Ngôn và luận, bài 3/c

N-L 3/c

(Tiếp theo N-L 3/b)


Hiện nay đã hình thành một bộ phận phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bộ phận này tập hợp không ít những nhà trí thức lớn tuổi, có học hàm học vị chuyên môn cao, có tiếng tăm, nên cũng lôi kéo được một số ít người trong giới trí thức trẻ. Phản biện không xấu, phản biện đến mức gay gắt cũng không xấu, thậm chí lại cần thiết, miễn thực tâm muốn xây dựng, bất vụ lợi, biết lắng nghe và tiếp thu lại ý kiến từ phản biện của phản biện, cũng như biết tự phản biện. Thực tế thời gian qua cho thấy có nhiều những ý kiến phản biện xã hội rất chí lý, rất sâu sắc và cũng rất kịp thời (còn chính phủ có nhìn nhận ra điều đó không lại là chuyện khác!). Nhưng dần dà, nhất là trong thời gian gần đây, có thể là do quá bức xúc trước những hiện tượng lợi dụng pháp luật, quyền lực để trục lợi, làm điều trái ngang, thất đức trong xã hội, cũng có thể là do nhà nước thực sự lúng túng, kém năng lực trong việc triệt phá tham nhũng, tiêu trừ nạn hoạnh họe bắt chẹt người dân để "ăn tiền" một cách vô sỉ, nhẫn tâm của nhiều kẻ hành nghề y, nhà giáo, của các nhân viên công lực, tồn tại "nhan nhản" hầu như "bô bô, việc gì mà xấu hổ" ở các cơ quan công quyền tầng địa phương từ tỉnh đến phường xã, nhất là nạn dựa vào luật để "mãi lộ" của lực lượng cảnh sát giao thông trên mọi tuyến quốc lộ, phổ biến đến mức "ai cũng biết"..., lại suy diễn sa đà ra thành chuyện chính trị trong khi trình độ nhận thức triết học còn hạn chế, thiếu tính biện chứng lịch sử, dựa trên những luận cứ mơ hồ, hàm chứa lầm lạc, cho nên bộ phận trí thức phản biện đã đưa ra không ít những nhận định, chỉ trích có phần "quá lố" kiểu "vơ đũa cả nắm", "chụp mũ", "đổ vấy" toàn bộ trách nhiệm cho cái thiết chế cộng sản với Đảng độc quyền lãnh đạo của nhà nước Việt Nam, từ đó nêu ra luận điểm trước mắt phải loại bỏ sự độc quyền lãnh đạo của Đảng rồi tiếp đến là xây dựng một chế độ đa nguyên đa đảng có thiết chế nhà nước kiểu dân chủ hay cộng hòa nào đó coppy (tất nhiên rồi!) từ phương tây. Theo ý chí đó thì cũng coi như mặc nhiên "trở cờ", gia nhập đám nuôi lòng hận thù thâm căn cố đế đến tận xương tủy, đến ngu muội cái khái niệm "cộng sản" mà giờ đây chỉ còn như một thuật ngữ thuần túy hình thức, một nhãn mác "đã gần" mất hết nội dung, thậm chí mù quáng đóng luôn cái vai trò "đội quân tiên phong" trên mặt trận lý luận của đám ấy, vì ít ra, ở mức độ nhất định, đã cùng chung một mục đích với đám ấy, và hơn nữa (vô hình dung) là đồng lòng với đám ấy: kết tội Đảng cộng sản Việt Nam và qua đó, đồng thời cũng hòng bôi xóa niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà nhân dân thế giới đã thừa nhận. Làm như thế đã có thể gọi là phản động, vong ân bội nghĩa được chưa? Bây giờ mà hỏi bất cứ con dân Việt Nam nào chỉ cần biết sơ bộ về lịch sử nước nhà rằng có khinh ghét những hạng người như Trấn Di Ái, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Tự Đức,... không(?), thì có lẽ trăm người như một đều trả lời khẳng định. Ấy vậy mà vẫn có những nhà trí thức yêu nước trong số đó đang trên bước đường theo vết xe đổ mà không hay biết, thế mới lạ kỳ!

Phải thừa nhận rằng, thực sự tồn tại trong một thời gian dài cho đến tận hiện nay, hiện tượng lạm dụng chức quyền, lợi dụng chủ trương, chính sách, qui định (phần nhiều là đúng nếu công tâm thực thi) của chính phủ để "tham quan lại nhũng", "móc ngoặc tư lợi" đã ở mức độ là vấn nạn của xã hội Việt Nam. Chính vấn nạn này đã trực tiếp vừa làm cho "dân nghèo nước yếu ", vừa bao che, dung túng, hơn nữa là làm nảy sinh thêm những vụ việc, những hoạch định (nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến xây dựng cơ bản, đến đất đai) "núp bóng" dưới danh nghĩa phục vụ lợi ích cộng đồng nhưng thực chất chỉ nhằm "bày ra" với mưu đồ đục khoét, thâu tóm, kiếm lợi để tư hữu một cách bất chính, cho nên cũng phơi bày ra nhiều tàn nhẫn, bất công đối với dân chúng, và thêm nữa, nguy hiểm hơn, đóng vai trò "đầu têu", "khuyến khích", làm tăng tốc độ tích tụ tư bản, tăng tốc độ giãn cách giàu nghèo, đồng thời cũng làm tăng tốc độ băng hoại về đạo đức đang lan rộng trong xã hội.

Vấn nạn đó có ai biết không? Có! Dù có thể nhiều người chưa thấy hết được nguồn gốc sâu xa phát sinh ra nó cũng như tầm tác hại (ngấm ngầm nhưng) ghê gớm của nó trong không gian và thời gian, thì người dân Việt Nam nào cũng biết. Vậy thì tại sao quần chúng cần lao, đối tượng đầu tiên và cũng là cuối cùng bị xâm hại quyền lợi bởi vấn nạn đó vẫn tỏ ra im lặng, nhẫn nhịn? Phải chăng là vì họ còn thiếu một đội ngũ tiên phong lãnh đạo? Hoàn toàn không phải! Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam đã thấy, đã rất trăn trở, đã công khai nói ra vấn nạn đó và không hề thờ ơ, vẫn đang nỗ lực suy tư lý luận đồng thời với việc đề ra những biện pháp (được cho là khả dĩ) tiêu trừ vấn nạn đó, làm trong sạch bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương (dù hiệu quả cho đến nay vẫn chưa được như ý muốn!). Không phải chỉ có một động thái đó, nhưng với một động thái đó thôi cũng chứng tỏ được nhiều điều làm cho quần chúng nhân dân nói chung vẫn yên tâm làm ăn, vẫn yên lòng chờ đợi. Thực tế hiện nay cho thấy bộ phận trí thức phản biện theo hướng cực đoan, duy ý chí, tưởng giải quyết vấn nạn nêu trên bằng cách thay đổi thể chế nhà nước hiện hành là chí lý, đã ra sức tuyên truyền, hô hào, lôi kéo đến "rã bọt mép" mà đại chúng hầu như chẳng ai chịu theo, vẫn "hồn nhiên" sống với những hồ hởi, lo toan "sát sườn" của họ, với những vui buồn thường nhật của đời người. Vài trí thức hãnh tiến thái quá trong bộ phận phản biện quá khích, thấy vậy bức bối đổ thừa dân chúng Việt Nam là "ngu lâu dốt bền", là "thùng rác". Phán thế chẳng khác nào chửi dân tộc, dòng giống tổ tiên, ông cha mình. Thật hỗn xược! Nhưng thôi, không nên chấp nê làm gì vì chỉ là chuyện nhỏ. Đây mới là chuyện lớn đầy đau buồn: chỉ vì nhận thức triết học về xã hội còn hạn chế (đây là "lỗi" của thời đại chứ không phải của riêng ai!!!), lại thêm nỗi bức xúc đến độ mất bình tĩnh bởi sự tác động của những hiện tượng tiêu cực, bất nhẫn xảy ra không ít trong xã hội, nên cũng có cái nhìn lệch lạc dần về chính trị mà bộ phận phản biện quá khích, từ những ý kiến đưa ra lúc đầu có tính xây dựng tích cực, hữu ích và cũng đích đáng trong chừng mực, tiến dần đến những ý kiến bài bác, đả phá đầy ác ý toàn bộ chế độ mà ngộ nhận, đinh ninh như thế là đúng, là vì dân. Sự thái quá đó, rất "bất cập", vừa làm giảm tác dụng tích cực của phản biện, vừa làm xã hội phần nào rối loạn thêm. Nhưng dù sao, nói cho cùng thì hầu hết những nhân sĩ, trí thức thuộc bộ phận ấy, nhất là những bậc lớn tuổi, cũng xuất phát từ lòng yêu nước thương dân, thành tâm mong sao cho dân giàu nước mạnh. Xét về mặt nhân cách cá nhân thì các vị nhân sĩ trí thức lớn tuổi ấy cũng là những con người khả kính, đức độ, có lối sống lành mạnh và thực sự là những tài năng đất nước trong chuyên môn của họ. Vô cùng tiếc khi họ tự làm suy giảm thanh danh của mình trước hậu bối, đến nỗi bị bộ phận phản biện của phản biện gọi là "rận chủ, chấy thức". Dù sao thì cũng không nên gọi toàn bộ họ như thế, vì gọi như thế là "đánh đồng", "phủ nhận sạch trơn", thiếu mã thượng và cũng chính là một biểu hiện của sự quá khích, ít nhiều làm sứt mẻ tinh thần tôn sư trọng đạo, làm yếu đi khả năng hòa giải hòa hợp dân tộc. Bài học lớn rút ra từ sự ứng xử sai lầm của Đảng cộng sản Việt nam trong quá khứ vẫn còn đây: trong tình thế "nước sôi lửa bỏng" việc kiên quyết trấn áp lực lượng phản cách mạng nhằm giữ vững chính quyền, củng cố sức mạnh bạo lực để tiếp tục công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là đương nhiên và cũng tối cần thiết, nhưng do nhận thức thiếu tự chủ, cực đoan, duy ý chí, siêu hình về chuyên chính vô sản, về vấn đề giai cấp cũng như về phân biệt bạn-thù, ta-địch mà phần nào đã (vô tình) xa rời truyền thống nhân hậu, vị tha của dân tộc, vì vậy, trong hành động đã tỏ ra có phần quá quắt, bất nhẫn, gây ra không ít oan sai, uất ức và qua đó không nhiều thì ít gây ảnh hưởng trái chiều đối với tinh thần, chủ trương hết sức đúng đắn và sáng suốt được lãnh tụ Hồ Chí Minh nêu ra cũng như đã thực hiện ngay từ buổi đầu giành chính quyền, đó là trấn áp đi liền với vấn an trên nền tảng hòa giải hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc, nghĩa là lấy giáo dục, khuyên răn, thuyết phục trên tinh thần đồng cảm làm biện pháp chủ yếu, trừng trị chỉ là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng. Hiện nay trên mạng Internet đã hình thành tương đối rõ nét sự đấu tranh nội bộ (vì cùng chung một mục đích duy nhất và tối hậu là tìm cách chấn hưng đời sống kinh tế-xã hội, làm cho dân giàu (chứ không phải quan giàu!) nước mạnh(chứ không phải nhóm lợi ích mạnh!)) giữa hai lực lượng biện hộ xã hội và phản biện xã hội, dưới dạng "khẩu chiến", "bút chiến", nghĩa là đã có tính căng thẳng. Nói chung, như thế cũng tốt, thậm chí là rất tốt cho Đảng và Nhà nước, vì từ đó đã và đang xuất hiện những đánh giá tình hình, những góp ý xây dựng có tính lý luận cao, rất sâu sắc, rất thiết thực (không phải chỉ do những bậc trí giả có tiếng tăm mà cả do những "thất phu hữu trách", những "con dân tha hương" đề xuất).
Tuy nhiên, dù có căng thẳng và gay gắt đến mấy thì mọi người, những ai tham gia "cuộc chơi" đó nên "thấm thía" và "thấm thía" hơn nữa lời nhắn nhủ chí lý chí tình của tổ tiên ông bà:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn",

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng"...


Nhắc lại, "Đấu tranh sinh tồn" là qui luật tự nhiên cơ bản của thế giới sinh vật, trong đó gồm cả xã hội loài người. Đóng vai trò như một hệ quả rút ra từ qui luật này nhưng chỉ thể hiện rõ rệt trong đời sống xã hội loài người nên cũng mang màu sắc đặc thù coi như chỉ ở loài người mới có, đó là nguyên tắc có tính phổ biến: ở đâu có bất công, bóc lột, áp bức, ở đó có bất bình, phản kháng, đấu tranh. Quần chúng nhân dân là nền tảng của một xã hội, là căn bản của một đất nước. Đó là lực lượng to lớn, tiềm ẩn sức mạnh vô địch, nhưng lành tính, ít bị biến động, khích động trước ảnh hưởng của các hiện tượng, sự cố thông thường xảy ra trong xã hội (tương tự như đại dương với những biến cố cục bộ xảy ra trong lòng nó). Lịch sử nhân loại cho phép nhận định rằng dù ở thời nào và ở nước nào cũng vậy, yêu cầu tối hậu duy nhất mà cũng giản dị của quần chúng nhân dân là được sống trong no đủ nhờ yên ổn làm ăn. Vì thế mà nói chung, dân chúng không mấy quan tâm đến chính trị. Đối với họ, sống dưới thể chế nhà nước nào cũng được, miễn cái yêu cầu sát sườn có tính sống còn ấy được đáp ứng, đảm bảo. Khi cái yêu cầu sát sườn có tính sống còn và đồng thời cũng chính là quyền sống cơ bản ấy đã không được thỏa mãn mà còn bị ngăn trở, bị xâm phạm ngày một nặng nề (nghĩa là bị áp bức bóc lột ngày một thậm tệ), uy hiếp rõ rệt đến khả năng sống còn thì cái khối nền tảng quần chúng ấy mới phản ứng theo trình tự từ ôn hòa (khiếu kiện, nhờ pháp luật giải quyết) đến quyết liệt (chống người thi hành công vụ, chống chính quyền), từ tự phát lẻ tẻ đến tự giác rộng khắp. Đó là quá trình vạn bất đắc dĩ phải tự thân đứng lên hành động của người dân "thấp cổ bé họng" nhằm bảo vệ quyền sống cơ bản, phúc lợi được hưởng từ thành quả lao động chính đáng của mình (nên cũng chứa đựng ở mức độ nhất định tính "có lý"), thế thôi chứ hành động tự thân đó chẳng hề có một mục đích chính trị nào (như nhiều người lầm tưởng hoặc cố ý gán ghép, thổi phồng). Sự hình thành và phát triển cái quá trình bất mãn, đi đòi được đảm bảo quyền sống cơ bản đó đồng thời cũng là quá trình tự phát xuất hiện những con người, những bộ phận thuộc tầng lớp nhân sĩ trí thức có trình độ lý luận nhất định, trên tinh thần yêu thương đồng loại, đứng về phía những người dân "bị xử ép" công khai phản biện, trưng ra những yêu sách (dù có thể hợp lý hay chưa hợp lý, dù thậm chí là sai lầm) nhằm giải quyết bất công. Đối với một nhà nước không những không giải quyết rốt ráo và hợp tình cuộc đi đòi quyền sống cơ bản đó theo hướng ưu tiên vì dân, mà còn bảo thủ, thực thi pháp luật thiếu uyển chuyển, thiếu nhân đạo (nên nhớ: luật pháp bao giờ cũng siêu hình và luôn bị kẻ xấu lợi dụng tính siêu hình ấy, và ở đời, mấy ai được như Bao Công???), tệ hơn nữa, lại chọn cách sử dụng bạo lực, lấy "phạt vạ", cưỡng chế, trấn áp làm phương thức giải quyết chủ yếu và thường xuyên, thì sớm muộn gì nó cũng sẽ làm hình thành nên một đội ngũ tập trung những con người ưu tú của quần chúng gồm phần lớn là nhân sĩ trí thức tình nguyện xả thân, dần đồng thuận về tư tưởng, thống nhất về mục đích hành động, đóng vai trò tiên phong dẫn dắt quần chúng lên đường tranh đấu với nó. Lúc đó cũng chính là lúc phong trào đấu tranh đòi quyền sống cơ bản có tính thuần túy dân sự bắt đầu chuyển biến lên thành cuộc đấu tranh chính trị, đòi "cải tổ" và ở mức cao hơn là đòi "giải tán" nhà nước cũ, xây dựng nhà nước mới "biết điều" hơn (hơn nữa,ở mức đòi hỏi cao nhất của ý chí về chính trị thì nhà nước mới cũng có thể được thành lập theo một thiết chế mới, dù chưa chắc "hay" hơn thiết chế cũ!). Hoạt cảnh phổ biến dễ nảy sinh ra từ mối quan hệ giữa thống trị và bị trị, đồng thời cũng là bài học chung nhất, cơ bản nhất đối với mọi nhà nước trong công cuộc "trị vì" sao cho quốc thái dân an, rút ra từ lịch sử nhân loại, có lẽ là như vậy. (Và nếu đúng như vậy thì phải quan niệm lại vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa cộng sản!)

Nhận định một cách khách quan nhất thì nhà nước nào, theo thiết chế nào, dù "thích" hay không "thích", trực tiếp hay gián tiếp, tự giác hay không tự giác, mức độ nhiều hay ít, nếu muốn duy trì sự tồn tại của bản thân nó, thì trong hoạt động cai trị của nó phải "chừa đường sống" cho quần chúng cần lao. Nghĩa là một nhà nước dù có bạc bẽo đến mấy, ác độc đến mấy, tham tàn đến mấy thì cũng hàm chứa một cách tất yếu trong mục tiêu cai trị của nó tính "vì dân". Bởi vì quần chúng cần lao là nguồn gốc phát sinh ra nhà nước, là bệ đỡ cho nhà nước tồn tại và đồng thời là môi trường dung dưỡng nhà nước. (Một nhà nước, nếu muốn, có thể làm tiêu vong nhân dân của một nước khác nhưng dứt khoát không dám, mà cũng không thể trực tiếp ra tay làm tiêu vong nhân dân của nó!). Cho nên tiêu chí cơ bản, chính yếu và đích đáng để xét một nhà nước là tốt hay xấu, là thiện hay ác đối với nhân dân - lực lượng nền tảng cưu mang nó đồng thời cũng là đối tượng cai trị của nó - không phải là ở chỗ nó có hình thức thiết chế nào mà là tính vì dân của nó được thể hiện ra như thế nào, không phải là ở chỗ nó có mang nhãn mác vì dân hay không mà ở chỗ mức độ và hiệu quả hoạt động vì dân của nó đạt đến đâu trong thực tế. Nói thêm, một nhà nước chủ trương vì dân nhưng trong thực tiễn hoạt động vì dân không hiệu quả thì vẫn chưa thể đánh giá là "nhà nước vì dân" được.

Xã hội xã hội chủ nghĩa là hình mẫu xã hội được hình dung bởi các nhà lý luận mác-xít hàng đầu. Trong xã hội ấy, với sự điều hành của nhà nước cộng sản (hay còn gọi là nhà nước xã hội chủ nghĩa và hiển nhiên nhà nước này chỉ có mục đích và hành động duy nhất, trực tiếp vì dân, cũng như toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân) sẽ không còn hiện tượng người áp bức bóc lột người và hơn nữa, ai cũng được "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu", được sống hồn nhiên trong một cộng đồng đầy lòng nhân ái (các nhà mác-xít có phân biệt hai hình thức là xã hội xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa, nhưng thực ra, chúng chỉ khác nhau về trình độ sống chứ bản chất thì như nhau!). Hình mẫu đó không phải là kết quả của sự mộng mơ có tính viển vông vô lối và tùy tiện mà là kết quả suy tư logic của những bộ não tư duy triết học thuộc hàng kiệt xuất của nhân loại, nghĩa là hình mẫu đó được "bảo hộ" bởi một hệ thống lý luận vững chắc đến độ ngày nay khó có ai có thể trên phương diện lý thuyết và xét về mặt triết học, phản bác được một cách "gãy gọn", rành mạch và có hệ thống. Thế thì tại sao cái hình mẫu quả thực là tươi đẹp và "rất sát" với thực tiễn nói trên lại không trở thành hiện thực được sau ngót 50 năm ra sức xây đắp của Liên-xô, nước đầu đàn có tiềm lực kinh tế mạnh nhất trong phe xã hội chủ nghĩa? Rất nhiều nhà tư tưởng đã đề cập đến vấn đề này, đã đưa ra nhiều luận giải, đúng có, sai có, nhưng mới chỉ "bó hẹp" trong những phạm vi, mức độ, lĩnh vực nhất định và có lẽ cũng mới chỉ xem xét ở những tầng nấc chưa đủ sâu, còn thuộc phần (tạm gọi là) "bề nổi". Tôi cho rằng dứt khoát phải có một nguyên nhân, đóng vai trò là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, như kiểu "gót chân asin", dẫn đến việc trong thời đại ngày nay, như đã thấy, xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ mới tồn tại dưới dạng hình mẫu lý tưởng chứ chưa thể triển khai thành hiện thực được (có lẽ phải đợi đến chí ít là ba thế kỷ nữa, tức là hiện thực chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xuất hiện, trong trường hợp sớm nhất, đâu đó ở thế kỷ XXIV!).

Nghiên cứu để thấu tỏ cái nguyên nhân cốt lõi ấy là cả một đề tài rộng lớn, tốn nhiều thời gian và cũng đòi hỏi nhiều công phu, vì phải bắt đầu lại ngay từ những khái niệm cơ bản nhất, những quan niệm nền tảng nhất, đóng vai trò là những viên gạch đầu tiên xây dựng nên hệ thống lý luận của chủ nghĩa cộng sản. Bài viết này không có mục đích ấy, hơn nữa, vì khả năng có giới hạn nên người viết cũng không có tham vọng thực hiện công việc đầy khó khăn đó mà xin nhường lại cho các nhà tư tưởng, các nhà triết học trẻ. Tuy nhiên, người viết cũng mạo muội nêu ra đây vài ý kiến sơ lược nhằm (may ra) góp ích gọi là chút ít gì đó cho việc định hướng nghiên cứu, nhưng quan trọng hơn là trưng ra một phản biện xây dựng nữa, của một "thất phu hữu trách" nữa, cho Tổ Quốc yệu thương, cho Nhà nước Việt Nam hiện hành, một nhà nước, nói theo lời Nguyễn Trãi: "Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu"!

(Còn tiếp)