Những năm tháng ở trường Văn hóa Quân đội (2. Đại Từ)










Thử thách ở Đại Từ



Đổ quân xuống bãi đất rộng dưới gốc một cây đa to, mà sau này chúng tôi gọi là “cây đa Hiệu bộ”, xung quanh thấy toàn rừng núi ngút ngàn. Chúng tôi được chia thành từng nhóm nhỏ đi sâu vào các thôn làng và ở vào nhà dân. Trên đường đi từ “cây đa Hiệu bộ” vào đến thôn An Mỹ (thuộc xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên), chúng tôi phải lội qua một con suối rộng hơn 30 mét. Dân địa phương gọi là suối Cái hay suối Ton, nhưng chúng tôi gọi là suối Hiệu bộ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh những con trâu đứng cong đuôi lên ỉa khi đi qua dòng suối này!

Nhà dân ở đây khá rộng rãi, khang trang và chắc chắn. Trong khu nhà có vườn cây ăn quả mà nhiều nhất là cây hồng. Thời gian này gần với ngày Rằm Trung thu, vườn cây rực một màu đỏ của quả hồng chín làm chúng tôi thèm rỏ dãi. Được khoảng vài tuần, chúng tôi rời nhà dân chuyển vào những khu nhà mà công binh vừa làm xong. Lúc đầu chúng tôi ở sâu trong khu rừng có nhiều cây gỗ lớn, quanh nhà có nhiều cây dọc cao lớn, quả dọc chín rụng đầy quanh nhà. Chúng tôi chén thứ quả này, mới đầu vị chua chua cũng hấp dẫn. Ăn xong nhựa dọc vàng khè bám quanh miệng và dính chặt vào răng gây khó chịu nên sau này không ai ăn nữa. Khu vực này rất kín đáo vì ra vào phải đi qua một khu rừng toàn tre trúc rậm rạp, cao quá đầu người. Nhưng vất vả nhất là phục vụ chúng tôi ăn uống. Ngày ba bữa anh nuôi phải gánh cơm vào rồi chờ cho chúng tôi ăn xong lại gánh xoong nồi ra. Thế rồi rất nhiều thử thách khác nữa, rồi bệnh tật như ghẻ lở, muỗi đốt, bọ cắn, thiếu dưỡng khí,…

Phía sau nhà là một dòng suối nhỏ, cây cối rậm rạp. Đó là nơi mà chúng tôi thường xuống làm vệ sinh buổi sáng và những ngày nắng ấm thì kéo nhau ra chỗ có ánh nắng để tắm giặt. Bên bờ suối này chứng kiến cả lũ kéo xuống tắm nước lá sau sau hoặc dùng chung bánh xà phòng trộn lưu huỳnh để chữa ghẻ. Có hôm các bạn vui chơi trên bãi cát nhỏ ven suối. Có một bạn chống cây gậy nhảy xa thế mà bị ngã gãy tay. Cả bọn nhìn thấy xương cánh tay gãy đâm thủng da lòi ra ngoài. Sợ khiếp vía! Rồi sau chả biết bạn ấy có đi học lại nữa hay không (?)

Sau một thời gian, chúng tôi được di chuyển ra ngoài trên một ngọn đồi trọc, mua sim rậm rạp, thỉnh thoảng có vài cây sau sau cao lớn, thưa thớt lá. Trên khu đồi này các lớp (gọi là các Trung đội) được ở hai căn nhà gỗ, vách và mái nhà lợp phên đan bằng nứa rất cao ráo, sạch sẽ, bên cạnh có một căn nhà làm lớp học. Vệ sinh, tắm giặt có một giếng nước ở dưới chân đồi. Ba lớp ở ba góc đồi, giữa đỉnh đồi là Ban chỉ huy Đại đội. Thấp hơn nhà Ban chỉ huy là nhà ăn và nhà bếp chung cho cả 3 lớp. Xung quanh nhà ở và lớp học có hệ thống giao thông hào phòng không do công binh làm sẵn.

Ngày 15/10/1965 là ngày nhà trường tổ chức lễ khai giảng đầu tiên của chúng tôi. Hôm ấy chúng tôi ăn mặc chỉnh tề, hành quân đi vào sâu trong chân núi Tam Đảo, địa danh tôi được nghe gọi là thác Bom Bom. Đường vào chỗ tập trung phải đi qua con suối chảy ngang để vào một bãi đá đủ rộng cho việc tiến hành khai giảng và nhiều cây cối bao quanh nên việc ngụy trang cũng kín đáo, nếu có máy bay cũng có nhiều nơi tránh trú. Khi qua suối, tôi thấy có phóng viên quay phim chĩa máy vào hàng ngũ chúng tôi.

Suối Bom bom ở Đại Từ


Sau lễ Khai giảng, chúng tôi bắt đầu học văn hóa. Các thầy giáo, cô giáo toàn là bộ đội, nhưng phong cách và khả năng truyền đạt kiến thức rất thu hút chúng tôi. Tôi cảm nhận được những cán bộ quản lý, thày giáo của Trường VHQĐ lúc đó là những cán bộ ưu tú nhất của Quân đội. Trong số đó, tôi rất hứng thú trong các tiết học của thầy giáo dạy Toán. Thầy dạy Toán người bé nhỏ, giọng nói trong veo, phong cách giảng dạy phóng khoáng. Thầy vẽ hình tròn bằng động tác vung tay một vòng. Vòng tròn thầy vẽ không dùng com pa mà tròn gần như tuyệt đối. Ấn tượng nhất tiết dạy của thầy luôn có mục kể chuyện những trận đánh của Napoleon ở 5 phút cuối giờ - là hấp dẫn hơn cả.

Ngoài giờ học và ôn bài ban ngày, buổi tối chúng tôi hay rủ nhau chơi “trận giả”. Trò này phải chia làm hai phe, ẩn nấp kín đáo, nếu bên nào phát hiện ra trước và “bắn” thì bên kia bị “chết” và loại ra ngoài cuộc chơi. Tôi cũng không nhớ đến lúc nào thì xong trận, chỉ biết là hầu như những ngày khô ráo, chúng tôi cũng bầy trò ra chơi. Cho đến một hôm, như thường lệ và các buổi tối, thầy Ninh đi kiểm tra các nhà sau khi kẻng báo giờ ngủ với cái đèn bão và cây gậy. Bất ngờ thầy đánh chết một con rắn cạp nong dài cỡ hơn một mét ở ngay trước cửa nhà chúng tôi ngủ. Nhớ lại mới thấy may sao những năm ở rừng không có ai bị thú rừng tấn công!

Hàng tháng, chúng tôi phải thay nhau lên “cây đa Hiệu bộ” lấy gạo về cho nhà bếp. Nhà bếp cấp cho chúng tôi nào là thúng, quang gánh, bao tải – riêng cái bao tải gai vừa cứng vừa rặm lại nặng nữa, dân thành phố gánh không quen, vác không quen, nên rất vất vả.









Sau chúng tôi nghĩ ra một cách khắc phục, đó là buộc túm hai ống quần dài lại, chứa gạo vào hai ống và quàng lên vai mà đi chuyên chở gạo. Tất nhiên là với cách này, chúng tôi phải đi lại nhiều lần hơn, nhưng đổi lại đỡ đau mỏi hơn.

Thỉnh thoảng, chúng tôi được cử vào rừng lấy nứa hoặc lấy củi về giúp nhà bếp. Đi bộ vào núi, lội suối, leo dốc khá vất vả. Các bạn còn ca hát để đỡ mệt mỏi. Bạn Tạ Quang Chính có giọng hát hay, trầm ấm hát bài “Quảng Bình quê ta ơi!” và chúng tôi cùng “Khoan khoan hò khoan” vang rừng. Đúng là có văn nghệ, chúng tôi quên đi mệt nhọc!

Trên ngọn đồi chúng tôi đóng quân có một lò rèn nhỏ của người dân địa phương. Ở đây, thợ làm khá nhiều loại dao. Trong đó có loại dao đi rừng – loại dao thép có cái mỏ ở mũi, lắp cán gỗ - gọi là dao quắm. Tôi bắt chước các bạn cũng sắm một con dao quắm, đút trong cái bao bằng gỗ, buộc dây đeo ở thắt lưng trông chả khác gì chàng “dân tộc”.

Bản đồ khu vực lớp chúng tôi ở Đại Từ

Nhiều thời gian rỗi rãi, chúng tôi cũng nghĩ cách cải thiện bữa ăn hàng ngày. Dưới chân đồi là một khoảng ruộng lúa rộng, khi dân cấy lúa xong xả nước vào ruộng, chúng tôi kéo nhau đi bắt cua. Bắt cũng khá được nhiều cua, thế là nổi lửa làm nồi canh cua liên hoan. Nhưng đi bắt cua cũng có những tai nạn, đó là nạn đỉa và nạn rắn nước cắn. Tôi còn nhớ bạn Đinh Quân phát hiện ra đỉa bám ở ống chân, sợ quá nhảy cẫng lên, miệng la hét ầm ỹ, thậm chí nhảy lên lưng một bạn đứng gần, làm chúng tôi buồn cười chảy nước mắt.

Chuyện làm tôi nhớ nhất trong thời gian này là việc chúng tôi nuôi chó. Hồi đấy ở rừng, việc có một con chó vừa là nhu cầu cần thiết – để nó bảo vệ chúng tôi và làm bàu bạn. Có chó thì nhiều việc lắm, ai cũng có thể vuốt ve, cho ăn và chơi đùa với nó. Chó lại tình cảm, có tiếng chó sủa cũng cảm thấy yên tâm hơn. Nuôi chó đang thành một phong trào, có lớp nuôi hai ba con, những bạn “có điều kiện” còn nuôi riêng một con, … Thế rồi, lo sợ bệnh dại, Nhà trường cấm nuôi chó, tin này làm chúng tôi vừa buồn vừa ấm ức, nhưng “quân lệnh như sơn”, tất cả chó được tập trung về nhà bếp. Anh nuôi, một người dân tộc Tày, trổ tài “bẩy món”. Mùi dựa mận dậy núi rừng, thơm điếc mũi. Trong thời buổi đói kém, sức vóc của tuổi trẻ,… vậy mà tất cả lớp tôi tuyệt thực phản đối. Một vài bạn xuống bếp lấy xương trong bát xáo – chả biết con chó của lớp nào – về chôn dưới một tảng đá to ngay giữa sân của lớp. Bạn Đỗ Giới, người to béo nhưng có năng khiếu hội họa, lập tức lấy đất sét nặn ngay một cái đầu chó gắn lên phiến đá làm bia tưởng niệm. Rồi chúng tôi mặc niệm nghiêm trang… sụt sịt thương nhớ. Các thày trên Đại đội rất bực với những trò của dân “tiểu tư sản” của chúng tôi. Thày Ninh họp lớp trách mắng chúng tôi rất nhiều về vụ này.

Những ngày chủ nhật là những ngày mong đợi và hy vọng của những đứa trẻ chúng tôi. Theo lệ thường, những ngày này, cha mẹ và gia đình chúng tôi lên thăm. Từ sáng sớm, không ai bảo ai, thằng nào cũng trông ngóng về phía “cây đa Hiệu bộ”. Nếu thấy báo có gia đình lên thăm, chúng tôi lập tức băng ruộng ra gốc đa để gặp cha mẹ và gia đình. Việc báo tin do mỗi đại đội có một liên lạc lên trực ở gốc đa các ngày chủ nhật làm việc chạy bộ thông báo chứ không có điện thoại như bây giờ. Được gặp cha mẹ hoặc gia đình lên thăm là sung sướng lắm. Giải quyết tình cảm là chính nhưng quan trọng là được tiếp tế đồ ăn thức uống bồi dưỡng… Hồi đó, cha tôi đi chiến trường xa, mẹ tôi một mình lặn lội đi các địa điểm sơ tán lần lượt thăm nom chăm sóc và tiếp tế cho các con. Các em tôi sơ tán ở vùng Hưng Yên, Sơn Tây nên mẹ tôi đạp xe thăm được. Còn tôi – là con lớn, lại sơ tán xa hơn, khó đi hơn nên có khi hàng tháng mẹ tôi mới đi nhờ được xe lên thăm. Mỗi lần như vậy, tôi luôn bị… quá tải. Số là tôi hay… thèm (hay gọi là tham) ăn, mà các thức ăn mẹ tôi thường phải chuẩn bị từ vài tuần dồn lại nên khi được thả cửa chén thì ngay lập tức tối hôm đó tôi đã bị “tào tháo đuổi”. Mà như trên đã nói, việc phải ra khỏi gường giữa đêm hôm và xuống hố xí dưới chân đồi trong rừng lau lách rậm rạp thì rất kinh khủng. Nhưng làm sao được, tay xách chiếc đèn bão, tay mang cái gậy… xông lên thôi. Cũng không phải một lần, có khi đi lại đến 3, 4 lần cho đến sáng, mệt lử…

Hồi đó, chúng tôi cũng “sáng tạo” ra nhiều cách chế biến quà bánh thú vị. Ví dụ như ăn đường, sữa bột… thì dùng giấy cuốn lại thành cái ống, chọc vào lọ đường, sữa và… hút. Có bạn còn sáng kiến làm kẹo lạc, kẹo “bạc hà” bằng cách cho đường vào một cái thìa nhôm và hơ lên trên ngọn đèn dầu. Nếu làm kẹo lạc thì đổ đường nóng chảy vào tờ giấy đã rải sẵn vài hạt lạc rang. Còn muốn có vị bạc hà thì lấy đầu tăm khều một chút cao Sao Vàng pha chế vào đường đang nóng chảy.

Năm 1966 là năm không quân Mỹ mở rộng đánh phá ra nhiều vùng ở miền Bắc. Chúng tôi cũng từng chứng kiến những trận đánh bằng không quân, bằng tên lửa và pháo cao xạ với máy bay Mỹ ở xung quanh khu vực chúng tôi sơ tán. Và thường thì đường đi qua lại của máy bay Mỹ là khu vực chúng tôi. Khi đó, những chiếc F4H “Con ma” bay rất thấp và lách qua khe núi phía sau nhà chúng tôi. Máy bay vọt qua đầu rồi mới thấy tiếng động như sấm lan đến làm rợn tóc gáy, lạnh sống lưng những ai yếu bóng vía. Có lần máy bay thả thùng dầu phụ vào khu rừng cạnh chỗ chúng tôi ở.
Trong khu vực chúng tôi ở, có bạn phát hiện là có cả “gián điệp” quanh quẩn. Nhưng có lẽ là tin đồn thôi, tôi chưa gặp bao giờ.

Kỳ sau: Những ngày ở Quế Lâm