Những ngày học tập ở trường Nhất Trung Quế Lâm









Những ngày học tập ở trường Nhất Trung Quế Lâm


Trải qua 5 tháng đầu của năm 1967 ở trường Y Trung, tuy tất cả đều đã tập trung bước vào nhiệm vụ học tập nhưng chúng tôi vẫn phải thay đổi chỗ ở, để giao lại chỗ cũ cho bạn.
Đại đội khối lớp 6 phải chuyển qua chỗ ở lần thứ 2, trung đội tôi ở hoàn toàn vào 2 dãy nhà liên kế, tiếp nối với lớp học thành một dãy, ở đây rất gần bếp ăn, nằm liền trên cùng một con đường xuống bếp, dọc theo phía trước là các bồn hoa, phía sau chỗ ở cách khoảng 100m là cái nhà tiêu công cộng, nhà tiêu này khá lạ, vào trong nhà trống hoác, vì không có cửa, có 2 rãnh nhỏ 2 bên, phía trên có xây gạch quây nhiều ngăn thấp lệch nhau như chuồng lợn ở bên mình, mỗi ngăn đủ chỗ cho một người ngồi, nhưng có thể nói chuyện, thấy cả mặt người bên cạnh! Khi xả nước, rãnh dẫn phân dốc dần ra phía cuối đầu hồi, đổ vào hố chứa phân, ở công xã, người ta thường lấy phân ở đó vào thùng gỗ, gánh thẳng ra bón vào ruộng rau?!?
Thời tiết đã chuyển sang hè nên chúng tôi bắt đầu thấy nóng bức hơn, nhiệt độ khoảng 30-31 độ. Trong thời gian này, mỗi ngày mỗi lớp đều có lịch học tập rất nghiêm túcvới nội dung là:
Sáng: tập thể dục theo 2 bài võ thể dục mà thầy Trần Sinh hướng dẫn, gấp chăn màn phải thi nhau làm sao thật vuông vức, ăn sáng nhanh rồi chuẩn bị sách vở rồi lên lớp.
Tới 12h trưa, lũ chúng tôi tập hợp đi đều hát các bài hành tiến cho tới khi đến bếp để ăn cơm trưa.
Sau nghỉ trưa buổi chiều thường học thêm 2 tiết, sau đó chúng tôi đi lao động hoạt động chân tay như đi tham gia làm cỏ rau giúp cho công xã bạn để tăng cường tình đoàn kết, làm vườn hoa cho trường… và đi tắm sông, ai chơi thể thao thì có thể đi tắm muộn hơn.
Để chuẩn bị kết thúc năm học lớp 6 vào tháng 6/1967 có kết quả thật tốt, ngay đầu tháng 5/1967 nhà trường đã cùng ban chỉ huy Khóa 6 tổ chức liên tiếp phát động 2 đợt thi đua mang tên “Về thăm quê Bác” và “thăm quê anh Bé” các học sinh phấn đấu không có điểm kém, mỗi điểm kém là bị trừ số cây số, tổ nào, cá nhân nào có điểm giỏi sẽ mau về đích trước, mỗi điểm 5 là được một danh hiệu Dũng sĩ.
Thỉnh thoảng nhà trường tổ chức hội diễn hội thao cho cả trường, ở ngay ngoài sân thể thao rất vui, chương trình khá phong phú như thi đồng diễn thể dục, biểu diễn xà đơn, xà kép, thi bóng đá, thi nhẩy cao nhảy xa, đấu xe tăng, chơi công đồn.
Tôi còn nhớ hồi đó tôi được xung vào chỉ huy một xe trong đội xe tăng của khóa lớp 6 đấu với đội của khóa lớp 7, mỗi xe gồm 5 người đều bịt mắt, người đứng đầu xe tôi là bạn Phan Đình Nhân có biệt danh “Nhân chột”2 tay nắm vào nhau chĩa ra trước như súng, những người sau 2 tay ôm bụng người trước, riêng chỉ huy không bịt mắt, đứng cuối cùng hô mệnh lệnh tiến lùi, sang trái rẽ phải đẩy xe tấn công làm sao đâm vỡ xe địch …trận đấy riêng xe tôi diệt 8 xe, đội bạn cũng còn một xe do Nguyễn Thiện Nhân làm xe trưởng 2 bên quần thảo quyết liệt trong tiếng reo hò khán giả, cuối cùng nhằm được thế tôi đẩy thật mạnh xe tôi lao thẳng vào đối phương, khi xe bạn chưa kịp quay lại... thế là xe đối phương bị vỡ... đứt đôi, còn xe tôi cũng văng mỗi đứa một nơi cười muốn chết! nhưng cũng được ghi nhận giành chiến thắng .
Lần Hội thao ấy, khóa của chúng tôi giành được nhiều giải nhất như bóng đá, đánh xe tăng, hát… nên nhà trường thưởng cho Đại đội khóa 6 một tượng anh Trỗi với nhiều đồ lưu niệm khác nữa…

Thật có lỗi nếu không nhắc công sức của các thầy giáo vì đàn em thân yêu, thay cha mẹ chăm sóc các chú thiếu sinh quân, có thể thời gian đã quá lâu nên tôi không thể nhớ hết các tấm gương tận tụy của các thầy cô, nhưng tôi vẫn còn nhớ, nhiều ấn tượng về những người thầy như:
Các thầy làm cán bộ khung ở đơn vị thì thật hiền, ân cần như thầy Trường, thầy Kha, Thầy Đạt, thầy Bình…








Thầy Trần Sinh dạy thể dục và quân sự với sự nghiêm túc cần có của bộ môn, thầy đã tạo cho chúng tôi sự kỉ luật trong cuộc sống tương lai.
Thầy Tiến dạy địa thì hay kể cho chúng tôi những ý định viết sách về sự kì lạ của thế giới thiên nhiên rất hấp dẫn, bình thường như con ong, con kiến... nhưng từ thầy đã cho chúng tôi thấy rất nhiều điều kì diệu bất ngờ.
Thầy Điền dậy lý: Khi nói về sự tỉ lệ giữa cường độ dòng điện và tiết diện dây dẫn... có cách nói thường nhấn giọng làm học sinh rất chú ý “Thầy thí dụ với cửa lớp, nếu cửa mở (thầy gằn lên một tiếng) “nhỏ” …thì sẽ làm sao… làm chúng tôi rất chú ý.
Thầy Tiệp dạy toán, trước khi lên lớp thầy hay có một câu nói quen thuộc: “…đến đây tôi xin mở một cái ngoặc…” rồi thầy kể về một mẩu thời sự trong nước, hay trên thế giới, có khi là bài học về giáo dục rất hay, có ai đó cho rằng như thế là mất giờ giảng kiến thức!? nhưng tôi nghĩ đúng kiến thức là cần thật, nhưng dạy nhân cách cho các em còn cần hơn rất nhiều. …v.v và v.v còn nhiều thầy cô nữa mà tôi chưa thể kể hết.
Đầu tháng 7 năm 1967 chúng tôi kết thúc năm học của lớp 6, với kết quả khá tốt, Liên đội thiếu niên của chúng tôi cũng được khen và nhận cờ là liên đội khá nhất, riêng tôi rất mừng có bản điểm thi toàn 4,5 không bị con 3 nào. Trong 4 loại danh hiệu bình bầu khen thưởng là ưu tú, xuất sắc, tiên tiến, tiến bộ thì tôi đã đạt danh hiệu xuất sắc tôi đã viết thư khoe má tôi để má được vui. Toàn Đại đội được nghỉ hè 2 tháng cho đến tháng 9 sẽ học tiếp chương trình lớp 7 niên khóa (1967-1968).
Vừa bắt đầu vào nghỉ hè, đại đội lại xáo trộn các tiểu đội, một số đứa bọn tôi phải chuyển một lần nữa sang nhà đối diện với dãy nhà cũ, tôi còn nhớ ở cùng mấy bạn Kiên dầm, Khánh choang, Chiến ví… chưa ổn định bao nhiêu thì chúng tôi nghe tin giặc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, có mẹ của một bạn bị bom nên bị thương nặng, làm ai cũng lo lắng. Rồi một tin nữa là Đại tướng NCT mất đột ngột khi chuẩn bị vào Nam chiến đấu!
Trong thời gian hè tuy nghỉ nhưng chúng tôi ngoài lao động, tập quân sự, học chính trị, vẫn có một chương trình ôn tập và thực hành, kết hợp các buổi dã ngoại tham quan một số danh lam như động Thất tinh, động Lô địch Nham, thành phố Quế Lâm nổi tiếng về phong cảnh đẹp, ngắm những ngọn núi như những hòn non bộ, đặc biệt như núi Tầu chiến, hòn Con voi, sông Li Giang… trông như tranh thủy mặc.
Do có thời gian rảnh hơn, nên trong thời kì này, lính Trỗi có một số trò chơi khá thú vị nổi lên đầu tiên là làm tàu lượn, bắt đầu từ các lớp trên sau đó lan ra toàn trường, ai cũng mê, các thầy cũng tham gia, lúc đầu thì mua, sau đó tìm tòi cải tiến thi nhau ráp, ghép lắp, làm sao bay cao bay xa hơn, bền hơn, khi những cánh tàu lượn bay bổng trên không trung, trên sân vận động, chúng tôi ai nấy đều sướng rơn, cứ tưởng như mình đang được bay trên ấy.
Một điều thú vị khác là làm pháo bông bằng than xoan bọc đất bùn, đốt và ném lên trời, tàn than làm sáng rực như sao băng rất đẹp, trò làm súng diêm, pháo ném, pháo nổ bằng đốt ống có khí đất đèn, tôi cũng không còn nhớ ai bày ra, chỉ thấy một lũ bạn lớp tôi tha đâu một cái ống bương hở một đầu đổ một ít nước cho đất đèn vào rồi đốt... Ầm một cái, thế là sướng!
Sau hè, vào đầu tháng 9/1967 đại đội tôi lại chuyển chỗ ở ra phía gần sân vận động hơn. Đơn vị có thêm một số cái tên là lạ đó là có một số bạn mới bổ sung, thời tiết chuyển sang thu, trời đã bắt đầu se se giá lạnh, thành phố xuất hiện dịch viêm màng não, toàn đơn vị lại trong tình trạng cấm trại, ai cũng phải đeo khẩu trang, uống thuốc phòng, các phòng ở đều định kì chiếu đèn cực tím khử khuẩn, ai có hiện tượng sốt, cổ cứng lập tức bị cách ly, lần ấy tôi cũng bị trong nhóm nghi ngờ. Cả trường học tập trong căng thẳng.

Ngày 26/11/1967 toàn trường được lệnh chuyển sang trường mới ở Phong Khẩu kết thúc sau gần 11 tháng đóng quân ở trường Nhất Trung với lũ trẻ chúng tôi nơi đã một phần ghi dấu bao kỉ niệm những quãng ngày tháng sống trên đất Trung Quốc.
(Trích Tự sự Hoàng Anh K6)

Nguồn: FB Nguyễn Anh