2 Thủ tướng bơi thuyền Hồ Tây - hameok6 ST
Thứ Hai, tháng 12 06, 2010
2 Thủ tướng bơi thuyền Hồ Tây
hameok6 ST
Câu chuyện do GLADUNỐP ÉPGHÊNHI PAVLÔVÍCH kể lại. Ông là Phó tiến sĩ kinh tế, cố vấn ngoại giao cấp 1, viện sĩ Viện Hàn lâm quốc tế các công trình nghiên cứu hệ thống.
Từ năm 1963 đến năm 1965 là tuỳ viên, sau đó là Bí thư thứ ba, và từ năm 1974 đến năm 1978 là Tham tán công sứ của Sứ quán Liên Xô tại Việt Nam.
Chuyện xảy ra vào một trong những ngày diễn ra cuộc viếng thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Côxưghin đầu tháng 2-1965.
Buổi trưa đã diễn cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhưng buổi chiều thì không có hoạt động nào trong chương trình làm việc. Hồi ấy vị đứng đầu Chính phủ Liên Xô và những nhân vật tháp tùng ông đã nghỉ tại Phủ Chủ tịch ở trung tâm thành phố Hà Nội. Hôm ấy tôi là đại diện của Sứ quán ngồi trực tại đó. Sau bữa trưa mọi người đi nghỉ. Tôi bước ra ngoài hành lang và suy nghĩ xem lấp chỗ trống trong chương trình như thế nào. Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng chân phía sau lưng, tôi ngoảnh lại và trông thấy ông A. N. Côxưghin. Ông cho biết không muốn ngồi trong phòng, tỏ ý muốn đi dạo quanh vườn bao quanh Phủ Chủ tịch.
Vì Thủ tướng Liên Xô sau bữa trưa muốn nghỉ ngơi, cho nên tất cả các nhân vật Liên Xô tháp tùng ông và các đồng chí Việt Nam cũng tỏa về các phòng của mình hoặc đi làm việc Tôi tìm cách can ngăn ông A. N. Côxưghin không đi dạo hoặc chí ít cho phép tôi gọi ai đó trong đội bảo vệ đến. Ông trả lời rằng không nên làm phiền mọi người, rồi bảo tôi đi dạo cùng ông. Dĩ nhiên, tôi không thể tranh cãi với Thủ tướng. Thế là chúng tôi đi tham quan khu vườn.
Ở cổng ra của khuôn viên, tại cái gọi là Cổng Đỏ, nơi có trụ sở của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chúng tôi trông thấy xe ôtô của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lúc ấy ông trở về làm việc sau bữa trưa. Khi vừa trông thấy chúng tôi, ông bước ra khỏi xe và lấy làm ngạc nhiên hỏi vị đồng nhiệm Liên Xô: "Tại sao đồng chí vi phạm chế độ nghỉ ngơi? Cuối buổi hội đàm đồng chí có nói rằng sau bữa trưa đồng chí sẽ nghỉ trưa cơ mà”
A. N. Côxưghin đáp lại rằng ông muốn nghỉ ngơi một cách tích cực và tìm hiểu đôi chút về Hà Nội. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị cùng trò chuyện với ông. Thế là cả hai vị Thủ tướng đã đi về phía Hồ Tây. Trên đường đi, tất cả các nhân vật được gọi là các nhân vật hữu quan của phía Liên Xô và Việt Nam đều đuổi kịp chúng tôi.
Trong đống giấy tờ lưu trữ riêng của tôi còn lưu giữ một tấm ảnh nghiệp dư khổ nhỏ, ghi lại cuộc đi dạo ấy. Còn có một tấm ảnh như thế đã được công bố nhiều năm về trước trên một tạp chí nào đó của Liên Xô.
Chúng tôi đi dạo dọc đường Thanh Niên (tôi nghĩ, đó là tên gọi con đường ngăn cách hai hồ. Con đường này đã được đắp lên từ thời xưa theo lệnh của một ông vua thích đi dạo quanh hồ vào những buổi chiều). Ông Phạm Văn Đồng đã kể cho vị khách về lịch sử của thành phố và của hồ này. Khi chúng tôi tiến gần nhà thuyền mới được xây dựng, ông đã nhắc tới nó và nói rằng hiện chưa có nhiều thuyền, nhưng nam nữ thanh niên rất thích bơi thuyền trên hồ.
A. N. Côxưghin (ông vốn ưa thích bơi thuyền, thích thực hiện những chuyến đi bộ đường dài và nói chung, theo tôi nghĩ, là một người ưa thể thao) đã rất chăm chú nghe những lời kể đó và đã lập tức đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng bơi thuyền trên hồ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng là một người ưa thể thao, và người ta bảo rằng hồi trẻ ông đã từng là cầu thủ trong đội tuyển bóng đá của Đông Dương. Một phút suy nghĩ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau đó đã vui vẻ ủng hộ sáng kiến ấy. Nhưng những người tháp tùng hai vị Thủ tướng ấy thì chẳng hào hứng chút nào với sáng kiến ấy. Những lời khuyên can tập thể của chúng tôi về việc từ bỏ ý định bơi thuyền đã vô hiệu.
Hai vị thủ tướng say mê thể thao. Họ ngồi vào hai chiếc thuyền nhỏ, thuộc kiểu thuyền cá nhân (vào thời điểm ấy ở nhà thuyền này hoàn toàn chẳng có loại thuyền nào khác). Hai vị đã vui vẻ bơi thuyền. Đội bảo vệ đã lao tới chiếc canô cũ kỹ đậu gần đó. Rất lâu họ mới nổ máy được. Có mấy người nữa, trong đó có tôi, ngồi vào mấy chiếc ôtô vừa tới và đi xe dọc bờ hồ, về phía bên kia hồ. Nơi đó hồi ấy có những biệt thự của chính phủ và chờ đón hai vị thủ tướng bơi thuyền tới. Hai vị Thủ tướng đã bơi thuyền tới đó, tuy mệt nhoài nhưng rất vui. Họ lập tức lên xe và quay về nơi nghỉ. Trên đường hai vị đã trao đổi cảm tưởng về chuyến du ngoạn.
Tôi tin chắc rằng chuyến du ngoạn ngẫu hứng ấy đã có ảnh hưởng rõ rệt đến mối quan hệ sau này của hai vị thủ tướng - họ là những người bạn tốt.
Dù sao thì sau này, trong những cuộc gặp gỡ với ông tại Mátxcơva hoặc tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhiều lần nhắc đến cuộc dạo chơi ấy. Còn ông A. N. Côxưghin cũng nhắc tới cuộc du ngoạn ấy hồi tháng 9-1969 khi tôi cùng ông đến Hà Nội để tham gia Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>