Thực tại và hoang đường 10




Sau khi từ quan ra đi, Lão Đam vĩnh viễn không xuất hiện nữa. Nhưng trong dân gian xuất hiện một tên tuổi mới, cũng tài ba cái thế vô song không kém, đó là Quỉ Cốc. Tài năng và đức độ của Quỉ Cốc, chúng ta đã nói đến rồi: là có một không hai của đương thời. Đã là ẩn sĩ thì Quỉ Cốc chắc chắn cũng không phải tên thật, Cốc có nghĩa là hang núi, cái hang; Quỉ, theo “Hán thư nghệ văn chí”, nghĩa là u hiển; u là ẩn, hiển là lộ. Vậy thì Quỉ Cốc có thể hiểu là hang núi ẩn hiện, hay thoát hơn, hiểu là Hang huyền diệu, ẩn ẩn hiện hiện, đóng đóng mở mở, hơn cả thần linh?

Trong Chương VI, Đạo Đức Kinh, có viết:
“Cốc Thần bất tử, thị vị huyền tẫn, huyền tẫn chi môn, thị vị thiên hạ căn. Miên miên nhược tồn, dụng chi bất cần”
(Thần Hang bất tử, gọi là Huyền Tẫn (Mẹ nhiệm màu); cửa Huyền Tẫn là gốc của Trời Đất. Dằng dặc mà như bất tuyệt, tạo thành mọi vật mà không kiệt (hay không mệt).

Theo Nguyễn Hiến Lê: “Thần Hang tượng trưng cho Đạo; thể của nó là hư vô nên gọi là hang, dụng của nó là vô cùng nên gọi là thần, vô sinh hữu, hữu sinh vạn vật nên gọi là mẹ nhiệm màu, nó sinh sinh hóa hóa, nó “đông nhi dũ xuất” (càng động càng xuất lộ ra) cho nên bảo là không kiệt”. (Theo chúng ta, Cốc Thần chính là tên gọi (nhãn mác) được Lão Tử đặt ra để gọi cái mà ngày nay chúng ta thường gọi là Vũ Trụ!).

Dẫn ra như thế để đặt câu hỏi: giữa Quỉ Cốc và Cốc Thần có “hơi hám” gì của nhau không? Thế thôi!

Cuộc đời Lão, Khổng là những tấm gương sáng ngời về nhân cách. Thời của Lão, Khổng đã để lại cho những thế hệ trí giả Trung Hoa kế tiếp sau đầy đủ nguyên vật liệu tinh túy nhất, cơ bản nhất để có thể làm nên một bữa tiệc triết học đầy sơn hào hải vị; đã để lại tất cả mọi khái niệm, mọi ý niệm thiết yếu quan trọng bậc nhất để có thể xây dựng nên những triết thuyết về xã hội nhân sinh của Phương Đông, hết mực chân phác, dung dị mà cũng hết mực uyên áo, bí huyền.

Giai đoạn đầu Chiến Quốc đã đặt lên vai những bậc trí giả có lương tâm và nhiệt huyết một nhiệm vụ bức thiết hơn bao giờ hết là giải thích sự biến loạn đầy bi kịch của xã hội đương thời và mau chóng tìm ra phương hướng khả dĩ để đưa xã hội thoát khỏi tình trạng đó. Một phần, do triết học về tự nhiên của Lão Tử đã được thừa nhận rộng rãi (vì đã thể hiện tính đúng đắn của nó!), một phần vì lý do kể trên mà việc nghiên cứu sâu rộng hơn đối với tự nhiên trở thành thứ yếu. Từ đó làm cho khoa học tự nhiên thiếu động lực phát triển trong suốt thời cổ, trung đại của lịch sử Trung Quốc (hầu hết những bộ óc kiệt xuất nhất đều hướng về lĩnh vực văn hóa - xã hội - nhân sinh) …

Quỉ Cốc là tên truyền tụng trong dân gian vùng đất Dương Thành, thuộc nhà Chu. Có lẽ như thế nên trên chính trường tranh biện, các học gỉa không biết đến tên Quỉ Cốc mà chỉ biết đến một cái tên khác, không kém lẫy lừng, đó là Dương Chu. (Dương Thành phải chăng là Thành Lạc Dương, là Lạc Ấp, và Dương Chu được đặt ra trong nỗi niềm “hoài Chu”?)

Có thể cho rằng Dương Chu là danh xưng đóng vai trò “người phát ngôn” của hệ thống tư tưởng Lão Đam, là "người đại diện" đứng ra tranh biện với Nho gia về hành vi “độn thế” (trốn đời) của họ và phê phán cái vô nghĩa lý của quan niệm chính danh mà Khổng Tử đề xướng. “Người phát ngôn” chưa hẳn đã là một người mà có thể là gồm vài ba môn đồ của Quỉ Cốc Tử.

Trào lưu xuất thế, làm ẩn sĩ đòi hỏi phải có cơ sở lý luận cho nó. Một trong vấn đề cần phải giải quyết là khái niệm “vô danh” (chúng ta tin rằng khái niệm này là một trong hai tiền đề làm xuất hiện khái niệm “chính danh”)

Điều quí giá nhất của Đạo gia là luôn cố gắng giải quyết rốt ráo nhất, trên tinh thần khách quan nhất về mặt lý luận đối với tất cả các hiện tượng xã hội - nhân sinh. Với nền tảng lý luận là triết học của Lão Đam ngay từ đầu đã đúng đắn ấy, nhiều vấn đề triết học “hóc búa” đã được họ lý giải thành công. Có thể cả nhân loại chứ không riêng gì đất nước Trung Hoa cần phải cảm ơn họ.

Vấn đề Danh và Thực đã từng là vấn để tranh luận trọng yếu của triết học Trung Quốc thời kỳ Chiến Quốc. Vấn đề đó thực ra, nếu suy rộng, lại cũng chính là một trong những vấn đề cơ bản về nhận thức của triết học thế giới; liên quan đến mối quan hệ tư duy và tồn tại, ý thức và vật chất, chủ quan và khách quan, hiện hữu và thực tại …

Hãy nghe Dương Chu nói về Danh:
“Thực vô danh, danh vô thực, Danh giả ngụy nhi dĩ hĩ”
(Thực thì không có tên, tên không phải là thực. Tên gọi là giả đối làm ra đấy mà thôi!)

Vạn vật tồn tại là thực, sự thực ấy bản thân chúng không hề có tên gọi, không hề có danh (khái niệm). Trước quan sát, chúng hiện hữu và được đặt tên (gắn nhãn mác) để nhận biết, nhận thức. Những cái tên ấy (những danh ấy) được quan sát đặt ra để nhận thức vạn vật chứ bản thân vạn vật vốn dĩ không "mang" những cái tên ấy (và có thể đặt lại cho chúng những cái tên khác!). Do đó danh là để chỉ thực nhưng không phải là thực. Cùng một sự vật - hiện tượng, ở hai ngôn ngữ khác nhau sẽ được gắn những nhãn mác có ký hiệu khác nhau; sẽ được phát âm (gọi) bằng những cách khác nhau (giả dối làm ra đấy mà thôi!).

(Tuy vậy, theo ý chúng ta thì cần phải nói thêm rằng sự vật - hiện tượng tồn tại được là nhờ có tính phân biệt được của thế giới vạn vật, tùy đối tượng mà tác động tương hỗ nhau một cách phù hợp với tự nhiên. Do đó, trong sâu thẳm, dù có thể không gọi ra được, thì mỗi vật đều được "định danh" ở mỗi đối tượng có quan hệ với nó. Nghĩa là vật đó không những hữu danh mà còn có vô vàn danh. Tính nước đôi của Tự Nhiên thật là rắc rối!!!)

Trước mắt con người, mọi sự vật - hiện tượng cả trong tự nhiên lẫn trong xã hội, trước sau gì cũng phải có danh, phải hữu danh. Một người trốn đời trong thâm sơn cùng cốc, xét ở phạm vi cá biệt, cụ thể thì là vô danh; nhưng ở phạm vi rộng hơn thì vẫn có danh: ẩn sĩ, và danh ở phạm vi rộng hơn nữa là: con người… Đó chính là biểu hiện về mối quan hệ giữa nội hàm và ngọai diên của khái niệm, được nói tới trong logic hình thức.

Danh xưng, bản thân nó, không hư (sai) mà cũng không thực (đúng, chính). Chỉ tùy quan niệm mà nó mới trở nên hư danh hay chính danh. Một người được định nghĩa là vua thì chính danh là vua (chứ không phải chính danh là ông vua tốt, hiền). Danh chính nghĩa hay phi nghĩa cũng là do quan niệm mà ra. Thông thường những danh xưng phù hợp với yêu cầu, ước mong của đại chúng là những danh chính nghĩa. Một kẻ được định nghĩa (bản chất) là tiểu nhân mà mang danh quân tử thì cái danh quân tử lúc này là hư danh và đó là kẻ giả mạo. Một tiến sĩ toán học trên bàn tròn tranh biện về chính trị mà vỗ ngực tự xưng là chính danh thì thật... nực cười!

Về mặt triết học, câu nói trên của Dương Chu là hoàn toàn chính xác!.

Thế thì hành vi làm cho mình trở thành vô danh là đúng hay sai? Đối với những kẻ đức hèn tài mọn thì không muốn vô danh vẫn bị vô danh (vô danh tiểu tốt!), chẳng cần phải lánh đời làm gì!

Xuân Thu - Chiến Quốc là thời kỳ chiến tranh liên miên, ngày một dày đặc. Đó là những cuộc chiến tranh của vua chúa, vua chúa gây ra vì quyền lợi của chính vua chúa (mà nguyên nhân sâu xa có thể tìm thấy trong đời sống kinh tế xã hội: sự bất hợp lý trong phân phối của cải, trong cấu trúc xã hội…). Trong tình hình đó, một chính nhân quân tử làm tôi trung cho vua nào, chúa nào để được gọi là hành động chính nghĩa? Chính nghĩa, đó là hợp lòng dân; hợp lòng dân là làm cho dân được sống cảnh thanh bình, yên ổn làm ăn. Phụng sự ông vua bà chúa nào để thực hiện được việc ấy cho toàn thể đại chúng? Vô vọng! Không những vô vọng mà trong cái đấu trường đẫm máu hôn ám ấy, cũng không thể giữ được cái lòng trung nghĩa, thậm chí là mất mạng uổng công vô ích. Còn một con đường duy nhất đúng là không hợp tác với vua chúa nữa: xuất thế, vô vi, dấu tài, lánh đời, tan biến thành vô danh. Vô danh mà hữu thực, vô vi mà hữu vi, không có mặt trên chính trường nữa nhưng vẫn tác động đến chính trường, làm điều chính nghĩa trong cái thế vô danh, theo tự nhiên, lựa thế chờ thời, tùy khả năng mà xoay chiều đổi hướng để thực hiện mục đích lớn nhất là thiên hạ yên ổn, thái bình.

Trong “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử, thiên “Nhân gian thế”, đoạn tám, viết:
“Khổng Tử qua nước Sở. Một người cuồng nước Sở tên là Tiếp Dư tới trước nhà Khổng Tử, hát:

Con phượng kia, con phượng kia
Sao mà đức suy như vậy?
Không thể biết trước được tương lai
Không thể trở về dĩ vãng.
Khi thiên hạ thịnh trị,
Thì thánh nhân thực hiện được sứ mệnh mình.
Khi thiên hạ loạn lạc,
Thì thánh nhân bảo toàn thân mình.
Như thời này, chỉ cần đừng bị vạ
Hạnh phúc nhẹ hơn cái lông
Mà không ai biết nhận lấy nó
Tai họa nặng hơn trái đất
Mà không ai biết tránh nó
Thôi đi; thôi đi! Đừng mong lấy đức cảm hóa người
Nguy thay; nguy thay! Hãy bảo bọc lấy mình
Gai góc; gai góc! Đừng ngăn cản bước đường của ta
Đi vòng, đi vòng quanh, đừng để gai đâm vào chân”


Và đoạn chín:
“Cây trên núi tự rước lấy búa rìu vào thân; mỡ tự dẫn lửa nên phải cháy; cây quế ăn được nên bị lột vỏ; cây sơn nhựa dùng được nên bị rạch vỏ. Ai cũng biết chỗ dùng được của vật hữu dụng, mà không biết chỗ dùng được của cái vô dụng”.

Người ta được sinh ra rồi phải chết đi. Đó là tất yếu và cũng là tự nhiên. Dù thế, mục đích của tạo dựng là tồn tại, mục đích của sự sinh ra là sự sống, là tồn sinh cho nên cái quí giá nhất của một người là đời sống. Ai cũng yêu mình, đó là tự nhiên; ai cũng muốn giữ gìn, bảo toàn sự sống của mình, đó là chính nghĩa.

Nhiều người đồng ý rằng những đoạn sau đây trong quyển “Lã Thị Xuân Thu” (do Lã Bất Vi, quan tể tướng nước Tần, thời cuối Chiến Quốc, tập hợp các môn khách cùng biên soạn; đây là sự thu thập và tổng hợp các trường phái học thuật thời Tiên Tần) là phản ánh tư tưởng của Dương Chu:
“Nay đời tôi là của tôi, mà cái lợi cho tôi cũng lớn lắm vậy. Xét cái gì quí cái gì tiện thì chức thiên tử không đủ để so sánh. Xét về điều nặng nhẹ, khinh trọng thì dầu có cả thiên hạ cũng không thể đổi lấy được. Xét sự yên hay nguy thì một buổi sớm bỏ mất, suốt đời không trở lại được. Ba điều ấy, kẻ có đạo lấy làm thận trọng vậy. Đã thận trọng mà lại quay lại làm hại thì tức là không đạt tới cái tình của tính mệnh vậy. Đã không đạt tới cái tình của tính mệnh, cái ý nghĩa của sự sống, thì thận trọng có ích gì?... Các bậc nhân chủ ở đời nay, các bậc quí nhân, người hiền hay không hiền, chẳng ai là không muốn “trường sinh cửu thị”. Đã vậy mà lại làm trái nghịch hàng ngày với dòng sông, thì muốn thế kia có ích gì? Phàm sống lâu là thuận với sự sống. Cái làm cho sự sống không được thuận ấy là bởi bụng dục. Cho nên thánh nhân trước hết phải thích ứng điều hòa bụng dục vậy”.

“Trời sinh ra con người, khiến con người có tham có dục (tham lam, ham muốn). Dục tự nhiên sinh tình, tình thì có mức độ. Thánh nhân chú ý gìn giữ mức độ thích hợp để tiết chế dục, làm cho tình không thái quá. Cái dục của tai là ngũ thanh, cái dục của mắt là ngũ sắc, cái dục của miệng là ngũ vị, tất cả đều là tình tự nhiên vậy. Ba cái dục ấy ở người quí, người trí, người hiền, kẻ bất tiết, kẻ tiện, kẻ ngu đều giống nhau như một. Dù Thần Nông, Hoàng Đế hay Kiệt, Trụ thì cái dục cũng vậy thôi. Chỗ khác của thánh nhân là đạt đến cái tự nhiên của sự sống. Do chỗ quí trọng sinh mệnh nên có thể giữ được tình đúng mực, không biết quý trọng sinh mệnh thì sẽ mất đi cái tình của nó. Hai điều đó là gốc của sự sống, chết, còn, mất vậy”

Với những tư tưởng ấy, đời sau nói chung nhận định là Dương Chu chủ trương “khinh vật trọng sinh”, “vị ngã” và hiểu như là ích kỷ, vì mình hại người, cá nhân chủ nghĩa… Không phải như vậy! Muốn hiểu được Dương Chu phải thấy được tính tôn trọng sự thực khách quan, “chân lý tối thượng” trong suy nghĩ, lập luận của ông. Chúng ta hãy nghe ông trăn trở:
“Người ta cùng với trời đất là như nhau, ôm ấp cái tình của năm yếu tố. Người ta có cái nguồn sống là tối linh vậy. Móng vuốt không đủ để giúp cho sự bảo vệ, da thịt không đủ để giữ gìn chế ngự lấy mình, xô chạy không đủ để trốn lợi hại. Không có lông cánh để chế ngự nóng rét, ắt là phải nương vào vật để mà nuôi cái tính, tin theo trí mà không cậy sức. Cho nên cái quí của trí là bảo tồn lấy cái ta làm quí. Cái đáng khinh ở sức ấy là chiếm đoạt lấy vật làm khinh. Vậy mà thân này không phải của ta, đã có nguồn sống không thể không giữ cho toàn vẹn. Vật không phải ta có, đã có thì không thể bỏ đi. Thân là chủ của nguồn sống, vật là chủ của sự nuôi nấng. Tuy giữ toàn vẹn cái thân sống mà không thể có cái thân ấy được. Tuy không bỏ vật mà không thể có cái vật ấy được. Có được cái vật ấy, có được cái thân ấy, đấy là tư hữu một cách trái ngược cái thân của thiên hạ, tư hữu một cách trái ngược cái vật của thiên hạ vậy. Chỉ có thánh nhân (ở đây ám chỉ vua chúa) họa chăng? Chung cái thân của thiên hạ, chung cái vật của thiên hạ. Chỉ có trí nhân họa chăng? Như thế là cùng cực vậy”.

Sự sống của mình thì cũng như sự sống của người. Mình yêu mình thì người cũng yêu người. Những kẻ biết được cái lẽ yêu mình thì cũng sẽ yêu người. Từ đó mà tôn trọng cuộc sống mình thì đồng thời tôn trọng cuộc sống người. Và nếu hành động giữ gìn cuộc sống của mình là chính nghĩa thì hành động giữ gìn cuộc sống của thiên hạ (trong đó có mình) là đại nghĩa. Biết được như vậy là trí nhân, làm được như vậy là đức nhân chăng?

Theo chúng ta nghĩ thì Dương Chu “trọng sinh” nhưng không “khinh vật”. Ý ông chỉ muốn nói tham muốn quá độ chỉ hại đến thân vì không thuận tự nhiên:
“Người đời thái cổ biết sống ở đời là tạm đến, biết chết là tạm đi. Cho nên tùy tâm mà động, không trái với cái thích tự nhiên. Đang có cái vui của thân thể, không bỏ nó mà đi, cho nên không bị khích động bởi cái danh, theo tính tự nhiên mà chơi không trái với cái yêu của vạn vật”.

Và khi trong thiên hạ, ai ai cũng biết sống điều độ, vừa phải thì lòng tham muốn sẽ mất đi, vấn đề danh lợi không còn đặt ra nữa vì mọi người đều biết sống nhường nhịn, ai cũng yêu mình yêu người. Đó chính là quan niệm mang tính lý tưởng của Dương Chu (có lẽ ông biết rằng đã từng có một hiện thực như thế ở thời xa xưa tối cổ với cái tên là “Xã Hội Đại Đồng” mà ngày nay chúng ta gọi là “Cộng sản nguyên thủy”) và ông đúc kết:
“Người xưa mất một sợi lông mà lợi cả thiên hạ cũng không cho, được cả thiên hạ phụng sự riêng mình cũng không lấy, người nào cũng không chịu thiệt, người nào cũng không ham lợi, thì thiên hạ tự nhiên thái bình”.

Rồi ông đề xướng:
“Kẻ giỏi trị bên ngoài, sự vật vị tất đã trị mà thân thì gặp khổ sở. Kẻ giỏi trị bên trong, sự vật chưa chắc đã loạn mà tính thì nhàn hạ. Lấy cái việc trị ở ngoài của người, phép ấy có thể tạm thi hành ở một nước, chưa chắc đã hợp với cả lòng người. Lấy cái việc trị bên trong của ta thì có thể suy ra đến khắp thiên hạ, đạo vua tôi sẽ hết không còn cần nữa vậy”.

Dương Chu là thế, là một người không có thật, là danh xưng của Quỉ Cốc Tử trên bàn tròn tranh biện và đã đóng vai trò xuất sắc “người phát ngôn” cho triết thuyết của Lão Đam.

Ít nhất thì cũng có một người đã không thấy được cái nhân sinh quan (dù vẫn mang nặng tính siêu hình!) suy ra từ thế giới quan hợp lý ấy nên cũng không đồng ý với quan niệm “yêu mình” của Dương Chu. Không ai khác, đó chính là Mặc Tử

* * *


Quan niệm “yêu mình” của Dương Chu không phải là một luận điệu tuyên truyền mang tính chủ quan mà là kết quả suy ra từ nhận thức xuất sắc của Lão Đam về Tự Nhiên Tồn Tại.

Ở loài vật, vì chưa có cái “ngã” hoặc “ít ngã” nên việc tự bảo toàn mạng sống của chúng là hoàn toàn (hoặc chủ yếu?) theo bản năng. Bản năng là kinh nghiệm tích lũy được từ ngàn vạn thế hệ trước chúng và tồn tại trong sâu thẳm tim óc máu xương chúng. Cho nên chúng có sống vì mình hay có lúc vì đồng loại thì cũng chỉ là hành động mù quáng theo bản năng. Con người cũng vì mình theo đòi hỏi của bản năng nhưng vì có trí nhớ đủ dài lâu (sự hồi ức) nên con người cũng có ý thức coi trọng và tự bảo toàn mạng sống: vì mình đạt đến quí mình. Đó chính là cái gốc nảy mầm ra tình cảm con người mà trong đó có tình yêu thương: yêu mình, yêu cha mẹ (những người cho mình cuộc sống và từng nuôi nấng mình), yêu anh em ruột thịt, rồi mới đến yêu bà con, dòng họ, xóm giềng… Liên kết bầy đàn để tự vệ, bảo toàn mạng sống đã có ở bản năng loài vật, mang tính tự nhiên. Ở con người đó là sự đoàn kết mang tính tự giác. Chỉ có những người hiểu cốt lõi của tình yêu thương, thấy được mối quan hệ tương thân tương ái trong công cuộc tồn sinh mới yêu thương như nhau trong khắp thiên hạ được, mới hành động vì mình vì người được, mới thậm chí tự giác hi sinh vì đại nghĩa được (như thế chỉ có trí nhân, thành nhân họa chăng!).

Mặc Tử có lẽ đã không hiểu được cái thâm hậu trong suy nghĩ của Dương Chu, coi “yêu mình” chỉ đơn giản, hẹp hòi là “biệt ái” (chỉ yêu riêng mình thôi!) nên đã đề xướng ra thuyết “kiêm ái” (yêu thương đồng đều tất cả mọi người hay nói gọn là “yêu người”) Thuyết “kiêm ái” thực chất ra như một giáo lý về đạo làm người, như một bài giảng đã được “chỉnh sửa” từ bài giảng của Khổng Tử về luân thường đạo lý, và cuối cùng, nó như là một đề xuất thực hiện cụ thể, chi tiết, có tính phản biện lại (nhưng nhiều lúc hóa ra lại vô tình biện hộ) cái tình yêu thương mang tính lý tưởng mà Dương Chu đã trăn trở. Có lẽ vì thế là thuyết “kiêm ái” cũng nặng tính chủ quan, không tưởng như “chính danh” của Khổng Tử vậy.

Mặc Tử họ Mặc tên Địch. Nhiều người nói đó không phải là tên thật. Nhưng nếu Mặc Địch không phải là tên thật thì tên thật của chủ thuyết “kiêm ái” là gì? Không biết! Thế Mặc Tử là ai? Là “thầy” Mặc Địch chứ ai vào đây nữa!!! Vậy theo chúng ta Mặc Tử là Mặc Địch, và đó là một tên thật!.

Theo “Trung Hoa cổ đại triết học sử” của Hồ Thích thì:
“Mặc Tử đại khái sinh vào trong khoảng từ năm thứ mười hai đến năm thứ ba mươi đời Chu Kính Vương, mất vào khoảng giữa từ năm thứ nhất đến năm thứ mười đời Chu Uy Liệt. Ngày sinh Mặc Tử nhằm khi Khổng Tử năm sáu mươi tuổi. Đến lúc Ngô Khởi bị giết, Mặc Tử chết chừng bốn chục năm trước rồi …”

Linh cảm báo cho chúng ta biết rằng Lương Khải Siêu đúng hơn: Mặc Tử sinh vào năm đầu đời Chu Định Vương, ước lượng chừng sau khi Khổng Tử mất 10 năm và mất vào khoảng giữa đời Chu An Vương, ước lượng trước khi Mạnh Tử sinh ra độ hơn 10 năm.

Và cũng theo Lương Khải Siêu thì Mặc Tử là người nước Tống: “Nước Tống tuy ở phương Bắc nhưng lại giáp với phương Nam, Mặc Tử đẻ ra ở nước đó nên mới thâu lượm được cả học thuyết của hai phái Nam, Bắc tức là Lão Giáo và Khổng Giáo”.

Sách Hoài Nam Tử (Do Hoài Nam Vương Lưu An cùng môn khách viết, tương tự như trường hợp sách “Lã Thị Xuân Thu”): có viết:
“Mặc Tử học nghiệp của Nho gia, học thuật của Khổng Tử, nhưng lại không thích cái Lễ phiền nhiễu, hậu việc tống táng làm hao của mà nhọc dân, để tang lâu ngày có hại cho sự làm việc, cho nên làm ngược với đạo nhà Chu, mà theo chính sách của nhà Hạ …”

Mặc Tử xuất thân từ tầng lớp bình dân, sống kham khổ theo chủ nghĩa khổ hạnh, nghe nói có thời làm đại phu nước Tống nhưng phần lớn thời gian cùng học trò chu du thiên hạ biện thuyết cho thuyết của mình.

Khi Mặc Tử sang Tề, có người hỏi:
- Nay thiên hạ chẳng ai làm nghĩa, sao ngươi lại cứ một mình làm nghĩa cho khổ thân, chẳng bằng thôi đi.

Mặc Tử đáp:
- Nay có một người có mười đứa con, một đứa đi cày, chín đứa ở dưng, thì đứa đi cày không thể không làm việc gấp thêm. Vì sao? Vì người ăn thì nhiều mà người cày thì ít. Nay thiên hạ chẳng ai làm việc, người khuyên ta làm thêm mới phải, sao lại ngăn ta?”.

Chủ thuyết của Mặc gia là “Kiêm ái”. Mặc Tử nêu thí dụ:
“Có hai kẻ sĩ, một kẻ chuyên giữ thuyết “Biệt”, một kẻ chuyên giữ thuyết “Kiêm”.

Kẻ sĩ phái “Biệt” nói: “Ta há có thể ví thân bạn như thân ta, coi đấng thân của bạn như đấng thân của ta?” Và rồi kẻ đó thấy bạn đói không cho ăn, rét không cho mặc, ốm đau không thăm nuôi, chết không chôn cất”.

Kẻ sĩ phái “Kiêm” nói: “Ta nghe nói làm kẻ cao sĩ ở thiên hạ, ắt ví thân bạn như thân mình, ví đấng thân của bạn như đấng thân của mình, như thế mới là kẻ cao sĩ”. Và rồi thì kẻ đó thấy bạn đói thì chia ăn, rét thì chia mặc, ốm đau thì thăm nuôi, chết thì chôn cất”.
(Lạm bàn: Không nhiều thì ít, xã hội nào cũng có cảnh “lá lành đùm lá rách” mà không cần phải là người cao sĩ!)

Mặc Tử mô tả ra cái xã hội (mang tính lý tưởng) mà ông mơ ước:
“Nếu khiến thiên hạ gồm yêu nhau, ai ai cũng yêu cha anh cùng vua như yêu thân mình, ghét làm điều bất hiếu. Coi con em và bề tôi cũng như thân mình, ghét những điều bất từ, thì điều bất hiếu bất từ sẽ không có. Còn có trộm cướp nữa chăng? Đã coi nhà người như nhà mình thì ai ăn trộm? Đã coi thân người như thân mình thì ai ăn cướp? Cho nên trộm cướp sẽ không có nữa. Còn có đại phu làm loạn nhà nhau, chư hầu đánh lẫn nước nhau nữa chăng? Đã coi nhà người như nhà mình thì ai làm loạn? Đã coi nước người như nước mình thì ai đánh nhau? Cho nên cái loạn đại phu làm loạn nhà nhau, chư hầu đánh lẫn nước nhau, sẽ không còn nữa. Nếu làm được cho thiên hạ gồm yêu lẫn nhau, nước nọ với nước kia không đánh lẫn nhau, nhà nọ nhà kia không làm loạn lẫn nhau, trộm cướp không có. Vua tôi, cha con đều hiền từ, thế thì thiên hạ trị. Cho nên thánh nhân làm việc cai trị thiên hạ, không thể không cấm sự ghét và khuyên sự yêu”.
(Lạm bàn: Ít ra thì cũng không thể coi của cải người như của cải mình, vợ người như vợ mình và ai cũng không được giàu hơn người mà cũng không được nghèo hơn người. Khó quá xá cỡ!!!)

Rồi ông luận:
“Hãy thử truy nguyên những điều tai hại ở đâu mà ra, có phải ở sự yêu người, làm lợi cho người mà ra chăng? Ắt rằng không phải. Ắt rằng do sự ghét người, làm hại người mà ra. Những kẻ ghét người, làm hại người, phái “kiêm gồm” hay phái “riêng biệt”? Ắt rằng phái “riêng biệt”. Thế thì những kẻ chia rẽ mọi người quả đã sinh ra hại lớn cho thiên hạ. Hãy thử truy nguyên những điều ích lợi ở đâu mà ra. Có phải ở sự ghét người, làm hại người mà ra chăng? Ắt rằng không phải. Ắt rằng do sự yên người, làm lợi cho người mà ra… Những kẻ yêu người, làm lợi cho người là Biệt hay Kiêm? Ắt là Kiêm. Thế thì những kẻ kiêm ái quả đã sinh ra lợi lớn cho thiên hạ vậy.”
(Kiêm Ái Trung)
(Lạm bàn: Không yêu mình thì làm sao “cảm” được mà yêu người? Còn yêu gồm toàn thiên hạ để “đợi” thiên hạ yêu mình thì... thì... e rằng “phiêu lưu” quá chăng? Không khéo lại “ăn cơm nhà, vác ngà voi”, thành ra ngược đời,cũng khổ!)

Và ông kêu gọi:
“Nay ta đương tìm lấy cách dấy được điều lợi cho thiên hạ mà làm, thì lấy kiêm làm chính, làm phải. Đó là đem cái tai thông, mắt tinh sáng trong nghe cho nhau. Đó là đem cái chân tay khỏe mạnh làm lụng cho nhau, mà kẻ có đạo thì cùng dạy bảo lẫn nhau cho nên những người già, góa vợ không con, có kẻ nuôi nấng trông nom cho trọn tuổi già. Những kẻ nhỏ yếu, mồ côi cha mẹ, có kẻ nương tựa cho lớn cái thân. Nay quen lấy “Kiêm” làm chuẩn tắc, làm chính nghĩa thì lợi ra như thế”.

Dù thế nào đi nữa thì Mặc Tử vẫn là một con người có một tấm lòng nhân hậu bao la. Chúng ta kính trọng Mặc Tử là vì thế.

Để có thể đạt được một xã hội “Kiêm ái” như mình mong ước, Mặc Tử đã đề ra một học thuyết chính trị gồm những vấn đề được ông cho là then chốt: Thượng đồng, Thượng hiền và Tiết dụng.

Thượng đồng nghĩa là gì? Theo Mặc Tử:
“Đời xưa, khi dân mới sinh chưa có hình chính, lời nói của họ mỗi người mỗi nghĩa. Cho nên một người một lẽ phải, hai người hai lẽ phải, mười người mười lẽ phải, hễ người càng nhiều thì cái gọi là lẽ phải càng nhiều. Cho nên ai cũng bênh lẽ phải của mình để chê lẽ phải người, nên giao dịch với nhau chỉ chê nhau. Trong nhà thì cha con anh em gây ra oán ghét lìa tan, không thể hòa hợp với nhau; trăm họ thiên hạ đều dùng nước lửa, thuốc độc làm hại lẫn nhau. Thiên hạ rối loạn như cầm thú vậy.”
(Thượng đồng thượng)
(Lạm bàn: Nguyên nhân sâu xa là vì miếng ăn thì ít mà miệng ăn thì nhiều mà ở thời hiện đại là sự không công bằng về quyền lợi chăng?)

“Biết rõ thiên hạ sở dĩ loạn là do không có người chính trưởng mà ra cả, cho nên mới kén người hiền năng trong thiên hạ lập nên để làm thiên tử”.
(Thượng đồng thượng)
(Lạm bàn: Điều này chắc là đúng!)

“Chính trưởng đủ rồi, thiên tử mới ra lệnh cho cả trăm họ, rằng: nghe thấy điều thiện và điều bất thiện, đều phải báo cho người trên. Cái mà người trên cho là phải, ai cũng phải nhận là phải, cho là trái ai cũng phải nhận là trái. Người trên có lỗi thì can ngăn, người dưới có điều hay thì dò hỏi mà dựng lên. Kẻ nào tán đồng với bậc trên mà không hùa với bậc dưới, người trên sẽ thưởng, người dưới sẽ khen… Vào hùa với kẻ dưới mà không tán đồng với bậc trên, người trên sẽ phạt, mà trăm họ sẽ chê. Người trên phải theo chỗ đó để làm căn cứ cho sự thưởng phạt”.
(Thượng đồng thượng)
(Lạm bàn: Mặc Tử quá ngây thơ trước bản chất con người! Hiện tượng chính trưởng không phải chỉ có ở loài người mà ở loài vật sống bầy đàn cũng có. Có con đầu đàn để làm gì? Để dùng quyền lực bênh vự "kẻ" yếu hèn chăng?)

Thế thì ai thưởng phạt thiên tử, hay thiên hạ vượt lên trên vòng thưởng phạt? Mặc Tử quyết: “Dân chúng phải chấp nhận như thế bởi vì không còn cách nào khác để tránh cái họa hỗn loạn, sống cảnh tượng cầm thú”.

Còn Thượng hiền là gì? Mặc Tử giải thích:
“Thánh vương đời xưa rất tôn trọng người hiền mà sử dụng tài năng, không kéo bè với cha anh, không thiên vị kẻ giàu sang, không sùng mến kẻ nhan sắc. Ai hiền thì được nâng nhắc lên cao, giàu và sang dùng làm quan trưởng (???). Kẻ nào bất hiếu thì nên bỏ đi, bắt phải nghèo và hèn (???), dùng làm đồ dịch. Vì vậy, dân đều nô nức tìm sự thưởng, sợ hãi hình phạt, rủ nhau mà làm người hiền…”
(Thượng hiền trung)
Hay:
“Thánh vương thời xưa làm việc chính trị thường dùng người có đức mà chuộng người hiền. Dẫu người ở nông, công hay thương dân mà có tài năng thì cũng cất lên, giao cho tước cao, lộc hậu, bổ dụng vào công việc, ban cho quyền lợi… Cho nên quan không sang mãi mà dân không hèn mãi”
(Thượng hiền thượng)
(Lạm bàn: Không biết làm như thế có phản lại “Kiêm ái” không?)

Vấn đề cơ bản thứ ba là Tiết dụng. Mặc Tử nói:
“Thánh nhân làm việc chính của một nước thì một nước có thể lợi gấp bội, lớn ra làm việc chính cho cả thiên hạ, thiên hạ có thể lợi được gấp bội. Cách làm cho lợi lên gấp bội đó, không phải là đi lấy đất bên ngoài. Nhân trong nước mình, bỏ cái vô dụng đi cũng đủ lợi gấp bội”.
(Tiết dụng thượng)
“Tất cả trăm nghề thợ trong thiên hạ, thợ xe, thợ da, thợ gốm, thợ rèn, thợ mộc khiến cho ai nấy làm theo tài năng của mình, hễ đủ cung cấp cho dân dùng thì thôi. Những cái thêm phí mà không có lợi cho dân, Thánh nhân không làm”.
(Tiết dụng trung)
(Lạm bàn: Tiết kiệm là quốc sách, ngày nay cũng phải vậy. Có điều không biết thế nào là đủ dùng: ăn no là đủ hay ăn ngon mới đủ; mặc ấm là đủ hay mặc đẹp là đủ?)

Cũng vì vấn đề Tiết dụng mà Mặc Tử phê phán gay gắt sự đề cao lễ nhạc của Nho gia. Ông lên án lễ nhạc “Không phải vì những tiếng chuông lớn, trống kêu, đàn cầm, đàn sắt, sáo dọc, sáo ngang là không vui, không phải vì cho những thứ chạm trổ, văn chương là không đẹp, không phải vì cho những đồ béo ngậy, xào, nướng là không ngon; không phải vì cho những nơi đền cao nhà rộng, đồng nội thâm u là không yên ổn” mà vì lễ nhạc manh tính hình thức, rườm rà, câu nệ, kéo dài chỉ tổ làm mệt dân, tốn kém mà vô dụng. Trong sách “Mặc Tử”, thiên “Phi nhạc”, Mặc Tử viết:
“Thánh nhân (ông vua) cũng đã thu lượm nhiều của muôn dân để làm ra thuyền và xe. Lúc đã thành rồi liền hỏi: ta dùng nó làm gì? Đáp: thuyền dùng ở nước, xe dùng ở cạn, quân tử được nghỉ chân, tiểu nhân được nghỉ vai, lưng, cho nên muôn dân xuất của đem lại cho, không dám oán hận. Tại sao? Vì nó trúng vào chỗ lợi của dân. Vậy thì những thứ nhạc khí, nếu cũng trúng vào chỗ lợi của dân như thế, ta cũng không dám công kích. Nhưng dân có ba điều lo, là đói không được ăn, rét không được mặc, mỏi không được nghỉ. Ba điều đó là sự lo lớn của dân. Song nếu vì dân mà gõ chuông lớn, đánh trống kêu, gẩy đàn cầm đàn sắt, thổi ống vu ống sinh và múa cái can cái thích, thì đối với ăn mặc của dân có được gì đâu?”
(Tuyệt cú mèo! Hỡi những nhà nước tự vỗ ngực chính danh là vì dân, có thấu được ý tình tuyệt đích nhân hậu này của Mặc Địch không?).

Từ đó Mặc Tử cho rằng người quân tử nói hay làm phải trực tiếp có ích dụng thực tế cho đại chúng, đều phải làm lợi cho đại chúng, làm cho đại chúng “rét có ăn, đói có mặc, mệt mỏi được nghỉ” và lấy sự ích nước lợi dân làm mục đích của hành động, làm cái gốc để định danh một hành động thiện hay bất thiện, chính nghĩa hay phi nghĩa, chứ không phải dựa vào lời nói suông. Ở thiên “Quí nghĩa”, Mặc Tử viết:
“Lời nói đủ để nâng cao hành vi thì tôn lên, không đủ nâng cao hành vi thì không tôn trọng. Không đủ nâng cao hành vi mà tôn lên, ấy là miệng phóng túng vậy”.
Nếu phương châm hành đạo của Nho gia là “Danh - Ngôn - Hành” thì phương châm hành đạo của Mặc gia là “Ban - Nguyên - Dụng”.

Khổng Tử nói:
“Nếu danh không chính thì lời nói không thuận lý, lời nói không thuận thì sự việc không thành, sự việc không thành thì lễ nhạc chế độ không kiến lập được, lễ nhạc chế độ không kiến lập được thì hình phạt không trúng, hình phạt không trúng thì dân không biết đặt tay chân vào đâu (không biết làm sao cho phải). Cho nên người quân tử đã dùng cái danh gì tất phải nói ra được (nói đúng, thuận lý), đã nói điều gì thì tất phải làm được. Đối với lời nói, người quân tử không thể cẩu thả được”.
(Luận ngữ)

Như thế đủ thấy, Khổng Tử đã tuyệt đối hóa nhận thức lý luận: một người đã đạt đến chính danh thì nghĩ phải đúng, nghĩ đúng thì hành động đúng và như thế là đạt được chính nghĩa.

Trái lại Mặc Tử đòi hỏi hành động phải “xem trước, ngó sau”, lấy thực tiễn để kiểm tra tính chính nghĩa của hành động. Ông nói:
“Nói tất phải thiết lập mẫu mực, nói không có mẫu thì cũng như ở trên bàn xoay mà nói sớm tối vậy. Phải trái, lợi hại khác nhau thế nào không thể mà tỏ rõ được. Cho nên nói phải có ba biểu (…) có Bản, có Nguyên, có Dụng, nghĩa là có cái làm gốc, có cái làm nguồn, có cái làm dụng. Gốc ở đâu? Trên thì lấy gốc ở việc của Thánh vương đời xưa. Nguồn ở đâu? Dưới thì do xét sự thực ở trước tai mắt trăm họ. Dụng ở đâu? Đưa ra làm việc hành chính xem có lợi cho nhà nước, trăm họ hay không?
(Phi Mệnh thượng)

Rõ ràng phương châm “Bản - Nguyên - Dụng” xác thực hơn nhiều so với “Danh - Ngôn - Hành”.

Kết luận lại, dù hai học phái Khổng, Mặc có những nét khác nhau nhất định nhưng không cơ bản. Nhìn chung đều chủ trương “nhập thế hữu vi”, tích cực tham gia thời cuộc để mong hành đạo cứu nhân độ thế trong cái khuôn khổ “tuân phục” chế độ vua tôi, coi đó như một hiện thực xã hội bất biến. Phụng sự vua chúa để yêu dân trong thời Xuân Thu- Chiến Quốc loạn đả rối bời thì thật là ảo tưởng. Vì chưa nhận thức đúng được căn nguyên của sự yêu-ghét, bản chất của hiền-ác mà cả hai học thuyết của Nho gia lẫn Mặc gia (thời kỳ ấy) đều tiềm ẩn mâu thuẫn, mang tính nửa vời, nặng chủ quan, giáo điều, phi thực tế, do đó mà không phù hợp với “khẩu vị” của vua chúa cũng như quá xa vời với dân chúng và tất yếu trở thành không tưởng. Có lẽ nên coi chúng như những giáo lý khuyên dạy con người hơn là những triết thuyết khách quan của nhận thức tự nhiên - xã hội.

Nói gì thì nói, có thể còn hạn chế này nọ về quan niệm, về nhận thức (hơn 2500 năm rồi còn gì?!), nhưng cũng như Khổng Tử, Mặc Tử luôn là một nhân cách lớn. Để chào tạm biệt Mặc Tử, chúng ta mượn lời Trang Tử:
“Dụng tâm của Mặc Tử và Cầm Hoạt Ly (học trò Mặc Tử) là tốt, nhưng thực hành thì sai. Họ khiến cho những người đời sau học đạo của họ ganh đua nhau lao khổ tới nỗi đùi teo, ống chân rụng hết lông. Như vậy, cái tội làm nhiễu loạn thiên hạ thì lớn mà công làm cho thiên hạ được trị thì ít. Nhưng Mặc Tử quả là người tốt trong thiên hạ, không tìm được người nào khác như ông ấy. Chịu cực khổ dù cho thân thể khô đét, ông ấy cũng không bỏ việc giúp đời. Thật là bậc sĩ có tài năng, nhiệt tâm”.

* * *


Chúng ta kể chuyện Mặc Tử, mục đích chính là bênh vực (hay cũng là minh oan) cho Dương Chu. Bênh vực cho Dương Chu là bảo vệ Quỉ Cốc tiên sinh; bảo vệ Quỉ Cốc tiên sinh có nghĩa là kính phục Lão Đam (người đầu tiên của Trung Quốc đồng thời với các hiền triết Upanishad của Ấn Độ đã “thấy” được Tự Nhiên Tồn Tại: Chỉ có điều mỗi người gọi bằng một cái tên khác: hiền triết Upanishad gọi là Cái Ấy, còn Lão Đam gọi là Đạo). Kính phục Lão Đam chỉ vì chúng ta quá yêu mến Đạo của Lão.

Khi nói học thuyết của Đạo gia hay Nho gia thì chúng ta hiểu rằng không phải sinh thời Lão Tử hay Khổng Tử đã xây dựng hoàn chỉnh hai học thuyết ấy mà chỉ là những người khai mở, đề xướng, đi tiên phong, làm nên cái cốt xương thiết yếu.

Dương Chu là một cái tên chung, chỉ “người phát ngôn” trên vũ đài tranh biện của phái Đạo gia. Lão Đam mất tích thì xuất hiện Dương Chu và trong dân dã xuất hiện một Quỉ Cốc tài năng cái thế nhưng dung dị đáng yêu. Điều đó làm chúng ta cứ ngờ ngợ. Hình như… A! Phải rồi! Lão Đam rời nước Chu đến nước Trần (về quê ông!) rồi sang đất Bái (nước Tống) ở ẩn tại đó. Lúc này ông đã đổi tên thành Dương Chu. Khổng Tử có lần qua đó tìm thăm và có lẽ đã gặp (Triết thuyết của Lão Đam đang độ hình thành còn của Khổng Tử thì mới manh nha nên chẳng có lý do nào mà đối chọi gay gắt như sau này!). Ông ở đó dạy học, để kiếm sống, truyền bá học thuyết của mình và rất có khả năng ông đã đặt tên cho thuyết ấy là Quỉ Cốc. Dân gian đất Bái vì vậy mà gọi ông là Quỉ Cốc tiên sinh (hay ông ẩn đâu đó ở Dương Thành thuộc địa phận nhà Chu như chúng ta có lần đã kể? Chắc không phải!). Một vài học trò “chân truyền” sau này về ở ẩn đó đều giấu tên và tự nhận là Quỉ Cốc Tử theo truyền thống ẩn sĩ, u hiển. Như vậy Quỉ Cốc là một cái tên chung, lúc đầu là tên một học thuyết, sau là tên một trường phái, là tên một cái gì đấy linh thiêng như… Thần Hang, và cũng có thể là tên gọi đầu tiên mà “Đạo Đức Kinh” sau này tạm gọi là Đạo vậy. Còn Quỉ Cốc Tử, ngoài nghĩa là Quỉ Cốc tiên sinh, thầy Quỉ Cốc, có thể nào còn có nghĩa là con của Quỉ Cốc, con của Thần Hang, hay con của Đạo, con của Tự Nhiên?

Rất có thể sau Văn Vương và Chu Công, Lão Đam là người thứ ba, trong thời gian ở ẩn đã tu chỉnh, bổ sung, mở rộng, chú giải Kinh Dịch, làm cho nó mang thêm ý nghĩa triết học theo quan niệm của ông (mà phái Nho gia sau này đã san định lại, gán cho Khổng Tử nhiều câu nói mang âm hưởng triết học tự nhiên của Đạo gia?)

Vũ trụ quan của Lão Đam là bước phát triển đến hoàn thành của việc kết hợp nguyên lý âm dương do Bá Dương Phụ đề xướng và những điều rút ra được trong quá trình nghiền ngẫm Kinh dịch (Hà đồ, Lạc thư) của chính bản thân ông. Thuyết ấy thể hiện lần đầu tiên trên thẻ tre chắc là rất ngắn gọn, một phần vì sự trở ngại của công việc viết lách thời bấy giờ, một phần vì chân lý vốn chỉ có thế, hết mực giản dị. Hiểu được nó thì thấy sáng tỏ, không hiểu được nó thì lại thấy hết sức kỳ bí, thậm chí là quái dị, làm cho người ta không chú ý đến nó, coi nó như là những lời lẽ “trên trời”, chẳng “ăn nhập” gì với đời sống nhân gian cả. Vì thế mà chẳng có bậc trí giả nào bận tâm đoái hoài đến những câu từ có phần vẩn vơ như thế; trừ những môn đồ Quỉ Cốc. Đó là nguyên nhân dẫn đến sau này, hậu thế chỉ biết Dương Chu với thuyết “vị ngã”, “khinh vật trọng sinh” đầy vị kỷ.

Trong thực tế, chỉ khi truyền thụ học thuyết của mình cho các môn đồ bằng lời nói (truyền ngôn), Lão Đam (hay cũng là Dương Chu hoặc Quỉ Cốc tiên sinh) mới thể hiện ra hết được nội dung cũng như ý nghĩa huyền diệu thâm sâu của nó. Nó là cái gốc, là xuất phát điểm của mọi lập luận biện minh cho nhận thức xã hội và hành vi của người theo phái Đạo gia.

Có thể “đoán mò” rằng Quỉ Cốc là một trước tác gồm ít nhất là hai phần, một phần là học thuyết nói về nguồn gốc, nguyên lý vận hành của Tự Nhiên (Đạo), của Vũ Trụ (trong đó có loài người), một phần mang tính ứng dụng, áp dụng Đạo vào thực tiễn mọi mặt, đóng vai trò như cẩm nang, bí quyết, kim chỉ nam cho hành động để sống còn, để “chiến đấu” giành thắng lợi cho chính nghĩa.

Học thuyết (gọi thể e không chính xác nhưng cứ tạm gọi vậy!) Quỉ Cốc mang tính khách quan cao độ, được các môn đồ tiếp thu qua truyền ngôn trực tiếp của thầy dạy; chỉ cho môn đồ thấy được Đạo; thấy được sự vận hành đều theo luật một cách tự nhiên của vạn vật, để biết mà sống, sống cho hợp, cho đúng, cho tốt. Quỉ Cốc không phải là một sự rao giảng cao giọng về luân lý (bản thân tự nhiên đã là luân lý rồi!?) mà như một lời khuyên nhủ chí tình, chí lý. Có thể mường tượng nó như một bài quyền hư chiêu trong võ thuật, như là Thái cực quyền: thích hay không thích thì tùy, nhưng biết nó rồi thì mê!

Mặc Địch sinh ở nước Tống, lớn lên ở nước Tống cho nên không thể thoát khỏi ảnh hưởng của Đạo gia, dù có thể đã học Nho gia. Theo truyền thuyết thì ông là bạn của Quỉ Cốc tiên sinh và Cầm Hoạt Ly, học trò của ông đã từng đàm biện với Dương Chu. Cứ cho sự thực là như vậy thì lúc này, Quỉ Cốc tiên sinh (hay cũng là Dương Chu) không phải là Lão Đam nữa mà là một người khác; là một “truyền nhân” của ông. Lão Đam, dù là người có phương pháp dưỡng sinh, tu tiên nên sống thọ, thì cũng đã tạ thế từ lâu, trước sau gì đó mươi, mười lăm ngày Mặc Định chào đời. Vậy thì đích danh của Dương Chu (hay cũng là Quỉ Cốc tiên sinh) xuất hiện lúc này là… ai? Người này trước hết phải là môn đệ “chân truyền”, đóng vai trưởng môn phái, thông thuộc học thuyết của Lão Đam.

Người đó rất có thể là Lão Lai Tử và cái tên ấy cũng chỉ là một tên giả của con người có tên thật là Đam (thái tử Đam). Vì sao đoán như vậy? Vì đã là ẩn sĩ chân chính thì phải thật sự vô danh. Do đó thái tử Đam khi rời bỏ thế cuộc thì “tạm” lấy tên là Lão Lai Tử. Tên giả thường ẩn một nghĩa nào đấy. Chẳng hạn như tên Dương Chu ẩn cái nghĩa là Thành Lạc Dương, nhà Chu. Thế thì có thể cho rằng cái tên Lão Lai Tử mang cái ẩn nghĩa là con của Lão Lai. Con của Lão Lai tên Đam nên còn có thể gọi là Lão Đam. (Chúng ta chú ý đến điều này: thầy trò khi xưng hô, đối đáp vẫn thường xưng con – thưa thầy!). Người đời sau “đoán non đoán già” trước sự “u hiển” ấy và cuối cùng gộp chung “ba lão ấy” làm một: Lão Tử, người thọ 160 năm, thậm chí là 200 năm (tuổi thọ mà ba người cộng lại thì như thế cũng là thường thôi!).

Truyền thuyết Quỉ Cốc Tử là bạn của Mặc Tử và Lão Tử (Lão Lai Tử) như vậy cũng không đến nỗi vô lý lắm. Có điều nhiều khả năng sau này Lão Lai Tử sau khi đắc đạo, và được giao phó những cẩm nang bí truyền đã cùng môn đệ rời khỏi đất Bái (có thể vì đất Tống đã không còn “an toàn” nữa) đến Hàm Cốc (nước Tần đang lớn mạnh, thịnh trị) tiếp tục ẩn tại đó.

Hình như trường phái Quỉ Cốc (hay sau này gọi là Đạo gia) có một ước lệ ngầm là học trò sau khi học xong những sở đắc của Quỉ Cốc đều phải “xuống núi” hành hiệp, tham gia thời cuộc tùy sở trường để thấu triệt cái thâm sâu của Đạo lý. (Tuy vậy, ai muốn bỏ học nửa chừng ra đi thì cũng không cấm, tự nhiên mà!). Sau một thời gian “lăn lộn” chốn thế sự, sẽ có những con người (rất ít?) vượt được qua vòng danh lợi, bảo toàn được mạng sống, nhận ra được cái chân lý vi diệu của Đạo, sẽ “rửa tay gác kiếm” quay về ở ẩn, chân tu, tiếp tục học nữa, và bắt đầu truyền dạy thế hệ sau, đồng thời luyện thần thành tiên.

Có một người trong số đó, vốn là môn đệ của Lão Lai Tử, “nhập thế, hữu vi”, làm nghề biện sĩ, du thuyết. Người đó được đời gọi là Vương Thiện (có thể tên giả mà thôi!).

Vương Thiện vào đời “quậy” một thời gian rồi trở về, ẩn tại đâu đó ở Dương Thành, vẫn còn là đất nhà Chu… Với lối sống mộc mạc, chân phác, bốc thuốc trị bệnh cứu người, nên dân quanh vùng nghe danh Quỉ Cốc Tử mà ông tự xưng liền gọi ông là Quỉ Cốc Tử, hoặc một cái tên khác nghe có vẻ kính phục hơn, đó là: Vương Thiện Lão Tổ. Vương Thiện Lão Tổ hay Quỉ Cốc tiên sinh là hai tên gọi của một con người tư tưởng thì cao sâu, tài năng thì siêu quần nhiều mặt (như đã nói trước đây) mà gần gũi và xuề xòa như “kẻ tiện dân”. Ông được Lão Lai Tử truyền thụ, sau này khi đã ở ẩn, hai thầy trò vẫn thường gặp nhau và khi Lão Lai Tử qui tiên, ông được coi như người đứng đầu trường phái Quỉ Cốc.

Lại một phán đoán thiếu căn cứ nữa là bắt nguồn từ tư tưởng sống phù hợp với tự nhiên, hòa vào thiên nhiên nên những người xuất thế theo phái Đạo gia thường về ẩn ở những vùng hẻo lánh, khai phá đất đai để trồng trọt chăn nuôi, tự nuôi sống mình, làm hình thành nên những trung tâm (không công khai) học, truyền đạo, và cũng có thể là còn phân tích tình hình chính sự, đề ra những quyết sách, ngầm tác động vào thời cuộc, khi đã giũ áo từ quan thì những ẩn sĩ Đạo gia chẳng khác nào một anh chàng nhà quê, một bác tá điền hay một lão nông xuề xòa chân phác. Họ ẩn là ẩn cái danh xưa kia của họ, cái tài năng xuất chúng của họ, cái mục đích phụng nghĩa cao cả của đời họ. Đó là “người đi đường”, “người gánh cỏ”, là “hai người đang cày ruộng” tên Tràng Thư và Kiệt Nịch, là “ông già làm cỏ ruộng”, là “người cuồng nước Sở” mà thầy trò Khổng Tử đã vô tình gặp được trên bước đường tìm nơi hành đạo của mình. Mặc Tử nhiều khả năng đã chứng kiến được cái cảnh sống điền viên ấy của các ẩn sĩ và nó đã tác động sâu sắc đến ông sau này, thể hiện trong phong cách sống và biện thuyết Kiêm Ái của ông.

Chuyện Khổng Tử theo Lão Tử trợ táng ở Hương Đảng (trong bộ “Tiểu Đái Ký”, thiên “Tăng Tử Vân”) mà chúng ta đã nói đến thì Hương Đảng có thể là vùng đất của các ẩn sĩ phái Đạo gia (hồi đó chưa có tên Đạo gia!) chăng?

Dù thiếu căn cứ lịch sử nhưng chúng ta tin điều phán đoán trên là rất gần với hiện thực bởi câu nói này của Dương Chu: “Cho nên cái quí của trí là bảo tồn lấy cái ta làm quí. Cái đáng khinh ở sức ấy là chiếm đoạt lấy vật làm khinh”.

* * *


Có lẽ Vương Thiện Lão Tổ là người tổng kết, làm sâu sắc thêm, và xây dựng đến mức hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống tư tưởng triết học tự nhiên – xã hội của Đạo gia cũng như những cơ sở lý luận ứng dụng vào thực tiễn của nó (Dịch học, y học, thuật dưỡng sinh, thuật cai trị, cẩm nang quyền mưu, biện thuyết… ). Vương Thiện Lão Tổ là tên được dân chúng địa phương gọi; Vương Danh Lợi là tên được những người trong nội bộ đạo phái gọi, Quỉ Cốc tiên sinh (Quỉ Cốc thần sinh) là tên được lưu truyền trong nhân gian. Nhưng trên bàn tròn học thuật, không còn “người phát ngôn” Dương Chu nữa mà xuất hiện một nhân vật mới có tên là Lý Nhĩ. Lý Nhĩ là tác giả cuốn “Lão Tử”. Cuốn “Lão Tử”, sau này đến thời nhà Hán được gọi là “Đạo đức kinh” và được cho là chứa đựng toàn bộ tư tưởng triết học của Đạo gia.

Như đã nói, Vương Thiện Lão Tổ dạy rất nhiều học trò, theo nhiều lĩnh vực. Ai thích gì ông dạy nấy, không nề hà. Bốn đại đệ tử nổi danh của ông là Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Tô Tần, Trương Nghi. Trong bốn người đó thì Bàng Quyên chết trong chiến trận, Tô Tần chết vì chính cái nghề du thuyết của mình, Trương Nghi chết tại quê nhà, riêng Tôn Tẫn sau trận phục binh tiêu diệt quân Ngụy, giết chết Bàng Quyên ở Mã Lăng, truyền thuyết lưu truyền rằng ông bỏ đi, theo Quỉ Cốc tiên sinh tu tiên. Từ đó không còn cái tên Tôn Tẫn nữa vì ông đã trở thành một người mai danh ẩn tích, là một Quỉ Cốc Tử (con của Quỉ Cốc) với cái tên khác, có thể là Vương Danh Lợi. Đã từng là nhà quân sự và đã thấu triệt Đạo gia, do đó có thể nhận định là không một ai khác mà chính ông là tác giả của quyển sách thiên cổ kỳ thư có tựa đề: “Quỉ Cốc Tử”.

Thật là buồn cười, qua bao nhiêu chặng đường đi tìm hiểu tác giả của “Quỉ Cốc Tử” là ai và thầy của tác giả là ai, rốt cuộc chúng ta chẳng thấy rõ ràng thêm được tí gì, thậm chí lại còn “mù tịt” hơn nữa. Tác giả của “Quỉ Cốc Tử” là… Quỉ Cốc Tử; thầy của Quỉ Cốc Tử là… Quỉ Cốc Tử, hết! Tương tự như để trả lời “Tồn Tại là gì?”, loài người đã phải đi một chặng đường dằng dặc để đến tận hôm nay, câu trả lời chính xác nhất từ cổ chí kim vẫn là: “Tồn Tại là… Tồn Tại!”.

Dù có thể là công dã tràng, nhưng chí ít cuộc đi cũng làm cho chúng ta khỏi phải vô công rỗi nghề; khỏi bị người đời chê là ngồi một chỗ mà luận thiên hạ!

Đi đến đây có lẽ cũng đủ rồi. Nếu có đi nữa để tìm hiểu thêm những Mạnh Tử, Huệ Tử, Công Tôn Long, Trân Diễn, Hàn Phi, Trang Tử… thì cũng đến thế mà thôi. Học thuyết của họ chỉ là sự xào qua xào lại, tranh biện mặt này mặt kia của các khái niệm, của một khía cạnh cụ thể nào đó của ba nhà: Lão, Khổng, Mặc; chứ ít có những ý mới mang tính đột phá.
Đi nữa, vừa tốn công, vừa mất thời gian và điều lo ngại lớn nhất là thời Chiến Quốc sắp bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, rất dễ tên bay đạn lạc. Nên nhớ rằng còn vài “tua du lịch” nữa đang chờ chúng ta ở thế kỷ XXI.

Nhưng trước khi trở về, chúng ta sẽ sắp xếp lại các nhân vật làm nên Đạo gia đúng vị trí mà họ đã “có mặt” trong lịch sử kèm theo lời giải đáp những nghi vấn nêu ra trong sách sử, theo sự phán đoán của riêng chúng ta. Và xin thông báo trước rằng đừng ai lấy nó hoặc rút ra từ nó những thông tin để dùng vào bất cứ sự khảo cứu nghiêm túc nào vì nó chỉ đúng đối với những cái đầu đầy đặc hoang tưởng mà thôi!

Ấy chết! Chúng ta chưa làm cái việc sắp xếp vị trí cho các triết hiền của phái Đạo gia được. Có một sự bỏ sót “khổng lồ” là chúng ta đã quên béng mất Doãn Hỷ và Liệt Ngự Khấu (Liệt Tử).

Tương truyền Lão Lai (bây giờ chúng ta gọi thế) thấy nhà Chu suy vi vô phương cứu vãn, liền bỏ đi, đến cửa quan thì gặp quan coi cửa quan là Doãn Hỷ. Doãn Hỷ nói:
- Ông sắp đi ẩn rồi, cố viết cho tôi một cuốn sách.
Lão Lai bèn viết. Không biết viết gì. Người ta cho rằng đó là quyển “Đạo đức kinh” hơn năm nghìn chữ. Lúc đó Lão Lai nóng ruột đi mà viết đến năm nghìn chữ (lên lụa hay lên thẻ tre) cho một anh quan coi cửa ải thì thật là lạ. Cho nên chúng ta đoán rằng “quyển sách” đó có thể chỉ là vài câu thiết yếu về “Đạo” của Lão Lai mà thôi. Có thể chính nội dung của cuốn sách đó (chắc là “mỏng” thôi) đã làm Doãn Hỷ mê nên về sau cũng bỏ luôn việc quan, theo Lão Lai đi ở ẩn. Người ta đồn Doãn Hỷ viết sách nói về công dụng của Đạo gia. Lão Tử sau này cũng có sách với nội dung tương tự).
Nhân vật thứ hai, Liệt Tử, có thân thế mờ ảo hơn nhiều.

Liệt Tử được cho là tác giả cuốn “Xung hư chân kinh”. “Xung hư chân kinh” là tên được đặt ra sau này, vào năm thứ nhất (năm 742), niên hiệu Thiên bảo vua Đường Huyền Tôn). Đến đầu thế kỷ XI, đời vua Tống Chân Tôn, nó được gọi là “Xung hư chí đức chân kinh” (xung hư có nghĩa là hư không). Thường hơn, người ta gọi đó là “Liệt Tử”, được đặt ngang hàng với những cuốn kinh khác như Đạo đức Kinh, Nam Hoa Kinh, Kinh Thi, Kinh Thư… Nhờ thế mà Liệt Tử cũng được xếp chung với những triết gia lớn nhất thời Xuân Thu - Chiến Quốc.

Vậy mà có một số học giả, như Cao Tự Tôn (thế kỷ XII), bảo Liệt Tử chỉ là nhân vật hoang đường. Lý do là trong Sử Ký (của Tư Mã Thiên) không chép Liệt Tử trong khi lại chép truyện nhiều nhân vật kém quan trọng hơn như: Thuận Đáo, các môn đệ của Khổng Tử… Lý do nữa là trong Nam Hoa Kinh, Trang Tử có kể Liệt Tử cưỡi gió mà đi (!) Nhiều lý do khác nữa…
Cuốn “Liệt Tử” còn bị nghi ngờ là ngụy thư bởi số học giả đông hơn. Có người cho là hoàn toàn ngụy thư, có người cho rằng chỉ một phần nhỏ là do đệ tử chép tư tưởng của Liệt Tử, còn lại là do đời sau thêm vào thành bản mà ngày nay chúng ta biết.

Ai đọc tác phẩm “Liệt Tử” cũng đều thấy xuyên suốt trong đó hệ tư tưởng triết học duy vật, hồn nhiên, vô thần của Đạo gia phái, cái triết lý sống thản nhiên, thuận theo tự nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, giản dị, lạc quan mà sống vì sống cũng chỉ là tạm mà thôi: “Sống là tạm đến, chết là tạm đi”… Toàn bộ nội dung của “Liệt Tử” chỉ có một phần rất ít trực tiếp nói về Đạo lý (lý thuyết triết học), còn lại hầu hết là những truyện kể các loại như: truyện cổ, truyện hoang đường, thần thoại, sự tích kim cổ… nói chung có vẻ tạp lục. Đọc các truyện đó, thấy mỗi câu chuyện đều có tính ngụ ngôn, ngầm biện minh cho một tư tưởng, quan niệm nào đó hoặc ngầm dẫn dụ, khuyên can một điều gì đó. Một quyển kinh mà lại như một quyển truyện chọn lọc với những truyện vừa ngắn gọn vừa sâu sắc, trong sáng nhẹ nhàng, đọc đi đọc lại vẫn hay, càng thấm thía.

Nhìn chung những câu chuyện kể trong “Liệt Tử” có vẻ như tạp văn, “đủ thứ” nhưng xét kỹ thì hóa ra những câu chuyện đó đều hướng về một mục đích duy nhất: giải thích hoặc chứng minh cho lý thuyết triết học của Đạo gia.

Từ nhận xét đó, chúng ta đưa ra một phán đoán: Cuốn “Liệt Tử” là tổng hợp các câu chuyện dùng để minh chứng, phụ họa, dẫn giải của các thầy phái Đạo gia trong khi truyền giảng, dạy học cho các môn sinh. Lúc đầu chỉ do Liệt Tử chấp bút, nhưng về sau được bổ sung dần từ nhiều người khác.

Theo Nguyễn Hiến Lê (Liệt Tử - Dương Tử, NXB Văn hóa thông tin, 2002) cuốn “Liệt Tử” gồm tám thiên, cách trình bày nguyên thủy (y như hồi xưa) như sau:
  1. Thiên Thụy
  2. Hoàng Đế
  3. Chu Mục Vinh
  4. Trọng Ni (Khổng Tử)
  5. Thang Vấn (vua Thang hỏi)
  6. Lực Mệnh (Sức người và mệnh trời)
  7. Dương Chu
  8. Thuyết Phù
Nguyễn Hiến Lê cho rằng cách sắp đặt các thiên như thế trong nguyên bản chữ Hán (bản “Liệt Tử chú thích” của NXB Hoa Liên, Đài Bắc năm 1969) là “rất lộn xộn, không hợp lý chút nào cả, do đó nhan đề mỗi thiên không phù hợp với nội dung”. Ông viết tiếp:
“Như thiên đầu: Thiên thụy gồm 13 bài mà chỉ có 5 bài nói về Vũ Trụ, về Đạo, còn 8 bài kia nói về sự sống chết, cách làm giàu. Thiên Hòang đế gồm 21 bài chỉ có một bài nó về Hòang Đế còn 20 bài kia nói về Khổng Tử (4 bài), Dương Chu (2 bài), Lão Tử, Chu Tuyên Vương .. v… v… Mà thiên Trọng Ni gồm 15 bài cũng chỉ là 4 bài nói về Khổng Tử, còn thì nói về quan Doãn Hỷ, Liệt Tử, Đặng Tích .. v… v…”
Theo chúng ta, nếu cấu trúc của tác phẩm nguyên thủy là như thế mà bản Hán văn vẫn để nguyên như thế thì không phải là họ không thấy “rất lộn xộn” như Nguyễn Hiến Lê thấy mà họ thật ra là tôn trọng quá khứ, tôn trọng lịch sử.

Nhờ thế mà làm chúng ta nảy ra ý này: Cuốn “Liệt Tử” đóng vai trò như một giáo án (hay như sách giáo khoa?) dùng trong việc truyền giảng triết học nhân sinh của Đạo gia.

Trong tám thiên ấy, có ba thiên gây chú ý đặc biệt cho chúng ta, đó là thiên Thụy, thiên Lực Mệnh và thiên Thuyết Phù.

Thiên Thụy, Nguyễn Hiến Lê chú giải: “Nhan đề này khó hiểu, các bản chữ Hán và các từ điển Từ Hải, Từ Nguyên đều không giảng, chỉ cho biết Thụy là một thứ ngọc khuê, ngọc bích dùng làm dấu hiệu. Dấu hiệu đó các vua thời xưa ban cho người đeo. Theo Benedykt Grynpas, thiên Thụy là phần Vũ Trụ mà chúng ta nhìn thấy được, nhờ nó mà các thánh nhân mới tìm hiểu được Đạo. Cho nên thiên này bàn về Vũ Trụ và Đạo”

Thiên Thụy là thiên mở đầu, là nội dung cơ bản, cốt lõi của tư tưởng triết học phái Đạo gia, đóng vai trò chủ đạo, xuyên suốt các tác phẩm.

Thiên Lực Mệnh hầu như là nói về mối quan hệ giữa người với giới tự nhiên, về khả năng tạo dựng của con người cũng như cái lẽ thành bại của sự tạo dựng.

Thiên cuối có tên là “Thuyết Phù”. Cũng theo Nguyễn Hiến Lê chú giải thì: “Thuyết Phù, cũng không sách nào giảng. Phù là cái thẻ tre, viết chữ vào rồi chẻ làm đôi, mỗi người giữ một mảnh. Ngày xưa khi phong các chư hầu hay sai đại thần đi đâu, đều dùng cái phù làm tin, hễ ghép hai mảnh lại mà ăn khớp nhau thì là phải. Theo Grynpas, thuyết phù có nghĩa là “giảng cái phù”, nghĩa là những truyện trong thiên này người viết chỉ nói một nửa ý thôi, người đọc phải suy nghĩ mà đoán được nửa kia, như ghép hai mảnh tre lại với nhau vậy”.

“Thuyết Phù” làm chúng ta liên tưởng ngay đến thiên cổ kỳ thư “Quỉ Cốc Tử”. Tồn Tại có nghĩa là Tự Nhiên, Tự Nhiên là nói về Tồn Tại. Tất cả các sự vật tồn tại được, là hợp lẽ tự nhiên, sự sinh ra và mất đi của chúng cũng là hợp lẽ tự nhiên. Tồn tại, hiểu theo nghĩa rộng nhất của nó chính là tuyệt đối tồn tại, viết: Tồn Tại.

Một sự vật - hiện tượng sinh ra hay mất đi, tồn tại hay không tồn tại thì vẫn cứ là bộ phận của Tồn Tại, vẫn là vì hợp lẽ Tự Nhiên một cách tuyệt đối. Cái tuyệt đối ấy khi đã qua nhận thức thì cũng chỉ là… tương đối thôi! Trước người quan sát, sự hợp lẽ tự nhiên thể hiện ra được là nhờ sự xuất hiện của cái phi tự nhiên. Đó chính là mâu thuẫn. Mâu thuẫn cũng là hợp lẽ tự nhiên. Mâu thuẫn tuyệt đối cũng là một biểu hiện của Tồn Tại, cũng là lẽ tự nhiên và cũng chính là Tự Nhiên. Tính đầy đủ (và đồng thời cũng không đầy đủ, là cả hai mà cũng không phải cả hai) của Tồn Tại là như thế đấy, giản dị mà cũng rắc rối quá chừng! Vì thế, nếu ai đó muốn tránh rắc rối, không thích thấy mâu thuẫn thì chỉ còn nước… đừng nhận thức nữa, thế thôi!.

Tồn tại (hay không tồn tại) là hợp lẽ tự nhiên nên tồn tại (hay không tồn tại)! Con người ta được sinh ra, sống rồi chết đi là hợp lẽ tự nhiên. Mạng sống, đối với con người suy nghĩ bình thường là cái quí giá nhất, không gì so sánh được vì đối với “cái tôi”, nó là hi hữu, có một không hai mà theo Dương Chu nói “dầu có cả thiên hạ cũng không thể đổi lấy được”. Do đó mục đích tự nhiên (bản năng) đầu tiên, tối thượng trong hành động của con người là duy trì mạng sống của mình, tìm cách thích nghi với mọi hoàn cảnh để sống, nghĩa là biết sống phù hợp theo những biến đổi của môi trường thiên nhiên cũng như những biến động của điều kiện xã hội. Trong thời Xuân Thu - Chiến Quốc mịt mùng khói lửa và bạt ngàn binh đao, thời mịt mùng không còn thấy chính nghĩa ở đâu nữa, không thể theo ông vua nào để cứu nhân độ thế được thì cách sống phù hợp nhất là xuất thế vô vi, tác động vào thời cuộc bằng cách khác, ở thế vô danh, tưởng không làm mà làm tất cả (vô vi vô bất vi). Chắc chắn sự “tung hoành” của thời Chiến Quốc dẫn đến thống nhất Trung Quốc có sự tham gia ngầm rất tích cực của những người theo phái Đạo gia.

Phải chăng những điều chúng ta vừa nói là nội dung của thuyết Phù? Đúng là như thế vì toàn bộ nội dung của “Quỉ Cốc Tử” toát lên một chữ Phù, toàn bộ quan niệm về nhân sinh của Đạo gia cũng toát lên một chữ Phù.

Có thể nói rằng từ quan niệm triết học ngay từ đầu nói chung là đúng đắn về Tự Nhiên Tồn Tại mà con đường nhận thức đi đến thuyết Phù mang tính tất yếu. Và thuyết Phù trở thành nền tảng trực tiếp cho mọi quan niệm nhân sinh, quan điểm chính trị, lý luận quyền mưu của Đạo gia phái. Tóm lại Đạo gia cho rằng tất cả sự thành bại, còn mất trong xã hội chỉ là do suy nghĩ và hành động của con người có phù hợp hay không phù hợp mà thôi!

Nếu ý kiến của Grynpas là đúng thì thiên Thuyết Phù còn như là tập hợp những bài tập kiểm tra mức độ nhận thức của các môn sinh (phải xây dựng nửa phần còn lại của câu chuyện cho phù hợp, hợp thành một ý nghĩa hoàn chỉnh).

Theo chúng ta, sách “Liệt Tử” nhiều khả năng là một công trình có tính tập thể, do nhiều người góp ý và xây dựng nên trong khỏang thời gian khá dài; ý kiến cho rằng Liệt Tử chỉ là nhân vật hoang đường cũng có nhiều khả năng đúng hơn. Hay chúng ta cứ phán rằng Liệt Tử là tên của ẩn sĩ… Doãn Hỷ, cho gọn, mà cũng chẳng ảnh hưởng gì đến triết thuyết của Đạo gia cả.

Rồi! Thế là không có điều gì khuất tất nữa, đã có thể lập bảng “phong thần” cho các hiền triết Đạo gia thời Xuân Thu - Chiến Quốc được rồi và chúng ta lập như sau:
  1. Lão Lai (Thái Thượng Lão quân)
  2. Doãn Hỷ (Liệt Tử)
  3. Lão Đam (Thái tử Đam, Lão Lai Tử)
    (Ba người này hun đúc nên nhân vật huyền thoại là Lão Tử, sống thọ đến 160 tuổi, thậm chí là 200 tuổi. Lão Tử lập nên một học thuyết triết học có cái tên huyền bí là Quỉ Cốc Đạo. Trước khi xuất hiện tên Lão Tử, thì lúc ấy đóng vai trò “người phát ngôn” cho Quỉ Cốc Đạo trên bàn tròn tranh biện trong xã hội, là Dương Chu.)
  4. Vương Thiện (Quỉ Cốc tiên sinh, Vương Thiện Lão Tổ)
    (Ông là người chấp bút viết “Đạo đức kinh”, “Xung hư chân kinh”, như là một hành động tổng kết tư tưởng của Lão Tử. Ông cũng được cho là tổ sư của các nhánh triết học, những trường phái chính trị: Danh gia, Âm dương gia, Pháp gia…)
  5. Tôn Tẫn (Vương Danh Lợi)
    (Vương Thiện và Tôn Tẫn hợp lại thành một nhân vật huyền thoại là Quỉ Cốc Tử, được đắc đạo trường sinh, thành tiên. Tôn Tẫn chính là người viết cuốn “Quỉ Cốc Tử”. Lúc này Quỉ Cốc Đạo mang tên gọi mới là Đạo Lão mà “người phát ngôn” là Lý Nhĩ. “Quỉ Cốc Tử” được viết trên nền tảng nhận thức lý luận của Đạo Lão, là bộ phận hợp thành của hệ thống triết học ấy. Nó có tính chất khai triển, nói thiên về quyền mưu.)
    Ông là người hoàn thành “Đạo đức kinh” của Vương Thiện Lão Tổ và cũng chính là tác giả của cuốn “Quỉ Cốc tử”.
Năm con người kiệt xuất ấy đã làm nên một pho sách vĩ đại: Vô Tự Đại Thư.

* * *


Có người hỏi: “Sắp xếp như vậy đúng không?”. Chúng ta nói: “Không biết!”. Hỏi tiếp: “Đã không biết thì sao dám cả gan làm?”. Chúng ta trả lời: “Thích!”. Lại hỏi: “Không sợ bị thiên hạ lên án sao?”. Chúng ta đáp: “Không! Vì chúng ta là… vô danh!”.

Chúng ta vô danh không phải vì chê danh mà vì danh không đến. Ngày xưa bước vào đời “nhập thế hữu vi”, chúng ta đã cố gắng học hành, “lùng sục” công danh một cách đầy nhiệt huyết. Than ôi, sức lực thì có thừa nhưng tài năng lại có hạn, nên đi đã gần hết một đời, công đã bất thành rồi mà đến danh cũng bất toại; trước sau vẫn hoàn vô danh; trước là đứa trẻ vô danh, bây giờ là thằng già vô danh. Dù sao thì cũng còn may: tuy là vô danh nhưng không đến nỗi “tiểu tốt”, nên chúng ta chẳng cảm thấy hèn nhục, lo lắng khổ sở gì. Biết đâu chừng trong cái dở lại có cái hay. Sách “Liệt Tử” viết về danh như thế này:
“Từ bỏ cái danh đi thì khỏi phải lo nghĩ. Lão Tử nói: “Danh là khách của thực”, mà người đời đau đáu chạy theo cái danh hoài.
Danh vốn không thể bỏ được, danh vốn không thể coi là khách được. Ngày nay ai có danh thì được tôn vinh, vô danh thì chịu hèn nhục; tôn vinh thì an dật vui sướng, hèn nhục thì lo lắng khổ sở. Lo lắng, khổ sở thì lại hại đến bản tính, an dật vui sướng thì thuận với bản tính, quả có liên hệ với nhau như vậy. Vậy thì làm sao lại bỏ danh? Làm sao lại coi danh là khách? Ghét chăng là ghét sự giữ cái danh mà làm lụy cái thực; giữ cái danh mà làm lụy cái thực thì sẽ có lúc phải chịu nỗi nguy vong mà không có cách cứu, chứ đâu phải chỉ là chuyện an dật vui sướng với lo lắng, khổ sở mà thôi đâu”.
Trước đây thú thực, nghĩ về thân phận cũng thấy buồn. Nhưng từ ngày được các “Lão” tận tình truyền thụ, chúng ta bỗng cảm thấy lòng an nhiên lạ thường. Xin đề tặng cho chương này một bài thơ như sau:
Ta chẳng buồn đâu, chẳng nữa đâu
Từ nay thôi nhé vạn u sầu
Cứ đến cứ đi bằng thỏa thích
Lòng ta đã lộng gió cao sâu
*
Tham muốn chi nhiều, tổ lo âu
Công danh nuôi chí, rước bạc đầu
Tài khối, tiền muôn, sinh lắm tật
Nặng nhân tình, chuốc nặng khổ đau.
*
Sắc dục tùm lum, oải phao câu
Lễ nhạc om sòm, điếc tai trâu
Trăng xinh, ngó mãi, đâm nhàm mắt
Ơn nghĩa ôm vào, vác phờ râu.
*
Một mình trôi nổi, giữa đêm thâu
Rượu nhạt chan hòa với bầu sao
Hữu ngã bồng bềnh trong vô ngã
Theo hầu Lão Tử xứ Đông Châu.







Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ