Chuyện ở Đại học quân sự Vĩnh Yên - Trần Kiến Quốc

Đăng lại bài viết của Trần Kiến Quốc
(đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi”: Thứ sáu, 21 tháng ba, 2008)



Câu chuyện bắt đầu từ cái đài, cái xe

Cuối tháng 8/1975, sau khi ra trường được đặc cách tham gia chuyến khai thác Hệ thống thông tin viễn thông ICS của Mỹ-ngụy dài ngày, suốt từ Đà Nẵng vào tới tận Sài Gòn, trở về, được nghỉ vài ngày phép. Sau đó, tôi trở về trường với tập tài liệu, 1 máy recorder “hòn gạch” cùng ít băng cat-sét và 1 thùng đạn đại liên đựng đầy ổ cắm các lọai, bảng mạch… Tất nhiên trong hành trang có thêm khẩu carbin cùng vài băng đạn.
Lên Vĩnh Yên gặp lại Phúc Chiến thấy hắn hồ hởi: “Trên cho về thăm quê rồi. Mình đi trước rồi đón bà già và vợ vào sau”. Hắn quê Thừa Thiên – Huế, theo ba mẹ tập kết ra Bắc, nay nước nhà thống nhất thì quá sướng. Về Huế hơn tháng, hắn quay ra với chiếc Honda 67 cùng máy SONY “xì-te-réo” xách tay, 2 loa có thể tháo rời. Hắn khoe, xe và dàn nhờ ông cậu cùng vào Đà Nẵng tậu, sau đó một mình cưỡi xe vượt đèo Hải Vân ra Huế. Từ Huế phóng ra Hải Phòng rồi lên trường.
Mỗi chiều rảnh rang, Chiến hay rủ anh em ra sân vận động nghe nhạc. Hai loa được tháo rời, kéo xa để có “hiệu ứng lập thể”. Chỉ cần 6 cục pin đại Con thỏ là xài được cả tiếng. Nhạc xập xình. Anh em nằm khểnh xuống mặt cỏ thưởng thức. Những bài của Trịnh hay Chế Linh ngày ấy bị cấm nên phải nghe nhỏ. Khóai nhất các bản nhạc của nhóm Beattle, Shadows và nhạc cổ điển hay các bản tình ca Pháp, Mỹ dịch ra lời Việt. Đêm khuya, sương xuống lành lạnh, mới về...

Bữa tiệc mừng tân thượng úy

Cuối năm 1976, anh em Trỗi đồn nhau: Thày Giao vừa lên thuợng úy. Vậy là kế họach tiệc mừng “lên sao” được vạch ra. Ăn nhậu trong đơn vị ầm ĩ là không đuợc. Thị xã Vĩnh Yên ngày ấy chỉ là vài con phố nhỏ, nhà gạch xen lẫn nhà tranh vách đất. Cánh Hòa “tàu”, Hưng “gô” và nhiều học viên hay ra phố “dân vận”, đói thì tạt vào quán phở bà Tòng. Thương lính đói ăn, biết mỗi lần về nhà được cha mẹ tiếp tế nên bà cho ăn chịu. Vậy là địa điểm này được duyệt. Hẹn nhau anh mang rượu cuốc lủi, kẻ mang kí chè, ông lo nải chuối, thằng về tranh thủ vào Giao tế mua lên cây thuốc Điện Biên bao bạc… Đồ ăn đã có quán. Đâu vào đấy. Riêng phần âm nhạc thì Phúc Chiến lo.
Chiều ấy, sau giờ làm việc, các “anh hùng Lương Sơn Bạc” theo hẹn từng tốp tắt ga, kéo ra thị xã. Cánh học viên ngoài Hòa, Hưng có thêm Lê Bình và vài thằng em, cánh giáo viên có Mạnh Hưng, Phúc Chiến, Kiến Quốc, Chí Hòa. Hai bác cả Giao, Ngân vừa bước tới cửa thì dàn “xi-te-réo” của Chiến được bật lên. Dưới bếp khói nghi ngút, bà Tòng đang hí húi nấu nướng, mấy chú khéo tay xung phong chặt thịt. Tiếng dao chém vào thớt chan chát. Trời tối dần, đèn điện bật sáng. Anh Ba Hưng có tài nấu nướng, ra nhà từ sớm đã chế biến thêm mấy đĩa tiết canh ngỗng. Lạc rang giã nhỏ rắc lên. Những đĩa thịt ngỗng luộc chặt miếng to, mấy đĩa rau xà lách trộn hành sống cùng nồi mì bốc khói được bày biện khá đẹp mắt. Mùi thơm của thịt ngỗng mới quyến rũ làm sao. Mâm bát xong xuôi, anh em quây quần rót rượu, chờ đại ca. Anh giai cảm động trước sự thịnh tình này có mấy lời phí lộ:
- Cảm ơn mấy thằng em đã tổ chức bữa tiệc hôm nay! Theo lệ của các sĩ quan bên Tây, trong li rượu đầu phải có những ngôi sao mới. – Nói rồi anh giai tháo quân hàm trên cổ, lấy ra ba ngôi sao bạc, thả vào cốc rượu. Giơ cao cốc, anh nói – Chúc cho anh em ta mãi bên nhau!

- Chúc mừng đại ca! – Anh em nhao nhao hưởng ứng.

Li chạm li lách cách rồi cổ ngửa ra cái “ực”. Thật là vui vì lần đầu tiên bậc đàn anh của lính Trỗi được lên sao thành “cán bộ trung cấp”. Mâm tiệc thịnh soạn vơi dần cùng những chai cuốc lủi. Có men vào, trong tiếng nhạc theo điệu tăng-gô xập xình, không khí càng bốc. Chưa có cuộc vui nào như hôm nay. Bà Tòng đứng ở góc nhà xem anh em ăn uống và tiếp lên những đĩa mới...

Thời gian trôi đi, đã 9g. Một chú ra góc vườn đi tè, chạy bổ vào, hốt hỏang: “Các anh ơi, hình như vệ binh bao vây!”. Thời đó sĩ quan nhậu nhẹt là điều cấm kị. Chắc là vì việc đó? Mọi người nhớn nhác. Ai cũng lo nhất là cho anh giai. Cánh trẻ hô: “Mấy bác lớn tuổi biến trước đi! Còn lại bọn em lo”. Anh giai vừa ra tới cửa thì Phúc Chiến gọi giật lại:

- Ông Giao xách hộ cái máy!

Xách cái máy cùng 2 thùng loa với day dợ lòng thòng, anh giai đạp rào, chạy băng ra phố hướng về phía sân vận động. Chẳng kịp xóa dấu vết, các thành viên nhanh nhẩu chạy mỗi tên một hướng. Khi lính cảnh vệ nhà trường cùng kiểm sóat quân sự Thị đội vào quán thì chỉ còn lại bà Tòng và bàn tiệc bừa bãi với xương xẩu và những chai không. Lục soát một hồi, không bắt được ai, họ đành phải rút.

Không hẹn nhưng tất cả đều kéo ra ga. Điểm mặt thấy thiếu Hòa “tàu”. Gặp Chiến, anh giai giao lại dàn “xi-te-réo” còn nguyên vẹn. Riêng hắn hơi buồn vì không kịp mang theo băng “Buồn tàn thu”. Bàn bạc với nhau, anh giai thắc mắc:

- Sao tụi nó lại bao vây anh em ta?

- Tại… tại… - khi ấy Hưng “gô” mới tự thú – Em và Hòa “tàu” thấy đàn ngỗng của đại đội béo quá, con nào cũng 5-7 kí. Hai tiết cuối, 2 đứa đã lẳng lặng lùa chúng dần về phía xưởng mộc. Sau bữa trưa, quay lại nơi đàn ngỗng tránh nắng, em lấy mấy tàu lá khoai môn “thực thi nghiệp vụ”. Đậy lá khoai lên thấy chúng nằm im. Ẵm gọn 2 chú rồi ôm vượt qua tuờng rào phía Bệnh viện Vĩnh Yên, mang ra “cơ sở cách mạng”. Cũng phải nói dối bà Tòng là mới mua về, rồi nhờ bà thịt. Chắc bọn đại đội thấy mất ngỗng đã báo cáo nhà trường. May mà cánh vệ binh không sớm dò ra địa điểm này…

- Ẩu quá! Nhưng thôi, sự đã rồi… Lần sau đừng làm thế! - Anh giai giục – Thôi, chúng mày về đơn vị!

Anh em giải tán. Thật là may nhờ anh giai dũng cảm xách được dàn máy chạy thoát nên cánh vệ binh mất cả vật chứng. Đây cũng là 1 chiến tích! Rồi chẳng hiểu sao sự việc không bị lật xới lên. Thoát!

(Còn tiếp)