THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 45/b




PHẦN V:     THỐNG NHẤT

“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
A. Anhxtanh

“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.
Upanishad

CHƯƠNG V: CHIÊM BÁI

“Bằng cách ở mỗi hiện tượng tự nhiên của cái riêng lẻ, cái qui ước và ngẫu nhiên, chúng ta hướng mắt đến cái phổ quát, cái khách quan và tất yếu, thì đó là chúng ta tìm cái độc lập đằng sau cái lệ thuộc, cái tuyệt đối đằng sau cái tương đối, cái vĩnh cửu đằng sau cái vô thường. Và như tôi nhìn thấy, cái khuynh hướng này biểu lộ không những trong vật lý học, mà còn trong mỗi ngành khoa học, vâng, không chỉ trên lĩnh vực khoa học, mà còn trên lĩnh vực của cái thiện và cái mỹ”.
Max Planck

“Cái huyền diệu là trong tất cả các hiện tượng của tự nhiên, có một tính qui luật phổ quát ngự trị mà ở mức độ nào đó, có thể nhận thức được đối với chúng ta”.
Max Planck

(tiếp theo)

Có thể loài người là từ một loài có cùng một tổ tiên với loài vượn cổ tiến hóa lên. Loài tổ tiên này đã thích nghi với cuộc sống thường xuyên ở trên cây. Sau một thời kỳ sống nói chung là thuận lợi và bình ổn thì do nhiều nguyên nhân tự nhiên đã đề cập ở trên mà môi trường sống của chúng biến đổi theo xu thế ngày càng bất lợi, khắc nghiệt làm chúng bị phân liệt, chuyển hóa theo nhiều hướng khác nhau để thích nghi trong điều kiện hoàn cảnh môi trường mới. Có thể rằng một nhánh là tổ tiên trực tiếp của loài người đã phải lần hồi xuống mặt đất kiếm ăn, tìm những loại thức ăn mới như rau củ, dần dần là xác chết động vật, rồi thịt động vật sống, và theo thời gian, thích nghi luôn với đời sống thường xuyên ở đó. Cũng rất có thể rằng, lúc đầu thì sống trong rừng rậm, sau thì lần mò ra sống tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải nhiệt đới, ưu tiên là ở những vùng gần cửa sông. Có lẽ tổ tiên của loài người đã sống ở đó khá lâu nhờ môi trường sinh thái ở đó thuận lợi nổi bật đối với họ như khí hậu, thời tiết ôn hòa hơn, thức ăn dồi dào hơn (cây trái, rau củ nhiều, thịt, cá, sò ốc cũng lắm…). Thời gian lâu dài đó đã biến đổi hình hài cũng như cấu trúc sinh học cơ thể và cả thói quen ăn uống, sinh hoạt. Chúng ta hình dung ra như thế vì phỏng đoán rằng loài người ngày nay hầu như đã trần trụi lông lá và ăn mặn, ăn nhiều muối hơn hẳn các giống loài muông thú khác là do tổ tiên của loài người đã từng sống lâu dài và đã tiến hóa thích nghi trong môi trường duyên hải đó, môi trường dồi dào những thực phẩm có hàm lượng muối cao, có nhiều ao hồ, đầm lầy xen kẽ. Hơn nữa, còn có thể phỏng đoán rằng chính cái địa hình đa tạp nói trên của miền duyên hải thời tối cổ nguyên thủy đã là yếu tố tối quan trọng, thậm chí là quyết định trong việc thúc giục tổ tiên của loài người từ bỏ lối đi đứng bằng bốn chi, chuyển sang đứng thẳng, đi bằng hai chân và đôi tay được giải phóng để đảm nhận một chức năng mới: làm phương tiện, công cụ hỗ trợ đắc lực cho họ trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Để di chuyển một cách có hiệu quả trên một địa hình phức tạp rừng núi, sông ngòi, đầm lầy, ao hồ, đồng bằng xen kẽ thì cấu tạo cơ thể phải đáp ứng được nhiều hình thức vận động là bơi nhanh được, lội nhanh được, chạy nhanh được, leo trèo thoăn thoắt được và trong khi vận động vẫn có thể quan sát, phát hiện được tai họa hay thức ăn, con mồi từ xa, thì tư thế đứng thẳng và chân tay linh hoạt là tối ưu hơn cả.
Như đã nói thì có nhiều hướng, nhiều cách thức tiến hóa thích nghi khác nhau tùy thuộc vào địa hình cụ thể của sự biến đổi môi trường sống, vào lối sống và cấu tạo sinh học đang có, nhưng hướng tiến hóa có tính phổ biến, xuyên suốt và đóng vai trò như cơ sở, tiền đề cho mọi tiến hóa thích nghi chính là tăng cường khả năng truyền nhận thông tin, giải mã tín hiệu và lưu giữ thông tin về mặt thời gian cũng như số lượng dẫn đến sự hình thành hệ thần kinh có trung tâm xử lý thông tin, chỉ huy và điều hành là bộ não. Điều đó cũng là một gợi ý cho chúng ta phỏng đoán tổ tiên loài người không phải là loài vượn cổ. Nếu loài người và loài vượn ngày nay cùng xuất thân từ loài vượn cổ thì tại sao loài vượn ngày nay cũng khôn nhưng còn thua kém rất xa so với trí khôn ở loài người, vì sao không thể đi thẳng thường xuyên bằng hai chân như loài người, vì sao chúng có nhiều lông trong khi loài người lại hiếm lông, và vì sao chúng ăn lạt còn loài người lại ăn mặn? Có thể nghĩ rằng thuở đầu tiên, loài vượn cổ và tổ tiên loài người rất gần nhau về mặt họ hàng, cùng chung sống trong một môi trường, thậm chí là những thế hệ đầu tiên khi rời bỏ lối sống thường xuyên trên cây xuống sống ở cả trên mặt đất vẫn là một loài duy nhất. Sự lan tỏa dân cư đã làm cho một bộ phận đi dọc theo những dòng suối rồi sông và cuối cùng thì “định cư” lâu dài ở miền duyên hải trù phú. Dần dà bộ phận này chuyển biến thành tổ tiên loài người còn bộ phận “ở lại” trở thành loài vượn cổ.
Lúc mới đặt chân lên địa bàn miền duyên hải, có lẽ trí khôn của tổ tiên loài người còn thua cả loài khỉ ngày nay và về mặt sức vóc cũng chỉ lớn hơn con khỉ không nhiều và chủng loại thức ăn vẫn là từ thực vật do hái lượm mà có. Lúc đầu là hoa quả nhưng những thứ ấy nhiều khi cũng hiếm nên sau là đến rau củ, rồi đến lúc đi lượm sò ốc ven sông, trong ao, hồ, vũng, ven biển để ăn. Rất có thể việc ăn những “quả” sò, ốc đã mở đường cho tổ tiên loài người mở rộng chủng loại thức ăn sang thịt động vật, trở thành loài ăn tạp nhất và mặn nhất trong thế giới sinh vật. Sau khi sò, ốc đã thành thức ăn “hợp khẩu vị” rồi thì đến lượt những động vật nhỏ, chậm chạp, dễ bắt đại loại như tôm, cua, ếch nhái, cá trong vũng, ao hồ cạn nước lúc nắng hạn… và cuối cùng là cả muông thú chạy nhanh, khỏe, dữ tợn cũng đến lượt trở thành nguồn thức ăn cho thủy tổ loài người. Sự mở rộng chủng loại thức ăn sang cá, thịt đồng thời làm xuất hiện một phương thức kiếm ăn mới, đó là săn bắt.
Khi chuyển sang ăn cả cá thịt thì cũng là lúc tổ tiên loài người bắt đầu bước đi những bước rất dài trên con đường tiến hóa thích nghi của mình, không những là về mặt cải thiện sức vóc, hình dáng mà còn cải thiện cả về mặt chức năng hoạt động của các bộ phận cơ thể, nhưng trước hết và cũng quan trọng hơn cả là sự tăng cường thể chất của bộ não, tạo điều kiện làm xuất hiện những yếu tố quyết định để bộ não ấy chuyển biến thành bộ não người nguyên thủy, biết chủ đông thích nghi trong chừng mực có thể.
Sự tăng trưởng nhanh chóng về mặt số lượng trong điều kiện thức ăn dồi dào của tổ tiên loài người làm xuất hiện ngày một nhiều bầy đàn đông đảo giống loài ấy, làm mất cân bằng sinh thái theo chiều hướng ngày một bất lợi đối với đời sống của chúng, gây ra sự thiếu hụt thức ăn, dẫn đến một yêu cầu có tính cấp bách là làm sao phải tìm kiếm và làm ra cái ăn (săn bắt) hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn trong những điều kiện và tình thế mỗi lúc càng khó khăn hơn, cạnh tranh gay gắt hơn giữa các bầy đàn, và cả giữa các cá thể tương đối xa lạ với nhau. Chính cái yêu cầu đó đã làm cho tổ tiên loài người chuyển dần sang đứng, đi, chạy nhảy bằng hai chân (chuyển biến để đảm nhận chức năng chủ yếu là di chuyển cơ thể nhanh chóng trên mặt đất cũng như dưới nước), làm cho đôi tay chỉ còn chức năng hỗ trợ cho di chuyển trong những trường hợp như leo trèo, bơi và hoàn toàn được giải phóng khi đi, đứng, chạy, nhảy, và vì thế mà dần dần chuyển biến, có chức năng chủ yếu là công cụ đắc lực trong việc tạo ra miếng ăn, thậm chí còn là một vũ khí lợi hại để tự vệ và trấn áp lẫn nhau bằng bạo lực. Bên cạnh quá trình phân hóa chức năng chủ yếu cho đôi chân và đôi tay ở tổ tiên loài người là quá trình tăng cường truyền tin cho nhau trong nội bộ giống loài (cố gắng tạo ra nhiều tín hiệu âm thanh hơn, qua đó mà hệ thống thanh quản - phát âm được cải tạo và ngược lại), nhằm hợp tác kịp thời hơn, đồng tâm hiệp lực hơn, hiệu quả hơn trong làm ăn. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, còn một quá trình thứ ba xảy ra song song và có quan hệ mật thiết với hai quá trình trên, nhưng có tính đi tiên phong, là cơ sở tiền đề làm diễn tiến hai quá trình đó, đó là quá trình làm cho hoạt động bộ não đã được chuẩn bị đầy đủ những tố chất cần thiết, ngày càng mạnh mẽ, tích cực, ngày càng tinh tế, làm cho những biểu hiện như: có ấn tượng, nhớ, suy diễn còn ở tình trạng hời hợt, bất ổn, mờ nhạt của bộ não ấy trở nên ngày càng sâu sắc, bền vững, rõ ràng và đóng vai trò như là những đặc tính nổi trội, vốn có.

Trong công cuộc mưu sinh lâu dài của tổ tiên loài người có nhiều hiện tượng thiên nhiên cứ như là sự lặp đi lặp lại đã tác động đến bộ não của họ, làm cho cái phản xạ ở hình thức là “sự nhớ lại” dần dần được củng cố và do đó mà “sự ấn tượng” còn mù mờ thuở ban đầu cũng dần trở nên rành mạch, rõ ràng. Trong số những hiện tượng lặp đi lặp lại ấy, có nhiều hiện tượng liên quan trực tiếp đến sự sống còn, có tính gợi ý, báo hiệu trước về những an nguy sắp xảy ra mà tổ tiên loài người phải đối mặt, hơn nữa, cũng có nhiều hiện tượng trong khi họ kiếm ăn chỉ thị rằng lẩn khuất đâu đó hoặc xa hoặc gần, có thể có thức ăn, có thể có con mồi. Những hiện tượng đó, cùng với sự ấn tượng đã tương đối ổn định làm cho sự phản xạ dưới hình thức “phán đoán” còn sơ khai của bộ não tổ tiên loài người dần dần đạt đến trình độ cao hơn, tạm gọi là “dự đoán” - hình thức đầu tiên và đơn giản của suy đoán, suy diễn, mà ở cao độ là suy lý lôgic. Chẳng hạn, sẽ đến một giai đoạn mà tổ tiên loài người khi thấy trên mặt hồ đang phẳng lặng tự nhiên nổi tăm thì họ biết được ngay bên dưới đó có cá, thậm chí còn biết cá to hay nhỏ, nhiều hay ít cá, sẽ biết truy đuổi một con mồi theo cách nào đó thì có thể dồn nó đến cùng đường và sẽ bắt được. Như vậy, sau một thời gian dài tiến hóa, tổ tiên loài người đã sở hữu được bộ não đã nảy mầm, đâm chồi tất cả các đặc tính mà bộ não người hiện có và bắt đầu những bước đi cuối cùng, vững chãi, dứt khoát để thành người.
Chính bộ não đã trưởng thành đó làm cho tổ tiên loài người, trong nội bộ từng bầy đàn, xích lại gần nhau hơn để hợp tác chặt chẽ hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn trong công cuộc mưu sinh, trong những quá trình tìm kiếm, phát hiện, hái lượm, săn bắt, tạo ra miếng ăn. Muốn thế, phải tăng cường số lượng tín hiệu chủ yếu là bằng âm thanh phát ra từ hệ thanh quản - phát âm để thông tin cho nhau nhằm phân công, phối hợp, hỗ trợ nhau trong làm ăn. Sự tăng lên ngày một nhiều tín hiệu đã tác động trở lại bộ não làm tăng cường trí nhớ cũng như sự hồi ức của nó và qua đó cũng kéo theo sự tăng cường các đặc tính khác. Lúc đầu những tín hiệu thông tin đó chỉ là đơn âm, hoàn toàn rời rạc, đóng vai trò như là những tên gọi về những hành động nào đó, những đối tượng nào đó hiện hữu trong môi trường thiên nhiên. Về sau, do cái đòi hỏi phải mưu sinh ngày càng hiệu quả hơn, nảy sinh ra trong cuộc đấu tranh sinh tồn giữa tổ tiên loài người với đại bộ phận còn lại của thế giới sinh vật, cũng như giữa các bầy đàn trong nội bộ tổ tiên loài người thôi thúc, mà chính bộ não ấy chứ không phải cái gì khác, vừa tiếp tục phát triển tín hiệu đơn âm, vừa làm hình thành những tín hiệu đơn âm rồi “tìm cách” liên kết chúng lại thành, lúc đầu là những đoạn thông tin ngắn, rồi sau là những đoạn thông tin ngày càng dài hơn, mang những ý nghĩa nào đó có tính thông báo cho nhau giữa các cá thể của nội bộ bầy đàn, giống loài về một hiện tượng nào đó, một biến cố nào đó, một hành vi nào đó, một cách cụ thể hơn, tường tận hơn, rành mạch hơn và cũng chính xác hơn, Thế là trước những đòi hỏi khách quan, trước tiên là sự tiến hóa của bộ não, rồi do hối thúc cần phải phát ra thường xuyên ngày một nhiều những tín hiệu thông tin khác nhau mà đến lượt hệ thống thanh quản và cơ quan phát âm của tổ tiên loài người được cải tạo để bắt đầu làm xuất hiện một hình thức truyền đạt thông tin mới trong thế giới sinh vật, có tính đặc thù, chỉ ở những thế hệ cuối cùng của tổ tiên loài người mới có, và tạm gọi là “tiền ngôn ngữ”. Đi đôi với quá trình hình thành tiền thân của ngôn ngữ là quá trình các đặc tính tiền đề làm hình thành nên sự suy nghĩ của bộ não tổ tiên loài người được làm cho sâu sắc hơn nữa. Một đứa trẻ ở độ tuổi chưa biết nói và cũng chưa hiểu được ngôn ngữ thì trong não của nó đã hình thành sự suy nghĩ chưa? Tất nhiên là chưa! Bởi vì điều dễ dàng thấy được là một bộ não biết suy nghĩ thì sự suy nghĩ ấy phải có ngôn ngữ làm nền tảng, phải sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện để giãi bày, suy diễn, lập luận và đúc kết. Từ nhận định đó có thể cho rằng, trong thời kỳ tiền ngôn ngữ, nghĩa là trong thời kỳ mà các đoạn thông tin còn tương đối ngắn, chưa có bất cứ một mối quan hệ nào với nhau, còn sơ sài, tương tự như những khái niệm đơn giản, tương tự như thành ngữ, khẩu hiệu, khẩu lệnh, thông báo ngắn ngủi…, thì bộ não của tổ tiên loài người cũng chưa có khả năng suy nghĩ thực thụ, hay có thể nói là mới có khả năng “tiền suy nghĩ”, nghĩa là chỉ mới nghĩ được một cách mơ hồ và gián đoạn, chưa “suy ra” được, cũng có nghĩa là mới có khả năng hồi ức, hình dung, làm xuất hiện bên trong nó những hình ảnh còn nhạt nhòa, những hoạt cảnh như những đoạn phim ngắn và bị nhòe, không khác gì những giấc mơ câm nín mà con người hiện nay thấy được trong giấc ngủ của mình.
Do sự hối thúc khách quan luôn thường trực nên khi đã hình thành tiền ngôn ngữ rồi thì bộ não của tổ tiên loài người vẫn không dừng lại, mà tiếp tục phát triển thứ ngôn ngữ sơ khai ấy lên mức độ ngày càng phong phú, phức tạp để rồi cuối cùng làm xuất hiện ra ngôn ngữ thực thụ. Biểu hiện đặc thù của ngôn ngữ là có thể kết hợp những tín hiệu phát âm theo một thứ tự hợp lý để tạo ra những cái gọi là tiếng nói, rồi từ những tiếng nói lại được kết hợp theo một thứ tự hợp lý để có được những đoạn nói dài ngắn khác nhau gọi là câu nói, cuối cùng, có thể lắp ghép những câu nói ấy theo một trình tự hợp lý để có được một bài nói, một cuộc nói dài ngắn tùy ý nhằm truyền đạt một lượng thông tin “dài hơi”, mang một hay nhiều nội dung nhất quán nào đó. Tùy vào nội dung thông tin mà sự truyền đạt đó có ý nghĩa là sự mô tả, sự giãi bày, sự giải thích, sự mách bảo kinh nghiệm, sự khuyến cáo…
Có thể tin được rằng, khi ngôn ngữ thực thụ đã hình thành thì bộ não của tổ tiên loài người cũng đã bước đầu biết suy nghĩ. Như vậy, trong một chừng mực nhất định, có thể kết luận rằng, bộ não của tổ tiên loài người đã làm hình thành nên ngôn ngữ thông qua thanh quản và cơ quan phát âm và đồng thời cũng thông qua quá trình hình thành ngôn ngữ mà tự hoàn thiện mình từ không biết suy nghĩ lên trình độ biết suy nghĩ. Nếu có thể nói bộ não của tổ tiên loài người đã sáng tạo ra ngôn ngữ cho loài người thì cũng có thể nói đến lượt ngôn ngữ tác động trở lại bộ não ấy, làm cho nó biến thành bộ não người biết suy nghĩ (trên ngôn ngữ ấy) và suy nghĩ ngày một sâu sắc. Điều đó cũng có nghĩa là khi xuất hiện ngôn ngữ thì đồng thời tổ tiên loài người đã hoàn thành sứ mạng thiêng liêng của mình là phục tùng tự nhiên và cùng với tự nhiên hun đúc nên hậu duệ của mình: loài người. Và những thế hệ đầu tiên của loài người - gọi là người nguyên thủy - được trang bị một phương tiện cực kỳ đắc dụng là ngôn ngữ thực thụ dù còn sơ khai, đóng vai trò là con cháu trực tiếp của tổ tiên loài người, lại tiếp tục bước trên con đường tự chuyển hóa thích nghi mà cha ông họ nhường lại, lại tiếp tục công cuộc mưu sinh đầy khó khăn gian khổ nhưng cũng đầy vui thú mà cha ông họ đã bàn giao lại.
Lao động là sự làm ăn đặc thù của con người, chỉ con người mới có, cho nên phải cho rằng khi loài người nguyên thủy xuất hiện thì lao động của họ cũng xuất hiện theo, dù trình độ của lao động ấy “chẳng ra làm sao cả”. Vậy thì có thể nói, lao động đồng thời xuất hiện với sự xuất hiện ngôn ngữ và loài người nguyên thủy. Nhưng thử hỏi, loài người nguyên thủy xuất hiện cụ thể trong khoảng thời gian nào? Thật là vô cùng khó khăn trong việc xác định khoảng thời gian ấy! Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang bàn luận sôi nổi với nhiều đoán định những cơ sở chắc chắn và đang chờ những phát hiện mới từ khảo cổ. Về vấn đề này, có thể tham khảo trong cuốn “Con người không thể đoán trước” của André Bourguignon, nhà nhân học người Pháp. Sau đây là những trích lược từ tác phẩm ấy:
“Thật nghịch lý, con người vừa là già nhất vừa là trẻ nhất trong các động vật, vì nó là kết quả của sự tiến hóa dài nhất (…). Khi một cái trứng của người mẹ vừa được thụ thai, nói giống như một eucaryote đơn bào cách đây một tỷ rưỡi năm. Nguồn gốc những đốt sống của nó có từ 430 triệu năm. Cấu trúc mô ở răng và hàm dưới của nó có từ 400 triệu năm và các chi có năm ngón chưa hoàn thiện của nó có từ 350 triệu năm. Ở nó, sự phân hóa của răng thành răng cửa, răng nanh và răng hàm là một đặc điểm có từ 200 triệu năm, còn hình thức cũ có bốn mặt của răng hàm thì có từ 160 triệu năm. Nhưng thế đứng thẳng của nó chỉ mới có từ 4 đến 5 triệu năm. Để có một ý niệm về vị trí của nó trong thời gian tiến hóa của sinh vật, người ta thường dùng một lối ẩn dụ cổ điển là ghi tuổi hành tinh chúng ta thành một năm (…). Một kiểu ẩn dụ thô sơ giống như thế cũng cho phép có một ý niệm (…) về sự tiến hóa gia tốc của họ người (…). Nhưng bằng cách tạo ra một kiểu ẩn dụ theo thang thời gian lịch sử như vậy, người ta vẫn thấy một qui luật giống như thế về tăng trưởng gia tốc - thậm chí với một sự gia tốc ngày càng lớn - đối với phần lớn những quá trình công nghệ và xã hội: sự bành trướng dân số, sức mạnh của những tư liệu sản xuất năng lượng, tốc độ di chuyển trên bộ và trên không… Với một sự kiện mới trong lịch sử họ người, đó là sự ngưng trệ từ 50 ngàn đến 100 ngàn năm của mọi tiến hóa hình thái đáng kể, đã xác nhận ý kiến cho rằng, phần lớn các quá trình tăng trưởng và bành trướng đều sớm hay muộn bị chậm lại, bị đình chỉ, thậm chí bị đảo ngược bởi những tác động thụt lùi tiêu cực, nếu không thế thì những quá trình ấy sẽ kết thúc bằng một sự “bùng nổ”, một tai biến.
(…)
Như Leroi - Gouthan (1964) đã diễn đạt rất hay, con người chỉ có thể xuất hiện sau nhiều sự “giải phóng”: giải phóng thân thể đối với yếu tố nước và những bó buộc của nhiệt từ môi trường, và tôi xin thêm, giải phóng cái đầu đối với mặt đất, giải phóng bàn tay đối với sự di chuyển, giải phóng não đối với khuôn mặt.
Con người thuộc bộ linh trưởng, những động vật xuất hiện cách đây 65 triệu năm, còn những linh trưởng cấp cao thì xuất hiện 30 triệu năm sau đó. Nhưng khoảng từ 30 triệu năm đến 6 triệu năm cách nay, chúng ít tiến hóa, điều đó sẽ là một luận cứ ủng hộ cho lý thuyết về những cân bằng từng lúc. Thật vậy, từ 7 đến 4.5 triệu năm cách nay mới bắt đầu lịch sử gia tốc của quá trình người hóa. Trước khi xuất hiện những đại diện đầu tiên của giống Homo thì, một động vật họ người, được Dart đặt tên là Australapithecus vào năm 1925, đã sống ở Đông Phi và Nam Phi, mà người ta có thể theo dõi sự tiến hóa của nó trong hàng triệu năm. Hóa thạch xưa nhất được biết hiện nay đã có hơn 4 triệu năm, nhưng rất có khả năng là thời điểm ấy còn lùi xa hơn. Australopithecus đầu tiên được đặt tên là afarensis và từ đó nảy sinh ra nhánh người đích thực, ít ra là đối với một số tác giả. Dù sao thì nó cũng tiếp tục lâu dài sự tiến hóa riêng của nó bên cạnh con người để liên tiếp trở thành A. africanus, A. robustus, A. boisei. Tuy nhiên sự nối dõi đó bị nhiều người phản bác. Theo Coppens (1983), A. afrensis là một tiền Australopithecus. Australopithecus tiêu vong cách đây từ 500 ngàn đến một triệu năm. Thời đại xuất hiện của nó được đánh dấu bằng một biến đổi về khí hậu sau một giai đoạn băng hà. Ở Đông Phi, thời tiết trở nên khô hơn, rừng lùi đi nhường chỗ cho trảng cỏ có cây, còn ở phía tây thì rừng ẩm vẫn còn nên không thuận lợi chút nào cho sự bảo tồn các hóa thạch. Sự biến đổi khí hậu này không chỉ kéo theo sự xuất hiện của Australopithecus, mà còn kéo theo sự xuất hiện của những loài linh dương và khỉ đầu chó mới.
A. afrensis chắc chắn là động vật họ người đầu tiên đã được biết tới (…). Nó khác với khỉ vì không có răng nanh của khỉ Gorille và cả của Tinh tinh nữa, nhưng vẫn còn giữ lại bộ não nhỏ bé (500 cm3, tính trung bình) và một số tính chất của cánh tay. Hoàn toàn không loại trừ việc nó vẫn còn có khả năng leo cây và vận động trên cây (đu cành) tương đối thoải mái. Tầm vóc của nó rất nhỏ, khoảng 1 m đến 1,1 m, nhưng đi theo tư thế thẳng người dựa vào hai chân (đi hai chân). Những dấu vết của nó, được phát hiện ngẫu nhiên ở Laetoli, là một trong những tài liệu gây chấn động nhất trong lịch sử loài người. Trên một độ cao đã tìm thấy được, họ có hai người, tầm vóc không ngang nhau, người nhỏ hơn đang cõng một cái gì đó - một người mẹ và đứa con mình chăng? - và dừng lại một lát để ngoái nhìn lại đằng sau. Mặt đất phủ đầy tro phun ra từ một núi lửa (Sadiman) cách đó chừng 20 km nên đã giữ được những dấu vết của hai người ấy cùng với dấu vết của nhiều động vật thường qua lại trên cánh đồng vào thời của họ. Thậm chí còn giữ được dấu vết của những giọt mưa nữa. Đó là cách đây 3,7 triệu năm. Một triệu năm sau, có thể ít hơn, Australopithecus đã bắt đầu chế tác những công cụ bằng đá cuội cải tiến thô sơ và mảnh thạch anh, dùng vào rất nhiều việc. Có lẽ điều quan trọng nhất cần nhớ là việc đi hai chân và chế tác công cụ, dù thô sơ nhất, không nảy sinh đồng thời với nhau. Phải mất nhiều thời gian để chuyển từ chuyện này sang chuyện kia.
(…)
Dòng họ Australopithecus chưa tiêu vong thì đã có một nhánh khởi đầu cho giống Homo tách ra, cách đây 2,5 triệu năm, mà đại diện đầu tiên là Homo habilis. Nhưng theo Coppens và Senut (1985), nguồn gốc của nó còn xưa hơn nữa (khoảng 4 triệu năm). Dù sao thì nó cũng không tiếp nối A boisei hay A. robustus là những ngõ cụt tiến hóa, mà nối tiếp A. afarensis hay A. africanus. Châu Phi dường như đúng là cái nôi của giống Homo, dù cho các hóa thạch cách đầy 2 triệu năm cũng được tìm thấy ở Trung Quốc. Sự ra đời của nó trùng với một sự gia tăng hạn hán và cùng với sự phân hóa của nhiều động vật có vú ra thành nhiều loài.
A. afarensis và africanus chỉ có 400 đến 500 cm3 thể tích hộp sọ (chứa não), trong khi thể tích đó của H. habilis đạt tới 650 cm3 (tính trung bình). Nhất là khối mặt của nó giảm đi ở tất cả các chiều. Sọ của nó tròn lại, trán nhô ra và vòm sọ phồng lên theo chiều ngang, còn các vùng trán và cùng xương đỉnh sọ thì rộng ra. Với tầm vóc hơi to hơn (cao 140 cm), nó có những chi trên hơi ngắn hơn và do đó, không thể đu cành được. Chế độ ăn uống của nó đã thay đổi, trở thành động vật ăn tạp. Chưa phải là kẻ săn bắt mà chỉ ăn xác chết. Nó xé và cắt các thi hài của những động vật lớn ra từng mảnh, giống như hà mã. Nó sống thành những nhóm nhỏ, gần các sông và hồ do môi trường cằn cỗi đi, tự làm lấy những nơi ở rất thô sơ để chống gió. Công nghiệp đá của nó không tiến hơn chút nào so với Australopithecus.
Cái tên Homo erectus được đặt cho một tập hợp hóa thạch rất đa dạng, trước tiên tìm thấy ở Java (Pithecanthropus erectus), rồi ở Trung Quốc (Sinanthropus pekinesis), ở Châu Phi và Châu Âu.
Nhưng đôi khi, đứng trước những di tích xương, thật khó mà nói rằng đó là một H. habilis phát triển hay một H. erectus cổ xưa, vì sự tiến hóa của con người diễn ra theo lối tranh ghép mảnh, những biến đổi giải phẫu, sự phát triển của não và những tiến bộ kỹ thuật không bao giờ là đồng thời cả. Tuy nhiên, có hai sự kiện đặc trưng cho giai đoạn H. erectus: đã có những mỏ đá ở ngoài Châu Phi, ở lục địa Âu - Á, và có thể đã có sự điều khiển lửa. Ở Châu Phi không thấy có một đứt quãng nào giữa Australopithecus, H. habilis và H. erectus, mà sự có mặt của nó đã được xác nhận cho tới cách đây 120 ngàn năm. Hơn nữa, H. erectus cổ nhất đã được xác định niên đại (1,82 triệu năm) là ở Châu Phi, trong khi nhiều hóa thạch ở Java không phải bao giờ cũng có niên đại chính xác cả, ở Trung Quốc, nó có mặt cách đây 1,7 triệu năm và ở Châu Âu cách đây 1,5 triệu năm, nhưng chỉ được xác nhận qua công nghiệp đá. Sọ xưa nhất của H. erectus Châu Âu (Tautavel) chỉ mới 450 ngàn năm. Tất cả những biến đổi ở sọ đã thấy được ở H. habilis đều được cường điệu, với một sự khác nhau lớn về dung tích sọ ngay bên trong mỗi vùng địa lý. Nói chung, dung tích ấy là từ 800 đến 1400 cm3. Tiến bộ kỹ thuật hiển nhiên nhất là, sau khi đã làm chủ được lửa, xuất hiện việc chế tác những đồ đá mài hai mặt cách đây 1,4 triệu năm. Những nơi được đặt biệt nghiên cứu rõ (ở Trung Quốc và Pháp) đã cho chúng ta biết được nhiều về sự tiến hóa hình thái và văn hóa của H. erectus.
Người vượn Bắc Kinh có lẽ là một trong những hóa thạch nổi tiếng nhất. Nó được phát hiện trước chiến tranh thế giới thứ hai, trong một hang động gần Chu Cẩm Điếm, cách Bắc Kinh 50 km. Hang động này không ngừng có người ở trong 230 ngàn năm, bắt đầu từ cách đây460 ngàn năm. Các hóa thạch và công cụ đã tìm thấy nằm tản mát trong một cái kho có chiều dày 40m, có phủ một lớp tro cao 6m, chúng cho thấy hai sự tiến hóa của não và của văn hóa, đặc biệt là những công cụ và kỹ thuật chặt đẽo, một sự tiến hóa chậm chạp lúc đầu rồi dần dần nhanh hơn. Những di tích gồm 40 cá nhân khác nhau, đủ hai giới tính và đủ các lứa tuổi, đã xác nhận sự gia tăng từ từ của khối lượng hộp sọ. Khung xương mang tính chất hoàn toàn hiện đại, trừ độ dày hơn của thành xương (…). H. erectus pekimensis săn bắt những con mồi nhỏ và lớn (96 loài có vú đã được tìm thấy) và chia nhau sau những cuộc săn bắt ấy, còn đàn bà thì hái lượm hạt và quả. Họ dùng lửa để nướng thức ăn và để sưởi ấm. Công cụ đá hoàn thiện dần chứng tỏ có sự truyền thụ và cải tiến những kỹ thuật của họ từ đời này sang đời khác.
Năm 1965 và 1966, ở sườn núi Boron, Lumley và nhóm của ông đã khám phá ra những dấu vết nơi ở trên nhiều độ cao khác nhau (xưa nhất là cách đây 500 ngàn năm), cho phép có một ý niệm về H. erectus săn bắt, hái lượm và du cư. Nó sống ở đó trong những cái lều to làm bằng cành cây, có cột chống, và có thể chứa tới khoảng hai chục người. Mặt đất phủ những tấm da, bếp nấu được che gió bằng một tảng đá, còn những chỗ giành để ngủ thì khác với những chỗ cất giữ thịt và nấu thức ăn (…).
Theo Coppens và Peyer (1985), việc H. erectus phát triển với H. sapiens xảy ra ở khắp nơi, dù không phải là đồng thời thì cũng cho phép họ như cùng một loài duy nhất, với những trao đổi di truyền và văn hóa diễn ra nhiều và đều đặn, nhưng không gây trở ngại cho tính bền vững của một số đặc trưng vùng, chẳng hạn “răng hình lưỡi mai” và khuôn mặt bẹp của các cư dân Trung Quốc. Chính những đặc trưng bền vững này đã cắt nghĩa tại sao có tính đa dạng hiện nay của các cư dân con người. Sinh ra ở Châu Phi cách đây 1,8 triệu năm, H. erectus đã phân tán khắp lục địa Âu - Á cách đây từ 1,7 đến 0,9 triệu năm, phân hóa theo những vùng cư trú của nó.
(…) H. sapiens có hai loài nhỏ: Homo sapiens neandertalensis và Homo sapiens sapiens, và chúng ta thuộc vào loài sau (…).
(…)
H. s. sapiens gần đây nhất là người Cro-Magnon (…). Những người này có mặt ở Inđônêxia và ở Maghres cách đây 130 ngàn năm. (…). H. s. sapiens tỏa ra khắp Trái Đất, chinh phục Châu Mỹ, Niu Ginê, Úc và Nhật Bản cách đây 20 ngàn đến 40 ngàn năm. Với nó, mọi cái được đẩy nhanh, trong khi hình thái của nó, giống như chúng ta, đã ngừng tiến hóa, dường như thế. Trái lại, văn hóa của nó, từ Aungnacien trở đi, đã tiến hóa một cách độc lập với khí hậu và cho thấy có những biểu hiện nghệ thuật rõ rệt đầu tiên. (Việc phát hiện ra ở Pech-de-Aze (Pháp) một khúc xương có trang trí những vết khắc không có tính tượng hình đã có từ 250 ngàn năm nay, cho phép người ta nghĩ rằng những biểu hiện đồ họa đầu tiên có thể gán cho H. erectus). Còn công nghiệp đá của nó thì không cho thấy đứt quãng nào với công nghiệp đá của người Néanderthal.
(…)
Một ngày nào đó, cách đây từ 10 ngàn đến 20 ngàn năm, H. s. sapiens đã định cư lại trong khi theo đuổi hoạt động săn bắt và hái lượm của nó, và cùng lúc đó Trái Đất cũng nóng lên. Thật vậy, nó đã giải quyết được vấn đề tích trữ một số nguồn thức ăn trong một thời hạn vừa hay dài. Sự kiện ấy chắc đã xảy ra vào cuối thời đá cũ và trong thời đá giữa (…). Nhưng chúng ta sẽ thấy, bước ngoặt lớn không phải là thiết lập được nông nghiệp và chăn nuôi với những lợi thế không rõ ràng vào buổi đầu của các ngành này, mà là việc chuyển từ du cư sang định cư.
Từ đó, mọi cái, hay gần như mọi cái đều đã được biết rõ. Các làng mạc từ đất đi ra, các thành phố, các quốc gia ra đời, những sự tàn bạo, những cuộc giết chóc, những cuộc chiến tranh nối tiếp nhau, chữ viết xuất hiện vào 3300 năm trước Công Nguyên (…). Nó làm thay đổi và tiếp tục làm thay đổi môi trường của mình. Dần dà, nó vượt quá những giới hạn của sự chừng mực…”.
Một cách tương đối, có thể coi trích lược trên, một cách chung nhất, là quan niệm hiện nay của các nhà nhân học về quá trình lịch sử hình thành nên loài người. Vì suy đoán chủ yếu dựa trên cơ sở triết học duy tồn nên quan niệm của chúng ta về quá trình ấy tương đối khác. Tuy nhiên dù theo quan niệm của chúng ta, trong trích lược trên có những nhận xét chưa thỏa đáng thì cũng không thể phủ nhận, bác bỏ được những phát hiện khảo cổ, những kết quả xác định một cách khoa học về những khoảng thời gian xảy ra các sự kiện trong tiến trình lịch sử người hóa được. Do đó, muốn bảo lưu quan niệm của mình, chúng ta, không thể nào khác, phải làm sao cho nó phù hợp với khảo cổ học.
Người hóa là một quá trình tiến hóa lúc nhanh, lúc chậm, có cả lúc chững lại, thậm chí, xét về mặt bộ phận, có những hướng được thấy như thoái hóa đi, nhưng xét về tổng thể thì đó là một quá trình “tiến lên” thích nghi từ từ rất lâu dài về mặt thời gian trước một môi trường luôn luôn biến đổi mà chủ yếu là trước sự biến đổi có xu thế nói chung là bất lợi, nảy sinh ra trong cuộc đấu tranh sinh tồn giữa các giống loài sinh vật. Vì thế mà một cách khách quan, sẽ không có một thời điểm dứt khoát và rành mạch từ con vật hóa thành con người theo kiểu đột biến được. Nhưng một cách tương đối thì có thể qui ước và dựa vào kết quả khảo cổ mà xác định được thời điểm ấy (khoảng thời gian rất ngắn so với chiều dài của quá trình người hóa).
Có thể qua hình hài vóc dáng mà phân biệt được con người với con vật nào đó. Nhưng sự phân biệt đó chỉ có tính bề ngoài, hình thức và chỉ nói lên được rằng đó là hai động vật thuộc hai loài khác nhau. Sự phân biệt đó thật tầm thường, không nêu ra được tính “khác hẳn” của loài người đối với mọi giống loài muông thú khác, tính nổi trội hơn hẳn, thậm chí là trong thực tế, loài người tỏ ra như là đã thoát ly khỏi thế giới sinh vật. Nếu chỉ dựa vào hình thể và cho rằng nhờ tiến hóa mà hình thể con người ưu việt hơn con vật thì thật là lầm to! Rõ ràng, xét về mặt hiệu quả săn bắt con mồi thì hình thể con người “quá kém cỏi” so với hình thể con hổ hay con báo, xét về mặt đu cành thì nó kém xa loài khỉ và xét về mặt bay trên không trung thì bản thân nó hoàn toàn bất lực. Vậy thì dựa vào tiêu chuẩn nào để vạch ra được sự khác biệt cơ bản biểu hiện rất rõ ràng trong hiện thực giữa con người và con vật, không thể chối cãi được? Đó chính là cái ưu thế, cái uy quyền hầu như tuyệt đối mà loài người đã giành được, đã chiếm lĩnh được trong cuộc đấu tranh sinh tồn gay gắt giữa các giống loài sinh vật, cũng như cái khả năng to lớn mà loài người có được, và chỉ riêng loài người có được trong việc chế ngự, chinh phục thiên nhiên, khai thác, biến đổi thiên nhiên nhằm phục vị cho lợi ích của mình. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, loài người có được cái địa vị mà nó tự phong là “chúa tể” đó là do sự vận động, chuyển hóa của môi trường thiên nhiên làm xuất hiện quá trình tiến hóa thích nghi trong thế giới sinh vật và thông qua quá trình đó hun đúc nên, Nhờ quá trình tiến hóa thích nghi mà loài người xuất hiện, trở thành lực lượng thống trị trong thế giới sinh vật, có sức mạnh tưởng chừng như vô địch trong việc làm biến đổi môi trường thiên nhiên. Được như vậy không phải vì con người có hình thể hợp lý nhất mà chính là vì có được một bộ não ưu tú nhất: biết suy nghĩ sâu sắc. Như vậy, sự khác biệt cơ bản nhất, rõ ràng nhất, giữa loài người và loài vật chính là ở chỗ loài người biết suy nghĩ sâu sắc còn loài vật thì không. Từ sự phân biệt này mà thấy, nếu lao động là chỉ ở loài người mới có, thì lao động chính là hành vi “làm việc” của một giống loài biết suy nghĩ sâu sắc, biết tư duy trừu tượng đến cao độ, và đây cũng chính là bản chất đặc thù của lao động. Vậy thì những biểu hiện nào của lao động được cho là đặc thù mà ở loài vật không thể có được? Nếu hành vi làm việc ở loài vật nổi trội rõ rệt tính tự phát bản năng, thụ động, ngẫu nhiên, nhất thời, đơn điệu và có thời gian thực hiện một công việc nào đó nói chung là tương đối ngắn ngủi, thì hành vi làm việc - tức lao động - ở loài người lại nổi trội rõ rệt tính tự giác lý trí, chủ động, có chủ đích, có tính năng động sáng tạo cao độ, đa dạng, bền bỉ thực hiện liên tục một công việc lớn lao nào đó đã hoạch định trước vì một mục đích lâu dài. Nói tóm lại lao động là hành vi làm việc có lý trí của con người và biểu hiện đặc thù của nó chính là tính năng động, sáng tạo và có ý thức phối hợp đến cao độ mà ở loài vật không hề có hoặc nếu cho là có đi chăng nữa thì cũng hoàn toàn mờ nhạt.
Vì đã “trót lỡ” quan niệm con người chỉ có thể xuất hiện vào giai đoạn nửa sau của quá trình hình thành ngôn ngữ cho nên chúng ta cho rằng lao động cũng xuất hiện trong thời đoạn đó. Vậy thì ngôn ngữ giao tiếp nguyên thủy (còn sơ sài hời hợt nhưng đã có thể dùng nó làm phương tiện để suy xét, suy lý, dù có thể là còn rất đơn giản nhưng đã tương đối mạch lạc) xuất hiện cụ thể trong khoảng thời gian nào trong lịch trình người hóa? Chúng ta lại trích lược một đoạn từ tác phẩm “Loài người không thể đoán trước” để tham khảo, dù không thừa nhận một số ý kiến trong đó:
“Giống như tất cả những biến đổi có tác động xã hội mạnh mẽ, sự ra đời của ngôn ngữ có những nền tảng sinh học, nhưng những nền tảng ấy còn sâu xa hơn, mang bản chất giải phẫu và sinh lý. Để nói, cần phải có những khả năng nói, và để có những khả năng đó, phải có một bộ não và một hệ thống phát âm thích hợp. Ở trình độ bộ não, ngôn ngữ đòi hỏi phải có một vùng riêng biệt, vùng Broca, nằm ở hồi trán thứ ba bên trái. (…).Ở Australopithecus, nó chỉ mới manh nha (…). Sự tồn tại của nó trên thực tế đã bị qui định bởi sự mở rộng các vùng trán, thành và thái dương của vỏ não, nhờ vào vùng chẩm (thị giác), vì ngôn ngữ huy động cả những vùng khác ngoài vùng Broca nữa (…).
Còn về hệ thống phát âm đã được nhiều tác giả nghiên cứu, trong đó có Lieberman (1975) và Laitman (1986). Theo hai người này thì nó hoạt động như một tổng thể. Để tạo ra được lời nói, phải có một tư thế và một hình dạng của yết hầu, nhất là kênh trên hầu, miệng, môi lưỡi và cả hốc mũi. Khả năng vận hành của tất cả các cơ quan ấy phụ thuộc vào hình thức và tư thế tương ứng của sọ và hàm dưới. Tất nhiên, nếu hầu nằm quá cao thì không thể phát ra lời được, đó là trường hợp của trẻ sơ sinh và những động vật hình người trưởng thành (…).
Laitman đã chú trọng tới giải phẫu học về yết hầu của những động vật có vú, của trẻ em và cả những người lớn hóa thạch, vì nhận thấy rằng vị trí của yết hầu có tương quan chặt chẽ với hình thức của nền sọ, nơi qui tụ những cơ họng và cơ hầu. Khi hầu ở vị trí cao (…) con người đồng thời vừa thở vừa nuốt nước được, nhưng nó chỉ có thể điều biến một cách yếu ớt - cùng với miệng và đôi môi - những âm thanh phát ra từ những dây thanh, khiến cho ngôn ngữ có âm tiết chưa thể hình thành. Khi yết hầu ở vị trí thấp (…), con người không thể thở và nuốt cùng một lúc được mà không gặp nguy hiểm, nhưng lúc đó, do có một hốc miệng lớn ở bên trên yết hầu, nên nó có thể tạo ra một ngôn ngữ có âm tiết. Thế mà người ta thấy rằng, tất cả các động vật có vú, trừ con người trưởng thành ra, đều có một yết hầu nằm ở vị trí cao, và cũng thấy như vậy ở trẻ con trước 18 tháng hay 2 năm. Vào tuổi ấy, yết hầu bắt đầu tụt xuống cổ và vì thế, có thể có ngôn ngữ có âm tiết. Từ việc đo “đường nền của sọ”, Laitman đã nhận xét rằng Australopithecus và Homohabilis chưa có ngôn ngữ có âm tiết, còn Homo erectus thì đã có thể dùng một thứ ngôn ngữ thô sơ, và chỉ từ 300 ngàn đến 400 ngàn năm trước kỷ nguyên chúng ta mới bắt đầu hình thành ngôn ngữ có âm tiết.
Đối với Lieberman, thì cách đây 40 ngàn đến 50 ngàn năm, Homo s. sapiens và những tiền bối trực tiếp của nó đã có khả năng nói như chúng ta (…). Những hình thức giao tiếp khác bằng âm thanh có trước đó liệu đã được gọi là ngôn ngữ chưa? Không thể quyết định điều đó được, đó là một vấn đề về định nghĩa. Tobias (1980) và Coppens (1983) cho rằng ngôn ngữ đã xuất hiện cùng với Homo habilis. Còn theo Bounat (1958), thì nó xuất hiện cách đây 300 ngàn năm - phù hợp với những giả thuyết của Laitman - khi những công cụ đá bắt đầu mang những hình thức cố định, đều đặn và lặp đi lặp lại, chứng tỏ đã có một kỹ thuật có thể truyền thụ bằng lời nói được (…).
Nếu chọn thời gian xuất hiện ngôn ngữ của loài người từ trích đoạn trên thì chúng ta chọn khoảng thời gian nào? Để có thể trả lời câu hỏi đó và hơn nữa phải “hợp lý hóa” cho được cái quan niệm tổ quán của loài người là một miền duyên hải có khí hậu nhiệt đới, thời tiết hài hòa nào đó với những phát hiện khảo cổ đã nêu trong hai trích lược, thì chúng ta lại phải bàn thêm chút ít nữa về ngôn ngữ và về sự người hóa.
Như chúng ta đã quan niệm thì ngôn ngữ là kết quả có tính đặc thù, được tạo thành từ đòi hỏi khách quan là tăng cường khả năng sống còn, tăng cường ưu thế trong đấu tranh sinh tồn cho giống loài, thông qua quá trình tiến hóa thích nghi. Ngôn ngữ xuất hiện là nhằm đáp ứng sự thu - phát thông tin bằng âm thanh, lợi dụng khí quyển làm khâu trung gian truyền dẫn. Cách thức truyền đạt và thu nhận thông tin bằng âm thanh là có tính phổ biến trong thế giới sinh vật, và là một cách thức hiệu quả giúp cho các cá thể thông báo, giao tiếp được với nhau trong nội bộ giống loài, ngoài ra ở nhiều loài còn được dùng như một phương tiện hù dọa, cảnh cáo đối với kẻ thù hoặc dụ khị con mồi. Giao tiếp bằng ngôn ngữ là trình độ cao nhất của hình thức giao tiếp bằng âm thanh, có tính đặc thù, chỉ ở loài người mới có. Nhưng nếu xét ở góc độ giao tiếp bằng âm thanh là sự truyền đạt và tiếp thu được một số lượng âm tiết nhất định, dù ít dù nhiều và gọi như thế là “nói được” thì không chỉ loài người biết nói mà nhiều loài vật khác cũng biết nói. Với qui ước như vậy thì khi chim họa mi hót cũng có nghĩa là nó đang nói, dù có thể suốt đời nó chỉ nói được đúng có một câu. Thật buồn cười mà cũng khiên cưỡng khi nói thế nhưng ngẫm kỹ thì không phải là hoàn toàn phi lý. Dễ thấy được điều này: ở loài người, “nói” không phải là một hành động bản năng mà phải học mới biết được. Điều đó cho phép nghĩ rằng tại thời điểm yết hầu của một đứa trẻ tụt xuống thì não của nó cũng phát triển đến trình độ bắt chước được để học nói. Nghĩa là muốn học nói thì phải có một bộ não thông minh ở mức độ nhất định. Ở loài động vật có vú việc phát ra âm thanh đặc trưng của giống loài từ cuống họng đã trở thành bản năng và hầu hết là chỉ có một hoặc cùng lắm là hai, ba loại âm tiết, hơn nữa không thể dạy dỗ chúng phát âm theo ngôn ngữ con người dù chỉ là một câu ngắn ngủi. Nhưng ở lớp chim thì tình hình có hơi khác. Có nhiều loài chim biết hót líu lo một tràng dài gồm nhiều loại âm tiết trầm bổng khác nhau. Để hót được như vậy, hình như chúng cũng phải “học”, nghĩa là tiếng hót ấy có vẻ là kết quả của lý trí nhiều hơn của bản năng. Trong thực tế, nhiều người nuôi chim cảnh lớn đến độ nào đó thì phải mang lồng nhốt con chim cảnh đến chỗ có con chim đồng loại đã biết hót để nó nghe tiếng hót ấy mà bắt chước theo. Vậy, tiếng hót líu lo của loài chim có được coi là một thứ ngôn ngữ sơ đẳng nào đó không? Có thể được nếu chúng ta thay đổi lại định nghĩa ngôn ngữ! Đùa vui thế chứ chắc chắn là không rồi! Ngôn ngữ là kết quả mà bộ não đã phát triển đến trình độ cao, đã bước đầu biết trừu tượng, biết phán đoán đơn giản và bắt đầu tập sáng tạo, tạo ra được trong suốt một quá trình lâu dài và đồng thời cũng nhờ quá trình đó, thông qua sự hình thành và sử dụng thứ ngôn ngữ ngày một hoàn thiện mà bản thân bộ não cũng tự nâng cao trình độ hoạt động của nó, biết tư duy trừu tượng ngày một sâu sắc. Như vậy, ngôn ngữ không những là phương tiện không thể thiếu được trong giao tiếp bằng âm thanh của loài người mà còn là phương tiện cực kỳ quan trọng đối với sự suy nghĩ, nhận thức của con người nữa. Những đứa trẻ câm điếc bẩm sinh thường là chậm phát triển về trí tuệ và nếu còn bị mù bẩm sinh nữa thì không biết sự thể sẽ ra sao?
Đúng là ngôn ngữ có tính đặc thù rõ rệt và chỉ ở loài người mới có. Nhưng điều thực sự lý thú và cũng không ít ngạc nhiên là không phải chỉ con người mới biết nói thứ tiếng đó, Đối với những con chim như sáo, vẹt… được nuôi đến độ tuổi thích hợp thì người ta có thể dạy dỗ chúng nói được nhiều câu tiếng người, dù là ở loại ngôn ngữ của nước nào. Vậy thì thử hỏi những loài chim ấy có trí thông minh không? Chắc là phải có một chút thông minh nào đó chứ nếu không, làm sao chúng bắt chước được và nhớ lại được? Tuy nhiên, sự thông minh ấy chẳng cao tý nào, chỉ là sự “học vẹt”, thuộc đấy nhưng không thể hiểu được hàm nghĩa của những câu nói để cứ thế nói lung tung, vô thưởng vô phạt theo lối phản xạ có điều kiện. Dù sao thì hiện tượng chim nói tiếng người nhờ được dạy dỗ đã gợi ra một suy nghĩ ngộ nghĩnh: nói được tiếng người không nhất thiết cần đến hệ thống thanh quản và các cơ quan phối hợp để phát ra ngôn ngữ của con người mà cái loa điện, con sáo, con vẹt… cũng làm được điều đó dù không tự giác. Thế thì nếu bằng cách nào đó có thể thay não con vẹt bằng não người, nó có thành con người - gọi là “người mỏ vẹt” - được không? Mà sao trong thiên nhiên, quá trình người hóa không theo hướng con người có cái mỏ như con vẹt? Hỏi như thế thì cũng có thể hỏi: tại sao một loài vật tiền bối nào đó lại tiến hóa thành loài hổ chứ không thành loài người?
***
Một cách đại khái, có thể hình dung rằng, sự sống xuất hiện lần đầu tiên ở trong lòng biển khơi. Chưa cần nói đến môi trường sống cũng có những thời kỳ biến đổi gây bất lợi cho sự sống thì sự sống, trong điều kiện hoàn cảnh thuận lợi của môi trường đối với nó mà tăng trưởng số lượng thành viên một cách mù quán, có tính lạm phát, tự gây ra một quá trình làm biến đổi môi trường sống của nó theo xu hướng bất lợi đối với chính bản thân sự sống, đó là nguồn thức ăn ngày càng giảm, ngày càng khó khăn để tiếp cận miếng ăn, dẫn đến nguy cơ bị tiêu vong. Cơ thể sống cũng phải tuân theo nguyên lý sâu xa này: mọi thực thể đều phải tương tác với môi trường chứa nó, tích cực vận động đến tận cùng khả năng để duy trì cân bằng nội tại mà đảm bảo nó vẫn là nó (một cách tương đối trong sự biến đổi tuyệt đối của tồn tại). Trên cơ sở đó, và trong tình hình ngày càng khó khăn tiếp cận được miếng ăn, sự sống đã phải tự phát điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng, tự phát cải tạo mình cho phù hợp với hoàn cảnh mới và đồng thời qua đó mà làm xuất hiện những nguồn thức ăn bổ sung, những chủng loại thức ăn mới. Đó chính là bước đi đầu tiên của cuộc đấu tranh sinh tồn gay gắt và quá trình tiến hóa thích nghi theo nhiều hướng và kéo dài xuyên suốt lịch sử tồn tại của thế giới sinh vật. Có thể nói đấu tranh sinh tồn làm xuất hiện sự tiến hóa, tiến hóa để có khả năng thích nghi giành ưu thế có lợi nhằm đảm bảo sống còn và đến lượt nó tác động trở lại cuộc đấu tranh sinh tồn, gây ra sự điều chỉnh, biến đổi ở một mức độ nào đó, ở một hướng nào đó đối với cuộc đấu tranh ấy. Vì đấu tranh sinh tồn và tiến hóa thích nghi được thấy trong thực tế là đan xen nhau, lồng vào nhau, có mối quan hệ hữu cơ với nhau, mà đấu tranh sinh tồn là tiền đề tồn tại của tiến hóa thích nghi, nên có thể coi chúng là hai mặt của một quá trình thống nhất và duy nhất. Quá trình thống nhất này là giềng mối làm xuất hiện hai quá trình cơ bản, đóng vai trò như là những hậu quả của nó, đó là sự mở rộng môi trường sống đến tận cùng khả năng của sự sống trong thiên nhiên và quá trình đa dạng hóa đến vô cùng phong phú các giống loài sinh vật (mà nhìn ở góc độ thống nhất thì đó cũng là hai mặt có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tác động qua lại nhau của một quá trình thống nhất và duy nhất).
Hai quá trình cơ bản trên cho phép chúng ta lắp ghép nên một bức tranh có phần thô sơ nhưng không đến nỗi bất hợp lý lắm. Lúc đầu sự sống chỉ có ở biển khơi dưới dạng đơn giản nhất là những đơn bào nhỏ bé (vi sinh) không có nhân. Những đơn bào đó dần chuyển biến: thành lớn hơn và có vài ba dạng. Sau đó là sự xuất hiện các đơn bào có nhân nguyên thủy, tiếp đến là đa bào nguyên thủy. Quá trình đa dạng hóa sự sống đó làm xuất hiện một thế giới vi sinh vật phong phú trong đại dương. Sau quá trình đó có thể là sự xuất hiện của những thực thể sống tạm gọi là “tiền thực vật” - tổ tiên xa xôi nhất của thực vật sống dưới nước ngày nay như tảo, rong, bèo… Tiếp theo, chắc phải là sự ra đời nhiều thực thể sống tạm gọi là “tiền động vật”, lấy “tiền thực vật” làm nguồn thức ăn chính. “Tiền động vật” chính là tiền thân của những động vật không xương sống nguyên thủy. Nhiều khả năng sự phân chia thế giới sinh vật thành hai giới thực vật và động vật xảy ra đầu tiên là ở đại dương.
Có lẽ là do sự sống trong đại dương ngày càng gặp khó khăn, chủ yếu có thể là bởi tăng trưởng về số lượng mà sự sống lan tỏa vào các cửa sông rồi dần tiến về phía thượng nguồn cũng như vào các vùng đầm lầy, ao, hồ thường có ở những miền duyên hải. Sự tiến hóa sinh vật làm xuất hiện những giống loài mới thích nghi với những môi trường sống mới ấy. Đó cũng chính là những miền trung gian để sự sống “đổ bộ” lên đất liền.
Đầu tiên, thực vật sống trên cạn có dạng như rêu, sống quanh bờ đầm lầy, ao hồ, dọc bờ các con sông, rồi lan tỏa sâu hơn trên cạn và đồng thời cũng xuất hiện loại thực vật dạng cỏ, thấp nhỏ, có rễ và lá. Quá trình đó làm xuất hiện động vật sống lưỡng cư đầu tiên, tiến hóa lên, theo các nhà cổ sinh học, từ cá vây mấu. Càng ngày giới thực vật càng tiến sâu vào đất liền và đồng thời cũng càng có nhiều giống loài với dáng vóc to cao khác nhau; cả thân mềm lẫn thân cứng (thân mộc), kéo theo sự ra đời lớp động vật sống hẳn trên cạn đầu tiên là bò sát, tiến hóa lên từ động vật lưỡng cư nói trên (đã xuất hiện trong kỷ Devon, thuộc đại Cổ sinh, cách nay khoảng 380 triệu năm).
Sau khi đã hoàn toàn thích nghi với đời sống trên cạn thì bộ phận thực vật ở đó bước vào thời kỳ tăng trưởng và đồng thời cũng cạnh tranh mạnh mẽ, làm xuất hiện nhiều giống loài mới, đua nhau lan tỏa ra khắp những nơi có thể, trong một môi trường mênh mông còn nhiều thuận lợi và có lượng ôxy trong khí quyển ngày một dồi dào, do chính chúng tạo ra. Trong cuộc cạnh tranh để sống sót và tăng trưởng đó, những giống loài thực vật thân mộc ngày một chiếm ưu thế hơn vì thích nghi hơn, do đó sự tăng trưởng của chúng dần dần có tính đột biến: lực lượng nhanh chóng đông đảo, kích thước cây ngày càng to, càng cao (chẳng hạn cây Vẩy cao tới vài chục mét). Kết quả là sự xuất hiện các khu rừng cổ sinh bạt ngàn, lúc đầu là ở các vùng có khí hậu nhiệt đới, sau lan tràn ra khắp nơi. Những khi rừng nguyên sinh bạt ngàn này đã hạn chế tối đa sự tăng trưởng của hệ thực vật mà chúng che phủ. Để có thể hình dung được mức độ che phủ và xâm lấn đất đai của những cây thân mộc khổng lồ thời kỳ này và suốt thời Trung Sinh tiếp theo, chúng ta sẽ mô tả kỹ hơn về một loài cây thuộc họ thông mà ngày nay vẫn còn có thể chiêm ngưỡng được ở Châu Mỹ.
Theo các nhà thực vật học thì cách đây hơn 4 ngàn năm, xuất hiện loài cây có tên gọi là Sequoia. Chúng hợp thành những cánh rừng bạt ngàn ven bờ Thái Bình Dương trong vùng Bắc Mỹ và được phân biệt ra hai nhóm chính dựa vào tán lá xanh hay đỏ. Tên gọi Sequoia là do tộc người Cherokee - một trong những bộ lạc văn minh nhất, đặt Sequoia chính là tên người đã sáng lập ra văn tự của họ (văn tự tượng hình gồm 86 hình). Loài cây khổng lồ này có chiều cao trung bình từ 70 đến 120 m, có đường kính trung bình 9 m, sống đến khoảng 3 - 4 ngàn năm tuổi. Chúng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1885 bởi nhà thực vật học lỗi lạc người Anh tên là William Lobe trong khu rừng nguyên sinh ở Vera Cruz thuộc California. Từ 90 cây được phát hiện hồi đó, đến nay chỉ còn độ 30 cây còn sống. Cây khổng lồ nhất (đã bị bão quật đổ) trong những cây khổng lồ đó cao tới 140 m, có chu vi thân cây lên đến 35 m.
Nếu có dịp đến thăm khu công viên bảo tồn quốc gia ở California (Mỹ), chúng ta sẽ phải sửng sốt trước những cây Sequoia có chiều cao trung bình là 98m, có vòng thân mà 12 người nối tay nhau vẫn ôm không xuể và nếu tính ra thì mỗi cây nặng trung bình đến 2 ngàn tấn (!). Lượng gỗ của một cây, nếu đem xẻ ra sẽ làm được 40 ngôi nhà 5 gian rộng rãi với những bộ vĩ kèo đồ sộ. Trong khu công viên này, có chỗ người ta còn làm đường lộ xuyên qua gốc của cây Sequoia. Có lẽ vì sự khổng lồ đến mức choáng ngợp của loài cây này mà ở đó, các nhà thực vật học Mỹ còn gọi chúng là tướng quân Sherman - tên một viên tướng huyền thoại trong cuộc chiến tranh Bắc - Nam ở nước Mỹ (1861-1865).
Quá trình chuyển hóa và tăng trưởng của giới thực vật trên cạn đã tất yếu làm xuất hiện sự chuyển hóa và tăng trưởng của giới động vật ăn thực vật chủ yếu là bò sát (có thể lúc này chưa có động vật ăn thịt trên cạn) theo hướng đa dạng hóa giống loài, phát triển về số lượng và đặc biệt là theo một hướng có tính nổi trội hơn hẳn, được ưu tiên lựa chọn hơn hẳn, đó là sự tăng lên nhanh chóng về mặt kích thước cơ thể đối với bò sát, làm xuất hiện những giống loài bò sát thực sự khổng lồ (nhiều con trưởng thành dài tới 25 m, nặng chừng 30 tấn), gọi là khủng long. Kích thước cơ thể khổng lồ của khủng long tất nhiên cũng làm cho lượng thức ăn thực vật (lá, cỏ) cần thiết mà nó tiêu thụ hàng ngày cũng rất lớn.
Hoàn toàn tự nhiên là bất cứ giống loài nào vừa xuất hiện thì cũng lập tức tăng trưởng và tăng trưởng với đà ngày càng nhanh về số lượng nếu không gặp một tai biến bất ngờ nào. Nhưng sự tăng trưởng ấy không thể vô hạn độ được mà đến lúc nào đó phải chậm dần rồi dừng lại, thậm chí, thay cho nó là một quá trình triệt thoái về số lượng đến mức tuyệt chủng. Đó là một hiện tượng phổ biến có tính qui luật trong thế giới sinh vật. Đối với lực lượng khủng long cũng vậy nhưng chỉ có điều tốc độ tăng trưởng về số lượng ở chúng là rất nhanh, rất mạnh mẽ và tốc độ triệt thoái đến tuyệt chủng lại còn nhanh hơn nữa, có vẻ đột ngột.
Ngay từ buổi đầu hiện diện trên mặt đất, khủng long đã ở trong một môi trường sinh thái hết sức thuận lợi đối với chúng: đại ngàn cây cối mênh mông và vẫn đang thời kỳ sung sức, với số lượng khủng long còn tương đối ít ỏi thì đó là nguồn thức ăn vô cùng dồi dào. Nhờ thế mà cũng ngay từ đầu, tốc độ tăng trưởng số lượng của chúng đã có biểu hiện về sự nhảy vọt và sau đó trở nên bùng phát. Theo cách phân chia các thời kỳ lịch sử sinh giới của các nhà cổ sinh học thì thời đại Trung sinh được bắt đầu từ cách nay khoảng 250 triệu năm, kéo dài khoảng hơn 180 triệu năm, được chia ra làm bốn kỷ: Kỷ Trias (gần 47 triệu năm), kỷ Jura (khoảng 68 triệu năm), kỷ Creta (khoảng 70 triệu năm). Khủng long - bò sát khổng lồ đã xuất hiện trong kỷ Trias và bắt đầu lan tràn, thống trị trên mặt đất. Có thể là trong khoảng thời gian cuối kỷ này, sự tăng trưởng lực lượng khủng long ăn thực vật đã đạt đến tột độ, làm xuất hiện từng lúc, từng nơi và dần dần trở nên thường xuyên hơn tình trạng khủng hoảng thiếu thức ăn đối với những con vật hàng ngày phải cần đến những lượng thức ăn to lớn. Cần nhớ rằng đi đôi với sự hình thành những cánh rừng cây cối thân mộc là nạn cháy rừng, rừng càng bạt ngàn thì sự cháy rừng càng trở nên khốc liệt về qui mô lan tỏa. Hiện tượng đó cũng là một tác động làm nghiêm trọng thêm tình trạng khan hiếm thức ăn đối với động vật ăn thực vật, nhất là đối với những con vật có cơ thể khổng lồ và hơn nữa, làm giảm lượng ôxy trong khí quyển vốn dồi dào trước đó. Có thể đoán rằng, bản thân sự tăng trưởng lực lượng đến cao độ và nạn cháy rừng ngày một khốc liệt đã đưa khủng long vào tình thế khan hiếm thức ăn, ngày một khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thức ăn thực vật. Chính tình thế đó đã buộc khủng long phải chuyển biến tích cực, tiến hóa theo chiều hướng khác nhau để thích nghi với môi trường sống đã thay đổi ngày càng bất lợi, nhằm duy trì sinh tồn. Nửa đầu quá trình tiến hóa của lực lượng khủng long xảy ra trong kỷ Jura và được thấy như là sự tự cải tạo hình vóc, cấu trúc cơ thể, điều chỉnh lại lối sống theo những cách khác nhau, từ đó mà cũng tự phân hóa thành nhiều giống loài mới: một số trở về với đời sống dưới nước, một số thích nghi với lối sống thường xuyên trên cây, chuyển phương thức di chuyển bằng cách bay trong không trung (thằn lằn có cánh, Chim thủy tổ), và đặc biệt là sự xuất hiện loài khủng long ăn thịt, lấy động vật ăn thực vật làm nguồn thức ăn chủ yếu, làm cho số còn lại phải tăng cường khả năng tự vệ theo cách này hay cách khác. Nửa sau quá trình tiến hóa của lực lượng khủng long xảy ra trong kỷ Creta, làm xuất hiện dạng động vật có vú. Lúc đầu động vật bò sát khổng lồ vẫn tiếp tục đóng vai trò bá chủ trên đất liền, tuy nhiên sau đó, đến cuối kỷ này thì đột nhiên bị tiêu vong hết, nhường vai trò bá chủ cho động vật có vú đang phát triển mạnh mẽ ở khắp môi trường sống. Trong cổ sinh học, có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích nguyên nhân biến mất kỳ lạ này của khủng long, trong đó có cả ý kiến cho rằng vào cuối kỷ Creta, một thiên thạch khổng lồ đã đâm sầm vào Trái Đất. Nhưng cũng có thể nghĩ đến nguyên nhân là do sự hoạt động tích cực một cách bất thường của núi lửa, của nạn cháy rừng làm giảm có tính đột phát lượng ôxy trong khí quyển, làm biến thái nhanh chóng rừng rậm nguyên sinh theo hướng tiêu điều đi và do đó mà môi trường sống chuyển sang tình trạng hoàn toàn bất lợi đối với cấu tạo sinh học cơ thể cũng như lối sống của khủng long, làm chúng bị tuyệt diệt. Có khả năng sự tuyệt diệt đó theo trình tự khủng long ăn thực vật bị tiêu vong kéo theo sự tiêu vong của khủng long ăn thịt.
Tiếp theo thời đại Trung sinh là thời đại Tân sinh. Thời đại này bắt đầu từ khoảng 65 triệu năm trước đây và tiếp diễn đến ngày nay. Đây là kỷ nguyên của động vật có vú và thực vật hạt kín. Có lẽ bước vào thời đại này mới xuất hiện hiện tượng động vật ăn thịt không những ăn thịt động vật ăn thực vật mà còn ăn cả động vật ăn thịt khác, Trong thời đại Tân sinh, động vật có vú phát triển mạnh mẽ và mau chóng trở thành nhóm động vật có ưu thế nhất trong cuộc đấu tranh sinh tồn trên Trái Đất. Tuy nhiên không phải vì thế mà cuộc đấu tranh sinh tồn trong thế giới sinh vật bớt gay gắt, thậm chí là còn gay gắt hơn, nghĩa là động vật có vú vẫn tiếp tục quá trình tiến hóa theo nhiều hướng khác nhau tùy theo cấu tạo cơ thể và lối sống đã định hình trước đó ở mỗi giống loài, cũng như xu thế chuyển biến của môi trường thiên nhiên. Một trong những hướng tiến hóa ấy đã làm xuất hiện loài người.
Theo cổ sinh học thì động vật Linh trưởng là nhóm thú bậc cao đã tách ra từ động vật ăn sâu bọ vào cuối kỷ Creta. Điểm đặc trưng nhất của nhóm này là có đôi chi trước linh hoạt, có khả năng nắm bắt và leo trèo. Các giác quan, đặc biệt là thị giác và thính giác, đã phát triển để thích ứng với lối sống leo cây, đu cành, hái, lượm. Dựa vào mức độ tiến hóa thể hiện chủ yếu trong cấu trúc hộp sọ và các chi mà người ta phân biệt thành ba nhóm Linh trưởng. Nhóm Linh trưởng nguyên thủy nhất gọi là Lemuroidea, có tầm vóc nhỏ, còn đi bằng bốn chân, hộp sọ nhỏ, vỏ bán cầu đại não phẳng, mõm nhô về phía trước, mắt đã nhìn về phía trước nhưng còn hướng nhiều sang hai bên. Đại biểu của nhóm này hiện còn sống trong rừng nhiệt đới ở Châu Phi và được gọi là khỉ cáo (nhìn giống như con cáo). Nhóm Linh trưởng thứ hai, tiến hóa hơn, gọi là Tarsioidea. Nhóm này gồm những con vật có cặp mắt nhìn về phía trước tập trung hơn, đôi chi sau dài, có hộp sọ lớn hơn của khỉ cáo, mõm cũng đỡ nhô về phía trước hơn. Hiện còn đại diện là giống Tarsius, cũng sống trong rừng nhiệt đới Châu Phi. Nhóm thứ ba gọi là Nhóm dạng người (Anthrôpidea). Nhóm này được cho là tiến hóa nhất trong bộ Linh trưởng, bao gồm các loại khỉ, vượn, vượn người, người vượn và người. Nét đặc trưng của nhóm này là có mặt ngắn với đôi mắt hướng hoàn toàn về phía trước, hai chi trước có các ngón dài, ngón cái đối diện với các ngón khác tạo khả năng nắm bắt chặt chẽ và khéo léo, có hộp sọ lớn hơn nhiều so với các nhóm Linh trưởng khác, não có cấu tạo phức tạp, có nhiều nếp nhăn trên vỏ não.
Như thế, có thể xác định một quá trình tiến hóa làm xuất hiện loài người là: bò sát động vật ăn sâu bọ nhóm Linh trưởng thứ nhất nhóm Linh trưởng thứ hai nhóm Linh trưởng thứ ba người. Trong tác phẩm “Nền văn minh Châu Phi”, Jacques Maquet (tác giả) cho biết, năm 1930, trên một hòn đảo và bờ hồ Victoria (Châu Phi), Leakey đã phát hiện được những hóa thạch của khoảng 100 cá thể có niên đại lên đến 30 triệu năm. Một trong số đó được đặt tên là Proconsul, đã đủ khác để phân biệt các đặc điểm giữa loài khỉ và loài người. Loài Proconsul dường như đã sinh sống chủ yếu trên mặt đất, dù rằng xương tứ chi của chúng cho thấy chúng vẫn có thể leo trèo trên cây. Năm 1962, ở gần Kisumu - về phía đông bắc hồ Victoria, cũng chính là nhóm của Leakey đã phát hiện xương hàm của một trong các vị tổ tiên xa xưa sống cách nay 14 triệu năm.
Từ những phát hiện khảo cổ đó, dù vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn cãi về quá trình người hóa, song có sự nhất trí chung tương đối về khoảng thời gian xảy ra sự tiến hóa đó. Tổ tiên chúng của con người và vượn người ngày nay là von Proconsul sống cách nay khoảng 30 triệu năm. Tổ tiên trực hệ của loài người đã xuất hiện trong khoảng từ 8 triệu năm đến 14 triệu năm cách ngày nay. Đến khoảng hơn 4 triệu năm trước đây thì xuất hiện những thế hệ đầu tiên của giống Australopithecus (có thể là A. frensis). Từ đó mà tiến hóa nên hai giống người Neanderthal và H. s. sapiens. Giống người Neanderthal đột ngột bị tuyệt diệt (chưa biết nguyên nhân vì sao, có thể là do bị dịch bệnh, có thể là do chính giống H. s. sapiens tiêu diệt, cũng có thể chế độ ăn thiếu muối làm suy thoái cơ thể gây ra…), còn giống H. s. sapiens tiếp tục tồn tại và trở thành con người hoàn chỉnh như ngày nay.
Tuy nhiên, có một hiện tượng kỳ lạ và chưa có bất cứ một giải thích rõ ràng nào. Đó là, dù các nhà khảo cổ đã nỗ lực tìm kiếm thì trong bộ sưu tập các hóa thạch sắp xếp theo trình tự kế thừa tiến hóa thành con người, không hề có một hóa thạch nào trong khoảng thời gian giữa cỡ 7 triệu năm đến hơn 4 triệu năm trước đây, tạo ra một đứt quãng rất khó hiểu.
Năm 1960, nhà nhân loại học Alisthe, người Anh, đã đưa ra một bằng chứng địa chất chứng minh rằng, trong khoảng thời gian giữa 8 triệu năm và 4 triệu năm trước đây tại miền Đông Phi, có một khu vực đất đai rộng lớn bị nước biển làm chìm ngập, buộc một bộ phận loài vượn cổ phải xuống sống dưới biển, trở thành loài gọi là “vượn nước”. Đến khoảng 4 triệu năm sau, nước biển rút hết, số vượn nước lại trở về thích nghi với đời sống trên cạn, trở thành tổ tiên của loài người. VÌ thế mà không tìm được hóa thạch trong quãng thời gian đó. Thuyết vượn nước gây xôn xao giới khoa học một thời. Chính Alisthe đã chỉ ra rằng, giai đoạn sống đời hải dương này trong lịch sử người hóa còn để lại nhiều dấu vết trên con người hiện đại như: cơ thể hầu như không có lông, tiết nước mắt và mồ hôi làm mất một phần muối có trong cơ thể, nếu sinh con trong nước thì đứa con thực hiện những hành vi như có bản năng bơi lặn… Nói chung rất nhiều đặc trưng sinh lý của con người giống với các loài động vật có vú sống dưới biển (như loài báo biển chẳng hạn). Tuy nhiên thuyết vượn nước bị không ít các nhà nghiên cứu phản đối, trong đó, vấn đề lớn nhất là không có đầy đủ căn cứ hóa thạch để làm bằng chứng. Chúng ta cũng cho rằng thuyết đó sai vì sống trong biển hàng mấy triệu năm mà không biến đổi hình dạng cơ thể cho phù hợp với môi trường sống đó.
Chúng ta vẫn kiên trì với phán đoán: tổ tiên đầu tiên của loài người là loài linh trưởng cổ sống ở khu vực duyên hải, nơi vừa có đất liền vừa có sông ngòi, ao hồ, đầm lầy đan xen, cỏ mọc chen cây cối và gần biển cả… Với phán đoán đó và kết hợp với những tư liệu, nhận định khảo cổ cơ bản đã trình bày ở trên, chúng ta sẽ nêu ra một giả thuyết về nguồn gốc loài người và quá trình người hóa.
Tổ quán của loài người là ở Đông Nam Châu Phi. Cách đây chừng 30 triệu năm, loài Proconsul - tổ tiên chung của các loài vượn cổ xuất hiện và nhờ đã thích nghi với lối sống vừa ở dưới mặt đất, vừa leo trèo trên cây nên đã tăng trưởng nhanh chóng, lan ra khắp Châu Phi. Loài Proconsul tiếp tục tiến hóa và đến khoảng 14 triệu năm cách nay thì làm xuất hiện một loài mới, tạm gọi là vượn người cổ xưa nhất - là tổ tiên chung của người nguyên thủy tối cổ và loài A. afavencis (hoặc cũng có thể là chi của loài này). Có khả năng thời điểm này cũng đánh dấu sự bắt đầu của một quá trình biến đổi khí hậu mới: kết thúc giai đoạn băng hà, thời tiết trở nên ấm áp hơn nhưng khô hơn, những cánh rừng trở nên thưa thớt hơn, những trảng cỏ có cây xuất hiện nhiều hơn, và nhất là nước biển dâng làm úng ngập nhiều vùng rộng lớn ở Đông Phi. Môi trường sống thuận lợi bị thu hẹp lại làm cho cuộc đấu tranh sinh tồn trở nên gay gắt và buộc một bộ phận loài vượn người cổ xưa phải sống trong một môi trường bất lợi về mặt thời tiết khí hậu, đầy khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn truyền thống, nhưng dù sao thì cũng vẫn còn “dễ chịu” hơn sống ở những trảng cỏ, đó là những khu vực duyên hải ven biển ở Đông Nam Châu Phi. Lúc đầu do khả năng thích nghi còn yếu ớt nên chúng suy thoái về số lượng và ổn định ở mức ít ỏi. Để có thể thích nghi với môi trường sống hơn nữa thì chúng phải tiến hóa. Vì cấu tạo cơ thể đã định hình theo cách đã có thể đứng, đi được bằng hai chi sau và hai chi trước biết cầm nắm để hái lượm, đưa thức ăn vào miệng nên trong một môi trường sống đòi hỏi phải di chuyển, luồn lách một cách linh hoạt, nhanh nhẹn hơn, trên mọi địa hình vùng duyên hải, cả trên cạn, trong trảng cỏ, trong đầm lầy, ao hồ, sông, biển và đồng thời phải tinh mắt hơn để phát hiện thức ăn cũng như hiểm họa, thì định hướng tiến hóa ưu tiên của loài vượn người tối cổ chỉ có thể là tăng cường chuyên biệt hóa chức năng, thuần thục hóa các thao tác của chân và tay cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa chúng trên cơ sở các qui luật vật lý, sao cho, có được sự uyển chuyển, khéo léo và đạt được hiệu quả cao nhất có thể trong di chuyển, hái lượm và tự vệ. Định hướng ấy tất yếu dẫn đến trước tiên là phải làm sao cho các giác quan sẵn có ngày một tinh nhạy hơn và nhất là bộ não phải phát triển lên một trình độ hoạt động mạnh mẽ hơn, khẩn trương hơn để xử lý ngày một nhiều thông tin hơn và điều khiển, chỉ huy hoạt động của cơ thể chính xác hơn, kịp thời hơn trên cơ sở cấu tạo nội tại, hình thể vốn đã được xác định thuở ban đầu của loài vượn người tối cổ. Chắc rằng trước khi xuất hiện loài vượn người tối cổ, linh trưởng đã có lối sống bầy đàn nhưng có được thức ăn chỉ chủ yếu bằng hái lượm, vồ chụp được sâu bọ để ăn chỉ là hành động nhỏ lẻ, nặng tính ngẫu nhiên, và cũng vì thế mà mối quan hệ giữa các cá thể trong nội bộ bầy đàn nói chung là hời hợt, không sâu sắc, do đó mà cũng không cần thiết phải có nhiều tín hiệu trong truyền nhận thông tin bằng cử chỉ và cả bằng âm thanh giữa chúng. Trong môi trường sống mới có nhiều khó khăn đối với việc tìm kiếm chủng loại thức ăn truyền thống, loài vượn người tối cổ buộc phải tìm những chủng loại thức ăn mới và quá trình đó cũng tạo nên một định hướng tiến hóa đối với nội tạng, nhất là hệ thống tiêu hóa và bài tiết để thích nghi với sự ăn tạp. Khi đã thích nghi với thức ăn là sò ốc lộ thiên ven bờ các con sông, ao hồ, đầm lầy và ven biển thì loài vượn người tối cổ sẽ tiến tới ăn các động vật nhỏ di chuyển chậm chạp. Khi sự tiêu thụ các thức  ăn đó đã trở nên thường xuyên thì sự tăng trưởng về số lượng của loài vượn người tối cổ cũng được kích hoạt ngày một nhanh lần lên và tất yếu hướng chúng đến việc phải săn bắt những con vật ngày càng lớn về hình thể, ngày một mạnh về sức vóc, ngày một nhanh về tốc độ di chuyển, không những ở trên cạn mà cả ở trong ao hồ, đầm lầy, sông ngòi, thậm chí là cả ở trên cây cao và cả trong biển cả, để làm thức ăn. Định hướng tiến hóa bị qui định bởi cấu trúc hình vóc cơ thể thuở ban đầu đã không ưu tiên lớn mạnh hóa cơ thể mà ưu tiên phát triển bộ não ngày một ý thức hóa đối với loài vượn người tối cổ và đó cũng là nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu làm cho chúng ngày càng có mối quan hệ mật thiết với nhau trong nội bộ bầy đàn khi săn bắt thú, cá. Vì định hướng tiến hóa đã không cho chúng có khả năng vồ chụp hiệu quả đối với những con mồi to, khỏe và nhanh nhẹn cho nên để có được con mồi, chúng chỉ còn cách cùng nhau bao vây, cùng lúc xông vào đánh, bắt con mồi hoặc vây hãm con mồi vào tình thế bị mắc bẫy, không còn khả năng tự vệ hoặc vượt thoát. Quá trình hình thành một cách tự nhiên những hình thức săn bắt kiểu đó đã dần dần làm cho loài vượn người tối cổ không những biết phân công nhau trong việc lùng bắt con mồi mà còn biết chia chác con mồi cho nhau. Nhưng muốn thế, trước hết chúng phải cố gắng tăng cường tín hiệu thông tin cho nhau, lúc đầu là bằng cử chỉ, động tác, sau là cả bằng âm thanh phát ra từ miệng. Bộ não đã đạt đến độ thông minh nhất định của chúng sẽ là thủ lĩnh thúc đẩy quá trình sáng tạo ra ngôn ngữ, đồng thời thông qua quá trình hình thành và sử dụng ngôn ngữ ấy mà bản thân bộ não cũng tự hoàn thiện mình theo hướng tư duy trừu tượng ngày một sâu sắc.
Lan tỏa dân cư, mở rộng môi trường sống là một quá trình tự nhiên trong thế giới sinh vật. Quá trình này làm xuất hiện những giống loài động vật sống, di chuyển và tìm thức ăn là hoa, lá, quả, sâu bọ trên những cành cao. Một trong những định hướng tiến hóa động vật làm xuất hiện lối sống này là làm cho tứ chi của con vật, nhất là hai chi trước thon, dài ra và có các ngón cũng dài ra, có thể bám chắc, cầm nắm linh hoạt để leo trèo, đu, chuyền cành và đồng thời để hái lá, bứt quả, nhặt sâu, bắt bọ.
Khi lối sống thường xuyên ở trên cây bắt đầu gặp nhiều khó khăn, nạn đói luôn đe dọa thì một bộ phận linh trưởng chuyển sang lối sống lưỡng cư lúc ở trên cây, lúc ở trên mặt đất để hái lượm. Chắc là tư thế đu cành, ngồi cầm thức ăn để ăn đã cho chúng một cơ thể tương đối thích ứng với lối đứng và đi được một quãng ngắn khi sống dưới mặt đất. Lối sống lưỡng cư ấy dần cải tạo đôi chân có hình dạng và cấu trúc ngày càng phù hợp hơn cho tư thế đứng thẳng và di chuyển, và cả đôi tay cũng vậy, nhưng theo hướng phải bảo lưu sự cầm nắm để còn có thể leo trèo, đu chuyền cành ở mức độ nào đó và quan trọng hơn là để còn hái lượm được thức ăn.
Sau một thời gian tiến hóa nào đó thì từ bộ phận Linh trưởng sống lưỡng cư đó xuất hiện loài Proconsul và từ sự tiến hóa của Proconsul mà xuất hiện loài vượn người tối cổ. Phải sống trong một môi trường sinh thái đặc thù lúc đầu có nhiều bất lợi, xuất phát từ cấu tạo sinh học và lối sống đã được định hình tương đối bền vững, thì định hướng tiến hóa như đã nói đối với loài vượn người tối cổ là một tất yếu: đứng thẳng hơn để chạy nhanh hơn, hai tay không những vẫn phải bảo lưu sự cầm nắm mà còn trở nên linh hoạt, thực hiện được nhiều động tác phối hợp hơn để phục vụ cho công việc vừa có thể hái lượm, vừa có thể chộp bắt, mang vác, đồng thời cũng hỗ trợ làm tăng tốc độ di chuyển khi cần thiết (nhất là khi bơi trong nước, đóng vai trò như hai mái chèo), mắt phân biệt tinh tường hơn và có thể nhìn thấy cả ở trong nước với mức độ nhất định… Để có được một định hình cơ thể uyển chuyển có thể thực hiện được nhiều tư thế, thực hiện nhịp nhàng được nhiều thao tác phối hợp giữa các bộ phận chức năng của cơ thể với nhau, nhằm sống thích ứng tốt nhất trong môi trường sinh thái pha tạp nhiều địa hình xen kẽ, thì phải tăng cường hệ thần kinh phức tạp hơn, tinh vi hơn nhằm truyền dẫn chính xác, kịp thời, đa dạng và nhiều thông tin hơn, mà trước hết là phải làm cho bộ não phát triển theo hướng tiếp thu, xử lý được nhiều loại thông tin, nhiều lượng thông tin hơn, phát ra mệnh lệnh điều hành cho các bộ phận cơ thể chính xác và kịp thời hơn, nghĩa là bộ não được định hướng phát triển có mức độ hoạt động mạnh mẽ hơn, phân biệt và lựa chọn tín hiệu thông tin tốt hơn, có tính tích cực, chủ động, tự giác ngày càng cao và như thế cũng là ngày càng sáng suốt hơn. Cần thấy rằng quá trình tiến hóa của bộ não và quá trình tiến hóa của cơ thể một cách đặc thù của loài vượn người tối cổ thực ra là đan xen nhau, có mối liên hệ qua lại khăng khít nhau, trong đó quá trình tiến hóa của bộ não đóng vai trò nền tảng.
Có lẽ vì vẫn còn giữa được thói quen ăn sâu bọ của thủy tổ xa xưa nên trong quá trình tìm kiếm mở rộng nguồn thức ăn, loài vượn người tối cổ đã chuyển sang ăn cả thịt động vật và từ đó mà ngoài thức ăn thực vật thì thịt động vật cũng trở thành thức ăn chính của chúng. Khi đã bắt đầu phải tìm cách ăn được cả những con mồi có tốc độ di chuyển nhanh, những con mồi to khỏe có khả năng tự vệ, hoặc cả những loài thú ăn thịt hung dữ, thì cũng là khi loài vượn người tối cổ (đã tiến hóa được một bước dài và cũng đã có được một bộ não khá sáng sủa, nhưng chưa có ngôn ngữ) bắt đầu chính thức làm hình thành nên phương thức kiếm ăn thứ hai không kém phần quan trọng cho bản thân chúng, đó là săn bắt.
Có thể mường tượng rằng, lúc đầu công việc săn bắt chỉ có tính cá thể, đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, chỉ gồm những việc như: vồ chụp những con mồi nhỏ bé, chậm chạp, đi tìm hang, tổ trú ngụ, ẩn nấp của chúng để bắt chúng, dùng tay tát cạn những vũng nước tương đối nhỏ, nông để bắt cá…, rồi đến những công việc có tính tập thể hơn như tập trung thành từng nhóm nhỏ bao vây vồ chụp, lùa vào chỗ hiểm yếu nào đó làm cho con mồi thất thế, mất khả năng tự vệ để hạ sát nó…, cuối cùng là công việc săn bắt có hình thức xã hội: tập hợp thành một lực lượng hợp tác tương đối gắn bó, có sự phân công để cùng nhau hạ sát cho được con mồi. Khi đã có sự phân công, hiệp đồng trong săn bắt, hái lượm, mang vác thì có thể là không lâu sau đó cũng xuất hiện sự phân chia, phân phối lượng thức ăn đã cùng nhau thu hoạch được và thậm chí cũng xuất hiện luôn hiện tượng trao đổi miếng ăn khác loại cho nhau giữa các cá thể trong bầy đàn (chẳng hạn đổi hoa quả lấy thịt). Để có được một lối sống như thế, tổ tiên loài người đã phải đạt đến một trình độ giao tiếp phức tạp nhất định, nghĩa là hiểu được nhau không những qua điệu bộ cử chỉ đóng vai trò ám hiệu, mà còn qua những âm tiết đơn đóng vai trò thông báo phát ra từ miệng nữa. Lúc đầu, loài vượn người tối cổ lột xác thành loài người vượn thế hệ đầu tiên - loài A. afarensis (hoặc cũng có thể là loài A. africanus) mà về mặt thời gian xuất hiện thì có thể là vào khoảng 5,5 triệu năm về trước. Khi lối sống đã thích nghi với cả sự ăn thịt, cá và đã thường xuyên ăn thịt, cá thì vượn người cũng tăng trưởng sức vóc cơ thể lên với mức độ nhất định, trong đó sự phát triển của bộ não được ưu tiên. Đi đôi với sự tăng trưởng đó là sự tăng trưởng lạm phát về số lượng cá thể của loài. Chính sự tăng trưởng lạm phát về số lượng này đã nhanh chóng làm chật chội môi trường sống truyền thống, gây ra sự tranh giành lãnh thổ, tranh giành thức ăn gay gắt giữa các bầy đàn trong nội bộ loài A. afarensis (cũng có thể là loài A. africanus), làm xuất hiện sự lan tỏa dân cư của chúng ra khắp miền duyên hải Đông Nam Châu Phi - rồi sau đó là sự mở rộng môi trường sống về phía trong lục địa. Rất có thể không thích nghi được với đời sống thiếu muối nên sự mở rộng môi trường sống kiểu đó làm hình thành nên một lối sống tương tự như lưỡng cư, nghĩa là đi xa miền duyên hải săn bắt, hái lượm rồi lại trở về đó sống với nguồn nước lợ (nước nhiễm mặn). Quá trình lan tỏa dân cư ngày một sâu vào nội địa chắc đã làm cho một bộ phận xa rời miền duyên hải và vì không thể thích nghi được sự mất muối lâu dài của cơ thể nên thoái hóa dần và tiêu vong. Bộ phận người vượn thuở đầu tiên, và “bám trụ” được ở miền duyên hải, tiếp tục quá trình người hóa, lần lượt chuyển biến thành: A. africanus (cũng có thể là A. afarensis), A. robustus, A. boisei và Homohabilis. Tất nhiên những bộ phận nào đó của dòng họ Australopithecus không chuyển biến theo hướng người hóa được thì bị coi như là những ngõ cụt của sự tiến hóa và sau đó sẽ bị diệt vong trong cuộc đấu tranh sinh tồn.
Giống loài Homohabilis là những đại diện cuối cùng và có tính người nhất trong dòng họ người vượn. Chúng xuất hiện trong khoảng 3,5 triệu năm cách nay. Hoạt động sống của chúng đã mang hình thái xã hội dù còn rất sơ khai. Chúng chưa có ngôn ngữ nhưng đã có thể phát ra từ miệng nhiều âm thanh rời rạc khác nhau đóng vai trò như những tín hiệu thông báo đơn điệu.
Khảo cổ học đã xác định được niên đại chế tác công cụ đồ đá (đẽo đá) cổ xưa nhất là vào khoảng 1,82 - 1,75 triệu năm về trước, và chỉ phát hiện thấy ở Châu Phi. Nếu thế, phải cho rằng thời điểm mà tổ tiên xa xôi của loài người lần đầu tiên biết sử dụng công cụ (là những vật có sẵn trong thiên nhiên) còn sớm hơn thế nữa. Hình như hơn 2 triệu năm trước, Homohabilis đã săn bắt theo nhóm và đã hạ sát được những động vật ăn thực vật cỡ trung bình tuy có thể chạy nhanh nhưng ít khả năng tự vệ gây sát thương đối tượng. Họ bao vây, lùa ép con mồi sa xuống đầm lầy rồi dùng đá, gây giết chết nó. Nếu đúng là như vậy thì thời điểm tổ tiên loài người lần đầu tiên biết sử dụng công cụ còn lùi sâu hơn nữa trong quá khứ. Khó lòng mà xác định được thời điểm ấy, song chúng ta phán đoán rằng đó là vào khoảng 5,5 triệu năm cách nay, cùng lúc với sự xuất hiện của loài A. afarencis. Định hướng tiến hóa đã bị qui định và trở nên đặc thù, bắt đầu từ loài vượn người cổ xưa nhất đã không theo hướng tối ưu hóa cấu tạo cơ thể để săn bắt mồi tương tự như loài hổ, báo mà theo hướng uyển chuyển, linh hoạt hóa cơ thể nhằm thích ứng với địa bàn môi trường có đa dạng địa hình đan xen phức tạp và lối sống hái lượm, nghĩa là ưu tiên theo hướng tối ưu hóa hệ thần kinh, làm cho bộ não ngày một tinh khôn hơn. Tiến hóa thích nghi và tăng trưởng đến một thời đoạn nào đó thì xuất hiện nạn khan hiếm thức ăn truyền thống, nhiều khi trở nên trầm trọng vì sự xuất hiện các thiên tai. Sự hối thúc có tính thường xuyên trong quá trình tìm kiếm thức ăn để sống còn đã buộc loài vượn người tối cổ phải mở rộng nguồn thức ăn, ngoài các chủng loại thức ăn thực vật và sâu bọ ra, chúng ăn thịt cả những động vật khác. Lúc đầu có thể là các loài động vật nhỏ bé di chuyển chậm ở trên cạn và sò ốc, sau là tôm cá và những động vật trên cạn lớn hơn. Cứ thế mà dần dần thịt động vật cũng trở thành nguồn thức ăn chủ yếu. Lúc đầu nguồn thức ăn động vật đó là rất dồi dào, gây ra kích thích cho một sự tăng trưởng lạm phát mới cho loài vượn người tối cổ và đến một thời đoạn nào đó, chúng lại đứng trước nạn khan hiếm thức ăn thường xuyên và buộc phải tính đến chuyện làm sao ăn thịt được cả những con mồi to lớn hơn, nhanh nhẹn hơn, có khả năng tự vệ hơn, cả ở trong nước lẫn trên cạn, nghĩa là phải tăng cường cả về năng lực lẫn hiệu quả trong việc tìm kiếm cũng như làm ra được miếng ăn, chủ yếu là trong săn bắt và làm thịt con mồi. Muốn thế thì phải làm thế nào khi “trời phú” cho chúng một cơ thể chẳng thích hợp gì cho sự săn đuổi, vồ chụp, xé xác những con mồi to khỏe, nhanh nhẹn hơn so với chúng? Do qui định của định hướng tiến hóa mà loài vượn người tối cổ cũng không thể thông qua con đường tiến hóa để cải tạo cơ thể thành như của loài hổ, báo hay cá sấu được. Chính bộ não phần nào “tỉnh ngộ” của chúng đã chỉ ra cách cho chúng thực hiện cái yêu cầu có tính sống còn đó, nhưng điều kiện tiên quyết cho não làm được cái công việc như là bước đầu tiên hoạt động sáng tạo đó, lại là do chúng đã sở hữu được hai cánh tay cử động tương đối tự do và linh hoạt, nhất là vẫn thừa hưởng được hai bàn tay biết cầm nắm của tổ tiên xưa kia. Đó chính là việc lựa chọn một vài thứ phù hợp, có sẵn tại chỗ trong nhiên thiên để sử dụng làm phương tiện, công cụ hỗ trợ cho đôi tay nhằm tăng cường sức mạnh và tầm hoạt động của chúng. Công cụ đầu tiên mà tổ tiên loài người sử dụng nhiều khả năng là hòn đá cuội. Họ dùng hòn đá cuội đập vỡ các hạt có vỏ cứng để ăn nhân bên trong hoạt vỏ sò, ốc để ăn thịt chúng. Công cụ được sử dụng tiếp theo là cành cây, thân cây nhỏ để làm que, gậy (nhưng cũng có thể đây mới là công cụ được sử dụng đầu tiên). Lúc đầu, có thể họ dùng que, gậy để khều những con vật nhỏ trong hang, đào bới tìm củ. Sau đó gậy được dùng để đập, đâm những con mồi ở ngoài tầm tay với, những hòn đá cuội còn có thể được dùng để chọi, ném về phía con mồi nhằm gây thương tích, hạ sát chúng và cuối cùng, cả hai thứ gậy và đá cuội được dùng vào việc hái những quả ở đầu cành không với tới được hoặc ở tít trên cao không có khả năng trèo lên vặt được. Công cụ tiếp theo có thể là vỏ sò, hến rồi đến những mảnh đá có sẵn cạnh sắc, được dùng vào việc xẻ thịt con vật. Chắc chắn là khi gậy và đá cuội đã được sử dụng tương đối thuần thục thì nó mặc nhiên cũng trở thành vũ khí tự vệ khi không thể chạy trốn được trước những con thú ăn thịt hung dữ. Chúng ta cho rằng, thời đoạn loài vượn người tối cổ biết sử dụng công cụ và sử dụng tương đối thuần thục công cụ để kiếm ăn và tự vệ cũng là thời đoạn chúng chuyển biến thành loài A. afarensis.
Để có được một cái gậy thì phải chọn những cành khô không có nhánh, nhưng không phải lúc nào cũng có được một cành như thế mà phải tiến hành bẻ nhánh nó đi và hơn nữa, có khi cũng chẳng có sẵn cành khô mà phải dùng cành tươi hoặc vì dùng cành tươi bền, dẻo dai hơn nên phải tiến hành cưa, chặt (bằng miếng đá dẹt có sẵn cạnh sắc?) cành tươi rồi tỉa tót nhánh của nó để làm gậy. Nếu cho rằng A. afarensis đã từng hành động như thế và như thế cũng là sự chế tạo công cụ thì không thể lấy thời điểm xuất hiện hiện tượng chế tạo ra công cụ làm mốc cho sự xuất hiện ra loài người được.
Vào khoảng hơn 8 triệu năm cách nay, nước biển đã xâm nhập Đông Phi và dâng lên dần dần đến khoảng thời gian trên dưới 5 triệu năm cách nay thì đạt đỉnh điểm và từ đó bắt đầu rút dần. Có thể vì thế mà những di cốt hóa thạch trong khoảng từ 8 đến 5 triệu năm cách nay đã không được tìm thấy, làm đứt đoạn xâu chuỗi khảo cổ về quá trình người hóa.
Đến thời kỳ xuất hiện người vượn Homohabilis thì nước biển đã rút đi nhiều làm miền duyên hải Đông Nam Châu Phi không những bị thu hẹp lại phần nào mà còn bị biến thái theo hướng xấu đi, xơ xác đi, ảnh hưởng bất lợi đến sự tìm kiếm thức ăn đang “thịnh hành” của họ do kế thừa một cách đã phần nào sáng tạo thêm từ tiền thân trực tiếp của họ mà có. Do đó người vượn Homohabilis (chúng ta cho rằng lúc này số lượng cá thể còn ít) đã phải nâng cấp trình độ săn bắt lên một bước mới: từ lối săn bắt kiểu tập thể còn lỏng lẻo, tản mát, thiếu tính đồng bộ và chỉ “được chăng hay chớ” tiến tới hình thức săn bắt có tính xã hội dù còn sơ khai nhưng đã thể hiện được sự liên kết, gắn bó hơn, phần nào có tính tổ chức, chia nhau tìm con mồi theo nhiều hướng khác nhau, hướng nào phát hiện thấy con mồi to lớn thì báo hiệu cho cả nhóm tập trung về đó, phân công và hợp sức nhau phục kích, bủa vây, triệt hạ bằng được con mồi. Lúc đó, có thể đã có cá thể đóng vai trò phân công chung (đầu lĩnh) và hơi hướng tính kế hoạch. Nhờ trình độ đã được nâng lên một bước có tính cách mạng, mà người vượn Homohabilis tiến hành săn bắt hiệu quả rõ rệt, dễ dàng hơn, ít tốn sức hơn, hạ sát được những con vật ăn thực vật chạy nhanh tương đối lớn, và có thể hoạt động trong một địa bàn rộng lớn hơn để săn bắt.
Khi nguồn thức ăn đã tương đối dồi dào trở lại thì loài người vượn Homohabilis bước vào quá trình tăng trưởng: tăng trưởng về sức vóc cơ thể nhưng đặc biệt là ưu tiên tăng trưởng bộ não theo hướng làm xuất hiện tư duy sáng tạo để thỏa mãn những bức bách nảy sinh từ thực tiễn hoạt động sống (chẳng hạn như có thể là sự thiếu thốn công cụ có sẵn trong thiên nhiên, là sự còn nghèo nàn của giao tiếp bằng âm thanh, là sự còn yếu ớt trong việc chống lại những khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu…), đồng thời tăng trưởng và tăng trưởng lạm phát không thể kiềm chế được về số lượng các cá thể loài.
Sự tăng trưởng não bộ ở Homohabilis làm cho tính sáng tạo trong hoạt động sống của người vượn này thể hiện ra ngày một rõ ràng hơn. (Sáng tạo thủa ban đầu chỉ đơn thuần là bắt chước những hiện tượng thiên nhiên đã xảy ra trước đó, chẳng hạn tát nước bắt cá là bắt chước hiện tượng mưa làm nước dâng lên và khi nước rút đi thì để lại những vũng nông có cá, phải rất lâu về sau loài người mới có được sự sáng tạo dựa vào những nguyên lý, qui luật của thiên nhiên do mình khám phá ra để làm ra cái mà thiên nhiên trước đó chưa hề có. Có thể trong săn bắt, Homohabilis thời kỳ muộn đã biết làm những cái bẫy bằng cành cây để bắt những con thú nhỏ, biết đào những hố sâu có ngụy trang bằng cỏ, lá để lùa ép những con thú lớn sa vào đó). Ở đây, khi nói đến thuật ngữ sáng tạo thì nên hiểu là sự tự tạo ra của một cá thể hay một tập thể động vật nào đó, cái tương tự cái mà trong thiên nhiên đã từng xuất hiện, nhờ bộ não, nhờ bộ não biết bắt chước (như con vẹt, con khỉ…) và cái mà trong thiên nhiên chưa hề có trước đó nhờ một bộ não biết học hỏi, suy tư (như con người chẳng hạn). Nếu bắt chước nặng về tính thụ động, thậm chí là hoàn toàn thụ động thì học hỏi lại nặng về tính chủ động, thậm chí là hoàn toàn chủ động. Vậy thì quá trình tiến hóa từ một loài không có sừng thành loài có sừng, có phải là sự sáng tạo không? Không! Chỉ có thể gọi đó là sự tạo thành. Nếu con vật có muốn thì cũng không thể tự tạo ra được, bởi vì đó là kết quả tác động đồng thời của môi trường sinh thái và bản năng sinh tồn của loài vật ấy, tuân theo những qui luật đặc thù mà xa xôi hơn là tuân theo những nguyên lý phổ biến của vật chất vận động, và xa xôi tột cùng là tuân theo nguyên lý Tự Nhiên. Như vậy thì còn có thể nói: sáng tạo là sự tạo thành do bộ não thúc giục và chỉ huy thực hiện. Từ đó mà cũng thấy, sáng tạo là tính chủ quan nên cũng được chủ quan phân định, đánh giá mức độ đúng - sai, tốt - xấu. Vì quá trình tiến hóa sinh vật làm xuất hiện hiện tượng sáng tạo nhưng bản thân bất cứ một sự sáng tạo nào cũng đều không phải là kết quả bắt buộc, được tạo thành thông qua tiến hóa, cho nên sáng tạo còn có tính bất ổn, nhất thời, linh động. Nếu thụ động sáng tạo được hình thành trên cơ sở chủ yếu là bản năng, do đó mà cũng chỉ trong phạm vi hạn hẹp, hãn hữu, tình cờ, thì chủ động sáng tạo được hình thành trên cơ sở chủ yếu là lý trí, do đó mà cũng có phạm vi rộng lớn, thường xuyên, có chủ ý.
Tác động - phản ứng là một vốn dĩ của tự nhiên. Khi cái dùi đánh vào mặt trống thì cái dùi bị bật lại, mặt trống rung lên và kêu to theo cách đặc thù của nó, đó là những biểu hiện của tác động - phản ứng. Trên cơ sở tác động - phản ứng và thông qua tiến hóa mà sinh vật có được hai thể hiện cơ bản nhất của sự sống còn và cũng là hai hoạt động nền tảng nhất đối với sự sống còn, đó là phản xạ và xúc giác. Nguồn cội của mọi cảm giác sinh vật chính là xúc giác, nguồn cội của mọi phản ứng sống chính là phản xạ, không thể phản xạ nếu không có xúc giác. Có thể chia phản ứng thành hai loại: phản ứng vô điều kiện và phản ứng có điều kiện. Phản ứng vô điều kiện có tính bền vững, tự nhiên di truyền vì được hun đúc nên từ sự tiến hóa. Những hành động xuất phát từ phản ứng tự nhiên đều mang tính bản năng, máy móc. Phản ứng có điều kiện có tính không bền vững, khiên cưỡng, không phải di truyền, vì được tạo nên từ sự bắt chước, học hỏi, rèn luyện thông qua bộ não và hệ thần kinh của từng cá thể. Những hành vi xuất phát từ phản ứng có điều kiện đều ít nhiều mang tính lý trí, sáng tạo, và một khi chúng được thực hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại đến mức thuần thục thì chúng cũng ít nhiều trở nên bền vững, được bảo tồn lâu dài, có khi là đến suốt đời, thậm chí là cũng truyền lại được phần nào cho đời con cháu dưới dạng năng khiếu bẩm sinh, do đó mà chúng - những hành động đã thuần thục, đã được “thuộc làu làu” - cũng được thấy như có tính bản năng. Có thể gọi phản ứng có điều kiện bằng một cái tên khác là “hồi ức” (nhớ lại) và có thể phân hồi ức ra thành hai loại là hồi ức vô ý thức và hồi ức có ý thức. Một con chó, khi chủ đưa ra một dấu hiệu nào đó thì nó lập tức thực hiện một động tác, một hành động nào đó mà nó đã được huấn luyện trước đó vì tự phát nhớ lại một cách máy móc mù quáng rằng sau khi thực hiện xong động tác hay hành động đó, nó sẽ có được một miếng ăn khoái khẩu. Một con khỉ thấy một người đánh răng thì khi thấy kem và bàn chải đánh răng, nó cũng tự giác nhớ lại và đánh răng, nhưng sự tự giác ấy là vô ý thức vì không thể biết được làm như thế có ý nghĩa gì. Nếu hồi ức vô ý thức được thấy có mức độ manh mún rời rạc, mờ nhạt, nông cạn thì hồi ức có ý thức được thấy có mức độ cầu toàn, liền lạc, rõ ràng, sâu sắc.
Khi người vượn đã quen sử dụng công cụ và sự thiếu vắng công cụ có sẵn tại chỗ trong thiên nhiên, hoặc giả là sự thường xuyên thiếu thốn công cụ trong bầy đàn hay nhóm về lâu về dài sẽ tất yếu hướng họ đến việc chế tác công cụ, nhưng trước đó phải có những hiện tượng lần lượt là: sử dụng lại công cụ còn tốt, giữ gìn, tích trữ công cụ ở một nơi nhất định, mang vác công cụ trong quá trình đi tìm kiếm con mồi để kịp thời hành động khi gặp nó. Những hành vi ấy rõ ràng là đã thể hiện sự chuẩn bị trước cho mục đích săn bắt, dù có thể là còn hời hợt. Để có được những hành vi ấy thì người vượn buộc phải có hồi ức ít nhiều có ý thức. Có thể ước đoán hồi ức có ý thức đã được hình thành trong não của loài người vượn từ rất lâu trước khi có hiện tượng chế tác công cụ, có thể là ngay trong thời kỳ tồn tại loài    A. afarensis, cách nay chừng 5,5 triệu năm, và cũng có thể coi đó là một đặc trưng để phân biệt người vượn thời kỳ đầu với vượn người tối cổ thời kỳ cuối. Như vậy, chúng ta cho rằng người vượn Homohabilis thời kỳ đầu đã sở hữu được một bộ não biết hồi ức có ý thức ở một trình độ mà tính rõ ràng và liền lạc cao hơn hẳn của dòng họ A. australopithecus.
Không có hồi ức có ý thức thì không thể sáng tạo một cách chủ động hữu ý và ngược lại, sự sáng tạo làm tăng khả năng và trình độ hồi ức có ý thức cho bộ não để bộ não không những tiếp tục duy trì sự sáng tạo mà còn làm cho trình độ và khả năng sáng tạo ngày một nâng cao.
Thừa hưởng được một bộ não đã biết hồi ức có ý thức ở chừng mực nhất định, người vượn Homohabilis thời kỳ đầu tiên bước vào công cuộc sáng tạo có tính nhảy vọt của mình. Nhờ có quá trình sáng tạo thường xuyên có tính ngày một mở rộng và nâng cao ấy mà hoạt động sống của người vượn Homohabilis dần phong phú hơn, năng động hơn, nhất là trong săn bắt hái lượm, không những trình độ về kỹ năng kỹ xảo được cải tiến nhiều, ngày một khéo léo hơn, điêu luyện hơn, mà cả trình độ hợp tác, liên kết, phân công, hiệp đồng theo hướng xã hội hóa cũng ngày một gắn bó hơn, nhịp nhàng hơn, rõ nét hơn và sâu rộng hơn.
Đi đôi với quá trình sáng tạo và nâng cao trình độ sáng tạo, đồng thời cũng đóng vai trò tiên phong mở đường, tạo điều kiện cho quá trình đó có thể triển khai được là quá trình hoàn thiện bộ não theo hướng mở rộng và sâu sắc hóa khả năng tư duy trừu tượng để đáp ứng sự đòi hỏi phải tăng cường giao tiếp với nhau nhất là giao tiếp bằng âm thanh phát ra từ cổ họng, làm cho sự giao tiếp ấy ngày càng tỉ mỉ hơn, “dài hơi” hơn, phức tạp hơn nhằm hiểu rõ ý đồ, sự truyền đạt của nhau hơn, nảy sinh ra trong hoạt động sống và làm ăn của người vượn Homohabilis.
Cần thấy rằng, trên bước đường sáng tạo và nâng cao khả năng sáng tạo của Homohabilis, không phải sự sáng tạo cá nhân nào cũng hợp lý hoặc ngay từ đầu đã tỏ ra hoàn toàn hợp lý, hơn nữa, không phải thành quả sáng tạo cá nhân nào cũng có thể được áp dụng có hiệu quả cho nhiều trường hợp có hình thức tương tự nhau nhưng xảy ra trong những điều kiện hoàn cảnh tương đối khác nhau của một môi trường thường xuyên biến đổi một cách sinh động. Vì thế mà có hiện tượng tiếp tục sửa chữa, cải tiến thành quả sáng tạo để áp dụng cho phù hợp trong điều kiện hoàn cảnh mới, đồng thời tiếp tục tạo ra những thành quả sáng tạo mới hoàn thiện hơn có tính hiệu quả cao hơn. Bản thân sự sáng tạo hàm chứa sẵn một cách tự nhiên tính tiên tiến, tính hiện đại, nghĩa là với cùng một mục đích sử dụng thì thành quả sáng tạo mới thường là hợp lý hơn, ưu việt hơn, hiệu quả hơn (chưa nói đến có thể là đa năng hơn) so với (những) thành quả sáng tạo cũ (bị coi là đã trở nên lạc hậu, kém hiệu quả trong sử dụng, thậm chí là không còn đáp ứng trước yêu cầu của cuộc sống nữa và bị loại bỏ). Từ đó mà cũng xuất hiện hiện tượng lựa chọn trong quá trình sáng tạo và nâng cao khả năng sáng tạo: giữ gìn và duy trì những sáng tạo được cho là quan trọng có tính cơ bản, nền tảng, hoặc vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, vẫn còn hữu ích và đào thải, loại bỏ những sáng tạo đã lạc hậu, đã bộc lộ tính phi lý, không còn giá trị sử dụng trước tình hình mới, với sự đòi hỏi cao hơn của cuộc sống, và trên cơ sở đó mà tiếp tục sáng tạo ở trình độ cao hơn nữa. Muốn thế, phải có được một bộ não biết hồi ức ở mức độ nhất định và thông qua những bước đi của sự tìm tòi sáng tạo mà khả năng hồi ức ấy ngày càng sâu rộng. Nhờ có khả năng hồi ức ngày càng tiến bộ mà người vượn Homohabilis có được cảm giác ngày càng rõ rệt về sự từng trải trong cuộc sống, biết rút ra được những cái gọi là kinh nghiệm được cho là quí báu, đã đúc kết được từ thực tiễn cuộc sống cũng như từ quá trình sáng tạo, không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với mỗi cá nhân nào, mà có ý nghĩa sống còn mang tính phổ biến đối với tất cả cá thể một nhóm, một cộng đồng và có khi là đối với cả toàn thể loài người vượn Homohabilis. Hiện tượng đó xảy ra ở từng cá nhân và cũng đồng thời xảy ra ở bình diện cộng đồng, nghĩa là khi một cá thể có được một kinh nghiệm có ích, một sáng tạo mới làm tăng lợi thế trong hoạt động sống của nó thì rồi bằng cách này hay cách khác, những cá nhân khác trong cộng đồng cũng tiếp thu và ứng dụng được cái kinh nghiệm, cái thành quả sáng tạo ấy. Hiện tượng tiếp thu và ứng dụng kinh nghiệm, sự sáng tạo của cá nhân này từ một cá nhân khác, có lẽ đã trở nên tương đối phổ biến từ rất sớm trong quá trình người hóa, nhưng thuở ban đầu, chắc ở thời điểm nào đó mà so với thời điểm xuất hiện loài Homohabilis cũng đã rất lâu, nó hầu như là tự phát, manh mún, sơ sài. Đến giai đoạn đầu tồn tại của Homohabilis, hiện tượng đó mới thể hiện rõ rệt tính tự giác, chủ động một cách có ý thức, xảy ra thường xuyên, và đến giai đoạn tồn tại sau của loài người vượn này thì nó đã trở thành một hiện tượng phổ biến, xảy ra thường xuyên, liên tục, thể hiện ra là một đặc trưng sống cơ bản của loài. Ngày nay, hiện tượng đó đã được định hình chắc chắn như một lẽ tự nhiên, như một yêu cầu bức thiết, như một phương thức hoạt động không thể thiếu được để mưu cầu sống còn của loài người, đó là hiện tượng dạy và học, truyền đạt và kế thừa kinh nghiệm cũng như kiến thức trong nội bộ loài người nhằm duy trì trình độ sống, tiếp tục sáng tạo hầu nâng cao hơn nữa chất lượng sống.
Cũng cần thấy rằng, lúc đầu, sự tiếp thu kinh nghiệm và thành quả sáng tạo hầu như chỉ đơn thuần là sự bắt chước. Về sau, sự sáng tạo ngày càng trở nên phong phú với trình độ ngày càng cao làm cho lối tiếp thu bằng cách bắt chước đơn thuần gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự truyền đạt theo lối “thị phạm”, nghĩa là làm mẫu và thực hiện việc làm mẫu ấy một cách lặp đi lặp lại. Thế rồi cũng đến lúc sự truyền đạt theo lối làm mẫu ấy cũng không thể diễn tả hết nội dung muốn truyền đạt cho đối tượng muốn tiếp thu cho nên phải tăng cường việc giao tiếp thông tin với nhau, mà trước tiên là tăng cường những cử chỉ điệu bộ đã qui ước về ý nghĩa, rồi sau đó là sự nỗ lực phát ra từ miệng nhiều âm tiết khác nhau hơn để có thể kết hợp hai loại thông tin ấy thành một cách thức giao tiếp mới, phức tạp hơn, theo cách có thể phát và thu những “đoạn” thông tin bao gồm hai hay nhiều tín hiệu được sắp xếp theo một thứ tự nhất định, diễn tả được không những là một vật, một hiện tượng nào đó mà còn cả sự tiến triển của một quá trình nào đó tương đối giản đơn rồi phức tạp dần, và tập hợp liên tiếp các đoạn thông tin như vậy sẽ là nội dung trọn vẹn, được truyền đạt đến đối tượng tiếp thu.
Có thể nói lối giao tiếp với nhau theo kiểu “vừa í ới vừa khua chân múa tay” đã tồn tại rất lâu, trở thành như một bản năng sống vào nửa sau thời kỳ tồn tại của loài người vượn Homohabilis, và vừa là “bậc tiền bối”, vừa là tiền đề trực tiếp cho ngôn ngữ ra đời. “Di tích” của lối giao tiếp này, ngày nay vẫn còn dễ dàng thấy được trong những buổi huyên thuyên “trà dư tửu hậu” đủ mọi chuyện trên đời của những bợm nhậu (mà chúng ta là một trong số đó)!
Chắc là vào khoảng trên dưới 2,5 triệu năm cách nay, quá trình người hóa đã lần đầu tiên làm xuất hiện chính thức thứ “ngôn ngữ” nói thì ít mà khua chân múa tay thì nhiều. Có người nói rằng con người nói được là do yết hầu “tụt xuống” và hơn nữa, còn nói rằng, các nhà giải phẫu học đã chứng minh được, yết hầu con người không phải là yết hầu của loài linh trưởng tiến hóa thành mà là do di truyền sinh vật của một loài khác. Điều này không những không gây cho chúng ta sự hoang mang nào, mà trái lại, càng làm cho chúng ta tự tin hơn rằng, chính quá trình tiến hóa thích nghi của loài vượn người tối cổ - tổ tiên xa xôi của loài người, đã tạo tiền đề về cấu tạo sinh học cơ thể cho sự nói được. Có thể là sống trong một môi trường “lầy lội”, trống trải hơn nhiều so với rừng rú chính qui, tổ tiên loài người buộc phải đứng thẳng và di chuyển bằng hai chân, buộc phải thường xuyên “nghểnh cổ” lên quan sát và hú gọi nhau, hoặc là do phải bơi lội, lặn hụp có tốc độ thường xuyên trong nước, mà cổ họ ngày một dài ra, tạo nên xu thế “tụt xuống” của yết hầu một cách linh động. Sau đó đến lượt sự thúc giục của bộ não phải phát ra được nhiều âm tiết khác nhau từ miệng để đáp ứng đòi hỏi của đời sống ngày một năng động sáng tạo đã cải tạo nốt những hạn chế còn lại trong cấu tạo sinh học của hệ thống phát âm thanh và làm cho những thế hệ sau cùng của loài người vượn Homohabilis nói được.
Khi Homohabilis nói được thì cũng là lúc kết thúc sự tồn tại của loài người vượn và chính thức xuất hiện loài người nguyên thủy tối cổ - người Homoerectus. Có thể tưởng tượng được ngôn ngữ ở những thế hệ đầu tiên của người Homoerectus là một thứ ngôn ngữ còn rất ngọng nghịu, kiểu “í a í ớ”, hầu như chỉ toàn nguyên âm, kết hợp với điệu bộ đầu, cổ, chân, tay. Ngôn ngữ đó đóng vai trò là nguồn gốc sâu xa nhất của mọi ngôn ngữ trên thế giới ngày nay.
Theo thiển ý của chúng ta, loài Homoerectus đã là loài người là vì loài đó đã có đầy đủ những đặc trưng có bản nhất chỉ riêng loài người mới có, đó là biết suy nghĩ, thường xuyên hồi ức, biết lao động một cách chủ động và tích cực sáng tạo và thường thì có sự chuẩn bị chu đáo từ trước (nghĩa là biết thực hiện hàng loạt công việc gián tiếp, trung gian trước khi đạt được thành quả cuối cùng), biết đúc kết, giữ gìn và lưu truyền những hiểu biết về tự nhiên và những thành quả sáng tạo thông qua con đường chủ động dạy và học, có ngôn ngữ và lấy ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp chủ yếu với nhau trong loài, hoạt động sống có tính xã hội hóa theo nhóm, cộng đồng. Nói tóm lại những cá thể loài Homoerectus đã là những con người vì họ đã biết suy nghĩ, có ý thức về xã hội, có thể giao tiếp thường xuyên với nhau bằng ngôn ngữ và thông qua đó mà tích cực học ỏi, sáng tạo. Như vậy, quan điểm của chúng ta là, không phải loài người nguyên thủy tối cổ xuất hiện vào khoảng thời gian bắt đầu có hiện tượng chế tác công cụ đá như khảo cổ đã phát hiện mà phải sớm hơn rất nhiều, vào khoảng 2,5 triệu năm cách ngày nay.
Rất có thể rằng đối với những thế hệ cuối cùng của loài Homohabilis và đầu tiên của loài Homoerectus, muối biển đã được biết đến, thậm chí là đã biết cách tạo ra nó, đã chuyển sang tập quán uống nước ngọt và ăn thức ăn có muối. Cũng có thể vào khoảng thời gian đó, mức sống đã được cải thiện lên một mức quan trọng (nhờ công cuộc săn bắt có tính xã hội hóa đạt được hiệu quả cao: bắt được nhiều cá, hạ sát được cả những loài động vật ăn thịt tương đối hung dữ…) mà người Homoerectus nhanh chóng bước vào thời kỳ tăng trưởng lạm phát. Sự tăng trưởng lạm phát trong tình hình miền duyên hải ở Đông Phi đã bị thu hẹp lại, làm tiêu điều hóa dần môi trường sống truyền thống là nguyên nhân chủ yếu kích hoạt, làm hình thành một cuộc lan tỏa dân cư mạnh mẽ của người Homoerectus. Đặc điểm của cuộc lan tỏa dân cư này là liên tục, trường kỳ có tính tự giác cao, và trở nên rầm rộ mỗi khi có sự tăng trưởng đột phát về số lượng dân di cư. Mở đầu cuộc di cư vĩ đại là một vài nhóm Homoerectus từ Đông Bắc Phi (nhiều khả năng là từ Ai Cập) di chuyển vượt quả biển Đỏ, chọn địa bàn sinh sống tại những khu vực của miền duyên hải, đâu đó thuộc Gioócđani ngày nay. Điều kiện sống thuận lợi, nguồn thức ăn dồi dào ở đó đã kích thích ngày càng nhiều dân di cư từ Châu Phi sang. Thừa hưởng được môi trường sống mới phù hợp và đầy ưu đãi, người Homoerectus ở Gioócđani bước ngay vào cuộc tăng trưởng dân số đột phát và nhanh chóng mở rộng địa bàn sinh sống ra khắp các miền duyên hải thuộc Tiểu Á, nhưng vì chưa chủ động thích nghi với khí hậu ôn đới của phía bắc nên hướng ưu tiên số một là các miền duyên hải dọc bờ biển Đỏ thuộc Arập Xêút ngày nay. Quá trình tương tự: di cư đến miền đất mới thuận lợi làm tăng trưởng nhanh chóng dân số tại chỗ để lại xuất hiện làn sóng di cư, cứ lặp đi lặp lại, tạo nên một cuộc lan tràn người Homoerectus ra khắp các miền duyên hải ven Ấn Độ Dương (Nam Á) và ven Thái Bình Dương (Đông Nam Á và cực Nam Trung Hoa ngày nay). Nếu nhớ đến câu chuyện Đại Lục Mẫu và tin rằng có nó thực thì miền đất này, vào thời kỳ đó, vẫn còn có chỗ nối liền với Đông Nam Á và người Homoerectus cũng lan tràn khắp các miền duyên hải của nó.
Có lẽ vào khoảng thời gian 2 triệu năm về trước, người Homoerectus đã có mặt ở khắp các miền duyên hải nhiệt đới và dồi dào nguồn thức ăn. Trong điều kiện sống có nhiều thuận lợi, loài người nguyên thủy tối cổ đó tiếp tục tăng trưởng về sức vóc nhưng ưu tiên vẫn là khối lượng bộ não. Bên cạnh đó, tất nhiên là dân số của họ cũng tiếp tục tăng trưởng lạm phát một cách mù quáng.
Sự tăng trưởng dân số một cách lạm phát, mù quáng và không đồng đều ở các khu vực khác nhau không những làm xuất hiện những nhóm người Homoerectus du cư, di cư “xuôi ngược” đan xen nhau ở khắp nơi trong môi trường sống rộng lớn đã trở thành truyền thống tại Châu Phi cũng như Châu Á mà còn làm xuất hiện hiện tượng mở rộng dần phạm vi tìm kiếm thức ăn của người Homoerectus ra xa về phía biển và vào sâu trong nội địa. Đến một giai đoạn nhất định, do nhiều yếu tố tác động như đà tăng trưởng dân số và sự nghèo đi về nguồn thức ăn ở môi trường duyên hải truyền thống gây bức bách, sức vóc, thể lực đã được cải tạo thành lớn mạnh hơn, dẻo dai hơn, bộ não tăng trưởng làm cho biết “nhìn xa, trông rộng” hơn, đã biết làm ra muối biển và tích trữ muối biển để ăn dần, kỹ năng săn bắt thú rừng được nâng cao nhiều… đã làm cho hướng tìm kiếm thức ăn về phía nội địa ngày một trở nên nổi trội. Lúc đầu chỉ là những cuộc hành trình đi - về tương đối gần và ngắn hạn, sau là những cuộc du cư có đi có về ngày một sâu dần vào nội địa và ngày một dài hạn (chỉ đến khi hết muối biển dự trữ mới quay về miền duyên hải để làm ra muối chuẩn bị cho một cuộc du cư mới). Rất có thể quá trình thực hiện các cuộc du cư theo kiểu cách đó đã nảy sinh sáng kiến trao đổi muối với thịt thú và hoa quả của rừng rú: cử một ít người trong nhóm mang thức ăn kiếm được về biển đổi lấy muối, bộ phận còn lại tiếp tục săn bắt, hái lượm, hoặc mang muối từ biển đến các nhóm du cư sâu trong nội địa để đổi lấy thức ăn mang về. Chúng ta cho rằng ngay ở thời kỳ đó, người Homoerectus đã có một nền văn hóa dù có thể còn rất sơ khai và hơn nữa, đã có sự giao lưu văn hóa, trao đổi thành quả sáng tạo, trao đổi thức ăn cho nhau ở một mức độ còn hời hợt, giản đơn nào đó giữa các nhóm ở lân cận nhau.
Khi đã giải quyết được tương đối căn cơ muối ăn thì cũng là khi xuất hiện cuộc lan tỏa dân cư mới ngày một sôi nổi của người Homoerectus. Một bộ phận đông đảo người Homoerectus, theo thời gian và theo từng nhóm, lần lượt rời bỏ môi trường duyên hải truyền thống, di cư ngày một sâu vào nội địa, chọn những địa bàn tương đối thích hợp làm môi trường du cư sống và kiếm ăn mới và dù vẫn giữ mối giao lưu với bộ phận Homoerectus còn ở lại miền duyên hải thì cũng không cần thiết trở về miền duyên hải nữa.
Có thể cuộc lan tỏa dân cư vào sâu trong nội địa để sống hẳn ở đó xảy ra đều khắp ở mọi miền duyên hải Á - Phi của người Homoerectus đã bắt đầu từ khoảng 2 triệu năm về trước và đến khoảng 1,5 triệu năm cách nay thì họ đã tỏa ra hầu khắp lục địa Âu - Á.
Quá trình lan tỏa dân cư đó cũng làm xuất hiện một làn sóng di cư của người Homoerectus từ Tiểu Á di cư đến sinh sống dọc miền duyên hải thuộc bờ bắc Địa Trung Hải rồi từ đó xuất hiện những nhóm du cư vào sâu trong nội địa Châu Âu, (và theo hướng đông - bắc đến cả một số vùng tây - nam Châu Á), dần thích nghi với khí hậu ôn đới ở đó (trở lại lông hóa ở một chừng mực nhất định).
Dù có cuộc lan tỏa dân cư ra hầu hết các nơi trên cả ba châu Á - Âu - Phi thì tùy thuộc vào điều kiện sống ở mỗi nơi ảnh hưởng đến sự tăng trưởng dân cư mà mật độ dân cư ở các khu vực khác nhau là khác nhau. Tuy nhiên, mật độ dân cư ở những miền duyên hải có khí hậu ôn hòa, có điều kiện sống được coi là thuận lợi nhất cho người Homoerectus, bao giờ cũng thuộc ở hàng cao nhất. Trong tưởng tượng võ đoán của mình, chúng ta thấy có một khu vực cư dân Homoerectus thực sự đông đúc nhất thời bấy giờ mà các nhóm người Homoerectus ở đó có mối quan hệ trong sinh hoạt và làm ăn mật thiết hơn ở tất cả các khu vực khác, lần đầu tiên tạo nên hình ảnh như một quần cư các xã hội, một cộng đồng các xã hội thu nhỏ.
Nếu xét theo vị trí địa lý và biểu hiện đặc trưng của thời tiết khí hậu thì Đông - Nam Châu Á là một khu vực tương đối rộng gồm một phần lục địa là vùng Đông - Bắc Ấn Độ, vùng Nam sông Trường Giang và một quần đảo lớn. Khí hậu khu vực này có hai mùa tương đối rõ rệt: mùa khô ít nóng và mùa mưa ẩm, mát. Nhiệt độ trung bình giữa hai mùa không chênh lệch nhiều. Chính gió mùa và biển cả tạo nên đặc trưng khí hậu đó và nhờ khí hậu đó mà có được một môi trường sinh thái ôn hòa, tạo điều kiện cho thực vật phát triển, xanh tốt quanh năm và qua đó mà giới động vật cũng phong phú, dồi dào. Nếu xét trong một phạm vi hẹp hơn như ngày nay người ta thường qui ước và cũng dựa trên sự thể hiện đặc trưng nhất của loại khí hậu nói trên (ôn hòa nhất, gọi là khí hậu nhiệt đới gió mùa) thì Đông - Nam Á có diện tích khoảng 4,5 triệu km2, trải ra từ khoảng 92 độ đến 140 độ kinh Đông và từ khoảng 28 độ, qua xích đạo, đến khoảng 15 độ vĩ Nam, mà xét về mặt lãnh thổ hành chính thì gồm 10 nước: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Mianma, Malaixia, Xingapo, Indonêxia, Phillippin, Brunây.
Như chúng ta đã “cố tình” hình dung thì quá trình phân rã Pangea (từ một đại lục địa duy nhất phân rã thành nhiều lục địa) đã làm xuất hiện một tiểu lục địa bằng cỡ Nam Mỹ ngày nay bao gồm Châu Úc ngày nay và một phần tương đương như thế (hoặc có thể nhỏ hơn một chút) gọi là “Đại Lục Mẫu”. Đại Lục Mẫu nằm ở đâu đó trong vùng biển thuộc Thái Bình Dương, khoảng giữa Châu Á và Châu Úc ngày nay. Vào thời kỳ người Homoerectus lần đầu tiên xuất hiện tại Đông Nam Á thì Đại Lục Mẫu vẫn còn nối liền với vùng lục địa này (có thể là ở bờ biển phía nam của Thái Lan và bờ biển Campuchia) bằng một dải đất tương đối hẹp. Sau này, do biến động địa chất và một phần do hiện tượng biển dâng mà thay cho dải đất đó là một quần thể hải đảo. Chắc là khí hậu của Đại Lục Mẫu nói riêng và của Đông Nam Á thời kỳ đó nói chung cũng tương tự như ngày nay, tức là khí hậu nhiệt đới gió mùa.
Nhờ có khí hậu nhiệt đới gió mùa mà khu vực Đông Nam Á, nhất là Đại Lục Mẫu, trở nên ẩm ướt, không khô cằn như một số khu vực lục địa khác có cùng vĩ độ. Chính vì vậy mà hệ sinh vật ở đây, trước khi người Homoerectus di cư đến, có tính nổi trội hơn hẳn so với nhiều nơi khác về đa dạng giống loài, về mức độ trù phú cũng như vê khả năng tái tạo, hồi sinh. Nếu quả thực hơn 2 triệu năm trước đây là như vậy thì có thể nói: Đông Nam Á là miền Đất Hứa và Đại Lục Mẫu là Địa Đàng đã trong tư thế sẵn sàng nghênh đón những đoàn người Homoerectus đến chinh phục và thụ hưởng.
Trong môi trường thuận lợi đó, người Homoerectus thuộc Đông Nam Á cổ và nhất là trên Đại Lục Mẫu có đủ điều kiện “trời cho” để bước vào đợt chuyển biến làm tăng trưởng sức vóc và khối lượng bộ não, đồng thời là sự tăng trưởng mù quáng và lạm phát về số lượng dân cư. Mức độ tăng trưởng này nói chung là vượt trội hơn so với ở các vùng khác.
Giai đoạn đầu, do được hưởng lợi từ môi trường, mức sống của cộng đồng người Homoerectus trên Đại Lục Mẫu ngày càng được nâng cao, ngày càng sung túc. Khả năng có được miếng ăn dễ dàng đã làm cho thời gian dùng vào việc tìm kiếm thức ăn nói chung là được rút ngắn đáng kể. Vì đã sở hữu được một bộ não tương đối biết suy nghĩ làm cho cảm nhận về mặt tình cảm đã bắt đầu trở nên khá sâu sắc, cho nên trong những thời gian rảnh rỗi, như một lẽ tự nhiên, người Homoerectus sẽ quây quần bên nhau “ăn chơi nhảy múa” một cách thích thú. Lúc này, hoạt động sáng tạo được ưu tiên theo hướng phục vụ cho đời sống sinh hoạt tinh thần nhiều hơn. Chính vì thế mà so với đời sống đã biểu hiện tính văn hóa nói chung của loài người Homoerectus, ở Đại Lục Mẫu nổi lên một nền văn hóa biểu hiện rõ rệt hơn, và có thể nói là mau chóng đạt đến rực rỡ so với sự biểu hiện văn hóa ở tất cả các khu vực khác cùng thời. Nghĩa là, người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu có lối sống văn minh hơn người Homoerectus sống ở những nơi khác.
Như một qui luật phổ biến, khi số lượng dân cư ở Đại Lục Mẫu tăng mù quáng vượt mức bão hòa, nghĩa là mối quan hệ cung - cầu thức ăn bị mất cân bằng thường xuyên theo hướng ngày một thiếu hụt lượng thức ăn cần thiết, ảnh hưởng ngày một xấu và trở nên trầm trọng đối với đời sống của toàn bộ cộng đồng người Homoerectus sống ở đó. Tình hình bức bách không thể không được giải quyết. Trong những trường hợp như thế, nếu đối với một giống loài chưa biết suy nghĩ thì hầu như môi trường thiên nhiên sẽ ra tay giải quyết theo cách của nó. Nhưng đối với loài đã có khả năng suy nghĩ và hoạt động sáng tạo thì dù quá trình giải quyết cũng phải theo cách của thiên nhiên, có hình thức cũng tương tự như của thiên nhiên, quá trình đó vẫn khác về bản chất với quá trình giải quyết bởi thiên nhiên, ở chỗ, xét theo một góc độ nhất định, đóng vai trò chủ yếu đứng ra giải quyết vấn đề không phải là thiên nhiên nữa mà chính là bản thân giống loài có khả năng tư duy, sáng tạo và đang bị đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của nó, hơn nữa, sự giải quyết đó mang tính chủ quan, tích cực, có ý thức.
Nếu không có những biến cố thiên nhiên gây tai họa hoặc làm trầm trọng thêm thì đối với những giống loài sinh vật không có suy nghĩ, quá trình mất cân đối giữa cung và cầu theo xu thế ngày một thiếu thức ăn để rồi đạt đến tình trạng trầm trọng, nói chung là có tính chừng mực, xảy ra từ từ, và cũng được thiên nhiên thông qua quá trình sống của những giống loài sinh vật đó giải quyết từ từ bằng cách: làm giảm số lượng tại chỗ (chết đói, lan tỏa dân cư, mở rộng môi trường sống), mở rộng chủng loại thức ăn, tăng khả năng đoạt được thức ăn… nghĩa là vừa bằng những giải quyết tình thế có tính tạm thời, vừa bằng những giải quyết căn cơ lâu dài, bằng tiến hóa thích nghi. Còn đối với loài đã có khả năng nhất định về tư duy và sáng tạo như loài Homoerectus thì quá trình mất cân đối cung - cầu thức ăn đạt đến tình trạng thiếu thức ăn gay gắt xảy ra với tốc độ nhanh hơn, có khoảng thời gian tương đối ngắn hơn và sự đòi hỏi phải giải quyết tình trạng mâu thuẫn ấy cũng mang tính cấp bách hơn. Lúc đầu thì thiên nhiên cũng tự phát đứng ra giải quyết. Nhưng cái bản tính chậm chạp, lề mề và nửa vời của nó đã không thể đáp ứng được nỗi bức xúc của một loài đã bước đầu có ý chí, bị ám ảnh phần nào sâu sắc bởi cái tình cảm sung sướng cũng như khổ đau, biết cảm thấy ghê sợ  cái viễn cảnh bị đói khát. Thế là không thụ động chờ đợi nữa, loài Homoerectus ở Đại Lục Mẫu, được sự hướng đạo của bộ não có khả năng nhất định về tư duy sáng tạo một cách có ý chí, đã “đứng lên” giành quyền tự quyết vận mệnh của mình, đẩy vai trò của thiên nhiên xuống hàng thứ yếu, lặn đi. Nói chung thì phương hướng tự quyết của Homoerectú ở Đại Lục Mẫu cũng không thể khác về mặt nguyên tắc phương hướng giải quyết của thiên nhiên. Sự khác cơ bản của sự tự quyết đó đối với sự giải quyết bởi thiên nhiên là ở chỗ, nó chủ động hơn, tích cực hơn, rốt ráo hơn, triệt để hơn, có tính quyết liệt hơn và có tốc độ nhanh hơn nhiều.
Sau một thời gian dài được hưởng một đời sống sung túc (tất nhiên cũng có lúc gặp khó khăn nhưng chỉ là những biến cố ngẫu nhiên và nhanh chóng được khắc phục bởi cái xu thế đang thuận lợi) thì cộng đồng người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu bước vào thời kỳ có xu thế ngày càng khó khăn, chủ yếu là về thức ăn. Bộ não của họ lúc này, nhờ thời gian sống sung túc, coi như đã được bồi bổ đủ tố chất tạo tiền đề cho một bước thăng hoa mới về khả năng tự duy trừu tượng cũng như khả năng sáng tạo. Có thể hình dung sự tự quyết của người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu trong việc giải tỏa nạn thiếu thức ăn thường xuyên và gay gắt như sau:
Lúc đầu, hiển nhiên là họ phải kéo dài thời gian lao động tìm kiếm miếng ăn đến mức có thể. Tình hình đó đi liền với hiện tượng cạnh tranh khu vực khai thác thức ăn, xâm lấn và bảo vệ lãnh thổ có ưu thế hơn trong đời sống. Sau đó, một số nhóm không chịu nổi áp lực của khó khăn đã tự nguyện rời bỏ Đại Lục Mẫu, mang theo cả nền văn hóa ở đó, trở lại đại lục địa Châu Á sinh sống. Một số nhóm khác, yếu thế dần trong cạnh tranh, bị đe dọa diệt vong bắt buộc phải ra đi và cũng trở lại đại lục địa Châu Á, nơi dù sao cũng “dễ thở hơn” để “tìm kế sinh nhai”.
Khi số lượng người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu đã giảm đi đáng kể thì lượng thức ăn tàng trữ ở đó được thấy tăng lên một cách tỷ đối và hơn nữa còn có thể do có hiện tượng tốc độ của sự tái sinh, phục hồi nguồn thức ăn được cải thiện, tăng lên đến mức độ nhất định. Tình hình đó dẫn đến giảm thiểu sự cạnh tranh quyết liệt, mang tính đối kháng, giữa các nhóm người Homoerectus với nhau. Lúc này, dù nhìn chung, cuộc sống ở Đại Lục Mẫu đã bớt nhiều và thậm chí là ở nhiêu nơi không còn căng thẳng nữa, nhưng khó khăn vất vả trong lao động kiếm ăn thì không phải đã hết và viễn cảnh đói khát vẫn chực chờ, đe dọa quay trở lại.
Và rồi sự đói khát quay lại thật như một định kỳ không tránh khỏi, do số lượng dân cư của cộng đồng người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu đã lại tăng lên phá vỡ thế cân bằng cung - cầu miếng ăn theo chiều hướng tăng cầu - giảm cung. Dù sự đói khát đó không hoành hành dữ dội như trước kia thì cũng làm cho một số nhóm người Homoerectus tiếp tục lên đường di cư rời khỏi Đại Lục Mẫu.
Số lượng dân cư ở Đại Lục Mẫu vì thế mà lại lần nữa giảm xuống làm cho cán cân cung - cầu thức ăn được cải thiện có lợi cho người Homoerectus còn ở lại đó. Cuộc sống sau một thời gian tương đối bình ổn thì lại bước vào một thời kỳ đầy khó khăn và đói khát mới. Thế rồi cạnh tranh có tính chất đối kháng giữa các nhóm Homoerectus ở Đại Lục Mẫu lại trở nên sôi nổi, quyết liệt (dù quyết liệt thì có lẽ ở người Homoerectus chưa có ý thức, chưa có chủ đích tiêu diệt nhau hàng loạt cho bằng được để loại trừ nhau ra khỏi cuộc đua tranh, nghĩa là ở người Homoerectus chưa xuất hiện đấu tranh vũ trang nhằm giết chóc nhau trong nội bộ giống loài, chưa có chiến tranh), thế rồi lại xuất hiện làn sóng người Homoerectus di cư rời bỏ Đại Lục Mẫu. Thế rồi… cứ thế, theo thời gian, lại xuất hiện một quá trình tương tự như thế… và lại tương tự như thế nữa.
Như vậy, vận động sống của cộng đồng người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu, sau thời kỳ sung túc, thịnh vượng thuở đầu tiên là một quá trình có tính chu kỳ, lặp đi lặp lại của hai trạng thái đan xen: no đủ và đói khát. Đi đôi với quá trình đó là những làn sóng người Homoerectus, lúc có vẻ dồn dập, lúc có vẻ thưa thớt, rời bỏ Đại Lục Mẫu, xâm nhập vào lục địa Á - Âu mà địa bàn dừng chân đầu tiên là khu vực Đông - Nam Châu Á, khiến cho khu vực cũng có điều kiện sống thuận lợi và đang trong thời kỳ tăng trưởng lạm phát dân cư này nhanh chóng đạt và vượt qua trạng thái bão hòa, trở thành một đầu mối lan tỏa dân cư nổi trội theo hai hướng: ngược lên các miền duyên hải Đông - Bắc Á và xuôi xuống các miền duyên hải Nam Á, Địa Trung Hải và cả Đông Phi. Điều tự nhiên phải xảy ra là tiếp theo cuộc lan tỏa dân cư ấy và cũng chính vì cuộc lan tỏa dân cư ấy kích hoạt mà sự di cư từ các miền duyên hải vào sâu trong nội địa, có tính lẻ tẻ, dò dẫm trước đó khởi phát thành cao trào lan tràn dân cư, mở rộng môi trường sống đến hầu khắp các nơi có thể trên lục địa Âu - Á của loài người Homoerectus.
Ở loài người Homoerectus, có lẽ là bắt đầu từ khoảng 1,8 triệu năm về trước, tính sáng tạo không phải chỉ thể hiện rõ rệt trong lao động, mà trong cả toàn bộ hoạt động sống của họ. Có thể nói đi liền với hoạt động sống của người Homoerectus là quá trình sáng tạo và quá trình này mang tính liên tục. Tùy thuộc vào đòi hỏi nảy sinh từ cuộc sống ở những thời kỳ có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau mà định hướng ưu tiên sáng tạo có khác nhau. Chẳng hạn trong thời kỳ no đủ, sung túc, cuộc sống dễ dàng và nhàn nhã, thì định hướng ưu tiên sáng tạo là ở lĩnh vực tinh thần: làm sao cho vui chơi nhảy múa, hò la ngày một thích thú hơn, khoái chí hơn. Khi cuộc sống lâm vào thời kỳ thiếu thốn, đói khát do việc kiếm ăn đã trở nên khó khăn thì ngoài biện pháp tất nhiên là tăng thời gian kiếm ăn, còn có biện pháp là ưu tiên tập trung tìm tòi sáng tạo cho công việc tạo ra cái ăn, cũng có nghĩa là chuyển định hướng ưu tiên sáng tạo vào việc cố gắng nâng cao trình độ lao động, làm ăn.
Ở bất cứ khu vực sinh sống nào của người Homoerectus, quá trình sáng tạo cũng đều xảy ra và vận động theo cách như thế. Tuy nhiên, do đặc điểm khu vực của Đại Lục Mẫu: có khí hậu và môi trường sinh vật phong phú và dễ dàng tái sinh, hồi phục thì cũng có nhiều bão giông, lũ lụt (tại vì có ngọn núi Tu Di hùng vĩ ở đó?), diện tích khu vực tương đối nhỏ và hầu như bị cô lập bởi biển cả…, mà sau thời kỳ đầu tiên sống an nhàn, sung túc và làm xuất hiện một nền văn hóa có tính tập trung, vượt trội, rực rỡ hơn bất cứ văn hóa ở khu vực nào khác trên thế giới đương thời, người Homoerectus ở đó bước vào một thời kỳ tiến triển mới lúc thăng lúc trầm tương đối rõ rệt, lặp đi lặp lại một cách xen kẽ giữa no đủ, an nhàn (thì ngắn) và đói thiếu, vất cả (thì nhiều), trong đó, những thời đoạn đói thiếu, vất cả có mức độ trầm trọng và khắc nghiệt hơn nhiều so với ở nhiều nơi khác ngoài Đại Lục Mẫu. Dù cũng có nhiều lúc no đủ, an nhàn, nhưng nói chung thì xuyên suốt thời kỳ này, cuộc sống của cộng đồng người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu luôn phải đối đầu với thách thức của môi trường luôn biến thái theo chiều ngày một xấu, ngày một bất lợi, gây khó khăn chồng chất cho cuộc mưu sinh của họ, vẫn là hiện tượng nổi bật. Sự khắc phục khó khăn chồng chất đó bằng những cách thức như kéo dài thời gian lao động, gây sức ép di cư làm giảm số lượng dân cư tại chỗ rõ ràng là không triệt để, chỉ có tác dụng tình thế, nửa vời và nhất thời. Để khắc phục khó khăn một cách căn cơ, triệt để hơn, người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu chỉ còn cách ra sức tìm tòi sáng tạo và ngày một nâng cao khả năng sáng tạo, mà chủ yếu là tập trung sáng tạo để nâng cao trình độ lao động kiếm ăn. Có lẽ nhờ như thế mà bộ não của người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu đã dần dần có sức sáng tạo mạnh mẽ hơn, có ý thức sáng tạo cao hơn, hay nói cách khác là họ có được một tinh thần sáng tạo mãnh liệt hơn so với những người Homoerectus ở những khu vực khác.
Chúng ta có một phỏng đoán thế này: do điều kiện địa lý của Đại Lục Mẫu (phạm vi hẹp và hầu như bị cô lập bởi biển cả) mà quá trình sống của người Homoerectus ở đó đã làm cho lực lượng động vật trên cạn tại chỗ bị suy giảm dần một cách liên tục đến nguy cơ cạn kiệt, thậm chí là có thể đã làm một số giống loài bị tuyệt chủng thực sự. Trong hoàn cảnh đó và cũng nhận thấy có một nguồn thức ăn động vật nhiều tưởng chừng như vô tận nhưng lại rất khó đánh bắt, đó là các loài tôm cá sống ở sông, hồ rộng và nhất là ở biển cả, có lẽ người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu, vốn sẵn có sở trưởng bơi lặn, đã chuyển hướng tập trung sáng tạo vào công cuộc khai thác nguồn thức ăn này, nâng kỹ thuật đánh bắt lên cao, đạt nhiều hiệu quả. Nếu thực sự đã từng xảy ra như vậy thì đó chính là quyết định có tính bước ngoặt, cách mạng trong việc giải quyết nạn khan hiếm thức ăn của người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu. Việc chuyển hướng ưu tiên săn bắt ra phía biển cả, nhận các loài tôm cá làm thức ăn thịt chủ lực đã mở ra một khả năng quan trọng trong việc ổn định một cách căn cơ đời sống của họ, thậm chí là mở ra một thời kỳ no đủ, “vui chơi nhảy múa” mới. Có thể nghĩ rằng, nhờ tinh thần tích cực sáng tạo mà trình độ đánh bắt hải sản ngày một nâng cao, đạt nhiều hiệu quả (như tổ chức hợp lý, kỹ năng thành thạo, có công cụ và phương tiện hữu hiệu), không những đánh bắt, thu lượm được ở những vùng nước sâu, mà còn đánh bắt được ở những vùng nước biển xa bờ. Để đánh bắt được ở xa bờ, có thể người Homoerectus đã biết dùng những thân cây to làm phương tiện và nếu thế thì đó là tiền thân của những chiếc thuyền độc mộc sau này.
***
Có thể phân định tương đối sự sáng tạo thành hai loại là sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động tinh thần (nhằm thỏa mãn hơn nữa những tình cảm khoái lạc) và sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động làm ăn (nhằm đảm bảo sự sống còn và hơn nữa là được an nhàn, no đủ, sung túc). Nếu sáng tạo ở lĩnh vực thứ nhất chủ yếu làm cho sắc thái tình cảm trở nên sâu rộng, phong phú và do đó làm xuất hiện một nền văn hóa và nền văn hóa đó ngày một được nâng cao, thì sáng tạo trong lĩnh vực thứ hai chủ yếu làm cho trình độ lao động ngày một thăng tiến, và tác động tổng hợp của hai loại sáng tạo đó làm cho quá trình người hóa tiếp tục vận động, củng cố và tăng cường lối sống xã hội hóa, mở rộng và chuyên sâu hơn, nhận thức cũng như sự hiểu biết về tự nhiên, từ đó mà làm định hình một trình độ sống năng động, tích cực sáng tạo hơn trước, có văn hóa đa dạng và phong phú hơn trước (hoặc xét theo khu vực thì vượt trội hơn các khu vực khác), được gọi ngắn gọn là “văn minh” (hoặc văn minh nếu so sánh). Nói thêm, trên cơ sở quan niệm văn hóa và văn minh như thế thì văn hóa chính là một biểu hiện cơ bản, rõ nét nhất của Đức Huyền Diệu, bởi vì văn hóa hàm chứa tình yêu cuộc sống, tình yêu thương đồng loại của con người, hàm chứa cái ước nguyện thiêng liêng mà tính xã hội của con người là cầu cho mọi người, trong đó có mình, được no đủ, an nhàn, mong được thân thiết, quây quần bên nhau, cùng sống vui vẻ, sung sướng. Khi đã có khái niệm văn hóa thì cũng có khái niệm “vô văn hóa”. Chỉ cần cầu ước cho đồng loại đau khổ thôi, chưa kể đến thực sự ra tay đày đọa, giết chóc người vô tội, hoặc chỉ cần làm cho con vật nào đó đau đớn để tiêu khiển thôi, đã sự thể hiện vô văn hóa rồi. Đã là một nhà bác học tài giỏi, chưa hẳn là hoàn toàn có văn hóa, đã là một kẻ mù chữ, ngu dốt, chưa chắc đã hoàn toàn vô văn hóa, do đó mới có thêm khái niệm “thiếu văn hóa”. Một linh mục, một hòa thượng hay một giáo sư đi rao giảng văn hóa mà sống ngược với những điều mình rao giảng thì chỉ là một “thằng” vô văn hóa trắng trợn mà thôi. Cấm đoán cực đoan hòng làm thui chột bản năng tình dục của con người, chắc gì đã là hành động có văn hóa. Sống buông thả tự nhiên theo bản năng ấy mà không cưỡng bức, hành hạ làm cho ai phải khổ cả, chắc gì đã là vô văn hóa. Văn hóa là thiện - mỹ. Con người ngày nay mấy ai được cho là toàn thiện, toàn mỹ? Rõ ràng phải kết luận rằng, tuyệt đại đa số con người “hại điện” (xin lỗi, hiện đại!) kể cả chúng ta, đều giống nhau ở chỗ… thiếu văn hóa (!), chỉ khác nhau về mức độ thiếu ít hay thiếu nhiều mà thôi.
Ngày nay, không ít người vẫn hiểu lẫn lộn giữa văn minh và văn hóa. Khi nói: “Hãy sống cho văn minh lịch sự!” thì chúng ta cũng hiểu là hãy sống có văn hóa, và ngược lại. Khi nói: “Sống cho có văn hóa!” thì thường hiểu rằng, sống sao cho văn minh lịch sự. Khi nói về một xã hội văn minh nào đó thì chúng ta cũng hiểu ngầm rằng xã hội đó có nền văn hóa cao hơn nền văn hóa quá khứ hoặc cao hơn các nền văn hóa đương thời khác. Hiểu như thế e là còn phiến diện, thậm chí là sai lầm. Theo ý chúng ta thì một xã hội văn minh, hiểu cho đúng nhất, là một xã hội có trình độ sống và sáng tạo cao hơn (có ý thức hơn trong sinh hoạt và lao động, sinh hoạt tiện nghi hơn, lao động đạt được nhiều thành quả to lớn hơn nhờ có được sự hỗ trợ của công cụ và phương tiện hữu hiệu hơn hay còn gọi là tiên tiến, hiện đại hơn) so với quá khứ, nhờ kế thừa được những thành quả sáng tạo, tiếp thu được những kiến thức, hiểu biết về tự nhiên do quá khứ truyền lại, để trên cơ sở đó mà tiếp tục đi đến những khám phá mới, đạt đến những nhận thức cao hơn về tự nhiên cũng như xã hội so với quá khứ, qua đó mà rút ra được những kinh nghiệm quí báu, từ đó mà có được những sáng tạo mới ưu việt hơn, phục vụ cuộc sống hiệu quả hơn so với quá khứ. Một xã hội được gọi là văn minh hơn có thể là có trình độ văn hóa cao hơn, nghĩa là có những hoạt động văn hóa đa dạng hơn, phong phú hơn và chỉ thế thôi, chứ chưa chắc là một xã hội hoàn toàn có văn hóa. Cần phải thấy rằng, trong một xã hội, nếu có văn hóa thì cũng có vô văn hóa. Trong một xã hội lối sống có văn hóa trở nên nổi trội hơn hẳn có tính áp đảo đối với lối sống vô văn hóa, thì xã hội đó được gọi là có văn hóa. Như vậy, một xã hội có văn hóa hơn không phải bao giờ cũng văn minh hơn và ngược lại, một xã hội văn minh hơn chưa chắc là có văn hóa hơn. Phải thừa nhận rằng xã hội loài người ngày nay văn minh hơn, có trình độ văn hóa cao hơn hẳn xã hội còn ở dạng sơ khai của loài người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu xưa kia nhưng chắc gì đã có văn hóa hơn, thậm chí có thể nói lối sống của loài người ngày nay vô văn hóa hơn hẳn lối sống của loài người Homoerectus ở Đại Lục Mẫu thời bấy giờ. Chúng ta biết rằng chiến tranh cũng có nguồn gốc tự nhiên, nhưng chiến tranh, hình thức đấu tranh ở mức quyết liệt tột độ, có ý chí và quyết tâm cao độ nhằm tiêu diệt nhau trong nội bộ giống lòa, lại chỉ có ở loài người. Xét theo góc nhìn đó và trên phương diện văn hóa thì chiến tranh là hoạt động vô văn hóa nhất (hay có thế nói: vô đạo đức nhất) của loài người. Lịch sử tiến triển của xã hội loài người cho đến nay đã buộc chúng ta phải thừa nhận, không thể nào chối cãi được rằng, nếu chỉ chú ý đến mức độ giết chóc và qui mô của chiến tranh thôi, thì loài người càng tiến lên văn minh càng vô văn hóa. Có sự thể đó là vì, nói cho dông dài một chút, bất cứ thực thể nào hiện hữu trong môi trường chứa nó đều là do môi trường đó tạo dựng nên. Sự tạo dựng ấy vừa mang tính ngẫu nhiên, vừa có tính tất yếu và hoàn toàn vô tình chứ chẳng phải môi trường yêu hay ghét gì. Sự tồn tại và hiện hữu của thực thể không phải (hoàn toàn) là tự thân mà phải trên cơ sở quan hệ khăng khít với môi trường thể hiện ra dưới những dạng là thu phát bức xạ, trao đổi vật chất, theo nguyên lý tác động - phản ứng, hay nói gọn lại là bằng cách tương tác giữa thực thể và môi trường. Xét ở một góc độ nhìn nhận nhất định và cũng tương đối thôi thì có thể cho rằng, thực thể tương tác với môi trường nhằm “cố gắng” duy trì sự tồn tại của mình, còn môi trường tương tác với thực thể nhằm “cố gắng” hủy diệt thực thể. Tuy nhiên, vì lực lượng của môi trường là hạn định, chỉ có “ngần ấy” thôi, và vật chất là bảo toàn, không thể bị tiêu diệt tuyệt đối được cho nên khi môi trường làm cho thực thể này bị tiêu vong thì nó vô tình tạo dựng nên thực thể khác hay những thực thể mới khác. Đối với sinh vật, tình hình cũng phải là như vậy: dù là cái cây hay con thú thì khi đã được sinh ra, nó chỉ “muốn” sống và phát huy mọi khả năng có thể để sống còn. Chính cái “muốn” ấy là giềng mối của hai quá trình cơ bản, đặc thù, có quan hệ tương tác khăng khít với nhau, xảy ra xuyên suốt trong lịch sử tồn tại của thế giới sinh vật, đó là quá trình đấu tranh sinh tồn và quá trình tiến hóa thích nghi. Hai quá trình ấy tất yếu làm xuất hiện bộ não và bộ não tiếp tục tiến hóa theo hướng có khả năng nghĩ được, suy được và đạt đến mức độ suy nghĩ sâu sắc để từ đó mà dần dần thông qua quá trình có tính lặp đi lặp lại quan sát - tìm hiểu - khám phá - sáng tạo - đúc kết - truyền thụ - kế thừa, mà nhận thức được tự nhiên. Mặt khác, sự “muốn” (sống) có tính tự nhiên ấy cũng chính là mầm mống đầu tiên và duy nhất để từ đó hình thành nên “cái tôi” bản năng của mọi cá thể sinh vật, làm cho mọi giống loài sinh vật, nếu không bị chi phối bởi qui luật giữ gìn và phát triển lực lượng giống loài thì chỉ sống cho mình và vì mình. Ở loài người, do có suy nghĩ sâu sắc và đi liền với điều đó là cũng có một cảm thụ tinh thần nhạy bén, tinh tế, sâu xa về mặt tình cảm, nên “cái tôi” bản năng của mỗi con người cũng thăng hoa lên gồm cả “cái tôi” có ý thức (hay còn gọi là “cái tôi” hữu thức). Thể hiện rõ rệt nhất của “cái tôi” có ý thức chính là tình yêu thương của nó. Nếu “cái tôi” bản năng (hay còn gọi: “cái tôi” vô thức) hành động theo sự thúc giục của tự nhiên khách quan thì “cái tôi” có ý thức lại hành động theo sự thúc giục của lý trí chủ quan.
Từ trước đến nay, các nhà thần học cũng như khoa học, khi nghiên cứu và luận giải “cái tôi” đã chưa chỉ ra được một cách đích xác, hoặc chỉ ra sai lầm cái nguyên nhân mà từ đó làm hình thành, xuất hiện sự cảm nhận (tự ngã) “cái tôi” (bản ngã) ở mỗi con người, hơn nữa lại chỉ chú trọng đến “cái tôi” có ý thức mà không thấy được vai trò quan trọng có tính tiền đề của “cái tôi” vô thức, thậm chí là nhiều người còn lầm tưởng chỉ có “cái tôi” có ý thức mà thôi. Thực ra “cái tôi” của con người là sự tổng hợp một cách sinh động hai “cái tôi” vô thức và hữu thức. Có thể nhà phân tâm học Frớt (Sigmund Freud, 1856-1939), người Do Thái, là người đầu tiên vén lên bức màn bí mật của bản chất “cái tôi”, nhưng chính nhà phân tâm học người Thụy Sĩ tên là Jâng (Carl Gustav Jung, 1875-1961), luôn tự nhận là học trò và chịu ơn Frớt, mới là người đầu tiên phát biểu rằng, “cái tôi” là một tổng thể thống nhất của vô thức và hữu thức. Như vậy, có thể kết luận rằng “cái tôi” ở con người là một hình thức biểu hiện về mặt tinh thần của mỗi cá thể, là một tổng thể thống nhất gồm hai mặt vô thức và hữu thức. Hai mặt vô thức và hữu thức của “cái tôi” có mối quan hệ mật thiết với nhau, làm chuyển hóa nhau, trong đó “cái tôi” vô thức đóng vai trò nền tảng, chỉ phối “âm thầm” nhưng xuyên suốt một cách tự nhiên đến ý nghĩ và hành động của mỗi con người, còn “cái tôi” hữu thức lại đóng vai trò gây lũng đoạn nền tảng, chi phối một cách chủ quan, duy ý chí và như thế cũng thiếu thường xuyên và thiếu ổn định đến suy tư và hành động của mỗi con người. Sự tác động tổng hợp của hai mặt vô thức và hữu thức đó sẽ làm nên nhân cách (hiểu theo nghĩa đạo đức) của “cái tôi”. Qua suy lý đó cũng thấy nhân cách của những cá nhân (con người cụ thể) khác nhau, có thể khác nhau, và một nhân cách có thể tồn tại suốt một đời người, cũng như, một đời người có thể có nhiều nhân cách khác nhau trong suốt quãng đời của một con người. Về điều nhận định này, chúng ta sẽ nói rõ hơn một chút.
“Cái tôi” vô thức ở con người là kết quả của một quá trình tiến hóa trong thế giới sinh vật, nên nó cũng là cái có sẵn, tương tự nhau và cũng tương đối ổn định, bền vững ở mỗi con người. Sự tác động của “cái tôi” vô thức lên ý nghĩ và hành động của con người là có tính tự nhiên và do đó mà có thể nói đó là sự tác động mù quáng (bản năng, vô thức) trong sáng suốt (vì đã thông qua chọn lọc tự nhiên). Điều quan trọng cần chú ý là, vì chỉ tuân theo cái “muốn” tự nhiên khách quan nên sự tác động của “cái tôi” vô thức lên ý nghĩ và hành động của con người là có tính chừng mực, “hối thúc” con người hoạt động theo xu hướng tuần tự cho mình và vì mình trước rồi mới đến “cho đồng loại và vì đồng loại”.
“Cái tôi” hữu thức chính là biểu hiện hình thức về sự vận động trên phương diện tinh thần, tình cảm của bộ não biết tư duy trừu tượng, và chỉ có thể hình thành được trên cơ sở nền tảng là “cái tôi” vô thức. Có thể nói bộ não biết tư duy trừu tượng và “cái tôi” vô thức là hai yếu tố mang tính tiền đề nhưng không phải chỉ với hai yếu tố đó thôi đã có thể làm xuất hiện được “cái tôi” hữu thức.
Nhờ có bộ não biết tư duy trừu tượng, thông qua quá trình truyền thụ, dạy dỗ và tiếp thu, học hỏi trên cơ sở những kinh nghiệm, kiến thức đã đúc kết được của loài người mà con người ta mới có thể nhận thức được và tiếp tục nhận thức hơn nữa về tự nhiên cũng như xã hội. Trên cơ sở nhận thức về xã hội - nhân sinh của mình mà mỗi người đúc rút ra được một thái độ sống, một nguyên tắc sống hay nói chung lại là một ý thức sống mà bản thân cho là phù hợp, đúng đắn. Một người sống có ý thức, nếu không chú ý tới “cái tôi” vô thức, thì cũng có thể được gọi là “cái tôi” hữu thức, hoặc khi gọi như thế thì phải ngầm hiểu nó gồm cả mặt vô thức.
“Cái tôi” hữu thức là thể tương phản của “cái tôi” vô thức. Nếu “cái tôi” vô thức là có sẵn ở mỗi con người và có tính ổn định, bền vững thì “cái tôi” hữu thức là do bộ não biết tư duy trừu tượng xây dựng nên, nghĩa là nhờ nhân tạo mà có, vì thế mà xét ở góc độ nhất định, nó cũng mang tính phi tự nhiên (nhưng xét trên bình diện bao quát thì cũng là tự nhiên, không thể phi tự nhiên được!), tính bất ổn, dễ thay đổi. Cũng vì được chủ quan có hiểu biết (đúng đắn ở mức độ nào đó!) xây dựng nên, cho nên có thể nói, khi “cái tôi” hữu thức hối thúc tác động lên suy nghĩ và hành động của con người thì đó là sự hối thúc, tác động (được cho là) sáng suốt (vì có lý trí, được tư duy nhận thức (tưởng chừng như) đã thấu đạt chân lý, cân nhắc, lựa chọn, và hơn nữa cũng có phần phù hợp với tự nhiên) trong (hóa ra là còn) mù quáng (vì chủ quan nhận thức phạm sai lầm (được giáo huấn theo những quan điểm lập trường sai lầm), bộ não biết tư duy trừu tượng bị những thèm khát vật chất đã được kích hoạt lên cao độ, làm cho lú lẫn, vô minh).
Trong thực tế, ở con người, rất khó phân biệt rạch ròi được “cái tôi” vô thức với “cái tôi” hữu thức, thậm chí là không thể phân biệt được “cái tôi” hữu thức với “cái tôi” nói chung. Bởi vì cả “cái tôi” vô thức lẫn “cái tôi” hữu thức đều không thể tồn tại độc lập. Chúng là hai bộ phận, hai mặt có quan hệ mật thiết với nhau, chuyển hóa qua lại nhau để trong cái này có cái kia và ngược lại, hòa quyện vào nhau không thể tách rời, hợp thành một thể thống nhất và sinh động gọi là “cái tôi” của mỗi con người. Chỉ vì mục đích bàn luận, nhận thức mà chúng ta buộc phải cố tình phân định “cái tôi” ra (đây là một nguyên tắc phổ biến đối với bất kỳ đối tượng nghiên cứu nào nếu muốn nhận thức được một cách rốt ráo!) thành hai “cái tôi” tương phản nhau, đứng độc lập một cách khiên cưỡng, siêu hình. Suy rộng ra, nếu nói rằng một thực thể vô sinh là “cái tôi” vô thức thuần túy thì trong thế giới sinh vật, không thể có “cái tôi” vô thức hoàn toàn cũng như “cái tôi” hữu thức hoàn toàn. Ở loài người, nói đến sự tồn tại của “cái tôi” hữu thức thuần túy thì rõ ràng là phản tự nhiên, còn nói đến sự tồn tại của “cái tôi” vô thức thuần túy thì kể cũng… nực cười.
Đã gọi là một con người, nghĩa là có bộ não biết tư duy trừu tượng và vẫn đang còn khả năng tư duy trừu tượng, thì phải có “cái tôi” (bản ngã). “Cái tôi”, bao giờ cũng nhận thức được mình (tự ngã), đồng thời bao giờ cũng nhận thức được thế giới ở một mức độ nào đó, và bản thân nó thường vẫn cho rằng, những nhận thức đó của nó là đúng đắn vì nó nghĩ nó có đủ cơ sở đáng tin cậy để biện minh, dù thực ra, một cách khách quan thì những nhận thức đó còn chưa rốt ráo, còn ở mức độ đúng sai nhất thực, thậm chí là hoàn toàn ngộ nhận, mê lầm. Hiện tượng tìm mọi cách, mọi lý lẽ để bảo lưu quan điểm, lập trường trước một vấn đề nào đó đều có ở mỗi con người vì nó mang tính phổ biến và được gọi là tính bảo thủ của “cái tôi”. Ít người biết được tính bảo thủ của “cái tôi” cũng có nguồn gốc từ tự nhiên. Mọi cá thể sinh vật khi được sinh ra đều có mục đích tự nhiên và tối hậu là “để sống”. Vì mục đích đó mà mọi cơ thể sống đều phải “chống chọi” lại sự tác động biến đổi của môi trường để mưu cầu sống còn. Quá trình đó chỉ ra rằng, tự nhiên đã qui định cho mọi cá thể sinh vật đều phải có được tính sống “cho mình và vì mình” (sự sinh sản và nuôi nấng con cái nhằm duy trì giống loài, có thể suy rộng ra, cũng là “cho mình và vì mình”, dù ở một góc độ khác, những hành động đó chẳng có lợi gì cho cá thể sinh vật), đều phải coi bản thân mình quan trọng hơn mọi cái khác trên đời, coi bản thân cuộc sống của mình là quan trọng bậc nhất. Bước lên theo nấc thang tiến hóa đến bộ não biết tư duy trừu tượng thì thấy ở con người, đặc tính ấy được nhấn mạnh, thể hiện ra thành “cái tôi” đầy vị kỷ và kiêu hãnh, tự trọng vọng đề cao mình, tự coi mình là “tiểu vũ trụ” là trung tâm của vũ trụ, là chân lý, là đúng chứ khó mà sai được. Vì thế mà “cái tôi” nào cũng bảo thủ, tự tôn, dù ít dù nhiều. Điều đó giải thích vì sao ở những bàn nhậu, lúc đầu là tranh luận vui vẻ, nhã nhặn, sau khi bia rượu làm cho “mờ mắt” (vô thức bắt đầu lấn át), lại trở thành cuộc cãi vã ồn ào mà vẫn không thể phân thắng bại, thậm chí đôi khi còn bị kích hoạt đến độ làm xảy ra “đấu tranh vũ trang” giữa bạn bè với nhau… mà cũng… “huề trớt”, đâu vẫn hoàn đấy, quan điểm của ai thì người đó vẫn giữ.
Như vậy, bảo thủ của “cái tôi” được bộ não biết tư duy trừu tượng hun đúc nên từ bản tính chống chọi lại sự tác động biến đổi của môi trường có tính phổ biến trong thế giới sinh vật. Căn nguyên sâu xa của tính chống chọi ấy có thể được nhìn thấy trong thế giới vô sinh, đó chính là nguyên lý tác động - phản ứng, và hình tượng tiền thân của cá thể sinh vật chống chọi lại sự tác động biến đổi của môi trường để mưu cầu sống còn chính là thực thể vô sinh phản ứng lại tác động biến đổi của môi trường chứa nó hầu duy trì tồn tại sao cho nó vẫn là nó, nhưng căn nguyên sâu xa nhất, cội nguồn của mọi cội nguồn, đó chính là Nguyên lý Tự Nhiên: Tồn Tại phải được đảm bảo, không được xuất hiện Hư Vô, hay: một thực thể muốn tồn tại và vận động kiểu gì cũng được, nhưng tuyệt đối không được gây ra Hư Vô!
Do có sự cản trở của bảo thủ mà “cái tôi” thường bảo lưu, giữ gìn những niềm tin đã được định hình, những quan niệm cũ đã được khắc ghi trong lòng nó, dù đã lỗi thời. Cũng vì thế mà tính bảo thủ hầu như chỉ có hại cho quá trình nhận thức, gây khó khăn đáng kể trong việc tiếp thu những quan niệm mới lạ, dù những quan niệm đó có tỏ ra hợp lý hơn trong công cuộc tìm hiểu hiện thực khách quan.
Như đã từng nói thì chủ yếu là do đặc tính thể hiện nước đôi của Tự Nhiên Tồn Tại, làm cho hiện thực khách quan của con người trở nên vừa trong sáng rõ ràng vừa biến ảo huyền hoặc (với cùng một sự vật - hiện tượng ở những góc độ quan sát khác nhau có thể thấy những biểu hiện khác nhau và hơn nữa, có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau, thậm chí là trái chiều nhau mà vẫn đều tương đối thỏa đáng) và một phần cũng do trình độ nhận thức của thời đại còn hạn chế, cũng như do sự tương đối khác biệt về hiện trạng văn hóa, về hoàn cảnh điều kiện địa lý kinh tế - xã hội mang tính khu vực, tác động, gây ảnh hưởng mà làm xuất hiện trong xã hội loài người nhiều học thuyết triết học, nhiều trào lưu tư tưởng, nhiều lập trường chính trị về xã hội - nhân sinh khác nhau, thậm chí đến mức độ kháng nhau. Điều lạ lùng nhất nhưng cũng có thể hiểu được là tất cả những học thuyết và trào lưu tư tưởng ấy đều tự nhận mình là chân lý, đều luận giải được nhiều hiện tượng xã hội, nhất là đều rao giảng về đạo đức, về tình người và đều được một bộ phận con người tin theo, ủng hộ.
Trong điều kiện những kích thích thần kinh, những cảm giác, phát sinh một cách bản năng nhằm đòi hỏi cơ thể phải vận động để đáp ứng cho cuộc sống của bản thân nó, đã được bộ não biết tư duy trừu tượng nâng lên đến tầm tự giác, mở rộng và làm cho sâu sắc, rồi cùng với sự suy tư của bộ não ấy hợp thành cái gọi là hoạt động tinh thân của “cái tôi”, trong đó có một bộ phận là sự biểu lộ tình cảm theo những sắc thái và mức độ khác nhau), trong điều kiện thường xuyên chịu sự tác động của môi trường sống (về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa) cũng như hoàn cảnh sống thực tế (nghèo hay giàu, khó khăn hay dễ dàng, được khả năng tiếp thu, mức độ được truyền đạt kiến thức và cả việc được truyền đạt những quan niệm về xã hội - nhân sinh trên cơ sở triết thuyết nào, theo hệ thống tư tưởng và lập trường chính trị nào, mà ở mỗi “cái tôi” sẽ hình thành nên một thái độ sống, một ý thức sống. Ý thức sống ở mỗi “cái tôi” (ở mỗi con người cụ thể) đều có tính chung, tính phổ biến, tính tự nhiên, đồng thời cũng có tính riêng, tính đặc thù và tính nhân tạo.
Ý thức sống của “cái tôi” cùng với bản tính sống của nó hợp thành cái gọi là nhân cách sống ở mỗi con người. Mỗi con người khác nhau thì có nhân cách sống, không nhiều thì ít, cũng tương đối khác nhau. Tùy thuộc vào mức độ bảo thủ và trải nghiệm mà nhân cách sống ở mỗi con người có thể biến đổi nhiều hay ít, không hoặc hoàn toàn biến đổi trong quãng đường đời của người ấy. Từ xưa đến nay, rất nhiều người vẫn ngộ nhận mặt trái (mặt xấu xa) của nhân tính là thú tính, nên đã khoác luôn cho khái niệm nhân cách một bộ cánh đẹp đẽ: sống có nhân cách cũng có nghĩa là sống có đạo đức, sống cao đẹp. Chúng ta cho rằng, không có “cái tôi” nào không có nhân cách sống, chỉ có điều xét trên phương diện đạo đức thì có thể phân biệt một nhân cách sống là xấu hay tốt, là đức độ hay không có đức độ, là toàn đức hay còn thiếu đạo đức, và nếu xét theo khái niệm văn hóa mang ý nghĩa đạo đức thì có thể đánh giá nhân cách sống đó là có văn hóa hay vô văn hóa, đầy văn hóa hay thiếu văn hóa.
Điều quan trọng là dựa trên cơ sở, tiêu chí nào mà đánh giá một nhân cách sống, một con người là có đức độ, là nhân đức, hay là có văn hóa, là nhân văn? Theo chúng ta quan niệm thì cơ sở cốt lõi nhất, đóng vai trò là điều kiện tối hậu, mang tính nền tảng mà ai cũng phải thừa nhận, các giáo lý ở thời đại nào cũng lấy đó làm tiêu chuẩn xuất phát để xây dựng khái niệm cũng như nội dung về đạo đức và thực thi đạo đức, đó là tình cảm như thế nào đối với đồng loại. Ai cũng đồng ý rằng, người có tình yêu thương con người, đối đãi và cư xử với con người trên tinh thần đó, cũng vì thế mà sống có trách nhiệm với cộng đồng, thì được gọi là người đạo đức, người có lối sống nhân văn và được mọi người ca ngợi. Nói chung, về cơ bản thì đạo đức là như thế, và bất cứ nhà tư tưởng nào, chân chính hay mị dân, bàn luận hay thuyết giảng về đạo đứng mà không làm toát lên tinh thần đó, sẽ không được quần chúng tin theo, ủng hộ.
Tuy nhiên, hiểu đạo đức là yêu thương, tôn trọng con người và hoạt động sống theo tinh thần ấy là một chuyện, còn cách thức, mức độ thể hiện tình yêu thương ấy trong thực tế, cụ thể phải như thế nào thì lại là chuyện khác. Có thể là vì trong tình cảm con người, có tình yêu thương thì cũng có mặt tương phản với nó là tình ghét hận. Nếu ở mọi cá thể sinh vật có bản tính tự nhiên là “muốn” thì cũng có bản tính tự nhiên là “không muốn”. Nếu bản năng của một cá thể chỉ muốn “cho mình và vì mình” thì cũng có nghĩa là không muốn sống “cho đồng loại và vì đồng loại”, và khi cái “muốn” (ăn, giao phối…) trỗi dậy thì cá thể đó có thể giành giật, xâu xé với đồng loại để có được cái “cho mình và vì mình”. Đó cũng chính là biểu hiện mầm mống của sự ghét hận.
Có thể thấy hai quá trình trái ngược nhau là tăng trưởng số lượng và suy thoái nguồn thức ăn sẽ làm cho một giống loài sinh vật nào đó đến bờ vực của sự chết chóc do đói khát. Trong tình trạng đó, các cá thể trong nội bộ giống loài đã phải cạnh tranh, xâu xé nhau để giành giật thức ăn. Nhưng hướng giải quyết đó chỉ mang tính nhất thời và không có tính ưu tiên vì rõ ràng là nếu một cá thể gây hấn, đe dọa sinh mạng một cá thể khác thì bản thân nó cũng bị đặt vào mối nguy hiểm ấy và như vậy là trái với cái “muốn sống” tối thượng của nó. Chính tự nhiên đã chọn cho giống loài (chưa biết sáng tạo) đó cách giải quyết căn cơ hơn, mà một trong hai hướng của cách giải quyết ấy là mở rộng môi trường sống, tức là lan tỏa dân cư.
Vì có bộ não biết suy nghĩ sâu sắc mà sự “muốn” và “không muốn” bản năng và có chừng mực ở loài vật được “đặc cách” lên trình độ “tham muốn” và chối bỏ đầy vị kỷ, không còn chừng mực nữa ở loài người. Mặt khác, lịch sử đã chỉ ra rằng bộ não biết suy nghĩ sâu sắc cũng tất yếu hướng con người đến sự sáng tạo và ngày càng tích cực sáng tạo để trước hết là chủ động thích nghi và sau đó là để đáp ứng cái nhu cầu vật chất ngày một nhiều cho đời sống của nó. Chính vì thế mà có thể thấy trong suốt quá trình người hóa, sự tăng trưởng số lượng của dòng họ người có một đặc điểm là loài xuất hiện sau (tiến hóa hơn) bao giờ cũng đạt mức đông đảo hơn, thậm chí là gấp bội phần so với loài xuất hiện trước ( kém tiến hóa hơn). Lẽ đương nhiên là sự tăng trưởng số lượng lạm phát cộng thêm với những đòi hỏi vật chất ngày càng nhiều nhằm đáp ứng cuộc sống có tính mù quáng (chưa cần kể đến tác động kích hoạt có tính đột ngột của thiên tai), cũng làm cho loài người phải đối mặt với những đợt đói kém ngày càng gay gắt, và cũng đương nhiên, tình hình đó đòi hỏi phải được giải quyết. Vào khoảng thời gian thuở ban đầu, ở những đợt đói kém xuất hiện có tính đột ngột và hoành hành dữ dội, có thể xuất hiện sự chết đói hàng loạt, sự cạnh tranh xâu xé nhau giữa nhóm người này với nhóm người khác, nhưng đó chí là những biện pháp chẳng đặng đừng, cực đoan, thụ động, không triệt để của tự nhiên. Cách giải quyết rốt ráo và triệt để hơn đối với nạn đói kém, ở loài người, về cơ bản, không khác ở loài vật, cũng là theo hai hướng: mở rộng hơn nữa chủng loại thức ăn và lan tỏa dân cư, mở rộng môi trường sống. Trong hai hướng ấy thì hướng mở rộng chủng loại thức ăn đòi hỏi phải có thời gian thích nghi cũng như yêu cầu gắt gao hơn về mặt tiến hóa và hơn nữa, mức độ hạn định cũng eo hẹp hơn, do đó, hướng mở rộng môi trường sống mặc nhiên được ưu tiên lựa chọn. Chính bộ não biết tư duy và chủ động sáng tạo đã làm nên nét đặc thù của quá trình mở rộng môi trường sống ở loài người, đó là hiện tượng lan tỏa dân cư có tính tích cực, ngày càng có ý thức, càng về sau càng mau chóng thích nghi với môi trường sống mới mà không nhất thiết phải chờ đến sự chuyển biến hình thể, sức vóc theo con đường tiến hóa, bên cạnh đó, hiện tượng tích cực giữ gìn, bảo tồn, tái tạo khôi phục nguồn thức ăn, tìm cách làm cho nguồn thức ăn tăng trưởng lực lượng, ngày càng lộ diện và dần dần trở nên nổi trội. Nét đặc thù của sự lan tỏa dân cư ở loài người còn thể hiện ở chỗ nó có tính bùng phát, nhanh chóng chiếm lĩnh mọi khu vực, mọi ngóc ngách lãnh thổ, chỉ trừ những khu vực mà trình độ và khả năng sáng tạo của loài người chưa thể khắc chế, chinh phục được về mặt thích nghi.
Môi trường thiên nhiên ở Trái Đất, đối với thế giới sinh vật là có giới hạn nên môi trường sống cũng phải có giới hạn và do đó quá trình lan tỏa dân cư mở rộng môi trường sống của loài người rồi cũng phải đến lúc chậm dần và dừng lại. Chính quá trình này buộc loài người ra sức sáng tạo theo hướng bảo tồn, tái tạo để không những ổn định nguồn thức ăn tại chỗ mà còn làm cho nó phải tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu thức ăn ngày một tăng, và như vậy, dù có là bắt chước thiên nhiên, thì coi như loài người đã sáng tạo ra một cách giải quyết căn cơ nạn đói ăn và ngày nay trở thành phương thức làm ăn chủ yếu, có tính quyết định đến sự sống còn của loài người, đó là trồng trọt và chăn nuôi.
Dù sao thì khi mà môi trường sống coi như đã được mở rộng đến hết khả năng, khi mà tốc độ tăng trưởng dân cư mù quáng còn chưa được kiểm soát, khi mà sự tăng lên về mức độ của nhu cầu tiêu dùng (tất nhiên là kèm theo cả sự lãng phí) chưa được phát hiện và kìm hãm một cách có ý thức, thì không có cách thức căn cơ nào thực sự hữu hiện nào có thể ngăn chặn hữu hiệu nạn nghèo đói. Nhất là những khi còn phải chịu sự tác động bất lợi mạnh mẽ và kéo dài của thiên tai, thì mức độ nghèo đói sẽ trở nên thảm trạng. Chắc chắn rằng, lịch sử của quá trình người hóa là gồm những giai đoạn sung túc, thịnh vượng, nghèo đói và thảm trạng nghèo đói xen kẽ. Đặc trưng nổi bật của quá trình người hóa là làm xuất hiện bộ não biết suy nghĩ và suy nghĩ ngày một sâu sắc. Có thể nghĩ rằng những thời đoạn sung túc, thịnh vượng có tác dụng tạo ra cơ sở vật chất, thai nghén và những thời đoạn đói nghèo, thảm trạng đói nghèo kế tiếp có tác dụng tạo tiền đề và sinh ra bộ não hoàn thiện hơn về mặt tư duy, mà lần sinh sau hoàn thiện hơn lần sinh trước, và như vậy, cũng có thể nghĩ rằng loài người được sinh ra từ gian khổ, đói nghèo chứ không phải từ sung túc thịnh vượng.
Chính vì bộ não người đã được sinh ra từ gian khổ, đói nghèo và dần “lớn khôn” trong suốt quá trình người hóa thuận lợi xen lẫn với khó khăn, “sung sướng” xen lẫn với “đau khổ” như thế cho nên khi đã bắt đầu biết suy nghĩ sâu sắc, đã bắt đầu có hoạt động về mặt tinh thần ở mức cao độ, tích cực và mạnh mẽ vượt trội hơn hẳn bộ não con vật, thì cũng là lúc cái cảm giác bản tính cốt lõi “muốn” và “không muốn” ở loài vật chuyển biến lên cao độ thành cái cảm giác bản tính xen lẫn với ý thức “tham muốn” và “chối từ” đầy vị kỷ để từ đó mà thăng hoa lên, làm xuất hiện một hệ thống gọi là “tình cảm” thực sự sâu rộng với đầy đủ mọi sắc thái mà chỉ ở loài người mới có. Từ những cảm nhận sâu sắc có tính tương phản như: no -đói, ấm - lạnh, thỏa mãn - thèm muốn, khó chịu - dễ chịu… mà có được những cặp cảm nhận có tính tương phản ở mức độ cao hơn về mặt tình cảm như: vui - buồn, sung sướng - khổ đau, dạn dĩ - sợ hãi, bình thản - lo lắng…, để rồi qua đó, hình thành nên cặp tình cảm tương phản có tính ý thức cao nhất (nghĩa là cũng chịu sự chi phối mạnh mẽ nhất của lý trí), luôn thường trực trong tâm hồn con người một cách sinh động, đó là yêu - ghét.
Khi mà tương xứng với khả năng và trình độ sáng tạo trong chủ động thích nghi của mình, loài người đã mở rộng môi trường sống ra “khắp nơi” cả bề rộng (bằng lan tỏa dân cư) lẫn bề sâu (bằng cách làm tăng lượng cung ứng thức ăn tại chỗ), nghĩa là ở tất cả các khu vực có thể sống được, đều được các bộ phận lực lượng người chiếm lĩnh, thì để giải quyết cái mâu thuẫn tăng cầu - giảm cung đã đạt đến mức gây ra tình trạng đói khổ có tính phổ biến thì tại những khu vực bị lâm vào trình trạng đó, loài người đã không còn cách nào khác ngoài cách chuyển hướng đấu tranh sinh tồn chủ yếu của mình vào nội bộ giống loài, làm xuất hiện cuộc cạnh tranh bằng bạo lực ngày một gay gắt, và khi sự đói khổ đã trở thành thảm trạng đối với sự sống còn thì cuộc cạnh tranh bằng bạo lực ấy sẽ đạt đến trình độ đấu tranh vũ trang khốc liệt gây nên sự giết chóc lẫn nhau giữa người với người một cách có ý thức. Đó là nguồn gốc tự nhiên và cũng là căn nguyên của chiến tranh.
Nhưng vì sao trong quá trình mở rộng chủng loại thức ăn, ở loài thú cũng vậy và ở loài người cũng vậy, không hướng đến sự ăn thịt đồng loại như một hiện tượng phổ biến, dù thịt đồng loại cũng đầy đủ dưỡng chất, dù làm như thế vừa giảm nhanh được số lượng cá thể giống loài, vừa có thêm được một nguồn thức ăn mới? Tại sao con người giết chóc lẫn nhau chỉ với mục đích đánh bại nhau, khuất phục nhau nhằm xâm lấn lãnh thổ của nhau, giành giật nguồn sống của nhau, chiếm đoạt thành quả lao động của nhau, mà không nhân thể ăn thịt nhau luôn cho “nhất cử lưỡng tiện”, và như vậy có “hay” hơn không? Tại vì ghê rợn quá chăng? Tạm cứ cho là như thế đi, thì từ đâu lại có sự ghê rợn đó? Từ lối sống đạo đức chăng? Nhưng ở loài thú đâu có cảm giác ghê rợn mà sao chúng cũng không ăn thịt lẫn nhau trong nội bộ đồng loại? Hay là có cái gọi là ghê rợn bản năng? Bản năng nào lại không xuất phát từ tự nhiên?... Ở loài chó, một cách tự nhiên, không có hiện tượng ăn thịt lẫn nhau. Nếu chúng có ăn thịt đồng loại thì chỉ trong những trường hợp đặc biệt nào đó, chẳng hạn có thể chúng ăn thịt đồng loại đã qua chế biến của con người và được con người “khích lệ”. Ở loài bọ ngựa, thường thì sau khi giao phối, con cái “xơi tái” luôn con đực. Nhưng hành động đó, dù có thể là do quá trình đấu tranh sinh tồn của loài bọ ngựa tạo ra, thì cũng không phải con cái vì đói, vì muốn bảo toàn mạng sống bản thân mà ăn, và con đực đâu phải là thức ăn thường xuyên của nó (?). Đặc biệt là con đực không hề chống cự lại, cứ “đứng đực” ra đó chờ chết như biết rằng không thể cưỡng lại được định mệnh (!). Ở loài người, dù rất cá biệt, rất hiếm hoi thì cũng không phải không có hiện tượng ăn thịt lẫn nhau. Ngày xưa, có những bộ tộc người da đỏ ở Châu Mỹ có tục lệ ăn thịt tù binh. Nhưng hành động ăn thịt người đó hoàn toàn không phải là do sự đói khát đòi hỏi mà do một quan niệm tâm linh nào đó, do một hủ tục mê tín nào đó xúi giục, kích thích. Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ ở Việt Nam, có những tên lính Việt Nam Cộng hòa (lính ngụy) man rợ đến mức bị người dân gọi là “ác ôn”, ăn gan uống máu những người kháng chiến chẳng may bị chúng bắt được. Nhưng hành động ăn thịt người đó cũng không phải vì đói khát mà chỉ vì muốn thỏa mãn những tình cảm trỗi dậy đến mức cao độ của mặt trái nhân tính, như: thích giết người, thích hành hạ đối phương chết dân mòn trong quằn quại, đau đớn, hận thù và đê hèn đến mức ăn gan, uống máu mới hả dạ… Như vậy sự ghê rợn không phải là nguyên nhân sâu xa mà có thể chỉ là một biểu hiện của cái nguyên nhân sâu xa ấy trong việc không làm xuất hiện một cách phổ biến hiện tượng ăn thịt đồng loại, đóng vai trò như một cách giải quyết nạn đói khát trong thế giới sinh vật. Chúng ta cho là cái nguyên nhân sâu xa ấy phải mang tính tự nhiên và đoán rằng, trong những trường hợp hãn hữu, ngoại lệ hay đặc biệt cấp bách nào đó, mà cũng chỉ rất tạm thời thôi, có thể ăn thịt đồng loại để thoát khỏi chết đói, nhưng dùng thịt đồng loại như thức ăn thường xuyên nhằm duy trì sự sống thì không thể. Trong thế giới sinh vật, quá trình mở rộng chủng loại thức ăn ở một giống loài bất kỳ đều phải đi đôi với sự tiến hóa nhưng có điều kiện và có mức độ chứ không thể tùy tiện và vô hạn định. Loài trâu, bò, ngựa không thể có thêm chủng loại thức ăn là thịt của loài hổ, báo được và ngược lại, loài hổ, báo không thể có thêm chủng loại thức ăn là cỏ, rơm được. Loài bọ hung sống được là nhờ vào phân của nhưng loài động vật khác. Nhưng những loài động vật ấy không thể ăn phân do bản thân chúng thải ra để duy trì sự sống được. Loài người năng động sáng tạo nhất thế giới trong việc tìm kiếm chủng loại thức ăn mới và trong thực tế đã có thể ăn được hầu hết các giống loài sinh vật thì vẫn không thể ăn sỏi đá để duy trì sống còn được (tuy nhiên nếu xét đến cả những nhu cầu tiêu dùng phi lương thực thực phẩm thì coi như nó “ăn” được ráo trọi mọi thứ mà Trái Đất này có, kể cả thịt đồng loại và phân của bản thân nó!). Tương tự như thế, chắc rằng tự nhiên đã cấm quá trình mở rộng nguồn thức ăn cũng như chủng loại thức ăn tiến triển theo hướng ăn thịt đồng loại để duy trì sự sống còn. Thể hiện của sự cấm ấy có thể là khi ăn thịt đồng loại, cơ thể không thể tiêu hóa được, gây ói mửa, dị ứng khói chịu, thậm chí về lâu dài còn là một tác nhân gây ra bệnh tật đe dọa đến sinh mạng, và tất cả những tác động ấy tạo nên một phản xạ “rất không muốn”, hay tạm gọi là “ghê sợ bản năng” ở loài vật mà ở loài người thì thăng hoa lên không những thành “ghét chê” mà còn thành “ghê tởm”, “rùng rợn”. Nói thêm rằng một trong những hiện tượng làm con người ghê tởm nhất là sự loạn luân (cha mẹ làm tình với con cái). Ở giới động vật, nếu đối với việc làm giảm số lượng của một giống loài và tăng lượng thức ăn, tự nhiên đã không cho phép giải quyết theo hướng ăn thịt đồng loại, thì đối với việc làm tăng trưởng số lượng cá thể, tự nhiên cũng không cho phép giải quyết theo hướng giao phối trực hệ (tức loạn luân), và cả hai hướng ấy đều vi phạm vào cái gọi là “đạo lý sinh tồn”. Trong thực tế, tự nhiên đã thể sự không cho phép ấy bằng cách thiết lập một cơ chế sinh học gồm hai bộ phận gọi là cơ chế tránh ăn thịt đồng loại và cơ chế tránh loạn luân. Cơ chế tránh loạn luân hoạt động thực sự có hiệu quả ở động vật bậc thấp, và dù không rõ nét thì tính hiệu quả của cơ chế ấy cũng có xu thế giảm dần theo sự tiến hóa của hệ thần kinh làm xuất hiện bộ não biết tư duy trừu tượng. Ở loài linh trưởng, dù hiện tượng loạn luân chỉ là hãn hữu thì rõ ràng là cơ chế tránh loạn luân đã bị vi phạm, và ở loài người dù loạn luân vẫn không phải là hiện tượng phổ biến, dù trong tâm trí của đại đa số con người vẫn có cảm giác ghê tởm, thì vẫn thấy nó xuất hiện lác đác ở khắp nơi, vi phạm có phần “trắng trợn” cái cơ chế tự nhiên ấy, đến nỗi nhiều cộng đồng xã hội phải củng cố cơ chế ấy bằng ý chí, nêu rõ trong pháp luật. Hình như ở loài người, cơ chế sinh học tránh loạn luân bằng bản năng đã bị giảm tác dụng đi nhiều, và có như thế là vì tính hạn chế về khả năng cũng như tính định hướng của sự tiến hóa qui định (đã gọi là hoàn toàn đầy đủ thì phải có cả thiếu thốn, đã gọi là hoàn hảo thì cũng phải gồm cả khiếm khuyết. Thượng Đế toàn thiện toàn năng đến mấy đi nữa thì cũng không bao giờ hiện hữu ra được, vì thế Ngài hiện lên với bất cứ hình dạng nào khác thì lập tức trở nên tầm thường, thậm chí là quái dị!).
Nhờ có định hướng tiến hóa mà xuất hiện muôn loài. Nhưng hướng tiến hóa nào trong giới động vật cũng đều có xu thế cải thiện hệ thần kinh, tăng cường chức năng cảm giác theo cách nào đó, đồng thời trên cơ sở sẵn có mà chuyển biến cấu tạo cơ thể theo cách phù hợp với lối sống của giống loài, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của môi trường sống, nhằm mục đích sống còn trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Có thể thấy hướng tiến hóa làm xuất hiện loài hổ, báo là tăng cường, tinh nhạy hóa các giác quan giúp chúng dễ dàng phát hiện con mồi, chọn tình huống thuận lợi, giúp các bộ phận cơ thể phối hợp động tác nhịp nhàng và chính xác với nhau trong việc truy đuổi, rình, vồ con mồi, đồng thời tăng cường sự sắc bén của móng vuốt, sự chắc khỏe của hàm răng, sự linh động, uyển chuyển nhưng mạnh mẽ cơ bắp của cơ thể. Đối với loài hổ, báo, chỉ cần như thế là đã đủ để cho chúng có thể sống còn trong thiên nhiên hoang dã. Sở hữu một bộ não biết suy nghĩ, đối với chúng là không cần thiết, thừa, có khi còn bất lợi, làm “rối trí” cho hoạt động sống của chúng mà thôi. Do bắt đầu tiến hóa từ loài thủy tổ có lối sống chủ yếu ở trên cây và ăn hoa quả, sâu bọ, nên khi chuyển qua môi trường sống duyên hải có địa hình đa tạp, định hướng tiến hóa về cấu tạo sinh học cơ thể trên nền tảng cơ thể sẵn đã linh hoạt trong việc leo trèo, đu cành và hai chi trước tương đối được giải phóng khi di chuyển, biết cầm nắm, hái lượm, là đi thẳng bằng hai chi sau, giải phóng hơn nữa hai chi trước, cân đối lại cơ thể thành nhân dạng. Như vậy, trong thời kỳ đầu của quá trình người hóa, sự chuyển biến hình dạng, sức vóc theo hướng nhân dạng không phải vì mục đích tăng cường hiệu quả săn bắt mồi mà chỉ vì mục đích thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh cũng như địa hình địa vật của môi trường mới, không những phải xoay sở linh hoạt, chạy nhảy nhanh mà còn phải bơi lặn giỏi nữa trong quá trình hái lượm thức ăn hoặc trốn tránh các loài mãnh thú ăn thịt. Đến khi phải mở rộng chủng loại thức ăn đến những loài động vật to khỏe hoặc nhanh nhẹn cả ở dưới nước lẫn trên cạn thì “té ra” sự tiến hóa ấy của sức vóc hình thể rõ ràng là bất lợi, nếu ở trên cạn thì kém xa loài hổ, báo, nếu ở dưới nước thì thua xa loài cá mập. Trước thử thách có tính sống còn đó, chỉ còn cách duy nhất là ưu tiên định hướng tiến hóa làm xuất hiện bộ não biết suy nghĩ. Khi con vật được tự nhiên ban cho bộ não biết tư duy thì nó hóa thành con người và loài người, do biết chủ động tích cực sáng tạo trong hoạt động sống, nên cũng mau chóng thích nghi với sự biến thái tương đối của môi trường và đồng thời trở thành loài chiếm ưu thế hơn hẳn đối với muôn loài trong đấu tranh sinh tồn, phát triển thành một lực lượng động vật hết sức đông đảo, có mặt ở hầu như khắp những nơi trên Trái Đất mà sự sống có thể tồn tại được.
Như đã nói thì khả năng tiến hóa là có hạn, không thể vô hạn độ được. Loài người sở hữu được một bộ não biết suy nghĩ và năng động sáng tạo thì mức độ tinh nhạy của nhiều cảm giác bản năng của cơ chế cảnh báo sinh học vô thức, trong đó có cơ chế tránh loạn luân, bị giảm đi đáng kể (do có thể là không cần thiết nữa hoặc cũng có thể là do bị những cảm giác đã trở nên thái quá, có ý thức - gọi là tình cảm, chi phối, lấn át).
Điều đáng ngạc nhiên là cho đến tận ngày nay, loài người chỉ mới thấy được mặt phải tích cực, sáng suốt mà chưa nhận chân được tỏ tường, thấu đáo mặt trái tiêu cực, mù quáng trong hoạt động tinh thần của bộ não biết tư duy sáng tạo. Chính bộ não biết suy nghĩ sâu sắc đã làm xuất hiện ở con người một thứ cảm giác gọi là tình cảm. Từ “muốn” - “không muốn” bản năng có tính chừng mực, não người đã kích hoạt lên thành “tham muốn” - “chối từ” hữu thức có tính vô độ, đầy vị kỷ và qua đó mà cũng thể hiện một mối quan hệ tình cảm có nhiều cung bậc cao thấp khác nhau là “yêu” - “ghét”. Hoàn toàn tự nhiên và trong những lúc bình thường thì một con người bao giờ cũng yêu thương bản thân mình nhất, rồi mới thương đến người thân, gần gũi với mình, sau đó mới đến người ở xa và cuối cùng mới yêu (hoặc không ghét) đồng loại. Mức độ của tình yêu ấy có xu thế giảm dần từ gần đến xa và chuyển biến thành “ghét” ở mức độ khác nhau đối với những kẻ ghét mình, làm hại đến cuộc sống của bản thân mình cũng như cuộc sống người thân của mình.
Khi loài người đã mở rộng môi trường sống cả bề rộng lẫn bề sâu đến hết khả năng sáng tạo đang có của nó thì trong khi “chờ đợi” những sáng tạo có tính đột phá tiếp theo, để giải quyết cấp bách nhu cầu tiêu dùng mà tối cần thiết là lương thực, thực phẩm ngày một tăng cao, chủ yếu là do tăng trưởng số lượng dân cư trong khi lượng cung ứng cho tiêu dùng không tăng, thậm chí là còn giảm do thiên tai, loài người đã không còn cách nào khác là “sáng tạo” ra một cuộc đấu tranh sinh tồn bằng bạo lực, có công cụ hỗ trợ gọi là “vũ khí”, ngày một khốc liệt bởi có ý thức giết chóc nhau hàng loạt, gọi là đấu tranh vũ trang hay chiến tranh, trong nội bộ của nó. Có thể nói, nguồn gốc sâu xa của chiến tranh là đấu tranh sinh tồn trong thế giới sinh vật và chiến tranh cũng chính là một bộ phận, có hình thức cực đoan nhất của đấu tranh sinh tồn. Do có sự chênh lệch về mức sống giữa các nhóm người, về mật độ dân số cũng như lượng nguồn lương thực thực phẩm giữa các khu vực dân cư và nhất là tính cấp bách đòi hỏi phải sống còn mà làm xuất hiện hiện tượng lan tỏa dân cư có tính chất xâm nhập, lấn chiếm từ khu vực này đến khu vực khác, hiện tượng bộ phận người này tìm cách chiếm đoạt nguồn sống và thành quả lao động của bộ phận người khác, dẫn đến các hiện tượng ngăn chặn, chống trả đánh đuổi, và để giành được ưu thế, để thắng được mà chiếm đoạt được hay chống giữ được thì tất yếu phải hướng đến tăng cường lực lượng, sử dụng vũ khí để giết chóc đối tượng một cách có ý chí.
Ở loài người cũng không có hiện tượng ăn thịt đồng loại như một cách sống. Con người gây ra chiến tranh, giết chóc lẫn nhau nhằm chiếm đoạt nguồn sống, thành quả lao động của nhau, lúc đầu có lẽ chỉ vì cấp bách, phải giải quyết sự đòi hỏi về sự sống còn đã ở mức cao độ của bản thân mình, nhưng do sự tham muốn vô độ và đầy vị kỷ thúc giục mà sau đó còn vì muốn được sống sung sướng hơn, khoái lạc hơn và thỏa mãn hơn nữa. Nhưng tước đoạt mạng sống của nhau để mưu cầu cuộc sống và thỏa mãn sự thèm khát của mình thì chẳng khác gì ăn thịt lẫn nhau để sống còn. Nhìn ở góc độ này thì rõ ràng, cơ chế bản năng sinh học tránh giết chóc để ăn thịt đồng loại đã hầu như mất tác dụng ở loài người, và chính mặt trái trong hoạt động tinh thần của bộ não người đã gây ra điều đó. Hơn nữa, cũng chính nó, với trình độ sáng tạo ngày một cao, đã làm cho loài người càng về sau càng chế tạo được nhiều loại phương tiện chiến tranh, đủ thứ vũ khí tối tân mà xét về mặt giết người hàng loạt, hủy diệt môi trường thiên nhiên thì thật là man rợ, thật là tàn bạo, thật là khủng khiếp. Nghĩa là con người từ khi xuất hiện cho đến nay (còn tương lai thì chưa biết thế nào) càng đi lên văn minh, càng nỗ lực ăn thịt nhau, càng giết chóc nhau một cách tàn bạo, và do đó, chúng ta cho là càng thiếu văn hóa.
Khi “cái tôi” ở mỗi con người chưa thấy được vị kỷ và tự tôn là hai đặc tính cố hữu, có nguồn gốc tự nhiên của nó, luôn tác động tuy âm thầm, khó nhận biết, nhưng dai dẳng và mạnh mẽ lên đời sống tinh thần của nó thì nó khó lòng kìm hãm, khống chế trong chừng mực lòng tham muốn, trái lại, còn nung nấu lòng tham muốn đó lên cao độ thành cái tạm gọi là “sự thèm thuồng, khao khát cháy bỏng đến mù quáng về danh lợi”, mà ở không ít những con người, khi có điều kiện được triển khai, bộc lộ ra, sẽ là sự tham lam vô độ lượng. Quyền lực là một dạng của danh lợi và hơn nữa là cái mà người ta dựa vào đó để dễ dàng kiếm được nhiều danh lợi và cũng để bảo toàn được danh lợi. Trong một xã hội đầy cạnh tranh và ai cũng khôn cả thì để vơ vét được nhiều danh lợi và đồng thời cũng bảo toàn được sự vơ vét ấy, hành động được ưu tiên lựa chọn không phải là trực tiếp lao động sáng tạo, bằng trộm cướp, cũng không thể mà tham nhũng ngay được, mà phải là tìm kiếm, tích tụ và củng cố quyền lực đủ uy, đủ mạnh. “Cái tôi” có quyền lực sẽ tạo nên cái ưu thế làm cho nó đương nhiên được hưởng danh lợi nhiều hơn kẻ khác mà những người khác phải thừa nhận vì có lý hoặc vì bị khuất phục bằng đe dọa không xong thì bằng bạo lực. Có quyền lực cá nhân thì cũng có quyền lực tập thể, quyền lực cộng đồng, quyền lực dân tộc… Thực thể quyền lực và thực thi quyền lực điển hình nhất, rất quan trọng đối với đời sống xã hội mà cũng mang tính phổ biến, là bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước, nguyên thủy mà cũng hợp lẽ tự nhiên, hợp Đức Huyền Diệu, là cơ quan đại diện quyền lực của một đất nước trên phương diện đối ngoại, đồng thời là cơ quan đại diện quyền lực của Đại chúng nhân dân trên phương diện đối nội. Tuy nhiên, khi cuộc đấu tranh sinh tồn trong nội bộ loài người, nội bộ một đất nước trở nên ngày một căng thẳng, gay gắt và đi liền với nó là sự nảy sinh, làm sâu sắc thêm lòng tham muốn danh lợi đầy vị kỷ ở mỗi con người, thì bản chất đẹp đẽ, mang tính lý tưởng của bộ máy nhà nước không còn “trong trắng” như thuở sơ khai nữa mà không ít thì nhiều, bị “vẩn đục” sự “tự tư tự lợi”. Nói chung, nhà nước nào cũng phải đảm bảo quyền lợi của quần chúng vì nếu không thế thì bản thân nhà nước không thể tồn tại được, nhưng đảm bảo đến mức độ nào thì lại là chuyện khác. Một nhà nước tự ban cho mình đặc quyền, đặc lợi, được tha hồ vơ vét của cải để sống giàu sang, phú quý trong khi chỉ ban phát cho quần chúng một tối thiểu quyền lợi, thậm chí làm cho họ sống ngoi ngóp trong nghèo hèn, lầm than thì nhà nước ấy đã biến thái thành đại diện quyền lực của một tập thể không đáng kể những kẻ tư lợi, thậm chí chỉ là đại diện quyền lực của một cá nhân (bạo chúa) và lúc đó, tính “do dân, vì dân” của nó không còn nữa, cũng như vai trò đại diện cho quyền lực của Đại chúng nhân dân của nó chỉ còn là danh nghĩa.
Một nhà nước, khi đã bị lũng đoạn bởi sự tư lợi vị kỷ, bị thao túng bởi lòng tham muốn mù quáng, thì nó sẽ tìm cách củng cố quyền lực đủ mạnh để dễ dàng hà hiếp, trấn áp quần chúng trong nước để mưu cầu danh lợi bất chính cho “ông chủ” của nó, hoặc dễ bề ức hiếp các nước khác (trước tiên là các nước láng giền) cung phụng danh lợi cho đất nước nó và nếu bị phản đối, cự tuyệt thì sẵn sàng gây chiến tranh xâm lược để trắng trợn cướp bóc, vơ vét danh lợi về cho quần chúng của nó, mà ưu tiên vẫn là cho “ông chủ” của nó.
Khi chiến tranh ở xã hội loài người đã bắt đầu xảy ra như “cơm bữa”, và các cuộc chiến tranh có qui mô ngày càng được mở rộng, có mức độ ngày càng khốc liệt, gây ra những hậu quả ngày càng tương tàn, thì tình cảm yêu, ghét của con người càng trở nên sâu sắc. Sự giết chóc lẫn nhau vì danh lợi vị kỷ, nhiều khi chỉ vì thích một cách vô cớ, chỉ để tiêu khiển, với đủ mọi hình thức dã man, ghê rợn nhất, và lạnh lùng đến mức không còn coi nhau là đồng loại nữa, đã gây cho con người siết bao nhiêu nỗi thống khổ, đau thương thì cũng đồng thời siết bao nhiêu nỗi oán ghét, hận thù. Và con người sẵn lòng vị kỷ, tự tôn, vẫn còn mù quáng bởi sự vô minh của bộ não, dễ dàng lên đường đi gây chiến, làm tăng thêm mức độ tàn khốc của cuộc giết chóc đồng loại, không vì một mục đích nào khác ngoài xoa dịu nỗi đau thương và thỏa mãn nỗi hận thù của mình. Cứ thế mà đau thương lẫn hận thù đeo bám chưa bao giờ dứt trong xã hội loài người, và cùng với chiến tranh hợp thành đối tượng chủ yếu làm cho tâm trí loài người hướng tới mỗi khi có suy nghĩ về thân phận con người, tìm hiểu vì sao con người lại cứ phải tích giết chóc lẫn nhau đến nông nỗi như vậy, để từ đó mà thông qua biện giải làm xuất hiện những triết thuyết về xã hội, nhân sinh, những đề xướng làm tiêu tan chiến tranh, xóa bỏ đau thương và hận thù do nó gây ra trong đời sống xã hội. Khái niệm đạo đức và những quan niệm khác nhau về con người đạo đức cũng như về lối sống đạo đức xuất hiện trong quá trình đó.
Từ xưa đến nay đã xuất hiện rất nhiều quan niệm khác nhau về đạo đức. Tuy nhiên những quan niệm khác nhau về đạo đức ấy, xét cho đến cùng và chung qui lại, là ý thức khác nhau về mối quan hệ cũng như mức độ yêu và ghét, trên cơ sở đó mà có ý thức khác nhau về những ứng xử, những hành động có tính thiện hay ác đối với đồng loại. Nói tóm gọn thì đạo đức là "mặt phải", còn phi đạo đức là "mặt trái" của tình cảm con người. Nhiều người không biết rằng quan niệm đạo đức nào cũng đề cao, đặt tình yêu thương đồng loại lên hàng đầu, lấy đó làm tiêu chuẩn để đánh giá thiện - ác. Và có như thế là bởi vì cơ sở đề từ đó xuất phát ra cái tình cảm yêu, ghét của con người là ở trong tự nhiên, bản thân tình cảm yêu ghét cũng hàm chứa tính tự nhiên, mặt khác, cũng không biết rằng, quan niệm đạo đức nào cũng chuẩn mực hóa đạo đức theo ý thức (về yêu - ghét, thiện - ác) của nó đến mức độ lí tưởng, nghĩa là có tính phi thực tế, cực đoan, duy ý chí, là bởi vì nó được xây dựng nên từ nhận thức chủ quan chưa thấu đáo về tự nhiên và bên cạnh đó là từ sự cố gắng giải quyết cho bằng được cái vấn đề mà hầu như không thể giải quyết rốt ráo, triệt để được do có sự chi phối mạnh mẽ bởi các qui luật tự nhiên - xã hội, bởi trình độ nhận thức chung còn hạn chế của thời đại (cho nên cũng mang nhiều khiên cưỡng, gượng ép), vấn đề đó là, làm thế nào để thỏa mãn được khát vọng ngàn đời của Đại chúng nói riêng và của toàn thể loài người nói chung: được sống an ổn làm ăn, được no đủ sung túc, được hòa thuận và hạnh phúc.
Có thể phán đoán rằng, khi đấu tranh vũ trang đã bắt đầu trở nên hiện tượng phổ biến thì trong xã hội loài người, vấn đề đạo đức cũng bắt đầu được đặt ra, và từ đó, ở bất cứ thời đại nào, ở bất cứ khu vực lãnh thổ dân cư nào, ở dân tộc nào, đạo đức luôn là vấn đề nóng hổi tính thời sự và thường xuyên được đề cập đến trong đời sống xã hội.
Chúng ta cho rằng sự xuất hiện các học thuyết về đạo đức và hơn nữa là những người, những trường phái tích cực truyền bá, thuyết giảng đạo đức, tình yêu thương đồng loại, cũng như kêu gọi, vận động trau dồi đạo đức, thực hành đạo đức, cũng là một tất yếu. Có thể đó chính là một trong những biểu hiện của cái cơ chế tránh giết chóc đồng loại của loài người, và cơ chế này chính là kết quả chuyển biến thành của cơ chế sinh học tránh giết chóc đồng loại ở loài vật sau quá trình “ý thức hóa”. Cơ chế tránh có ý thức giết chóc đồng loại ở loài người đã có tác động tích cực không thể phủ nhận được trong đời sống sinh hoạt thường nhật của xã hội, và cũng có tác động đáng kể nào đó vào lúc này, lúc khác làm hạn chế chiến tranh trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, tác động hạn chế chiến tranh của cái cơ chế ấy thường là có tính bị động, lệ thuộc nên hiệu quả thấp và thậm chí là có thể chưa từng ngăn chặn được cuộc chiến tranh xâm lược nào. Hay có thể nói là cho đến nay, “quyền lực” của cái cơ chế ấy vẫn chưa đủ uy, chưa đủ mạnh để triệt tiêu mầm mống chiến tranh một cách vĩnh viễn trong đời sống xã hội loài người.
Trong lịch sử thế giới đã từng xảy ra những cuộc tranh biện về đạo đức và những vấn đề liên quan đến đạo đức, trong số đó, cuộc tranh biện mà chúng ta cho là sâu sắc nhất, thiết thực nhất và gây say mê cho hậu thế nhất chính là cuộc tranh biện giữa các nhà hiền triết cổ đại Trung Quốc, tập trung quanh bàn tròn tranh luận thời “Bách gia chư tử” mà tiêu biểu là Lão Tử, Khổng Tử và Mặc Tử - được coi là ba hiền triết sáng lập nên ba trường phái Đạo gia, Nho gia và Mặc gia.

(còn nữa)

Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG

PHẦN III: NGUỒN CỘI

PHẦN IV: BÁU VẬT

PHẦN V: THỐNG NHẤT