm ra chủ yếu không phải là để trực tiếp tiêu dùng mà là để bán cho tiêu dùng. Sản xuất hàng hóa phát triển sẽ làm xuất hiện hoạt động thương mại và ngành nghề buôn bán ra đời. Buôn bán hàng hóa cũng tất yếu ngày càng phát triển về qui mô và mở rộng về phạm vi. Có thể nói sự nỗ lực sinh tồn ngày một tốt hơn đồng thời với hiện tượng tăng dân số là những nguyên nhân quyết định làm cho sản xuất xã hội, trong đó có sản xuất hàng hóa, phát triển. Sản xuất hàng hóa phát triển sẽ làm cho buôn bán phát triển và chủ yếu nhờ buôn bán phát triển mà sự tiêu dùng được kích thích để phát triển theo. Tiêu dùng phát triển sẽ tác dụng tích cực trở lại sản xuất hàng hóa làm cho nó từ tản mạn nhỏ lẻ kiểu tiểu thủ công nghiệp tiến lên ngày một tập trung, có qui mô to lón kiểu công nghiệp. Quá trình chuyển biến đó của sản xuất hàng hóa là có tính cách mạng và do đó mà nó cũng đặt ra những yêu cầu to lớn và bức thiết phải tăng cường nghiên cứu khoa học - kỹ thuật từ chuyên sâu đến tổng quát nhằm khắc phục những khó khăn nảy sinh trong thực tiễn. Đó là nguyên nhân hình thành nên một nền khoa học - kỹ thuật chân chính ở châu Âu mà trung tâm và cũng là cơ sở của nó là vật lý học.
Chính sự phát triển của sản xuất hàng hóa theo hướng đi lên ngày một tập trung có tính công nghiệp hóa đã làm cho trong lòng tầng lớp quí tộc phong kiến bị phân hóa về tư tưởng giữa thủ cựu và cấp tiến, giữa tuân phục giáo điều và tự do sáng tạo để rồi tầng lớp ấy chuyển hóa dần thành tầng lớp tư sản, trong thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu trung cổ. Rõ ràng, quá trình đó không thể không động chạm mạnh mẽ đến giáo hội Thiên Chúa giáo và biểu hiện của nó trong thực tiễn là phong trào Phục Hưng. Đến đây, có thể hiểu vì sao mà phong trào Phục Hưng có tính rộng rãi, nhiều mặt nhưng ý thức hệ tư sản vẫn chiếm địa vị chi phối. Hơn nữa, cũng có thể thấy phong trào Phục Hưng là kết quả tất yếu có tính cộng hưởng của cuộc đấu tranh tư tưởng trong xã hội và là một thắng lợi bước đầu của lực lượng đi đòi quyền được tự do nhận thức, tự do tìm tòi sáng tạo. Nhờ có phong trào đó mà bầu không khí của xã hội châu Âu, bắt đầu từ thế kỷ XIV, bớt ngột ngạt hơn, tạo thuận lợi cho nghiên cứu khoa học chuyển biến theo con đường chân chính của nó, chuẩn bị đầy đủ thế và lực để bước vào thời kỳ phát triển vũ bão.
Tuy nhiên, cần thấy rằng, giáo hội Thiên Chúa Giáo dù có nhượng bộ, nhưng không dễ gì từ bỏ cái thế lực đang có của nó. Mặt khác, đức tin tín ngưỡng và niềm tin khoa học luôn luôn mâu thuẫn sâu sắc nhau. Cho nên sự phát triển của nhận thức khoa học nói chung và vật lý học nói riêng, trong thời kỳ giáo hội vẫn còn đủ bạo lực để khống chế truy bức xã hội về tư tưởng, là không dễ dàng, thậm chí là gặp không ít những phẫn uất, đau thương.
Nhìn chung thì trong thời Phục Hưng, thành tựu về văn hóa - nghệ thuật là vô cùng rực rỡ, còn thành tựu về khoa học - kỹ thuật thì hình như chưa có những phát kiến lý thuyết đặc sắc. Riêng vật lý học thì vẫn lê những bước chậm chạp. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XV-XVI, các thí nghiệm vật lý còn là những công việc có tính ngẫu hứng và tản mạn. Chỉ đến thế kỷ XVII, các nhà vật lý mới thực hành thí nghiệm một cách có hệ thống để thu thập kết quả, từ đó mà xây dựng nên các lý thuyết vật lý. Thế nhưng, vào cuối thời Trung cổ, xuất hiện một phán đoán thiên tài. Tác động của nó đối với xã hội đương thời và đối với sự đi lên vũ bão của bản thân vật lý học là vô cùng to lớn. Trong một chừng mực nào đó có thể nói chính phán đoán này về sau đã đóng vai trò quyết định trong công cuộc giải phóng vật lý học khỏi “ách đô hộ” của giáo hội châu Âu.
Những quan sát thiên văn ngày càng tỉ mỉ và chính xác hơn đã đưa đến những phát hiện mới về sự chuyển động của các hành tinh mà hệ thống các nội luân và ngoại luân của Ptôlêmê không còn đủ khả năng giải thích được. Các nhà thiên văn buộc phải bổ sung nhiều đường tròn cũng như nhiều yếu tố khác nữa để lý giải, làm cho hệ thống địa tâm của Ptôlêmê ngày càng trở nên phúc tạp, rắm rối. Việc học tập để tiếp thu được hệ thống Vũ Trụ này đã khó, nhưng dựa vào nó để tính toán ra vị trí của hành tinh nào đó trên quỹ đạo còn khó khăn hơn nhiều, đến nỗi, có tu sĩ đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, sao Người lại sinh ra một Vũ Trụ rắc rối đến thế!”.
Có thể là bước vào thời kỳ Phục Hưng đã xuất hiện những ý kiến (không công khai) nghi ngờ về hệ thống địa tâm Ptôlêmê. Bởi vì vào thế kỷ XIV, Orexem (Nicole d’Oreseme, 1325-1382), một giám mục người Pháp, đã có một phát kiến vật lý quí báu. Ông cho rằng, mọi chuyển động đều có thể được nhìn nhận một cách tương đối, chuyển động của các ngôi sao trên bầu trời có thể do đúng là chúng quay quanh Trái Đất bất động hoặc cũng có thể là do Trái Đất quay quanh chúng. Phát kiến của Orexem quí báu ở chỗ là lần đầu tiênn trong suốt thời Đêm trường Trung Cổ, nó đã dám động chạm đến vai trò trung tâm Vũ Trụ của Trái Đất, cũng có nghĩa là động chạm đến giáo điều “bất khả thương nghị” của giáo hội. Một báo hiệu lóe lên giữa đêm đen không thể không gây sự chú ý nào đối với các nhà thiên văn đương thời cũng như sau đó, và chắc rằng đã có ảnh hưởng đáng kể đến một con người có tên tuổi đã trở thành bất tử trong lòng nhân loại: Côpecnic (Nicolas Copernicus).
Côpecnic sinh ngày 19-2-1473 tại Torun, Ba Lan thuộc Phổ, là con một thương gia giàu có. Ông mồ côi cha từ năm lên 10 tuổi và được một người chú nuôi nấng. Trong những năm 1491-1495, Côpecnic theo học khoa toán trường Đại học tổng hợp Cracow. Tiếp theo, từ năm 1496 đến năm 1500 ông học kỹ năng hội họa và nghe giảng về thiên văn học ở trường Đại học Tổng hợp Bologna, Ý. Sau đó, ông đến Roma theo học y khoa, luật học, kinh tế học tại trường Đại học Padoue và Phararé. Năm 1503, ông được trao bằng tiến sĩ luật nhà thờ tại trường Đại học Phararé. Cuối năm 1504, ông trở về Ba Lan, ở hẳn Vácxava, trở thành thầy thuốc nổi tiếng và là nhà kinh tế học xuất sắc. Trong một tác phẩm kinh tế học, ông đã khám phá ra một qui luật quan trọng về tiền tệ mà phải mấy trăm năm sau, nhà kinh tế học người Anh là Thomas Gơretsam mới tìm ra.
Khoảng năm 1511, Côpecnic rời bỏ những hoạt động xã hội sôi nổi, về sống có phần ẩn dật trong một tòa tháp để dốc tâm vào nghiên cứu thiên văn học. Hành động có vẻ bất ngờ này phải chăng là vì Côpecnic đã tiếp thu được những kết quả quan sát thiên văn mới, suy tư rất nhiều về hệ thống địa tâm Ptôlêmê và đã nảy ra ý tưởng về một hệ thống Vũ Trụ lấy Mặt Trời làm trung tâm và Trái Đất cùng với các hành tinh quay quanh nó? Có thể là như thế vì vào thời đó, xây dựng một hệ thống Nhật tâm là trái hoàn toàn với ý Chúa, mà quan niệm trái với ý Chúa thì thật là vô cùng nguy hiểm.
Để xây dựng hệ thống Nhật tâm, Côpecnic đã phải giải quyết một loạt vấn đề rất phức tạp mà trước hết là phải “cho” Trái Đất tự xoay đều quanh một trục của nó. Bởi vì ông vẫn cho rằng chuyển động của Trái Đất và các thiên thể quanh Mặt Trời là đều đặn trên những quĩ đạo tròn hoàn hảo nên, lý giải sự vận hành không đều của các thiên thể, ông vẫn phải dùng đến hệ thống nội luân, ngoại luân, và hơn nữa, thay vì chỉ cần đến 40 “hình cần phụ” như trong hệ thống của Ptôlêmê, ông đã phải bổ sung thêm 8 “hình cần phụ” nữa.
Hệ thống Nhật tâm của Côpecnic dường như không phù hợp với quan sát trực giác. Đến tận ngày nay cái cảm giác Mặt Trời chuyển động so với Trái Đất đứng im vẫn còn đeo bám trong tâm khảm chúng ta, biểu hiện qua cách nói như “ Mặt Trời bắt đầu mọc”, “Mặt Trời đã lặn”, “Mặt Trời đã đi qua đỉnh đầu”…, huống hồ là 500 năm về trước. Tuy nhiên Côpécnic đã giải thích, chẳng hạn đối với câu hỏi: nếu Trái Đất chuyển động trong không gian thì sao chúng ta thấy cái thiên cầu có gắn những vì sao bất động vẫn chuyển động đều đặn (?), rằng, có như thế là vì thiên cầu đó vô cùng to lớn so với quĩ đạo Trái Đất, vì “đối với cảm giác của chúng ta, Trái Đất so với bầu trời cũng như một hạt nhỏ so với một vật… như cái hữu hạn so với cái vô hạn”. Hay ông cũng có viết: “Khi một con tàu chuyển động lúc trời yên tĩnh đối với người đi tàu, mọi vật ở bên ngoài có vẻ như đang chuyển động… còn bản thân người đi tài lại coi là mình đứng yên. Chắc hẳn điều đó cũng có thể xảy ra khi Trái Đất chuyển động, thành thử chúng ta tưởng rằng tựa như tất cả Vũ Trụ quay quanh Trái Đất”. Dù sao thì hệ thống nhật tâm của ông vẫn chỉ có tính giả thuyết vì ông không thể đưa ra được bằng chứng xác nhận.
Có lẽ mô hình Vũ Trụ kiểu Nhật tâm được Côpecnic phác thảo vào năm 1514. Năm 1530, ông đã trình bày những luận điểm cơ bản của mình về thuyết nhật tâm trong một bản thảo có tựa đề “Bình luận nhỏ” và tiếp sau đó thì hoàn thành tác phẩm bất hủ có tựa đề “Về sự quay của các thiên cầu” (De Rovolutionibus orbium Coeleotium).
Mặc dù được một số bạn bè khuyến khích nhưng ông vẫn e ngại, không dám cho xuất bản tác phẩm có nội dung là toàn bộ lý thuyết về hệ nhật tâm ấy. Mãi khoảng 10 năm sau, một nhà toán học trẻ tên là Rhetikus viết một bài khảo cứu giới thiệu mô hình hệ nhật tâm của Côpecnic và hối thúc ông, ông mới đồng ý cho công bố. Để tránh những hệ lụy sau này từ nhà thờ và cũng để cho việc xuất bản được trót lọt trong lời nói đầu của tác phẩm đã phải viết rằng, hệ thống nhật tâm của Côpecnic chỉ là một giả thuyết toán học thuận tiện cho việc mô tả và tính toán chuyển động của các hành tinh, mô hình đó không hẳn là đúng trong hiện thực.
Năm 1542, Côpecnic bệnh nặng, nằm liệt giường. Ngày 4-5-1543, Rhetikus mang đến cho ông bản in đầu tiên của tác phẩm “Về sự quay của các thiên cầu”. Vài ngày sau, Côpecnic mất vì bệnh trúng phong và bại liệt, trên tay còn cầm tác phẩm mới in của mình. Trên bia mộ của nhà thiên văn học vĩ đại, ngày nay vẫn còn dòng chữ: “Người giữ lại Mặt Trời và đẩy Trái Đất chuyển động”.
Hệ thống nhật tâm của Côpecnic tuy vẫn còn những ngộ nhận, sai lầm nhưng đã gần chân lý khách quan hơn rất nhiều so với hệ thống địa tâm của Ptôlêmê. Đó cũng là một phát kiến thiên văn thiên tài mang tính cách mạng bởi vì Côpecnic đã biết suy tư vượt trên cảm nhận của trực giác, cũng như của trình độ nhận thức đương thời, đã dám đi ngược lại quan niệm giáo điều của thần học, trong khi thời đó chưa có phương tiện nghiên cứu thực nghiệm nào, chưa có kính thiên văn, chưa có dụng cụ đo đạc chính xác cao, chưa có phương pháp tính toán hữu hiệu nào để có thể chứng thực cho phần chân lý trong lý thuyết của ông. Hệ thống nhật tâm của Côpecnic không những là một bước tiến nhảy vọt của vật lý thiên văn, mở ra một thời kỳ mới đầy sôi động cho nghiên cứu vật lý học, mà còn là một đòn giáng mạnh mẽ vào sự thống trị của hệ thống Vũ Trụ đã tồn tại ngót nghét 15 thế kỷ do Ptôlêmê sáng tạo ra, vốn đã sai lầm mà còn bị đạo Kitô lũng đoạn. Tác phẩm của Côpecnic cũng khơi mào một cuộc đấu tranh một mất một còn giữa hai quan niệm về Vũ Trụ, một là của khoa học, một là của Thiên Chúa Giáo và thắng lợi cuối cùng hiển nhiên là thuộc về khoa học và cũng vì thế mà giáo hội cũng vĩnh viễn mất đi cái uy quyền của nó đối với khoa học, nghĩa là thần học kinh viện không còn cái khả năng thao túng đối với nghiên cứu khoa học chân chính được nữa.
Lúc mới ra đời, học thuyết nhật tâm của Côpecnic không phải là đã được nhiều người thừa nhận. Tác phẩm “về sự quay của các thiên cầu” được xuất bản lần đầu tiên với chỉ 1000 cuốn mà bán không chạy, mãi đến hơn 300 năm sau cũng chỉ được tái bản bốn lần. Giáo hội đã thấy ngay sự nguy hại của tác phẩm đối với mình nên vào năm 1611, nó bị ghi vào sổ đen của Tòa thánh và bị tuyệt đối cấm lưu hành. Một số những nhân vật có tiếng tăm lúc đó như nhà cải cách tôn giáo Lute, nhà triết học duy vật Bêcơn… đã không ủng hộ quan niệm của Côpecnic. Đến ngay cả nhà thiên văn học cỡ lớn là Tycho Brahe (1546-1601) cũng không chấp nhận nó.
Brahe là nhà quan sát thiên văn tài giỏi nhất vào thời của ông. Nhờ tài năng đó mà ông được vua Đan Mạch là Frédéric II, cho phép sử dụng hòn đảo Hveen làm nơi xây dựng đài quan sát thiên văn đầu tiên ở châu Âu. Tại đây, trong suốt 20 năm, bắt đầu từ năm 1576, Brahe đã tích lũy được nhiều số liệu về các hành tinh và các thiên thể với độ chính xác chưa từng có trước đó. Trước thời ông, người ta cho rằng sao chổi là hiện tượng xảy ra trong bầu khí quyển Trái Đất, nhưng kết quả quan sát sắc sảo của ông đã chỉ ra rằng hiện tượng sao chổi không thể xảy ra ở quá gần Trái Đất như đã tưởng, cũng không quá xa ở tận thiên cầu của các ngôi sao, mà ở đâu đó trong vùng thiên cầu của các hành tinh. Hơn thế nữa, Brahe đã chứng minh được quĩ đạo chuyển động của sao chổi không phải là hình tròn mà là hình ôvan, và nếu sự thể là như vậy thì sao chổi nhất thiết phải chuyển động xuyên qua các mặt cầu pha lê của các hành tinh. Từ đó Brahe đã rút ra được một kết luận quan trọng: các mặt cầu pha lê chỉ tồn tại trong tưởng tượng mà thôi.
Cũng nhờ tài năng quan sát mà Brahe đã vạch ra nhiều sai sót về vị trí của những ngôi sao nêu trong “Almagest” của Ptôlêmê, nhưng lại cho rằng nguyên nhân là do Ptôlêmê đã ghi chép không cẩn thận. Brahe trước hết là một nhà quan sát vì say mê bầu trời và thực tế đã là nhà quan sát thiên văn đại tài, nhưng chưa bao giờ là nhà khoa học có tư tưởng cách mạng. Ông chưa bao giờ có ý định tổng kết khối kết quả quan sát và đo đạc thiên văn phong phú của mình để chẳng hạn ít ra thì cũng nhằm kiểm chứng lại những mô hình Vũ trụ đã có. Tin tưởng một cách máy móc vào cảm nhận được đem lại từ quan sát trực giác, Brahe không thể chấp nhận nổi hệ thống Vũ trụ lấy Mặt Trời làm trung tâm của Côpecnic, tuy nhiên vì không thể bác bỏ được những quan sát thiên văn tinh tế do chính mình gặt hái được, mà ông cũng không tin tưởng và sự đúng đắn tuyệt đối đối với hệ thống Vũ Trụ của Ptôlêmê nữa. Mâu thuẫn này đã dẫn Brahe đến với một hệ thống Vũ trụ thỏa hiệp: Trái Đất vẫn là trung tâm của Vũ Trụ, các hành tinh quay quanh Mặt Trời, còn Mặt Trời cùng với bầu đoàn thê tử hành tinh của nó lại quay quanh Trái Đất giống như Mặt Trăng. Hệ thống Vũ Trụ này mau chóng đi vào quên lãng vì nó tỏ ra lập dị như chính tính cách của Brahe.
Brahe đã có những đóng góp đáng kể cho vật lý thiên văn. Nhất là sau này, trên cơ sở những kết quả quan sát và đo đạc bầu trời của ông mà Keple đã nêu lên được ba định luật quan trọng và cũng là đầu tiên của thiên văn học. Thế nhưng với tư cách là một các nhân sống trong xã hội thì cuộc đời của Brahe không mấy cao đẹp. Ông độc tài, kiêu ngạo, mũi của ông bị mất trong một lần đấu súng nên phải đeo một cái mũi giả bằng bạc. Điều đáng lên án nhất là ông đã chèn ép, bóc lột một cách đáng hổ thẹn những người dân sống trên đảo Hveen (đến nỗi họ đã nổi dậy trả thù bằng cách đập phá đài quan sát thiên văn ở đó sau khi ông phải rời đi vì không còn được vua mới của Đan Mạch là Christian IV sủng ái). Brahe chết vào năm 1601 do nốc quá nhiều rượu trong một bữa tiệc hoàng gia.
Brunô (Giordano Bruno, 1548-1600), người Ý, là nhà triết học lỗi lạc có tư tưởng duy vật triệt để, là nhà khoa học tự nhiên tài năng và cũng là nhà thơ. Ông được sinh ra tại Nola, trong một gia đình quí tộc nhỏ. Lớn lên, ông là tu sĩ trong tu viện của dòng đạo Đônainica. Nền giáo dục thần học đã không đủ sức thuyết phục ông trước những quan điểm tự do đầy tính nhân văn, những bộc lộ hoàn toàn tự nhiên trong khảo cứu khoa học, trong lập luận triết học, mà ông đã làm quen và tiếp thu được trong đời sống cũng như qua sách vở bởi luồng gió lành của phong trào Văn Hóa Phục Hưng mang tới. Từ đó mà ông dần dần từ bỏ những quan niệm giáo điều của thần học, phê phán những bất cập trong quan điểm khoa học của Arixtốt đã bị giáo hội bóp méo trên cơ sở, lập luận của Thomas Aquinas. Ông ủng hộ thuyết nguyên tử của Đêmôcrit và Êpiquya để rồi trở thành nhà triết học tự nhiên, đứng hẳn về phía duy vật vô thần. Hơn nữa, theo ý kiến của chúng ta, một số nhận thức triết học về tự nhiên của Brunô đã vượt trước thời đại của ông rất xa, đã gần sát với quan niệm của triết học duy tồn về Tự Nhiên Tồn Tại, mà thậm chí là cho đến tận ngày nay, có thể là do sự hạn chế về khái niệm, ngữ nghĩa của thời đó, người ta vẫn chưa hiểu biết, hiểu đúng ý ông.
Nếu triết học Ấn Độ cổ đại gọi thế giới khách quan là “Cái Ấy”, “Cái Một”, còn Lão tử gọi là “Đạo” với quan niệm Đạo vừa là thể chất, vừa là nguyên lý “trộn lộn làm Một”, thì Brunô cũng quan niệm rằng Thượng Đế tồn tại dưới dạng giới tự nhiên là cái duy nhất, hay có thể nói như ngày nay: Thực tại khách quan cùng với những biểu hiện tự nhiên của nó là cái duy nhất. Cũng theo Brunô thì Thượng Đế là vô cùng và trong vô cùng, Nó ở trong mọi người và ở khắp nơi. Đây là lời khẳng định hàm chứa một chân lý cao cả và sáng suốt của ông: “Tự Nhiên là Thượng Đế trong sự vật - hiện tượng”. Câu đó chẳng khác mấy so với câu nói thốt ra từ “cửa miệng” của triết học duy tồn: “Tự Nhiên là Tạo Hóa của sự vật - hiện tượng. Trong cách hiểu của Brunô thì Tự Nhiên là sự độc lập hoàn toàn (rất gần với cách hiểu: là sự vốn dĩ), còn Thượng Đế là đồng nghĩa với sự thống nhất của sự vật - hiện tượng. Đối với Brunô thì Thượng Đế không có gì là huyền bí linh thiêng cả mà chỉ là sự biểu hiện của Tự Nhiên, có xuất xứ từ Tự Nhiên và có thể “nắm bắt” được. Đây chính là điểm mấu chốt làm cho quan niệm triết học của ông đối lập gay gắt với lý lẽ thần học của giáo hội.
Ở mức độ nhất định, Brunô cùng đồng thuận với tư tưởng của Arixtốt về sự thống nhất vật chất và hình dạng trong cái duy nhất. Theo Brunô, cái duy nhất là sự thống nhất giữa các mặt đối lập nhau, như cực đại và cực tiểu, nóng và lạnh, tính thống nhất và tính khác biệt nhiều vẻ…; cái duy nhất là cơ sở thống nhất toàn bộ các sự vật - hiện tượng trong Vũ Trụ cho nên nó tồn tại vĩnh viễn. Tuy nhiên, ông lại nhận định có phần sai lầm rằng, trong cái duy nhất, vật chất và hình dạng không thể tách rời nhau, vì vậy mà không có cái gọi là “vật chất đầu tiên” hay “hình dạng thuần túy” như Arixtốt quan niệm.
Một cách cơ bản, Brunô cũng đã quan niệm rất đúng đắn đối với lý luận nhận thức. Ông đánh giá thấp vai trò của nhận thức cảm tính. Theo ông thì cảm tính chỉ có ý nghĩa “đánh thức trí tuệ” chứ không thể dùng nó để đánh giá đúng sai và đưa ra quyết định cuối cùng. Brunô viết rằng, hạn chế chính của cảm giác là ở chỗ “không thấy được sự vô cùng… hay sự vô cùng không thể là đối tượng của cảm giác”. Trái lại, Brunô rất đề cao khả năng nhận thức trí tuệ con người. Ông phản đối quan niệm thừa nhận hai loại chân lý của thời Trung cổ (một là thứ chân lý do Chúa ban, không thể chứng minh được, hai là chân lý do phát kiến khoa học và có thể chứng minh được). Chính vì vậy mà ông phủ nhận chân lý thần học, khẳng định chỉ có một chân lý duy nhất do triết học và khoa học tìm ra. Theo Brunô, quá trình nhận thức chân lý gồm ba giai đoạn: giai đoạn đầu tiên của nhận thức là cảm giác, giai đoạn trung gian là lý trí và giai đoạn sau cùng, cao nhất của nhận thức là trí tuệ.
Bộ phận nổi bật, tập trung những nhận thức cơ bản nhất của Brunô về tự nhiên và cũng là mũi nhọn trong triết thuyết của ông trong cuộc đấu tranh bảo vệ lập trường của mình, đồng thời khẳng định tính đúng đắn và hiện thực cho hệ nhật tâm Côpecnic trước giáo hội Thiên Chúa Giáo, chính là quan niệm về Vũ Trụ của ông.
Quan niệm về Vũ Trụ của Brunô là một sự phát triển trong thời đại mới trên cái nền tảng tư tưởng của Đêmôcrít. Theo Đêmôcrít thì Vũ Trụ không có gì khác ngoài nguyên tử và chân không, vạn vật đều do những nguyên tử (vật chất cực nhỏ, không thể chia cắt được) tạo thành; trong Vũ Trụ có rất nhiều thế giới, những thế giới này chỉ khác nhau về số lượng và về cấu trúc, một số trong đó không có Mặt Trời, Mặt Trăng, một số thì lại có nhiều Mặt Trời và nhiều Mặt Trăng hơn. Học thuyết nhật tâm của Côpecnic ra đời đã đóng vai trò như một bằng chứng lý thuyết cho ý tưởng về Vũ Trụ của Đêmôcrít. Có thể nó đã góp phần không nhỏ trong việc củng cố niềm tin cho Brunô, cho nên sau khi tiếp cận tác phẩm “Về sự quay của các thiên cầu”, ông đã cho nó là “ánh bình minh báo trước Mặt Trời chân lý triết học cổ đại sắp mọc”.
Brunô không những là người nhiệt thành suốt đời công khai ủng hộ học thuyết nhật tâm của Côpecnic, mà sau khi đã tiếp thu và kế thừa quan điểm Vũ Trụ của Đêmôcrít, ông còn bổ sung, phát triển học thuyết đó lên cao xa hơn nữa về mặt nhận thức triết học. Ông cho rằng Vũ Trụ là vô tận. Trong cái khoảng không vô tận ấy, ngoài hệ nhật tâm của Côpecnic còn có vô vàn hệ nhật tâm tương tự như vậy nữa. Trái Đất chỉ là một hành tinh bình thường quay quanh Mặt Trời như những hành tinh khác và có thể còn những hành tinh khác nữa chưa được phát hiện ra (lời tiên đoán này đã được chứng thực khoảng 200 năm sau khi ông qua đời, đó là việc phát hiện ra sao Thiên Vương và sau đó là Hải Vương). Ông mạnh dạn đưa ra giả định là Mặt Trời tương tự như Trái Đất, cũng quay quanh trục của nó, và khẳng định rằng đất, nước, lửa, không khí cấu thành không chỉ Trái Đất mà cũng cấu thành nên tất cả các hành tinh khác trong hệ nhật tâm. Cuối cùng ông kết luận rằng giữa các thiên thể, hành tinh là khoảng không tuyệt đối chứ chẳng có Chúa trời và thiên thần nào cả.
Quan niệm triết học duy vật triệt để của Brunô đã mâu thuẫn đối kháng với khái niệm thần học Thiên Chúa Giáo. Chính vì vậy mà ông đã trở thành kẻ thù của Tòa thánh La Mã, bị kết án là tà đạo và bị trục xuất khỏi giáo hội. Để tránh bị truy bức, năm 1576, ông đã trốn khỏi Ý, lang thang nhiều nơi ở Pháp, Anh, Đức, Thụy Sĩ, vừa viết văn kiếm sống, vừa tiếp tục nghiên cứu khoa học cũng như tích cực tuyên truyền thế giới quan duy vật của mình. Cuối cùng ông về Venise và năm 1592 thì bị giáo hội bắt, bị tù đày, tra tấn tàn nhẫn suốt 8 năm trời. Tòa án dị giáo cho phép ông 8 ngày “sám hối” để thoát tội chết, nhưng ông đã từ chối vì không chịu từ bỏ niềm tin của mình và cũng vì thế mà ông bị xử tội bằng cách thiêu sống. Trước lời tuyên án đó, trong pháp đình dị giáo, đã vang lên câu nói bất khuất của Brunô: “Các người tuyên bố bản án còn run sợ hơn ta nghe bản án đó”. Ngày 17-2-1600, trước khi bước lên giàn hỏa ở Roma, Brunô có nói thêm một câu sâu sắc mang tính tiên tri: “Thiêu chết không có ý nghĩa phủ định, đời sau sẽ tìm lại được ta và sẽ đánh giá”.
Chúng ta cảm phục Brunô về trí tuệ lỗi lạc và kính phục ông về tinh thần bất khuất! Thưa linh hồn Brunô, hậu thế có thể quên, thậm chí là chưa bao giờ nhớ đến cái đám người kết tội ông, nhưng hậu thế mãi mãi nhớ tới ông vì ông đã đi vào bất tử ngay từ khi ông bước lên dàn hỏa.
Brunô đã để lại cho đời sau những tác phẩm chủ yếu là: “Về nguyên nhân, nguyên lý và sự thống nhất”, “Về tính vô hạn của Vũ Trụ và các thế giới”, “Về sự vô cùng”…
Nếu Brunô là người đã ra sức bảo vệ và phát triển hệ thống nhật tâm của Côpecnic về mặt triết học thì keple là người lần đầu tiên thiết lập được những công thức toán học xác định được quĩ đạo chuyển động của các hành tinh quanh Mặt Trời và thông qua đó, một cách gián tiếp, đã khẳng định mạnh mẽ sự đúng đắn đối với phát kiến lất mặt Trời làm trung tâm của Côpecnic đối với một hệ thống Vũ Trụ mà ngày nay chúng ta vẫn thường gọi là Thái Dương hệ.
Keple (Johannes Keple, 1571-1630) là nhà thiên văn học nổi tiếng người Đức, một trong những người đặt nền móng cho vật lý thiên văn hiện đại. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ luôn lục đục, bất hòa. Năm lên 4 tuổi, ông bị bệnh đậu mùa gây tật nguyền ở tay và mặt. Từ nhỏ ông đã đến học trường dòng để sau này trở thành tu sĩ. Năm 1588, sau khi đạt được bằng xuất sắc của trường dòng, Keple tiếp t5uc được cấp học bổng để theo học đại học. Trong thời gian này, ông tiếp cận được tác phẩm của Côpecnic và từ đó ông trở thành người ủng hộ nhiệt tình thuyết nhật tâm.
Năm 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, ông được cử dạy toán và thiên văn ở trường Đại học Tin lành Graz. Vừa làm việc, vừa nghiên cứu thiên văn và với đồng lương ít ỏi, ông đã phải làm thêm việc xem bói tử vi cho những người giảu để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống. Có lần, ông đã chua chát nói: “Chiêm tinh học là đứa con gái của thiên văn học, mặc dù là một đứa con hoang thì nó phải nuôi mẹ nó, nếu không, mẹ nó sẽ chết đói”.
Năm 1600, Keple được Brahe mời sang làm trợ tá đại tài thiên văn Praha. Khi Brahe chết, Keple được cử thay thế Keple tự hiểu rằng mắt mình kém do ảnh hưởng của bệnh đậu mùa xưa kia, không thể trở thành nhà quan sát thiên văn tinh tường như Brahe được, nên ông chủ tâm vào toán học và “quan sát” nhật ký quan sát thiên văn suốt 30 năm qua của Brahe để lại, với mục đích là tìm ra quy luật chuyển động của các hành tinh.
Đó là một quá trình lao động miệt mài nhưng cũng vô cùng vất vả của Keple. Trước hết, ông phải hiệu đính lại các kết quả quan sát của Brahe bị sai lệch do sự khúc xạ ánh sáng trong khí quyển. Việc đó buộc ông phải nghiên cứu những vấn đề liên quan đến quang học. Sau đó, ông tiến hành sắp xếp, chỉnh đốn lại những số liệu quan sát của Brahe để xác định quĩ đạo của sao hỏa. Công việc này rất phức tạp. Keple đã phải tính đi tính lại, tốn nhiều giấy mực và thời gian mà vẫn không thành công. kết quả tính toán so với số liệu của Brahe chênh nhau đến 8 phút góc trên một vòng quĩ đạo là không thể chấp nhận được vì số liệu của Brahe đạt độ chính xác rất cao. Ngày nay, chúng ta biết được rằng nguyên nhân dẫn đến thất bại buổi đầu của Keple chính là vì trong ông cái quan niệm về sự chuyển động của các hành tinh, cũ thể là của sao Hỏa là trên một quĩ đạo tròn đều hoàn hảo, có từ thời Pitago và đến tận thời đó chưa một ai nghi ngờ. Phải sau nhiều năm tính toán gian khổ và trăn trở nữa, Keple mới phát hiện ra được con đường đến với chân lý khoa học, đó là con đường trước hết phải từ bỏ cái ý chí nhận thức chủ quan của con người về sự hoàn hảo. Bản thân Tự Nhiên đã là một hoàn hảo theo cách của nó rồi, không cần đến con người qui ước nữa! Khi đã trút bỏ được xiềng xích của cái quan niệm hoàn hảo đã nặng nề giáo điều đó thì Keple bắt đầu gặt hái được liên tiếp từ thành công này đến thành công khác để đến với sự mỹ mãn. Trong hiện thực khách quan, quĩ đạo chuyển động quanh Mặt Trời của sao Hỏa là một hình chóp mà Mặt Trời nằm tại một tiêu điểm của nó. Đó là kết quả đầu tiên về chuyển động của các hành tinh mà Keple thu được sau một quá trình tính toán lâu dài đầy những vấp váp. Năm 1609, Keple công bố hai định luật về chuyển động của các hành tinh. Năm 1611, ông công bố một công trình vê quang học, trong đó có mô tả cấu tạo của một loại kính thiên văn và nghiên cứu đường đi của các tia sáng qua thấu kính. Năm 1619, tức là 18 năm sau khi Brahe chết, Keple công bố thêm định luật thứ ba, hợp với hai định luật nêu trên thành một bộ phận ba định luật tổng quát về quĩ đạo chuyển động của các hành tinh quanh Mặt Trời, trong tác phẩm “Sự hòa hợp của Vũ Trụ”. Tác phẩm này bị giáo hội cấm, không cho phát hành.
Ba định luật về quĩ đạo chuyển động hành tinh quanh Mặt Trời của Keple đã làm cho mô hình hệ nhật tâm của Côpecnic dung dị hơn, mạch lạc hơn và do đó cũng sáng sủa hơn rất nhiều. Theo ba định luật đó thì quĩ đạo thực của mọi hành tinh chưa bao giờ là đường tròn hoàn hảo mà đều có dạng hình chóp và Mặt Trời nằm tại một trong hai tiêu điểm của nó. Khám phá đó của Keple đã loại bỏ được “hai ông thần gây rắm rối” là nội luân và ngoại luân ra khỏi sơ đồ hệ thống nhật tâm của Côpecnic và đưa chúng cùng hệ địa tâm Ptôlêmê vĩnh viễn về “nghỉ hưu” trong bảo tàng của nhân loại sau suốt 15 thế kỷ “quần quật” đóng vai trò chân lý(!). Dù sao thì cuộc tiễn đưa vẫn chưa diễn ra ngay được vì cuộc tranh luận giữa cũ và mới, giữa quan niệm địa tâm và quan niệm nhật tâm vẫn chưa hết sôi nổi. Cái cũ lạc hậu dễ gì mà từ bỏ thời vàng son của nó! Hơn nữa, dàn hỏa tòa án dị giáo vẫn còn lù lù ra đó và đang chực chờ bùng lên thiêu sống những kẻ phạm thượng!.
Những năm về sau, Keple còn gặt hái đượcnhiều thành tựu khác nữa, như: thiết lập ngành quang hình học, hoàn thiện khoa giải phẫu mắt, xuất bản tập sách “Hành tinh biểu”, bổ sung và hoàn thiện công trình quan sát của Brahe để lại trước đây… Công lao của Keple đã được Hoàng đế Đức bấy giờ tưởng thưởng cho một khoản trợ cấp và một ngôi nhà ở Sagan vào năm 1628. Mùa đông năm 1630, trong một chuyến đi nhận tiếp số tiền trợ cấp mà chính phủ còn nợ lâu chưa trả, Keple bị cảm lạnh và vài ngày sau, đúng ngày 15-11-1630 thì tạ thế tại Ratisbonne. Thi hài ông cũng được an táng luôn ở đó.
Có thể nói công trình thiên văn của Keple là biểu hiện tiêu biểu cho thời kỳ chuyển tiếp đối với khoa học nói chung và vật lý học nói riêng; là tiếng chuông báo hiệu sự kết thúc của lối nghiên cứu khoa học nặng về cảm tính, kinh viện và sự ra đời của lối nghiên cứu lấy thực nghiệm để xác nhận chân lý. Theo xu thế của thời đại, vật lý học đã bắt đầu đi trên con đường đặc thù và chân chính dành cho nó, trở thành lực lượng đi tiên phong trong nghiên cứu khoa học, đóng vai trò thúc đẩy các ngành khoa học khác cũng như thúc đẩy sự trở lại cả triết học lẫn toán học cùng tiến bước phục vụ cho đòi hỏi nhận thức tự nhiên ngày một cao của loài người. Một nền khoa học khổng lồ ở Châu Âu được bao trùm bởi chủ nghĩa thực chứng mà tiêu chí của nó là lấy thực tiễn làm chuẩn mực để xác nhận chân lý, lấy thực nghiệm làm cứu cánh cho phát minh khoa học, đã bắt đầu ló dạng và hứa hẹn đem lại những thành quả vô cùng chói lọi.
Mời xem:
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>