Tôi và cô cháu gái Xtalin (tiếp theo và... khết!) - Duy Đảo
Thứ Bảy, tháng 3 22, 2008(đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi”: Thứ bảy, 22 tháng ba, 2008)
(Xem từ đầu: TÔI VÀ CÔ CHÁU GÁI XTALIN - Duy Đảo)
Xôchi - thành phố nghỉ mát tuyệt đẹp nằm bên bờ biển đen, phía bên kia thành phố vùng ngoại ô là những rừng cây đuổi nhau trải dài tới tận chân núi. Dọc ven biển là vô số khách sạn, những nhà nghỉ dưỡng cao tầng với nhiều kiểu kiến trúc, màu sắc đa dạng ngời lên mỗi sáng dưới nắng ban mai. Xen kẽ những biệt thự vườn những nhà nghỉ nhỏ kiểu Motel là những vườn hoa, vườn nho, vườn cây ăn trái của dân địa phương. Đất ở đây rất tốt, thích hợp để trồng các loại nho và các cây thực phẩm khác. Vì vậy thực phẩm rất phong phú và đa dạng. Phía xa xa là núi cao trùng điệp nằm trong dãy Capkaz tuyết phủ trắng bốn mùa, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm. Xôchi có đường sắt, đường biển, đường không thuận tiện. Chính vì thế nơi đây tọa lạc các nhà nghỉ dưỡng của TW đảng và chính phủ Liên xô trước kia. Là thành phố thuộc Nga nhưng Xôchi lại giáp ranh với Grugia nên dân cư phần đông là người Nga và người Grugia sinh sống, họ sống xen kẽ thân thiện bên nhau. Có một lần gặp một người đi bán mật ong rừng, thấy tóc hạt giẻ, mắt màu nước biển em hỏi: Anh người Nga à, anh ta trả lời: Tôi là người Hylạp. Anh ta nói thêm ở đây ngoài người Nga, Grugia, còn một ít sắc dân khác. Đi ngoài đường ta rất dễ nhận ra anh là người sắc tộc nào: Mắt đen, lông mi dài, lông mày rậm, tóc đen bóng gợn sóng, sống mũi hơi gồ thì đích thị là người Grugia. Em không mấy thiện cảm với cánh đàn ông Grugia chẳng phải là vì cùng cánh “đực rựa” với nhau mà ghen ghét tị hiềm, cũng chẳng phải vì do em bị hai vố đau “hơn hoạn”. Lần thứ nhất em bị một nhóm ba bốn thằng “đầu đen” vét sạch túi bằng quả lừa chơi xúc xắc, lần thứ hai ( lần này không bắt được quả tang) em bị nẫng mất hai cái quần bò xịn (cả gia tài dân sự ki cóp bao nhiêu năm mới “thửa” được) phơi ngoài bancon khách sạn, tiếc “đứt ruột!”mà bảo là em có thành kiến với họ. Nhìn đàn ông Grugia em thấy họ âm thầm và bí hiểm thế nào ấy, rất khó đoán định tình cảm.
Nhưng phụ nữ thì hoàn toàn khác. Thật tuyệt vời, khi đứng trước các nàng ta chỉ còn làm được một điều duy nhất đó là: hít một hơi thật dài, hai bàn tay đưa lên, đặt nơi ngực, vai nhún, hai mắt nhắm nghiền, đầu hơi nghiêng đi một chút và miệng buông một âm ...u…i kéo dài mà thôi (Đây là động tác mà bọn tây nó thể hiện tình cảm khi gặp điều gì bất ngờ, hay xúc động). Gỉa dụ vào một ngày đẹp“giời”nào đó bỗng thấy vợ mặc một chiếc áo mới, hay một kiểu đầu lạ, hoặc một mùi thơm hăng hắc của loại “thuốc hoa” xịn, hay một chiều trên bàn xuất hiện một món ăn mà các bà, các cô vừa sáng tạo ra…Các bác hãy thử một lần làm động tác như thế trước mặt bà xã của mình, hay bác nào muộn vợ cũng thử một lần trước mặt người tình mà xem, em thề, nó hay lắm, nó như tâm linh, không bằng “nhời” mà lại còn hơn ngàn vạn “nhời” tán tỉnh, vừa đỡ đau cơ miệng vừa đỡ tốn nước bọt, chỉ cần một động tác thế thôi nó như thôi miên, làm cho các mẹ u mê và thế là bao nhiêu tội lỗi trên cõi đời này mà anh em mình vướng phải, các mẹ sẽ vứt sọt rác hết và thế là cánh đàn ông chuyên bị “đè nén, áp bức” như anh em chúng ta còn gì hạnh phúc hơn. Tuyệt vời nhất vẫn là đôi mắt, trái tim dù cứng rắn chai sạn đến đâu đi chăng nữa trước ánh mắt nhìn của các em gái Grugia thì mọi cái đều trở nên vô nghĩa, đôi mắt huyền sâu thẳm, lông mi dài, dày cong vút, khuôn mặt đẹp thánh thiện. Nước da các em trắng như không còn gì có thể trắng hơn. (Thế nào cũng có bác chửi em, lại quảng cáo cho Ômô đây!). Có lẽ do tương phản với màu tóc, màu mắt chăng? Ta chỉ có thể phê phán các em ở hai điểm, đó là sống mũi hơi gồ và dáng người hơi to một chút nhưng không sao, ban giám khảo “gà mờ” như chúng em những đệ tử muôn thuở của cái đẹp vẫn sẵn sàng có thể cho qua. Chúng em chỉ thực sự “ngại”, thực sự đắn đo khi để ý tới vòng một và vòng ba của các nàng vì quả thật nó mênh mông và phì nhiêu quá.
Như các bác đã biết Grugia là quê hương của Xtalin, ông sinh trưởng ở thủ đô Tbilixi. Ông có hai người con, một trai một gái. Người con trai là phi công trong chiến tranh, bị bọn Đức bắt làm tù binh, trong bối cảnh ấy Xtalin có một câu nói nổi tiếng, đại loại là: “Tôi không bao giờ đổi một viên tướng để lấy một người lính!”, khi bọn Đức đánh tiếng với ông về việc giải thoát cho người con trai duy nhất đang trong tay chúng. Xtalin chỉ có một người cháu ngoại ruột, bà là nhà địa chất học, hiện sống ở một vùng hẻo lánh thuộc Xiberi. Bà sống khép kín, chẳng ai biết thân thế gốc rễ của bà, và bà cũng không muốn cho ai biết. Bà muốn quên quá khứ. Cuộc sống riêng tư của bà không mấy suôn sẻ.
Chắc các bác lại chửi, tay này lại cà kê dê ngỗng, làm mất thời gian của anh em. Xin lỗi các bác em quay lại ngay đây, các bác đừng nóng vội “từ từ rồi khoai lang sẽ nhừ”. Lần trước kể tới đâu rồi nhỉ? À em nhớ rồi….
Một buổi chiều còn sớm, em và một ông bạn lang thang đi bộ dọc con đường từ nhà nghỉ lui xuống phía dưới cách khoảng non cây số. Chúng em thấy một ngôi nhà nằm bên sườn núi, nhà mái nhọn hai tầng, tầng một xây bằng đá mộc, tầng trên gép bằng gỗ kiến trúc kiểu gotich rất đẹp, tuy nhiên ngôi nhà có vẻ ít được chủ nhân chăm sóc, ngay cả khu vườn thơ mộng bao bọc, và hàng rào gỗ chạy xung quanh hình như đã lâu không có ai sơn phết, cắt tỉa. Tò mò chúng em dừng lại trước cánh cổng bằng gỗ khép hờ, thấy một tấm biển đồng đã bị thời gian làm hoen ố, nhưng hàng chữ vẫn đọc được: “Đây là ngôi nhà Xtalin khi sinh thời ông thường hay nghỉ” - một điều khá bất ngờ thú vị đối với chúng em. Đang ngó ngiêng nhìn ngắm, bỗng chúng em nghe thấy tiếng cười thiếu nữ, qua lùm cây rậm em nhìn thấy ba cô gái đang ngồi trên chiếc ghế xích đu trong vườn. Chúng em đánh bạo “Bọn tao có thể vào thăm nhà ông Xtalin được không?”. Thấy bọn em là người nước ngoài lại quan tâm đến Xtalin nên mấy cô bé hơi ngỡ ngàng. Sau ít phút họ nhìn nhau ngập ngừng như trao đổi điều gì, rồi cô lớn tuổi nhất vui vẻ mời chúng em vào nhà. Họ đưa chúng em qua bậc tam cấp lên thẳng phòng khách nơi tầng một. Đấy là một gian phòng lớn, với nhiều cửa sổ cao, được che bằng những tấm đăng-ten và những tấm rèm lớn màu nhạt, trong phòng hầu như không có gì, ngoài chiếc lò sưởi đốt bằng củi, nằm đối diện là bộ xa lông rộng kiểu cách sang trọng nhưng đã sờn cũ, phía hai mảng tường nằm trung tâm gian phòng treo hai tấm thảm Thổ nhĩ kỳ rất to, loại thảm do thợ thủ công làm bằng tay, cực kỳ tinh xảo với những hoa văn lạ và đẹp. Họ mời chúng em ngồi và chỉ ít sau phút một đĩa mận, nho, táo đã được bày trước mặt. Qua chuyện trò chúng em lõm bõm biết họ là cháu bên ngoại Xtalin, nhà ở thành phố Xôchi, mùa hè kéo nhau lên đây nghỉ. Ngôi nhà này là sở hữu của dòng họ. Chúng em không được chủ nhà mời đi thăm quan thêm phòng nào nữa. Ngồi nói chuyện, cô gái chỉ chiếc ghế giống dạng ghế mây ở ta, có thể bập bênh lên xuống được cho biết duy nhất còn chiếc ghế đó là của Xta lin; ngày xưa ông thường hay ngồi đọc sách, ngoài ra không còn gì.
Sau bữa làm quen ấy, ngày nào bọn em cũng tới chơi chủ yếu là chuyện trò với em lớn tuổi cỡ 24-25 gì đó, chúng em phỏng đoán vậy thôi chứ làm chó gì tò mò dám hỏi tuổi, vì chuyện “ngu” này mà chúng em bị bà giáo dạy Nga văn chưa chồng chửi như té tát khi tỏ ý quan tâm hỏi tuổi bà. Ngược lại cô gái cũng có cảm tình với chúng em. Khi đã “thân thân” chúng em ngỏ lời mời nàng lên nhà nghỉ chơi, nàng hồn nhiên vui vẻ nhận lời. Phòng chúng em ở hai thằng, đồ đạc vứt bừa bãi, chủ yếu hàng hóa là quần áo phụ nữ (không có phụ tùng xích líp vì em ngại và một phần cũng không biết chọn, đem đi sợ ế, vốn đọng thì chết, vì vốn tự có của em chẳng đáng bao nhiêu) . Những hàng hóa này bọn em “cất” từ Maxcova (cũng của mấy “soái” Trỗi nhà ta) đem đi mục đích kiếm tí chênh lệch để thêm hớp bia, hớp rượu cho đời nó tươi. Lúc này cái đầu u mê của em mới nghĩ ra phải có món quà gì đó tặng nàng, cho nó tăng tình hữu nghị. Thế là chúng em như những thằng thợ may học việc, mà là thợ đểu, thợ vụng cứ đo đo, đạc đạc, mà không phải là dùng thước dây để đo như mấy tay thợ may chuyên nghiệp trên phố huyện, mà chúng em đo bằng tay, bằng gang tay. Bờ vai của nàng các bác tính em đo từ bên này cho tới bên kia được gần ba gang, thế có chết không cơ chứ, “Size” áo nào cho vừa? Còn phần eo và phần ngực của nàng thì bọn em ngại vì khu vực nhạy cảm này không thể đo bằng tay được, không khéo lại mất toi tình hữu nghị mà mất mấy ngày giời mới xây đắp nên. Thế là em chọn một chiếc áo phông to nhất, đẹp nhất tặng cho nàng khỏi cần đo đạc gì. Nàng rất tự nhiên cởi áo thử ngay trước mặt chúng em. Thằng bạn em nó nhanh, nó còn quay phắt được mặt đi, còn em vốn chậm chạp lại quá “sốc” cứ đứng chết trân, tay chân cứ đơ ra như con bé “manơcanh” trong cửa hàng “Fashion” trên phố, mắt thì trợn lên, được nhìn mà chả dám nhìn. Chả biết có bác nào lại “ngu lâu” như em không? Cái áo nàng mặc sao lại vừa thế nhỉ, cả tông màu nữa cứ như cái áo sản xuất ra là để dành riêng cho nàng. Thấy nàng có vẻ quyến luyến chiếc váy bò, em tinh ý phát hiện ra, thế là chúng em quyết định để lại cho nàng với giá giao tế “mềm”. Nàng cười tươi như nghé vào hợp tác và lần này nỗi lo sợ của chúng em lớn lao hơn, chỉ sợ nàng thay váy ngay trước mặt chúng em như cái áo trước đó thì chỉ có nước “chết”. Nhưng chẳng để chúng em phải “giàu trí tưởng bở” lo xa, nàng tự giác vào toalet mấy phút sau đi ra nàng bỗng thoắt trở thành một cô gái khác hiện đại hơn, model hơn, đẹp hơn nhưng cặp dò thì không làm sao nhỏ hơn được, chúng em khen nàng hết lời, nàng ra chiều cảm động lắm.
Kỳ nghỉ vui, nhưng cái vui không trọn vẹn, em vẫn canh cánh bên lòng vì lá thư của thằng bạn GĐ của em từ bên nước gửi sang “Ông già tôi qua Hungari nghỉ, khi về có ghé Maxcova ông nhớ lùng ít Serepa - thuốc đau gan, ở nhà đang khan, chạy lắm và được giá. Nhớ là “càng nhiều càng ít”, mà gửi ông già tôi đem về thì chả còn sợ chó thằng công an, hay hải quan nào nữa. Cố gắng nhé!”. Thế là mấy ngày qua em lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm của cái thị trấn vùng núi này mà chỉ kiếm được có mấy hộp. Tại sao mình không nhờ nàng về Xôchi mua giúp? Một phát kiến hay thế mà không nghĩ ra. Thế là em đánh bạo sau một hồi ngập ngừng với giọng nhà quê đặc và ngữ pháp sai be bét em nói: Ở quê bọn anh cánh đàn ông chúng nó uống rượu ghê gớm bằng trăm ngàn lần cánh đàn ông Gruzia bọn em, nhưng ngặt quê anh là xứ nóng do rượu nhiều nên bệnh gan cũng lắm, người nhà rất cần loại thuốc này gửi về để chữa trị. Vừa nói em vừa đưa cái nhãn thuốc cho nàng. Nàng nhiệt tình: để chiều nay em phóng xe về tìm mua cho. Tôi đưa nàng một trăm rúp, ngần ấy tiền là to lắm, nàng rụt cổ lại: Sao nhiều thế! Em giải thích: Cánh đàn ông họ hàng nhà anh đông lắm, hầu như cả nước vì đều là dây mơ, rễ má con cháu Âu Cơ, chúng nó có tật uống rượu, uống bia như hũ nút nên tránh làm sao được cái bệnh gan, nên phải cần nhiều thuốc mới phân phối hết, (Em nói phét với nàng thế). Nhoằng một cái sáng hôm sau phóng xe từ Xôchi lên nàng đem cho em một túi lớn. Trước đống thuốc chân em như khuỵu xuống, thật bất ngờ, quá điều em hằng mong đợi, em chỉ còn biết ôm vội vòng eo quá khổ của nàng hôn nhanh một “phát” vào bên má, (chỉ sợ xúc động quá, luống cuống hôn chệch nó đi vài cm thì là bỏ mẹ!) rồi lí nhí buông lời cảm ơn tự đáy lòng.
Tạm biệt nàng, chúng em theo đoàn trở về nhà nhà nghỉ phía dưới biển. Rồi một tháng qua nhanh, kỳ nghỉ hè phương nam kết thúc. Ở sân bay ở Xôchi khi trở về Matxcova em bị rầy rà một chút với hải quan, nhưng tay trung tá trưởng đoàn đưa thẻ sỹ quan và nhỏ nhẹ, rồi tay hải quan cười ngượng nghịu ra chiều xin lỗi. Chúng em ùa lên máy bay như chạy giặc, mạnh ai lấy ngồi như kiểu xem phim bãi ở ta thời bao cấp ngày xưa.
Sau ba tiếng bay, chúng em đã có mặt ở Matxcova, rời sân bay phóng thẳng ra ga cho kịp chuyến tầu tốc hành lên phương bắc hướng Lêningrat. Mùa thu đã ập về, cái màu nâu đỏ xen lẫn vàng của rừng phong và rừng bạch dương tràn vào khoang cửa con tàu. Khoảnh khắc giao mùa thay đổi từng ngày, bầu trời cao xanh lững thững từng đụn mây trắng. Phong cảnh mùa thu nước Nga quyến rũ và đẹp vô cùng, nó còn thơ mộng và đẹp hơn cả bức tranh “Mùa thu vàng” của Lêvitan . Nhưng lòng em bỗng chợt “héo đi” khi nhớ về một kỷ niệm thoáng qua với cô gái Gruzia xinh đẹp nơi thành phố biển phương nam xa xôi.
Сочи (Russian), Sochi (English)
Trả lờiXóaStalin's Villa, Sochi
Phận má hồng
Trả lờiXóa14 năm sau ngày Stalin qua đời, vào ngày 9.3.1967, đúng một ngày sau Quốc tế Phụ nữ 8.3, các đài phát thanh Mỹ đồng loạt đưa tin con gái Stalin xin tỵ nạn chính trị tại Đại sứ quán Mỹ ở New Dehli (Ấn Độ), nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận.
Đó là Svetlana Alliluyeva, con gái của Stalin, người sống yên lặng từ sau cái chết của cha trong một căn hộ ở Moskva, không xa Sứ quán Anh. Bà là một nhà nghiên cứu, dạy học, phiên dịch ở Moskva.
Mẹ của Svetlana là bà Najezda Alliluyeva. Bà là vợ hai của Stalin, qua đời ngày 9.11.1932 do bệnh ruột thừa khi con gái rượu Svetlana mới 6 tuổi. Quanh cái chết của bà cũng lắm thông tin trái ngược, bí ẩn như cái chết của Stalin. Những chuyện cung đình thời ấy đều bị đóng kín.
Svetlana sinh ngày 28.2.1926, tên đầy đủ là Svetlana Yosifovna Stalina, con út và con gái duy nhất của Stalin. Cô có anh trai là Yakov, tham gia Hồng quân trong chiến tranh thế giới hai và bị phát-xít Đức bắt. Quân Đức biết đó là con Stalin, đề nghị đổi lấy một tướng phát-xít bị Hồng quân bắt. Stalin được khâm phục và nổi tiếng với câu trả lời: Không bao giờ tôi đổi một lính lấy một tướng. Yakov bị phát-xít Đức giết hại.
Svetlana sống và ảnh hưởng nhiều từ cô bảo mẫu. Lớn lên cô long đong trong tình duyên. Năm 16 tuổi, cô phải lòng một đạo diễn điện ảnh gốc Do Thái là Alexei Kapler, nhưng ông bố phản ứng mạnh chuyện tình "vớ vẩn" này. Kapler bỗng bị lĩnh án 10 năm cải tạo lao động ở Siberia. Năm 17 tuổi, Svetlana lại yêu một sinh viên cũng gốc Do Thái ở đại học Moskva. Người đàn ông may mắn có tên Grigori Morozov, rốt cuộc cũng cưới được Svetlana, nhưng bố vợ nói sẽ không bao giờ gặp con và rể. Svetlana sinh con trai năm 1945, lấy tên cúng cơm ông đặt cho con là Yosif. Đến năm 1947 họ ly dị. Morozov chết tại một nông trang ở Siberia.
Năm 1949, Svetlana đi bước nữa với Yuri Zhdanov, con trai của Andrei Zhdanov, một trợ lý thân cận của Stalin. Svetlana sinh con gái Ekaterina (Yekaterina) năm 1950 rồi cũng ly dị. Năm 1963, Svetlana quen Brajesh Singh, một đảng viên cộng sản Ấn Độ đi tham quan Moskva. Năm 1965 ông này đến Nga làm phiên dịch để gần người yêu, nhưng không được phép lấy nhau. Nguồn khác nói họ làm đám cưới lặng lẽ năm 1964.
Singh qua đời tháng 11.1966, Svetlana được phép đến Ấn để rải tro xác chồng xuống sông Hằng. Ngày 6.3.1967, sau khi ghé Sứ quán Nga, bà đến thẳng Sứ quán Mỹ, đề nghị được gặp đích thân Đại sứ Chester Bowles để xin tỵ nạn.
Đời trôi dạt
Nỗi khó xử lại là nước chủ nhà Ấn Độ. Để giải quyết chuyện "tế nhị" này và tránh những ái ngại trong quan hệ ngoại giao với LX, một kế hoạch nhanh chóng được lập ra và thực thi: Svetlana rời Ấn đến Thụy Sĩ sau khi quá cảnh Rome (Italy). Ở Geneve, bà cũng lưu trú 6 tuần rồi đến Mỹ vào tháng 4.1967.
Vừa đặt chân tới New York, bà họp báo và gây bất ngờ cho toàn thế giới khi tố cáo chế độ của bố, khiến lãnh đạo LX thời đó là Alexei Kosygin nói bà là một "kẻ bệnh hoạn".
Đến cuối năm đó, Svetlana xuất bản cuốn hồi ký "20 lá thư gửi một người bạn" nhưng chỉ được cấp phép xuất bản với điều kiện phải tránh thời điểm LX kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, một cú lách ngoại giao giúp quan hệ Mỹ-Xô không lạnh thêm. Svetlana trở thành công dân Mỹ, đổi tên thành Lana Peters khi lập gia đình với kiến trúc sư Mỹ William Peters năm 1970. Nhưng họ ly thân ngay sau khi cô con gái Olga chào đời.
Năm 1984 bà về LX thăm hai đứa con từng bỏ lại. Rồi bà làm "Gruzia kiều Mỹ yêu nước", về định cư tại Tbilisi (Gruzia, quê bố). Năm 1986, bà lại rời LX qua Mỹ, những năm 1990 lại định cư tại Anh. Hiện bà đang sống trong một nhà dưỡng lão ở bang Wisconsin (Mỹ).
(Theo Quốc tế)
http://olympiavn.org/forum/index.php?topic=29.0