Ngày đầu tôi nghỉ hưu - Nguyễn Duy Đảo





Hôm nay tôi viết tặng các bác một câu chuyện nhỏ, câu chuyện của chính tôi. Nếu "tiêu hoá"được thì các Bác cho mấy "Nhời" vào lời góp, gọi là có tí đông viên, để tôi phát huy. Tôi có nhiều chuyện "riêng tư" lắm, viết chủ yếu là để giải toả, thứ nữa là để lấy giấy lộn vỗ béo mấy bà ve chai, đúng như lời thằng con tôi nó hay xỏ xiên, vì nó là độc giả đầu tiên khi mỗi"Tác phẩm"của tôi ra đời. Tôi bắt đầu nhé.
Từ ngày nghỉ hưu tôi đâm sinh tật, sáng nào cũng dậy muộn, ngủ thì không được mà dậy thì chẳng muốn. Nằm trên giường tôi nghe tiếng vợ lầu bầu từ dưới bếp vọng lên: "Thế là sáng nay lại không có gì cho thằng bé ăn sáng, chỉ tại cái bếp ga chết tiệt, tự dưng lại dở chứng hết ga". Lục tục một hồi rồi vợ tôi đi làm. Gần bảy giờ tôi mới dậy, nhìn trên bàn thấy mảnh giấy của vợ để lại: "Anh ra quán ăn sáng rồi mua đồ ăn cho con, gọi nó dậy sớm, vì 8 giờ 30 sáng nay nó có giờ học đàn, đừng để cô giáo đến phải chờ. Anh gọi đại lý ga thay cho em bình ga mới, tiền em để trong ngăn kéo bàn phấn, trong phòng ngủ". Nhà tôi ít khi ăn uống ngoài quán, vợ tôi nói: "Ăn ở nhà vừa rẻ, vừa hợp khẩu vị lại vệ sinh, nhất là trong thời buổi an toàn vệ sinh thực phẩm bát nháo như hiện nay". Lạ thật, tôi cũng không hiểu bao nhiêu năm nay mà bà vợ tôi vẫn không làm sao quen được khẩu vị của người phương Nam là món ăn nào cũng phải cho đường. Gần 11 giờ thằng con tôi nhảy xe Bus lên nhà cô của nó, ăn trưa rồi đi học. Còn lại một mình tôi tha thẩn với lũ chó và dăm ba chậu cây cảnh. Buổi chiều ngồi đọc nốt cuốn sách, cuốn sách có tựa đề"Yêu thương và chết"mà vợ mới mua. Cuốn sách triết lý về sự sống và cái chết, càng đọc tôi càng ngộ ra nhiều điều. Tôi nhớ tới câu:"Mọi ngả đường rồi đều trở về La Mã". Trong chúng ta ai cũng biết điều đó, nó là quy luật, đã chấp nhận cuộc sống phải biết chấp nhận cái chết. Biết là thế mà không hiểu vì sao khi còn tồn tại trên cõi đời này người ta vẫn không chịu thương yêu lấy nhau. Quỹ thời gian mà tạo hoá ban tặng cho mỗi con người chỉ có bấy nhiêu. Chiến tranh, rồi những rủi ro trong hành trình sử dụng quỹ thời gian ấy nhiều người trong bạn bè của chúng ta không có điều kiện để sử dụng hết. Đứa thì hy sinh anh dũng trên chiến trường khi chưa biết thế nào là vị ngọt ngào nụ hôn người bạn gái, đứa thì bệnh tật bỏ lại khoảng thời gian còn lại của mình, mà muốn tặng, muốn cho bạn bè người thân mà chẳng được ... Mải mê đọc và suy ngẫm sự đời, tôi bỗng nghe thấy tiếng chuông đồng hồ, nhìn lên, thôi chết! Đã 4 giờ rồi, sực nhớ tới lời vợ dặn. Chiều nay đi làm về mà không có ga cho vợ nấu cơm thì bà ấy lại càu nhàu, điều mà trong nhà hai bố con tôi rất ngại và cố gắng né tránh. Tôi vội vàng gọi điện thoại cho đại lý ga. Nhanh thật, đúng là kinh tế thị trường, chỉ loáng một cái đã thấy nhân viên của đại lý chở ga tới. Nhân viên chở ga là một thanh niên, da trắng, cao, nét mặt thư sinh và đặc biệt có đôi mắt rất sáng, nói giọng xứ Nghệ . Tôi nghĩ chắc cậu này là sinh viên đi làm thêm để kiếm tiền trang trải học hành. Sau khi thay ga xong tôi cẩn thận hỏi lại:
- Cháu lắp van có chắc chắn cho chú không đấy?
Cậu nhân viên lễ phép:
- Chú yên tâm, cháu làm đúng quy trình kỹ thuật, công việc này tuy đơn giản nhưng sơ ý thì cũng nguy hiểm lắm.
- Hết bao nhiêu tiền hả cháu? Tôi hỏi.
- Dạ Chú cho con xin 245.000 đồng.
- Sao những ngần ấy tiền cơ à! Tôi giật thót người như phải bỏng và hy vọng là mình nghe không rõ.
- Liệu có nhầm không hả cháu? Tôi cố vớt vát hỏi thêm.
Cậu nhân viên giải thích:
- So với tuần trước tuần này giá ga có giảm, rẻ được 5000 đồng mỗi bình đấy chú ạ.
Tôi thẫn thờ quay vào phòng ngủ, thấy tờ giấy bạc màu xanh xanh trên bàn phấn, tôi cầm lấy đi ra đưa cho cậu nhân viên. Sau một thoáng chần chừ, cậu nhân viên nói:
- Thưa chú hết tất cả là 245.000 đồng ạ.
Lại không có tiền thối chứ gì , tôi nghĩ bụng. Lấy cái bóp trong túi quần (Tiền riêng của tôi) cẩn thận lôi hết tiền trong bóp bỏ ra bàn, "Miết" từng tờ tôi đưa cho cậu nhân viên 250.000 đồng, rồi nói:
- Cháu khỏi phải thối lại. Tiền thừa chú bồi dưỡng để cháu uống Cafe.
Nhận tiền xong, sau khi đếm lại cẩn thận cậu nhân viên vội vã nổ máy, rú ga vọt ra cổng, ngoái đầu lại không quên cảm ơn tôi.
Vừa đóng cổng tôi vừa lầm bầm: "Làm ăn mà cứ như chạy giặc ấy, thanh niên bây giờ làm cái gì cũng cứ ào ào, chạy như thế chẳng trách tai nạn giao thông ngày càng tăng cũng phải". Cậu nhân viên đi được một lúc tự nhiên tôi thấy chột dạ, có điều gì đó bất an, không yên tâm. Tôi vội vàng tìm mục kỉnh và mở ví tiền ra đếm lại. Tôi bỗng lặng đi, người lạnh ngắt, mồ hôi vã ra như phải cảm. Chết rồi! Thế là mình đưa nhầm tờ 500.000 đồng, mắt mũi kèm nhèm thế nào lại tưởng là tờ 20.000 đồng, chẳng trách lúc về tôi thấy cậu thanh niên vội vã thế. Tôi đã nhầm kiểu thế này mấy lần rồi. Bực mình về chuyện này mà đã có lần tôi liều, chầu chực ở văn phòng đoàn đại biểu quốc hội thành phố để kiến nghị. Tôi nói với các vị ấy là phải có tiếng nói trên diễn đàn quốc hội, đề nghị ngân hàng nhà nước phải thay đổi mẫu mã của đồng tiền hai mệnh giá này chứ không thì chết tụi mắt mũi kèm nhèm như bọn về hưu chúng tôi. Mất cả nửa tháng lương chứ chẳng chơi, tôi bức xúc lầu bầu tự trách mình.
Thế là tôi vội vàng xách xe máy lao vút đi. Tôi thề với các bác rằng, từ lúc tập toẹ sắm được "Con cá ươn", cho tới bây giờ lên đời được "Chú cánh én", chưa bao giờ tôi chạy xe máy nhanh đến như thế, mặc dù trước đó ít phút tôi đã chửi thầm cậu nhân viên vì tội chạy xe máy ẩu. Tìm mãi tôi mới thấy đại lý, cửa hàng lèo tèo, ọp ẹp, kiểu này không lừa đảo thì chắc cũng chẳng đứng đắn gì, tôi nghĩ bụng. Dừng xe trước cửa hàng tôi hỏi một cô gái có dáng nhân viên đang đứng soi gương tỉa lông mày phía sau quầy:
- Chào cô! Cô cho tôi gặp cậu nhân viên vừa đưa ga xuống nhà tôi.
Cô ta nói:
- Cậu ấy vừa đi ăn cơm chiều rồi chú ạ, có việc gì không chú?
- Tôi có chút việc riêng, muốn gặp cậu ta, tôi nói.
Cô gái tiếp:
- Chú đợi một chút cậu ấy đi ăn cũng sắp về rồi.
Nói đoạn cô gái đưa cho tôi chiếc ghế, mời tôi ngồi. Có tiếng xe máy, cô gái lên tiếng:
- Cậu ấy về rồi kia.
Tôi nhìn lên. Không phải cậu này, cũng cao cao nhưng sao da tái thế kia, mắt thì đùng đục như thằng nghiện, lại đảo qua đảo lại trông ra không phải người ngay. Tôi quay lại hỏi cô gái:
- Cửa hàng của cô có mấy nhân viên giao nhận?
- Dạ chỉ có một mình cậu ấy thôi, cô ta trả lời.
- Cháu chào chú, chú tìm cháu có việc gì không ạ? Giọng Nghệ tĩnh ấm áp, cậu thanh niên lên tiếng khi biết tôi đang chờ. Tôi chớp mắt đến mấy lần và giương mục kỉnh lên. Giọng nói này thì đúng là của cậu ta rồi, mình không thể nhầm được.
Tôi phủ đầu ngay, nhưng vẫn cố giữ được vẻ bình tĩnh:
- Khi thanh toán tiền ga, chú có đưa nhầm cho cháu tờ 500.000 đồng, cháu cho chú xin lại.
Cậu thanh niên ngạc nhiên và vội vàng lôi cái bóp lép kẹp trong túi quần ra kiểm tra. Tôi thoáng nghĩ, thằng này ranh thật, nó đã kịp chuồn về nhà trọ cất biến tờ 500.000 đồng của mình đi rồi. Cậu nhân viên thanh minh:
- Trong bóp của cháu chỉ có thế này thôi, chú kiểm tra lại xem.
Đúng thật trong bóp của nó chẳng có gì đáng kể, ngoài tấm thẻ sinh viên và mấy đồng bạc lẻ. Không lẽ tôi nhầm! Bọn sinh viên có kiến thức là chúng nó ranh ma lắm, phải cảnh giác. Tôi hỏi nó:
- Cửa hàng có máy điện thoại không?
- Dạ có chú ạ.
- Cho chú gọi nhờ.
- Chú cứ tự nhiên, cậu nhân viên có vẻ băn khoăn.
Tôi nhấc máy ấn số gọi cho vợ. Chẳng chào hỏi gì tôi nói: "Tờ 500.000 đồng em để trên bàn phấn trong phòng ngủ có đúng không?". "Chẳng có 500.000 đồng nào cả", vợ tôi trả lời. Rồi tiếp: "Tiền trả ga 245.000 đồng em đã để sẵn trong ngăn kéo bàn phấn trong phòng ngủ". "Thế 500.000 đồng trên bàn là của ai?" tôi lớn giọng. Vợ tôi nói: "em không biết". Quái nhỉ? Không lẽ "Giời" cho? Định thần một lúc tôi mới chột dạ. Thôi chết rồi bây giờ tôi mới nhớ. Vợ tôi để tiền học phí trả cô giáo dạy đàn Piano cho thằng con tôi trong phong bì kẹp ở cuốn sổ đầu bài. Hết giờ học thằng con tôi nó đưa cho cô giáo. Vì không có tiền lẻ nên vợ tôi để cả năm tờ 100.000 đồng trong phong bì. Sau khi kiểm lại cô giáo thối lại cho thằng con tôi tờ 20.000 đồng. Mỗi tuần cô giáo dạy một giờ, một tháng bốn giờ, tiền học một giờ là 120.000 đồng, vậy vị chi có phải là 480.000 đồng không, tôi nhẩm tính. Tờ 20.000 đồng thằng con đem vào phòng ngủ vứt trên bàn phấn, nó đã nói lại với tôi mà tôi quên béng nó mất. Cho nên lúc vào phòng lấy tiền trả, thấy tờ giấy xanh xanh trên bàn tôi lại cứ tưởng tiền vợ để lại trả tiền ga. Hèn chi lúc đầu tôi đưa trả tiền, cậu nhân viên lưỡng lự mãi, rồi lại còn mắng vốn cậu ta nữa chứ: "Đi giao hàng mà không chuẩn bị sẵn tiền lẻ để thối lại cho khách, bất tiện quá".
Mặt tôi đang tái, vì tức chuyện"mất tiền", chuyển dần sang đỏ vì mắc cỡ, biết nói thế nào đây với cậu nhân viên. Tôi đặt ống nghe xuống đi ra. Lúc này trước mặt tôi vẫn cậu nhân viên ấy, vẫn dáng cao cao, trắng trẻo, nét mặt thư sinh, nhanh nhẹn và vui tính, vẫn giọng Nghệ tĩnh ấm áp, khác hẳn hình hài "Méo mó"qua cái nhìn của tôi lúc trước. Tôi nói khẽ đủ để cậu ta nghe: "Chú xin lỗi cháu, mắt mũi chú kem nhèm quá nên chú nhầm, mong cháu thông cảm bỏ qua cho chú". Cậu nhân viên bình thản: "Không sao chú ạ, nhầm lẫn là chuyện bình thường thôi". Tôi vội vàng nổ máy xe, vào số, tăng ga vọt đi như trốn chạy, cũng vội vàng và nhanh như lúc tôi xuất phát từ nhà, chẳng còn thiết gì đến luật lệ giao thông nữa.