THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 33/a




PHẦN III:     Nguồn cội

“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.”
.


CHƯƠNG XI: ANH HÙNG

“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng, và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”
Hồ Chí Minh


Lịch sử đã chứng minh rằng hình thể đất trời sông biển Việt Nam có được như ngày nay là kết quả của một quá trình giữ nước kiên cường, bất khuất của Dân tộc Việt, đi đôi với quá trình (đắp đập, be bờ) phía Bắc là lan tỏa dân cư một cách tương đối hòa bình xuống phía Nam trước một Chiêm Thành tự suy tàn bởi tính hiếu chiến của nó và một Chân Lạp sình lầy, nước đọng, hoang sơ. Có thể nói sự mở rộng lãnh thổ đó có tính hồn nhiên, “thuận thiên”.
Dù rằng cũng có một hai đời vua kéo quân đi xâm lấn láng giềng, nhưng nhìn chung thì trong tâm hồn Dân tộc Việt không tồn tại ý chí bành trướng lãnh thổ bằng bạo lực. Do đó mà cũng không thể xây Việt Nam “to” hơn được.
Tâm nguyện của Hồ Chí Minh, tiêu biểu cho tâm hồn cao đẹp, trong sáng của Dân tộc Việt trong thời đại mới, là mong đất nước được độc lập, dân tộc được tự do, Tổ quốc thịnh vượng. Vì thế, khi Hồ Chí Minh nói “to đẹp hơn” thì nên hiểu theo nghĩa “cao đẹp hơn”, “tươi đẹp hơn”.

Như đã nói, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã tạo ra thiên thời có một không hai cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Cách mạng Việt Nam, đứng đầu là Hồ Chí Minh - một đại anh hùng dân tộc ở thế kỷ XX của Dân tộc Việt.
Ngày 23-9-1940, với sự giúp đỡ của phát xít Đức, chính phủ bù nhìn của Pháp, đứng đầu là Pêtanh đã ký hiệp ước thỏa thuận cho Nhật được đưa quân vào Đông Dương. Toàn quyền Đờcu  (Jean Decoux) được ủy quyền trực tiếp dâng Đông Dương cho Nhật. Cuối tháng 10 năm đó, những toán lính Nhật đầu tiên đã tới Hà Nội.
Sau một vài năm mị dân để chuẩn bị tình thế, đến ngày 9-3-1945 thì Nhật nổ súng hất cẳng Pháp một cách dễ dàng. Chúng vẫn giữ nguyên bộ máy cai trị cũ, thay người Pháp thành người Nhật: thống sứ Nhật, đốc lý Nhật, chúa ngục Nhật, hiến binh Nhật… Lúc này bộ mặt tàn bạo của phát xít Nhật mới lộ hết chân tướng: ra sức vơ vét cướp bóc, bắt dân nhổ lúa, ngô, trồng đay, thầu dầu phục vụ chiến tranh, đàn áp, bắt bớ phong trào Việt Minh, gây ra nạn đói thê thảm làm chết hai triệu người.
Cách mạng Việt Nam, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, bước vào thời kỳ cao trào chống Nhật, cứu nước. Bản chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và của Mặt trận Việt Minh. Ban thường vụ Trung ương Đảng chỉ rõ: “Nếu Nhật đem quân đánh phá khu du kích thì đội quân du kích phải khéo dùng chiến thuật hóa chẵn thành lẻ, hóa lẻ thành chẵn phối hợp với nhân dân đằng sau quân địch đánh phá, nhiễu loạn làm cho chúng phải rút lui”.
Tháng 4-1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng ra nghị quyết về nhiệm vụ chống lại cuộc tấn công của Nhật vào các khu căn cứ địa, đại ý như sau:
- Vì là đang thời kỳ xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, nên phải dùng chiến thuật đánh du kích, đánh úp địch bằng những trận nhỏ, nắm chắc phần thắng để giữ gìn và bồi dưỡng lực lượng.
- Phát động du kích thành nhiều chiến khu, nhiều căn cứ địa để đề phòng địch bao vây.
- Dùng chiến thuật “dĩ công vi thủ” (lấy tấn công làm phòng thủ) mà đối phó khi địch bao vây. Nếu không giữ được căn cứ thì kiên quyết rút lui để bảo toàn lực lượng.
- Thi hành vườn không nhà trống.
- Các chiến khu và căn cứ địa phải liên kết chặt chẽ, tương ứng được với nhau.
Từ sau ngày 9-3 đến cuối tháng 4-1945, bằng nhiều hình thức hoạt động du kích kết hợp với nổi dậy của nhân dân địa phương, Việt Minh đã giải phóng được phần lớn nông thôn của 6 tỉnh ở Việt Bắc, lập chính quyền cách mạng ở những vùng đó.
Sau khi hất cẳng Pháp, đến cuối tháng 3, quân Nhật bắt đầu tràn lên chiếm đóng các tỉnh lỵ, sục xuống các làng xã, tiến đánh các khu du kích, đặc biệt, vào trung tuần tháng 5, chúng huy động hàng ngàn quân mở cuộc càn quét lớn khu căn cứ của Việt Minh ở giữa sông Lô và quốc lộ 3.
Bằng cuộc chiến tranh du kích ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên, các lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng nhân dân đã nhanh chóng bẻ gãy các mũi tiến công càn quét của Nhật, đánh bật chúng ra khỏi các vùng giải phóng, bao vây chúng trong một số huyện lỵ, tỉnh lỵ, vừa giữ vững được chính quyền cách mạng, vừa tiếp tục mở rộng vùng giải phóng.
Sau khi Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, quân Nhật lại tiếp tục mở các cuộc càn quét mới, nhưng đều thất bại. Không những bảo vệ vững chắc cùng giải phóng đã tạo lập được, các lực lượng vũ trang cách mạng ở Việt Bắc đã sẵn sàng cùng toàn dân xông lên, tổng khởi nghĩa…
Ngoài căn cứ địa Việt Bắc ra, hoạt động thành lập chiến khu, căn cứ địa và đấu tranh du kích để bảo vệ và mở rộng những địa bàn đó của Việt Minh cũng diễn ra tại những nơi khác ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và cả ở Nam Kỳ (vùng Tân Uyên đang manh nha trở thành căn cứ địa, sau này trở nên lừng danh với cái tên: Chiến khu Đ).
Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và ngay lập tức tấn công đội quân Quan Đông ở Mãn Châu. Sự kiện này làm rúng động chính quyền Nhật ở Đông Dương, gây chia rẽ, tan rã, mất tinh thần quân Nhật đóng ở đó. Mặt khác nó cũng mở ra cơ hội cho thực dân Pháp đang lăm le khôi phục lại địa vị của chúng ở Việt Nam.
Khoảng giữa tháng 8-1945, Trung ương Đảng khẩn trương triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng. Giữa lúc Hội nghị đang họp thì nhận được tin Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Sau khi nhận định tình hình, Hội nghị đã xác định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”, “Tình hình vô cùng khẩn cấp”. Ngay đêm 13-8, Ủy ban khởi nghĩa được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa ra quân lệnh số 1. Tất cả các đơn vị Giải phóng quân được lệnh chiến đấu.
Quân Nhật ở Đông Dương lúc này còn nguyên một quân đoàn (quân đoàn số 38) với 6 vạn người vẫn trang bị đầy đủ vũ khí và các đơn vị không quân, hải quân… cùng với lực lượng ngụy quân gồm hơn 2 vạn lính bảo an. Tuy nhiên tinh thần chiến đấu của chúng đã không còn nữa. Trong khi đó, lực lượng vũ trang cách mạng mới chỉ có khoảng 5 ngàn Giải phóng quân và khoảng vài vạn dân quân tự vệ với trang bị vũ khí kém nhưng tinh thần chiến đấu lại rất cao, thể hiện ý chí quật cường của cả một dân tộc đang khao khát độc lập tự do hơn bao giờ hết, tựu trung trong câu nói của Hồ Chí Minh: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Với khí thế sục sôi cao độ đó, với sách lược mềm dẻo “trung lập hóa quân Nhật”, trong thời cơ chín muồi có một không hai đó, chỉ trong vòng 12 ngày, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã thành công trên hầu khắp đất nước Việt Nam. Có thể nói sự thành công này là kết quả của hành động kiên quyết cách mạng có thế và lực áp đảo quân thù. Lực có được là từ sự đấu tranh bền bỉ, chuẩn bị lâu dài, thế có được là do biết chớp được thời cơ và ở đây thời cơ đã trở thành một lực lượng quan trọng, to lớn của cách mạng. Hay có thể nói khác đi rằng: thời cơ đã làm cho chính quyền Nhật và tay sai ở Việt Nam trở thành một cái xác cồng kềnh nhưng mất hồn và bất lực.
Riêng ở Hà Nội kính yêu, diễn tiến của phong trào Cách mạng dẫn đến khởi nghĩa cướp chính quyền được tóm tắt như sau:
Chỉ trong vòng 5 tháng (từ ngày Nhật đảo chính Pháp đến tháng 8-1945), phong trào đấu tranh của công nhân, quần chúng Hà Nội bộc phát, sôi nổi và mang tính chất tập dượt, biểu dương lực lượng chính trị. Cũng sau ngày 9-3-1945, ở Hà Nội ra đời những lực lượng vũtrang tuy ên truyền đầu tiên. Tháng 4-1945, Thành ủy triệu tập hội nghị quyết định đẩy mạnh việc phát triển các đội tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong, tổ chức mua sắm vũ khí và mở các lớp huấn luyện tuyên truyền cấp tốc.
Ngày 20-4-1945, hàng trăm thanh niên nam nữ nội thành đã được huy động đến tham dư cuộc mít tinh lớn tại xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm). Ngày 29-4, một cuộc mít tinh gồm hàng ngàn thanh niên được tổ chức ở chợ Canh (Hoài Đức). Tại đây, các nữ đội viên tuyên truyền xung phong đã giải thích tình hình và kêu gọi quần chúng tham gia Việt Minh đánh Nhật cứu nước. Trong tháng 5, Đoàn thanh niên xung phong Hoàng Diệu đột nhập diễn thuyết ở nhiều nơi như: trường Gia Long (phố Phủ Doãn), trường Kỹ Nghệ (phố Quang Trung), chợ Láng (quận Đống Đa), nhà máy rượu (phố Lò Đúc)… Sang tháng 6, hoạt động xung phong tuyên truyền càng sôi nổi: nói chuyện ở cửa trường Phêlit Phôrơ (cuối đường Trần Phú), cắt ngang buổi diễn ở rạp Tố Như (phố Hàng Bạc) để tuyên truyền chính sách của Việt Minh, phá cuộc mít tinh ngày 17-6 (kỷ niệm Nguyễn Thái Học) do đám Đại Việt (thân Nhật) tổ chức ở vườn Bách Thảo với ý đồ ca ngợi phát xít Nhật… Ở vùng ngọai thành phong trào chống Nhật và tay sai cũng phát triển rầm rộ…
Đầu tháng 7-1945, hai đại biểu Thành ủy Hà Nội đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào và một đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội cùng lên đường đến Tân Trào dự Quốc dân đại hội. Bước sang tháng 8, điều kiện chuẩn bị khởi nghĩa về chủ quan đã chín muồi và tình thế thuận lợi khách quan đã xuất hiện. Chính quyền tay sai bù nhìn ở Bắc Kỳ lúc này đã thực sự hoảng sợ, ngỏ ý muốn gặp đại diện của Việt Minh. Ngày 13-8, Nguyễn Khang dẫn đầu một phái đoàn Việt Minh đến gặp Khâm sai Bắc Kỳ. Trong cuộc gặp gỡ này, phía chính phủ bù nhìn nói rõ ý muốn mời Việt Minh tham gia chính quyền và xin ngừng bạo động chống Nhật: Họ sẽ đứng ra điều đình để Nhật trao lại quyền độc lập(!) và cả vũ khí. Một đề nghị thật sự khôi hài! Phía Việt Minh đã bác nó, tuyên bố rõ lập trường chống phát xít và đường lối cách mạng của mình.
Ngày 15-8, chính phủ Nhật chính thức đầu hàng Đồng Minh. Ở Hà Nội, các nơi Nhật đóng quân đều treo cờ rũ. Xứ ủy Bắc Kỳ họp ngay tại cơ sở làng Vạn Phúc (thị xã Hà Đông), chủ động ra quyết định xúc tiến khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh do Xứ ủy phụ trách (chủ trương của Hội nghị Đảng toàn quốc và Quốc dân đại hội tại Tân Trào đã có nhưng chưa kịp truyền đạt tới). Hội nghị cán bộ quân sự bất thường được Thành ủy Hà Nội triệu tập tại chùa Hà (làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm) để bàn công tác quân sự chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.
Một ngày sau, tức ngày 16-8, Thành ủy lại triệu tập một hội nghị cán bộ mở rộng ở xóm Duệ Tú (làng Dịch Vọng), để thông báo quân lệnh số 1 (vừa nhận được) và thành lập Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội - sau này gọi là Ủy ban khởi nghĩa. Tối hôm sau, ủy ban đã triệu tập cuộc họp tại nhà bà Hai Nhã (làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm) để quyết định kế hoạch và ngày giờ khởi nghĩa.
Ngày 17-8, báo chí hàng ngày đã công khai thông tin Nhật đầu hàng vô điều kiện. Cũng trong ngày đó, cái gọi là Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ họp ở Khai trì tiến đức (nay là phòng bán vé máy bay ở phố Lê Thái Tổ) với mục đích tìm cách chống phá cuộc khởi nghĩa mới phát động của Việt Minh. Vào buổi chiều, cái gọi là Tổng hội viên chức đã tổ chức một cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát thành phố, nhằm hô hào quần chúng ủng hộ chính quyền bù nhìn. Vì Việt Minh đã có sẵn những nhân mối trong tổ chức này nên Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội đã quyết định tương kế tựu kế, chiếm diễn đàn để tuyên truyền cách mạng. Trong dòng người kéo về quảng trường có những tiểu tổ tự vệ chiến đấu, những đoàn viên tuyên truyền xung phong, hội viên các tổ chức cứu quốc… để thi hành nhiệm vụ trên.
Hai giờ chiều, cuộc mít tinh bắt đầu. Sau lời khai mạc, một diễn giả thuộc phe chính phủ bù nhìn chuẩn bị nói thì một đội viên tự vệ đứng cạnh lễ đài bỗng giương cao lá cờ đỏ sao vàng. Hàng vạn người reo lên:
- Cờ Việt Minh! Cờ Việt Minh!...
Tức khắc, từ trong đám đông dự mít tinh trên quảng trường, nhiều lá cờ đỏ sao vàng cũng xuất hiện. Cả biển người náo động. Lính bảo an và cảnh sát có tới hàng trăm tên, súng có trong tay nhưng bất lực.
Bên lễ đài, cờ (quẻ ly) của bù nhìn bị hạ. Từ bao lơn Nhà hát thành phố, một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn tỏa ra phủ kín mặt trước lễ đài. Cả biển người lại đồng loạt vỗ tay vang dậy. Một đội viên tuyên truyền xung phong Việt Minh bước đến trước loa phóng thanh và sau khi sự ồn ào dịu xuống, đã nói về những chuyển biến của tình hình thế giới rồi kêu gọi đồng bào đoàn kết, cầm vũ khí nổi dậy. Tiếp đó, một đại biểu phụ nữ lên hô hào nữ giới tham gia khởi nghĩa.
Tiếng reo hò hưởng ứng Việt Minh từ quần chúng tham gia mít tinh lại vang lên. Ông Nguyễn Khang, đại diện cho Mặt trận Việt Minh kêu gọi nhân dân Hà Nội vùng lên khởi nghĩa và đề nghị quần chúng có mặt tại cuộc mít tinh chuyển sang biểu tình tuần hành. Đồng bào hưởng ứng ngay và nhanh chóng xếp thành đội ngũ dưới sự hướng dẫn của các tiểu tổ tự vệ chiến đấu, hội viên cứu quốc… Theo hiệu lệnh từ loa phóng thanh, một đoàn biểu tình phút chốc được hình thành và bắt đầu tuần hành. Có thể nói rằng chính thời khắc này là phút giây đầu tiên của Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Đoàn biểu tình có lá cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đi dọc phố Tràng Tiền, tới Bờ Hồ thì rẽ sang phố Đinh Tiên Hoàng. Dọc đường, người ở hai bên hè phố nhập vào đoàn ngày một đông. Ban đầu, đám lính bảo an và cảnh sát của chính quyền bù nhìn còn đi trên hè, nhưng đến vườn hoa Chí Linh, theo sự vận động của tiểu tổ tự vệ, họ cũng nhập luôn vào hàng ngũ biểu tình. Đoàn biểu tình tiếp tục tuần hành qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân, rẽ sang phố Phan Đình Phùng. Tới đây, trời bỗng đổ mưa rào nhưng đoàn biểu tình vẫn tiến, qua Cửa Bắc, rẽ sang phố Hùng Vương, qua Phủ toàn quyền, xuôi theo đường Cột Cờ (đường Điện Biên Phủ ngày nay), tới Cửa Nam thì tản ra các ngả phố…
Ngay tối hôm ấy (17-8), Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội họp bàn biện pháp cụ thể tiến hành khởi nghĩa và quyết định khởi sự vào sáng ngày 19-8-1945.
Ngày 19-8, mới sáng ra, cả Hà Nội, trên khắp các nẻo đường đã rực rỡ rừng cờ sao. Từ các cửa ô, từng đoàn nông dân lũ lượt tấp vào. Đồng bào ở Láng, Mọc, Thái Hà đã tập hợp thành đội ngũ kéo đi chiếm đại lý Hoàn Long trước khi vào nội thành dự mít tinh. Tất cả các đường ô Cầu Giấy, Chợ Dừa, Cầu Dền, Vống Mác, Yên Phụ, các vùng Chợ Bưởi, Nghĩa Đô, và cả từ bên kia sông Hồng, từ Gia Lâm, Ái Mộ, đồng bào nườm nượp kéo về nội thành. Đi đầu từng đoàn là các đội tự vệ, trai thì mặc quần áo nâu chẽn ống, đầu trần, gái thì chít khăn vuông, áo nâu, quần thâm nịt ống. Người nào cũng có một thứ vũ khí trong tay: súng, giáo mác, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm, liềm, hái… cả bà con nông dân ở thị xã Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng, Hoài Đức cũng nô nức về tụ hội…
Đúng 11 giờ, cuộc mít tinh bắt đầu. Sau phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh, ba phát súng báo hiệu lễ chào cờ. Trong tiếng nhạc của bài “Tiến quân ca” hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa quảng trường. Vị đại diện Ủy ban quân sự cách mạng Thành phố lên lễ đài đọc lời kêu gọi toàn dân khởi nghĩa. Sau đó cuộc mít tinh chuyển thành biểu tình vũ trang, chia ra làm hai đoàn chính đi chiếm các công sở. Một đoàn đi chiếm Phủ Khâm sai (phố Ngô Quyền), Tòa Thị chính (phố Đinh Tiên Hoàng) và Sở cảnh sát Trung ương (phố Hàng Bài). Đoàn trước không gặp sự kháng cự nào đáng kể. Đoàn sau, lúc đầu bị quân Nhật dùng xe tăng bít các ngả đường, nhưng sau, trước khí thế của quần chúng, địch phải nhượng bộ. Lực lượng Cách mạng thu được 400 súng và thêm một kho vũ khí. Ngoài ra, các đơn vị tự vệ cũng tỏa ra chiếm được kho bạc, sở mật thám…
Đến đây, chính quyền thành phố đã nắm trọn trong tay quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa ở thành phố Hà Nội đã thắng lợi. (Ngày 23-8, Cách mạng tiếp quản Huế; ngày 25-8, thì tiếp quản Sài Gòn).
Ngày 24-8-1945, Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới làng Phú Gia (huyện Từ Liêm), hôm sau thì vào nội thành, ở tại nhà số 48 Hàng Ngang.
Ngày 28-8, danh sách Chính phủ lâm thời được công bố trên các báo chí Hà Nội.
Đúng 14 giờ ngày 2-9-1945, các thành viên của Chính phủ Cách mạng lâm thời đã có mặt trên lễ đài. Sau khi chào cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập - tự do - hạnh phúc.
Buổi lễ tổng kết bằng “Lời thề độc lập”:
“Chúng tôi, toàn thể dân Việt Nam xin thề: Kiên quyết một lòng ủng hộ chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng tôi xin thề: cùng Chính phủ giữ vững nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng”.
***
Nhưng thống nhất nước nhà, độc lập dân tộc vẫn thực sự chưa đến được với nhân dân Việt Nam. Họ phải tiếp tục một cuộc trường chinh suốt hơn 40 năm chống thù trong giặc ngoài nữa, phải tiến hành một cuộc đấu tranh vũ trang 30 năm hết sức gian lao mà anh dũng, đau thương mà hào hùng, làm “chấn động địa cầu”, phải qua hơn 10 năm buồn tủi, dằn vặt, trăn trở với chính mình nữa, mới đến được bến bờ của Độc lập - Tự do - Ấm no - Hạnh phúc. (Nhưng đến nay đã có nhiều bộc lộ cho thấy người dân Việt nói chung vẫn chưa được thụ hưởng “Tự do” một cách trọn vẹn. Có như thế không phải là do chính quyền hiện hành cố tình muốn như thế. Nguyên nhân sâu xa chính là sự lạc hậu về nhận thức xã hội trong thời đại mới. Cơ sở lý luận của nhận thức đó đã tỏ ra không còn vững chắc trước những phản biện có tính xây dựng và cả những phản biện đầy tính hằn thù. Nhiều kẻ hận thù Cộng sản đến thâm căn cố đế đã núp dưới chiêu bài nhân quyền, yêu nước thương nòi để ra sức moi móc, thổi phồng, "bé xé ra to", chửi bới, thóa mạ không những đối với chính quyền hiện hành nói chung mà cả đối với những cá nhân đang thực thi nhiệm vụ trong chính quyền đó (thậm chí là đối với cả những người Cộng sản đã chết) nói riêng. Những kẻ đó, chưa cần nói đến những vu khống trắng trợn, vô liêm sỉ của họ, là những kẻ ích kỷ, đê hèn, chỉ chăm chăm đạp đổ Cộng sản cho hả hận thù chứ thực chất không hề quan tâm đến vận nước và hơn nữa, là phá hoại đất nước. Sự hoang mang trong nhận thức đã làm không ít người tin một cách mù quáng vào những luận điệu sai trái của những kẻ cũng mù quáng nốt mà cứ tưởng mình là “hiền triết” ấy. Rất tiếc! Chúng ta cho rằng Việt Nam đang ở trong tình trạng “đêm trước” của Đổi Mới tư duy lần thứ hai, và tin rằng, sự đổi mới tư duy lần thứ hai cũng tuyệt đẹp như lần đổi mới thứ nhất: dân giàu hơn, nước mạnh hơn bởi tự do tư tưởng thực sự tồn tại trong xã hội)!…
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa hưởng được một ngày độc lập, hòa bình trọn vẹn thì ngày 7-9-1945, dưới danh nghĩa đến nhận sự đầu hàng của phát xít Nhật ở Bắc vĩ tuyến 16, những đơn vị đầu tiên của quân Tưởng Giới Thạch đã tới Hà Nội. Đến ngày 14-9-1945 thì tư lệnh quân đoàn 93 Vân Nam, đồng thời đảm nhiệm chức tổng tư lệnh quân Tưởng ở Việt Nam tên là Lư Hán cũng đặt chân đến Hà Nội. Tổng số quân Tưởng là 18 vạn. Bám sát đạo quân này để theo đóm ăn tàn, kiếm chác danh lợi là đám Việt cách (Việt Nam cách mạng đồng minh hội), Việt quốc (Việt Nam quốc dân đảng)… Việt cách, Việt quốc là hai tổ chức đã thoái hóa và trở nên phản động. Còn đạo quân Tưởng này là một đám ô hợp, đói khát, bệ rạc, sang chủ yếu là kiếm chác, cướp bóc, phá phách, hà hơi tiếp sức cho bọn tay sai uy hiếp quần chúng cách mạng và hù dọa, thậm chí là nếu có điều kiện thì lật đổ luôn Chính phủ lâm thời.
Trước đó, Pháp đã vận động Anh và Mỹ cho phép đặt một phái bộ không chính thức của Pháp ở Hà Nội. Ngày 22-8-1945, Xanhtơni (Sainteny), sĩ quan tình báo của Pháp cùng 4 sĩ quan Pháp khác, theo chân phái đoàn Mỹ do thiếu tá Pati (Patty) - thuộc cơ quan tình báo chiến lược Mỹ Q.S.S (tiền thân của cục tình báo chiến lược Mỹ - C.I.A) chỉ huy, đáp máy bay từ Côn Minh (Trung Quốc) đến Hà Nội. Do mâu thuẫn giữa Tưởng và Pháp mà nhóm Xanhtơni bị cô lập ở Phủ toàn quyền cũ. Mãi hai tháng sau, nhóm này mới được Tưởng cho phép đặt trụ sở không chính thức ở một ngôi nhà gần trường Kỹ nghệ thực hành (ở phố Quang Trung).
Dựa vào sự giúp đỡ của viên tướng Mỹ cố vấn cho Lư Hán là Caladơ (Callagher), Xanhtơni mua được vũ khí của quân Tưởng để trang bị cho lính Pháp ở trong thành. Ngoài ra, nhóm Xanhtơni còn xúc tiến việc liên lạc móc nối với lũ quan cai trị cũ của Pháp đang sống và chờ đợi ở khách sạn Mêtrôpôn (nay là khách sạn Thống Nhất) cũng như làm một số việc xấu xa khác… Tất cả những hành động của nhóm Xanhtơni đều nằm trong mưu đồ phục vụ cho việc tái chiếm Đông Dương của Pháp.
Thực ra ý đồ muốn lập lại quyền thống trị Đông Dương của Thực dân Pháp đã có từ lâu. Ngay từ 24-3-1945, chính phủ lưu vong Đờ Gôn đã ra một tuyên bố về Đông Dương, trong đó có đoạn:
“Đông Dương sẽ được thành lập theo kiểu liên bang gồm 5 xứ khác nhau (Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên, Ai Lao). Liên bang Đông Dương sẽ cùng với nước Pháp xây dựng thành khối liên hiệp Pháp mà quyền ngoại giao sẽ do Pháp đại diện.
Đông Dương sẽ có một chính phủ liên bang, đứng đầu là một viên toàn quyền và gồm những bộ trưởng chịu trách nhiệm trước viên toàn quyền đó. Chính phủ liên bang sẽ là người trọng tài của 5 xứ. Bên cạnh viên toàn quyền có một hội đồng nhà nước, trong đó người Đông Dương chiếm nhiều nhất là 50% số ghế. Một quốc hội được bầu ra phải phản ánh quyền lợi của nước Pháp…”.
Đến tháng 6-1945, Lơcléc, một tướng Pháp cừ khôi của chính phủ Đờ Gôn trong chiến tranh thế giới thứ hai, thuộc dòng họ quí tộc có truyền thống binh nghiệp vào hàng lâu đời nhất của Pháp, được Đờ Gôn cử làm tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp tại Viễn Đông. Lực lượng này bao gồm sư đoàn thiết giáp số 2, hai sư đoàn bộ binh thuộc địa số 3 và số 9 (hầu hết là lính châu Phi). Ngoài ra còn có 6.000 lính Pháp bị đuổi dạt sang Trung Quốc từ Bắc - Đông Dương khi Nhật đảo chính và đang ẩn náu ở đó, cùng với khoảng 5.000 lính Pháp bị Nhật bắt giam ở Hà Nội, Sài Gòn… cũng được “đặt dưới sự chỉ huy của tướng Lơcléc”.
Ngày 18-8-1945, Lơcléc cùng bộ phận “tiền trạm” đáp máy bay đi Xri Lanca, liên lạc với tổng hành dinh của tư lệnh lực lượng Anh ở Đông Nam Á, với nhiệm vụ “khẩn khoản đề nghị với Anh cho Pháp được đưa một bộ phận trang bị nhẹ, có tính chất tượng trưng đi theo quân Anh vào tiếp quản miền Nam Đông Dương, trong khi chờ đợi lực lượng viễn chinh tiếp tục kéo vào sau”.
Tuy nhiên, hành động chớp thời cơ cực kỳ mau lẹ của Cách mạng Tháng Tám (chỉ sau Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Đồng Minh có 5 ngày, đã thành công!) làm cho khi Hồ Chủ Tịch trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập và tự do, tại vườn hoa Ba Đình thì cả Anh, Mỹ, Tưởng, Pháp, và nói chung là cả cái đám có tâm hồn không lấy gì làm trong sáng ấy vẫn chưa kịp kéo vào Việt Nam.
Ngày 27-8-1945, đại tá Pháp là Xêdin nhảy dù xuống Hớn Quản, được quân Nhật đưa về Sài Gòn, đã nhân danh ủy viên cộng hòa Pháp ở miền Nam - Đông Dương gặp Ủy ban nhân dân Nam Bộ đòi công nhận bản tuyên bố ngày 24-3 của Đờ Gôn. Ủy ban Cách mạng kiên quyết bác bỏ và còn đòi Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Để tỏ rõ thiện chí, Ủy ban Cách mạng cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác với nước Pháp mới.
Ngày 2-9-1945, giữa lúc 50 vạn nhân dân Sài Gòn họp mít tinh mừng ngày Độc Lập thì một số người Pháp nấp trong nhà thờ Đức Bà xả súng bắn vào đám đông, làm chết 47 người và nhiều người khác bị thương.
Với danh nghĩa vào giải giáp quân Nhật ở Đông Nam Á theo Hội nghị Pốtxđam, ngày 6-9-1945, những đơn vị đầu tiên của quân Anh đã đổ bộ vào Sài Gòn. Ngày 11-9, tư lệnh quân Anh là Grêxi (Douglas D. Gracy) đến Sài Gòn. Ngày 12-9, một lữ đoàn thuộc sư đoàn 20 của quân đội Hoàng gia Anh cũng tập kết đến nơi. Đến theo quân Anh có 120 lính thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 của Pháp.
Từ ngày quân Anh đóng quân ở Sài Gòn, tình hình ở đây ngày càng căng thẳng. Bất chấp chủ quyền của Việt Nam, quân Anh hành động rất ngang ngược. Chúng lấy vũ khí của Nhật trang bị cho tù binh Pháp, dùng bọn này thay Nhật tăng cường canh gác ở một số nơi, cấm nhân dân ta mang vũ khí và biểu tình, ra lệnh giới nghiêm ban đêm. Nghiêm trọng hơn, ngày 15-9, Grêxi đòi tước vũ khí của lực lượng vũ trang Cách mạng, buộc quân đội Cách mạng phải rút khỏi thành phố, đòi đặt công an Cách mạng dưới quyền chỉ huy của chúng.
Được sự dung túng của quân Anh, bọn phản động thân Pháp ngóc đầu dậy, ra mặt chống lại Cách mạng, chuẩn bị gây bạo loạn, lật đổ chính quyền…
Ngày 22-9, sau khi quân Anh trả tự do cho tù binh Pháp bị Nhật giam giữ trước đó thì Pháp quyết định nhanh chóng dùng vũ lực đánh chiếm Sài Gòn. Lực lượng của Pháp ở Sài Gòn lúc này gồm có 120 lính thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5, 1.400 tù binh Pháp mới được thả, cùng khoảng 500 Pháp kiều vũ trang, dựa trên thế lực và sự yểm trợ của 2.800 quân Anh với 5.000 quân Nhật được Grêxi ra lệnh tham gia “giữ gìn trật tự”. Đáng lẽ thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân Nhật theo yêu cầu Đồng Minh thì lại ra lệnh cho quân Nhật yểm trợ người Pháp chống lại Việt Minh - một lực lượng đứng về phe Đồng Minh chống phát xít và đã có chủ quyền đất nước. Đó là hành động thực sự bê bối không phải của riêng Grêxi mà là sự thể hiện của những cấu kết thực dân đen tối. Hành động đó rõ ràng là đê hèn và mang tính tội ác đối với nhân dân Việt Nam.
Từ khi quân Anh kéo vào, quân dân Nam Bộ đã nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng và Chính Phủ, tránh xung đột vũ trang với Anh, và do đó mà đã rút các đơn vị vũ trang thuộc “Đệ nhất sư đoàn” Cộng hòa vệ binh mới thành lập (gồm khoảng 10 ngàn người) ra khỏi Sài Gòn. Trong thành phố chỉ còn lực lượng tự vệ của Công đoàn.
Đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, giặc Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước Việt Nam lần thứ hai.
Quần chúng Sài Gòn sôi sục căm thù, đòi cho lệnh đánh. Ngày 23-9, vào lúc 10 giờ sáng, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ họp hội nghị tại ngôi nhà số 625 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi) và đi đến quyết định: hết sức tránh đụng độ với quân Anh và quân Nhật, nhưng kiên quyết đánh trả Thực dân Pháp. Đúng vào 12 giờ trưa ngày hôm đó, nhân dân Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung đã đứng lên theo tiếng gọi của non sông, tiến hành kháng chiến chống quân xâm lược Pháp. Và thế là:
“Mùa thu rồi
Ngày 23
Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến
Rền khắp trời
Lời hoan hô
Quân dân Nam nhịp bước tiến ra trận tiền
Thuốc súng kém
Chân tay không
Mà đoàn người giàu lòng vì nước
Nóp với giáo
Mang ngang vai
Nhưng thân trai nào kém oai hùng
Cờ phấp phới bay ngang trời
Sao vàng xao xuyến
Khắp nơi bưng biền
Một lòng nguyền với tổ tiên
Ta đem thân ra đền cho nước
Ta đem thân ta đền ơn trước
Muôn thu sau lừng tiếng anh hào
Người Việt Nam lắm chí cao…”
(Bài hát: “Nam Bộ kháng chiến”)
Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ:

“Hỡi đồng bào Nam Bộ!
Nước ta vừa tranh quyền độc lập thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng, hoặc chạy trốn; nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai lại mò đến. Trong bốn năm, họ đã bán nước ta hai lần, nay họ lại muốn thống trị dân ta một lần nữa.
Tôi tin và đồng bào cả nước đều tin vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của một nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ!”
Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức ủng hộ những chiến sĩ và nhân dân đương hy sinh đấu tranh để giữ vững nền độc lập tự do của nước nhà.
Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng, tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.
Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa.
Tôi chỉ muốn dặn đồng bào Nam Bộ một lời: Đối với những người Pháp bị bắt trong cuộc chiến tranh, ta phải canh phòng cho cẩn thận; nhưng phải đối đãi họ khoan hồng, phải làm cho thế giới, trước hết cho dân Pháp biết rằng chúng ta chỉ đòi quyền độc lập, tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán; làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc thông minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước”.
Có câu chuyện thế này: trong khoảng thời gian quân Anh vào tiếp quản Sài Gòn để thực thi nhiệm vụ giải giáp quân Nhật theo kế hoạch của Đồng Minh (nhưng với cách làm thật “ngược đời”!) thì một nhóm thuộc lực lượng OSS của Mỹ do trung tá Điuê (A. Peter Dewey) chỉ huy cũng được điều đến hỗ trợ. Chứng kiến cách hành xử của Grêxi, tư lệnh quân Anh, với nhãn quan nhạy bén của mình, Điuê đã thực sự lo ngại. Theo ông thì những hành động của Grêxi là rất tai hại, thổi bùng thêm ngọn lửa căm thù trong lòng người dân Việt nhằm vào phương Tây. Ông liên tục gửi báo cáo về Mỹ chỉ trích Grêxi. Đáp lại, Grêxi đã lệnh cho Điuê phải rời khỏi Việt Nam. Sáng ngày 26-9-1945, Điuê ra sân bay Sài Gòn, tìm hiểu lịch bay để chuẩn bị về Mỹ. Chiếc xe Jeep ông lái không cắm cờ Mỹ vì lệnh cấm của Grêxi (chỉ có xe của ông ta, trong vai trò tư lệnh, mới được cắm cờ). Xe đang chạy thì đột nhiên Điuê thấy một mớ cây nằm chắn giữa đường, đành phải giảm tốc độ và chạy vòng lách qua. Ngay lúc đó có ba người Việt Nam đứng ở rãnh mương bên đường. Điuê quát họ bằng tiếng Pháp. Tưởng rằng ông ta là sĩ quan Pháp, họ đã đáp trả bằng một tràng súng máy làm bay mất phần sau hộp sọ của ông. Điuê chính là quân nhân Mỹ đầu tiên bị giết tại Việt Nam. Điều quá ư trớ trêu là với nhãn quan nhạy bén của mình, chính Điuê đã tiên tri: “Nam Kỳ đang bốc cháy! Người Pháp và Anh sẽ bị kết liễu tại đây, và chúng ta phải chạy khỏi Đông Nam Á”.
Ngày 5-10-1945, Lơcléc tới Sài Gòn, đặt sở chỉ huy trong lớp rào bảo vệ của quân Anh. Đến ngày 31-12, đã có 145 chuyến tàu biển chở tới miền Nam - Việt Nam 27.907 lính Pháp và 2.325 xe quân sự. Thực hiện chiến thuật “vết dầu loang”, Lơcléc đã chiếm được một số thành phố, thị xã, thị trấn và các đầu mối giao thông quan trọng. Nhưng cuộc tiến công đánh nống ra đó đã bị ngăn chặn ngày một tích cực và mạnh mẽ bởi cuộc chiến tranh nhân dân đang ngày được củng cố và mang ý chí của cả một dân tộc đồng lòng. Những dấu hiện về khả năng bị sa lầy của đội quân viễn chinh Pháp đã bắt đầu xuất hiện. Tình hình đó đã cho viên tướng mẫn cán Lơcléc thấy rằng nếu quân Pháp thực hiện giai đoạn 2 là “tiếp tục cuộc hành quân ra Bắc - Việt Nam”, nhất định sẽ bị chống cự lại mạnh mẽ hơn gấp bội phần. Hơn nữa, quân Tưởng ở Bắc Kỳ vẫn chưa chịu cho lực lượng Pháp trở lại. Đầu năm 1946, Lơcléc điện báo về Pháp:
“… cho tới nay đã giải tỏa được Sài Gòn và đánh thông ra miền Nam - Trung Kỳ, nhưng đã bị chết 600, bị thương 1.600 binh lính. Việt Minh vẫn đang tiếp tục chống cự quyết liệt. Trung bình mỗi ngày có 3 cuộc đụng độ với Việt Minh. Không còn lực lượng dự trữ nữa. Việc chiếm lại Bắc Kỳ, dù chỉ là một bộ phận, là điều không thể thực hiện được. Không thể nào chỉ với khoảng một sư đoàn mà chinh phục được một xứ sở rộng bằng hai phần ba diện tích nước Pháp, trong đó nhân dân đang hồ hởi, được vũ trang, quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc lập của mình”.
Bằng nhãn quan quân sự mẫn tiệp của mình, Lơcléc chắc chắn là viên tướng lĩnh Pháp nhìn vấn đề Việt Nam tỉnh táo nhất. Ông này cho rằng đạt được sự thỏa thuận riêng lẻ với Tưởng Giới Thạch (cho phép quân Pháp thay quân Tưởng làm nhiệm vụ giải phóng quân Nhật ở Bắc Kỳ) là không đủ mà phải thương lượng nghiêm chỉnh với Việt Minh và “không nên ngần ngại tuyên bố công nhận nền độc lập của Việt Nam”, nếu muốn đảm bảo an toàn cho quân Pháp kéo vào Hà Nội. Trong một bức thư gửi đô đốc Đácgiăngliơ, Cao ủy Pháp ở Đông Dương, Lơcléc nhấn mạnh:
“Tôi không hề bao giờ có ý định dùng vũ lực thuần túy để chiếm lại Đông Dương. Kinh nghiệm ở Nam Kỳ trong mấy tháng qua đã chứng tỏ, muốn tiến hành thắng lợi công cuộc bình định, phải có những đạo quân lớn, lớn hơn rất nhiều mức quân số chúng ta có thể có được: Vì vậy, trong khi vẫn chuẩn bị cho cuộc hành quân, tôi xin lưu ý ngài Cao ủy về những điểm có lợi hơn, đó là giải pháp hòa bình, tức là một mặt thương lượng với Trung Quốc, một mặt đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh…”
Nhưng với bản chất thực dân, gắn liền với dã tâm và tính ngạo mạn của nó ở lực lượng cực hữu, trong đó có Đácgiăngliơ, chính phủ Pháp đã khăng khăng đòi dùng bạo lực khuất phục chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ hòng duy trì chế độ thuộc địa khi xưa.
Đến đây, chúng ta đột nhiên có một liên tưởng đến hai giai đoạn na ná giống nhau về hình thức của hai cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, lần thứ nhất và lần thứ hai của thực dân Pháp. Đó là trong cuộc xâm lược lần thứ nhất có giai đoạn: sau khi chiếm Gia Định, giặc Pháp đánh tỏa ra chiếm lục tỉnh Nam Kỳ rồi tiến ra gây hấn Bắc Kỳ, đánh chiếm Hà Nội rồi đánh tỏa ra chiếm Bắc Kỳ. Song song với quá trình đó là những hiệp ước được ký giữa triều đình Huế và chính phủ Pháp. Trong cuộc xâm lược lần thứ hai cũng có giai đoạn tương tự: sau khi chiếm Sài Gòn, giặc Pháp đánh lan ra chiếm Nam Bộ, rồi cũng tiến ra gây hấn Bắc Bộ, đánh chiếm Hà Nội rồi mở rộng chiến tranh ra khắp Bắc Bộ. Song song với quá trình đó cũng có những hiệp ước được ký giữa Chính phủ Việt Minh và Chính phủ Pháp. Cũng có thể cho rằng tình thế của hai giai đoạn đó là hao hao giống nhau. Nếu kẻ thù chính của quân dân Bắc Kỳ ở giai đoạn trước là quân Pháp và quân Mãn Thanh thì kẻ thù chính của quân dân Bắc Bộ ở giai đoạn sau là quân Pháp và quân Tàu Tưởng. Tuy nhiên đó chỉ là những nét phác giống nhau bề ngoài. Sự khác nhau giữa chúng là hết sức cơ bản, có tính tương phản rõ rệt. Ở giai đoạn trước, đối diện với thực dân Pháp là một triều đình Huế bạc nhược, một Tự Đức đê hèn, ký hiệp ước với Pháp để cầu hòa mà thực chất là rút lui, đầu hàng, bán nước, đưa dân tộc Việt Nam vào vòng nô dịch ngoại bang. Ở giai đoạn sau, đối diện với thực dân Pháp là một Chính phủ Cách mạng trung kiên, một Hồ Chí Minh anh hùng, ký hiệp ước với Pháp cũng để cầu hòa nhưng thực chất là “hòa để tiến”, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ sự thống nhất và độc lập dân tộc vừa mới giành được từ ngoại bang bằng bất kỳ giá nào.
Phải nói rằng giai đoạn từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946 là giai đoạn khó khăn, phức tạp và hiểm nghèo nhất của Cách mạng Việt Nam, khi mà Chính quyền Cách mạng đang trong bước hình thành còn non yếu, trước hàng loạt kẻ thù lăm le bóp nghẹt: giặc Pháp, giặc Tưởng, giặc phản động tay sai, giặc đói, giặc dốt…
Chính trong lúc ngàn cân treo sợi tóc đó, thiên tài của đại anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh vụt sáng chói hơn bao giờ hết.
Đều xuất phát từ quyền lợi ích kỷ của mình, và đều lấy Việt Nam ra làm con bài thương lượng, Cộng hòa Pháp và Trung Hoa Dân quốc đã ký một hiệp ước tại Trùng Khánh (Trung Quốc) vào ngày 28-2-1946, theo đó, Pháp sẽ trả lại cho Tưởng toàn bộ các “tô giới” và “nhượng địa” trên đất Trung Quốc để đổi lại việc Tưởng sẽ đồng ý cho quân đội Pháp kéo vào Bắc - Đông Dương thay thế quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Cũng theo hiệp ước này thì quá trình thay thế sẽ được tiến hành từ ngày 1 đến ngày 15 và hoàn tất vào ngày 31-3-1946 theo một kế hoạch đã bàn định giữa Pháp và Tưởng cũng tại Trùng Khánh.
Việc ký hiệp ước Pháp - Trung đã tạo ra một tình thế hết sức nguy hiểm. Nếu Pháp tiến quân vào Bắc - Việt Nam thì dù với chiêu bài “tiếp quản” vẫn là nhằm thực hiện âm mưu xâm lược. Do đó, buộc quân dân miền Bắc phải chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng. Sự bùng nổ chiến sự sẽ tạo ra cái cớ là tình hình không ổn định để quân Tưởng ở lại làm thế lực cho bọn phản dân hại nước Quốc Dân Đảng đánh phá chính quyền Việt Minh. Hơn nữa, một cuộc chiến đấu xảy ra sớm như vậy mà còn phải chống lại cùng lúc ba kẻ thù Pháp, Tưởng, bè lũ tay sai phản động, sẽ không những không tạo ra được khoảng thời gian quí báu, cần thiết để Việt Minh chuẩn bị chu đáo kỹ càng hơn cho Toàn quốc kháng chiến mà còn tạo ra sự bao vây, chia cắt đối với lực lượng vũ trang Cách mạng đang trong thời kỳ củng cố.
Mục đích của cuộc Cách mạng Tháng 8 là độc lập - tự do. Sự kiện Pháp gây hấn, đánh chiếm Nam Bộ đã lộ rõ ý chí quyết tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa của chúng. Do vậy lúc đó, kẻ thù số một và nguy hiểm nhất của dân tộc Việt chính là thực dân Pháp. Một cuộc kháng chiến toàn diện chống Pháp là không thể tránh khỏi. Nhưng cần phải trì hoãn càng lâu càng tốt thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh đó (không làm xuất hiện cuộc chiến tranh đó là tốt nhất, nhưng nếu như thế thì hoặc Cách mạng phải rời bỏ mục đích độc lập, tự do của mình, hoặc thực dân Pháp không còn mang… bản chất thực dân nữa!), để vừa có thêm thời gian chuẩn bị tổ chức lực lượng đánh lâu dài, vừa (và đây là điều tối quan trọng) cho quân Tưởng rút hết đi (kéo theo là sự tan rã của bè lũ phản động trong nước), chỉ còn phải “đấu tay đôi” với Pháp. Thực hiện được điều này là rất khó khăn, tài năng không xuất chúng sẽ không làm được.
Dân tộc Việt đã đặt nhiệm vụ nặng nề đó lên vai Hồ Chí Minh, người con ưu tú nhất của mình trong một thời đại, vị đại anh hùng dân tộc mà phải trăn trở suốt hơn 150 năm, tính từ khi Quang Trung - Nguyễn Huệ băng hà, đất nước Việt Nam mới hun đúc nên được.
Còn Hồ Chí Minh thì chủ động đứng ra nhận lãnh gánh vác trách nhiệm đó và đã hoàn thành sứ mạng mà dân tộc Việt Nam trao cho, một cách tuyệt vời nhất: kết quả tuyệt vời, phong thái tuyệt vời. Không đao to búa lớn, không phùng má trợn mang, cũng không yếu mềm bạc nhược, không ủ dột van nài, cương trong nhu, nhu trong cương, không phải nhu mà cũng không phải cương, không kiêu mà cũng không nản, cứ thản như nước chảy thì bèo trôi, ấy vậy mà việc thành. Như thế không phải là tuyệt vời nhất sao? Đọc những tư liệu lịch sử ghi chép những hồi ức, cảm nghĩ, nhận xét, đánh giá của các nhân vật từng trực tiếp tham gia, trực tiếp đối mặt với Hồ Chí Minh, và của các học giả nghiên cứu lịch sử ở cả hai phía bạn, thù về quãng đời hoạt động của ông trong những ngày tháng ấy (chưa cần nói đến cả cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước quên thân của ông), chúng ta thấy ở con người Hồ Chí Minh tỏa ra, ánh lên cái ý chí của Lý Thường Kiệt, cái đĩnh đạc của Trần Hưng Đạo, cái ung dung của Nguyễn Trãi, cái kiên quyết của Nguyễn Huệ. Như thế không phải là tuyệt vời nhất sao?
Tựu trung lại, phương châm hành xử của Hồ Chí Minh trong giai đoạn ngặt nghèo đó là theo thời lựa thế, dĩ bất biến ứng vạn biến… và như thế, đó cũng chính là sự biểu hiện của cái quan niệm vô vi vô bất vi (trông như không làm mà lại làm tất cả) của Đạo Gia. Sự thể hiện của Hồ Chí Minh trong những nhận định hết sức tinh tế của ông về thị phi, trong sự đối xử hết sức nhã nhặn và đầy nhân văn của ông ngay với cả kẻ thù xâm lược, trong sự yêu thương trìu mến của ông khi nói đến Đại Chúng, đến “người cùng khổ”, trong tình cảm thiết tha của ông đối với nền độc lập - tự do của dân, của nước, trong thái độ của ông đối với chiến tranh và trong sự căm ghét của ông đối với cường bạo, áp bức, bất công, đã làm cho tâm hồn cộng sản của ông, hóa ra lại rất gần gũi với tâm hồn Lão Tử.
Theo King C. Chen, nhà nghiên cứu lịch sử Trung Hoa Dân Quốc thì ngay từ ngày 18-8-1945 đã có những tiếp xúc và thương lượng Pháp - Việt. Lúc đó Hồ Chí Minh đã đưa ra 5 điều kiện mà nội dung chủ yếu là sự độc lập của Việt Nam, đổi lại Việt Minh sẵn sàng chấp nhận người Pháp làm cố vấn “chống ngoại xâm”. Mà ngoại xâm là ai nếu không phải là quân Tưởng như sau này đã thấy? Thật rõ, Hồ Chí Minh đã “gợi ý” người Pháp chọi lại người Trung Hoa khi mà quân Tưởng còn chưa kéo vào chiếm đóng Bắc - Việt Nam.
Tình hình thực tế đã làm cho Pháp thấy không thể phớt lờ sức mạnh quân sự của một chính quyền được nhân dân ủng hộ nếu muốn tiến quân suông sẻ ra Bắc Bộ cho dù quân Tưởng đã “mở cửa”. Do đó cùng với quá trình thương lượng ký hiệp ước với Trung Quốc, Pháp cũng xúc tiến việc thương lượng với Chính phủ Việt Nam. Cuộc thương thuyết Pháp - Việt được thực hiện bởi đại diện của nước Pháp là viên trung tá tình báo, Ủy viên Cộng hòa Xanhtơni và đại diện của Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi hiệp ước Pháp - Trung được ký kết (mà không đếm xỉa gì đến ý kiến của chính phủ Việt Nam), và được công bố vào ngày 1-3-1946, thực dân Pháp đã chớp thời gian, ngay lập tức tổ chức lực lượng, dự định ngày 6-3 đổ bộ vào thành phố Hải Phòng (thực tế, ngày 7-3, 5.000 quân Pháp đã đổ bộ được vào đó), ngày 9-3 sẽ tiến vào Hà Nội.
Do tình hình biến chuyển nhanh chóng theo hướng ngày một nguy hiểm hơn, Hồ Chí Minh, với mục tiêu kéo dài hòa hoãn để thoát ra khỏi cái thế tạm gọi là “lưỡng đầu thọ địch”, đã phải chọn cách duy nhất đúng là nhượng bộ Pháp, thỏa hiệp tạm thời với Pháp bằng một hiệp ước sơ bộ, tạo ra khoảng thời gian “chờ đợi” đến một cuộc thương thảo mới nhằm ký kết một hiệp ước chính thức. Ngày 6-3-1945, hiệp ước sơ bộ Việt - Pháp được ký kết giữa Hồ Chí Minh và Xanhtơni. Nội dung chủ yếu của bản Hiệp ước này là:
- Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ riêng, quốc hội riêng, tài chính riêng, quân đội riêng, nằm trong Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp.
- Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào Bắc Bộ, đóng quân tại nhiều thành phố và thị xã, tại những vị trí và với số quân do Việt Nam ấn định.
- Vấn đề thống nhất Nam Bộ, Trung Bộ, Bắc Bộ sẽ được quyết định bằng trưng cầu dân ý.
Sau khi bản hiệp ước sơ bộ được ký kết, Hồ Chí Minh có nói với Xanhtơni: “Nó không làm cho tôi vui mừng vì rốt cuộc, chính ông đã thắng. Ông thừa biết là tôi muốn được hơn thế nữa…”
Hồ Chí Minh đã nói rất thực vì rõ ràng từ đây, Pháp lại một lần nữa được tự do hành động ở Đông Dương. Cũng trong tháng 3-46, ông có nói đến việc phải chờ đợi độc lập từ 5 đến 10 năm và trong thời gian đó thực hiện các cải cách ôn hòa tạm thời dưới quyền một viên toàn quyền người Pháp.
Việc ký hiệp ước 6-3 đã là cái cớ cho phe phái việt gian phản động các cơ hội tuyên truyền kích động gây hoang mang trong xã hội. Không ít người trong dân chúng và cả trong hàng ngũ cách mạng lo âu, thất vọng. Tại một cuộc míttinh đông đến khoảng 10 vạn người ở quảng trường Nhà hát lớn của thành phố Hà Nội, Võ Nguyên Giáp (tư lệnh lực lượng vũ trang cách mạng, sau này là đại tướng, Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam) và Hồ Chí Minh đã lần lượt lên giải thích vì sao phải nhượng bộ Pháp. Trong cuộc míttinh đó, Hồ Chí Minh đã nói những lời giản dị mà đầy xúc động: “Tôi, Hồ Chí Minh, đã luôn hướng dẫn đồng bào trên con đường tự do. Tôi đã chiến đấu suốt đời vì độc lập của Tổ Quốc. Đồng bào đã biết rằng tôi thà chết còn hơn phản quốc. Tôi thề với đồng bào rằng tôi đã không phản bội đồng bào”
Ngày 8-3-1946, trong một phiên họp nội các, Hồ Chí Minh đã quyết định cử một phái đoàn đi Trùng Khánh để trình bày quan điểm của mình và tìm sự ủng hộ của Trung Quốc; một đoàn đại biểu sang Pari để tìm một sự thỏa hiệp dứt khoát.
Khoảng cuối tháng 3-1946, Hồ Chí Minh đã làm việc với các nhà chức trách quân sự của Trung Hoa Dân Quốc tại Hà Nội để tìm kiếm sự ủng hộ của họ cho những đề nghị sau đây của ông:
- Các nhà chức trách quân sự Trung Quốc gây sức ép mạnh mẽ với người Pháp để buộc sớm mở cuộc thương lượng và sớm đạt tới một thỏa hiệp chính thức với Việt Nam
- Quân đội Trung Quốc chỉ rời khỏi Việt Nam sau khi bản hiệp ước Pháp - Việt chính thức đã được ký kết.
- Trước khi ra đi, quân đội Trung Quốc trao lại cho Việt Nam toà nhà mà Bộ tư lệnh quân Tưởng đang đóng, tức Dinh Toàn quyền cũ, vì đây là tượng trưng quyền cai trị nước Việt Nam, nếu nó được trao lại cho Pháp thì sẽ có ảnh hưởng xấu lớn lao trong dân chúng.
- Quân đội đang chiếm đóng của Trung Quốc giúp đỡ chính phủ Việt Nam ngăn cản không cho Pháp tổ chức một cuộc duyệt binh.
Mười một ngày sau khi Lơcléc cho quân đổ bộ lên Hải Phòng, ngày 18-3, Lơcléc dẫn 1.076 quân Pháp kéo vào Hà Nội, đem theo nhiều xe vũ khí để tái vũ trang cho đám tù binh Pháp mới được thả ra và cho cả các kiều dân Pháp (quân Tưởng đã thỏa thuận để quân Pháp chiếm đóng Hải Phòng vào ngày 22-3, Nam Định và Đà Nẵng vào những ngày từ 24 đến 26-3…)
Theo nhận xét của nhiều nhà viết sử thì sau khi kéo quân vào Hà Nội, cũng trong ngày hôm đó, Lơcléc đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và qua cuộc gặp gỡ này, Lơcléc càng khẳng định ý kiến trước đó của mình, rằng nên đàm phán nghiêm chỉnh với chính phủ Việt Nam để cố đạt được một giải pháp hòa bình vững chắc.
Xanhtơni dù luôn vận động hết mình cho quyền lợi Pháp ở Đông Dương thì cũng cùng quan điểm với Lơcléc, nghĩa là nên thỏa hiệp trung thực với Hồ Chí Minh, người mà ông này cho rằng có “tầm cỡ phi thường, thông minh, hiểu rộng và hoàn toàn không ích kỷ”. Tuy nhiên, lực lượng cánh hữu, bảo thủ vẫn một mực chống lại mọi sự thương lượng nghiêm chỉnh nào với chính phủ Việt Nam mà họ coi là “những kẻ khủng bố”. Tiêu biểu và cuồng nhiệt nhất lực lượng này là Đácgiăngliơ, nhận vật có quyền lực cao cấp nhất của Pháp ở Đông Dương lúc đó. Chính Đờ Gôn đã quyết định Đácgiăngliơ làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương, và ấn định rõ Đácgiăngliơ “đảm nhiệm toàn bộ các chức vụ cũ của toàn quyền Pháp ở Đông Dương trước kia, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang toàn Đông Dương” trong khi “nhiệm vụ chủ yếu của đại tướng Lơcléc là trợ giúp đô đốc Đácgiăngliơ về mặt quân sự nhằm khôi phục chủ quyền Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Đông Dương”. Như vậy là tại Đông Dương, Lơcléc trở thành cấp dưới của Đácgiăngliơ. Sự phân công đó của Đờ Gôn làm cho “vị đô đốc cao ủy và vị đại tướng tổng tư lệnh đã giẫm chân lên nhau”
Đối với Đácgiăngliơ thì Hiệp định sơ bộ 6-3 bất quá chỉ là một đòn nghi binh ngoại giao, ngoài ra nó không hơn gì một mớ giấy lộn. Do đó ngay từ đầu, ông này đã hành xử hung hăng theo kiểu “kẻ mạnh” của thực dân ở thế kỷ XIX, phớt lờ như chưa hề có bản hiệp ước vừa ký còn chưa ráo mực đó. (Nhưng thưa ông, đã có biết bao nhiêu nước trôi qua cầu từ dạo ấy, đã có biết bao nhiêu đổi thay làm cho trò “ngoại giao pháo hạm” đến giữa thế kỷ XX đã trở nên vô hiệu và lố bịch, nhất là đối diện với ông không phải là một triều đình Huế bạc nhược mà là một chính quyền nhân dân sẵn sàng chiến đấu một mất một còn). Kể thêm: cũng như Lơcléc, Đácgiăngliơ thuộc một dòng dõi quý tộc lâu đời ở Pháp, bắt đầu binh nghiệp từ năm 1908, sau chiến tranh thế giới thứ nhất giải ngũ đi tu, từ vị trí một thầy dòng lên đến chức Tổng giám mục địa phận Pari, thì chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, tái ngũ theo lệnh tổng động viên, bị phát xít Đức bắt làm tù binh, trốn thoát theo Đờ Gôn chiến đấu đến ngày Pháp được giải phóng, được phong đô đốc và làm tổng chỉ huy lực lượng hải quân Pháp, sau được Đờ Gôn cử sang Đông Dương làm Cao ủy, đầu năm 1947 bị thay thế, trở về Pháp và sau một thời gian thì quay lại nhà thờ (đạo Cơ đốc) tiếp tục… tu, cuối đời về sống ở viện dưỡng lão của một vùng quê hẻo lánh. Một cuộc đời đặc sắc và nghe cũng thú vị đấy chứ?!
Thế nên dù Lơcléc có căn dặn (ghi rõ trong chỉ thị) binh lính khi kéo vào Bắc - Việt Nam phải “tôn trọng chủ quyền, quốc kỳ của Việt Nam” thì đội quân Pháp ấy cũng chẳng “ngoan” tí nào: vẫn ngông nghênh làm những điều phạm luật, gây hấn khiêu khích, phá phách, đặc biệt là lấn chiếm một cách có tổ chức và ngày càng nghiêm trọng. Đơn cử là ngày 27-3-1946 (tức chỉ sau 9 ngày kéo vào Hà Nội), quân Pháp đã vi phạm Hiệp định, ngang nhiên chiếm đóng Nhà tài chính Việt Nam (nay là Bộ Ngoại giao), treo cờ tam tài (cờ Pháp) lên…
Ngày 16-5-1946, Hồ Chí Minh nói chuyện với Tiêu Văn về “Ba nguyên tắc trong chính sách quốc gia” của ông. Ba nguyên tắc đó là:
1- Chọn một đường lối thân Trung Quốc
2- Không đầu hàng Pháp
3- Không thực hiện cương lĩnh cộng sản trong vòng 50 năm tới
Hồ Chí Minh giải thích với Tiêu Văn rằng ông tin ở thuyết Tam dân chủ nghĩa. rằng chủ nghĩa cộng sản không thích hợp với nước Việt Nam lạc hậu về công nghiệp, rằng chính phủ ông không phải là chính phủ cộng sản, và chính sách cơ bản của chính phủ ông giống chính sách của chính phủ Trung Quốc như Tưởng Tổng Tài (Tưởng Giới Thạch) đã tuyên bố; “Nhân dân trước hết, quốc gia trước hết”.
Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để tranh thủ tình hữu nghị và sự ủng hộ của Trung Quốc trước khi ông đi Pháp tiến hành cuộc đàm phán.
Ngày 31-5-1946, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội tiễn đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn chính phủ Việt Nam lên đường sang Pháp đàm phán (hội nghị được tiến hành tại Phongtenơblô). Trước khi đi, Hồ Chủ Tịch đã nói trước nhân dân mình một lời bất hủ: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”
Rất có thể khi nói ra như thế, nhất là trong bối cảnh cường độ chiến tranh đang gia tăng ở Nam Bộ, Hồ Chí Minh, trong thâm tâm đã thấy trước được sự thất bại của Hội nghị Phôngtenơblô (Hồ Chí Minh không trực tiếp tham gia đàm phán mà sang Pháp với tư cách là thượng khách do Chính phủ Pháp mời). Mục đích tối thượng của chính phủ Việt Nam là độc lập, thống nhất toàn vẹn cho đất nước. Khi tình thế đòi hỏi ở chừng mực nhất định có thể nhân nhượng, nhưng nhân nhượng đến mức đất nước bị chia cắt và mất luôn cả chủ quyền lãnh thổ thì không thể được. Làm cách mạng là vì một mục đích cao cả nào đó. Để mất mục đích thì coi như cách mạng đã thất bại. Điều dễ thấy là thực dân Pháp không bao giờ thành tâm muốn cho Việt Nam được độc lập, thống nhất. Hành động dựa vào quân Anh đánh chiếm Sài Gòn và ỷ vào sức mạnh quân sự vượt trội để hòng cướp lại Nam Kỳ đã lộ rõ cái dã tâm ấy của thực dân Pháp. Ngay cả Lơcléc và Xanhtơni, nếu không nhận thấy được sức mạnh tiềm tàng của Việt Nam thì cũng không nghĩ đến giải pháp hòa bình cho vấn đề Việt Nam. Ngay cả trong thực tế, dù rằng hai người này chủ trương thương lượng nghiêm túc và có quan tâm đến nền độc lập của Việt Nam thì cũng vì quyền lợi ích kỷ của chính phủ Pháp lúc bấy giở chứ chẳng hề có chút yêu thương, đồng cảm nào đối với dân Việt Nam (dù nước họ vừa mới trải qua sự xâm lược của phát xít Đức và họ đã từng phải chiến đấu để giải phóng nó).
Hai ý chí Việt và Pháp là tương phản nhau, tùy vào mối tương quan về thế và lực mà để tránh xung đột, có thể thỏa hiệp với nhau về một số quyền lợi. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất, cốt lõi nhất và cũng hóc búa nhất là vấn đề Nam Bộ thì lại không giải quyết được do sự thiếu thiện chí và cản trở quyết liệt của những kẻ còn mang nặng bản chất thực dân cổ hủ, mù quáng.
Chỉ một ngày sau khi Hồ Chí Minh rời Việt Nam, ngày 1-6-1946, Đácgiăngliơ đã lập ra cái gọi là “Chính phủ Nam Kỳ tự trị”, đứng đầu là Nguyễn Văn Hinh. Hành động này hết sức ngang ngược, vi phạm thô bạo Hiệp định sơ bộ 6-3, trong đó có nêu rõ “vấn đề Nam Bộ sẽ giải quyết thông qua cuộc trưng cầu dân ý”. Tệ hại hơn nữa, một đoàn đại biểu của cái nước tự trị do Pháp nặn ra một cách vội vã này cũng được gửi sang Pari để thương thuyết riêng với Pháp. Đúng là một trò hề!
Không những thế, ngày 21-6, Đácgiăngliơ ra lệnh cho quân Pháp tiến chiếm Tây Nguyên, mưu toan lập thêm một “xứ tự trị” giả hiệu nữa. Ngày 25-6, quân Pháp chiếm giữ Phủ toàn quyền cũ ở Hà Nội (theo hiệp ước Việt - Pháp ký ngày 20-4-1946 thì Phủ toàn quyền cũ không có trong danh sách những ngôi nhà thuộc quyền của Pháp).
Hồ Chí Minh, lúc đó đang ở Pháp, đã gửi hai bức thư vào ngày 27-6 và 12-7 để phản đối những hành động của Đácgiăngliơ. Trong bức thư đề ngày 27-6 gửi cho Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại (thực chất là Bộ Thuộc địa) là Mariuýt Mutê, có đoạn:
“Thái độ khiêu khích của những người chỉ huy quân sự cục bộ Pháp là nguy cơ làm mất thiện chí của nhân dân Việt Nam đối với nước Pháp và có thể gây trở ngại đáng kể cho diễn biến của cuộc đàm phán ngoại giao sắp tới giữa hai đoàn đại biểu của hai chính phủ chúng ta”.
Trong bức thư đề ngày 12-7, gửi Chính phủ Pháp ở Pari, có đoạn:
“Những người chỉ huy quân sự Pháp ở Việt Nam, với những hành động của họ ở Nam Bộ từ ngày 6-3, ngày càng vi phạm đến Hiệp định sơ bộ đã được ký kết giữa Việt Nam và Pháp, là người khởi xướng và chịu trách nhiệm về hai hành động có tính xâm lược mà bản chất của nó là làm rối loạn nghiêm trọng đến không khí của cuộc hội nghị Pháp - Việt sắp tới”.
Cả hai bức thư đó đã chẳng có tác động gì nhiều nếu không nói rằng bị quan chức Chính phủ Pháp thờ ơ, phớt lờ.
Do mâu thuẫn không hòa giải được với “thầy tu” Đácgiăngliơ bởi những quyết định và hành động ngỗ ngược, trắng trợn của ông này nên tháng 7-1946, Lơcléc đã xin từ chức tổng tư lệnh các lực lượng Pháp ở Viễn Đông. Sau này, Lui Xôren, nhà sử học Pháp đã nhận định:
“Nếu trong vấn đề Việt Nam, đại tướng Lơcléc tiêu biểu cho tương lai, chủ trương một sự hợp tác tin cậy lẫn nhau giữa Việt Minh và nước Cộng hòa Pháp vừa được giải phóng khỏi ách phát xít, thì đô đốc Đácgiăngliơ lại tiêu biểu cho quá khứ lỗi thời, chủ trương một chính sách cực kỳ phản động nhằm quay trở lại chủ nghĩa thực dân. Chính Đácgiăngliơ là một trong những kẻ phải chịu trách nhiệm về sự bùng nổ cuộc chiến tranh Đông Dương”.
Sau một thời gian đàm phán Việt - Pháp (từ tháng 7 đến tháng 9-1946), điều tất yếu xảy ra: Hội nghị Phôngtennơblô kết thúc thất bại, hai bên không ký được hiệp ước chính thức. Tuy nhiên Hồ Chí Minh đã đạt được điều mong muốn: trì hoãn thời điểm bùng nổ chiến tranh Đông Dương vào lúc có lợi nhất cho Cách mạng Việt Nam, cũng như tạo thêm nhiều thiện cảm trong mọi tầng lớp nhân dân Pháp.
Cũng theo nhà sử học King C. Chen thì sau thất bại của cuộc đàm phán Việt - Pháp đó, Hồ Chí Minh đã nói với Mutê và Xanhtơni rằng: “Đừng để cho tôi ra về như thế này. Hãy cho tôi một vũ khí nào đó để chống bọn quá khích”. Với từ ngữ “quá khích”, không biết Hồ Chí Minh ám chỉ ai? Chúng ta biết rằng quân Tưởng đã không đợi đến khi có một sự dàn xếp dứt khoát giữa Việt Nam và Pháp như đã yêu cầu, mà rút hết vào tháng 6-1946. Bám theo chúng là đám đầu têu phản cách mạng như Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh… Đám lau nhau còn lại tự nhiên mất đầu, phải thay thầy đổi chủ, quay sang làm tay sai cho Pháp. Tại Hà Nội, bọn này định lợi dụng quân Pháp tổ chức diễu binh nhân dịp kỷ niệm “ngày 14-7” (Ngày 14-7-1789 quần chúng cách mạng Pháp đánh chiếm pháo đài Baxti - biểu tượng của chế độ phong kiến Pháp, ngày này đã vĩnh viễn đi vào lịch sử vinh quang của dân tộc Pháp và trở thành ngày Quốc Khánh của nước Cộng hòa Pháp) để tiến hành bạo loạn. Ngày 12-7-1946, nhờ sự giúp đỡ của quần chúng và sau một thời gian điều tra, lực lượng an ninh Cách mạng đã bất ngờ bắt giữ hơn 120 kẻ phản loạn với đầy đủ tang chứng. Khi thấy rõ những chứng cứ về tội ác đẫm máu của chúng như giết người, bắt cóc, tống tiền, in bạc giả… tại phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước (khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp), đã ký lệnh thi hành nghiêm phép nước, đưa vụ này ra xét xử, tiệt trừ triệt để. Đến đây, sự đe dọa của quân Tưởng không còn nữa, bè lũ phản cách mạng cũng tạm thời bị dẹp yên. Vậy Hồ Chí Minh ám chỉ ai vào thời điểm ký tạm ước khi dùng từ ngữ “quá khích” nếu không phải là chính quân Pháp ở Việt Nam?
Dù sao thì tới khuya 14-9-1946, Hồ Chí Minh và Mutê đã ký được một tạm ước. Tạm ước này là sự nhắc lại các điều khoản của Hiệp ước sơ bộ 6-3, cho Pháp thêm nhiều quyền trong lĩnh vực kinh tế ở tại Bắc - Việt Nam, còn Pháp hứa “sẽ dân chủ hơn” tại Nam Bộ. Vấn đề Nam Bộ, vẫn còn để ngỏ, hai bên sẽ tiếp tục thương lượng tìm một giải pháp dứt khoát vào đầu năm 1947.
Ký được tạm ước 14-9 là một bước đi tuyệt đẹp của Hồ Chí Minh.
Tạm ước đó chắc chắn không thể loại trừ được chiến tranh, có thể về mặt giá trị chẳng đáng là bao nhưng vẫn là một cái khiên tạm xài được và đối với quân Pháp ở Bắc - Việt Nam nó vẫn là vòng kim cô pháp lý, dù lỏng lẻo, nhưng có còn hơn không.
Ngày 14-10-1946, lúc 15 giờ, Hồ Chí Minh về tới Hà Nội trong sự đón mừng nồng nhiệt của toàn thể nhân dân thủ đô.
Bản tạm ước dù có thể đã làm chậm tiến trình nhưng không ngăn cản được sự ráo riết chuẩn bị chiến tranh của những cái đầu thực dân bảo thủ của Pháp ở Việt Nam. Ngày 23-11, quân đội Pháp công khai phá bỏ hiệp ước bằng cách đòi kiểm soát quân sự cảng Hải Phòng và đã bắn phá thành phố này làm rất nhiều người Việt Nam thiệt mạng (phía Pháp thừa nhận là 6.000 người, phía Việt Minh nói là 20.000 người). Với hành động này, coi như Pháp đã mở lời thách thức chiến đấu với quân dân Việt Nam và như thế, đối với một chính quyền đứng đầu là Hồ Chí Minh lấy mục đích tối cao: “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết” làm lẽ sống, thì không thể không phát động kháng chiến. Ngày 29-11-1946, báo “Sự thật” ở Hà Nội, số 64, đăng lời kêu gọi của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương (tức là Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật). Trong đó có đoạn: “Sự thật đã chứng tỏ rằng: thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng võ lực bắt ta phải nhượng bộ, nhưng không khi nào ta chịu. Tạm ước ngày 14-9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền đất nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”.
Muốn xâm lược Bắc Kỳ thì trước hết phải chiếm được Hà Nội. Cuộc xâm lăng trước, thực dân Pháp đã hành động như thế và lần này, chúng cũng chủ trương như thế. Ngay sau khi ký Hiệp định sơ bộ 6-3 được một tháng, tướng Valuy, chỉ huy quân Pháp đóng ở Hà Nội đã lệnh cho quân lính: “Trong mỗi trại, ngay khi mới đến, viên chỉ huy phải đặt ngay một kế hoạch an toàn chủ yếu. Kế hoạch này phải có phần phòng thủ vĩnh viễn những chỗ đóng quân và nhất là phải có phần hành động để chiếm lĩnh thành phố…”. Để chuẩn bị đánh Hà Nội, thực dân Pháp đã tăng cường về đây, tạo nên một lực lượng mạnh áp đảo đối phương gồm: 6.500 binh lính, 5.000 súng trường, 600 súng máy loại nhẹ, 180 súng máy loại nặng, 42 pháo hạng nặng, 22 xe tăng, 40 xe bọc thép, 4 máy bay thám thính Moran, 4 máy bay khu trục Spitphai, 6 máy bay khu trục ném bom.
Quân dân Hà Nội cũng khẩn trương, tích cực đối phó trên nền tảng cả nước đã mạnh lên rất nhiều về thế và lực do được quan tâm, chuẩn bị ngay từ tháng 8-1945 và trong khoảng thời gian đủ dài của quá trình đấu tranh ngoại giao khéo léo, dẻo dai của Hồ Chí Minh.
Ngay từ ngày 19-10-1946, Hội nghị quân sự toàn quốc khẳng định: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”. Đến đầu tháng 12-1946, quân dân Hà Nội đã trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nhưng vẫn giữ thái độ bình tĩnh chờ lệnh trước sự gây hấn ngày càng trầm trọng của binh lính Pháp.
Như một cố gắng cuối cùng để cứu vãn hòa bình, giữa tháng 12-1946, Hồ Chí Minh đã nói với một phóng viên báo chí: “Chúng tôi muốn tránh chiến tranh, tránh bằng mọi giá. Chúng tôi tha thiết mong ước độc lập trong Liên hiệp Pháp: Chiến tranh không có lợi gì cả”.
Câu nói trên lại làm chúng ta nhớ về Lão Tử với những lời khuyên dạy:
“Ta có ba vật báu mà ta ôm giữ cẩn thận: một là lòng từ ái (khoan dung), hai là tính kiệm ước (tiết kiệm), ba là không dám đứng trước thiên hạ (khiêm tốn). Vì từ ái mà sinh ra dũng cảm, vì kiệm ước mà hóa ra sung mãn, quảng đại, vì không dám đứng trước thiên hạ nên mới được làm chủ thiên hạ… Vì từ ái nên hễ chiến đấu là thắng, cố thủ là vững…
“Viên tướng giỏi không tỏ ra vũ dũng, người giỏi tác chiến không tỏ ra hung hăng, người khéo thắng địch không giao phong với địch, người khéo chỉ huy thì tự đặt mình ở dưới người. Như vậy là có cái đức không tranh với người, như vậy là biết dùng sức của người, như vậy là hoàn toàn hợp với đạo”
“Thuật dùng binh có câu: ta không dám làm chủ (tức khiêu chiến, xâm lấn) mà chỉ muốn làm khách (tức ứng chiến, kháng chiến), không dám tiến một tấc, thà chịu lùi một bước (nghĩa là nhượng bộ). Như vậy là dàn trận mà như không thành hàng, xua đuổi mà không đưa cánh tay ra. Tuy có binh khí mà như không dùng binh khí, tuy có địch mà như không chạm trán với địch. (Ở đây, chúng ta thấy từ cái quan niệm rất đúng đắn về sự vận động của Tự Nhiên cũng như của xã hội, về Đạo và Đức mà Lão Tử đi đến một quan niệm hết sức sâu sắc về nghệ thuật chiến tranh, về sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân lấy lối đánh du kích đầy biến hóa làm nền tảng. Điều này được minh chứng hùng hồn trong cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ cứu nước của dân tộc Việt).
Họa không gì lớn bằng khinh địch, khinh địch thì sẽ mất những vật báu của ta. Cho nên khi hai bên cử binh giao chiến, bên nào từ ái thì bên đó thắng lợi”.
“Dũng cảm mà cương cường (hùng hổ) thì chết (bởi mù quáng), dũng cảm mà không cương cường (tức là nhu nhuyễn, bình tĩnh) thì sống (linh hoạt)… Đạo trời là không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo đáp (giỏi ứng phó), không kêu gọi mà (thời thế) tự tới, bình dị tự nhiên mà khéo đặt quyền mưu…”
Dân tộc Việt Nam đã không còn một sự lựa chọn nào khác để sống còn trong phẩm giá ngoài cách phải cầm vũ khí đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ ra khỏi bờ cõi. Trước đòi hỏi giải giáp lực lượng vũ trang ở Hà Nội như một tối hậu thư của Thực dân Pháp, quân dân Hà Nội đã buộc phải chiến đấu và thực tế đã chiến đấu vô cùng ngoan cường, mở đầu cuộc toàn quốc kháng chiến.
Cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh của nhân dân Việt Nam bắt đầu từ ngày Nam Bộ kháng chiến và chính thức nổ ra từ ngày 19-12-1946 ngay tại khu vực đã khai sinh ra đất nước Việt Nam: Cổ Loa - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Ngày 20-12-1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh đã vang trên bầu trời Thủ Đô và khắp cả non sông.
Trong đêm giao thừa đón tết Đinh Hợi, Hồ Chủ Tịch đã tới núi Trầm (thuộc ngoại thành Hà Nội) đọc bài thơ chúc mừng năm mới:
                           Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
                           Tiếng kèn kháng chiến rung động non sông
                           Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
                           Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
                           Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào
                           Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
                           Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi
                           Thống nhất độc lập nhất định thành công
***
Nhìn vào lịch sử, nước Pháp đã tạo ra nhiều sự kiện chấn động thế giới, cả tự hào lẫn hổ thẹn. Dân tộc Pháp đã để lại trong lịch sử sự oanh liệt, quả cảm bao nhiêu thì tầng lớp thống trị quí tộc - thực dân của nó cũng để lại sự nhục nhã, yếu hèn bấy nhiêu. Biểu hiện nhục nhã nhất của thực dân Pháp là hành động của chúng ở Đông Dương, chủ yếu là ở Việt Nam. Bị phát xít Đức thôn tính dễ dàng, bị Nhật hất cẳng quá dễ dàng, phải xin xỏ Anh để vào Nam Bộ; ký hiệp ước thua thiệt với Tàu Tưởng để thực ra là xin xỏ vào Bắc Bộ; lật lọng hiệp ước với chính phủ Việt Minh, bước đường cùng lại phải đi xin xỏ Mỹ để rồi vẫn cứ bị Việt Minh đánh tan ở Điện Biên Phủ, đành phải “bán cái” cho Mỹ. Trận Điện Biên Phủ đã là cái mốc đánh dấu sự suy tàn không khắc phục nổi của chủ nghĩa thực dân cũ trên khắp thế giới.
Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, trải qua ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, phản công, đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cuối cùng, quân dân việt nam đã đánh bại quân xâm lược Pháp bằng trận tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (7-5-1954). Đúng là:
                           “Chín năm làm một Điện Biên
                           Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”
                                                   (Thơ Tố Hữu)
Ngày 20-7-1954, Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sĩ) về Đông Dương kết thúc. Bản Tuyên ngôn chính trị của Hội nghị và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được công bố. Hòa bình được lập lại trên cơ sở Pháp và các cường quốc dự Hội nghị (riêng Mỹ đã không chịu ký vào bản Tuyên bố chung) công nhận sự độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Lào; Cămpuchia; quân viễn chinh Pháp phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam (lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời); công việc nội bộ của Việt Nam, do Việt Nam tự giải quyết (sẽ thực hiện tổng tuyển cử tự do vào tháng 7-1956 để đi tới thống nhất đất nước); đến năm 1956, quân Pháp phải rút hết khỏi Đông Dương.
Hiệp định Giơnevơ là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ nhưng rất vẻ vang của nhân dân Đông Dương, trong đó, cuộc đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp của quân dân Việt Nam mang tính vừa là nền tảng vừa là xung kích và có ý nghĩa quyết định. Dân tộc Việt  có quyền tự hào về tinh thần quốc tế trong sáng của mình và cũng hoàn toàn có quyền tự hào về tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” (lời Hồ Chí Minh).
Thành quả đạt được là rất to lớn song chưa toàn vẹn, chưa tương xứng với thắng lợi quân sự mà nhân dân Đông Dương gặt hái được. Bị như vậy là do áp lực của những cường quốc tham gia hội nghị Giơnevơ mang tâm hồn vụ lợi, ích kỷ, kẻ thì điên cuồng chống cộng, kẻ không chống cộng thì đem thí quyền lợi của dân tộc anh em, đồng chí hướng nhằm bảo vệ quyền lợi của dân tộc mình một cách hẹp hòi, không mã thượng.
16 giờ ngày 9-10-1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang phía Gia Lâm. Nếu tính từ năm 1873 (Hà Thành thất thủ lần thứ nhất) thì sau đúng 81 năm bị xâm lăng, Hà Nội mới sạch bóng quân xâm lược Pháp. Nhiều phóng viên phương Tây chứng kiến quang cảnh lễ hạ cờ cuối cùng của quân viễn chinh Pháp đã mô tả: “Từng phân đội lính Âu Phi mệt mỏi, ngán ngẩm trong những bộ quần áo ướt sũng nước mưa đứng trước cột cờ sơn trắng. Sau bài kèn, cờ từ từ hạ. Tướng Pháp là Mátxông đỡ lấy lá cờ 3 sắc ướt nhẽo, gập lại, buồn bã bước ra giao cho quan năm Đăcrăngsơ - một sĩ quan chuyên coi đám lính gác thành từ ngày quân Pháp gây chiến tại Hà Nội - nói vài câu với giọng trầm buồn… Khi đội kèn lại nổi lên, với một điệu rầu rĩ rồi kết thúc… thì mặt nhiều sĩ quan của Pháp ướt đẫm những nước… những giọt nước mắt hòa lẫn nước mưa…”
Sáng ngày 10-10-1954, sư đoàn 308 với đầy đủ các đơn vị bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… , đại diện cho quân đội nhân dân Việt Nam, mở cuộc hành quân khải hoàn từ 5 cửa ô tiến vào Hà Nội. Đi đầu đoàn quân ấy là Trung đoàn Thủ Đô, lực lượng đã đánh những trận quyết tử kìm chân Pháp tại Hà Nội trong những ngày đầu Toàn quốc Kháng chiến. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng quang cảnh đó trong những câu hát sau đây:
                           “Trùng trùng say trong câu hát
                           Lớp lớp đoàn quân tiến về
                           Chúng ta đi reo vang
                           Lúc quân thù đầu hàng
                           Cờ Hà Nội tung bay trên phố.
                           Trùng trùng quân đi như sóng
                           Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời
                           Chúng ta đem vinh quang
                           Sức dân tộc trở về
                           Người Hà Nội tươi vui từ đây.
                           Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về
                           Như đài hoa đón ngày mở năm cánh đào
                           Nhỏ giọt sương xuống long lanh
                          
                           Trùng trùng…”
Chiều ngày 10-10-1954, vào lúc 15 giờ, hàng vạn nhân dân Hà Nội dự lễ chào cờ Chiến Thắng. Cờ đỏ sao vàng, tượng trưng thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thống nhất độc lập và tự do phần phật trên đỉnh Cột Cờ như phượng múa, rồng bay giữa bầu trời thu gió lộng.
Tuy nhiên cuộc chiến đấu giành quyền sống cơ bản của Dân tộc Việt vẫn chưa kết thúc. Chỉ mới có một nửa đất nước được hoàn toàn giải phóng, còn nửa kia, phần phía Nam từ vĩ tuyến 17, từ bên kia bờ sông Hiền Lương trở xuống đến Mũi Cà mau còn phải chờ đợi thêm hai năm nữa để thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử theo như qui định của Hiệp định Giơnevơ.
Trong khi Việt nam tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định, chờ ngày thống nhất, Bắc và Nam xum họp một nhà (ai mà không thấy kết quả tổng tuyển cử tự do nếu xảy ra thì cũng chỉ là thủ tục, hình thức vì ý chí thống nhất của Dân tộc Việt đã quá rõ ràng) thì Đế quốc Mỹ lại ra sức phá bỏ Hiệp định đó, dựng nên chính quyền tay sai ở Miền Nam.
Sống trên một dải đất trù phú chim trời cá nước, rừng vàng biển bạc, nhưng cũng gặp biết bao nhiêu gian lao, tình thế hiểm nghèo, Dân tộc Việt đã được hun đúc nên những đức tính hiếm có: chan hòa, vị tha, thông minh, bất khuất, mã thượng, tin người. Cũng vì mã thượng mà Dân tộc ấy đã thực hiện theo đúng tinh thần của Hiệp định Giơnevơ. Cũng vì tin người mà Dân tộc ấy đã không ngờ lại phải lên đường chiến đấu với kẻ xâm lược mới là Đế quốc Mỹ - cường quốc số một thế giới và không kém phát xít Đức về sự tàn bạo, trong suốt 20 năm ròng rã nữa. Cũng vì thông minh, bất khuất mà Dân tộc ấy đã làm cho cuộc chiến tranh vệ quốc của mình trở thành cuộc kháng chiến thần thánh, được toàn thể nhân loại ngưỡng mộ, cảm phục. Cũng vì chan hòa, vị tha mà sau khi đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, Dân tộc ấy lại chủ động bắt tay với chính quyền Mỹ, xóa đi mọi hiềm khích để cùng nhau gác lại quá khứ, hướng tới một tương lai vì lợi ích của hai dân tộc Việt - Mỹ và cũng đồng thời vì lợi ích của cả nhân loại.
Mỹ nhòm ngó Đông Dương từ lúc nào? Không thể biết đích xác được! Vì sao? Vì lịch sử là quan niệm có chứng thực của nhà khảo cổ trước di tích; là sự lược thuật tóm tắt theo quan niệm của người chép sử đương thời; là quan niệm lại, là suy tư lại của các nhà viết sử hậu thế trước lịch sử đã qua cùng với những phát hiện mới. Nói gọn lại, lịch sử là biên niên, lược thuật, đánh giá theo quan niệm của nhà sử học về một hiện thực đã lùi vào quá khứ. Chính vì phụ thuộc vào quan niệm của con người chép sử mà một hiện thực đã qua có nhiều lịch sử về nó và những lịch sử đó thường là không đầy đủ sự kiện, phiến diện và kém xác thực. Tuy nhiên một lịch sử được viết nên từ quan sát, từ suy tư trên quan niệm của Đức Huyền Diệu, nghĩa là lấy tình yêu thương đồng loại, yêu thương cuộc sống làm nền tảng lý luận thì bao giờ cũng có độ tin cậy cao nhất.
Theo biên niên sử thì ngay từ năm 1819, tức là chỉ 36 năm sau khi nước Mỹ giành được độc lập, người ta đã thấy những chiến thuyền Mỹ tới Việt Nam, dò theo sông Đồng Nai lên Sài Gòn. Năm 1832, thuyền buôn Mỹ xuất hiện ở vùng biển Trung Bộ và bỏ neo ở Vũng Lâm, Phú Yên. Năm 1836, chiến thuyền Mỹ xuất hiện và bỏ neo ở Vịnh Sơn Trà, Đà Nẵng. Dù có mon men đến bờ Tây - Thái Bình Dương như thế thì một nước Mỹ tư bản non trẻ cũng không thể chen chân vào được trước những nước tư bản “gạo cội” như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha… (đã chiếm những vùng béo bở nhất). Nước Mỹ chỉ còn cách xây dựng thế lực của mình và chờ đợi.
Chiến tranh lần thứ nhất kết thúc đã tạo ra cơ hội bành trướng thế lực cho Mỹ. Sau chiến tranh, các nước tư bản nói chung “nghèo đi” bởi bị tàn phá thì Mỹ lại giàu lên và nhanh chóng trở thành cường quốc tư bản số một. Tại hội nghị “chia phần” của các nước tư bản thắng trận họp ở Pari, tổng thống Mỹ lúc đó là Uynsơn đã tung ra chương trình “14 điểm” nhằm khẳng định vị thế của Mỹ trong các cường quốc tư bản thế giới. Tại Hội nghị ở Oasinhtơn năm 1921, đế quốc Mỹ bắt đầu lớn tiếng mặc cả thị trường đối với các cường quốc tư bản khác, đòi quyền lợi ở vùng Viễn Đông và Tây - Thái Bình Dương. Cũng năm 1921, tại Nữu Ước (Mỹ), đã thành lập Ban nghiên cứu thuộc địa Pháp - Mỹ nhằm tìm cách đầu tư tư bản Mỹ vào các thuộc địa của Pháp. Tại buổi chiêu đãi do Ban này tổ chức, Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ thuộc địa và Quyền trưởng phái đoàn Pháp tại Hội nghị Oasinhtơn đã đọc diễn văn ngỏ ý mời các công ty tư bản Mỹ đầu tư vào Đông Dương. Do có sự phản ứng mạnh của giới kinh doanh Pháp có nhiều quyền lợi ở hải ngoại mà tư bản Mỹ chưa giám đầu tư vốn nhiều vào Đông Dương mà chỉ đứng lại ở quan hệ buôn bán. Nếu như trong những năm 1925 - 1929, hàng nhập khẩu từ Đông Dương chỉ chiếm 2,6% tổng số hàng nhập khẩu vào Mỹ thì đến những năm 1935 - 1939 đã tăng lên đến 6,6% (riêng cao su là 94% , thiếc là 3% trong tổng giá trị hàng mà Mỹ mua của Đông Dương).
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ lại tạo ra cơ hội mới đầy thuận lợi cho Mỹ dấn sâu vào Đông Dương. Tại Hội nghị Cairô (Ai Cập) năm 1943, tổng thống Mỹ là F. Rudơven đã đề ra ba giải pháp cho Đông Dương khi chiến tranh kết thúc:
1- Trả lại cho Pháp
2- Trao cho Tưởng Giới Thạch như là một món chiến lợi phẩm
3- Cho Đông Dương độc lập nhưng trước đó phải đặt dưới sự công quản quốc tế một thời gian.
Đến tháng 1-1944, Rudơven gạt hai giải pháp đầu, chọn giải pháp thứ ba và xác định rõ Mỹ phải có chân trong ban quản trị quốc tế ấy. Ngày 24-1-1944, trong một ghi chép, Rudơven có viết: “Nước Pháp đã chiếm một nước 30 triệu dân, trong gần 100 năm và nhân dân trở nên tồi tệ hơn lúc họ mới đến… Nước Pháp đã vắt kiệt họ trong 100 năm. Nhân dân Đông Dương có quyền được hưởng những gì tốt đẹp hơn thế”. Tại cuộc họp báo trên tàu Quiney Adamn của Mỹ ngày 23-2-1945, Rudơven tiết lộ rằng Đông Dương sẽ được lãnh đạo bởi một ban quản trị gồm “1 người Pháp, 1 hoặc 2 người Đông Dương, 1 người Trung Quốc, 1 người Nga và vì họ ở trên bờ biển nên cũng có 1 người Mỹ và có thể có 1 người Philippin”
Rudơven có thể là một nhà lãnh đạo lỗi lạc của nước Mỹ, nhưng trong việc đề ra giải pháp giải quyết vấn đề Đông Dương thì vẫn bị cái bản chất kẻ cả, ích kỷ của thực dân - đế quốc làm cho mù quáng, thiển cận. Tại sao không để cho nhân dân Đông Dương tự quyết vận mạng của mình? Tại sao nhân dân Đông Dương lại không được cái quyền cơ bản như nhân dân Mỹ, đã ghi trong hiến pháp Mỹ là “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”? Rudơven “chê” thực dân Pháp là vì “thương” nhân dân Đông Dương thực sự như đã nói hay là vì mục đích nào khác? Muốn trả lời những câu hỏi ấy, phải nhìn vào hành động thực tế của Mỹ ở Đông Dương.
Cuối năm 1944, một máy bay Mỹ bay trên bầu trời Cao Bằng bị hỏng máy. Phi công phải nhảy dù vùng núi gần tỉnh lỵ Cao Bằng. Quân Nhật lùng sục nhưng không bắt được viên phi công vì người này đã được Việt Minh cứu, đưa về cơ sở cách mạng. Sô (Shaw), tên người phi công Mỹ, được Việt Minh tổ chức đưa về Côn Minh (Trung Quốc), nơi đóng của một lực lượng không quân Mỹ. Đến biên giới Việt - Trung, Sô được gặp Hồ Chí Minh. Trong cuộc nói chuyện, Sô đã đề nghị Hồ Chí Minh cùng đến Côn Minh. Nhân tiện, cũng cần gặp một số cán bộ Việt Minh ở đó nên Hồ Chí Minh đã nhận lời. Những người Mỹ ở Côn Minh (đang giúp Tưởng chống Nhật) đã cảm ơn Hồ Chí Minh sự giúp đỡ cho Sô và tặng Việt Minh một số tiền và thuốc men. Hồ Chí Minh chỉ nhận thuốc men, không nhận tiền. Khi Tổng tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc, tướng Sênôn (Chenault) hỏi Hồ Chí Minh rằng Việt Minh có vui lòng giúp đỡ, tổ chức cứu những phi công Đồng Minh bị rơi ở Đông Dương không, thì ông đáp rằng bổn phận của những người cách mạng Việt Nam là giúp đỡ Đồng Minh để cùng nhau chống phát xít.
Đây là một cơ hội tốt để Mỹ thực hiện ý đồ của Rudơven về Đông Dương. Vì vậy, ngày 16-7-1945, một nhóm sĩ quan tình báo Mỹ (OSS) đã nhảy dù xuống căn cứ địa Việt Bắc trên danh nghĩa tổ chức cứu giúp phi công Đồng Minh và giúp đỡ Việt Minh (chia làm 2 toán, nhảy dù làm 2 đợt).
Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn người trong các đơn vị Giải phóng quân để cùng với những người Mỹ này tổ chức thành một đơn vị gọi là “Bộ đội Việt - Mỹ” với quân số gần 200 người do Đàm Quang Trung chỉ huy và thiếu tá Mỹ là Tômát đóng vai trò là tham mưu trưởng đại đội. Trong gần một tháng ở chiến khu Việt Bắc, đơn vị này tập trung vào việc huấn luyện quân sự, về chiến thuật du kích, sử dụng vũ khí mới… Máy bay Mỹ có thả dù tiếp tế cho Bộ đội Việt - Mỹ một số vũ khí.
Ngày 16-8-1945, một đơn vị chủ lực của Việt Nam Giải phóng quân, xuất phát từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến đánh quân Nhật và tay sai ở thị xã Thái Nguyên. Đại đội Việt - Mỹ cũng được lệnh hành quân tham gia trong cuộc tiến công này.
Ngày 20-8-1945, 400 binh lính bảo an do quản Khiêm chỉ huy đã đầu hàng quân cách mạng. Với số vũ khí mới thu được gồm 600 súng trường và một số súng máy, Quân giải phóng tổ chức thêm hai chi đội vũ trang mới. Đại đội Việt - Mỹ được bổ sung quân số để trở thành chi đội 4 do Đàm Quang Trung làm chi đội trưởng và thiếu tá Tômát vẫn đóng vai trò tham mưu trưởng chi đội.
Chi đội 4 vừa thành lập xong thì được lệnh đưa một trung đội quay lại Tân Trào đón Hồ Chí Minh cùng 2 đại đội cấp tốc hành quân về Hà Nội, một đại đội ở lại tiếp tục đánh Nhật ở Thái Nguyên. Trong bộ phận về Hà Nội có những người Mỹ. Ngày 9-9-1945, Thiếu tá Tômát cùng nhóm quân nhân, tình báo người Mỹ này chấm dứt nhiệm vụ và trở về nước.
Sự kiện chớp thời cơ, nhanh chóng thành công của Cách mạng Tháng Tám và nhanh chóng tuyên bố Việt Nam độc lập của chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu, ngoài mọi tiên liệu của các lực lượng Đồng Minh đã làm cho kế hoạch của Rudơven về Đông Dương phá sản.
Công thức Pôtxđam chia Đông Dương thành hai khu vực giải giáp của Đồng Minh qua vĩ tuyến 16 đã tạo ra khả năng Pháp được quân Anh ủng hộ và sự “thỏa hiệp” của Tưởng, độc chiếm Đông Dương lần thứ hai.
Ngày 16-9-1945, tức 12 ngày sau khi Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tại quảng trường Ba Đình, tướng Mỹ là Galêgiơ (Gallaghet) đã bay đến Hà Nội để tìm hiểu xu hướng chính trị của chính phủ Việt Minh và đề nghị để Mỹ đảm nhiệm khôi phục hệ thống giao thông, đường sắt và sân bay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dứt khoát khước từ. Ngày 20-9-1945, Galêgiơ báo cáo về Mỹ: “Đảng Việt Nam, Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo, rõ ràng đang ngồi trên lưng ngựa. Hồ Chí Minh này là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là tù nhân chính trị nhiều năm, là sản phẩm của Mátxcơva, một người cộng sản… Bây giờ họ đã tuyên bố nền độc lập của họ…”
Bắt đầu từ đó, đế quốc Mỹ tích cực hoạt động theo hướng tạo ra một chính phủ đối lập với chính phủ Hồ Chí Minh. Những chuyến đi công cán ngoại giao của Uyliam Bulít, cựu Đại sứ Mỹ tại Pháp, cố vấn tối cao của tổng thống Mỹ khi đó là Truman, đã chứng minh cho nhận định trên.
Mỹ muốn Đông Dương là một vùng tự trị, không chịu ảnh hưởng cộng sản mà liên kết với phương Tây, trước hết là Pháp.
Phù hợp với “nguyện vọng” của Mỹ, Pháp đã vực dậy ông vua cuối cùng của triều Nguyễn và “đã chết” là Bảo Đại làm con bài. Sợ Bảo Đại, kẻ nhu nhược, bốc đồng và trác táng có thể quan hệ bí mật với chính phủ Hồ Chí Minh, Pháp đưa ra phương án giải tán “nước Nam Kỳ tự trị” để thành lập một chính quyền Việt Nam “tự trị” do Pháp đỡ đầu về quốc phòng và ngoại giao (thực chất thì cũng như chính sách bảo hộ hồi thế kỷ XIX). Vài “chính khách” Việt Nam do Pháp nặn ra, kéo đến Hồng Công thuyết phục Bảo Đại và ngày 7-12-1947, tại Vịnh Hạ Long, ký thỏa thuận với Pháp. Theo đó Pháp “cho” Việt Nam độc lập nhưng kiểm soát quân đội, tài chính và ngoại giao. Ngày 8-3-1949, Bảo Đại ký thỏa ước của thỏa thuận vịnh Hạ Long: Pháp “giữ hộ” Việt Nam vấn đề quốc phòng, tài chính, ngoại giao.
Năm 1950, Truman chủ trương không chỉ “giữ chân” cộng sản ở Châu Âu mà còn phải tích cực ngăn chặn cộng sản ở Châu Á. Ngay lập tức, Dean Rush thông báo: “Các tài nguyên của Mỹ phải được triển khai để ngăn Cộng sản chiếm Đông Dương và Đông nam Á”. Đến đây, Mỹ đã tỏ ra quyết tâm giữ Đông Dương hơn cả Pháp.
(Nhưng tại sao đế quốc Mỹ nói riêng và cả thế giới tư bản nói chung lại căm ghét, lo lắng và chống cộng điên cuồng như vậy? Nguyên nhân là, những người theo chủ nghĩa Cộng sản cho rằng muốn xây dựng một xã hội tươi đẹp, không còn cảnh người bóc lột người thì phải làm cuộc cách mạng vô sản và mục tiêu của cuộc cách mạng ấy là đập tan chính quyền tư sản, xóa bỏ triệt để chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Mục tiêu đó của cuộc cách mạng vô sản rõ ràng là cực đoan, duy ý chí và mù quáng bởi vì chỉ có thể cố gắng cải tạo mặt trái xấu xa của nhân tính, cái tàn dư tàn bạo, độc ác của xã hội phong kiến, chứ không thể tiêu diệt được một phương thức kinh tế - xã hội xuất hiện một cách tự nhiên theo trình độ của tiến trình xã hội phù hợp với đạo lý. Hay có thể nói, trong thời đại ngày nay, hành động xóa bỏ nền sản xuất tư bản là trái đạo lý. Loài người tồn tại được là nhờ có những con người độc lập, tự do. Độc lập, tự do là điều kiện cho con người tồn tại. Dù là nô lệ đi chăng nữa thì cũng không thể mất hết độc lập, tự do nếu còn tồn tại. Độc lập, tự do làm xuất hiện ý chí ở mỗi con người và khi tư hữu (về tư liệu sản xuất) vẫn còn là quyền lợi thì không thể xóa bỏ được ý chí tư hữu.
Tiếp theo, nguyên nhân để cách mạng vô sản đề ra cái mục tiêu ấy của nó chính là quan niệm thiếu biện chứng của học thuyết Mác về sự phân tầng xã hội dưới luận đề “Giai cấp và đấu tranh giai cấp”. Sự phân tầng xã hội là hiện tượng có thực và nó luôn vận động, chuyển hóa, biến đổi theo điều kiện, hoàn cảnh cũng luôn biến đổi trong từng thời gian, từng giai đoạn vận động xã hội. Chúng ta quan niệm rằng chỉ khi hai tầng lớp xã hội có mâu thuẫn sống còn, đối kháng nhau thì lúc đó mới được gọi là giai cấp và như thế trong xã hội, nếu xuất hiện giai cấp thì chỉ có thể là hai giai cấp thống trị và bị trị, mà biểu hiện phổ biến để phân biệt giữa hai giai cấp ấy là hữu sản - vô sản, là giàu - nghèo, tạm thời có quyền lực - không có quyền lực… Vậy thì bản thân những biểu hiện tương phản hữu sản - vô sản, giàu - nghèo chưa phải là phân tầng giai cấp.
Theo Mác thì: “Sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn liền với những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất”. Đó là câu nói theo ý kiến chúng ta là vừa đúng vừa không đúng và nếu bỏ “của sản xuất” đi thì đúng hơn.
Theo Lê Nin định nghĩa thì đấu tranh giai cấp là “Cuộc đấu tranh của quần chúng bị tước hết quyền, bị áp bức và lao động, chống bọn có đặc quyền, đặc lợi, bọn áp bức và bọn ăn bám, cuộc đấu tranh của những công nhân làm thuê hay những người vô sản chống những người hữu sản hay giai cấp tư sản”. Định nghĩa như vậy là chưa rõ ràng và dễ gây ngộ nhận. Cách định nghĩa sau đây trong giáo trình “Triết học Mác - Lê Nin” (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2004) là đúng hơn:
“Thực chất của đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn về mặt lợi ích giữa quần chúng bị áp bức, vô sản đi làm thuê chống lại giai cấp thống trị, chống lại bọn đặc quyền đặc lợi, những kẻ đi áp bức bóc lột”.
Theo chúng ta, cách mạng vô sản là cuộc đi đòi lại quyền lợi chính đáng của quần chúng đã bị giai cấp thống trị chiếm đoạt một cách không chính đáng, xóa bỏ chính quyền đã trở nên phản động, tàn bạo để xây dựng một chính quyền mới do dân và vì dân.
Cuối cùng, cách hiểu máy móc, thiếu biện chứng về sự phân tầng xã hội của chủ nghĩa Mác dẫn đến mục tiêu có phần cực đoan, thái quá của cách mạng vô sản, là có nguyên nhân từ thực tại xã hội đương thời đó, có thể là phù hợp với thời đại hình thành hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, khi mà tích lũy tư bản là một quá trình chất chồng tội ác, tràn ngập máu và nước mắt, khi mà mặt trái tàn bạo của nhân tính nổi trội đến mức gắn liền thành như bản chất của chủ nghĩa tư bản.
Ngày nay, loài người đã sáng tỏ được nhiều điều. Các chế độ xã hội, dù có mang nhãn mác nào đi chăng nữa, dù hình thức có khác nhau thế nào chăng nữa thì cũng không thể bài trừ nhau, do đó xử sự tốt nhất là thay cho đối đầu, nên đối thoại và chung sống hòa bình, hướng sự xâu xé nhau trong nội bộ giống loài ra “bên ngoài”: Đồng lòng đi cải biến tự nhiên vì quyền lợi sống còn của chung loài người.
Đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi sự xâm lăng, ách đô hộ của thực dân - đế quốc và đấu tranh giai cấp của giai cấp bị trị chống lại giai cấp thống trị là hai cuộc đấu tranh khác nhau nhưng tương tự nhau. Xét trên khía cạnh phụng sự Đức Huyền Diệu, đảm bảo sự tồn tại của loài người thì hai cuộc đấu tranh đó có mục đích như nhau và không phải là đi tiêu diệt tư hữu.)
Cuối tháng 1-1950, khi thực dân Pháp hợp pháp hóa chính quyền Bảo Đại thì lập tức ngày 7-2-1950, Mỹ liền công nhận chính phủ bù nhìn đó để nhằm hợp thức hóa việc viện trợ quân sự cho bọn tay sai không qua tay Pháp. Ngày 7-9-1951, “Hội nghị hợp tác kinh tế” giữa Mỹ và chính quyền bù nhìn Việt Nam đã đi đến ký kết văn bản qui định việc Mỹ sẽ viện trợ kinh tế và kỹ thuật cho Việt gian. Từ đó viện trợ Mỹ không ngừng tăng: nếu như năm 1950 - 1951 Mỹ chi 13% cho tổng chi phí chiến tranh thì năm 1952 lên 38%, năm 1953 lên 45%; năm 1954 lên 80%. Viện trợ này thực chất cũng là cho Pháp. Ngay từ 29-6-1950, 8 chiếc C-47 đã bắt đầu chở hàng viện trợ đến Đông Dương và sau 4 năm, Mỹ đã viện trợ cho cuộc chiến tranh của Pháp và tay sai trên dưới 3 tỷ đô la.
Trước nguy cơ Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ dẫn đến thua trận trong cuộc chiến tranh Đông Dương, tổng thống Mỹ lúc đó là Aixenhao đã xin quốc hội Mỹ cho toàn quyền hành động, trong đó có việc sử dụng từ 1 đến 6 quả bom nguyên tử, theo kế hoạch của Đalét .
Sự cay cú và hoảng sợ trước nỗi ám ảnh cộng sản bành trướng đã làm cho chính phủ tư sản Mỹ định giở trò côn đồ, độc ác. Sự dự tính dùng bom nguyên tử chống lại một dân tộc nhỏ bé đi đòi quyền tự quyết của mình và chưa từng hiềm khích trực tiếp đã bộc lộ ra cái nhân tính tàn bạo, tiểu nhân của những nhà lãnh đạo chóp bu cái cường quốc được cho là số 1 thế giới và tự nhận là tự do dân chủ nhất thế giới. Về vấn đề “răn đe” nguyên tử này, đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, trong một lần trả lời phỏng vấn của nhà báo Cuba là Angulo (đăng trên tạp chí Bôhêmia (Cuba) số tháng 1-6 năm 1984), đã thổ lộ:
“Oasinhtơn đề nghị cung cấp cho Pari bom nguyên tử chiến thuật để đánh vào quân đội Việt Nam đang bao vây Điện Biên Phủ. Chúng tôi nhận được tin là hai chính phủ đã bàn bạc khả năng dùng vũ khí nguyên tử chống lực lượng của chúng tôi. Nhưng chúng tôi nhận thấy không có nhiều khả năng là loại vũ khí đó được sử dụng. Một mặt, sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ rơi vào thế phòng thủ và chỉ củng cố được những vị trí sẵn có. Mặt khác, Quân đội nhân dân Việt Nam không kiểm soát các thành phố lớn, mà rải rác trong một hậu phương bao la và các đơn vị tác chiến ở Điện Biên Phủ ngày một tiến sát quân thù.
Con bài vũ khí nguyên tử không dễ dàng, nhưng mặc dù vậy chúng tôi vẫn chỉ thị cho các đơn vị của chúng tôi sẵn sàng chống lại sự nhiễm xạ bằng mọi biện pháp sẵn có. Cho dù có dùng vũ khí này, họ (tức là Mỹ - Pháp) cũng sẽ không đạt được gì hết”.
Thực tế cho thấy dù thực dân Pháp tán thành nhưng cho đến cuối tháng 4-1954, kế hoạch sử dụng bom nguyên tử - còn gọi là kế hoạch Vơtua (Vantour), đã không được thực hiện.
Là một thành viên tham gia Hội nghị Giơnevơ nhưng đế quốc Mỹ đã không chịu ký vào bản tuyên ngôn chung vì đang ôm ấp những mưu đồ chống cộng điên cuồng ở Đông Dương. Mỹ đã ngang nhiên lập ra khối Đông - Nam Á (SEATO), đặt miền Nam - Việt Nam dưới sự bảo trợ của khối này, ráo riết hất cẳng Pháp để trực tiếp can thiệp vào Đông Dương.
Ngày 10-8-1954, Mỹ điều đô đốc Xabin ra Hà Nội trực tiếp điều hành kế hoạch tuyên truyền, cưỡng ép đồng bào di cư. Từ tháng 6-1954, Mỹ đã tổ chức một cơ quan huấn luyện biệt kích, gián điệp núp dưới cái tên “Phái đoàn quân sự Sài Gòn” (S.M.M), đóng trụ sở tại Hà Nội. Sự kiện nổ mìn phá sập Chùa Một Cột ngày 10-9-1954 là có sự nhúng tay của tổ chức này.
Bằng việc đưa Ngô Đình Diệm từ Mỹ về thay thế ông vua Bảo Đại khét tiếng ăn chơi và hoàn toàn ngớ ngẩn về chính trị, Đế quốc Mỹ đã chính thức chấm dứt sự dính líu của Pháp ở Đông Dương. Đó cũng chính là sự “bàn giao lịch sử” giữa chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới trên đất nước Việt Nam.
Được sự hà hơi tiếp sức của Mỹ và sau khi thu tóm quyền lực, củng cố cái chính thể phản bội quyền lợi của Dân tộc Việt có tên gọi là Việt Nam Cộng Hòa, Ngô Đình Diệm quay sang ra sức triệt phá các cơ sở cách mạng, lùng sục ráo riết, bắt bớ và giết chóc hàng loạt những người từng tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp mà chúng gọi là Việt Cộng và người kháng chiến cũ. Sự đàn áp khốc liệt đó với cao trào là luật 10/59 lê máy chém đi khắp miền Nam - Việt Nam đã gây ra biết bao nhiêu đau thương, tang tóc cho đồng bào miền Nam, và đặc biệt nghiêm trọng là nó đã chà đạp tan nát Hiệp định Giơnevơ, làm cho sự chờ đợi 2 năm xum họp nước nhà của toàn thể nhân dân Việt Nam trở thành vô vọng.
Tình hình đó buộc nhân dân miền Nam nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung lại phải cầm súng đứng lên tiếp tục đấu tranh vũ trang chống thù trong giặc ngoài. Để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mới, và tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp tiến bộ trên thế giới, Cách mạng Việt Nam đã thành lập một tổ chức tại Miền Nam, lấy tên gọi “Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam - Việt Nam” với vị chủ tịch được bầu lên là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, có lực lượng vũ trang gọi là “Quân giải phóng”. Từ đây Cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh của Dân tộc Việt bước vào giai đoạn khốc liệt nhất mà vẻ vang nhất, suốt 15 năm ròng rã. Từ đây, Miền Nam trở thành Tiền tuyến lớn, Miền bắc trở thành Hậu phương lớn. Tiền tuyến lớn nêu cao tinh thần bất khuất vô song, càng đánh càng mạnh, càng ghi được những chiến công hiển hách trước cường quốc số 1 thế giới về sự giàu có và tàn bạo. Hậu phương lớn đã đem hết “tinh thần và lực lượng”, chi viện tiếp tế đến tận cùng khả năng sức người, sức của của mình và cả những ủng hộ, đóng góp qúi báu của anh em bầu bạn trên thế giới cho Tiền tuyến lớn bằng mọi phương tiện, mọi ngả đường có thể, trong đó chủ yếu, có tính quyết định và đã lừng danh trong lịch sử là “đường mòn Hồ Chí Minh” trên biển Đông với những con tàu không số, và nhất là “đường mòn Hồ Chí Minh” trên dãy Trường Sơn với những “đoàn xe chạy đêm, chạy ngày” bất kể mưa bom bão đạn. Tất cả đã trở thành huyền thoại có tựa đề: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Ngay từ tháng 4-1961, tổng thống Mỹ lúc đó là Kennơđy đã cho chuẩn bị một chương trình toàn diện nhằm chống lại sự “thống trị” của cộng sản ở Việt Nam; đưa quân đội Việt Nam Cộng Hòa (quân Ngụy) từ 150 ngàn lên 170 ngàn người, số cố vấn Mỹ từ 700 lên 800 người. Thực tế sau đó, số cố vấn Mỹ đã tăng đến hơn 3 ngàn và phi công Mỹ đã bay chiến đấu.
Tháng 6-1961, Kennơđy nhận định: “Mỹ phải chứng tỏ quyền lực của chúng ta là đáng tin cậy và Việt Nam là chỗ thích hợp”. Khi G. Ball báo trước là ở Việt Nam có thể phải cần đến sự hiện diện của 300 ngàn quân Mỹ, Kennơđy cười mũi và nói thẳng: “Chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra”. Một năm sau, số quân Mỹ đã là 23 ngàn người và vẫn tiếp tục tăng!
Chính thể Việt Nam Cộng Hòa là một quái thai của mẹ Pháp, bố Mỹ và mang hồn ma triều đình Huế. Chính khách Việt Nam Cộng Hòa là một đám vụ lợi tầm thường thích xa lông, thèm xôi thịt. Tướng lĩnh Việt Nam Cộng Hòa là một lũ đầu gấu tứ xứ mò về, coi nghiệp binh là một nghề kiếm chác danh lợi từ bảo kê, trộm cướp đến buôn lậu, chống cộng chỉ vì bổng lộc cho nên luôn xâu xé nhau, luôn tranh quyền đoạt lợi của nhau và sẵn sàng lật thầy, phản chủ.
Là con đẻ của bố Mỹ, sống được là nhờ bố Mỹ nhưng Ngô Đình Diệm “càng lớn” càng tỏ ra bướng bỉnh, ngỗ ngược, không chịu vâng lời bố, khờ khạo muốn làm “chí sĩ”, đòi cái “gia đình trị” của mình được độc lập, tự do. Thế là Mỹ bật đèn xanh cho đám lau nhau “Hội đồng tướng lĩnh” ngụy lật đổ. Sẵn máu côn đồ, chúng giết luôn Diệm và Nhu (Ngô Đình Nhu, em ruột Diệm, đóng vai “cố vấn” nhưng có quyền lực át cả Diệm) bằng đâm dao và bắn súng nát bấy thân thể một cách đê hèn, không qua xét xử. Riêng “lãnh chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn (em ruột Diệm - Nhu) thì “được” xử bắn vì không chịu nhả 6 triệu đôla gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ để đổi lấy chuyến bay Dakota thoát thân sang Singapo (khi nghe đến người ra giá này, Cẩn đã thốt lên: “Chết tao rồi!”)
Chính quyền Sài Gòn thời hậu Diệm - Nhu, bị giới quân sự khống chế, lũng đoạn. Các tướng lĩnh gài bẫy đạp đá nhau liên miên để tranh giành chức quyền với mục đích duy nhất là đục khoét, trộm cướp, kiếm chác càng nhiều danh lợi cho bản thân càng tốt.
Với một chính quyền như vậy thì lực lượng vũ trang của nó cũng chẳng ra gì. Thực tế chiến trường cho thấy cái chiến lược “chiến tranh đặc biệt”: bộ binh ngụy + cố vấn và hỏa lực Mỹ đã nhanh chóng phá sản vì không đương đầu nổi với Quân giải phóng.
Ba tuần sau cái chết của Diệm, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Kennơđy cũng bị bắn chết kiểu găngxtơ. Việc điều hành chiến tranh ở Việt Nam chuyển sang tay Giônsơn (Johnson). Giônsơn thổ lộ: “Mất cái xã hội vĩ đại là một ý nghĩ đáng sợ, nhưng còn chưa đáng sợ bằng ý nghĩ phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của cuộc chiến tranh với cộng sản, không còn gì tồi tệ hơn điều đó”.
Mắc Namara được cử đến Sài Gòn để nhận định tình hình tại chỗ, quan sát thấy sự bệ rạc của chính quyền Sài Gòn, đã báo cáo với Giônsơn: “Không lật ngược được tình hình, cừ đà này thì hai ba tháng tới, khá lắm cũng sẽ là chính phủ trung lập, điều chắc chắn hơn là một quốc gia do cộng sản kiểm soát ở Sài Gòn”. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đòi phải dùng biện pháp mạnh, đột kích bằng không quân ra miền Bắc - Việt Nam, trinh sát cả Lào và Cămpuchia, Mỹ cần phải nắm lấy quyền chủ động điều hành cuộc chiến tranh. Đây chính là bước đi khởi đầu của chiến lược “chiến tranh cục bộ” - quân Mỹ trực tiếp tham chiến trên chiến trường Việt Nam. Trong bài “Lực lượng đặc nhiệm trong hành động ở ngoài khơi Việt Nam”, W.Cagle viết: “Để gìn giữ Việt Nam, chiến lược quân sự của Mỹ có hai mục tiêu liên kết với nhau: tiến hành một chiến lược bằng bộ binh và không quân đánh bại đối phương ngay ở Nam - Việt Nam hoặc buộc họ phải rút quân, còn ở bên ngoài thì dùng không quân và hải quân tiến công Bắc - Việt Nam để buộc họ phải đình chỉ xâm lược”. Thực tế cho thấy Nhà Trắng đã quyết tâm để theo hướng này vì sau khi đã tạo ra cái cớ “Vịnh Bắc Bộ” và ra đòn trả đũa ngày 5-8-1964, thì ngày 7-2-1965, Tổng thống Giônsơn đã quyết định bắt đầu chiến dịch “Sấm rền”, ném bom bắn phá Bắc - Việt Nam kéo dài suốt 37 tháng, theo kiểu leo thang.
Theo Stanley Karnow, nhà báo Mỹ, có mặt tại Việt nam từ năm 1959, thì vào tháng 6-1964, Mỹ đã có dự thảo nghị quyết “Vịnh Bắc Bộ”. Sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” là do Mỹ cố tạo dựng nên, lừa dối dư luận Mỹ (rằng là ngày 2-8-1964 xảy ra đụng độ giữa 3 tàu phóng lôi Bắc  - Việt Nam và tàu chiến Maddox của Mỹ; 8 giờ tối 4-8, thuyền trưởng Kerrick có cảm giác (!) là tàu mình lại bị tiến công nhưng không quan sát thấy gì…), để có cớ phát động cuộc bắn phá miền Bắc - Việt Nam bằng không quân. Trong khi Herrick còn chưa biết “mô, tê” ra sao thì cũng là đủ cho phát ngôn viên Lầu Năm Góc khẳng định về “một cuộc tiến công có dự liệu đã xảy ra” và ở Mỹ, trước nửa đêm 4-8-1964, Giônsơn đã trịnh trọng thông báo trước ống kính truyền hình là “đòn trả miếng đang xảy ra trong lúc tôi đang nói với người Mỹ”. Ở Bắc - Việt Nam trong ngày 5-8-1964 đã có 64 lần chiếc máy bay Mỹ xuất kích đánh vào 4 căn cứ hải quân và 1 kho dầu.
Một số nghị sĩ Mỹ khuyên Giônsơn: “Sớm tìm đường ra khỏi Việt Nam, nơi đáng lẽ chúng ta không nên có mặt”. Nhưng giữa trưa ngày 28-7-1965, Giônsơn phát biểu trên đài truyền hình: “Chúng ta sẽ thỏa mãn yêu cầu của Óetmolen (Westmoreland). Chúng ta không thể bị đánh bại bằng vũ khí. Chúng ta sẽ trụ lại ở Việt Nam”. Cùng ngày hôm đó, Giônsơn đã thông báo quyết định tăng thêm 44 tiểu đoàn chiến đấu ở Việt Nam.
Gắn liền với sự thất bại của cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ ở Nam  - Việt Nam là tướng tư lệnh chiến trường Oétmolen.
Nếu đại tướng Mắcxoen Taylo, trước khi làm đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã từng được đánh giá là “một nhà chiến lược tầm cỡ quốc tế, thông minh, sắc sảo, có tầm mắt nhìn xa trông rộng, có quan điểm táo bạo, độc đáo” thì đại tướng Oétmolen cũng được nhận xét là “một vị chỉ huy lỗi lạc, tự tin, có tri thức quân sự, có kinh nghiệm chiến đấu, có tác phong xông xáo…”
Theo lời tự thuật của Oétmolen thi ông ta xuất thân từ một gia đình quí tộc Anh, di cư sang Mỹ từ thế kỷ XVII. Dòng họ Nêvin (Neville) này, sau khi đã có chân trên mảnh đất trù phú ở “Tân thế giới” và trở thành trại chủ kiêm tư sản tại bang Carôlina Nam, thì đổi tên dòng họ từ Nêvin sang Oétmolen (nghĩa đen là thêm đất ở miền Tây). Oétmolen chào đời vào năm xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ nhất: 1914. Sau này, khi đã là một quân nhân, ông ta thường nói vui: “Tôi sinh ra dưới ánh sáng của sao Hỏa (sao tượng trưng cho Thần chiến tranh). Do đó, dù đã có thêm mảnh đất ở miền Tây để sinh cư lập nghiệp, vẫn cứ phải liên tục chinh chiến ở nhiều mảnh đất phía Đông!”
Oétmolen tốt nghiệp Cao đẳng quân sự Xitaden bang Carôlina Nam năm 1936 khi vừa chớm 22 tuổi với quân hàm thiếu úy. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Trận “thử lửa” đầu tiên của Oétmolen là vào năm 1942. Lúc này Oétmolen đã là thiếu tá, chỉ huy một tiểu đoàn pháo binh trong đội lính của sư đoàn 9 Mỹ. Chính Oétmolen đã dẫn đầu tiểu đoàn của mình, hành quân cấp tốc suốt 4 ngày đêm vượt qua dãy núi Átlát trên biên giới Angiêri - Tuynidi, kịp thời bắn yểm trợ cho các đơn vị bộ binh Mỹ trong trận chiến đấu quyết liệt với đạo quân phát xít Đức do tướng Rômmen chỉ huy trên chiến trường Bắc Phi. Sau trận này Oétmolen được thăng trung tá. Tiếp tục xông pha trên chiến trường Châu Âu và khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc thì Oétmolen đã là đại tá sư đoàn trưởng, trở về nước tiếp tục bổ túc lý luận quân sự và học thêm môn nhảy dù.
Giữa năm 1952, Oétmolen được điều động sang chiến trường Triều Tiên với cương vị đại tá lữ đoàn trưởng lữ dù 187. Với tác phong “năng nổ, xông xáo”, năm 1953, Oétmolen được thăng cấp thiếu tướng. Lúc này Oétmolen mới 39 tuổi và là “viên tướng trẻ nhất trong quân đội Mỹ hồi đó”. Liền sau đó, Oétmolen được cử làm sĩ quan huấn luyện rồi làm chỉ huy trưởng Học viện quân sự Oét Pôintơ - Học viện nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Ngày 15-12-1963, Oétmolen được lệnh điều động sang Nam - Việt Nam. Cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc khi đó đều không hình dung được rằng chỉ sau một thời gian ngắn, Oétmolen sẽ là người thống lĩnh một đạo quân viễn chinh lớn nhất của nước Mỹ để tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài nhất, hao người tốn của nhất, thất bại chua cay nhất trong toàn bộ lịch sử nước Mỹ, cách xa nước Mỹ đúng nửa vòng trái đất.
Lúc đầu, Oétmolen mới chỉ được giao nhiệm vụ làm phó cho tướng Hakin, tư lệnh bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở Nam - Việt Nam. Tướng Uylơ, lúc đó là Tổng tham mưu trưởng lục quân Mỹ, đã đặt rất nhiều hy vọng vào Oétmolen. Uylơ đã khẳng định với Mắc Namara, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, rằng Oétmolen, với bề dày kinh nghiệm chiến đấu và huấn luyện “nhất định sẽ làm tròn nhiệm vụ đào tạo quân Nam - Việt Nam (quân Ngụy) trở thành một đạo quân chống cộng cừ khôi nhất ở Châu Á”.
Về phần mình, mặc dù được cả Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn rất tin cậy, đánh giá rất cao, nhưng Oétmolen vẫn “không hề tỏ ra chủ quan, tự phụ, ngược lại còn rất khiêm tốn”. Chính Oétmolen bộc bạch rằng trước khi sang Nam - Việt Nam “nhận công tác khó khăn phức tạp nhất trong cuộc đời hoạt động quân sự của mình”, ông ta đã bỏ ra một thời gian để nghiên cứu các tác phẩm quân sự của Tôn Tử, tìm hiểu nghệ thuật quân sự của Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Huệ, đồng thời đọc kỹ nhiều bài viết của đại tướng Võ Nguyên Giáp, hơn nữa còn tìm gặp tướng Mắc Áctơ - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai, để “xin ý kiến về việc đàn áp phong trào nổi dậy ở Châu Á”. Áctơ đã cho Oétmolen một lời khuyên: “Cần phải liên tục tiến công và tận dụng sức mạnh hủy diệt của hỏa lực”.
Tháng 6-1964, Oétmolen thay Hakin làm Tư lệnh trưởng bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở Sài Gòn mà thực chất là Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở Nam - Việt Nam. Đối với chiến dịch “Sấm rền”, Oétmolen cho rằng “sớm nhất thì cũng đến tháng 6 (năm 1965) mới thấy kết quả của chiến dịch ném bom Bắc - Việt Nam và trong khi đó, quân đội Nam - Việt Nam cần được Mỹ chi viện để bảo vệ phòng tuyến trước sức mạnh ngày càng lớn của Việt Cộng…”, và “Nếu có một cuộc phản công vào mùa hè của việt Cộng thì không chắc có sự cầm cự được lâu ở miền Nam để chờ cho việc ném bom trở nên có hiệu quả” (Tài liệu mật Lầu Năm Góc). Do đó Oétmolen đã đưa ra yêu cầu phải có ngay 200 ngàn quân Mỹ “để giữ cho khỏi bị thất bại trong một thời gian đủ cho Mỹ có thể đưa thêm quân tới” (Tài liệu mật Lầu Năm Góc).
Như đã kể, “tháng 7-1965, Giônsơn đã chấp thuận cho Oétmolen 44 tiểu đoàn quân chiến đấu Mỹ và thông qua chiến lược “Tìm và diệt” mà “ý nghĩa cơ bản” trong chiến lược “Tìm và diệt” là muốn đưa cuộc chiến tranh đến tận xứ sở của kẻ địch, làm cho kẻ địch không thể tự do đi lại ở bất cứ nơi nào trên đất nước… và giáng cho địch những đòn thật nặng nề” (Tài liệu mật Lầu Năm Góc). Cũng theo tài liệu này thì sau đó Oétmolen còn báo cáo là ông ta cần thêm 24 tiểu đoàn Mỹ (hoặc 100 ngàn quân) nữa để phục vụ cho “giai đoạn giành thắng lợi” bắt đầu vào năm 1966.
Kế hoạch của Oétmolen chỉ rõ rằng: “có đủ lực lượng để giành thế chủ động từ tay Việt Cộng vào khoảng năm 1966. Khi bước vào thế phản công và có thêm lực lượng tăng cường thỏa đáng thì sẽ đánh bại kẻ địch vào cuối 1967”.
Thật là một kế hoạch “quá đã”! Thoạt đầu, Mắc Namara cũng phải thốt lên: “Trong lịch sử quân đội Mỹ, tôi chưa hề thấy có vị tướng cầm quân nào tài giỏi hơn thế”, để khen ngợi Oétmolen. Chính Mắc Namara đã ký giấy chuẩn chi 2 tỷ đô la để xây dựng một hàng rào điện tử mang tên ông ta, chạy suốt dọc vĩ tuyến 17 nhằm ngăn chặn quân chủ lực Bắc - Việt Nam thâm nhập vào miền Nam. Còn tổng thống Giônsơn thì gọi Oétmolen bằng cách trìu mến là “Oétxky” và trao cho ông này một tấm “ngân phiếu trắng”, muốn xin bao nhiêu quân cũng được, muốn chi bao nhiêu tiền cũng được, miễn là kết thúc chiến tranh ở Nam - Việt Nam trong năm 1967, là năm bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ.
Hầu hết các nhà bình luận quân sự ở các nước tư bản đều nhận xét, trong lịch sử quân sự Hoa kỳ, “chưa có vị tướng cầm quân nào được hỗ trợ đắc lực như tướng Oestmolen”. Để “bình định” một khu vực chỉ bằng một nửa nước Triều Tiên, Oétmolen nhanh chóng có được một đạo quân viễn chinh vượt quá cột mốc 500 ngàn quân và hơn hẳn tổng số các lực lượng Mỹ đã tham gia chiến tranh Triều Tiên trong những năm 1950 - 1953”. Hơn thế nữa, tất cả những đơn vị thiện chiến nhất của nước Mỹ như lính thủy đánh bộ, sư đoàn bộ binh “Anh cả đỏ”, sư đoàn bộ binh “Tia chớp nhiệt đới”… đều được điều động tới Nam - Việt Nam. Ngoài ra, Oétmolen còn được đặc quyền sử dụng cả máy bay ném bom chiến lược cực kỳ hiện đại lúc bấy giờ gọi là “pháo đài B52” để ném bom “trải thảm” cố hủy diệt các căn cứ Việt Cộng. Chưa kể cuộc chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân vẫn đang ráo riết tiến hành ở Bắc - Việt Nam.
Được sự tăng viện ồ ạt từ Mỹ đủ mọi loại phương tiện chiến tranh hiện đại, kể cả bom napan, kể cả chất độc hóa học phát quang cây, rừng gọi là chất độc màu da cam hay Điôxin, Oétmolen đã có trong tay, vào cuối năm 1965, một lực lượng chiến tranh có ưu thế tuyệt đối (nhìn từ ngoài vào số lượng nổi trội!) về mọi mặt so với đối phương, tạo nên tương quan về lực lượng trên chiến trường đột ngột nghiêng về phía Mỹ - Ngụy. Nhờ thế Oétmolen đã chủ động tung ra đòn phản công chiến lược mạnh mẽ “Tìm và diệt” mùa khô năm 1965-1966 với kế hoạch 5 mũi tiến công vào 5 vùng ưu tiên tìm diệt gồm Nam - Phú Yên, Tây - Quảng Ngãi, Bắc - Bình Dương, Bắc - Củ Chi, Bến Cát thuộc Bình Dương. Chiến trường miền Nam suốt 4 tháng trời đầy bão lửa.
Tháng 5-1966, Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn lúc đó là Cabốt Lốt, không hiểu sao lại gửi về cho Giônsơn một bản báo cáo mà “Tài liệu mật Lầu Năm Góc” gọi là bản báo cáo gồm 7 số “0”:
1-     “0” làm hao tổn Việt Cộng.
2-     “0” tiêu diệt được đơn vị chính qui lớn nào của Việt Cộng.
3-     “0” ngăn được du kích phát triển.
4-     “0” ổn định được hậu phương.
5-     “0” giành được chủ động.
6-     “0” ngăn được đà suy sụp của quân đội Sài Gòn (ngụy quân).
7-     “0” tăng cường và bổ sung kịp được lực lượng của Mỹ.
Trong khi đó, Cục tình báo trung ương Mỹ đánh giá về cuộc đánh phá Bắc - Việt Nam bằng không quân: “Ném bom đã tỏ ra ít có tác dụng đối với Bắc - Việt Nam”. Cuộc họp của 47 nhà bác học đại diện cho những phần tử ưu tú nhất của nước Mỹ thì đánh giá kết quả của chiến dịch Sấm rền là: “Tính đến tháng 7-1960, các hoạt động ném bom của Mỹ ở Bắc - Việt Nam đã không có ảnh hưởng trực tiếp đáng kể nào đến khả năng của Hà Nội trong việc tiến hành và hỗ trợ các hoạt động quân sự ở Nam - Việt Nam như mức hiện nay”.
Tuy nhiên, Oétmolen vẫn tự tin. Trong thời kỳ cuối năm 1966 đến đầu năm 1967, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông này, quân Mỹ liên tiếp mở hàng loạt chiến dịch tiến công qui mô lớn vào khu vực chiến khu C (ở Tây Ninh), khu “tam giác sắt” Củ Chi (ở phía Bắc Sài Gòn), chiến khu Đ (ở miền Đông - Nam Bộ). Lúc này, tướng Oétmolen “khiêm tốn, thận trọng” thuở nào bắt đầu ngạo mạn, huênh hoang, tuyên bố: với chiến lược “Tìm và diệt” đánh vào tận “hang ổ Việt Cộng”, “chỉ đến giữa năm 1967 là đánh “gãy xương sống” Việt Cộng”. Tất cả các cuộc hành quân “Tìm và diệt” của Mỹ vào 5 vùng “đặc biệt ưu tiên” nói trên nhằm tiêu diệt và quét sạch Việt Cộng ở các vùng bao quanh một khu vực căn cứ quan trọng nhất là Bắc - Tây Ninh, để thực hiện một chiến dịch lớn nhất có tên là “Gianxơn Xiti” nhằm tiêu diệt cho được cơ quan đầu não chỉ đạo chiến tranh tại miền Nam - Việt Nam của Việt Cộng. Đây là một chiến dịch mà Tổng chỉ huy Oétmolen cho là quyết định cuộc chiến vào cuối năm 1967 như đã dự định. Côlơ (W. Cagle), phụ tá đặc biệt của Tổng thống Mỹ thì báo cáo cho Giônsơn sau chuyến đi thực tế ở miền Nam vào tháng 2-1967: “Tôi trở về lạc quan hơn bao giờ hết… Một cách tốn kém, đắt đỏ, nhưng hiển nhiên không cần bàn cãi, chúng ta đang thắng ở miền Nam. Chỉ có ít chương trình của chúng ta - nhân sự hoặc quân sự là đạt nhiều hiệu quả, nhưng chúng đang nghiền nát kẻ thù dưới sức nặng và số lượng tuyệt đối…”. Vào tháng 3-1967, Oétmolen điện cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương: “Do kết quả của việc tăng cường binh lực và do thành công của chúng ta nên chúng ta đã có thể đề ra kế hoạch và khởi xướng một cuộc tổng phản công. Hiện nay chúng ta giành được thế chủ động chiến thuật và đang tiến hành các cuộc hành quân tiến công liên tục, nhỏ bé và đôi khi với qui mô lớn để tiêu hao lực lượng địch, để phá hủy các căn cứ của địch và làm tan rã hạ tầng cơ sở của chúng, để ngăn chặn đường giao thông thủy bộ của chúng và thuyết phục chúng rằng với sức mạnh tiến công của chúng ta kèm theo các hoạt động tâm lý, chúng nhất định thất bại”.
Kết quả thực tế đã ngược hẳn với ước mơ dự tính của Oétmolen. Chiến dịch “Tìm và diệt” lớn nhất là cuộc hành quân Gianxơn Xiti đã không tìm thấy “kẻ địch”. Thế mà “kẻ địch” lại thường xuất hiện bất ngờ khắp mọi nơi khi thì lẻ tẻ, khi thì từng đơn vị nhỏ, nhưng cũng có lúc đông cỡ trung đoàn, sư đoàn giáng cho Mỹ - Ngụy những đòn thất điên bát đảo. Hơn một vạn lính Mỹ - Ngụy thương vong, gần 1.000 xe quân sự, chủ yếu là xe tăng và thiết giáp bị phá hủy, hàng trăm máy bay bị bắn rơi, hàng trăm khẩu pháo bị phá hỏng, và đặc biệt là Đài phát thanh của Mặt trận giải phóng không hề ngừng phát sóng. Đây là một thất bại vô cùng nặng nề và cũng vô cùng bất ngờ đối với quân Mỹ. Vào những tháng cuối 1967, tình trạng sa lầy, bế tắc của quân Mỹ làm cho Đin Rátxcơ, bộ trưởng ngoại giao Mỹ khi đó phải than thở: “Năm 1967 là năm đau khổ và khốc liệt đối với Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, ngay tại nước Mỹ, tình thế thật rối bời, dư luận chia rẽ, tiến thoái lưỡng nan”.
Trong cuốn “Giải phẫu một cuộc chiến tranh”, xuất bản năm 1985 tại Nữu Ước, nhà sử học có tiếng của Mỹ là Gabrich Côncô viết: “… dù ưu thế nhân lực của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa cộng lại, đến năm 1967 là 4,7 trên 1 so với Cách mạng nhưng Cách mạng đã ghìm được Mỹ và đồng minh Mỹ đến mức lực lượng tiến công của Cách mạng vượt lực lượng tiến công của Mỹ và do đó, lực lượng Cách mạng nắm được chủ động về chiến thuật và cả chiến lược nữa”.
Đến cuối năm 1967, cả chiến dịch “Sấm rền” cũng như hàng rào điện tử Mác-Namara đều coi như vô hiệu, không ngăn chặn được sự chi viện của Bắc - Việt Nam cho Tiền tuyến lớn của nó, hơn nữa, chỉ tính riêng năm 1967, dù đã bị bắn rơi 1067 máy bay và bị bắt sống 161 phi công, không lực Mỹ vẫn, theo đánh giá của các nhà phân tích cao cấp Mỹ, “không hề làm giảm sút tinh thần nhân dân miền Bắc”, “không hề làm lung lay ý chí Hà Nội”.
Nhân dân Mỹ chán ngán, làn sóng chống chiến tranh đối với chính phủ Mỹ ngày một dâng cao. Bản thân trong nội bộ chính quyền Mỹ cũng rạn nứt, mâu thuẫn, chia làm hai phe chủ chiến (gọi là phe Diều hâu) và chủ hòa (gọi là phe Bồ câu). Phe Bồ câu gồm Mắc Namara cùng một số cộng tác viên ở Bộ quốc phòng Mỹ, một số nhà vạch kế hoạch dân sự cấp cao, thì chủ trương giảm qui mô cuộc chiến, rút lui khỏi Việt Nam. Phe Diều hâu gồm các tướng lĩnh, đứng đầu là Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Tư lệnh Thái Bình Dương và tướng Oétmolen, Tư lệnh Chiến trường Nam - Việt Nam, thì thúc giục mở rộng chiến tranh cả trên bộ, trên không và ra cả Đông Dương.
Giônsơn hoàn toàn bị động, lúng túng, hoang mang, không dứt khoát được, tiến cũng sợ mà lui cũng sợ, hoàn toàn bế tắc. Tuy nhiên, như một vớt vát niềm tin cuối cùng vào Oétmolen, Giônsơn đã quyết định đưa sang Nam - Việt Nam thêm 100 ngàn quân Mỹ nữa, nâng tổng số ở đó (không kể quân ngụy Sài Gòn và quân đồng minh (thực chất là chư hầu) lên 430 ngàn quân vào cuối tháng 12-1967. Trên một diện tích khu vực nhỏ hẹp chỉ có 17 vạn km vuông (diện tích Nam - Việt Nam) thì số quân Mỹ như thế đã tạo ra một mật độ chưa có cuộc chiến tranh nào đạt tới.
Sau cuộc phản công “tìm diệt” thất bại trong mùa khô năm 1966-1967 của Mỹ, với lực lượng được tăng cường, Oétmolen lại gấp rút chuẩn bị cuộc phản công lần thứ 3 vào vùng chiến khu C, Đ, bằng những cuộc hành quân “ngăn ngừa” ở tỉnh Phước Long, đồng thời dự kiến mở 4 cuộc hành quân mang tên chung là “York” càn quét vùng biên giới Lào ở 4 tỉnh phía Bắc nhằm lập lại quyền kiểm soát ở miền tây Trị - Thiên.
Giữa lúc Oétmolen đang ráo riết triển khai lực lượng để thực hiện ý đồ đó thì Quân giải phóng Miền Nam mở đợt hoạt động quân sự Thu - Đông nhằm tiêu diệt, tiêu hao thêm một bộ phận binh lực Mỹ - Ngụy, buộc chúng phải bị động hơn nữa về chiến lược, tranh thủ mở rộng vùng giải phóng, củng cố thế trận và quyền chủ động chiến trường, đồng thời mở ra cho Giônsơn thấy leo thang chiến tranh là phiêu lưu, giành thắng lợi quân sự trên chiến trường Việt Nam là vô vọng.
Trước cuộc tiến công dồn dập của Quân giải phóng từ Quảng Trị cho đến đồng bằng sông Cửu Long (chiến sự ác liệt nhất trong mùa mưa năm 1967 là ở Tây Nguyên và Trị Thiên), cùng lúc với tin tức tình báo cho thấy Quân giải phóng đang di chuyển những đơn vị lớn từ vùng biên giới về đồng bằng, các trung tâm dân cư, kể cả Sài Gòn, Oétmolen hốt hoảng ra lệnh hủy bỏ kế hoạch phản công lần 3, điều phối lại lực lượng chuyển sang phòng ngự bị động theo 2 hướng chính là xung quanh Sài Gòn và Trị Thiên.
Đến đây, một thời cơ mới cho công cuộc giải phóng miền Nam của Cách mạng Việt Nam đã xuất hiện. Bộ chính trị và Ban chấp hành Đảng Lao động Việt Nam nhận định: “Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn, đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược”, “tình hình ấy cho phép ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ Tổng tiến công và nổi dậy để giành thắng lợi quyết định”, do đó “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định” (Nghị quyết Hội nghị lần thức 14 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, tháng 1-1968).
Nghị quyết cũng nhận định rằng: “Ta tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa không phải trong điều kiện kẻ địch đã kiệt quệ trong một cuộc chiến tranh thế giới (như trường hợp Cách mạng Tháng Mười Nga, hay Cách mạng Tháng Tám) mà là trong khi địch còn trên 1 triệu quân và một tiềm lực chiến tranh lớn”.
Nghị quyết còn dự kiến 3 khả năng là:
“1 - Ta giành được thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, công kích và khởi nghĩa vùng yếu, ở các đô thị lớn và đập tan được mọi phản kích của địch, làm địch thất bại đến mức không thể gượng lại được, đè bẹp được ý chí xâm lược của địch, bắt chúng phải chịu thua, phải thương lượng đi đến kết thúc chiến tranh theo mục đích, yêu cầu của ta.
2 - Tuy ta giành được thắng lợi ở nhiều nơi nhưng địch cố gắng tập trung và tăng viện thêm lực lượng từ ngoài vào, giành lại những vị trí quan trọng, các đô thị lớn, nhất là thủ đô, và dựa vào các căn cứ để tiếp tục chiến đấu với ta.
3 - Mỹ động viên và tăng viện thêm nhiều lực lượng, mở rộng chiến tranh thêm một bước ra miền Bắc Việt Nam, sang Lào, Cămpuchia, hòng xoay cục diện chiến tranh và gỡ thế thua của chúng.”
“Chúng ta phải nỗ lực phi thường, đem hết tinh thần và lực lượng quyết tâm chiến đấu giành cho kỳ được thắng lợi cao nhất theo khả năng thứ nhất”. Dù “… khả năng thứ 3 có rất ít, nhưng chúng ta cũng phải luôn sẵn sàng chủ động đối phó mọi tình huống có thể xảy ra”.
Bộ chính trị Trung ương Đảng kêu gọi: “Đạp bằng mọi gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi thử thách khó khăn, dũng cảm và mưu trí tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi hoàn toàn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đặng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiến tới thống nhất nước nhà”, đồng thời giao cho Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng phương án hành động. Phương án hành đó đã được Quận ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng phương án hành động. Phương án hành động đó đã được Quận ủy Trung ương và Bộ tổng tư lệnh xác định cụ thể là: “Cùng với đòn thế tiến công của bộ đội chủ lực mà chiến trường chính là đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, là đòn tiến công chiến lược đánh vào thị xã, thành phố qui mô trên toàn miền Nam kết hợp với nổi dậy của quần chúng nông thôn và đô thị, mở đầu cho tổng công kích - tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn, Nam Bộ, Trị - Thiên, Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn”.
Bước ngoặt bi kịch đối với cuộc đời binh nghiệp của đại tướng Oétmolen “bắt đầu từ một thung lũng nhỏ mang tên Khe Sanh” và “kết thúc bằng cú Tết Mậu Thân năm 1968”.
Khe Sanh nằm trên một cao nguyên, mỗi bề gần 10km, thuộc miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị, gần chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và Tà Cơn. Các tướng tá Mỹ trực tiếp điều khiển chiến tranh xâm lược Việt Nam đều nhất trí cho rằng Khe Sanh là vị trí chiến lược hết sức quan trọng, vừa có thể ngăn chặn sự xâm nhập từ Bắc vào Nam qua giới tuyến quân sự tạm thời (vĩ tuyến 17), vừa có thể là tấm bình phong che chở an toàn cho khu vực phía Đông đường 9. Năm 1964, sang Nam - Việt Nam đảm nhận quyền chỉ huy lực lượng Mỹ, Oétmolen liền đi thị sát Khe Sanh và lập tực cho đó là vị trí lý tưởng để ngăn chặn Việt Cộng xâm nhập từ Bắc vào hoặc từ Lào sang theo đường 9; là “cái mỏ neo” ở phía Tây của hệ thống phòng thủ phía Nam khu phi quân sự và là bàn đạp cho các cuộc hành quân trên bộ để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Bỏ Khe Sanh tức là bỏ mất tất cả những lợi thế đó, cũng là chấp nhận cho Việt cộng đưa chiến tranh vào vùng dân cư ven biển tỉnh Quảng Trị và tạo ra một hành lang dọc bờ biển cho Việt Cộng tiến xuống phía Nam. Bởi tầm quan trọng như thế nên Khe Sanh được Mỹ chú tâm xây dựng thành một khu vực phòng thủ cực mạnh với lực lượng đồn trú tới 6.000 quân do đại tá Đêvít Laođơ chỉ huy, có đầy đủ xe, pháo và ngoài ra còn được 16 khẩu pháo 175 mm (có hỗn danh là “Vua chiến trường”) của lục quân Mỹ đặt ở căn cứ 241 cùng 20.000 quân trên tuyến phòng thủ đường 9, đặc biệt là được một lực lượng không quân hiện đại to lớn yểm trợ, chi viện.
Tháng 12-1967, Oétmolen nhận được tin tình báo phát hiện 2 sư đoàn bộ binh và 2 trung đoàn pháo cùng xe tăng quân Bắc - Việt Nam tập trung quanh Khe Sanh. Ông ta nhận định sắp có cuộc tiến công của Việt Cộng nhằm chiếm khu vực này và các điểm tựa khác dọc đường 9 từ Đông Hà sang Lào. Bị ám ảnh, Oétmolen còn cho rằng Việt Cộng định biến Khe Sanh thành một “Điện Biên Phủ” thứ hai, do đó đã yêu cầu nhà sử học công tác trong Bộ tư lệnh là đại tá Rimơ Ácgô nghiên cứu Điện Biên Phủ và các trận bao vây trên thế giới để so sánh với Khe Sanh nhằm kiện toàn công tác phòng ngự cho nó. Ácgô cho biết, qua nghiên cứu thì sở dĩ quân phòng ngự thất bại là do mất hết mọi thế chủ động. Theo Oétmolen thì quân Mỹ ở Khe Sanh có lợi thế hơn nhiều so với quân Pháp ở Điện Biên Phủ bởi được chi viện dồi dào bằng máy bay và pháo binh từ phía ngoài và Mỹ có đầy đủ khả năng chở quân ứng cứu kịp thời bằng đường không để giành thế chủ động đánh bại đối phương. Trước khi trận đánh xảy ra, Oétmolen còn cho chuyển toàn bộ các máy dò điện tử định dùng kéo dài hàng rào Mắc Namara sang Lào, về bố trí xung quanh Khe Sanh.
Sau khi đã dồn những nỗ lực quan trọng cho Khe Sanh với tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, Oétmolen “tin tưởng Khe Sanh có thể đứng vững trong lịch sử như một tấm gương cổ điển về thách thức đánh bại một lực lượng bao vây đông hơn nhiều lần bằng việc sử dụng hỏa lực có phối hợp”.
Tại Oasinhtơn, bị sự suy diễn theo chiều hướng coi Khe Sanh như một Điện Biên Phủ của các tướng lĩnh Mỹ chi phối, Giônsơn cũng quan tâm đặc biệt đến Khe Sanh, theo dõi sát sao diễn biến tình hình ở đó trên một sa bàn trận địa đặt trong tầng hầm Nhà Trắng và đòi các tướng lĩnh phải có lời cam kết bằng máu không được để mất khu vực phòng thủ đó.
Trong một cuộc họp Ban tham mưu của mình, Oétmolen tuyên bố: “Chúng ta sẽ không bị đánh bại ở Khe Sanh. Tôi sẽ không tha thứ cho ai nói hoặc suy nghĩ điều ngược lại”.
Giữa lúc liên quân Lào - Việt đang truy quét quân địch ở Nậm Bạc thì ngày 20-1-1968, quân Giải phóng bất ngờ tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Sau khi làm chủ quận lỵ Hướng Hóa, đêm 31-1, quân Giải phóng tiêu diệt cứ điểm Huội San và ngày 7-2, diệt cụm cứ điểm Làng Vây, làm cho Tà Cơn bị hở sườn phía tây. Quân Giải phóng chọc thủng luôn tuyến phòng thủ tây đường 9 của địch, làm chủ đoạn đường đó từ biên giới Việt - Lào đến Cà Tu, mở rộng bàn đạp vây hãm Tà Cơn. Lính thủy đánh bộ Mỹ trong Tà Cơn phản kích ra liên tục, nhưng đều bị đánh bại, đành phải cố thủ trong công sự, chờ viện binh.
Từ khoảng giữa tháng 2 trở đi, máy bay chiến thuật Mỹ trung bình mỗi ngày xuất kích 300 lần chiếc, ném 35.000 tấn bom, máy bay chiến lược B52 trong gần 2 tuần thả 75.000 tấn bom xuống quanh Khe Sanh. Trong những ngày Khe Sanh bị bao vây, trung bình mỗi ngày, đại bác 175 mm của lục quân Mỹ bắn đến 1.500 quả đạn. Lượng bom đạn dội xuống dày đặc đó làm cho quân tướng Mỹ - Ngụy ở Khe Sanh cũng phải kinh hoàng. Oétmolen nhìn nhận đó là “một cuộc phô trương hỏa lực khủng khiếp… một trong những trận ném bom nặng nề nhất, tập trung nhất trong lịch sử chiến tranh”. Thế nhưng quân Giải phóng vẫn anh dũng siết chặt vòng vây Tà Cơn từ hai hướng Tây và Nam. Cuối tháng 2-1968, các đường hào vây lấn của quân Giải phóng chỉ còn cách tiền duyên địch khoảng 50 m…
Mãi đến tháng 4-1968, quân Mỹ - Ngụy gồm sư đoàn kỵ binh không vận số 1, ba tiểu đoàn dù, một tiểu đoàn biệt động ngụy mới tổ chức được hai cuộc hành quân “Ngựa bay” và “Lam Sơn 207” để giải tỏa Khe Sanh. Trong những ngày này, Mỹ dùng máy bay chiến thuật ném bom chỉ cách Trung tâm Tà Cơn có 400 m, còn máy bay chiến lược B52 thì phong tỏa vòng ngoài từ 2 đến 3 km. Những cuộc giao tranh ác liệt đã diễn ra ở các khu vực: điểm cao 471, 400, 542, 479, Động Ché Riên, làng Khoai, làng Vây, xung quanh Tà Cơn. Bị đánh thiệt hại nặng nhưng Mỹ - Ngụy cũng chiếm được một số vị trí có lợi. Vòng vây Tà Cơn của quân Giải Phóng bị nới lỏng, địch thay được quân (lúc này hình thái phòng ngự của Mỹ ở Khe Sanh vẫn lấy Tà Cơn làm trung tâm và nơi đây được tăng cường lực lượng, gồm 2 trung đoàn lính thủy đánh bộ, 2 tiểu đoàn kỵ binh không vận). Tuy nhiên toàn bộ hướng Tây - Tà Cơn vẫn bị trống, Mỹ không chiếm được vị trí khống chế nào.
Sau khi mặt trận Khe Sanh được tăng cường sư đoàn 308 và trung đoàn 246, quân Giải phóng mở hàng loạt trận tiến công chiếm lại làng Cát, Động Ché Riên, cắt đường 9 đoạn từ Rào Quán đến Cu Bốc, đẩy địch ở Tà Cơn vào thế cô lập.
Ngày 1-6-1968, sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ mở cuộc hành quân “Xcốtlen” đánh ra khu vực Tà Ri, Tà Quan, Húc Cốc Giang, Pa Trang nhằm thu hút lực lượng quân Giải phóng đang vây hãm Tà Cơn ra đối phó, đồng thời đóng thêm các chốt bảo vệ phía Đông và Nam đường 9. Cuộc hành quân này, ngay từ đầu đã bị đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn tại Húc Cốc Giang. Ở phía Tây - Tà Cơn, trung đoàn 246 quân Giải phóng tiếp tục kiềm chế, đánh tiêu hao địch ở các điểm cao 832, 845, 689. Lực lượng vây hãm Tà Cơn ngày một siết chặt vòng vây. Một loạt các vị trí án ngữ phía Tây - Tà Cơn và dọc đường 9 bị quân Giải phóng tiến công tiêu diệt. Đường bộ bị cắt đứt, đường không bị khống chế mạnh mẽ, Tà Cơn có nguy cơ bị tiêu diệt. Trước tình hình đó, quân Mỹ phải dừng cuộc hành quân “Xcốtlen”, co lực lượng về giữ đường 9, khu Nam - Tà Cơn và điều 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ về giữ Đông Hà, Cửa Việt đang bị quân Giải phóng uy hiếp.
Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân Giải phóng trên toàn tuyến đường 9, đặc biệt là ở Tà Cơn, ngày 26-6-1968, Oétmolen tuyên bố rút khỏi Khe Sanh. Một cuộc tháo chạy hỗn loạn khỏi Tà Cơn của quân Mỹ - Ngụy đã diễn ra dưới làn đạn truy kích mãnh liệt của đối phương. Mãi đến ngày 15-7-1968, quân Mỹ - Ngụy mới rút hết được ra khỏi Khe Sanh.
Sau 170 ngày đêm tiến công, vây hãm, bám trụ kiên cường, quân Giải phóng đã cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam - Việt Nam lên trung tâm căn cứ Khe Sanh chứng tỏ ý chí, tinh thần quả cảm và nghệ thuật quân sự Việt Nam đã thắng đế quốc Mỹ. Quân Giải phóng đã tiêu diệt 17.000 địch, trong đó có 13.000 quân Mỹ, bắn rơi và phá hủy 400 máy bay các loại, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa, đập tan một mảng lớn và trọng yếu của tuyến phòng thủ đường 9.
Cuộc chiến đấu ở Khe Sanh là một thử thách phi thường đối với quân đội nhân dân Việt Nam trước một đội quân chính qui, trang bị hiện đại bậc nhất, có ưu thế áp đảo về sức mạnh hỏa lực của cường quốc số 1 thế giới là đế quốc Mỹ, hơn nữa còn đánh cho đội quân hùng mạnh ấy phải chịu thua, rút chạy hỗn loạn, làm cho “cả thế giới như vừa chứng kiến một câu chuyện thần kỳ: Quân giải phóng miền Nam vây hãm một lực lượng lớn quân Mỹ ở Khe Sanh ròng rã 170 ngày đêm và cuối cùng thắng chúng… Hai tiếng Khe Sanh ngân cao và vang xa mãi như tiếng kèn chiến thắng hùng tráng của thời kỳ mới trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước” (Xã luận báo “Nhân dân” số ra ngày 27-6-1968).
Đối với đế quốc Mỹ, đây là lần đầu tiên những đơn vị tinh nhuệ của quân đội Mỹ bị bao vây lâu ngày nhất trong lịch sử chiến tranh và mặc dù đã dùng hết sức mạnh áp đảo của phi pháo, xe tăng để giải vây vẫn không chống cự nổi, cuối cùng để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn đã phải tháo chạy dưới làn mưa đạn của đối phương, làm cho “uy tín nước Mỹ suy sụp, Mỹ rốt cuộc bị mất thể diện” (Tin điện hàng ngày, 28-6-1968), bởi vì: “Sự rút lui khỏi căn cứ Khe Sanh không phải đơn giản chỉ là bỏ rơi một điểm xung yếu mà là sự bỏ rơi cả một ảo tưởng và một chính sách được tất cả cố gắng chiến tranh của Mỹ dựng lên. Cái chiến lược “Tìm và diệt” cũng tan ra tro như pháo đài xi măng cốt thép ở Khe Sanh…” (Tin điện hàng ngày, 30-6-1968).
Trong cuốn hồi ký “Một quân nhân tường trình” (A soldier reports) của mình, Oétmolen có viết: “Không có sự kiện nào trên chiến trường Việt Nam gây ra nhiều điều dèm pha, phỉ báng của công chúng Mỹ đối với cách thức tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam bằng quyết định đứng trụ lại và chiến đấu ở Khe Sanh.”
***
Mười ngày sau khi mở cuộc tấn công mạnh vào Khe Sanh (20-1-1968) nhằm thu hút số lớn lực lượng Mỹ - Ngụy vào vùng hẻo lánh nhưng quan trọng này, vào đêm 30 rạng sáng ngày 31-1-1967, quân dân miền Nam mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, đánh vào 5 trong 6 thành phố lớn, 37 thị xã trong 44 tỉnh lỵ ở miền Nam và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, căn cứ địch, giáng đòn sấm sét xuống đầu Mỹ - Ngụy. Cuộc tổng công kích này được tiến hành làm 3 đợt: đợt I diễn ra từ 30-1-1968 đến 28-3-1968, đợt II từ 5-5-1968 đến 18-6-1968, đợt III từ 17-8-1968 đến 30-8-1968.
Theo thượng tướng Trần Văn Trà (trong bài viết “Tết Mậu Thân - Chiến công hiển hách” của ông) thì trận tổng công kích ấy “là một sự kiện lịch sử lớn, là một cái mốc chiến lược quan trọng của cuộc chiến tranh thần thánh (của nhân dân Việt Nam)”, nó thực sự hiển hách dù “Rất tiếc rằng những công tác chuẩn bị theo kế hoạch này không được liên tục tiến hành trong những năm, 1966-1967 theo yêu cầu thiết thân của chiến trường vì trên cho rằng hãy tập trung lo đánh Mỹ đã. Vì vậy, đến khi có Nghị quyết Bộ chính trị quyết định tổng công kích - tổng khởi nghĩa thì chiến trường như bị bất ngờ, vội vàng giở lại kế hoạch cũ và khẩn trương duyệt lại mọi mặt, tiếp tục hoàn thành một khối lượng công tác lớn lao trong vòng 3 tháng… Lực lượng Đảng lãnh đạo và tổ chức quần chúng nội thành còn yếu, Trung ương cục phải điều động từ các tỉnh đồng bằng để tăng cường trực tiếp những nơi quan trọng… Có một trục trặc “kỹ thuật” trong việc hợp đồng chiến lược: ở chiến trường Trị Thiên và khu 5 (bao gồm Tây Nguyên) đánh trước chiến trường B2 (gồm Nam Trung Bộ và Nam Bộ) 24 tiếng đồng hồ. Sở dĩ như vậy vì B2 theo âm lịch cũ… còn khu 5 và Trị Thiên được Trung ương trực tiếp chỉ đạo thì theo âm lịch mới tại Hà Nội đã tính toán lại cho đúng hơn… Với 24 tiếng đồng hồ ấy, địch đã kịp thời thông báo đi khắp nơi để phòng bị, chống lại cuộc tiến công… trọng điểm số 1 là thủ đô Sài Gòn của Ngụy, đáng lý được giành ưu tiên đã không còn hoàn toàn, và tất nhiên có gây thêm khó khăn cho người tiến công về mặt chiến thuật. Về hợp đồng chiến lược, trong toàn miền nổ súng trước sau một ít ngày vẫn là một cuộc hợp đồng tuyệt diệu. Chúng ta đã đưa cuộc chiến tranh vào khắp hậu phương địch, vào tận hang ổ đầu não của Mỹ - Ngụy”. Cũng theo Thượng tướng Trần Văn Trà, do “lực lượng đã bị tiêu hao không bổ sung kịp thời kể cả quân số lẫn đạn dược, Trung ương cục và Bộ chỉ huy Miền đã ra lệnh kết thúc thời kỳ Tổng công kích tổng khởi nghĩa mà không tổ chức đợt IV nữa”.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt năm 1968; bắt đầu từ Tết Mậu Thân của quân dân miền Nam đã thu được chiến quả:
- Giết, làm bị thương và bắt sống 63000 tên địch (có hơn 23000 tên Mỹ và chư hầu), làm tan rã hàng chục vạn quân Ngụy.
- Bắn rơi, phá hủy, làm khoảng 6000 máy bay các loại.
- Phá hủy, làm hỏng 13500 xe quân sự (có hơn 7000 xe tăng và xe bọc thép).
- San bằng, bức rút, bức hàng hơn 1500 đồn bốt và chi thu quân sự.
- Giành quyền làm chủ hoàn toàn nhiều xã, ấp gồm hơn 2 triệu dân (riêng miền Tây lúc đó đã giành quyền làm chủ 88 xã và gần 2000 ấp và với 1,5 triệu dân).
Đặc biệt, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đó đã đánh gục hoàn toàn ý chí leo thang chiến tranh của chính quyền Giônsơn. Trong bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào miền Nam ngày 4-2-1968 có đoạn: “Thắng lợi đầu xuân của quân và dân miền Nam đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến một tình thế mới rất có lợi. Không có gì cứu vãn nổi sự sụp đổ hoàn toàn của giặc Mỹ và tay sai.”
Tổng thống Giônsơn “bị kinh ngạc vì cuộc tiến công Tết của địch và bối rối vì trận Khe Sanh”, đã “tỏ ra mệt mỏi và tư thế bắt đầu chao đảo” (Một quân nhân tường trình). Còn Oétmolen, trong nỗi ám ảnh về một Điện Biên Phủ ở Khe Sanh, lại choáng váng bởi đòn tổng tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân của Việt Cộng, đã hốt hoảng, mất bình tĩnh tới mức đòi có ngay thêm 206.000 quân trong khi các lực lượng sẵn sàng tác chiến của Mỹ đã bị “vét tận đáy” và nông nổi tới mức đề nghị sử dụng cả bom nguyên tử chiến thuật là điều không thể thực hiện được trong cuộc chiến tranh mà quân lực hai bên xen kẽ nhau, không phân rõ trận tuyến, càng không thực hiện được về mặt chính trị. Thế là Giônsơn cay đắng cách chức luôn Oétmolen, xuống thang chiến tranh và sau đó rút lui khỏi chính trường Mỹ. Báo chí Mỹ, trước kia ca ngợi Oétmolen bao nhiêu thì lúc này lại chỉ trích bấy nhiêu, chê là “một người cầm quân hữu dũng vô mưu”, “làm cả một việc rất trái khoáy” là điều  động lính thủy đánh bộ chuyên tác chiến ở vùng đồng bằng ven biển “lên tận vùng núi rừng nhiệt đới, căng nọc ra ăn đạn pháo của quân đội Bắc Việt”. Báo chí Mỹ còn nhận xét mỉa mai, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ có một vị đại tướng “ngày 28-4-1967 vừa được Quốc hội Mỹ long trọng tuyên dương công trạng thì đến ngày 23-3-1968 đã bị cách chức tư lệnh chiến trường và phải ra điều trần trước Quốc hội”, đồng thời “một Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nước Mỹ phải “tự cách chức” giữa lúc chiến tranh đang tiếp diễn”.
Sau này, trong hồi ký của mình, Oétmolen tìm cách đổ vấy rằng vì Lầu Năm Góc và Nhà Trắng mà ông ta thua trận, và còn nói: “Tôi không có gì phải ân hận. Tôi là người mà ai cũng nhòm ngó. Cuộc chiến tranh đã làm mất lòng dân khá nhiều; không cần phải nói, rất nhiều điều của cuộc chiến đó được qui cho tôi. Là một người lính thì phải chuẩn bị đương đầu với sự gian khổ của chiến tranh. Ở cương vị tôi, tôi đã gánh lấy vết nhơ của nó”.
Theo đánh giá của phía Mỹ, có luồng ý kiến chủ yếu là giới cầm quyền như Oétmolen, Bâncơ (Bunker), Kitxingo (Kissinger)… cho rằng “cuộc tiến công Tết là một sự thất bại to lớn về quân sự của Cộng sản, về mặt tâm lý thì là một sự đảo ngược có tính quyết định”. Họ dẫn giải: “… họ (tức Việt Cộng) đã bị tiêu hao lực lượng tinh túy nhất của họ. Sự suy thoái một cách nhanh chóng về số quân đưa vào Nam trong mùa xuân và mùa hạ cùng với các yêu cầu cấp bách về nhân lực để chống lụt ở miền Bắc là sự chứng minh cụ thể về những khó khăn mà chính quyền Hà Nội đã vướng phải sau khi mất quân năm 1968…”. Tuy nhiên số đông ý kiến nghiêng về phía nhìn nhận sự thất bại của Mỹ. Mắcxoen Taylo cho biết: “Những tin tức chính thức từ Việt Nam phát đi sau cuộc tiến công (tức là tin nói rằng Cộng sản bị thất bại về quân sự) không làm ai tin cả mà còn bị lên án như định che dấu, biện bạch cho kẻ phản bội hoặc không được để ý đến”. Leslie Gelb và Richard H. Betts cũng nói: cuộc tiến công Tết là “bước rẽ trên đường đi”, là “một đòn chí mạng đánh vào chính sách kiên trì của Hoa Kỳ, bắt buộc Giônsơn phải xem lại chính sách đó”, là “ một chiến thắng có tính chất quyết định của Cộng Sản”, “Về chính trị, đây là một đòn sấm sét, một thắng lợi vô cùng to lớn, họ đã làm sụp đổ sự tín nhiệm đối với Giônsơn”. Mc Carthy nói một cách hài hước: “nếu chiếm một phần lớn sứ quán Mỹ, một phần thành phố Huế, Đà Lạt và các tỉnh lớn khác ở Vùng 4 có nghĩa là thất bại hoàn toàn thì theo kiểu lôgic đó, tôi cho rằng nếu Việt Cộng chiếm toàn miền Nam, chính quyền sẽ tuyên bố họ (Việt Cộng) sụp đổ hoàn toàn.”. Nếu đánh giá thật khách quan thì, theo ý kiến chúng ta, xét riêng trên lĩnh vực quân sự, tổng tiên công tết Mậu Thân không phải là một chiến thắng đúng nghĩa! Nhưng trên bước đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, sự vấp váp, tổn thất là chuyện thông cảm được!...
Ngày 8-2-1968, R. Kenedy (em trai cố tổng thốngKennedy) đã đọc một bài diễn văn. Có đoạn: “Đối phương của chúng ta đang tự do đánh phá trên khắp miền Nam Việt Nam và cuối cùng họ đã phá vỡ chiếc mặt nạ ảo tưởng mà chúng ta đã dùng để che dấu tình hình thực sự của chúng ta, thâm chí đối với chính chúng ta”.
Nói về thất bại của Mỹ, rõ ràng hơn là trích dẫn lời nói của chính Giônsơn trong hồi ký của ông ta: “Kết thúc năm 1968, sau nhiều năm tiến hành cuộc chiến tranh gay cấn nhất ở Việt Nam, tôi thực sự không tin mình có thể sống sót nếu ở lại Nhà Trắng một nhiệm kỳ nữa, vì tình hình đen tối của chúng ta (tức Mỹ) ở Việt Nam đã làm tôi phải căng thẳng suốt 1.886 đêm, ít khi được ngủ trước 2 giờ sáng”
Cơlipphớt được Giônsơn bổ nhiệm làm Bộ trưởng quốc phòng thay Mắc Namara từ ngày 1-3-1968, kể: “Tôi sửng sốt khi nhận ra rằng chúng ta không có kế hoạch quân sự nào để thắng cuộc chiến. Chúng ta trông đợi cuối cùng địch sẽ kiệt quệ trầm trọng vì bị tiêu hao đến độ rồi họ sẽ đầu hàng. Và đấy là chính sách của chúng ta trong cuộc chiến tranh”, “thế rồi tôi trình bày quan điểm cá nhân của tôi cho tổng thống Giônsơn rằng tôi thấy rõ ràng là một đường lối mà Hoa Kỳ nên áp dụng là rút khỏi Việt Nam. Hoa Kỳ chính là kẻ thất bại thực sự”.
Sự thật lịch sử do tác động to lớn của cuộc tổng tiến công và nổi dậy tạo ra được Trần Văn Trà tóm lược cũng trong “Tết Mậu Thân - chiến công hiển hách” như sau:
“Tiến công và nổi dậy tại chiến trường kết hợp chặt chẽ với đấu tranh ngoại giao và tất nhiên, kết quả của đấu tranh ngoại giao tùy thuộc hiệu quả chiến đấu tại chiến trường. Sau đợt I, gần 2 tháng sấm sét ở các đô thị miền Nam, tổng thống Mỹ cách chức Tư lệnh quân Mỹ Oétmolen và thay thế bằng Abram, phụ tá của Oétmolen; Chiến lược “Tìm và diệt” bị thay thế bằng chiến lược “Quét và giữ” phù hợp với chủ trương “Việt Nam hóa” và xuống thang chiến tranh. Ngày 31-3-1968, Giônsơn ra lệnh cho không quân hạn chế oanh tạc miền Bắc Việt Nam, tuyên bố: “Tôi sẽ không tìm cách và sẽ không chấp nhận việc Đảng đề cử tôi” (ra tranh cử Tổng Thống) và ngỏ ý với ta thương lượng hòa bình. Ngày 3-4, ta trả lời chấp nhận và hai bên bắt đầu trao đổi chọn địa điểm các cuộc họp cũng như thành phần các bên hòa đàm. Mỗi ngày trong chiến tranh không phải đi qua nhanh chóng và thường là cả trăm, cả ngàn người phải ngã xuống. Thế mà phải sau đợt II rồi đợt III, ngày 1-11-1968, Mỹ mới phải tuyên bố chấm dứt hoàn toàn các cuộc ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam và ngày 13-11, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố một cách lắt léo: “Hoa Kỳ tán thành họp 2 phía: Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa (Ngụy quyền) một bên, Bắc Việt nam với bất kỳ ai một bên”. Thật là đến lúc buộc phải ngậm bồ hòn mà nhận đối thủ còn cố tránh tiếng, nói “bất kỳ ai”, nếu ai đó không phải là người đã tung ra những đòn hiểm hóc nhớ đời. Ngày 10-12-1968, phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã đến Pari để dự cuộc đàm phán hòa bình 4 bên”.
Liên quan đến chiến dịch “Sấm rền” của Mỹ có biết bao nhiêu câu chuyện về tinh thần chiến đấu hy sinh, kiên cường bất khuất đến phi thường của quân dân miền Bắc Việt Nam. Tiêu biểu cho cái tinh thần ấy là tiếng hô dõng dạc của Nguyễn Viết Xuân trên trận địa pháo cao xạ trong chiến đấu dưới sự đánh phá của máy bay Mỹ: “Nhắm thẳng quân thù mà bắn!”; là những khẩu hiệu của một thời khói lửa: “Tiếng hát át tiếng bom”, “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”… Trong vô số những câu chuyện đó, có một câu chuyện hết sức kỳ lạ: câu chuyện đứng vững một cách bền bỉ của cầu Hàm Rồng dưới mưa bom bão đạn của không lực Mỹ và đã trở thành biểu tượng của sự gan góc.
Ngay từ đầu, cầu Hàm Rồng (ở địa phận tỉnh Thanh Hóa) đã là mục tiêu quan trọng phải oanh kích của máy bay Mỹ vì đường giao thông huyết mạch 1A và đường xe lửa dọc theo biển Đông, theo hướng Bắc - Nam đều qua cây cầu thép này. Năm 1965 có 277 lần chiếc cất cánh đi đánh phá cầu Hàm Rồng, năm 1966 có 135 lần chiếc, năm 1967 là 204 lần chiếc. Hơn 1.250 tấn bom đã được thả xuống đó với 8 chiếc máy bay đã bị bắn rơi, nhưng cầu Hàm Rồng tuy có bị hư hại song vẫn cứ đứng trơ trơ ra đó và vẫn sử dụng được. Người ta có cảm giác rằng hình như đó là một mục tiêu không thể tiêu diệt nổi.
Thiếu tướng David C. Richardson, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm 77 nói: “Đối phương từ lâu đã xây dựng nhiều đường vòng quanh cầu Hàm Rồng và chiếc cầu này đã giảm hẳn tầm quan trọng đối với nỗ lực cấm vận của Mỹ. Vì lý do đó, tôi liệt chiếc cầu này vào loại mục tiêu không được đánh và chỉ thỉnh thoảng mới thông qua những trận oanh tạc nó. Đối với các phi công của lực lượng đặc nhiệm 77 thì tầm quan trọng tâm lý của cây cầu đó đã vượt xa tầm quan trọng chiến thuật của nó. Mọi liên đội không quân Tây - Thái Bình Dương đều muốn được cái vinh dự đánh sập cầu Hàm Rồng và nó gây cho các phi công sự kích thích thực sự…!”.
Tháng 11-1966, đô đốc Richardson đồng ý cho thử lần cuối cùng đối với cầu Hàm Rồng, trước khi về nước. Người ta đã hy vọng chứa chan vào những báo cáo đầu tiên sau trận đánh về các cột khói, bụi che lấp mục tiêu đã mở ra khả năng là chiếc cầu tượng trưng của mạng lưới giao thông ở Bắc - Việt Nam cuối cùng rồi cũng bị hủy diệt. Đại tá Bill Houser đã vội vã trình cho Richardson một bản báo cáo lạc quan của phi công và kêu lên: “Chúng tôi đánh trúng cầu rồi!”. Nhưng thật không may cho ông này, những bức ảnh chụp sau đó cho thấy cầu Hàm Rồng vẫn đứng vững.
Tháng 1-1968, Mỹ tiến hành 5 cuộc đánh phá nữa vào chiếc cầu này. Ngày 28-1, những quả bom 900 kg đã rơi trúng cầu, mặt cầu bị 2 lỗ, trụ cầu ở đầu phía đông bị hư hại và đường lên cầu ở phía tây bị tắc. Nhưng cầu Hàm Rồng vẫn không sập và đến ngày 8-2-1968 nó lại được đưa vào sử dụng.
Theo W. Cagle thì đại tá W. B. Muncie có đưa ra một cách giải thích kỳ bí về sự bất diệt của cầu Hàm Rồng như thế này: Quả đất này gồm hai bán cầu khổng lồ hình elíp gắn với nhau bằng bản lề lò xo đâu đó ở dưới đáy vùng Nam - Đại Tây Dương, còn phía bên kia thì gài chắc bằng cầu Hàm Rồng; nếu như cầu này bị phá hủy thì thế giới sẽ bị bật mở, người và vật sẽ bị quăng cả vào đó và thế cân bằng của Vũ Trụ bị đảo lộn. Đó chính là nguyên nhân làm cho cầu Hàm Rồng trở thành một mục tiêu ở Bắc - Việt Nam mà không ai có thể tiêu diệt được…
Tháng 1-1969, khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ, Níchxơn (Nixon) đã có những lời lẽ hào nhoáng: “Tại đâu hòa bình còn mong manh, chúng ta sẽ làm cho hòa bình được củng cố. Tại đâu hòa bình chỉ tạm thời, chúng ta hãy làm cho hòa bình được vĩnh viễn!”. Nhưng đó thật ra chỉ là lời nói dối trơ tráo nhất của một con “diều hâu” khét tiếng chống cộng và đầy quỷ quyệt, có những thủ đoạn hết sức nhơ nhuốc, mà điển hình là vụ Oatơghết (đặt máy nghe trộm điện thoại đối với nhiều nhà báo và viên chức nhà nước; tổ chức lấy cắp tài liệu về kế hoạch vận động tranh cử của đối thủ; bị phát giác năm 1974).
Có lẽ cuộc tàn phá ghê sợ của không quân Mỹ ở Tôkiô và các thành phố lớn trên đất Nhật Bản bằng bom cháy và nhất là bằng 2 quả bom nguyên tử vẫn còn gây nỗi phấn khích trong tâm hồn và đồng thời cũng muốn bắt chước Aixenhao dọa dùng bom nguyên tử (đã đạt được hiệu quả) trong cuộc chiến Triều Tiên mà Níchxơn có lần đã nói với một người thân cận: “Tôi gọi nó là lý luận thằng điên… Tôi sẽ cho Bắc - Việt Nam thấy tôi có thể làm mọi thứ để kết thúc cuộc chiến tranh. Người ta sẽ rỉ vào tai Cộng sản: lạy chúa, đừng để ông ta cáu, ông ta đang nằm trên nút bấm nguyên tử… Thế là chỉ hai ngày sau, ông Hồ sẽ đến Pari thỉnh cầu hòa bình!”.
Với lối suy nghĩ ngạo mạn kiểu “anh chị găngxtơ” như thế nên từ khi Níchxơn lên cầm quyền, chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục kéo dài, thương lượng vẫn cứ dùng dằng mãi. Ở miền Nam - Việt Nam, Níchxơn chủ trương “Việt Nam hóa “ chiến tranh, nghĩa là tích cực xây dựng quân đội ngụy Sài Gòn ngày một mạnh lên để rút dần quân Mỹ, tích cực viện trợ phương tiện chiến tranh một cách dồi dào cho chính quyền Sài Gòn, mở lại cuộc đánh phá bằng không quân Mỹ ra Bắc - Việt Nam; bí mật đánh phá sang cả Camphuchia để truy quét Việt cộng (có sự thông đồng ngầm của quốc vương Sihanúc mà quốc hội Mỹ không hề hay biết!).
Do sự không thiện chí của phía Mỹ mà Hội nghị 4 bên ở Pari; đến ngày 18-1-1969 mới nhóm họp được, nhưng dậm chân tại chỗ. Ngày 8-5-1969, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam - Việt Nam đưa ra sáng kiến hòa bình gồm 10 điểm để tỏ rõ thiện chí trước dư luận Mỹ và thế giới.
Ngày 4-8-1969, giữa lúc Mỹ cho rằng “Việt Nam hóa chiến tranh” đang đem lại hiệu quả, lực lượng đối phương trên chiến trường đã yếu đi, Kítxingiơ bí mật gặp Xuân Thủy và Mai Văn Bộ tại Pari, mở lời hăm dọa: “Tôi được yêu cầu nói với các ông bằng tất cả sự long trọng rằng nếu vào ngày 1-11, không có một tiến bộ nào đi đến một giải đáp thì chúng tôi buộc phải, với sự miễn cưỡng lớn, có những biện pháp có hiệu quả lớn nhất. Các ông đã gọi cuộc chiến tranh là chiến tranh của ông Níchxơn. Chúng tôi không tin rằng điều đó là có lợi cho các ông bởi vì nếu đó là cuộc chiến tranh của ông Níchxơn thì ông ta sẽ không thể để cho không thắng nó”.
Ngày 3-11-1969, Níchxơn lên vô tuyến truyền hình đọc bài diễn văn đã chuẩn bị rất công phu và quan trọng nhất trong toàn bộ sự nghiệp chính trị của ông ta, trong đó có đoạn:
“Chúng ta sẽ tiếp tục chiếu đấu cho đến khi những người cộng sản đồng ý thương lượng một nền hòa bình công bằng và danh dự, hoặc cho đến khi người Nam - Việt Nam đủ khả năng tự vệ với cách riêng của mình. Điều kiện nào đến trước cũng được. Đồng thời chúng ta sẽ tiếp tục rút khỏi sự dính líu của chúng ta dựa trên những nguyên tắc của học thuyết Níchxơn: nhịp độ rút quân gắn liền với sự tiến bộ của “Việt Nam hóa”, với mức độ hoạt động của địch và với những phát triển trên mặt trận thương lượng”.
Chính Níchxơn đã ghi trong sổ tay là: “Việt cộng sẵn sàng hy sinh để chiến thắng còn bọn Nam - Việt Nam (tức quân ngụy) thì không muốn trả giá để khỏi bị thua”. Chỉ với riêng điều này thôi, ông ta làm sao mà tiếp tục đánh, tiếp tục rút quân, tiếp tục thương lượng một cách đồng thời được?
Thế là suốt 3 năm: 1969, 1970, 1971, Hội nghị Pari cứ nhùng nhằng không đạt được một giải pháp nào về Việt Nam. Trên chiến trường, cả hai phía đều nỗ lực chiến đấu, tiêu diệt nhau để giành ưu thế.
Tuy nhiên từ năm 1970, “Việt Nam hóa chiến tranh” nói riêng và “Đông Dương hóa chiến tranh” nói chung đã bộc lộ ra những điểm yếu không thể khắc phục được và bắt đầu nếm mùi thất bại. Năm 1971, cả quân ngụy Nam - Việt Nam, quân ngụy Campuchia và quân ngụy Lào đều phải chịu những thất bại to lớn.
Để duy trì được cái học thuyết “thằng điên” đầy mâu thuẫn ấy, Níchxơn đã phải huy động một cách điên cuồng sức mạnh không quân Mỹ. Trong hai năm 1970-1971, đã có trên dưới10.000 phi vụ đánh phá một tháng ở Campuchia, 25.000 phi vụ một tháng ở Lào. Trong 2 năm ấy, Mỹ đã dội gần 1,7 triệu tấn bom xuống các vùng ở Đông Dương. Riêng 5 tháng đầu năm 1970, không quân Mỹ đã thả 100.000 tấn bom xuống Việt Nam. Con số này vượt xa số bom thả xuống Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Mục tiêu đánh phá quan trọng nhất của không quân Mỹ vẫn là Bắc - Việt Nam. Năm 1970, Níchxơn đã hủy bỏ hoàn toàn các hạn chế ném bom ở khu phi quân sự và gọi các cuộc ném bom mới vào Bắc - Việt Nam là “phản ứng tự vệ tăng cường”. Những cuộc tiến công bằng không quân này nói chung là rất ào ạt, điển hình là trong tháng 5, tháng 11-1970; tháng 2, tháng 3, tháng 9 và tháng 12-1971. Một loạt cuộc oanh tạc trong vòng 5 ngày từ ngày 26 đến 30-12-1971, đã được tiến hành một cách ác liệt nhất với khoảng 1.000 lượt xuất kích đánh vào thành phố Vinh và Nghệ An (trận này quân Bắc - Việt Nam bắn rơi 5 chiếc máy bay, 2 chiếc rơi tại chỗ, 2 phi công Mỹ bị bắt sống). Nhưng bất chấp những cuộc đánh phá ghê gớm ấy, Bắc - Việt Nam vẫn đứng vững, không những chiến đấu ngoan cường, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ được mình mà còn chi viện đều đặn sức người sức của cho cuộc chiến đấu ở Nam - Việt Nam.
Bước sang năm 1972, quân Giải phóng Miền Nam giành thế chủ động tiến công trên chiến trường, Cách mạng Việt Nam có nhiều triển vọng sáng sủa trên cả hai mặt trận: quân sự và ngoại giao.
Năm 1972 là năm bầu cử lại tổng thống Mỹ. Níchxơn muốn thắng cử tuyệt đối, ngồi lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa để kiếm được cái hào quang là vị tổng thống chủ trì lễ kỷ niệm 200 năm ngày thành lập nước Mỹ (1776-1976) và đi vào lịch sử như một người chấm dứt sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam trong danh dự. Sự thèm khát thái quá đó đã làm cho Níchxơn mê cuồng đến mức gây ra vụ Oatơghết vô cùng xấu xa bỉ ổi và lừa dối nhân dân Mỹ một cách đáng hổ thẹn nhất về vấn đề giải quyết chiến tranh Việt Nam, Níchxơn không thể ngờ rằng ông ta cũng đi vào lịch sử nhưng không phải như một vĩ nhân mà như một “thằng điên” đểu cáng và mạt hạng nhất.
Khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng diễn ra quyết liệt thì vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút quân Mỹ về nước trở thành vấn đề chính trị hàng đầu của nước Mỹ. Lúc này Níchxơn lại nói đến hòa bình, thề thốt sẽ làm hết sức mình để chấm dứt chiến tranh. Ngay từ tháng 8-1972, Níchxơn đã chủ trương có được một thỏa thuận nào đó ở Hội nghị Pari để phục vụ việc tuyên truyền tranh cử nhưng không vội ký mà để sau bầu cử sẽ rảnh tay điều chỉnh nó trên thế mạnh.
Nắm vững tình hình, uyển chuyển và khéo léo, ngày 8-10-1972, phía Bắc - Việt Nam và Mặt trận (thực chất là Cách mạng Việt Nam duy nhất) đã chủ động đưa ra bản dự thảo hiệp định 9 điểm với những đề nghị hợp tình, hợp lý mà cơ bản là: Mỹ phải cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết vấn đề trọng tâm là vấn đề quân sự - ngừng bắn tại chỗ, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam (còn lực lượng Bắc - Việt vẫn ở lại), hai bên thả tù binh và dân thường bị bắt, sau đó đến vấn đề chính trị là công nhận quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, thành lập một cơ cấu chính quyền là Hội đồng hòa hợp dân tộc ba thành phần có nhiệm vụ đôn đốc việc thi hành Hiệp định, bảo đảm tự do dân chủ, tổ chức tổng tuyển cử tự do.
Như vậy bản dự thảo hiệp định này đã không còn đối lập chính phủ nữa mà thành lập Hội đồng, nhưng thực chất và điều quan trọng là nếu như vậy, ở miền Nam dù có hai quân đội, hai chính quyền thì vẫn có ba lực lượng chính trị. Trong trường hợp nào, Hiệp định được thi hành hay bị vi phạm, thì sau khi quân Mỹ đã rút đi khỏi, so sánh lực lượng tại miền Nam cũng thay đổi cơ bản: đứng trước nhân dân và quân đội cách mạng cả nước, chỉ còn có quân ngụy và chính quyền ngụy. Đối đầu với một chính thể gồm hầu hết là những con người võ biền, chẳng có một chút lý tưởng gì, chỉ biết tham lam, vụ lợi cá nhân ích kỷ, cùng với một đạo quân hoàn toàn xa rời nhân dân, gượng ép đánh thuê mà có lần Kítxinhgiơ đã bĩu môi nhận xét: “Hành quân còn xa mới đạt ý định của Mỹ vì kế hoạch thì cận thị, thực hiện thì tồi, điều khiển thì vênh váo”, Cách mạng Việt Nam giành thắng lợi cuối cùng là điều hiển nhiên. Mỹ đã “cút” thì ngụy phải “nhào”, đó là tất yếu.
(còn nữa)

Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG

PHẦN III: NGUỒN CỘI