Xuyên Việt, hành trình qua các di sản thế giới (1)
Thứ Bảy, tháng 12 20, 2014Sau gần hai tháng ấp ủ chuẩn bị và lên kế hoạch chi tiết, chúng tôi khởi hành chuyến đi vào một ngày cuối năm (27/12/2012-03/01/2013).
Dự định chuyến đi từ Hà Nội vào Tp Hồ Chí Minh đi qua các di tích được UNESCO xếp hạng di sản của thế giới gồm có:
- Quần thể di tích cố đô Huế (năm 1993);
- Phố cổ Hội An (1999);
- Thánh địa Mỹ Sơn (1999);
- Phong Nha - Kẻ Bàng (2003);
- Thành nhà Hồ (2011).
- Và tiện thể ghé qua tất cả những di tích lịch sử khác hiện có trên hành trình nếu có thời gian.
Một buổi sáng cuối năm, nhóm chúng tôi có bốn người bạn xuất phát từ Hà Nội. Đường Quốc lộ 1A đi một mạch đến thị trấn Hà Trung (Thanh Hóa), chúng tôi rẽ vào thị trấn Vĩnh Lộc thăm Khu di tích Thành nhà Hồ. Đây là điểm thăm quan đầu tiên trong chuyến đi, một di sản văn hóa thế giới mới được công nhận tháng 6/2011. Chúng tôi chạy xe thẳng từ cửa thành phía Nam – cổng Tiền tới cổng phía Bắc – cổng Hậu và bao quát toàn bộ khu vực thành nội. Khu di tích còn hoang sơ, chưa có đầu tư cho du lịch.
Thành nhà Hồ được xây hình vuông, mỗi chiều dài chừng 1 km bằng đá. Bức tường được ghép bằng những tảng đá lớn, chiều dài đến 2 mét.
Buổi chiều, chúng tôi đến Thành phố Vinh và nghỉ lại tại đây.
Sáng hôm sau, chúng tôi ăn sáng với món cháo lươn Nghệ An nổi tiếng. Địa điểm đi tới là Khu Lưu niệm Chủ tịch HCM tại Kim Liên - một trong số 34 di tích quốc gia đặc biệt.
Đến viếng mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Đại Huệ. Các khu này đều được tôn tạo mới
Sau đó, chúng tôi đi theo QL 1A qua cầu Bến Thủy và rẽ thăm Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Tiên Điền, huyện Nghi Xuân.
Từ QL 1A, chúng tôi đến Ngã ba Đồng Lộc
Thắp hương tại Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc xong, chúng tôi tiếp tục theo tỉnh lộ 2 ra Hà Tĩnh nghỉ ăn trưa. Buổi chiều chúng tôi đi tiếp vào Quảng Bình. Qua cầu sông Gianh, rẽ vào đường Hồ Chí Minh tới Khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng. Vì trời đã sập tối, chúng tôi tìm đến Khách sạn Sài Gòn Phong Nha nghỉ.
Tối đó chúng tôi thưởng thức đặc sản sông Son: một con cá trẽm hơn cân với hai món hấp và nấu cháo. Bữa tối càng sang trọng vì cả khách sạn chỉ có chúng tôi là khách. Ngồi trong gian sảnh rộng rãi thoáng mát, bốn bề vắng lặng, lắng nghe tiếng chim vỗ cánh bay trong núi, tiếng sóng vỗ oàm oạp ngoài sông Son… Đúng là một bữa ăn nhớ đời (trong đó có cả lý do khá… nặng tiền một chút).
Sáng sớm ngày thứ ba của chuyến đi chúng tôi ngược dòng sông Son vào động Phong Nha. Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam năm 2003. Phong cảnh buổi sáng mùa đông thật bình yên. Mây mù giăng ngang các sườn núi. Trên sông tỉnh thoảng có chiếc thuyền nhè nhẹ lướt qua lại.
Quay ra, chúng tôi trả phòng khách sạn đi tiếp đường Hồ Chí Minh vào Quảng Trị. Gần đến Cam Lộ, chúng tôi rẽ vào thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Chúng tôi vào thị xã Đông Hà nghỉ ăn trưa. Chiều tiếp tục đi Quảng Trị.
Vào thăm di tích thành cổ Quảng Trị,
Sông Thạch Hãn, nơi đã ôm vào lòng hàng ngàn liệt sĩ miền Bắc.
Giao lưu với nhà báo Lê Bá Dương, tác giả bài thơ khắc trên bến sông Thạch Hãn:
Đò lên Thach Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Rời Quảng Trị, đoàn tiếp tục theo vào Huế. Tới nơi tham quan luôn chùa Thiên Mụ.
Từ cửa chùa, phong cảnh sông Hương rất nên thơ nhất là khi có chút sương mù buổi chiều muộn...
Phong cảnh sông Hương
Kinh thành Huế cùng với các quần thể di tích khác của cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11 tháng 12 năm 1993
Cửa Ngọ Môn
Tối hôm đó, chúng tôi nghỉ lại tại Huế.
(Còn nữa)
Quá hay!
Trả lờiXóa